Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Phạm Minh-Tâm
Bài Viết Của
Phạm Minh-Tâm
Bình-an trong sự thật
Phép lạ Mùa Vọng
Thái-quá và bất-cập
Phong-kiến tâm-linh
PHÉP LẠ MÙA VỌNG

 

“Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta” (Ga 1, 14). Lời loan báo của thánh Gio-an đã minh-xác tin mừng cho nhân-loại về mầu- nhiệm Ngôi Lời Nhập-thể. Đây là một trong những phép lạ cả thể mà Thiên Chúa đã thực sự gửi tới thế-gian cách minh- nhiên và cụ- thể mà không phải chỉ những người có đạo mới tin mà là một biến- cố đã mở ra cho toàn thế-giới công-nhận sự bắt đầu một kỷ-nguyên mới. Đó là kỷ-nguyên sau Thiên Chúa Giáng-sinh. Rồi từ đó, từng chặng đường đặc-biệt của lịch-sử các dân-tộc đã tuần-tự ghi nhận sự có mặt của vị Thiên Chúa Nhập-thể này bằng sự hình-thành của các Giáo-hội Công-giáo tại các địa-phương. Các Giáo-hội Công- giáo địa-phương này cho dù có khác biệt về tiếng nói hay mầu da, về văn-hóa và tập-quán nhưng nếu một khi đã cùng mang một danh xưng Công-giáo trong sứ-mạng đến với muôn dân để “làm phép Rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh- Thần” thì cũng sẽ “dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em, để muôn dân trở nên môn-đệ của Thầy”.

Từ khởi thủy, Thiên Chúa tạo nên vũ-trụ và muôn vật chỉ bằng Lời. Người phán hãy có, hãy có và hãy có thì mọi sự đều có rồi con người là thụ-tạo đặc-biệt đứng ra nhận lấy toàn bộ công-trình tác- tạo đó để làm chủ mọi sự. Trong vai trò được giao cho như vậy, con người không phải chỉ biết khai-thác để tận-dụng các nguồn lợi hay hưởng-thụ mọi sự Chúa đã tạo ra mà còn phải có trách- nhiệm bảo-vệ, thay đổi và đóng góp bất cứ những gì cho cái gia-sản chung này vẫn giữ được vẻ đẹp lành như ý Thiên Chúa muốn từ thuở tạo dựng.

Nhưng con người đã cai quản kho tàng của Thiên Chúa bằng cách xây tháp Ba-ben, xây các thành Sô-đôm và Gô- mô-ra chẳng hạn. Đây không phải chỉ là chuyện kể mơ-mơ-hồ-hồ trong Cựu- ước về thời-điểm cổ xưa chỉ ghi lại và chỉ tồn-tại trong Sách Sáng-thế mà chính là khởi-điểm đã trải dài theo dòng lịch-sử cho con người ở mọi nơi trên mặt đất. Trên lộ-trình dài đằng-đẵng này thật không thể đếm sao cho siết những Ca-in, những Giu-đa cũng như những đô-thị chuyển-thế của Sô-đôm và Gô-mô-ra. Ngọn tháp Ba- ben càng ngày càng được tu-sửa và làm cho kiên-cố thêm ngay trong lòng mỗi người từ nơi những tập-thể nho-nhỏ, từ ngay giữa hai người thân- thiết. Càng ngày chúng ta càng mất đi khả-năng chia-sẻ và cảm- thông

Thiên Chúa Ngôi Lời ngay từ phút đầu xuống thế đã bị loài người bỏ quên, hất hủi đến độ không có được một chỗ trú chân giữa mọi người trong quán trọ chính vì Thiên Chúa đã không đến thế- gian như lòng họ mong đợi. Thế-gian chỉ thích những gì huyễn- hoặc, phù-phép hào-nhoáng vừa đủ với bản-chất của một niềm tin nông cạn và thô-thiển mà thôi.  Đó là cái nhìn về hình ảnh một Đức Chúa có quyền hóa phép cho con người khi cần xin xỏ ơn này ơn nọ hoặc có thể để cho người ta dựa vào quyển-lực đó mà lợi- dụng sự nhẹ dạ, cả tin của số đông chỉ thích thỏa-mãn tâm- linh bằng cảm-tính.  Điều này thật rõ nét với lối sống đạo và hành-đạo của giáo dân Việt-Nam. Trong khi Đức Ki-tô sống động vẫn đang có mặt và đồng-hành ngay giữa những người anh em cùng khốn, đau- khổ dẫy đầy khắp các nẻo đường thì ít ai nhận ra nhưng những bức tượng bằng thạch-cao, bằng dất sét, bằng gỗ thì lại được sùng bái thờ lạy. Chẳng thế thì làm sao có thể lâu lâu lại rộ lên ở nơi này, chốn nọ những cái gọi là “hiện-tượng lạ, phép lạ” chảy dầu, chảy máu mà không tách rời ra được giữa những ý-niệm căn- bản là Thiên Chúa không phải là bức tượng Chúa và Đức Mẹ khác với tượng Đức Mẹ.

Cho đến nay, mầu-nhiệm Ngôi Lời nhập-thể vẫn  minh- nhiên là một mầu-nhiệm ân-sủng, song ý nghĩa của cảnh giáng- sinh nghèo nàn nơi hang đá Bê-lem cũng chỉ được ca-ngợi trên lý-thuyết, nơi tòa giảng và là một “hoạt-cảnh” không thể thiếu trong mùa Giáng-sinh tại các nhà thờ, tại những nơi nào người có đạo tụ họp lại. Còn Thiên Chúa thì vẫn nghèo, vẫn lạnh, vẫn bị lãng quên và khinh rẻ trong kiếp nghèo của những người anh em mình. Người ta có thể bỏ rất nhiều tiền để trang-trí một cảnh hang đá Giáng- sinh cho thật đẹp mắt nhưng lại rất khó nhìn một người anh em nghèo với tia nhìn thân-hữu và mở tay ra chia sẻ chút vật-chất trong tâm- tình cảm- thông, huynh-đệ hoặc nếu có thì lại là thái-độ của kẻ làm ơn, làm phúc, giầu lòng từ-thiện để bố-thí.

Thiên Chúa đã chọn con đường đến giữa đời không bằng quyền phép phô-trương kiểu làm kinh thiên động địa để lôi cuốn thế-gian phải thán-phục, phải chiêm ngưỡng trầm-trồ ngay từ đầu mà bằng cách thế bình thường nhất, nghèo nàn và đơn-giản. Từ nơi chốn xuất-thân khiêm tốn này, Người  đã khai mở cho người tin một hướng sống muốn cứu đời thì phải đích thân đến giữa đời, phải  dấn-thân, hòa mình với lớp người hèn mọn, nhỏ nhoi nhất của xã- hội. Thế nhưng, thật là nhức-nhối lương-tâm và xốn-xang con mắt khi nhìn vào những cơ-sở vật-chất của các dòng tu, các xứ đạo giầu có tại Việt-Nam hiện nay, đẹp và uy-nghi  còn hơn chốn cung-đình ; có những nơi còn lộng-lẫy và xa-hoa hơn đền đài của những đức ông bà chúa nhưng yêu thương vắng bóng và bác-ái thì hạn hẹp vì tâm-hồn của những con người sống trong đó càng ngày càng co- cụm lại thành những lòng dạ ích-kỷ, bon chen từng chút lợi, chút quyền và chút danh với nhau. Một linh-mục dòng từ nước ngoài về giúp dòng mẹ tại Việt-Nam trong nhiệm-vụ đào-tạo đã gặp sự chống đối từ những chuyện nhỏ nhặt ngay trong các đấng bậc đồng- viện khi ông bỏ việc các chức sắc thì ăn riêng theo tiêu- chuẩn cao hơn, chẳng hạn...và các tu-sĩ hay chủng-sinh thì bất-bình mỗi khi  bị ông hướng-dẫn đi làm các việc từ-thiện như đi thăm và giúp những bệnh-nhân nhiễm HIV.

Đạo Chúa là đạo vui, là đạo nhập-thế chứ không phải yếm-thế, là tích-cực hoạt-động để mưu cầu lợi ích và an-bình cho con người; nhất là con người trong môi trường xã-hội hôm nay đầy bất-công, bạo-lực và chia rẽ. Đạo Chúa lại càng không phải là cái cớ để người ta nhân danh đó mà củng cố quyền-lực hay lợi- dụng lòng tin của nhau cho những mưu-đồ cá-nhân hay phe nhóm.

Người ta có thể bẻ cong bẻ quẹo Lời Chúa để biện-hộ cho những mưu-sự của mình, của phe nhóm mình như chính ma quỷ khi xưa cũng đã dùng Lời chép trong sách để cám-dỗ Chúa (Mt 4, 1-11; Mc 1, 12-13; Lc 4, 1-13); nhưng chắc chắn người ta không thể  dùng bất cứ lý-do nào để minh-chứng mình làm theo ý Chúa nếu không thể- hiện cách cụ-thể về bác-ái và yêu thương. “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn-đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 34-35).

Bên cạnh những hình thức bên ngoài để chuẩn-bị mừng Chúa Giáng-sinh bằng lễ nghi trang-trọng, bằng không khí nô-nức của nhiều cách tổ-chức, mỗi Ki-tô hữu cần đón nhận hồng-ân cả thể này bằng một cuộc hồi-tâm với những cảm-nghiệm về ý nghĩa, về phép lạ mà nhân-loại đã từng được đồng-hành cùng Thiên Chúa có mặt giữa thế-giới này bằng xác-thể hữu hình. Phép lạ này minh- chứng một sứ- điệp về sự bình-an và ơn cứu-độ của Thiên Chúa dành cho chúng ta.

Tác giả: Phạm Minh-Tâm

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!