Chúa Nhật IV TN năm C
Gr 1, 1-4.17-19; 1 Cr 12, 31-13, 13; Lc 4, 21-30
Cuộc đời các ngôn sứ, ít nhiều gì ta cũng biết thân phận của họ. Ngôn sứ là những người nói Lời Thiên Chúa giữa cuộc đời này. Lời Chúa lại sắc bén như gươm 2 lưỡi đâm thấu mọi tâm can để rồi con người không dễ dàng đón nhận. Và như vậy, những ai nói Lời Thiên Chúa đều bị ít là quở trách, miệt thị và có thể là bị giết luôn.
Ngôn sứ là người được Thiên Chúa sai đến để thay mặt Chúa làm "miệng của Chúa", nói với dân (Gr 15,19). Sứ mạng của các vị này là vạch cho dân thấy lỗi lầm của họ, kêu gọi họ quay về trung thành với giao ước, khuyên bảo, răn đe, loan báo hình phạt và ơn cứu độ. Có trường hợp chính các vị ấy viết lại, hoặc đọc cho môn đệ viết (Gr 36,1-4) những lời đã rao giảng, nhưng phần nhiều là do các môn đệ ghi chép, sưu tập những lời các vị ấy đã rao giảng. Do đó các sách thường có một lịch sử biên soạn phức tạp. Sau sách Luật (Ngũ Thư) thì sách Ngôn Sứ là phần quan trọng nhất, bởi vì các ngôn sứ thường vạch cho Dân Chúa thấy trong thực tế họ đã vi phạm giao ước như thế nào và chỉ đường vạch lối cho họ biết sống thế nào cho đúng là Dân của Thiên Chúa. Các ngôn sứ loan báo sự trừng phạt tội lỗi và lời hứa ban ơn cứu độ. Các lời hứa này thường đưa vào một viễn tượng lớn hơn, xa hơn của kế hoạch cứu độ phổ quát trong Ðức Giêsu Kitô. Do đó sách Ngôn Sứ được Chúa Giê-su và các Tông Ðồ sử dụng nhiều nhất để giải thích mầu nhiệm Chúa Giê-su Ki-tô, Giao Ước mới và Dân mới của Thiên Chúa. Sách Ngôn Sứ luôn có tính hiện đại, vì các ngôn sứ phân tích và dạy dỗ về mối tương quan với Thiên Chúa và với nhau trong cuộc sống hàng ngày
Ta còn nhớ cuộc đời của Giê rêmia: Ông đã miêu tả để bộc lộ kinh nghiệm của ông, những cố gắng của ông để ức chế lời Chúa. Mặc dù cố gắng một cách tuyệt vọng để giữ im lặng về Thiên Chúa. Cố gắng kháng cự lại, quá sức ông; lên tiếng nhân danh Thiên Chúa và chấp nhận hậu quả còn ít khó khăn và mệt nhọc hơn là cứ giữ tất cả bên trong mình. Giêrêmia cảm thấy bị Thiên Chúa quật ngã.
“Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ. Ngài mạnh sức hơn con, và Ngài đã thăng. Suốt ngày con đã trở nên trò cười cho thiên hạ, để họ nhạo báng con.” (Gr 20, 7)
Giêrêmia đã mô tả số phận của mình : Ông trở thành trò cười và diễu cợt; người ta âm mưu chống lại ông, rình để bắt chẹt ông về những điều ông nói. Lời nguyện của ông đi từ những lời giận dữ. Lời cầu nguyện này của ông theo tinh thần đức tin của ông Giob hoặc ở một số thánh vịnh.
Có lần con tự nhủ : “Tôi sẽ không nghĩ đến Người, cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa.” Nhưng lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt. Con nén chịu đến phải hao mòn, nhưng làm sao nén được ! (Gr 20, 9)
Ngôn sứ Hôsê có một cuộc hôn nhân nhiều trắc trở : Vợ ông là một gái điếm được ông yêu thương cưới về. Nhưng như ngựa quen đường cũ, nàng vẫn tiếp tục ngoại tình. Dù vậy Hôsê vẫn yêu thương và kiên trì dùng tình yêu mà sửa đổi vợ. Cuối cùng nàng đã hoán cải.
Kinh nghiệm ấy đã giúp Hôsê hiểu được tình yêu Thiên Chúa đối với loài người : Thiên Chúa cũng là một người chồng, và dân Israel như một người vợ bất trung luôn phản bội. Dù vậy, Thiên Chúa vẫn kiên trì yêu thương và giúp họ hoán cải.
A-mos là người miền Nam. Ông là người nhà quê; do đó, ông lấy làm khó chịu trước cảnh phồn thịnh thị thành của miền Bắc, và nhất là khi thấy kẻ giàu có, người lại quá nghèo túng và cảnh bất công trong xã hội. Ngoài ra, dân chúng miền Bắc lại thờ ngẫu tượng. Trước những sự việc ấy, ngôn sứ A-mos đã tố cáo và đã tiên báo “Ngày của Thiên Chúa” sẽ đến, đến không phải để thưởng công, nhưng để trừng phạt. Tuy nhiên, sẽ chỉ còn lại một nhóm người, “số sót” (Am 5,3).
Ngôn sứ A-mos đã tố cáo sự bất công xã hội và sự sùng bái ngẫu tượng. Sau vài ba tháng, ông bị trục xuất, nên ông đã rút lui về miền Nam với cuộc sống đơn sơ ngày trước và viết lại những gì ông đã làm. Tuy ông thất bại, nhưng ảnh hưởng của ông thật to lớn đối với nhiều thế hệ tương lai.
Và, chúng ta cũng đã bắt gặp hình ảnh của vị ngôn sứ giao thời giữa Cựu Ước và Tân Ước,vị ngôn sứ ấy có tên là Gioan. Gioan đến loan báo sự xuất hiện của ngôn sứ Giêsu. Gioan đã hoàn thành sứ mạng của mình một cách xuất sắc và đã bị giết bởi sự độc ác của người đàn bà.
Hôm nay, ta thấy phần nào cuộc đời, thân phận của ngôn sứ Giêsu. Khi Chúa Giêsu nói cho dân nghe rằng đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh thì họ thán phục. Không dừng lại ở việc thánh phục mà họ còn thách thức Chúa Giêsu. Chúa Giêsu không ngần ngại nói thẳng cho họ rằng : "Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.
Không dừng lại, Chúa Giêsu tiếp : "Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en;26 thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn. Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi."
Nghe như thế, họ hiểu ý Chúa Giêsu và rồi họ bắt đầu nhen nhúm trong lòng sự dữ là loại trừ Chúa Giêsu.
Và thật, cuối cùng họ đã giết Giêsu như những ngôn sứ đến trước Giêsu.
Thế đấy ! Thân phận của ngôn sứ là như vậy đó. Những ai sống thật, sống thẳng thì cũng sẽ đi theo con đường của các ngôn sứ đã đi, con đường của Thầy Chí Thánh Giêsu đã đi.
Cuộc đời vẫn giằng co giữa sự thật và dối trá.
Người ta vẫn thường nói với nhau : thật thà thẳng thắn thường thua thiệt, lọc lừa lương lẹo lại lên lương. Mà đúng thật ! Sống giữa đời này nó là như vậy. Những ai sống thật với chính mình, sống thật với anh chị em đồng loại thì số phận không sớm thì muộn cũng phải chết dưới bàn tay ác nghiệt của con người. Thế nhưng mà, chúng ta, chắc vẫn còn nhớ : Được lời cả thế gian mà lỗ vốn mất linh hồn nào được ích chi ?
Vẫn là lời mời gọi, sự tự do đáp trả của chúng ta. Nếu chúng ta chân nhận ra quê hương đích thực của chúng ta trên trời thì chúng ta cũng sống thẳng, sống thật, nói lời Thiên Chúa như ngôn sứ Giêsu.
Xin Chúa thêm ơn cho chúng ta để chúng ta hoàn thành sứ vụ của người tôi tớ Chúa như thầy Chí Thánh Giêsu đã sống.