Mỗi lần có dịp, tôi tạt ngang nhà thăm gia đình cũng như thắp vài nét hương tưởng nhớ Mẹ. Mẹ không còn nữa để rồi cha, hai gia đình của anh chị và 5 đứa cháu chính là chỗ dựa tình thương tình máu mủ.
Chiều Chúa nhật vừa qua, trước khi dâng Lễ ở một giáo xứ thân quen, tiện đường ghé thăm nhà một chút.
Mẹ của cháu lớn khoe với cậu rằng cháu mới đi mua chiếc áo. Tôi hết sức ngạc nhiên bởi lẽ từ bé đến lớn chưa bao giờ cháu tự ý đi mua món gì cả. Năm nay, dù là học Đại Học năm thứ hai nhưng quần áo, giày dép ... cũng là cha mẹ đưa đi mua hay là cậu sắm cho.
Ngạc nhiên hơn nữa khi biết là cháu mua cái áo trước cổng trường cháu đang học. Cháu kể rằng tại hôm bữa đi học ra, thấy bà cụ kia đẩy xe bán áo, ế quá bà năn nỉ cháu mua và cháu mua. Mẹ cháu đưa cái áo ra và thôi thì ra là cháu đã mua cái áo với giá quá cao so với giá trị thật của nó. Cháu đơn sơ đến độ thấy người ta nài nỉ là mua chứ không bận tâm đến chuyện khác.
Chưa hết, mẹ cháu mới khai báo là chiều tối qua, ba cháu vừa lên trên lầu một chút thì có người vào nhà và mời cháu mua "bút từ thiện". Xem ra thì 10 cây bút mỏng manh với giá 100.000 đồng. Không thể nào một cây viết như thế được bán với giá 10 ngàn đồng bạc. Hỏi lý do tại sao cháu mua như thế thì cháu nói là tại người ta vào năn nỉ mua để ủng hộ cho người nghèo, ủng hộ chương trình từ thiện. Cháu nói : "Người ta nài nỉ thì mua chứ có biết gì đâu. Mua để giúp người nghèo mà ! Thấy người ta nói nghèo thì mua thôi ... "
Tôi chỉ nhắc cháu là lần sau cẩn thận hơn trước khi quyết định mua hàng "từ thiện" như thế. Tôi dặn thêm cháu là nếu như cháu gặp người tàn tật, già yếu thì hãy sẵn lòng giúp đỡ chứ những người khỏe mạnh mà nài nỉ quyên góp thì đừng.
Nhìn cái áo, 10 cây viết mà cháu mới mua đó thấy nó làm sao đó. Người bán hình như lợi dụng lòng con trẻ, lòng chạnh thương người khác.
Thăm nhà và thăm cháu một chút, lại trở về nhà dòng, trở về với công việc nhưng hình ảnh của cháu cứ miên man. Vì lòng nhân, cháu đã không ngần ngại khi giúp người khác.
Có thể bây giờ vì chưa va chạm, chưa biết được lòng thật của những người lợi dụng lòng tốt của người khác nên cháu đã bị người ta lợi dụng. Lớn lên một tí, va chạm thêm một tí ắt hẳn cháu sẽ nhận ra rằng tình thương của mình đặt lộn chỗ.
Lại nghĩ đến những cây viết và những chiếc áo ngày đêm rong ruỗi trên mọi nẻo đường. Lại nghĩ đến những đứa người trẻ như cháu tôi, những người đơn sơ cũng sẽ mua những món đồ đó với giá quá đắt vì thương người nghèo, vì nghĩ đến chuyện từ thiện. Và như thế, nhiều và nhiều người nhân danh từ thiện, nhân danh nghèo sẽ vô tình làm hoen ố cái nhìn cũng như cách nghĩ đơn sơ của những đứa trẻ.
Lòng con trẻ đơn sơ là như thế, bảo sao nghe vậy, nói sao tin vậy. Rất tiếc là người lớn đã lợi dụng lòng của con trẻ để đạt mưu đồ của mình. Phải sống làm sao để nêu gương sáng để cho trẻ thấy để trẻ sống như như thế này thì sẽ khổ bởi vì chỉ với cái lợi trước mắt nhưng người lớn đã làm mất hình ảnh đẹp của người lớn.
Đặc biệt là trong môi trường giáo dục, đào tạo. Ngày hôm nay, người ta cứ đổ lỗi cho trẻ thiếu nhân bản, thiếu nhân cách, thiếu tình thương, thiếu lòng người, thiếu thành thật ... và quy cho "lỗi hệ thống". "Lỗi hệ thống" là thế nào khi người lớn sống như thế. Người lớn cậy mình là "người lớn" để làm những điều trái khoáy mà vẫn ung dung tự tại để rồi thấy trẻ làm sai thì lại lên án. Nên chăng cần nhìn lại lòng mình, nhìn lại cách sống của mình trước khi nói về con trẻ.
Trong cuộc sống, với môi trường giáo dục có những người lớn ỷ mình là "người lớn" để bắt chẹt người khác, bắt chẹt con trẻ trong khi mình sống có vấn đề. Con trẻ vì là trẻ nên không dám lên tiếng và ngậm miệng làm thinh. Sống sai sờ sờ đó và thậm chí sống chẳng đúng với luân thường đạo lý vậy mà lại rống cổ lên bắt con trẻ sống theo luật.
Khi hành xử như thế, lòng con trẻ sẽ phát triển bất thường : hoặc là chúng nín thở để qua sông hoặc là chúng sẽ rơi vào tình trạng bất mãn kinh niên. Kèm theo đó là sự bất kính với người lớn khi họ hành xử như thế. Để yên thân yên chuyện, bên ngoài con trẻ vẫn dạ dạ bẩm vâng nhưng trong lòng chúng như thế nào thì chỉ có lòng chúng biết.
Gia đình và xã hội như thế nào khi lòng của con trẻ ngày mỗi ngày bị người lớn lạm dụng.
Phải trả một giá thật đắt cho sự biện minh hết sức hài hước là "lỗi hệ thống". Chính người lớn làm "lỗi hệ thống" chứ không phải con trẻ vì con trẻ không có quyền trong tay và cũng chẳng có mưu mô toan tính như người lớn.
Đừng vì một chút quyền lợi cá nhân, đừng vì một chút ham hố để làm hoen ô lòng trong trắng đơn sơ của con trẻ.
Anmai, CSsR