.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Chương 2. Lịch sử Giáo Xứ Việt Nam Paris

Chương 3. Hiện tại ở Giáo Xứ Việt Nam Paris

Chương 4. Cách làm việc ở Giáo Xứ Việt Nam Paris

Chương 5. Công việc của Ban Giám Đốc giáo xứ

Chương 6. Sứ mệnh của Hội Đồng Mục Vụ

Chương 7. Những liên hệ của Giáo Xứ Việt Nam Paris

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Giáo Xứ Việt Nam Paris 60 Năm Hiện Hữu
Tác giả: Gs. Trần Văn Cảnh
CHƯƠNG 5. CÔNG VIỆC CỦA BAN GIÁM ĐỐC GIÁO XỨ

Giáo xứ Việt Nam Paris không phải là một giáo xứ tòng thổ, nhưng là một giáo xứ tòng nhân[1]. Giáo xứ tòng nhân là một giáo xứ không có lãnh thổ riêng, nhưng được cấu thành do một số tín hữu vì lý do ngôn ngữ, lễ điển hay chủng tộc... Giáo xứ Việt Nam Paris là một giáo xứ tòng nhân dành cho người Việt Nam, cư ngụ vùng Paris. Nó có một Ban Giám Ðốc lãng đạo giáo xứ, gồm 9 vị : một cha sở, ba cha phó, ba thầy phó tế vĩnh viễn và hai nữ tu[2]. Công việc của Ban Giám đốc được nhìn thấy rõ rệt trong các sinh hoạt chung của toàn ban giám đốc và trong các sinh hoạt riêng của từng vị.

1. BAN GIÁM ÐỐC CÙNG CHUNG LÃNH ÐẠO

Ban Giám Ðốc Giáo Xứ Việt Nam lãnh trách nhiệm mục vụ người việt nam công giáo vùng Paris, lãnh đạo các sinh hoạt này trong tinh thần tập thể toàn ban để định hướng phối kiểm, tổ chức linh hoạt và thi hành đối thoại, đồng thời giữ đúng tinh thần giáo luật theo chức phận và tạo một môi trường và những điều kiện « tam cùng » thuận lợi và hữu hiệu. 

11. LÃNH ÐẠO LÀ Ý THỨC ÐƯỢC TRÁCH NHIỆM VÀ SỨ MỆNH CỦA MÌNH 

Bất cứ ai có quan sát đều nhận ra rằng ban giám đốc, trong tập thể và ở mỗi cá nhân, đều ý thức rõ rệt được trách nhiệm và sứ mệnh của mình là đáp ứng nhu cầu mục vụ của người Việt Nam công giáo vùng Paris đều hướng các hoạt động của mình vào hai công việc và cho hai đối tượng : công việc bảo trì đức tin cho các tín hữu và đem lời Chúa đến cho lương dân : giữ đạo và truyền đạo. Trong sự giữ đạo có hàm chứa việc truyền đạo và qua việc truyền đạo sự giữ đạo được vững mạnh hơn. Tư cách quản trị đầu tiên của người lãnh đạo là ý thức được trách nhiệm và sứ mệnh của mình. Ở điểm này, tất cả ban giám đốc, trong tập thể cũng như với tư cách cá nhân, đều là những nhà quản trị lãnh đạo. 

Lương dân việt nam mà ban giám đốc có sứ mệnh phải đem lời Chúa đến cho họ, gồm khoảng từ 42 000 đến 47 000 người, ở rải rắc khắp vùng Paris, qua tám tỉnh : 75 Paris, 77 Seine-et-Marne, 78 Yvelynes, 91 Essonne, 92 Hauts-de-Seine, 93 Seine-Saint-Denis, 94 Val-de-Marne và 95 Val-d’Oise. Những hoạt động văn hoá thuyết trình về văn học, văn nghệ trình diễn ca kịch dân tộc, xã hội liên đới nghề nghiệp, thăm viếng bệnh nhân, người cô đơn và người già cả, giáo dục đào tạo pháp văn, liên tôn kính nhớ tổ tiên, .. đều là những hoạt động mở ra cho toàn thể người việt nam sống tại vùng Paris.  

Tín hữu việt nam mà ban giám đốc có trách nhiệm bảo trì và làm vững mạnh đức tin gồm khoảng từ 13 000 đến 16 000 ngưới.

Các tín hữu công giáo này được qui tụ lại trong bảy địa điểm mục vụ : PARIS với 4 thánh lễ chủ nhật : 18 giờ chiều thứ bảy với khoảng 400-450 người dự ; sáng chủ nhật 10 giờ với khoảng 100-150 người dự ; trưa chủ nhật 11 giờ 30 với khoảng 400-500 người dự (vào những dịp đại lễ, số người lên đến 1200) ; chiều chủ nhật 17 giờ với khoảng 30-70 người dự. SARCELLES với hai lễ chủ nhật mỗi tháng vào 9 giờ tuần thứ hai và thứ tư với khoảng 150-200 người dự, đại lễ lên đến 400 người. VILLIERS-LE-BEL với một lễ vào 16 giờ mỗi thứ bảy có sự tham dự của khoảng 40-70 giáo dân, đại lễ lên đến 130 người. MARNES-LA-VALLEE với hai lễ chủ nhật mỗi tháng vào 15 giờ tuần thứ nhất và thứ ba với khoảng 150-200 người dự, đại lễ lên đến 400 người. CERGY-PONTOISE với hai lễ chủ nhật mỗi tháng vào 16 giờ  tuần thứ hai và thứ tư với khoảng 150-200 người dự, đại lễ lên đến 400 người. ERMONT, MONTIGNY, FRANCONVILLE với một lễ vào 15 giờ 30 chủ nhật thứ ba mỗi tháng với khoảng 50-100 người dự, đại lễ lên đến 200 người. ANTONY với một lễ vào 10 giờ 30 chủ nhật thứ hai mỗi tháng với khoảng 70-100 người dự, đại lễ lên đến 250 người.

 

Sơ đồ tổ chức Giáo Xứ Việt Nam Paris 

Các giáo dân Giáo Xứ Việt Nam Paris đa số sinh hoạt trong ít nhất là một trong số khoảng 30 đơn vị mục vụ, gồm các hội đoàn, phong trào, nhóm, ban khác nhau : Hôi Các bà mẹ công giáo, Hội Ðạo Binh Ðức Mẹ, Hội yểm trợ ơn gọi, Phong trào Thiếu nhi Thánh thể, Phong trào Liên đới nghề nghiệp (với các ngành nghề Taxi, Xây dựng, Thương gia, Dịch vụ, Nha Y dược, Kỹ nghệ, Quản trị luật, nhân văn xã hội), Phong trào Cursillo, Các Ca đoàn (5 ca đoàn Paris, 6 ca đoàn của 6 địa điểm mục vụ, 1 nhóm nhạc dân tộc, một ban Du ca), nhóm sinh viên, nhóm trẻ, nhóm gia đình trẻ, nhóm sống đạo, nhóm tìm hiểu ơn gọi, nhóm Thánh kinh, nhóm giáo lý tân tòng, nhóm cơm chủ nhật, nhóm thư viện, lớp pháp văn, lớp giáo lý, lớp việt văn, lớp đàn tranh, lớp ca kịch, ban Báo chí, ban Mục vụ gia đình, Ban Tu thư,… 

12. LÃNH ÐẠO LÀ ÐỊNH HƯỚNG VÀ PHỐI KIỂM 

Lãnh đạo, theo các lý thuyết quản trị, có thể gồm nhiều hành động, như định hướng, xác định mục tiêu, lập chính sách, làm chương trình, tìm phương tiện và phương pháp, dùng nhân sự, tổ chức, linh hoạt, thông tin, cổ võ, thưởng phạt, thi hành, đối thoại, kiểm tra,…Những hành động này, có nhiều hành động người lãnh đạo có thể ủy thác cho người cộng tác thực hiện. Nhưng hai hành động người lãnh đạo không thể không làm là định hướng và phối kiểm. Ðó là lý do khiến tiêu chuẩn quốc tế ISO 9000 định nghĩa « Lãnh đạo là những hành động định hướng và phối kiểm của một tổ chức[3] ». Mỗi năm một lần, vào khoảng từ tháng 12 năm cũ đến tháng giêng năm mới, Ban giám đốc làm một Bản phúc trình mục vụ phối kiểm các sinh hoạt năm cũ và định hướng cho những sinh hoạt năm mới. Cha Giám đốc soạn thảo, toàn ban đọc lại, thêm bớt và duyệt y chấp thuận, rồi gởi lên Toà Tổng Giám Mục và đem ra thực hành. Làm bản phúc trình mục vụ hằng năm là Ban Giám Ðốc làm việc lãnh đạo. Bản phúc trình niên khoá 2006 viết vào tháng 12/2006 vừa qua dài 7 trang, được trình bày qua 6 phần, trong đó 5 phần đầu là kiểm tra và tổng kết các sinh hoạt năm 2006 và 1 phần là định hướng cho chương trình mục vụ năm 2007 sắp tới.

Kiểm tra sinh hoạt mục vụ năm cũ 2006 đã được phối kiểm qua 5  chủ đề.

·        Về tổng quát, Ban giám đốc xác định lãnh vực hoạt động qua 8 tỉnh vùng Paris, cho khoảng từ 42 đến 47 ngàn người việt nam, trong đó có khoảng từ 13 đến 16 ngàn là công giáo và trình bày phương tiện nhân sự gồm Ban Giám Ðốc 9 vị, Hội Ðồng Mục Vụ 79 vị và Ban Thường Vụ 12 vị, cũng như cách làm việc tập thể giữa Ban Giám Ðốc và Hội Ðồng Mục vụ hay Ban Thường Vụ.

·        Về sinh hoạt thiêng liêng, Ban Giám Ðốc phối kiểm việc cử hành Thánh Thể qua 7 địa diểm mục vụ với sự tham dự trung bình từ 1500 đến 2000 người vào mỗi chủ nhật ; sự lãnh nhận các bí tích : rửa tội 49 trẻ em và 12 người lớn, rước lễ lần đầu 17 trẻ em, thêm sức 12 ngưới lớn và 37 trẻ em, hôn phối cử hành 3 lễ và chuẩn bị cho 13 đôi, rước lễ khoảng 65 000 ngưới ; và các sinh hoạt thiêng liêng khác, như giáo lý cho 269 trẻ em, giáo lý cho 14 tân tòng, công giáo tiến hành cho thanh niên, cho các người đang đi làm trong các ngành nghề khác nhau, cho lão niên, chầu thánh thể, ..

·        Về sinh hoạt xã hội, Ban Giám đốc kiểm lại các sinh hoạt của phòng xã hội, tiếp đón trung bình từ 5 đến 10 người mỗi ngày, hai ngày thân hữu giáo xứ gặp gỡ bạn bè việt pháp vùng Paris, sự liên lạc với các tổ chức xã hội công tư khác, như thị xã, nhà thương, trung tâm trẻ, Cứu tế xã hội công giáo, trường học, trung tâm dậy nghề,..hầu giúp đỡ tích cực đồng bào việt nam hơn ; thăm viếng những người bệnh tật, cô đơn và già cả, giúp đỡ những người nghèo khó và vô gia cư,..

·        Về sinh hoạt văn hoá, Ban Giám đốc kiểm diểm sinh hoạt của các lớp tiếng việt cho 259 trẻ em vào mỗi chiều thứ bảy ; sinh hoạt của 8 lớp pháp văn ban ngày do 26 giáo sư giảng dậy cho 168 học viên ; sinh hoạt của tờ nguyệt san « Giáo Xứ Việt Nam » phổ biến 1350 bản mỗi số ; và sinh hoạt của việc soạn thảo và in ấn sách vở tiếng việt : sách giáo lý, sách phụng vụ, sách thánh ca, sách thánh kinh,..

·        Về sự cộng tác, Ban Giám đốc kiểm điểm sự cộng tác mà giáo xứ đã thực hiện được giữa các thành viên ban giám đốc với nhau, giữa ban giám đốc và các linh mục tu sĩ việt nam khác, giữa ban giám đốc và các đoàn thể công giáo tiến hành của giáo xứ, giữa ban giám đốc và giáo dân trong đời sống của cộng đoàn giáo xứ.

Sau kiểm kê tổng kết các sinh hoạt mục vụ năm 2006 mà chủ đề là Liên đới truyền giáo, Ban Giám Ðốc đã đưa ra một định hướng mục vụ cho năm 2007, năm kỷ niệm 60 năm thành lập giáo xứ. Ðịnh hướng ấy được tóm gọn trong tiêu đề « NĂM HỒNG ÂN ». Một chương trình gồm 11 việc đặc biệt đã được liệt kê : Thi hang đá, Lễ thượng thọ, Ngày bệnh nhân, Diễn nguyện thánh ca, Lễ 60 năm giáo xứ, Hai tuần trùng tu cơ sở, Tọa đàm về Hội Ðồng Mục Vụ, Thánh lễ lãnh nhận ơn toàn xá, Ðại lễ các thánh Tử đạo Việt Nam, Kỳ niệm 25 năm thành lập Hội Ðồng Mục Vụ, Văn nghệ kết thúc Năm Hồng Ân. 

13. LÃNH ÐẠO LÀ LÀM VIỆC THEO CHỨC PHẬN CỦA MÌNH 

Trong ban giám đốc lãnh đạo có 9 nhân viên với ba chức phận khác nhau : linh mục, phó tế vĩnh viễn và nữ tu. Công việc của mỗi chức phận khác nhau. Mỗi người, theo chức phận của mình có thể có những công việc phụ thêm. Thí dụ việc giải tội của linh mục, việc tham dự các đám tang hoặc làm phép nhà của thầy sáu, .. là những việc « không tên tuổi », nhưng chiếm rất nhiều giờ cho các cha và các thầy sáu. Thế mới biết công việc bề bộn của ban giám đốc và của mỗi thành viên ban giám đốc.

Bốn linh mục trong ban giám đốc làm việc với ban giam đốc, nhưng với những tính cách và chức phận của linh mục. Hiến chế tín lý về Giáo Hội đã viết như sau về chức phận linh mục : « Nhờ bí tích Truyền Chức Thánh, linh mục được cung hiến theo hình ảnh Chúa Kitô, thầy cả Thượng Phẩm vĩnh viễn (x. Dth 5,1-10; 7,24; 9,11-28), để rao giảng Phúc Âm, chăn dắt tín hữu và cử hành việc thờ phượng Thiên Chúa với tư cách tư tế đích thực của Tân Ước. Theo cấp bậc thừa tác của mình tham dự vào nhiệm vụ Chúa Kitô, Ðấng trung gian duy nhất (x. 1Tm 2,5), các linh mục loan báo lời Thiên Chúa cho mọi người. Nhưng các ngài thực thi thánh vụ mình cách tuyệt hảo nhất là trong Thánh Lễ hoặc cộng đồng tạ ơn, trong đó, các ngài thay thế Chúa Kitô  công bố mầu nhiệm của Chúa, kết hợp với ước nguyện của tín hữu vào hy lễ của thủ lãnh và trong hy tế Thánh Lễ, hiện tại hóa và áp dụng hy lễ duy nhất của Tân Ước, là của lễ tinh tuyền đã một lần tự dâng hiến lên Chúa Cha (x. Dth 9,11-28), cho tới ngày Chúa trở lại (x. 1Cor 11,26). Linh mục chu toàn cách tuyệt hảo chức vụ giao hòa và an ủi đối với các tín hữu thống hối và bệnh tật. Linh mục dâng lên Chúa Cha các nhu cầu và lời khẩn nguyện của các tín hữu (x. Dth 5,1-3). Trong quyền hạn mình, linh mục thi hành nhiệm vụ Chúa Kitô mục tử và thủ lãnh, tụ họp gia đình Thiên Chúa là cộng đoàn huynh đệ có cùng một tâm hồn, và nhờ Chúa Kitô, trong Chúa Thánh Thần, dẫn đưa cộng đoàn ấy về với Thiên Chúa Cha. Linh mục thờ lạy Thiên Chúa trong tinh thần và trong chân lý giữa đoàn chiên (x. Gio 4,24). Sau hết, vất vả truyền giáo và dạy dỗ (x. 1Tm 5,17), linh mục tin những gì ngài đã đọc thấy và suy niệm trong lề luật Chúa, dạy dỗ những gì mình tin và thực hành những điều mình dạy[4] ».

Ba phó tế vĩnh viễn tham gia vào việc lãnh đạo giáo xứ  đặc biệt qua sự phục vụ. « Ở bậc thấp hơn của hàng giáo phẩm, có các phó tế, những người đã được đặt tay "không phải để lãnh nhận chức vụ linh mục, nhưng là để phục vụ". Thực vậy, được ân sủng bí tích bồi bổ, các phó tế, hiệp thông với Giám Mục và Linh Mục Ðoàn, phục vụ Dân Thiên Chúa bằng việc phụng vụ, giảng dạy, và bác ái. Khi được những vị có thẩm quyền chỉ định, các phó tế được cử hành trọng thể phép Thánh Tẩy, giữ và trao Mình Thánh Chúa, nhân danh Giáo Hội chứng kiến và chúc lành hôn phối, mang của ăn đàng cho kẻ hấp hối, đọc Thánh Kinh cho tín hữu, giáo huấn và khuyên nhủ dân chúng, chủ tọa việc phụng tự và kinh nguyện của tín hữu, cử hành các á bí tích, chủ tọa lễ nghi tang chế và an táng. Ðược phong chức để lo việc bác ái và việc quản trị, phó tế phải nhớ lời nhắn nhủ của Thánh Polycarpô: "Hãy tỏ lòng nhân hậu, nhiệt thành, và hãy bước theo chân lý của Chúa, Ðấng đã làm tôi tớ mọi người[5] ".

Hai nữ tu không thuộc vào cơ cấu phẩm trật của Hội Thánh, nhưng thuộc về đời sống và sự Thánh thiện của Giáo Hội[6]". Sự hiện diện của hai nữ tu trong ban giám đốc diễn tả sự hiệp thông của giáo sĩ và giáo dân, sự hỗ trợ của đời sống tận hiến và đời sống dấn thân.

14. LÃNH ÐẠO LÀ TẠO ÐƯỢC MỘT MÔI TRƯỜNG THUẬN LỢI VÀ NHỮNG ÐIỀU KIỆN HỮU HIỆU

Chung một trách nhiệm là đáp ứng nhu cầu mục vụ của người việt nam công giáo tại vùng Paris, cùng một công việc là định hướng và kiểm tra sinh hoạt, sự lãnh đạo của ban giám đốc với những thành phần khác nhau về chức phận, để được hữu hiệu, phải tìm được một môi trường và những điều kiện thuận lợi. Ban giám đốc đã làm được việc này, và có thể nói đến mức tuyệt hảo trong việc áp dụng nguyên tắc « tam cùng » : cùng ở, cùng ăn, cùng làm.  

Cùng ở. Có phòng ở chính thức và ở thường trực tại cơ sở giáo xứ, chỉ có 3 cha : cha Mai đức Vinh, cha Trần Anh Dũng, cha Nguyễn Thanh Ðiển, mỗi cha có một phòng ngủ và một phòng làm việc. Cha Ðinh Ðồng Thượng Sách, chị Thân Thị Kim Liên và chị Nguyễn thị Kim Thoa không có phòng ngủ, nhưng có phòng làm việc. Ba thầy sáu mỗi người có một bàn giấy làm việc. Nguyên tắc làm việc đòi sự hiện diện, nhưng quan trọng nhất là kết quả. Dẫu sao trong tuần, và hàng ngày, các vị trong ban giám đốc dễ dàng gặp nhau, trao đổi và đối thoại. Mỗi vị lo việc vệ sinh, rác rưởi, sạch sẽ theo phiên.  

Cùng ăn. Trong tuần lễ và cuối tuần, tất cả mọi vị trong ban giám đốc đến làm việc đều được mời dùng bữa. Các vị khách đều được mời dùng bữa chung với các vị trong ban giám đốc. Sự sinh sống thành ra rất có phần cộng đoàn và chia sẻ.  

Cùng làm. Mỗi người mỗi việc, nhưng có những việc tất cả ban giám đốc cùng làm chung : Bản báo các mục vụ hàng năm, Ðại hội mục vụ bán niên với Hội Ðồng Mục Vụ, Ðại hội Liên đới nghề nghiệp hàng năm với Liên ngành Liên Ðới Nghề nghiệp, hội hai tháng một lần với Ban Thường Vụ, hội hàng tuần giữa ban giám đốc vào mỗi tối thứ năm, giờ cầu nguyện hàng ngày giữa ban giám dốc từ 18 giờ.

 

Từ trái qua phải : cha Dũng, thầy Thạch, Cha Cẩn, cha Vinh, thầy Nha, cha Ðiển, cha Sách

 

2. MỖI VỊ MỘT TRÁCH NHIÊM RIÊNG[7] 

21. CHA MAI ÐỨC VINH, CHA SỞ

1.      Ðến làm việc với Giáo Xứ trong ban giám đốc cha Trương đình Hoè vào năm 1977, cha Mai đức Vinh phụ trách về giáo lý dưới thời cha Hoè (1977-1979) và cha Hoắng (1979-1980). Cha Mai Ðức Vinh đã được Ðức Cha Georges Gilson, Giám mục phụ tá kiêm chưởng ấn toà Tổng Giám Mục Paris nhân danh Ðức Hồng Y François Marty bổ nhiệm vào chức phận GIÁM ÐỐC GIÁO XỨ do văn thư đề ngày 28/11/1980.

2.      Trách nhiệm mục vụ tổng quát về giáo xứ trước Toà Tổng Giám Mục Paris ; trách nhiệm báo cáo về các sinh hoạt mục vụ : thiêng liêng, văn hoá, xã hội, giáo dục của Giáo xứ ; trách nhiệm về các sổ sách của giáo xứ (sổ rửa tội, thêm sức, hôn phối,..) các triện ấn, các văn khố,..

3.      Trách nhiệm hành chánh tổng quát về cơ sở, Trách nhiệm về an ninh trong cơ sở, Trách nhiệm bảo hiểm trước những tai nạn ở cơ sở Giáo Xứ, Ðại diện GX trước Syndic

4.      Trách nhiệm hành chánh và tài chánh tổng quát về vật dụng và điều hành giáo xứ, Trách nhiêm kế toán thâu chi ở GX, Giám đốc tờ báo, cơ sở in ấn, cơ sở xuất bản và Mạng lưới tin học GXVN

5.      Trách nhiệm quản lý tổng quát về nhân sự và sinh hoạt giáo xứ, Thâu nhân viên, cho tin tức, huấn luyện và thăng thưởng, Phân chia công việc và xác định mức độ quyết định

6.      Tuyên Úy địa điểm Villiers-Le-Bel,

7.      Tuyên Úy địa điểm Antony,

8.      Tuyên Úy Hội Ðồng Mục Vụ và Ban Thường Vụ,

9.      Tuyên Úy nhóm Mục Vụ gia đình,

10.  Tuyên Úy Gia đình trẻ,

11.  Tuyên Úy Liên đới Taxi,

12.  Tuyên Úy Cursillo, 

13.  Tuyên Úy Hội Các Bà Mẹ Công Giáo.

14.  Tổng quát về cha sở : "Cha sở là chủ chăn riêng của giáo xứ đã được giao phó, và thi hành việc săn sóc mục vụ của cộng đoàn được ủy thác dưới quyền của Giám Mục giáo phận, vì được gọi thông phần với Giám Mục vào tác vụ của Đức Kitô, ngõ hầu chu tất nhiệm vụ giảng dậy, thánh hóa và quản trị đối với cộng đoàn ấy, với sự cộng tác của các Linh mục khác hoặc với các Phó tế và cả sự hợp lực của các giáo dân, theo qui tắc luật định. ". (Can.519)  

22. CHA ÐINH ÐỒNG THƯỢNGCH, CHA PHÓ 

1.      Ðến làm việc với Giáo Xứ trong ban giám đốc cha Trương đình Hoè vào năm 1977, cha Ðinh Ðồng Thượng Sách liên tục phu trách về giới trẻ dưới thời cha Hoè (1977-1979), cha Hoắng (1979-1980) và cha Vinh (1980-ngày nay)

2.      Trách nhiệm Giáo lý trẻ em,

3.      Trách nhiệm Mục vụ giới trẻ

4.      Tuyên Úy địa điểm Cergy,

5.      Tuyên Úy Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể,

6.      Tuyên Úy Nhóm Chuyên gia,

7.      Tuyên Úy Nhóm Thư Viện,

8.      Tổng quát về cha phó "Mỗi khi xét thấy cần thiết hay thuận lợi cho việc săn sóc mục vụ tốt đẹp của một giáo xứ, thì ngoài Cha Sở ra, có thể đặt một hoặc nhiều Cha phó như cộng sự viên của Cha Sở và san sẻ mọi nỗi lo âu với Cha Sở, đồng tâm nhất trí và dưới quyền của Cha Sở để thi hành nhiệm vụ mục vụ. Một Cha phó có thể được đặt để lo toàn thể tác vụ mục vụ trong một giáo xứ hay một phần nhất định của giáo xứ hay một nhóm tín hữu nào đó thuộc giáo xứ, hoặc để đảm trách một tác vụ đặc định trong nhiều giáo xứ khác nhau một trật. ". (Can.545)  

23. CHA TRẦN ANHNG, CHA PHÓ

1.      Ðến làm việc với giáo xứ bán thời gian vào năm 1991, và toàn thời gian từ 1997, cha Trần Anh Dũng đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau : phụng vụ, tuyên úy Ðạo Binh Ðức Mẹ, giới trẻ, hành hương, quản lý,…

2.      Quản lý của Ban Giám Ðốc,

3.      Trách nhiệm Bữa cơm Chủ nhật,

4.      Trách nhiệm Hành hương

5.      Tuyên Úy địa điểm Sarcelles,

6.      Tuyên Úy Marne-La-Vallée,

7.      Tuyên úy hai tiểu đội Ðạo Binh Ðức Mẹ,

8.      Tuyên úy Hội Yểm trợ ơn gọi,

9.      Tuyên úy Liên đới xây dựng

10.  Tổng quát về cha Tuyên úy : "Tuyên Úy là một Tư tế được ủy thác việc săn sóc mục vụ cách thường xuyên, ít là một phần nào, của một cộng đoàn hoặc cho một nhóm tín hữu đặc biệt, và phải thi hành theo đứng qui tắc của luật phổ quát và luật địa phương. ". (Can.564)  

24. CHA NGUYỄN THANH ÐIỂN, CHA PHÓ 

1.      Thụ phong linh mục ngày 01.10.2005 tại Paris, cha Nguyễn Thanh Ðiển đã làm lễ tạ ơn tại Giáo Xứ Việt Nam ngày 09.10.2005 và đã được bổ nhiệm làm việc tại Giáo Xứ kể từ đó, trong những trách nhiệm chính sau đây :  

2.      Ðồng Trách nhiệm Giáo lý  trẻ em,

3.      Ðồng Trách nhiệm Mục vụ giới trẻ

4.      Tuyên úy địa điểm Ermont,

5.      Tuyên úy LÐNN Dịch Vụ,

6.      Tuyên úy nhóm tìm hiểu ơn gọi,

7.      Tuyên úy nhóm Thánh Kinh

25. THẦY NGUYỄN VĂN THẠCH, ptvv

1.      Lãnh nhận chức phó tế vĩnh viễn ngày 23.08.1998, thầy Nguyễn Văn Thạch làm việc trong ban giám đốc giáo xứ kể từ ngày đó, trong những trách nhiệm chính sau đây : 

2.      Trách nhiệm Ðào tạo Giáo dân,

3.      Trách nhiệm Giáo lý tân tòng

4.      Tuyên úy 3 tiểu đội Ðạo Binh Ðức Mẹ,

5.      Ðồng Tuyên úy LÐNN Chuy ên gia 

26. THẦY PHẠM BÁ NHA, ptvv

1.      Lãnh nhận chức phó tế vĩnh viễn ngày 23.08.1998, thầy Phạm Bá Nha làm việc trong ban giám đốc giáo xứ kể từ ngày đó, trong những trách nhiệm chính sau đây : 

2.      Ðồng Trách nhiệm Hành hương,

3.      Chủ bút báo GXVN,

4.      Ðồng Trách nhiệm Mạng lưới Tin Học,

5.      Ðồng Trách nhiệm LÐNN Thương gia

6.      Tuyên úy 2 tiểu đội Ðạo Binh Ðức Mẹ 

27. THẦY TẠ ÐÌNH CHUNG, ptvv

1.      Lãnh nhận chức phó tế vĩnh viễn ngày 04.10.2003, thầy Tạ Ðình Chung làm việc trong ban giám đốc giáo xứ kể từ ngày đó, trong những trách nhiệm chính sau đây : 

2.      Trách nhiệm kỹ thuật Internet GXVN

3.      Ðồng Trách nhiệm Lớp Pháp văn

4.      Ðồng Trách nhiệm LÐNN Taxi 

28. NỮ TU THÂN THỊ KIM LIÊN

1.      Ðến làm việc với Giáo Xứ từ năm 1980, bán thời gian, chị Thân thị Kim Liên luôn giữ 2 trách nhiệm sau đây :

2.      Thư ký Giám Ðốc In Ấn

3.      Trách nhiệm Nhà Mặc Áo

29. NỮ TU NGUYỄN THỊ KIM THOA

1.      Ðến làm việc với Giáo Xứ từ năm 2000, chị Nguyễn thị Kim Thoa hiện giữ những trách nhiệm sau đây 

2.      Trách nhiệm lớp pháp văn

3.      Trách nhiệm phòng Dịch vụ xã hội

4.      Ðồng Trách nhiệm LÐNN Dịch Vụ

5.      Ðồng Tuyên úy Hội Yểm trợ ơn gọi,

 

LỜI KẾT 

Với hai trách nhiệm mục vụ quan trọng là rao giảng tin mừng cho lương dânthánh hoá giáo dân, ban giám đốc giáo xứ, đặc biệt là các linh mục, mặc nhiên phải lãnh một trách nhiệm thứ ba là lãnh đạo quản trị cộng đoàn hay hội đoàn mà họ được trao phó. Trong thực tế, mỗi linh mục, là cha sở hay cha phó, dều có trách nhiệm đặc biệt về một hai địa điểm mục vụ và dăm ba hội đoàn mục vụ. Ba sứ mệnh này đã được Ban Giám Ðốc Giáo Xứ Việt Nam Paris thực hiện một cách ý thức và đầy đủ. Một số dấu chỉ báo hiệu những thành quả tốt : Hàng năm vẫn có một số bổn đạo mới. Sự tham dự của giáo dân vào các sinh hoạt thiêng liêng một cách đều đặn. Sụ tham gia của một số lương dân vào các sinh hoạt Văn hoá, Xã hội, Giáo dục và nghệ thuật hằng năm của giáo xứ. Sự hiện diện sống động của khoảng 30 hội đoàn, ban nhóm qui tụ những giáo dân nhiệt tình và thiện chí. Bởi đâu mà Giáo Xứ được những hồng ân ấy ? Nhờ lời cầu nguyện ? Nhờ sự chăm chỉ và khiêm tốn nhã nhặn của các cha các thầy ? Nhờ tinh thần làm việc theo đức ái chia sẻ, đức mến kính trọng ? đức cậy tin tưởng ? đức tin phó thác ? Nhờ sự cộng tác của các giáo dân ? Nhờ tài lãnh đạo có tổ chức và phương pháp của Ban Giám Ðốc ? Nhờ Hồng Ân Chúa ? 

Paris, ngày 15.03.2007

Trần Văn Cảnh


[1] Code de Droit Canonique, khoản 518

[2] La Pastorale de la Mission catholique vietnamienne  (Janvier-décembre 2006), Bản phúc trình mục vụ 2006

[3] Qualité et systèmes de management ISO 9000, Paris La Défense : AFNOR, 2001, tr. 37

[4] HC Tín lý về Giáo Hội (Lumen gentium), chương 3, đoạn 28

[5] HC Tín lý về Giáo Hội (Lumen gentium), chương 3, đoạn 29

[6] Code de droit Canonique, khoản 207

[7] La Pastorale de la Mission catholique vietnamienne (Janvier-décembre 2006), Bản phúc trình mục vụ 2006

Tác giả Gs. Trần Văn Cảnh

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!