Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Lm. Lê Văn Quảng Psy.D.
Bài Viết Của
Lm. Lê Văn Quảng Psy.D.
65. CHÚA ƠI! CHÚA Ở ĐÂU RỒI?
NGƯỜI CON ÚT RA ĐI
ĐỨC KYTÔ PHỤC SINH
CHUYỆN MỘT NÀNG CÔNG NHÂN VIỆT NAM
NGƯỜI CHA ĐÍCH THẬT CÓ NGHĨA LÀ NHÂN HẬU VÀ QUẢNG ĐẠI
LẮNG NGHE
KHÔNG AI THÍCH NHẬN LỆNH
ĐỪNG LÀM MẤT MẶT NGƯỜI KHÁC
LẮNG NGHE NHIỀU, PHÀN NÀN ÍT (2)
LẮNG NGHE NHIỀU, PHÀN NÀN ÍT (1) - Bài 1
ĐỪNG PHÊ BÌNH, LÊN ÁN ĐỂ KHỎI BỊ LÊN ÁN (MT. 7,1-2)
TÌNH YÊU, MỘT NHU CẦU CĂN BẢN
CHÍNH NGÀI ĐÃ DẪN CON ĐI
HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH
TIN LÀ THẦN DƯỢC
ANH HÙNG NGÃ NGỰA VÀ KHÚC QUANH CUỘC ĐỜI
MỤC VỤ CHO BỆNH NHÂN
KHÍCH LỆ : BÍ QUYẾT GIÁO DỤC CON TRẺ THÀNH CÔNG
QUÀ GIÁNG SINH NĂM NAY
SỐNG LÀ CHUẨN BỊ CHẾT
PHÚC CHO NGƯỜI ĐAU KHỔ
Tình Yêu và Phục Vụ
MÌNH VỚI TA TUY HAI MÀ MỘT. TA VỚI MÌNH TUY MỘT MÀ HAI
Giới Thiệu Bộ sách Tâm Lý Giáo Dục gồm 4 cuốn của Lm. Tiến sĩ Lê Văn Quảng.
NẾU TÔI KHÔNG THẤYTÔI KHÔNG TIN
GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ - VÀ CON NGƯỜI NGÀY MAI (1)
THIÊN CHỨC LÀM CHA MẸ (6)
THIÊN CHỨC LÀM CHA MẸ (5)
THIÊN CHỨC LÀM CHA MẸ (4)
THIÊN CHỨC LÀM CHA MẸ (3) - NHỮNG PHƯƠNG CÁCH THÍCH HỢP ĐỂ ĐIỀU KHIỂN CON CÁI
THIÊN CHỨC LÀM CHA MẸ (2)
THIÊN CHỨC LÀM CHA MẸ (1)
QUAN NIỆM VỀ PHÁI TÍNH (4)
QUAN NIỆM VỀ PHÁI TÍNH (3)
QUAN NIỆM VỀ PHÁI TÍNH (2)
QUAN NIỆM VỀ PHÁI TÍNH
NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA HÔN NHÂN (7)
NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA HÔN NHÂN (6).
NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA HÔN NHÂN (5)
NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA HÔN NHÂN (4)
TÌNH YÊU, MỘT NHU CẦU CĂN BẢN

 

Một buổi tối nọ, mẹ Theresa ghé lại căn nhà hấp hối và tiến lại để thăm một người sắp chết mà người ta vừa mới mang vào. Đó là một bà lão mình quấn đầy những mảnh giẻ rách, nước da đen với đầy những vết thương hôi thối. Chính mẹ Theresa đã tắm rửa và lau chùi những vết thương cho bà. Mẹ tính lấy thuốc để tha vào những vết thương cho bà, nhưng nhìn thấy bà đang hấp hối có lẽ cũng vì quá đói sợ khó qua khỏi, nên mẹ tự đi nấu cho bà một chén súp rất ngon với hy vọng mang lại cho bà một chút an ủi. Sau khi nấu xong, mẹ mang súp lên cho bà. Bà cụ húp chén súp và húp luôn một hơi hết nửa chén. Chén súp quá ngon nên bà rất cảm động. Với dòng lệ và giọng nói thều thào, bà ngẩng đầu lên nhìn mẹ và hỏi:

- Tại sao bà lại quá tử tế với tôi như vậy?

- Vì tôi yêu mến bà, mẹ Theresa trả lời.

Một tia sáng hạnh phúc dẫu còn chút nghi ngờ, xuất hiện trên khuôn mặt của bà, bà ân cần nói với mẹ Theresa:

- Bà hãy nói lại một lần nữa: tại sao bà đối xử tử tế với tôi như vậy?

  • Mẹ Theresa niềm nỡ trả lời: vì tôi yêu mến bà.

  • Ôi bà, bà hãy nói lại một lần nữa: tại sao bà lại tử tế với tôi như vậy?

  • Vì tôi yêu mến bà.

Nghe đến đây, lòng bà lão đầy xúc động, bà nắm chặt tay mẹ Theresa kéo về phía bà, giọng thều thào nói lên lời cảm ơn. Đôi mắt bà mở to như rất mãn nguyện rồi từ từ khép lại, linh hồn bà đi về bên kia thế giới.


 

Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy: tận đáy lòng sâu thẳm của con người, con người khát vọng gì?

Khát vọng tình yêu. Đó là cái nhu cầu căn bản của con người bỡi vì con người được sinh ra là để yêu và được yêu. Con người không thể sống thiếu vắng tình yêu. Chính vì thế, chúng ta thấy những hiện tượng nầy thường xảy ra:

  • Con cái sẽ bỏ nhà ra đi nếu nó cảm thấy gia đình không có tình yêu.

  • Học sinh sẽ bỏ trường nếu nó cảm thấy học đường không có tình yêu

  • Vợ chồng sẽ ly hôn nếu họ cảm thấy hôn nhân không có yình yêu.

  • Tu sĩ sẽ bỏ dòng và linh mục, chủng sinh sẽ bỏ địa phận nếu họ cảm thấy ở đó không có tình yêu.

  • Một số người sẽ bỏ ngay cả giáo hội của họ nếu họ cảm thấy ở đó không có tình yêu.


 

Bốn năm trước đây, tôi có về Hànội dạy cho các thầy thần 4: Tâm lý Bệnh nhân, Hôn nhân và Gia đình. Trong một buổi học kia, có 1 thầy giơ tay nói: Thưa cha, ngày mai cuối tuần con muốn đưa cha đi thăm một sư cô ở một chùa gần đây. Các thầy nghe thế đều cười ầm lên. Tôi đoán chắc có điều gì lạ ở đây. Và thầy nói tiếp: Mỗi cuối tuần chúng con có đi làm công tác mục vụ ở đó, chúng con đi thăm các cụ già. Nơi đó có một sư cô. Sư cô nầy có một điều gì đó bí ẩn: một đêm kia cô ngủ, một con rắn bò vào phòng cô, rồi bò lên giường cô, và bò lên người cô, cô giật mình chổi dậy. Nhìn thấy con rắn, một cách phản xạ tự nhiên cô kêu lên: Lạy Chúa! xin cứu con. Lạy Chúa! Xin cứu con. Cô không kêu Phật nhưng cô lại kêu Chúa xin cứu con. Đó là một chuyện lạ …..thì ra sư cô vốn là một người công giáo. Trước đây cô đã vào một dòng tu, và cô đã gặp khủng hoảng nên cô đã quyết định đổi đời.


 

Những câu chuyện trên cho chúng ta thấy rằng: con người không thể sống mà không có tình yêu. Chúng ta có thể sống thiếu ăn, thiếu mặc, nhưng không thể sống thiếu vắng tình yêu.


 

Nhưng Tình Yêu là gì?


 

Tình Yêu là một cảm nhận, một kinh nghiệm, một trực giác con người có thể cảm nghiệm, có thể hiểu được nhưng để cho nó một định nghĩa gói trọn trong một vài hàng chữ thì điều đó không phải là dễ, bỡi lẽ nó rộng rãi bao la như bầu trời, sâu thẳm ngút ngàn như đại dương. Trải qua bao thế hệ, biết bao thiên tài thi sĩ, văn sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ đã cố gắng dùng tất cả khả năng thiên phú của mình để tìm cách diễn tả ý nghĩa tuyệt vời của hai chữ Tình yêu nhưng vẫn chưa lột hết ý nghĩa của nó. Mỗi người chỉ nói lên được một phần nào từ cái nhìn trong một góc độ hạn hẹp của mình. Vì thế, Tình Yêu cho đến muôn ngàn đời vẫn luôn là một cảm hứng sâu xa, một đề tài hấp dẫn cho con người để sáng tác.


 

Thật ra mọi người đều biết đến Tình Yêu. Mọi người đều có kinh nghiệm về Tình Yêu. Mọi nơi và mọi thời đều có biết bao lớp người ca tụng Tình Yêu. Không ai phủ nhận sự hiện diện của Tình Yêu. Chúng ta chỉ muốn tranh luận Tình Yêu là gì? Các nhà tâm lý và triết lý cố gắng cắt nghĩa Tình Yêu. Nhưng mỗi người cắt nghĩa một cách khác nhau tuỳ theo cái nhìn của họ.


 

Có người cho tình yêu là một cảm xúc. Cảm xúc thường được gây ra bỡi tình huống của môi trường. Cá nhân tùy thuộc một kích thích nào đó tự động có phản ứng với một cảm xúc phù hợp với tình thế. Chẳng hạn, với trẻ nhỏ tiếng động lớn gây nên sự sợ hãi. Hành vi hoặc phản ứng của con người là dựa trên nền tảng phản ứng cách máy móc tùy theo sự kích thích bên ngoài hoặc bên trong của con người, và điều nầy được chấp nhận cách rộng rãi trong thời buổi hôm nay. Tất cả mọi cảm xúc của con người đều có mục đích. Cảm xúc được chọn bỡi cá nhân. Nó chuẩn bị và củng cố hành động hoặc chối từ hành động. Chúng ta có hành động là do sự thúc đẩy của cảm xúc và lý trí. Khi suy nghĩ là chúng ta xem xét cả việc nên hoặc không nên hành động, vì sẽ có lợi hay không lợi của hành động đó. Và khi phải định hướng chúng ta phải làm sáng tỏ giá trị của hướng chúng ta sẽ đi. Đây là lúc chúng ta cần cảm xúc vì không cảm xúc chúng ta không thể hành động cách mạnh mẽ. Có tức lên, chúng ta mới dám liều mình để tiến tới. Có thương, có mến chúng ta mới dám xả thân liều mình để cứu bạn. Vì thế, có người cho yêu là một cảm xúc, một cảm xúc có mục đích.


 

Nhiều người không chấp nhận tư tưởng nầy. Chúng ta thường được dạy ngay từ nhỏ rằng tình yêu đến với cá nhân khi họ gặp đúng đối tượng. Chúng ta nói tiếng sét ái tình trong một ý nghĩa không ngờ trước, không cắt nghĩa được. chúng ta cho đó là kết quả của một sự ảnh hưởng huyền bí nào đó tác động trên cả 2 người mà chúng ta gọi là cơ duyên, hay một thần may mắn nào đó đã mang đến cho chúng ta, còn chúng ta chỉ là những người thụ động trong tình yêu.


 

Người khác lại cho tình yêu là một cái gì lãng mạn. Chúng ta muốn có trái tim bị bão tố. Chúng ta muốn có tâm hồn bị tấn công và bị chinh phục bỡi một lực lượng huyền bí. Chúng ta muốn thấy mình đi trên mây, trên gió, mất ăn, mất ngủ và không còn khả năng tập trung vào một công việc gì. Đó là những yếu tố của lãng mạn.


 

Nhưng cũng có người cho tình yêu là một sự lôi cuốn, một sự thúc đẩy bỡi động lực sinh lý nhưng có sự kiềm chế, có sự điều khiển để đi đến một mục đích, và chúng ta gọi đó là tình yêu.


 

Nhưng rõ ràng không có câu định nghĩa nào là thõa đáng. Từ quan điểm có tính cách khoa học, chúng ta phải bao gồm trong từ ngữ tình yêu tất cả những lôi cuốn tình cảm giữa hai người khác phái, từ thiện cảm nhè nhẹ đến sự tận hiến sâu thẳm mà ở đó có hoặc không có ước muốn xác thịt. Một quan niệm rộng rãi như thế khó có thể áp dụng cho một định nghĩa vừa ngắn gọn vừa thật chính xác. Không thể có một xác định cách khách quan tình yêu là gì, và tình yêu nào là thật, tình yêu nào là tưởng tượng vì tình yêu như một cảm xúc có tính cách chủ quan. Người ta gọi tình yêu là một cảm xúc mạnh của ước muốn được tạo ra để dấn thân tận hiến và để điều khiển cuộc đời cho sự hạnh phúc lứa đôi.


 

Tuy không có một định nghĩa nào về tình yêu được xem là trọn vẹn, nhưng những cố gắng nghiên cứu của một số nhà tâm lý đồng ý rằng những yếu tố sau đây là những yếu tố căn bản của một tình yêu đích thật mà chúng ta thường thấy:


 
  1. Say đắm


 

Tình yêu đích thật có một sức hấp dẫn phi thường. Nó mạnh hơn cuồng phong bão tố, có sức hấp dẫn gấp trăm ngàn lần những cơn gió lốc, và có thể đưa chúng ta đến tận chân trời không biên giới. Chính nó lôi cuốn hai người nam nữ lại với nhau. Tình yêu đó có một sức mạnh vô biên khiến hai người như mê hồn trận, điên đảo, cuồng nhiệt, và say đắm đến nỗi khiến họ thấy rằng không còn cần phải nghĩ ngợi, so đo, chọn lựa gì nữa, nên nhiều người trong chúng ta thường gọi họ là những người say tình hay si tình. Theo bác sĩ Love, người si tình là người bị thu hút một cách say mê, miệt mài bỡi một người nào đó và chỉ với người đó mà thôi. Và đây là triệu chứng của người si tình: nó gồm có thái độ nhẹ nhàng dễ dãi, mất ăn mất ngủ nhưng nghị lực lại tăng. Người đang tương tư là người trong tình trạng say thuốc. Nó lơ lơ lửng lửng, nửa tỉnh nửa mê. Thân xác ở đây nhưng tâm hồn ở trên mây gió. Và một khi tình yêu quá mạnh, nó sẽ tiết ra một lọai hóa chất khiến cho bộ óc chúng ta dám liều lĩnh cho tình yêu mà không còn phải sợ hãi một cái gì. Những nhà nghiên cứu thấy rằng khi sự lôi cuốn hấp dẫn mạnh đủ thì những mạng lưới thần kinh sẽ tràn ngập một loại hóa chất như một gia vị làm xúc tác. Tác dụng điên cuồng của các tế bào thần kinh làm cho những người si tình chẳng còn biết sợ hãi gì trái lại càng lạc quan thích thú nữa. Vì thế, những lời khuyên lơn, cảnh cáo bấy giờ đối với họ sẽ trở nên vô ích vì đạt được đối tượng là mục đích chính của họ, còn những chuyện khác chỉ là phụ thuộc.


 
  1. Ý hợp


 

Sự hấp dẫn và say đắm của tình yêu chính là lực lôi cuốn hai người lại với nhau, nhưng chính sự đồng tâm ý hợp mới giúp đôi bạn bảo toàn và kéo dài sự liên hệ qua năm tháng và làm cho đời sống hằng ngày trở nên nhẹ nhàng dễ chịu. Sự hòa hợp ý chí sẽ giúp đôi bạn tình biết thuận hòa yêu thương nhau, khiến họ luôn biết trọng kính nhường nhịn nhau, cảm thông nâng đỡ nhau, và luôn sẵn sàng vượt thắng mọi cử chỉ tiêu cực bằng những hành động tích cực.


 

Tâm đồng ý hơp chính là nhựa sống của tình yêu dích thực. Chính nó giúp cho hai người, trong những lúc gặp nhiều khủng hỏang, biết ngồi lại với nhau để tìm ra những phương thức thắng vượt những khó khăn và giúp nhau kiên trì nhẫn nại để đối phó với hoàn cảnh không may mà họ đang gặp phải. Những nghiên cứu về tình yêu cho chúng ta thấy rằng: chính những hành động săn sóc giúp đỡ nhau, cử chỉ nhã nhặn tử tế với nhau, thái độ thân mật tha thiết, tính tình dịu dàng dễ thương, sự hiền hòa thông cảm, đó là những phương cách tuyệt hảo để bảo tồn và nuôi dưỡng tình yêu.


 
  1. Chung tình


 

Hai người một khi đã thật sự yêu nhau, họ sẵn sàng thề hứa trung thành với nhau. Họ biết giá trị của tình yêu trường tồn. Chính tình yêu vĩnh cửu là động lực giúp họ sẵn sàng hy sinh và phục vụ lẫn nhau để mang lại cho tình yêu của họ một cuộc đời an vui và hạnh phúc. Cuộc sống con người cần sự trung thành ngay cả trong những chuyện bé nhỏ thường ngày. Chính khi chúng ta trung thành trong những chuyện thường ngày sẽ giúp củng cố tình yêu của chúng ta được lớn mạnh nhanh chóng, và trong sự tin tưởng lẫn nhau chúng ta sẽ loại bỏ nhiều chướng ngại để dùng những năng lực còn lại đầu tư vào việc phát triển cuộc sống hôn nhân và mang lại cho cuộc đời hôn nhân chúng ta những chuỗi ngày thanh bình và đầm ấm.


 
  1. Trao hiến


 

Tình yêu trọn vẹn đòi hỏi sự dâng hiến. Tình yêu chưa hiến dâng là tình yêu chưa được trọn vẹn. Nhưng làm sao họ dám dâng hiến cho nhau khi hai tâm hồn chưa dám nói lên lời thề ước. Chính sự tự nguyện nói lên lời thề nguyền chung sống với nhau sẽ giúp họ hiểu được giá trị của sự phối hợp và tận hiến cho nhau để rồi vui hưởng cuộc đời hạnh phúc bên nhau trong sự liên hệ bền vững lâu dài. Họ cũng biết phối hợp liên kết cuộc sống của họ với bà con họ hàng hai bên cũng như bạn bè quen thuộc trong cộng đồng họ đang sống. Họ muốn mọi người đều biết họ là cặp vợ chồng có giao kết và thề hứa cùng chung sống với nhau trọn đời. Những cuộc hôn nhân trong sáng và chân thành như vậy thường muốn sinh con đẻ cái như một biểu chứng của tình yêu và coi việc nuôi dưỡng con cái như một phần của sự liên hệ giữa họ với nhau trong cuộc sống lứa đôi.


 

Những cặp hôn nhân cho dẫu yêu nhau chân tình, gắn bó với nhau trọn vẹn nhưng không muốn sinh con đẻ cái, bấy giờ sự liên hệ, mối thân tình giữa hai người dần dần sẽ suy giảm. Đôi vợ chồng biết tận hiến trọn vẹn cho nhau, biết hợp tác chặt chẽ với nhau là đôi vợ chồng có ý muốn thành lập gia đình và sẵn sàng muốn sinh con cái như một sự ràng buộc cho hạnh phúc hôn nhân. Nhờ sự ràng buộc của con cái, cũng như sự ràng buộc của lời thề cam kết trung thành và tận hiến cho nhau suốt cả cuộc đời sẽ giúp cho đôi vợ chồng vượt thắng được mọi thăng trầm của đời sống hôn nhân.


 

Khi đề cập đến những yếu tố trên đây, tôi chợt nghĩ ngay đến thi sĩ Tú Xương đã có một câu định nghĩa về Tình Yêu thật độc đáo. Với ông Tình Yêu chính là:


 

MÌNH VỚI TA TUY HAI MÀ MỘT

TA VỚI MÌNH TUY MỘT MÀ HAI.


 

Hai câu thơ độc đáo và bất hủ ấy muốn nói lên gì?


 

Bốn năm trước đây, trong một buổi counseling để giúp cháu tôi có một quyết định chín chắn và khôn ngoan cho cuộc đời hôn nhân của cô. Tôi được cháu tôi kể cho nghe câu chuyện tình lý thú của cô:


 
  • Chú ơi! Cháu gặp anh nầy trong một trường hợp hết sức tình cờ. Nhân một ngày sinh nhật của một cô bạn. Chúng cháu đến chúc mừng. Trong lúc mọi người đều ca hát nhảy múa với nhau vui vẻ, bỗng nhiên anh nầy nhìn cháu sửng sốt. Rồi anh suy nghĩ một hồi lâu như muốn lục lọi một cái gì trong ký ức. Sau đó anh đến với cháu và nói:


 
  • Xin lỗi! Cô tên gì?


 
  • Em tên Ái Nhi


 
  • Hình như mình đã gặp Ái Nhi ở đâu rồi. Mình còn nhớ nét mặt quen quen, nhưng không biết là đã gặp ở đâu?


 
  • Em cũng không rõ nữa.


 

Chính câu hỏi quá ngỡ ngàng, quá ngạc nhiên đó đã làm cho cô bé thêm lúng túng. Và càng lúng túng, càng làm cho hai gò má của cô bé càng thêm xinh xắn. Cũng từ giờ phút ấy hai người đã bắt đầu gặp gỡ.


 

Hãy ngẫm nghĩ xem: Có hàng tỷ tỷ người trên trần gian nhưng người thanh niên nầy đã không nhìn thấy một hình ảnh quen thuộc nào nơi những con người khác mà chỉ nhìn thấy hình ảnh đó nơi cô bé nầy thôi.  Phải chăng có một cái gì đó huyền diệu, khó hiểu.


 

Và rồi có người cho đó là cách thức của những anh chàng ma lanh, lém miệng, biết nịnh đầm, biết dựng chuyện để tìm cách làm quen, tìm cách gợi chuyện cho những buổi gặp gỡ ban đầu.


 

Nhưng cũng có người tin rằng ở một kiếp nào đó trước đây, họ đã từng gặp nhau, từng quen biết nhau, và bây giờ họ nhớ lại những ngày xa xưa đó họ đã từng thân thiện, từng quen biết.


 

Thật ra, trong cuộc sống của chúng ta, chắc nhiều người cũng đã từng có kinh nghiệm nầy: bỗng một ngày nào đó, có người từ đâu đến nói với chúng ta rằng: nếu tôi không lầm thì hình như tôi đã có dịp gặp anh hay chị ở đâu đó rồi, vì tôi thấy anh chị có nét gì quen quen, khiến chúng ta phải tìm lại ký ức, lục lọi, hồi tưởng mãi nhưng vẫn không tìm ra đã có lần nào gặp gỡ họ.


 

Vâng, rất có thể chúng ta đã được sinh ra ở một kiếp nào trước như quan niệm nhà Phật hay như triết gia Platon đã từng chủ trương: chúng ta đã được sinh ra ở trong tiền kiếp và bây giờ chúng ta nhớ lại một cuộc sống thuở nào.


 

Nhưng không, với các nhà tâm lý học thì không cần gì phải ở tiền kiếp mà chính ngay trong kiếp sống hiện tại chúng ta đã có lần gặp gỡ. Chúng ta đã không gặp gỡ chính con người ấy, nhưng đã gặp gỡ những người thân yêu của chúng ta chẳng hạn như bố mẹ, anh chị em, cô bác, hay những người bạn thân tình của chúng ta. Họ là những người đã sinh ra, đã nuôi dưỡng, và yêu thương ấp ủ chúng ta. Họ là những người đã dạy dỗ, nâng đỡ, dìu dắt chúng ta để chúng ta có được ngày hôm nay. Và vì thế, chúng ta cũng cảm thấy yêu thương và quí mến họ. Những hình ảnh, những kỷ niệm êm đẹp đó không bao giờ xóa nhòa khỏi tâm trí chúng ta. Nên một khi gặp một người có khuôn mặt, diện mạo hay giọng nói, cử chỉ giống những người thân yêu chúng ta đó, chúng ta có cảm tưởng họ là những người quen thuộc mà thật ra chúng ta chưa bao giờ gặp gỡ.


 

Cũng chính vì thế, cho dẫu là mới chỉ gặp lần đầu, chưa nói được nhiều, chưa hiểu được bao nhiêu, nhưng chúng ta cũng cảm thấy có một cái gì thu hút, có một cái gì hấp dẫn, có một cái gì quyến luyến, có một cái gì gắn bó, có một cái gì tin tưởng, có một cái gì đáng để chúng ta trao gởi một tâm tình, một hướng đi, một cuộc đời mà nhiều người đã gọi đó là duyên phận do ông tơ bà nguyệt nối kết, còn chúng ta thì gọi là sự an bài của Thiên Chúa.


 

Vâng, tình yêu chính là duyên phận, là cảm nhận của con tim, là trực giác của lý trí, vừa gặp gỡ là đã nhận ngay ra: đó chính là con người mình muốn tìm, là hình ảnh mình theo đuổỉ, là bức chân dung mình muốn vẽ, nên vừa nhìn thấy, cũng như Tú Xương chúng ta cảm thấy hứng chí để thốt lên ngay:


 

MÌNH VỚI TA TUY HAI MÀ MỘT


 

Tình yêu là trở nên một: Một con người, một tâm hồn, một ý chí, một con tim, một xương, một thịt.


 

Nhưng dẫu cho chúng ta có muốn trở nên một con người, một xương, một thịt, chúng ta cũng vẫn luôn  là hai. Tú Xương đã trực giác được điều đó nên đã thốt lên vần thơ thứ hai:


 

TA VỚI MÌNH TUY MỘT MÀ HAI.


 

Cái con số 2 muốn nói lên cho chúng ta rằng: có sự đa dạng, có sự phong phú, có sự khác biệt. Thật vậy, có một hố ngăn cách, một khoảng trống nào đó giữa hai người phối ngẫu mà dẫu cho họ có muốn lấp đầy, muốn xóa bỏ, họ vẫn không thể nào làm được. Chính ở nơi đó, họ phải cần đến tình yêu, đến hồng ân của Thiên Chúa để bù đắp cho những thiếu sót, những bất tòan của con người. Đó chính là lý do tại sao chúng ta cảm thấy mình không bao giờ hoàn toàn thõa mãn với người khác ngay cả với người phối ngẫu của mình. Chính vì vậy, chúng ta phải sẵn sàng chấp nhận, chấp nhận những khác biệt như một sự bổ túc, một sự phong phú cho những bất tòan của nhau.


 

Vì thế, Tình Yêu đòi hỏi:


 

1. Sự Chấp Nhận. Tại sao?


 

Chính vì mọi người đều muốn mình được quí trọng. Mọi người đều muốn mình có giá trị. Không có gì trong đời sống con người có một ảnh hưởng lớn lao và lâu dài cho bằng cái kinh nghiệm bị khước từ, không được người ta chấp nhận. Khi tôi không được chấp nhận, có một cái gì trong tôi bị đỗ vỡ. Một đứa bé sơ sinh không được chấp nhận sẽ bị tiêu hủy ngay từ lúc ban đầu. Một công nhân không được đồng bạn chấp nhận sẽ không muốn đến sở và cũng cảm thấy buồn chán khi ở nhà. Lịch sử các tù nhân cũng cho thấy rằng họ đã sống cuộc đời lang thang nay đây mai đó với đủ mọi hạng người và phạm đủ mọi thứ tội là vì không có ai thật sự đã chấp nhận họ. Một cuộc đời không có sự chấp nhận là một cuộc đời trong đó nhu cầu căn bản của con người không được đáp trả.


 

Chấp nhận có nghĩa là những người mà tôi sống với, mang lại cho tôi một cảm giác kính trọng, một cảm giác là mình còn có giá trị chứ không phải là hoàn toàn vô dụng. Chấp nhận cũng có nghĩa là tôi được chào đón như tôi hiện là. Điều đó có nghĩa là dẫu cho mọi người đều ước muốn tôi trưởng thành hơn, đều muốn tôi nên tốt hơn, muốn tôi hoàn thiện hơn, nhưng tôi không bị bắt buộc. Tôi không bị bó buộc phải là người của khuôn mẫu mà họ muốn. Tôi cũng không bị đóng khung bỡi cái quá khứ hoặc hiện tại của tôi. Nhưng tôi luôn được cho một khoảng trống để tôi có thể lớn lên, để tôi có thể ra khỏi những sai lầm của quá khứ.


 

Một cách nào đó, chúng ta có thể nói được rằng chấp nhận là một sự vén màn. Mọi người được sinh ra với nhiều khả năng khác biệt. Nhưng ngoại trừ họ được lay động, được đánh thức, được khích lệ bỡi sự chấp nhận của người khác, họ sẽ mãi mãi nằm yên ngủ. Sự chấp nhận làm thức tỉnh những gì đang nằm yên nghỉ trong tôi.  Chỉ khi tôi được yêu trong cảm giác sâu xa của sự chấp nhận hòan toàn đó, tôi mới có thể trở nên chính con người đích thật của tôi. Tình yêu và sự chấp nhận của những người khác làm cho tôi trở thành một con người độc đáo đích thật của chính tôi.


 

Khi một người được quí trọng bỡi công việc họ làm, họ không có cái gì độc đáo, vì người khác cũng có thể làm được điều đó và có khi còn làm trổi vượt hơn họ. Nhưng khi một người được yêu không phải bỡi công việc họ làm mà là bỡi chính họ, bấy giờ họ trở thành một cái gì cá biệt, độc đáo mà không ai có thể thay thế họ được. Và tôi cần một sự chấp nhận như thế để tôi trở thành cái tôi đích thật và cá biệt của tôi. Một người được chấp nhận là một người hạnh phúc, một người được giải thoát, một người có thể lớn lên với cái bản lĩnh độc đáo của mình.


 

Chấp nhận một người không có nghĩa là tôi chối từ những khuyết điểm của họ, cũng không có nghĩa là tôi cắt nghĩa một cách sai lệch, hoặc cắt nghĩa một cách qua loa những khiếm khuyết đó. Chấp nhận cũng không có nghĩa là xem mọi sự họ làm đều tốt đẹp. Nhưng ngược lại thì đúng hơn. Khi tôi chối từ những khuyết điểm của một người là tôi không chấp nhận họ. Tôi đã không chạm đến chiều sâu của con người đó. Chỉ khi nào tôi chấp nhận những khuyết điểm của họ, tôi mới thật sự là chấp nhận họ.


 

Nếu nói trong cách tiêu cực thì sự chấp nhận có nghĩa là tôi không bao giờ cho một người nào cái cảm giác rằng họ không có một giá trị nào cả. Không mong một cái gì nơi một người là giết họ, là làm họ chết khô vì họ không còn chút sinh lực nào để tồn tại và tăng trưởng. Chính vì thế, Tình Yêu đòi hỏi sự chấp nhận, chấp nhận một con người với tất cả những cái hay và cái dở của họ, và giúp họ trở thành con người độc đáo của họ.


 

Anh Minh Nguyễn, một người có kinh nghiệm sâu xa về vấn đề nầy, trong một buổi tĩnh tâm riêng cho chương trình thăng tiến hôn nhân, đã chia sẻ cho chúng tôi câu chuyện rất đáng khâm phục của người vợ anh. Anh nói:


 
  • Tôi đã từng đối xử thô bạo với vợ bằng cách gạt ngang ý tưởng của cô ấy và bảo rằng những điều cô nói là không hợp lý với một giọng điệu không được tao nhã. Cô buồn giận đi ra khỏi phòng và tôi trở lại với trận bóng đá trên tivi, không cần biết cô đi đâu. Ba mươi phút sau, cô trở lại với một cái đùi gà nướng, khoai tây chiên, miếng bánh ngọt và một lon côca. Tất cả được sắp sẵn gọn gàng trên một chiếc khay. Cô đặt chiếc khay trên đùi tôi và nói: Em yêu anh, rồi hôn lên má tôi và đi xuống bếp. Mọi sự xảy ra một cách quá ngạc nhiên. Tôi ngồi đó ngơ ngẩn, rồi suy nghĩ: mình có bao giờ nghĩ là điều nầy sẽ xảy ra. Tôi cảm thấy mình bị sốc mạnh. Sự tử tế của cô đã chinh phục tôi. Tôi đặt chiếc khay xuống bàn và đi vào bếp nơi nàng đang chuẩn bị bữa ăn, và xin lỗi nàng. Cả hai đều rưng rưng nước mắt, bày tỏ sự hối hận và hứa hẹn một tình yêu trọn vẹn cho nhau.


 

Chính sự chấp nhận với lòng đại lượng và sự khôn khéo của người vợ đã cảm hóa được người chồng và đã mang lại cho cuộc hôn nhân của họ một đời hạnh phúc.


 

2. Sự kính trọng


 

Tình yêu đòi sự kính trọng. Trong nhu cầu cần được yêu, con người cảm thấy mình cần phải được kính trọng. Thiếu sự kính trọng, tình yêu không thể thăng hoa và tồn tại. Mối quan hệ yêu thương và kính trọng là chìa khóa cho bất cứ nan đề nào trong các cuộc hôn nhân. Khi một người cảm thấy mình không được kính trọng, thật vô cùng khó khăn để họ đáp trả tình yêu. Cũng vậy, khi một người cảm thấy không được yêu thương, thật khó cho họ để tỏ bày lòng kính trọng đối với đối phương. Tình yêu và sự tương kính luôn đi đôi với nhau nếu muốn cho cuộc hôn nhân của chúng ta luôn được bền vững.


 

Vào một ngày đẹp trời của mùa thu năm 2010, Cô Thùy My đến gặp tôi để trút bầu tâm sự mà cô cảm thấy không chịu đựng nổi nữa trong vấn đề hôn nhân. Sau khi mời vào văn phòng và sau những lời thăm hỏi xã giao căn bản, cô bắt đầu chia sẻ:


 
  • Thưa cha, con muốn tâm sự với cha một chút về tình trạng hôn nhân của con. Thật sự hôn nhân của con bây giờ đang ở bên bờ tuyệt vọng. Con đã nghĩ tới việc bỏ chồng, và con cũng nói cho anh ấy biết chuyện đó vì hôn nhân của chúng con trống rỗng suốt một thời gian dài. Con đã bỏ cuộc. Con đã than phiền với chồng con rằng con cần tình yêu của anh ấy nhưng anh ta không đáp trả. Con yêu các con và chúng yêu con. Còn Tuấn chồng con, con ghét anh ta lắm. Suốt nhiều năm con đã cố gắng làm những công việc của người vợ tốt như: nấu nướng, giặt dũ, ũi đồ và cũng rất tốt trong việc chăn gối nữa. Nhưng con không cảm nhận được tình yêu của anh ta. Con cảm thấy như mình bị lợi dụng. Anh ta không kính trọng con. Anh ta nghĩ rằng con có nhà, có xe đẹp. Mọi tiền chi phí anh ta đều thanh toán. Con được tự do đi làm hoặc không. Anh ta nghĩ rằng như vậy là quá tốt rồi. Còn con, con nghĩ rằng như vậy là quá hất hủi, coi thường con. Con không muốn anh ấy coi thường con. Quả thật, con không cần tiền của anh ấy. Con chỉ cần tình yêu và lòng kính trọng của anh ấy. Cô chia sẻ trong một tâm trạng đau khổ vô vàn với những giọt nước mắt tuôn trào không ngừng nghỉ.


 

3. Một tình yêu vô điều kiện


 

Làm cái nghề cố vấn nầy, ngày nào cũng phải nghe những tâm sự buồn mà ít được nghe những câu chuyện vui. Tôi đang lo: không biết một ngày nào đó, mình có trở thành một con bệnh như những bệnh nhân của mình hay không? Sau đây, cũng chỉ là một câu chuyện buồn mà tôi muốn nêu ra để cho chúng ta thấy: trong tương quan hôn nhân cũng như trong tương quan gia đình giữa con cái và bố mẹ, tình yêu được trao ban cho nhau phải là một tình yêu hoàn toàn vô điều kiện, nếu không tình yêu của chúng ta sẽ không sinh hoa trái.


 

Cách đây không lâu, tôi có gặp một gia đình Việt Nam. Cả hai vợ chồng xem ra còn khá trẻ, nhưng đã có ba đứa con. Trong lúc ba đứa con ngồi chơi bên ngoài bãi đậu xe, hai vợ chồng vào xin gặp tôi và kể cho tôi nghe chuyện gia đình của họ với hy vọng tôi có thể giúp gì cho họ, chị vợ trình bày:


 
  • Thưa cha, tụi con có tất cả ba đứa con: hai trai và một gái. Đứa lớn có tên là Tuyên. Lúc còn nhỏ, cháu Tuyên rất ngoan và biết vâng lời. Lúc nào cháu cũng tỏ ra hài lòng và chẳng bao giờ gây rắc rối cho ai cả. Vợ chồng con tạo mọi điều kiện cho cháu: cho cháu sinh hoạt với nhóm hướng đạo, sinh hoạt thiếu nhi thánh thể, tham gia giúp lễ nhà thờ. Nhưng bây giờ cháu lên 14 tuổi, lúc nào cũng gây gỗ, đánh nhau với các em trong nhà. Không phải là chuyện gây gỗ thường tình của bọn con trẻ đâu. Bây giờ nó đã lớn rồi. Nó thật sự trở thành vấn đề rắc rối đối với tụi con. Thỉnh thoảng tụi con thấy cháu buồn buồn, rồi bỏ vào phòng và ở lì trong đó. Ngày xưa cháu rất ngoan. Bây giờ cháu hỗn láo, hay cãi lại và không vâng lời. Có một điều tụi con tin chắc là: tụi con đã dạy dỗ cháu trong kỷ luật. Đây chính là điều làm tụi con khó hiểu nhất. Làm sao một đứa trẻ được dạy dỗ một cách kỷ luật như thế lại có thể tự nhiên thành một đứa suốt ngày chạy rông ngoài đường với những bạn bè hư hỏng, và học theo thói xấu của những đứa đó, rồi về nhà hỗn láo với cha mẹ và người lớn? Mấy đứa bạn của nó thậm chí còn nói dối, ăn cắp, uống rượu. Bây giờ tụi con chẳng thể nào tin con mình được nữa, cũng không thể nào nói chuyện được với nó. Lúc nào nó cũng tỏ ra ủ rũ và lầm lì. Thậm chí nó cũng không muốn nhìn mặt tụi con. Dường như bây giờ nó chẳng muốn liên quan gì đến tụi con nữa. Năm nay kết quả học tập của nó rất tệ.


 

Tôi hỏi: Anh chị có để ý cháu thay đổi như thế từ bao giờ không?


 

Chị nói:

  • Để con nhớ xem. Bây giờ cháu được 14 tuổi. Cách đây khoảng 2 năm, điểm số của cháu là dấu hiệu đầu tiên tụi con để ý đến. Trong suốt những tháng đầu vào học lớp sáu, con thấy cháu bắt đầu chán nản. Trước tiên là chán đi học. Sau đó cũng chán đi nhà thờ luôn. Và rồi cũng không thích chơi với bạn bè nữa mà chỉ thích ở trong phòng một mình. Càng ngày cháu càng ít nói. Nhưng mọi thứ thật sự trở nên tệ hại bắt đầu từ năm nay. Nó không còn quan tâm đến những sinh hoạt ngày xưa nữa. Nó bắt đầu xa rời những bạn bè cũ và chạy rong chơi với những đứa trẻ bạn gây rối. Tính tình cũng thay đổi hẳn và nên giống những đứa bạn mới. Nó không còn thiết tha gì đến chuyện học hành nữa. Bạn bè mới của nó thường lôi kéo nó vào những chuyện rắc rối. Tụi con đã thử mọi cách nhưng vô hiệu. Tụi con thật tình không biết phải làm gì bây giờ?


 

Sau khi lắng nghe hai vợ chồng anh nầy chia sẻ, tôi cho họ ra bên ngoài nghỉ ngơi. Và cho gọi bé Tuyên buớc vào gặp tôi. Bé Tuyên làm cho tôi có cảm tình ngay với một vẻ mặt dễ thương và đẹp trai. Thế nhưng, cái nhìn của cháu thoáng vẻ thất vọng và lẫn tránh. Rõ ràng cháu là một đứa trẻ rất sáng dạ nhưng cháu nói chuyện bằng những câu cụt ngủn với giọng cáu kỉnh và gắt gỏng. Cuối cùng, khi nó cảm thấy đủ thoải mái để chia sẻ tâm tư của mình, nó bắt đầu kể cho tôi nghe những điều đã xảy ra như cách của bố mẹ nó trước đó. Nó nói:


 
  • Chẳng có ai quan tâm đến con trừ mấy đứa bạn.

  • Không ai quan tâm đến sao? Tôi hỏi.

  • Không ai cả. Nó nói. Con thấy hình như vậy. Những thứ mà bố mẹ con thực sự quan tâm là bạn bè họ, công việc họ, những thứ giải trí của họ. Họ đâu cần quan tâm đến con đang làm gì? Con chỉ muốn bỏ nhà ra đi và tự sống một mình thôi.


 

Trong suốt buổi nói chuyện, tôi dần dần thấy rõ rằng cháu Tuyên đã rất buồn chán, chưa bao giờ có được sự hài lòng với chính bản thân và cuộc sống của mình. Bao nhiêu năm qua, cháu Tuyên cũng từng mong muốn có được một mối quan hệ gần gũi và ấm áp bên cha mẹ mình, nhưng càng lúc mơ ước ấy càng mất dần đi. Cháu bắt đầu quay sang tìm kiếm những người bạn có thể chấp nhận nó nhưng điều đó càng khiến nỗi buồn trong lòng cậu bé gia tăng.


 

Thật ra, bố mẹ của cháu Tuyên thật sự rất thương nó. Họ đã làm những điều tốt nhất để nuôi dạy nó nhưng vẫn còn thiếu một điều gì đó. Bạn có nhận ra điều đó không? Đó không phải là tình thương vì bố mẹ cháu Tuyên rất mực thương yêu nó. Nguyên nhân căn bản ở đây là: cậu bé không cảm nhận được tình yêu của bố mẹ. Sự thật bố mẹ cháu Tuyên đã yêu thương con mình nhưng họ đã không biết cách để tỏ bày tình yêu đó. Giống như hầu hết phụ huynh khác, họ nghĩ mình đã đáp ứng được những nhu cầu của con: cơn ăn, nhà ở, quần áo, học hành, dạy bảo. Trong khi đáp ứng cho con những điều nói trên, họ không để tâm đến nhu cầu cần được yêu thương bằng một tình yêu vô điều kiện của con mình. Dĩ nhiên, bậc làm cha mẹ nào cũng có tấm lòng yêu thương con cái, nhưng điều thách thức chúng ta ở đây là cách bày tỏ ra được tình yêu vô điều kiện đó. Chúng ta hãy nghe tiếp cậu bé trình bày.


 

Một vài ngày sau, cậu bé gặp lại tôi, cậu bé đã kể tiếp câu chuyện sau đây:

  • Con nhớ có một lần nọ, khi đó con được 6 hay 7 tuổi, thậm chí bây giờ con vẫn còn thấy buồn và đôi lúc muốn điên lên vì điều đó. Hôm đó, con chơi banh và vô tình làm vỡ kính cữa sổ. Con rất sợ và chạy vào rừng trốn cho đến khi mẹ đi tìm con về. Con rất biết lỗi về điều đó. Con còn nhớ mình đã khóc rất nhiều vì thấy mình tồi tệ. Khi bố con về nhà, mẹ đã kể lại việc cữa sổ bị vỡ, và bố đã dùng roi quất con tàn tệ. Nói đến đây nuớc mắt bé trào ra.


 

Tôi hỏi: Rồi con nói gì?

Nó nói: Con không nói gì cả.


 

Cách thức người cha cư xử đối với cậu bé đã khiến nó mang lấy một cảm giác đau đớn, giận dữ và cay đắng đối với bố mẹ mình. Đó là cảm xúc mà cậu bé không thể nào quên được mà cũng không bao giờ có thể tha thứ được nếu không có một sự giúp đỡ nào đó. Đã nhiều năm trôi qua, nhưng cậu bé vẫn còn tổn thương bỡi điều đó.


 

Vì sao sự việc đặc biệt đó lại để lại một dấu ấn đau đớn trong ký ức của cậu bé đến như vậy, trong khi những lúc khác nó có thể chấp nhận những hình phạt mà không oán trách, có khi còn biết ơn bố mẹ nữa? Phải chăng hình phạt của người cha đã khiến cậu bé nghĩ rằng bố mẹ không hiểu và không nhạy cảm trước cảm xúc của nó? Phải chăng đó chính là lúc mà nó cần nhận được sự ấm áp và thông cảm của bố mẹ hơn bao giờ hết thay vì những hình phạt đau đớn khắc nghiệt?


 

Đó là những điều mà bậc làm cha mẹ cần nên biết để đối xử với con cái của mình trong cách thức thích hợp. Thật ra, cha mẹ nào cũng yêu thương con mình nhưng cách thức mà bố mẹ bày tỏ tình yêu phải làm sao để con cái có thể cảm nhận được tình yêu của bố mẹ, và tình yêu đó phải là một tình yêu vô điều kiện. Đó là vấn đề quan trọng và thiết yếu mà chúng ta cần phải lưu ý.



 

Qua những câu chuyện kể trên, giờ đây chúng ta có thể thấy rõ được những nét căn bản của hai chữ TÌNH YÊU, và rằng tình yêu là một nhu cầu căn bản của con người cần phải được đáp ứng. Không có tình yêu, con người sẽ lớn lên một cách bất bình thường vì con người được sinh ra là để yêu và được yêu. Chính tình yêu sẽ làm cho cuộc sống chúng ta thêm phong phú và thi vị, và cũng chính tình yêu mới mang lại cho cuộc đời chúng ta một niềm vui và hạnh phúc thật.


 

Chức quyền, địa vị rồi cũng qua đi với thời gian. Cuối cùng cái gì vẫn còn đọng lại trong trái tim con người mới là quan trọng. Hãy nhớ rằng với cuộc đời chúng ta, chức quyền không quan trọng hơn tiền bạc, tiền bạc không quan trọng hơn sự sống, sự sống không quan trọng hơn niềm vui và hạnh phúc. Nhưng niềm vui và hạnh phúc đó, chỉ có tình yêu mới có thể mang lại cho chúng ta. Hãy sống trao ban tình yêu của chính mình vì chính tình yêu được trao ban đó sẽ mang lại niềm vui và hạnh phúc cho chính cuộc đời của chúng ta.                   



 

Peter lê văn quảng.



 

Tác giả: Lm. Lê Văn Quảng Psy.D.

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!