LECTIO DIVINA
THƯ SỐ 3 ngày 21.09.2010
SÁCH THÁNH KINH
Thưa bạn,
Không phải là viết cho bạn về cuốn Sách Thánh Kinh, nhưng là về sự tôn kính cần có đối với cuốn Sách sẽ luôn đồng hành với bạn trong việc thực hành Lectio divina.
Trước hết, bạn cần phải có một cuốn sách Kinh Thánh. Theo chúng tôi bạn nên có một cuốn sách Kinh Thánh toàn bộ (Cựu và Tân Ước), có những chú giải. Bạn dễ dàng tìm thấy Sách Kinh Thánh này ở các nhà sách công giáo.
Bạn nên có một thái độ cung kính, yêu mến đối với Sách Kinh Thánh. Dành một chỗ trân trọng nhất tại nơi bạn ở chứ đừng bạ đâu quăng đó hoặc nhét vào kẹt nào đó ở kệ sách. Đối với những bạn có phòng riêng thì việc này tương đối dễ dàng. Tuy nhiên chúng tôi nghĩ dù nơi bạn ớ có thế nào thì bạn vẫn tìm ra được một chỗ trang trọng dành riêng cho Sách Kinh Thánh. Chúng tôi đã từng thấy các đan sĩ ở Âu Châu có một chỗ thật đặc biệt cho Sách Kinh Thánh: Một chỗ ở góc phòng dành cho việc thực hành Lectio divina. Một tấm thảm vải trên đất, một chiếc gối nhỏ đặt Sách Kinh Thánh trên đó, bên cạnh có một cây kiểng nhỏ hay một bình nhỏ cắm hoa tươi, một cây nến... Chúng tôi cũng đã thấy có những tu sĩ nữ trân trọng đặt Sách Kinh Thánh trên gối ở giưòng ngủ của mình. Trông rất thân thương. Có chị chia sẻ rằng khi thực hành Lectio divina, chị rất thích qùy gối bên cạnh giường ngủ của chị. Dành gối êm cho Chúa Giêsu suốt ngày, và trước khi leo lên giường để nghỉ trưa hay ngủ đêm, chị đều dành ra ít phút đọc lại Lời đã tiếp nhận lúc sáng sớm... Mỗi người một kiểu, một cách thế thích hợp nhất. Góc riêng tư này là nơi Đức Kitô Lời gặp gỡ bạn.
Trong lúc trao đổi với các học viên về Lectio divina, chúng tôi thường so sánh Bí tích Lời và Bí tích Thánh Thể. So sánh để dẫn tới niềm tôn kính yêu mến Lời và đồng thời tôn kính yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể. Chúng tôi chỉ so sánh cách chúng ta tiếp cận Lời và tiếp cận Thánh Thể để thấy rằng chúng ta có thể đến với Lời dễ dàng như thế nào. Tôi hay hỏi đùa : “Các chị có cả dám khi “nhớ” Chúa Giêsu Thánh Thể quá, mò vào nhà nguyện lúc không có ai, mở cửa nhà tạm để “ngó” Chúa một cái cho đỡ thèm không”? Vậy mà các chị luôn có Chúa Kitô Lời ở trong tầm tay các chị. Muốn ôm ấp, nâng niu, hôn yêu Chúa lúc nào cũng được. Một khi dành cho Chúa Kitô Lời cách tiếp cận đơn sơ như thế, chúng ta thật dễ dàng nhớ đến Chúa, kết hợp mật thiết với Chúa.
Chúng ta thường hết mình làm việc “cho” Chúa, nhưng thường thì lại ít làm việc “với” Chúa và “trong” Chúa. Chúa muốn chúng ta hoạt động cho Chúa, mở mang Nước Chúa, nhưng điều Chúa mong muốn hơn đó là chúng ta sống với Chúa, trong Chúa, luôn luôn kết hiệp với Chúa. Quyển Sách Kinh Thánh chúng ta có trong tay, trên bàn học, trong phòng của chúng ta phải là sự hiện diện của Chúa Kitô bên cạnh chúng ta. Do đấy đi vào thực hành Lectio divina, chúng ta phải có thái độ tôn kính, trân trọng, yêu mến không phải chỉ đối với Sách Kinh Thánh, nhưng là đối với chính Chúa Kitô Lời.
Người ta cũng hay so sánh Sách Kinh Thánh là một thứ Nhà Tạm. Điều này đúng, nhưng Nhà Tạm Sách Kinh Thánh chứa đựng Chúa Kitô Lời gần gũi chúng ta hơn. Đối với Nhà Tạm Thánh Thể, chúng ta phải tiếp cận trọn vẹn bằng đức tin và cung kính từ xa. Còn đối với Nhà Tạm Sách Kinh Thánh, đức tin vẫn cần thiết, tuy nhiên do được tiếp nhận trực tiếp, chúng ta cảm được sự gần gũi thân thương hơn nhiều và có thể gặp gỡ thường xuyên.
Đi vào thực hành Lectio divina, chúng ta đến gặp gỡ Chúa Kitô Lời để lắng nghe và để trò truyện với Người. Người sẽ dẫn đưa chúng ta vào kết hiệp mật thiết với Người. Gặp gỡ Chúa Kitô qua việc cầm đọc Sách Kinh Thánh, chúng ta cũng cần phải có tâm tình yêu mến, kính trọng như gặp gỡ chính Chúa Kitô. Thái độ tôn kính này sẽ giúp chúng ta sống giờ Lectio divina thật ý nghĩa.
Ngày 21.09.2010, Kính Thánh Matthêu Tông Đồ, tác giả Sách Tin Mừng.
Fr. M. Bảo Tịnh Ocist.
Xin tiếp tục cố võ, giới thiệu cho nhiều người thân ghi danh gia nhập Gia Đình Lectio Divina tại địa chỉ lecdiv@gmail.com hoặc conggiaovietnam@gmail.com .
Xin chân thành cám ơn.