LECTIO DIVINA
CẦU NGUYỆN DƯỚI TÁC ĐỘNG CỦA LỜI CHÚA?
Thưa bạn,
Các tài liệu liên quan đến Lectio divina mà chúng tôi lần lượt gửi đến bạn sẽ giúp bạn thấy được tầm quan trọng của Lời Chúa trong đời sống kitô hữu hay thánh hiến của bạn. Trong những thư sẽ gửi đến bạn, chúng tôi chỉ muốn trình bày những gì liên quan thực tiễn đến việc thực hành Lectio divina. Dĩ nhiên có lẽ tất cả những gì chúng tôi sẽ viết cho bạn đều đã có trong các tài liệu này. Nhưng nhận thấy rằng, những ý kiến ngắn gọn qua một lá thư có thể sẽ giúp bạn thực tế hơn, và cũng do vậy, chúng tôi sẵn sàng đón nhận những thắc mắc của bạn về việc thực hành Lectio divina và cố gắng trả lời sớm nhất có thể.
Trong thư số hai này chúng tôi xin thưa với bạn về vấn đề nguồn gốc việc phiên dịch từ LECTIO DIVINA: CẦU NGUYỆN DƯỚI TÁC ĐỘNG CỦA LỜI CHÚA. Từ chuyên môn này khó có thể được dịch ra bất cứ ngôn ngữ nào mà vẫn lột tả được nội dung phong phú của nó. Người ta đã dịch là “Cầu nguyện bằng Lời Chúa” hay “Cầu nguyện với Lời Chúa”. Cha Ngô Văn Vững Sj dịch trực tiếp “Prier la Parole” (Thầy Enzo Bianchi dùng từ này để quảng diễn Lectio divina) là “Cầu nguyện Lời Chúa”. Chúng tôi nhận thấy những cách dịch này được nhưng chưa “mạnh” đủ.
Trong một lần tâm sự dài với cha Thomas Thượng (hiện là cha xứ của Đức An, Pleiku và là người trách nhiệm về ơn gọi của giáo phận Kontum), sau nhiều trao đổi chúng tôi đã đi đến chọn lựa chuyển dịch nội dung của từ LECTIO DIVINA là CẦU NGUYỆN DƯỚI TÁC ĐỘNG CỦA LỜI CHÚA.
Đi vào cầu nguyện, bạn cầm lấy cuốn sách Kinh Thánh. Đó là điều cơ bản của việc thực hành Lectio divina. Bạn mở Sách ra và đọc Lời Chúa trong đó để đi vào cầu nguyện. Bạn cầm lấy quyển sách, nhưng thực tế là bạn không đối diện với một quyển sách mà là đối diện với chính Đức Kitô. Đức Kitô là Lời trong cuốn sách này. Chính vì vậy mà Kinh Thánh được gọi là “bí tích” của Lời Chúa. Bạn đối diện với Đức Kitô, bạn gặp gỡ Đức Kitô và bạn đi vào đối thoại với Đức Kitô. Qua một đoạn văn Kinh Thánh, bạn đọc Lời Chúa. Nhưng Lời Chúa được viết ra để nghe chứ không phải để đọc. Do vậy thái độ quan trọng nhất khi bạn đọc Kinh Thánh để cầu nguyện đó là thái độ lắng nghe. Lắng nghe bằng việc đọc - đòi hỏi toàn thể con người của bạn phải thực sự hiện diện để tiếp nhận Lời: Bạn chọn một nơi chốn thuận tiện và một tư thế thích hợp để đọc. Đôi tay của bạn cung kính cầm mở Sách Thánh. Mắt bạn chăm chú đọc. Bạn đừng chỉ xem những dòng chữ trên trang sách mà phải đọc. Chúng ta thường hay nói là đọc báo, nhưng thực tế chúng ta “xem” báo. Khi đọc Kinh Thánh để cầu nguyện, bạn nên dùng cả môi miệng để đọc, dù chỉ có thể đọc thầm. Và khi bạn ở một mình, không sợ làm phiền người khác, bạn đọc hơi lớn tiếng để tai bạn có thể nghe được Lời. Từ tai, Lời sẽ được chuyển tải lên đầu. Bạn tiếp nhận Lời qua suy niệm và đưa Lời xuống cung lòng của bạn. Tại nơi đó bạn sẽ tâm tình, kết hiệp mật thiết với Lời.
Trong cuộc đàm thoại này với Chúa Kitô mà thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu (thành Avila) gọi là cầu nguyện, Chúa nói với bạn và chính Lời của Người thúc đẩy bạn đáp lời. Bạn thân thưa với Chúa qua những lời của bạn. Trong cầu nguyện, Chúa nói và bạn lắng nghe, nhưng Chúa cũng chờ đợi bạn nói và Chúa sẵn sàng lắng nghe bạn nói. Bạn thừa biết là bạn “không biết cầu nguyện thế nào”, chính Chúa thúc đẩy bạn và dạy bạn cầu nguyện thế nào cho đúng, cho phải. Lectio divina không phải chỉ là đọc dù là đọc Kinh Thánh, nhưng là cầu nguyện với Kinh Thánh, dùng Kinh Thánh để cầu nguyện. Lời Chúa trong Kinh Thánh sẽ dẫn bạn vào trong cuộc đàm thoại thân tình mật thiết với Chúa Kitô. Trong việc cầu nguyện này, Chúa đóng vai trò chủ động. Chúa mời gọi, thúc đẩy bạn đáp lời. Chính vì thế mà chúng tôi chọn dịch một cách “nôm na” LECTIO DIVINA là CẦU NGUYỆN DƯỚI TÁC ĐỘNG CỦA LỜI CHÚA. Phải chọn một cách dịch dễ hiểu nhất và đúng nhất, lột tả được chính nội dung của hạn từ. Bạn có cao kiến gì khác, xin vui lòng chia sẻ cho chúng tôi. (Xin bạn đọc kỹ phần tài liệu giải thích Lectio divina là gì).
Mến chúc bạn kiên trì và luôn sẵn sàng lắng nghe Chúa.
Fr. Marie Bảo Tịnh Ocist.
Chúng tôi sẽ gởi đến bạn vào ngày mai, một tài liệu được coi như « Cấm nang thực hành Lectio Divina ». Riêng cuốn sách « Lectio Divina Học Với Mẹ Maria » của tác giả Jean Khoury, chúng tôi sẽ gởi đến bạn sau đây khoảng một tuần. Lý do đơn giản là vì tất cả chúng ta đều « muốn đi xa, nên phải đi chậm »
Xin bạn đừng quên giới thiệu cho nhiều người ghi danh Gia đình Lectio Divina. Xin cám ơn bạn.