Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Jorathe Nắng Tím
Bài Viết Của
Jorathe Nắng Tím
MỘT VÀI CHIA SẺ TRƯỚC HIỆN TƯỢNG “NHÀ CHÚA CHA” Ở BẢO LỘC
ĐỨC GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA
KIÊN NHẪN CỦA TÌNH YÊU
GIÁNG SINH CỦA NHỮNG NGƯỜI HÈN MỌN, BÉ NHỎ
ĐẤT HY VỌNG
VĂN HOÁ DỄ THƯƠNG
TỬ ĐẠO NGAY TRONG LÒNG MẸ GIÁO HỘI
BÌNH AN VIÊN MÃN
THỨ THA – HOÀ GIẢI
NẾN CHÁY
RỬA CHÂN – BÀI HỌC KHIÊM NHƯỜNG TRONG YÊU THƯƠNG
SỢ MA
TUẦN THÁNH
ĐỨC KITÔ, VUA NHÂN HẬU
CHIA SẺ VỀ ĐỨC CỐ HỒNG Y PHANXICÔ NGUYỄN VĂN THUẬN
MÙA CHAY – MÙA TÌNH YÊU
Lời Vâng Khiêm Hạ
MÙA CHAY - Muà tang chế - ĐỂ nhớ cha Giuse Nguyễn Ngọc Sinh và bạn Gioan Baotixita Nguyễn Hoàng Quang
LỜI VÂNG KHIÊM HẠ

Lễ Truyền Tin (25.3)

(Lc 1,26-38)

Jorathe Nắng Tím

Giữa Mùa Chay và trước Tuần Thánh, Giáo Hội mừng ngày Đức Maria được Thiên Sứ Gabriel đến kính chào và xin ý kiến về việc Thiên Chúa muốn chọn Mẹ làm Mẹ Đức Giêsu, ngôi Lời Thiên Chúa. Sau phút bối rối, sững sờ vì qúa bất ngờ, Mẹ đã khiêm tốn thân thưa : « Này tôi là nữ tỳ hèn mọn của Chúa, tôi xin vâng theo lời sứ thần truyền ».

Hai tiếng Xin Vâng khiêm hạ, đầy phó thác, tin tưởng của Mẹ đã mở đầu  chương trình nhập thể của Đức Giêsu và cho phép công cuộc cứu chuộc loài người của Ngôi Hai Thiên Chúa được thực hiện. Hai tiếng Xin Vâng vô cùng quan trọng của một người nữ đơn sơ, bé nhỏ nhưng tuyệt vời thánh thiện, đầy ơn phúc  đã khai mở một kỷ nguyên cứu độ, mở ra một Trời mới, Đất mới ở đó Thiên Chúa đến giữa nhân loại, cắm lều chung sống với con người để yêu thương và cứu độ .

Nhưng hai tiếng Xin Vâng ấy cũng theo Mẹ suốt cuộc đời để những ngày sắp tới  khi Đức Giêsu, con yêu dấu của Mẹ cũng bắt chước Mẹ xin vâng với Chúa Cha  đi vào cuộc tử nạn đau đớn, thê lương.

Và cùng với chúa Giêsu, con mẹ, Mẹ  sẽ xin vâng  trong những giọt mồ hôi pha máu ở vườn cây Dầu ;  xin vâng trên những lằn roi xối xả; xin vâng trước những nguyền rủa điên cuồng của đám đông;  xin vâng trên từng bước nặng nề, yếu nhược của đường dài Thánh Giá; xin vâng trong  đau đớn tận cùng giờ hấp hối cô đơn; xin vâng dưới chân Thánh Giá đẫm lệ nhìn con chết tức tưởi ; xin vâng khi ôm chặt xác con tơi tả, tím bầm.

Giáo Hội mừng lễ Truyền Tin trong tâm tình biết ơn Đức Maria, vì Ngài đã khiêm tốn Xin Vâng cho nhân loại được cứu rỗi qua mầu nhiệm nhập thể. Giáo Hội cũng kêu mời mỗi người học Xin Vâng với Đức Maria trong cuộc sống người Kitô hữu: Xin Vâng trước mọi nghịch cảnh, xin vâng trong mọi thử thách, xin vâng giữa những khổ đau  và nhất là xin vâng với niềm tin tưởng, phó thác và thái độ khiêm hạ, đơn sơ như Đức Maria trước Thánh Ý Thiên Chúa trong đời thường,  để mỗi người sẽ được cùng Mẹ ngợi khen lòng thương xót Chúa vẫn mãi mãi trải từ  đời nọ đến đời kia và bao bọc những người kính sợ Chúa.

Mừng lễ truyền Tin vào tuần cuối mùa chay, trước khi vào Tuần thánh, một cách nào đó Giáo Hội đã đặt Đức Maria như chìa khóa của Thần học Kitô.

Sau Công Đồng Vaticanô II, khuynh hướng xếp Đức Maria xuống hàng môn đệ Đức Kitô có vẻ thắng thế, đặc biệt khối thần học gia Hoa Kỳ. Nhưng họ gặp nhiều khó khăn để chứng minh điều này, bởi Đức Kitô đã biểu lộ một thái độ, một cung cách và tâm tình khác và đặc biệt với Mẹ mình, không như với các môn đệ. Luca trình thuật mấy phụ nữ , môn đệ Đức Kitô như Maria Mađalêna, Gioan và Suzanne theo giúp Đức Kitô trên đường truyền giáo, nhưng không xếp Đức Maria vào nhóm môn đệ nữ này (Lc 8,1-3). Thực ra, một nền thần học chân chính không thể loại vai trò của Đức Maria khỏi công cuộc cứu độ của Đức Kitô và Đức Maria luôn giữ một chỗ đứng quan trọng làm Mẹ trong đời Ngài.

1.      Đức Maria trong mầu nhiệm Nhập Thể: Trong mầu nhiệm này, người ta không thể chối được vai trò làm mẹ của Đức Maria để cho Đức Kitô bản tính nhân loại. Sự có mặt khiêm tốn và vâng phục Thiên Chúa của Mẹ đã làm Mẹ trở thành trung gian giữa Thiên Chúa thánh thiện và con người tội lỗi qua tiếng Xin Vâng. Thiên sứ Gabriel chuyển đến Mẹ đề nghị của Thiên Chúa và Mẹ đã trả lời nhân danh toàn thể nhân loại. Mẹ đồng ý đón nhận bào thai và em bé được Mẹ sinh ra sẽ được gọi là Đấng Cứu Thế (Lc 1,33), Con Thiên Chúa Tối Cao (Lc 1,32), Con Thiên Chúa (Lc 1,35). Sự đồng ý của Mẹ là chữ ký trên giao ước giữa Thiên Chúa và loài người, một giao ước không thể sửa đổi, bởi Thiên Chúa với toàn thể ngôi vị đã lập tức đi vào cuộc mạo hiểm với nhân loại bằng nhập thể làm người (Ga 1,14)  trong cung lòng Đức Mẹ. Sự đồng ý của Đức Maria làm nhớ lại giao ước Thiên Chúa ký kết với Abraham (St 15) và  Maisen (Xh 24), ở đó Thiên Chúa đề nghị và chờ đợi đương sự đồng ý hay không. Sự đồng ý của Đức Mẹ đã mở ra thời đại Đức Kitô, đã đem Thiên Chúa vào trong không gian và thời gian của nhân loại, hội nhập trong gia đình nhân loại, nhập tịch trong dân Chúa để thực hiện công trình cứu độ. Sự đồng ý của Đức Maria không chỉ cho con người, cho Thiên Chúa, cho công trình cứu độ mà là làm nên thân xác nhân loại của Đức Kitô từ chính thân xác mẹ của mình. Như mọi người mẹ, Đức Maria đã mang thai chín tháng và sinh Đức Kitô từ chính bụng mình. Tình yêu của Mẹ không thể tách rời Đức Kitô, con Mẹ, Đấng đã được các ngôn sứ loan báo là Con Thiên Chúa.

2.      Đức Maria trong nhiệm cuộc Cứu Độ: Đức Kitô là Đấng Trung Gian duy nhất (1Tm 2,5), bởi chính Ngài đã bị kết án, chịu đóng đinh, chết trên Thánh Giá và sống lại. Tuy thế, với  cương vị trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại trong  biến cố Truyền Tin để Đức Kitô được làm người như mọi người và trở thành Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và nhân loại trong nhiệm cuộc cứu độ, Đức Maria vẫn giữ một vai trò quan trọng trong nhiệm cuộc cứu độ. Sự can thiệp hữu hiệu ở tiệc cưới Cana và sự có mặt của Mẹ dưới chân Thánh Giá đã chứng minh điều này.

Thực ra, Đức Kitô không phải Đấng trung gian với ý nghiã  trung gian bình thường, nhưng như  « cầu nối » Thiên Chúa với con người ở đó Đức Kitô là Thiên Chúa với Thiên Chúa và là Người với con người. Ở Ngài, trong Ngài Thiên Chúa và  con người kết hợp nên một.

Hiểu Đức Kitô như cầu nối, ta sẽ dễ nhận ra  đóng góp tích cực và toàn phần đời mình vào nhiệm cuộc cứu độ của Đức Maria  khi xác định  những cọc mốc giới hạn  ranh giới của thụ tạo đối với Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ là Thiên Chúa trong ngôi vị của mình.

Từ Thánh Giá, Đức Kitô « thấy mẹ mình và môn đệ mình yêu » (Ga 19,26). Trong cương vị làm Mẹ, Đức Maria có mặt với con trên từng cây số và đang đứng đó ngước nhìn  con bị đóng đinh. Tình yêu của mẹ phủ kín đời con. Tình thương của mẹ ôm chặt đời con như Đức Mẹ đã ẵm xác Đức Kitô, con mình dưới chân Thánh Giá. Lời Xin Vâng đồng ý ngày Truyền Tin nối dài đến chân Thánh Giá để thêm một lần nữa và như vô số những lần khác, Đức Maria đã can đảm Xin Vâng cùng chết trong tâm hồn với con yêu dấu để cứu độ nhân loại. Mẹ đã tình nguyện, trong cương vị mẹ, dấn thân vào nhiệm cuộc cứu độ của Đức Kitô và dự phần trong tất cả đau thương kinh hoàng và nhục hình kinh dị của Đức Kitô, con Mẹ. Từ tiếng Xin Vâng đồng ý cho Đức Kitô đi vào sự sống con người ngày Truyền Tin, Đức Maria tiếp tục  được kêu mời Xin Vâng trong cái chết của Đức Kitô trên núi Sọ, cái chết tang thương, thất bại  làm đổ vỡ, tiêu tan tất cả, cái chết mầu nhiệm của Thiên Chúa mà Phêrô và các môn đệ đã không  hiểu nổi nên đã đồng loạt bỏ Đức Kitô trốn chạy. Lời tiên báo của cụ già Simêon : « Này bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu lòng bà » (Lc 2, 34-35) đã hoàn toàn ứng nghiệm nơi Mẹ khi đứng nhìn con hấp hối trên thập tự…

Vai trò đồng công của Đức Mẹ dưới chân Thánh Giá không làm Mẹ trở nên  đấng cứu độ khác, một Đức Kitô thứ hai, nhưng là « thông hiệp của mẹ và con, thông hiệp giữa con và mẹ ». Dưới chân Thánh Giá, Đức Maria đã đóng vai trò của một tạo vật, một con người, một nhân loại được chuộc lại và  một người đàn bà như Evà mới, khác với Evà cũ (St 3,1.15.16). Bên cạnh Đức Kitô, Mẹ đại diện Giáo Hội, bởi duy nhất một mình, Mẹ đã là Giáo Hội ở thời điểm đó, bởi chỉ một mình Mẹ đã mang Đức Kitô và thông hiệp mật thiết vời Ngài.

Nếu Đức Kitô đã qua Mẹ để đến với con người, thì con người cũng nhờ Mẹ mà gặp được Đức Kitô. Chẳng thế mà Đức Kitô đã trối trăn Gioan , môn đệ của Ngài cho Mẹ và giới thiệu Mẹ là Mẹ của Gioan (Ga 19,26-27).

3.      Đức Maria trong mầu nhiệm Giáo Hội. Sự hiện diện của Đức Maria trong lễ Hiện Xuống đã nhắc lại vai trò trung chuyển của Mẹ giữa Cựu Ước và thời đại Đức Kitô, đồng thời làm nổi bật chỗ đứng trung gian của Mẹ giữa thời đại Đức Kitô và Giáo Hội của Ngài. Mẹ đã làm nên con người Đức Kitô bằng chính con người : máu thịt mình, thì nay Mẹ cũng giữ phần quan trọng việc khai sinh Giáo Hôộ là than thể mấu nhiệm của Đuưc Giêsu, con Mẹ. Chúa Thánh Thần đã tích cực hoạt động trên Mẹ vì Mẹ luôn sẵn sàng cộng tác với Ngài để cũng một Thánh Thần đã đáp xuống trên Mẹ ngày Truyền Tin cho Đức Kitô nhập thể  ( Lc 1,8), sẽ đến trên các tông đồ ngày lễ Hiện Xuống khai sinh một Giáo Hội loan báo Tin Mừng (Cv 1,8). Các tông đồ là những “sáng lập viên hữu hình” của Giáo Hội, là  nhà truyền giáo, chứng nhân của Tin Mừng, trong khi Đức Maria đã đi trước các ngài, không như nền tảng xây dựng tông đồ đoàn, nhưng từ nguồn cội của công trình cứu độ,  như nền tảng của mầu nhiệm Nhập thể và mầu nhiệm đồng  tham dự vào Hy Lễ Thánh Giá nhờ Chúa Thánh Thần. Đức Maria có mặt trong những ngày đầu của Giáo Hội như Mẹ của Đấng sáng lập Giáo Hội. Mẹ có mặt để nguyện cầu, bào bọc, chở che, cầu bầu cho Giáo Hội.

Giảm thiểu, cắt xén Đức Mẹ trong thần học Kitô và trong đời sống Giáo Hội là một sai lầm gây thiệt hại lớn cho đời người tìn hữu ; bởi Đức Kitô và Giáo Hội sẽ “ mồ côi Mẹ ” và nỗi khổ mồ côi sẽ làm đời sống người tín hữu khô cằn, cứng cỏi, lệch lạc, thiếu quân bình. Có Mẹ trong Giáo Hội, Giáo Hội sẽ vượt qua mọi thử thách. Có Mẹ trong cuộc đời, đời người sẽ bình an. Gioan đã có Đức Maria sát bên cạnh, nên đã không bỏ Thầy, phản bội Thầy, trốn chạy khi Thầy bị bắt, vắng mặt khi Thầy cô đơn hấp hối như các anh em. Gioan bám lấy Mẹ nên được “đem Mẹ về phụng dưỡng ”. Đời con có Mẹ khác đời con mồ côi. Đời con có Mẹ ngàn lần hạnh phúc hơn đời con vắng Mẹ, vì mẹ nào chẳng yêu con, mẹ nào chẳng vun xới xây dựng đời con, mẹ nào chẳng  tần tảo hy sinh cho con có tương lai, sự nghiệp, mẹ nào chẳng sẵn sàng chết cho con hạnh phúc ?

Mừng Mẹ giữa mùa chay, trước Tuần Thánh, chúng con tôn vinh Mẹ là Mẹ Đức Kitô, Mẹ Giáo Hội và Mẹ  chúng con. Với tâm tình con cái, chúng con cảm tạ Mẹ vì Mẹ đã nhận lời làm Mẹ chúng con, mẹ Giáo Hội, Mẹ Chúa Giêsu. Xin cho đời con luôn yêu Mẹ và không ngừng ca tụng Mẹ yêu dấu  :

Ôi Maria, Mẹ tuyệt vời giầu có, bởi đã khiêm hạ, khó nghèo ; tuyệt vời cao cả vì nhỏ bé, đơn sơ ; tuyệt vời tươi trẻ, ngây thơ vì  đã  vui lòng làm mẹ ; tuyệt vời hồn nhiên, vui vẻ vì đã nếm hết khổ đau làm người ; tuyệt vời phúc hậu vì tay luôn sẵn sàng giang rộng ; tuyệt vời hạnh phúc vì tim Mẹ đầy ắp Chúa Kitô.

Jorathe Nắng Tím (trích trong tập Tuần Thánh)

 

Tác giả: Jorathe Nắng Tím

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!