Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Lm. Trần Xuân Sang, SVD
Bài Viết Của
Lm. Trần Xuân Sang, SVD
Việt Nam- Sứ Vụ Mới, Bài Sai Mới
VIỆT NAM - CHÚA Ở ĐÂU GIỮA CƠN ĐẠI DỊCH
VIỆT NAM - MÙA PHỤC SINH GIỮA CƠN ĐẠI DỊCH VIRUS VŨ HÁN
HÒA LAN– CẢM NGHIỆM DỊP KỶ NIỆM KIM KHÁNH LINH MỤC CỦA ĐỨC ÔNG PHÊRÔ TRẦN VĂN HÒA
HÒA LAN – VIẾT CHO BA
HÒA LAN – CẢM NGHIỆM ĐỜI LINH MỤC
CẢM NHẬN CHUYẾN HÀNH HƯƠNG ĐẤT THÁNH 2019
PARAGUAY – ĐÔI ĐIỀU CẢM NHẬN
PARAGUAY – VIẾT CHO MẸ NHÂN NGÀY HIỀN MẪU
MỘT THOÁNG COLOMBIA
PARAGUAY – MỘT CUỘC PHỤC SINH
TẦM QUAN TRỌNG CỦA LỜI CHÚA TRONG ĐỜI SỐNG CỦA NHỮNG CURSILLISTAS
PARAGUAY – LỜI CHÚC XUÂN MUỘN MÀNG
LỜI CHÚA TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ CỦA CÁC NHÀ TRUYỀN GIÁO
PARAGUAY – TẢN MẠN VỌNG-GIÁNG SINH 2010
NHÂN LỄ THANKSGIVING, XIN CHIA SẺ MỘT VÀI PHONG TỤC, TẬP QUÁN CỦA NGƯỜI PARAGUAY
PARAGUAY : ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ DỊP KỶ NIỆM CHỊU CHỨC LINH MỤC
PARAGUAY – MỘT CUỘC PHỤC SINH

 

Đại hội giới trẻ (Pascua Juvenil)

Sau vài tháng tham dự khóa tu nghiệp giành cho các nhà đào tạo tại Colombia, tôi đã trở về lại Paraguay trước những ngày bước vào Tuần Thánh để lo cho công việc mục vụ.

Các nhà truyền giáo Tây Ban Nha ngày xưa đã để lại những di sản tinh thần quí báu cho các nhà truyền giáo hậu thế khi các ngài biết đặt mầu nhiệm Khổ Nạn và Phục Sinh của Chúa như là trung tâm điểm của đời sống đức tin chứ không phải là mầu nhiệm Giáng Sinh.

Ngày Chúa Nhật Lễ Lá tôi phải chạy đến 3 giáo điểm khác nhau để dâng lễ dù theo dự báo thời tiết thì trời sẽ mưa. Tuy nhiên khi kết thúc 3 thánh lễ (2 thánh lễ sáng và một thánh lễ buổi chiều) thì tối đó trời mới đổ mưa lớn. Vì là lễ lá và có bài đọc thương khó nữa nên mỗi thánh lễ kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ và việc di chuyển đến các giáo đểm truyền giáo khá xa nên nguyên cả ngày Chúa Nhật Lễ Lá tôi rong ruổi như con thiêu thân đến tối mịt mới về. Mệt nhưng vui vì người ta tham dự thánh lễ đông đúc và tôi cảm thấy hứng thú vì lâu ngày được dịp khua miệng để giáo huấn cho người khác dù nhiều người chỉ đi lễ một lần trong năm vào dịp Lễ Lá này.

Nhớ lại những ngày ở Việt Nam khi còn là giáo lí viên, rồi khi làm thầy, Tuần Thương Khó hay Tuần Thánh tôi rất mong được các cha chọn để hát thương khó dù mình chẳng giỏi gì về âm nhạc. Đôi lần tôi được chọn đóng vai người kể nhưng cũng đôi lần phải đóng vai quân dữ để hét thật to “Đóng đinh nó vào Thập giá!!!”. Các Bài Hát Thương Khó của Đức Cha Phao-lô Nguyễn Văn Hòa vẫn còn vang vọng đâu đó trong tiếm thức khi Tuần Thánh đến. Vậy mà nhiều năm rồi ở bên xứ truyền giáo tôi cũng muốn hát lắm, muốn làm bản nhạc theo cung giọng của người dân bản xứ để thu hút giáo dân mà chưa thực hiện được. Vả lại đúng những ngày lễ trong Tuần Thánh muốn tìm những người biết hát một tí thì không tìm ra vì người dân ở đây chỉ biết hát theo cảm hứng mà không hề biết một nốt nhạc nào. Cả những ngày lễ lớn như Lễ Dầu, Lễ Truyền Chức, Lễ Bổn Mạng Giáo Phận mà cũng chẳng có môt bài hát nào có nhạc cả. Các ca viên chỉ ca những bài “vũ như cẩn” theo giọng rung chat chúa của họ nên riết rồi cũng quen. Nhiều khi mình muốn làm một cái gì đó cho oai một tí nhưng cơ hội không đến với mình thì đành chịu thôi.

Trong những ngày Tam Nhật Thánh, tôi được mời giúp tĩnh tâm cho giới trẻ và cũng lợi dụng cơ hội này để tìm kiếm ơn gọi. Có 10 chú chủng sinh ngoại trú cũng đến tham dự với tôi trong dịp này. Chân thành mà nói giới trẻ ngày nay khá thờ ơ với việc đạo hạnh nên việc đến nhà thờ vào Chúa Nhật và các dịp lễ khá hiếm hoi. Các chú chủng sinh ngoại trú tham dự với tôi trong những ngày này cũng tâm sự với tôi rằng họ chỉ tham dự thánh lễ khoảng 6 lần trong năm! Thế đó. Các em dự tu mà chỉ tham dự thánh lễ mấy lần trong năm thì thử hỏi những bạn trẻ khác tham dự bao nhiều lần trong năm? Tôi đã đưa ra 5 câu hỏi đơn giản sau bài thuyết trình để các bạn trẻ chia sẻ theo nhóm nhằm có thể đáp ứng những nguyện vọng của giới trẻ và cũng để có dịp trao đổi với các anh em linh mục đang làm việc mục vụ. Một trong những câu hỏi  mà mà tôi đưa ra là : Tại sao giới trẻ ngày nay ít đến nhà thờ? Các em đã mạnh dạn chia sẻ lí do là vì các linh mục giảng dài, hay la mắng khi giảng, và trong bài giảng chẳng có gì hấp dẫn. Một vài í kiến khác cho rằng vì cha mẹ không làm gương tốt và không hề quan tâm nhắc nhở đến việc đạo lí cho các em. Một lí do khác nữa mà các em đưa ra là nhiều người đi tu đã làm gương mù, gương xấu nên các em không thích. Khi nghe những góp ý của các em tôi cũng đau lắm vì “sự thật mắc lòng mà”, nhưng tôi cũng cố lắng nghe và lần lượt phân tích cho các em từng khía cạnh để hai bên hiểu nhau hơn.

Một trong những câu hỏi mà các em cũng thích tranh luận là : Giới trẻ nghĩ gì về đời tu và những người đi tu ngày nay? Các bạn trẻ cho rằng đời tu là một chuyện thật khó hiểu vì những người đi tu phải sống độc thân và phải tự lo cho mình tất cả. Một bạn trẻ khác thật ngây ngô khi phát biểu rằng những người đi tu là trốn tránh trách nhiệm gia đình và bất hiếu với cha mẹ vì chẳng giúp đỡ gì cho gia đình và cho cha mẹ. Tôi hơi chột dạ một tí và muốn phản ứng ngay lời phát biểu của em nhưng kịp bình tĩnh lại để nghe em nói cho hết vì đã chấp nhận tranh luận là chấp nhận nghe những ý kiến trái chiều, thậm chí những ý kiến ấy có thể làm cho mình khó chịu nữa. Cũng có em chững chạc hơn phát biểu rằng những người đi tu ngày nay thực là những người “không bình thường” cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, nghĩa là những người đó phải có một cái gì đặc biệt lắm mới có thể chống lại những cơn cám dỗ Tiền – Tài – Tình trong thời đại này.

Tôi đã tổng kết tất cả những tranh luận của các em như là một bài học quí báu cho mình dù chính tôi là người thuyết trình và đưa ra tranh luận. Có lẽ trong một dịp thuận tiện nào đó tôi sẽ chia sẻ với các anh em linh mục đồng môn của mình để các anh em có thể hiểu hơn tâm tình của giới trẻ vì Binh pháp Tôn Tử có dạy : "Tri kỷ tri bỉ, bách chiến bách thắng" ("Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng").

 

Một cuộc phục sinh

Thời tiết Paraguay giao mùa nên lúc này thường có dự báo mưa bão nên cũng ảnh hưởng đến các sinh hoạt trong Tuần Thánh. Dẫu vậy, các bạn trẻ cũng hăm hở đến tham dự các sinh hoạt trong giáo xứ vì Paraguay và các nước Công giáo vùng Nam Mỹ cho phép nghĩ học từ Thứ Tư Tuần Thánh. Chính vì thế mà các linh mục phải luôn tạo ra những sáng kiến để thu hút giới trẻ tham dự đại hội giới trẻ để lấp khoảng thời gian rãnh rỗi vì “nhàn cư vi bất thiện”. Những người lớn trong dịp này cũng đi đàng Thánh giá Thứ Sáu Tuần Thánh và cũng hát vang dội với giới trẻ. Tuy nhiên phần giữ chay và kiêng thịt ngày Thứ Sau Tuần Thánh thì hầu như chẳng ai giữ được vì họ không có thói quen nhịn ăn. Ngay cả các em chủng sinh ở với tôi và tôi đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần trước đó và ngay cả Thứ Sáu Tuần Thánh nữa mà chẳng có em nào giữ chay được. Các anh em  linh mục Paraguay cũng chẳng có người nào giữ được thì làm sao mà bảo giáo dân giữ chay! Và tôi nghĩ Chúa cũng chẳng trách phạt họ vì những chuyện cỏn con này nhưng tôi thấy cũng hơi kì kì sao đó.

Trong ngày Tam Nhật Thánh có 2 đám tang làm tôi hơi suy nghĩ một tí dù tôi vẫn biết sống chết đều là của Chúa. Cái chết bất ngờ đầu tiên là của một Nũ tu người Nhật đã từng phục vụ ở Paraguay trên 50 năm. Chính vị Nữ tu này đã giúp tôi rất nhiều khi vào năm ngoái tôi kiêm nhiệm hai giáo xứ cách xa nhau vì cha xứ ở đó lâm trọng bệnh. Sơ cùng là người Á châu nên xem tôi như đồng hương và Sơ quí mến tôi vô cùng. Tuy khá lớn tuổi nhưng Sơ không hề bệnh tật gì. Sau lễ tiệc ly thứ Năm Tuần Thánh, Sơ dọn dẹp cung thánh và bị vấp ngã, người ta đưa Sơ lên bệnh viện và Sơ đã trút hơi thở cuối cùng ở đó. Sơ đã dùng bữa tiệc ly cuối cùng với Chúa và ra đi thanh thản dù những người còn sống vô cùng thương tiếc Sơ.

Cái chết thứ hai là của một cụ ông dù 99 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn. Ông cụ chết đúng chiều thứ Sáu Tuần Thánh sau khi đi đàng Thánh Giá trọng thể. Ông cụ sinh ngày 25 tháng 12, nghĩa là cùng ngày sinh với Chúa Giêsu và cùng ngày chết vớ Chúa Giêsu, nhưng khi Chúa Giêsu bị đóng đinh và chết trên thập giá chỉ vỏn vẹn hưởng dương 33 tuổi. Sự trùng hợp hi hữu này không biết nói lên điều gì đây nhưng để lại trong tâm một vài suy nghĩ.

Chúa đã sống lại thật, Alleluia-Alleluia. Trong tuần Bát Nhật và trong Mùa Phục Sinh này chúng ta sẽ luôn cất tiếng Alleluia để ngợi khen Chúa. Tôi hơi buồn một tí vì khi trở về nhà sau những ngày tĩnh tâm cho giới trẻ, tôi phát hiện là kẻ trộm đã viếng thăm phòng tôi và dọn đi những gì có thể dọn. Cũng may là chiếc vi tính và máy chụp hình tôi mang theo cho công việc chứ không thì giờ đây chẳng có gì để mà chia sẻ nữa. Tôi tự nhủ thôi thì của đi thay người. Tôi cũng cố gượng cười để Phục Sinh với Chúa.    

Paraguay, Mùa Phục Sinh 2011,

LM. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.

Tác giả: Lm. Trần Xuân Sang, SVD

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!