“Tôi quỳ trước mặt Chúa Cha, là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất.” (Ep 3, 14-15)
1.- Hợp tác với giáo dân
Giáo dân có thể thực hiện ơn gọi của họ giữa trần thế và đạt tới sự thánh thiện, không những bằng cách dấn thân tích cực cho người nghèo khó, mà còn sinh động hóa xã hội bằng tinh thần Kitô giáo, qua việc thực thi những bổn phận chuyên môn của họ và sự chứng tá của một đời sống gia đình gương mẫu.
Không những tôi tưởng tới những ai đang nắm giữ những chức vụ hàng đầu ở trong xã hội, mà còn tới tất cả những người biết biến đổi đời sống thường nhật của họ bằng lời cầu nguyện, bằng cách đặt để Chúa Kitô ở trung tâm điểm hoạt động của họ. Chính Ngài đã lôi cuốn tất cả mọi người về với Ngài, làm thỏa mãn “lòng dạ khao khát sự công chính của họ” (Xem Mt 5, 6).
Đó không phải là bài học rút ra từ phần kết luận của dụ ngôn người Sa-ma-ri-ta-nô nhân hậu hay sao (Lc 10, 34-35)? Sau khi chính mình đã săn sóc trước tiên cho kẻ bị thương, người Sa-ma-ri-ta-nô nhân hậu hướng đến người chủ quán để người nầy tiếp tục săn sóc cho anh ta. Làm sao chủ quán có thể săn sóc cho kẻ bị thương mà không có người Sa-mari-ta-nô nhân hậu?
Thật vậy, trong khi ở trong bóng tối, ông chủ quán thực hiện một phần lớn công tác. Tất cả mọi người có thể hành động như ông ta, thực thi bổn phận của họ trong tinh thần phục vụ. Hết mọi công việc đều hiến tặng một cơ hội – trực tiếp nhiều hay ít – để giúp đỡ những ai cần đến.
Thông thường điều đó được kiểm chứng một cách hoàn toàn đặc biệt qua công tác của giới bác sĩ, giáo sư, chủ xí nghiệp, ít nhất là trong trường hợp những người đó không nhắm nghiền mắt lại khi đứng trước nhu cầu của kẻ khác.
Cũng thế, một nhân công, thợ thuyền, nông phu có thể tìm được nhiều cách thế để phục vụ người thân cận, cho dẫu khi phải đối diện với những khó khăn cá nhân, đôi khi thật nặng nề. Việc thực thi một cách trung thành những bổn phận chuyên môn của mình đã là một sự thực hành tình thương đối với người khác và đối với xã hội rồi.
Về phần mình, giám mục được kêu gọi không những chính mình phải cổ võ những sáng kiến xã hội của Kitô giáo thuộc loại đó, mà còn cho phép để trong Giáo Hội của mình, nảy nở những công tác được kẻ khác gợi lên. Ngài chỉ phải lưu tâm là để cho mọi việc được thực thi trong tình bác ái và lòng trung thành với Chúa Kitô là “Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin” (Dt 12, 2) mà thôi.
Nên khuyến khích người khác đã đành, nhưng cũng cho phép bất cứ ai biểu lộ thiện chí muốn được ở lại trong ngôi nhà chung là Giáo Hội. Với tư cách là giám mục, tôi đã yểm trợ nhiều sáng kiến của giáo dân. Những sáng kiến đó rất đa dạng: chẳng hạn Văn Phòng Mục Vụ Gia Đình, những cuộc gặp gỡ nghiên cứu cho các chủng sinh và sinh viên y khoa gọi là “Kler-med”, tức Học Viện Gia Đình.
Trước thế chiến, Công Giáo Tiến Hành rất sống động, với bốn ngành: nam, nữ, thanh nam, thanh nữ. Hiện nay Công Giáo Tiến Hành đang hồi sinh ở Ba-lan.
Trước kia tôi cũng là chủ tịch ủy ban tông đồ giáo dân của Hội Đồng Giám Mục Ba-lan. Tôi đã yểm trợ tạp chí định kỳ Công giáo Tygodnik Powszechny và tôi đã cố gắng khuyến khích nhóm người nầy. Điều đó đặc biệt cần thiết lúc bấy giờ. Tôi thấy đến với tôi những biên tập viên, những nhà nghiên cứu, những bác sĩ, những nghệ sĩ…Đôi khi họ đi vào cách lén lút, bởi vì chúng tôi đang ở vào thời kỳ độc tài Cộng Sản.
Người ta cũng tổ chức những hội nghị chuyên đề: căn nhà gần như luôn luôn đầy ắp người ra kẻ vào, tràn đầy sức sống. Và các nữ tu Thánh Tâm phải lo nuôi ăn chừng ấy người…Tôi cũng tiếp cận với nhiều sáng kiến mới và đa dạng mà trong đó tôi nhận ra sinh khí của Thánh Thần Chúa.
Ngược lại ở Roma, tôi chỉ gặp gỡ phong trào “Chemin néocatéchuménal” (“Hành Trình Tân Tòng Mới”) cũng như “Opus Dei” (“Dòng Chủ Nghiệp”) mà tôi đã nâng lên Phủ Doãn Tông Tòa vào năm 1982. Đó là hai thực thể giáo sĩ đòi buộc một sự dấn thân rất lớn về phía giáo dân. Hai sáng kiến đó phát sinh ở Tây-ban-nha là một xứ sở mà qua lịch sử đã biết bao lần nảy sinh những sự thối thúc của Chúa Quan Phòng đối với sự đổi mới tâm linh.
Vào tháng 10 năm 2002, tôi vui mầng ghi vào sổ bộ các Thánh ngài Josémaría Escrivá de Balaguer, vị sáng lập Opus Dei là một linh mục nhiệt thành, một tông đồ đối với giáo dân của thời đại mới.
Suốt những năm thi hành sứ vụ giám mục của tôi ở Cracovie, tôi luôn cảm thấy sự hiện diện linh thánh của những thành viên thuộc phong trào “Công Tác Đức Mẹ” – “Focolarini”. Tôi cảm phục hoạt đông tông đồ năng động của họ nhằm làm sao Giáo Hội luôn trở nên “mái ấm và học đường của sự hiệp thông” ngày càng tăng trưởng. Kể từ khi tôi được gọi lên ngai tòa Roma, tôi đã tiếp đón chị Chiara Lubich nhiều lần, với nhiều người đại diện thuộc nhiều ngành khác nhau của Phong Trào Focolarini.
“Hiệp Thông và Giải Phóng” là một phong trào khác phát sinh từ sự sống động của Giáo Hội ở quốc gia Ý. Vị khởi xướng phong trào là Đức Cha Luigi Giussani.
Thật biết bao sáng kiến ở trong giới giáo dân mà tôi đã tiếp cận trong suốt những năm tháng đó. Chẳng hạn ở Pháp, tôi liên tưởng tới phong trào “Tổ Ấm” (“Arche”) cũng như “Đức Tin và Ánh Sáng” của Jean Vanier.
Còn nhiều sáng kiến khác nữa mà tôi không thể ghi ra hết ở đây vì danh sách quá dài. Thật đủ cho tôi để nói lên rằng tôi đã hỗ trợ và những sáng kiến đó luôn hiện diện trong lời cầu nguyện của tôi. Tôi đặt nhiều hy vọng nơi những sáng kiến nói trên, ước mong bằng cách đó, được thực hiện lời mời gọi trong Phúc Âm: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho của tôi” (Mt 20, 4).
Về đề tài nầy, tôi đã viết trong Tông Huấn “Christifideles laici” (“Kitô hữu giáo dân”): “Lời mời gọi không chỉ nhắm vào các mục tử, các linh mục và nam nữ tu sĩ, mà còn mở rộng tới tín hữu giáo dân nữa vì chính họ cũng được Chúa đích thân mời gọi. Họ nhận lãnh từ Chúa sứ vụ đối với Giáo Hội và đối với trần thế” (số 2).
2.- Hợp tác với các hội dòng
Tôi luôn giao hảo tốt và hợp tác với các hội dòng. Ở Ba-lan, có lẽ Cracovie là tổng giáo phận tập trung nhiều hội dòng nhất – nam cũng như nữ. Nhiều dòng phát sinh tại đó, nhiều dòng khác tới định cư ở đây, chẳng hạn dòng các Nữ Tu Thánh Felix đến từ những vùng đất thuộc vương quốc Ba-lan xưa kia.
Giờ đây tôi hướng tâm tư về với Chân Phước Honorat Kosminski là vị sáng lập nhiều cộng đoàn nữ tu mặc thường phục – hoa trái của lòng nhiệt thành mục vụ ở tòa cáo giải. Về phương diện đó, ngài là một thiên tài. Dưới sự hướng dẫn của ngài có Chân Phước Maria Angela Truskowska là vị sáng lập dòng Nữ Tu Thánh Félix. Chân Phước Truskowska được mai táng trong nhà thờ của dòng ở Cracovie.
Điều cần nhắc nhở là ở Cracovie, những dòng tu đông nhất là những dòng cổ xưa, bắt nguồn từ thời Trung Cổ như dòng Phan-xi-cô và dòng Đa-minh hay vào thời kỳ Phục Hưng như dòng Tên hay dòng Khất Sĩ. Các tu sĩ những dòng đó nói chung có những cha giải tội nổi tiếng, ngay cả đối với các linh mục. (Ở Cracovie, các linh mục hay xưng tội với các cha dòng Khất Sĩ).
Vào thời kỳ quốc gia Ba-lan bị phân chia, nhiều dòng đã định cư ở tổng giáo phận Cracovie, bởi vì không thể bành trướng trong vương quốc Ba-lan, họ đổ dồn vào vùng đất lúc bấy giờ là cộng hòa Cracovie mà ở đó người ta có thể hưởng một sự tự do tương đối.
Chứng cớ hiển nhiên nhất về những tiếp xúc tốt đẹp giữa tôi với các hội dòng là việc Đức Giám Mục Albin Malysiak thuộc dòng Thừa Sai. Ngài là một linh mục chánh xứ nhiệt tình của miền Cracovie-Nowa Wies, trước khi được bổ nhiệm giám mục. Chính tôi đã tiến cử ngài cùng với Đức Cha Stanislaw Smolenski và cũng chính tôi đã tấn phong cả hai vị.
Các hội dòng không bao giờ làm cho đời sống tôi trở nên khó khăn. Tôi có liên hệ tốt đẹp với tất cả các hội dòng, vì nhận thấy nơi họ một sự hỗ trợ quan trọng cho mục vụ giám mục. Tôi cũng nghĩ tới những nguồn trữ lượng lớn lao về năng lực tâm linh của các hội dòng chiêm niệm.
Ở Cracovie, có hai dòng Cát-Minh (ở đường Kopernika và Lobzowska). Còn có các nữ tu của Thánh Claire (Clarisses), các nữ tu của Thánh Đa-minh, các nữ tu dòng Thăm Viếng (Visitandines) và các nữ tu dòng Thánh Biển Đức (ở Staniatki). Đó là những trung tâm cầu nguyện lớn lao: cầu nguyện và thống hối và cả dạy giáo lý nữa.
Tôi nhớ lại có lần đã ngỏ lời với các nữ tu dòng kín: “Ước mong chấn song sắt nầy liên kết các chị với thế giới và không chia cách các chị. Các chị hãy bao trùm mặt địa cầu bằng chiếc áo choàng cầu nguyện của các chị!” Tôi xác tín rằng các chị thân yêu đó, sống rải rắc trên khắp địa cầu, luôn ý thức là họ sống cho thế giới và không ngừng phục vụ Giáo Hội hoàn vũ bằng sự tự hiến, đời sống thinh lặng và sự cầu nguyện thâm sâu.
Bất cứ giám mục nào cũng có thể tìm ở nơi họ một sự hỗ trợ lớn lao. Hơn một lần, tôi đã có kinh nghiệm đó, khi phải đối diện với những vấn đế nan giải, tôi đã xin những hội dòng chiêm niệm khác nhau hỗ trợ tôi bằng lời cầu nguyện. Tôi cảm thầy quyền lực của sự can thiệp đó, và nhiều lần tôi đã cám ơn những người hội họp nhau trong những phòng nhỏ cầu nguyện đã giúp đỡ tôi vượt lên trên những hoàn cảnh tuyệt vọng, xét theo bản tính con người.
Các nữ tu Ursulines có một ký túc xá ở Cracovie. Mẹ Angela Kurpisz luôn luôn mời tôi giảng cấm phòng cho các nữ sinh. Tôi năng lui tới dòng nữ tu Ursulines áo tím ở Jaszczurówka (Zakopane). Hằng năm tôi được hưởng lòng hiếu khách của họ.
Có một tập tục như sau: nửa đêm ba mươi Tết dương lịch, tôi dâng Thánh Lễ nơi dòng nữ Phan-xi-cô ở Cracovie. Sáng mồng một Tết dương lịch, tôi tới dòng các nữ tu Ursulines ở Zakopane, rồi đi trượt tuyết.
Thông thường vào thời kỳ đó, trời đổ tuyết nhiều. Một cách tổng quát, tôi ở lại nơi các nữ tu nầy cho tới ngày 6 tháng giêng. Vào ngày đó, tôi ra đi lúc xế trưa, để kịp dâng Thánh Lễ lúc 6 giờ chiều ở nhà thờ chính tòa Cracovie. Sau đó, có cuộc gặp gỡ ở Wawel để trao đổi quà Giáng Sinh.
Tôi nhớ lại lần kia, trong khi đi trượt tuyết, có lẽ với cha Józef Rozwadowski (giám mục tương lai ở Lódz), cả hai chúng tôi bị lạc trong miền phụ cận thung lũng Chocholowska. Kế đó, chúng tôi phải chạy “như điên” – theo như thành ngữ thông dụng – để tới kịp giờ.
Thường khi, ngay cả trong những ngày tĩnh tâm, tôi đi tới Pradnik Czerwony, nơi dòng các nữ tư Thánh Albert (Albertines). Tôi cảm thấy rất thoải mái ở đây. Tôi lui tới Rzaska, vùng phụ cận Cracovie. Tôi là bạn thân của các tiểu muội dòng Charles de Foucauld và tôi hợp tác với họ.
Như đã nhấn mạnh trên đây, tôi đã trải qua nhiều ngày ở đan viện Biển Đức Tyniec. Chính tôi đã cấm phòng ở đó. Tôi biết cha Piotr Rostworowski rất nhiều. Tôi cũng đã nhiều lần xưng tội với cha. Tôi cũng biết cha Augustyn Jankowski là một nhà nghiên cứu Thánh Kinh và bạn đồng sự trong ngành giáo dục. Cha thường gởi cho tôi những sách mới.
Tôi đi đến Tyniec và ở nơi các cha dòng Thánh Romuald (Camaldules) ở Bielany trong những ngày tĩnh tâm. Khi tôi còn là linh mục trẻ, tôi đã hướng dẫn những cuộc cấm phòng cho các giáo sư đại học thuộc giáo xứ Saint-Florian. Tôi nhớ lần kia, ban đêm xuống nhà thờ: rất đỗi ngạc nhiên, tôi thấy nhiều sinh viên cầu nguyện và theo chỗ tôi biết, họ đã quyết định thay phiên nhau chầu liên tục suốt đêm.
Các dòng tu phục vụ Giáo Hội và cũng phục vụ giám mục nữa. Thật khó mà không đánh giá cao chứng tá đức tin của họ, căn cứ trên những lời khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời, cũng như nếp sống lấy nguồn cảm hứng từ lề luật của các vị Thánh nam nữ sáng lập dòng. Chính nhờ một sự trung tín như thế mà những hội dòng khác nhau có thể duy trì đặc sủng khởi nguyên và làm cho sinh hoa kết quả xuyên qua nhiều thế hệ.
Người ta cũng không thể quên gương bác ái huynh đệ là khởi nguồn của mỗi cộng đoàn tu trì. Do bản tính con người, thỉnh thoảng có thể nảy sinh một đôi vấn đề, nhưng một giải pháp luôn luôn có thể tìm ra nếu giám mục biết lắng nghe cộng đoàn tu trì, tôn trọng quyền tự trị hợp pháp của họ và nếu cộng đoàn tu sĩ đến lượt mình, biết công nhận thực sự nơi giám mục là người có trách nhiệm tối hậu về mục vụ trên địa hạt giáo phận.
3.- Các linh mục
Trong tổng giáo phận Cracovie, những ơn gọi đông hơn và có nhiều năm, thật dồi dào đặc biệt. Chẳng hạn sau tháng 10 năm 1956, những đơn xin nhập chủng viện gia tăng rõ rệt. Cũng xảy ra như thế vào thời gian kỷ niệm một ngàn năm nước Ba-lan nhận phép thánh tẩy. Hình như đó là một định luật, cứ sau những biến cố lớn lao, số ơn gọi lại gia tăng. Quả thật, những ơn gọi nảy nở trên đất mùn của đời sống cụ thể dân Chúa.
Đức Hồng Y Sapieha đã nói: đối với giám mục, chủng viện là “con ngươi” (“pupilla oculi”), cũng như nhà tập đối với cha bề trên hội dòng vậy. Điều đó thật dễ hiểu: những ơn gọi là tương lai của giáo phận hay của dòng tu và sau cùng là của Giáo Hội.
Riêng cá nhân tôi, tôi chăm lo các chủng viện một cách đặc biệt. Ngay hôm nay đây, hằng ngày tôi vẫn cầu nguyện cho tất cả các chủng viện ở Roma và một cách tổng quát hơn, cho hết mọi chủng viện ở trong nước Ý, Ba-lan và trên thế giới. Tôi cầu nguyện một cách đặc biệt cho chủng viện Cracovie. Chính từ nơi đó tôi đã xuất thân và tôi muốn ít nhất là đền ơn bằng cách đó.
Khi còn là giám mục Cracovie, tôi đã theo dõi các ơn gọi với một sự chú ý đặc biệt. Vào khoảng cuối tháng sáu, tôi được thông báo số những người xin được nhận vào chủng viện cho năm kế tiếp. Sau đó, khi họ sống ở trong chủng viện, tôi đã gặp gỡ từng người một. Tôi đã trò chuyện với từng người, hỏi thăm tin tức gia đình họ và cùng với họ, nhận thức ơn gọi của họ. Tôi cũng mời những chủng sinh xem lễ sáng trong nhà nguyện của tôi rồi dùng điểm tâm. Đó là cơ hội rất tốt để tìm hiểu họ.
Đêm vọng Giáng Sinh, tôi hay dùng bữa ăn tối ở chủng viện hoặc mời các chủng sinh tới tòa tổng giám mục, ở đường Franciszkanska. Họ không về với gia đình để vui mừng trong các ngày lễ và bằng một cách nào đó, tôi muốn tưởng thưởng họ vì sự hy sinh nầy.
Tất cả những điều đó có thể thực hiện được khi tôi còn ở Cracovie. Tại Roma, điều đó khó hơn, bởi vì các chủng sinh ở đây đông đúc hơn. Tuy nhiên, đích thân tôi đã thăm viếng tất cả và tùy dịp thuận tiện, tôi đã mời các vị bề trên của họ tới Vatican.
Giám mục không thế bỏ lỡ cơ hội trình bày cho giới trẻ lý tưởng cao đẹp của thiên chức linh mục. Quả tim người trẻ có thể hiểu biết “tình yêu điên rồ” đòi buộc sự tận hiến bản thân mình. Không có tình yêu nào lớn hơn Tình Yêu với chữ Y viết hoa! Trong cuộc hành hương sau cùng của tôi ở Tây-ban-nha, tôi đã thổ lộ điều nầy với giới trẻ:
“Tôi được phong chức linh mục khi hai mươi sáu tuổi. Kể từ đó, năm mươi sáu năm trôi qua. Khi nhìn lui lại và nhớ tới những năm dài đó trong cuộc đời tôi, tôi có thể cam đoan rằng thật đáng để tự hiến dâng đời mình vì cớ Chúa Kitô và qua tình yêu đối với Ngài, hy sinh để phục vụ con người. Thật đáng để hy sinh mạng sống mình vì Phúc Âm của Chúa và vì anh em mình!” (Madrid, 3 tháng năm 2003). Giới trẻ đã hiểu sứ điệp của tôi và đã đồng thanh la vang lên như một điệp khúc: “Thật đáng! Thật đáng!”
Sự ân cần đối với những ơn gọi cũng biểu lộ trong việc chăm lo việc chọn lựa đúng đắn những ứng sinh lãnh chức linh mục. Giám mục phó thác cho các cộng sự viên của ngài, như là những người đào luyện ở trong chủng viện, thi hành nhiều trách nhiệm liên hệ đến tác vụ đó, nhưng trách nhiệm lớn lao nhất đối với việc đào tạo linh mục vẫn thuộc phần vụ của ngài.
Thật sự chính giám mục chọn lựa và kêu gọi nhân danh Chúa Kitô, khi ngài tuyên bố trong nghi lễ truyền chức: “Nhờ sự hộ trì của Chúa Giêsu Kitô là Chúa Cứu Chuộc chúng ta, chúng tôi chọn anh em làm linh mục” (Sách Lễ Roma, Phong Chức linh mục).
Đó là một trách nhiệm lớn lao. Thánh Phaolô đã cảnh cáo Timothée: “Anh đừng vội đặt tay trên ai” (1Tm 5, 22). Lời cảnh cáo đó không phát sinh bởi sự nghiêm ngặt đặc biệt nhưng do quan điểm sơ đẳng nhất thuộc về trách nhiệm đối với một hiện thực có giá trị siêu đẳng, được trao phó vào tay chúng ta. Chính vì sự tự hiến và huyền nhiệm của phần rỗi mà phải ấn định những đòi hỏi bắt buộc đối với chức linh mục.
Tôi muốn nhắc lại ở đây Thánh Józef Sebastian Pelczar (1842-1924), giám mục giáo phận Pzemysl, mà tôi được dịp phong hiển thánh vào ngày sinh nhật thứ tám mươi ba của tôi, cùng với Thánh Urszula Ledóchowska, đã được tôi nhắc nhở trên đây. Thánh giám mục Pelczar được biết đến ở Ba-lan, đặc biệt bởi những tác phẩm của ngài. Tôi sung sướng được nhắc lại ở đây quyển sách của ngài với nhan đề: “Suy niệm về đời sống linh mục”.
Tác phẩm nầy được phát hành ở Cracovie khi ngài còn là giáo sư đại học Jagellon. (Một ấn bản mới nhất được ra đời cách nay vài tháng.) Quyển sách đó là thành quả đời sống tâm linh phong phú của ngài và đã có một ảnh hưởng sâu đậm trên nhiều thế hệ linh mục Ba-lan, đặc biệt vào thời đại của tôi. Theo một cách nào đó, đời sống linh mục của tôi cũng được nhào nắn bởi tác phẩm khổ hạnh nầy.
Tarnów và thành phố Przemysl bên cạnh là hai trong nhiều giáo phận, xét theo tỷ lệ trên thế giới, có nhiều ơn gọi nhất. Trong giáo phận Tarnów, đức giám mục là Đức Cha Jerzy Ablewicz, bạn tôi. Ngài đến từ Przemysl, thuộc di sản thiêng liêng của Thánh Józef Pelczar.
Họ là những mục tử chân chính, đặt lên hàng đầu những ràng buộc trước hết đối với chính họ, rồi đối với những linh mục và chủng sinh. Tôi thiết tưởng đó là bí quyết của việc có nhiều ơn gọi trong những giáo phận đó. Những lý tưởng cao đẹp và có nhiều ràng buộc sẽ lôi cuốn giới trẻ.
Tôi luôn ấp ủ vào lòng sự hợp nhất giữa “linh mục đoàn” (“presbyterium”). Để được tiếp xúc dễ dàng với các linh mục, liền sau Công Đồng Vatican II, tôi lo thiết lập hội đồng linh mục (năm 1968) để thảo luận những chương trình liên quan tới sinh hoạt các linh mục đảm trách các linh hồn. Theo định kỳ trong năm, được tổ chức trong những phân bộ khác nhau thuộc tổng giáo phận những cuộc gặp gỡ để bàn tới những vấn đề cụ thể mà các linh mục nêu lên.
Qua cách sống của mình, giám mục chứng tỏ “mô hình Chúa Kitô” không phải lỗi thời, cho dẫu ngay cả trong những điều kiện thực tế ngày nay. Người ta có thể nói được một giáo phận phản ảnh cách thức hành xử của vị giám mục.
Những nhân đức của ngài – như khiết tịnh, thực hành đức khó nghèo, tinh thần cầu nguyện, đức tính giản dị, lương tâm nhạy cảm – theo một nghĩa nào đó, được khắc ghi vào con tim các linh mục. Những người nầy, đến lượt họ, chuyển đạt những giá trị đó cho các tín hữu đã được giao phó. Và chính nhờ thế, giới trẻ được khích lệ đáp lại một cách đại độ tiếng gọi phát ra từ Chúa Giêsu.
Khi đề cập đến vấn đề nầy, tôi không thể không nhớ tới những người đã rời bỏ chức linh mục. Giám mục cũng không thể quên họ được: họ cũng được quyền có một chỗ trong quả tim người cha. Thảm kịch của họ đôi khi tỏ lộ những bất cẩn trong vấn đề đào luyện linh mục.
Cũng nằm trong việc đào luyện linh mục đó là sự cảnh cáo can đảm trong tình huynh đệ, khi xét thấy cần và về phần linh mục, sẵn sàng đón nhận một sự cảnh cáo như thế. Chúa Giêsu đã nới với các tông đồ: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em.” (Mt 18, 15).
4.- Ngôi nhà giám mục
Những cơ hội gặp gỡ người khác không chỉ thực hiện qua các cuộc viếng thăm mục vụ và những sự can dự công khai khác. Trong ngôi nhà số 3, đường Franciszkanska, cửa được rộng mở cho tất cả mọi người. Giám mục là mục tử. Vì vậy, ngài phải tiếp xúc với mọi người, sống cho mọi người và phục vụ mọi người. Mọi người luôn được tiếp xúc thẳng với tôi. Cổng vào mở sẵn cho tất cả họ.
Dinh giám mục là trung tâm của nhiều cuộc gặp gỡ khác nhau, của những khóa họp khoa học. Chính đó cũng là trung tâm diễn ra “những cuộc họp dành cho các gia đình”. Một trong các phòng ốc được sắp xếp để người ta tham khảo các vấn đề về gia đình.
Lúc bấy giờ là thời kỳ mà mọi cuộc tụ tập của giáo dân dù quan trọng thế nào đều bị chính quyền xem như hoạt động chống lại nhà nước. Ngôi nhà giám mục trở nên nơi trú ẩn.
Tôi đã mời đủ hạng người: những nghiên cứu gia, triết gia, những nhà nghiên cứu khoa học nhân văn. Cũng chính ở đó diễn ra những cuộc hội họp thường xuyên với các linh mục. Nhiều lần phòng khách dùng làm phòng họp. Như đã nhắc đến, Viện Thần Học Gia Đình và các đại chủng viện “Kler-med” cũng diễn ra ở đó. Người ta có thể nói được ngôi nhà đó “đầy sinh khí”.
Gắn liền với ngôi nhà tổng giám mục Cracovie là nhiều kỷ niệm liên hệ tới khuôn mặt của vị tiền nhiệm vĩ đại của tôi, hiện đang còn lưu lại trong ký ức nhiều thế hệ linh mục như là chứng tá không thể sánh kịp về mầu nhiệm tình phụ tử. Vị “hoàng tử dũng cảm”, chính đó là danh xưng người ta thường gọi Đức Tổng Giám Mục Adam Stefan Sapieha như thế.
Ngài đã trải qua hai trận thế chiến và thời kỳ chiếm đóng với tước hiệu đó. Chắc chắn ngài đã có một chỗ đặc biệt trong lịch sử ơn gọi của tôi. Chính ngài đã đón tiếp sự triển nở ban đầu của ơn gọi đó. Tôi đã đề cập tới điều đó trong quyển sách “Ơn gọi của tôi: Tặng phẩm và huyền nhiệm”.
Đức Hồng Y hoàng tử Sapieha là một nhà quý tộc Ba-lan theo đúng nghĩa danh xưng đó. Ngài sinh ra ở Krasiczyn, vùng phụ cận Przemysl. Tôi cố ý tới đó một lần để ngắm xem lâu đài mà ngài đã sinh ra. Ngài trở thành linh mục giáo phận Lvov. Vào thời đại Đức Piô X, ngài phục vụ ở Vatican, trong vai trò bí thư. Trong thời gian đó, ngài đã giúp ích rất nhiều cho Ba-lan.
Vào năm 1912, ngài được bổ nhiệm giám mục và được Đức Piô X tấn phong trực tiếp cùng chỉ định ngôi tòa Cracovie. Đức Cha Sapieha đã tiếp nhận tổng giáo phận Cracovie cũng năm đó, ít lâu trước khi Đệ Nhất Thế Chiến bùng nổ.
Trong thế chiến, ngài đã thành lập ủy ban giám mục Cracovie để giúp đỡ những nạn nhân bị tai họa chiến tranh, thường được gọi là “ủy ban hoàng tử giám mục”. Cùng với thời gian, ủy ban đó mở rộng hoạt động cho đến đỗi bao trùm toàn cõi đất nước. Đức Cha Sapieha tích cực hoạt động một cách lạ thường trong những năm khói lửa, và như thế ngài đưọc cả nước hết sức tôn trọng.
Ngài chỉ trở thành hồng y sau Đệ Nhị Thế Chiến. Từ thời kỳ Olesnicki, đã có những hồng y ở Cracovie là các Đức Tổng Giám Mục Danajewski và Puzyna. Tuy nhiên, Đức Cha Sapieha xứng đáng hơn tất cả với tước hiệu “Hoàng Tử dũng cảm”.
Vâng, Đức Hồng Y Sapieha đối với tôi là một mẫu mực thực sự, bởi vì trước hết ngài là một mục tử. Trước khi Đệ Nhị Thế chiến bùng nổ, ngài đã tấu trình với Đức Thánh Cha là ngài muốn từ bỏ trọng trách thuộc tổng giáo phận Cracovie để hưu trí. Nhưng Đức Piô XII không đồng ý. Đức Thánh Cha đã trả lời ngài: “Hiện nay chúng ta đang gặp phải chiến tranh, người ta cần tới Hiền Huynh.” Đức Hồng Y Sapieha đã qua đời trong chức vị hồng y trên ngai tòa Cracovie vào lúc được tám mươi hai tuổi.
Trong bài giảng Thánh Lễ an táng, Đức Hồng Y giáo chủ Wyszynski đã nêu lên những câu hỏi thật có ý nghĩa. Ngài nói:
“Các anh em linh mục thân mến, khi chúng tôi nhìn xem anh em, chúng tôi là những người đã đón tiếp anh em và là bạn hữu của anh em. Anh em là những người đang tụ họp như là một vòng cung chắc nịch bằng những quả tim bao quanh quan tài nầy đang chứa đựng thi hài của con người mảnh khảnh đó, một con người không thể so sánh với anh em được về tầm vóc lẫn sức lực. Hởi các linh mục Cracovie, tôi tha thiết muốn hỏi anh em, để tăng trưởng kinh nghiệm của tôi và để đào sâu sự minh triết mà một mục tử cần đến:
Anh em yêu mến điều gì nơi ngài? Điều gì nơi ngài đã chinh phục quả tim anh em? Anh em đã thấy điều gì nơi ngài? Tại sao anh em đã gắn bó với tâm hồn đó, cũng như toàn thể nước Ba-lan? Quả thật ở đây người ta có thể nói tới tình yêu của linh mục đoàn (presbyterium) giáo phận đối với đức tổng giám mục của mình.”
(Ksiega Sapiezynska, Cracovie 1986, tr. 776).
Quả đúng như thế, cuộc lễ an táng đó vào tháng bảy năm 1951 là một biến cố phi thường xảy ra vào thời Staline: một đám tang dài đi từ đường Franciszkanska tới Wawel, với một đơàn người chắc nịch bước đi, trong đó có các linh mục, những tu sĩ và giáo dân. Họ bước đi và chính quyền không dám quấy rầy đoàn người đi theo quan tài. Họ cảm thấy bất lực khi đối diện biến cố đó.
Người ta có thể tưởng tượng vì lẽ đó, họ đã có thể tạo ra vụ kiện hồi tố đối với Đức Hồng Y Sapieha, sau vụ kiện đối với triều chính thuộc tổng giáo phận Cracovie. Đảng Cộng Sản không dám đụng tới ngài khi còn sống, mặc dù chính ngài đã dự kiến điều đó, đăc biệt khi họ đã bắt bớ Đức Hồng Y Mindszenty, giáo chủ Hung-gia-lợi, nhưng họ không có can đảm làm như vậy.
Chính vào thời đại của ngài mà tôi vào chủng viện: trước hết tôi là chủng sinh, sau đó trở thành linh mục. Đối với ngài, tôi có một sự tín nhiệm rất lớn và có thể nói được, tôi yêu mến ngài cũng như các linh mục khác vậy. Người ta thường thấy viết trong các sách rằng, bằng một cách nào đó, Đức Hồng Y Sapieha đã chuẩn bị cho tôi, điều đó có thể đúng. Đó cũng là một trách nhiệm của vị giám mục: chuẩn bị những ai có thể thay thế mình, tùy hoàn cảnh.
Các linh mục đánh giá ngài cao, có thể vì ngài là một hoàng tử, nhưng họ yêu mến ngài trước tiên bởi vì đó là một người cha, vì ngài đầy lòng ân cần đối với con người. Và chính đó là điều đáng kể nhất: một giám mục phải là một người cha.
Thật vậy, không người đàn ông nào biểu lộ trọn vẹn tình phụ tử, bởi vì điều đó chỉ thể hiện trọn vẹn nơi Thiên Chúa là Cha. Nhưng chúng ta tham dự một cách nào đó vào tình phụ tử của Chúa. Tôi đã biểu thị chân lý đó trong bài suy niệm về sự huyền nhiệm của người cha nhan đề là “Những tia sáng của tình phụ tử”.
5.- Tình phụ tử theo gương Thánh Giuse
Mục vụ giám mục dĩ nhiên là một trọng trách, nhưng giám mục phải chiến đấu bằng tất cả nghị lực để đừng trở thành một “công bộc”. Ngài không bao giờ quên mình là một người cha. Như tôi đã nói, hoàng tử Sapieha được yêu mến rất nhiều, bởi vì ngài là một người cha đối với các linh mục.
Khi tôi nghĩ tới một người có thể được xem như người giúp đỡ hay mẫu mực cho tất cả những ai được kêu gọi tham gia vào tình phụ tử - trong đời sống gia đình hay trong đời sống linh mục và hơn thế nữa là trong sứ vụ giám mục – chính Thánh Giuse đã tới trong trí óc tôi.
Đối với tôi, việc tôn kính Thánh Giuse cũng được gắn liền với kinh nghiệm của tôi ở Cracovie. Đường Poselska, gần dinh giám mục, có các nữ tu dòng Thánh Bernard. Trong ngôi thánh đường của họ, được đích xác cung hiến cho Thánh Giuse, ở đó có chưng bày Mình Thánh Chúa ngày đêm. Trong những lúc rảnh rỗi, tôi đến đó để cầu nguyện và ánh mắt tôi thường hướng về bức tượng tuyệt đẹp của người cha được coi là cha của Chúa Giêsu, rất được tôn kính trong ngôi thánh đường đó.
Cũng một lần kia, tôi đã giảng cấm phòng cho các luật gia. Tôi luôn ưa thích tưởng tới Thánh Giuse trong bối cảnh Thánh Gia Thất: Chúa Giêsu, Mẹ Maria, Thánh Giuse. Tôi đã kêu cầu cả ba Đấng hộ phù, khi phải đối diện với nhiều vấn nạn khác nhau. Tôi hiểu một cách dễ dàng sự hợp nhất và tình yêu đã hòa hợp nhau trong Thánh Gia Thất: ba con tim, một tình yêu. Một cách đặc biệt, tôi đã phó thác cho Thánh Giuse mục vụ gia đình.
Ở Cracovie, còn có một ngôi thánh đường khác được cung hiến cho Thánh Giuse, đó là thánh đường Podgórze. Tôi đã lui tới đó trong những cuộc thăm viếng mục vụ của tôi.
Nguyện đường Thánh Giuse ở Kalisz cũng trang trọng lắm. Ở đó thường quy tụ những nhóm hành hương tạ ơn, có các linh mục đi theo. Họ là những cựu tù nhân ở Dachau. Trong trại tù Đức Quốc Xã đó, một nhóm người bị lưu đày đã phó thác mình cho Thánh Giuse và họ đã được cứu thoát.
Khi được về lại Ba-lan, hằng năm họ bắt đầu đi hành hương để tạ ơn Thánh Giuse ở nguyện đường Kalisz và họ luôn mời tôi cùng tháp tùng với họ. Ở giữa họ, có Đức Tổng Giám Mục Kazimierz Majdanski, Đức Giám Mục Ignacy Jez, cũng như Đức Hồng Y Adam Koslowiecki, thừa sai ở Phi châu.
Thiên Chúa Quan Phòng đã chuẩn bị Thánh Giuse làm tròn vai trò người cha của Chúa Giêsu Kitô. Trong Tông Huấn tôi dành cho Ngài “Redemptoris Custos” (“Đấng Bảo Trợ Chúa Cứu Thế”), tôi đã viết: “Căn cứ theo những văn bản Phúc Âm, việc hôn nhân của Mẹ Maria làm nền tảng pháp lý cho tình phụ tử của Thánh Giuse. Chính vì để đảm bảo sự hiện diện của một người cha nơi Chúa Giêsu mà Thiên Chúa đã chọn Thánh Giuse làm chồng Mẹ Maria. Do đó, tình phụ tử của Thánh Giuse – sự liên hệ đặt để Ngài rất gần gũi với Chúa Kitô, cứu cánh của mọi lựa chọn và của mọi tiền định – được thông qua bởi việc hôn nhân với Mẹ Maria” (số 7).
Thánh Giuse được kêu gọi làm chồng rất thanh sạch của Mẹ Maria, chính để phục vụ trong vai trò người cha đối với Chúa Giêsu. Tình phụ tử của Thánh Giuse, cũng như tình mẫu tử của Rất Thánh Nữ Đồng Trinh Maria, trước hết mang một đặc tính Kitô học.
Tất cả những đặc ân của Mẹ Maria xuất phát bởi sự kiện Mẹ là Mẹ Chúa Kitô. Cũng giống như thế, hết mọi đặc ân của Thánh Giuse phát xuất bởi sự kiện Ngài có trọng trách phục vụ Chúa Kitô trong tư cách người cha.
Chúng ta biết Đức Kitô ngỏ lời với Thiên Chúa bằng “Abba” (“Cha”), một tiếng dịu dàng thân mật mà con cái trong nước của Ngài ngỏ với người cha của họ như vậy. Có lẽ Ngài cũng ngỏ với Thánh Giuse, bằng cách dùng cũng một tiếng đó, như những đứa trẻ khác.
Không biết có thể nói hơn nữa về huyền nhiệm của tình phụ tử loài người hay không? Trong tư cách con người, chính Đức Kitô đã có kinh nghiệm về tương quan dòng hệ với Thánh Giuse. Sự đối diện với Thánh Giuse như là người cha được lồng vào trong sự mạc khải mà tiếp theo đó Chúa Kitô đã gọi Thiên Chúa là Cha. Đó là một sự huyền nhiệm thâm sâu.
Với tư cách Thiên Chúa, Đức Kitô đã có kinh nghiệm riêng về tình phụ tử Thiên Chúa và sự liên hệ giữa Chúa Ba Ngôi. Trong tư cách con người, ngài có kinh nghiệm về dòng hệ nhờ Thánh Giuse. Về phần mình, Thánh Giuse ban tặng cho trẻ nhỏ Giêsu lớn lên bên cạnh mình sự hỗ trợ quân bình thuộc dương tính, sự sáng suốt nhận định những vấn nạn và lòng quả cảm.
Ngài đã làm trọn vai trò của mình với những đức tính của người cha tuyệt vời nhất trong các người cha, múc lấy sức mạnh trong suối nguồn tuyệt đỉnh “là nguồn mọi gia tộc trên trời dưới đất” (Ep 3, 15). Và cùng một trật, đối với những gì liên hệ đến thực tế nhân sinh, Thánh Giuse đã dạy bảo nhiều điều cho Con Thiên Chúa. Và ngài đã xây dựng một mái ấm gia đình trên trần thế để hiến tặng cho Người Con đó.
Cuộc đời Chúa Giêsu đối với Thánh Giuse là một sự khám phá liên tục về chính ơn gọi của ngài để làm người cha. Ngài đã trở thành người cha một cách phi thường mà không phải là nguồn gốc làm nên thân thể của Người Con đó. Phải chăng đó là sự thực hiện tình phụ tử đã được đề xuất như là mẫu mực đối với tất cả chúng ta là linh mục và giám mục?
Và kỳ thực, tất cả những gì tôi đã thi hành trong mục vụ của tôi thì tôi đã sống điều đó như là một sự thể hiện tình phụ tử đó: rửa tội, giải tội, cử hành Thánh Thể, giảng dạy, khuyên bảo, khuyến khích…tất cả những điều đó luôn luôn đối với tôi là một sự thực thi chính tình phụ tử đó.
Cần phải suy nghĩ một cách đặc biệt về mái ấm gia đình mà Thánh Giuse đã xây đắp cho Con Thiên Chúa khi đề cập tới vấn đề độc thân của linh mục và giám mục. Quả thật đời sống độc thân cho phép có thể thực hiện một cách trọn vẹn hình thức tình phụ tử đó: một thứ phụ tử trong trắng, hiến dâng trọn vẹn cho Chúa Kitô và Đức Mẹ Đồng Trinh. Thoát khỏi mọi ràng buộc cá nhân đối với đời sống gia đình, linh mục có thể tự hiến hết con tim mình cho sứ vụ mục tử.
Vì vậy người ta hiểu được sự cương quyết theo đó Giáo Hội thuộc nghi lễ La-tinh đã bảo vệ truyền thống độc thân đối với các linh mục của mình, chống lại những áp lực mà qua bao thế kỷ, đã biểu lộ khi nầy hay khi khác. Quả thật đó là một truyền thống với nhiều đòi hỏi, nhưng chứng tỏ một sự phong phú đặc biệt, vì đã mang lại nhiều hoa trái thiêng liêng.
Tuy nhiên cũng có lý do vui mầng khi nhận thấy các linh mục lập gia đình trong Giáo Hội Công Giáo Đông phương đã cống hiến những chứng tá tuyệt vời về lòng nhiệt thành thi hành mục vụ. Đặc biệt, trong cuộc chiến đấu chống lại Cộng Sản, các linh mục lập gia đình thuộc Giáo Hội Đông phương cũng can trường không kém các linh mục độc thân. Như Đức Hồng Y Josyf Slipyj đã nhận xét trước kia, khi đối đấu với các đảng viên Cộng Sản, họ đã chứng tỏ một sự can đảm cũng như các linh mục độc thân vậy.
Vả lại, cần phải nhấn mạnh đến những lý do thần học sâu xa hỗ trợ vấn đề độc thân linh mục. Thông Điệp “Sacerdotis caelibatus” (“Tư Tế độc thân”) ban hành năm 1967 bởi vị tiền nhiệm đáng kính của tôi, được tóm gọn như sau (Xem số 19-34):
- Trước hết có một động cơ thuộc Kitô học: khi được làm trung gian giữa Chúa Cha và nhân loại, Đức Kitô đã sống độc thân để tự hiến trọn mình phục vụ Thiên Chúa và loài người. Ai quyết định thi hành sứ vụ của Chúa Kitô thì cũng được kêu gọi chia sẻ sự hiến tặng đó.
- Tiếp đến có một động cơ thuộc Giáo Hội học: Đức Kitô đã yên mến Giáo Hội, tự hiến trọn vẹn chính mình cho Giáo Hội để làm cho Giáo Hội trở nên hiền thê sáng lạn, thánh thiện và không tì vết của Ngài. Qua việc lựa chọn đời sống độc thân, thừa tác viên được thánh hiến đã chọn tình yêu đó của Chúa Kitô đối với Giáo Hội làm tình yêu của mình và từ đó rút ra một sức mạnh siêu nhiên để có khả năng sinh sản dồi dào về mặt thiêng liêng.
- Cuối cùng có một động cơ thuộc cánh chung học: khi kẻ chết sống lại, như Chúa Giêsu đã nói, “người ta chẳng lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời” (Mt 22, 30). Đời sống độc thân của linh mục tiên báo thời cánh chung của phần rỗi sẽ đến cùng dự đoán một cách nào đó sự viên mãn của Nước Trời, và như thế xác quyết những giá trị siêu đẳng đó một ngày kia sẽ chói lọi nơi hết mọi con cái của Chúa.
Trong ý hướng tranh cãi về vấn đề độc thân, người ta thường đưa ra luận cứ sự đơn độc của đời sống linh mục và giám mục. Căn cứ theo kinh nghiệm của tôi, tôi bác khước một cách mạnh mẽ một luận cứ như vậy. Riêng cá nhân tôi, không bao giờ tôi cảm thấy cô đơn.
Ngoài ý thức thân cận với Chúa Giêsu, ngay cả trên bình diện nhân linh, tôi luôn luôn có nhiều người chung quanh. Tôi đã xây đắp nhiều mối liên hệ thân tình với các linh mục – các cha quản hạt, các cha chánh xứ và phó xứ - cùng với nhiều giáo dân thuộc mọi giai tầng.
6.- Sống với dân chúng
Còn phải nghĩ tới mái ấm gia đình mà Thánh Giuse đã xây đắp cho Con Thiên Chúa, khi nói tới bổn phận làm cha của giám mục, đó là sống với những ai đã được giao phó. Quả thật mái ấm gia đình của giám mục là giáo phận. Không những vì ngài phải ở đó, làm việc ở đó, nhưng trong một ý nghĩa thâm sâu hơn: mái ấm gia đình của giám mục là giáo phận bởi vì chính đây là nơi mà mỗi ngày ngài phải thể hiện lòng trung thành của ngài đối với Giáo Hội, Hiền Thê của ngài.
Khi đối diện với những sự lơ là dai dẳng trong lãnh vực đó, Công Đồng Trente đã nhấn mạnh và xác định nghĩa vụ đối với giám mục phải định xứ trong giáo phận mình. Cũng một trật, Công Đồng đã biểu lộ một trực cảm thâm sâu: giám mục phải ở với Giáo Hội của mình trong mọi thời điểm quan trọng. Nếu không có một lý do chính đáng, giám mục không được rời giáo phận trong thời gian quá một tháng.
Như thế ngài hành xử như một người gia trưởng tốt lành, thường xuyên ở với những người thuộc về mình và khi phải xa lìa họ, cảm thấy một sự luyến tiếc cùng ao ước trở về sống giữa họ càng sớm càng tốt.
Khi nhắc lại điều đó, tôi nhớ tới khuôn mặt của vị giám mục trung thành ở Tarnów, Đức Cha Jerzy Ablewicz. Các linh mục trong giáo phận đều biết ngài không tiếp ai ngày thứ sáu. Quả thật, vào ngày đó, ngài đi bộ hành hương đền thánh Đức Mẹ của giáo phận ở Tuchów. Ngài vừa đi vừa soạn bài giảng cho Thánh Lễ Chúa nhật.
Người ta biết ngài chỉ đi ra ngoài giáo phận vì miễn cưỡng mà thôi.
Ngài luôn luôn ở giữa những người thuộc về ngài, trước hết bằng lời cầu nguyện, sau đó bằng những sinh hoạt. Nhưng trước nhất bằng lời cầu nguyện.
Sự huyền nhiệm của tình phụ tử chúng ta được triển nở chính nhờ lời cầu nguyện. Trong tư cách là những con người của đức tin, bằng lời cầu nguyện, chúng ta hiện diện trước Mẹ Maria và Thánh Giuse để khấn cầu các Ngài hộ phù và như thế, cùng với các Ngài và với tất cả nhũng ai được Chúa giao phó, chúng ta xây đắp tổ ấm cho Con Thiên Chúa là Giáo Hội Thánh của Ngài.
7.- Nhà nguyện ở số 3, đường Franciszkanska
Nguyện đường ở dinh tổng giám mục Cracovie đối với tôi có một ý nghĩa rất đặc biệt. Chính ở đó tôi đã được phong chức linh mục bởi Đức Hồng Y Sapieha ngày 1 tháng 11 năm 1946, cho dù nơi thường được phong chức là nhà thờ chính tòa. Quyết định của Đức Giám Mục gởi tôi du học ở Rome đã ảnh hưởng đến nơi chốn và ngày giờ tôi được phong chức linh mục.
Thánh Phao-lô, từ đó cho đến nay là tông đồ thành thạo, đã viết cho Timothée vào cuối đời ngài: “Hãy luyện tập sống đạo đức; vì luyện tập thân thể thì lợi ích chẳng là bao, còn lòng đạo đức thì lợi ích mọi bề, bởi Chúa hứa ban sự sống hiện tại cũng như tương lai cho người có lòng đạo đức” (1Tm 4, 7-8).
Nguyện đường trong dinh giám mục, gần cho đến đỗi chỉ cần vói tay thì tới, là một đặc ân cho bất cứ một giám mục nào, nhưng điều đó cùng một trật trở nên một cam kết lớn lao đối với ngài. Nhà nguyện cũng gần để trong đời sống giám mục, tất cả mọi chuyện – giảng dạy, lấy những quyết định, thi hành mục vụ - được phát sinh dưới chân Chúa Kitô ẩn mình trong Phép Thánh Thể.
Về điều đó, riêng cá nhân tôi đã có thể nhận xét những tập quán như thế nào của Đức Tổng Giám Mục Cracovie, hoàng tử Sapieha. Đức Hồng Y Giáo Chủ Wyszynski, trong bài giảng tang lễ ở Wawel, đã nói về ngài bằng những ngôn từ nầy:
“Giữa những khía cạnh cuộc sống của ngài, có một điều làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Lần kia, khi kết thúc một ngày làm việc, trong những khóa họp của hội đồng giám mục đôi khi nhọc nhằn biết bao, mọi người mệt mỏi vội vã trở về phòng, con người không hề biết mệt đó, trái lại, đi vào nhà nguyện lạnh lẽo của mình và ở lại đó với Chúa trong bóng tối của đêm trường. Trong thời gian bao lâu? Tôi không rõ. Trong những giờ làm việc khuya trong dinh tổng giám mục, không bao giờ tôi được nghe những bước chân của Đức Hồng Y trở về từ nhà nguyện.
Tuy nhiên, tôi biết một điều là với tuổi già, ngài được quyền nghỉ ngơi. Nhưng Đức Hồng Y đã dùng cái cài bằng vàng để kẹp lại sự nhọc nhằn của một ngày dài làm việc và gắn vào viên kim cương của lời cầu nguyện. Ngài đúng là một người cầu nguyện”
(Ksiega sapiezynska, Cracovie 1986, tr. 776).
Tôi phải cố gắng bắt chước một gương mẫu không thể sánh kịp. Trong nhà nguyện riêng của tôi, không những tôi cầu nguyện, nhưng tôi còn ngồi và viết lách nữa. Chính ở đó tôi đã viết sách, trong đó có bản chuyên khảo “Personne et Acte” (“Con Người và Hành Động”). Tôi tin chắc nguyện đường là nơi phát xuất một sự cảm hứng đặc biệt. Đó là một đặc ân lớn lao có thể cư ngụ và làm việc trong khung cảnh sự Hiện Diện đó. Một sự Hiện Diện hấp dẫn, như một nam châm cực mạnh.
Người bạn thân thiết của tôi là André Frossard, giờ đây đã ly trần, trình bày một cách sâu đậm sức mạnh và vẻ đẹp của sự Hiện Diện đó, trong quyển sách của ông “Dieu existe, je L’ai rencontré” (“Thiên Chúa hiện hữu, tôi đã gặp Ngài”). Để vào trước Mình Thánh Chúa cách thiêng liêng, không phải luôn luôn cần thiết đi vào nhà thờ thực sự. Tôi luôn có một sự nhận thức ở nội tâm là chính Chúa Kitô mới là chủ ngôi nhà giám mục và chúng ta, những giám mục, chỉ là những người tạm thời thuê nhà mà thôi. Điều đó đúng ở đường Franciszkanska trong gần hai mươi năm và cũng đúng như thế ở tại Vatican.
(CÒN TIẾP)