Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Lm. Jos Lê Minh Thông, OP
Bài Viết Của
Lm. Jos Lê Minh Thông, OP
Hatha yoga: Từ sức khoẻ thể lý và tinh thần đến hành trình tâm linh Kitô giáo
Áp dụng dụ ngôn gieo giống (Mc 4,13-20)
Mầu nhiệm Nước Thiên Chúa và những kẻ ở ngoài (Mc 4,10-12)
Dụ ngôn gieo giống (Mc 4,1-9).
Ga 11,1-54. “Chết và sống” của La-da-rô, Đức Giê-su và người tin
Mc 2,1-13. Lời tha tội, lời chữa lành
Giáng Sinh 2016. Niềm vui và bình an cho nhân loại (Lc 2,1-14)
Hôn nhân và gia đình trong Tin Mừng Gio-an
Dấu lạ (sêmeion) trong Tin Mừng Gio-an
Lời chứng của Đức Giê-su và của Chúa Cha trong Tin Mừng Gio-an
Ga 19,35; 21,24. Lời chứng của môn đệ Đức Giê-su yêu mến trong Tin Mừng Gio-an
Ga 21,20-25. Vận mệnh, bút tích và lời chứng của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến
“Lời chứng” và “làm chứng” của Gio-an Tẩy Giả trong Tin Mừng Gio-an
“Lời chứng” (marturia) và “làm chứng” (martureô) trong Tin Mừng Gio-an
Không thực sự và thực sự đến với Đức Giê-su, thấy Người, và tin vào Người trong Tin Mừng Gio-an
Khủng hoảng niềm tin vào Đức Giê-su và giải pháp trong Tin Mừng Gio-an
Tin (pisteuô) trong Tin Mừng Gio-an
Đức Giê-su và giữ các điều răn của Người
Ga 15,9-13: Dòng chảy tình yêu giữa Chúa Cha, Đức Giê-su và các môn đệ
Ba điều răn yêu thương trong Kinh Thánh
Đề tài tình yêu và tình bạn trong Tin Mừng Gio-an
“Ta Là” (egô eimi) trong Tin Mừng Gio-an.
Xa-tan (Satanas), quỷ (diabolos, daimonion), Ác thần (ponêros) trong Kinh Thánh
Nhị nguyên (dualisme) trong Tin Mừng Gio-an
Sáu đặc điểm của “thế gian thù ghét” và “những kẻ chống đối Đức Giê-su” trong Tin Mừng Gio-an
Tác giả, niên biểu và thể văn sách Khải Huyền
Thế gian (kosmos) trong Tin Mừng Gio-an
“Ngày”và “đêm” trong Tin Mừng Gio-an
Đề tài thần khí trong thư thứ nhất Gio-an (pneuma, khrisma, paraklêtos)
Trong Tin Mừng Gio-an, biểu tượng ánh sáng dùng để làm gì?
Ánh sáng và bóng tối trong Tin Mừng Gio-an
Tổng quát về Ba thư Gio-an
Ở Ga 1,21 Gio-an Tẩy Giả không phải là Ê-li-a, nhưng ở Mt 17,13 Gio-an là Ê-li-a, mâu thuẫn hay bổ sung lẫn nhau?
“NGÀY”VÀ “ĐÊM” TRONG TIN MỪNG GIO-AN

 

Fr. Joseph Lê Minh Thông, O.P.

xin chia sẻ bài viết: veut partager ses écrits:

Ngày và đêm trong Tin Mừng Gio-an.

“Jour” et “nuit” dans l’Évangile de Jean.

Blog: http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com

mail: josleminhthong@gmail.com

Ngày 25 tháng 01 năm 2014.

Nội dung

1. Dẫn nhập

2. “Ngày” và “đêm”

3. Một ngày sứ vụ
a) Ngày và đêm trong sứ vụ của Đức Giê-su
b) Bóng tối không lấn át được ánh sáng ban ngày

4. Kết luận

1. Dẫn nhập

Bài viết này đã đăng ngày 22 tháng 4 năm 2012, trên Blog http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com/, với tựa đề: “‘Ngày’ và ‘đêm’ trong tương quan với ‘ánh sáng’ và ‘bóng tối.’” Nhân dịp viết bài này bằng tiếng Pháp: “Jour et nuit dans l’Évangile de Jean”, bài viết tiếng Việt được rút gọn và trình bày lại với tựa đề: “Ngày và đêm trong Tin Mừng Gio-an.”

Song song với tương phản: “Ánh sáng” – “bóng tối” như đã trình bày trong bài viết “Ánh sáng và bóng tối trong Tin Mừng Gio-an”, Tin Mừng thứ tư còn dùng cặp từ Hy Lạp tương ứng: “hêmera” (ngày) – “nux” (đêm) để diễn tả thần học. Bài viết này sẽ tìm hiểu từ ngữ “ngày” và “đêm”, sau đó trình bày sứ vụ công khai của Đức Giê-su như một ngày làm việc từ sáng sớm đến chiều tối.

2. “Ngày” và “đêm”

Tin Mừng Gio-an dùng 31 lần danh từ Hy Lạp “hêmera” (ngày, ban ngày) ở 1,39; 2,1.12.19.20; 4,40.43; 5,9; 6,39.40.44.54; 7,37; 8,56; 9,4.14; 11,6.9a.9b.17.24.53; 12,1.7.48; 14,20; 16,23.26; 19,31; 20,19.26. Danh từ “nux” (đêm, ban đêm, đêm tối) xuất hiện 6 lần ở 3,2; 9,4; 11,10; 13,30; 19,39; 21,3.

Ý tưởng “ngày – đêm” song song với “ánh sáng – bóng tối” xuất hiện ở hai nơi: 9,4-5 và 11,9-10. Đức Giê-su nói với các môn đệ ở 9,4-5: “4 Chúng ta phải làm công việc của Đấng đã sai Thầy khi còn là ngày (hêmera); đêm (nux) đến thì không ai có thể làm việc được. 5 Bao lâu Thầy còn ở trong thế gian, Thầy là ánh sáng (phôs) của thế gian.” Ở Ga 11,9-10, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Ban ngày (hêmera) chẳng có mười hai giờ sao? Ai đi ban ngày (hêmera) thì không vấp ngã, vì thấy ánh sáng (phôs) của thế gian này. Nhưng nếu ai đi ban đêm (nux), thì vấp ngã vì không có ánh sáng (phôs) ở nơi mình.” (Trích dẫn Tin Mừng Gio-an lấy trong Bản văn Gio-an, TIN MỪNG và BA THƯ, Hy Lạp – Việt).

Những trích dẫn trên cho thấy tương phản: “ngày” – “đêm” ở 9,4-5 và 11,9-10 song song với tương phản: “ánh sáng” – “bóng tối”. Bao lâu Đức Giê-su còn hiện diện trong thế gian thì bấy lâu còn là “ngày” (hêmera), còn có “ánh sáng” (phôs). Lúc Đức Giê-su bước vào cuộc Thương Khó là “đêm tối” (nux), là giờ của thế lực “bóng tối” (stokia), thế lực đen tối. Như thế, cặp từ “ngày” (hêmera) – “đêm” (nux) trong Tin Mừng thứ tư vừa mô tả thực tế khách quan về thời gian, vừa mang nghĩa biểu tượng và diễn tả ý nghĩa thần học.

3. Một ngày sứ vụ

Nghĩa biểu tượng của “ánh sáng – bóng tối”, “ngày – đêm” dẫn đến câu hỏi: “ánh sáng ban ngày” chiến thắng hay thất bại trước “bóng tối ban đêm”? Câu trả lời còn tùy thuộc vào cách đọc biến cố theo quan điểm nào. Tin Mừng trình bày cả hai cách đọc biến cố, dẫn đến hai kết luận trái ngược nhau: (1) “Bóng tối” đã thành công trong việc loại trừ “ánh sáng” (nhìn từ phía những người chống đối). (2) “Ánh sáng” đã chiến thắng “bóng tối” (khẳng định thần học của tác giả sách Tin Mừng). Phân tích hai quan điểm trên giúp độc giả hiểu cách trình bày nghịch lý của sách Tin Mừng.

a) Ngày và đêm trong sứ vụ Đức Giê-su

Trong thực tế lịch sử, quan điểm cho rằng “bóng tối” đã loại trừ được “ánh sáng”; “bóng tối” đã chiến thắng “ánh sáng” không phải là không có cơ sở. Bằng chứng hiển nhiên là Đức Giê-su là ánh sáng, nhưng Người đã chết treo trên thập giá. Tôn trọng sự kiện lịch sử này, tác giả Tin Mừng trình bày sứ vụ của Đức Giê-su như một ngày làm việc. Đức Giê-su bắt đầu sứ vụ lúc sáng sớm và kết thúc vào lúc chiều tối.

Thực vậy, trong lời tựa Tin Mừng, người thuật chuyện giới thiệu Lời (Logos) là ánh sáng đã đến thế gian (1,9). Lời (Logos) đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa nhân loại (1,14). Như thế, bình minh sứ vụ của Đức Giê-su khởi đầu ngay trong lời tựa Tin Mừng (1,1-18). Người xuất hiện lần đầu tiên trong sách Tin Mừng ở 1,29, quy tụ các môn đệ và khởi đầu hành trình rao giảng.

Ngày làm việc của Đức Giê-su đến lúc giữa trưa trong ch. 8–9. Trong khi tranh luận với giới lãnh đạo Do-thái, Đức Giê-su tuyên bố: “Chính Tôi là ánh sáng của thế gian. Người theo Tôi, chắc chắn sẽ không đi trong bóng tối, nhưng sẽ có ánh sáng của sự sống” (8,12). Sang ch. 9, Đức Giê-su không nói với những kẻ chống đối, nhưng nói với các môn đệ: “Chúng ta phải làm công việc của Đấng đã sai Thầy khi còn là ngày; đêm đến thì không ai có thể làm việc được” (9,4). Trong ch. 8 và 9, hai lần Đức Giê-su khẳng định Người là ánh sáng cho thế gian (8,12; 9,5). Như thế, ch. 8–9 là đỉnh cao sứ vụ của Đức Giê-su, là lúc giữa trưa, nghĩa là ở giữa sách các dấu lạ (Ga 1–12).

Sứ vụ của Đức Giê-su ngả về chiều ở ch. 11–12. Khi ánh sáng sắp tắt, Đức Giê-su mời gọi đám đông: “Khi các người có ánh sáng, hãy tin vào ánh sáng, để trở nên con cái ánh sáng” (12,36a). Ở 13,1-30, khi Giu-đa rời bữa ăn cuối cùng giữa Đức Giê-su và các môn đệ để thực hiện ý định nộp Đức Giê-su thì trời tối (nux). Người thuật chuyện kể: “Sau khi nhận lấy miếng bánh, ông ấy đi ra ngay lập tức. Lúc đó, trời đã tối (nux)” (13,30). “Trời tối” theo nghĩa đen, đồng thời cũng gợi đến nghĩa biểu tượng: “trời tối” bên ngoài ám chỉ “sự đen tối” trong lòng, vì Giu-đa đang thực hiện công việc của thế lực bóng tối. Đến 18,3: “Giu-đa dẫn một cơ đội và các thuộc hạ của các thượng tế và nhóm Pha-ri-sêu, ông ấy đến đó với đuốc, đèn và khí giới” để bắt Đức Giê-su. Chi tiết “đèn, đuốc” cho thấy họ đến ban đêm. Có thể nói, “việc làm đen tối” được thực hiện trong “đêm tối”. Cuộc Thương Khó của Đức Giê-su là đêm tối, ánh sáng không còn nữa khi Người trút hơi thở cuối cùng trên thập giá (19,30). (Xem M. GOURGUES, En Esprit et en Vérité, Piste d’exploitation de l’évangile de Jean, (Sciences Bibliques 11), Montréal, Médiaspaul, 2002, p. 29-43).

b) Bóng tối không lấn át được ánh sáng ban ngày

Sự kiện lịch sử là Đức Giê-su đi vào đêm tối qua cái chết của Người, nhưng sách Tin Mừng không dừng lại ở đó. Tác giả sách Tin Mừng đề nghị cách hiểu biến cố theo quan điểm của Đức Giê-su: ánh sáng đã chiến thắng bóng tối. Sự chiến thắng này không chỉ dựa vào sự kiện lịch sử, nhưng dựa trên mặc khải của Đức Giê-su. Lời tựa sách Tin Mừng đã báo trước “ánh sáng” sẽ chiến thắng “bóng tối”, người thuật chuyện cho biết: “Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không lấn át được ánh sáng” (Ga 1,5). Trong lời độc thoại của Đức Giê-su ở 3,13-21, tình yêu của Thiên Chúa dành cho thế gian được nói đến trước (3,16-17); sau đó Đức Giê-su mới nói đến thái độ tiêu cực của con người trước ánh sáng: “yêu mến bóng tối” và “ghét ánh sáng” (3,19-20).

Đức Giê-su nhiều lần báo trước sự chiến thắng của ánh sáng ban ngày và sự thất bại của bóng tối ban đêm. Khi Giờ của Người đã đến, giờ Thương Khó và cũng là giờ Đức Giê-su ra khỏi thế gian này mà về với Cha (13,1), Người nói với đám đông: “Bây giờ là lúc xét xử thế gian này. Bây giờ thủ lãnh thế gian này sẽ bị tống ra ngoài” (12,31). Ở 14,30-31a, Đức Giê-su nói với các môn đệ về thế lực đen tối như sau: “30 Thầy sẽ không còn nói nhiều với anh em nữa vì thủ lãnh của thế gian đang đến. Nó không có gì trên Thầy, 31a nhưng để thế gian biết rằng: Thầy yêu mến Cha và như Cha đã truyền cho Thầy thế nào, Thầy làm như vậy” (14,30-31a).
Đến 16,11, Đức Giê-su cho các môn đệ biết: “Thủ lãnh của thế gian này đã bị xét xử.” Cuối ch. 16, Đức Giê-su tuyên bố: “Trong thế gian, anh em có sự khốn khó, nhưng anh em hãy can đảm, Chính Thầy đã thắng thế gian” (16,33). Như thế, Đức Giê-su là ánh sáng, đã hoàn toàn chiến thắng trong vụ kiện giữa “ánh sáng” và “bóng tối”. Nhưng sự chiến thắng của Đức Giê-su được trình bày cách nghịch lý. Đức Giê-su chiến thắng thế lực đen tối bằng cái chết của Người chết trên thập giá.

Theo Tin Mừng Gio-an, hai thế lực “ánh sáng ban ngày ” và “bóng tối ban đêm” không ở trên cùng một bình diện. Bóng tối hiện diện là do con người từ chối đón nhận ánh sáng. G. Stemberger viết: “Với sự tự do Thiên Chúa đã ban cho con người, bóng tối nẩy sinh khi con người nói không với ánh sáng của Thiên Chúa. Vì thế, bóng tối là sự hư vô mà người ta ưa chuộng hơn sự hiện hữu của Thiên Chúa. Bóng tối không phải là một cái gì có sự bền vững tự nó, nhưng bóng tối là sự phủ định [ánh sáng]” (G. STEMBERGER, La symbolique du bien et du mal selon saint Jean, (Parole de Dieu), Paris, Le Seuil, 1970, tr. 46). Về thực chất, không có sự đối lập ngang hàng giữa ánh sáng ban ngày và bóng tối ban đêm. “Bóng tối” ám chỉ thế lực chống đối và thù ghét đã từ chối đón nhận “ánh sáng”. Tin Mừng trung thành thuật lại biến cố thập giá và mời đọc độc giả nhận ra ý nghĩa thần học của biến cố này. Qua thập giá, Đức Giê-su về với Cha của Người và Người được Cha tôn vinh. Điều này minh chứng sự chiến thắng của ánh sáng ban ngày.

Sự chiến thắng này mang tính quyết định, một lần cho tất cả. Khi Đức Giê-su được tôn vinh trên thập giá, ánh sáng đã hoàn toàn chiến thắng bóng tối. Thế lực đen tối là Quỷ, Xa-tan và những kẻ chống đối Đức Giê-su đã hoàn toàn bị đánh bại. Xem mục “Sự chiến thắng của ánh sáng trên bóng tối” trong bài viết: “Trong Tin Mừng Gio-an, biểu tượng ánh sáng dùng để làm gì?”

4. Kết luận

Sách Tin Mừng trình bày mặc khải thần học bằng cách thuật lại những câu chuyện và cho biết ý nghĩa thần học của những biến cố đó. Vì thế, cần đọc biến cố trên cả hai bình diện: lịch sử và thần học. Trên bình diện lịch sử, thế lực bóng tối đã loại trừ được ánh sáng ra khỏi thế gian. Trên bình diện thần học, giờ chết của Đức Giê-su cũng là giờ Người được tôn vinh, giờ Người về với Cha, giờ Người thực sự chiến thắng thế gian, chiến thắng thế lực bóng tối. Chính vì hai bình diện này tồn tại song song, nên vụ kiện giữa “ánh sang ban ngày” và “bóng tối ban đêm” trình bày trong Tin Mừng thứ tư vẫn còn tiếp diễn nơi cộng đoàn Gio-an vào cuối thế kỷ I và còn kéo dài mãi trong lịch sử nhân loại.

Đức Giê-su là ánh sáng đến thế gian, sự xuất hiện của Người đặt nhân loại trước một vụ kiện lớn giữa “ánh sáng” và “bóng tối”. Mỗi người trong dòng lịch sử, ở mọi nơi, mọi thời, cần lựa chọn đứng về phía nào trong vụ kiện này: “Đến với ánh sáng” (3,21) hay “yêu mến bóng tối” (3,19) và “ghét ánh sáng” (3,20); thuộc về Thiên Chúa (8,47) hay thuộc về quỷ (8,44). Như thế, đề tài “ánh sáng và bóng tối”, “ngày và đêm” là hai cột trụ xây dựng thần học Tin Mừng thứ tư. Qua đề tài này, tình yêu và ý định cứu độ của Thiên Chúa được tỏ lộ. Đồng thời tùy theo cách đáp trả của con người: đón nhận hay khước từ ánh sáng mà con người được cứu hay bị hư mất.

Với những hình ảnh mang tính khái quát: “ánh sáng ban ngày”, “bóng tối ban đêm”, lời mời gọi của Tin Mừng Gio-an liên quan đến tất cả mọi người. Mục đích của sách Tin Mừng là lời mời gọi tin vào Đức Giê-su. Tác giả kết luận sách Tin Mừng ở 20,30-31: “Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác trước mặt các môn đệ [của Người]; chúng không được ghi chép trong sách này. 31 Những điều đã được ghi chép là để anh em [độc giả] tin rằng: Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và nhờ tin, anh em có sự sống trong danh của Người.” Vì thế, toàn bộ Tin Mừng là lời mời gọi “đến với ánh sáng” (3,21), “tin vào ánh sáng” (12,36) và “bước đi trong ánh sáng” (8,12; 11,10) để có ánh sáng của sự sống (8,12).

Sách Tin Mừng mời gọi độc giả tôn trọng biến cố lịch sử: Đấng ban sự sống đã chết trên thập giá. Qua đó hiểu được ý nghĩa của biến cố và tuyên xưng niềm tin như Tô-ma đã tuyên xưng trước Đức Giê-su Phục Sinh: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (20,28). Theo thần học Tin Mừng Gio-an, việc nhận ra Đức Giê-su là Đấng đã chết trên thập giá, đã Phục Sinh, là “Chúa” (kurios) và là “Thiên Chúa” (theos) là bằng chứng hùng hồn về sự chiến thắng của “ánh sáng ban ngày” trên “bóng tối ban đêm”. Xem phân tích các đề tài “ngày và đêm”, “ý nghĩa đối lập ánh sáng – bóng tối” trong tập sách YÊU và GHÉT trong Tin Mừng Gio-an, phần II, tr. 57-67.

Nguồn: http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com/2014/01/ngayva-em-trong-tin-mung-gio-an.html

*****

Giới thiệu sách: Tin Mừng Mác-cô, Hy Lạp – Việt

Bản văn Hy Lạp lấy theo NESTLE-ALAND, Novum Testamentum Graece, (27è édition), Stuttgart, Deutsche Bibelgesellschaft, 1996.

Dịch giả: Giu-se LÊ MINH THÔNG, O.P.

(Bản văn Tin Mừng Mác-cô song ngữ Hy Lạp – Việt)

Nxb. Phương Đông, 2011, 236 trang, khổ 14 x 20 cm

Hình bìa: Ca-phác-na-um, Ga-li-lê, Ít-ra-en ngày nay.
Ca-phác-na-um ở bên bờ biển hồ Ga-li-lê. Sau khi kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên (Mc 1,16-20), Đức Giê-su và các môn đệ vào hội đường Ca-phác-na-um. Ở đó, Đức Giê-su giảng dạy và trục xuất thần ô uế (Mc 1,21-28). Theo Tin Mừng Mác-cô, Ca-phác-na-um là nơi Đức Giê-su bắt đầu sứ vụ công khai.

Bìa trước: Hội đường Ca-phác-na-um ngày nay


Bìa sau: Nhà nguyện bên cạnh hội đường Ca-phác-na-um, ở phía trên di tích mà theo truyền thống là nhà của Phê-rô



Nihil Obstat phần tiếng Việt: Ngày 03 tháng 05 năm 2011.

Lm. An-tôn Đinh Minh Tiên, O.P., Tiến sĩ Thần Học Kinh Thánh,

University of St. Thomas Aquinas (Angelicum), Rome.

Imprimi Potest: Ngày 05 tháng 05 năm 2011.

Lm. Giu-se Ngô Sĩ Đình, O.P.

Giám Tỉnh.

Imprimatur: Nha Trang, ngày 06 tháng 05 năm 2011.

+ Giuse Võ Đức Minh, Giám mục Giáo phận Nha Trang,

Chủ tịch Ủy Ban Kinh Thánh, trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.


Trích: “Lời nói đầu”

Tài liệu Tin Mừng Mác-cô, Hy Lạp – Việt nhằm đáp ứng nhu cầu học hỏi Tin Mừng Mác-cô. Trong việc tìm hiểu Kinh Thánh, người đọc luôn có nhu cầu tiếp cận bản văn gốc để định hướng cho việc hiểu bản văn. Đồng thời nhận ra rằng bản văn chúng ta có hiện nay hàm chứa những điểm tinh tế, kể cả những khó khăn và phức tạp, để từ đó không quá dễ dàng trong việc giải thích Kinh Thánh. Tiếp cận bản văn gốc sẽ mở ra cho người đọc sự phong phú trong cách hiểu bản văn, giúp người đọc trung thành với bản văn và hiểu đúng mặc khải của Thiên Chúa trong các sách mà Hội Thánh đã nhận vào Quy Điển.

Riêng Tin Mừng Mác-cô, đã có những bản dịch có giá trị với những chú thích hữu ích giúp hiểu Tin Mừng này. Về tiếng Việt có bản dịch Kinh Thánh trọn bộ của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ (1999); bản dịch Tân Ước, có hiệu đính (2008). Bản dịch của cha Nguyễn Thế Thuấn (1976) chủ trương dịch sát, giúp tiếp cận bản văn gốc. Ngoài ra còn có các bản dịch tiếng Việt và các thứ tiếng khác. Các tác giả viết sách chú giải Tin Mừng Mác-cô cũng thường đề nghị cách dịch riêng dựa trên bản văn gốc Hy Lạp.

Cuốn sách Tin Mừng Mác-cô, Hy Lạp – Việt này không thay thế các bản dịch mà chỉ góp phần vào nhu cầu tiếp cận bản Hy Lạp Tin Mừng Mác-cô. Người không biết tiếng Hy Lạp có thể xem phần chuyển ngữ tiếng Việt là một cố gắng vừa theo sát bản văn gốc Hy Lạp vừa giữ cho câu cú tiếng Việt có thể hiểu được. Với người biết tiếng Hy Lạp, phần chuyển ngữ tiếng Việt chỉ là gợi ý, mỗi người có thể chuyển ngữ theo văn phong riêng để lột tả ý nghĩa phong phú của bản văn.

Học hỏi Kinh Thánh là việc làm không bao giờ xong. Tìm hiểu Tin Mừng không chỉ để biết kiến thức mà quan trọng hơn là biết để sống, để gặp gỡ Đức Giê-su và để thấm nhuần giáo huấn của Người. Xu hướng tìm hiểu Kinh Thánh hiện nay chú trọng đến bản văn và người đọc (độc giả mọi nơi, mọi thời). Thực vậy, người đọc có vai trò chủ động, vì người đọc có quyền chọn phân tích và đào sâu những khía cạnh khác nhau trong bản văn phù hợp với ưu tư, tìm kiếm và hoàn cảnh của mỗi người.

Phần chuyển ngữ tiếng Việt trong tập sách này vẫn cần được cập nhật, điều chỉnh và bổ sung trong quá trình học hỏi và tìm hiểu bản văn. Rất mong được sự góp ý của độc giả để cùng nhau làm cho việc học hỏi Lời Chúa trở thành niềm say mê và hứng thú cho mọi người.
Xem trích đoạn 32 trang.

Xin trân trọng giới thiệu đến độc giả.

Ngày 14 tháng 06 năm 2011.

Giu-se Lê Minh Thông, O.P.

http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com/2011/06/gioi-thieu-sach-tin-mung-mac-co-hy-lap.html

Tác giả: Lm. Jos Lê Minh Thông, OP

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!