.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Chương I : Cuộc-đời muôn màu muôn sắc

Chương II : Chiếc cầu tre lắc lẻo

Chương III : "Tin là Yêu"

Chương IV : Con đường Đức-tin diệu vợi

Chương V : Ánh-sáng đến trong thế-gian

Chương VI : Trời mới - Đất mới

Chương VII : "Tấm và Cám" trong nội tâm của Chúng ta

Chương VIII : Đức Kitô trở lại trong vinh quang

Chương IX : Chuyển hoá môi trường

Chương X : Mầu-nhiệm Thánh-giá

Chương XI : Rao giảng Tin-mừng

Chương XII : Hướng đến một nền Thần học Việt Nam

Chương XIII : "Anh em hãy vui luôn..."

Chương XIV : "Đức Kitô là tất cả"

Chương XV : Trong Đức Kitô

Chương XVI : Thiên Chúa làm "Bụi đất"

Chương XVII : "Xin đừng sợ"

Chương XVIII : Hỡi Tín-hữu, ngươi ta ai?

Chương XIX : Đức-tin và Văn-hoá

Chương XX : Thay lời kết - Hãy trao cho nhau một tấm lòng...

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Trong Đức Kitô
Tác giả: Gs. Nguyễn Văn Thành
CHƯƠNG X : MẦU-NHIỆM THÁNH-GIÁ

(Theo Phúc-âm Thánh Mác-cô)

  

   Mác-cô là đồ đệ thân yêu của Thánh Phê-rô. Đã một thời Mác-cô tháp tùng Thánh Phao-lô, trên một vài chặng đường truyền giáo...

   Những sự cố có liên hệ đến Phê-rô trong suốt ba năm rao giảng Tin-mừng của Đức Kitô, đều được Mác-cô ghi nhận và kể lại trong cuốn Phúc-âm của mình.

   Theo các nhà chú giải Kinh-thánh, cuốn Phúc-âm thứ II đã có mặt và được lưu hành trong lòng Hội-thánh sơ khai, từ khoảng năm 70 sau Chúa Giáng-sinh. Trước đó chừng năm hoặc mười năm, nghĩa là vào khoảng chung quanh năm 60, hai Thánh Phê-rô và Phao-lô đã bị bắt bớ và giết chết tại Roma. Cuốn Phúc-âm của thánh Mác-cô ra đời vào một thời điểm Hội-thánh đang bị truy nã và bắt bớ, nhất là dưới triều đại của hoàng đế Đô-mi-xi-a-nô.

   Tất cả những nhận xét ấy cho chúng ta lãnh hội một phần nào tại vì sao Mác-cô đặt trọng tâm vào Mầu-nhiệm Thánh-giá của Đức Kitô trong cuốn Phúc-âm của mình. Phải chăng đó cũng là trọng tâm của giáo lý và đức tin, được Thánh Phê-rô nhắc đi, nhắc lại cho các tín hữu, vào những thời điểm khó khăn và gay cấn nhất trong đời sống của Hội-thánh, trước lúc lãnh án tử hình "để giống Thầy ".

  

***

      Hẳn thực, theo Phúc-âm của Thánh Mác-cô, Đức Kitô đã ba lần loan báo cuộc Thương-khó và Phục-sinh của mình:

    "Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử người và sẽ nộp người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người. Ba ngày sau Người sẽ sống lại" 20.

   Mỗi lần Đức Kitô loan báo con đường tử nạn của mình, Thánh Mác-cô đều nhấn mạnh rằng: Các môn đệ không hiểu Ngài muốn nói gì. Thậm chí Thánh Phê-rô còn muốn cản trở Ngài, bị Ngài khiển trách, và bị đồng hoá với sa tan.

   Để hiểu rõ tầm quan trọng của lời khiển trách này, chúng ta hãy trở lui với biến cố Ngài bị sa tan cám dỗ ba lần trong hoang địa, khi Ngài khởi đầu sứ mệnh rao giảng Tin-mừng.

    Lần thứ nhất, sa tan đưa ra chiêu bài "cuộc sống dễ dãi" : biến đá thành bánh mà ăn.

    Lần thứ hai, sa tan đưa ra chiêu bài "danh vọng và thành công": gieo mình từ chóp đỉnh đền thờ, để được mọi người vỗ tay hoan hô, ca ngợi, tôn vinh...

    Lần thứ ba, sa tan đưa ra chiêu bài "của cải, tiền bạc, giàu sang, phú quí...": sụp lạy quỉ ma và tay sai của nó để được quyền uy, chức tước, địa vị...trong mọi môi trường thuộc nếp sống của thế gian.

   Khi đón nhận con đường Thánh Giá của Đức Kito, tự khắc chúng ta phải khước từ ba chiêu bài huy hoàng và tráng lệ của sa tan.

   Trong lòng Hội-thánh của Đức Kitô, vị hôn thê của Ngài là "người nghèo của Ya-vê", người nghèo tự nguyện, khước từ tất ca, để mặc vào mình con người của Đức Kitô, với năm vết tích khổ nạn của Ngài : "Tôi sống nhưng đâu phải tôi sống. Chính Đức Kitô sống trong tôi"21.

   Tin vào Đức Kitô làm đồ đệ của Ngài, chúng ta không thể không chọn lựa Con Đường Thánh-giá. Trên Thánh-giá, Thiên Chúa Tình-yêu và Thứ-tha hiện nguyên hình, trước mặt thế gian. Nhờ ngôn ngữ Thánh-giá Thiên Chúa đã mặc khải bản chất và căn cước của mình. Yêu ai phải chăng là chết cho người ấy ?

   Trên Thánh-giá Thiên Chúa đã diễn tả lòng thứ tha vô điều kiện của Ngài. Ngài giăng hai tay đón nhận mọi đứa con hoang đàng trở về. Trong số đó có chúng ta.

   Đi con đường Thánh-giá của Đức Kitô, chúng ta bắt chước Ngài: tha thứ "vô điều kiện" cho mọi người, mặc dù người ấy đã cướp nhà, cướp ruộng vườn của chúng ta. Mặc dù người ấy đã giam tù, giam đói, khủng bố tình thần chúng ta bằng mọi cách... mặc dù họ đã đuổi chúng ta ra biển cả để đắm tàu và bị hải tặc cướp bóc hành hạ...!

   Khi biết thứ tha vô điều kiện như Đức Kitô trên Thánh-giá, chúng ta sẽ sống lại như Ngài. Với Ngài. Và nhờ Ngài. Chúng ta được đón nhận vào cung lòng của Ngôi Cha. Hơi thở và sự sống của chúng ta là Chúa Thánh Thần. Nhờ đó, ai giao tiếp với chúng ta, người ấy sẽ trở thành con cái của Thiên Chúa.

***

      Hỡi người Anh, người Chị Cursillista... Trong môi trường sinh sống, vào ngày Thứ tư, nhiều Thánh giá lớn bé, nặng nhẹ đang trải đầy trên đường đi của chúng ta.

   Thánh giá ấy đang mang nhiều tên tuổi khác nhau như bệnh hoạn, cô đơn, lòng phản bội, độc ác, ghen tuông, cảnh nghèo cực, đói khổ... sống xa nhà, xa quê hương. Nhưng trên con đường leo lên ngọn đồi Gôn-gô-ta ấy, có Đức Kitô, có Mẹ Maria... Và ở cuối đường, vào "ngày thứ ba" chúng ta sẽ sống lại, sẽ làm Chúa; với Ngài. Như Ngài. Nhờ Ngài.

Tác giả Gs. Nguyễn Văn Thành

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!