Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Lm. Giuse Lê Công Đức
Bài Viết Của
Lm. Giuse Lê Công Đức
NGÀY LINH MỤC, TÔI NHỚ MỘT LINH MỤC
Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng - NIỀM VUI YÊU THƯƠNG - (AMORIS LAETITIA)
MỘT MẢU “QUẢNG CÁO” DỄ THƯƠNG!
MÙA CHAY, TUẦN THÁNH – NHỮNG TẬP TỤC VÀ TRUYỀN THỐNG
MẸ VÀ CON
LỄ PHỤC SINH Ở CAM-PU-CHIA
XIN ĐỪNG XA NHAU NỮA
THẦN KHÍ CHÚA ĐÃ SAI TÔI ĐI?
Câu chuyện Lễ Hiển Linh: ĐỪNG TƯỞNG BỞ!
SUY NIỆM ĐẦU NĂM
ĐÔI NÉT VỀ MÙA GIÁNG SINH
Một Trẻ Sơ Sinh Bọc Tã, Nằm Trong Máng Cỏ
NGÀI ĐẾN ĐÂY LÀM GÌ?
Lan Man Từ Chuyện Tấm Thiệp
HÒA GIẢI VÀ HY VỌNG
TRUYỀN GIÁO ?
MỘT TẦM NHÌN SỨ MẠNG
VÌ TÔI LÀ MỘT LINH MỤC…
ANH EM HÃY NHẬN LẤY THÁNH THẦN... (Ga 20,19-23)
AI MUỐN THEO TÔI, PHẢI TỪ BỎ MÌNH, VÁC THẬP GIÁ MÌNH HẰNG NGÀY MÀ THEO (Lc 9,23)
AI MUỐN THEO TÔI, PHẢI TỪ BỎ MÌNH, VÁC THẬP GIÁ MÌNH HẰNG NGÀY MÀ THEO (Lc 9,23)
Bài phụ trương: AI LÀ NGƯỜI LỚN NHẤT? (Lc 9, 46-48)
AI LÀ NGƯỜI THÂN CẬN CỦA TÔI? (Lc 10, 29-37)
THẦN KHÍ CỦA ĐỨC CHÚA NGỰ TRÊN TÔI...
THẦY Ở ĐÂU? (Ga 1,38)
NGƯƠI Ở ĐÂU?
BÀI PHỤ TRƯƠNG: AI LÀ NGƯỜI LỚN NHẤT? (LC 9, 46-48)

 

Điểm nhắm: Thử thách lớn nhất mà người tông đồ có thể phải chịu, có lẽ đó không phải là đau khổ cho Giáo Hội mà là đau khổ do Giáo Hội! Làm sao để vẫn trung thành và yêu mến Giáo Hội ngay khi thấy mình đứng trước loại thử thách này? Câu chuyện Tổng giám mục Oscar Romero có một khía cạnh có thể giúp soi sáng cho ta câu trả lời...     

Vụ án phong chân phước cho Tổng giám mục Romero đang được xúc tiến. Nội tạng của ngài, được thu lại và được chôn ngay sau khi ngài chết và trước khi xác ngài được xử lý bằng hoá chất, hiện nay vẫn còn nguyên một cách lạ lùng. Dịp thượng hội đồng giám mục châu Mỹ Latinh ở Rôma, Đức Cha Gregorio Rosa Chávez, giám mục phụ tá tổng giáo phận San Salvador, đã có một bài tưởng niệm gây xúc động sâu sắc cho mọi người. Chúng tôi quyết định hỏi giám mục Rosa Chávez, người đã trải qua nhiều năm bên cạnh Romero, về một giai đoạn khủng hoảng cao độ không chỉ của Giáo Hội ở Salvador mà là của toàn thể Giáo Hội châu Mỹ Latinh. Chúng tôi thảo luận về nhân cách của Romero và về những sự kiện đã dẫn tới cái chết tuẫn đạo của ngài. 

- Vụ án phong chân phước cho Đức Tổng giám mục Oscar Romero nay đã tới giai đoạn nào rồi, thưa Đức Cha?

Rosa Chávez: - Thủ tục ở giáo phận đã chính thức kết thúc hôm 1.11.1996. Các kết quả và các dữ kiện thu thập được đã được trình cho Rôma. Nói chung, Rôma có một đánh giá tích cực; tuy nhiên vẫn yêu cầu thêm những chi tiết về các sử liệu, chẳng hạn bối cảnh trong đó Romero được gọi để thi hành sứ vụ của mình, và về những hoàn cảnh xung quanh cái chết của ngài, về lý do tại sao ngài bị giết. 

- Vậy phải chăng tiến trình phải khựng lại một mức nào đó?

Rosa Chávez: - Nếu tiến trình phải khựng lại, thì theo quan điểm của tôi, những người đáng trách chính là chúng ta, những người Salvador. Các thù địch lớn nhất của vụ án phong chân phước cho Romero nằm ở chính Salvador. Chính những con người đã cản mũi Romero khi còn sống, chính những con người đã viết thư nặc danh tố cáo Romero là một tên cộng sản ... nay vẫn còn tiếp tục chống lại Romero. 

- Quả là Tổng Giám Mục Romero đã có những đối thủ ngay trong hội đồng giám mục quốc gia. Một trong các giám mục ấy đã đi xa đến mức tố cáo Romero trước mặt giáo hoàng (trong chuyến công du thứ hai của giáo hoàng tới Salvador vào năm 1996) rằng Romero phải chịu trách nhiệm về cái chết của 70.000 người Salvador!

Rosa Chávez: - Đó là lý do tại sao cần phải trả lời thoả đáng cho yêu cầu thứ nhất của toà thánh, tức làm rõ bối cảnh lịch sử trong đó Romero đã phục vụ. 

- Bối cảnh lịch sử, tại sao?

Rosa Chávez: - Tình hình lúc bấy giờ rất là phân cực, và thật khó mà không rơi vào một dạng ý thức hệ nào đó. Một số khó khăn mà Romero kinh nghiệm với vị khâm sứ và với một số giám mục đồng sự phải được nhìn trong bối cảnh này. Tình hình thậm chí dẫn đến chỗ các giám mục Salvador đã không hội họp với nhau suốt một thời gian dài, và điều này làm khổ tâm vị tổng giám mục rất nhiều, như chúng ta thấy ngài trung thành ghi lại trong nhật ký. 

- Cũng phải truy vấn các lý do dẫn đến cái chết của Romero nữa. Theo quan điểm của Đức Cha thì tại sao Tổng giám mục Romero bị giết? 

Rosa Chávez: - Thì cũng giống như hỏi tại sao người ta đã giết Đức Giêsu Kitô vậy. Vụ giết hại Romero cũng giống như vụ giết hại Đức Giêsu. Người ta cũng nói về Đức Giêsu rằng Ngài bị giết vì các lý do chính trị. Các thế lực chắc chắn có cách để biện minh cho mình, nhắm che lấp tội của họ.  

- Đức Cha đã sống gần ngài trong thời gian dài. Đức Cha nhớ điều gì về ngài?

Rosa Chávez: - Tôi gặp ngài lần đầu tiên khi tôi còn là một cậu bé, lúc đó ngài đã là linh mục. Chúng tôi sinh ra trong cùng một giáo phận. Tôi vào chủng viện năm 14 tuổi. Romero lúc ấy là một linh mục của San Miguel, thành phố lớn thứ ba của Salvador. Đó là một nơi yên tĩnh, thân thiện, và hầu như mọi người đều biết nhau. Năm 1965, ngài được yêu cầu trông coi một tiểu chủng viện. Romero là một linh mục rất giản dị, có đời sống tâm linh sâu sắc, chính thống trong giáo thuyết và đặc biệt yêu thương người nghèo. Nhưng ban đầu, ngài không ấn tượng lắm, ngay cả dường như phản đối, đối với các văn kiện của Liên Hiệp Các Hội Đồng Giám Mục Châu Mỹ Latinh ở Medellin hồi năm 1968. Ngài cho rằng các vă kiện ấy có quá nhiều tính chính trị. Nhưng ngài đã thay đổi quan điểm khi ngài chuyển đến San Salvador, trước hết trong tư cách giám mục phụ tá, rồi sau đó trong tư cách tổng giám mục. 

- Ngài vừa mới được bổ nhiệm tổng giám mục San salvador thì một linh mục bạn của ngài bị thảm sát, đó là Cha Rutilio Grande, dòng Tên. Một số người nói rằng chính cái chết ấy đã thay đổi Romero, đến nỗi có người nói về một cuộc “hoán cải” từ bảo thủ sang đối đầu với chế độ... Điều đó có đúng không, thưa Đức Cha?

Rosa Chávez: - Cha Grande là một người bạn tri kỷ của Romero. Cha là chưởng nghi của lễ tấn phong giám mục cho Romero. Cha bị giết vào ngày 12 tháng 3 năm 1977, chỉ ít tuần sau khi Romero trở thành tổng giám mục San Salvador. Cuối tháng 5 năm ấy, biệt đội tử thần đã giết một linh mục khác, đó là Cha Alfonso Navarro. Đó là hoàn cảnh mà Romero phải đối diện khi ngài thuyên chuyển đến thủ đô. Và kể từ đó, những lời nói và hành động của ngài nhằm bênh vực người nghèo và chống lại nhà cầm quyền trở nên ngày càng dứt khoát. Có lần trong một cuộc phỏng vấn truyền thanh, tôi đã hỏi ngài: “Thưa Đức Cha, người ta nói rằng Đức Cha đã ‘thay đổi hẳn’”. Và ngài trả lời: “Tôi không muốn nói là ‘thay đổi’ mà muốn nói là ‘cách mạng’ – người ta không thể nhắm mắt trước những gì đang diễn ra.” Tôi cho rằng Romero đúng. Đức tin của ngài, linh đạo và giáo thuyết chính thống vững vàng của ngài thì vẫn như thế. Chính hoàn cảnh trong đó ngài làm việc đã thay đổi. Từ một tỉnh lẻ thân quen, ngài đã chuyển đến thủ đô San Salvador. Ở đó, trực tiếp đối diện với trung tâm quyền lực kinh tế chính trị của đất nước, ngài đích thân nhìn thấy tội ác xã hội, sự bất công có tính cơ cấu, sự hình thành những biệt đội tử thần. Có những tuần lễ trong đó hàng trăm người bị các biệt đội tử thần hành quyết. Các xác chết không toàn thây bị treo lủng lẳng trên các cành cây trong thành phố và tại những nơi nhiều người qua lại, nhằm mục đích khủng bố tinh thần người ta. Romero nói: “Dường như ơn gọi của tôi là đi thu lượm các xác chết.” 

- Hành động bênh vực người nghèo của Romero trở nên quyết liệt đến nỗi tám ngày trước khi chết, ngài đã thẳng thắn lên án chế độ quân phiệt, quân đội, và nhóm cầm quyền đã toa rập với các quyền lợi của Bắc Mỹ. Ngài tuyên bố rằng “Carter tiếp tục gửi cho họ mọi sự trợ giúp”...

Rosa Chávez: - Thậm chí ngài đã viết một thư không niêm gửi tổng thống Hoa Kỳ trong đó ngài yêu cầu ông ta ngưng chở vũ khí đến Salvador. Ngài vô cùng khổ tâm vì nhận thấy rằng cơ cấu bất công và những quyền lợi của các giới lãnh đạo các quốc gia đang dẫn tới chiến tranh, một cuộc chiến tranh hiển nhiên không thể tránh khỏi. Romero ý thức rất rõ cái khoảnh khắc lịch sử chính trị mà Salvador đang trải qua, và không duy chỉ là Salvador. Việc gán cho ngài cái nhãn “kích động, lôi kéo quần chúng” chỉ là một âm mưu bẩn thỉu. Trong hy vọng cứu vãn tình hình khỏi bùng nổ bạo lực, Romero đã ủng hộ mọi cơ hội khả dĩ đem lại đối thoại. Chẳng hạn, vào tháng 10 năm 1979, các tướng lãnh trẻ đã chiếm chính quyền và yêu câu ngài ủng hộ cuộc đảo chánh. Cùng với nhau, chúng tôi đã soạn thảo một văn bản phổ biến trên toàn quốc, kêu gọi mọi người đừng nóng vội đánh giá nhóm quân đội này liên quan đến các cố gắng tái lập công bằng và trật tự xã hội của họ. Romero nói: “Diễn biến này may đâu có thể cứu dân chúng khỏi nhiều đau khổ. Chúng ta phải biết chờ đợi và phán xét theo các kết quả, để xem thử người ta có giữ các lời hứa hay không.” 

- Chủ yếu người ta trách cứ rằng Romero đã biến mình thành một công cụ của cánh tả...

Rosa Chávez: - Bình luận về cuộc họp với vị khâm sứ ở Costa Rica được toà thánh gửi đến giải quyết vấn đề bất đồng giữa các giám mục. Tỏng giám mục Romero nói rõ trong nhật ký của ngài rằng: “Việc tôi ủng hộ sự tổ chức quần chúng không hề có nghĩa rằng tôi thiên tả, cũng chẳng có nghĩa rằng tôi không nhìn thấy mối nguy hiểm của sự thâm nhập của phe tả, vì đấy là điều tôi hiểu rất rõ – nhưng tôi cũng thấy rằng chống cộng rất thường là lá bài để các thế lực chính trị kinh tế sử dụng nhằm duy trì những bất công chính trị và xã hội của họ.” Tổng giám mục Romero có một cái nhìn rất rõ về hoàn cảnh thực tế. Người kế nhiệm của ngài, Tổng giám mục Arturo Rivera Damas, đã chỉ ra ba nguyên nhân chính của tình trạng bạo lực ở Salvador. Ngoài tình trạng bất công và các ý thức hệ thiên hữu và thiên tả, thì cái ngòi nổ bạo lực chính là các tranh chấp quyền lợi giữa các quốc gia đang diễn ra tại quốc gia Salvador bé nhỏ của chúng ta. Trong một bối cảnh phân cực, thì những con người quyết bảo vệ dân nghèo như Romero bị qui chụp là theo ý thức hệ xã hội chủ nghĩa, trong khi hành động của ngài xuất phát không phải từ sự say mê các ý tưởng xã hội chủ nghĩa, mà chỉ đơn giản là từ sự trung thành đối với ơn gọi của mình... Tổng giám mục Romero là một con người rất truyền thống trong những vấn đề liên quan đến giáo lý và đức tin, nhưng rất cởi mở trong những vấn đề xã hội. Ngài minh chứng cho giáo huấn của Truyền Thống rằng: khi người ta sống gắn chặt với đức tin của các Tông Đồ thì người ta sẽ dũng cảm trong việc bảo vệ người nghèo và lên án những bất công...   

- Romero đã gặp Đức Phaolô VI vào năm 1978 tại Rôma, và gặp Đức Gioan Phaolô II vào năm 1979...

Rosa Chávez: - Romero rất ngưỡng mộ Đức Phaolô VI. Bình luận về chuyến viếng thăm Rôma của mình năm 1978, Romero nói về Đức Phaolô VI với đầy niềm cảm kích và tri ân sâu sắc. Chắc chắn vị tổng giám mục đã nhận được sự cảm thông và sự nâng đỡ huynh đệ từ người kế vị Thánh Phêrô. Còn chuyến thăm Đức Gioan Phaolô II vào năm sau, vị giáo hoàng đã nhắc ngài nhớ đến tình hình ở Ba Lan, và huấn dụ ngài rằng “hãy chỉ bám chặt vào các nguyên tắc.” Romero đã kể lại với đầy cảm hứng về một số cuộc gặp gỡ các chức sắc ở Rôma trong chuyến viếng thăm này; nhưng người ta có ấn tượng rằng Romero cảm thấy thoải mái với chuyến đi Rôma hồi năm trước hơn là lần này. Trong một bối cảnh mà ý thức hệ xâm nhập mọi nơi, thì mối quan tâm của vị tổng giám mục đối với người nghèo và đối với dân chúng đã bị hiểu lầm và bị ngáng trở.  

- Các mối quan hệ giữa ngài với Đức Gioan Phaolô II thế nào?

Rosa Chávez: - Đức Gioan Phaolô II được bầu làm giáo hoàng chỉ được ít lâu thì Romero chết; vì thế hai người không có mấy dịp gặp gỡ tiếp xúc. Tôi là người trực tiếp chuẩn bị cho hai chuyến công du của Đức Gioan Phaô II đến Salvador – và tôi có thể làm chứng rằng cả hai lần đó đều có sự phản đối việc đức giáo hoàng viếng thăm mộ của Romero. Và cả hai lần, chính Rôma yêu cầu phải dàn xếp để có cuộc viếng thăm mộ vị tổng giám mục. Theo tôi thấy thì đức giáo hoàng xác tín rằng Romero là một vị tuẫn đạo của Giáo Hội, ngài mô tả Romero là “một vị mục tử hết lòng với đoàn chiên và đã thí mạng cho đoàn chiên.” Nhưng vị giáo hoàng cũng e ngại rằng các nhóm chính trị đã sử dụng tên tuổi của Tổng giám mục Romero cho mục đích tuyên truyền của mình. Vì thế, trong bài diễn văn năm 1993 ở Salvador, đức giáo hoàng đã yêu cầu rằng hồi ức về vị tổng giám mục phải được tôn trọng, vị mục tử này phải được tôn trọng. 

- Cuối cùng, thưa Đức Cha, Đức Cha có những hy vọng gì về tiến trình phong chân phước cho Romero?

Rosa Chávez: - Tôi hy vọng rằng Romero được nhìn nhận là một vị tuẫn đạo. Và đó cũng là ước vọng của biết bao người đã yêu mến ngài và vẫn tiếp tục cảm mến ngài sâu sắc. Khi người ta đọc trang nhật ký về lời cầu nguyện với Chúa Giêsu mà ngài viết một tháng trước khi chết, người ta thấy hình ảnh của một sự sống được hiến dâng, trong ý thức về những hiểm nguy chực chờ gần kề. Ngài viết: “Thật cụ thể biết bao việc tôi phó dâng chính mình cho Trái Tim Chúa Giêsu, vốn luôn luôn là nguồn cảm hứng và là niềm vui của đời tôi. Vì thế, tôi đặt trọn sự sống mình trong vòng tay quan phòng yêu thương của Chúa; và trong niềm tin vào Ngài, tôi chấp nhận cái chết – dẫu sự chấp nhận này khó khăn đến mấy.”

Câu chuyện về cái chết của Romero vẫn còn làm tôi kinh ngạc cho tới hôm nay. Thánh Lễ cuối cùng của ngài trong nhà nguyện bệnh viện là một Thánh Lễ cầu cho người quá cố. Romero đã đọc bài Tin Mừng. Đó là bài Tin Mừng theo Thánh Gioan, trong đó Đức Giêsu nói: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh”. Tôi tự hỏi phải chăng lúc ấy vị tổng giám mục biết rằng mình sắp bị giết. Bài giảng của ngài dường như là một chứng từ, trong đó ngài tự so sánh mình với hạt lúa mì thối đi trong lòng đất để đem lại sự sống mới. Vì thế một số người nghĩ rằng trong khi ngài giảng, có thể ngài nhìn thấy kẻ sát nhân. Kết thúc bài giảng, cơ hồ ngài đang nói với kẻ sắp giết mình: ‘Hãy cho phép tôi chết khi tôi bước lại bàn thờ dâng của lễ, bạn nhé’ Và quả thật, ngài đã bị bắn chết khi bắt đầu dâng bánh rượu. Chính ngài đã trở thành lễ hy sinh. Hình ảnh ấy đáng quí biết bao – cả đời sống và cái chết của ngài có thể được nhìn trong ánh sáng của hình ảnh ấy. Ngài đã sống và đã chết như một linh mục, một mục tử với tình yêu nồng nàn hiến trao cho Đức Giêsu Kitô và cho đoàn chiên.

--------------------------------------------------------

Một số lời của TGM. Romero được đưa vào phim:

- Tôi đến từ thế giới của sách vở. Đúng. Sách vở cho ta rất nhiều bài học. Nhưng tôi còn nhiều điều khác cũng phải học. Có nhiều biến động và chia rẽ đang diễn ra trên đất nước này. Có vài linh mục chấp nhận biểu lộ những tư tưởng căn bản một cách thật là hời hợt. Và không ai trong chúng ta có thể tự hào biết hết những giải pháp cho các vấn đề do thời cuộc đặt ra. Trong Giáo Hội, chúng ta phải luôn trung thành với nguồn Tin Mừng. Theo cách thức truyền thống, phải luôn kiếm tìm công lý. 

- Nếu đây là một lễ an táng bình thường, thì tôi có thể nói về tình bạn của tôi với Cha Grande. Vào những lúc cao điểm trong cuộc sống của tôi, cha đã luôn có mặt, gần gũi. Và tôi sẽ không bao giờ quên những giờ phút đó. Thế nhưng bây giờ là lúc ta rút ra một sứ điệp từ những cái chết này. Tất cả chúng ta là những kẻ còn đang lữ hành. Sự giải thoát mà Cha Grande rao giảng là một sự giải thoát bén rễ sâu trong đức tin. Và bởi vậy, nó rất thường xuyên bị hiểu lầm. Chính vì nó mà Cha Grande đã chết. Biết đâu những kẻ sát nhân cũng đang nghe thấy những lời này. Vậy tôi xin nói với anh em: Hỡi người anh em sát nhân, chúng tôi yêu các anh, nài xin các anh hãy hối lỗi tận đáy lòng các anh.  

- Hôm nay chúng ta đến đây để giành lại quyền làm chủ và sử dụng thánh đường này – đồng thời cũng để tăng sức cho tất cả những ai bị địch thù của Giáo Hội giày đạp. Anh em nên biết anh em không chịu khổ một mình. Anh em là Giáo Hội; anh em là cộng đoàn dân Chúa, là Đức Kitô. Đúng lúc này và ở đây, anh em đang chịu đóng đinh, xác thực như chính Ngài đã chịu đóng đinh 2000 năm về trước, trên ngọn đồi ở bên ngoài thành Giêrusalem. Anh em nên biết, khi chịu khổ và hy sinh giống như Ngài, là anh em góp phần lớn lao cho sự giải phóng El Salvador bằng ơn cứu độ. 

Đức TGM. Romero ngồi tại toà giải tội, người xưng tội là một linh mục:

- Xin Chúa ban phép lành cho con!

- Xin Cha thương con, vì con là người tội lỗi. Con đã xưng tội cách nay được một tháng... Thưa Cha đã từ lâu con là đồ đệ trung thành của khoa thần học giải phóng và con đã năng nổ giúp quần chúng đấu tranh.

- Đó chưa phải là tội.

- Con cảm thấy rất khó chấp nhận một người. Chỉ có thế thôi.

- Đó cũng chưa phải là tội.

- Con cảm thấy bất bình với Đức Tổng Giám Mục. Người quá thận trọng. Người can đảm, nhưng bảo thủ. Làm sao con vâng phục người được? Con phải làm gì?

- Hãy cầu nguyện cho ngài. Đó cũng là việc đền tội của con... Cha tha tội cho con, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. 

- Xin cám ơn Cha.

- Xin Cám Ơn Cha.

- Tôi là một người mục tử, đã cùng học hỏi với đàn chiên của mình, để biết chọn lựa một cách tốt đẹp, tuy rất khó khăn. Đức tin của chúng ta đòi buộc ta phải hoà nhập vào với trần thế. Tôi tin rằng sự bất công về kinh tế là nguyên nhân chính của mọi vấn đề – từ đó phát sinh mọi bạo lực. Giáo Hội cần thâm nhập sâu rộng nơi tất cả những ai đấu tranh vì tự do, để bảo vệ họ và chia sẻ những niềm đau bị bách hại.

Tác giả: Lm. Giuse Lê Công Đức

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!