Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Lm. Giuse Lê Công Đức
Bài Viết Của
Lm. Giuse Lê Công Đức
NGÀY LINH MỤC, TÔI NHỚ MỘT LINH MỤC
Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng - NIỀM VUI YÊU THƯƠNG - (AMORIS LAETITIA)
MỘT MẢU “QUẢNG CÁO” DỄ THƯƠNG!
MÙA CHAY, TUẦN THÁNH – NHỮNG TẬP TỤC VÀ TRUYỀN THỐNG
MẸ VÀ CON
LỄ PHỤC SINH Ở CAM-PU-CHIA
XIN ĐỪNG XA NHAU NỮA
THẦN KHÍ CHÚA ĐÃ SAI TÔI ĐI?
Câu chuyện Lễ Hiển Linh: ĐỪNG TƯỞNG BỞ!
SUY NIỆM ĐẦU NĂM
ĐÔI NÉT VỀ MÙA GIÁNG SINH
Một Trẻ Sơ Sinh Bọc Tã, Nằm Trong Máng Cỏ
NGÀI ĐẾN ĐÂY LÀM GÌ?
Lan Man Từ Chuyện Tấm Thiệp
HÒA GIẢI VÀ HY VỌNG
TRUYỀN GIÁO ?
MỘT TẦM NHÌN SỨ MẠNG
VÌ TÔI LÀ MỘT LINH MỤC…
ANH EM HÃY NHẬN LẤY THÁNH THẦN... (Ga 20,19-23)
AI MUỐN THEO TÔI, PHẢI TỪ BỎ MÌNH, VÁC THẬP GIÁ MÌNH HẰNG NGÀY MÀ THEO (Lc 9,23)
AI MUỐN THEO TÔI, PHẢI TỪ BỎ MÌNH, VÁC THẬP GIÁ MÌNH HẰNG NGÀY MÀ THEO (Lc 9,23)
Bài phụ trương: AI LÀ NGƯỜI LỚN NHẤT? (Lc 9, 46-48)
AI LÀ NGƯỜI THÂN CẬN CỦA TÔI? (Lc 10, 29-37)
THẦN KHÍ CỦA ĐỨC CHÚA NGỰ TRÊN TÔI...
THẦY Ở ĐÂU? (Ga 1,38)
NGƯƠI Ở ĐÂU?
AI LÀ NGƯỜI THÂN CẬN CỦA TÔI? (LC 10, 29-37)

Điểm nhắm: Câu chuyện người Samari nhân hậu là một trong những dụ ngôn tầm cỡ nhất chuyên chở giáo huấn của Đức Giêsu. Và đó cũng là một câu chuyện rất cách mạng – nếu không muốn nói là rất  ‘phản động’! Điều ít được để ý, đó là khi kể xong câu chuyện, Đức Giêsu không hỏi: “Nạn nhân là người thân cận của ai trong 3 người ấy?” – nhưng Ngài  hỏi: “Trong 3 người ấy, ai là người thân cận của nạn nhân?”Rốt cục, hành động sẽ xác nhận tương quan, chứ không ngược lại.. Giáo Hội thời hiện đại có câu chuyện Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero – một con người cũng đứng trước những anh chị em ‘bị đập đến dở sống dở chết’ của mình, đã quyết định dấn thân bảo vệ đến cùng những anh chị em ấy, và đã trả cái giá đắt nhất nhưng cũng là đẹp nhất.  

1. Oscar Romero, một cuộc đời 

6 giờ 30 chiều ngày 24.3.1980, một cái chết đã làm chấn động cả Giáo Hội và thế giới: Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero của tổng giáo phận San Salvador bị bắn gục khi đang dâng Thánh Lễ tại nguyện đường trong khuôn viên bệnh viện Chúa Quan Phòng. Cái chết này là điểm tới của một cuộc đấu tranh cho nhân quyền và công lý đầy căng thẳng từ ngót 3 năm trước đó. Và ba năm sau biến cố bi thảm này, Đức Gioan Phaolô II, trong chuyến công du, đã đến úp mặt trên mộ của Oscar Romero và khóc thổn thức. Những giọt nước mắt vừa của niềm yêu mến cảm phục vừa của niềm ân hận... Đã ngót 30 năm, từ đó đến nay, dân chúng El Salvador khi nhắc đến vị tổng giám mục này vẫn luôn gọi ngài là San Romero – Thánh Romero – một cách tự hào và trìu mến. Vậy Oscar Romero là ai vậy?

Chào đời vào năm 1917 trong một gia đình miền núi hẻo lánh phía đông El Salvador, một quốc gia nhỏ bé nằm nép bên phía Thái Bình Dương ngay chỗ eo nối giữa Bắc và Nam Mỹ, Oscar Romero bắt đầu làm việc tại một xưởng mộc năm 12 tuổi, rồi năm sau, cậu vào tiểu chủng viện để theo đuổi ơn gọi linh mục. Hai mươi tuổi, Romero được gửi đi học thần học ở Đại Học Gregoriana, Rôma, và đã được truyền chức linh mục tại đó vào năm 1942. Trở về El Salvador năm 1943, linh mục Romero hăng hái phục vụ trong vai trò cha sở giáo xứ Chính Toà giáo phận San Miguel cho đến năm 1967. Ngài được biết đến nhiều nhờ khả năng giảng thuyết, làm báo và tổ chức các hoạt động khác nhau của giáo phận. Nhưng đồng thời Romero cũng gây bực bội cho một số người, kể cả một số giáo sĩ, bởi tính cách khắt khe và đôi khi bất nhẫn của mình.

Vốn đầy tâm huyết đối với Giáo Hội ngay từ thuở nhỏ, Romero rất quan tâm theo dõi Công Đồng Vatican II, diễn ra từ 1962 đến 1965, một Công Đồng nhằm làm cho Giáo Hội Công Giáo đáp ứng được những nhu cầu của thời đại. Trở về với cội nguồn Giáo Hội, Công Đồng nhấn mạnh rằng tự căn bản Giáo Hội là Dân Thiên Chúa, chứ không chủ yếu là một hình thức cơ chế mà Giáo Hội đã đạt được qua bao thế kỷ. Công Đồng nhắc nhở các giáo sĩ và hàng giáo phẩm rằng họ phải là những đầy tớ của dân chúng, chứ không phải là một giai cấp đặc quyền đặc lợi. Chính bản thân Giáo Hội phải là đầy tớ của thế giới, là khí cụ chuyển trao ơn cứu độ cho mọi con người.

Năm 1967, vào tuổi 50, Cha Romero được bổ nhiệm làm thư ký Hội Đồng Giám Mục – và ngài đã chuyển tới San Salvador, thành phố thủ đô. Năm 1970, ngài trở thành giám mục phụ tá của tổng giáo phận San Salvador. Trong cương vị mới này, có những thời gian ngài kiêm nhiệm giám đốc đại chủng viện và chủ bút tờ tuần báo Công Giáo, bên cạnh các hoạt động giảng thuyết và cử hành phụng vụ.

Romero nhậm chức tổng giám mục San Salvador vào năm 1977. Đó là giai đoạn xáo trộn nhất trong lịch sử đất nước. Chính lễ nhậm chức của ngài cũng đã diễn ra một cách đơn sơ và vội vã, chỉ hai ngày sau cuộc bầu cử 20 tháng 2, trong đó ứng cử viên tổng thống của chính phủ, Carlos Humberto Romero, được tuyên bố là người chiến thắng, bất chấp những chứng cứ về sự gian lận trắng trợn. Những cuộc phản đối càng bùng lên thì sự đàn áp càng khốc liệt, như vụ tàn sát những người biểu tình tại quảng trường Libertad vào ngày 28 tháng 2.  

Đó cũng là thời gian mà sự đàn áp được chĩa thẳng vào Giáo Hội. Một số linh mục vừa mới bị quản thúc, bị đe doạ, hay bị trục xuất. Hai linh mục người Mỹ bị tống ra khỏi biên giới cách thô bạo chỉ hai ngày trước khi Romero nhậm chức. Cũng chính ngày hôm ấy, một số linh mục khác bị từ chối chiếu khán tái nhập cư vào El Salvador. Và chưa đầy một tháng sau khi Romero trở thành tổng giám mục, thì người bạn rất thân tín của ngài là Cha Rutilio Grande, dòng Tên, bị sát hại một cách dã man, cùng với một nông dân và một cậu bé quá giang trên xe của ngài.

Vụ tàn sát này làm chấn động cả nước. Đã từ lâu rồi, chính quyền, quân đội và công an ưu tiên phục vụ giới địa chủ giàu có, bằng những cuộc trấn áp thẳng tay đối với mọi dấu hiệu phản kháng của nông dân. Mọi người đều biết rõ chính giới địa chủ và giới cầm quyền đứng phía sau vụ tàn sát này. Đã đến lúc cộng đoàn dân Chúa tại tổng giáo phận muốn một phản ứng kiên quyết từ tổng giáo phận và từ vị tổng giám mục mới của mình.

Sau khi suy nghĩ kỹ, Romero quyết định áp dụng biện pháp đã được đề nghị trong cuộc họp kéo dài một ngày của hội đồng linh mục San Salvador. Ngài cho đóng cửa tất cả các trường học Công Giáo trong 3 ngày để để tang cho các nạn nhân bị sát hại, và để mọi người đào sâu suy nghĩ về tình hình đất nước. Lễ an táng Cha Grande được cử hành tại quảng trường trước nhà thờ Chính Toà, với đông đảo dân chúng tham dự, và bài giảng của Romero, như thường lệ, được truyền đi khắp nơi trong nước qua làn sóng phát thanh. Vị tổng giám mục ra lệnh rằng vào ngày Chủ Nhật tiếp sau lễ an táng Cha Grande, trong toàn tổng giáo phận sẽ chỉ có một Thánh Lễ duy nhất tại nhà thờ Chính Toà. Biến cố này đã trở thành một hành động lên tiếng của Giáo Hội cách ấn tượng chưa từng có trong lịch sử El Salvador. Và đối với nhiều người, đó là một kinh nghiệm đức tin rất sâu sắc. Nhưng, đồng thời, đó cũng là nguyên nhân của một sự xung khắc nghiêm trọng giữa Tổng Giám Mục Romero và vị khâm sứ toà thánh – vì vị khâm sứ không tán thành biện pháp “một Thánh Lễ,” cho rằng như vậy là quá khiêu khích chính quyền!

Trong suốt 3 năm sau đó, Romero là trung tâm của các xung đột. Thất vọng với thái độ của vị tổng giám mục này, chính quyền quân sự và giới tài phiệt ra mặt chống lại ngài – thậm chí họ áp dụng cả biện pháp cho quân đội chiếm đóng nhà thờ Chính Toà của tổng giáo phận. Về phần mình, Romero không nao núng; ngài giữ vững con đường ngài đã chọn. Ngài nhận được sự ủng hộ của dân chúng, và ngài tin rằng mình đang thi hành sứ vụ được giao cho mình, như được thấy rõ trong Tin Mừng và trong giáo huấn của Giáo Hội. Thêm 5 linh mục bị giết sau Cha Grande nội trong 3 năm ấy; Romero sẽ là người thứ sáu. Và vô số giáo dân, thành viên của các Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản, tiếp tục bị giết hại bởi bàn tay của quân đội hoặc công an. 

Một số giám mục trong Hội Đồng Giám Mục El Salvador, vì những lý do nào đó, đã phủ nhận các thực tế đang diễn ra và đã chống lại cuộc đấu tranh của Romero. Chính Đức Thánh Cha, dựa vào các báo cáo của vị khâm sứ và của một số giám mục, cũng tỏ ra lãnh đạm và ngay cả trấn áp Romero.  Câu chuyện càng phức tạp hơn khi một số linh mục, vì quá bức xúc trước những nỗi đau của dân chúng, đã chọn con đường trực tiếp ủng hộ các nhóm du kích, phiến quân. Sự  việc này đặt Tổng Giám Mục Romero vào một tình thế đầy căng thẳng. Nhưng ngài không ấm ớ; tiếng nói của ngài luôn xoáy thẳng vào những bi kịch đang diễn ra từng ngày ở El Salvador.   

Romero vốn là một nhà giảng thuyết tên tuổi. Ngài vốn từng có nhiều dịp phát biểu trên đài phát thanh. Tuy nhiên, khi trở thành tổng giám mục, phong cách giảng thuyết độc đáo của ngài mang thêm một nét mới. Vì hệ thống truyền thông của chính phủ ít khi tường thuật, và thường bóp méo những tin tức liên quan đến các tổ chức quần chúng của Giáo Hội, và hầu như không bao giờ trình bày sự thật về những vụ chà đạp nhân quyền đang diễn ra tràn lan trên khắp đất nước, vị tổng giám mục đã tự đảm nhận công việc thông tin những gì đang diễn ra cho một công chúng luôn mong mỏi nắm biết.

Theo các cuộc thăm dò cho biết, 73% dân chúng các vùng nông thôn và 47% cư dân thành phố đã thường xuyên theo dõi Thánh Lễ trực tiếp truyền thanh từ Nhà Thờ Chính Toà, để nghe bài giảng, mỗi lần như vậy không dưới một tiếng rưỡi. Phần “điểm lại các biến cố trong tuần” của Romero bao gồm cả những tin vui lẫn những tin tồi tệ. Ngài lược thuật cả những nỗ lực loan báo Tin Mừng giải phóng lẫn những sự bóp nghẹt Tin Mừng này. Và cùng với các ngôn sứ trong lịch sử, ngài tố cáo những sự dữ đang diễn ra.

Các bài giảng lễ Chủ Nhật của ngài được truyền thanh toàn quốc trên làn sóng của đài phát thanh YSAX của Giáo Hội – chỉ gián đoạn khoảng 5 tuần lễ, khi đài này bị ném bom đổ sụp. Song đài được tái lập và trở lại hoạt động vào ngày 23.3.1980; đó cũng là lần cuối cùng YSAX truyền đi tiếng nói của Romero trước khi ngài bị bắn chết vào hôm sau, 24.3. Vị tổng giám mục đã bị bắn chết ngay tại bàn thờ, khi đang dâng Thánh Lễ với một cộng đoàn nữ tu. Trước đó, ngài đã từng bị đe doạ; và ngài cho biết ngài cũng sợ chết như bất cứ ai. Song có một cái gì đó còn lớn hơn nỗi sợ chết nơi con người mục tử này. Ngài tiếp tục đương đầu với những thế lực áp bức một cách không nao núng. Như lời ngài nói trước đó ít lâu: “Người ta đe doạ giết tôi. Nhưng nếu tôi chết, tôi sẽ sống lại trong lòng người dân El Salvador.”   

2. Gợi ý suy nghĩ và cầu nguyện  

- Nếu được, bạn nên xem bộ phim ROMERO (của đạo diễn John Duigan).  

- Ghi nhận bối cảnh xã hội El Salvador thập niên 1970 (dân nghèo bị áp bức...) – liên tưởng hoàn cảnh tại các nước Trung, Nam Mỹ nói chung, và liên tưởng đến sự chọn lựa của các giám mục Mỹ Latinh (Medellin, 1968): Giáo Hội ưu tiên chọn lựa người nghèo! Giáo Hội của người nghèo! 

- Bạn cảm nhận gì về:

- lối sống và nhân cách của Romero?

- tinh thần ngôn sứ của Romero?

- sự dũng cảm dấn thân triệt để của Romero?

- sự khôn ngoan sáng suốt, đúng mực của Romero trước các chủ trương giải phóng quá khích?

- thái độ kiên trung với Tin Mừng giải phóng của Romero (bao dung, hoà giải, phi bạo lực)?

- Romero, con người mục tử: sống chết cho đoàn chiên?

Tác giả: Lm. Giuse Lê Công Đức

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!