“Nầy con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10, 7)
1.- Mạnh mẽ trong đức tin
Tôi còn ghi khắc trong ký ức tôi những lời nói của Đức Hồng Y Stefan Wyszynski ngày 11 tháng 5 năm 1946: “Làm giám mục là mang lên mình cái gì có quan hệ với thánh giá, bởi vì Giáo Hội đặt để thánh giá trên ngực giám mục. Trên thánh giá, phải chết cho chính bản thân mình; nếu không như thế thì không có sự viên mãn của chức tư tế. Vác thánh giá lên mình không phải dễ dàng, cho dẫu thánh giá được làm bằng vàng và được nạm ngọc.“
Mười năm sau, ngày 16 tháng 3 năm 1956, Đức Hồng Y còn nói: “Giám mục có bổn phận phải hành động, không những bằng lời nói, bằng phụng vụ, mà còn bằng việc chấp nhận đau khổ nữa.”
Đức Hồng Y Wyszynski đã trở lại với những tư tưởng đó vào một dịp khác. Ngài nói: “Đối với một giám mục, thiếu dũng cảm là khởi đầu của sự thất bại. Ngài có thể tiếp tục là tông đồ không? Bởi vì đối với một tông đồ, làm chứng cho chân lý là điều thiết yếu. Và điều đó luôn đòi buộc sự dũng cảm.” (Zapiski wiezienne, Paris, 1982, tr. 251).
Những lời nói sau đây cũng của ngài nữa:
“Nhược điểm lớn nhất của tông đồ là sự sợ hãi. Đó là sự yếu kém về đức tin trong quyền lực của Thầy Chí Thánh. Chính sự yếu kém đó đánh thức dậy sự sợ hãi. Và sự sợ hãi bức bách con tim cùng bóp nghẹt cổ họng. Lúc bấy giờ tông đồ không còn tuyên xưng đức tin nữa. Họ còn là tông đồ không?
Những tông đồ rời bỏ Thầy mình khiến các tên đao phủ bạo dạn thêm lên. Người nào im hơi lặng tiếng khi đối diện với kẻ địch thù vì một lý do nào đó thì làm cho kẻ thù địch mạnh dạn thêm lên. Sự sợ hãi của tông đồ là đồng minh trước tiên đối với những kẻ thù nghịch. Công việc hàng đầu nằm trong sách lược của những kẻ nghịch đạo là ‘bằng sự sợ hãi, bắt buộc người ta phải im hơi lặng tiếng’.
Sự khủng bố mà hết mọi chính thể độc tài sử dụng được đo lường bằng sự sợ hãi của các tông đồ. Sự im lặng chỉ mang tính cách nghĩa khí tông đồ khi không xoay mặt đi trước kẻ vả mình. Đó là điều mà Đức Kitô đã làm khi Ngài im lặng. Nhưng qua dấu chỉ đó, Ngài chứng tỏ sức mạnh của Ngài. Đức Kitô không để cho người khác làm Ngài khiếp sợ. Sau khi đi ra giữa đám đông, Ngài đã dũng cảm nói với họ: ‘Chính tôi đây’” .
(Tài liệu đã trích dẫn, tr. 94).
Quả thật, người ta không thể xây lưng lại với chân lý, cũng không thể ngưng loan báo hay che giấu, ngay cả đối với chân lý khó khăn mà sự biểu lộ kèm theo một sự đau khổ lớn lao. “Các ông sẽ biết sự thật và sự thật sẽ giải phóng các ông” (Gio 8, 32) – đó là trách nhiệm của chúng ta và cũng một trật là điểm tựa của chúng ta!
Như thế, không có khoảng trống dành cho việc đành phải làm theo, cũng không có phương sách cơ hội chủ nghĩa thuộc cách xử sự khôn khéo của người đời. Phải làm chứng tá cho chân lý, ngay cả phải trả giá bằng việc bị bắt bớ, cho đến phải đổ máu mình ra, như chính Chúa Kitô đã làm và giám mục Stanislas ở Szczepanów là một trong những vị tiền nhiệm của tôi đã làm trong thời đại của ngài.
Chắc chắn chúng ta sẽ phải đương đầu với nhiều thử thách. Không có gì lạ thường hết. Điều đó thuộc về đời sống đức tin. Ở trong vài trường hợp, những thử thách chỉ nhẹ nhàng, ở những trường hợp khác thì khó khăn hơn nhiều và ngay cả bi đát nữa.
Trong những thử thách, chúng ta cảm thấy đơn độc, nhưng không bao giờ ân sủng của Chúa bỏ rơi chúng ta, ân sủng của một đức tin chiến thắng. Chính vì thế, chúng ta có thể cương quyết dự kiến vượt lên trên mọi thử thách một cách khải hoàn, ngay cả những thử thách cam go nhất.
Vào năm 1987, ở Westerplatte thuộc Gdansk, khi đề cập đến điều đó với giới trẻ Ba-lan, tôi đã nhắc tới nơi chốn đó như là một biểu tượng hùng hồn của lòng trung tín trong thời điểm bi thương. (Westerplatte là một bán đảo ở về phía bắc thành phố lịch sử Gdansk độ 7 cây số.)
Chính ở nơi đó, vào ngày 1 tháng 9 năm 1939, một nhóm binh sĩ trẻ tuổi người Ba-lan gồm 180 người, trong khi chiến đấu chống lại tàu thiết giáp của quân đội xâm lăng Đức quốc xã là Schleswig-Holstein mà vũ lực và những phương tiện chiến đấu trổi vượt rõ rệt, đã đương đầu với thử thách vô bờ bến đó bằng cách cung hiến một chứng tá hiển hách của lòng quả cảm, kiên trì và trung tín. Trận đánh đó đã mở màn cho Đệ Nhị Thế Chiến.
Tôi đã dẫn chứng điều đó, bằng cách mời gọi trước tiên những người trẻ suy nghĩ chín chắn về tương quan giữa ‘sống hơn lên’ và ‘có nhiều hơn lên’, và tôi đã cảnh báo họ: “Đừng bao giờ chỉ nhằm thắng thế để ‘có được nhiều hơn’. Bởi vì lúc bấy giờ con người có thể đánh mất điều cao quí nhất: đó là tình nhân loại, lương tâm và phẩm cách của mình.”
Trong viễn tượng đó, tôi đã khuyến khích họ: “Chúng con phải yêu sách điều đó nơi chính bản thân chúng con, cho dẫu người khác không yêu sách chúng con điều đó.”
Và tôi đã khai triển thêm: “Hởi các bạn trẻ, mỗi một người trong chúng con cũng phải tìm cho ra một ‘Westerplatte’ trong cuộc đời mình. Một chiều kích về những bổn phận phải đảm đương và phải chu toàn. Một lý do chính đáng mà người ta không thể không chiến đấu. Một bổn phận, một nghĩa vụ mà người ta không thể miễn trừ, không thể trốn tránh. Nói tóm lại, có một thứ tự thuộc những chân lý và những giá trị cần phải ‘duy trì’ và ‘bảo vệ’: ở trong mình và chung quanh mình. Vâng: phải bảo vệ cho mình và cho kẻ khác” (Ngày 12 tháng 7 năm 1987).
Con người luôn luôn cần những gương mẫu để bắt chước. Nhất là họ cần đến ngày nay, trong thời đại chúng ta đang bị lôi cuốn bởi biết bao sự xúi biểu thất thường và trái ngược.
2.- Các thánh ở Cracovie
Nhắc tới những gương mẫu nên bắt chước, không thể quên các thánh. Các thánh và các chân phước là quà tặng lớn lao biết bao đối với mỗi giáo phận! Tôi thiết nghĩ, đối với hết thảy các giám mục, thật cảm động lạ thường khi nêu lên gương mẫu những người nam và người nữ cụ thể, những người nổi bật bởi đức tính anh hùng, nuôi dưỡng bởi đức tin. Sự xúc động gia tăng khi những người đó đã sống những thời điểm gần gũi chúng ta.
Tôi vui mầng đã dấn thân vào những vụ án phong thánh cho những Kitô hữu lỗi lạc gắn liền với tổng giáo phận Cracovie. Tiếp theo sau đó, với tư cách là giám mục Roma, tôi đã có thể công bố những nhân đức anh hùng của họ và khi các vụ án đã hoàn tất, họ được ghi tên vào sổ bộ các chân phước và các thánh.
Trong thế chiến, khi tôi làm nhân công tại xưởng máy Solvay ở gần Lagiewniki, tôi nhớ lại đã nhiều lần đến bên phần mộ nữ tu Faustina, lúc bấy giờ chưa là chân phước. Tất cả những gì ở nơi chị thật đặc biệt, bởi vì không thể dự kiến nơi một thiếu nữ cũng giản dị như chị. Làm sao lúc bấy giờ tôi có thể tưởng tượng được là tôi sẽ phong chân phước cho chị trước và rồi sau đó phong thánh nữa?
Sau khi vào tu ở một đan viện tại Varsovie, chị được chuyển về Vilnius và cuối cùng ở Cracovie. Vài năm trước thế chiến, chính chị đã có thị kiến về Chúa Giêsu nhân từ đã xin chị trở thành tông đồ đối với việc sùng kính lòng Lân Mẫn Chúa, nhằm phổ biến rộng rãi trong Giáo Hội.
Nữ tu Faustina qua đời năm 1938. Kể từ đó, khởi đầu từ Cracovie, việc sùng kính đó đã đi vào quỹ đạo lớn của những biến cố có tầm vóc quốc tế.
Khi trở thành tổng giám mục, tôi đã giao phó cho một linh mục là giáo sư Ignacy Rózycki xem xét những bản viết của chị. Ban đầu ngài từ khước. Rồi cuối cùng, ngài đã chấp nhận và nghiên cứu tường tận những tài liệu sẵn có. Sau cùng, ngài tuyên bố: “Đó là một nhà thần bí tuyệt diệu.”
Sư huynh Alber – thầy Adam Chmielowski – đã chiếm một chỗ đặc biệt trong ký ức của tôi và hơn thế nữa, trong con tim của tôi. Thầy phải chiến đấu trong cuộc nổi loạn tháng giêng mà một viên đạn đã làm thầy bị thương nặng ở chân. Kể từ thời gian đó, thầy bị tàn phế và phải mang chân giả.
Đối với tôi, thầy là một khuôn mặt đáng kính phục. Tôi đã gắn bó với thầy rất nhiều về mặt tinh thần. Tôi đã viết một vở bi kịch về thầy với tựa đề “Sư huynh của Chúa”.
Nhân cách của thầy đã hấp dẫn tôi. Tôi thấy nơi thầy một gương mẫu thích hợp với tôi: thầy đã buông bỏ nghệ thuật để trở nên kẻ phục vụ những người nghèo – những “kẻ mặt mày lem luốc” như thời đó người ta thường gọi những người ăn xin. Tiểu sử của thầy đã giúp tôi rất nhiều trong việc từ bỏ nghệ thuật và kịch nghệ để vào tu học ở chủng viện.
Mỗi ngày tôi đều đọc Kinh Cầu các thánh của đất nước Ba-lan, trong đó cũng có ghi tên thánh Albert. Trong các thánh ở Cracovie, tôi cũng nhớ tới thánh Jacek Odrowaz là một vị thánh lớn của thành phố đó.
Thánh tích của ngài đặt để trong thánh đường các cha Đa-minh. Tôi rất năng đến nguyện đường đó. Thánh Jacek là một vị thừa sai vĩ đại: từ Gdansk, ngài đã di chuyển về hướng đông, cho tới Kiev.
Trong nhà thờ các cha dòng Phan-xi-cô, cũng có phần mộ chân phước Aniela Salawa, một gia nhân tầm thường. Tôi đã phong thánh ở Cracovie ngày 13 tháng 8 năm 1991. Cuộc đời của ngài là chứng cớ cho thấy công việc của một gia nhân, được hoàn tất trong tinh thần đức tin và hy sinh, có thể đưa tới sự thánh thiện. Tôi thường thăm viếng ngôi mộ của ngài.
Các thánh Cracovie, tôi xem các ngài như những vị bảo hộ tôi. Tôi có thể kể ra một danh sách thật dài: thánh Stanislas, thánh nữ hoàng Hedwig, thánh Gioan Katy, thánh Casimir hoàng tử của vua và những vị khác. Tôi tưởng tới các ngài và cầu xin các ngài cho đất nước tôi.
Các thánh nam nữ tử đạo
“Lạy Thánh Giá Chúa Kitô, con xin tán tụng,
tán tụng Thánh Giá Ngài luôn mãi!
Từ Thánh Giá Chúa phát ra quyền năng và sức mạnh,
ở nơi Thánh Giá Chúa là sự chiến thắng.”
(Krzyzu Chrystusa)
Tôi không bao giờ đeo thánh giá trên ngực một cách thờ ơ. Đó là một cử chỉ mà tôi thường kèm theo một lời cầu nguyện. Từ hơn bốn mươi lăm năm nay, thánh giá được để trên ngực tôi, bên cạnh quả tim tôi.
Yêu mến thánh giá có nghĩa là yêu mến sự hy sinh. Các thánh tử đạo là những mẫu mực đối với tình yêu đó, chẳng hạn Đức Cha Michal Kozal, được tấn phong giám mục ngày 15 tháng 8 năm 1939, hai tuần lễ trước khi Đệ Nhị Thế Chiến khai mào.
Ngài đã không bỏ rơi đoàn chiên của ngài trong cuộc xung đột, cho dẫu người ta có thể thấy trước cái giá mà ngài phải trả đối với điều đó. Ngài đã hy sinh mạng sống mình trong trại tập trung Dachau mà ở đó ngài đã trở thành mẫu mực và sự hỗ trợ tinh thần cho những linh mục bị làm tù binh như ngài.
Vào năm 1999, tôi đã có dịp phong thánh một trăm lẻ tám vị tử đạo là những nạn nhân của Đức Quốc Xã trong đó có ba giám mục: Đức Cha Antoni Julian Nowowiejski, tổng giám mục Plock, vị phụ tá của ngài là Đức Cha Leon Wetmanski và Đức Cha Wladyslaw Goral ở Lublin.
Cùng với các ngài cũng được nâng lên vinh dự bàn thờ những linh mục, nam nữ tu sĩ và giáo dân. Một sự kết hợp như thế trong đức tin, trong yêu thương và trong sự tử đạo giữa những mục tử cùng đoàn chiên tề tựu xung quanh thánh giá Chúa Kitô thật có ý nghĩa đặc biệt.
Linh mục Ba-lan – Thánh Maximilien Kolbe – là một gương mẫu được nhiều người biết đến về sự hy sinh bởi tình yêu trong trại tập trung Auschwitz, tự hiến mạng sống mình cho một tù nhân khác mà ngài không quen biết. Tù nhân đó là một người cha gia đình.
Còn có các vị tử đạo khác, gần gũi chúng ta hơn trong thời gian. Tôi muốn gợi lại với nhiều xúc động những cuộc gặp gỡ của tôi với Đức Hồng Y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận. Trong năm thánh đáng ghi nhớ 2000, ngài đã giảng Tĩnh Tâm tại Vatican.
Khi cảm ơn ngài về những bài suy niệm, tôi đã nói: “Chính ngài là chứng nhân Thánh Giá trong những năm dài ngục tù ở Việt-nam. Ngài đã thường kể lại những sự kiện và những giai đoạn trong thời gian đau khổ của ngài ở trong nhà tù. Và như thế, ngài đã xác tín một cách thật an ủi rằng, khi tất cả đều sụp đổ chung quanh chúng ta và cũng có thể ở trong chúng ta nữa thì Chúa Kitô là nơi nương tựa bất diệt” (ngày 18 tháng 3 năm 2000).
3.- Thánh Stanislas
Ở trong sâu kín của những khuôn mặt rạng rỡ thuộc các vị thánh Ba-lan, bằng đôi mắt con tim, tôi thấy nổi bật lên hình bóng vĩ đại của vị giám mục tử đạo là Thánh Stanislas. Như đã nhắc nhở, tôi đã dành trọn một bài thơ mà trong đó tôi đã gợi lại sự tử đạo của ngài. Khi đọc bài thơ đó thì hầu như nhìn vào một tấm kiếng soi lịch sử của Giáo Hội ở Ba-lan. Đây là vài đoạn của bài thơ đó:
1
Tôi muốn mô tả Giáo Hội – Giáo Hội của tôi
khai sinh cùng thời với tôi,
nhưng không chết đi với tôi –
và tôi không chết với Giáo Hội
vì Giáo Hội luôn trổi vượt lên tôi –
Giáo Hội: chiều sâu và đỉnh cao của bản thể tôi.
Giáo Hội: gốc rễ tôi bám trụ
trong quá khứ và trong tương lai,
Bí Tích của sự sống tôi trong Thiên Chúa là Cha.
Tôi muốn mô tả Giáo Hội – Giáo Hội của tôi
gắn liền với đất đai xứ sở tôi
(đã có chép: “tất cả những gì con ràng buộc dưới đất
sẽ được ràng buộc ở trên trời”) –
và đất đai xứ sở tôi gắn liền với Giáo Hội tôi.
Đất đai xứ sở tôi ở lưu vực sông Vistule
với những chi lưu nước trào dâng vào mùa xuân,
khi tuyết tan trong rặng núi Carpates.
Giáo Hội gắn liền với đất đai xứ sở tôi
bởi vì những gì ràng buộc ở đó
phải được ràng buộc trên trời.
2
Có một người mà ở nơi họ
đất đai xứ sở tôi biết được ràng buộc trên trời.
Có người đó, những người đó…
Ở thời nào, cũng có…
Nhờ họ, đất đai xứ sở thấy chính mình
trong bí tích của một cuộc sống mới.
Đất đai xứ sở là quê hương tôi:
bởi vì ở đó nhà Cha đã được cưu mang,
ở đó nhà Cha đã được phát sinh.
Tôi muốn mô tả Giáo Hội của tôi
qua một người với danh xưng Stanislas,
danh xưng được viết trong biên niên sử xa xưa nhất
bởi lưỡi kiếm của hoàng đế Boleslas.
Nhà vua đã viết tên đó trên nền đá hoa nhà thờ chính tòa
khi dòng máu đào phun ra.
3
Tôi muốn mô tả Giáo Hội của tôi qua tên gọi
nhờ đó dân chúng nhận lãnh thánh tẩy lần thứ hai,
một thánh tẩy bằng máu; để rồi sau đó được tùng phục,
và không chỉ một lần,
thánh tẩy của nhiều thử thách khác nhau –
thánh tẩy ước muốn mà ở trong đó
nhận ra hơi thở vô hình của Chúa Thánh Thần –
qua một Tên Gọi
cắm trên mô đất của sự tự do con người
ngay cả trước khi có tên gọi Stanislas.
4
Trên mô đất của sự tự do con người
đã nảy sinh Mình và Máu
bị đâm thâu bởi lưỡi kiếm nhà vua
ở chính con tim phát ra lời rao giảng của bậc tư tế,
bị đâm thâu ở đáy sọ,
bị đâm thâu ở trong thân mình còn sống…
Mình và Máu lúc bấy giờ chưa có thời giờ sinh ra –
lưỡi kiếm đã đâm thâu tới chất kim loại chén rượu lễ
và bánh thánh.
5
Có lẽ hoàng đế đã nghĩ: ngày hôm nay từ nhà ngươi
sẽ không còn nảy sinh Giáo Hội nữa –
sẽ không còn nảy sinh dân tộc nghe lời rao giảng
vì bị chịu hình phạt cả mình và máu;
Sẽ nảy sinh từ thanh kiếm, từ thanh kiếm của ta
mà giữa lưng chừng thanh kiếm,
sẽ xé tan những lời nói nhà ngươi;
sẽ phun ra dòng máu tuôn đổ…
Có thể nhà vua đã nghĩ như thế.
Nhưng hơi thở vô hình của Thần Trí Chúa
sẽ cùng một lúc củng cố
lời rao giảng bị chặt đứt và thanh kiếm:
cột xương sống bị chặt đứt,
đôi bàn tay đẫm máu…
Ngài phán: cùng nhau từ đây trở đi
chúng con sẽ bước đi,
không gì sẽ có thể chia lìa các con!
Tôi muốn mô tả Giáo Hội của tôi mà trong đó,
qua bao thế kỷ,
lời rao giảng và máu đào cùng nhau sánh bước,
được hợp nhất bởi hơi thở vô hình của Thần Trí Chúa.
6
Cỏ lẽ Satnislas đã nghĩ: lời nói của ta
sẽ cảm động nhà vua và sẽ hoán cải nhà vua;
ở trước cửa nhà thờ chính tòa,
nhà vua sẽ tới như hối nhân,
nhà vua sẽ tới, bị hao mòn vì chay trường,
bị xâu xé bởi chuỗi tiếng nói nội tâm…
Nhà vua sẽ tới gần bàn thánh Chúa,
như đứa con hoang đàng.
Lời rao giảng đã không cải hoán được,
Máu Đào sẽ hoán cải –
đối với vị giám mục,
có thể chưa kịp có thời giờ suy nghĩ:
hãy xa khỏi ta chén đắng nầy.
7
Trên mô đất tự do chúng ta thanh kiếm rơi xuống,
trên mô đất tự do chúng ta máu đào đổ xuống.
Trong hai điều đó, điều gì sẽ thắng thế?
Thế kỷ đầu đang hồi kết thúc
và thế kỷ thứ hai bắt đầu.
Hãy nắm VẬN MỆNH trong bàn tay chúng ta,
VẬN MỆNH của một thời điểm sẽ đến.
4.- Thánh địa
Đã từ lâu, tôi ôm ấp trong lòng điều ao ước được thực hiện một cuộc hành hương trên những bước đường của tổ phụ Abraham, bởi vì tôi đã đi hành hương nhiều nơi trên mọi phần đất thế giới. Đức Phao-lồ VI đã đến Thánh Địa khi ngài khởi hành lần đầu tiên.
Tôi muốn thực hiện chuyến đi đó vào năm thánh 2000. Sẽ phải bắt đầu từ Ur ở Chaldée, trên phần đất Irak hiện nay mà từ đó, đã rất nhiều thế kỷ, Thánh tổ phụ Abraham đã ra đi, đáp lại tiếng gọi của Chúa (xem Sáng Thế Ký 12, 1-4).
Rồi tôi sẽ có thể tiếp tục đi đến Ai-cập, theo những vết chân tổ phụ Môi-sen là đấng đã hướng dẫn dân Do-thái ra khỏi miền đất đó và đã đến dưới chân núi Sinai để nhận lãnh Mười Điều Răn như là nền tảng giao ước với Thiên Chúa.
Lúc bấy giờ tôi có thể thực hiện cuộc hành hương của tôi ở Thánh Địa, bắt đầu từ nơi Truyền Tin. Rồi tôi đi đến Bethléem là nơi Chúa Giêsu đã sinh ra, và ở những nơi gắn liền với cuộc đời và sứ vụ của Ngài.
Nhưng cuộc hành trình của tôi đúng ra đã không thực hiện được như tôi dự định. Tôi không thể thực hiện giai đoạn đầu, theo những vết chân tổ phụ Araham. Chỉ đó là nơi độc nhất mà tôi không thể tới, bởi vì chính quyền Irak không cho phép.
Vì vậy tôi tới Ur ở Chaldée bằng tâm trí, trong một buổi lễ được tổ chức theo ý đó trong sảnh đường Phao-lồ VI. Ngược lại, tôi đã đến được Ai-cập, ở chân núi Sinai, nơi mà Thiên Chúa đã mạc khải Thánh Danh Ngài cho ông Môi-sen. Tôi đã được các đan sĩ Chính Thống Giáo tiếp đón. Các thầy rất hiếu khách.
Kế đó tôi đến Bethléem, rồi Nazareth và cuối cùng ở Jérusalem. Tôi đã đến Vườn Cây Dầu, rồi Nhà Biệt Ly và dĩ nhiên là Núi Sọ ở Golgotha. Đó là lần thứ hai tôi đi viếng Thánh Địa. Tôi đã đến đó lần đầu trong tư cách tổng giám mục Cracovie, trong thời gian Công Đồng.
Ngày cuối cùng của cuộc hành hương năm thánh 2000, tôi đã dâng Thánh Lễ gần mộ Chúa Kitô, với vị quốc vụ khanh Tòa Thánh là Đức Hồng Y Angelo Sodano và với những thành viên khác của phủ Quốc Vụ Khanh.
Còn nói gì hơn nữa? Chuyến đi đó thật vĩ đại, một kinh nghiệm lớn lao. Thời gian quan trọng nhất của suốt cuộc hành hương chắc chắn là trạm dừng chân trên đỉnh Núi Sọ, đỉnh núi Chúa bị đóng đinh và gần Ngôi Mộ Chúa cũng là nơi Ngài đã phục sinh. Những tâm tư của tôi trào dâng trong xúc động, cũng như lần tôi thăm viếng Thánh Địa đầu tiên.
Lúc bấy giờ tôi đã viết:
“Hỡi nơi chốn, nơi chốn của Thánh Địa – đã chiếm một chỗ như thế nào trong tôi! Do đó tôi không thể dẫm lên đất đó dưới bàn chân tôi, tôi phải quì gối. Và như thế ngày nay chứng thật đất đó là nơi gặp gỡ. Tôi quì xuống – và như thế tôi đã đóng ấn.
Đất đó sẽ tồn tại ở đây với dấu ấn của tôi – đât đó sẽ tồn tại, sẽ tồn tại – và tôi sẽ mang đất đó theo tôi, tôi sẽ biến đất đó ở trong tôi thành một nơi chứng tích mới. Tôi ra đi như một chứng nhân để làm chứng tá qua nhiều thế kỷ.”
(Hành hương Thánh Địa - 3. “Những căn tính”).
Nơi Cứu Rỗi! Không nói được nhiều hơn: “Tôi sung sướng được đi tới đó.” Có điều gì hơn thế nữa: đó là dấu ấn của sự đau khổ tột độ, dấu ấn của sự chết cứu độ, dấu ấn của sự Phục Sinh.
5.- Abraham và Chúa Kitô: “Lạy Chúa, nầy Con đây, Con đến thực thi thánh ý Ngài.”
Đấng tổ phụ của đức tin và lòng can đảm từ ngài tuôn ra phải thể hiện nơi mỗi người chúng ta điêu nầy là “vâng nghe tiếng Chúa gọi và ra đi mà không biết mình đi đâu” (Dt 11, 8). Tác giả thư gởi giáo đơàn Do-thái đã viết những lời đó khi nói về ơn gọi của tổ phụ Abraham, nhưng cũng liên hệ đến hết mọi ơn gọi của con người, kể cả ơn gọi rất đặc biệt nhất được thể hiện trong sứ vụ giám mục: lời kêu gọi được trở nên những người đầu tiên trong đức tin và đức ái.
Chúng ta đã được tuyển chọn và kêu gọi để ra đi, và không phải chúng ta ấn định mục tiêu cho cuộc hành trình. Chính Đấng đã truyền lệnh cho chúng ta ra đi, thực hiện điều đó: Thiên Chúa thành tín, “Thiên Chúa của Giao Ước”.
Gần đây tôi đã trở về với khuôn mặt của tổ phụ Abraham qua một bài suy niệm có tính cách thi ca. Tôi trích dẫn ra đây một đoạn:
Thưa tổ phụ Araham –
Đấng đã đi vào trong lịch sử loài người,
chỉ mong ước qua ngài được tỏ lộ huyền nhiệm
ẩn giấu từ khi vũ trụ được tạo thành,
huyền nhiệm đó còn xưa hơn cả vũ trụ!
Nếu hôm nay chúng ta đi tới những nơi đó,
mà xưa kia tổ phụ Abraham đã từ đó ra đi,
nơi ngài đã nghe Tiếng Chúa,
nơi đã thực hiện lời hứa,
chính là để người ta dừng chân nơi ngưỡng cửa –
để tới được lúc khởi đầu của Giao Ước.”
(Ở xứ của núi Moriyya)
Trong những suy niệm về ơn gọi giám mục mà tôi trình bày hôm nay, tôi cũng muốn trở về với khuôn mặt Abraham là cha chúng ta trong đức tin, và nhất là cuộc gặp gỡ của ngài với Chúa Kitô Cứu Thế mà về thể xác, là “con cái Abraham” (xem Mt 1, 1), nhưng đồng thời cũng hiện hữu “trước khi có Abraham, bởi vì Ngài Hằng Hữu” (xem Gio 8, 58).
Từ cuộc gặp gỡ đó, ánh sáng chiếu giãi trên huyền nhiệm ơn gọi chúng ta trong đức tin, và trên hết mọi trách nhiệm cùng lòng can đảm cần thiết tương ứng.
Người ta có thể nói đó là một huyền nhiệm với hai bộ mặt. Trước tiên là huyền nhiệm về những gì, nhờ ơn Chúa, đã xảy đến trong lịch sử loài người. Và huyền nhiệm về tương lai, tức niềm hy vọng: đó là huyền nhiệm về ngưỡng của, mà mỗi người trong chúng ta, căn cứ vào cũng một ơn gọi, phải vượt qua và được nâng đỡ bởi đức tin, không thối lui trước bất cứ điều gì, bởi vì biết mình đã đặt để niềm tin vào ai (xem 2Tm 1, 12).
Trong huyền nhiệm đó, được liên kết một cách chặt chẽ, không thể phân cách, tất cả những gì đã xảy ra ngay từ ban đầu, những gì đã đến từ trước khi tạo thành vũ trụ và những gì còn phải đến về sau nữa.
Như thế đức tin, trách nhiệm và lòng can đảm của mỗi người chúng ta được ghi khắc trong huyền nhiệm của sự thành tựu kế hoạch Thiên Chúa. Đức tin, trách nhiệm và lòng can đảm của mỗi người trong chúng ta xem ra cần thiết, bởi vì tặng phẩm của Chúa Kitô cho thế giới có thể được biểu lộ một cách phong phú toàn diện.
Không những một đức tin được duy trì trong ký ức di sản nguyên vẹn của những huyền nhiệm Thiên Chúa, mà còn là một đức tin có can đảm mở ra và tỏ bày một cách luôn mới mẽ di sản đó trước những người mà Chúa Kitô đã sai môn đệ của Ngài đến với họ.
Đó là một trách nhiệm không chỉ giới hạn trong việc bảo toàn những gì đã được giao phó mà còn có can đảm đem hết khả năng mình ra để tăng trưởng thêm lên (xem Mt 25, 14-30).
Khởi từ tổ phụ Abraham, đức tin của mỗi con cái ngài bao gồm việc vượt thoát liên tục những gì thân thiết, những gì đặc thù, những gì thân quen để mở ra tới một chân trời xa lạ, căn cứ vào chân lý phổ quát và vào tương lai chung cho tất cả mọi người ở nơi Thiên Chúa.
Tất cả chúng ta được mời gọi tham gia vào tiến trình vượt thoát khỏi phạm vi thường tình đó, phạm vi thân cận với chúng ta nhất. Chúng ta được mời gọi hướng về Thiên Chúa ở nơi Chúa Giêsu Kitô là Đấng đã vượt thoát chính mình, bằng cách “phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét” (Ep 2, 14), để đem chúng ta về với Ngài bởi Thập Giá.
Chúa Kitô muốn nói với chúng ta: trung tín theo tiếng gọi Chúa Cha, con tim mở rộng với hết mọi người gặp gỡ; hành trình mà trên đó không có được một nơi “gối đầu” (Mt 8, 20) và cuối cùng Thập Giá nhờ đó người ta đạt tới chiến thắng của sự phục sinh.
Chính Chúa Kitô là Đấng can đảm đi về phía trước và “không dừng lại” trước khi mọi việc được hoàn tất, trước khi “lên cùng Cha của Ngài cũng là Cha của chúng ta nữa” (Gioan 20, 17), Đấng “vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13, 8).
Do đó đức tin chính là sự kiện con người không ngừng mở ra đối với sự kiện Thiên Chúa tuôn tràn không dứt trên thế giới loài người. Đó là hành trình con người đi tới Thiên Chúa, một Thiên Chúa mà về phần Ngài, đem những con người xích lại với nhau.
Lúc bấy giờ người ta đạt tới điều mà tất cả những gì đặc thù đối với mỗi cá nhân trở nên đặc điểm chung cho mọi người và những gì thuộc kẻ khác cùng một trật trở thành của tôi.
Chính đó là nội dung chứa đựng trong những lời người cha nói với người con trưởng trong dụ ngôn “đứa con hoang đàng”: “Tất cả những gì của cha đều là của con” (Lc 15, 31). Thật có ý nghĩa khi chính những lời nói đó được lặp lại trong lời nguyện tư tế của Chúa Giêsu như là những lời Chúa Con ngỏ với Chúa Cha: “Tất cả những gì của Con đều là của Cha, tất cả những gì của Cha đều là của Con” (Gio 17, 10).
Trong khi sắp xảy đến điều mà Ngài nhận biết như là “giờ của Ngài” (xem Gio 7, 30; 8, 20; 13, 1), chính Chúa Kitô đã nói về tổ phụ Abraham một cách thật ngạc nhiên biết bao đối với những người nghe Ngài: “Ông Abraham là cha các ông đã hớn hở vui mầng vì hy vọng được thấy ngày của tôi. Ông đã thấy và đã mừng rỡ” (Gio 8, 56).
Như vậy niềm vui của tổ phụ Abraham là gi? Phải chăng ngài đã đoán thấy tình yêu và lòng dũng cảm mà “con ngài” xét vế mặt xác thịt, là Chúa Giêsu và là Đấng Cứu Chuộc, phải đi “đến cùng để thực thi ý Cha” (xem Dt 10, 7)?
Rõ ràng chính trong những biến cố của cuộc Khổ Nạn Chúa Kitô mà chúng ta tìm thấy sự quy chiếu cảm động nhất về huyền nhiệm tổ phụ Abraham, khi ngài được hỗ trợ bởi đức tin, đã rời bỏ quê hương và trẩy đi xa đến một nơi vô định, và nhất là khi con tim bị khắc khoải giày vò, ngài đã dẫn lên núi Moriyya, đứa con mình hằng bao năm trông đợi và thương mến, để hiến tế như của lễ hy sinh.
Khi đến “giờ của Ngài”, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ ở cùng Ngài trong vườn Giết-sê-ma-ni như thánh Phê-rô, Thánh Gia-cô-bê và thánh Gioan là những môn đệ được Ngài thương yêu cách đặc biệt: “Đứng dậy! Ta đi nào!” (Mc 14, 42. Ngài không là kẻ duy nhất phải “đi” để thực thi thánh ý Chúa Cha: các môn đệ cũng phải đi với Ngài nữa.
Lời mời gọi đó – “Đứng dậy! Ta đi nào!” – đã ngỏ một cách thật đặc biệt, với chúng ta là những giám mục, những bạn hữu tiêu biểu nhất của Ngài. Cho dẫu những lời nói đó bao hàm một thời điểm thử thách, một cố gắng phi thường, một thập giá đớn đau, chúng ta không được để cho sự sợ hãi thắng thế. Đó là những lời nói cũng chất chứa niềm vui và sự an bình là thành quả của đức tin.
Trong một trường hợp khác, cũng với ba môn đệ đó, Chúa Giêsu đã mời gọi họ rõ ràng như sau: “Chỗi dậy đi, đừng sợ!” (Mt 17, 7). Tình yêu Thiên Chúa không chất chồng trên chúng ta những gánh nặng chúng ta không thể vác nổi. Ngài không đòi hỏi chúng ta những điều chúng ta không thể đương đầu. Khi Ngài đòi hỏi, Ngài ban cho sự hỗ trợ cần thiết.
Khi nhắc lại điều đó, tôi muốn đề cập đến nơi chốn mà tình yêu Chúa Kitô Đấng Cứu Thế đã đưa dẫn tôi, yêu cầu tôi đi khỏi quê hương tôi để sinh hoa kết quả ở nơi khác, nhờ Ân Sủng của Ngài, một hoa trái được tồn tại (xem Gio 15, 16).
Lặp lại những lời nói của Thầy Chí Thánh và Chúa chúng ta, tôi cũng nói lại như vậy với mỗi người trong anh em, thưa Chư Huynh đáng kính trong Giám Mục Đoàn: “Đứng dậy! Ta đi nào!” Chúng ta hãy đi trong sự tín thác vào Chúa Kitô. Ngài đồng hành với chúng ta trên cuộc lữ thứ trần gian, cho đến đích điểm mà chỉ một mình Ngài biết.
+ Gioan Phaolô II