« Thể thức diễn tả bằng VẬN ĐỘNG »
Tác giả B. AUCOUTURIER đã sáng tạo quan niệm độc đáo nầy, để định nghĩa cách thế ở đời và thể thức khẳng định mình của mỗi trẻ em. Phát xuất từ đó, Phương Pháp Giáo Dục Tâm Vận Động cung ứng cho trẻ em những dụng cụ và điều kiện sinh hoạt thuận lợi, để chúng nó có thể phát huy lề lối diễn tả nầy, từ những ngày đầu tiên của cuộc sống. Trong lăng kính ấy, mục tiêu chính yếu của Phương Pháp Tâm Vận Động AUCOUTURIER là giúp trẻ em khởi động và hoàn thành tiến trình tăng trưởng và phát triển của mình, trong đời sống tâm lý.
Một khi đã có những cơ sở vững chắc, trong lề lối diễn tả bằng vận động, trẻ em sẽ phát huy một cách dễ dàng những khả năng khác, trong nhiều địa hạt khác, như :
n khả năng tiếp xúc và trao đổi, trong đời sống xã hội,
n khả năng sáng tạo và khẳng định con người của mình,
n khả năng vượt qua giai đọan « tự kỷ trung tâm », để hiểu biết và đồng cảm với kẻ khác,
n khả năng tư duy, bằng những động tác cụ thể, nghĩa là suy luận với những vật liệu cụ thể.
Sở dĩ trẻ em có thể thực hiện những tiến bộ nầy, bởi vì chúng nó đã có những nền tảng, những điểm tựa kiên cố trong địa hạt diễn tả bằng cơ thể và với cơ thể. Khi nói đến ngôn ngữ của cơ thể, chúng ta coi trọng mọi hình thức và lề lối diễn đạt, trong đó có Lời Nói.
Trong cách đối xử của người chuyên viên Tâm Vận Động, trẻ em có khả năng vận dụng mọi hoàn cảnh, để diễn tả một cách tự do và thoải mái. Tuy nhiên, tự do trong khuôn khổ sinh hoạt Tâm Vận Động, không có nghĩa là ngang tàng, vô kỷ luật, làm bất cứ chuyện gì. Nhưng là « có khả năng làm » hay là « có quyền làm », thể theo một cấu trúc, một trật tự, một đường hướng được qui định và thông báo cho trẻ em, một cách rõ ràng, minh chính, với tinh thần tôn trọng con người. Đó là Sư Phạm Giáo Dục không độc tài, cưỡng chế hay là áp đặt một cách tùy tiện, từ ngoài… theo tinh thần và đường lối của tác giả Carl ROGERS.
Nhờ vào khả năng diễn tả những nhu cầu sâu xa và cơ bản của bản thân mình – trong những buổi sinh hoạt Tâm Vận Dộng – trẻ em có thể khai thông và giải tỏa nhiều vấn đề ấm ức và gay cấn, cũng như bao nhiêu xung đột và căng thẳng, trong lãnh vực xúc động và tình cảm. Cũng nhờ vào những thuận lợi ấy, trẻ em tránh khỏi tình trạng ngụp lặn và đắm đuối trong nhiều vấn đề tâm lý trầm trọng, cũng như trong những khó khăn học tập. Nếu chúng ta – người lớn như cha mẹ, giáo viên…- biết coi trọng nhu cầu diễn tả của trẻ em, khi chúng nó còn thơ dại, chúng nó sẽ không cần đến những hình thức trị liệu tốn kém và lâu dài sau này.
Nói tóm lại, những phương tiện và lề lối sinh hoạt, do Phương Pháp Giáo dục Tâm Vận Động AUCOUTURIER trình bày và đề nghị, có khả năng đáp ứng những nhu cầu của trẻ em, trong 6 năm đầu tiên của cuộc sống. Phương Pháp nầy tôn trọng con người của trẻ em , với tất cả những nét cá biệt.
Hẳn thực, mỗi trẻ em sinh ra trong trời đất nầy, mang sẵn trong mình nhiều nhu cầu cơ bản :
n nhu cầu được yêu thương,
n nhu cầu được nhìn nhận như một chủ thể,
n nhu cầu được an toàn về mặt thể lý và tâm linh,
n nhu cầu được kích thích, nghĩa là cần thấy, cần nghe, cần tiếp xúc và cảm nhận…
n nhu cầu được sống và nhìn nhận trong những cơ cấu xã hội,
n nhu cầu được hướng dẫn và tôn trọng, trong tư cách làm người của mình.
Nếu trẻ em nhận được bao nhiêu điều ấy, với đầy đủ chất lượng và liều lượng, chúng nó sẽ phát huy một cách hài hòa, nhiều loại khả năng của mình. Nhờ vào đó, mai ngày, khi đến phiên mình, chúng nó sẽ biết yêu, sẽ biết cho và nhận, sẽ biết sáng tạo và kết dệt những quan hệ hài hòa với người chung quanh. Nói cách khác, chúng nó sẽ thành người. Sẽ tự lập. Sẽ đảm nhận những trách nhiệm làm người của mình, trong cộng đồng Nhân Loại.
Giáo dục, trong tinh thần và chiều hướng của Tâm Vận Động, thể theo câu nói của tác giả BARRES, không nhằm thay đổi một ai. « Giáo dục đích thực chỉ nhằm đánh thức và kêu mời chúng ta LÀM NGƯỜI ».