.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Mở Đường: Nguyễn Trãi Và Lê Lợi

Chương một - Sách lược Tâm Công nhằm tập hợp lòng người

Chương hai - Tâm Công và chiến tranh chống xâm lược

Chương ba - Chuyển biến thù hận thành tình thương

Chương bốn - Con rắn trả thù ba đời

Chương bốn (tiếp)

Lời kết - Tấm lòng Vạn xuân và Đại Việt

Tham Khảo và Chú Thích

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Nguyễn Trãi, Vạn Xuân và Đại Việt
Tác giả: Gs. Nguyễn Văn Thành
CHƯƠNG BỐN (TIẾP)

2.- Hình tượng "con rắn".

Từ vị trí thứ ba, với con mắt thứ ba, chúng ta có khả năng "thấy" Thị Lộ với nhiều bộ mặt khác nhau.

Cũng vậy, khi nhìn mình, chúng ta cũng có khả năng nhận ra "con rắn muốn báo thù ba đời, đòi nợ máu" đang đóng sào huyệt trong chính quả tim của chúng ta.

Thực ra, trước khi khoa Phân tâm học của Freud ra đời, trong mọi nền văn hóa, tôn giáo, xứ sở ... 65, những câu chuyện về rắn hóa thành người, hay là biến thân, mang lốt rắn được kể đi kể lại từ người nầy qua người khác và lưu truyền bằng miệng, từ thế hệ nầy qua thế hệ sau.

Trong văn học, những câu chuyện ấy được sắp xếp vào mục văn chương bình dân và được mang những nhản hiệu như Chuyện thần thoại, hoang đường, dị đoan, cổ tích, huyền sử ...

Khi nghe những câu chuyện như vậy, trẻ em thường rất chăm chú, và lưu tâm một cách tự nhiên. Chúng nó vừa thích thú muốn nghe, vừa run sợ nên ngồi sát lại gần nhau...

Rắn cũng thường hiện hình trong các giấc mơ về đêm của chúng ta.

Khoa thuyên giải của Phân tâm học, từ đầu thế kỷ 20, đã cho chúng ta một số chìa khóa, để khai mở bức màn mờ mờ ảo ảo, vừa úp vừa mở trộn lẫn với nhau.

Những hình ảnh được ghi nhận như " con rắn bị đứt đuôi chảy máu " mang nhiều ý nghĩa cùng một lúc, cho nên được gọi là hình tượng hay là biểu tượng đa năng, đa diện, đa phương. Đa có nghĩa là nhiều. Hẳn thực, rất nhiều ý nghĩa cô đúc lại với nhau, chồng chéo trên nhau. Đó là chìa khóa thứ nhất. Chìa khóa thứ hai mang tên là dời chỗ có phần vụ đánh lạc hướng, cho nên trong mỗi hình tượng có vấn đề bắt râu ông nọ, đặt cằm bà kia. Giống như con kỳ nhông, mỗi hình tượng thay đổi màu sắc, ý hướng tùy mạch văn, tùy bầu khí, tùy hoàn cảnh, môi trường và bình diện khảo sát. Mỗi hình tượng không nằm ù lì một chỗ. Chẳng hạn con rắn làm gì, ở đâu, nói gì, đi một mình hay là có tháp tùng. Bên ngoài làm sao và tâm tình bên trong thế nào: giận dữ, khẩn khoản hay là đau đớn. Đứng trước cảnh tượng ấy, chứng kiến mọi điều xảy ra, người nằm mơ, người trong cuộc mang tâm trạng, xúc động thế nào. Đó là chìa khóa thứ ba mang tên là tiến trình của màn kịch, cách kết thúc.

Trở về với tất cả những gì có liên hệ đến đời sống xúc động và tình cảm, chúng ta sẽ nhận thấy cách dễ dàng : mỗi giấc mơ, mỗi câu chuyện hoang đường ... khi được kể, khi được nghe cũng như khi được thuyên giải, đều vén màn, mặc khải cho người trong cuộc nhận diện và đối diện những nhu cầu thâm hiểm của chính mình. Ai là người trong cuộc ? Khi đi xem kịch - bi kịch, hài kịch hay bất kể loại kịch nào - chúng ta có thể đứng ở ngoài nhìn vào. Đó là thái độ khán giả. Hay là chúng ta đi vào bên trong: cùng khóc, cùng run, cùng sợ, cùng ghét, cùng tức tối giận hờn hay là bối rối lo âu.

Chẳng hạn khi đọc Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du, phải chăng tôi đồng hóa với nàng Kiều hay là chỉ làm khán giả lạnh lùng, không có quan hệ tình cảm sâu xa, không muốn đồng hành và chia sẻ.

Nhà phân tâm trị liệu, trong những tình huống chữa bệnh, tạo điều kiện tin tưởng, đặt ra những câu hỏi "hộ sinh", giúp người thân chủ từ vị trí chủ quan chuyển qua vị trí khách quan. Để kết thúc, người thân chủ sáng tạo cho mình vị trí liên chủ quan. Khi có tình người, tình thương và lòng kính trọng ở trong nội tâm, người ấy sẽ tìm thấy con đường giải quyết những vấn đề hiện sinh. Khi thương rồi, thì không còn khổ đau "sinh, lão, bệnh, tử". Nếu vẫn còn khổ đau, thì chính khổ đau ấy trở lại nuôi dưỡng tình thương. Khổ đau lúc bấy giờ là con đường cho phép tôi làm Bụt, làm Chúa ... " No matter what the problem, love is the answer ". Trong hiện tại, bất kể vấn đề gì đang đến với bạn, bạn hãy đem tình thương vào trong mọi cách giải quyết.

Trở về với con rắn, nó là ai? Là gì? 66.

Bất kỳ một đứa bé nào ở thôn quê, ngày ngày tiếp xúc với thực tế của cuộc sống, đều hiểu rằng:

•         Rắn là loài bò sát.

•         Rắn ở trong những hang động và lùm cây. Chỉ khi nào bị quấy rầy, mất chỗ ở và sinh sống, chúng nó mới hoảng hốt bò ra, đi tìm chỗ ở nơi khác.

•         Rắn rất có ích cho người nông dân. Lương thực của nó là chim chóc, côn trùng, chuột bọ. Nhờ rắn, người nông dân giải quyết được vấn đề sâu rầy, chuột bọ phá hại mùa màng, hoa quả ...

•         Khi mất chỗ ở, bị phá phách quấy rầy, rắn có thể vào nhà, leo lên mái tranh, trốn núp trong gối chăn, giường chiếu, bàn thờ tổ tiên....

•         Rắn có thể làm món ăn " cao lương mỹ vị" hay là biến chế thành vị thuốc trường sinh, bồi dưỡng nhiều cơ phận.

•         Có những loài rắn như rắn mai, rắn hổ ... có mang nọc độc giết người ở dưới răng của mình.

•         Rắn chỉ cắn, để tự vệ, vì sợ, khi bị quấy rầy, tấn công, hay là bị chà đạp, dẫm nát.

•         Thông thường, thấy người thì rắn rút lui, đi chỗ khác. Nếu chúng ta thấy và tránh đi chỗ khác, không đe dọa chúng nó, thì chúng nó không bao giờ tìm đến cắn chúng ta một cách vô duyên cớ.

•         Nói tóm lại, trong thiên nhiên rắn là bạn hơn là thù đối với con người.

Môi trường sinh thái được điều chỉnh, điều hợp, nhờ vào sự kiện là rắn tiêu thụ những loài vật phá hại mùa màng. Nhờ hang động của rắn, khí và nước có thể vào trong đất, làm cho đất trở nên màu mỡ. Rắn giúp con người giải trừ nhiều độc tố xuất hiện trong môi trường sinh sống.

Trên bình diện tâm lý, rắn là hình tượng, mang hai ý nghĩa cơ bản là đời sống tình cảm và nhu cầu sinh lý.

Nếu hai con rắn nầy không có chỗ ở, không được nuôi dưỡng, bị quấy rầy, khinh thị hay là bị thương tích, chúng nó từ bạn biến thành thù cho con người.

Hai triệu chứng bệnh hoạn xảy ra, khi hai con rắn nầy bị thương tích, như đứt đuôi chảy máu, một cách đặc biệt, khi cơ quan sinh lý bị thiến hoạn vì nhiều lý do, trong đó có lý do nghề nghiệp như con đường hoạn quan ... Triệu chứng thứ nhất là vì lý do bù trừ quá khích, họ cương phồng cái tôi của mình để đàn áp, thủ tiêu kẻ khác. Lý do thứ hai là thái độ luồn cúi, nịnh bợ, thích hào nhoáng, vị thế chức quyền. Các hoạn quan thường là những tay sai trung tín của các bà hoàng hậu và cung nữ trong triều đình. Họ huênh hoang, hãnh diện vì việc làm ấy.

Vì những " Con rắn bị đứt đuôi, có khả năng báo thù ba đời nầy ", cái điềm "hai không, tứ họa" 67 cứ đè nặng lên số phận của Nguyễn Trãi và của mỗi người Việt Nam. Cứ mỗi lần đuổi được hai quân Minh, thì bốn người Việt Nam phải mất đầu, do chính bàn tay sát hại của người anh chị em đồng bào!

Phương thức hóa giải, như tôi đã trình bày trong các chương trước đây, là nhìn nhận chúng ta có những nhu cầu cơ bản, chính đáng. Khi chúng ta săn sóc, coi trọng những con rắn ấy, cho chúng nó chỗ ăn, chỗ ở, chỗ sinh hoạt ... chúng nó là những người bạn tri kỷ quí hóa.

Trái lại, khi chúng ta cắt chặt nghĩa là kiểm duyệt, dồn nén, gây thương tích, đánh đuổi ... những con rắn tình cảm và sinh lý ấy sẽ "báo thù ba đời" bằng cách nầy hay cách khác, làm cho chúng ta băng hoại.

Khi chúng ta thiến hoạn chúng nó, chúng ta thiến hoạn chính bản sắc, căn cước, gốc bản của chúng ta. Của Đồng bào. Của Đất Nước.

Theo lời của thánh Âu-cơ-tinh, hãy yêu, hãy xây dựng Đền thờ cho Tình yêu trong tâm hồn, rồi bạn hãy làm gì thì làm: phục vụ đồng bào, xây dựng đất nước, xua đuổi xâm lăng và thực dân. Khi chưa có tình yêu, mọi điều chúng ta làm là "xây nhà trên cát". Là "hai không , tứ họa".

Âu-cơ-tinh ở bên Tây, Atangana ở bên  Đông, cả hai đều đồng tâm, đều chia sẻ một lối nhìn giống nhau!

3.- Thị Lộ và cái chết của Nguyễn Trãi

Phải có tầm cỡ 800 kinh nghiệm về cuộc sống làm người 68,

- Phải có 800 năm hiểu biết về lịch sử và văn hóa  của Đại Việt,

- Phải có 800 tu luyện trong con đường "Tỉnh Thức và Tình Thương" được chắt lọc từ nhiều tôn giáo khác nhau như Phật giáo, Lão giáo và Khổng giáo...

- Phải có 800 năm học tập bắt mạch những nhu cầu cơ bản cũng như khám phá căn bệnh trầm kha của người Việt Nam, do tai họa của chiến tranh gây nên,

- Phải có những kiến thức tinh nhuệ về số tử vi, nhất là về ý nghĩa của " hai không bốn họa,"

- Phải luôn luôn hiện diện bên cạnh Nguyễn Trãi, vào những lúc trọng yếu, do một sợi dây liên kết định mệnh ...

Vô Kỹ mới thúc giục Nguyễn Trãi: "... hãy chia sẻ niềm vui với gia đình con mà con đã phục hồi lại trong vinh quang " 69.

Chiến tranh đã "thiến hoạn" sự có mặt của người Cha trong đời sống gia đình. Con rắn gia đình bị đứt đuôi chảy máu ...

Từ đời nầy qua đời nọ, người Cha Việt Nam phải luôn bị tống ra ngoài chiến địa :

" Chí làm trai dặm nghìn da ngựa,

Gieo thái sơn nhẹ tựa hồng mao".

Thái sơn ở đây phải được hiểu : "Công cha như núi Thái Sơn". Và vì chiến tranh, cái công ấy đã bị coi nhẹ, khinh thường, chưa được " phục hồi lại trong vinh quang", giống như ý nguyện của đạo sĩ Vô Kỹ. " Vô Kỹ "là gì theo Lão Tử? Là những con người "Vô công, vô danh", không đèo bòng, duổi bắt trên con đường công thành, danh toại và lợi ích cá nhân 70. Thế nhưng, từng từng thế hệ như Nguyễn Trãi đều bị đầu độc và ám ảnh:

 "Phải có công gì với núi sông!".

Kết quả trước mắt là trên cả ba miền Việt Nam, người mẹ đồng hóa với hòn núi Vọng Phu, suốt năm, suốt tháng bồng con, đợi chờ chồng từ chiến trận trở về. Nhưng không bao giờ về.

Lớn lên, những đứa con bỏ nhà ra đi tìm cha. Không có cha. Chỉ có những roi đòn, chưởi bới, la mắng. Cho nên chúng nó họp lại thành băng đảng, cướp giựt, cao bồi, hút xách, lang thang, phiêu bạt.

Chiến tranh chống thực dân xâm lăng đã chấm dứt. Những "kẻ thù ngày xưa" đã trở lại thăm viếng đất nước Đại Việt như  F. Mitterand, J. Chirac và B. Clinton. Nhưng hậu họa chiến tranh vẫn còn tiếp diễn mấy đời, mấy thế hệ nữa ? Người Việt Nam chưa trở về. Chưa "nhất tâm" với nhau.

***

Và chính trong cuộc đời từ 47 tuổi trở lên, Nguyễn Trãi có " ngó ngàng" đến vợ con hay không?

Hồi tôi còn là đứa bé, tôi được nghe thầy dạy: "Gia huấn ca" do Nguyễn Trãi sáng tác để giáo dục con cái. Các nhà nghiên cứu về Nguyễn Trãi, như Nguyễn Thạch Giang đang đặt lại vấn đề " ai là tác giả đích thực của tác phẩm ấy..."? 71

Trong vòng 20 năm, Trần Thị Thanh, vợ của Nguyễn Trãi đã sống thế nào. Ngày hòa bình trở lại, nàng còn sống hay không? 72. Có bao giờ Nguyễn Trãi nhớ lại lời từ biệt đầy nước mắt và nhức nhối tận hồn sâu, trước lúc vì đất nước ông theo cha ra đi:

" Anh yêu dấu, trái tim em xót xa vì sắp phải chia tay anh bao nhiêu, thì nó càng đau đớn hơn gấp bội, nếu nữ tì của anh cản trở anh trong việc thi hành bổn phận.

Anh hãy yên tâm ra đi!

Lúc vắng anh, ngày và đêm em sẽ luôn luôn ở trên núi Vọng phu " 73.

Và ngày Nguyễn Trãi trở lại, sau 20 năm xa cách biền biệt, Thị Thanh còn sống hay không?

Theo Bùi Văn Nguyên 74, Bà đã có mặt và cùng chia sẻ số phận với chồng, trong vụ án vườn Lệ Chi. Tuy nhiên, tác giả nầy khẳng định nhiều tin tức, mà không bao giờ cho biết tài liệu tham khảo hay là nguồn xuất xứ có được kiểm chứng một cách nghiêm chỉnh hay không. Đó là một điều rất đáng tiếc về mặt khoa học sử liệu.

Trong tác phẩm Vạn Xuân, Thị Thanh không còn xuất đầu lộ diện, sau năm 1428. Duy người đầy tớ Nụ Lài, đã được bà sai đến Đông Quan phục vụ chồng và lo cho chồng vấn đề chăn gối, thường gợi lại hình ảnh " bà chủ " với bộ đồ tang phục khoác trên mình suốt ngày đêm 75. Đó cũng là một cách thuyên giải đầy tế nhị của Y. Feray không muốn quá bôi đen thực trạng vợ con gia đình của Nguyễn Trãi.

Phần Thị Lộ cũng không hạnh phúc, bởi vì Nguyễn Trãi không có tâm hồn bình an và thoải mái để khám phá nhiều bộ mặt khác nhau của người vợ thiếp nầy 76. Thị Lộ vừa là người học trò ngưỡng mộ thầy, ngày đêm canh phòng từng nguồn cảm hứng, từng sáng tác nhỏ nhặt của Thầy. Thị Lộ cũng là đồng chí kháng chiến, ngày đêm làm chị nuôi và mẹ nuôi cho hoàng tử Long, con của Lê Lợi, mồ côi mẹ, từ hồi còn bé thơ. Thị Lộ không có con với Nguyễn Trãi, cho nên đổ dồn tình mẹ cho hoàng tử Long. Cậu bé nầy sẽ trở thành vua Lê Thái Tông sau khi vua cha qua đời. Giữa yêu thương dịu dàng đối với Thị Lộ như người mẹ hay như người tình duyên dáng, mặn mà, Vua Lê Thái Tông không phân biệt một cách rõ ràng và sáng suốt trong mỗi phong độ hằng ngày.

Thay vì trao đổi, gây ý thức, giúp đỡ Thị Lộ trong vấn đề xử thế, Nguyễn Trãi nghe theo dư luận, tiếng đồn thổi, dị nghị và dèm pha của môi trường hoạn quan và cung nữ.

Khi tình cảm không trắng đen một cách rõ ràng minh bạch, tình cảm ấy trở thành " con rắn làm hại và trả thù ba đời".

Thêm vào đó, khi được vua Lê Thái Tông (trước kia là hoàng tử Long) phong làm Lễ nghi học sĩ, giữ công việc dạy dỗ cung nhân trong triều đình, Thị Lộ lại bước vào một hang động mới của Rắn còn hung bạo và nguy hiểm hơn 77. Hai con rắn là hai bà vợ của Lê Thái Tông : Nguyễn Thị Anh và Ngô Thị Ngọc Dao,làm sao có thể chịu được nhau. Người đầu là mẹ của Băng Cơ, sau nầy là vua Lê Nhân Tông. Người thứ hai là mẹ của Tư Thành, sau nầy là vua Lê Thánh Tông. Vì Thị Lộ bênh vực Ngô Thị Ngọc Dao, Nguyễn Thị Anh đã tìm mọi cách và mọi cơ hội để trả thù.

Giữa tình huống xung đột ấy, trong một chuyến đi kinh lý, vua Lê Thái Tông đột nhiên chết ở Vườn Lê Chi, do một cơn sốt ác tính hay là bị ngộ độc do một bàn tay bí mật cố tình, không một ai có thể xác định.

Vì Thị Lộ lúc ấy có mặt bên cạnh nhà vua, Nguyễn Thị Anh chớp lấy thời cơ, để lập nên vụ án.

Bị tra tấn dã man, Thị Lộ đã chấp nhận trong hôn mê mọi tội lỗi do bọn hình quan thuộc phe của Nguyễn Thị Anh bày đặt ra.

Thực tế trắng hay đen? Mỗi người có cách thuyên giải riêng tư của mình. Dù sao trong vụ án Vườn Lệ Chi, Thị Lộ vừa là nạn nhân, vừa là người có trách nhiệm. Cũng vậy, Nguyễn Trãi vừa là nạn nhân, vừa có trách nhiệm vì đã không gây ý thức kịp thời cho Thị Lộ. Trong mỗi điều lành hay việc dữ, ai ai cũng góp phần ít hay nhiều của mình.

Tuy nhiên, "Vườn Lệ Chi" chỉ là giọt nước cuối cùng của một ly nước từ từ tràn đầy, từ ngày mà tình cảm không được nhận diện và đối diện. Trên đường về Thăng Long, khi được tin bị kết tội "cùng với vợ giết vua", Nguyễn Trãi có thể trốn thoát theo lời đề nghị của một đạo sĩ vô danh. Nhưng Nguyễn Trãi đã lãnh trách nhiệm : đã ở lại, đã chết với Thị Lộ, đã dâng cho Thị Lộ một tấm lòng trung tín viết ra bằng máu của mình...

Và khi chấp nhận chết như vậy, Nguyễn Trãi muốn nói một cách rõ ràng minh bạch cho các thế hệ về sau biết rằng: "Tôi chết, vì tôi không biết hóa giải kịp thời những vấn đề thuộc đời sống xúc động và tình cảm. Con rắn nầy đã sát hại người Việt Nam từ đời nầy qua đời khác.

Vậy để sống cách tròn đầy và viên mãn, từ đây, các bạn hãy học tập hóa giải, bằng cách nhận diện và đối diện những xúc động và tình cảm của mình. Hãy coi trọng nhu cầu yêu đương và ân ái!".

Trối lại bài học ấy, Nguyễn Trãi đã để lại cho quê hương và anh chị em đồng bào một tấm lòng bao la không bến bờ ... Một cơ sở tất yếu,phải có để xây dựng con người Việt Nam.

Nguyễn Trãi là tác giả của kế hoạch Tâm Công. Nhưng con đường Tâm Công không bị hạn chế trong lãnh vực kháng chiến chống xâm lăng mà thôi. Tâm công phải được thu hóa và hòa nhập trong mỗi đường đi và nẽo về của cuộc đời. Nguyễn Trãi đã thành tựu vẻ vang một chặng đường. Đến lượt, đến thời của chúng ta là con cháu, chúng ta tiếp tục những gì do các bậc đàn anh đã bắt đầu. Họ thành công? Chúng ta tiếp nối mở rộng. Họ gặp trắc trở? Chúng ta can đảm "dừng lại", đánh giá để kiện toàn.

Đó là ý nghĩa thâm trầm của câu ca dao tục ngư:

"Con hơn cha là nhà có phúc".

"Hơn" ở đây không mang ý nghĩa và tâm trạng phân biệt nhị nguyên. Sở dĩ, hôm nay hơn ngày qua, vì chúng ta thừa kế một gia tài mồ hôi, nước mắt, xương máu của tổ tiên cha ông từ Lạc Long Quân và bà Âu Cơ. Chúng ta đang cưu mang Trời và Biển trong tấm lòng Vạn xuân và Đại việt của mình. Chúng ta, vì tư cách làm người, cần phải " tri chỉ ", dừng lại, không phản bội hai dòng máu ấy đang sôi trào trong chúng ta. Và khi làm, hãy làm với tinh thần " Vi Vô Vi": làm như "Mặt Trời". Còn hơn thế nữa, mỗi người Việt Nam là mặt trời sáng soi, sưởi ấm và nuôi sống anh chị em đồng bào của mình.

Nguyễn Trãi đề nghị một viễn tượng còn kỳ hùng hơn : mặt trời sẽ mọc lên từ Biển Đông. Sau khi vượt qua những rặng núi Trường Sơn, mặt Trời sẽ mang Ánh sáng và Hơi Ấm cho toàn Địa Cầu. Một ngày Hòa Bình sẽ là Mùa Xuân bất tận từ Đông qua Tây. Từ Nam lên Bắc. Từ trong toát ra bên ngoài. Từ "Cái Tôi" bé nhỏ bần tiện, hẹp hòi, mỗi người con dân Việt Nam sẽ ý thức mình đang làm nên " Đại Ngã" lớn lao, bao la và cao cả ...

Tác giả Gs. Nguyễn Văn Thành

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!