Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Lm. Jos Cao Phương Kỷ
Bài Viết Của
Lm. Jos Cao Phương Kỷ
“NĂM THÁNH LINH MỤC” ĐI TÌM CĂN TÍNH THẬT của LINH MỤC (Phần II)
“NĂM LINH MỤC” ĐI TÌM CĂN TÍNH THẬT của LINH MỤC (I)
“NĂM LINH MỤC” HUẤN LUYỆN GIÁO SĨ TU SĨ VỀ TÍNH DỤC: KHẮC KHỔ và THẦN NHIỆM (Ascetic and Mystic)
“NĂM LINH MỤC” HUẤN LUYỆN TÍNH DỤC TRONG NẾP SỐNG ĐỘC THÂN CỦA GIÁO SĨ, TU SĨ
CẢM TƯỞNG : ĐÊM DIỄN NGUYỆN và THÁNH LỄ KHAI MẠC NĂM THÁNH 2010
NĂM LINH MỤC: GƯƠNG HY SINH của THANH DAMIEN , TÔNG ĐỒ NGƯỜI HỦI (1840-1889)
CHÀO MỪNG NĂM THÁNH 2010 CỦA HỘI THÁNH VIỆT NAM - NHỚ VỀ QUÊ HƯƠNG: XỨ SỞ KIỆN
LỜI TRUYỀN PHÉP THÁNH THỂ: “ĐÂY LÀ MÌNH TA”…“ ĐÂY LÀ MÁU TA”..

TÔN THỜ CHÚA GIÊSU, CON THIÊN CHÚA

NGÔI LỜI NHẬP THỂ

( Bài số 02)

 

Trong bài tham luận trước, bàn về khuynh hướng “phàm tục hóa” của thời đại này, đặc biệt nhằm triệt hạ CHÚA CỨU THẾ, CHÚA GIÊSU xuống hàng phàm nhân, qua sách báo, phim ảnh như: “DaVinci Code”. Do đó, mọi tín hữu, cần phải luôn luôn tuyên xưng Thiên Tính cúa CHÚA GIÊSU, là CON THIÊN CHÚA, là NGÔI LỜI NHẬP THỂ, nhất là trong Phụng Vụ, vì theo luật ” Cầu Nguyện thế nào, thì TIN như vậy” (Lex Orandi, Lex Credendi). Cần loại trừ ngay những kiểu nói vô ý thức, dựa theo tình cảm, hay xu hướng tục hóa, muốn loại bỏ những gì là Thánh Thiêng (Le Sacré, Das Heilige, The Sacred) ra khỏi ngôn ngữ Kinh Nguyện, và  Phụng Tự. Dùng những danh từ, hay đại từ chỉ người phàm  như: Người, Ngài để xưng hô với Chúa Cứu Thế, là trái tinh thần, và ngôn ngữ Việt Nam, luôn phân biệt điều gì là Thánh Thiêng, cái gì là phàm tục. Không nên lấy lý do như: thời thế dân chủ, bình đẳng, bình dân để xóa bỏ những cách xưng hô, tỏ lòng cung kính, tôn thờ đối với Thiên Chúa, Đấng Tuyệt Đối,  hoặc đối với CHÚA GIÊSU, Ngôi Lời Nhập Thể, như “Kinh Thờ Lạy” đã dạy:

“Lạy Chúa tôi, tôi là vật phàm hèn, cũng là KHÔNG trước Mặt Chúa, tôi hết lòng thờ lạy và nhận thật Chúa là đầu cội rễ mọi sự, là cùng sau hết mọi loài”…và câu tục ngữ của Việt Nam  cảnh cáo thái độ vô lễ, đùa giỡn đối với các bậc thần thánh: 

“Gần chùa gọi Bụt bằng anh”  

- Khi bài tham luận trên của tôi được đăng trên mạng lưới “Công Giáo Việt Nam”, ngày 07/Tháng 8/2006,  thì L.M  Đan-Minh Trần Minh Công, Đan Viện Frauenthal, Thụy Sĩ cũng viết bức thư gửi ĐGM, Chủ Tịch HĐGM/VN: “Một Vài Đề Nghị Về Mấy Danh Từ Nhà Đạo Quen Dùng”. Bức Thư này cũng được gửi đăng trên Nguyệt San ”Diễn Đàn Giáo Dân”, số 58, Tháng 9 Năm 2006. Đặc biệt, L.M. Đan-Minh nhấn mạnh việc dùng Danh Thánh: ”CHÚA GIÊSU”, không được dùng kiểu nói: “Đức Giêsu”, giống  các nhận vật trần thế như Đúc Phật, Đức Đạt Lai lạt ma, Đức Mahomet, Đức Giáo Hoàng, Đức Hồng Y, Đức Khâm Sứ, Đức Giám Mục và Đức Ông.” . Khi trao đổi E-Mail , L.M Đan-Minh cho tôi biết  đã được nhiều độc giả tán thành việc dùng Danh xưng ”CHÚA GIÊSU”. Tôi cũng giới thiệu với L.M Đan-Minh những Sách và bài thuyết luận của tôi, từ mấy năm nay, về việc tuyên xưng Danh Thánh CHÚA GIÊSU, như Thánh Phao Lô đã dạy, và theo tinh thần Văn Hóa Tâm Linh của Việt Nam, luôn phân biệt Thánh Thiêng khỏi những gì là  phàm tục, và theo Giáo Lý Công Giáo, Thiên Tính (Divinity) của Chúa Giêsu, khác hẳn với mọi loài thọ tạo.  Đây là một Niềm TIN , do ÂN HUỆ Chúa ban cho. Có người không tin  vì các tín ngưỡng khác nhau, ta nên tôn trọng lương tâm, tự do của mỗi người, nhưng không vì thế mà một tín hữu Chúa Kytô chịu nhượng bộ, hay cắt nghĩa sai lạc Chân Lý Tuyệt đối của Đức TIN. Đây là Huấn Dụ trong Thông Điệp: ” DOMINUS JESUS CHRISTUS” của ĐGH Gioan Phao Lô II, khi so sánh Chúa Cứu Thế với các tôn giáo khác. Chính Chúa Giêsu đã chấp nhận án tử của quan chúc Do Thái, khi xưng Mình là “Con Thiên Chúa”, và muôn vàn các Thánh Tử Đạo đã cương quyết tuyên xưng Chúa Giêsu là CHÚA, dầu chịu cực hình và bị giết chết, cũng không từ chối niềm TIN.

 

CHỦ ĐỀ trong bài tham luận này là  góp ý về :

Lời Truyền Phép Thánh Thể: ”Đây là Mình Ta”…Đây là Máu Ta”..

- Đây là Giáo Lý Cao Cả Nhất trong Đạo, là Mầu Nhiệm Đức Tin, vì là Lời Truyền Phép (Lạ, Thánh Thể), biến bánh thành “Thánh Thể CHÚA GIÊSU”, và rượu thành “Máu Thánh CHÚA GIÊSU”. Đây chính là Một PHÉP LẠ vô cùng Nhiệm Mầu, chỉ có THIÊN CHÚA mới làm được, và  nhân loại phàm hèn cần ĐỨC TIN     (“sola Fides sufficit”, Thánh Tomas).Trong công tác chuyển dịch sang Việt Ngữ, tức là “Hội Nhập ĐỨC TIN vào Văn Hóa Việt Nam”, nghĩa là  làm thế nào dùng tinh hoa Tiếng Việt để diễn đạt được đầy đủ nội dung Giáo Lý, như tìm hiểu lai lịch Truyền Đạo tại Việt Nam từ buổi sơ khai, các vị tiên phong Truyền Giáo đã cố gắng Hội nhập, Thích nghi vào Văn Hóa Việt nam, (Inculturation, Acculturation) như thế nào? Theo thời gian, và cách biến chuyển ý nghĩa của một sinh ngữ, như Việt ngữ, danh từ nào nên sửa đổi, danh xưng nào không nên sửa vì vẫn trung thành với nội dung Đức Tin và đã ăn sâu vào Truyền Thống Văn Hóa Việt Nam?

- Xin trình bày những điểm chính yếu sau đây: I. Lai lịch về cách Phiên dịch “Lời Truyền Phép, từ đầu cho đến ngày nay, và những LÝ LẼ Thuận/ Nghịch lại bản dịch hiện tạí 1992, và 2005 ; II. Theo các nhà chuyên môn về Ngữ Pháp Việt Nam, từ đời các Vị Truyền Đạo Tiên Khởi cho đến các học giả cận đại, những đại từ: TÔI, TA, MIN, MÌNH, có nghĩa gì và cách thích ứng để dịch Lời Truyền Phép: “Đây là Mình Ta”, ( Hoc est Corpus Meum) và “Đây là Máu Ta” ( Hic est enim Sanguis Meus)

 

I/. LAI LỊCH  về các cách Phiên Dịch: ”LỜI TRUYỀN PHÉP”

( từ năm 1634 cho đến Bản Dịch năm 1992., và lập lại năm 2006).

A.Toát Lược một số Ý Kiến của L.M Hilarius Trần Khắc Hỷ

1/.Theo một số Tài Liệu và các Bức Thư, do L.M Hilarius Trần Khắc Hỷ, thuộc TGP Wasington,DC thu tập, thì từ năm 1634, trong sách chữ Nôm của L.M Girôlamo Majorica, đã viết về Sách Ngắm và Giảng sự Thương Khó, Chúa Giêsu đã lập Phép Mình Thánh và Máu Thánh rằng: “Này Là Mình Ta, Này Là Máu Ta” – Năm 1637, Sách Giảng 8 Ngày của L.M Đắc Lộ cũng viết: “Này là Mình Ta, Này là Máu Ta”- Năm 1774, Sách Giáo Lý của Đức Cha Bá-Đa –Lộc, in tại Quảng Đông- Năm 1802, 1804,1823, khi ở Thái Lan, khi ở Cù lao giêng, khi lên Sài gon..3 lần in lại Sách Giáo lý đều viết: ”Này là Mình Ta, Này là Màu Ta”.- Năm 1931, Kinh Thánh Tin Lành do cụ Phan Khôi dịch: Này là Thân Thể Ta, Này là Huyết Ta.-Năm 1934, Công Đồng Đông Dương họp tại Kẻ Sặt, đã soạn ra sách Giáo lý: ”Bổn Dạy Những Lẽ Cần Cho Được Rỗi Linh Hồn”, Trang 60 về Phép Thánh Thể: Này là Mình Ta, này là Máu Ta” – Năm 1969, Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chế Phụng Tự, cho phép dịch Missale Romanum sang tiếng bản xứ. “Vì này là Mình Ta, Vì này là Máu Ta”

- Nói tóm lại, Hai Công Thức Truyền Phép trên Bánh và Rượu, liên tục không thay đổi từ Công Đồng Tridentinô 1534-1549. Thánh Giáo Hoàng PIÔ V, đã  áp dụng vào Sách lễ Missale Romanum đêm 24.12.1570 cho toàn thể Hội Thánh Công Giáo Tây Phương và Đông Phương trải qua 4 thế kỉ (1570-1969)- CÔNG ĐỒNG VATICAN II. : ”Hoc est enim Corpus Meum quod pro vobis tradetur:Vì Này là MÌNH TA sẽ bị nộp vì các con; ‘Hicest enim calix Sanguinis Mei, Novi et Aeterni Testamenti, qui pro vobis et pro multis effundetur in remisssionem peccatorum: Vì này là Chén MÁU TA, Máu Tân Ước Vĩnh Cửu sẽ đổ ra cho các con và NHIỀU người được tha tội”

2./Sách Lễ  in năm 1992,  đã không  trình Toà Thánh duyệt y trước khi phát hành, và đã đổi Công Thức Truyền Phép cổ truyền từ 300 năm ra: ” Này là Mình Thầy (bỏ chữ Vì).. Này là Chén Máu Thầy (bỏ chữ Vì), sẽ đổ ra cho MỌI người được tha tội..”

Do đó,  L.M Hilarius Trần Khắc Hỷ đã ghi lại một số ý kiến chống đối và chỉ trích bản dịch 1992,1993 như sau: - Một Linh Mục 83 tuổi, làm việc tại vùng Long Xuyên An Giang, cho biết: từ 15 năm qua, không dám dùng Công Thức: ”Này là Mình Thày”. Vì LÝ DO: vừa đọc xong Lời Truyền Phép, thì cả Nhà Thờ phá lên cười, vì họ nghĩ ngay đến các Thầy (dê) hãm đàn bà con gái….. L.M Hilarius cũng cho biết: các địa phận Bắc Việt  chống lại, trong miền Nam, các địa phận Qui Nhơn, Vĩnh Long, Cần Thơ, Long Xuyên, cũng chống bản dịch : ”Này là Mình Thày” Ngoài ra, trong văn mạch Tiếng Việt, thì danh từ”Thày”, ở ngôi thứ ba, nên được dịch từng chữ ra Anh Ngữ: ”Này là Mình Thày” là: “This is the body of teacher”.-

 L.M. Trần khắc Hỷ cũng dẫn chứng lời chia sẻ tâm tình của Linh Mục Gildo Dominici ( gốc là người Ý, lấy tên Việt Nam là Đỗ Minh-Trí, tác giả cuốn sách nổi tiếng: ”Việt Nam Quê Hương Tôi” ):” Tôi biết 5 thứ tiếng, nhưng chưa từng thấy có ngôn ngữ nào, quá phong phú như Tiếng Việt, nhất là các cách xưng hô, có trên có dưới, có tình có nghĩa, có trước có sau, có Trung có Hiếu, có Trời có đất, có Ông Bà Cha Mẹ, có anh có chị, có chú bác cô dì, có cháu chắt, quá trật tự, quá văn minh, cho nên Công Thức Truyền Phép Thánh Thể ”Này là Mình Ta”, thì rất đúng, rất xứng đáng Chúa Cả trời đất muôn vật”.

 

B. Những Ý Kiến  Khác Nhau về  cách  Dịch: ” Này là Mình Thầy”

1/.Về Lời Truyền Phép, UBPT/HĐGMV/VN, trong cuốn ”Nghi Thức Thánh Thể-2005”, chỉ lập lại cách phiên dịch của bản dịch 1992, mà không cho biết LÝ LẼ, tại sao lại giữ nguyên trạng bản văn như vậy: ”Này là Mình Thày, Này là Máu Thầy” (Chỉ đổi “mọi người” ra “nhiều người”, và thêm chữ “Vì”) Các tín hữu  bất mãn, hoang mang, vì “Lời Truyền Phép”quan hệ nhất đến Đức Tin Công Giáo, và từ ngữ dùng để diễn tả một cách uy nghi, trang trọng của Việt ngữ, đã  bị sửa chữa  vội vàng trong bản dịch 1992, trước khi được sự chuẩn nhận  của Tòa Thánh cho phép phát hành. Do đó, đã gây sự bực bội, hoang mang trong Cộng đồng tín hữu, và đã có nhiều Thư khiếu nại lên Bộ Phụng Tự, ở Roma. Bản dịch 2005 đã không cứu xét những lời phê phán trong 15 năm thử nghiệm,  chỉ lập lại, và không có lời giải thích Lý Lẽ để giúp bổn đạo học thêm Giáo lý! Việc bỏ thăm, theo nguyên tắc: “Đa số thắng thiểu số”, không phải là tiêu chuẩn tốt nhất có thể bảo đảm về CHÂN LÝ, về Sự Thật, vì nhiều khi đa số lại thiếu thông tin, nghiên cứu và sai lầm! Chỉ có những Lý Lẽ chính đáng mới có sức mạnh thuyết phục nhân tâm tin theo.

2/. Gần đây có in bản:”CHÚ THÍCH về Bản Dịch Nghi Thức Thánh Lễ 1992 của Uỷ ban Phụng Tự”năm 1992. Trong bản Chú Thích này, các thành viên ban phiên dịch đã công phu cân nhắc các cách chuyển ngữ từ bản gốc LaTinh hay Hilạp sang Việt Ngữ. Đây là điều đáng khen lao vì giúp cho tín hữu học biết về Giáo lý, Kinh Thánh. Ở đây chỉ xin phê bình, nhận xét riêng trong đoạn văn Chú thích về ”Lời Truyền Phép”. Nhóm phiên dịch  đã chấp nhận lập trường như sau:”

Về từ “Ta”, theo TĐTV/VN, thì từ “Ta” đã bị đánh giá là cũ, lại còn bị định nghĩa là “từ dùng để tự xưng khi nói với người khác, thường với tư cách là người trên”. Còn theoTĐVN, thì “Ta” là tiếng tự xưng của người trên đối với kẻ dưới hoặc ngang vai, hoặc với ý kiêu căng………. Nói tóm lại về cách xưng hô Mt 26, 26-29 và cũng là Lời Truyền Phép. Vì những lý do Kinh Thánh và ngôn ngữ vừa được trình bày, chúng tôi không chọn cách xưng hô ”Ta” /các ngươi, “Thầy"/các con, “Ta”/ anh em, mà chọn cách xưng hô ‘Thầy/anh em như thường gặp trong bản dịch của Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn.

- Nhận xét chung, bản “Chú Thích” có  ưu điểm là nêu lên những Lý Lẽ về ngôn ngữ, về Kinh Thánh, Thần học, để giúp các độc giả học hỏi thêm. Đặc biệt, đã đề cập đến tâm tình dân Việt khi dùng các ĐẠI TỪ xưng hô, tuỳ theo địa vị lớn nhỏ trong gia dình, và trong họ hàng, xã hội như trong Đạo Giáo, và phong tục, tập quán dạy. Đây là nét đặc thù, tinh tế của Việt ngữ, khác với  các ngôn ngữ trên thế giới, kể cả nước láng giềng Trung Hoa, chỉ dùng một đại từ như: I, Je, you, vous, ngộ, nị, v.v. 

3/. Bản dịch  “Kinh Thánh Tân Ước” của Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn,  Ngài đã tùy “văn cảnh”, hoàn cảnh , tuỳ cách diễn tả tâm tình mà đổi cách xưng hô với CHÚA GIÊSU, CON THIÊN CHÚA, NGÔI LỜI NHẬP THỂ, vì chính CHÚA cũng đã  bày tỏ mối tương quan, liên hệ như:  trong bữa Tiệc Ly, Chúa nói với các mộn đệ:” Thầy gọi anh em là bạn hữu (philôus:Gioan 15,15); Chúa Giêsu nói với Thành Maria Mađalêna, sau khi Phục Sinh:” “Hãy đi gặp anh em (adelphôus: Gioan 20, 17). Trong Thư  gửi tín hữu Roma ,8: 29, Thánh Phaolô gọi Chúa Giêsu là: ”Trưởng Tử giữa một đàn em đông đúc“  Đây cũng là một Lý Lẽ chính đáng hợp tinh hoa Văn Hóa Việt, không gặp thấy ở nơi các nền Văn Minh khác.

- Điều dáng LƯU Ý: Bản Chú thích đã phân tích tỉ mỉ bản dịch Phúc Âm của ĐHY Trinh Văn Căn, về cách Ngài dùng các đại từ xưng hô trong Việt Ngữ, nhưng đã  KHÔNG chú ý đến dụng tâm, “ cố ý “ của Ngài khi phiên dịch “Lời Truyền Phép”, vì luôn luôn ĐHY dịch là: Mt: 26, 23: Đây là MÌNH TA”, Mt, 28: ”Đây là MÁU TA” và trong Mc: 14, 22: ”Đây là MÌNH TA”, Mc: 14,24: ”Đây lả MÁU TA. Bản Chú Thích viết:” c/ theo bản dịch này( bản dịch của ĐHY Trịnh Văn Căn), thì hình như hai cách xưng hô ”Ta/anh em và Thầy/ anh em, không có sự phân biệt cố ý” . Tại sao nói là ĐHY “không có có sự phân biệt cố ý? Các đề tài khác, hoàn cảnh khác, ĐHY dùng các đại từ chỉ mối tương quan giữa CHÚA GIÊSU và các môn đệ  theo cách xưng hô của người Việt, nhưng khi dùng lời”Truyền Phép”, ĐHY luôn luôn dùng đại từ “TA” (như đã trích ở trên;  bản Chú Thích cũng đã đánh sai số câu trong sách Phúc Âm , như Mt 26, 28, thì lại viết 23;  bỏ câu: Mc 14, 22: “Đây là Mình Ta") . Khi bỏ phiếu “lấy đa số”, để chọn cách xưng hô trong Lời Truyền Phép, Bản Chú Thích viết:” Nói tóm lại về cách xưng hô ở Mt 26, 26-29 và cũng là lời Truyền Phép. Vì những lý do Kinh Thánh và ngôn ngữ vừa được trình bày, chúng tôi không chọn cách xưng hô ”Ta/các ngươi, Thầy/các con, ”Ta/anh em, mà chọn cách xưng hô ”Thầy/anh em” như thường gặp trong bản dịch của Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn” Đây là một sự ngộ nhận và giải thích sai lạc đối với bản dịch Kinh Thánh Tân Ước” của ĐHY Trịnh Văn Căn.

4/.Độc giả thắc mắc, và đặt những câu hỏi như: tại sao các giáo sĩ khoa bảng thời nay, không nghiên cứu, học hỏi một cách tường tận tinh túy của Ngôn ngữ Việt, Văn Hóa Việt để làm lợi khí Truyền Đạo, như các bậc đàn anh là các Nho sĩ  đã cộng tác với các giáo sĩ ngoại quốc, để sáng tác ra chữ ”Quốc Ngữ”? Nguồn gốc đại từ “TA”, có ý nghĩa gì? Tại sao chỉ tra cứu  cuốn TĐTV/HN (Tự Điển Tiếng Việt/ Hànội) hay TĐVN (Tự Điển Việt Nam) mới xuất bản gần đây, các từ ngữ Việt đã được định nghĩa lại, theo chiều hướng của văn hóa Mácxít, nên “xét lại” những ý niệm về Thánh Thiêng (Le Sacré), về Luân Thường Đạo Lý, và Tập quán trong xã hội, gia đình cổ truyền của Dân Tộc Việt Nam. Bản Chú thích viết:

” Về từ “Ta”. Theo TĐTV/HN, thì “Ta“ đã bị đánh giá là ”cũ”, lại còn bị định nghĩa là “từ dùng để tự xưng khi nói với người khác, thường với tư cách là người trên”.Còn theo TĐVN (Tự Điển Việt Nam) thì “Ta” là tiếng tự xưng của người trên đối với kẻ dưới hoặc ngang vai, hoặc với ý kiêu căng”. Nhưng trong Văn Hóa Việt nam, cần phân biệt: điều gì “cũ”, “cổ”, “xưa”, nhưng TỐT, thì nên giữ ; cái gì xấu, lạc hậu, thoái hóa, mới nên gạt bỏ. Bởi vậy, dùng tinh hoa của Việt ngữ để diễn tả Uy Quyền của Đấng Tạo Hóa, của “Con Đức Chúa Trời” truyền lệnh cho loài người, là tạo vật, bằng cách xưng là: “TA” , thì có gì là không hợp thời, trừ phi đứng trong quan điểm vô thần, coi “Ông Trời”, Thần Thánh, ông bà, cha mẹ... đều là “đồng chí” cả. Trong TĐTV/HN,  còn một định nghĩa về từ”Ta” (mà bản Chú thích bỏ quên): “Ta” đại từ ngôi thứ nhất, số ít, nghĩa như “MÌNH”: ví dụ: “Được lòng TA, xót xa lòng người” (tục ngữ).  TĐTV/HN, cũng viết:” “Ta” có nghĩa là :thuộc về “MÌNH”, của “MÌNH”: Ví dụ: Nước Ta, Quân Ta, Nhà Ta; hoặc có nghĩa là: Ấy, đó, đã được nói đến: ví dụ: Anh Ta, Bà Ta. 

 

Nói tóm lại,  cách dịch “Lời Truyền Phép”: “ MÌNH THẦY”, MÁU THẦY”:

1/ Ý kiến của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ cũng là thành viên UBPT của Bản Dịch “Nghi Thức Thánh Lễ 1992“.  Bản dịch “Nghi Thức Thánh Lễ “2005 chỉ lập lại mà không có Lý Lẽ giải thích . Nhưng bản dịch 1992, về “Lời Truyền Phép” đã không theo đúng bản dịch của ĐHY Trịnh Văn Căn: “MÌNH TA, MÁU TA”. Ngoài ra, cách giải nghĩa về nguồn gốc đại từ “TA” của Tiếng Việt, như trong TĐTV/HN vừa lệch lạc, vừa không đầy đủ ý nghĩa.

2/ Một ý kiến khác ( do một vị cao cấp trong HĐGM/VN cho biết): cách dịch : ”MÌNH THẦY, MÁU THẦY”, thì “dễ hiểu” và “bình dân”. Như độc giả đã biết: Bản dịch “Nghi thức Thánh Lễ” 2005, chỉ lập lại:” Mình Thầy, Máu Thầy” của bản dịch năm 1992, mà không đưa ra Lý Lẽ chính đáng, thuyết phục.  Còn về “dễ hiểu và “bình dân’, thì từ “TA”, cũng phổ biến trong ngôn ngữ hằng ngày như câu: ”TA về TA tắm ao TA, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn” (Ca dao Việt Nam). Trong các Thánh Vịnh đọc hằng ngày, vẫn dùng từ “TA”, khi chỉ Chúa phán bảo, truyền lệnh cho dân Chúa. Trái lại từ ”Thầy” là một danh tự chung, chỉ mối liên hệ hạn chế giũa tình: ”Thầy/trò”. Vả lại, nhiều khi, từ Thầy trờ thành phương ngữ cho từng giới, từng địa phương, đôi khi mang ý nghĩa xấu như: Thày cúng, Thầy phù thủy….

3/ Một ý kiến khác, nghịch với hai ý kiến trên cho rằng: ”Trong bối cảnh bữa Tiệc Ly, Chúa cư xử thân tình với các môn đệ, giả sử Chúa nói với các Tông Đồ bằng Tiếng Việt, thì chắc chắn Chúa đã không gọi họ là “các con” và xưng “Thầy’ như trên (bản dịch 1992, 2005), mà sẽ gọi họ là “anh em” hay ”các bạn” và xưng “Tôi”… Nhưng nếu nói “Mình Thầy” thì không lột được ý thân tình Chúa muốn gọi các môn đệ là “Bạn hữu”, khi đó có chăng  chỉ đúng trong tâm tình tôn kính dành cho Chúa là Cha mà thôi”…..

4/ Một ý kiến khác nữa: Trong bữa Tiệc Ly, khi Truyền Phép Thánh Thể, biến Bánh thành Minh Chúa, Rượu thành Máu Chúa, thì biến cố đặc biệt này Chúa  có ý “Truyền Phép Thánh Thể” cho tất cả nhân loại cho đến tận thế, nêa phải dịch là “TA”, vì từ này vừa chỉ uy quyền của Thên Chúa, lại có ý nghĩa bao quát, Chúa muốn phán bảo mọi người phải TIN. Chúa cũng phán: “Máu TA sẽ đổ ra cho NHIỀU NGƯỜI được tha tội”  Nếu dịch: Chúa nói: “Đây là Mình Thầy...Đây là Máu Thầy, thì ra như chỉ nói riêng với nhóm 12 môn đệ thân tình, bạn hữu giữa Thầy/Trò mà thôi. Do đó, một số Anh Em Tin Lành, lấy lý do đó, không tin Chúa Giêsu sẽ hiện diện trong các cuộc cử hành Thánh Lễ sau này.

5/.Dầu trong Phúc Âm, có nhiều lúc Chúa gọi các môn đệ là “Anh/Em, là “Bạn hữu”..Nhưng trong giây phút linh thiêng, nghiêm trọng này, khi đọc “Lời Truyền Phép”, Chúa không nhằm nói đến mối liên  hệ thân tình giữa Thầy/trò hay bạn hữu, giữa Chúa và các môn đệ nhưng Chúa Giêsu muốn phán truyền, tuyên bố cho  loài người và cho cả các Thánh Thiên Thần (Panis Angelicus) biết: Chúa đã dùng quyền phép của một Thiên Chúa toàn năng, ( “Chúa phán một Lời, thì liền có trời đất, Genesis, đoạn I, Sáng tạo vũ trụ” ) để làm một “Phép Lạ”, trí khôn nhân loại và các Thiên Thần không thể hiểu được, khi Chúa PHÁN: ” ĐÂY là MÌNH TA”. “ĐÂY là MÁU TA”, tức thì Bánh và Rượu biến thành “MÌNH TA”. MÁU TA” thật, không phải là của “ai” khác. Chính “Mình của Ta”  và Máu của Ta”, tức là “CHÍNH THÂN THỂ TA “ sắp bị nhừ đòn, thịt nát, đầu đội mão gai, Máu tuôn trào, để Cứu Chuộc “cả và thiên hạ” (vũ trụ và nhân loại). Do đó, Chúa đã truyền lệnh cho mọi người phải TIN thật như vậy, nếu muốn được lãnh Ơn Cứu Chuộc.      

Trong Đoạn II/ dưới đây, sẽ đặc biệt giải thích Đại từ “TA”, (và một số Đại từ khác) nhờ công trình sưu khảo của các  nhà Ngữ học danh tiếng như GM. Taberd, L.M.Lê Văn Lý, và Học giả Bình Nguyên Lộc, giúp  ta hiểu biết hơn về giá trị tinh tế của Tiếng Việt và cách thức dùng Ngôn Ngữ và Văn Hóa Việt, để truyền bá  Tin Mừng, trong bối cảnh Văn Hóa Việt là  một nếp sống Tâm Linh , Đạo Đức, và Lễ Nghĩa. 

 

II.. Ý Nghĩa những  Từ “THẦY”,  “MÌNH”, “MIN”, “TA” trong Văn Hóa, Ngôn Ngữ Việt.  

A./ Theo Huấn Thị Số 5(03/2001) của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích về vấn đề Phiên Dịch, cần phải chú trọng :

1/. Nội Dung Tín Lý, Kinh Thánh, Thần Học của Hội Thánh, cần phải dịch cho đúng nghĩa, càng sát nghĩa với nguyên bản Latinh càng tốt. Gần đây, ngày 21/ Nov/2006, ĐHY Francis Arinze Tổng Trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích đã gửi Thư cho các Giám mục toàn cầu, xin sửa lại bản dịch trong Lời Truyền Phép” là “cho nhiều người” (”pro multis”, như nguyên bản văn Latinh), thay cho bản dịch bản dịch hiện nay:”cho mọi người” ( như bản dịch, năm 1992). Văn kiện “Liturgiam Authenticam” cũng đã xác định: ”cần phải dịch trung thành với bản văn Latinh”

2/ Huấn Thị cũng khuyến khích dùng các từ, ngữ pháp, lối hành văn giúp cho bản văn dễ hiểu và hợp với nét đặc thù của từng ngôn ngữ: đó là vấn đề ngày nay, gọi là: Hội Nhập Văn Hóa (Inculturation). Những từ ngữ đã quen dùng, được thử nghiệm lâu đời mà vẫn còn giá trị xác thực về Giáo lý, Đức Tin, thì không được thay đổi, vì gây hoang mang trong Cộng Đồng.

3/ Huấn thị 05 (coi số 25) cũng nói: Nhờ dùng ngôn từ Ca ngợi và Tôn Thờ,  để đốt lửa  nhiệt tâm Tôn Kính đối với Thiên Chúa Quyền Năng , đầy Tình Lân Tuất, và Bản thể Siêu Việt... ( Per verba laudis et adorationis, quae reverentiam et animum fovent erga Dei majestatem ejusque potentiam, misericordiam, atque naturam transcendentem,…). Do đó, có thể nói, Huấn thị chống lại những kiểu nói: bình dân, thô kệch, coi Chúa cũng bằng vai người phàm tục..

 

B./- TIN MỪNG của Chúa Cứu Thế cần mặc một bộ Áo Văn Hóa Việt Nam”, nghĩa là  cần học hỏi nơi những nhà chuyên khảo về Ngôn ngữ, Lịch sử, Chủng tộc,Văn Hóa Việt Nam, để biết cách “Hội nhập“ trong công tác dịch thuật, chuyển ngữ. Tất cả công cuộc sáng tác chữ “Quốc Ngữ” và dịch thuật của “Kho Tàng Hán-Nôm”  đã minh chứng nỗ lực lớn lao “Đáo giang tuỳ khúc, Nhập gia tuỳ tục” của Hội Thánh Công Giáo Việt Nam. Sau này, tại miền Nam Việt Nam, các Giáo sĩ, và các Văn sĩ Công giáo, cũng như ngoài Công Giáo, đã tiếp tục sáng tác và phiên dịch các tác phẩm từ chữ Hán, Nôm, các tiếng Latinh, Pháp, Anh v.v sang chữ “quốc ngữ” .

1-Theo “Lịch Sử Truyền Giáo tại Việt Nam”, các nhà Truyền Giáo ngoại quốc như Bồ Đào Nha, như Francisco De Pina, đã cộng tác với các Thày Giảng, các Giáo sĩ bản xứ như LM Philipphê Bỉnh, (coi sách “Các nhà Truyền Giáo Bồ Đào Nha và thờì kỳ đầu của GHCGVN”, tác giả Roland Jacques, 2004); Cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) là môn sinh của Cha Francisco De Pina, đã có công sưu tập, nhuận sắc, hoàn chỉnh các tài liệu có sẵn, để xuất bản cuốn Tự Điển (và Văn Phạm): “Dictionarium annamiticum, lusitanum, et latinum” (Tự điển Việt-Bồ-La) in tại Roma, năm 1651 

2- ĐGM Pierre Pigneaux de Behaine (Bá Đa Lộc) đã soạn “Dictionarium Anamitico-Latino" (Bản chép tay) năm 1772-1773, nhưng chưa soạn xong hẳn. Sau này, cuốn tự vị chép tay đó đã được ĐGM J.B Taberd (1794-1840) dùng làm tài liệu, với sự hợp tác của  Philiphê Phan Văn Minh, để soạn cuốn “ Nam Việt Dương Hiệp Tự Vị” -Dictionarium anamitico-Latino, năm 1838, đã cho in tại Serampore, Ân Độ.- Cuốn Tự Vị danh tiếng này, đã sửa lại cho thích hợp với các từ ngữ miền Bắc Việt Nam, do ĐGM Simon Joseph Theurel, in tại Ninh Phú, Hà nam, năm 1877: ”Dictionarium Anamitico-Latinum” (Tự Vị Việt-Latinh)- cuốn Tự Vị này cũng được sửa lại do L.M M.H.Ravier, và in năm 1880, cũng tại Ninh Phú, Hà nam.

[ Chú Thích của người viết: Ninh Phú là làng Quê Hương tôi, bên bờ sông Đáy, Huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, đã từng là trụ sở của Địa Phận Tây Đàng Ngoài, trước khi Tòa Giám mục được rời về Nhà Chung Hà Nội như ngày nay; khi tôi bắt đầu học Tiếng Latinh, tại Chủng Viện (Trung Học) tại Hoàng Nguyên, các chủng sinh đều dùng cuốn Tự Vị quí hóa này].

3-Toát lược mấy điểm quan trọng do kết quả sưu khảo về Từ Ngữ Việt của các Từ Điển trên :

a/. Các Từ Điển đều là: ”VIỆT- LATINH” (và Bồ Đào Nha), vì Tiếng Latinh là  gốc (etymology) của các tiếng Ý, Pháp, Tây Ban nha. Bồ Đào Nha, ( một phần Anh Ngữ, Đức Ngữ, thuộc ngôn ngữ Anglo-Saxon); Tiếng Latinh, thời bấy giờ còn là ngôn ngữ của các nhà trí thức, triết học, thần học và khoa học..). Đây cũng là một vinh d cho Tiếng Việt, vì được nhiều giới trí thức Âu Châu biết.

- Nhiều từ ngữ Việt, có thế kỉ 16, 17.., mà ý nghĩa vẩn không thay đổi, như:

        “TA”, (theo Tự Vị Đắc Lộ, trang 711, Án bản Roma, năm 1651), định nghĩa như sau: ”ego, ita loquitur superior cum inferioribus sed gravibus personis.., habet significatiomem singularis cum quis loquitur cum inferioribus modeste" ( từ “TA”   chỉ số ít, dùng để xưng hô với người cấp dưới, nhưng đáng quí trọng ). Chú ý:Theo tinh thần Việt ngữ, khi xưng “Tao”, là có ý giận dữ, và xưng “tôi”, với người ngang hàng.

       “ MIN”, (trang 461): ego, cum aliqua praeminentia” (từ MIN, có nghĩa là Tôi, với một vẻ cao cấp hơn)

       “ MÌNH”, hay “MỀNH”(trang 464): corpus, poris( thân xác)

 

b/. Theo sách “Ngữ Pháp Tiếng Việt của TABERD 1838” (do Nguyễn Khắc Xuyên biên khảo, Thời điểm xuất bản, 1994). Về Đại từ (trang 41) :- Về ngôi thứ nhất, vua thì dùng TRẪM, người trên thì xưng TAO, TA, MIN, người dưới đa số xưng Tôi (tôi tớ đầy tớ)…_ Về Đại từ Sở hữu (Possessive Pronoun) thì dùng MÌNH, như của Mình(res sua, res tua): cũng dùng đại từ chỉ Ngôi, như của TÔI (TA, res mea)..; Về Đại từ Tương Phản ( Reflexive Pronoun) Latinh SUI, SIBI, SE được hiểu do tiếng MÌNH… Ví dụ:ai nấy yêu MÌNH; chúng nó liều MÌNH lắm . Ngữ Pháp TABERD còn nghiên cứu tường tận ý nghĩa từ MÌNH, trong Việt ngữ như: (trang154): ..Có khi dùng từ ‘MÌNH” để tỏ ý khinh chê về danh phận một người nào, mà không cần dùng lời lăng nhục, như khi người cha mắng đứa con đã trưởng thành:” Mình chóng quên những điều cha mình đã dạy khi xưa, mình chẳng nhớ mình là con.- Từ Điển của TABERD, đã hoàn chỉnh về cách viết chính tả, về các dấu, các vần trong Việt Ngữ, cho đến ngày nay, vẩn không thay đổi. 

 

C./Các Nhà Nghiên Cứu về Ngôn Ngữ Việt Nam, sau Thời Kỳ các vị Truyền Giáo  

   1/. Tự Điển Truyện Kiều. Trong văn Học Sử Việt Nam, đại thi hào Nguyễn Du, đã dùng những từ ngữ tiếng Việt một cách tài tình, tinh tế, để diễn ta những uẩn khúc éo le của tâm hồn nhân loại trong mọi cảnh ngộ. Các bậc thí bá quốc tế cũng đều ca ngợi. Đó là một vinh dự lớn lao, minh chứng khả năng chính xác, và phong phú của Việt Ngữ.

Sau đây, chỉ xin nêu ra mấy từ ngữ, liên quan đến Chủ đề này, đã được giải nghĩa trong cuốn ”Từ Điển Truyện Kiều”, do học giả Đào Duy Anh biên soạn, xuất bản năm 1971.

             “TA” (trang 353): Từ để chỉ ngôi thứ nhất, hoặc có ý nói  trống, hoặc có ý thân thiết, hoặc có ý tự cao, hoặc để chỉ ngôi thứ nhất số nhiều:

            Ví dụ: ” Khéo vô duyên bấy là mình với TA” (câu 74)

            “MIN” (trang 246): Từ xưa nghĩa cũng như TA, người trên xưng với người dưới với sắc thái là dùng khi không nỡ xưng tao:

            Ví dụ: ”Thôi đà cưóp sống chồng MIN đi rồi”(câu 964)

             “ MÌNH” (trang 247): -Thân của người, thân thể, tính mệnh, Vd: “băng mình” (c.536)- Từ để chỉ tự thân mình, tự mình. Vd: ” Tính ra mới biết rằng mình chiêm bao”- Từ để chỉ người thân ở ngôi thứ hai.Vd: ” Khéo vô duyên bấy là mình với ta” (c.74)

             “THẦY” (trang 387):- Người dạy học, dạy đạo, dạy nghề cho học trò; người làm nghề kỹ thuật và phương thuật.Vd: ” Cắt người coi sóc rước thầy thuốc men”; -Chỉ người chủ đối với người tôi tớ.Vd: ” Trước thầy sau tớ”

  2/.” Việt Nam Tự Điển”,  Ban Văn Học, Hội Khai Trí Tiến Đức Khởi Thảo, in năm 1931. Cuốn Tự Điển này được sưu tập, nghiên cứu qua các sách, các truyện cổ, ca dao tục ngữ… đặc biệt do các Nho Sĩ, các vị Khoa bảng thời xưa, muốn lưu truyền cho thế hệ tương lai những kho tàng phong phú về ngôn ngữ và Văn hóa của Nước Nhà.

Sau đây, là mấy định nghĩa của những từ ngữ liên quan đến chủ đề này:

                “TA”: -Tiếng để chỉ về mình, đối với người khác: Nước ta, Nhà ta, Bạn ta;- “ Được lòng ta, xót xa lòng người”; “Ta về ta tắm ao ta, Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”; -Tiếng người trên tự xưng với kẻ dưới: Ta bảo phải nghe

                “MIN”: nghĩa là” Ta”: Tiếng người trên xưng với người dưới: ”Thôi đà cướp sống chồng min đi rồi” (Kiều); “Min đây chẳng phải các thầy” (Lục Vân Tiên)

                 “MÌNH”: - Thân người ta: “Mình già sức yếu”; -Ta, đối với người mà nói: “Mình làm, mình chịu kêu mà ai thương” (Kiều), “Khư khư mình buộc lấy mình vào trong” (Kiều); - Tiếng gọi thân: ”Mình ơi”!

                  “THẦY”: - Người dạy học: ”Tình thầy trò”; - Chủ, đối với tớ:” Đạo thầy, nghĩa tớ”;- Tiếng gọi tôn những người có học: Thầy thông, Thầy ký;-Tiếng của vua gọi các quan, hay là của quan lớn gọi các quan nhỏ: ”Thầy phủ, thầy huyện; Tiếng gọi những người làm nghề gì cần phải có sách vở: Thầy cúng, Thầy bói, Thầy thuốc, Thầy phù thủy

 

3/. Các nhà Ngữ học Miền Nam- Việt Nam

Tiếp nối sự nghiệp nghiên cứu và hoàn chỉnh Việt Ngữ, tại miền Nam-Việt nam, những nhà ngữ học, dịch thuật danh tiếng như:

a/.Nhà Bác học Trương Vĩnh Ký, đã có công dịch Tứ thư, Ngũ Kinh, chuyển ngữ “Truyện Kiều” sang vần chữ “Quốc Ngữ”, và viết sách về Văn Phạm, về Tự Điển Pháp-Việt..

- Paulus Huỳnh Tịnh Của viết:”Đại Nam Quấc Âm Tự Vị”, Rey  Curiol et Cie 1895.

- Lê Ngọc Trụ, viết: ”Tầm Nguyên Tự Điển Việt Nam”, và Việt Ngữ Chính tả Tự Vị.

- Vương Hồng Xển viết: ” Tự Vị Tiếng Việt Miền Nam”

b/. Linh Mục Lê Văn Lý, Tiến Sĩ Ngữ Học, viết Luận Án: ”Le Parler Vietnamien. Sa structure phonologique et morphologique. Esquisse d’une grammaire Vietnamienne” và cuốn “Sơ Thảo Ngữ Pháp Việt nam”.

Theo cách giải thích về Ngữ Pháp trong “Sơ Thảo Ngữ Pháp Việt nam”, của L.M Lê văn Lý (xin coi: số 72, 175, 176, 177).

-         số 72:  “TÔI”, “TA”, Mày, Nó..là những tự ngữ chỉ NGÔI (NGÔI TỰ)

-         số 175: Hư Tự CỦA: - Khi là Danh tự, CỦA có nghĩa là vật sở hữu; Khi là Hư tự, CỦA được dùng làm ngữ vị chỉ sự SỞ HỮU, CỦA được đặt ở giữa vật sở hữu và chủ của:

               Tỉ dụ: Sách CỦA tôi

                        Sách: vật sở hữu,

                        Tôi: chủ của.

-         số 177: Trường hợp Ngữ vị CỦA không cần phải diễn ra:

Khi tự ngữ chỉ vật sở hữu và tự ngữ chỉ Chủ của được đặt cạnh nhau, theo Qui tắc Minh Xác, nghĩa là tự ngữ được chỉ định đứng trước tự ngữ chỉ định, liên hệ sở hữu đã rõ ràng, trong trường hợp đó, không cần phải diễn Ngữ vị CỦA ra:

          Tỉ dụ: Sách tôi ; Làng nó; Cha anh…

                   Mái nhà; cánh chim; lá cây…

Căn cứ vào thẩm quyền chuyên môn về Ngữ Pháp Việt Nam của L.M Lê Văn Lý, ta có thể áp dụng qui tắc Ngữ pháp trên vào việc dịch cụm từ Latinh, trong Lời Truyền Phép:

-         Hoc est enim “CORPUS MEUM”  là:” Đây là “MÌNH CỦA TA”

-                                                                 hay Đây là “MÌNH TA

-         Hic est enim “SANGUIS MEUS” là :“Đây là “MÁU CỦA TA” hay

                                                                  “ Đây là”MÁU TA”  

4./ Học Giả Bình Nguyên Lộc

Học Giả Bình Nguyên Lộc đã sưu tầm và xuất bản những Tự Vựng đối chiếu, và Nguồn gốc về Ngôn ngữ Việt Nam như:” “Tự Vựng Đối Chiếu 10 Ngàn Từ giống nhau giữa ngôn ngữ Việt nam, Chàm, …Cao Miên..Thái, Tây Tạng…Nhựt bổn Đại Hàn..Phi Luật tân, Nam Dương..Ba Thục, Mân Việt, Sở”;- “Nguồn Gốc Mã Lai của Dân Tộc Việt Nam”, và cuốn( được dùng trong bài thuyết luận này)”Lột Trần Việt Ngữ” (Xuân Thu, 1990, Los Alamitos, California,USA) . Học Giả Bình Nguyên Lộc đã định cư và tạ thế tại Thủ phủ Sacramento, Tiểu bang California vào khoảng năm 2000 (?)

[Trong bài viết này, không bình luận những giả thuyết về Nhân Chủng học, về “Nguồn Gốc”, hay địa bàn sinh sống của Người Cổ-Việt, hay Bách Việt (Xin coi bài:”Gốc tích chữ: ”VIỆT”,trang 89, Chương hai, đoạn một  sách:” Đạo Thiên Chúa, Dân Nước Việt”: www.dunglac.net/caophuongky ) . Nhưng chỉ toát lược những khám phá về hình thức (morphology), và ý nghĩa của mấy danh tự, đại tự, liên hệ đến chủ đề này, để độc giả thêm tài liệu, phán đoán về cách thức phiên dịch nào đúng với tinh tuý của Việt ngữ]

 Theo học giả Bình Nguyên Lộc, trong sách ”Lột Trần Việt Ngữ, từ trang 104-115, Ông đã bàn về mấy từ : TA, MIN, MÌNH như sau:

-   Trước đời các vua Hùng Vương, các bộ lạc (thuộc Bách Việt) đã có ba đại  từ ngôi thứ nhất:

AKU: để người xưng hô với người

KITA: để vua xưng hô với dân

KAMI: để thần xưng hô với người

-   Vua Hùng Vương đã mượn KITA của họ để phân biệt quí (phái) với tiện(dân). (Bên Trung hoa, Tần Thuỷ Hoàng xưng Trẫm, và bắt dân xưng: ngô, ngã.)

-   Về sau, Lạc bộ Mã (người Mường) và Lạc bộ Trãi (Việt) biến KAMI thành ra MIN. Và MIN tồn tại cho tới thời các cố đạo Tây phương đến xứ ta.

-   Vua Hùng Vương tiếp tục xưng KITA cho đến khi bị Thục phán cướp ngôi.  Vua Đinh Bộ Lĩnh bắt chước Tàu xưng là Trẫm, và dân Việt bỏ âm KI, chỉ còn TA, như ta thấy ngày nay:

Việt nam: TA; Chàm: KTA; Giarai: TA; Mường :TA   

-   Khi các cố đạo Tây phương đến xứ ta để giảng đạo thì họ mượn KAMI(đã biến thành MIN rồi) để đặt vào miệng Đức Giêsu…..Khi ta đọc sách truyền đạo của các cố đạo Kitô- giáo, viết bằng quốc ngữ hồi thế kỉ 17, là rất ngạc nghiên, tự hỏi sao Đức Chúa Trời, Đức Chúa GiêSu không xưng với loài người là TÔI ĐÂY, TAO ĐÂY, mà tự xưng là MIN ĐÂY, chữ MIN đó không có H cuối. Các ông thuộc sách giảng đạo làu làu cũng chẳng trả lời ta được khi ta hỏi họ nguồn gốc của đại danh từ MIN kỳ khôi ấy trong Việt Ngữ. Họ chỉ nói đó là tiếng cổ. ….Dân chúng dùng đại từ MIN, nghĩa là TA, (TÔI) rất thịnh hành đời Thi hào Nguyễn Du:

“Thôi đà cướp sống chồng MIN đi rồi”

-  Khi dân chúng Việt nam tự xưng là MIN, thì họ lại cho nó mọc cái đuôi H,  mới đây thôi, tức sau Nguyễn Du.

-   Thế thì MÌNH với TA tuy hai mà vẫn là một vì đồng nghĩa. Nhưng MÌNH với TA tuy một mà là hai vì khác ngữ nguyên. Và đây là trường hợp Mình với Ta tuy hai mà triệt để hai, hoàn toàn hai, đó là CÁI MÌNH (thân thể), hiện chỉ có bốn quốc gia là giữ được:- Nhựt Bổn: Mi; Đại Hàn: Mon; Việt nam: Mình; Thái lan: Hmơan.”                    

-   [Chú Thích của người viết về nguồn gốc cụm từ:”Mình với Ta”, “Ta với Mình”. Thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu đã sáng tác một bài thơ đặt tên là:”Vịnh bức dư đồ rách” , trong đó có hai câu thơ bất hủ là:

     “Mình với Ta, tuy hai mà một

      Ta với Mình, dẫu một mà hai”                       

Thi sĩ núi Tản sông Đà khi nhìn ngắm bức địa đồ (dư đồ) của Nước Việt treo trên tường đã rách nát, nên ngậm ngùi cho thân phận hẩm hiu của dân tộc Việt nam, nghèo đói, lạc hậu dưới thời đô hộ. Thi nhân coi mình gắn bó vi dân tộc Việt như đôi tình nhân thân thiết. Do đó, từ “MÌNH” ở đây là tiếng gọi thân, như: ”Mình ơi!, thi nhân dùng để như than thở với hồn Việt nam  chí thiết chí tình như đôi vợ-chồng. Trong lễ nghi hôn nhân Công giáo, đôi khi cũng dùng hai câu thơ này để cắt nghĩa ý nghĩa về Lời Chúa Giêsu trong sách Phúc Âm (Matthêu,19:3-6): ” Bởi vậy, người nam sẽ bỏ cha mẹ, và kết hợp với vợ mình, và cả hai nên một thân thể. Do đó, vợ-chồng không còn là hai, mà là một. Như vậy, những người mà Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được chia rẽ” . Giáo lý về Hôn nhân Công giáo cũng dạy: tuy hai vơ-chồng kết hợp nên “Một Thân thể” (vì thế gọi nhau là “Mình”), những vợ-chồng vẫn là hai nhân vị, nên cần phải tương kính, tôn  trọng các sở thích , các đặc tính, quyền lợi chính đáng của nhau, thì hôn nhân mới bền vững.]

- Học giả Bình Nguyên Lộc viết tiếp (trang 111): ” Nhưng Lạc Trãi lưu vực Hồng Hà (bắc Việt)… biến MÌNH một lần nữa, để dùng làm tiếng xưng hô giữa vợ-chồng... Nhưng không biết do MÌNH là THÂN THỂ hay MÌNH là TA mà ra, bởi vì do cái nào cũng hữu lý cả., bởi em yêu mình, em xem mình như TA (như em) cũng có lý, mà em xem mình như chính thân mình của em cũng có lý”

 

TẠM KẾT LUẬN: 

1/ Việc dịch : Lời Truyền Phép từ Latinh sang Việt ngữ: ”CORPUS MEUM” là ”Mình Thầy”, và dịch “SANGUIS MEUS” là “Máu Thầy”, mang nhiều khuyết điểm trầm trọng, vì trái với Huấn Thị số 5 của Tòa Thánh, như đã trình bày ở trên: cần dịch sát nghĩa Tiếng Latinh (tiếng chính thức của Tòa thánh), lại không đúng với Từ Ngữ, Ngữ Pháp Việt Nam do các nhà chuyên môn, các Vị Thừa Sai và các học giả Việt Nam khẳng định. Những thắc mắc gây hoang mang về Đức Tin như: Tại sao Lời Truyền Phép ”MÌNH TA” đã dùng hơn 300 năm, đã đổi lại mà không nêu một lý do chính đáng nào, như đã phân tích ở trên? Từ “Thầy” (trong cụm từ “Mình Thầy), là một Danh từ, ngôi thứ ba, chỉ chung những người làm nhiều nghề như thầy giáo, thầy cúng, thầy phù, thầy kiện…Kiểu nói: ”Mình Thầy”: ý nghĩa rất trống, không xác định cho hạng thầy nào cả, vả lại, ý nghĩa sẽ bị hạn chế nếu chỉ có ý nói cho một nhóm 12 có mặt, chứ không phán truyền cho cà nhân loại. Thật ra, CHÚA GIÊSU có ý phán truyền cho mọi người, vì câu: “MÁU sẽ đổ ra cho NHIÊU NGƯỜI được tha tội”, nghĩa là ai Tin TA, thì kẻ ấy sẽ được cứu rỗi!

Có ý kiến cho rằng:  từ “Thầy” cho có vẻ thân tình , thân mật. Nhưng theo một ý kiến  khác, nếu muốn nói cách bình đẳng, thì nên nói: ”Mình /Tôi”, vì chữ “Thầy”, trong Việt ngữ chỉ địa vị trên người khác như: Thầy/Tớ.

- Tiếng Latinh đã rõ ràng dùng (“reflexive possessive adjective”): Meus, Mea, Meum, để chỉ vào chính Chủ từ là Sở Hữu Chủ, là chính “THÂN MÌNH của TÔI (TA, tức MÌNH của CHÚA GIÊSU,  không thể hiểu là của Ai khác được!.

2/ Tất cả các LÝ LẼ rút ra từ các Vị Truyền giáo thông thái, đáng nêu gương sáng cho chúng ta về “Phương Pháp Hội Nhập” Đạo Thiên Chúa vào Văn Hóa Việt Nam, và công trình khảo cứu của các nhà Ngữ học Việt nam, minh chứng cách dịch Lời Truyền Phép: ” MÌNH TA”, MÁU TA”, là hợp với truyền thống tốt đẹp từ hơn 300 năm, vì ý nghĩa của Từ ngữ hợp với nguyên bản Latinh, và  dúng với Ngữ pháp Việt Nam.

CHÚA GIÊSU đã PHÁN TRUYỀN cho Nhân Lọai (và các Phẩm Thiên Thần thờ lạy):

         ĐÂY Là  MÌNH TA”…..

         “ĐÂY Là MÁU TA” sẽ đổ ra cho NHIỀU NGƯỜI được khỏi tội “…

 

  Đại từ “TA” luôn ở ngôi thứ nhất, chỉ Sở Hữu của Chủ từ là CHÚA GIÊSU. Chúa phán:

         “Đây là MÌNH của TA, hay MÌNH TA”

          “Đây là MÁU của TA hay MÁU  TA”,

  tức thì Bánh và Rượu trở nên MÌNH Thánh , MÁU thánh CHÚA GIÊSU”(Sách Giáo Lý).

 3/ Nhờ công trình khảo cứu của các nhà ngữ học về  đặc tính tinh tế, phong phú của TIẾNG VIỆT:     

 Chúng ta  hiểu ý nghĩa của Đại từ “TA” (TÔI) cũng là” MIN”; và  từ “MIN” thêm chữ H thành ra MÌNH;  và MÌNH  vẫn nghĩa là “TA”: Vd:“MÌNH làm MÌNH chịu”….

Nhưng từ “MÌNH” còn một nghĩa nữa là THÂN THỂ (THÂN MÌNH):

TA=MIN= MÌNH; MÌNH=THÂN THỂ; từ MÌNH có Hai Nghĩa: MÌNH vừa là TA,  vừa là MÌNH (THÂN THỂ)           

Lời Chúa Phán Truyền, nếu viết bằng Tiếng LATINH là: ”Ecce CORPUS MEUM”  thì người Việt dịch là: “ĐÂY là MÌNH TA

Nhưng nên hiểu một cách mạnh mẽ và xác tín theo tinh tuý của tiếng Việt là: “ Chính là TA-TA đây, ( MÌNH- TA ), chẳng phải ai khác., đang NGỰ THẬT trong Hình Bánh, Hình Rượu.

Sau chót, một lời thỉnh cầu lên HĐGM/VN và UBPT: Xin xét lại càng sớm càng tốt, bản dịch hiện đang lưu hành (1992,2005), vì không dịch  sát nghĩa với bản Latinh , và không theo đúng như Huấn Thị số 5 của Tòa Thánh, lại cũng không đúng với Ngôn Ngữ Việt Nam. Lời Truyền Phép THÁNH THỂ là Mầu Nhiệm Đừc Tin, quan trọng nhất trong ĐẠO. Nếu để sự lầm lạc tràn lan lâu ngày lâu tháng lâu năm, mà không cải chính, thì sợ rằng Đức Tin sẽ trở nên  hoang mang, và gây chia rẽ ra nhiều bè phái, tranh cãi nhau.

L.M Joseph Cao Phương Kỷ

Mùa Chúa Giáng Thế (Adventô,) 2006

Tác giả: Lm. Jos Cao Phương Kỷ

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!