CHƯƠNG I: CHÍNH SÁCH MỤC VỤ VĂN HOÁ
Tại Giáo Xứ Việt Nam Paris, những sinh hoạt cụ thể mục vụ văn hoá đã được thực sự thể hiện từ buổi đầu, 1947 ; đã được ý thức như là một lãnh vực mục vụ căn bản, được đưa vào chương trình mục vụ của giáo xứ từ năm 1980 và công khai phổ biến cho toàn thể cộng đoàn vào năm 1997. Nhưng phải đợi đến năm 2004 thì một chính sách mục vụ mới được cha Giám Ðốc Mai Ðức Vinh soạn thảo và công bố qua bài « LỜI MỞ » cho cuốn sách « VĂN HOÁ VÀ ÐỨC TIN ». Nếu dùng từ ngữ đơn sơ thì có thể bảo rằng đây là « Lời mở giới thiệu mục vụ văn hoá của Giáo Xứ ». Nếu dùng từ ngữ quản trị thì phải bảo rằng đây là « Bản tuyên ngôn về chính sách mục vụ văn hoá » của Giáo Xứ Việt Nam Paris ». Trong loạt bài rất xuất sắc và đầy đủ về « Hoạt Động Văn Hóa của Giáo Xứ Việt Nam tại Paris » đăng trên http://vietcatholic.net/news/ vào năm 2004 và hiện còn đăng trên http://www.dunglac.net, ký giả Nguyễn Long Thao đã kết luận rằng « Văn hóa được coi là chính sách mục vụ chính của giáo xứ », mà chưa phân tích nội dung của chính sách này. Vậy nay xin mời bạn đọc đi ngược dòng lịch sử để xem qua chính sách mục vụ văn hoá tại Giáo Xứ Việt Nam Paris. Ðể giới thiệu nội dung mục vụ văn hoá của Giáo Xứ Việt Nam Paris, như vừa nói trên đây, chúng tôi đặc biệt và chính yếu trích đăng bài « Lời mở » do cha Giám Ðốc Mai Ðức Vinh viết cho cuốn sách « Văn hoá và đức tin » mà Giáo Xứ ấn hành vào năm 2004. Nhưng để việc trình bày được rõ rệt, chúng tôi xin phân tích chính sách mục vụ văn hoá của Giáo xứ Việt Nam Paris qua cái khung năm yếu tố mà Tôn Tử đã đề xướng để tính toán « Kế ». Theo Tào Công, Ðỗ Mục, Vương Tích, Trương Dự, cùng những nhà chú thích khác, thì đại cương, « Kế là kén tướng, lượng giặc, áng đất, liệu quân xa gần hiểm dễ, phải tính ở chỗ miếu đường, Kế là tính toán, là những điều tính trước ». Nói theo ngôn ngữ ngày nay Kế là thảo kế hoạch, là lập chính sách. Trong Tôn Tử Binh Pháp, ở chương thứ nhất, nói về Kế, Tôn tử đưa ra 5 yếu tố phương pháp làm việc, cũng là năm yếu tố chính yếu phải dùng để thiết lập một chính sách. Năm yếu tố đó là đạo, thiên, địa, tướng và pháp : đặt đạo để đặt đường hướng nền tảng chính đáng, lượng thiên để ước lượng hoàn cảnh môi trường cho cân xứng, định địa để xác định tình huống thực tại cho chính xác, dụng tướng để dùng nhân lực cho đúng tài năng và lập pháp để trị việc cho có nguyên tắc, tổ chức và phương pháp. 1. ÐẶT ÐẠO ÐỂ LẬP ÐƯỜNG HƯỚNG Chữ ÐẠO mà Tôn Tử coi như yếu tố thứ nhất phải xác định để lập kế là « Än đức ban bố cho nhân dân, khiến họ đồng lòng, hợp sức với bề trên. Nhờ đó mà nhân dân quyết một lòng tuân theo bề trên để cùng sống chết, không hề sợ hãi ngã lòng trước mọi hiểm nguy ». Tào Công cho đạo là « cái giáo lệnh dẫn đạo mọi người ». Ðỗ Hựu giảng nghĩa đạo là « cái đức hoá, là cái chính lệnh mà đưa dắt, cái lễ giáo mà so tầy ». Trương Dự cho là « cái ân tín đạo nghĩa để sai khiến dân, phủ trị quần chúng ». Ðỗ Mục bảo rằng « Ðạo là chỉ vào nhân nghĩa ». Vương Tích coi là « cái nhân hoà ». Những nhà nghiên cứu quản lý ngày nay gọi là ÐỊNH HƯỚNG, ám chỉ cái nền tảng chính đáng của hướng đi, có thể qui phục lòng người. Việc định hướng do vậy phải hợp với nền tảng đạo lý, là những giá trị của tổ chức, để đưa đến những mục tiêu cụ thể và những hành động khả thi. Ðối với người công giáo, việc định hướng phải hợp với Tin Mừng, với Giảng Dậy Giáo Hội. Ðịnh được cái ÐẠO của MỤC VỤ VĂN HOÁ là xác định được đường hướng đựa trên những giáo huấn của Giáo Hội. Cha Giám Ðốc Mai Ðức Vinh đã khẳng định rằng cái nền tảng giáo huấn của Giáo Hội hoàn vũ cũng như của Giáo Hội Á Châu là cái ÐẠO, là ÐƯỜNG HƯỚNG CĂN BẢN của mục vụ văn hoá. Ngài viết : « Chúng tôi nằm lòng giáo huấn của Giáo Hội về ‘tương quan mật thiết giữa các nền Văn Hóa với đời sống Đức Tin và việc truyền bá Đức Tin’. Giáo huấn này được Công Đồng Vatican II nhấn mạnh đặc biệt trong hiến chế Mục Vụ (Gaudium et Spes các số 53-62) và sắc lệnh Truyền Giáo (Ad Gentes các số 12-34) : «Giữa sứ điệp cứu độ và văn hóa nhân loại có nhiều mối liên hệ. Thực vậy, khi tự mạc khải cùng dân Ngài cho tới khi tỏ mình đầy đủ trong Ngôi Hai nhập thể, Thiên Chúa đã nói theo văn hóa riêng của từng thời đại. Cũng vậy, trải qua các thế kỷ sống trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, Giáo Hội đã xử dụng những kho tàng văn hóa khác nhau để phổ biến và giải thích cho muôn dân sứ điệp của Chúa Kitô trong khi rao giảng, để tìm tòi và thấu hiểu sâu xa hơn, để diễn tả sứ điệp ấy cách tốt đẹp hơn trong các lễ nghi phụng vụ và trong cuộc sống muôn mặt của cộng đoàn các tín hữu nữa » (MV 58). «Giáo Hội tại mỗi quốc gia rút ra từ những tập quán và truyền thống, từ lẽ khôn ngoan và nền đạo lý, từ những nghệ thuật và khoa học của dân tộc mình, tất cả những gì có thể góp phần vào các việc tuyên xưng vinh quang của Tạo Hóa, làm rạng ngời ân sủng của Đấng Cứu Thế và vào việc tổ chức tốt đẹp đời sống Kitô hữu » (TG 22). « Chúng tôi còn nằm lòng hơn về giáo huấn ấy khi đọc Tông huấn ‘Giáo Hội tại Á Châu’ (Ecclesia in Asia) của Đức Gioan-Phaolô II ban hành tại New Dehli, Ấn Độ, ngày 06.11. 1999 : Ngài nhấn mạnh đến các thực tế tôn giáo và văn hóa của các nước Á Châu, trong đó có Việt Nam chúng ta. Ngài nói : Nét đánh động nhất của Á Châu là sự đa dạng của các dân tộc, những người thừa hưởng những nền văn hóa, tôn giáo và truyền thống xa xưa. Chúng ta chẳng thể làm gì hơn mà chỉ sửng sờ trước con số khổng lồ của dân cư Á Châu và trước bức tranh ghép vô cùng phức tạp của biết bao nền văn hóa, tín ngưỡng, ngôn ngữ và truyền thống, làm nên phần cơ bản của lịch sử và di sản của gia đình nhân loại... Á Châu là nôi sinh của các tôn giáo lớn trên thế giới, và của nhiều truyền thống tâm linh khác... Giáo Hội hết sức kính trọng các truyền thống này và luôn tìm cách đối thoại chân thành với các dân tộc Á Châu. Các giá trị tôn giáo mà các đạo ấy giảng dạy đang chờ được hoàn thành trong Đức Kitô. Người dân Á Châu rất tự hào về các giá trị tôn giáo và văn hóa của họ, như quý trọng sự thinh lặng và chiêm niệm, sống giản dị, hòa hợp và từ bỏ, bất bạo động, làm việc chăm chỉ, có kỷ luật, sống thanh đạm, ham học hỏi và truy tầm triết lý. Người Á Châu rất quý trọng các giá trị như tôn trọng sự sống, từ bi với mọi loài, gần gũi với thiên nhiên, hiếu thảo với cha mẹ, người lớn và tổâ tiên, ý thức rất mạnh về cộng đoàn. Họ coi gia đình là nguồn sức mạnh, là một cộng đoàn hết sức chặt chẽ có ý thức liên đới cao. Người Á châu thường được tiếng là có tinh thần bao dung tôn giáo và sống chung hòa bình.... Bổn phận của Giáo Hội là tìm cách giới thiệu Tin Mừng sao cho vừa trung thành với truyền thống của mình vừa không xúc phạm đến những truyền thống tôn giáo cao đẹp của người Á Châu » (EA 6). Những giảng dậy ấy của Giáo Hội đã được Ban Giám Ðốc thực hiện như là những sứ mệnh căn bản. « Bất cứ ai có quan sát đều nhận ra rằng ban giám đốc, trong tập thể và ở mỗi cá nhân, đều ý thức rõ rệt được trách nhiệm và sứ mệnh của mình là đáp ứng nhu cầu mục vụ của người Việt Nam công giáo vùng Paris và đều hướng các hoạt động của mình vào hai công việc và cho hai đối tượng : công việc bảo trì đức tin cho các tín hữu và đem lời Chúa đến cho lương dân : giữ đạo và truyền đạo…. Lương dân việt nam mà ban giám đốc có sứ mệnh phải đem lời Chúa đến cho họ, gồm khoảng từ 42 000 đến 47 000 người, ở rải rắc khắp vùng Paris, qua tám tỉnh : 75 Paris, 77 Seine-et-Marne, 78 Yvelynes, 91 Essonne, 92 Hauts-de-Seine, 93 Seine-Saint-Denis, 94 Val-de-Marne và 95 Val-d’Oise. Những hoạt động văn hoá thuyết trình về văn học, văn nghệ trình diễn ca kịch dân tộc, xã hội liên đới nghề nghiệp, thăm viếng bệnh nhân, người cô đơn và người già cả, giáo dục đào tạo pháp văn, liên tôn kính nhớ tổ tiên, .. đều là những hoạt động mở ra cho toàn thể người việt nam sống tại vùng Paris ». Như vậy, đường hướng mà Giáo Xứ đã thảo cho mục vụ văn hoá đặt trên cơ sở Lời Chúa truyền cho các môn đệ phải đi rao truyền Phúc Âm cho muôn dân (Mt, 28, 19-20) và Lời giáo huấn của Giáo Hội khuyên xử dụng những kho tàng văn hoá để phổ biến và giải thích cho muôn dân sứ điệp của Chúa Kitô ( Gaudium et Spes, 58, Ad Gentes, 12-34), đặc biệt là truyền thống tâm linh Á châu (Acclesia in Asia, 6), qua mọi lãnh vực và hình thái của văn hoá : văn học, nghệ thuật cũng như xã hội, giáo dục ; bác học văn tự cũng như bình dân truyền khẩu 2. LƯỢNG THIÊN ÐỂ NHẬN RA MÔI TRƯỜNG ÐỊA DƯ, LỊCH SỬ, XÃ HỘI Chữ THIÊN mà Tôn Tử coi là yếu tố thứ hai phải xét đến để lập chính sách là « sự biến hoá của âm dương, là khí hậu lạnh nắng, là thời tiết bốn mùa ». Tào Công và Ðỗ Hựu cũng nghĩ như vậy mà cho rằng « Thiên là chỉ sự thuận theo trời mà làm việc đánh tội, phải nhân theo khí tiết, âm dương bốn mùa ». Lý Thuyên bảo rằng « Thiên là ứng trời thuận người, nhân thời chống giặc ». Các lý thuyết quản trị ngày nay nói đến môi trường mà người lãnh đạo phải nhận ra hầu xác định chính sách cho thích nghi và hiệu quả. Môi trường (hay gần và rõ hơn là thị trường) của một xí nghiệp, một tổ chức, một giáo xứ có nhiều chiều hướng. Môi trường có thể có chiều hướng địa dư, như Tôn tử và những nhà chú giải ông nghĩ ra, là biến hoá của âm dương, khí hậu, thời tiết. Nhưng môi trường cũng có chiều hướng lịch sử là diễn tiến trong dòng lịch sử quá khứ, hiện tại và tương lai. Môi trường còn có chiều hướng xã tính, là những tương quan với các tổ chức khác, cùng hay khác tầm cỡ, cùng hay khác sinh hoạt, cùng hay khác cơ cấu. Trong khía cạnh môi trường địa lý, trong tập Kỷ Yếu 1997, cha Giám Ðốc Mai Ðức Vinh đã xác định vi trí của mục vụ văn hoá ở Giáo Xứ Việt Nam Paris như sau. Xin trích lại lới đã trích ở đầu bài : « Là một cộng đoàn sắc tộc tại thủ đô Paris, Giáo Xứ Việt Nam không thể không là một « cộng đoàn văn hoá ». Văn hoá phản ánh nếp sống riêng của dân tộc ta, văn hoá ăn sâu vào cách sống đạo của người công giáo việt nam, văn hoá cần thiết để hội nhập vào xã hội Pháp tiếp đón chúng ta. Vì thế, ngay từ khi mới thành lập, tại trung ương đã có quán cơm xã hội, nghĩa là đã có « các món ăn việt nam », đã có báo chí, nghĩa là những tờ báo « chữ việt nam », đã có những buổi học tập, diễn thuyết bằng tiếng việt dành riêng cho « đồng bào việt nam », vừa để bảo toàn tinh thần văn hoá dân tộc, vừa chuẩn bị cho họ « hội nhập vào văn hoá và xã hội Pháp ». Trong khía cạnh môi trường lịch sử, lời bày tỏ của Cha Mai Ðức Vinh về việc biên soạn cuốn sách Văn Hoá và Ðức Tin có thể áp dụng cho việc định vị cho mục vụ văn hoá trong môi trường lịch sử Việt Nam và Công Giáo Việt Nam. Chỉ cần thay thế chữ « cuốn sách Văn hoá và Ðức Tin » bằng chữ « chính sách mục vụ văn hoá ». Ngài viết : « Chủ yếu của cuốn VĂN HÓA VÀ ĐỨC TIN là trình bày một số điểm ‘văn hóa tâm linh’ của dân tộc Việt Nam được coi như mảnh đất mầu mỡ mà hạt giống Đức Tin Công Giáo được gieo vào. Nói khác hạt giống Tin Mừng đã gặp được và hòa nhập vào nhiều điểm tâm linh cốt lõi của nền văn hóa Việt Nam. Hạt giống Tin Mừng hòa nhập không phải để thay thế hay phá hủy, cũng không phải để tan biến và mất hút, nhưng để nêu bật những điểm tốt, đổi mới những điểm không thích hợp và thăng tiến toàn diện tâm thức tôn giáo của người Việt Nam tương quan với mọi vấn đề tôn giáo, gia đình, xã hội, quốc gia, cá nhân và cộng đồng, văn chương, lịch sử, kỹ thuật... Những gì liên hệ đến con người, nhất là con người tôn giáo, đều là môi trường đối thoại, hòa nhập và thăng tiến của Tin Mừng, hay của đời sống Đức Tin Công giáo... ». Trong khía cạnh môi trường xã tính, Cha Giám Ðốc Mai Ðức Vinh và Ban Giám Ðốc đã hàng năm nêu ra ba yếu tố để xác định môi trường và vị trí cho mục vụ văn hoá của giáo xứ. Ba yếu tố đó là : 1- chỗ đứng của mục vụ văn hoá trong môi trường và lãnh vực hoạt động chung cũng như phương tiện nhân sự ; 2- chỗ đứng của mục vụ văn hóa trong ba lãnh vực mục vụ ; 3- chỗ đứng của mục vụ văn hoá trong sự cộng tác giữa các thành phần nội bộ và sự tương quan với các thành phần ngoại bộ. Bản Kiểm tra sinh hoạt mục vụ năm 2006 chẳng hạn, đã phối kiểm sinh hoạt mục vụ qua 5 chủ đề, qua đó, mục vụ văn hoá được định vị rõ rệt trong tổng quát, ứng đáp với hai lãnh vực khác và tương quan với sự tổ chức nội bộ và liên hệ ngoại bộ. · Về tổng quát, Ban giám đốc xác định lãnh vực hoạt động qua 8 tỉnh vùng Paris, cho khoảng từ 42 đến 47 ngàn người việt nam, trong đó có khoảng từ 13 đến 16 ngàn là công giáo và trình bày phương tiện nhân sự gồm Ban Giám Ðốc 9 vị, Hội Ðồng Mục Vụ 79 vị và Ban Thường Vụ 12 vị, cũng như cách làm việc tập thể giữa Ban Giám Ðốc và Hội Ðồng Mục vụ hay Ban Thường Vụ. · Về sinh hoạt thiêng liêng, Ban Giám Ðốc phối kiểm việc cử hành Thánh Thể qua 7 địa diểm mục vụ với sự tham dự trung bình từ 1500 đến 2000 người vào mỗi chủ nhật ; sự lãnh nhận các bí tích : rửa tội 49 trẻ em và 12 người lớn, rước lễ lần đầu 17 trẻ em, thêm sức 12 ngưới lớn và 37 trẻ em, hôn phối cử hành 3 lễ và chuẩn bị cho 13 đôi, rước lễ khoảng 65 000 ngưới ; và các sinh hoạt thiêng liêng khác, như giáo lý cho 269 trẻ em, giáo lý cho 14 tân tòng, công giáo tiến hành cho thanh niên, cho các người đang đi làm trong các ngành nghề khác nhau, cho lão niên, chầu thánh thể, .. · Về sinh hoạt xã hội, Ban Giám đốc kiểm lại các sinh hoạt của phòng xã hội, tiếp đón trung bình từ 5 đến 10 người mỗi ngày, hai ngày thân hữu giáo xứ gặp gỡ bạn bè việt pháp vùng Paris, sự liên lạc với các tổ chức xã hội công tư khác, như thị xã, nhà thương, trung tâm trẻ, Cứu tế xã hội công giáo, trường học, trung tâm dậy nghề,..hầu giúp đỡ tích cực đồng bào việt nam hơn ; thăm viếng những người bệnh tật, cô đơn và già cả, giúp đỡ những người nghèo khó và vô gia cư,.. · Về sinh hoạt văn hoá, Ban Giám đốc kiểm diểm sinh hoạt của các lớp tiếng việt cho 259 trẻ em vào mỗi chiều thứ bảy ; sinh hoạt của 8 lớp pháp văn ban ngày do 26 giáo sư giảng dậy cho 168 học viên ; sinh hoạt của tờ nguyệt san « Giáo Xứ Việt Nam » phổ biến 1350 bản mỗi số ; và sinh hoạt của việc soạn thảo và in ấn sách vở tiếng việt : sách giáo lý, sách phụng vụ, sách thánh ca, sách thánh kinh,.. · Về sự cộng tác, Ban Giám đốc kiểm điểm sự cộng tác mà giáo xứ đã thực hiện được giữa các thành viên ban giám đốc với nhau, giữa ban giám đốc và các linh mục tu sĩ việt nam khác, giữa ban giám đốc và các đoàn thể công giáo tiến hành của giáo xứ, giữa ban giám đốc và giáo dân trong đời sống của cộng đoàn giáo xứ. Tóm lại, môi trường của văn hoá mục vụ đã được Giáo Xứ nhận diện dưới nhiều khía cạnh, từ môi trường địa dư của một cộng đoàn ngoại kiều ở Paris ; qua môi trường lịch sử của một cộng đoàn văn hoá Việt Nam gốc Âu Lạc Bách Việt, với sự hội nhập của văn hoá Án Phật, Lão Trang và Khổng Mạnh trong 1050 năm Bắc thuộc, từ -111 đến 939, rồi Công Giáo từ thế kỷ XVI ; đến môi trường xã tính với một đối tượng thị trường to lớn gồm từ 43 đến 47 ngàn người Việt nam, trong đó có khoảng từ 13 đến 16 ngàn người công giáo, với những liên lạc ngoại bộ cần duy trì và phát triển : Toà Tổng Giám Mục Paris, Liên tu sĩ Việt Nam tại Pháp, các cộng đoàn công giáo Việt Nam tại Pháp, tại Âu Châu và tại các châu lục khác, Giáo Hội Mẹ Việt Nam, các cộng đoàn Việt Nam ở Paris và ở Pháp,.. 3. ÐỊNH ÐỊA ÐỂ XÁC ÐỊNH TÌNH HUỐNG HIỆN THỰC Chữ ÐỊA mà Tôn Tử cho là yếu tố thứ ba phải xem xét để thiết KẾ lập SÁCH là « thế đất xa gần, hiểm dễ, rộng hẹp, sống chết như thế nào ». Tào Công cho rằng « Ðịa là nói lấy cái hình thế của chín chỗ đất khác nhau, nhân thời định liệu để thu lấy phần lợi ». Chín chỗ đất khác nhau là : đất tan, đất nhẹ, đất tranh, đất giao, đất thông, đất nặng, đất lội, đất vây, đất chết. Mai Nghiêu Thần thì giảng rằng : « Ðịa là nói sự phải biết cái lợi hại của hình thế. Phàm dụng binh trước hết phải biết hình đất : biết xa gần thì có thể tính được cái kế đường cong đường thẳng, biết hiểm dễ thì có thể tính được cái lợi quân bộ quân kỵ, biết rộng hẹp thì có thể liệu được cái cách dùng ít dùng nhiều, biết chết sống thì có thể liệu được cái thế nên đánh nên tản ». Các quản trị gia ngày nay gọi NHẬN ÐỊNH TÌNH HUỐNG, để xác định tình trạng hiện giờ : tổ chức yếu hay mạnh, nhân viên giỏi hay giở, dụng cụ tốt hay xấu, sản phẩm có chất lượng nhiều hay ít, thâu chi lời hay lỗ,.. Tình huống văn hoá mà Giáo xứ Việt Nam Paris nhận ra là sự đóng góp tích cực và tạo hình của Công Giáo cho văn hoá Việt Nam thâm niên và phong phú. Cha Mai Ðức Vinh viết tiếp trong bài « Lời mở » : « Chúng tôi cũng ý thức sâu đậm những đóng góp tạo hình quan trọng của người công giáo việt nam vào văn hóa việt nam. Nếu từ thế kỷ X, Tam giáo đã đưa cho văn hóa việt nam một chìa khóa văn học là chữ nho để đi vào văn hóa Á đông, thì từ thế kỷ XIX, Công giáo đã tìm cho văn hóa việt nam một dụng cụ mới là chữ quốc ngữ , nhờ đó, văn hóa việt nam mở ra với văn hóa Âu Mỹ và văn hóa toàn cầu. Trong một bài thuyết trình mới đây, ngày 04.05 2003, do Ban Thư Viện tổ chức tại Giáo Xứ Việt Nam Paris, giáo sư Trần Văn Cảnh đã giúp chúng tôi nhìn rõ hơn về vai trò của Công Giáo như là một trong những yếu tố cấu tạo của văn hóa việt nam khi ông nói : «Ba nền văn học đã lần lượt xuất hiện tại Việt Nam : Văn học chữ hán, từ thế kỷ X đến XX, văn học chữ nôm, từ thế kỷ XIII đến XX, và văn học quốc ngữ từ thế kỷ XIX cho đến ngày nay, thành độc tôn. Văn học quốc ngữ đã được văn hóa công giáo giúp sức nhiều hơn cả. Chữ quốc ngữ đã được các linh mục Âu châu sáng chế ra với sự cộng tác tích cực của các tín hữu Việt Nam. Ba người được biết đến nhiều hơn cả, trong những bước đầu của của văn học quốc ngữ là cố Alexandre de RHODES (1591_1660), ông Petrus TRƯƠNG VĨNH KÝ (1837-1887) và ông Paulus HUỲNH TỊNH CỦA (1834-1907). Nhờ văn học quốc ngữ, tâm trạng văn học chữ hán với mặc cảm tự ty "Thuật nhi bất trác" trước uy thế chữ nghĩa của Thánh Hiền đã dần dà lui vào dĩ vãng. Văn học quốc ngữ phát triển thêm tinh thần độc lập quốc gia và khuyến khích mạnh mẽ việc sáng tác văn, thơ, truyện ... của văn học chữ nôm. Khởi đầu văn học chữ quốc ngữ đã được phổ biến qua báo chí, «Gia Định báo » (1865), ..."Nam Phong tạp chí" (1917), ...Văn học chữ quốc ngữ đã xông xáo vào mọi lãnh vực : văn hóa, chính trị, khoa học, tôn giáo, xã hội, kinh tế, ...quốc nội, quốc ngoại, dân tộc, quốc gia, thế giới, ...đã vận dụng hết các thể loại : dịch thuật, biên khảo, sáng tác, ... và đã sáng tạo ra một nền văn xuôi mới, một nền thơ mới. Văn học quốc ngữ đã và đang phát triển cả nước cũng như khắp năm châu lục địa, có một tính chất thống nhất dẫu được xử dụng trong những hoàn cảnh rất khác biệt, theo đà văn hóa, khoa học, tân tiến, thế giới, để bảo trì và phát huy văn hóa bốn ngàn năm văn hiến ». (GXVN, số 195, 01.07.2003). « VĂN HÓA VÀ ĐỨC TIN », chúng tôi muốn nói lên rằng nước Việt Nam quê hương của chúng ta có nền văn hóa thật thâm niên và phong phú. Mà một nét đậm đáng coi như linh hồn của nền văn hóa đó là tâm thức tôn giáo của dân tộc Việt Nam. Kể từ khi có nền văn hóa cho đến ngày nay, tâm thức tôn giáo cao độ nhất, truyền thống nhất của Dân Tộc chúng ta, vẫn là tin vào Trời, thờ Trời, và từ đó, là tôn kính Tổ Tiên, là Đức Hiếu Thảo ... « VĂN HÓA VÀ ĐỨC TIN », chúng tôi nhận định rằng mọi tôn giáo ngoại sinh du nhập vào Việt Nam theo dòng lịch sử, như Khổng Giáo, Lão Giáo, Phật Giáo, Công Giáo, Hồi Giáo, Tin Lành ... đều phải hội nhập vào nền văn hóa bản địa, phải hòa đồng và thăng tiến niềm tin truyền thống, mới mong tồn tại giữa lòng Dân Tộc, mới đóng góp tích cực cho nền Văn Hóa Việt Nam và mới có thể phát triển lâu bền. « VĂN HÓA VÀ ĐỨC TIN », chúng tôi nói rõ rằng Đạo Công Giáo hay Đức Tin Công Giáo, ngay từ đầu, không những đã hội nhập tích cực mà còn thăng tiến nền văn hóa Việt Nam từ những điểm cơ bản nhất : niềm tin vào Trời, đức hiếu thảo, lòng tôn kính Tổ Tiên, ngôn ngữ, chữ viết, và văn thơ, kiến trúc ... « VĂN HÓA VÀ ĐỨC TIN », chủ yếu chúng tôi muốn nêu bật : là người Công giáo sống ở hải ngoại, chúng ta hãnh diện về nền văn hóa của Quê Hương và luôn noi gương tiền bối hoằng dương Đức Tin trong những nét đẹp của Văn Hóa Dân Tộc ». Ta có thể bảo rằng tình huống của văn hoá mục vụ đã được xác định với một điểm lợi cần phát triển là sự đóng góp tích cực và tạo hình của người công giáo trong việc sáng tạo chữ quốc ngữ và khai lập một nền văn học mới là văn học chữ quốc ngữ và một nền văn hoá mới là văn hoá khoa học, thuần lý và nhân bản, mà không quên những khó khăn hội nhập văn hoá vào một văn hoá bén rễ sâu vào tam giáo Phật-Lão-Khổng và hiện đang được cai trị với một chính thể cộng sản, duy vật, vô thần, độc đảng và độc tài. 4. DỤNG TƯỚNG ÐỂ DÙNG NHÂN LỰC ÐÚNG TÀI ÐỨC VÀ NĂNG KHIẾU Chữ TƯỚNG mà Tôn Tử coi là yếu tố nền tảng thứ tư phải xét mỗi khi thiết kế lập sách là «nói về trí, tín, nhân, dũng, nghiêm ». Ðỗ Mục giải thích rằng « Trí tìm hiểu cơ quyền, biết biến thông ; Tín thì không nghi ngờ về sự thưởng phạt ; Nhân thì yêu người mến vật, biết sự cần lao ; Dũng thì quyết thừa thắng thừa thế không chịu lần lữa ; Nghiêm thì lấy uy hình mà làm cho ba quân nghiêm túc. …. Không trí thì không biết hết được tình dân, không thể lường tính được sự đông vắng ở trong thiên hạ ; không nhân thì không thể cùng ba quân chịu chung cái nạn đói khát, vất vả ; không dũng thì không thể đoán định được điều ngờ để nẩy ra kế lớn ». Giả Lâm cho rằng « Chuyên dùng trí thì quay quắt, riêng thi nhân thì cố chấp, chỉ thủ tín thì ngu dại, cậy sức mạnh thì bạo hành, lệnh quá nghiêm thì tàn nhẫn. Năm đức ấy gồm đủ mà đều biết dem ra dùng một cách thích đáng thì có thể làm tướng súy được ». Vương Tích bảo rằng « Trí thì thấy trước khi việc chưa xẩy mà không hoặc, biết mưu toan mà không quyền biến ; Tín thì hiệu lệnh đúng mực ; Nhân thì tử tế và yêu thương, thu được lòng người ; Dũng thì hăm hở vì nghĩa mà không sợ, biết quả đoán ; Nghiêm thì lấy uy nghiêm mà làm cho lòng người không dám trễ nải. Năm điều ấy cùng hỗ trợ lẫn cho nhau, không thể thiếu được điều nào cả. Cho nên Tào Công nói : làm tướng nên đủ năm đức ấy ». Ngày nay, khi thiết lập chính sách, người ta chú tâm nhiều đến việc quản trị nhân viên và dùng đủ mọi phương pháp để nhân viên thành thạo, cộng tác, trách nhiệm và dấn thân. Năm đức tính phương pháp của Tôn Tử vẫn rất hợp thời : trí, tín, nhân, dũng và nghiêm. Năm đức tính này vẫn được coi là những đức tính căn bản của thuật lãnh đạo, mà người lãnh đạo phải nêu gương. Về việc quản lý nhân sự này, Ban Giám Ðốc Giáo Xứ ý thức rằng mục vụ là công việc chung của tín hữu, nhấn mạnh đến sự cộng tác của mọi người giáo dân, bàn họp với họ và tin tưởng vào khả năng và trách nhiệm của các cộng sự viên. Trong bài « Lời mở », Cha Mai Ðức Vinh viết về cách điều hành nhân viên cộng tác biên soạn sách « Văn Hoá và Ðức Tin ». Cách điều hành này cũng đã được áp dụng cho chính sách mục vụ văn hoá và cho cả việc điều hành chung ở Giáo Xứ. Ngài viết : « Vì thế ngay trong buổi họp đầu tiên, tối thứ sáu 22. 06. 2002, cả Ban Biên Tập và Trợ Bút đã nhất trí làm một công tác chung nhân dịp kỷ niệm Báo Giáo Xứ Việt Nam tái bản đúng 20 năm (1984-2004). Công việc chung đó là cùng nhau suy tư , tìm hiểu và biên soạn một cuốn sách trình bày đời sống Đức Tin trong Văn Hóa dân tộc, hôm qua và hôm nay, tại quốc nội cũng như tại hải ngoại. Dĩ nhiên, với thời giờ ít ỏi, khả năng hạn hẹp, chúng tôi không dám tự hào đào sâu hết mọi khía cạnh của một đề tài quá rộng lớn, hay đúng hơn của một kho tàng vô cùng phong phú này. Tuy ‘lực bất tòng tâm’, mỗi người mạnh dạn nhận một khía cạnh nhỏ và trình bày vấn đề theo vốn liếng và điều kiện khả dĩ, với chủ đích hoàn thành cuốn sách mang tiêu đề ‘VĂN HÓA VÀ ĐỨC TIN’ ». Thực ra cách quản trị nhân viên như vậy chỉ là áp dụng những nguyên tắc làm việc tổng quát mà Giáo xứ đã đưa ra và đã được trình bày trong bài nói về « Cách làm việc ở Giáo Xứ », đặc biệt là hai nguyên tắc thứ hai và thứ ba sau đây : · 2_ Ban Giám Đốc lãnh đạo bằng cách xướng xuất ra những mục tiêu, những đường hướng, rồi cùng Ban Thường Vụ và Hội Đồng Mục vụ đưa ra ngững chương trình và kế hoạch thực hiện, để từ đó, mỗi người và mọi người tự nguyện chấp hành và thực hiện. · 3_ Tất cả mọi giáo dân, mọi phần tử trong cộng đoàn, ai ai cũng được mời gọi để góp tài, góp lực, góp công, góp của vào các công việc mà BGĐ và HĐMV đã đề ra. Trong thực tế « Ban Giám Ðốc rõ rệt có cách cư xử chăm chỉ và khiêm tốn nhã nhặn. Họ lãnh đạo giáo xứ có tổ chức và phương pháp và họ không ngần ngại mời gọi các giáo dân cộng tác. Sự cộng tác mà BGÐ mới gọi giáo dân đóng góp không chỉ ở lãnh vực thực hiện, nhưng ở cả lãnh vực soạn thảo chương trình và kế hoạch. Trao trách nhiệm một cách tin tưởng, trong tâm tình kính trọng vào giáo dân đến nỗi tất cả các chức vụ trong Hội Ðồng Mục Vụ đều trao cho giáo dân, ngay cả chức chủ tích. Chỉ giữ cho mình trách nhiệm tuyên úy và đồng hành, là những trách nhiệm tối thiểu của các cha sở và cha phó đối với các đoàn thể của giáo xứ. Vai trò của giáo dân được nâng cao đến múc ấy thực là ít thấy, không chỉ ở những xứ đạo Việt Nam, mà ngay cả ở những xứ đạo Pháp ! Một cách nào đó, dù muốn dù không, BGD cần đến giáo dân. Và giáo dân, vói tính cách là thành phần dân Chúa, với ơn gọi làm tông đồ giáo dân có bổn phận giữ đạo và truyền đạo cũng cần phải liên lạc với hàng giáo phẩm và sự giúp đỡ của các linh mục và tu sĩ. Từ nhu cầu hỗ tương trên, Ban giám đốc đã cổ động và mời gọi các giáo dân cộng tác để tích cực và trực tiếp tham dự vào công tác mục vụ. Giáo dân đã nghe tiếng gọi của các giáo sĩ và đã gia nhập các hội đoàn công giáo tiến hành có sẵn, hoặc lập ra những nhóm, phong trào, hội đoàn mới. Tư vấn là công tác mục vụ chuyên biệt của các vị cố vấn : Ðịnh hướng, phối hợp, kiệm tra tổng kết là hành động mục vụ độc đáo của ban thường vụ ; trực tiếp tham gia mục vụ dể giữ đạo và truyền đạo là ơn gọi và sứ mệnh của toàn giáo dân. Rất nhiều giáo dân đã tham gia vào các công tác mục vụ trực tiếp này bằng cách hoặc tham gia vào Ban Ðại Diện các đon vị mục vu địa phương, hoặc tham gia vào các đoàn thể công giáo tiến hành địa phương và trung ương Paris. Mỗi người chọn lấy sinh hoạt và đơn vị, tùy theo khả năng, thời giờ, sức khoẻ. Dẫu là công tác tình nguyện, nhưng vì tự do chọn lựa, đa số các giáo dân sinh hoạt với tinh thần trách nhiệm và với những kết quả đáng kính phục ». Như vậy, quản trị nhân lực của văn hoá mục vụ đã được thiết kế trên nền tảng năm đức tính mà Tôn Tử đã đưa ra là trí, tín, nhân, dũng, nghĩa ; đồng thời nhấn mạnh đến bốn nguyên tắc căn bản là 1- sự lãnh đạo và gương sáng của Ban Giám Ðốc ; 2- sự cộng tác của mọi người tín hữu, giáo sĩ và giáo dân ; 3- bàn hỏi và quyết định tập thể và 4- tin tưởng vào khả năng và trách nhiệm của mỗi một cộng tác viên. 5. LẬP PHÁP ÐỀ TRỊ VIỆC CÓ PHƯƠNG PHÁP, TỔ CHỨC VÀ PHƯƠNG TIỆN Chữ PHÁP mà Tôn Tử coi là yếu tố thứ năm để thiết kế lập sách là « nói về khúc chế, quan đạo, chủ dụng ». Tào Công giảng rằng « Khúc chế là những thể lệ về bộ khúc, cờ phướn, chiêng trống ; quan là trăm quan, đạo là đường lương ; chủ dụng là khoản phí dụng của những cánh quân chủ yếu ». Lý Thuyên nói « Khúc là bộ khúc, chế là tiết độ ; quan là tước thưởng, đạo là đường ; chủ là coi giữ, dụng là đồ dùng của quân, đều là những phép thường phải săn sóc đến ». Trương Dự giảng rằng « Khúc là bộ khúc, chế là tiết chế ; quan là nói sự chia ra những chức phó tướng, đạo là đường vận tải lương thực ; chủ là người coi giữ những đồ dùng của quân, dụng là tính toán những vật phí dụng. Sáu điều ấy cốt yếu của việc dùng binh, cần phải xử trí cho phải phép ». Các nhà quản lý hiện nay nói đến phương pháp và nghiên cứu với những nguyên tắc, phương pháp và dụng cụ làm việc ; đến tổ chức với những chức phận, thứ bậc, liên hệ trong việc quyết định và hành sự ; đến những phương tiện với những lương bổng, thượng phạt, những phương tiện, dụng cụ, nhu yếu phẩm,…Có người bảo rằng đó là những tiến trình phụ giúp, như phương pháp, tổ chức nhân viên, phương tiện giao thông (processus de supports : méthodes, organisation, logistique) Về vấn đề lập PHÁP để trị việc cho có phương pháp, tổ chức và đủ phương tiện, trong bài « Lời mở », cha Mai Ðức Vinh không đề cập đến phương pháp và tổ chức riêng cho mục vụ văn hoá. Có lẽ ngài nghĩ rằng những nguyên tắc làm việc tổng quát đã đủ để áp dụng cho mục vụ văn hoá. Ðó là tám nguyên tắc tổng quát làm việc sau đây : 1- vì nhu cầu mục vụ, 2- gương lãnh đạo của ban giám đốc, 3- sự cộng tác của toàn giáo dân, 4- qui tắc tiến trình, 5- tổ chức hệ thống, 6- cải thiện và cầu tiến liên tục, 7- quyết định theo dữ kiện khách quan, 8- chia phần kết quả cho mọi người tham gia. Và có lẽ ngài nghĩ rằng sơ đồ tổ chức chung của giáo xứ cũng đã đủ để hướng dẫn những đơn vị mục vụ văn hoá. Sơ đồ này vẽ theo hình hành tinh vũ trụ : ở trung ương có Ban Giám Ðốc và Hội Ðồng mục vụ, vòng nhất có 7 địa điểm mục vụ, vòng hai có khoảng 10 hội đoàn và phong trào, vòng ba gồm trên 20 ban, nhóm, lớp,..tong đó có các đơn vị mục vụ văn hoá. Ngài chỉ đề cập đến sự tổ chức phân công trong việc biên soạn và viết : « VĂN HÓA VÀ ĐỨC TIN », có mục đích trình bày những điều khẳng định trên đây qua các bài nghiên cứu của nhóm thân hữu mà đa số thuộc Ban Biên Tập và Trợ Bút của Báo Giáo Xứ Việt Nam. Những bài đó mang tựa đề : 1. Niềm Tin Trong Văn Hóa Việt Nam (Gs Tạ Thanh Minh Khánh). 2. Đất Việt là Quê Hương Của Đạo Trời (Ls Lê Đình Thông). 3. Chữ ‘Trời’ Trong Một Số Cổ Thi Quốc Âm Việt Nam (Bs Nguyễn Văn Ái). 4. Đối Chiếu Các Tôn Giáo Ở Việt Nam Với Kitô Giáo (Lm Mai Đức Vinh). 5. Đạo Nào Cũng Giống Nhau (Lm Mai Đức Vinh). 6. Đức Tin Công Giáo Và Niềm Tin Phật Giáo (Ls Nguyễn Thị Hảo). 7. Cổ Nhạc Việt Nam trong Phụng Vụ Công Giáo (Gs Phương Oanh) 8. Hội Nhập Văn Hóa Qua Thánh Ca Việt Nam (Ns Nguyễn Khăc Xuyên) 9. Đức Hiếu Thảo hay Đi Đạo Không Phải Là Bỏ Cha Bỏ Mẹ (Bình Huyên). 10. Tôn Kính Tổ Tiên (Lm Mai Đức Vinh) 11. Đóng góp của Thơ Công Giáo Vào Việc Truyền Bá Tin Mừng (Pt Phạm Bá Nha) 12. Thư Mục Báo Chí Công Giáo Việt Nam (Lm Trtần Anh Dũng) 13. Cây Văn Hóa Việt Nam Trồng Tại Paris (Gs Trần Văn Cảnh) . Tóm lại, pháp chế của chính sách mục vụ văn hoá Giáo Xứ Việt Nam Paris đã được lập qui theo tám nguyên tắc tổng quát làm việc là 1- vì nhu cầu mục vụ, 2- gương lãnh đạo của ban giám đốc, 3- sự cộng tác của toàn giáo dân, 4- qui tắc tiến trình, 5- tổ chức hệ thống, 6- cải thiện và cầu tiến liên tục, 7- quyết định theo dữ kiện khách quan, 8- chia phần kết quả cho mọi người tham gia. Và sơ đồ tổ chức chung của Giáo Xứ cũng đã được áp dụng cho mục vụ văn hoá. Sơ đồ này vẽ theo hình hành tinh vũ trụ : ở trung ương có Ban Giám Ðốc và Hội Ðồng mục vụ, vòng nhất có 7 địa điểm mục vụ, vòng hai có khoảng 10 hội đoàn và phong trào, vòng ba gồm trên 20 ban, nhóm, lớp,..tong đó có các đơn vị mục vụ văn hoá. LỜI KẾT Qua phần trình bầy trên đây, nếu muốn tóm gọn chính sách mục vụ văn hoá của Giáo Xứ Việt Nam Paris, ta có thể dùng năm yếu tố căn bản lập kế của Tôn Tử mà giản yếu như sau. Ðường hướng ÐẠO nghĩa là Lời Chúa truyền cho các môn đệ phải đi rao truyền Phúc Âm cho muôn dân (Mt, 28, 19-20), Lời giáo huấn của Giáo Hội khuyên xử dụng những kho tàng văn hoá để phổ biến và giải thích cho muôn dân sứ điệp của Chúa Kitô ( Gaudium et Spes, 58, Ad Gentes, 12-34), đặc biệt là truyền thống tâm linh Á châu (Acclesia in Asia, 6), qua mọi lãnh vực và hình thái của văn hoá : văn học, nghệ thuật cũng như xã hội, giáo dục ; bác học văn tự cũng như bình dân truyền khẩu. Môi trường THIÊN thời đã được nhận diện dưới nhiều khía cạnh, từ môi trường địa dư của một cộng đoàn ngoại kiều ở Paris ; qua môi trường lịch sử của một cộng đoàn văn hoá Việt Nam gốc Âu Lạc Bách Việt, với sự hội nhập của văn hoá Án Phật, Lão Trang và Khổng Mạnh trong 1050 năm Bắc thuộc, từ -111 đến 939, rồi Công Giáo từ thế kỷ XV ; đến môi trường xã tính với một đối tượng thị trường to lớn gồm từ 43 đến 47 ngàn người Việt nam, trong đó có khoảng từ 13 đến 16 ngàn người công giáo, với những liên lạc ngoại bộ cần duy trì và phát triển : Toà Tổng Giám Mục Paris, Liên tu sĩ Việt Nam tại Pháp, các cộng đoàn công giáo Việt Nam tại Pháp, tại Âu Châu và tại các châu lục khác, Giáo Hội Mẹ Việt Nam, các cộng đoàn Việt Nam ở Paris và ở Pháp,.. ; Tình huống ÐỊA lợi đã được xác định với một điểm lợi cần phát triển là sự đóng góp tích cực và tạo hình của người công giáo trong việc sáng tạo chữ quốc ngữ và khai lập một nền văn học mới là văn học chữ quốc ngữ và một nền văn hoá mới là văn hoá khoa học, thuần lý và nhân bản, mà không quên những khó khăn hội nhập văn hoá vào một văn hoá bén rễ sâu vào tam giáo Phật-Lão-Khổng và hiện đang được cai trị với một chính thể cộng sản, duy vật, vô thần, độc đảng và độc tài. Quản trị nhân lực TƯỚNG tốt đã được thiết kế trên nền tảng năm đức tính mà Tôn Tử đã đưa ra là trí, tín, nhân, dũng, nghĩa ; đồng thời nhấn mạnh đến bốn nguyên tắc căn bản là 1- sự lãnh đạo và gương sáng của Ban Giám Ðốc ; 2- sự cộng tác của mọi người tín hữu, giáo sĩ và giáo dân ; 3- bàn hỏi và quyết định tập thể và 4- tin tưởng vào khả năng và trách nhiệm của mỗi một cộng tác viên. Qui định PHÁP chế đã được lập qui theo tám nguyên tắc tổng quát làm việc là 1- vì nhu cầu mục vụ, 2- gương lãnh đạo của ban giám đốc, 3- sự cộng tác của toàn giáo dân, 4- qui tắc tiến trình, 5- tổ chức hệ thống, 6- cải thiện và cầu tiến liên tục, 7- quyết định theo dữ kiện khách quan, 8- chia phần kết quả cho mọi người tham gia. Và sơ đồ tổ chức chung của Giáo Xứ cũng đã được áp dụng cho mục vụ văn hoá. Sơ đồ này vẽ theo hình hành tinh vũ trụ : ở trung ương có Ban Giám Ðốc và Hội Ðồng mục vụ, vòng nhất có 7 địa điểm mục vụ, vòng hai có khoảng 10 hội đoàn và phong trào, vòng ba gồm trên 20 ban, nhóm, lớp,..tong đó có các đơn vị mục vụ văn hoá. Lập được chính sách, quả là một công việc quan trọng. Nhưng chính sách sẽ vô nghgĩa và trống rỗng, nếu không có những hành động cụ thể. Nói khác đi, nếu câu hỏi thứ nhất hỏi rằng « Làm thế nào để phác thảo một chính sách mục vụ văn hoá ? » là quan trọng để đưa ra được những nguyên tắc căn bản để hành động, thì loạt câu hỏi thứ hai liên hệ đến sự thực hiện những hành động mục vụ văn hoá mới là quyết định, thực tế và hữu hiệu. Những hành động văn hoá nào đã được thực hiện, có thể được thực hiện, phải được thực hiện, theo ưu ti ên nào ? Nên thiết lập một chương trình hành động mục vụ như thế nào, theo những tiêu chuẩn nào, trong lãnh vực nào ?
Mai Ðức Vinh : Lới mở ; trong « Văn Hoá và Ðức Tin » ; Paris : Giáo Xứ Việt Nam ; 2004, tr. 11-17 Nguyễn Long Thao ; « Hoạt Động Văn Hóa của Giáo Xứ Việt Nam tại Paris » đăng trên http://vietcatholic.net/news/ vào năm 2004 và hiện còn đăng trên http://www.dunglac.net Tôn Ngô binh pháp, bọn Tào Tháo mười nhà chú thích (Ngô Văn Triện dịch) ; tr. 23-24 Tôn ngô, sđd, tr. 23-24 Tôn ngô, sđd, tr. 25-26 Mai Ðức Vinh, sđd, tr. 11-13 Trần Văn Cảnh ; Công việc của ban giám đốc Giáo xứ Việt Nam Paris , tr. 1 Tôn ngô, sđd, tr. 27-28 Kỷ Yếu, sđd, tr. 51 Mai Ðức Vinh, sđd, tr. 14 Trần Văn Cảnh ; Công việc của ban giám đốc Giáo xứ Việt Nam Paris , tr. 3 Tôn Ngô, sđd, tr. 28 Mai Ðức Vinh, sđd, tr. 13-15 Tôn Ngô, sđd, tr. 28-29 Mai Ðức Vinh, sđd, tr. 14 Trần Văn Cảnh ; Cách làm việc ở Giáo xứ Việt nam Paris ; tr. 3 Trần Văn Cảnh ; Sứ mệnh của Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ Việt Nam Paris , tr. 7-8 Tôn Ngô, Sđd, tr. 29-30 Trần Văn Cảnh ; Cách làm việc ở Giáo xứ Việt nam Paris ; tr. 3 Trần Văn Cảnh ; Công việc của ban giám đốc Giáo xứ Việt Nam Paris , tr. 2
Tác giả
Gs. Trần Văn Cảnh
|