Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Phạm Minh-Tâm
Bài Viết Của
Phạm Minh-Tâm
Bình-an trong sự thật
Phép lạ Mùa Vọng
Thái-quá và bất-cập
Phong-kiến tâm-linh
THƯ GỬI NGƯỜI ANH EM LINH-MỤC CỦA TÔI

Kính cha,  

Tôi mới được tin cho biết rằng sắp đến ngày kỷ-niệm chẵn hai mươi lăm năm linh-mục của cha. Chỉ đối với một người sống đời bình-thường thôi thì thời-gian hai mươi lăm năm cũng đã là một đoạn đường dài đáng kể để tính sổ đời rồi; huống chi đây lại là một chặng đời trong thiên-chức linh-mục thì khỏi phải nói cũng dư lẽ là cha đã cảm-nghiệm được biết bao cam-go, thử-thách để vượt thắng, để tiếp-tục đi tới  trên con đường thánh-ý đã vạch ra. Hai mươi lăm năm hồng-ân để sống và làm việc trong một đời linh-mục quả là có quá nhiều điều để vui mừng cũng như để duyệt lại cho chín-chắn hơn. Trong dịp vui đáng kể như thế này, chắc-chắn là cha sẽ nhận được rất nhiều lời chúc mừng, khen tặng và có thể còn cả những lời tán-dương nũa vì thực ra cũng đáng lắm chứ, phải không? Riêng tôi thì lại muốn lợi-dụng ý-nghĩa sâu-sắc của cái mốc điểm thời-gian này để chia-sẻ chút suy nghĩ của mình; bởi vì không hiểu tại sao mà đã từ lâu rồi, nội-tâm tôi vẫn có một nỗi thao-thức đến độ gần như bất ổn với hai chữ "linh-mục" mà chưa một lần có dịp được giãi-bày. Cho nên hôm nay trong tình gia-đình, thay vì gửi về cha những lời mừng, lời chúc, lời khen tặng như của bất cứ người thân, quen nào; tôi xin được chia-sẻ với cha chút cảm-nghĩ trong tâm-tư mình về ơn gọi linh-mục của cha qua các sinh-hoạt mục-vụ mà trong đó giáo-dân chúng tôi là đối-tượng cụ-thể nhất để cha vừa có trách-nhiệm, vừa phải liên-đới trong nghĩa tình huynh-đệ bằng sự tôn-trọng lẫn nhau. Tôi sẽ cố gắng giảm bớt càng nhiều càng tốt tính-cách chủ-quan trong liên-hệ thân-tình để khách-quan hơn với tâm-hồn một tín-hữu, một giáo-dân đã và đang và vẫn có những mong đợi nơi cha, một linh-mục trong thiên-niên-kỷ mới. Hy-vọng rằng trên căn-bản của niềm xác-tín và với tinh-thần huynh-đệ, mình có thể nhân dịp này giúp nhau nhìn lại đoạn đường đã qua trong ánh sáng của Đức-tin để biết đâu có thể từ đấy mà ta tìm thêm ra được đôi điều khả-dĩ khai mở được hết ý tình tri-ngộ của cái duyên may một thuở được mời gọi làm môn-đệ, làm linh-mục giữa cộng-đồng dân Chúa và được sai đi để đến giữa muôn dân.         

Tôi phải nói trước và nhấn mạnh rằng tôi tuyệt-đối thâm-tín về hiệu-năng của tác-vụ đặt tay đối với cha trong ngày lễ phong chức chính là nguồn mạch thần-khí tuyệt-đối và chuyên-nhất từ nơi Đức Ki-tô vẫn liên-tục để cha được truyền-thụ. Thành ra, như nội-dung của bài hát "Linh-mục, người là ai" đã viết, tôi thật tình thấy không ngoa hay sáo chút nào cả khi tác-giả đã trả lời câu hỏi này bằng một chuỗi dài các ý-niệm cụ-thể rằng


·        là ánh sáng trần-gian
·        là muối cho mặn đời
·        là hiện-thân Chúa ta, là hồng-ân Chúa Cha
·        là chứng-nhân tình yêu; là tôi tớ tốt lành, tín-trung, dịu-hiền
·        là người được sai đi đem tin mừng, an-bình gieo khắp nơi
·        là người anh em suốt đời hiến thân phục-vụ...vân vân...

nhưng trong đó tôi tâm-đắc nhất là câu "người là một bài ca cho hiển-danh Chúa ta".

Như tôi vừa nói, những lời lẽ và ý-niệm tác-giả kia dùng không phải là ngoa-ngôn, sáo-ngữ nên cha cũng đừng bảo rằng tôi đang để cha "đi tầu bay giấy" nhé. Thực-chất sứ-mạng của cha đang sống từng ngày là phải chú-tâm hướng vào những ý-nghĩa ấy đấy. Ấy vậy mà có lẽ tôi  lại là một trong số không nhỏ những người, những giáo-dân luôn mang nặng trong đầu nhiều bất ổn về thiên-chức linh-mục mà cha đang thừa-hành. Thậm-chí đã có lắm khi bị mang tiếng, bị nhiều người ngoan đạo kết tội là bổ-báng, là chống giáo-sĩ chỉ vì tôi đã không cứ đời cha, cha lo; việc tôi, tôi tính; lại hay bạo gan, bạo phổi ưu-tư và đặt vấn-đề về phong-cách mục-vụ của một số vị đã liên-quan và ảnh-hưởng đến đời sống tâm-linh của các tín-hữu.

Chẳng hạn như mới đây, trong dịp lễ giỗ tại một gia-đình trong họ, tôi được nhờ đứng ra cảm-ơn quan-khách đến đự. Tôi đã không theo thói thường của giáo-dân xưa nay, bao giờ cũng phải trình lạy cha trước hết và trên hết mọi sự mà đã căn-cứ theo tuổi-tác để thưa với các cụ, các ông bà đứng tuổi trước rồi mới thưa đến linh-mục chủ-tế vì thấy vị này mới chỉ ở độ tuổi trung-niên. Thế là tôi bị một số các ông bà ngoan đạo xầm-xì là bất-kính với cha, là làm những chuyện gở lạ, ngược-ngạo. Nhưng mọi người đã chưng-hửng khi vị linh-mục này tiếp lời liền để cảm ơn tôi đã thật tế-nhị giúp cho ông được tư-nhiên hơn trong thế đứng của mình giữa mọi người vì với tuổi-tác và theo đúng truyền-thống văn-hoá dân-tộc, ông cũng chỉ là ở vào hàng con cháu của các cụ, đâu có lẽ nào nhảy tót (chữ của ông dùng chứ không phải tôi) lên cao chót-vót như vậy. Ông còn nói là chính cái thói quen tôn-sùng các vị tu-hành quá đáng mà giáo-dân Việt-nam mình đã vô-tình làm hư-luống quá nhiều giá-trị tinh-thần của thiên-chức linh-mục. Đấy là thái-độ sùng-bái không phải kiểu chứ không phải là tôn-trọng.

Tôi hoàn-toàn đồng-ý với tội-trạng vị linh-mục kia cáo-buộc giáo-dân một cách quá chính-xác như vậy. Song nếu công-bằng hơn một chút, tâm-thành thêm một chút thì cha có nghĩ là mình phải cưa đôi phần lỗi phải, chứ đổ hết tội-vạ cho giáo-dân như vậy là hơi oan không? Bởi vì nếu giáo-dân làm sai, làm lố thì cha phải chỉnh lại cho chính-xác, phải giúp họ sửa đổi chứ lẽ đâu lại im-lặng và nhất là cứ để cho mọi người coi mình như thánh như tướng vậy và như thế thì có khác gì là thái-độ bằng lòng, thỏa-hiệp với những điều không ổn đó. Lại nữa, đấy cũng không phải là giáo-huấn của Hội-Thánh, mà chỉ do sự suy-nghĩ lệch-lạc mà ra thôi thì lại càng phải mau mắn điều-chỉnh lại mới là phải lẽ chứ, phải không cha. Hội-Thánh luôn kêu gọi con dân nhà Chúa phải canh-tân nếp sống đạo, lấy tình bác-ái huynh-đệ đối-đãi nhau mà chúng ta cứ cố-thủ những cái thói-tục lỗi thời, lỗi đạo như vậy mãi sao? Cụ-thể hơn, cha sẽ cảm thấy sao khi nghe các ông bà cụ già khoảng bảy, tám mươi tuổi hoặc kém hơn một chút cứ khúm-na khúm-núm với một điều cha dạy con thế này, hai điều cha bảo con thế kia và mình thì khơi-khơi xưng "tôi" với các vị ấy mà không cần giải-thích chữ "cha" chỉ là một danh-xưng, một chức trong Giáo-Hội thì đâu tuyệt-đối phải bắt theo khuôn phép và vai vế như cha con trong ơn-nghĩa sinh-thành, phải đảo lộn niên-kỷ như thế. Nhất là đối với truyền-thống văn-hoá Việt-Nam, chữ "Lễ" rất quan-trọng vì nó là điều-kiện hàng đầu trong đường lối ứng-xử; đồng thời, sự khiêm-tốn dễ cảm lòng người lại cũng cần vô-cùng trong đời sống Đức-tin. Vả chăng “sự tôn-kính mà người dân Á-châu vốn dành cho những người nắm quyền bính cần được hòa-hợp với sự ngay thẳng trong sáng về phía những người có trách-nhiệm phục-vụ trong Giáo-hội” (EA 43. Tuyên-bố kết-thúc Đại-hội lấn thứ 7 LHHĐGM.AC)

Giáo-dân chúng tôi sẽ chẳng bao giờ nhìn nhận ra mình đã sai tín-lý nếu cha không phân-tích ra, không mạnh dạn xác-định và chỉnh-đốn lại. Với thiên-chức linh-mục của Đức Ki-tô, cha có phần trách-nhiệm nặng nề trong sự thông chia với hàng Giám-mục về ba thẩm-quyền giáo-huấn, quản-trị và thánh-hóa đã được trao ban, vậy cha nghĩ sao khi người linh-mục cứ để cho một số giáo- dân mặc tình tự biên, tự diễn những hình-thái tâm-linh ngụy-tín cũng như mặc tình chế-tác các lối hành-xử sai tín-lý và giáo-lý mà không lên tiếng sửa đổi hay uốn nắn lại? Là linh-mục, cha thường nhật có mặt bên cạnh cuộc sinh-hoạt của giáo-dân hơn các vị Giám-mục, cho nên tôi nghĩ cha không thể thiếu bổn-phận thi-hành thẩm-quyền giáo-huấn của Hội-thánh trong thừa-tác-vụ mục-vụ của mình. Nếu cha không là muối thì họ cứ ươn-lười giữ đạo kiểu cha truyền con nối, cứ nghĩ rằng khoán trắng mọi sự cho cha là xong hết, vì cha đã nhận chức thánh, đã thay mặt Chúa, nên cha nói sao thì sao đi. Miễn là cha ban đủ các phép là được. Phần giáo-dân chúng tôi cứ đều-đặn mỗi ngày đến nhà thờ "xem" cha làm lễ là đủ, chẳng bao giờ tìm đọc Công-đồng, các tông-thư, tông-huấn làm gì vì như vậy cũng đỡ mất thời-giờ cho cha phải giảng-giải và chúng tôi phải nghe những điều mà xét ra bất lợi cho cả người nói lẫn người nghe. Thế là cả cha và chúng tôi đều nhàn vì đứng bên ngoài dòng sinh-hoạt luôn canh-tân và sám-hối để vươn lên của Hội-Thánh, để thăng-tiến đời sống tâm-linh của mỗi người tin. Thật chẳng khác gì mình là những kẻ giậm chân tại chỗ trong khi Hội-Thánh thì không ngừng tác-vụ giáo-huấn: Bước vào thiên-niên-kỷ mới sẽ khuyến-khích cộng-đoàn Ki-tô hữu mở rộng tầm nhìn đức tin về những chân trời mới để loan-báo Nước Thiên-Chúa. Trong hoàn-cảnh đặc-biệt này, cần phải trung-tín trở về với lời dạy của Công-đồng Va-ti-ca-nô II, vốn mang lại một soi sáng mới mẻ về dấn-thân truyền-giáo của Giáo-hội trước những yêu-sách hiện nay của việc Phúc-âm-hoá...(Tông-thư Mầu-nhiệm Nhập-thể, số 2). Chắc chắn cha đã nắm vững thế nào là "những yêu-sách của việc Phúc-âm-hoá" mà Hội-thánh đòi hỏi  hơn chúng tôi nhiều; song tôi nghĩ nó cũng không ra ngoài cái mẫu-mực của Đức Ki-tô là sống giữa trần-gian, làm mọi việc của trần-gian, trừ tội-lỗi, để thánh-hoá trần-gian.

Có khi nào cha chợt thấy chạnh lòng về cái não-trạng giáo-dân chúng tôi như vậy, có nhận ra sự theo đạo ù-lì pha thêm chút mê-tín và sai-lạc của giáo-dân chúng tôi khi cứ đều-đặn cúi đầu lạy cha không biết chán như vậy không? Đúng là vô tình tín-hữu đã ru ngủ thiên-chức của cha bằng lòng tôn-kính lệch-lạc, đã lắm phen đưa cha vào thế tự-cao, tự-đại như thực sự thay quyền Thiên-Chúa và cha cũng vui vẻ ngủ yên trong đó, đến độ có thể không nghe thấy lời Đức Thánh-Cha đánh-thức: "Bởi thế, trong khi thiên-niên thứ hai gần hết, Giáo-hội cũng cần phải hoàn-toàn nhận-thức được tội-lỗi của con cái mình, nhớ lại tất cả những lúc, trải qua theo dòng lịch-sử, họ đã xa rời tinh-thần của Chúa Ki-tô và Phúc-âm của Người; thay vì hiến cho thế-giới một chứng-từ của đời sống được thúc-đẩy bởi những giá-trị đức-tin, thì lại tìm thỏa-mãn bằng những cách suy-tư cũng như  bằng tác-hành dưới những hình-thức thực sự phản chứng-tá và gây sương mù...(Tông-thư Ngàn Năm Thứ Ba đang đến, số 33). Và cũng trong Tông-thư này, Đức Thánh-Cha đã nhận-định về một thực-tại là: Vấn-đề được đặt ra là có bao nhiêu Ki-tô hữu thực sự hiểu biết và thực-hành những nguyên-tắc giáo-huấn của Giáo-hội về xã-hội...(số 36). Đấy mới là nhận-định chung chung mà Đức Thánh-Cha còn đặt một câu hỏi khiêm-tốn như vậy; còn riêng trong xứ-đạo của cha thì sao đây trước vấn-đề như thế? Và cha có trách-nhiệm gì trong việc chia-sẻ mối ưu-tư của vị Cha Chung đã đặt ra qua tác-vụ thông-phần với thẩm-quyền giáo-huấn mà Đức Ki-tô đã trao ban cho Hội-Thánh? Tôi cũng đang tự hỏi mình như thế về mức-độ hiểu biết của bản-thân mình bấy lâu nay đây. Nhưng nếu chỉ hỏi  không mà thiếu đối-thoại hay chia-sẻ thì ích gì.

Viết đến đây, tôi nhớ đến những dòng tâm-sự của một người bạn cũng rất nhiệt-thành trong những thao-thức nội-tâm. Tôi thấy cũng nên chép lại ở đây để cha có thêm đôi chút cảm-nghiệm về một thành-phần giáo-dân thật sự đi sát với sự tiến-triển của Giáo-hội.

- Tôi thấy chúng ta cũng cần lên tiếng gửi-gắm đôi điều đến những người trẻ đang nắm vai-trò gọi là chăn dắt (pastorize) dân Chúa để họ biết khiêm-tốn cả từ cung-cách xưng-hô với giáo-hữu của mình, trong đó có cả thái-độ và lối hành-xử như họ vẫn thường quen đối-xử với giáo-dân hiện nay. Một điều tôi thấy rất lạ là đối với các linh-mục được đào-tạo từ A đến Z tại hải-ngoại là khi làm mục-vụ với dân bản-xứ thì họ rất dân-chủ và cấp-tiến; nhưng với giáo-dân Việt-Nam thì họ lại trở về thời-kỳ tiền Công-đồng, nghĩa là vẫn thích người ta "xin phép lạy cha" và vâng-phục tuyệt-đối, không được có ý-kiến lôi-thôi trái ý mình, muốn nói gì thì nói, không cần đắn-đo. Trong cách ứng-xử với những người cộng-sự với mình thì độc-tài, bảo-thủ và nhất là trong những dịp vui mừng như lễ ngân-khánh chẳng hạn thì cứ để mặc sức cho cộng-đồng tín-hữu thưa bẩm dài dòng văn-tự trong nhà thờ để xưng-tụng và tán-dương  công-đức mình nhiều hơn là nói về Chúa như lời Thánh-vịnh “non nobis Domine, sed tuo nomini da gloriam”. Aáy vậy nhưng khi hòa nhập với các sinh-hoạt trần-thế thì  lại chiều theo thị-hiếu của giáo-dân trong những thói-tục rườm-rà, mặc tình muốn bày vẽ lẽ nào cũng được. Thậm chí lại thích hát cả nhạc đời trong nhà thờ vào những dịp lễ Mothers' Day, Fathers' Day hay Valentine Day...và kể cả những chuyện tiếu-lâm chẳng ăn nhập gì với Lời Chúa mà chỉ cốt cho người nghe cười cho vui tai thôi. Nhiều khi tôi đi lễ bị chia-trí quá sức nên rất bực mình, nhưng biết làm sao. Còn mấy ông được đào-tạo ở Việt-Nam, khi còn là chủng-sinh thì xem ra rất khiêm-tốn, nhưng khi đã lên chức "cụ" rồi thì được giáo-dân kính-trọng quá mức nên bắt đầu quan-liêu, ăn chơi và thích quan-hệ với người giầu rồi quên bẵng đi giáo-dân nghèo khổ của mình. Ôi thôi nhiều thứ lắm, nhưng tôi chỉ dám chia sẻ với người nhà thôi, chứ nói ra ngoài lỡ bị vạ tuyệt-thông thì khốn.

Thực ra đây không phải là tình-trạng chung, nhưng cũng không phải là ít đâu, cha ạ; song vì như ca ông bà mình có nói là sự thật mất lòng nên chẳng ai  nỡ nói, dám nói và muốn nói vì cũng dễ làm nản lòng nhau lắm đấy. Tuy nhiên, có một điều không thể chối cãi được là theo kinh-nghiệm của tôi mỗi khi tiếp-xúc và chia sẻ với những người  -  nhất là giới trẻ – đang nhạt-nhoà lòng đạo để sống khô khan, nguội lạnh (không kể thành-phần đang sống trái ngang trong hôn-nhân) về niềm tin thì thay vì trả lời về chính mình, họ lại làm một thôi một hồi về nếp sống tục-hóa của một số linh-mục; cứ như đấy là động-cơ đẩy họ xa đạo vậy. Tôi biết đôi khi đó cũng là cái cớ để biện-minh, song cũng không nên hoàn-toàn chối bỏ tầm ảnh-hưởng này. Tôi không phải chỉ quy và đòi hỏi trách-nhiệm của cha thôi đâu vì tất cả chúng ta đều được mời gọi cả mà; song le thừa-tác-vụ của cha vẫn là chính-yếu.

Trước đà chuyển mình không ngừng của xã-hội, Giáo-Hội cũng luôn luôn nỗ-lực canh-tân để giúp con người dung-hoà được phần tâm-linh với nếp sống văn-minh vật-chất đang trên đà phát-triển đến cao-độ. Dựa vào quan-điểm của Hội-Thánh và bằng vào Lời Chúa đã dặn-dò lúc sai đi, tôi nghĩ hành-trình rao giảng của cha không thể quá ngắn chỉ từ bục giảng đi xuống cuối nhà thờ, rồi đi ra đến sân nói nói cười cười với tín-hữu là đủ. Hoặc cũng có ra khỏi cổng nhà xứ, nhưng chỉ là đi lòng-vòng trong họ đạo để mọi người chắp tay, cúi đầu lạy cha như cái máy mà còn nhiệm-vụ phải đến với muôn dân nữa kìa. Mà để có thể bước đi vững-vàng, mạnh dạn trên con đường phục-vụ này, cha dư biết mỗi người chúng ta cần phải có bao nhiêu hành-trang để đem theo ngoài số vốn cha đã học trong chủng-viện.

Một số bạn bè ngoài Công-giáo mình bảo tôi rằng họ rất muốn gặp-gỡ, đối-thoại và lắm khi cũng cần cộng-tác với những linh-mục Công-giáo để trong tình huynh-đệ, nghĩa đồng-bào, cần phải cùng nhau phục-vụ xã-hội và đất nước trong một số địa-hạt. Họ cũng rất thích lắng nghe và chia sẻ những kinh-nghiệm tâm-linh từ những tín-lý khác nhau trên cùng một căn-bản tư-tưởng Việt-Nam, nhưng tiếc một điều là cái điểm chung để gặp-gỡ này lại không có. Tuy nhận-định này có tính-cách "vơ đũa cả nắm" nhưng cũng không phải là vô-bằng vì như đã có lần tôi được nghe một linh-mục tâm-sự rằng vì ông phải lo trách-nhiệm mục-vụ mãi tận miền cao-nguyên hẻo-lánh xa-xôi nên rất muốn lợi-dụng những dịp được gặp-gỡ anh em linh-mục để cùng chia sẻ và học hỏi thêm về kinh-nghiệm mục-vụ; nhưng thật buồn khi gặp nhau thì toàn nói những chuyện bâng-quơ, chẳng ăn nhập gì đến đời sống nội-tâm. Có lẽ vì vậy mà đã có rất nhiều linh-mục khi đứng trên tòa giảng thì toàn dùng các tình-tiết của một cốt chuyện tiểu-thuyết hay một cuốn phim để làm nền cho bài giảng. Cha đừng buồn khi tôi muốn nói thẳng rằng có rất nhiều vị, sau khi "đỗ cụ" rồi thì thật cứ yên-trí rằng mình đã làm "cha" thiên-hạ, không thấy có nhu-cầu phải học hỏi thêm nữa ngay cả về thần-học, tín-lý, còn nói gì đến việc mở-mang thêm kiến-thức về văn-hoá, học-thuật và lịch-sử của dân-tộc. Bởi thế mới tạo cho những người anh em khác cái điều ngộ-nhận tai-hại kia. Ở điểm này, tôi phải nhìn nhận là giáo-dân chúng tôi đã có rất nhiều người sống đúng nghĩa của hai chữ dấn-thân. Họ tín-trung với giáo-huấn của Hội-Thánh, rất chuyên-tâm sốt-sắng trau-giồi đời sống nội-tâm và thể-hiện được ý-tình là môn-đệ của Đức Ki-tô bằng tình-tự dân-tộc ngoài xã-hội. Đây không phải là lý-luận riêng cá-nhân ai đâu, mà là Trong bản tuyên-bố kết-thúc Đại-hội lần thứ 7 Liên-hiệp các Hội-đồng Giám-mục Á-châu họp tại Samphran, Thái-Lan từ ngày 03 đến 13-01-2000, có ghi “…từ chiều sâu của những âu lo và hy-vọng của châu Á, chúng tôi lắng nghe tiếng gọi của Thánh Thần gửi đến các Giáo-hội địa-phương tại châu Á. Đó là tiếng gọi đổi mới, đổi mới sứ-mạng yêu thương và phục-vụ. Đó là tiếng gọi gửi đến các Giáo-hội địa-phương vốn trung-thành với  những giá-trị văn-hóa, tâm-linh và xã-hội của châu Á và vì thế là những Giáo-hội mang dấu ấn văn-hóa địa-phương thực sự…Đổi  mới nhằm thi-hành sứ mạng yêu thương và phục-vụ đòi hỏi một hiểu biết mới và điểm nhấn mới…Chúng ta cần cảm-nhận và hành-động “cách toàn-diện”. Khi đối-diện với những nhu-cầu của thế-kỷ 21, chúng ta đối-diện bằng con tim Á châu trong sự liên-đới với người nghèo và người bị loại ra bên lề, trong sự hiệp-nhất với mọi anh chị em Ki-tô hữu và bắt tay với mọi người nam nữ tại châu Á thuộc nhiều niềm tin khác nhau…”

Cha đừng hiểu lầm là giáo-dân chúng tôi thích các cha phải cấp-tiến. Không đâu, thưa cha. Chúng tôi chỉ mong đợi ở cha hãy thực-sự gột bỏ cái tệ-trạng cha chú chủ-quan xưa nay về những đặc-quyền, đặc-lợi của thế-gian; có vậy mới làm sáng lên được ý-nghĩa cao-quý và giá-trị siêu-nhiên của hai chữ linh-mục giữa cuộc sống. Chúng tôi mong đợi cha hãy đi sát và đi kịp theo sự hướng-dẫn của Hội-Thánh để kéo giáo-dân ra khỏi cái nếp xưa nay vẫn cứ chỉ tà-tà, đủng-đỉnh sáng đi lễ, tối đi nhà thờ và chăm-chỉ đọc kinh tối sáng ngày thường, rồi cha cũng quay mòng-mòng theo với lòng mến của giáo-dân qua cảm-tính rồi những lời huấn-thị của vị cha chung sẽ lọt tai ai.

Thật tình mà nói, trong tư-thế giáo-dân, chúng tôi rất muốn và mong-mỏi được có dịp thường-xuyên ngồi lại với linh-mục, không phải để ăn nhậu hay nói chuyện phiếm, mà là để chia-sẻ những ưu-tư về tâm-linh; cũng có khi là cùng nhau học hỏi hay tham-khảo một văn-thư của Toà-Thánh hay đọc một tông-huấn của Đức Giáo-Hoàng. Chúng tôi muốn được cùng linh-mục hoà mình vào trong một số sinh-hoạt của cuộc sống như một cách-thế Phúc-âm-hoá môi-trường. Nhưng hình như từ xưa đến nay ở Việt-Nam không có cái nề-nếp sinh-hoạt kiểu như thế này. Cha mà nói với giáo-dân thì chỉ có giảng hoặc dạy chứ không có cùng tìm hiểu, trao-đổi; còn giáo-dân thì chỉ có vâng, dạ nghe lời cha dạy và thưa "Amen", phải vậy không cha? Ngay dù cho giáo-dân có là cao tuổi đời và nhiều kiến-thức cũng như kinh-nghiệm thì cũng phải cúi đầu vâng nghe ông cha non trẻ hơn mình mọi mặt. Cha hài lòng hay hoảng-hốt khi nghe bà con vâng-phục rằng lời cha là Lời Chúa, lắng nghe cha là lắng nghe Chúa và khi nhận-định về những sai-sót của linh-mục tu-sĩ là có tội? Nói phạm đến cha thì sẽ không được cha "ban" các phép cho.

Cha ạ, cha có nghĩ tương-quan giữa linh-mục và giáo-dân cần phải được canh-tân như canh-tân đời sống không? Cha có thấy ngoài những tác-vụ thiêng-liêng trong phụng-vụ ra thì ngay trong công-tác mục-vụ, cha vẫn cần có thêm những người bạn cùng chí-hướng mở-mang Nước Trời; cùng suy nghĩ rồi cùng bắt tay thực-hành các huấn-thị của Giáo-Hội. Nhưng phải là những huynh-đệ cùng bắt tay nhau chứ không phải những tay chân để sai bảo, để chạy việc. Đức Ki-tô đã chẳng nói không gọi chúng ta là tôi-tớ sao? “Hơn thế nữa, người dân Á-châu mong muốn nhìn thấy các mục-tử của mình không chỉ như những nhà quản-trị các hiệp-hội hoặc cung-ứng các dịch-vụ, nhưng “như những người mà tâm-trí hướng về những gì thuộc Thần Khí” (Tuyên-bố kết-thúc Đại-hội lần thứ 7 LHHĐGM.AC)

Chúng tôi mong linh-mục hoà mình với xã-hội như một thái-độ dấn-thân nhưng không phải là đồng-hoá với mọi thói-tục trần-thế; chẳng hạn như cũng chén chú chén anh đến say mèm, hát nhạc tình rẻ tiền và kể chuyện tiếu-lâm thiếu lành mạnh để cử-tọa vỗ tay tán-thưởng khen cha bình-dân. Chúng ta chỉ hoà mình sống theo ý-hướng của Giáo-Hội trước những ưu-tư cụ-thể như..."Chẳng hạn, chúng ta làm sao có thể giữ im lặng về tình-trạng lạnh nhạt đạo-đức làm cho nhiều người hiện nay sống như không có Thiên-Chúa, hay sống theo một lòng đạo mơ-hồ, không có khả-năng nắm vững vấn-đề chân-lý...cũng như phải kể đến tình-trạng lẫn-lộn trong lãnh-vực đạo-lý, ngay cả về những giá-trị căn-bản trong việc tôn-trọng sự sống và gia-đình. Về mặt này, ngay những ngưòi con nam nữ của Giáo-Hội nữa cũng cần phải xét mình lại. Họ đã bị nhuốm phải bầu khí của phong-trào tục-hóa (secularism) và khuynh-hướng đạo-lý tương-đối (ethical relativism)...không chứng-tỏ được dung nhan chân thậât của Thiên-Chúa...bởi đã không sống theo cuộc sống tôn-giáo, luân-lý hay xã-hội của mình (Hiến-chế Gaudium et Spes, đoạn 19) (Tông-thư Ngàn Năm Thứ Ba đang đến. Số 36).

Nói  quanh đi quẩn lại cũng vẫn trở về khởi-điểm cuộc hành-trình đức-tin của chúng ta thôi, riêng với cha thì lại còn mang nhiều giá-trị tâm-linh trong cuộc sống nữa. Cho nên có nói gì thì cũng chỉ là mong cha một khi đã cầm đèn sáng trong tay rồi thì nên chịu khó khêu cho sáng thêm, cho cao thêm, sao cho chúng ta cùng nhìn thấy ngả đường trước mặt rõ hơn mà bước đi với tâm-tình bình-an và đẹp lành mọi sự trong Đức Ki-tô. Ước gì đoạn đường 25 của cha cũng sẽ là cái mốc điểm thời-gian chung cho chúng ta cùng nhìn lại đời sống tâm-linh mình. “Chúng ta là một Hội-thánh cần được thanh-tẩy. Chúng ta phải nhìn nhận rằng bằng nhiều cách, ta đã sống không trọn ơn gọi thi-hành sứ-mạng yêu thương và phục-vụ” (Tuyên-bố của Đại-hội LHHĐGM.AC). Hy-vọng cha hiểu tâm-ý của tôi cũng như tâm-ý bao người khác đều muốn được thấy âm-vang của tên gọi linh-mục của cha đúng là một bài ca làm hiển-danh Chúa ta.

Phạm Minh Tâm

Tác giả: Phạm Minh-Tâm

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!