.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Chương I: Chính sách Mục Vụ Văn Hoá

Chương II: Mục vụ Văn Hóa Thuyết trình Hội Học

Chương III: Mục Vụ Văn Hoá Báo chí

Chương IV: Mục vụ văn hóa Thư liệu: Thư viện giáo xứ

Chương V: Mục vụ văn hoá tu thư tập thể

Chương VI: Giới thiệu sách « Kỷ yếu 50 năm thành lập Giáo Xứ Việt Nam Paris 1947-1997 »

Chương VII: Giới thiệu sách « Ðường vào tình yêu »

Chương VIII: Giới thiệu sách « Văn Hóa và Ðức tin »

Chương IX: Giới thiệu sách « Văn Hóa Gia Ðình »

Chương X: Giới thiệu sách « Tân Lịch Sử Giáo Hội »

Chương XI: Mục vụ Văn Hóa Mạng Lưới Tin Học

Chương XII: Tổng kết về Mục Vụ Văn Hóa

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Mục Vụ Văn Hóa ở Giáo Xứ Việt Nam Paris
Tác giả: Gs. Trần Văn Cảnh
CHƯƠNG III: MỤC VỤ VĂN HOÁ BÁO CHÍ

Dự án mục vụ tổng quát cơ bản 1980-1983 đã được phác thảo và thực hiện với những kết quả tốt đẹp : tiếp tục đáp ứng các nhu cầu xã hội tiếp đón và giúp đỡ đồng bào Việt nam ổn định trong công ăn việc làm ; cải tiến, đoàn ngũ và tổ chức các địa điểm mục vụ và đơn vị mục vụ công giáo tiến hành ; tạo lập Hội Ðồng Mục Vụ, Ban Cố Vấn, Ban Thường Vụ. Trong phạm vi văn hoá, nhóm Thần Học Giáo Dân đã được thành lập vào năm 1980. Nhóm này đã khởi xướng tổ chức các buổi thuyết trình hội học từ năm 1981. Một chương trình mới cần phải được thiết kế. Ðó là lý do khiến cha Mai Ðức Vinh đã đề nghị với Ban Giám Ðốc và Ban Thường Vụ của Hội Ðồng Mục Vụ những hoạt động mới trong một dự án mục vụ mới 1984-1989. Năm điểm chính yếu đã được đưa ra và đã được thựchiện :

  • Phát hành Báo Giáo Xứ, bộ mới (1984),
  • Cải tiến việc giáo dục giáo lý và văn hoá Việt Nam cho Ấu Thiếu Nhi và lập Ðoàn Thiếu Nhi Thánh Thể (1986),
  • Chương trình tu bổ cơ sở, lập sổ vàng và vận động xin một nhà nguyện rộng lớn hơn (1986),
  • Phát huy lễ hội văn hoá, khởi xướng bữa tiệc xuân giáo xứ (1986),
  • Ðào tạo nhân sự giáo sĩ, đề nghị phong chức phó tế vĩnh viễn (1987) và lập « Hội yểm trợ ơn gọi tận hiến » (1989).

 

Trong năm việc này, báo chí có lẽ là hoạt động độc đáo văn hoá hơn cả và có lẽ đã được cha giám đốc Mai Ðức Vinh đặc biệt lưu tâm. Ngài đã đề nghị với Ban Giám Ðốc và với nhiều giáo dân làm sao thực hiện cho cộng đoàn một tờ báo. Làm việc này, cha Mai Ðức Vinh đã tiếp tục công việc mà các vị tiền nhiệm đã thực hiện. Báo chí là việc mà các vị trách nhiệm Giáo Xứ đã làm, từ ngày giáo xứ được thành lập và hầu như liên tục, qua nhiều tên khác nhau[1]. Cuối năm 1983, Ban Thường Vụ đã quyết định va đã được Ban Giám Ðốc chấp thuận phát hành tờ báo Giáo Xứ Việt Nam, bộ mới, nguyệt san. Cho đến hôm nay « Giáo Xứ Việt Nam » là tên tờ báo của Giáo Xứ. Số đầu tiên phát hành ngày 01/02/1984 và số mới nhất phát hành ngày 01.04.2007. Ðể giới thiệu Báo Giáo Xứ Việt Nam, trước nhất xin trải cái nền tờ Báo Giáo Xứ nói lên đối tượng chính yếu là đáp ứng nhu cầu độc giả. Thứ đến, xin vẽ bức Chân dung những độc giả đã đến với Báo Giáo Xứ từ hai mươi ba năm nay, 1984-2007. Và sau cùng, xin giới thiệu những cây bút nòng cốt của ban biên tập.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

          Báo GIÁO XỨ VIỆT NAM,
           sô 1, ra ngày 01.02.1984

 

 

 

 

 

 

 

 

  

 

   Báo GIÁO XỨ VIỆT NAM, số 232, 
                         ra ngày 01.04.2007 

 

1. BÁ0 GIÁO XỨ VIT NAM 

 

Để giới thiệu tờ báo Giáo Xứ Việt Nam, tôi xin dặt và trả lời bốn câu hỏi căn bản này : do ai làm ra, nhằm mục dích gì,  để đáp ứng nhu cầu nào và lấy nội dung hình thức nào ?

 

11. Ai thành lập và cộng tác ?

Được thành lập vào ngày 30-10-1983, Hội Đồng Mục Vụ tiên khởi của Giáo Xứ đã phác họa một chương trình hoạt động, trong đó văn hoá và báo chí là những lãnh vực chiếm một chỗ đứng rất quan trọng. Ban Giám đốc Giáo Xứ và Cha Giám Đốc Mai Đức Vinh đã chấp nhận dự án này.

Hai tuần sau, ngày 12.11.1983, một ban báo chí của Hội Đồng Mục Vụ đã được thành lập. Trong phiên họp sáng lập ban báo chí này, những vấn đề chính yếu liên hệ đến việc phát hành một tờ báo đã được đề cập. Tham dự buổi họp có sáu người, việc phân công tương đối dễ dàng. Bốn người lo viêc viết là Cha Vinh, Cha Sách, Giáo sư Khánh và Giáo sư Cảnh. Hai người lo về quản trị : bà Thái, với tính cách là thủ quĩ của Ban Thường Vụ, nhận đảm nhiệm việc thâu tiền và giữ quĩ cho tờ báo, Ông Ðạt, với tính cách là phó thủ quĩ của Ban Thường Vụ nhận lo việc xếp báo và phát báo. Ông bà Bằng Lan nhận giúp việc in ấn, nhưng bận việc không đến tham dự buổi họp. Một người lo việc điều hành tổng quát là cha Vinh. Khi bàn đến vấn đề sứ mệnh, tên gọi và nội dung thì có nhiều ý kiến khác nhau. Về sứ mệnh, người thì cho rằng sứ mệnh chính yếu là là mục vụ, kẻ bảo rằng việc truyền giáo là quan trọng ; người thì nêu ra sứ mệnh văn hoá việt nam, kẻ thì đề cập đến việc tương thân tương trợ giữa người Việt Nam. Trong những sứ mệnh vừa được nêu ra ấy, sứ mệnh nào cũng chính đáng cả. Nhưng sau một lúc trao đổi ý kiến, ai cũng thấy rằng thông tin và liên lạc là hai sứ mệnh chủ yếu của một tờ báo, cơ quan truyền thông. Nhưng thông tin về những vấn đề gì và liên lạc giữa những ai ? Về những vấn đề mà mọi người đã nêu ra như là sứ mệnh của tờ báo, thì chữ « Giáo Xứ Việt Nam » tóm gọn hết những sứ mệnh ấy. Thế là dễ dàng và ngắn gọn, tên tờ báo đã được chọn lựa. Cha Mai Ðức Vinh đề nghị nội dung chính yếu của tờ báo sẽ xoay quanh các vấn đề sinh hoạt của một giáo xứ, mà đức tin là nền tảng, là khởi đầu và cùng đích. Giáo sư Cảnh đề nghi thêm vào ý tưởng « không bỏ quên khía cạnh văn hoá của làng xã và văn chương Việt nam », cũng không quên đời sống « bây giờ và ở đây ». Từ những trao đổi trên, ba đề tài chính đã được đưa ra để phác thảo cho nội dung tờ báo : Ðức tin, Văn hoá Việt Nam và thời sự tin tức. Tổng thể như vậy thì tên của tờ báo rất có « danh chính ». Cho cơ quan thông tin và liên lạc của Giáo xứ Việt Nam vùng Paris, thì còn tên nào chính danh hơn tên báo « Giáo Xứ Việt Nam » ? Nói về đức tin, trọng tâm của xứ đạo, nói về văn hoá Việt Nam, nét độc dáo của xứ đạo Việt Nam, và nói về tin tức liên quan đến xứ đạo, đến Việt Nam, đến vùng Paris, không gian và thời gian của Giáo Xứ Việt Nam Paris, còn lời nào có « ngôn thuận » hơn cho nội dung của tờ báo « Giáo Xứ Việt Nam » ? Cả sáu người tham dự buổi họp, Cha Mai Đức Vinh, cha Đinh Đồng Thượng Sách, giáo sư Trần Văn Cảnh, giáo sư Tạ Thanh Minh Khánh, Bà Nguyễn Thị Thái và Ông Nguyễn Tiến Đạt, quyết định khởi sự tái bản bộ báo mới, lấy tên là báo GIÁO XỨ VIỆT NAM.

Số đàu tiên đã được phát hành vào ngày 01-02-1984. Tới nay được 23 năm, mỗi năm 10 số, hai tháng 8 và 9 báo nghỉ hè. Mỗi số dầy 36 trang, khổ giấy A4. Số trang không hề thay đổi từ 23 năm nay, từ 1984 đến 2007, luôn luôn giữ đúng 36 trang. Mỗi tháng hiện nay in 1350 số. Mọi việc đánh máy, trình bày, lên khuôn, ấn loát, phát hành đều làm tại Giáo Xứ. Hầu như mọi việc hoàn toàn do những giáo dân tự nguyện, từ viết bài đến phát hành, nên giá báo hàng năm chỉ có 30 Euros. Vì thế nhiều độc gỉa ‘‘quên giúp tiền báo’’, báo vẫn tạm đủ để gửi báo cho bưu điện, bảo trì máy móc, mua giấy, bản kẽm và các chất liệu cần thiết cho việc ấn loát. Trong những năm đầu, số trợ bút cộng tác rất hữu hạn, chính yếu gồm 4 người trong ban sáng lập là hai linh mục, cha Mai Ðức Vinh và cha Ðinh Ðồng Thượng Sách và hai giáo dân, giáo sư Trần Văn Cảnh và giáo sư Tạ Thanh Minh Khánh. Ðó là một trong những lý do khiến cha Giám Ðốc không dám ghi tên ban biên tập trên các số báo ở những năm đầu. Ngày nay trợ bút đông đảo hơn và số người cộng tác tương đối đều đặn và rõ ràng hơn. Ngay trang 2, lưng bìa, một ban biên tập cũng đã được nêu tên minh bạch : Linh mục Mai Đức Vinh (LM Giuse, MĐV, Mai Đức, Đức Vinh, Du Sinh), thầy Phạm Bá Nha (Thi Chương, Thérèse Trinh, Michel Phạm Mỹ, Trinh Nguyên), Bác sỹ Nguyễn Văn Ái (Vân Uyên), Giáo sư Trần Văn Cảnh (Văn Hương, Thanh Hương), Linh mục Thi sỹ Ðinh Ðồng Thượng Sách (Cung Chi, Chổi Cùn Giáo Xứ, Lương Nhi Tử), Ông Nguyễn Văn Tài (Hoàng Anh Tài, Nhân Chí Dũng), Bà Tạ Thanh Minh Khánh, Bà Marie Catherine Thu Nguyệt (Tuyết Hằng), Ông Phan Hữu Lộc, Ptvv Nguyễn Văn Thạch, Luật sư Lê Đình Thông, Trần Vũ.

Đánh máy và trình bày : Nữ tu Thân Thị Kim Liên, ông Vũ Đình Khiêm, Linh mục Mai Đức Vinh, Thầy Nguyễn Văn Thạch, Thầy Phạm Bá Nha, Thầy Tạ Ðình Chung.

Kỹ thuật ấn loát : Phạm Quang Tòng, Ông Nguyễn Hoàng, Ông Nguyễn Sơn. 

Phát hành: Bà Justinienne Roger, Bà Nguon Khánh Huệ, Bà Agnès Danh, bà Trần Vinh, bà Mai Thị Đảm, Bà Nguyễn Thị Qúy, Anh Nguyễn Văn Tốt, Anh Phan Hải, Anh Trần Huynh, Anh Nguyễn  Hoàng, Ông bà Nguyễn Qúi Toàn, Ông Trần Văn Đoàn, Ông Nguyễn Xuân Cần, Ông Phan Ðình Lâm, Bà Trần Thị Tuyết, bà Nakamura Nobuko

 

12. Mục tiêu để làm gì ?

Ngày 12.11.1983, trong phiên họp  đầu tiên của mình, ban báo chí báo ‘GIÁO XỨ VIỆT NAM’ đã xác định mục tiêu cho tờ báo như sau : ‘Giáo Xứ Việt Nam’ sẽ là sợi dây liên lạc nối liền Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam vùng Paris và phụ cận. Nó cũng là phương tiện để mọi giáo hữu rõ được sinh hoạt của Giáo Xứ, để cùng góp ý, xây dựng, đóng góp công của, làm sống mạnh Giáo Xứ Việt Nam’

Trong số ra mắt, số 1, ngày 01 tnáng hai năm 1984, linh mục giám đốc giáo xứ, đồng thời là chủ nhiệm và chủ bút MAI ĐỨC VINH đã viết mấy lời  ngỏ để xác định mục tiêu như sau : « Mùa xuân Giáp Tý này, đời sống của cộng đoàn ta viết thêm hai trang sử mới. Hội  Đồng Mục Vụ chính thức hoạt động phục vụ cộng đoàn và Giáo Hội, theo tinh thần và trách nhiệm tông đồ giáo dân. Báo Giáo Xứ Việt Nam được phát hành lại nối kết chặt chẽ hơn nếp sống của từng người, từng gia đình với nếp  sống của cộng đoàn và của cả Giáo Hội Quê Hương. Hội  Đồng Mục Vụ hoạt động tốt, Báo Giáo Xứ Việt Nam phổ biến mạnh sẽ làm rạng rỡ mọi sinh hoạt khác của cộng đoàn ; đúng hơn, sẽ biến cộng đoàn thành mùa xuân vời vợi sức sống đạo đức, xã hội và văn hóa. Đã  nhiều năm bao nhiêu người từng mong ước cho cộng đoàn vươn tới mùa xuân này. Chúa đã khấng nhận ước nguyện chân thành ấy, Chúa đang giơ tay chúc phúc cho thiện ý của cộng đoàn chúng ta : Hội  Đồng Mục Vụ và Báo Giáo Xứ Việt Nam sẽ mãi là vườn xuân của cộng đoàn. Muốn thế, mỗi người chúng ta phải góp tay vào với Chúa : người trồng hoa cúc, kẻ tưới bông hồng, mỗi người một việc bảo vệ và tô điểm vườn xuân cộng đoàn của Chúa. Hiệp nhất và cộng tác là điều kiện tất yếu để : Hội  Đồng Mục Vụ thực hiện được những chương trình ích lợi cho cộng đoàn. Báo Giáo Xứ Việt Nam được phổ biến rộng rãi, đáng là tiếng nói của Cộng Đoàn.

 

13. Để đáp ứng nhu cầu nào của độc  giả công giáo việt nam ? 

Sau khi đã xác định mục tiêu, ban Báo Giáo Xứ Việt Nam đã đặt cho mình câu hỏi này : ‘Phải dáp ứng nhu cầu nào của độc giả ?’ Cuối năm 1983, ngay sau quyết định của Hội đồng Mục vụ ngày 30.10.1983 cho phát hành báo ‘GIÁO XỨ VIỆT NAM’, tôi có phỏng vấn  một số các ông bà hay lui tới với Giáo xứ xem họ mong mỏi gì ở tờ báo sẽ được ấn hành. Đại cương bốn nhu cầu đã được bày tỏ.

Nhu cầu tin tức. Báo chí và truyền thanh truyền hình ở Pháp có nhiều, nhưng hoặc vì kiến thức pháp văn không đủ, hoặc vì lòng yêu tiếng mẹ, người công giáo Việt Nam nào ở Pháp cũng muốn được biết tin tức bằng tiếng việt : tin về các sinh hoạt cụ thể hàng ngày của giáo xứ, từ lịch lễ lậy, bí tích đến các sinh hoảt đặc biệt về văn hoá, xã hội ; tin về Tòa thánh Vatican, về Giáo hội hoàn vũ, về Giáo hội Việt Nam,  về Giáo Xứ Việt Nam ; tin về thế giới, về Á châu, về các Cộng đoàn Việt Nam trên thế giới, về quê hương Việt Nam,...

Nhu cầu học hiểu giáo lý và bồi dưỡng đức tin. Hàng ngày vật lộn với cuộc sống vất vả, đức tin công giáo cần phải được bồi dưỡng và hâm nóng qua những bài vắn gọn, giải thich phúc âm, cắt ngiã giáo lý và bí tich, tường thuật những gương lành thánh của lịch sử giáo hội và của cuộc sống giáo hội hiện đại. Đó là nhu cầu  mà nhiều người công khai xác nhận.

Nhu cầu  văn hoá và văn học Việt nam. Sống xa quê hương, hàng ngày phải dùng tiếng ngoại quốc nhiều hơn là tiếng việt nam, văn thơ việt nam quên dần, nhiều người ước ao được đọc lại những câu ca dao tục ngữ, những vần thơ bình dân lục bát, những áng văn  vắn gọn tiếng việt, những bài phân tích về phong tục, lịch sử, văn minh việt nam, những phóng tác, phóng sự về điạ dư, chính trị, kinh tế việt nam,..

Nhu cầu  đơn sơ sáng sủa. Về hình thức, ai cũng chỉ ước ao có một tờ báo ngắn gọn, đơn sơ, dể đọc, dễ hiểu ; không cần plải có mầu. Bìa và trình bày chỉ cần sáng sủa 

 

14. Lấy nội dung hình thức nào ?

Chiều theo những nhu cầu trên, ban biên tập báo ‘GIÁO XỨ VIỆT NAM’ đã lấy hai quyết định tạo hình chất lượng cho tờ báo :

Về nội dung : Bốn đề tài quan trọng, chiếm một số trang tương tự trong mỗi số báo là : tin tức ; các đề tài có mục đích học hiểu giáo lý và bồi dưỡng đức tin ; các bài  có nội dung văn minh, văn hoá và văn chương việt nam ; các bài đề cập đến đời sống hàng ngày của Giáo Xứ. Bốn thể loại thường năng dùng là : Biên khảo ngắn ; Tường thuật, phóng sự, bút ký, hỏi thưa, Truyện ngắn ; Thơ

Về quản trị, kỹ thuật và hình thức : Ban quản trị rất đơn giản, chính thức chỉ có cha Mai Đức Vinh trách niệm ; Về kỹ thuật : với những phương tiện đơn giản mà Giáo Xứ có : Đánh máy bằng chữ IBM, tiếng pháp, rồi bỏ dấu tiếng việt. Khổ giấy A4 đánh máy xong, mang làm bản sao (photocopie), rồi xiết kẽm lại, gởi đi cho độc giả. Hình thức cũng lấy nguyên tắc đơn giản làm chỉ nam. Chữ là quan trọng. Vẽ được giới hạn vào trang bià và để lấp những chỗ trống. Họa huần một vài bức hình cần thiết đã được sao lại với những kỹ thuật đơn giản của Giáo Xứ. 

 

2. CHÂN DUNG ÐỘC GIẢ  BÁO GIÁO XỨ VIỆT NAM

 

Phương pháp thông dụng nhất để vẽ chân dung độc giả một tờ báo là dùng bốn nét đậm sau đây : sĩ số, chỗ ở, tuổi tác và phản ứng. Thêm vào đó, để đi lùi về quá khứ và tiến xa vào tương lai, xin mộng vẽ bức hình độc giả lý tưởng

 

21. Sĩ số độc giả báo Giáo Xứ là bao nhiêu ?

Khởi thủy vào số phát hành  ngày 1-2-1984, số độc giả ghi tên mua báo Giáo Xứ đếm được khoảng  200. Ba bốn tháng sau, trước khi nghỉ hè vào tháng bảy 1984,  số độc giả tăng lên gấp đôi, đếm được khoảng 400. Một năm sau, khoảng đầu năm 1985, sỉ số độc giả gởi tiền ghi tên mua báo Giáo Xứ  đếm được khoảng  trên dưới 800. Vào những năm này, tôi cùng cộng tác viết cho hai tờ báo khác : ’Dân Chúa Ău châu’ (phát hành  từ tháng giêng năm 1982 tại Đức) và ‘Chiến Hữu‘ ( phát hành  từ tháng năm năm 1982 tại Paris). ’Dân Chúa Ău châu’ được bao nhiêu độc giả thì tôi không rõ lắm. ‘Chiến Hữu‘, theo lời ông chủ nhiệm nói với tôi, sau ba năm phát hành, chỉ được khoảng hai ba trăm. Nhưng số độc giả báo Giáo Xứ không ngừng ở số 800. Năm 1998, dọn về số 38, đường  Epinettes, quận 17 Paris, số độc giả tăng vọt hẳn lên đến 1000 người. Rồi tháng giêng 2004, số độc giả đếm được 1350. Hôm nay, tháng hai 2007, số độc gia cũng ở số 1350.

Biểu đồ sau đây vẽ ra đường lên của sĩ số độc giả báo Giáo Xứ từ số khai trương tháng hai 1984 dến số tháng hai 2007 hôm nay.

 

22. Các độc giả đến từ đâu ?

50 số báo gởi cho những người ở ngoại quốc và Việt Nam. Đại đa số độc giả báo Giáo Xứ là những người sống ở Pháp. Họ chiếm tới 1300 ngưới. Trong số những độc giả sống ở Pháp, 350 người cư trú tại các miền tỉnh hoặc trong hai tỉnh  Les Yvelynes 78 và Seine-et-Marne 77 vùng Paris. 950 người  còn lại cư trú trong sáu tỉnh vùng Paris, là Paris 75, Essonne 91, Hauts-de-Seine 92, Seine-Saint-Denis 93, Val-de-Marne 94 và Val-d’Oise 95.

 

Chỗ ở

Sĩ số

Ngoại quốc và Việt Nam

50

Độc giả sống tại Pháp

Vùng tỉnh

350

Vùng Paris

950

Tổng cộng

1350

 

23. Các độc giả thuộc lớp tuổi nào ?

Độc giả báo Giáo Xứ gần như hoàn toàn thuộc lớp tuổi trưởng thành.

70%  là những tráng niên hoặc quan viên. 80% trong số này hay có ý kiến gởi về toà soạn. Đa số các ý kiến đều liên hệ đến chính tả hoặc kỹ thuật ấn loát. Đôi khi có ý kiến liên hệ đến nội dung. 20% khác, gởi tiền mua báo, nhận báo, nhưng không biết có đọc hay không, vì không bao giờ nhận được phản ứng của họ.

30% là những bậc lảo thành, trên 60 tuổi, đã về hưu. Đây là những độc giả linh động và tích cực nhất. Họ có nhiều phản ứng và phản ứng nhanh. Họ hay gọi giây nói hỏi chuyện mỗi khi báo trễ, hoặc thất lạc, Họ đóng tiền rất đều. Một số người đóng thêm để giúp báo Giáo Xứ, hoặc đóng tiền, nhờ gởi báo Giáo Xứ  tặng cho một số độc giả khác.

 

24. Phản ứng  của độc giả ra sao ?

Trong suốt hai mươi năm qua, mỗi năm một lần, ban biên tập họp lại, để kiểm diểm việc làm năm qua và định hướng cho năm tới, trong đó phản ứng của độc giả luôn luôn được lưu tâm một cách cẩn trọng. Rồi trung bình cứ ba bốn năm chúng tôi thường thay nhau tìm hiểu phản ứng của độc giả một cách kỹ lưỡng hơn. Trong tháng mười hai 2003, tôi có làm ba cuộc phỏng vấn chớp nhoáng. Mỗi lần tôi gặp khoảng mươi mười lăm người  và chỉ đặt hai câu hỏi :

Bạn hay đọc những bài nào nhất trong báo Giáo Xứ ? Những câu sau đã được trả lời : Tôi hay đọc tin tức, đọc thơ, đọc các mẫu gương sống, như bài ‘Mẹ Têrêxa‘,..Những bài  vắn gọn tôi đều đọc, như về phụ nữ, về giáo duc. Tôi đều có rở qua một lượt hết các bài. Những bài dài quá, tôi sợ, không đọc. Một vài số báo có quá nhiều bài về một đề tài cũng làm tôi sợ, hết muốn đọc.

Bạn có đề nghị gì để cải tiến báo Giáo Xứ ? Tôi đề nghị xin thêm bài vở về giới trẻ, về các sinh hoạt của các đơn vị mục vụ, về các thánh việt nam. Tôi đề nghị xin có nhiều hình ảnh hơn. Tôi đề nghị làm sao cho người trẻ cộng tác viết cho báo Giáo Xứ nhiều hơn. Tôi  chẳng có đề nghị gì, chỉ xin cám ơn quí vị đã góp công góp tài xây dựng Giáo Xứ. Đó cũng là nội dung bức thư đề ngày 05.01.2001, mà bà Trần M. T. gởi cho cha Chủ Nhiệm qua những dòng sau đây :

Kính gởi cha Mai Đức Vinh,

Chủ Nhiệm báo Giáo Xứ Việt Nam tại Paris

Con xin cám ơn cha và tất cả quí vị biên tập viên toà soạn. Xin Chúa và Mẹ lành ban ơn soi sáng cho quí vị càng ngày càng làm sáng danh Chúa qua tin tức và lời văn trong cộng đoàn Công Giáo Giáo Xứ vùng Paris.

Hàng ngày con cầu nguyện cho quí vị được ơn bền vững cho đến cùng.

Độc giả

Trần M.-T.

 

25. Ðộc giả lý tưởng

Một trong những khoa học thư liệu càng ngày càng được chú ý là khoa ‘Phân tích nội dung’. Người ta dùng khoa này, để phân tich nội dung một nền văn minh, hầu tìm ra phong cách xả hội của các thành viên của nền văn minh ấy ; để phân tich nội dung một tờ báo, hầu tìm ra phong cách độc giả của tờ báo ấy. Các nhà quảng cáo đã dùng phương pháp này để xác định giai cấp xã hội và khả năng tài chính của các độc giả của một tờ báo, hầu quyết định phải chọn báo nào để đăng quảng cáo.

Trong một phiên họp vào tháng 10 năm 2003, một thành viên trong Ban Biên Tập báo Giáo Xứ đã đặt cho tôi câu hỏi này : ‘Theo ông, trong tổng thể, phong cách độc giả của báo Giáo Xứ mình sẽ ra làm sao ? Ai là độc giả lý tưởng của báo Giáo Xứ mình ?’ Tôi không ngần ngại trả lời ngay : ‘Tôi theo dõi nội dung các số báo Giáo Xứ một cách đều đặn. Tôi cũng đả được hân hạnh đọc tài liệu dày 63 trang ‘Mục lục phân tích Nguyệt san Giáo Xứ Việt Nam 1984-2003’ của thày sáu Phạm bá Nha. Tôi thấy rằng trong tổng thể, tờ báo Giáo Xứ của ta bày tỏ một tình huynh đệ Việt Nam rõ rệt. Nó chuyên chở cái văn minh Âu Lạc và Bách Việt. Nó hay dùng cái khung văn hóa Tam giáo để trình bày nhửng vấn đề xã hội. Nó xây dựng cuộc sống hàng ngày trên nền tảng PHÚC ÂM công bình và bác ái CÔNG GIÁO. Phong cách người độc gỉa báo Giáo Xứ rõ rệt phản ánh cái văn hoá mà báo Giáo Xứ chuyên chở. Độc giả lý tưởng của báo Giáo Xứ là người vững Đức tin Công giáo và nặng Văn hoá Việt Nam’.

 

Cho đến ngày 01 tháng 04 năm 2007 vừa qua, 232 số báo đã được ấn hành. Không kể các mục thường xuyên, như tin tức, sinh hoạt,.. 232 chủ đề đã được trình bày. Các chủ đề này rất phong phú, nhưng xoay quanh một chu kỳ tương đối đều đặn. Chu kỳ ấy là 10 số báo cho một năm.

Đại cương trong một năm có khoảng từ 5 đến 7 số dành cho các đề tài liên hệ đến đùc tin công giáo, xoay quanh : Phụng vụ về giáng sinh, phục sinh, tháng mân côi, tháng các đẳng,.. ; Mục vụ liên hệ đến các thánh tử đạo VN, xây dựng cộng đoàn, truyền giáo ; Bí tích rửa tội, giải tội, hôn phối, nhất là ơn gọi linh mục tu sĩ ;Giáo lý về Thánh linh, đùc tin, lạc giáo.

Và từ 3 đến 5 số dành cho các đề tài liên hệ đến văn hoá Việt Nam, xoay quanh : Các lễ hội xuân, tết,.. ; Các tập tục về hôn nhân, cưới hỏi,… ; Các vắn đề văn chương, văn hoc liên hệ đến tiếng việt, văn sĩ, thi sĩ, tác gia ; Các mối tình quê hương, nhớ nhà, thương nước

 

Được nuôi dưỡng bằng hai loạt bài  Đức tin Công giáo và Văn hoá Việt Nam như vậy, độc giả báo Giáo xứ Việt Nam càng ngày càng sống mạnh, sống vững  cây văn hoá Việt Nam  với những tác phong tiêu biểu như : Huynh đệ, kính nhường, thông minh, hiếu hoà ; Tự lực tự cường, dùng việt ngữ, xử dụng việt lý ; Siêu thoát, xả kỷ, từ bi ; an nhiên điềm tĩnh ; có cương thường, luân lý ; Có lý có tình, ưa học hiểu, chuyên cần, có tổ chức, pháp trị ; Có đức tin, ngoan đạo, năng học hiểu giáo lý, chịu các bí tich và có tinh thần tông đồ truyền giáo.

Từ ngày thành lập, nhiều lần Ban Biên Tập báo Giáo Xứ Việt Nam  đã cùng nhau tự hỏi : ‘Phải viết theo tinh thần nào ? Phải dáp ứng nhu cầu nào của độc  giả công giáo việt nam ?’ Câu trả lời luôn luôn đã được xác định là : Đức tin Công giáo và Văn hoá Việt Nam . Đức tin Công giáo Văn hoá Việt Nam  cũng là hai nét đậm vẽ rõ chân dung độc giả lý tưởng của báo GIÁO XỨ VIỆT NAM vậy.

 

 

3. NHỮNG CÂY VIẾT NÒNG CỐT CỦA BAN BIÊN TẬP

 

Ngày thành lập, bốn người nhận viết bài cho báo Giáo Xứ Việt Nam và vẫn viết thường xuyên cho đến ngày nay. 20 năm sau, vào năm 2004, trong số đặc biệt, số 200, 01-02-2004, để kỷ niệm 20 năm tái bản báo « Giáo Xứ Việt Nam », 1984-2004,  bà Tạ Thanh Minh Khánh và Thi Chương đã ghi nhận được một sổ tương đối phong phú với 47 cây viết, đã cộng tác với báo Giáo Xứ Việt Nam và đã giới thiệu một cách rất đầy đủ những cây viết này : 1- Ðức Ông Mai Ðức Vinh, 2- Phó tế Phạm Bá Nha, 3- Bác Sĩ Nguyễn Văn Ái, 4- Giáo Sư Trần Văn Cảnh, 5- Bà Tuyết Hằng, 6- Giáo Sư Tạ Thanh Minh Khánh, 7- Ông Phan Hữu Lộc, 8- Linh Mục Lê Xuân Mầng, 9- Linh mục Đinh Đồng Thượng Sách, 10- Ông Nguyễn Văn Tài, 11- Phó tế Nguyễn Văn Thạch, 12- Tiến Sĩ Lê Đình Thông, 13- Linh Mục Trần Ðức Anh, 14- Bà Nennie Adele Ross, 15- Lm Nguyễn Văn Cẩn, 16- Nữ sĩ Minh Châu, 17- Phó tế Tạ Ðình Chung, 18- Chị Anne Ngọc Cương, 19- Ông Paul Diệp, 20- Lm Trần Anh Dũng, 21- Bs Nguyễn Ngọc Ðỉnh, 22- Lm Trần Ðịnh, 23- Bs Nguyễn Bá Hậu, 24- Ông Nguyễn Văn Hộ, 25- Bình Huyên, 26- Ông Bùi Trọng Khang, 27- Giáo Sư Hương Giang Thái Văn Kiểm, 28- Lm Nguyễn Tiến Lãng, 29- Nhà Văn Trà Lũ, 30- Bs Tạ Thanh Minh, 31- Ông Vũ Văn Nghi, 32- Lm Bùi Duy Nghiệp, 33- Chị Tuyết Nhung, 34- Chị Nguyễn Thị Mỹ Phước, 35- Ông Phan Quang, 36- Anh Hà Minh Thảo, 37- Lm Bùi Châu Thi, 38- Lm Huỳnh Ngọc Tiên, 39- Huy Thanh, 40- Bà Valette Huyền Trang, 41- Gs Nguyễn Khắc Xuyên, 42- Ðức Ông Trần Ngọc Thụ, 43- Linh Mục Hoàng Quang Lượng, 44- Ông Nguyễn Tấn Hớn, 45- Sư Huynh Trần Văn Nghiêm, 46- Nữ tu Huỳnh Thị Na, 47- Nữ sỹ Công Toàn Mộng Liên.

Sau đây xin vắn tắt trích đăng giới thiệu những cây viết nòng cốt của ban biên tập khởi xướng và thường xuyên.

 

31. Đức Ông Giuse Mai Đức Vinh

Đề xướng tái bản Báo Giáo Xứ bộ mới, Chủ nhiệm kiêm Chủ bút, trong mấy năm đầu, phải để ý lo toan mọi sự. Luôn luôn hiện diện, mùa đông chí những mùa hè, trời nắng cũng như trời mưa, tới nay 200 số là 200 « Lá Thư Mục Vụ » chưa kể các loại bài khác, tùy lúc, tùy việc, tùy vào sinh hoạt cộng đoàn.. Với các bút hiệu LM Giuse, MĐV, Mai Đức, Đức Vinh, tráo lại tráo qua, ai nhìn cũng ra tác giả!

Rồi bìa báo được đổi mới, có thêm một cột nhỏ diễn tả chủ đề mỗi số, ngài dùng Thánh Kinh, Ca vịnh. . . có khi châm ngôn, tục ngữ. . . chế biến thêm cho đậm ý rõ lời, viết thành vần điệu, tứ ngôn, ngũ ngôn. . . đó, cha Vinh « làm thơ »  tãi đạo với thi hiệu Du Sinh.

Để tăng sắc màu cho tờ báo, ngài lập thêm ban, nhóm, cộng đoàn. . . vừa mở rộng địa bàn hoạt động vừa thêm bài tường trình. . . Cũng là « người đứng mũi chịu sào » nghe hết ý kiến độc giả,  phê bình, khuyến khích, tán đồng, phàn nàn, kêu ca. . . khi gặp mặt, khi điện thoại. . . Nhờ phong thái đơn sơ, chịu đựng lắng nghe mà « của ăn tinh thần » vẫn tiếp tục được phân phối, tới nay khoảng 1250 địa chỉ đón nhận hàng tháng, trong và ngoài nước Pháp.

Tổ chức quản trị, phát hành, bài vở. . . đã vào khuôn nếp, mọi sự dần dà qui cũ gọn gàng. Mấy năm gần đây, ngài nới rộng tầm hoạt động sang lãnh vực văn hóa đức tin bằng cách mời gọi thêm người viết hoặc dịch, lập Ban Tu Thư Giáo Xứ Việt Nam Paris để xuất bản sách chuyên đề như - Giáo Lý cho Người Trưởng Thành (1997), - Têrêsa Vị Thánh Lớn của Thời Đại Mới (1997), - Đường Vào Tình Yêu (2000), - Fatima, Hòa Bình và Tình Thương (2000), - Chân Phước Giáo Hoàng Gioan 23 (2000), - Hành Trang Thế Kỷ 21 (2002), - Sống Đức Tin trong Thế Kỷ Mới (2002), - Tân Lịch Sử Giáo Hội (2002-2003). . .

Khi trước còn ở Việt Nam, ngài cũng đã chủ trương xuất bản và phổ biến sách báo Công Giáo, tủ sách « Hương Việt »  phát hành « Hạnh các Thánh » và phiên dịch nhiều tác phẩm giá trị. Cùng với Đức Ông Nguyễn Văn Phương, LM Phan Tấn Thành và LM Vũ Văn Thiện dịch Bộ Giáo Luật trong thời gian du học ở Roma.

Sắp sửa mừng thượng thọ thất tuần, Tiến Sĩ Giáo Luật và Tiến Sĩ Mục Vụ, thuộc Hội Dòng Xuân Bích (St Sulpice), ngài điều hành, chấn chỉnh Giáo Xứ ròng rã 24 năm dài.

Bao năm trách nhiệm giám đốc là bấy nhiêu năm tận tụy, gần không lạ mà xa cũng biết : « Rất hân hạnh được gặp cha tại giáo xứ dịp chúng tôi sang thăm Paris. Thấy cộng đoàn cha phát triển nhịp nhàng mà tôi thấy thèm. Đọc các bài cha viết trên Báo Giáo Xứ cũng như mấy tác phẩm xuất bản ở Paris tôi rất khâm phục sự làm việc và óc sáng tạo của cha. Nhìn đến các cộng sự viên của cha và qua các câu chuyện tôi nghe được tại Paris, tôi phải nói đó là một cộng đoàn lý tưởng hay nói cách khác đó là một cộng đoàn trong đó cha - con là một ». (Giáo sư NVT - Úc Châu, thiệp gởi 2-1-2003)

 

32. Linh mục Đinh Đồng Thượng Sách

Nay đà thuộc hàng lão kiện, nhưng tinh thần vẫn trẻ trung như thuở nào. Năng động trong nhiều sinh hoạt mục vụ nên đương nhiên cũng hiện diện trên Báo Giáo Xứ từ đầu. Hoạt bát, « xuất khẩu thành thi » ngài làm thơ thật dễ dàng, đọc giả lâu năm của Báo Giáo Xứ không xa lạ với Cung Chi - Lương Nhi Tử. Lương Nhi Tử do tên của phụ thân (Lương) và phụ mẫu (Nhi) ghép thành.

Cung Chi thường có thơ theo chủ đề hằng tháng : - Màu thương tử đạo (số 8. 11-1984), -  Vinh danh châu báu (số 9. 12-1984), - Xuân vĩnh cửu (số Tết. 2-1985). . .

Thơ tôn giáo vốn giới hạn, nhưng thơ tôn giáo của Cung Chi - Lương Nhi Tử dễ cảm, tự nhiên, không mấy khi thấy bị gò bó. Nhiều bài đượm sắc thần học, nhắc nhở tín lý hoặc nhẹ nhàng thanh thoát với các đề tài văn hóa, đạo làm người, lòng hiếu thảo : - Thơ Mẹ (số 5. 6-1984), - Cây đại trượng (149. 1- 1999), - Rộn tình mẫu tử (số 185. 7-2002). . .

Ngoài ra, « Sớ Táo Quân » hàng năm trên Báo Giáo Xứ cũng do Lương Nhi Tử rành rẽ tâu bày đầy đủ.

Tài năng thiên phú, ân sủng Chúa ban, ngài đã dùng để phụng sự Giáo Hội, truyền bá đức tin. . . và cũng để làm vui đẹp lòng người thân quen khi thỉnh thoảng lẫy Kiều, chợt hứng làm thơ trong các dịp hiếu hỉ : - Tưởng nhớ Đức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ (số 187.11-2002), - Vĩnh biệt Sơ Anna Đức (số 188. 12-2002), - Oanh liệt, tặng Vân Uyên 80 tuổi (1-3-2000).

Vào thập niên 80, cha Sách đã khuyến khích, qui tụ ca đoàn, giới trẻ tổ chức thành công các chương trình văn nghệ chủ đề : - Giữ thơm quê mẹ, - Uống nước nhớ nguồn, - Tiếng Ru muôn đời.

Mấy năm sau nầy, xuất hiện « Chổi Cùn Giáo Xứ » (1997), phê bình dí dõm, châm biếm nhè nhẹ, nhắc nhở phong cách giáo dân : - Ngứa miệng (134. 5-1997), - Thơm tho (số 135. 6-1997), -   Téléphone portable (số 154. 6-1999). . . Được đọc giả « tội nghiệp thân gầy yếu mà vẫn luôn tay quét dọn » (số 136, 7-1997).

Cha Sách « Trồng ngườỉ » trong mọi tình huống.

 

33. Giáo Sư Trần Văn Cảnh

Là một trong vài người sơ thảo Nội Qui Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ Việt Nam Paris (năm 1983). Với vai trò Tổng thư ký Ban Thường Vụ HĐMV nhiệm kỳ tiên khởi, 1983-1985, ông tán đồng việc tái bản Báo Giáo Xứ VN Paris bộ mới, tờ ra mắt có bài « Vài nét đậm thế sự 1983 »(số 1. 2-1984).

Trong mấy năm đầu, phần tin tức Giáo Hội, thời sự  quốc tế do ông và Cha Mai Đức Vinh đảm trách.

Vốn là sinh viên Đại Học Dalat, rồi sau đó làm giáo sư dạy Triết Lý Giáo Dục và Động Lực Đoàn Thể (Dynamique de Groupe) cũng tại Đại Học Sư Phạm Dalat; Sang Pháp tu nghiệp năm 1973 và tốt nghiệp Tiến Sĩ Giáo Dục. Vì thế ông thường viết về vấn đề giáo dục : - Tự do giáo dục (số 3. 4-1984), - Vài trích dẫn giáo dục trong Văn học Việt Nam, Gương giáo dục gia đình (số 171. 3-2001).

 Trong các khóa Chuẩn Bị Hôn Nhân, ông phụ trách đề tài : Giáo dục con cái (quyển Đường Vào Tình Yêu).

Ông cũng viết về các vấn đề xã hội : - Cộng Đồng Kinh Tế Âu Châu (số 6. 7-1984), - Phụ cấp thất nghiệp (số 4. 5-1984) ,- Người lớn được trả lương để học (số 7. 8-1984).

Thỉnh thoảng ông làm thơ với bút hiệu Thanh Hương : - Dâng lễ đầu năm, và - Lời nguyện chuyên gia (số 190. 2-2003).

Ngoài ra còn viết ký sự, tường thuật hành hương, nhận định thời cuộc : - Cả triệu người nghèo tại Pháp (số10. 1-1985), - Giáo phái trên đất Pháp (số 22. 3-1986), - Bầu cử Quốc hội Pháp (số 24. 4-1986). . .

Hiện là Giám đốc Nghiên cứu Trường Kỷ sư ECOTEC và dậy « Quản trị chất lượng » và « Quản trị tri thức », ông quen điều hành các cuộc hội thảo, phân tích - tổng hợp các vấn đề rất nhanh và gọn, . . . Thường phụ trách điều hợp trong buổi bế giảng các khóa Chuẩn Bị Hôn Nhân, Ngày Gia đình, Đại hội Liên đới Nghề nghiệp (số 164. 6-2000). . .

Hiện diện từ « Tuổi đầu đời của Hội Đồng Mục Vụ » (số 11. 2-1985), nhìn « Ba giai đoạn lịch sử Hội Đồng Mục Vụ » (số 20. 1-1986), ông thầm lặng theo dõi các sinh hoạt cộng đoàn Giáo Xứ Việt Nam Paris với ít nhiều suy tư, trăn trở. . . Ông cũng là thành viên chính yếu của Ban Tu Thư Giáo Xứ xuất bản sách chuyên đề.

                                                                                           

34. Giáo Sư Tạ Thanh Minh Khánh

Với tư cách là Phó thư ký Ban Thường Vụ, nhiệm kỳ 1983-1985, bà Tạ Thanh Minh Khánh là một trong vài người góp ý soạn thảo Nội Qui HộI Đồng Mục Vụ và hưởng ứng việc tái bản tờ báo Giáo Xứ. Bài « Đoãn khúc cho người bạn trẻ » đăng số ra mắt Báo Giáo Xứ Việt Nam (số 1. 2-1984). Trong những năm đầu, bà và ông Nguyễn Tấn Hớn phụ trách đọc bản đánh máy và bỏ dấu tiếng Việt. Thật công phu và kiên tâm.

Một số bài đóng góp :

-     Tha La xóm đạo (số 21. 2-1986),

-         Kiềng ba chân (số 52, 53 và 54. 1989),

-         Niềm tin còn đó (số 69. 12-1990),

-         Các bài tạp ghi (năm 1990-1991).

Bà Minh Khánh viết nhiều bài giá trị về  khảo luận, nghiên cứu, nhận định :

-         25 năm nhìn lại tuổi trẻ Việt Nam tại Pháp. Và Tuổi trẻ trong cộng đoàn (số 185. 7-2001),

-         Bài thuyết trình về tiểu sử Trương Vĩnh Ký (số 185. 7-2002),

-         Dẫn ý thảo luận trong Ngày Gia đình (số 179. 1-2002),

-         Vai trò phụ nữ trong Giáo Hội và xã hội (Hội ngộ Niềm Tin 2002).

Từ 1995, bà là giảng viên các khóa Chuẩn Bị Hôn Nhân của Giáo Xứ với đề tài : « Vai trò người vợ ». Bài nầy và bài « Mạn đàm về Hạnh phúc Gia đình », đã được in trong cuốn « Đường Vào Tình Yêu » (Paris, 2000).

Bà viết về nhiều khía cạnh của gia đình, giáo dục thanh thiếu niên và tâm lý phụ nữ. Bà có tài ăn nói và thuyết trình. Sau bài thuyết trình về « Vai trò phụ nữ trong việc truyền đạo tại Việt Nam », ngày 8-3-1987, bà được một đọc giả nhận xét : « Con khen bà Tạ Thanh Minh chịu khó tra cứu, cho nhiều tài liệu hay ho về phụ nữ đóng góp truyền đạo ở nước ta, làm rạng rỡ nữ tu và các bà mẹ gia đình. Nghe đến ai cũng cảm động. . . Đi nghe như vậy vừa bổ ích vừa làm rạng danh các tiền bối tử đạo VN » (số 33. 6-1987). Bà cũng là thành viên Ban Tu Thư Giáo Xứ Việt Nam Paris xuất bản sách chuyên đề.

 

35. Thầy Phạm Bá Nha, Phó tế Vĩnh viễn

Thầy Nha đến với Báo Giáo Xứ từ tháng 1-1985. Viết dễ, viết nhanh và siêng viết, thầy mau chóng trở thành một trong vài ngòi bút chủ lực với các bút hiệu : Thi Chương, Thérèse Trinh, Michel Phạm Mỹ, Trinh Nguyên. . . Thường cống hiến cho đọc giả về tình hình Giáo Hội Việt Nam, tình trạng dân nghèo, Tổ chức bác ái thiện nguyện với các chứng từ sống động, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. . .

Một số bài tiêu biểu : - Ngày Chúa nhật tại Việt Nam (số 114. 5-1995), -  Phụ Nữ Việt Nam trong thời cấm đạo (số 120. 1-1996), - Lòng sùng kính Đức Mẹ của các Thánh Việt Nam (số 128. 11-1996), - Nhìn lại 70 năm Lịch Sử Giáo Hội Việt Nam 1933-2003 (số 187. 11-2002), - Phép lạ thứ 66 tại Lộ Đức (số 156. 10-1999), - Chân Phước Frédéric Ozanam (số 137. 10-1997), - Chân Phước Nicolas Barré (số 152. 4-1999).

Năm 1998 nhận lãnh ơn gọi trở thành Phó tế Vĩnh viễn, thầy Nha trách nhiệm vai trò Chủ bút Báo Giáo Xứ. Thêm vài tiết mục mới, ngắn gọn như :

-         Ý chỉ cầu nguyện trong tháng của Đức Giáo Hoàng,

-         Ơn lạ Đức Mẹ La Vang (số 189. 1-2003, số 191. 3-2003, số 196. 10-2003),

-         Gieo vui, một loại chuyện kể sống đạo giữa đời, thể hiện tinh thần Tám Mối Phúc Thật,

-         « Sinh hoạt cộng đoàn » tường thuật chi tiết hơn,

-         và « Chuyện cười » nhẹ nhàng, ý nhị.

Có một số bài của Thầy được các báo ở những nơi khác đăng lại như bài viết về Đức Cha Bùi Chu Tạo (số 174. 6-2001), Đức Cha Jean Cassaigne Sanh (số 192. 4-2003). . .

Thầy cũng là một trong các thành viên làm việc đắc lực cho Ban Tu Thư xuất bản sách chuyên đề, khi nào cũng đưa bài sớm hơn kỳ hạn.

Mái tóc bạc phơ với nụ cười hiền, Thầy chu đáo trong việc Giáo Xứ Paris mà còn nối vòng tay lớn, viết cho Kỷ Yếu Phát Diệm (Cali 1992), Trần Lục (Canada 1996), Giám Mục Lê Hữu Từ (Canada 2001). . . Thầy đã hết lòng góp phần vào việc phổ truyền văn hóa đức tin. Được vậy, cũng nhờ có người bạn đời tận lòng khuyến khích - Bà Phạm Thị Thu - luôn luôn hiện diện trong các sinh hoạt cộng đoàn.

 

36. Bác Sĩ Nguyễn Văn Ái

Ông hoạt động từ tuổi thanh xuân, trong lúc du học ở Paris, làm Chủ tịch Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp vào những năm 1947-1955; trở về Việt Nam làm Tổng Giám đốc các viện Pasteur và dạy Vi-Sinh Vật Học (Microbiologie Médicale) cho Đại Học Y Nha Dược Saigon; sáng lập Phong Trào Trí Thức Công Giáo VN Pax Romana.

Do vận nước đổi thay, ông đến Pháp năm 1983, bắt đầu xuất hiện trên Báo Giáo Xứ năm 1990. Bước vào tuổi hạc mà thần trí sáng tạo vẫn tiếp tục thăng hoa. Ông không ngừng suy tìm, canh tân những tư tưởng, những luận cứ để minh chứng cho niềm tin, cho đời sống, cho ý nghĩa huyền nhiệm của Tình yêu trong hôn nhân.

Xin ghi lại một số bài : - Xa quê hương tìm lại Quê hương (số 65. 6-1990), - Giáo Hội trên đường Đổi mới (số 66. 7-1920), - Thập giá và Hy vọng (số 68. 11-1990), - Hòa bình, Canh tân và Hòa giải (số 79. 12-1991), - Hạnh phúc và Tình yêu (số 85. 6-1992), - Tình yêu Thiên tính và Nữ tính (số 119. 12-1995).

Rồi năm 1996, người bạn đời của BS Ái, vĩnh viễn ra đi. Trong bi thương, mất mát - suy nghĩ chợt trở thành thi hứng, « thốt lời thành thơ ». Từ đó thơ Vân Uyên xuất hiện đều đặn, nhiều nơi, ngôn từ ẩn hiện thâm trầm ngay trong các tựa đề : - Tinh thể (số 126. 7-1996), - Thiên Minh (số 129. 12-1996), - Phúc Ngôn (số 133. 4-1997), - Độc huyền cầm, Mạch ngọc Tuyền (số 155. 7-1999), - Xuân Thiên ước (số 160. 2-2000). . .

 Nhưng Vân Uyên vẫn có những lời thơ giản dị như : - Nhớ lời mẹ thương (số 147. 11-1998), - Giọt lệ rơi (số 164. 6-2000), - Nở bông hương tình (số 159. 1-2000), - Niềm vui tiệc cưới (số 162. 5-2000).  

Và Vân Uyên cũng tiếp tục viết những bài khảo luận giá trị, như Quan niệm về Trời trong Cung Oán Ngâm Khúc (số 181. 3-2001), Chữ Tình và chữ Yêu (quyển Đường vào Tình Yêu). . . là một trong những ngòi bút chủ lực của Ban Tu Thư Giáo Xứ Việt Nam Paris, xuất bản sách chuyên đề. Ngoài ra, từ 1995-2000, BS Ái là Trưởng Ban Mục Vụ Hôn Nhân.

 

37. Bà Tuyết Hằng

Khuê danh Trần Thu Nguyệt, Cathérine là tên thánh kỷ niệm ngày bà nhập đoàn Dân Chúa : mùa Phục Sinh 1989 cũng là năm bà bắt đầu cọng tác với Báo Giáo Xứ.

Sang Pháp lúc còn nhỏ vì bà nội là người Pháp, đậu Brevet năm 14 tuổi, trở về Việt Nam học tiếp ở Couvent des Oiseaux Dalat. Lập gia đình rất sớm, nhưng đến 22 tuổi mới sinh một con gái đầu lòng mà cũng duy nhất, và nay có được 2 cháu ngoại.

Theo nghiệp chồng, trở lại Pháp trước năm 1975 nhưng chẳng may ông qua đời lúc bà ngoài 40 tuổi. Thử thách là dịp để bà thực hiện cùng lúc hai ước muốn thiếu thời : gia nhập đạo Công giáo và cầm bút, nên thỉnh thoảng thấy ghi « Chiên con » hay « Chiên lạc ».

Nhưng đọc giả Báo Giáo Xứ biết đến Tuyết Hằng nhiều hơn :

-         Qua loạt bài gởi rối tơ lòng, hỏi để biết sống, « Tâm Tình Tuổi Xuân » (khởi đăng từ số 58 tháng 11-1989, in thành sách năm 2001),

-         Truyện dài : Bến nước Tình quê (khởi đăng từ số 67 tháng 10-1990), in thành sách năm 1992) và Bơ vơ (từ số 88 tháng 11-1992),

-         Truyện ngắn : Giấc mơ xưa (số 52. 3-1989), Bóng hạnh phúc (số 57. 10-1989), Ngõ vắng tình yêu (số 154. 6-1999), Chiếc bánh chưng kỷ niệm (số 190. 2-2003). . .

-         Một số bài thơ :  Cánh hoa hồng trong mùa Phục Sinh (số 55. 6-1989), Vọng cố hương (số 88. 11-1992), Thánh Mẫu La Vang (số 126. 7-1996). . .

Từ những tựa đề cũng như nội dung, tác giả đã dẫn người đọc về thăm quê hương cảnh tình đầy lời thơ tiếng nhạc. . . Một chút kỷ niệm riêng tư thấp thoáng trong tác phẩm, viết cho mình viết cho người, trong ý hướng đem đời vào đạo và đem đạo vào đời.

 

38. Ông Nguyễn Văn Tài

Viết khá nhiều cho Báo Giáo Xứ từ năm 1991, đủ thể loại :

. hồi ký, tự thuật : - Đường vào Nhà Chúa (số 107. 9-1994), - Vụ xử án đêm Noẽl (số 129. 12-1996), - Mùa Giáng Sinh năm xưa (số 109. 12-1994),

. biên khảo : - Năm Sửu chuyện Trâu (số 131. 1-1997), - Quan niệm về Trời trong Kim Vân Kiều Truyện (số 184. 6-2002). . .

Nhiều người thích « Mỗi năm một con vật » của Hoàng Anh Tài, năm Ngọ kể chuyện ngựa, năm Mùi nói về dê. . . Bài sưu khảo kỷ lưỡng, công phu, giúp « hiểu biết thêm về văn hóa VN » như đọc giả khen ngợi (Thư Toulouse 2-9-2002).

Và « Nhân Trí Dũng » với loạt bài về nhận định thời cuộc : - Số người bị loại trừ tăng vọt (số 103. 4-1994), - Vấn đề di trú và việc làm tại Paris (số 111. 1-1995), - Tình hình chính trị tại Pháp (số 94. 5-1996). . . Thỉnh thoảng cũng ghi tắt tên NVT.

Trước 1975 ông được biết đến trong chương trình « Tiếng nói động viên » trên Đài Truyền Hình Việt Nam, cọng tác với tờ Sélection trong lãnh vực phiên dịch, rồi sau mới viết cho báo Chính Luận, Tin Sáng. . .

Yêu thích văn nghệ nên ông cũng viết vọng cổ, soạn vài tuồng cải lương. . . và đóng vai phụ, làm « figurant » cho 20 phim Pháp, gần đây là L’Année Miraculeuse, Ange des Gardiens.

Có người cầm bút tìm hứng qua khói thuốc, có người ly rượu cầm tay, có người trắng đêm bên tách cà phê đen tuyền. . . Hoàng Anh Tài của Báo Giáo Xứ thoát lệ : một đời sống không rượu, không thuốc, thích thể thao, từng làm huấn luyện viên bóng bàn, quần vợt. . . Phải chăng đó là vốn quý của sức khỏe, ân sủng Chúa ban, để đọc giả Báo Giáo Xứ được thưởng thức tài viết của một trưởng lão đã ngoài 80.

 

39. Tiến Sĩ Lê Đình Thông

Đến Báo Giáo Xứ năm 1997 với bài Tâm Bút của Duyên Anh (số 133. 4-1997). Hiện là một trong các ngòi bút chủ lực của Báo Giáo Xứ, cũng như Ban Tu Thư xuất bản sách chuyên đề. Chủ tịch Hội Đồng Mục Vụ từ năm 2001 và là giảng viên về « Gia đình trong dân luật Pháp » của Ban Mục Vụ Hôn Nhân.

 Quen viết và có thể viết nhiều thể loại : - 100 thành tựu khoa học kỷ thuật (số 152. 4-1999), - Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn nhà văn hóa Việt Nam (165. 7-2000), - Ba điều bí mật do Đức Mẹ loan báo năm 1917 đều đã được giải mật (số 166. 10-2000), - Đạo Trời trong tục ngữ ca dao (số 184. 6-2002), - Chứng tá đức tin trong môi trường nghề nghiệp (số 184. 6-2002). . .

Hoạt bát, phản ứng nhạy bén, ông dễ dàng ứng khẩu để góp ý về một đề tài. Ông cũng làm thơ, lấy hứng vào các dịp lễ hội, hiếu hỉ :

Mừng thượng thọ bát tuần BS Vân Uyên Nguyễn Văn Ái (số 161. 3-2000),

Hang đá Giáo Xứ (số 160. 2-2000),

Khải hoàn ca (số 168. 12-2000). . .

Xuất thân là cựu sinh viên Cao Học Chính Trị Kinh Doanh thuộc Viện Đại Học Thụ Nhân Dalat, với tinh thần « uống nước nhớ nguồn », ông đã chủ biên quyển Tưởng Niệm Đức Ông Viện Trưởng Nguyễn Văn Lập (Paris, 2003). Và trong vai trò Chủ tịch Ban Thường Vụ Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ Việt Nam Paris, ông cùng Văn Phòng Phối Kết Tông Đồ Mục Vụ chủ biên cuốn Hội Đồng Mục Vụ (Roma, 2003).

 

 

LỜI KẾT 

Về một góc mục vụ chính yếu là góc văn hoá, và đặc biệt văn hoá hiểu theo nghĩa « Văn Hiến », kiểu Lê Quí Ðôn hay Phan Huy Chú, « Nước ta gọi là nước văn hiến, nghĩa là nước có văn hoá, có sách vở[2] », thì, nhờ hồng ân Chúa, Giáo Xứ Việt Nam, từ 27 năm nay, 1980-2007, đã được điều hành, hướng dẫn và chăm nom liên tục bởi một nhóm mục tử có lòng đạo đức mạnh, có văn hoá cao và có tình nhân nghĩa nhuần. Ðặc biệt Ðức Ông Giám Ðốc Mai Ðức Vinh có tầm nhìn mục vụ rất bao quát. Theo ngài, hoạt động mục vụ của Giáo Xứ Việt Nam Paris phải có ba phạm vi chính yếu : Mục vụ thiêng liêng, mục vụ xã hội và mục vụ văn hoá giáo dục. Trong phạm vi mục vụ văn hoá, nhiều hoạt động đã được cha giám đốc Mai Ðức Vinh đề nghị với Ban Giám Ðốc và với giáo dân để thực hiện cho cộng đoàn, trong đó, báo chí là một hoạt động đã được ngài đặc biệt lưu tâm. Tờ báo GIÁO XỨ VIỆT NAM, bộ mới, đã được phát hành từ ngày 01/02/1984. Nó có sứ mệnh « là sợi dây liên lạc nối liền Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam vùng Paris và phụ cận. Nó cũng là phương tiện để mọi giáo hữu rõ được sinh hoạt của Giáo Xứ, để cùng góp ý, xây dựng, đóng góp công của, làm sống mạnh Giáo Xứ Việt Nam ». Nó phải dáp ứng nhu cầu của độc giả công giáo việt nam, nhu cầu « sống Đức tin Công giáo » và « bảo tồn Văn hoá Việt Nam ». Các cộng sự viên, từ biên tập, ấn loát, phân phối, điều hành,… đều ý thức hai nhu cầu ấy. Ngày hôm nay, 12.04.2007, 232 số báo đã được phát hành, Đức tin Công giáo Văn hoá Việt Nam đã, đang và sẽ vẫn là hai nét đậm chỉ rõ hướng đi điều hành, vẽ rõ chân dung độc giả và định rõ hướng viết biên tập của báo GIÁO XỨ VIỆT NAM.


[1] Những tên khác nhau của báo Giáo Xứ Việt Nam từ 1945 :

Hiệp Nhất, từ 1945 đến 1947, do Cha Cao Văn Luận và anh Nguyễn Mạnh Hy thực hiện.  

Thông Tin, từ 1950 đến 1951, do cha Nguyễn Quang Lãm chủ trương, với sự cộng tác của cha Trần Văn Hiến Minh, anh Trương Công Cừu và anh Bùi Xuân Bào.

Liên Ðoàn, từ tháng 07-1952 do cha Nguyễn Quang Lãm làm tuyên úy và anh Trần Hữu Phương làm Gérant.

Nhận Ðịnh, từ 1953 đến 1955, do Cha Ðinh Văn Hưởng làm Gérant, với sự cộng tác của Cha Trần Thanh Giản và anh Trần Phong.

Hừng Ðông, 1955-1964, do Thanh Hải làm chủ nhiệm và chủ bút, với sự cộng tác của Lý Thái An, Phạm Phúc Ðiền, Trịnh Viết Hiền, Thanh Lãng, Ngô Tấn Luật, Thanh Sơn và Nguyễn Ðịnh Tường.

Giáo Xứ Việt Nam, 1968, do cha Nguyễn Hưng chủ nhiệm, với sự cộng tác của các cha Phan Ðình Thành, Trần Học Hiệu, Ðinh Văn Trung, Trần Ngọc Bích ; từ 1973 do cha Nguyễn Quang Toán chủ nhiệm, với sự cộng tác của các cha Ðoàn Thanh Dũng, Hồng Phúc ; từ 30/10/1977 đến 22/01/1984, bản tin hàng tuần, do các cha Ngô Duy Linh, Lương Tấn Hoàng, Ðinh Ðồng Thượng Sách, Trần Ngọc Anh, Mai Ðức Vinh, Hoàng Quang Lượng và Trương Ðình Hoè cùng thực hiện. Từ 01.02.1984,

Giáo Xứ Việt Nam bộ mới, với Cha Mai Ðức Vinh, Cha Ðinh Ðồng Thượng Sách, Giáo Sư  Tạ Thanh Minh Khánh và Giáo Sư Trần Văn Cảnh

[2] Lê Quí Ðôn, Lê triều thông sử ; trich theo Trần Văn Giáp : Tìm hiểu kho sách Hán nôm ; Hà nội, Thư viện Quốc Gia xuất bản, 1970, tr. 18-19.

Tác giả Gs. Trần Văn Cảnh

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!