Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Lm. Jos Lê Minh Thông, OP
Bài Viết Của
Lm. Jos Lê Minh Thông, OP
Hatha yoga: Từ sức khoẻ thể lý và tinh thần đến hành trình tâm linh Kitô giáo
Áp dụng dụ ngôn gieo giống (Mc 4,13-20)
Mầu nhiệm Nước Thiên Chúa và những kẻ ở ngoài (Mc 4,10-12)
Dụ ngôn gieo giống (Mc 4,1-9).
Ga 11,1-54. “Chết và sống” của La-da-rô, Đức Giê-su và người tin
Mc 2,1-13. Lời tha tội, lời chữa lành
Giáng Sinh 2016. Niềm vui và bình an cho nhân loại (Lc 2,1-14)
Hôn nhân và gia đình trong Tin Mừng Gio-an
Dấu lạ (sêmeion) trong Tin Mừng Gio-an
Lời chứng của Đức Giê-su và của Chúa Cha trong Tin Mừng Gio-an
Ga 19,35; 21,24. Lời chứng của môn đệ Đức Giê-su yêu mến trong Tin Mừng Gio-an
Ga 21,20-25. Vận mệnh, bút tích và lời chứng của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến
“Lời chứng” và “làm chứng” của Gio-an Tẩy Giả trong Tin Mừng Gio-an
“Lời chứng” (marturia) và “làm chứng” (martureô) trong Tin Mừng Gio-an
Không thực sự và thực sự đến với Đức Giê-su, thấy Người, và tin vào Người trong Tin Mừng Gio-an
Khủng hoảng niềm tin vào Đức Giê-su và giải pháp trong Tin Mừng Gio-an
Tin (pisteuô) trong Tin Mừng Gio-an
Đức Giê-su và giữ các điều răn của Người
Ga 15,9-13: Dòng chảy tình yêu giữa Chúa Cha, Đức Giê-su và các môn đệ
Ba điều răn yêu thương trong Kinh Thánh
Đề tài tình yêu và tình bạn trong Tin Mừng Gio-an
“Ta Là” (egô eimi) trong Tin Mừng Gio-an.
Xa-tan (Satanas), quỷ (diabolos, daimonion), Ác thần (ponêros) trong Kinh Thánh
Nhị nguyên (dualisme) trong Tin Mừng Gio-an
Sáu đặc điểm của “thế gian thù ghét” và “những kẻ chống đối Đức Giê-su” trong Tin Mừng Gio-an
Tác giả, niên biểu và thể văn sách Khải Huyền
Thế gian (kosmos) trong Tin Mừng Gio-an
“Ngày”và “đêm” trong Tin Mừng Gio-an
Đề tài thần khí trong thư thứ nhất Gio-an (pneuma, khrisma, paraklêtos)
Trong Tin Mừng Gio-an, biểu tượng ánh sáng dùng để làm gì?
Ánh sáng và bóng tối trong Tin Mừng Gio-an
Tổng quát về Ba thư Gio-an
Ở Ga 1,21 Gio-an Tẩy Giả không phải là Ê-li-a, nhưng ở Mt 17,13 Gio-an là Ê-li-a, mâu thuẫn hay bổ sung lẫn nhau?
“LỜI CHỨNG” (MARTURIA) VÀ “LÀM CHỨNG” (MARTUREÔ) TRONG TIN MỪNG GIO-AN

Bài viết tiếng Pháp:

Email: josleminhthong@gmail.com

Ngày 16 tháng 06 năm 2014.


 

Nội dung

I. Danh từ “lời chứng” (marturia)

   1. Lời chứng của Gio-an Tẩy Giả (1,7.19; x. 5,36)

   2. Lời chứng của Đức Giê-su

   3. Các lời chứng trong đoạn văn 5,31-39

       a) Lời chứng của Đức Giê-su (5,31)

       b) Lời chứng của Chúa Cha (5,32 // 5,37)

       c) Lời chứng của người phàm (5,34)

       d) Lời chứng qua việc Đức Giê-su đã làm (5,36)

       e) Những lời chứng của Kinh Thánh (5,39)

   4. Lời chứng của Đức Giê-su và của Cha (8,13.17-18)

      a) Lời chứng của Đức Giê-su về chính mình (8,13-14)

      b) Lời chứng của hai người: Đức Giê-su và Cha (8,17-18)

   5. Lời chứng của môn đệ Đức Giê-su yêu mến (19,35; 21,24)

      a) Lời chứng dưới chân thập giá (19,35)

      b) Lời chứng qua bản văn (21,24)

II. Động từ “làm chứng” (martureô)

   1. Ai làm chứng? (30 lần)

   2. Điều gì làm chứng? (3 lần)

III. Kết luận

 

Bài viết này đã đăng ngày 01/10/2013 trên Bloghttp://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com/ với tựa đề: “Danh từ ‘lời chứng’ (marturia) và động từ ‘làm chứng’ (martureô) trong Tin Mừng Gio-an.” Nhân dịp viết bài này bằng tiếng Pháp: “‘Le témoignage’ (marturia) et ‘témoigner’ (martureô) dans l’Évangile de Jean”, bài tiếng Việt được trình bày lại và có tựa đề ngắn hơn: “Lời chứng’ (marturia) và ‘làm chứng’ (martureô) trong Tin Mừng Gio-an.

 

I. Danh từ “lời chứng” (marturia)

Danh từ “lời chứng” (marturia) xuất hiện 14 lần trong Tin Mừng Gio-an ở các nơi: 1,7.19; 3,11.32.33; 5,31.32.34.36; 8,13.14.17; 19,35; 21,24. Đề tài này sẽ được trình bày trong năm mục: (1) Lời chứng của Gio-an Tẩy Giả (1,7.19; x. 5,36), (2) Lời chứng của Đức Giê-su, (3) Các lời chứng trong đoạn văn 5,31-39, (4) Lời chứng của Đức Giê-su và của Chúa Cha (8,13.17-18), (5) Lời chứng của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến (19,35; 21,24).

   1. Lời chứng của Gio-an Tẩy Giả (1,7.19; x. 5,36)

Lời chứng của Gio-an Tẩy Giả được nói đến 2 lần ở 1,7.19. Tác giả sách Tin Mừng long trọng giới thiệu Gio-an Tẩy Giả và vai trò làm chứng của ông trong lời tựa Tin Mừng (1,1-18) ở 1,6-8: “6 Có một người được sai đến từ Thiên Chúa, tên ông là Gio-an. 7 Ông ấy đến làm chứng. Ông làm chứng về ánh sáng, để mọi người tin nhờ ông ấy. 8 Ông ấy không phải là ánh sáng, nhưng làm chứng về ánh sáng.” Ở 1,7 xuất hiện 1 lần danh từ “lời chứng” ở 1,7a: “Ông ấy đến làm chứng (houtos êlthen eis marturian)”, dịch sát: “Ông ấy đến vì (cho) lời chứng (he came for testimony).”

Sau khi kết thúc lời tựa ở 1,18, phần lời chứng của Gio-an Tẩy Giả mở đầu ở 1,19a như sau: “Và đây là lời chứng của Gio-an…” (1,19a). Lời chứng của Gio-an Tẩy Giả sẽ được Đức Giê-su nhắc lại trong bối cảnh tranh luận với những người Do Thái ở 5,33-36.

   2. Lời chứng của Đức Giê-su

Lời chứng của Đức Giê-su được nói đến ở 3,11. Người nói với Ni-cô-đê-mô: “A-men, a-men, Tôi nói cho ông: Điều chúng tôi đã biết, chúng tôi nói và điều chúng tôi đã thấy, chúng tôi làm chứng, và lời chứng của chúng tôi, các ông không đón nhận” (3,11). Trong câu này xuất hiện 1 lần động từ “làm chứng” (3,11b) và 1 lần danh từ “lời chứng” (3,11c). Điều lạ là Đức Giê-su dùng đại từ ngôi thứ nhất số nhiều “chúng tôi”: “Điều chúng tôi đã biết, chúng tôi nói và điều chúng tôi đã thấy, chúng tôi làm chứng” (3,11b). Có thể hiểu Đức Giê-su nói thay cộng đoàn các môn đệ, nghĩa là Đức Giê-su xác nhận lời chứng của cộng đoàn.

Trong mạch văn ch. 3, đoạn văn 3,31-36 là lời chứng của Gio-an Tẩy Giả nói về lời chứng của Đức Giê-su. Danh từ “lời chứng” xuất hiện ở 3,32.33. Gio-an Tẩy Giả nói về Đức Giê-su ở 3,31-33: “31 Đấng đến từ trên thì ở trên tất cả; kẻ bởi đất thì thuộc về đất và nói chuyện thuộc về đất. Đấng đến bởi trời [thì ở trên tất cả]; 32 điều Người đã thấy và đã nghe, Người làm chứng về điều ấy, và lời chứng của Người chẳng ai đón nhận. 33 Ai đón nhận lời chứng của Người thì xác nhận rằng: Thiên Chúa thì chân thật.” Lời chứng của Đức Giê-su xuất hiện 2 lần ở 3,32.33 trong kiểu nói: “lời chứng của Người”.

 

   3. Các lời chứng trong đoạn văn 5,31-39

Trong diễn từ tranh luận với những người Do Thái ở 5,19-47, Đức Giê-su nói đến một loạt lời chứng ở 5,31-39. Mở đầu là lời chứng của Đức Giê-su (5,31). Kế đến là lời chứng của Chúa Cha (5,32 // 5,37). Tiếp theo, Đức Giê-su nhắc lại lời chứng của Gio-an Tẩy Giả (5,33-36) và nói đến lời chứng lớn hơn lời chứng của Gio-an Tẩy Giả: Những việc Đức Giê-su đã làm (5,36). Cuối cùng là lời chứng của Kinh Thánh (5,39). Câu này không dùng danh từ “lời chứng” (marturia) mà dùng động từ “làm chứng” (martureô), chia ở lối động tính từ (participle) số nhiều, có nghĩa như danh từ: “Những lời chứng” (hai marturousai). Phần sau đây trích dẫn các câu để thấy rõ các lời chứng trên.

       a) Lời chứng của Đức Giê-su (5,31)

Các câu trích dẫn dưới đây thuộc phần diễn từ độc thoại của Đức Giê-su (5,19-47) trong bối cảnh tranh luận với những người Do Thái vì họ đang tìm cách giết Đức Giê-su (5,18a). Người thuật chuyện cho biết thái độ của những người Do Thái ở 5,18: “Vậy, vì điều này, những người Do Thái lại càng tìm Người để giết, vì Người không chỉ phá ngày sa-bát, nhưng còn nói Thiên Chúa là Cha của mình, tự cho mình ngang hàng với Thiên Chúa.” Cụm từ “vì điều này” gợi đến lời Đức Giê-su vừa nói ở 5,17: “Cha Tôi làm việc cho đến bây giờ, Tôi cũng làm việc.” Trong bối cảnh này, Đức Giê-su nói với những người Do Thái ở 5,31: “Nếu Tôi làm chứng về chính mình thì lời chứng của Tôi không thật.”

       b) Lời chứng của Chúa Cha (5,32 // 5,37)

Đức Giê-su nói tiếp ở 5,32: “Có Đấng khác là Đấng làm chứng về Tôi và Tôi biết rằng: Lời chứng mà Người làm chứng về Tôi là thật.” Câu này nói về lời chứng của Chúa Cha được làm rõ khi Đức Giê-su nói những người Do Thái ở 5,37-38: “37 Và Cha, Đấng đã sai Tôi, chính Người đã làm chứng về Tôi. Các ông đã không bao giờ nghe tiếng của Người, cũng chẳng thấy tôn nhan của Người; 38 và các ông không có lời của Người ở lại trong các ông, vì Đấng Người đã sai đến, chính các ông không tin vào Đấng ấy.”

       c) Lời chứng của người phàm (5,34)

Ở 5,33-35, Đức Giê-su nhắc lại lời chứng của Gio-an Tẩy Giả, trong đó Người nói về lời chứng của người phàm. Đức Giê-su nói với những người Do Thái ở 5,33-35: “33 Chính các ông đã cử người đến với Gio-an, và ông ấy đã làm chứng cho sự thật. 34 Phần Tôi, Tôi không nhận lời chứng do người phàm, nhưng Tôi nói những điều này để chính các ông được cứu. 35 Ông ấy là ngọn đèn được thắp lên và toả sáng, chính các ông đã muốn hoan hỷ một thời gian trong ánh sáng của ông ấy.” Cụm từ “lời chứng do người phàm” (5,34a) dịch sát: “lời chứng từ nơi con người (para anthrôpou)”.

       d) Lời chứng qua việc Đức Giê-su đã làm (5,36)

Đức Giê-su nói tiếp ở 5,36: “Nhưng Tôi, Tôi có lời chứng lớn hơnlời chứng của Gio-an, đó là những việc mà Cha đã ban cho Tôi để Tôi hoàn thành chúng. Chính những việc Tôi làm, làm chứng về Tôi rằng: Cha đã sai Tôi.” Những việc Đức Giê-su đã làm là lời chứng lớn hơn lời chứng của Gio-an Tẩy Giả. Nội dung của lời chứng là khẳng định Chúa Cha đã sai Đức Giê-su đến thế gian để cứu thế gian (3,16-17).

       e) Những lời chứng của Kinh Thánh (5,39)

Đức Giê-su nói với những người Do Thái ở 5,39-40:  “39 Các ông nghiên cứu Kinh Thánh, vì chính các ông nghĩ rằng trong đó có sự sống đời đời. Chính Kinh Thánh là những lời chứng về Tôi, 40 và các ông không muốn đến với Tôi để có sự sống.” “Những lời chứng (hai marturousai)” ở 5,39 là động tính từ số nhiều của động từ “làm chứng”, được dùng như danh từ có mạo từ (article) số nhiều: “hai marturousai”.

 

   4. Lời chứng của Đức Giê-su và của Cha (8,13.17-18)

Phần Đức Giê-su tranh luận với những người Pha-ri-sêu trong đoạn văn 8,13-18 có nói đến hai lời chứng: (a) Lời chứng của Đức Giê-su về chính mình (8,13-14) và (b) Lời chứng của hai người: Đức Giê-su và Cha (8,17-18).

      a) Lời chứng của Đức Giê-su về chính mình (8,13-14)

Người thuật chuyện cho biết tranh luận giữa những người Pha-ri-sêu và Đức Giê-su ở 8,13-14: “13 Những người Pha-ri-sêu nói với Người: “Ông làm chứng cho chính mình; lời chứng của Ông là không thật.” 14 Đức Giê-su trả lời và nói với họ: “Nếu chính Tôi làm chứng về mình lời chứng của Tôi là thật, bởi vì Tôi biết Tôi từ đâu tới và Tôi đi đâu. Nhưng các ông, các ông không biết Tôi từ đâu tới và Tôi đi đâu.” Trước đây Đức Giê-su đã nói với những người Do Thái ở 5,31: “Nếu Tôi làm chứng về chính mình thì lời chứng của Tôi không thật”, sau đó Đức Giê-su nói đến một loạt lời chứng như đã trình bày. Bây giờ, ở 8,13, những người Pha-ri-sêu chất vấn Đức Giê-su bằng chính câu Người đã nói với những người Do Thái ở 5,31.

Điều đáng lưu ý là ở 8,14, Đức Giê-su trả lời ngược với điều Người đã nói ở 5,31. Đức Giê-su trả lời ở 8,14a: “Nếu chính Tôi làm chứng về mình lời chứng của Tôi là thật, bởi vì Tôi biết Tôi từ đâu tới và Tôi đi đâu. Nhưng các ông, các ông không biết Tôi từ đâu tới và Tôi đi đâu.” Lý do làm cho “lời chứng của Đức Giê-su là thật” là vì Đức Giê-su biết Người từ đâu tới và sẽ đi đâu (8,14a); còn những người Pha-ri-sêu thì không biết Đức Giê-su từ đâu tới và đi đâu (8,14b). Vì thế họ chỉ xét đoán theo người phàm (8,15a) còn Đức Giê-su, sự xét đoán của Người là thật (8,16a).

      b) Lời chứng của hai người: Đức Giê-su và Cha (8,17-18)

Đức Giê-su nói với những người Pha-ri-sêu ở 8,17-18: “17 Trong Lề Luật của các ông có chép rằng: ‘Lời chứng của hai người là thật.’ 18 Chính Tôi là người làm chứng về mình, và Cha, Đấng đã sai Tôi, làm chứng về Tôi.” Vì lời chứng của Đức Giê-su có giá trị (8,14a), nên Người có thể làm chứng về chính Người. Người làm chứng thứ hai là Cha của Người.

 

   5. Lời chứng của môn đệ Đức Giê-su yêu mến (19,35; 21,24)

Người môn đệ Đức Giê-su yêu mến làm chứng hai lần trong Tin Mừng Gio-an: (a) Lần thứ nhất là lời chứng dưới chân thập giá (19,35) và (b) Lần thứ hai là lời chứng qua bản văn (21,24), được soạn giả nói tới vào cuối sách Tin Mừng.

      a) Lời chứng dưới chân thập giá (19,35)

Trong Tin Mừng Gio-an, người môn đệ Đức Giê-su yêu mến hiện diện dưới chân thập giá và đã làm chứng về tất cả những gì đã xảy ra, khi Đức Giê-su chết trên thập giá. Mục đích của lời chứng là để dẫn đến hành động “tin” như người thuật chuyện cho biết ở 19,35: “Người đã xem thấy [người môn đệ Đức Giê-su yêu mến], đã làm chứng, và lời chứng của người ấy là xác thực; và người ấy biết rằng mình nói sự thật để cả anh em nữa (độc giả), anh em tin.”

      b) Lời chứng qua bản văn (21,24)

Sách Tin Mừng Gio-an kết thúc với lời chứng của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến ở 21,24. Đây là lời chứng được viết lại trong Tin Mừng. Soạn giả sách Tin Mừng viết ở 21,24: “Chính môn đệ này [người môn đệ Đức Giê-su yêu mến] là người làm chứng về những điều đó và  người đã viết những điều đó, và chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực.” Trong câu trên, soạn giả sách Tin Mừng xác nhận tính xác thực của lời chứng của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến (21,24c) với hai khía cạnh: (1) Người môn đệ Đức Giê-su yêu mến “là người làm chứng về những điều đó” (21,24a), nghĩa là những điều đã được thuật lại trong sách Tin Mừng;  và (2) Người môn đệ này “là người đã viết những điều đó”, nghĩa là đã để lại bút tích trong sách Tin Mừng.

Tóm lại, danh từ “lời chứng” (marturia) xuất hiện 14 lần trong Tin Mừng Gio-an để nói về 7 lời chứng:

(1) Lời chứng của Gio-an Tẩy Giả (2 lần: 1,7.19)

(2) Lời chứng của Đức Giê-su (6 lần: 3,11.32.33; 5,31; 8,13.14)

(3) Lời chứng của Chúa Cha (1 lần: 5,32)

(4) Lời chứng của người phàm (1 lần: 5,34)

(5) Lời chứng qua những việc Đức Giê-su làm (1 lần: 5,36)

(6) Lời chứng của hai người: Đức Giê-su và Cha (1 lần: 8,17)

(7) Lời chứng của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến (2 lần: 19,35; 21,24).

Một lần ở 5,39 nói về: “Những lời chứng của Kinh Thánh”, nhưng không dùng danh từ “lời chứng” (marturia) mà dùng lối động tính từ của động từ “làm chứng” (martureô), chia ở số nhiều và có mạo từ (hai marturousai). Những lời chứng trên đây được làm rõ nhờ động từ “làm chứng” (martureô). 


 

II. Động từ “làm chứng” (martureô)

Động từ “làm chứng” (martureô) xuất hiện 33 lần và phân bổ như sau:

Ch. 1–4 (12 lần): 1,7.8.15.32.34; 2,25; 3,11.26.28.32; 4,39.44.

Ch. 5–8 (12 lần): 5,31.32a.32b.33.36.37.39; 7,7; 8,13.14.18a.18b.

Ch. 9–12 (2 lần): 10,25; 12,17.

Ch. 13–17 (3 lần): 13,21; 15,26.27.

Ch. 18–21 (4 lần): 18,23.37; 19,35; 21,24.

Trong 33 lần trên, 30 lần có chủ từ của động từ “làm chứng” là các nhân vật (xem mục “Ai làm chứng?” dưới đây); còn lại 3 lần nói về hai điều làm chứng cho Đức Giê-su (xem mục “Điều gì làm chứng?” dưới đây). Phần sau sẽ liệt kê chủ từ của động từ “làm chứng” bằng cách trả lời hai câu hỏi: (1) Ai làm chứng? và (2) Điều gì làm chứng?

 

   1. Ai làm chứng? (30 lần)

Phần này bổ túc cho đề tài “lời chứng” trên đây và có thêm những nhân vật làm chứng mới như “người ta”, “các môn đệ của Gio-an Tẩy Giả”, “Đấng Pa-rác-lê, Thần Khí sự thật”; “các môn đệ của Đức Giê-su” v.v… 11 nhân vật làm chủ từ của động từ “làm chứng”:

(1) Gio-an Tẩy Giả (7 lần): 1,7.8.15.32.34; 3,26; 5,33.

(2) Người ta (1 lần): 2,25.

(3) Đức Giê-su (10 lần): 3,11.32; 4,44; 5,31; 7,7; 8,13.14.18a; 13,21; 18,37.

(4) Các môn đệ của Gio-an Tẩy Giả (1 lần): 3,28.

(5) Người phụ nữ Sa-ma-ri (1 lần): 4,39.

(6) Chúa Cha (4 lần): 5,32a.32b.37; 8,18b.

(7) Đám đông dân chúng (1 lần): 12,17.

(8) Đấng Pa-rác-lê, Thần Khí sự thật (1 lần): 15,26.

(9) Các môn đệ của Đức Giê-su (1 lần): 15,27.

(10) Thuộc hạ của thượng tế (1 lần): 18,23.

(11) Môn đệ Đức Giê-su yêu mến (2 lần): 19,35; 21,24.


 

   2. Điều gì làm chứng? (3 lần)

 

Tin Mừng Gio-an nói đến 2 điều làm chứng về Đức Giê-su:

(1) Kinh Thánh (1 lần: 5,39).

(2) Những việc của Đức Giê-su (2 lần: 5,36; 10,25).


 

III. Kết luận

Những quan sát trên về danh từ “lời chứng” (marturia) và động từ “làm chứng” (martureô) cho thấy tầm quan trọng của đề tài này trong Tin Mừng Gio-an. Hầu hết các lần xuất hiện đều quy về “lời chứng của Đức Giê-su” và “lời chứng về Đức Giê-su”. Trong đó, có ba mục quan trọng: (1) “Lời chứng” và “làm chứng” của Gio-an Tẩy Giả; (2) “Lời chứng” và “làm chứng” của Đức Giê-su và của Chúa Cha; (3) “Lời chứng” và “làm chứng” của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến. Các mục này sẽ được trình bày trong những bài riêng./.

 

Ghi chú: Tác giả chịu trách nhiệm nội dung bài viết, vì thế, xin các trang web đăng lại cho hiển thị ngày tháng, nguồn bài viết và đừng chỉnh sửa hay cắt bớt nội dung. Cảm ơn.

12 CUỐN SÁCH ĐÃ XUẤT BẢN

Một số đề tài trong các tập sách 


Sách học tiếng Hy Lạp để đọc Tân Ước bằng tiếng gốc:

1. Ngữ pháp Hy Lạp Tân Ước   (Phần căn bản)

2. Cú pháp  Hy Lạp Tân Ước    (Phần nâng cao)

Bản văn Tân Ước

1. Bản văn Gio-an, TIN MỪNG và BA THƯ, Hy Lạp – Việt

2. Tin Mừng Mác-cô, Hy Lạp – Việt

3. Sách Khải Huyền, Hy Lạp – Việt

Các sách tìm hiểu Tin Mừng Gio-an 
 

01. Người MÔN ĐỆ ĐỨC GIÊ-SU YÊU MẾN 
      trong Tin Mừng thứ tư là ai?

02. TÌNH YÊU và TÌNH BẠN trong Ga 15,9-17

03. KHỦNG HOẢNG và GIẢI PHÁP 
     cho các môn đệ trong Tin Mừng thứ tư

04. Phân tích THUẬT CHUYỆN và CẤU TRÚC 
     áp dụng vào Tin Mừng thứ tư

05. Đấng PA-RÁC-LÊ – Thần Khí sự thật – 
     trong Tin Mừng thứ tư

06. YÊU và GHÉT trong Tin Mừng Gio-an, Phần I

07. YÊU và GHÉT trong Tin Mừng Gio-an, Phần II 

Tác giả: Lm. Jos Lê Minh Thông, OP

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!