Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Lm. Ng Ngọc Thế, SJ.
Bài Viết Của
Lm. Ng Ngọc Thế, SJ.
Chúa là Mục Tử nhân lành hay thương xót
Quả thật, Ta bảo với anh: Hôm nay anh sẽ được ở với Ta trong thiên đàng (Lc 23,43).
Lạy Cha, xin tha cho họ, vì chúng không biết việc họ đang làm (Lc 23,34).
Tại sao lại gọi là Dòng Tên?
Mùa Chay, thời gian mở lòng ra cho Đấng là nguồn của lòng thương xót
Mùa Vọng, mùa hướng lòng về Trung Tâm Điểm của đời người
Thiên Chúa, Ngài cần phải đến
Hãy luôn vui mừng trong Chúa !
Chỉ mong chẳng là gì
MÙA VỌNG, MÙA HƯỚNG LÒNG VỀ TRUNG TÂM ĐIỂM CỦA ĐỜI NGƯỜI

Vào thế kỷ thứ tư, ở đất nước Ý-đại-lợi đạo công giáo bị bắt hại, vì thế ai tin vào ông Giê-su, người Do-thái, đều có thể bị bắt và bị giết chết.

Trong bối cảnh này, một chàng thanh niên không Công Giáo thất vọng vì không được một thiếu nữ công giáo đáp trả lại tình yêu của mình, nên anh ta đã tố cáo với nhà cầm quyền, cô ta là người Công Giáo. Và vì đã kiên tâm giữ vững niềm tin của mình vào ông Giê-su, nên thiếu nữ đó đã bị xử tử vào năm 304 tại thành Syracuse vùng Sicilia, mạn Nam nước Ý-đại-lợi.

Hôm nay, ngày 13.12, trong bầu khí của mùa Vọng, Giáo Hội mời gọi chúng ta mừng lễ người phụ nữ can đảm này. Đó là thánh nữ Lucia. “Lucia” có nghĩa là ánh sáng. Và theo tục truyền, Lucia cũng được coi là vị thánh mang ánh sáng của trời cao. Mừng lễ của thánh nữ Lucia trước Giáng Sinh, chúng ta cũng có thể nói rằng, ánh sáng mà Lucia đem đến là ánh sáng “đi trước” để dọn đường cho Ánh Sáng của ngày Chúa Giáng Trần, sẽ vùng lên để chiếu soi tất cả những ai đang ngồi nơi tối tăm.  

Thật là một sự trùng hợp thú vị đối với chúng ta, vì hôm nay chúng ta quây quần với nhau nơi đây và cùng tĩnh tâm mùa Vọng, với chủ đề “Một ngọn nến cho tâm hồn”.

 

“Lạy CHÚA, con nâng tâm hồn lên cùng CHÚA. Lạy Thiên Chúa của con, con tin tưởng nơi Ngài.” (Tv 24, 1-2) 

Mùa Vọng được bắt đầu với lời Thánh Vịnh này. Lời đó như lời mời gọi chúng ta hãy nâng tâm hồn lên cùng Chúa, đặc biệt trong mùa Vọng, và trong những ngày gần kề Giáng Sinh. 

“Con nâng tâm hồn lên cùng Chúa!” Một lời cầu nguyện thật đơn sơ, nhưng chất chứa nhiều tâm tình thật quý báu. Quý báu bởi vì lời nguyện đó diễn tả tâm hồn chân thành đầy yêu thương của con người đối với Thiên Chúa. Thật vậy, khi yêu thương ai, chúng ta nâng tâm hồn lên cho người đó, chúng ta giành trọn con tim của mình cho người đó, và con tim của chúng ta sẽ đập cùng một nhịp với con tim của người đó. Cũng thế, khi chúng ta nâng tâm hồn của mình lên Thiên Chúa, là lúc chúng ta mở lòng mình ra, là lúc chúng ta vượt ra khỏi tất cả những bận rộn của cuộc đời, thoát ra khỏi những khổ đau của cuộc sống, và đặc biệt ra khỏi bản thân mình, một phận người không chỉ có niềm vui, mà cũng không thiếu nỗi buồn; một phận đời không chỉ có sức sống để xây dựng tình yêu, mà còn có khả năng phá vỡ căn nhà của tình yêu, để đưa vào đó bất công, đau khổ và hận thù…Hôm nay, chúng ta vượt trên tất cả và vượt trên mình, để hướng lòng về Thiên Chúa. Ở đây, tôi nhớ lại lời của Alfred Delp, một cha dòng Tên người Đức bị phát xít bắt, giam cầm và xử tử. Khi ở trong tù tại Berlin, cha Alfred đã viết những bài suy niệm về mùa Vọng, Giáng Sinh rất tuyệt vời. Một tâm tình Ngài nhắn gửi lại, đó là con người chúng ta thường quá bận bịu với nhiều điều tốt đẹp, cũng như quá loay hoay với những điều xấu xa, đến nỗi chúng ta quên không chạy đến với nguồn sống duy nhất, cũng là Trung Tâm Điểm của đời sống chúng ta. Đó là Thiên Chúa.

 

Hướng lòng về Trung Tâm Điểm của đời người 

Nếu rảo mắt một vòng nhìn xã hội xung quanh của chúng ta, chúng ta nhận ra nhiều trung tâm điểm mà con người, gián tiếp hay trực tiếp, đã tự đặt ra cho chính mình. Đó là tiền bạc, là danh vọng và hưởng thụ, là một chủ nghĩa nhất định nào đó, và đặc biệt là chính bản thân mình – một cái tôi to lớn – cái rốn của vũ trụ. Và có những người đã liều mình vì những cái trung tâm điểm giả tạo đó. Nói khác đi, con người trong xã hội hôm nay đang có khuynh hướng quên đi “Trung Tâm Điểm” đích thực của thế giới này, là chính Thiên Chúa, và đang đui mù bám theo những thứ “Trung Tâm” giả tạo. Cha Alfred, khi chiêm ngắm đất nước Đức của ông vào thời chủ nghĩa phát xít chuẩn bị “lên ngôi”, cha đã nói một lời phê bình mang tính cách tiên tri: “Điều thê thảm của thời đại chúng ta là, chúng ta không tìm được những con người thật sự, vì họ không còn đi tìm Thiên Chúa nữa”[1]. Và tiếp đến cha Alfred đã nói thêm: “Những con người này, trong sâu thẳm của tâm hồn, họ sống trong sợ hãi, bởi vì họ không còn nhận ra Trung Tâm Điểm nữa, nơi mà họ cần kín múc sức sống để sống. Và hậu quả để lại là, thời đại của chúng ta là thời đại mà những luật lệ tồi bại đang làm chủ ”[2]. Và trong một bài giảng về mùa Vọng năm 1943, cha Alfred đã nói với mọi người rằng: “Những ai không sống trong tương quan với Trung Tâm Điểm là chính Thiên Chúa, thì người đó sẽ trở nên lạ lẫm với chình mình, nhưng những ai chờ đợi Thiên Chúa thực tâm, thì người đó không bao giờ thất vọng”[3].

Chúng ta vẫn nói với nhau rằng mùa Vọng là mùa trông chờ. Vâng, chúng ta trông chờ Thiên Chúa đến. Nhưng thái độ trông chờ của chúng ta cụ thể như thế nào, để chúng ta không bao giờ thất vọng?

 

“Hãy tỉnh thức và cầu nguyện!” (Lc 21, 36).  

Luca đã nhắc nhớ chúng ta như vậy, trong Chúa Nhật thứ I mùa Vọng. Nhưng tỉnh thức và cầu nguyện ở đây có nghĩa là gì?

Thiết nghĩ rằng, khi chúng ta đồng ý hướng tâm hồn mình lên Chúa là chúng ta đang tỉnh thức và cầu nguyện. Vâng, chúng ta đang tỉnh thức trong thái độ “đi vào trong tâm hồn mình”, để hướng lòng mình lên với Chúa. Và khi tâm hồn chúng ta gặp tâm hồn Chúa, thì chúng ta đang sống trong cầu nguyện, nghĩa là chúng ta đang sống trong tương quan thân mật với Ngài. Karl Rahner, một nhà thần học gia người Đức lỗi lạc, và cũng là bạn của cha Alfred Delp, có lần đã cầu nguyện : “Lạy Chúa, xin cho trái tim con gặp được trái tim Chúa”.

Với lời cầu nguyện này, chúng ta đang xin được gặp Chúa ngay trong trung tâm của con người chúng ta, là trái tim, là tâm hồn. Thiên Chúa - Trung Tâm Điểm của mọi trung tâm điểm - đang ngự ngay đó trong trung tâm của con người. Vâng, Ngài ngự đó từ ngàn đời nay: ngày hôm kia với Phê-rô, ngày  hôm qua với cha Alfred Delp, và ngày hôm nay với mỗi người chúng ta nơi đây.

 

Phê-rô với ánh mắt hướng nhìn lên Chúa.

Đến đây, tôi nhớ lại môt câu chuyện với lời cầu xin rất đặc biệt của thánh Phê-rô (Mt 14, 22-33). Chuyện kể rằng, khi ngày sống chuẩn bị chào tạm biệt, Chúa Giê-su giải tán đám đông đã vất vả theo Ngài, và Ngài cũng truyền cho các môn đệ ra khơi, để qua bờ bên kia trước, còn Người thì lên núi cầu nguyện một mình. Và rồi, con thuyền tối nay vắng bóng Thầy lênh đênh trong đêm khuya, và giữa biển hồ mênh mông, nghĩa là xa bờ đến mấy cây số, rồi còn gặp sóng đánh, và cơn gió hôm nay lại cứng đầu thổi ngược với nhịp chèo nữa chứ. Bao hiểm nguy, bao sức mạnh bên ngoài đang vây bủa và làm chao đao cuộc đời. Chính ngay lúc đó, Đức Kitô xuất hiện và như Mát-thêu nói, Ngài đến với các môn đệ. Thật vậy, Thiên Chúa không bao giờ để chúng ta lẻ loi, đơn côi một mình giữa mặt biển đời và trong đêm đen mù tối. Ngài không bao giờ để cho những thế lực bên ngoài “nuốt chửng” con thuyền cuộc đời chúng ta, dù đó là bóng đêm dày đặc, hay tiếng thét gào của sóng to gió ngược. Thiên Chúa đến ngay trong lúc đời chúng ta đang chao đao. Thiên Chúa đến đúng lúc khi chúng ta cần tới Ngài. Trở về lại với hình ảnh của cha Alfred Delp, trong tù ngục tăm tối của Phát Xít Đức, Cha đã cảm nghiệm được sự đồng hành của Chúa cách sống động, đặc biệt trong những lúc thê lương và cô đơn nhất. Cha viết như sau trong bài suy niệm về kinh Lạy Cha: “Tình phụ tử của Thiên Chúa, lòng nhân hậu của Ngài, và sức mạnh chở che của Ngài đồng hành với con cái Ngài trong tất cả những khốn cùng, trong tất cả những lúc bất an và trong những khi bị bỏ rơi. Thiên Chúa có thể nói những lời dịu ngọt nhất, tràn đầy sự ủi an và cảm thông. Thiên Chúa biết rõ những con đường dẫn Ngài đi đến với con người cô đơn nhất”[4].

Trở về với Phê-rô, chuyện kể tiếp rằng, Chúa Giê-su đến với các môn đệ vào khoảng canh tư, nghĩa là đến vào khoảng thời gian từ 03 giờ đến 06 giờ sáng. Và canh tư của đêm tối đó theo ý nghĩa thánh kinh, cũng là thời gian mà Thiên Chúa hay can thiệp, để giúp đỡ và để cứu thoát. Thời gian canh tư này cũng tương hợp với thời gian Chúa Giê-su sống lại mà Mát-thêu nhắc tới trong đoạn 28,1: “Sau ngày Sa-bát, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló dạng”.

Nhưng Chúa Giê-su đến với các ông như thế nào? Thật lạ lùng, Mát-thêu kể lại rằng, Ngài đi trên mặt biển mà đến. Một cách thức vượt ra khỏi những khả năng của con người. Cách thức này chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm được. Cách thức này không thuộc về thế giới của loài người chúng ta.

Và vì thế “đi trên nước”, đối với con người cổ đại, cũng như đối với người Do-thái là một giấc mơ, là một khao khát không thể thực hiện được, và đối với chúng ta hôm nay cũng thế. Vâng, có những điều hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa, và không bao giờ thuộc về con người. Biên giới giữa con người và Thiên Chúa cũng thật rõ ràng. Và rất ít khi, Thiên Chúa lại ban cho con người những khả năng lạ lùng để vượt qua khỏi biên giới đã được đặt sẵn.

Khi thấy Chúa đi trên mặt biển, các môn đệ hoảng hốt. Thật vậy, làm sao không hoảng hốt khi thấy một hiện tượng lạ lùng như thế. Một hiện tượng thuộc về thế giới siêu nhiên. Vậy, người đi trên mặt biển kia là ma hay là ai vậy? Các môn đệ dù đã quen thuộc thầy mình, nhưng hôm nay vẫn không thể nhận ra Thầy, vì vậy các ông đã bảo nhau trong hoảng hốt: “Ma đấy!”

Giữa cơn la hoảng hốt và hãi sợ của các môn đệ, tiếng nói dịu dàng và nhẹ nhàng của Chúa Giê-su đã vang lên “Cứ yên tâm, chính Thầy đây đừng sợ!” Tiếng nói của Thiên Chúa nhẹ nhàng nhưng có một sức mạnh lớn lao, có thể bắt những chao đao của đời người phải dừng bước, những nỗi hãi sợ tràn ngập lòng người phải im tiếng.

Ở đây, chúng ta phải chú ý đến lời nói của Chúa Giê-su: “Chính Thầy đây!” Kiểu nói này tương hợp với kiểu nói của Thiên Chúa khi mạc khải về mình trong Cựu Ước. Với Áp-ra-ham, Thiên Chúa nói: Ta là khiên che thuẫn đỡ cho ngươi” (St 15, 1). Với Gia-cóp thì: “Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, tổ phụ ngươi, và là Thiên Chúa của I-xa-ác”. (St 28, 13). Như vậy, Đức Kitô đã dùng kiểu nói của Cựu Ước chỉ cho Thiên Chúa, để mạc khải về chính Ngài.

“Chính Thầy đây!” tiếng nói nhẹ nhàng này thực sự đã diễn tả tất cả. Một sự diễn tả đầy đủ về Thiên Chúa, về chính con người của Thầy, nên các môn đệ đã nhận ra được thầy mình qua tiếng nói thật trìu mến này.

Trong số các môn đệ có mặt cả Phê-rô. Chẳng hiểu sao ông lại lên tiếng xin Ngài: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài.” Một lời cầu xin bốc đồng? Một lời cầu xin điên khùng? Một lời cầu xin cho có khả năng chuyển núi dời non (ss. Mt 17,20).

Phê-rô đã xin điều mà con người bình thường không thể làm được. Lời cầu xin này đã diễn tả niềm tin mạnh mẽ của ông vào Chúa Giê-su, Thầy mình, Đấng “được trao toàn quyền trên trời dưới đất”. (Mt 28, 18).

Nhưng đọc kỹ lại lời này, chúng ta sẽ khám phá được nhiều điều thú vị: “Thưa thầy”. Một lời thật lễ phép và diễn tả sự kính trọng của Phê-rô. Nhưng tiếp đến: “nếu quả là Ngài.” Câu lễ phép được nối kết với một câu diễn tả sự nghi ngờ của Phê-rô. Thật vậy, ngay trong lời cầu xin này, Phê-rô đã bộc lộ tính hay nghi vấn của mình. Và cuối cùng là nội dung của lời cầu xin: “thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài.”

Trước lời cầu xin chất chứa nghi ngờ của Phê-rô, Chúa Giê-su vẫn nhận lời ông cầu xin và truyền cho ông đến với người: “Cứ đến!” Và Phê-rô đã dựa vào mệnh lệnh của Chúa Giê-su, như là nền tảng, để ông thực hiện điều không tưởng. Đối với Mát-thêu, điều quan trọng là tất cả những hành động của con người đều dựa trên lệnh truyền của Chúa Giê-su, như là nền tảng. Chính nền tảng này đã làm cho Phê-rô mạnh mẽ, để có thể thực hiện điều mà biết bao người mơ tưởng. Ở đây, cũng cần nói rằng, Phê-rô thực hiện lệnh truyền của Chúa Giê-su, chứ ông không có ý chơi trò “phù thủy”.

Phây phây đi trên mặt biển hồ đến với Thầy, Đấng ông tin tưởng, Đấng là nền tảng và là Trung Tâm Điểm của đời ông. Có lẽ ông vui sướng lắm. Chính lúc tưởng rằng, mình đã lên tận “đỉnh mây xanh”, thì Phê-rô đã rơi vào trong hãi sợ. Cơn sợ hãi này bởi gió xung quanh đấy! Vẫn biết vậy, nhưng lý do sâu sa và thực hơn, là vì ông đã thay đổi tầm nhìn, nên ông đã rơi vào nỗi hãi sợ làm cho ông mất khả năng “bay lượn” trên mặt nước. Vâng, thay vì kiên tâm “dán mắt” hướng nhìn vào Trung Tâm Điểm của đời ông là Chúa Giê-su, Phê-rô đã nhìn đến cơn gió thổi mạnh đang đến với ông. Cái thay đổi ánh mắt đã chứng minh lòng yếu tin của ông, và tương hợp với sự nghi vấn của ông trước đó trong lời cầu xin: “nếu quả là Ngài”.

Và chính lúc đó, ông bắt đầu chìm. Cái chìm của đời người rời bỏ Trung Tâm Điểm là chính Chúa. Cái chìm của đời người vì đã để cho sóng gió bên ngoài, những thế lực của sự dữ chế ngự và làm chủ. Chúng giờ đây trở nên trung tâm điểm mà Phê-rô đang hướng nhìn tới trong hãi sợ, và chúng như đang lôi Phê-rô xuống dưới lòng biển hồ thẳm sâu và đen đủi. Thật nguy hiểm cho một lúc không cẩn trọng và không tỉnh thức, và lòng tin yếu đi làm cho đời người bị đe dọa và chao đao.

Chúng ta cũng nên nhớ lại một biến cố khác của Phê-rô. Luca kể lại rằng, trong lúc Chúa Giê-su bị xét xử tại nhà vị thượng tế, Phê-rô can đảm theo bước Thầy mình. Thật là một đệ tử trung kiên có lần đã nói: “Bỏ thầy con biết theo ai, vì Thầy có lời ban sự sống đời đời“. Có thật vậy không? Đọc tiếp câu chuyện ngắn ngủi, chúng ta thấy Phê-rô đầu tiên đã bị một cô gái nhận ra. Luca diễn tả như vầy: “Thấy ông ngồi bên ánh lửa, một tớ gái nhìn ông chòng chọc và nói: “Cả bác này cũng đã ở với ông ấy đấy”. Trong hãi sợ Phê-rô, một lần nữa, và lần này thê thảm hơn, đã đánh mất tầm nhìn hướng lòng về Chúa, Trung Tâm Điểm của đời ông, và ông đã chối phăng: “Tôi không biết ông ấy đâu chị!” Rồi lần thứ hai, Phê-rô cũng chối như thế. Và câu chuyệnn kết thúc ngay sau khi Phê-rô chối lần thứ ba: Này anh, tôi không biết anh nói gì! “Ngay lúc ông còn đang nói, thì gà gáy. Chúa quay lại nhìn ông, ông sực nhớ lời Chúa đã bảo ông: "Hôm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần." Và ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết.” (ss Lc 22, 54-62).

Kinh nghiệm của Phê-rô là một kinh nghiệm xương máu. Kinh nghiệm đó để lại cho chúng ta sứ điệp gì? Đến đây, tôi nhớ lại một bài suy niệm về mùa Vọng năm 1945, mà cha Alfred đã viết trong tù với đôi tay bị đeo gông nặng nề, chúng ta đọc được tâm tình sau: “Mùa Vọng là thời gian chao đảo, trong thời gian chao đảo này con người cần phải tỉnh thức với chính mình. Điều kiện để chúng ta có thể sống trọn vẹn tinh thần của mùa Vọng là sự từ bỏ tất cả những ủi an chóng qua và những giấc mơ hão huyền…”[5]. Cần tỉnh thức trong thời gian bị chao đao. Đó là điều quan trọng cần chú ý. Vâng, Phê-rô đang chao đao thực sự, vì ông không tỉnh thức hoàn toàn. Tâm hồn của ông đang bị sức mạnh của sợ hãi làm chủ. Trong trung tâm của đời ông, sự dữ và sự sợ hãi đang ngồi chễm trệ. Phải chăng, vì yếu lòng tin và vì quá lo lắng cho sự an toàn của chính mình, mà ông đã chối từ và “đẩy Thiên Chúa” ra khỏi trung tâm đời ông?

Vâng, đó là hậu quả của thái độ không tỉnh thức hoàn toàn. Không hoàn toàn đấy, nhưng vẫn còn một chút tỉnh thức, để Phê-rô có thể nguyện cầu và kêu lên: “Thưa Ngài, xin cứu con với!”, cũng như để có thể khóc lóc thảm thiết về lầm lỡ của mình.

Lời cầu nguyện hướng về Trung Tâm Điểm của đời ông là Chúa Giê-su tương hợp với lời cầu nguyện của Thánh Vịnh gia, khi rơi vào trong khốn cùng: Lạy Chúa Trời, xin cứu vớt con, vì nước đã dâng lên tới cổ”. (Tv 69,2). Lời cầu nguyện vang lên khi đời người đối diện với thần chết đang chập chờ. Và lời cầu xin này cũng lột tẩy ra được cái cốt lõi của phận người bất toàn, yếu hèn, tội lỗi và dễ vỡ. Vâng, mỗi người chúng ta đều có thể giống như Phê-rô vậy. Nên chúng ta cần phải khiêm nhường và ý thức phận người của mình, để ít nhất, khi bị dồn vào trong đường cùng không còn lối thoát, chúng ta vẫn còn một chút tỉnh thức và có thể thốt lên : “Thưa Ngài, xin cứu con với!”

 Và Chúa Giê-su, Trung Tâm Điểm của đời người, phản ứng thế nào trước lời kêu cầu của Phê-rô? Chuyện kể tiếp rằng, Chúa đã đưa tay ra và nắm lấy Phê-rô. Cánh tay Chúa đưa ra thật là cần thiết biết bao nhiêu! Cần thiết vì giờ đây chỉ có cánh tay Chúa mới có thể giữ nguyên đôi tay của Phê-rô không cho thế lực của thần dữ, là biển sâu “nuốt chửng”.

Ở đây, điều quan trọng đối với Mát-thêu, là sự hiện diện mang ơn cứu thoát của Thiên Chúa không hệ tại ở điều, là sẽ không bao giờ có sóng gió trong đời sống của người tin, mà hệ tại ở tâm tình, người tin sẽ nhận ra được ơn cứu thoát này trong những hoàn cảnh khốn cùng. Ai tin tưởng và hướng tâm hồn của mình lên tới Chúa, đến với Trung Tâm Điểm của cuộc sống, thì sẽ cảm nghiệm được ơn cứu thoát này.

Ngoài ra, một điều thú vị chúng ta khám được ở đây. Đó là phải chăng Thiên Chúa chỉ giúp đỡ người có niềm tin mạnh mẽ và kiên cường? Không, Phê-rô đâu có vậy. Ông nghi ngờ ngay trong lúc kêu xin, và sự nghi ngờ kia đã đi theo ông, để ngăm nghe nhấn chìm ông. Vì vậy, chúng ta nhận ra ra rằng, Chúa Giê-su đã cảm thông và đón nhận tính yếu đuối hay nghi ngờ của Phê-rô, và sau đó Ngài đã thánh hóa và biến đổi sự nghi ngờ đó, để củng cố lòng tin của Phê-rô.

Và ở đây, tôi trở về với Alfred Delp, và lắng nghe tiếp tục lời suy niệm về mùa Vọng của cha: “Sự tỉnh thức trong thời gian chao đảo luôn cần được sống động trong tư tưởng và hành động của chúng ta trong mùa Vọng…Tinh thần tỉnh thức trong thời gian chao đảo này tô điểm cuộc sống bằng một phúc lành tiềm ẩn trong thời gian mùa Vọng, và tinh thần tỉnh thức trong thời gian chao đảo này cũng đốt lên một ngọn nến cho tâm hồn của chúng ta, để nhờ đó mùa Vọng của chúng ta được chúc lành với lời hứa cứu thoát của Thiên Chúa”[6].

Vâng, như Phê-rô, dù ông đã nghi ngờ và hãi sợ, nhưng một cách nào đó, ông vẫn giữ lại một chút tỉnh thức cho chính mình, ông vẫn ý thức đốt lên một ngọn nến cho tâm hồn của ông, và nhờ đó Đức Kitô, là Trung Tâm Điểm của đời ông, đã ra tay cứu thoát ông.

Còn cha Alfred Delp, Thiên Chúa – Đấng là Trung Tâm Điểm của đời cha luôn ở bên cha, và chia sẻ cuộc sống với cha, đặc biệt ngay trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Trong bài suy niệm về lời kinh “Veni spiritus Créator”, chúng ta đọc được: “Ngay chính trong hoàn cảnh đâu khổ thê thảm nhất, con người cần phải gìn giữ niềm tin của mình. Con người cần nhắc nhớ chình mình rằng, Thiên Chúa luôn chia sẻ cuộc sống của con người, và Ngài luôn mời gọi con người vào trong tình thần gần gũi với Ngài. Thiên Chúa cũng luôn đồng hành với con người trên những bước đường cam go nhất, và giúp đỡ con người mang vác gánh nặng mà họ đang phải chịu. Thánh Thần Chúa hiện diện ở tại mỗi mốc điểm trên con đường sống của chúng ta. Và trong thẳm sâu, Ngài chia sẻ cuộc sống của những ai được Thiên Chúa kêu gọi và yêu thương. Toàn bộ cuộc sống! Ngay trong khổ đau và khốn cùng. Chúng ta đừng bao giờ quên sự hiện diện của sức mạnh đem lại ơn cứu rỗi đang tiềm ẩn trong tâm hồn chúng ta…Đừng bao giờ đặt niềm tin vào chính mình, nhưng hãy đặt niềm tin vào Thiên Chúa”[7].

Nhìn lại đời mình, hôm nay, trong bầu khí tĩnh tâm và cầu nguyện này, chúng ta nên tự hỏi với mình xem:

·        Trung Tâm Điểm của đời tôi là gì?

·        Thiên Chúa có hiện diện trong tâm hồn, trong đời sống thường ngày và trong căn nhà tôi ở không? Và tôi đã soạn chỗ nào để Ngài hiện diện ?

·        Tôi có khám phá ra những “rào cản” trong đời tôi, làm cho tôi không thể hướng lên với Thiên Chúa, Đấng là Trung Tâm Điểm đời tôi không? Những rào cản đó là gì vậy? Và trong mùa Vọng này, tôi nên làm gì để “tháo cởi” những rào cản đó?

Lời kết

Mùa Vọng là mùa tỉnh thức và cầu nguyện. Và hôm nay, thái độ căn bản cho việc tỉnh thức và cầu nguyện chính là “hướng tâm hồn lên tới Chúa”. Nhưng đừng bao giờ quên rằng, Thiên Chúa mà chúng ta hướng lòng lên cũng chính là Trung Tâm Điểm của cuộc đời chúng ta. Chính Ngài đang sống giữa chúng ta. Đấng là Trung Tâm Điểm viết hoa đang ngự trong trung tâm đời sống chúng ta.

Vì thế, chúng ta không nên cứ chạy mải miết theo những điều tốt hay những điều xấu trong hành trình gian trần này, mà quên mất đi Trung Tâm Điểm, là nguồn mạch của sự sống, là Đấng làm mưa trên cả những hoa tươi đang nở thơm phức, cũng như những cánh hoa héo tàn theo thời gian. Vì thế, trên hết tất cả chúng ta hãy hướng lòng về Chúa, là nguồn sống đích thực, là Trung Tâm Điểm duy nhất, nơi chúng ta phát xuất và nơi chúng ta cũng sẽ trở về.

Tóm lại, trong mùa Vọng này, để hướng lòng về Chúa cho trọn vẹn , chúng ta hãy dựng cho Chúa một nơi thánh để Chúa ngự ở giữa chúng ta. (ss. Xh 25,8).

Nghĩa là chúng ta hãy mở cánh cửa của lòng mình, cánh cửa của tâm hồn mình, trung tâm cuộc sống của chúng ta, để mời Đấng la Trung Tâm Điểm ngự vào trung tâm cuộc đời hôm nay. Đó là ngọn nến đầu tiên chúng ta cần đốt lên cho tâm hồn mình.

Và để kết thúc bài suy niệm này, tôi xin trích dẫn lời Thánh Vịnh mà chúng ta đọc trong mùa Vọng này:

7 Hỡi cửa đền, hãy cất cao lên,
cao lên nữa, hỡi cửa đền cổ kính,
để Đức Vua vinh hiển ngự vào.

8 Đức Vua vinh hiển đó là ai?
Là ĐỨC CHÚA mạnh mẽ oai hùng
ĐỨC CHÚA oai hùng khi xuất trận.

9 Hỡi cửa đền, hãy cất cao lên,
cao lên nữa, hỡi cửa đền cổ kính,
để Đức Vua vinh hiển ngự vào.

10 Đức Vua vinh hiển đó là ai?
Là Chúa Tể càn khôn: chính Người là Đức Vua vinh hiển.
 (Tv 24, 7-10). 

Paris, mùa Vọng 2009. 

Lm. Nguyễn ngọc Thế SJ 



[1] Alfred Delp, Gesammelte Schriften II, p.143.

[2] Alfred Delp, Gesammelte Schriften I, p.74.

[3] Alfred Delp, Gesammelte Schriften III, p.34.

[4] Alfred Delp, Gesammelte Schriften IV, p.226.

[5] Alfred Delp, Gesammelte Schriften IV, p.149. 

[6] Alfred Delp, Gesammelte Schriften IV, p.149.

[7] Ibid., p.292-293.

                   

Tác giả: Lm. Ng Ngọc Thế, SJ.

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!