(Lc 24,1-12)
Jos. Vinc. Ngọc Biển
“Nếu Đức Kitô đã không sống lại thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1Cor 15,14); hay: “Nếu chúng ta đặt hi vọng vào Đức Kitô chỉ vì những sự đời này, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hại nhất trong thiên hạ” (1Cor 15,19),
Thế nên, không ai dại dột mà tin và gắn bó cả cuộc đời cũng như mọi chiều kích của cuộc sống vào một con người mà kết thúc cuộc đời bằng cái chết! Thân xác bị chôn vùi trong huyệt mộ là dấu chấm hết cho chính con người đó cũng như những ai đã từng đặt lý tưởng cuộc đời mình vào họ.
Nhưng, niềm tin vào Đức Giêsu đã đem lại cho chúng ta niềm hy vọng, bởi vì Đấng mà chúng ta tin tưởng, gắn bó và phó thác chính là Đấng đã từng chết thật, nhưng cũng đã sống lại thật sau ba ngày nằm trong mộ phần.
Như vậy, chúng ta thật hãnh diện về Đấng Cứu Chuộc có tên là Giêsu, vì nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài mà chúng ta được sống và sống dồi dào, bởi lẽ, nếu chúng ta cùng sống và chết với Ngài thì cũng sẽ được cùng Ngài sống lại trong vinh quang.
Hãy trở về Galilê để sống niềm vui sứ vụ
Niềm tin vào Đấng Phục Sinh được Tin Mừng theo thánh Luca trình bày bằng sự kiện các phụ nữ, những người yêu mến Đức Giêsu đi ra mộ lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, tức là kế sau ngày Sabát, để thi hành công việc chăm sóc, sức thêm thuốc thơm nơi xác Đức Giêsu, đây là công việc lẽ ra phải làm chu đáo hôm an táng Ngài. Tuy nhiên vì là áp lễ Vượt Qua của người Dothái, nên những việc làm tỉ mỉ không thể thực hiện được, vì nếu làm như thế, thời gian sẽ chuyển sang ngày Sabát, mà ngày Sabát thì lại là luật cấm làm việc xác...
Khi đến nơi, các phụ nữ thật ngỡ ngàng, vì cửa mộ đã mở tung và trong mộ không còn thi thể Đức Giêsu!!!
Thấu hiểu nỗi sợ hãi và hoang mang của các phụ nữ, nên thiên thần đã hiện ra chấn an các bà và nói: "Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết? Người không còn đây nữa, nhưng đã chỗi dậy rồi. Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Galilê, là Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại" (Lc 24 5-7).
Sau khi được các thiên thần nhắc cho các bà nhớ lại lời Đức Giêsu đã tiên báo, các bà rất vui mừng và thêm xác tín vào những lời Đức Giêsu đã nói với các bà trước đó, vì thế, họ hân hoan trở về và báo tin mừng này cho các môn đệ. Tin Mừng thánh Mátthêu thì nói rõ hơn và còn tiên báo cho biết: chính Đức Giêsu – Đấng Phục Sinh sẽ đến Galilê và sẽ gặp các môn đệ tại đó (x. Mt 28, 7).
Nhắc lại cho các bà những điều Đức Giêsu đã nói khi còn ở Galilê là gợi lại cho các bà về niềm xác tín nền tảng, bởi vì chính tại Galilê, những phụ nữ và các môn đệ đã khởi đầu hành trình bước theo Thầy Giêsu trong niền tin và hy vọng. Nay trở về Galilê là để cho người môn đệ một lần nữa xác định lại căn tính của mình, thêm vững tin, can đảm, hầu trung thành với sứ vụ tông đồ giữa trăm triều thử thách chông gai.
Mặt khác, khi chứng kiến cảnh hãi hùng ghê rợn của Thầy mình phải chịu qua cuộc thương khó, nhất là qua cái chết của Ngài, các môn đệ kể như bị hoang mang lo sợ đến tột cùng! Chẳng thế mà từ khi Thầy của các ông bị bắt, đánh đập và giết chết cách tàn bạo thê lương trên thập giá, các ông đã không dám ra ngoài, nhưng luôn trong nhà và đóng kín cửa. Vì thế, khi nhắc các bà nhớ lại những điều chính Ngài đã tiên báo từ hồi còn ở Galilê, là để cho các bà có bằng chứng nhằm loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho các môn đệ một cách xác tín.
Nếu không nhắc lại biến cố Galilê, thì hẳn các môn đệ không thể tin vào chuyện vĩ đại có tầm ảnh hưởng lớn đến hết mọi người mà lại qua miệng các phụ nữ!!!
Hơn nữa, khi nhắc lại địa danh Galilê, và nói với họ nhớ lại những gì Đức Giêsu đã tiên báo trước đó, ấy là Ngài muốn cho họ nhớ lại mối tình đầu tiên giữa Ngài với họ, nơi mà mọi sự được bắt đầu, nơi mà Ngài đã cất tiếng gọi và nơi mà họ đã từ bỏ mọi sự để đi theo Ngài...(x. Mt 4,18-22).
Ngày Rửa Tội là Galilê của chúng ta
Với chúng ta, ai cũng có một Galilê nội tâm, nơi ấy, chúng ta được đánh dấu bằng việc Chúa gọi và chọn mỗi người qua Bí tích Rửa Tội, để trở nên con cái của Chúa, con cái Sự Sáng và nên chứng nhân cho Ngài.
Khi trở nên con cái Chúa trong ơn gọi Kitô hữu, ấy là chúng ta mặc lấy Đức Kitô và được mời gọi mang trong mình những tâm tư của Ngài để trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, ngõ hầu trở nên chứng nhân về Đức Giêsu, Đấng đã chết và đã phục sinh vinh hiển.
Tuy nhiên, tình nghĩa giữa ta và Chúa đã bị rạn nứt với năm tháng do yếu đuối, tham lam, ích kỷ, kiêu ngạo... nên nhiều khi chúng ta đã dửng dưng với ơn gọi và sứ vụ của mình.
Khi được thiên thần mời gọi các phụ nữ nhớ lại những lời Đức Giêsu đã báo trước cũng như hẹn gặp các môn đệ ở Galilê, đây cũng chính là lời mời gọi mỗi người trở về và nhớ lại biến cố Galilê nội tâm của mình.
Khi được mời gọi trở về Galilê, hẳn đây là lời nhắc nhớ chúng ta nhớ lại niềm tin tinh tuyền thủa ban đầu.
Nhớ lại những gì đã nói khi còn ở Galilê; ấy là nhóm lên ngọn lửa tình yêu mãnh liệt thủa ban sơ ấy; và cũng là nhớ lại những ân tình, mà Thiên Chúa đã ban trên cuộc đời chúng ta.
Khi trở về và nhớ lại như thế, sứ điệp quan trọng được loan đi, đó là: cần đọc lại lịch sử cuộc đời mình, để nhận ra tình thương của Thiên Chúa, nhận ra bàn tay can thiệp uy quyền của Ngài, và nhất là nhớ lại những điều đã báo trước, để thêm một lần nữa nhìn cuộc đời dưới quy luật: qua đau khổ đến vinh quang.
Khi trở lại và nhớ về biến cố Galilê nội tâm, cũng là dịp để ta xác tín thêm và khởi đầu một hành trình mới trong niềm tin và hy vọng, để can đảm loan báo Đức Giêsu đã chết đúng như tiên báo, đã sống lại như những gì đã nói trước...
Mong sao, đêm nay, mỗi người chúng ta hãy làm một cuộc hồi tưởng để trở về với cõi lòng của mình, ngõ hầu thấy được Galilê nội tâm riêng của mỗi người; đồng thời hãy nhớ về nó để chúng ta đi trên con đường đã được định hướng.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã sống lại từ cõi chết. Đây là tin mừng không chỉ cho các phụ nữ, các môn đệ, nhưng nó còn là niềm hy vọng và niềm tin của chúng con hôm nay và mãi mãi. Xin cho mỗi người chúng con ngay trong giây phút này, hãy cất cao lên lời: “Halêluiya” và hãy loan Tin Mừng Phục Sinh đến mọi nơi. Amen.