“...đầy thiện chí, thừa hiểu biết” (Rm 15,14)
1.- Phân khoa thần học trong khung cảnh những phân khoa đại học khác
Với tư cách là giám mục Cracovie, tôi cảm thấy bắt buộc phải bảo vệ phân khoa thần học được thiết lập bên cạnh đại học Jagellon. Tôi xét thấy đó là bổn phận của tôi. Nhà Nước khẳng định phân khoa đó đã được chuyển về Varsovie. Chứng cớ mà họ dựa vào đó là việc thiết lập vào năm 1953 ở Varsovie Viện Hàn Lâm Thần Học Công Giáo, được đặt dưới sự quản lý của Nhà Nước. Cuộc chiến đấu đó được thắng lợi nhờ sự kiện về sau nầy phát sinh ở Cracovie phân khoa giáo hoàng tự trị về thần học, rồi Hàn Lâm Viện giáo hoàng về thần học.
Trong cuộc chiến đấu đó, tôi đã được khẳng định bởi niềm xác tín là khoa học, trong những biểu tượng của nhiều môn học, là một di sản vô giá đối với đất nước. Dĩ nhiên, trong cuộc đối thoại với chính quyền Cộng Sản, đối tượng bênh vực trước tiên của tôi là môn thần học, bởi vì môn đó đang bị đe dọa một cách đặc biệt.
Nhưng tôi không bao giờ quên những ngành khác của kiến thức, ngay cả những ngành xem ra không liên hệ gì đến thần học. Tôi đã tiếp cận với những lãnh vực khác của khoa học, nhất là qua trung gian của những nhà vật lý học. Chúng tôi đã gặp gỡ nhau thường xuyên và đã bàn luận những khám phá rất gần đây trong lãnh vực vũ trụ học.
Đó là một tiến trình hấp dẫn quả quyết điều mà Thánh Phaolô đã xác quyết theo đó một sự hiểu biết chắc chắn về Thiên Chúa cũng có thể đạt được qua sự hiểu biết về vũ trụ được tạo dựng (xem Rm 1, 20-23). Những cuộc gặp gỡ đó ở Cracovie thỉnh thoảng cũng được tiếp nối ở Roma và ở Castel Gandolfo. Các cuộc gặp gỡ được tổ chức bởi giáo sư Jerzy Janik.
Tôi luôn luôn thao thức bởi vấn đề cần tổ chức mục vụ thích hợp cho các khoa học gia. Vị tuyên úy lâu năm ở Cracovie là giáo sư Stanislaw Nagy, một linh mục gần đây tôi đã nâng lên chức Hồng Y. Qua cử chỉ đó, tôi cũng muốn biểu lộ lòng biết ơn của tôi đối với nền khoa học Ba-lan.
2.- Giám mục và thế giới văn hóa
Người ta biết các giám mục hầu hết không tỏ ra hứng thú đặc biệt trong việc đối thoại với những nhà nghiên cứu khoa học. Phần đông các ngài ưa thích những công tác mục vụ hơn, theo ý nghĩa bao quát của cụm từ đó, so với việc tiếp xúc với các khoa học gia. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, các thành phần giáo sĩ – giám mục cũng như linh mục – nên có những liên hệ cá nhân với thế giới khoa học và với những người chủ yếu trong thế giới đó.
Cách riêng, giám mục phải chăm sóc các trường cao đẳng Công giáo thuộc về mình. Giám mục cũng phải duy trì một sự giao tiếp thân tình với toàn thể sinh hoạt đại học: phải đọc tài liệu, gặp gỡ giao tiếp, được thông báo về tất cả những gì xảy ra trong môi trường đó.
Hiển nhiên chính giám mục không được kêu gọi để trở thành khoa học gia, nhưng là một mục tử. Tuy nhiên, trong tư cách là mục tử, giám mục không thể không quan tâm đến thành phần đó của đoàn chiên mình, bởi vì cũng nằm trong trách nhiệm của ngài là phải nhắc nhở các nhà nghiên cứu khoa học bổn phận phục vụ chân lý và như thế là cổ võ sự lợi ích chung.
Ở Cracovie, tôi cũng tìm cách duy trì những liên lạc thường xuyên với các triết gia như Roman Ingarden, Wladyslaw Strózewski, Andrzej Póltawski, và cũng với các linh mục triết gia như Kazimierz Klósak, Józef Tischner và Jósef Zycinski. Lập trường triết học cá nhân của tôi có thể nói được là ở giữa hai thái cực: học thuyết của Thánh Tôma và hiện tượng luận của Edmund Husserl.
Tôi đặc biệt liên hệ với tư tưởng của Edith Stein, một khuôn mặt khác thường, nhất là vì hành trình hiện sinh của chị: vốn là một phụ nữ Do-thái sinh ở Wroclaw, chị đã gặp gỡ Chúa Kitô, nhận lãnh bí tích Thánh Tẩy, vào tu ở đan viện Cát-minh, trải qua một thời gian sống ở Hòa Lan và từ đó bị quân đội Đức Quốc Xã đày đi giam ở trại Auschwitz. Ở đó chị bị đưa vào lò hơi ngạt cho chết và thi thể của chị bị đốt trong các lò hỏa thiêu.
Chị đã học với triết gia Husserl và là bạn đồng môn của triết gia Ingarden. Tôi vui mầng đã phong chân phước cho chị ở Cologne, rồi phong thánh cho chị ở Roma. Tôi đã công bố Thánh Edith Stein – nữ tu Têrêxa Bênêđita Thánh Giá – là thánh bảo trợ Âu châu, cùng với Thánh Brigitte Thụy Điển và Thánh Catherine de Sienne. Đó là ba thánh nữ bảo trợ bên cạnh ba thánh nam: Bênêditô, Cyrille và Méthode.
Tôi ưa thích triết lý của Thánh Edith Stein. Tôi đã đọc những văn bản của chị, đặc biệt quyển “Hữu Hạn và Vô Biên”, nhưng nhất là tôi say mê bởi đời sống đặc biệt và số phận bi đát của chị đã được chia sẻ bởi triệu triệu nạn nhân khác vô phương tự vệ trong thời đại chúng ta. Chị là đệ tử của triết gia Edmund Husserl, là nhà truy tầm chân lý hăng say, nữ tu kín, nạn nhân của chế độ Hitler: thật là một cuộc “nhân sinh” đặc biệt lạ thường…
3.- Sách vở và việc học
Những gánh nặng đổ lên vai một giám mục thì rất nhiều. Cá nhân tôi đã có kinh nghiệm và tôi nhận thấy rằng thật sự không sao đủ thời giờ được. Nhưng kinh nghiệm đó cũng đã dạy cho tôi đến mức độ nào sự thinh lặng và học hỏi cần thiết cho một giám mục. Ngài cần có một sự đào luyện thâm sâu về thần học luôn được cập nhựt hóa và cũng cần một lợi ích rộng lớn hơn đối với cuộc sống trí thức và rao giảng. Đó là những kho tàng quí báu mà các ngài suy tư và trao đổi cho nhau. Vì vậy tôi muốn trình bày đôi điều về vấn đề đọc sách trong đời sống giám mục của tôi.
Tôi luôn luôn phân vân: phải đọc những gì? Tôi cố gắng chọn lựa những gì thiết yếu nhất. Sản phẩm biên soạn thì nhiều vô kể. Điều đó không có nghĩa là tất cả mọi sách đều có một giá trị như nhau và tất cả cũng đều hữu ích. Phải biết chọn lựa và hỏi ý kiến về những sách gì nên đọc.
Tôi yêu đọc sách từ hồi tấm bé. Cha tôi đã làm cho tôi ưa thích đọc sách. Chẳng hạn cha tôi có thói quen ngồi cạnh tôi và đọc cho tôi nghe những sách của Sienkiewicz hay của những văn sĩ Ba-lan khác. Khi mẹ tôi qua đời, chúng tôi sống khắng khít bên nhau: cha tôi và tôi. Và người không ngừng khai tâm cho tôi biết đọc những sách có giá trị. Người cũng không cản trở tôi yêu thích kịch nghệ.
Nếu chiến tranh đã không xảy ra và hoàn cảnh không thay đổi một cách triệt để, có thể những viễn tượng mà những môn học ở đại học mở ra đã thu hút tôi hoàn toàn. Khi tôi cho Mieczyslaw Kotlarczyk hay quyết định của tôi trở thành linh mục, anh ta la lên: “Mầy làm gì ở đó? Mầy muốn phung phí tài năng mà mầy có hay sao?” Chỉ Đức Cha Sapieha không chút nghi ngờ mà thôi.
Khi còn là sinh viên ngành văn chương, tôi khám phá nhiều tác giả đa dạng. Trước hết tôi nghiêng về văn học, đặc biệt văn học kịch nghệ. Tôi đã đọc Shakespeare, Molière, những thi sĩ Ba-lan như Norwid, Wyspianski và dĩ nhiên Alexander Fredro. Sự đăm mê của tôi là trở thành diễn viên trên sân khấu.
Thường khi tôi tưởng tượng những vai trò mà tôi thích đóng! Với Kotlarczyk, chúng tôi vui thích đóng nhiều vai trò có thể được và tự hỏi nhau ai có thể đóng vai nào. Đó là những chuyện thuộc về quá khứ. Kế tiếp đó, có người đã hỏi tôi: “Mầy có thiên tư…Mầy sẽ trở thành diễn viên giỏi nếu mầy ở trong ngành kịch nghệ.”
Phụng vụ cũng là thứ huyền nhiệm (mysterium) được trình bày, đạo diễn. Tôi nhớ lại với nhiều xúc động trào dâng khi cha xứ là Figlewicz đã mời tôi, lúc đó được mười lăm tuổi, tham dự Tam Nhựt (Triduum) Phục Sinh và dự phần vào Nghi Thức Đọc Sách, được thực hành trước vào chiều thứ tư. Đối với tôi đó là một cú sốc tâm linh và ngay cả hôm nay, Tam Nhựt Phục Sinh cũng còn là một kinh nghiệm gay nhiều xúc động.
Kế đến là thời gian đọc văn chương triết thần. Khi còn là chủng sinh chui, tôi nhận được tập sách giáo khoa về siêu hình học của giáo sư Kazimierz Wais ở Lvov. Cha Kazimierz Klósak nói với tôi: “Con hãy học đi. Khi con học xong, con sẽ qua đuợc kỳ thi khảo hạch.” Trong nhiều tháng, tôi đã lăn xả đọc tài liệu đó. Rồi tôi dự cuộc khảo hạch và được chấp nhận.
Đó là một khúc ngoặc trong cuộc đời tôi. Một thế giới mới mở ra trước mắt tôi. Tôi bắt đầu mạo hiểm đọc các sách thần học. Sau nầy, khi ở Roma, trong thời gian học vấn, tôi bắt đầu đào sâu tác phẩm Summa Theologiae (Thần Học Yếu Lược) của Thánh Tôma.
Như vậy có hai giai đoạn trong hành trình trí thức của tôi: giai đoạn đầu thuộc tiến trình tư tưởng từ văn chương đến siêu hình; loại sau đưa tôi từ siêu hình đến hiện tượng luận. Đó là bước đầu rèn luyện về khoa học. Giai đoạn đầu trùng hợp với thời kỳ chiếm đóng của Đức Quốc Xã, ít nhất là trong thời gian đầu. Lúc đó tôi làm ở nhà máy Solvay đồng thời học chui thần học ở chủng viện.
Tôi nhớ lại khi tôi trình diện với cha giám đốc là Jan Piwowarczyk, ngài nói với tôi: “Cha chấp nhận con, nhưng cho dẫu mẹ con cũng không được biết là con học ở đây.” Đó là tình cảnh lúc bấy giờ. Mặc dù thế, tôi cũng thành công trong việc tiến về phía trước. Sau nầy cha Rózycki đã giúp đỡ tôi nhiều. Chính ngài cho tôi nơi ăn chỗ ở và cung cấp cho tôi nền móng của công việc khoa học.
Về sau khá lâu, giáo sư Rózycki đã đề nghị với tôi luận án thần học liên quan đến tác phẩm của Max Scheler là “Chủ nghĩa hình thức trong đạo đức học và thực chất đạo đức của các giá trị” (Le Formalisme en éthique et l’étique matérielle des valeurs”. Tôi đã chuyển dịch quyển sách đó ra tiếng Ba-lan để tiện dụng, trong khi soạn thảo luận án.
Đó là một khúc ngoặc mới. Tôi đệ trình luận án của tôi tháng mười một năm 1953. Các báo cáo viên của bài văn nghị luận là cha Aleksander Usowicz, Stefan Swiezawski và thần học gia Wladyslaw Wicher.
Đó là khóa giảng dạy cuối cùng của phân khoa thần học thuộc đại học Jagellon, trước khi bị cộng Sản giải tán. Phân khoa thần học nầy, như tôi đã nhắc lại trên đây, được chuyển về Hàn Lâm Viện Thần Học Công Giáo ở Varsovie.
Kế đó, kể từ mùa thu 1954, tôi bắt đầu giảng dạy ở đại học Công giáo Lublin. Sở dĩ tôi có thể đảm trách sinh hoạt đó nhờ giáo sư Swiezawski mà tình bạn gắn bó cho tới ngày nay.
Tôi rất thương mến cha Rózycki mà tôi gọi bằng Ignac. Và chính ngài cũng dành cho tôi một tình bạn như thế. Chính ngài đã khuyến khích tôi dự thi để có chân giáo sư đại học. Chúng tôi đã sống chung với nhau trong nhiều năm. Chúng tôi đã dùng bữa chung với nhau. Bà Maria Gromek đã nấu ăn cho chúng tôi.
Ở đó tôi có một căn phòng mà tôi còn nhớ rõ. Đó là căn nhà dành cho các linh mục phụ tá của giáo phận Wawel ở số 19, đường Kanoniczna. Và đó là “nhà” của tôi trong sáu năm trời. Sau đó tôi cư ngụ ở số 12 và cuối cùng, nhờ cha chưởng ấn Mikolaj Kuczkowski, tôi đã chuyển về dinh giám mục ở số 3 đường Franciszkanska.
Khi đọc sách cũng như học hành, tôi luôn tìm cách kết hợp một cách hài hòa những chiều kích đức tin, trí tuệ và con tim, bởi vì đó không phải là những lãnh vực biệt lập. Mỗi lãnh vực xuyên thấu và linh động hóa những lãnh vực kia.
Trong tương quan hỗ tương giữa đức tin, trí tuệ và con tim, điều gây ảnh hưởng đặc biệt chính là sự ngạc nhiên xuất phát từ phép lạ con người, bởi sự kiện con người giống Thiên Chúa là Một và Ba, bởi huyền nhiệm của tặng vật hỗ tương và của sự sống từ đó phát sinh, bởi việc chiêm ngắm sự kế tục của những thế hệ loài người.
4.- Trẻ em và thanh thiếu niên
Trong những suy tư nầy, tôi muốn dành một chỗ đặc biệt cho trẻ em và thanh thiếu niên. Ngoài những cuộc gặp gỡ của tôi với họ, trong những chuyến thăm viếng mục vụ, tôi luôn luôn chú ý đặc biệt đến giới sinh viên, nhất là môi trường đại học, bởi vì thành phố Cracovie, theo truyền thống, là một trung tâm sống động của các ngành đại học.
Tôi lưu giữ nhiều kỷ niệm đẹp về mục vụ đại học. Những cơ hội gặp gỡ thì rất đa dạng: từ những buổi thuyết trình cũng như thảo luận cho tới những cuộc tĩnh tâm và linh thao. Dĩ nhiên tôi duy trì những cuộc giao tiếp thân tình với các linh mục đảm trách mục vụ trong phạm vi đó.
Đảng Cộng Sản đã bãi bỏ tất cả những hiệp hội Công giáo về giới trẻ. Vì vậy phải tìm phương cách để bổ túc sự thiếu sót đó. Và chính vì thế mà cha Franciszek Blachnicki đã xuất hiện. Ngài là người khởi xướng điều mà người ta gọi là “Phong Trào Ốc Đảo”.
Tôi đã liên hệ rất nhiều với phong trào đó và tôi đã giúp đỡ bằng mọi cách. Tôi đã bảo vệ các “ốc đảo” chống lại chính quyền Cộng Sản. Tôi đã hỗ trợ bằng vật chất và dĩ nhiên, tôi đã tham dự những cuộc họp mặt của họ.
Khi những tháng hè trở về, tôi thường gia nhập các “ốc đảo”, nghĩa là những trại hè được tổ chức cho giới trẻ thuộc phong trào. Tôi giảng dạy, trò chuyện với giới trẻ, cùng hát hò với họ chung quanh ngọn lửa hồng, tham dự những cuộc leo núi với họ. Thường khi tôi dâng Thánh Lễ cho họ ở ngoài trời. Tất cả những điều đó tạo nên một chương trình mục vụ khá dày đặc.
Trong cuộc hành hương vào năm 2003 ở Cracovie của tôi, những thành viên ốc đảo đã hát lên như sau:
Chúa đã đến bên bãi biển;
Ngài không kiếm tìm những người khôn ngoan,
những kẻ giàu có,
Ngài chỉ xin tôi theo Ngài.
Lạy Chúa, Chúa đã nhìn con trong đôi mắt,
Chúa mỉm cười và gọi tên con.
Chiếc thuyền của con, con để lại trên bờ,
Cùng với Chúa con sẽ vượt qua một đại dương khác.
Tôi đã nói với họ, theo một nghĩa nào đó, bài hát của những ốc đảo đã đưa tôi ra khỏi quê hương tôi, cho tới tận Roma. Nội dung thâm sâu của bài hát đã nâng đỡ tôi ngay cả khi tôi phải đối diện với sự quyết định của mật nghị các Đức Hồng Y.
Và rồi, suốt cả chiều dài triều đại giáo hoàng của tôi, không bao giờ tôi tách lìa khỏi bài hát đó. Vả lại, bài hát đó luôn luôn nhắc nhở cho tôi, không những chỉ ở Ba-lan mà thôi, mà còn ở những xứ khác trên thế giới.
Khi bài hát đó được nghe lại luôn luôn đưa tôi về với những cuộc gặp gỡ giới trẻ khi tôi còn là giám mục. Tôi đánh giá rất tích cực kinh nghiệm lớn lao đó. Tôi đã mang theo kinh nghiệm đó với tôi về Roma. Cũng ở nơi đây, tôi đã cố gắng rút tỉa những thành quả, bằng cách gia tăng những cơ hội gặp gỡ giới trẻ. Những “Ngày Giới Trẻ Thế Giới”, theo một nghĩa nào đó, đã nảy sinh từ kinh nghiệm nầy.
Tôi còn tiếp cận với một phong trào khác của giới trẻ trên hành trình giám mục của tôi: “Sacrosong”. Đó là một thứ đại hội âm nhạc về thánh ca, kèm theo những suy tư và cầu nguyện. Những cuộc gặp gỡ diễn ra ở những địa điểm khác nhau tại Ba-lan và đã lôi cuốn rất nhiều người trẻ. Tôi tham dự rất nhiều lần và tôi đã hỗ trợ tổ chức đó, kể cả về phương diện tài chánh. Tôi lưu giữ một kỷ niệm đẹp về những cuộc gặp gỡ đó.
Tôi rất thích hát. Nói đúng ra, tôi hát mỗi một lần cớ cơ hội. Nhưng nhất là với giới trẻ, tôi thường sẵn sàng hát. Những bài hát rất đa dạng, tùy theo hoàn cảnh: đó là những bài dân ca, những bài hát hướng đạo sinh, chung quanh ngọn lửa hồng.
Vào những dịp lễ quốc gia – như kỷ niệm thời chiến tranh bùng nổ hay cuộc nổi dậy ở Varsovie – người ta hát những bài quân ca có tinh thần ái quốc như Les Coquelicots sur le mont Cassin, La Première Brigade và nói chung, là những bài hát nói lên sự Nổi Dậy và Kháng Chiến.
Nhịp điệu của năm phụng vụ hướng về việc lựa chọn những bài thánh ca, theo một cách thích ứng. Vào dịp lễ Giáng Sinh, ở Ba-lan, người ta luôn hát nhiều ca khúc Giáng Sinh, trong khi trước Phục Sinh, người ta thiên về những bài hát liên quan đến Sự Thương Khó hơn. Những thánh ca xưa đó chuyên chở cả một nền thần học Kitô giáo, tạo thành kho tàng truyền thống sống động, thốt lên từ trong con tim mỗi thế hệ và hình thành đức tin.
Vào tháng năm và tháng mười, ngoài những thánh ca về Đức Mẹ, ở Ba-lan, người ta còn hát Kinh Cầu Đức Bà và Giờ Phụng Vụ Kính Đức Mẹ. Thật là một sự phong phú về thi ca chứa đựng trong những thánh ca bình dân đó, còn được sử dụng cho tới ngày nay!
Trên cương vị giám mục, tôi đã cố gắng làm nổi bật giá trị những truyền thống đó và giới trẻ đặc biệt tỏ ra muốn tiếp nối. Tôi thiết tưởng sẽ cùng nhau rút tỉa lợi ích từ kho tàng quí báu đó của một đức tin đơn giản và sâu sắc mà cha ông chúng ta đã thu thập qua các bài thánh ca.
Ngày 18 tháng 5 năm 2003, tôi đã phong thánh cho mẹ Urszula Ledóchowska, một khuôn mặt lớn trong ngành giáo dục. Mẹ sinh ra ở nước Áo, nhưng vào cuối thế kỷ mười chín, cả gia đình dời qua Lipnica Murowana trong giáo phận Tarnów. Trong nhiều năm, chính mẹ cũng đã sống ở Cracovie. Người chị của mẹ là Marie-Thérèse, được gọi là “Mẹ Phi châu”, đã được phong thánh.
Gương mẫu của họ chứng tỏ lòng ao ước nên thánh triển khai với một mãnh lực lạ thường phát sinh bởi không khí thuận lợi của một gia đình tốt. Môi trường gia đình quan trọng biết bao! Các thánh phát sinh và hình thành những vị thánh khác.
Khi tôi nhắc lại những nhà giáo dục như thế, tự nhiên tôi nghĩ tới trẻ em. Trong những chuyến thăm viếng mục vụ, ngay cả những chuyến viếng thăm ở Roma đây, tôi luôn cố gắng dành thời giờ để tiếp xúc với trẻ em.
Tôi không bao giờ ngưng việc khuyến khích các linh mục nên quảng đại dành thời giờ ngồi tòa giải tội. Thật quan trọng đặc biệt phải hình thành tốt đẹp lương tâm trẻ em và thanh thiếu niên.
Gần đây tôi đã đề cập tới bổn phận phải rước lễ một cách xứng đáng (Xem Ecclesia de Eucharistia, số 37). Một thái độ như thế được hình thành khi xưng tội vỡ lòng trước khi chịu lễ lần đầu. Có thể mỗi người trong chúng ta còn nhớ lại với biết bao xúc động lần xưng tội đầu tiên khi còn là một trẻ em.
Vị tiền nhiệm của tôi là Đức Thánh Giáo Hoàng Piô X đã nêu lên một chứng tá đầy xúc động về tình yêu mục vụ đối với trẻ em bằng quyết định của ngài đối với việc rước lễ lần đầu. Không những ngài đã hạ thấp tuổi cần thiết để được đến bàn thánh – điều mà chính tôi đã được hưởng nhờ vào tháng 5 năm 1929 – ngài còn cho phép được rước lễ ngay cả trước bảy tuổi trọn, nếu trẻ em tỏ ra có một sự suy xét đầy đủ.
Được cho rước lễ sớm là một quyết định mục vụ đáng ca ngợi và cần được nhắc nhở. Điều đó đã mang lại nhiều hoa trái về sự thánh thiện và mục vụ tông đồ đối với trẻ em, nhờ thế đã làm nảy sinh thuận lợi nhiều ơn gọi linh mục.
Tôi luôn xác tín rằng nếu không biết cầu nguyện, chúng ta sẽ không đạt tới việc giáo dục trẻ em một cách tốt đẹp. Trên cương vị giám mục, tôi cố gắng khuyến khích các gia đình và những cộng đoàn giáo xứ phải hình thành nơi trẻ em lòng ao ước gặp gỡ Chúa bằng lời cầu nguyện cá nhân.
Trong tinh thần đó, gần đây tôi đã viết: “Cầu nguyện Kinh Mân Côi cho trẻ em và còn hơn thế nữa với trẻ em…tạo nên một sự hỗ trợ nội tâm không nên đánh giá quá thấp” (Rosarium Virginis Mariae, số 42).
Hiển nhiên mục vụ đối với trẻ em phải được tiếp tục đến tuổi thành niên. Việc xưng tội thường xuyên và sự hướng dẫn tâm linh giúp đỡ những thanh thiếu niên trong việc nhận chân ơn gọi của họ và che chở họ khỏi những lầm lạc khi đi vào đời sống trưởng thành.
Tôi còn nhớ vào tháng 11 năm 1964, trong một cuộc yết kiến riêng, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã nói với tôi: “Hiền Huynh đáng kính, ngày nay chúng ta phải rất quan tâm đến giới trẻ sinh viên. Công việc chính của mục vụ giám mục, đó là những linh mục, thợ thuyền và sinh viên.”
Tôi thiết tưởng đó là do kinh nghiệm cá nhân nên ngài đã thốt lên những lời đó. Thật thế, khi ngài Giovanni Battista Montini làm việc ở Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, trong nhiều năm ngài đã dấn thân trong lãnh vực mục vu đại học với tư cách tổng tuyên úy của Hiệp Hội Đại Học Công Giáo Ý (FUCI – Fédération Universitaire Catholique Italienne).
5.- Việc giảng dạy giáo lý
Chúa đã ủy nhiệm cho chúng ta: “hãy đi và giảng dạy muôn dân” (xem Mt 28, 20). Trong bối cảnh xã hội hiện nay, chúng ta có thể thực thi nhiệm vụ đó, nhất là qua việc giảng dạy giáo lý. Việc giảng dạy đó phát sinh bởi những suy tư về Phúc Âm cũng như sự hiểu biết những việc trên đời nầy. Phải thấu hiểu những kinh nghiệm giữa người với người và ngôn ngữ mà họ thông đạt cho nhau. Đó là một trách nhiệm lớn lao đối với Giáo Hội.
Đặc biệt những vị mục tử phải quảng đại gieo vãi, cho dẫu chính những người khác gặt hái công lao của mình:
“Thầy bảo anh em: Ngước mắt lên mà xem, đồng lúa đã chín vàng đang chờ ngày gặt hái! Ai gặt thì lãnh tiền công và thu hoa lợi để được sống muôn đời, và như thế, cả người gieo lẫn kẻ gặt đều hớn hở vui mầng. Thật vậy, câu tục ngữ: “kẻ nầy gieo, người kia gặt” quả là đúng! Thầy sai anh em đi gặt những gì chính anh em đã không phải vất vả và làm ra. Người khác đã làm lụng vất vả; còn anh em, anh em được vào hưởng kết quả công lao của họ.” (Gio 4, 35-38).
Như chúng ta biết, khoa dạy giáo lý không chỉ sử dụng những khái niệm trừu tượng mà thôi. Dĩ nhiên những khái niệm đó cần thiết, bởi vì khi chúng ta đề cập tới những thực thể siêu hình, không thể tránh được những khái niệm triết lý.
Tuy nhiên khoa giáo lý đặt để những biểu tượng và ký hiệu đức tin vào vị trí đầu tiên của con người và sự gặp gỡ với con người. Khoa giáo lý luôn luôn là tình yêu và trách nhiệm, một thứ trách nhiệm phát sinh từ tình yêu đối với những người gặp gỡ nhau trong suốt hành trình đức tin.
Cuốn sách mới về “Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo” đã được đệ trình cho tôi chuẩn nhận vào năm 1992, được phát sinh từ ý muốn làm cho ngôn từ của đức tin được con người thời nay dễ lãnh hội hơn. Chính hình ảnh của vị Mục Tử Nhân Hậu được minh họa như “biểu trưng” ở bìa sách của tất cả những lần phát hành cuốn “Giáo Lý” rất có ý nghĩa. Hình vẽ đó lấy từ một tấm mộ bia thuộc Kitô giáo vào thế kỷ thứ III, được tìm thấy trong những hang toại đạo của Domitille.
Như người ta đã nhận thấy, bức hình gợi ra ý nghĩa tổng quát của giáo lý: Chúa Kitô là vị Mục Tử Nhân Hậu hướng dẫn và bảo vệ các tín hữu (con chiên) bằng quyền uy của Ngài (cây gậy), đã lôi cuốn họ bằng khúc giao hưởng du dương của chân lý (ống sáo) và làm cho họ được nghỉ ngơi dưới bóng mát của “cây sự sống”, tức Thập Giá cứu chuộc, mở của Thiên Đàng. (Xem lời bình chú của “biểu trưng” trên bìa sách Giáo Lý).
Trong bức họa, người ta có thể thấy được sự kêu mời của vị Mục Tử đối với mỗi con chiên. Đó là một sự mời gọi đầy kiên nhẫn, bởi vì cần phải có nhiều kiên nhẫn mới tiếp cận mỗi một người cách thích ứng nhất. Cũng phải có khiếu ăn nói, nghĩa là khả năng nói một ngôn ngữ dễ hiểu đối với những tín hữu chúng ta. Để được như thế, chúng ta nên khẩn cầu Chúa Thánh Linh.
Đôi khi giám mục tiếp xúc với những người lớn dễ dàng hơn, bằng cách ngài ban phép lành cho con cái của họ và lưu lại với họ một ít thời giờ hơn. Điều đó có ích lợi hơn là một diễn văn dài dòng về sự kính trọng đối với kẻ yếu kém.
Ngày nay, cần nhiều trí tưởng tượng hơn để học hỏi cách đối thoại về đức tin và về vấn nạn căn bản đối với con người. Quả thật cần có nhiều người biết yêu mến và suy tư, bởi vì trí tưởng tượng sống bằng tình yêu và suy nghĩ. Chính trí tưởng tượng nuôi dưỡng tư duy chúng ta và nung nấu tình yêu chúng ta.
6.- Cơ Quan Bác Ái (Caritas)
Sự ân cần đối với người nghèo, theo đúng nghĩa Phúc Âm, cũng thuộc bổn phận vị mục tử. Qua sách Công Vụ Tông Đồ và trong những Thư của Thánh Phaolô, chúng ta đã biết những cuộc lạc quyên do các Thánh Tông Đồ tổ chức để chi cấp những thứ cần thiết cho giới người nghèo.
Tôi muốn gợi lại nơi đây thí dụ của Thánh Nicolas là giám mục thành Myre ở Tiểu Á vào khoảng thế kỷ thứ tư. Trong việc sùng kính vị thánh đó mà mục vụ giám mục diễn ra vào một thời kỳ các Kitô hữu Đông và Tây chưa bị phân rẽ, người ta tìm thấy hai truyền thống: đông và tây. Ngài được tôn kính bởi truyền thông đông phương cũng như tây phương.
Cho dẫu có kèm theo nhiều huyền thoại, khuôn mặt của ngài vẫn còn hấp dẫn đáng chú ý, nhất là bởi lòng nhân từ của ngài. Đặc biệt chính trẻ em thổ lộ với ngài một cách xác tín.
Biết bao vấn nạn vật chất có thể được giải quyết nếu người ta bắt đầu bằng một lời cầu xin với niềm xác tín! Khi chúng tôi còn con nít, tất cả chúng tôi đều chờ đợi Thánh Nicolas những quà tặng ngài sẽ mang đến.
Đảng Cộng sản muốn tước đoạt sự thánh thiện nơi chúng tôi, và để được như vậy, họ đã bày ra “Ông Nội Nước Đá” (“Grand-Père Glace”). Bất hạnh thay, rất gần đây ở Tây phương, trong bối cảnh kinh tế tiêu thụ, Thánh Nicolas cũng trở nên phổ thông đại chúng.
Xem như ngày nay người ta đã quên lòng nhân ái và độ lượng của ngài mà trước tiên là tất cả thước đo của sự thánh thiện. Quả thật ngài được nổi bật như là giám mục quan tâm đến người nghèo và những ai có những nhu cầu thiết yếu.
Tôi nhớ lại khi còn tấm bé, tôi đã có một sự liên hệ cá nhân với ngài. Dĩ nhiên, cũng như mọi trẻ em, tôi chờ đợi những quà tặng mà ngài sẽ mang tới cho tôi ngày 6 tháng 12. Tuy nhiên, một sự chờ đợi như thế cũng có một chiều kích tôn giáo.
Cũng như những trẻ em cùng tuổi với tôi, tôi ấp ủ một lòng sùng kính đối với vị thánh đó, bằng một cách vô vị lợi, đã ban phát những quà tặng cho nhiều người và khi làm như thế đã biểu lộ sự ân cần đầy lòng yêu thương đối với họ.
Trong Giáo Hội, phần vụ của Thánh Nicolas, tức là của những người chăm lo cho những nhu cầu thiết yếu của kẻ yếu kém, được một định chế lành nghề nhận lãnh trách nhiệm, với danh xưng là Caritas (Cơ Quan Bác Ái). Đảng Cộng Sản đã bãi bỏ cơ quan đó mà người bảo hộ, sau thế chiến, là Đức Hồng Y Sapieha. Là người kế vị ngài, tôi đã cố gắng hoạt động trở lại và yểm trợ cơ quan đó.
Trong lãnh vực nầy, Đức Ông Ferdynand Machay, cha chính của Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Mông Triệu Thăng Thiên ở Cracovie, đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Qua sự trung gian của ngài, tôi làm quen với nữ tì của Chúa là Hanna Chrzanowska mà tôi đã nhắc tới. Chị là con gái của đại giáo sư Ignacy Chrzanowski, bị bắt ở đầu thế chiến. Tôi nhớ lại vị giáo sư đó rõ lắm, mặc dù tôi không thể biết nhiều vì không gần gũi.
Nhờ sự dấn thân của chị Hanna Chrzanowska mà đã phát sinh và triển nở mục vụ bệnh nhân trong tổng giáo phận. Chị đã có nhiều sáng kiến, trong đó có chương trình hồi hưu cho những bệnh nhân ở Trzebinia. Đó là một sáng kiến mang nhiều lợi ích: nhiều người đã đóng góp vào, kể cả những thanh thiếu niên sẵn sàng giúp đỡ.
Trong Tông Thư nhân dịp đầu tân thiên niên kỷ, tôi đã nhắc lại với mọi người sự cần thiết phải vun trồng một tình thương sáng tạo. Tôi đã viết: “Đây là giờ của trí tưởng tượng mới về lòng bác ái” (Novo millennio ineunte, số 50). Làm sao, trong bối cảnh nầy, không thể không gợi lại hình ảnh mà chúng ta đã biết về Mẹ Têrêxa như là một “nữ thừa sai bác ái” đích thực?
Ngay từ những ngày đầu tiên tiếp theo sau cuộc tuyển chọn tôi lên ngai tòa Thánh Phê-rô, tôi đã gặp nữ tu vĩ đại đó, trong thân hình nhỏ bé mà từ đó Mẹ đã thường đến thăm tôi để thuật lại những nơi chốn và thời gian mà Mẹ đã thành công trong việc mở ra những nhà mới là những tổ ấm của sự ân cần đối với những người nghèo hèn nhất.
Sau sự sụp đổ của Đảng Cộng Sản ở Albanie, tôi có thể thăm viếng đất nước đó. Mẹ Têrêxa cũng có mặt ở đó nữa. Thật ra Albanie là quê hương của Mẹ. Tôi còn gặp Mẹ nhiều lần nữa, luôn luôn thu nhặt những chứng tích mới về sự tận tụy say mê của Mẹ vì những người nghèo hèn nhất trong số những người nghèo.
Mẹ Têrêxa qua đời ở Calcutta, đã lưu lại một ký ức thâm sâu và một công trình phong phú nơi vô số con cái thiêng liêng của Mẹ. Khi còn sinh thời, Mẹ đã được nhiều người xem như một vị thánh. Khi nhắm mắt, Mẹ đã được mọi người công nhận như thế.
Tôi cảm tạ Chúa đã cho tôi được phong chân phước cho Mẹ vào tháng 10 năm 2003, khi sắp tới lễ kỷ niệm 25 năm triều đại giáo hoàng của tôi. Lúc bấy giờ tôi đã nói:
“Qua chứng tá của đời sống mình, Mẹ Têrêxa nhắc nhở cho mọi người là sứ vụ Phúc Âm hóa của Giáo Hội phải trải qua đức bác ái, được nuôi dưỡng bởi lời cầu nguyện và bởi việc lắng nghe Lời Chúa.
Chúng ta tìm gặp một biểu tượng hùng hồn của phong cách thừa sai đó nơi hình ảnh biểu thị vị tân Chân Phước mà một tay nắm chặt tay một em bé trong khi tay kia đang lần tràng hạt. Chiêm niệm và hành động, Phúc Âm hóa và thăng tiến nhân sinh: Mẹ Têrêxa loan báo Tin Mừng bằng đời sống hoàn toàn ban tặng cho người nghèo, nhưng đồng thời cũng thấm nhuần sự cầu nguyện.” (19-10-2003).
Đó là huyền nhiệm của việc Phúc Âm hóa qua tình thương đối với con người, phát xuất từ tình yêu đối với Thiên Chúa. Tiến trình đó bao gồm đức ái mà giám mục phải luôn luôn múc lấy nguồn cảm hứng trong mỗi một hoàn cảnh can dự của ngài.
(CÒN TIẾP)