Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Gs. Lê Xuân Hy, Ph.D.
Bài Viết Của
Gs. Lê Xuân Hy, Ph.D.
Ý Nghĩa của Hang Đá và Máng Cỏ: Dấu Chỉ Tuyệt Vời
Đức Tin Công Giáo và Thuyết Tiến Hóa
Ý NGHĨA CỦA HANG ĐÁ VÀ MÁNG CỎ: DẤU CHỈ TUYỆT VỜI

 


 

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô vừa ban Tông Huấn Admirabile Signum, Dấu Chỉ Tuyệt Vời, vào đầu tháng 12/2019 về ý nghĩa của Hang Đá & Máng Cỏ. Sau đây là một số ý tưởng trong Tông Huấn đó.

·        Chúa nằm trong máng cỏ (Luca 2:7), là nơi chứa thức ăn cho bò, lừa, vì Chúa là của nuôi nhân loại (Gioan 6:41).

·        Lịch sử. Ngày 10/12/1223 Thánh Phan-xi-cô đi tới làng Greccio, gần Assisi. Ngài nhờ ông Gio-an giúp ngài “làm sống lại cảnh Chúa sinh tại Bê-lem, để chính mắt có thể thấy cảnh khó nghèo của trẻ sơ sinh, nằm trong máng cỏ cạnh bò, lừa.” Ngày 25/12, các thầy Dòng và giáo dân từ các nông trại quanh miền tụ tập về Greccio, mang hoa và đuốc rọi sáng đêm thánh đó. Không có bức tượng nào, mà chỉ có một máng cỏ, một con bò và một con lừa. Mọi người tới dâng lễ tại đó, và khi về lòng ngập tràn niềm vui.

·        Máng cỏ cho ta thấy tình thương dịu dàng của Chúa. Vua Trời mà lại hạ mình xuống nhỏ bé như chúng ta. Chúa mời gọi chúng ta sống khiêm nhường, nghèo khó và yêu thương những người thiếu thốn (Mát-thêu 25:31-46).

Chi tiết trong cảnh máng cỏ cũng giúp chúng ta:

·        Cảnh trời tối: Có những lúc ta đi trong bóng tối, nhưng Chúa không bỏ rơi chúng ta. Ta có những câu hỏi nền tảng, như ta là ai, từ đâu tới, và làm gì ở đây bây giờ. Chúa làm người để mang ánh sáng và chỉ đường, trả lời cho ta.

·        Cảnh một vài căn nhà đổ nát: Giữa những tội lỗi của chúng ta, Chúa tới xây dựng lại cuộc sống, trở về cảnh huy hoàng mà Chúa đã tạo dựng ban đầu.

·        Núi, sông, súc vật, mục đồng: Tất cả cùng vui mừng như các ngôn sứ đã báo trước, với ngôi sao và các Thiên Thần mời gọi chúng ta (Luca 2:15). Mục đồng là những người khiêm nhường và nghèo khó, được tới trước, trong khi mọi người khác còn bận rộn nhiều chuyện.

·        Có khi ta thêm những nhân vật khác, từ ông thợ rèn tới bà làm bánh, từ anh nhạc sĩ, chị gánh nước tới các trẻ em vui chơi: Đây là cảnh thánh thiêng của đời sống thường ngày, vui sướng khi làm việc thường nhật, một khi có Chúa Giêsu chia sẻ thiên tính của Ngài với chúng ta.

·        Đức Mẹ chiêm niệm con mình và giới thiệu con mình với từng người khách. Lời “xin vâng” của Đức Mẹ (Luca 1:38) đáp trả trọn vẹn lời mời gọi của Thiên Chúa. Ngài không giữ Chúa Con cho riêng mình, mà mời mọi người nghe và sống lời Người (Gioan 2:5).

·        Thánh Giu-se thường đứng cầm gậy và ôm con chiên. Ngài đóng một vai trò quan trọng, luôn bảo vệ Thánh Gia. Là người công chính, ngài luôn sống theo ý Chúa. Ngài nuôi dưỡng và dạy bảo Chúa Giê-su.

·        Đêm Giáng Sinh, ta đặt tượng Chúa Hài Đồng vào máng cỏ. Chúa đến thay đổi toàn diện lịch sử một cách lạ kỳ. Ta ngạc nhiên vì Chúa sống như chúng ta: cũng ăn, cũng ngủ, cũng bú, cũng chơi như các trẻ sơ sinh khác! Và từ đó đời sống của ta cũng dự phần vào đời sống của chính Chúa—ta được mời gọi làm môn đệ và sống trọn vẹn ý nghĩa.

·        Tới lễ Ba Vua, ta đặt tượng các ngài vào hang đá. Lễ vật của các ngài có ý nghĩa: vàng, chỉ Chúa Giê-su là vua; nhũ hương, Chúa Giê-su là Thiên Chúa; một dược, Chúa Giê-su là người nên sẽ biết cái chết. Ba vua đến từ xa, và khi trở về nhà sẽ loan báo tin mừng cho các nước.

Khi đứng trước Hang Đá, ta nhớ lại thời thơ ấu và những người đã rao truyền đức tin cho ta. Suốt cuộc đời, ta tiếp tục chiêm ngắm Chúa, cảm nghiệm tình yêu của Chúa, và tin rằng Chúa ở với chúng ta. Như Thánh Phan-xi-cô, ta xin mở lòng nhận lãnh Chúa và cảm tạ Ngài.

Tác giả: Gs. Lê Xuân Hy, Ph.D.

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!