Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Phạm Minh-Tâm
Bài Viết Của
Phạm Minh-Tâm
Bình-an trong sự thật
Phép lạ Mùa Vọng
Thái-quá và bất-cập
Phong-kiến tâm-linh
LỐI MÒN

Trong Thánh-lễ Chúa-nhật thứ V Mùa Chay, các tín-hữu Công-giáo đã được nghe một câu chuyện do thánh-sử Gio-an thuật lại về cái chết và sự sống lại của La-da-rô với một số lời đối-thoại sống-động giữa Thầy trò Chúa Giê-su. Câu chuyện này đáng lẽ phải được Ki-tô hữu đọc và suy trong sự liên-hệ đến cái nhìn tâm-linh của chính mình nhưng nó chỉ đựợc đa-số người tin ghi nhận đây là một phép lạ trong số những phép lạ Chúa Giê-su đã làm mà thôi. Đi kèm theo phép lạ này là thái-độ biểu-hiện niềm tin của những cá-nhân vây quanh. Mở đầu là Tô-ma rất cảm-khái nói với anh em mình “Cả chúng ta nữa, chúng ta cùng đi để cùng chết với Thầy” (Ga 11, 16) khi các môn-đệ lo ngại can ngăn nếu Chúa trở lại Giu-đê sẽ gặp nguy-hiểm vì bị chống đối. Tiếp đến là cô Mác-ta tuyên xưng những lời thật trơn-tru, trôi chảy “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây em con đã không chết. Nhưng bây giờ con biết bất cứ điều gì Thấy xin cùng Thiên-Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy...Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết...Con tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên-Chúa, Đấng phải đến thế-gian” (Ga 11, 1-27). Rồi đến một vài người trong đám đông đang có mặt băn-khoăn “Ông ta đã mở mắt cho người mù lại không thể làm cho anh ấy khỏi chết ư?”(Ga 11, 37)...Và rồi, khi niềm tin đó đuợc thúc đẩy phải chứng thực bằng việc làm, bằng hành-động cụ-thể trước mắt mọi người cho dù do chính Chúa Giê-su nói thì ngay tức khắc, Mác-ta đã quên những điều vừa nói mạnh-mẽ về niềm tin của mình để hoàn-toàn trở về với bản-chất con người mà vội-vàng lên tiếng “Thưa Thầy, nặng mùi rồi vì em con ở trong mộ đã đuợc bốn ngày” ...Vậy là, những lời chân-lý của Đức Ki-tô đã bị bỏ rơi, bị đẩy lui  bởi  những hiểu biết thường tình, những kinh-nghiệm quen thuộc của tâm-lý thông thường kiểu xưa thế nào nay vẫn vậy, không thay đổi và cũng không tiến-thủ; cho dù Chúa đang đứng trước mặt và phán truyền thì cũng vẫn bị trí khôn loài người nghi ngại không cần suy nghĩ. Đó là chuyện đã xẩy ra cách đây gần hai ngàn năm khi Chúa Giê-su chưa biểu tỏ đủ quyền-năng là một Thiên-Chúa hằng sống với tin mừng Phục-sinh và cũng chưa được người đời tôn-vinh nữa.

Ngày nay, cái nhóm người vây quanh Đức Ki-tô thuở ấy đã được nhân lên gấp triệu triệu lần sau hai thiên-niên-kỷ, đầy đủ cả những Tô-ma, Mác-ta...Và không những cũng vẫn với một niềm tin kiểu trước sau như một ấy mà xem ra còn lỉnh-kỉnh hơn nhiều. Nhất là với những Tô-ma, Mác-ta Việt-Nam, chẳng hạn.

Kể từ ngày đầu Tin Mừng của Chúa được loan báo trên đất nước Việt-Nam vào khoảng giữa thề-kỷ 16 đến nay tính ra cũng đã gần năm trăm năm. Dọc theo chiều dài của hành-trình đức tin này, Giáo-hội Công-giáo Việt-Nam đã trải biết bao nhiêu là thăng trầm, biến-động và gian-nan dưới ảnh-hưởng của thời-thế, của từng giai-đoạn lịch-sử, từng hoàn-cảnh cho nên nếp sống đạo của tuyệt-đại đa-số giáo dân thường là thụ-động theo kiểu vâng lời tối mặt  với tâm-trạng hình như chỉ cần tìm trong đạo một hy-vọng cho phần hồn đời sau. Kịp đến khi Hàng Giáo-phẩm Việt-Nam đuợc chính-thức thành-lập ngày 24-11-1960 để thực sự trở thành một Giáo-hội điạ-phương trưởng-thành và phát-triển với cơ-cấu giáo-phận chính-toà thay vì hiệu-toà như trước và cũng vừa kịp lúc Giáo-hội hoàn-vũ chuyển mình qua Công-đồng Vatican II để thích-ứng với một số vấn-đề mới mẻ của Giáo-hội trong thế-giới hôm nay thì Giáo-hội Việt-Nam vẫn không chủ-động bắt kịp đà tiến để cập-nhật với những bước đổi mới của thời đại hậu Công-đồng này, vẫn lặng-lẽ lê chân trên một lối mòn xưa cũ. Thực ra, lối mòn tự nó không đi ngược với thời-gian và càng không cản bước chân ai cả. Bất cứ một con đường mòn nào cũng đều có giá-trị khai-phá của những người khởi đầu đã can-đảm chấp-nhận thử-thách để có những bước mở đuờng. Cái tệ-hại là ở nơi những người bước sau chỉ biết dẵm lên lối cũ sẵn có mà không bỏ thêm công sức vào, không đóng góp khả-năng và kiến-thức để mở rộng hay chỉnh-trang, uốn nắn thêm cho phù-hợp và cập-nhật với một thế giới luôn biến-động và thay đổi không ngừng.

Con đuờng lữ-hành đức tin của người Công-giáo Việt-Nam cho đến nay không những vẫn còn lòng-vòng uốn khúc trên một lối mòn muôn năm cũ mà lại còn thêm nhiều rác rưởi vương vãi đó đây. Công-đồng Vatican II đã khởi-xướng nhiều đổi mới gần nửa thế-kỷ rồi mà nhiều giáo-sĩ, tu-sĩ vẫn giống như mắc bệnh di-truyền bất-trị cái thói tục phách lối và chuyên-chế đối với giáo dân, làm mục-vụ mà giống như người cai-trị và giáo hữu là những kẻ bị-trị. Sự bất quân-bình trong tương-quan giữa giáo-sĩ và giáo dân Việt-Nam hiện nay chẳng qua chính là cái di-sản lệch-lạc thoát-thai từ một quá-khứ bị đô-hộ mà tất cả hai phía đã lẫn lộn giữa cái thánh-thiêng và cái trần-tục. Lệch-lạc và lẫn-lộn là vì buổi đầu sơ-khai, đạo đưọc rao giảng từ những vị thừa sai ngoại-quốc. Do ngôn-ngữ bất-đồng và do cái nhìn sợ hãi, e-dè và vâng phục sẵn có của một người dân thuộc-điạ với những người thực-dân cai-trị ngoài đời như thế nào thì đến khi là giáo dân họ cũng lại nhìn những nhà truyền-giáo Tây-phương như vậy và cộng thêm vào đấy sự kính-trọng với chức thánh thiêng-liêng nữa. Vì vậy, giữa giáo-sĩ và giáo dân đã thiếu vắng tương-quan huynh-đệ. Từ cái nhìn sai lệch trong hoàn-cảnh sơ-khởi này mà người giáo dân vô-hình-trung tạo cho giới tu-sĩ và giáo-sĩ một quyền-lực đáng uý-kỵ rồi lâu ngày dài tháng cứ tiếp nối ăn sâu mãi thành một não-trạng mà cả hai phía đều khó thay, khó đổi hay đúng hơn là không chịu thay đổi. Thành ra cho dù hoàn-cảnh sống đang ởø giữa thế-kỷ 21, người ta vẫn có nhiều lý-do để lập lại lối sống đạo từ thời xưa cũ thay vì đem đạo áp-dụng trong cuộc sống hiện-tại.

Phía giáo dân thì phần lớn xưa nay theo đạo như giữ một thói quen, như theo một  công-thức tự-động có những nút bấm đơn giản của một cái máy. Bây giờ phải học hỏi, phải tìm hiểu và nhất là phải thực-hành giáo-lý của đạo vào đời sống thì thật là phiền phức. Còn đa-số các tu-sĩ, giáo-sĩ vẫn an-nhiên tự-tại trong cái nếp ăn theo từ thời bị đô-hộ để làm cha thiên-hạ thay vì là phục-vụ thiên-hạ. Tác-phong này vừa sai lạc với nhiệm-vụ một thừa-tác-viên của Chúa, lại vừa như cố níu lấy tính-chất thực-dân, phong-kiến.

Nhìn vào đời sống đức tin của tín-hữu trong Giáo-hội Việt-Nam xem ra lại còn nhiều khuôn sáo mầu-mè của một não-trạng chai cứng và cố-chấp còn hơn cả bà Mác-ta nữa. Người ta có thể rất nhậy bén với bất cứ những gì nằm trong giới-hạn của con người nhưng lại rất xa-lạ với mọi dấu chỉ về thực-tại tâm-linh giữa trần-thế.

Lời Chúa là nền-tảng của niềm tin luôn luôn ở nơi miệng lưỡi con người, nhưng khi cần phải thực-hiện những điều miệng lưỡi đó thì lại đuợc lọc qua những thói quen hẹp-hòi và lối suy nghĩ  giới-hạn bị lệ-thuộc nơi bản-năng của con người nhiều hơn. Những xứ đạo, những xóm giáo, những tổ-chức này hay hội-đoàn nọ cứ nhẩn-nha diễn đi diễn lại một số sinh-hoạt lỉnh-kỉnh, rườm-rà và vô bổ của hàng trăm năm trước như một cái khung rêu khép kín mà không có một chút cửa ngõ nào cho ánh thái-dương có thể chiếu đến cách lành-mạnh và sáng-sủa hơn.

Nếu chịu khó lưu-tâm một chút để nhận-định thì người ta rất dễ nhận ra rằng phần lớn giáo dân Việt-Nam - cho dù ở trong nước hay tại khắp nơi ở hải-ngoại - vẫn chung nhau một mẫu-số theo đạo bất-biến. Mẫu-số chung này là không thực sự sống đạo theo những điều-kiện và hoàn-cảnh của cuộc sống hiện-tại để cập-nhật với những chuyển-biến của xã-hội đương-đại mà cứ khư-khư giữ các thói quen, tập-tục cũ rồi cho đấy mới là giữ đạo. Còn lại thì cứ dửng dưng theo cách nhìn mọi sự bằng thái-độ thờ-ơ, thụ-động và bàng-quan. Mỗi ngày ký-thác thêm vào chương-mục Nước Trời một giờ đi lễ vào buổi sáng sớm hay chiều tối kèm theo ít lời kinh đã thuộc lòng chẳng hạn. Cuối tuần đi  làm việc đền tạ, đi tập hát ca-đoàn, đi họp các hội Dòng Ba, hội tán-trợ Đạo-binh Đức Mẹ vân vân...là đủ tư-cách ước hẹn với Chúa một cuộc trùng-phùng trên Thiên-quốc. Những việc còn lại coi như không phải thuộc đấng bậc mình với trăm ngàn lý-do rất chính-đáng. Bởi vì sống đạo thì phải hành, phải nhúng tay vào ngay từ những khía-cạnh thực-tế nhất của cuộc sống đức tin; phải quan-tâm đến anh em, đến người khác. Như vậy là lại phải đem Lời Chúa ra suy-nghĩ, tra-vấn lương-tâm mình và thực-hành bằng những việc làm thiết-thực, cụ-thể; phải thực sự dấn-thân và chấp-nhận các thử-thách cũng như  phiền-phức mà chắc-chắn là còn phải thiệt-thòi nữa.

Sống bác-ái, yêu thương ư? Thì tôi có ghét ai đâu; nhưng nếu phải giúp người này người nọ thì thực không có giờ để nghĩ đến vì việc nhà nhiều quá và cũng đâu đã có dư để sẻ cho ai; vả lại người nghèo nhiều quá lo sao cho xuể và chính tôi cũng phải làm mới có chứ ai cho?

Công-bằng xã-hội ư? Việc to lớn như vậy đã có cơ-chế xã-hội gánh vác, mình làm sao đuợc...

Lên tiếng về các trường-hợp bị đàn-áp, bất công ư? Mình chỉ là người dân thường, uy-tín gì và tài cán gì mà làm? Coi chừng lại liên quan đến chính-trị mà tôi thì không làm chính-trị; không có giờ đi làm những việc bao-đồng rồi lại ách giữa đàng đem quàng vào cổ thôi.

Trách-nhiệm liên-đới với anh em về cả tội lẫn phúc-lộc ư?...Thây kệ, hồn ai nấy giữ, nói làm gì cho mất lòng, mất thời giờ và mất cả bạn bè.

Các giới chức trong đạo có hành-vi sai trái, có cung cách ngang ngược nên gương mù gương xấu ư? Thôi, hãy cầu nguyện cho các “ngài”, bởi vì dù sao cũng là con người với những yếu đuối. Hãy để Chúa lo-liệu còn mình thì chỉ nên vâng theo thôi, nói làm gì mang tội chết. Ấy là chưa kể sau khi góp ý còn có nguy-cơ bị thù ghét, bị đem lên toà giảng rêu rao cho mọi người ghép tội là chống cha, chống Chúa...

Ngày 27 tháng 2 năm 2000, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô đệ nhị đã minh-định “Công-đồng Vatican II đã cho chúng ta nhiều tặng thưởng quý giá từ 35 năm qua và còn tiếp tục dẫn đưa chúng ta trong nhiều năm nữa. Công việc của Giáo Hội bây giờ là học hỏi những điều đã đề ra trong những văn kiện của Công Đồng và đem ra thực hành có hiệu quả...”Giáo-hội Việt-Nam đã đáp lại lời khuyên bảo của người đứng đầu Hội-thánh Chúa bằng lý-do chẳng “lô-gích” như sau: “Giáo hội Việt Nam, trong thời gian trước đây, từ năm 1965 đến 1975, do hoàn cảnh chiến tranh của đất nước, chưa có dịp học hỏi kỹ lưỡng các văn kiện của Công đồng, trừ một vài giáo phận ở miền Nam Việt Nam. Chỉ trong các thành phố và đô thị lớn, giáo dân mới có dịp học hỏi về Công đồng này ít nhiều, còn lại hầu như chẳûng mấy khi nghe nói đến, nhất là ở miền Bắc Việt Nam. Sau khi thống nhất đất nước năm 1975, dân tộc ta lại gặp nhiều khó khăn, vì thế các bài học đổi mới, hợp nhất của Công đồng hầu như ít được nhắc đến như những định hướng cơ bản cho Giáo hội Việt Nam. (Giáo Hội Công Giáo Việt Nam - Niên giám 2004). Trước 1975 thì tại vì chiến-tranh, còn sau 1975 thì lại gặp nhiều khó-khăn, thế thì chẳng biết đến đời nào mới đuợc đây trong khi từ Bắc chí Nam vẫn rầm-rộ xây cất và mở-mang về mặt cơ-sở vật-chất và những sinh-hoạt nặng tính trình-diễn kiểu thế-tục.

Vì bước mãi trên lối mòn như thế mà thay vì giáo dân Việt-Nam đúng ra phải được các mục-tử nhắc cho đôi chút về Sắc-lệnh Tông-đồ Giáo Dân thì lại chỉ đuợc “dạy dỗ” dằn mặt bằng giọng điệu tự-cao tự-đại như một ông quản-nhiệm đã viết “...linh-mục là người đuợc Chúa chọn, đuợc thánh-hiến để thay mặt Ngài mà tế lễ Thiên Chúa thay cho toàn dân và kéo ân sủng của Ngài xuống trên người giáo dân, các ngài có ba nhiệm vụ phải thi hành, đó là cai quản, dạy dỗ và thánh hoá cộng đoàn dân Chúa...Cho nên đừng đòi lật đổ hay bãi nhiệm các ngài...Linh mục là “con ngươi” trong mắt của Thiên Chúa canh chừng phần rỗi đời đời của chúng ta, chúng ta phải hết sức cám ơn Chúa qua các ngài”. Bằng vào cách định-nghĩa và giảng giải như vậy thì thật tình chẳng ai có thể hình-dung nổi con người đích-thực và nhiệm-vụ thiết yếu của một linh-mục ra sao và còn có vẻ phất-phơ, mờ ảo như hồn ma bóng quế vật-vờ nữa. Có lẽ vì tự lý-luận kiểu “vơ vào” như vậy mà tại hải-ngoại này, các cộng-đoàn giáo-dân Việt-Nam lại có chức “quản nhiệm” đặt thêm vào cạnh chữ “Tuyên-uý” và dần dần chữ “tuyên-uý” bị rơi đi để chỉ còn lại cái chức “linh mục quản nhiệm” nằm ngoài Giáo-luật

Ba thừa-tác-vụ Đức Giê-su trao ban đã đuợc một quản-nhiệm hiểu và diễn-đạt như thế thì giáo dân làm sao dám tin vào lời Công-đồng xác-nhận giá-trị và thế đứng của họ trong Sắc Lệnh Tông Đồ Giáo Dân là những người có phần riêng biệt và cần thiết trong sứ mệnh của Giáo-hội (quorum partes in missione Ecclesiae proprias et omnino necessarias ) hoặc Giáo dân có  bổn phận và quyền làm tông-đồ do chính việc kết hợp với Chúa Ki-tô là Đầu. Họ đuợc chính Chúa chỉ định làm việc tông đồ, vì phép Rửa Tội sát nhập họ vào Nhiệm Thể Chúa Ki-tô, phép Thêm Sức làm cho họ nên mạnh mẽ nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Họ đuợc thánh hiến vào chức vụ tư tế, vuơng giả và dân tộc thánh (Laici officium et ius ad apostolatum obtinent ex ipsa sua cum Christo Capite unione. Per Baptismum enim corpori Christi mystico inserti, per Confirmationem virtute Spiritus Sancti roborati, ad apostolatum ab ipso Domino deputantur. In regale sacerdotium et gentem sanctam consecrantur). 

Biết đến bao giờ những đoá hoa tin yêu này mới đưọc triển nở trên con đường lữ-hành đức tin của Việt-Nam cho lối mòn uốn khúc khởi sắc thành quan-lộ thẳng băng.

                 

 

Tác giả: Phạm Minh-Tâm

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!