.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Phần I: Phần dẫn nhập

Phần II : Nền Tảng Lý Thuyết

Phần III : Vai Trò của người chuyên viên Tâm Vận Động

Phần IV: Đường Hướng Tổ Chức

Phần V : Thể thức tổ chức - Các Nhóm Sinh Hoạt tùy theo lứa tuổi ( và cấp độ phát triển )

Phần VI : Những Điều Kiện Hoạt Động

Phần VII : Kết Luận

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Phương Pháp Tâm Vận Động
Tác giả: Gs. Nguyễn Văn Thành
Nguyên tác: Bernard AUCOUTURIER
PHẦN II : NỀN TẢNG LÝ THUYẾT

2-1 Thể thức diễn tả  Tâm Vận Động – Tính Tổng Thể

 

Xuyên qua những công tác quan sát hằng ngày cũng như trong khuôn khổ của kinh nghiệm hành nghề, tác giả B. AUCOUTURIER đã ghi nhận một sự kiện : trước 6-7 tuổi, trẻ em trao đổi, thông đạt với toàn diện con người của mình. Trong suốt giai đoạn nầy, trẻ em chưa thể tạo ra một khoảng cách đối với những gì mình đang sống. Nói cách khác, trẻ em chưa thể tách mình ra khỏi kinh nghiệm, để đứng nhìn và quan sát mình từ ngoài.

 

Khi trẻ em diễn tả mình, toàn thể mọi thành phần của cơ thể đều nói cùng một lúc. Trẻ em vừa thét la, phát âm. Vừa làm những điệu bộ. Vừa bày tỏ ra bên ngoài những tư thế, những cử chỉ. Và tất cả mọi thành tố khác như trương lực cơ, liếc nhìn, vận động … cũng đóng góp phần mình, bằng cách này hay cách khác. Tất cả những cách làm ấy được tác giả B. Aucouturier đặt tên là THỂ THỨC DIỄN TẢ TÂM VẬN ĐỘNG của trẻ em.

 

Trong chiều hướng ngược lại, khi trẻ em sử dụng năm giác quan của mình, để tiếp thu, ghi nhận thế giới bên ngoài, trẻ em chưa có khả năng phân biệt một cách rõ ràng, minh bạch cái gì là chủ quan, cái gì là khách quan. Đời sống tình cảm và xúc động, cũng như những xung đột nội tâm của trẻ em đang xuyên tạc và bóp méo những sự kiện khách quan, trong thế giới bên ngoài.

 

Trên nguyên tắc, người lớn có khả năng làm chủ tình huống, một cách hữu hiệu hơn trẻ em, khi phải diễn tả ra ngoài thực trạng nội tâm của mình.  Hay là khi cần nhận thức thực tại bên ngoài một cách khách quan. Cũng vậy, người lớn ý thức hơn về đời sống tình cảm của mình. Họ có khả năng nói về những gì mình đang cảm nghiệm. Họ có thể thông đạt cho người bạn đối diện về thể thức và chất lượng quan hệ mà  chính họ đang trải qua và chia sẻ với người ấy. Từ chuyên môn, thường được dùng trong tâm lý đương đại, là « Thông đạt phản tĩnh ( méta-communiquer ) », có nghĩa là : tôi nhìn tôi đang trao đổi. Tôi đánh giá những quan hệ, mà chính tôi đang kết dệt với người khác. Sau hết, người lớn có thể chủ động một phần nào, trong vấn đề điều hướng những xúc động đa phức và phiền toái của mình.

 

Nhận thức được những nét khác biệt giữa trẻ em và người trưởng thành, tác giả H. Wallon đã phát biểu :

 

« Những ai có khả năng vận dụng và điều động các giác quan cũng như trí tụê, để đương đầu, đối diện với những xúc động của mình, người ấy không nộp mình, đầu hàng, để cho xúc dộng lèo lái, chỉ huy . Đối với trẻ em,  đời sống trí tuệ còn thiếu vắng hay là mong manh, chưa vững chãi,  không thể tạo nên thế cân bằng, đối với những xúc cảm lớn lao, mãnh liệt. Chính vì vậy, những ai biết quan sát, suy tư và tưởng tượng, người ấy có khả năng giải trừ hay là chuyển biến tình trạng rối loạn do đời sống xúc động gây nên… »

 

Để cụ thể hóa những tư tưởng vừa được trình bày, chúng ta hãy khảo sát một vài minh họa :

 

-         Khi một trẻ em lên 4 tuổi, dạy cho trẻ em làm bài tính trừ có nghĩa là bảo em ấy lấy cất đi khỏi mình, những điều thuộc về mình. Cho nên trẻ em từ chối, chống đối, cơ hồ không thể nào chấp nhận lấy ba chiếc kẹo mình đang có, trừ đi hai và mình chỉ còn giữ lại một mà thôi.

 

-         Trong địa hạt hội họa, trình bày lên trang giấy hình của một con người ta có nghĩa là vẽ ra chính mình, đúng như mình cảm nghiệm. Cho nên, trẻ em tìm cách vẽ lớn ra những phần thân thể mà chúng nó cảm thấy là rất quan trọng về mặt tình cảm. Và theo ý kiến chủ quan của chúng nó, « quan trọng » có nhiều ý nghĩa như : làm cho mình sợ, được mình yêu thích hay là chọc tức mình…Chính vì vậy, khi trẻ em vẽ một ông người ta to lớn, đồ sộ, có những cánh tay rất dài, chúng nó muốn trình bày một con người có quyền uy, sẵn sàng bệnh vực, nâng đỡ mình, khi mình gặp nguy hiểm. Trái lại, khi trình bày một hình người không có tay, chắc hẳn trẻ em đang nhắc nhở cho mình một lệnh cấm đã được nhập tâm : không được đưa tay sờ vào những chỗ bậy bạ. Hay là trẻ em  đang nhớ lại những lời đe dọa : « Mày đụng vào, tao sẽ chặt tay mày... ».

 

Người trưởng thành không còn ở vào giai đoạn « tự kỷ trung tâm », giống như một trẻ em lên 4 tuổi. Tuy nhiên, trong những tình huống phải kinh qua những xúc động mãnh liệt, như đang yêu say đắm, đang sợ hãi kinh hoàng, hay là đang phải chịu tang một người thân yêu trong gia đình…,người ấy có thể đánh mất khả năng tạo khoảng cách cần thiết và trở lại tình trạng «hoang mang, hổn loạn » như một trẻ em.

 

Khi áp dụng Phương Pháp Tâm Vận Động Aucouturier, chúng ta cần lưu tâm đến thể thức sinh hoạt, mà chúng ta vừa khảo sát và ghi nhận . Tự bản chất, trẻ em dưới 5-6 tuổi, còn sống trong thế giới chủ quan của mình. Tự kỷ trung tâm  là một chặng đường tất yếu, trẻ em không thể KHÔNG ĐI QUA. Cho nên, thể theo những điều được quan sát và chứng nghiệm, chúng ta cho phép trẻ em diễn tả một cách tổng thể, những đặc điểm thuộc bản thân của mình. Chúng ta để cho trẻ em tha hồ sống những kinh nghiệm thuộc địa hạt cảm giác và vận động. Chúng ta tạo ra mọi điều kiện thuận lợi, cho phép trẻ em hoàn thành tiến trình tăng trưởng và phát triển , một cách hài hòa, tốt đẹp, với tư cách là một chủ thể -  có khả năng chủ động, hoặc làm chủ đời mình -  trong lãnh vực trao đổi, tiếp xúc, thông đạt và sáng tạo.

 

Những kinh nghiệm vừa được đề xuất, phải được cụ thể hóa bằng những động tác của chính trẻ em, chứ không phải bằng những động tác của người lớn, áp đặt cho trẻ em, từ trên, từ ngoài. Chúng ta không cưỡng chế trẻ em phải tuân hành những mệnh lệnh của chúng ta. Chúng ta chỉ kêu mời, thôi thúc, cổ vũ - trình bày, đề nghị, nếu cần -  trong ý hướng xúc tác, tạo nhịp cầu cho trẻ em bước qua, đi tới, và sáng tạo. Chính động tác, khi được lặp đi lặp lại nhiều lần, sẽ phát sinh nhiều loại cảm giác khác nhau về nội thân, thính, thị, khứu, vị và vận động. Nhờ đó, con người của trẻ em sẽ từ từ chuyển hóa, về mặt khách quan bên ngoài, cũng như trong lãnh vực nội tâm.

 

Ví dụ : để có thể từ trên cao nhảy xuống, trẻ em phải thực thi nhiều động tác khác nhau, như sau :

 

-         leo, trèo ( có kinh nghiệm về vận động ),

 

-         bám chặt vào một cành cây hay một thanh gỗ ( có cảm giác về trọng lượng và tình trạng mất thăng bằng ),

 

-         từ trên nhìn xuống, ước lượng chiều cao.

 

Nhờ bao nhiêu động tác ấy, trẻ em sống được, trong thân xác, những cảm giác mãnh liệt khả dĩ biến đổi con người của mình. Đồng thời, khi chính mình làm được bấy nhiêu điều ấy, trẻ em đã tác động trên môi trường bên ngoài, và khám phá được thế nào là chiều cao, thế nào là không gian, ở phía trên.

 

Thế rồi, khi thả mình rơi xuống trên tấm thảm, trẻ em khám phá thêm được hai chiều kích mới lạ khác :

 

-         trong không khí, mình đã mất đi những giới hạn của thân thể, không còn có gì cản trở mình.

 

-         Khi rơi xuống trên tấm thảm ở bên dưới, mình vẫn còn nguyên vẹn, không bị mất mát, sứt mẻ gì cả.

 

Nhờ lặp đi lặp lại nhiều lần kinh nghiệm nhảy từ trên cao xuống như vậy, trẻ em sẽ khám phá thêm hai điểm quan trọng :

 

-         Những yếu tố nào có tính thường hằng, bất biến ? – Đó là thời gian, không gian và thân thể.

 

-         Những yếu tố nào, trái lại, thay đổi, tùy mỗi trường hợp và kinh nghiệm ?  - Đó là vận tốc, tư thế và những cảm giác.

 

Thay vì chờ đợi, cho phép làm một mình, nếu chúng ta mất kiên nhẫn, bồng trẻ em và đặt ở trên cao…trẻ em sẽ không tự mình học được gì cả và sẽ không bao giờ tiến phát, trên con đường làm người.

 

Chính vì những lý do ấy, chúng ta hãy cho trẻ em có đầy đủ thời giờ, để tự mình bắt đầu và kết thúc một động tác. Chỉ với điều kiện nầy, động tác mới mang lại những thành quả biến đổi, chuyển hóa và trở nên một động cơ thúc đẩy trẻ em phát triển từ bên trong.

 

Vậy, một lần nữa, tôi muốn nhấn mạnh rằng : trẻ em phải tự mình thực thi những kinh nghiệm có tính tổng thể , lúc ban đầu. Nhờ vậy, chúng nó làm VÌ VUI THÍCH, hứng thú, thay vì bị ép buộc.

 

Ví dụ, trong một buổi sinh hoạt Tâm Vận Động, trẻ em phải được tự do chạy, nhảy, lăn tròn, tuột từ trên cao xuống, đu đưa, bò lết, leo trèo, trốn tìm, cuộn mình trong một tấm thảm hay là nằm nghỉ ngơi…làm như vậy bao nhiêu lâu cũng được, trước khi có thể bắt đầu chơi những trò chơi điều động những phần thân thể, một cách hài hòa.

 

Bao nhiêu kinh nghiệm ấy cho phép trẻ em thành tựu một cách tự nhiên tiến trình phát triển của mình, chung quanh 6-7 tuổi. Khi đạt được giai đoạn nầy, trẻ em sẽ có khả năng vận dụng trí tưởng tuợng, để HÌNH DUNG những gì mình đã sống và cảm nghiệm với cơ thể của mình. Cũng vào giai đoạn nầy, trẻ em bắt đầu trở nên hiếu kỳ, một cách tự phát, thích biết và thích học về những lãnh vực khác như : tư duy và kiến thức. Từ đây, trẻ em sẽ có một LỐI NHÌN khác về các sự vật bên ngoài. Nhờ đó, chúng nó từ từ biết liên kết, phối hợp cuộc sống hiện tại, ở đây và bây giờ với lịch sử của đời mình thuộc về các thời điểm khác như : ngày qua, trước đó, trong quá khứ và ngày mai. Dựa vào những kiến thức nầy, trẻ em sẽ có khả năng phân tích, liên kết, tách rời, so sánh, tổng hợp, mỗi lần hình dung cơ thể của mình và tìm hiểu thực tại khách quan bên ngoài. Đó là những bài học cơ bản, thuộc chương trình học vấn ở cấp Tiểu Học. Nói tóm lại, với tất cả nỗi niềm vui thích và hứng thú, trẻ em dần dần bước vào lãnh vực hình dung và suy tư.

 

Trong những buổi sinh hoạt Tâm Vận Động, để chuẩn bị và xúc tác tiến trình phát triển ấy, chúng tôi tạo dịp cho trẻ em bày tỏ cách thế ở đời của mình, nghĩa là ngoại hiện thể thức diễn tả Tâm Vận Động. Chúng tôi đón nhận loại ngôn ngữ  nầy, nơi mọi trẻ em. Với một số trẻ em khác, chúng tôi ghi nhận những ký hiệu, những sứ điệp không lời  trình bày cho chúng tôi những nỗi thống khổ đang có mặt trong cuộc đời. Sau đây, chúng tôi xin đưa ra một vài minh họa cụ thể :

 

-         Một vài trẻ em không chấp nhận cổi trần ra. Aùo quần, đối với những trẻ em nầy, là một loại vỏ bao bọc có phần vụ che chở, tạo an toàn, trước bất cứ loại tấn công nào đến từ bên ngoài. Một làn da trần trụi sẽ đánh thức dậy nhiều nỗi niềm sợ hãi.

 

-         Nhiều trẻ em khác đã đến tuổi có khả năng nhảy từ trên cao xuống. Nhưng các em vẫn cảm thấy lo sợ : sợ khoảng trống, sợ té ngã… Đó là những nỗi sợ, bắt nguồn từ những cách bồng ẵm không tạo được an toàn, lúc các em ấy còn ở tuổi thời thơ ấu.

 

-         Nhiều trẻ em khác chạy lăng xăng, hỗn loạn… nhường như chạy khắp nơi, không bao giờ mệt, để tìm lại chính mình. Những trẻ em nầy không  ý thức được rằng : Mình chỉ có một thân thể duy nhất. Hay là những trẻ em ấy đang tìm cách chạy trốn, thoát khỏi liếc nhìn khống chế và kềm tỏa của người lớn.

 

-         Có vài trẻ muốn khép kín mình lại, trong những chiếc thùng, chiếc rương, chiếc hòm eo hẹp, để kiếm tìm những cảm giác bị kềm kẹp, va chạm, xô đẩy… với những đồ vật chung quanh. Nhờ những cảm giác ấy, các em cảm thấy mình có thân thể với những giới hạn rõ rệt. Khi chứng kiến những hiện tượng như vậy, chúng tôi nêu lên câu hỏi : những trẻ em nầy, có nhận được đầy đủ liều lượng xúc giác, lúc mới sinh ra không ?

 

Tất cả những nhận xét vừa nêu ra, cho phép chúng ta đề xuất những giả thuyết về lịch sử của trẻ em. Công việc khảo sát nầy càng dễ dàng và có những câu trả lời đứng đắn, nếu chúng ta có những tin tức và kiến thức rõ ràng, chính xác, về nhu cầu của trẻ em, trên bình diện tâm lý và thể lý, ở mỗi lứa tuổi khác nhau.

 

Trái lại, có những phản ứng sợ sệt, những loại mơ tưởng hay là những cơn lo hải đặc biệt thuộc về mỗi cấp độ phát triển. Những phản ứng tất nhiên nầy không thể nào được thuyên giải, như là những dấu hiệu của tình trạng khổ đau trầm trọng, đang làm tê liệt tiến trình phát triển và đời sống nội tâm.

 

Sau hết, chúng ta cần lưu tâm một cách đặc biệt đến ba loại hành vi khác nhau sau đây :

 

-         hành vi lặp đi lặp lại một cách thúc bách một số động tác,

 

-         hành vi siêu thích nghi, còn được gọi là khô cứng, bám chặt vào, không thể lìa ra,

 

-         hành vi thiếu thích thú, không biết vui đùa, hứng khởi.

 

Để có thể phân biệt một cách rõ ràng những điểm vừa được nêu lên trên đây, chúng ta sẽ lần lượt khảo sát trong những chương tiếp theo :

 

-Thứ nhất, những nhu cầu cơ bản của trẻ em, trong lãnh vực quan hệ, nhất là lúc vừa mới sinh ra.

 

-Thứ hai là những loại lo hãi và mơ tưởng khác nhau của trẻ em, tùy cấp độ phát triển ( angoisse et fantasmes ).

 

 

 

2.2. Những Kinh Nghiệm đầu tiên

 

Từ những ngày đầu tiên, sau khi sinh ra, trẻ em đã bộc lộ nhu cầu khám phá và tiếp thu, một cách rất tựï nhiên :

 

-         Khi nằm trong nôi, trẻ em dùng miệng, mắt, tay, chân để khám phá, tiếp xúc với tất cả sự vật bao quanh mình.

 

-         Trẻ em khám phá, khi được người thân tiếp cận, va chạm, bồng ẵm và nhìn ngắm, cũng như khi có mặt ở giữa một môi trường đầy âm thanh và tiếng nói.

 

-         Vào lúc có khả năng đứng thẳng lên, trẻ em khám phá , khi vận động, vùng vẫy và sinh hoạt, trong một không gian càng lúc càng mở rộng ra.

 

Bao nhiêu kinh nghiệm đầu tiên ấy cho phép trẻ em dần dần khám phá và phát hiện rằng : mình đang cảm nhận những vui thích trong chính cơ thể của mình, khi mình sinh hoạt trong không gian và thời gian.

 

Nhằm giúp trẻ em thâu đạt những thành quả nầy, môi trường thân nhân cần cung ứng cho trẻ em những điều kiện thiết yếu sau đây :

 

-         Nhận biết những khả năng đang chớm nở nơi trẻ em,  để khuyến khích, cổ vũ. Đồng thời, để diễn tả, bộc lộ ra ngoài nỗi niềm vui thích, sung sướng của mình, khi thấy trẻ em tăng trưởng và tiến bộ.

 

-         Từ từ mở rộng môi trường khám phá của trẻ em, bằng cách tạo ra những điều kiện an toàn về mặt thể lý và tình cảm. Khi làm những điều ấy, người lớn vừa coi trọng những nhu cầu thực sự của chính bản thân mình, vừa biết tôn trọng những vận tốc hiện tại của trẻ em.

 

-         Vừa cho phép trẻ em lặp đi lặp lại những khám phá của mình, vừa tìm cách mở rộng dần dần tầm sinh hoạt và khả năng phát triển của trẻ em.

 

-         Hiểu rõ về thể thức khám phá của trẻ em. Thứ nhất, đối tượng khám phá của trẻ em  gồm có 5 thể loại : cơ thể của chính trẻ em, cơ thể của người khác, các đồ vật thông thường, không gian và thời gian. Thứ hai, trong khi khám phá, trẻ em vừa chủ động, vừa bị động. Nói cách khác, trẻ em vừa có quyền đưa ra những sáng kiến, vừa có quyền từ chối, làm sai, làm hư, làm hỏng… Đồng thời, trẻ em có thể đồng ý, chấp nhận người khác làm cho mình, như vuốt ve, thoa bóp…

 

Một cách đặc biệt, trong quan hệ tiếp xúc và trao đổi với trẻ em, người đảm trách phần vụ nuôi nấng ( thông thường là Bà Mẹ ), cần hội tụ  những điều kiện và thái độ sau đây :

 

-         tạo an toàn, tin tưởng trong cách bồng ẵm và thiết lập quan hệ… ( Holding),

 

-         tôn trọng trẻ em như một chủ thể, khuyến khích trẻ em chủ động, trong cách cư xử hằng ngày ( Handling ),

 

-         lắng nghe và cho phép trẻ em phản hồi ( Feedback ), nhất là trong lãnh vực trương lực cơ và xúc động, để sửa sai, bổ túc, kiện toàn cách làm hằng ngày của mình,

 

-         thái độ liên tục ( thay vì tùy tiện, hay là không trước sau như một, khi thế nầy, khi thế khác ),

 

-         năng động, sáng tạo, thích ứng với những nhu cầu hiện thực của trẻ em ( thay vì siêu thích nghi, có nghĩa là áp dụng những kiến thức sách vở, lý thuyết, nguyên tắc…),

 

-         diễn tả nỗi niềm hứng thú và vui thích của mình, khi trao đổi với trẻ em,    ( thay vì làm cho xong việc, làm cho hết bổn phận, một cách lạnh lùng, vô cảm  ).

 

Để đào sâu hơn nữa những trọng điểm trên đây, thuộc về Tâm Lý Phát Triển của trẻ em, chúng ta cần khảo sát tác phẩm của tác giả Didier ANZIEU ( 1985 ), mang tựa đề «  Da tôi chính là mình tôi ». Hai vấn đề sau đây sẽ được chúng ta học hỏi và nghiên cứu một cách tường tận :

 

-         Thứ nhất : Da là một loại cơ quan,

 

-         Thứ hai :  Vai trò của Trương Lực Cơ và Xúc Dộng, trong lãnh vực tiếp xúc và trao đổi.

 

 

2.2.1          Vai trò và Tầm quan trọng của LÀN DA

 

Da là cơ quan lớn nhất của cơ thể, xét về mặt diện tích. Về mặt trọng lượng, trái lại, da chiếm 20% trong cơ thể của đứa bé sơ sinh, và 14%, nơi người trưởng thành.

 

Thêm vào đó, da là cơ quan độc nhất trong năm giác quan, không bao giờ đóng kín cửa. Bốn cơ quan khác là miệng, lưỡi, mắt và tai. Làn da tiếp nhận mọi kích thích, và không thể chọn lọc, trừ phi khi bị đánh mê, để hạn chế chất lượng và diện tích hoạt động của cơ quan nầy.

 

Da đảm trách những phần vụ khác nhau như sau :

 

-         Bảo vệ cơ thể khỏi những loại tấn công từ bên ngoài,

 

-         Cảm xúc và ghi nhận những nhiệt độ, cơn đau, cũng như những loại vuốt ve. Có người đã chứng minh rằng khả năng nhạy cảm của làn da đạt mức tối đa, nơi đứa bé còn ở trong bào thai. Theo ý kiến của C. DOLTO ( 1989 ), « trẻ em, khi còn ở trong bào thai, nhất là vào giai đoạn đầu, đã nghe với làn da của mình, trước khi sử dụng một cách hữu hiệu, cơ quan thính giác, vào tam cá nguyệt cuối cùng. Da nói được là một lỗ tai thật to lớn, nơi một bào thai ».

 

-         Da còn là phương tiện điều hợp nhiệt độ của thân thể.

 

-         Da can thiệp trong vấn đề điều hợp liều lượng của  các chất mỡ, nước và muối, bằng cách loại trừ, bài tiết ra ngoài, theo đường toát mồ hôi.

 

-         Da bảo trì trương lực cơ, bằng cách tham gia vào công việc tạo nên quân bình cho cơ thể. Bàn chân là bộ phận cung cấp tin tức cho toàn thân, khi đứa trẻ học đứng thẳng người lên.

 

-         Da kích thích những phần vụ của cơ thể, như hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, bài trừ và sinh sản. Trong những trao đổi, gặp gỡ vợ chồng, chẳng hạn, những vuốt ve, xoa bóp bên ngoài có ảnh huởng quan trọng trên đời sống sinh lý.

 

-         Nhờ có lớp da bao bọc bên ngoài, bộ xương mới giữ vững các bắp cơ đang bám sát, hai bên cạnh.

 

-         Nhờ kết hợp mật thiết với hệ thần kinh ngoại vi, làn da tham dự vào vấn đề điều hành vận động của các chi thể bên ngoài, cũng như qua trung gian của các đường giây thần kinh vận mạch, làn da tác động trên các nội hạch của cơ thể.

 

-         Làn da cũng có khả năng ghi nhớ, với những chứng tích rõ ràng khách quan như : những vết sẹo,  làn da mịn màng của người trí thức, hay là mặt da sần sùi, chai cứng của giới nông dân.

 

-         Làn da cũng nói, theo cách của mình, chẳng hạn như khi chúng ta đỏ mặt thẹn thùng, hay là tái nhạt vì tức giận, cũng như khi chúng ta có da thịt hồng hào, hay là mang trên mình những đường nhăn, những đường rạch, những hình vẽ…

 

-         Trong ngôn ngữ thường ngày, nhiều cách nói bình dân cũng bộc lộ những kiến thức trực giác về các chức năng khác nhau của làn da, như : nổi da gà, mặt mày lì lợm, mặt lạnh như đồng …

 

Tác giả MONTAGU đưa ra nhiều minh họa, chứng minh tầm quan trọng của làn da, nơi loài vật, cũng như nơi loài người. Chẳng hạn, trong thế giới loài vật, khi con mẹ đưa luỡi liếm con vừa mới sinh ra, đó là một hình thức kích thích rất thiết yếu, nhằm đánh thức cơ thể của con, cũng như phát huy nhiều chức năng cần thiết cho cuộc sống như : hô hấp, tuần hoàn, miễn nhiễm, đề kháng…Ngoài ra, việc « liếm con » cũng có mục đích giáo dục : tạo cho con điều kiện để tiếp xúc với thế giới bên ngoài, phát huy đời sống xã hội, lòng tin tưởng, cảm thức an toàn, khả năng tìm kiếm đối tượng sinh lý, khả năng nuôi con và cho con bú sau này, khi làm mẹ, cũng như sẵn sàng đảm nhiệm vai trò bảo vệ giống nòi.

 

Trong trường hợp không được mẹ liếm, con vật sơ sinh phải chết, nó không bú, không bài tiết, không thở, không phân biệt các mùi. Và cuối cùng, nó không thể sống.

 

Tác giả MONTAGU đã liên kết hai sự kiện với nhau : việc liếm con trong thế giới loài vật, và việc đứa bé trong xã hội loài người phải được xoa bóp, đẩy ép, va chạm, trên con đường đi qua cuống tử cung và cửa mình của mẹ. Có lẽ vì thiếu những loại kích thích quan trọng nầy, trẻ em nào sinh mổ dạ con, thường gặp những khó khăn về hô hấp, tiêu hóa và bài tiết.

 

Tác giả MONTAGU còn nhấn mạnh thêm rằng : trong những trường hợp đặc biệt này, để bù trừ những thiếu sót, chúng ta cần sử dụng những phương tiện xoa bóp cho trẻ sơ sinh. Trong thế giới loài người, công việc tương đương với vấn đề liếm con, là những thể thức được xoa bóp, khi đứa bé sinh ra. Ngoài ra, sau lúc đã sinh ra, trẻ em còn được bồng bế, bú sữa mẹ và có những cọ xát khác, lúc được chăm nuôi. Thời gian thơ ấu của con người kéo dài lâu hơn, so với thế giới loài vật.

 

Tại Sénégal, đứa bé sơ sinh thừa hưởng được nhiều đặc lợi, trong địa hạt nầy.Thật đáng tiếc, khi nhiều tập tục cỗ truyền rất có giá trị bị hủy bỏ, để nhường bước cho đời sống văn minh.

 

Để kết thúc về vai trò và tầm quan trong của làn da, trong cuộc sống làm người, chúng ta hãy lắng nghe lời khẳng định của tác giả ANZIEU ( 1985 ) :

 

« Sống trung thực với chính mình, trước hết là biết mình có một làn da. Sau đó, chúng ta hãy sử dụng làn da ấy như một  không gian hoặc môi trường thuận lợi, để phát huy những cảm xúc của mình ».

 

Chính vì ý hướng nầy, trong phần sau đây, chúng ta sẽ khảo sát những quan hệ trao đổi trực tiếp giữa cơ thể và cơ thể với nhau.

 

 

2.2.2 Quan Hệ Trương Lực Cơ và Xúc Động

 

Tình trạng Trương Lực Cơ của cơ thể là tình trạng co giản của các bắp cơ, có liên hệ chặt chẽ với đời sống xúc động. Khi bạn tức giận hoặc lo sợ, toàn thân của bạn co quắp lại, ngoài ý muốn của bạn. Một vài người, trái lại, lúc tức giận, có thể mất hết trương lực cơ và sinh lực của mình. Họ trở nên thụ động và mền nhũn, vì họ ức chế cơn giận. Trái lại, khi bạn cảm thấy an toàn và tự tin, toàn thân của bạn thư giản và trở nên thư thái, thoải mái. Đó là tình trạng trương lực cơ trở về ở mức độ cơ bản, bình thường, riêng biệt cho từng mỗi người. Nói cách chung, cơ thể bộc lộ những xúc động của mình, một cách mạnh hay yếu, tùy trường hợp cá biệt của mỗi người. Cách bộc lộ nầy hoàn toàn vô thức, không thể thuộc quyền kiểm soát và điều chế của chúng ta. Mỗi  người có một ngôn ngữ, một hình thức đặc thù, trong cách phản ứng tự động và tự phát của mình.

 

Ngoài ra, khi có người đụng đến cơ thể của bạn, bạn sẽ có phản ứng, đối với sự va chạm ấy, tùy theo cách bạn cảm nhận : Vui thú, an toàn, được tôn trọng ? Hay là khó chịu, đáng lo ngại, bị xâm nhập và thương tổn ? Cách thức cảm nhận của bạn có thể được diễn tả bằng lời nói. Hay là bằng thái độ không lời, như tin tưởng, buông xả, thoải mái… hoặc co cứng lại, sợ sệt, khép kín, tự vệ... Thông thường phản ứng ấy xuất hiện một cách vô thức và có mặt tức khắc,  ít nhất vào lúc khởi đầu. Theo nhận xét của chúng tôi, mặc dù người khởi phát cố tình muốn va chạm một cách rất dịu dàng, trân trọng… đối với người tiếp nhận, sự va chạm ấy có thể gợi lên nhiều điều không đứng đắn và thích hợp, cho nên bị khước từ. Phản ứng của một người, tùy vào tình trạng xúc động hiện tại của người ấy. Tuy nhiên, xúc động, trong hoàn cảnh hiện tại nầy, chịu ảnh hưởng của nhiều xúc động khác, đã xảy ra trong quá khứ, nhưng vẫn còn được ghi nhận và để lại những dấu vết sâu đậm, trong cơ thể.

 

« Cơ thể tiếp nhận » sẽ trả lời cho « cơ thể  khởi phát  » là mình đồng ý hay từ chối. Tiếp sau đó, cơ thể khởi phát sẽ tìm cách thích ứng và điều chỉnh hay không, có lời nói đi kèm theo hay không. Cách làm nầy được chúng tôi đặt tên là « điều hợp, điều chỉnh ». Thể thức chúng ta đón nhận một ký hiệu trao đổi của người khác, tùy thuộc vào lịch sử của chúng ta. Cho nên dựa vào phương pháp học tập, nâng cao chất lượng ý thức vềâ ngôn ngữ không lời của cơ thể, chúng ta có thể tinh luyện, bổ túc, kiện toàn thể thức tiếp nhận của chúng ta.

 

Những trao đổi, diễn ra giữa hai cơ thể của mình và người khác, giữa người lớn và trẻ em, giữa giáo viên và học sinh, giữa người mẹ và đứa con sơ sinh của mình… mang tên là QUAN HỆ TRƯƠNG LỰC CƠ và XÚC ĐỘNG. Đây là ngôn ngữ đầu tiên, giữa đứa bé sơ sinh và người chăm nuôi thường trực. Đây cũng là ngôn ngữ, được nhà chuyên viên Tâm Vận Động sử dụng, trong những trao đổi với trẻ em, trên bình diện thể lý hay là vận động. Cho nên, trước khi có thể giúp đỡ và can thiệp một cách hữu hiệu, người chuyên viên Tâm Vận Động phải có kỹ năng vận dụng và điều hợp loại ngôn ngữ trương lực cơ và xúc động nầy.

 

Một cách đặc biệt, trong quan hệ Mẹ-Con, tình trạng quân bình sẽ dần dần được kiến tạo, giữa hai hành trang khác nhau : hành trang Trương Lực Cơ của đứa bé, đã có sẵn lúc sinh ra, và hành trang Trương Lực Cơ của người Mẹ. Thành quả trong công việc thiết lập quan hệ– thành công tốt đẹp hay thất bại đáng tiếc – tùy vào chất lượng trao đổûi của người mẹ, mỗi lần tiếp xúc, bồng ẵm và chăm nuôi cho đứa con. Người mẹ càng hạnh phúc, vui tươi, sung sướng VỚI đứa con của mình, bà càng CÓ MẶT với con, khám phá và nhận ra những nhu cầu cơ bản của con…Nhờ đó, đứa con càng ngày càng lớn lên và phát huy một cách hài hòa, mọi chiều kích của cuộc sống làm người.

 

 

 

2.2.3 Thể thức bồng bế tạo an toàn và tin tưởng(Holding)

 

Với cách thức bồng bế : nâng lên, hạ xuống, siết mạnh vào mình…chúng ta có thể tạo nên cảm giác tin tưởng và an toàn cho đứa bé, khi nó còn ở trong thể trạng mong manh, yếu ớt, lệ thuộc vào người lớn. Hai tác giả WINNICOTT và BRAZELTON đã khảo sát vấn đề tiếp xúc và bồng bế, một cách tường tận, trong nhiều tác phẩm.

 

Họ đề nghị một cách bồng bế có khả năng tạo an toàn tối đa cho đứa bé :  một tay ngữa ra làm chỗ tựa bằng phẳng ở phía dưới, tay kia ôm vòng ở phía trước, giữ cột sống thẳng đứng.

 

Thể thức bồng bế là nguồn gốc phát sinh cảm giác an toàn cơ bản, trong toàn diện con người của đứa bé, bởi vì cơ thể đóng một vai trò thiết yếu, trong vấn đề xây dựng bản thân và cuộc đờùi. Hẳn thực, khi một cánh tay vững vàng bồng ẵm đứa bé lên, cánh tay ấy sẽ đương nhiên chuyền qua cho thân thể của đứa bé một cảm giác vững vàng, an ổn. Thân thể của trẻ em sẽ từ từ hội nhập cảm giác ấy vào bên trong, và tạo nên cho toàn diện con người của mình một « sức mạnh nội tâm ».

 

Chính sức mạnh nầy làm cho đứa bé được vững tâm, có đầy đủ năng lực – cơ hồ một bộ máy có đầy đủ xăng nhớt - để khám phá, học hành và can đảm tiến tới, trên con đường làm người.

 

Cũng vậy, khi thân thể của người mẹ, từ bên ngoài, tạo được cho đứa con một điểm tựa vững vàng, chính cột sống hay là bộ sườn ở bên trong đứa bé, sẽ trở nên một điểm tựa kiên cố. Nhờ đó, đứa bé sẽ có khả năng ĐỨNG THẲNG LÊN, sau này.

 

-         Khi cõng con trên lưng, người mẹ làm một « tấm chắn, hay là một khiên mộc » bảo vệ cho con.

 

-         Khi bồng con, ở đằng bụng, quay mặt ra phía trước, người mẹ làm chỗ dựa lưng cho con.

 

-         Khi bồng con ở phía trước, quay mặt con về phía bụng của mình, người mẹ làm nơi ẩn núp, che chỡ, giống như trong giai đoạn nguyên thủy, khi hai mẹ con còn « đồng sinh », cùng chia sẻ một sự sống.

 

Từ từ, nhờ vào những khả năng vận động càng ngày càng thoải mái và nhuần nhuyễn, trẻ em sẽ sử dụng hai bàn tay, để bảo vệ. Dùng hai cánh tay  để xua đuổi, đẩy lui. Dùng hai chân, để chạy trốn, tránh qua chỗ khác.

 

Nói tóm lại, càng cảm thấy mình được an toàn, vững mạnh, trẻ em càng có khả năng TỰ TIN, để khám phá, học hành, đi ra khỏi gia đình và tiếp xúc với những bộ mặt xa lạ, trong cuộc đời.

 

 

2.2.4   Thể Thức Cư Xử  ( Handling )

 

Từ ngày mới sinh ra, đứa bé được mẹ chăm sóc, bồng bế, cho bú, cho ăn, tắm gội, thay đổi y phục. Đứa bé còn được mẹ ngắm nhìn, ôm ẵm vào lòng, trao ban hơi ấm… hay là đuợc mẹ tiếp xúc, chuyện trò… Những cách thức can thiệp và hành động của mẹ rất quan trọng và đáp ứng nhu cầu thực sự của đứa con. Tuy nhiên, những cách làm của mẹ cũng có thể quá xâm lấn, áp đặt tùy tiện, một chiều hay là không có đầy đủ liều lượng cần thiết. Cách làm và can thiệp ấy được bác sĩ người Anh là WINNICOTT và nhiều tác giả khác, gọi là « cách đối xử ». Từ tương đương được dùng trong tiếng Anh là « Handling ».

 

Nhờ những cách đối xử nầy, người mẹ kiến tạo cho đứa con của mình, một cái KHUNG bao bọc và che chỡ. Đồng thời cũng nhờ cái khung ấy, trẻ em có thể đón nhận những loại kích thích, từ môi trường bên ngoài, mà không bị tràn ngập. Nói được, cái khung ấy được so sánh như một cái lồng kính có nhiều lỗ thông ra ngoài.

 

Qua những lần trao đổi, tiếp xúc, người mẹ lưu tâm đến những sứ điệp không lời của đứa con. Đứa con cũng đón nhận những gì người mẹ muốn trao gửi cho mình. Khi trao qua gửi lại như vậy, cả hai mẹ con đều học lắng nghe nhau và trả lời cho nhau. Đứa con « bắt chước mẹ », phản ảnh những điều mẹ vừa làm. Khi đứa con phát ra một tin tức hay sứ điệp, bất kỳ dưới hình thức nào, người mẹ ghi nhận một cách trân trọng, và tìm cách « thuyên giải », nghĩa là khám phá một ý nghĩa, một giá trị. Nhờ cách trả lời của mình, người mẹ lấp cho đầy, làm cho đẹp và chuyển hóa cho tốt sứ điệp của đứa con.

 

Tùy theo chất lượng trong cách trao đổi của người mẹ, đứa con sẽ từ từ mở rộng con nguời của mình, hay là khép kín mình lại. Nó sẽ học phân biệt đâu là những lời kêu mời đóng góp, xây dựng… và đâu là những quyến rủ tai hại và nguy hiểm. Nhờ đó, nó sẽ kiến dựng cho mình, một « lớp da đại diện  ( moi peau ) », khô cứng hay là mềm dẽo, nguyên lành hoặc có nhiều chỗ hư hỏng, không tạo đủ cho mình sức đối kháng và bảo vệ. Kết quả nầy tùy vào những kinh nghiệm vui thích hay là khổ đau, mà trẻ em đã kinh qua, trong quá khứ, với những nhịp điệu và cường độ riêng biệt của mỗi trường hợp.

 

Nói tóm lại, cách bồng bế tạo nên cho trẻ em lòng tự tin, như thế nào, thì lề lối đối đãi, cư xử cũng vậy, sẽ tạo nên niềm vui thích, hứng thú, trong lãnh vực trao đổi, thông đạt, nhận và cho.  Đó là « tiền đề cơ bản » phát sinh và điều hướng, cũng như chuẩn bị và tạo điều kiện  thuận lợi cho tiến trình xã hội hóa của trẻ em, trong cuộc đời làm người của mình.

 

 

2.2.5 Cơ Chế Phản Hồi (Feed-Back)

 

Lối nói « phản hồi » được sử dụng, khi có những quan hệ trao đổi qua lại hai chiều, giữa người lớn và trẻ em. Trong những cuộc trao đổi như vậy, trẻ em không hoàn toàn giữ tư thế bị động, như nhiều người có xu thế lầm tưởng. Theo cách chứng minh của nhiều nhà nghiên cứu, với « phản xạ bám chặt vào (agrippement )» , đứa bé đã tác động, tạo ảnh hưởng trên tác phong của bà mẹ. Trong đời sống của loài người, cũng như nơi loài vật, những phản xạ nầy kích thích nơi bà mẹ thái độ che chỡ, bênh vực. Hẳn thực, trẻ em càng bám chặt vào mẹ, người mẹ càng có ý thích cho con bú. Trẻ em bám chặt vào mẹ, bằng nhiều cách khác nhau : vừa bám chặt bằng liếc nhìn, vừa bám chặt vào hai vú sữa ï, vừa bám vào y phục của mẹ. Đứa bé càng bám chặt, người mẹ càng có tác phong muốn bênh vực đứa con. Trong kinh nghiệm cá nhân của mỗi người, chúng ta cũng có thể quan sát, ghi nhận những tác phong tương tự. Chẳng hạn, tại phòng khám nha sĩ, khi có người bám chặt vào chúng ta, vì đau đớn, lo sợ… chúng ta cũng tự nhiên có thái độ che chỡ, đối với người ấy.

 

Để thiết lập quan hệ, trẻ em thường đưa ra những ký hiệu mở đường như : phản xạ bám chặt, liếc nhìn, nụ cười, tiếng kêu la, những giọng bi bô líu lo hay là vận động.

 

Nếu không có những ký hiệu mở đường ấy, môi trường thân nhân – nhất là người mẹ – sẽ không biết dựa vào đâu, để tiếp xúc, trao đổi, tạo quan hệ với đứa con. Theo quan điểm của nhiều tác giả, tình trạng khiếm khuyết về dấu hiệu mở đường, lúc đứa bé vừa ra đời, đã tạo nên những rối loạn thuộc diện ô-ti-xơm ( tự bế ), hay là những rối  loạn thuộc diện  quan hệ, tiếp xúc, nơi những trẻ em có những thương động về mặt thể lý, não bộ ( trẻ bại não ). Trong những tình huống như vậy, môi trường thân nhân không biết phải hành xử như thế nào. Họ lo sợ. Họ cảm thấy mình bị loại trừ ra ngoài, không có khả năng nuôi con.

 

Về phía trẻ em, chúng nó cũng tiếp thu, đón nhận những ký hiệu như : liếc nhìn, giọng nói, mùi vị, xúc giác…Từ những ngày mới sinh ra, chúng nó đã có khả năng phân bịêt các vị mặn, ngọt, đắng, dễ chịu và khó chịu. Khi còn ở trong bào thai, chúng nó đã biết nhận ra giọng nói của các thân nhân trong gia đình.

 

Một hệ thống trao đổi, thông đạt dần dần được thiết lập, giữa đứa bé và môi trường thân nhân. Một đàng, đứa bé sẽ khám phá một thể thức thông đạt, để người khác có thể hiểu mình. Đồng thời, chúng nó cũng biết cách tác động trên môi trường và tìm hiểu những ký hiệu trao đổi của người thân. Đàng khác, người thân cũng từ từ phát hiện thể thức diễn tả, những điểm nhạy cảm cũng như những nhu cầu của đứa bé.

 

Nhờ cảm thấy được kẻ khác lắng nghe và hiểu biết, mỗi lần  phát ra những sứ điệp, đứa bé càng ý thức mình có một sức mạnh nội tâm. Cho nên, nó càng có ý thích tiếp tục diễn đạt mình nhiều hơn nữa.

 

Nói cách chung, những kinh nghiệm vui thích thôi thúc đứa bé càng lúc càng khám phá, diễn tả, trao đổi và đáp ứng những nhu cầu và chờ đợi của người lớn. Trái lại, khi chỉ cảm nghiệm những tình trạng bực bội, khó chịu, khổ đau,  trẻ em sẽ có phản ứng đề phòng, tự vệ, bằng cách lẩn tránh, tấn công hay là từ chối trả lời. Trên cơ sở đó, trẻ em sẽ từ từ cố thủ trong những cơ chế vòng vo, dẫm chân tại chỗ, khép kín mình, hay là ngụp lặn trong những tình trạng lo hãi, kinh hoàng, sợ sệt. Cuối cùng trẻ em đánh mất cơ thể và bản thân mình, không còn biết mình là ai, trở nên xa lạ, mất khả năng vận dụng tay chân và xác thân của mình, như chúng ta thường thấy, nơi những trẻ em thuộc diện tâm thần và tự bế.

 

Nói tắt một lời, cán cân thăng bằng giữa hai tình trạng vui thích và khổ đau là động cơ phát sinh mọi tiến bộ. Hay đó chỉ là trở ngại bẻ gãy mọi sức sống vươn lên, trên tiến trình tăng trưởng và phát triển của một trẻ em.

 

 

 

2.2.6   Tính Liên Tục

 

Để trẻ em cảm thấy được an toàn và khởi công xây dựng bản thân và con người của mình, điều quan trọng là chúng ta – người lớn trong môi trường gia đình – tổ chức, xếp đặt cho chúng nó một cuộc sống có nhịp điệu đều đặn. Lúc ban đầu, khi mới sinh ra, nhịp điệu nầy xuất phát một cách rất tự nhiên, từ những nhu cầu cơ bản của đứa bé, như nhu cầu được ăn uống lúc đói khát, nhu cầu được ngủ nghỉ, khi nhọc mệt. Dần dần, những nhịp điệu tự nhiên của đứa bé sẽ ấn định một vài tập quán, cho những người thân trong gia đình. Nhờ sự có mặt thường trực của họ và một vài hình thức tổ chức thời gian được lặp đi lặp lại, một cách khá đều đặn, đứa bé từ từ khám phá được một số điểm mốc rõ ràng và biết định hướng, trong cuộc sống hằng ngày của mình. Sở dĩ trẻ em thâu lượm được những thành quả như vậy, là nhờ người lớn có TÍNH LIÊN TỤC, trong cách thiết lập quan hệ, trong cách làm, cũng như trong cách tổ chức cuộc sống hằng ngày với trẻ em.

 

Trên cơ sở ấy, trẻ em có thể vui hưởng, dự đoán, chờ đợi, nhận biết và tìm lại những điều mà mình đã kinh qua và trải nghiệm. Cũng nhờ vào đó, trẻ em có khả năng chịu đựng những lần xa mẹ, những lần mẹ vắng mặt, hay là sẵn sàng từ bỏ một vài điều quen thuộc. Nhờ cách làm có tính liên tục như vậy, môi trường thân nhân ngày ngày cung ứng cho trẻ em một cấu trúc hay là một khuôn khổ an toàn. Và trẻ em sẻ từ từ hội nhập khuôn khổ ấy, trong bàn thân của mình.

 

Cũng trong chiều hướng ấy, trẻ em sẽ dần dần làm quen, hội nhập hay là sở hữu hóa một cơ cấu tổ chức thời gian. Cơ cấu nầy mang đến cho trẻ em một cảm giác từ bên trong là mình có khả năng sống như một con người tự lập, biệt lập đối với người khác, có khả năng ra đi và trở về, như ý mình muốn.

 

Để chứng nghiệm một phần nào tiến trình hội nhập và sở hữu hóa của trẻ em, như vừa được trình bày, chúng ta hãy khảo sát niềm vui thích và nỗi sung sướng của trẻ em, mỗi khi chúng nó được nghe lại, trước khi đi ngủ, một câu chuyện cỗ tích, mà chúng nó đã gần như thuộc lòng. Và chúng nó vẫn tiếp tục yêu cầu mẹ kể lại câu chuyện ấy, mỗi khi đêm về…như một nghi thức tất yếu, trước khi đi vào giấc ngủ.

 

 

 

2.2.7    Năng động và Vai trò của Vui Thích

 

Trên đây, chúng ta đã xác định, một cách cụ thể, hai vấn đề liên hệ đến tiến trình phát triển của trẻ em :

 

-         Trẻ em đã ra đời trong một khuôn khổ hay là cấu trúc như thế nào ?

 

-         Từ những ngày đầu tiên, yếu tố nào đã can thiệp vào công cuộc xây dựng bản thân và con người của trẻ em ?

 

Hẳn thực, khi vừa ra khỏi lòng mẹ, đứa bé ở trong một tình trạng lệ thuộc hoàn toàn vào môi trường chung quanh. Một cách đặc biệt, nó phải sống bám sát vào người mẹ hay là người thay thế mẹ, trong vai trò săn sóc, chăm nuôi…Quan hệ nầy mang tên là « đồng sinh » . Từ chuyên môn được dùng trong tiếng Pháp là symbiose. Lúc bấy giờ, đứa bé chưa có khả năng phân biệt giới hạn rõ rệt giữa bản thân mình với bản thân của người mẹ.

 

Tác giả M. BOUDART ( 1995 ) đã giải thích ý nghĩa của quan hệ đồng sinh nầy như sau :

 

« Lúc ban đầu, đứa bé sống tùy thuộc hoàn toàn vào những sức mạnh thúc đẩy và những nhịp điệu của đời sống thể lý.

 

Nó chưa có khả năng phân biệt, một cách rõ rệt, đâu là giới hạn giữa bên ngoài và bên trong, cũng như giữa bản thân mình và môi trường chung quanh.

 

Khi có những nhu cầu xuất hiện trong bản thân, nó sẽ tiếp nhận từ ngoài, từ người khác, mọi hình thức đáp ứng khả dĩ mang đến cho nó những kinh nghiệm vui thích, hứng thú hay là tạo ra những tình huống khó chịu, bực bội.

 

Ở vào giai đoạn tăng trưởng đầu tiên nầy, sống có nghĩa là cảm xúc và vận động. Bao nhiêu kinh nghiệm vui buồn, hân hoan hay khó chịu…- còn ở tình trạng Cảm Nghiệm – được ghi lại và tích trử trong các tế bào thuộc nhiều thành phần khác nhau của cơ thể. Những cảm nghiệm của đứa con, trong giai đoạn đầu đời nầy, còn giao thoa, hòa trộn vào những cảm nghiệm của người mẹ. Người mẹ, được nói tới ở đây, có thể chỉ là « người thay thế mẹ », chăm sóc cho đứa con, trong suốt thời thơ ấu ».

 

Ngoài ra, người mẹ cũng trải qua nhiều lúc vui buồn, lo sợ, tức giận… trong những quan hệ tiếp xúc với đứa con, cũng như với những thành viên khác trong môi trường. Bầu khí của gia đình, với những thăng trầm không thể nào không có, sẽ tạo ra cho bà những điều kiện thuận lợi, hay là những trở ngại, trong công việc thực thi vai trò làm mẹ của mình. Chính vì những lý do nầy, khi bà nhìn con, bà nhìn nó qua một cái khung nhận thức có sẵn, làm bằng nhiều hình ảnh khác nhau như : cách bà nhìn mình, nhìn cha mẹ của mình và nhìn đứa con lý tưởng mà bà đã từng ước mơ.

 

Chính người mẹ, với bao nhiêu cảm xúc có mặt trong nội tâm, trở thành một tấm gương soi phản chiếu cho đứa bé sơ sinh một hình ảnh về chính mình nó. Nói khác đi, trong đôi mắt của mẹ, trong cách mẹ đưa tay tiếp xúc, va chạm, bồng bế, trong những lời mẹ thốt lên… đứa bé từ từ khám phá và nhận biết mình, ở một mức độ còn rất đại loại và vô thức.

 

-         Hình ảnh tạo vui thích nầy là hình ảnh đầu tiên, trong cuộc đời của nó, từ ngày nó ra đời.

 

-         Chính hình ảnh ấy làm nền tảng, để đứa bé dần  dần xây dựng trên đó, trong suốt thời gian 6 năm đầu tiên, một hình ảnh về mình.

 

-         Hình ảnh đầu tiên nầy  - làm bằng nhiều vết tích hoài niệm – sẽ tạo nên một thực thể thống nhất khả dĩ bảo vệ đứa bé, khi phải trải qua một cuộc sống tán loạn, rời rạc, chắp nối lộn xộn lúc ban đầu… cũng như khi cảm nghiệm những cơn lo hãi xa xưa, bắt nguồn từ « sự cố sinh ra » và đang còn tồn đọng đến ngày hôm nay.

 

-         Hình ảnh  nầy  được đứa bé nhận thức như những cảm giác vui thích hoặc khó chịu.

 

-         Những lúc bà mẹ vắng mặt, đứa bé sẽ làm cho hình ảnh nầy xuất hiện, một cách cụ thể, nhờ vào một số động tác được lặp đi lặp lại như : đụng chạm vào mình, đu đưa qua lại, bú mút một mình, bi bô trầm trồ.

 

Trẻ em tiếp nhận những cảm giác ấy, với một thái độ không phân biệt, không kiểm soát, không hiểu biết, không chọn lọc. Những cảm giác ấy trộn lẫn với nhau hai đối cực vui thích và khó chịu, và phát sinh những loại « mơ tưởng » ( fantasme ), còn rất hoang sơ và thô thiển như : nhai nuốt, tiêu hủy, hành hạ, toàn năng. Theo cách gọi của chúng tôi, đó là những « mơ tưởng » còn ở thể trạng cảm giác và vận động, thuộc giai đoạn phát triển sơ khởi. Hai tác giả M. KLEIN và WINNICOTT đã nói nhiều về vấn đề nầy. Chúng ta sẽ có dịp trở lại với nhửng tư tưởng nầy, trong một chương khác sau này.

 

Xuyên qua những nhận định vừa được trình bày, môi trường thân nhân cần có thái độ thích nghi, liên tục và giữ thế quân bình ở giữa hai đối cực  : vừa tạo thỏa mãn vừa gây bất mãn, vừa tạo vui thích vừa gây khó chịu . Nhờ đó, trẻ em  sẽ có được nhiều điều kiện thuận lợi và dễ dàng, trong việc ngăn chận những cơn lo hãi của mình, và đồng thời có khả năng kiến dựng một cách hữu hiệu một cơ cấu tâm lý vững mạnh. Cơ cấu nầy, cơ hồ một chiếc va li cá nhân, chứa đựng nhiều dụng cụ tâm lý  :  suy tư, cảm xúc, xúc động và cơ chế tự vệ. Trẻ em sẽ tìm ra, trong kho dự trử nầy, những phương tiện hành động, để có thể vượt qua những cơn lo hãi tâm lý, ở mỗi giai đoạn phát triển của mình.

 

Ỏ vào giai đoạn trưởng thành, con người có khả năng tư duy, trước khi hành động. Nơi trẻ em, trái lại, hành động là những kinh nghiệm hàn gắn và sửa đổi, có hiệu năng kiến dựng hình ảnh về mình. Thêm vào đó, đối với trẻ em, hành động đang còn đồng hóa với  trò chơi. Nhờ trò chơi, trẻ em có khả năng trở về tình trạng an toàn và ổn định, vượt qua được những cơn lo hãi lúc ban đầu, như cảm giác mất đối tượng tình yêu, cảm giác bị bỏ rơi.

 

Về mặt tích cực, nhờ vào trò chơi, trẻ em sẽ kiến dựng một hình ảnh về mình. Xuyên qua hình ảnh này, chúng nó sẽ ý thức về mình, biết mình là ai. Xuyên qua hình ảnh nầy, chúng nó sẽ có khả năng định hướng trong thời gian và không gian. Xuyên qua hình ảnh nầy, chúng nó sẽ biết khẳng định mình : tôi không phải là đồ vật. Sau hết, cũng xuyên qua hình ảnh nầy, chúng nó sẽ nhận ra sự khác biệt giữa mình và bao nhiêu người khác, bắt đầu từ NGƯỜI KHÁC ĐẦU TIÊN là bà mẹ của mình.

 

Trong suốt giai đoạn phát triển đầu tiên nầy, nếu môi trường thân nhân có những khiếm khuyết, về mặt lượng cũng như về mặt phẩm, và do đó trẻ em sẽ phải kinh qua nhiều kinh nghiệm khó chịu và khổ đau trầm trọng…chúng nó sẽ có một hình ảnh nghèo nàn và mong manh về bản thân mình. Cho nên, khả năng hình dung thế giới bên ngoài của chúng nó cũng gặp nhiều trắc trở và khó khăn. Hơn ai hết, tác giả BERGER đã đề cập vấn đề nầy, với nhiều minh họa cụ thể, trong tác phẩm  « Những rối loạn trong tiến trình phát triển của tư duy »( 1992).

 

 

 

2.2.8  Vai trò của Văn Hóa

 

Tình hình của trẻ em  ở Sénégal diễn biến như thế nào ? Tất cả những kinh nghiệm đầu tiên của một em bé sơ sinh, được bàn đến trên đây, thể hiện thế nào trong cuộc sống thường ngày ?

 

Cuốn sách « L-enfant du lignage » ( Đứa con trong giòng họ ) của tác giả Jacqueline RABAIN  ( 1979 ) phản ảnh một cách khá trung thực những nhận xét của chúng tôi về cuộc sống thường ngày của các đứa bé sơ sinh :

 

-         Nhiều thành viên sống « chung đụng » trong cùng một không gian eo hẹp. Nhưng cuộc sống chung ấy là một « lớp da tập thể » tạo an toàn cho đứa bé.

 

-         Xúc giác là một thứ ngôn ngữ không lời, có vai trò rất quan trọng, trong nền giáo dục ở Sénégal. Không những bà mẹ, mà các thành viên khác của gia đình, như chú bác, cô cậu, ông bà, người hàng xóm, kẻ giúp vịệc… đều xử dụng loại ngôn ngữ nầy. Một đứa bé 4 tuổi đã biết cõng đứa em mới sinh, trên lưng mình.

 

-         Theo cách mô tả của Rabain, từ lúc vừa sinh ra, đứa bé đã ở giữa một mạng lưới trao đổi, về mặt thể lý. Người lớn thường sinh hoạt trên nền nhà, ở ngang tầm nhìn của đứa bé. Trẻ em di động từ cơ thể của người nầy đến cơ thể của người khác. Khi hai người lớn chuyện trò trao đổi, lời nói ở ngang tầm tiếp thu của các cơ quan thính giác của trẻ em. Thêm vào đó, trẻ em có dịp leo trèo, trượt ôm, đunïg chạm, kéo lôi, xô đẩy, một cách thỏa thích.

 

-         Người lớn kêu mời, khuyến khích trẻ em, bằng nhiều cách khác nhau, như xoa bóp, kéo tới, đẩy lui, nâng lên, đặt xuống, chọc ghẹo, trao đổi, chuyện trò… Mọi người tham gia, chia sẻ một niềm vui tập thể. Không những chỉ có người mẹ, mà toàn thể các thành viên trong nhóm, đều đóng góp vào công cuộc trao đổi, tiếp xúc, cư xử, tạo quan hệ với trẻ em, trong những địa hạt vận động, trương lực cơ và xúc động. Mỗi thành viên trong nhóm, từ người già đến người trẻ, đều có những vai trò nhất định, và phối hợp với nhau, tùy vào tuổi tác, phái tính và liên hệ bà con của mình, trong toàn diện tập thể gia đình mở rộng.

 

-         Tác giả RABAIN đưa ra nhiều minh họa về hai loại trò chơi khác nhau, trong địa hạt vận động và xúc giác. Trong những trò chơi nầy, trẻ em vừa chủ động, vừa bị động, trong cùng một lúc. Loại thứ nhất gồm có những thể thức tiếp xúc đại loại, tổng thể như nằm dài ra, thu mình lại, bám sát vào, ôm choàng, chen lấn nhau, được siết chặt, ôm ẵm, bồng bế, bao bọc…Loại thứ hai bao gồm những trò chơi hạn chế vào từng phần của thân thể như ngón tay, môi miệng, hay là những loại khám phá đặc biệt, khi thân thể tiếp cận với nhiều loại diện tích có đặc tính khác nhau như sỏi đá, cát sạn, lúa đậu, thân cây, giường chiếu, ghế ngồi…Trong những trò chơi hằng ngày, theo nhận xét của tác giả RABAIN, còn có những loại trò chơi tranh đấu, khả dĩ tạo điều kiện cho trẻ em bộc lộ, phóng ngoại xu thế tấn công của mình. Đồng thời, khi tiếp xúc với trẻ em, người lớn có những cử chỉ thoa dịu, nhằm giảm hạ tình trạng bức xúc, căng thẳng của trẻ em, như cho bú, đặt nằm xuống, cho uống nước, kẹp trẻ em vào giữa đùi chân và bụng. Thông thường trong những cách hành xử như vậy, cử chỉ và điệu bộ đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, ngôn ngữ vẫn được sử dụng. Một cách đặc biệt, người lớn có nhiều cách tạo nên những tiếng động và âm thanh lạ lùng, khi tiếp xúc, vui đùa với trẻ em.

 

-         Loại tiếp xúc không lời nầy luôn luôn có mặt, đúng như câu thành ngữ thường được dùng trong dân gian : «  Hai đùi chân của bà mẹ là chỗ ngồi tuyệt hảo cho đứa con ». Hẳn thực, trong gia đình của người Sénégal, trẻ em không bao giờ sống một mình. Tuy nhiên, ngoài bà mẹ, còn có rất nhiều thành viên cũng có mặt, để tạo khoảng cách và những va chạm cần thiết, cho việc tăng trưởng của trẻ em. Thêm vào đó, tuy dù bà mẹ luôn luôn ôm giữ đứa con sát cạnh mình, bà còn phải đưa mắt canh phòng nhiều công việc khác, phải làm bao nhiêu điều cùng một lúc.

 

-         Khi nói đến tiếp xúc và trao đổi, chúng ta không thể không nói đến một loại xoa bóp đặc biệt, thường được bà nội đảm nhiệm. Đây là một cách xoa bóp có mục đích « uốn nắn và khuôn đúc cơ thể », theo đúng những đòi hỏi thuộc phái tính của trẻ em. Loại xoa bóp nầy làm cho cơ thể nguời nam được cường tráng, và làm cho cơ thể người nữ được nở nang phát triển, có khả năng đảm nhiệm những vai trò làm mẹ sau nầy.

 

Xuyên qua những nhận xét trên đây, chúng ta cần ghi nhận những điểm quan trọng sau đây :

 

-         Mặc dù có nhiều hình thức khác biệt nhau, quan hệ phải có tính LIÊN TỤC, thường hằng, để tạo nên một cái KHUNG an toàn và che chỡ cho đứa bé phát triển.

 

-         Mặc dù sống chan hòa giữa bao nhiêu thành viên khác của gia đình, người MẸ  ( hay là hình ảnh người mẹ ) vẫn có vai trò nổi bật trên tất cả, và cần thiết cho một đứa bé từ 0 đến 2 tuổi rưởi . Thông thường đây là tuổi cai sữa.

 

-         Một câu nói được lưu truyền trong dân gian,  nhắc lui nhắc tới điều ấy : « Nếu đứa bé không bú sữa mẹ, nó không có sức mạnh. Đầu óc nó sẽ bị thiếu hụt. Trái lại, khi được mẹ cho bú và đồng thời được mẹ trao đổi chuyện trò, đứa con sẽ có một đầu óc đầy đủ, vẹn toàn » ( ZEMPLINI, 1996 ).

 

Khi quan sát và phân tích những tập tục của một dân tộc, như RABAIN đã làm, chúng ta nhận thấy rằng :  trong mỗi nền văn hóa, chúng ta có thể nhận ra những giai đoạn và những thể thức xây dựng con người của trẻ em, có mặt trong lương tri và cách hành xử của quần chúng, tuy dù họ không am tường về những kiến thức lý thuyết. Vì vậy, chúng ta cần đề phòng những rối loạn có thể xảy ra trong những quan hệ giữa người lớn và trẻ em, do  những trào lưu văn minh, đô thị hóa và vấn đề di dân… gây ra. Chúng ta cần ý thức đến vai trò của những thái độ giáo dục cỗ truyền, để tìm cách tiếp nối, duy trì hay là thay thế bằng những hình thức thích ứng, để tránh những hậu quả tai hại có thể xảy ra, trong các thành thị đông dân cư ngày nay.

 

 

2.3 Tầm quan trọng của VUI THÍCH

 

Phương Pháp Tâm Vận Động Aucouturier coi trọng vai trò của vui thích, nhất là loại vui thích được chia sẻ với nhiều người khác. Những lý do sau đây giải thích tầm quan trọng ấy :

 

Thứ nhất : Vui thích phát huy ý thức về mình

 

Một kinh nghiệm tiêu cực, khó chịu sẽ dần dần mất đi những ảnh hưởng tai hại, khi chúng ta có dịp sống lại  cũng một kinh nghiệm ấy, trong một trạng thái hoàn toàn vui thích và với một quan hệ hoàn toàn tích cực,hài hòa. Nói khác đi, về phương diện năng động, một kinh nghệm vui thích phát huy nơi chúng ta , cũng như nơi trẻ em, một hình ảnh tích cực về mình. Đồng thời, cũng nhờ những kinh nghiệm vui thích ấy, chúng ta cảm nhận được rằng : cơ thể là một thực thể toàn bích, toàn diện.

 

Những đứa bé, lúc mới sinh ra, đang còn cảm nghiệm thân thể như một sự kết ráp của nhiều thành phần khác biệt nhau. Lúc bấy giờ, chúng nó chưa biết phân biệt một cách rõ ràng cái gì ở trong, cái gì thuộc về bên ngoài. Nhờ những kinh nghiệm vui thích được kẻ khác nhận biết và đón nhận, được lặp đi lặp lại nhiều lần, và càng ngày càng trở nên phong phú, trẻ em sẽ mở rộng ý thức về cơ thể của mình :

 

-   Tôi chỉ có một cơ thể

 

-         Cơ thể ấy bao gồm nhiều thành phần được kết hợp chặt chẽ vào nhau,

 

-         Cơ thể của tôi tách rời và khác biệt với cơ thể của mẹ tôi,

 

-         Cơ thể của tôi vừa có bên mặt và bên trái, vứa có đằng trước và đằng sau,

 

-         Tôi có thể điều khiển cơ thể của tôi,

 

-         Tôi có thể hình dung, suy tư về cơ thể của tôi.

 

 

Thứ hai : Vui thích phát huy khả năng chấp nhận những giới hạn

 

Trước đây, trong chương bàn về « Năng động của vui thích », ( xem lại số 2.2.7 ), chúng tôi đã nhấn mạnh rằng : người lớn thuộc môi trường thân nhân, bắt đầu từ người mẹ, là tấm gương soi, phản chiếu cho trẻ em nhận biết về mình. Nhờ có dịp chứng kiến và chia sẻ những vui thích, mà chính người lớn đang cảm nghiệm, trẻ em sẽ từ từ có khả năng cảm nghiệm thế nào là vui thích, trong chính bản thân mình.

 

Hẳn thực, nhờ sống được những kinh nghiệm vui thích, chúng ta làm cho nội tâm tràn đầy những nội dung « ngon ngọt, tốt lành ». Chúng ta trở nên thoải mái và thư giản, không đóng kín mình trong những tư thế « kín cổng cao tường ». Chúng ta mở rộng lòng, sẵn sàng đón tiếp và chấp nhận trao đổi với người khác có mặt hai bên cạnh.

 

Một đàng, những vui thích như vậy là chất liệu cần thiết, khả dĩ tạo điều kiện cho trẻ em triển nở một cách tốt đẹp và hài hòa. Đàng khác, cũng nhờ có sẵn những vốn liếng vui thích như thế trong nội tâm, trẻ em sẽ có khả năng chấp nhận những giới hạn bên ngoài, với điều kiện là những hạn chế ấy không vượt quá sức chịu đựng hiện hữu của chúng nó.

 

Thứ ba : Vui thích thúc đẩy trẻ em kết dệt những quan hệ với người khác

Khi nhớ lại những kinh nghiệm vui thích, mà mình đã trải qua và thừa hưởng, trẻ em sẽ ước mong có dịp sống lại những kinh nghiệm ấy. Và chính lúc sống lại những vui thích ấy, trẻ em sẽ bộc lộ ra bên ngoài lòng hân hoan, vui thỏa và hứng khởi của mình.

 

-         Ví dụ 1.- Mẹ đang vắng mặt. Trẻ em ước mong mẹ trở về. Khi mẹ trở về, trẻ em bày tỏ nỗi lòng hân hoan.

 

-         Ví dụ 2.- Trẻ em đang được chúng ta đu đưa qua lại … Sau một hồi, chúng ta ngưng lại. Trẻ em bày tỏ ước muốn được đu đưa như trước đó. Chúng ta thỏa mãn ý muốn của trẻ em. Chúng nó reo mừng vì sung sướng…

 

Để tìm lại những vui thích đã có mặt, tự nhiên trẻ em vận dụng trí tưởng tượng, khả năng sáng tạo và đồng thời thiết lập những quan hệ giao tiếp và thông đạt với những người có mặt.

 

Ví dụ.- Trẻ em ngồi trên một tấm nệm và được chúng ta kéo đi một vài vòng quanh phòng… Sau một hồi, chúng ta dừng lại. Nếu trẻ em muốn được kéo thêm, nó sẽ tìm cách bày tỏ ý thích của mình. Nếu người lớn không còn có mặt trong phòng, trẻ em sẽ sáng tạo những cách làm khác, để tìm lại niềm vui thích đã qua. Chẳng hạn, nó sẽ kéo con búp bê đi quanh phòng. Hay là nó sẽ yêu cầu một người bạn lớn hơn kéo mình, như cô giáo đã làm trước đây.

 

Nói tóm lại, để có thể sống lại một niềm vui thích đã được cảm nghiệm, trong quá khứ, trẻ em vận dụng khả  năng học tập, phát huy những tương quan xã hội, bằng cách tiếp xúc với người lớn hay là trẻ em đang có mặt với mình.

 

Thứ bốn : Vui thích giúp trẻ em phát huy đời sống nội tâm

 

Khi trẻ em vui thích, chúng nó làm cho người lớn cùng vui thích với mình. Cũng vậy, khi người lớn có một cuộc sống tràn đầy vui thích và hứng khởi, họ sẽ dễ dàng tạo nên những quan hệ tích cực và tốt đẹp với trẻ em. Vui thích được so sánh như một vết dầu, có xu thế lan tràn từ người nầy qua người khác. Tiếng cười cũng có một phần vụ kích thích và lôi cuốn như vậy. Nó tạo nên một bầu khí cởi mở, với nhiều cảm giác linh động và hân hoan. Nó giảm hạ tình trạng căng thẳng của nội tâm.

 

Hẳn thực, sau khi sống được những hoàn cảnh vui thích, chúng ta  cũng như trẻ em sẽ ước mong có dịp trở lại với những hoàn cảnh ấy. Và càng ước mong, chúng ta càng vận dụng khả năng hình dung và dự phóng, nghĩa là tìm cách làm cho những điều « vắng mặt » trở nên « có mặt ». Thể thức tạo hình ảnh như vậy còn được gọi là « vai trò tổ chức và xây dựng » ( rôle structurant ) của vui thích, trong tiến trình tăng trưởng và phát triển của trẻ em.

 

Theo quan điểm của BERGÈS ( 1985 ),  « Vui thích, khi có mặt cũng như khi vắng mặt, đều có khả năng tạo ra hình ảnh. Những kinh nghiệm khó chịu và đau buồn, trái lại, không thể nào có một vai trò tổ chức và xây dựng như thế ».

 

Hẳn thực, vui thích thúc giục chúng ta tìm kiếm,sáng tạo, hoạt động. Bất mãn và khổ đau, trái lại, làm cho chúng ta trở nên tê liệt, bị động, hay là chạy trốn, khép kín mình, lặp đi lặp lại một cách máy móc, tự động một vài cử chỉ tạo an toàn.

 

Khi vui thích, con người diễn tả, phát biểu, sử dụng lời nói, để thỏa mãn nhu cầu chia sẻ với người khác. Ngôn ngữ là phương tiện được con người sử dụng, để thiết lập quan hệ, và khẳng định sự có mặt của mình. Trái lại, khi không có vui thích, con người trở nên câm nín, buồn phiền hay là khóc lóc, đóng kín mọi cửa lòng.

 

Khi một trẻ em thiếu vui thích, nó trở nên phân vân, lo ngại, sống xa cách và có thái độ xua đuổi những trẻ em khác. Chúng nó từ chối, không chấp nhậân vui đùa với kẻ khác.

 

Trong những buổi sinh hoạt Tâm Vận Động, chúng tôi thường cung ứng cho trẻ em nhiều loại kinh nghiệm vui thích, thuộc địa hạt giác quan và vận động. Về mặt kỹ thuật, chúng tôi trình bày những cặp sinh hoạt vừa tiếp nối nhau, vừa đối kháng với nhau, như :

 

-         Căng thẳng – Thư giản,

 

-         Vui thích – Gián đọan – Trở lại Vui thích,

 

-         Quân bình – Mất quân bình.

 

Những trò chơi ấy mang tên là « Tạo lại niềm tin và an toàn cơ bản », nhằm mục tiêu giúp trẻ em vượt qua những cơn lo hãi xa xưa, đã có mặt từ những ngày đầu tiên, lúc trẻ em vừa mới sinh ra.

 

 

2.4 Sức thúc ép từ bên trong nội tâm ( Xung Năng )

 

Sinh ra làm người, ai ai trong chúng ta cũng có nhu cầu trao đổi, nhu cầu thương yêu cũng như nhu cầu giải trừ những tình trạng căng thẳng của nội tâm, tuy dù mỗi người lớn lên trong một môi trường giáo dục riêng biệt, đặc thù.. Rất ít khi có hai môi trường hoàn toàn giống nhau.

 

Vào tuổi trưởng thành, nhu cầu giải trừ những tình trạng căng thẳng nội tâm vẫn còn tồn tại trong con người của chúng ta. Nhưng vấn đề thường được chúng ta giải quyết, bằng nhiều thể thức khác nhau, như : những sinh hoạt thể thao, những sinh hoạt có tính tranh đua, phấn đấu hay là những sinh hoạt nhằm bộc lộ ra ngoài những xung đột ở bên trong nội tâm.

 

Bao nhiêu phương thức hoạt động ấy nhằm thỏa mãn nhu cầu tự vệ của chúng ta, trong cuộc sống làm người. Đồng thời những sinh hoạt ấy cũng có mục đích hướng dẫn và giáo dục chúng ta, trong cách giải quyết vấn đề tấn công và xung đột, theo những tiêu chuẩn hoặc qui luật được xã hội cho phép, chấp nhận, hay là ấn định một cách rõ ràng.

 

Tuy nhiên, trong nhiều môi trường sinh sống, trẻ em còn thiếu những điều kiện thiết yếu, cho phép chúng nó thỏa mãn những nhu cầu cơ bản của mình. Cho nên trẻ em có thêm những căng thẳng phụ thuộc, ngày ngày chồng chất trong nội tâm của mình, cơ hồ một bình nuớc đậy nắp, đang sôi sục, ở bên trên một bếp lữa rực cháy. Tự mình, chúng nó không thể giải quyết vấn đề, bằng cách tìm ra những phương thức hữu hiệu  có thể giảm hạ mức độ gây hấn và căng thẳng đang có mặt trong bản thân mình. Chính vì vậy, chúng nó có những hành vi lăng xăng, loạn động, bất ổn trong cơ thể của mình, cũng như trong mọi quan hệ tiếp xúc và trao đổi với người khác. Ở giữa một tình huống như vậy, làm sao chúng nó có khả năng nhận và cho, thông đạt, sáng tạo và học hành ?

 

Thêm vào đó, trong những hoàn cảnh tương tự, phản ứng thông thường của người lớn là tố cáo, la mắng, kết tội, với những lời lẽ bi quan, tiêu cực như : «  Đồ mất dạy. Đồ cao bồi, du đãng… ».

 

Rốt cuộc, hoặc là trẻ em trở nên tê liệt, bị động, có những hành vi tự hủy, làm hại mình… Hay là chúng nó tấn công, đánh đập những trẻ em khác, gây rối loạn ở mọi nơi, cho mọi người. Thông thường, tất cả mọi trẻ em như vậy, đều có một hình ảnh rất tiêu cực về mình.

 

Nếu chúng ta buông xuôi, để cho chúng nó hoàn toàn tự do, làm gì thì làm, không có kỷ luật, không có giới hạn…chúng nó sẽ thoái hóa, trầm mình trong những tình trạng lo sợ, hốt hoảng, kinh hoàng… không còn biết mình là ai, mình sống ở đâu, mình có thể làm những gì …

 

Trong những buổi sinh hoạt Tâm Vận Động, thể thức can thiệp của chúng tôi bao gồm những điểm chính yếu sau đây :

 

-         Tạo một không gian ân cần đón tiếp trẻ em,

 

-         Chúng tôi « có mặt một cách năng động » với trẻ em,

 

-         Với kỹ thuật « nhìn nhận », chúng tôi cho phép và kêu mời trẻ em ngoại hiện những sức ép bên trong đang trấn áp chúng nó. Sức ép nầy mang tên là « xung năng », theo thuật ngữ của Phân Tâm Học.

 

-         Đồng thời chúng tôi hướng dẫn trẻ em từ từ chấp nhận « một số giới hạn » có khả năng tạo an toàn cho trẻ em, và giúp trẻ em kiến dựng bản thân mình.

 

Chính câu nói của BOUDART ( 1995 ) tóm lược ý hướng hành động của chúng tôi :

 

«  Trong giai đoạn phát triển ban đầu, xung năng tấn công, nơi trẻ em, phải được hiểu và đón nhận như một sức sống đang vươn lên. Nó diễn tả ý muốn của trẻ em được trao đổi và thông đạt với người khác. Tuy nhiên, xung năng nầy cần được khai phóng, hướng dẫn và phát triển, ở bên trong một khuôn khổ tạo an toàn ».

 

Trong những chương tiếp theo, chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu một số trò chơi nhằm thực hiện những mục tiêu vừa được trình bày.

 

Để tóm lược tất cả nội dung của chương nầy, chúng ta cần ghi nhận một số trọng điểm như sau :

 

1)  Trẻ em cần có những kinh nghiệm vui thích, để sống và phát triển, một cách tốt đẹp và hài hòa,

 

2)  Những xung năng nào, trong đời sống của trẻ em, được đón nhận và hóa giải, sẽ không còn tạo nên những áp lực khống chế.

 

3)  Khi nội tâm của trẻ em tràn đầy vui thích, sung sướng, toại nguyện…  không có xung năng nào có thể tạo nên những căng thẳng cho trẻ em

 

4)  Xung năng chỉ tạo nên áp chế, khi nào cuộc sống của trẻ em có nhiều điều bất mãn, khó chịu và khổ đau trầm trọng.

 

 

2.5   Những Giới Hạn ( Qui luật cần tôn trọng, không vượt qua )

 

Trước đây, chúng tôi đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Vui Thích. Tuy nhiên, vai trò của những qui luật trong lãnh vực tác phong cũng rất thiết yếu, cho vấn đề tăng trưởng và phát triển của trẻ em. Khi giới hạn không được tôn trọng, vui thích sẽ biến thành những khổ đau, phiền lụy.

 

Hẳn thực, khi một trẻ em có thể làm bất cứ chuyện gì, làm bất cứ ở đâu, làm bất kể lúc nào, trẻ em ấy đang sống với nhiều ảo tưởng, lo hãi và cô đơn.

 

Để có thể sống an toàn, tránh khỏi những hiểm họa vật thể ở bên ngoài, trẻ em cần được người lớn dạy bảo, hướng dẫn về những loại vấn đề sau đây :

 

-         Tôi có thể học hỏi, khám phá những điều nào ?

 

-         Tôi có thể thực hiện những ước mơ, dự tưởng, trong những không gian hoặc khuôn khổ nào ?

 

-         Tôi có thể lựa chọn thời gian hoặc hoàn cảnh nào để hoạt động ?

 

-         Sau hết, tôi có thể tiến hành công việc, với những bạn bè nào ?

 

Ở Sénégal, chẳng hạn, trong lảnh vực vui đùa và giải trí, bạn bè thay đổi tùy lứa tuổi. Những trò chơi « đấu tranh » chỉ được phép tổ chức, giữa những người cùng trang lứa mà thôi.

 

Trong cuộc sống thường ngày, người lớn có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi, để trẻ em khám phá những hoạt động mới, sẵn sàng từ bỏ những ý định không chính đáng, hay là chấp nhận một số trở ngại và  khó khăn…Khi làm như vậy, họ mở đường cho trẻ em biết tìm ra những vui thích, trong cuộc đới. Chẳng hạn, khi được mẹ đút cho ăn, nó cần chờ đợi một khoảng thời gian, ở giữa hai miếng ăn. Đó là thời gian, để trẻ em nhận thức được rằng mình đang có những ý thích, thèm muốn. Khoảng thời gian nầy phải có một độ dài tối thiểu, để ý thích có thể phát sinh và xuất hiện. Tuy nhiên, khoảng thời gian nầy không được kéo ra quá dài, để trẻ em khỏi phải thất vọng và bỏ cuộc, vì phải đợi chờ quá lâu. Hẳn thực, ngay trong vấn đề ăn uống, trẻ em đã biết chủ động, không còn sống bị động, lệ thuộc.

 

Không có những giới hạn cần tôn trọng, cuộc sống sẽ trở thành ảo tưởng, vượt khỏi tầm tay và thực tế hằng ngày của con người.

 

Nói tóm lại, vấn đề tổ chức thời gian và không gian là một điều kiện thiết yếu, cho việc tăng trưởng và phát triển của trẻ em. Thể thức tổ chức có thể thay đổi, tùy xứ sở. Nhưng ở Sénégal, cũng như ở Âu Châu, trẻ em cũng cần có chỗ ngủ, chỗ chơi, chỗ vui đùa, chỗ chạy nhảy. Bất cứ ở nơi nào, trẻ em cũng cần tuân thủ một số giờ giấc nhất định trong ngày…

 

Khi biết rằng người lớn cũng phải tuân hành một số qui luật, trẻ em cảm thấy được an tâm ( vì người lớn cũng có một đơiø sống giống như mình ). Vào một lứa tuổi, khi chúng nó hiểu được rằng vâng lời là một khả năng thuộc đời sống làm người, chúng nó sẽ hãnh diện vì mình có khả năng ấy. Khi lên 5 tuổi, trẻ em bày tỏ nỗi niềm sung sướng của mình, vì mình đã lớn khôn, biết điều nào nên làm, điều nào cần tránh. Khi còn 3 tuổi, trái lại, chúng nó thường hay có thái độ khiêu khích, muốn tìm hiểu chúng ta – người lớn -  là ai, với chúng ta, chúng nó có thể làm được những gì, đạt đến những giới hạn nào…Tắt một lời, chúng nó muốn BIẾT. Để đáp lại, chúng ta cần có thái độ LIÊN TỤC, trong cách đề nghị những chuẩn mực rõ ràng, chắc chắn, thường hằng.

 

Xuyên qua tất cả những nhận định trên đây, chúng tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của qui luật. Nếu được trình bày một cách rõ ràng và cẩn trọng, qui luật kết hợp với tình yêu, trong thái độ giáo dục của cha mẹ, là nguồn gốc phát sinh mọi chí hướng vươn lên  và ước vọng thăng tiến, trong cuộc sống làm người.

 

2.6          Nhìn Nhận

 

Khi chúng ta – người lớn - có mặt, chứng kiến, lưu tâm, như : NHÌN trẻ em làm, NGHE trẻ em nói, KHUYẾN KHÍCH trẻ em khám phá, tìm tòi… chúng ta đang có thái độ « NHÌN NHẬN ». Nói rõ hơn, chúng ta dùng ngôn ngữ có lời hay không có lời, để bày tỏ cho trẻ em biết rằng : chúng ta đang đón nhận những gì chúng nó nhắn gởi cho chúng ta.

 

Ví dụ, khi chúng ta phát biểu : « Cô thấy em đang ước muốn … », chúng ta nhìn nhận một sở thích đang chớm nở nơi trẻ em. Ngoài ra, chúng nó có tìm cách thực hiện nguyện vọng của mình hay không, đó chưa phải là mối bận tâm, trong giây phút hiện tại.

 

Nghe trẻ em phát biểu mộït yêu cầu, nhìn nhận lời yêu cầu ấy, sau đó chấp nhận hay từ chối, hoãn lại hay là thương lượng về thể thức thực hiện, thỏa mãn… đó là bao nhiêu giai đoạn hành động cho phép trẻ em khẳng định mình, một cách chủ động, nghĩa là làm chủ bản thân và sáng tạo cuộc sống.

 

Khi chơi một mình, chắc hẳn trẻ em đang vui sướng. Tuy nhiên, khi có người lớn đang có mặt và chứng kiến, niềm vui sướng của chúng nó sẽ tăng lên gấp bội lần. Khi trẻ em muốn mẹ nhìn : « Hãy nhìn nầy… », nó muốn mẹ nhìn mình, nhìn con người của chúng nó, chứ không phải nhìn cục đất, cục đá trong tay nó. Chỉ cần có mẹ hay người lớn nhìn , trẻ em đã sung sướng và hãnh diện về những thành tích của mình. Những lời reo ca, thán phục như :  « Mẹ thấy con biết nhiều điều », hay là « Mẹ thấy con đang vui thích », và bao nhiêu cách làm tương tự khác tạo điều kiện cho trẻ em phát triển bản thân mình, và lưu tâm đến kẻ khác. Những cách làm ấy giúp trẻ em nhận biết những khả năng hiện hữu của mình. Đồng thời, khi biết nhìn nhận như vậy, người lớn khuyến khích trẻ em khám phá, tìm tòi nhiều hơn nữa. Đó là những thể thức chứng minh cho trẻ em : chúng ta đang tin tưởng vào chúng nó.

 

Ngoài ra, phải chăng chính người lớn chúng ta cũng cần được nhìn nhận như vậy ? Làm việc chuyên cần là một chuyện. Được kẻ khác nhìn nhận là mình có khả năng, lại là một chuyện khác. Rất ít người biết coi trọng nhu cầu được nhìn nhận nầy. Hẳn thực, một nỗi khổ tâm được kẻ khác nhìn nhận, sẽ giảm bớt cường độ. Một nỗ lực được nhìn nhận, sẽ trở nên nhẹ nhàng.

 

Tuy nhiên, ở đây, điều chúng tôi muốn nhấn mạnh, một cách đặc biệt, đó là tầm quan trọng của LỐI NHÌN NÂNG ĐỠ. Lời nói PHẢN ẢNH những thành tựu của trẻ em có giá trị hơn chính hành động của chúng ta, nhất là khi chúng ta muốn làm thay, làm thế cho trẻ em. Chính vì lý do nầy, thay vì đưa tay giúp trẻ em leo trèo, chúng ta nên theo dõi chúng nó, với một liếc nhìn đầy tin tưởng và tạo an toàn. Hay là chúng ta chuẩn bị phòng sinh hoạt một cách đàng hoàng, bằng cách sắp sẵn những dụng cụ cần thiết, để trẻ em có thể tự túc, tự lập, trước đôi mắt chứng kiến của chúng ta.

 

Nếu trẻ em biết tự lập và tìm cách khẳng định nét khác biệt của mình, trước đôi mắt chứng kiến của người lớn, điều này có giá trị hơn là khi trẻ em thui thủi làm những điều ấy một mình.

 

Hơn ai hết, Bác sĩ WINNICOTT ( 1975 ) đã lưu ý chúng ta về điểm quan trọng nầy :

 

« Để phát huy một hình ảnh tích cực về mình, trẻ em cần được mẹ nhìn. Đôi mắt mẹ nhìn là tấm gương soi, trong đó trẻ em NHÌN mình và THẤY mình »

 

Tác giả RAISIN ( 1989 ) cũng có một quan điểm tương tự :

 

« Để xây dựng bản thân mình, trẻ em cần có một khuôn mẫu ở đằng trước. Dựa vào đó, trẻ em sẽ « làm như, làm giống, làm y hệt » . Và để khẳng định mình là ai, trẻ em phải biết « mình chỉ là một với »… « mình giống hệt như… ».

 

Liếc nhìn có nhiều lợi ích. Lợi ích thứ nhất là tạo được khoảng cách giữa người nhìn và trẻ em được nhìn.  Lợi ích thứ hai là nhiều trẻ em được nhìn cùng một lúc. Ngoài ra, trong địa hạt giáo dục, khoảng cách là một điều thiết yếu. Chấp nhận giữ khoảng cách là một bài học quan trọng, cần được trẻ em tiếp nhận và thấm nhuần. Chấp nhận giữ khoảng cách là một thành tựu lớn lao, trong tiến trình làm người của chúng nó.

 

Khi người mẹ cho con bú, phải chăng bà cũng đồng thời đưa mắt nhìn đứa anh của nó và nói rằng : Con vẫn luôn luôn hiện hữu trong cõi lòng của mẹ ?

 

 

2.7 Tầm quan trọng của Trò Chơi

 

Trẻ em vừa chơi, vừa học.

 

Nói đúng hơn, theo quan điểm của BOUDART ( 1995 ) :

« Không phải trẻ em chơi để học. Trái lại, chúng nó có khả năng học, vì chúng nó biết chơi ».

 

Hẳn thực, trò chơi có rất nhiều  chức năng, trong đời sống khám phá và học hỏi của trẻ em  :

 

-         Nhờ trò chơi, trẻ em càng ngày càng phát huy những khả năng của mình,

 

-         Qua trò chơi, chúng nó thâu lượm những kiến thức về không gian, với những chiều kích khác nhau,

 

-         Qua trò chơi, chúng nó biết sử dụng các đồ vật có mặt trong môi trường sinh sống hằng ngày,

 

-         Khi chơi, trẻ em cảm nghiệm một cách cụ thể thế nào là thời gian, với nhiều bộ mặt khác nhau.

 

-         Dụng cụ để chơi ( hay là đồ chơi ) càng hiếm hoi và không có sẵn những cách chỉ dẫn, trẻ em càng vận dụng trí tưởng tượng và khả năng phóng ngoại của mình.

 

 

Ngoài ra, trò chơi không phải chỉ là phương tiện để học hành. Trò chơi còn là một sinh hoạt có chức năng đáp ứng những nhu cầu của đời sống tâm linh .

 

-         Hẳn thực, nhờ trò chơi, trẻ em tống xuất ra ngoài những nỗi lo

     sợ , bức xúc của mình.

 

-         Khi chơi, trẻ em bộc lộ và hóa giải những xung đột có mặt trong nội tâm.

 

-         Trò chơi giải tỏa và giảm hạ những áp lực khống chế của đời sống xúc động.

 

-         Cũng nhờ trò chơi, trẻ em tổ chức và trình diễn ra ngoài thành một màn kịch, những tư tưởng ước mơ còn mông lung, hỗn độn, không rõ ràng, trong nội tâm. Theo cách gọi chuyên môn của Phân Tâm Học, đó là những « mơ tưởng ».

 

Theo cách định nghĩa của WINNICOTT ( 1971 ), một bác sĩ chuyên trách về trẻ em :

 

« Khi chơi, trẻ em tập hợp nhiều hiện tượng có mặt trong môi trường khách quan bên ngoài và từ đó sáng chế ra những vật tư xây dựng đời sống nội tâm.

 

Trò chơi là nhịp cầu thỏa hiệp giữa hai thành tố : Thứ nhất là những đòi hỏi khắt khe của cấu trúc Siêu Ngã. Thứ hai là những sức ép mãnh liệt của Vô Thức ( còn được gọi là Xung Năng ) đang gào thét tìm đường thoát ra ngoài, để đuợc thỏa mãn.

 

Khi chơi, trẻ em sử dụng hai cơ chế tâm lý là Phóng Ngoại và Nhập Nội, để kiến dựng những Đối Tượng nội tâm ».

 

Mỗi lần đề cập đến đời sống tâm linh của trẻ em, dù muốn dù không, chúng tôi đã sử dụng rất nhiều thuật ngữ của Tâm Lý đương đại, nhất là của khoa Phân Tâm Học. Để người học viên không bị lạc loài trong vòng mê cung của ngôn ngữ, chúng tôi xin đưa ra một số định nghĩa quan trọng :

 

 

1.- ĐỐI TƯỢNG

 

Mỗi lần trẻ em có một ước muốn, thèm khát hay nhu cầu, Phân tâm học phân biệt hai thành tố có quan hệ chặt chẽ với nhau. Thành tố thứ nhất đáp ứng câu hỏi : AI thèm khát ? AI ước muốn ? Đó là con người của trẻ em, đang ở vị thế chủ thể năng động. Thành tố thứ hai : Thèm khát GÌ ? Ước muốn GÌ ? Đó là ĐỐI TƯỢNG, được chủ thể nhắm tới, để thỏa mãn khát vọng hoặc nhu cầu của mình. Đối tượng thông thường của một chủ thể là NGƯỜI KHÁC ( không phải là mình, ở ngoài mình ).

 

Có hai loại đối tượng. Thứ nhất là đối tượng toàn diện, toàn phần. Đó là chính con người của người khác. Thứ hai là đối tượng phiến diện. Đó là một phần, một cơ phận của người khác, như : nấm vú, khuôn mặt, làn da, liếc nhìn hay là bộ phận sinh dục…

 

Phân tâm học còn dùng những lối nói khác : Đối tượng của Xung năng, Đối tượng đồng hóa ( khuôn mẫu mà chúng ta muốn sao chép, khuôn đúc lại trên bản thân mình ).

 

Ví dụ :  « đối tượng đầu tư » đầu tiên của đứa bé là người mẹ.

 

2.-PHÓNG NGOẠI

 

Trẻ em hoặc chủ thể sử dụng động tác hay là cơ chế tâm lý nầy, để chuyển ra bên ngoài, những nội dung có mặt bên trong nội tâm của mình, như  những tư tưởng, những xúc động hay là những quan niệm, lối nhìn…

 

Khi thực thi động tác phóng ngoại, chủ thể có cảm tưởng rằng : bao nhiêu nội dung ấy có mặt một cách khách quan, trong thế giới hiện thực bên ngoài.

 

Nói khác đi, một cách vô thức, chủ thể gán cho kẻ khác, những gì thuộc về bản thân của mình. Chủ thể đem phóng ra ngoài những gì có mặt trong nôïi tâm. Trong những nội dung được phóng ngoại như vậy, có những điều tốt, có khả năng thỏa mãn nhu cầu của chủ thể. Cũng có những điều xấu, mang lại cho chủ thể những tình huống khó chịu, căng thẳng, bất mãn, bức xúc.

 

Ví dụ : trẻ em phóng ngoại « hình ảnh con chó sói », có lẽ vì trong thực tại nội tâm, chúng nó đang có những « thèm khát cắn xé, nhai nghiến » hay là những « nhu cầu nuốt vào », lấp cho đầy một khoảng trống rỗng bên trong.

 

3.-NHẬP NỘI

 

Với cơ chế Nhập Nội, chủ thể chuyển vào bên trong hay là biến hóa thành mộng tưởng những đối tượng bên ngoài hay là những đặc tính có mặt trong các đối tượng ấy. Nói khác đi, trẻ em sở hữu hóa hay là nhận làm của mình những tư cách hay là những nét cá biệt tốt hoặc xấu của một người khác.

 

Ví dụ : Chính khi trẻ em bú sữa từ nấm vú của mẹ, chúng nó có cảm tưởng mình đang có tất cả tính chất của nấm vú, nghĩa là có khả năng làm giảm hạ tình trạng căng thẳng, do cơn đói gây ra.

 

4.-ĐỒNG HÓA

 

Với cơ chế nầy, chủ thể tham gia một cách tích cực và năng động vào công cuộc xây dựng bản sắc làm người của mình. Một đàng, chủ thể khẳng định lại là của mình, một số tư cách có sẵn trong bản thân mình, hay là có mặt trong môi trường bên ngoài. Đàng khác, chủ thể loại trừ, không nhận làm của mình, một số đặc điểm mà mình cảm thấy không thích hợp với nhu cầu của mình.

 

Ví dụ : Khi trẻ em giả bộ làm chú công an điều khiển trật tự an ninh, chúng nó đang đồng hóa với hai đặc điểm : một, tôi điều khiển và kiểm soát trật tự bên ngoài. Hai, mọi người tuân hành mệnh lệnh và uy quyền của tôi.

 

Khi chơi những trò chơi như vậy, trẻ em có cảm tưởng mình đang xác định những tư cách sau đây :

 

-         tôi là đứa con trai có sức mạnh,

 

-         tôi biết phân biệt cái gì có thể làm, cái gì không được làm,

 

-         tôi biết hậu quả nào sẽ xảy ra, khi có những vi phạm luật lệ.

 

Để có thể thực thi động tác Đồng Hóa như vậy, trẻ em cần vận dụng nhiều cơ chế tâm lý, trong cùng một lúc : nhập nội, phóng ngoại những đối tượng xấu và tốt, hội nhập, chọn lựa, bắt chước…

 

Nói tóm lại, Đồng Hóa có hai mục đích : thứ nhất là trở nên giống như một mẫu khuôn. Thứ hai, để có thể rập khuôn như vậy, phải thay đổi chính mình.

 

 

5.- HÌNH TƯỢNG ( hay BIỂU TƯỢNG )

 

Khi vận dụng khả năng hình tượng, chúng ta dựa vào một phương tiện có mặt và có sẵn trong tầm tay của chúng ta, để trình bày,  gợi ra, làm xuất hiện một người hay là một sự vật đang vắng mặt. Phương tiện được một cá nhân chọn lựa, có thể mang sắc thái riêng biệt của cá nhân ấy. Tuy nhiên, nhiều trẻ em khác cũng có thể tham gia và chia sẻ ý nghĩa, nếu phương tiện sử dụng đã được qui định và lưu hành trong môi trường sinh sống.

 

Ví dụ : Trong khi chơi, trẻ em  chọn lựa những nhân vật, tình huống và sự vật, để trình bày một sự cố đã xảy ra thực sự như : một đám tang, một tiệc cưới, một lễ giỗ. Những trẻ em khác có thể tham dự vào trò chơi, nếu chúng nó đạt khả năng hiểu biết phải làm những gì.

 

6.- Tưởng Tượng ( hay là Hình Dung )

 

Tưởng tượng là sản phẩm của tư duy, cá nhân hay tập thể. Thực tại, trái lại, là những gì có tính khách quan, có mặt ở bên ngoài và có thể đuợc nhiều người quan sát và ghi nhận.

 

Ngoài ra, chủ thể có thể hình dung, tưởng tượng, tạo ra một hình ảnh về thực tại.

 

Kết quả của tưởng tượng có thể được trình bày ra ngoài cho kẻ khác, bằng con đường ngôn ngữ hay là những phương tiện khác như hội họa, diễn kịch…Hay là những kết quả ấy được chủ thể giữ kín cho riêng mình.

 

Ví dụ : trẻ em vẽ chiếc xe ô-tô của ba, có những dây ăng ten rất dài và những bánh xe rất nhỏ. Hình vẽ ấy không phản ảnh một cách trung thực, thực tại khách quan bên ngoài. Đó là cách ghi nhận hoàn toàn chủ quan và cá biệt, phát xuất từ trí tưởng tượng của trẻ em.

 

Trái lại, khi trẻ em hình dung những quang cảnh bị quỉ ma tấn công, dọa giẫm và nuốt sống, chúng nó vận dụng những ảnh tượng tập thể, đang lưu hành trong môi trường sinh sống hằng ngày.

 

 

 

7.- Mơ tưởng ( mộng mơ và tư tuởng )

 

Mơ tưởng là những tư tưởng cụ thể, còn ở thể trạng hình ảnh. Mơ tưởng có những đặc tính sau đây :

 

-         Có thể thuộc địa hạt vô thức hay ý thức ( như trong trường hợp mộng mơ ban ngày, khi chúng ta biết mình đang thả mình trôi theo những mộng mơ ).

-         Nội dung bao gồm một hay nhiều nhân vật,

-         Có chức năng trình diễn, ngoại hiện một ước mơ của chủ thể, dưới hình thức ngụy trang, vừa úp vừa mở.

 

Chúng ta sẽ trở lại khảo sát chủ đề nầy, với nhiều chi tiết hơn, trong chương kế tiếp.

 

8.-Xung Năng ( hay là Sức Ép phát xuất từ những tầng sâu của nội tâm )

 

Xung Năng là kho tàng năng lực cơ bản, tác động ở chiều sâu nội tâm của chủ thể.

 

Xung năng cung ứng cho chủ thể những sức mạnh cần thiết, khi phải hoạt động.

 

Nói cách khác, đây là những sức ép tạo áp lực, thúc đẩy chủ thể phải hoạt động, khi cần giải tỏa một tình trạng căng thẳng, bức xúc khó chịu, hay là khi cần tấn công, hủy diệt một đối tượng.  ( Đó là cách giải tỏa xung năng, theo quan điểm của Tâm Vận Động Aucouturier ).

 

Đàng khác, về mặt tích cực và xây dựng, Xung Năng cũng là nguồn lực phát sinh những sức sống vươn lên, được thể hiện trong ước muốn hoạt động, học tập và phát triển.

 

9.- Siêu Ngã

 

Đây là cấu trúc hay là giai đoạn « Phán Quyết », thuộc đời sống nội tâm của con người.

 

Cấu trúc nầy gây ức chế hay là cản trở chủ thể hoạt động.

 

Cấu trúc nầy tạo nên những mặc cảm tội lỗi và phát sinh những tâm tình tiếc nuối, hối hận.

 

Về mặt tích cực, cấu trúc nầy từ bên trong, cung ứng cho chủ thể những chuẩn mực hành động. Dựa vào đó, chủ thể biết phân biệt điều nào cần làm, điều nào phải xa lánh.

 

Ví dụ : khi trẻ em nhắc nhở cho một người khác về một qui luật, chính khi ấy, chúng nó đang tìm cách hội nhập, nhận làm của riêng mình những qui luật,  mà chúng nó đang học tập và tuân hành.

 

 

                                                     ***

 

Trong những buổi sinh hoạt Tâm Vận Động, chúng tôi soạn sẵn ra ngoài nhiều dụng cụ, để trẻ em có thể dựa vào đó, sáng tạo những trò chơi, được gọi là trò chơi Đồng Hóa. Qua những câu chuyện tưởng tượng, trẻ em diễn tả và trình bày những xúc động quan trọng. Chúng tôi, người lớn, có mặt với  trẻ em, để đón nhận, hướng dẫn và khai thông, nếu cần, mọi sản phẩm mơ tưởng, do trẻ em sáng tạo và trình bày.

 

Những sản phẩm tưởng tượng nầy cũng đóng góp vào công việc kiến dựng bản sắc của trẻ em, giống như những trò chơi vận động. Cả hai loại đều tác động trên nhau và tạo ảnh hưởng thuận lợi cho nhau. Hẳn thực, trẻ em càng vui thích, sung sướng, trong những loại trò chơi cảm xúc và vận động, được lặp đi lặp lại, hay là chia sẻ với người khác, chúng nó càng vận dụng tưởng tượng, sáng tạo nhiều câu chuyện có nhiều nhân vật và loài vật xuất hiện. Nhờ vào những hình ảnh nầy, có tác dụng kích thích và động viên, trẻ em sẽ nâng cao chất lượng và mức độ vận động, trong các trò chơi của mình.

 

Nói tóm lại, nhờ những trò chơi, thuộc cả hai loại : vận động và tưởng tượng, trẻ em cảm thấy vui thích, hứng thú, trong toàn diện cơ thể của mình. Trò chơi trở thành một phương tiện xã hội hóa. Xuyên qua trò chơi, trẻ em tiếp xúc và trao đổi. Xuyên qua trò chơi, trẻ em phát huy khả năng thương lượng với bạn bè…

 

Tất cả những thành quả như  khám phá mình, khám phá người khác, khám phá thời gian, không gian và các sự vật… đều thâu lượm được, nhờ trò chơi. Những thành quả nầy sẽ giúp trẻ em càng ngày càng phát huy một hình ảnh tích cực về mình. Đó cũng là những cơ may, để trẻ em từ từ phát huy đời sống tự lập, khả năng tiếp xúc và sáng tạo.

 

Trên cơ sở nầy, trẻ em  có khả năng mở rộng môi trường sinh hoạt, đi ra với thế giới bên ngoài, sẵn sàng đón nhận và tiếp thu những hình thức học tập khác, thuộc lãnh vực học đường và xã hội.

 

 

2.8 Những loại lo hãi của trẻ em

 

Trên đây, khi nói đến những sản phẩm tưởng tượng của trẻ em, chúng ta đã nêu ra hai loại nội dung : Xúc động và Mơ tưởng. Đồng thời chúng ta cũng liệt kê một số tác dụng tích cực, năng động của các sản phẩm ấy, trên đời sống tâm linh của trẻ em, nhất là trong giai đoạn phát triển từ 0 đến 7 tuổi.

 

Chương này trình bày thêm nhiều chi tiết về đời sống xúc động và những mơ tưởng ấy.

 

Trước khi sinh ra, lúc trẻ em còn là bào thai trong lòng mẹ

 

Khi mẹ có những cử động vận chuyển trong không gian bên ngoài, đứa bé trong bào thai cũng có những cảm giác vận động. Mỗi lần mẹ phát âm, đứa bé cũng có những phản ứng thuộc địa hạt thính giác. Với hai loại giác quan nầy, đứa bé đã tiếp xúc, trao đổi với mẹ mình và thế giới bên ngoài.

 

Và khi bào thai có những cử động, bà mẹ cũng cảm nhận, phản ứng, đưa ra những ý nghĩa, theo cách thuyên giải của mình. Ngoài ra bà mẹ còn mơ tưởng, hình dung, tuởng tượng về đứa con. Ngày ngày trong tâm tưởng, quả tim và cuộc sống, bà đã bố trí, trang bị một không gian, để sẵn sàng đón nhận đứa con.

 

Thay vì ước muốn, chờ đợi một cách tích cực, bà cũng có thể có thái độ tiêu cực, như từ chối, bất mãn, chịu đựng…

 

Trước khi sinh ra, đứa bé đã có mặt trong tâm tưởng của người thân. Suốt thời gian chín tháng, môi trường gia đình đã có những ảnh hưởng trên thân xác của đứa bé, không những trên bình diện sinh lý và thể lý, mà còn trong lãnh vực tình cảm và xúc động.

 

Tác giả C. DOLTO  ( 1989 ) đã đưa ra một số chi tiết cụ thể như sau :

« Từ những ngày đầu tiên, trong cung dạ của mẹ, đứa bé đã nghe với làn da của mình, nhất là những âm thanh thuộc giọng trầm. Cơ quan thính giác chỉ bắt đầu hoạt động thực sự, vào tam cá nguyệt cuối cùng.

 

Vào tháng thứ ba, nếu có người phát âm rõ ràng, sử dụng những cung điệu hiền hòa, dịu dàng, trình bày một nội dung hợp tình hợp lý, và đang đứng sát bụng của người mẹ mang thai, đứa bé sẽ có cử động « xích lại gần » tiếng nói. Vào những buổi đầu của cuộc sống, con người rất nhạy cảm đối với âm thanh rung chuyển, cho nên sẵn sàng tiếp thu những ký hiệu phát ra thuộc loại nầy ».

 

Nhờ những tiến bộ khoa học, các nhà nghiên cứu về khả năng của đứa bé, đã thâu đạt nhiều thành quả lạ lùng. Cách đây một vài năm về trước, những tin tức ấy còn thuộc địa hạt vô tưởng, vượt ra ngoài những dự phóng của con người.

 

Sự cố SINH RA

 

Đây là một sự cố rất quan trọng, trong đời sống của đứa bé. Ra khỏi lòng mẹ có nghĩa là đi vào một cõi trống không và vô định. Theo lối nói của tác giả AUCOUTURIER, trẻ em có một cảm giác thiếu thốn, hụt hững, vì từ giây phút nầy, không còn có bọc nước bao quanh thân xác.

 

Mặc dù điều kiện sinh nở ngày nay đã được cải tiến, những thay đổi xảy ra một cách đột xuất đột biến, cho đứa bé, là điều không thể nào tránh khỏi. Khi sinh ra, đứa bé đã mất đi một tình trạng thoải mái, dễ chịu. Và từ đây, trong suốt cuộc đời, đứa bé không ngừng khát khao đi tìm lại thiên đường đã mất. Một cõi « niết bàn ». Một tình trạng hạnh phúc toàn mãn. Hay là tìm đường trở về một quá khứ xa xưa… Cuộc đi tìm ấy cũng là động cơ thúc đẩy đứa bé không ngừng tiến bộ và phát triển.

 

Ở vào giai đoạn bắt đầu cuộc đời, trẻ em vừa có những cảm giác vui thích, hứng khởi, vừa có những kinh nghiệm khó chịu, bực bội. Cả hai tình trạng luôn luôn hòa trộn vào nhau.

 

Những cảm xúc đau khổ, khó chịu đều được ghi nhận, lắng chìm trong ký ức của thân thể. Những vết tích hoài niệm nầy tạo nên những vùng mong manh, dễ thương tổn, trong nhiều cơ phận khác nhau của cơ thể. Tác giả MONTAGU đã đề cập vấn đề nầy, trong tác phẩm : « Làn da và xúc giác ».

 

Từ ngày sinh ra

 

Tuy dù đứa bé đã tách rời khỏi mẹ, cuống rốn đã được cắt lìa, nó vẫn còn tiếp tục cuộc sống « đồng nhất » với mẹ.

 

-         Nó chưa phân biệt bên ngoài và bên trong,

 

-         Mỗi lần bám sát vào mẹ, nó chưa biết phân biệt đến đâu là làn da của mình, từ đâu là làn da của mẹ,

 

-         Khi ngậm vú sữa của mẹ, cũng như khi nhìn mẹ và được mẹ nhìn, đứa bé đang tiếp tục nối dài cuộc sống của bào thai. Hai mẹ và con vẫn còn là một.

 

-         Từ từ với thời gian, đứa bé sẽ học tập, khám phá sự khác biệt giữa cơ thể của mẹ và cơ thể của mình.

 

 

Theo cách trình bày của tác giả AUCOUTURIER (1990 ) :

 

« Với thời gian, đứa bé sẽ nhận ra sự khác biệt giữa mình và khuôn mặt của mẹ, là người đang bảo đảm  và duy trì sự sống còn cho mình.

 

-         Khi mẹ có mặt, đứa bé có những cảm xúc vui thích, sung suớng.

 

-         Khi mẹ vắng mặt, nó cảm thấy lo ngại, phân vân, mặc dù, trong cùng một lúc ấy, nó muốn đẩy mẹ đi ra xa, để tự tạo cho mình « cảm giác có mọi quyền năng ».

 

-         Vui thích và ước muốn có phần vụ tích cực và năng động, là thúc đẩy đứa bé đi ra, tiếp xúc với thế giới bên ngoài, chấp nhận tình huống xa cách và mất mát.

 

-         Nhưng đồng thời, những mất mát ấy cho phép đứa bé tìm ra những lối bù đắp, về mặt hình tượng. Đó là những vui thích do trò chơi và ngôn ngữ mang lại, trong giai đoạn này. Trong những giai đoạn kế tiếp, những kiến thức và hiểu biết về môi trường, cũng như những sinh hoạt học tập và suy luận sẽ cung cấp cho trẻ em những loại vui thích tương tự ».

 

Một cách vắn gọn, chúng ta hãy ghi nhận những trọng điểm sau đây :

 

-         Tình huống xa mẹ phát sinh nơi đứa bé những tâm tình và cảm xúc lo hãi trầm trọng,

 

-         Để khắc phục và vượt qua  những cơn lo hãi nầy, trẻ em sẽ tìm ra những trò chơi « đền bù », còn mang tên là trò chơi « tìm lại niềm tin và an toàn cơ bản »,

 

-         Nếu trò chơi tạo được hứng thú và vui thích, trẻ em sẽ có khả năng vượt qua những tâm tình và xúc động lo hãi của mình,

 

-         Đồng thời, những mơ tưởng có liên hệ với tình huống lo hãi cũng sẽ giảm bớt. Như chúng ta sẽ thấy, đó là những mơ tưởng xoay quanh chủ đề về xác thân, trong những giai đoạn phát triển đầu tiên.

 

Vì lý do sư phạm, trong chương nầy, chúng tôi chỉ khảo sát những loại lo hãi của trẻ em.

 

Trong chương sau, chúng tôi sẽ trình bày những loại trò chơi, mà trẻ em sử dụng, để vượt qua và khắc phục những tình huống lo hãi ấy.

 

                                                 ***

 

 

Những loại lo hãi

 

Những loại lo hãi được khảo sát trong chương nầy là những hiện tượng bình thường, có liên hệ đến tiến trình phân biệt giữa bản thân mình và người khác. Những tình huống lo hãi nầy xuất hiện trong khoảng lứa tuổi từ 0 đến 8 tháng. Với thời gian, những cơn lo hãi nầy sẽ được khắc phục và vượt qua, khi trẻ em kiến dựng được một hình ảnh nhất thống về cơ thể của mình, xuyên qua những kinh nghiệm và khám phá được diễn ra hằng ngày.

 

Tự Điển Tâm Lý ( 1992) đã cung ứng cho chúng ta một định nghĩa về lo hãi như sau :

 

« Lo Hãi, trong tinh thần và ý hướng của Phân Tâm Học, là một cảm xúc vui thích hoặc khó chịu, có nhiều cường độ khác nhau, xuất hiện một cách vô thức, khi chủ thể phải chờ đợi một sự cố, mà không biết phải gọi sự cố ấy như thế nào ».

 

Trong Tiến Trình Phát Triển, ở vào cấp độ Một, từ 0 đến 8 tháng, có những cơn lo hãi hỗn hợp sau đây :

 

-         Lo hãi « tan biến thành nước » : cảm thức biến mất trong người khác, cảm thức bốc thành hơi, từ phía trên hay là từ phía dưới, xuyên qua những lỗ thoát như lỗ miệng, hậu môn hay là cơ quan tiểu tiện, sợ khoảng trống, sợ bài tiết bằng đường đại và tiểu tiện, sợ vào phòng vệ sinh, sợ đánh mất những đồ vật của mình, sợ những khoảng trống ở giữa hai đồ vật, sợ tách rời các từ và các chữ ra khỏi nhau, sợ những cánh cửa mở.

 

-         Lo hãi « bị lột da » : cảm thức đánh mất làn da, khi thay áo quần, tắm rửa, bị kẻ khác va chạm. Sau nầy, những cảm thức bị lột da sẽ biến thành lo sợ, khi trẻ em nhìn thấy những vết thuơng.

 

-         Lo hãi « bị té rơi » : Cảm thức đánh mất mình, khi rơi xuống, sợ đi lên nơi cao, sợ mất quân bình, sợ bị cất hay nâng lên.

 

-         Lo hãi « đánh mất một nửa phần thân thể » : Cảm thức về các phần thân thể không dính liền vào nhau. Cảm thức nầy càng trở nên trầm trọng, khi trẻ em gặp nhiều vấn đề, trong những lãnh vực bồng bế, cư xử, liên tục, trương lực cơ, xúc động và sức khỏe thể lý.

 

Tất cả những loại lo hãi trên đây xuất hiện, khi trẻ em  gặp nhiều khó khăn trở ngại, trong tiến trình khám phá sự TÁCH RỜI RA KHỎI NHAU, giữa cơ thể của mình và cơ thể của người khác.

 

                                                 ***

 

 

Những loại lo hãi thuộc Cấp Độ Hai, từ 8 tháng đến 2 tuổi rưởi ( 30 tháng ):

 

Trong giai đoạn nầy, trẻ em vẫn tiếp tục học hỏi và khám phá về sự khác biệt giữa cơ thể của mình và cơ thể của người khác.

 

Nhưng từ đây, một cách đặc biệt,  lo hãi xuất hiện, mỗi lần có sự xa cách, từ biệt giữa trẻ em và người thân. Tuy nhiên, khi ra đi cũng như khi trở về, trẻ em sẽ dần dần khám phá được rằng : vui thích và lo sợ trộn lẫn vào nhau, như hình và bóng.

 

Lo hãi trong giai đoạn nầy là sợ đánh mất người thân : Tôi xa lìa mẹ, nhưng nguy cơ có thể xảy ra là mẹ đi mất tiệt và không còn trở về với tôi.

 

Ngoài ra, vào lứa tuổi nầy, trẻ em  bắt đầu học tập về qui luật. Do đó, những tình huống xung đột với người lớn sẽ xảy ra. Nhờ có những cơ hội va chạm như vậy, trẻ em mới có khả năng khẳng định ý thích của mình.  Nhưng cũng vì những vụ va chạm ấy, trẻ em sẽ cảm nghiệm những loại lo hãi mới : sợ bị người lớn bỏ rơi mình, nếu mình đi ngược lại với ý định của họ.

 

Tất cả những loại lo hãi nầy được trẻ em diễn tả và trình bày ra ngoài, dưới hình thức những mơ tưởng. Dựa vào đó, chúng nó mới có thể tìm ra những phương thức khắc phục và vượt qua. Không đi qua con đường mơ tưởng, chúng nó sẽ bị ngụp lặn, tràn ngập, bất động, như chúng ta thường chứng kiến, với những trẻ em thuộc diện tâm thần và tự bế.

 

 

 

Những loại mơ tưởng

 

Sau đây là những loại mơ tưởng thường xuất hiện, nơi những trẻ em được gọi là «  bình thường » :

 

-         Hòa nhập hay là Dính chặt vào : không tách rời ra khỏi người khác, bám sát vào kẻ khác, làm một với người khác.

 

-         Nuốt vào : ăn vào, cho vào bụng, đem vào làm thân xác của mình.

 

-         Toàn năng :  có mọi quyền năng trên kẻ khác và các sự vật có mặt trong thế giới.

 

-         Tiêu hủy : có khả năng phá hủy, tiêu trừ kẻ khác.

 

-         Hành hạ : làm cho kẻ khác khổ đau, mất mát, thiệt thòi.

 

-         Bắt bớ : đeo đuổi, lùng bắt kẻ khác.

 

-         Làm tan biến : làm cho kẻ khác phải biến mất đi.

 

Tất cả những mơ tưởng nầy đều có tính lưỡng cực, lưỡng năng, vừa chủ động vừa bị động. Chẳng hạn, nếu tôi muốn nuốt kẻ khác, thì kẻ khác cũng có thể nuốt tôi. Nói cách khác, khi tôi có những mơ tưởng trên đây, thì đồng thời tôi cũng có những cảm xúc lo hãi  liên hệ :

 

-         Lo hãi bị kẻ khác nuốt mất,

 

-         Lo hãi vì kẻ khác có mọi quyền năng trên tôi,

 

-         Lo hãi bi hủy hoại,

 

-         Lo hãi bị bắt bớ,

 

-         Lo hãi bị tan biến.

 

Nhờ di chuyển qua lại thường xuyên giữa hai đối cực chủ động và bị động, như chúng ta vừa trình bày, trẻ em sẽ từ từ quen thuộc và có khả năng vượt qua những mơ tưởng trên đây. Đồng thời, những cảm xúc lo sợ cũng dần dần suy giảm cường độ.

 

Chính vì đó, trong những buổi sinh hoạt Tâm Vận Động, người giáo viên hay chuyên viên nên lưu tâm quan sát : Trẻ em nào có khả năng di động một cách tự nhiên và dễ dàng từ cực nầy qua cực khác ?  Trẻ em nào, trái lại, chỉ lặp tới lặp lui, nhai đi nhai lại một chủ đề duy nhất, trong các trò chơi tưởng tượng và vận động của mình ?

 

 

 

Cấp độ Ba : chung quanh 3 tuổi.

 

Trong giai đoạn nầy, trẻ em học tập « xây dựng và khẳng định phái tính của mình ».

 

Cho nên, chủ đề xuất hiện trong mơ tưởng và cảm xúc lo hãi là : thân thể bị thiếu hụt, bị đánh mất hay bị thiến hoạn.

 

Cấp độ Bốn : Chung quanh 4-5 tuổi

 

Trong giai đoạn nầy, những đặc điểm sau đây cần được ghi nhận :

 

-         Khả năng vận động càng ngày càng được củng cố và mở rộng,

 

-         Khả năng xã hội hóa càng ngày càng phát triển, nhất là trong các trò chơi vận động,

 

-         Khả năng tuân hành những qui luật, cũng tiến bộ rõ rệt. Một cách đặc biệt, trẻ em muốn « sống rập khuôn », muốn « được chấp nhận » trong các nhóm sinh hoạt giữa bạn bè cùng lứa tuổi.

 

Đó là những dấu hiệu khách quan cho chúng ta thấy : trẻ em đang thành công, trong chiều hướng khắc phục những tình huống lo hãi của mình. Chúng nó đang tìm lại được mức độ an toàn nội tâm  cần thiết, để có thể đầu tư tất cả năng lực của mình, vào công việc hiểu biết và suy luận, trong cấp độ tiếp theo.

 

Cấp độ Năm : Chung quanh 6-7 tuổi

 

Trong giai đoạn phát triển nầy, trẻ em sẽ có những bước tiến bộ, trong lãnh vực kiến thức và hiểu biết. Nhiều khả năng mới sẽ từ từ xuất hiện :

 

-         khả năng hình dung,

 

-         khả năng sinh hoạt tập thể : biết chờ đợi đến phiên mình,

 

-         khả năng suy luận,

 

-         khả năng vận động tinh.

 

Về mặt xúc động, trẻ em đang bước vào một giai đoạn ổn định. Với cơ chế tâm lý « Thăng Hóa » ( hay là thăng hoa, trong cách dùng của một số người ), trẻ em  dùng lại những mơ tưởng cũ, trong một ý hướng hoàn toàn đổi mới và năng động.

 

-         Thay vì «  nuốt kẻ khác », trẻ em tìm cách « tiếp thu những kiến thức », có mặt trong các môn học và sách vở,

 

-         Thay vì « hủy hoại, hành hạ kẻ khác », trẻ em «  muốn thành công, thắng lợi » trong những trận đấu thể thao,

 

-         Thay vì đeo đuổi « ý chí toàn năng », trẻ em « khát khao học hỏi, nghiên cứu, tìm hiểu » những định luật của vũ trụ, được giảng dạy trong các lớp học.

 

Trong giai đoạn nầy, trò chơi vẫn chiếm địa vị quan trọng :

 

-         Với trò chơi, trẻ em tiếp tục xây dựng những nền tảng vững chắc, để cuối cùng tạo được một hình ảnh  nhất thống về cơ thể của mình,

 

-         Với trò chơi, trẻ em tiếp tục khắc phục và vượt qua những tình huống lo hãi còn tồn đọng.

 

Cũng trong giai đoạn nầy, trẻ em từ từ chuyển hóa những sinh họat mơ tưởng, thành khả năng diễn tả bằng hình tượng, trong những sinh hoạt có liên hệ đến vận động, xúc động và tưởng tượng.

 

                                                 ***

 

Để kết luận chương nầy, chúng ta cần ghi nhận những điểm quan trọng sau đây :

 

1.-Những mơ tưởng có mặt trong những ngày tháng đầu tiên của trẻ em, không bao giờ biến mất. Chúng nó được chuyển hóa thành hình tượng, có mặt trong hầu hết mọi địa hạt sinh hoạt của con người…

 

2.- Mỗi loại lo hãi phát sinh những mơ tưởng đặc thù.  Mỗi mơ tưởng xuất hiện trong một trò chơi cụ thể.

 

Càng tạo được vui thích cho trẻ em và phát huy những quan hệ hài hòa, trò chơi càng có hiệu năng chuyển đổi những tình huống lo hãi của trẻ em.

 

Khi lặp đi lặp lại một trò chơi nhiều lần, trẻ em sẽ từ từ có khả năng diễn tả và hóa giải những xúc động của mình.

 

 

2.9 Những Sản Phẩm Tâm Vận Động và các ý nghĩa

 

Đứa bé sơ sinh thường có những cử chỉ vùng vẫy, múa động, đu đưa, ném liệng đồ vật, vổ tay hay là đưa tay sờ mó các phần thân thể của mình.

 

Những hành vi tự phát nầy có chức năng thoa dịu, vổ về, giúp trẻ em trở về tình trạng yên ổn, thoải mái và an toàn, vượt qua những tình huống lo hãi thuộc giai đoạn đầu đời.

 

Đó là những « trò chơi giải trí », hay là nhữõng sinh hoạt « thể thao » của chúng nó. Trong các buổi sinh hoạt Tâm vận động trị liệu hay là can thiệp, chúng ta cần vận dụng những loại trò chơi nầy.

 

Những loại trò chơi thuộc Cấp MỘT :

 

Ở vào lứa tuổi từ 0 đến 10 tháng, có ba loại « đồ chơi » có khả năng tạo vui thích cho trẻ em : Thứ nhất là chính thân thể của trẻ em, thứ hai là thân thể của người khác, thứ ba là những sự vật có mặt trong tầm tay của chúng nó, chung quanh nóù.

 

Nhờ những vui thích, do các trò chơi nầy cung ứng, trẻ em từ từ khám phá được rằng : chúng nó có một thân thể, TÁCH RỜI khỏi thân thể của người khác.

 

Sau đây là những loại trò chơi có thể được quan sát, ghi nhận hay là sử dụng trong giai đoạn đầu tiên nầy :

 

n      Những trò chơi giác quan và vận động : lăn tròn, tuột xuống, đu đưa và được đu đưa, giữ thăng bằng, nhảy xuống trên một tấm nệm, vùi thân , ẩn trốn…

n      Trò chơi sử dụng chân tay : cầm lấy-thả rơi, cho-nhận, liệng xa-tìm lại, lấp đầy-đổ ra, gom lại-tung ra, ngậm vào-nhả ra…

n      Trò chơi phát âm : la lớn lên, làm những tiếng kêu…

n      Trò chơi trao đổi giữa hai cơ thể : siết chặt, vuốt ve, vổ nhẹ, đẩy ra, đưa ngón tay kéo một đường dài…

n      Trò chơi bao bọc che phủ : che lại, mở ra, xoa bóp…

 

Có ba loại chủ đề thường lui tới trong các loại trò chơi thuộc Cấp Một nầy : Lo sợ Biến Mất, Lo sợ Khoảng Không và Lo sợ Bị Lột Da.

 

Những loại trò chơi thuộc Cấp Hai :

 

Cấp Hai bắt đầu, từ khi trẻ em biết đi, chung quanh 10-12 tháng.

 

Những chủ đề thường trở lui trở tới trong các loại trò chơi thuộc Cấp Hai gồm có : Tách rời, Tự lập, Qui luật, Tấn công, Ý thích khẳng định mình, Ý thích có quyền năng,  Ý thích giữ lại và Lo sợ đánh mất.

 

Sau đây là những loại trò chơi thuộc Cấp Hai nầy :

 

-         Chạy, nhảy, rơi xuống,

 

-         Làm rơi xuống, xây lên, phá tan, chém giết và bị giết ( mơ tưởng hủy diệt ),

 

-         Biến mất, hiện ra ( mơ tưởng biến mất ),

 

-         Đồng hóa với những con vật tấn công như : chó sói, cá sấu, cọp… đuổi bắt, bị đuổi bắt. Vừa đồng hóa với con vật tấn công, vừa kèm theo những âm thanh và cử điệu, khi trẻ bắt đầu dùng ngôn ngữ, chung quanh 2-3 tuổi. Vừa đồng hóa, vừa gọi tên con vật, một cách rõ ràng, khi trẻ em lên 4-5 tuổi (mơ tưởng nuốt vào ).

 

-         Làm người mạnh và người yếu, thắng và thua, tấn công và bị tấn công, làm người ở trên, làm người chỉ huy ( mơ tưởng toàn năng ). Đồng hóa với những loại người tấn công như người đi săn, người dơi, người nhện, tướng cướp, chú công an. Ở đây cũng vậy, lúc khởi đầu trẻ em chỉ dùng bộ điệu, để gợi lên hình tượng đồng hóa. Dần dần trẻ em gọi tên một cách rõ ràng. Từ ngoài nhìn vào, người khác có thể nhận ra trẻ em đang đồng hóa với loại người nào, trong trò chơi của mình ( mơ tưởng bắt bớ, hành hạ, cơ thể không nguyên vẹn ).

 

 

Những loại trò chơi thuộc Cấp Ba

 

Từ 4 đến 6 tuổi, trẻ em thường bộc lộ những « mơ tưởng về thân thể không nguyên vẹn », trong những loại trò chơi « khẳng định phái tính » . Thông thường, để đồng hóa, con trai chọn lựa những nhân vật nam nhi, con gái chọn lựa những nhân vật phụ nữ.

 

Những trò chơi của trẻ nam thường có những đặc điểm sau đây :

 

-         chủ đề : sức mạnh, quyền lực,

 

-         sinh hoạt vận động : chạy, nhảy, ném ra xa, lại gần…

 

-         dụng cụ : súng ống, gươm dao, gậy gộc…

 

-         hình thức trình diễn : những cuộc thi đua, những tai nạn xe hơi, những trò chơi « đền bù » như : bệnh viện, bác sĩ, xưởng sửa chữa xe ô tô, người đánh cá…

 

Những trò chơi của trẻ nữ bao gồm những sắc thái như sau :

 

-         những loại sinh hoạt : tô điểm, cho con bú, khám bệnh nhân…

 

-         những hình tượng đồng hóa : làm mẹ, làm cô giáo, làm công chúa, vừa có quyền uy, vừa có bộ mặt quyến rủ…

 

-         Vị trí sinh hoạt : những sinh hoạt thường xảy ra trong nhà, hay gần nhà, cùng với bạn bè và người thân…

 

Nói cách chung, những trò chơi của trẻ nam thường hướng ngoại. Những trò chơi của trẻ nữ, trái lại, có tính cách qui nội. Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp ngoại lệ. Trẻ nữ vẫn có thể chơi như trẻ nam. Và trẻ nam cũng có thể cùng chơi với trẻ nữ.

 

 

 

 

Những loại trò chơi thuộc Cấp Bốn, chung quanh 5-6 tuổi :

 

-         Thể thao, thể dục,

 

-         Hội họa,

 

-         Trò chơi kiến trúc : xây dựng nhà cửa và những công trình khác như cầu cống, nhà máy, ga xe lữa…

 

-         Trò chơi tạc tượng, tạc hình với đất sét hay là các vật liệu tương tự…

 

Nói cách chung, trong các trò chơi thuộc giai đọan nầy, trẻ em chú trọng vào mục tiêu tôi luyện những kỹ năng và đua tranh với bạn bè cùng lứa tuổi.

 

Những loại trò chơi thuộc Cấp Năm, từ 6-7 tuổi trở lên

 

-         Từ đây, vui thích thực sự chỉ có thể xuất hiện, khi con người biết vận dụng khả năng tư duy của mình.

-

         Trẻ em có thể dùng ngôn ngữ, để diễn tả, trình bày những gì có mặt trong nội tâm, mà không cần đi qua những sinh hoạt của cơ thể, như vận động, điệu bộ…

 

-         Thậm chí trong những sinh hoạt cần vận dụng cơ thể bên ngoài như vũ, kịch, thư giãn, yoga…khả năng nhìn mình, quan sát những gì xảy ra bên trong nội tâm, cũng rất cần thiết và quan trọng.

 

-         Thể dục, thể thao vẫn có vai trò rất quan trọng, trong giai đoạn nầy. Tuy nhiên, để có thể tiến bộ trong loại sinh hoạt nầy, thậm chí người lớn cũng cần vận dụng tư duy, để phát huy những kỹ năng mới, nhằm thỏa mãn những nhu cầu mới.

 

                                                 ***

 

Để tạo mọi điều kiện thuận lợi, khả dĩ giúp trẻ em phát triển và tiến bộ, trong những loại trò chơi trên đây, chúng ta -  người chuyên viên Tâm Vận Động

 

-  cần phát hiện những TÍN HIỆU của cơ thể, đang cung cấp nhiều tin tức về thực trạng tâm lý của trẻ em :

 

-   Chúng nó đang ngoại hiện những mơ tưởng nào ?

 

-   Chúng nó đang sử dụng những loại trò chơi nào ?

 

-   Chúng nó đang diễn tả những loại lo hãi nào ?

 

Dựa vào những dữ kiện cụ thể và khách quan ấy, chúng ta chuẩn bị những dụng cụ cần thiết, bố trí không gian sinh hoạt thích ứng với tình huống của trẻ em. Nói tóm lại, chúng ta BIẾT phải làm những gì cụ thể, để trẻ em có thể chuyển hóa một cách tích cực thực trạng nội tâm của mình.

 

Ngoài ra, để trẻ em có thể vận dụng thân xác và bộc lộ những xúc động, trong các trò chơi của mình, một đàng chúng ta phải tạo ra cho chúng nó mọi điều kiện an toàn về mặt tình cảm. Đàng khác, chúng ta phải hướng dẫn, khích kệ và động viên. Chúng ta có thể điều động chính mình, bằng nhiều cách khác nhau :

 

-         dùng cơ thể của mình, để phản ảnh trẻ em, nghĩa là làm theo, bắt chước…

 

-         Khi thì giữ khoảng cách,

 

-         Khi khác lại gần,

 

-         Khi thì nhìn,

 

-         Khi khác sử dụng xúc giác…

 

Chúng ta cũng dùng ngôn ngữ, chơi trò chơi làm nhiều tiếng động như trẻ em. Đôi khi, chúng ta cũng cần nhắc lại cho trẻ em những qui luật hành động, để chúng nó không lạc mất, trong những tình huống loạn động, quay cuồng và tai hại…

 

 

Sau đây, chúng tôi xin nêu ra một số tín hiệu của cơ thể :

 

-         Tín hiệu giác quan và vận động : trương lực cơ, nhịp thở, liếc nhìn, giọng nói, điệu bộ, nằm xuống đất, leo lên cao, va chạm, xô đẩy, lộn nhào, nhảy từ trên cao…

 

-         Tín hiệu bám sát bằng giác quan : Thị giác : luôn luôn nhìn theo,tránh liếc nhìn. Thính giác : nhu cầu phải nói, nhu cầu nghe…Xúc giác : xẩn vẩn chung quanh, được đụng vào…

 

-         Tín hiệu bằng hành động : Sát nhập : bắt chước, lệ thuộc, tìm lại gần, tìm được bao phủ, đu đưa, dính chặt vào, nằm sát đất…Nuốt vào : há miệng, quào cấu, thét la, siết chặt, lôi kéo, bám chặt, nuốt vào…Phá hủy : làm rơi, đánh đập, liệng xa, phá hủy…Bắt bớ : che chở, bảo vệ, chạy trốn, cô lập… Hành hạ : làm cực, nhổ lên, bứt lên, lấy trộm, chôn vùi…Toàn năng : lên ngồi trên cao, cử chỉ hùng mạnh, làm oai… Tan biến : ẩn núp, chạy trốn, giả bộ nằm chết…

 

-         Tín hiệu đồng nhất, như nhau : lặp đi lặp lại mãi hoài, sợ dừng lại, thay đổi, làm ngược lại,  chỉ biết bắt chước…

 

-         Tín hiệu thời gian : tan vở, đứt đoạn, cắt đứt câu chuyện, chấm dứt những trao đổi…

 

Trò chơi nào tạo được vui thích và hứng khởi cho trẻ em, trò chơi ấy có hiệu năng giúp trẻ em vượt qua và chuyển hóa những mơ tưởng của mình. Trái lại, khi trẻ em có thái độ bị động, tê liệt, chán chường,  bít kín, hay là quá kích động, đến độ tấn công, đập đánh kẻ khác…đó là những dấu hiệu cho chúng ta biết rằng : những trò chơi không thích hợp với cấp độ phát triển hiện tại của trẻ em. Trong những trường hợp như vậy, chúng ta hãy cho phép trẻ em trở lui với những cấp độ nhỏ hơn, cho đến khi nào trò chơi tạo được cho chúng nó những cảm nghiệm vui thích, an toàn,hứng thú và mãn nguyện. Chính những trò chơi ấy sẽ làm cho trẻ em tăng trưởng và phát triển trên hai bình diện Tâm Vận Động và Tâm Linh.

 

 

 

2.10    Khả năng Hình Dung

 

Hình dung có nghĩa là gì ?

 

Theo lối định nghĩa của Tự Điển Tâm Lý :

« Đó là một tiến trình tạo nên những sản phẩm như : diễn kịch, hội họa, tạc hình, tạc tượng. Tiến trình ấy bao gồm nhiều  giai đoạn, từ khi khởi đầu đến lúc kết thúc. Hình Dung một sự vật không có nghĩa là chế tạo,  hay là sản xuất lại sự vật ấy giống hệt như lần đầu. Khi hình dung, chúng ta vừa chuyển hóa, vừa giữ  lại một vài đặc tính và tác dụng của sự vật . Càng giữ lại nhiều dữ kiện có mặt lúc ban đầu, chúng ta càng có một sản phẩm tương tự với sự vật được hình dung ».

 

Chẳng hạn, khi đứa bé sơ sinh, nằm một mình trong nôi, có những phản xạ bú mú, nó đã bắt đầu hình dung hành vi  bú mút nấm vú thực sự của bà mẹ. Sau nầy, trong những trò chơi, nó sẽ hình dung những đối tượng vắng mặt, những tình huống được ghi nhớ. Ở lớp học, nó sẽ có khả năng tạo hình, với những loại đất sét công nghiệp có pha thêm các màu.

 

Trong khuôn khổ của chương nầy, chúng tôi chỉ khảo sát ba loại hình dung sau đây của trẻ em, trong các buổi sinh hoạt Tâm Vận Động:

 

-         Hình dung tạo hình, với chất liệu đất sét,

 

-         Những trò chơi điều khiển và kết ráp bằng tay,

 

-         Hình dung trong địa hạt ngôn ngữ.

 

Như chúng tôi đã lặp đi lặp lại nhiều lần trước đây, khi thao tác những trò chơi vận động, trẻ em sẽ vận dụng trí tưởng tượng của mình. Đồng thời, chúng nó kể ra những câu chuyện, với thân thể, cũng như với các dụng cụ có sẵn trong tầm tay của mình. Trong những loại trò chơi bắt chước và đồng hóa, trẻ em sẽ dùng thêm ngôn ngữ, từ 1-2 tuổi trở lên. Ngôn ngữ đi kèm theo trò chơi và có thể thay thế những hành động cụ thể bên ngoài. Khi trẻ em tiến lên những cấp độ phát triển từ Ba, Bốn trở lên, trẻ em có thể bắt đầu trình bày những dự án của mình (những điều mình dự phóng), bằng ngôn ngữ. Sau đó, chúng nó mới thực hiện dự án, với  trò chơi vận động của mình. Tư duy của trẻ em càng ngày càng được tổ chức và có thứ tự. Về mặt nội dung, tư duy càng ngày càng trở nên phong phú.

 

Khi tư duy có những cấu trúc rõ ràng, trẻ em sẽ có khả năng tạo khoảng cách, không tức khắc lao mình vào hành động một cách vội vàng, máy móc, tự động. Cũng nhờ có tư duy điều hợp, nghĩa là soi sáng, hướng dẫn, xúc động không còn bùng nổ, tràn ngập với những hành vi bạo động ( đấm đá, xô đẩy, đàn áp, làm hại kẻ khác ).

 

Là chuyên viên Tâm Vận Động, chúng ta có vai trò giúp đỡ trẻ em tạo ra cho mình những KHOẢNG CÁCH như vậy. Tạo khoảng cách, bằng cách HÌNH DUNG, thay vì tức khắc lăn xả vào hành động, vận dụng tay chân, điều động toàn diện cơ thể của mình. Với những sinh hoạt như hội họa, tạo hình, kết ráp, kiến trúc… trẻ em sẽ dần dần phát huy khả năng hình dung. Ngoài ra, khi nghe kể chuyện và tập kể chuyện, trẻ em  có thể cảm nghiệm những xúc động, bằng cách đồng hóa với các nhân vật, mà không cần thao tác những trò chơi vận động.

 

Xuyên qua tất cả những sinh hoạt, mà chúng tôi vừa trình bày, trẻ em sẽ có khả năng hình dung một hành động, mà không cần thực thi hành động ấy.

 

Thể theo lối nhìn của tác giả AUCOUTURIER (1996 ):

 

« Hình dung là đi theo chiều hướng của tư duy, mà không cần thực thi nhửng cử động thực sự của cơ thể ».

 

Hẳn thực, khi đi vào lãnh vực và thể thức tổ chức của tư duy, trẻ em sẽ suy tư về kinh nghiệm mà mình đã sống. Chúng ta sẽ thấy, khi trẻ em tổ chức một hình vẽ, trên trang giấy, những nhân vật càng lúc càng có thêm nhiều chi tiết. Các màu sắc càng lúc càng có những sắc thái riêng biệt. Những đồ vật nổi bật lên. Câu chuyện do trẻ em hình dung và chia sẻ cho chúng ta, càng lúc càng được tổ chức một cách mạch lạc, trong thời gian và không gian.

 

Tất cả những cách làm ấy, như lời nhận xét của AUCOUTURIER, có thể được mô tả như một con đường dài trình bày sức sống vươn lên của trẻ em. Trên những chặng đường ấy, trẻ em  đã bắt đầu với những vui thích do hành động tạo nên. Và cuối cùng chúng nó đã kết thúc, với những vui thích xuất phát từ khả năng tư duy của mình. 

Tác giả Gs. Nguyễn Văn Thành (Nguyên tác: Bernard AUCOUTURIER)

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!