Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Augustinô Đan Quang Tâm
Bài Viết Của
Augustinô Đan Quang Tâm
MỘT HỘI THÁNH NGHÈO VÀ CHO NGƯỜI NGHÈO
Các thách đố mục vụ gia đình trong bối cảnh loan báo Tin Mừng, các vấn đề đặt ra cho cả Giáo Hội cùng giải quyết
Đôi vợ chồng này đã thưa vâng với câu hỏi của Đức Kitô
Magnificat, Hiến chương Học thuyết Xã hội
Thánh Giuse, cha nuôi của Đức Giêsu
SỨ ĐIỆP Mùa Chay của Đức Thánh Cha Phanxicô 2014 : Ngài đã trở nên nghèo khó để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có (x. 2 Cr 8,9)
TÍNH TRUNG TÂM CỦA GIA ĐÌNH
AI MUỐN LÀM LỚN GIỮA ANH EM THÌ PHẢI LÀM NGƯỜI PHỤC VỤ ANH EM
KIM CHỈ NAM CỦA TÍN HỮU GIÁO DÂN
Giáo huấn xã hội và quyền tự do có sáng kiến kinh tế
PHẢI CÓ LÒNG XÓT THƯƠNG VÀ THA THỨ CHO NHAU
Doanh nhân và Lời Chúa
Tìm hiểu Giáo huấn Xã hội Công giáo: Liên đới
Tình yêu trong Sự thật, cốt lõi của Học thuyết Xã hội Công giáo
Một thời để Người Kitô hữu nhập thế
Chân phước Gioan Phaolô II bình luận về Thông điệp Rerum Novarum
"ĐỪNG SỢ! HÃY MỞ, HÃY MỞ RỘNG CỬA CHO CHÚA KITÔ!”
ĐỨC CHÂN PHÚC GIOAN PHAOLÔ II BÀN VỀ TUỔI THỌ VÀ NGƯỜI CAO TUỔI
GIÁO DỤC NGƯỜI TRẺ VỀ CÔNG LÝ VÀ HÒA BÌNH (SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ 16 NHÂN NGÀY HÒA BÌNH THẾ GIỚI 1 THÁNG 1 NĂM 2012)
ĐỨC CHÂN PHƯỚC GIOAN PHAOLÔ II BÀN VỀ SỰ ÁC
GIÁO DỤC NGƯỜI TRẺ VỀ CÔNG LÝ VÀ HÒA BÌNH (SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ 16 NHÂN NGÀY HÒA BÌNH THẾ GIỚI 1 THÁNG 1 NĂM 2012)

SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ 16 NHÂN NGÀY HÒA BÌNH THẾ GIỚI 1 THÁNG 1 NĂM 2012

1. Đầu của một năm mới, hồng ân Thiên Chúa ban cho nhân loại, là dịp để cho tôi, với lòng tin tưởng và quý mến lớn lao, xin gửi đến tất cả mọi người những lời cầu chúc chân thành, ước mong khoảng thời gian này trước mặt chúng ta sẽ được ghi dấu cụ thể của công lý và hòa bình.

Với thái độ nào ta nhìn vào Năm Mới? Ta tìm thấy một hình ảnh rất đẹp trong Thánh vịnh 130. Tác giả Thánh vịnh nói rằng người có đức tin mong đợi Chúa “hơn lính canh mong đợi hừng đông” (c.6); họ mong đợi Người với niềm hy vọng kiên vững bởi vì họ biết rằng Chúa sẽ mang đến ánh sáng, lòng nhân từ, ơn cứu độ. Sự mong đợi này nảy sinh từ kinh nghiệm của Dân được Tuyển chọn, ý thức rằng Thiên Chúa dạy họ hãy nhìn thế giới trong chân lý và đừng để cho mình bị những khó khăn đè bẹp. Tôi mời gọi anh chị em hãy nhìn năm 2012 với thái độ tin tưởng này. Quả thực năm đang kết thúc được đánh dấu bằng một cảm giác bất mãn gia tăng trước cuộc khủng hoảng đang lù lù hiện đến trên xã hội, thế giới lao động và nền kinh tế, một cuộc khủng hoảng có gốc rễ chủ yếu về văn hóa và nhân học. Dường như có một bóng đen đã phủ xuống trên thời đại chúng ta, ngăn không cho ta thấy rõ ánh sáng ban ngày.

Tuy nhiên, trong bóng tối này, tâm hồn con người vẫn tiếp tục mong đợi hừng đông mà Tác giả Thánh vịnh nói đến. Bởi vì sự mong đợi này đặc biệt mạnh mẽ và rõ rệt nơi những người trẻ, cho nên tôi nghĩ đến họ và nghĩ đến đóng góp mà họ có thể và phải cống hiến cho xã hội. Do đó, tôi muốn dành sứ điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới lần thứ 45 này cho chủ đề giáo dục: “Giáo dục người trẻ về công lý và hòa bình”, với xác tín rằng với lòng hăng say và lý tưởng, người trẻ có thể mang lại cho thế giới niềm hy vọng mới.

Sứ điệp của tôi cũng được gửi đến các bậc cha mẹ, các gia đình và tất cả những ai liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo, cũng như các vị lãnh đạo trong các địa hạt khác nhau của đời sống tôn giáo, xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa và truyền thông. Chú ý đến những người  trẻ và những mối quan tâm của họ, biết lắng nghe và đánh giá cao giới trẻ, không những là một cơ hội, nhưng còn là một nhiệm vụ hàng đầu của toàn thể xã hội, nhằm xây dựng một tương lai của công lý và hòa bình.

Đó là vấn đề thông truyền cho người trẻ sự quý chuộng giá trị tích cực của cuộc sống và khơi dậy nơi họ một ước muốn lấy đời mình phục vụ Sự Thiện. Đây là một nhiệm vụ mọi người chúng ta đều phải dấn thân tham gia.

Những quan ngại mà nhiều người trẻ biểu lộ trong thời gian gần đây khắp thế giới, thể hiện một mong ước có thể nhìn về tương lai với niềm hy vọng vững chắc. Lúc này đây, người trẻ đang lo lắng về nhiều thứ: họ muốn nhận được một nền giáo dục giúp họ chuẩn bị đầy đủ hơn đương đầu với thực tại, họ thấy thành lập một gia đình và tìm được việc làm ổn định thật khó khăn; họ băn khoăn liệu mình thực sự có khả năng đóng góp vào sinh hoạt chính trị, văn hóa và kinh tế để xây dựng một xã hội có khuôn mặt nhân bản và huynh đệ hơn.

Điều quan trọng là hoài bão này và lý tưởng ấp ủ trong đó cần được mọi thành viên trong xã hội dành cho sự quan tâm thích đáng. Giáo hội nhìn người trẻ với niềm hy vọng và tín nhiệm; Giáo hội khích lệ họ tìm kiếm chân lý, bảo vệ công ích, có những cái nhìn cởi mở về thế giới và có những đôi mắt có khả năng thấy được “những điều mới” (Is 42,9; 48,6).

Các nhà giáo dục

2. Giáo dục là một cuộc phiêu lưu hứng thú và khó khăn nhất trong đời. Giáo dục (education) – từ nguyên ngữ La tinh educere – có nghĩa là dẫn người trẻ ra khỏi chính mình và đưa họ vào thực tại, hướng đến một sự sung mãn làm con người tăng trưởng. Tiến trình này được nuôi dưỡng nhờ cuộc gặp gỡ giữa hai thứ tự do, tự do của người lớn và tự do của người trẻ. Tiến trình này mời gọi tinh thần trách nhiệm nơi người học, phải cởi mở để được dẫn dắt đến sự hiểu biết thực tại, và nơi nhà giáo dục, phải sẵn sàng cống hiến chính bản thân mình. Bởi lẽ đó, ngày nay hơn bao giờ hết, ta cần các chứng nhân chân chính, chứ không phải chỉ là những người truyền bá các quy luật và thông tin; ta cần các chứng nhân biết nhìn xa trông rộng hơn người khác vì cuộc sống của họ bao trùm những không gian rộng lớn hơn. Chứng nhân là người sống trước tiên cuộc sống mà mình đề nghị cho người khác.

Đâu là những nơi diễn ra nền giáo dục đích thực về hòa bình và công lý? Trước hết, trong gia đình, vì cha mẹ là các nhà giáo dục đầu tiên. Gia đình là tế bào nguyên thủy của xã hội;  “chính trong gia đình mà con cái học được các giá trị nhân bản và Kitô giáo giúp chúng  chung sống hoà bình và xây dựng. Chính trong gia đình mà người trẻ học tình liên đới giữa các thế hệ, tôn trọng luật lệ, tha thứ và đón nhận tha nhân” (1). Gia đình là trường học đầu tiên trong đó ta được đào tạo về công lý và hòa bình.

Ta đang sống trong một thế giới trong đó gia đình, và cả sự sống nữa, thường xuyên bị đe dọa và nhiều khi bị phân mảnh. Các điều kiện làm việc thường không dung hợp với các trách nhiệm gia đình, những lo âu về tương lai, nhịp sống ồ ạt, nhu cầu di chuyển thường xuyên vì kế sinh nhai, ấy là chưa nói đến việc sống còn cho qua ngày – tất cả điều này làm cho ta khó có thể bảo đảm cho con cái có được một trong những kho tàng quý báu nhất: sự hiện diện của cha mẹ. Sự hiện diện này giúp chia sẻ ngày càng sâu hơn trong hành trình cuộc đời và như thế, có thể thông truyền các kinh nghiệm và các xác tín gặt hái được với tháng năm trôi qua, các kinh nghiệm và các xác tín này chỉ có thể truyền đạt qua thời gian chung sống với nhau. Tôi khẩn thiết kêu gọi các bậc cha mẹ đừng nản chí! Nguyện xin qua tấm gương đời mình, cha mẹ sẽ khuyên bảo con cái đặt hy vọng trước tiên nơi Thiên Chúa, nguồn duy nhất của công lý và hòa bình chân chính.

Tôi cũng muốn ngỏ lời với các vị phụ trách các tổ chức giáo dục: với tinh thần trách nhiệm cao, xin các vị hãy quan tâm sao cho phẩm giá mỗi người luôn luôn được tôn trọng và đề cao. Hãy quan tâm sao cho mỗi người trẻ đều có thể khám phá ra ơn gọi của mình và được hỗ trợ để phát triển các năng khiếu Thiên Chúa ban cho. Hãy đoan hứa với các gia đình rằng con cái của họ có thể lĩnh nhận một nền giáo dục không xung đột với lương tâm và các nguyên tắc tôn giáo của họ.

Mọi khung cảnh giáo dục có thể là một nơi cởi mở đối với siêu việt và tha nhân; một nơi đối thoại, nối kết và lắng nghe, trong đó người trẻ cảm thấy các khả năng cá nhân và sự phong phú nội tâm của mình được trân trọng, và học được cách quý chuộng anh chị em. Ước gì các người trẻ được dạy cách nếm hưởng niềm vui từ việc hàng ngày thực thi tình bác ái và lòng thương cảm đối với tha nhân, và trong sự tích cực tham gia vào việc xây dựng một xã hội nhân bản và huynh đệ hơn.

Tôi xin các nhà lãnh đạo chính trị hãy giúp đỡ một cách cụ thể cho các gia đình và các tổ chức giáo dục thực thi quyền cũng như nhiệm vụ giáo dục. Không bao giờ được thiếu sự ủng hộ đối với những người làm cha mẹ trong bổn phận của họ. Các nhà lãnh đạo chính trị hãy bảo đảm sao cho không một ai bị từ khước quyền được giáo dục và các gia đình có thể tự do chọn lựa các cơ cấu giáo dục mà họ xem là thích hợp nhất cho con cái của mình. Các vị hãy cam kết giúp đoàn tụ các gia đình bị chia cách vì nhu cầu kiếm sống. Hãy cho người trẻ có được một hình ảnh trong sáng về chính trị là một sự phục vụ đích thực vì công ích cho tất cả mọi người.

Tôi cũng không thể không kêu gọi giới truyền thông hãy góp phần vào việc giáo dục. Trong xã hội ngày nay, các phương tiện truyền thông đại chúng có một vai trò đặc biệt: không những thông tin, nhưng còn định hình tâm trí của những khán thính giả, và vì thế các phương tiện thông tin đại chúng có thể đóng góp đáng kể vào việc giáo dục người trẻ. Điều quan trọng là không bao giờ được quên rằng mối liên hệ giữa giáo dục và truyền thông cực kỳ chặt chẽ: giáo dục diễn ra nhờ truyền thông, truyền thông chắc chắn có ảnh hưởng đến việc huấn luyện con người, có điều là tốt hơn hoặc xấu hơn.

Các người trẻ cũng phải có can đảm sống những chuẩn mực mà mình nêu ra cho những  người khác. Trách nhiệm của các người trẻ là một trách nhiệm lớn lao: ước gì người trẻ tìm thấy sức mạnh để sử dụng tự do của mình một cách tốt đẹp và khôn ngoan. Họ cũng chịu trách nhiệm về việc giáo dục của mình, kể cả giáo dục về công lý và hòa bình.

Giáo dục về chân lý và tự do

3. Thánh Augustinô có lần tự hỏi: “Quid enim fortius desiderat anima quam veritatem? - Linh hồn mong ước nồng nhiệt điều gì hơn là chân lý?” (2). Khuôn mặt nhân bản của một xã hội tùy thuộc rất nhiều nơi sự đóng góp của nền giáo dục để giữ cho yêu cầu không thể bị đè nén ấy được sinh động. Thực vậy, giáo dục liên hệ tới sự đào tạo toàn diện con người, kể cả chiều kích luân lý và tinh thần, tập trung vào mục đích tối hậu và thiện ích của xã hội mà họ là thành phần. Do đó, để giáo dục về chân lý, trước tiên cần biết con người là ai, biết bản tính của con người. Khi chiêm ngắm thực tại chung quanh, Tác giả Thánh vịnh suy tư: “Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài, thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?” (Tv 8,4-5). Đây là câu hỏi cơ bản cần phải được đề ra: con người là ai? Con người là một hữu thể mang trong tâm hồn một niềm khao khát vô biên, một sự khao khát chân lý – không phải thứ chân lý phiến diện, nhưng là chân lý có khả năng giải thích ý nghĩa cuộc sống – vì con người đã được tạo thành theo hình ảnh và giống Thiên Chúa. Như thế, trong tâm tình biết ơn, nhìn nhận cuộc sống như hồng ân khôn lường sẽ giúp khám phá chính phẩm giá sâu xa của mình và đặc tính bất khả xâm phạm của mỗi người. Vì vậy, nền giáo dục đầu tiên là học cách nhìn nhận nơi con người hình ảnh của Đấng Tạo Hóa, và nhờ đó, có một thái độ tôn trọng sâu xa đối với mỗi người và giúp tha nhân có được một cuộc sống phù hợp với phẩm giá rất cao cả ấy. Không bao giờ được quên rằng “sự phát triển đích thực của con người liên hệ tới con người toàn diện trong mọi chiều kích” (3), kể cả chiều kích siêu việt, và rằng không thể hy sinh con người để đạt tới một lợi ích nào đó, dù là kinh tế hay xã hội, cá nhân hoặc tập thể.

Chỉ trong tương quan với Thiên Chúa, con người mới hiểu ý nghĩa tự do của mình. Và nhiệm  vụ của giáo dục là đào luyện con người về tự do đích thực. Tự do này không phải là không có ràng buộc trong đó tự do ý chí ngự trị, tự do không phải là chủ trương xem cái tôi là tuyệt đối. Người nào tưởng mình là tuyệt đối, không lệ thuộc điều gì hoặc một ai, và tưởng mình có thể làm tất cả những gì mình muốn, thì rốt cuộc sẽ mâu thuẫn với sự thật về chính mình và mất cả tự do. Trái lại, con người là một hữu thể có tương quan, sống trong quan hệ với người khác, và nhất là với Thiên Chúa. Tự do đích thực không bao giờ có thể đạt được bằng cách xa lìa Thiên Chúa.

Tự do là một giá trị quý giá, nhưng dễ vỡ, nó có thể bị hiểu lầm và lạm dụng. “Ngày nay, một chướng ngại đặc biệt nguy hiểm cho nhiệm vụ giáo dục là sự hiện diện ồ ạt, trong xã hội và trong nền văn hóa duy tương đối của chúng ta, không nhìn nhận điều gì là chắc chắn, coi cái tôi của mình với những ý muốn của nó là tiêu chí tối hậu. Và dưới cái vẻ tự do nó trở thành một nhà tù đối với mỗi người, vì nó phân tách người này với người khác, khoá chặt mỗi người vào trong cái tôi của mình. Do đó, với chân trời duy tương đối đó, không thể có một nền giáo dục đích thực nếu không có ánh sáng của chân lý, thì mọi người, vào một lúc nào đó, sẽ phải nghi ngờ về sự tốt lành của chính cuộc sống và của những quan hệ hình thành nên cuộc sống, nghi ngờ về giá trị của sự dấn thân của mình để cùng với tha nhân xây dựng một cái gì chung” (4).

Để thực thi tự do, con người phải vượt thắng chân trời duy tương đối và nhìn nhận chân lý về chính mình và chân lý về điều thiện và điều ác. Trong thẳm sâu lương tâm của mình, con người khám phá thấy một luật mà mình không đặt ra cho mình, nhưng mình phải tuân thủ. Tiếng nói của luật này kêu gọi con người hãy yêu mến và làm lành, lánh dữ và lãnh nhận trách nhiệm về điều lành đã làm và điều ác đã phạm (5). Vì thế, việc thực thi tự do liên hệ mật thiết với luật luân lý tự nhiên, luật này có tính phổ quát, diễn tả phẩm giá của mỗi người và cấu thành cơ sở cho các quyền và nghĩa vụ cơ bản của con người: vì thế, xét cho cùng, luật luân lý tự nhiên cấu thành cơ sở cho cuộc chung sống phải đạo và hoà bình.

Vì thế, việc sử dụng tự do một cách đúng đắn là tâm điểm của việc thăng tiến công lý và hòa bình, công lý và hoà bình đòi hỏi phải tôn trọng bản thân và tha nhân, kể cả những người có lối sống khác với mình. Thái độ này nảy sinh những yếu tố mà nếu thiếu vắng thì hòa bình và công lý chỉ là những từ trống rỗng không có nội dung: sự tín nhiệm lẫn nhau, khả năng đối thoại xây dựng, khả năng tha thứ, mà bao nhiêu lần ta muốn lĩnh nhận nhưng lại thấy khó trao ban, lòng bác ái đối với nhau, sự cảm thương đối với những người yếu đuối nhất, cũng như sự sẵn sàng hy sinh.

Giáo dục về công lý

4. Trong thế giới này của chúng ta, trong đó giá trị nhân vị, nhân phẩm và các quyền con người, tuy có những lời tuyên bố đầy hảo ý, nhưng bị đe dọa nghiêm trọng do xu hướng đang lan tràn chỉ vận dụng những tiêu chí lợi ích, lợi lộc và sở hữu vật chất, thì điều quan trọng là không được tách rời ý niệm công lý ra khỏi những nguồn gốc siêu việt của nó. Thực ra, công lý không phải chỉ là một thoả thuận giữa con người với nhau, bởi vì điều gì công chính thì chung cuộc được xác định, không phải do luật nhân định, mà do căn tính sâu xa của con người. Chính cái nhìn toàn diện về con người giúp ta không rơi vào một quan niệm duy khế ước về công lý và nhờ đó cũng mở ra một chân trời liên đới và thương yêu (6).

Chúng ta không thể không biết rằng một số trào lưu văn hóa tân thời, được xây dựng trên các nguyên tắc duy lý và kinh tế cá nhân chủ nghĩa, đã làm cho ý niệm công lý xa rời nguồn gốc siêu việt của nó, tách nó khỏi bác ái và liên đới. “‘Đô thành dưới thế’ không phải chỉ được cấu thành nhờ các quan hệ quyền lợi và nhiệm vụ mà thôi, nhưng trong một phạm vi lớn hơn và cơ bản hơn, bằng những quan hệ nhưng không, nhân từ và hiệp thông. Lòng bác ái luôn biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa cả trong những quan hệ giữa con người với nhau, bác ái mang lại một giá trị hướng đến Thiên Chúa và cứu độ cho mọi sự dấn thân xây dựng công lý trên thế giới” (7).

“Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng” (Mt 5,6). Họ sẽ được no đầy vì họ đói khát quan hệ ngay chính với Thiên Chúa, với bản thân, với anh chị em và với toàn thể thụ tạo.

Giáo dục về hòa bình

5. “Hòa bình không phải chỉ là vắng bóng chiến tranh và không thể thu hẹp vào việc giữ thế quân bình giữa các lực lượng đối nghịch. Không thể đạt được hòa bình trên trái đất nếu không bảo vệ thiện ích của con người, tự do truyền thông giữa con người với nhau, tôn trọng phẩm giá con người và các dân tộc, chuyên cần thực thi tình huynh đệ” (8). Hòa bình là thành quả của công lý và kết quả của bác ái. Hòa bình trước tiên là một hồng ân của Thiên Chúa. Các Kitô hữu chúng ta tin rằng Đức Kitô là hòa bình đích thực của chúng ta: nơi Người, trên thập giá, Thiên Chúa đã hòa giải thế gian với Người và đã phá hủy những hàng rào chia cách chúng ta với nhau (x. Ep 2,14-18); nơi Người, chỉ có một gia đình duy nhất, được hòa giải trong tình yêu.

Tuy nhiên, hòa bình không phải chỉ là một hồng ân được nhận lãnh, mà còn là một công trình cần được xây dựng. Để thực sự là những người xây dựng hòa bình, ta phải tự giáo dục về lòng cảm thương, tình liên đới, sự cộng tác, tình huynh đệ, ta phải tích cực hoạt động giữa lòng cộng đoàn và cảnh giác trong việc nâng cao nhận thức về những vấn đề quốc gia và quốc tế, và tầm quan trọng của việc tìm kiếm những cơ chế thích hợp để tái phân phối tài nguyên, đẩy mạnh tăng trưởng, cộng tác trong lĩnh vực phát triển và giải quyết các xung đột. “Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”, Đức Giêsu đã nói như thế trong bài giảng trên núi (Mt 5,9).

Hòa bình cho tất cả mọi người là kết quả từ công lý của mỗi người và không ai có thể trốn tránh nhiệm vụ thiết yếu thăng tiến công lý này, theo thẩm quyền và trách nhiệm riêng của mình. Tôi đặc biệt mời gọi người trẻ, vốn gắn bó mạnh mẽ với các lý tưởng, hãy kiên nhẫn và kiên trì tìm kiếm công lý và hòa bình, vun trồng sự yêu thích những gì là công chính và chân thực, cả khi điều này đòi phải hy sinh và lội ngược dòng.

Hướng mắt lên nhìn Thiên Chúa

6. Trước thách đố khó khăn trong hành trình công lý và hòa bình, ta có thể bị cám dỗ tự hỏi như Tác giả Thánh vịnh: “Tôi ngước mắt nhìn lên rặng núi, ơn phù hộ tôi đến tự nơi nao?” (Tv 121,1)

Tôi muốn mạnh mẽ nói với tất cả mọi người, đặc biệt là người trẻ, rằng: “Không phải các ý thức hệ cứu vãn thế giới, nhưng chỉ nhờ quy hướng về Thiên Chúa hằng sống, Đấng tạo dựng nên chúng ta, là người bảo đảm tự do của chúng ta, người bảo đảm những gì thực là tốt và chân thực... một sự quay về với Thiên Chúa không điều kiện, Người là mẫu mực những gì là công chính và đồng thời là tình yêu vĩnh cửu. Và điều gì có thể cứu ta nếu không phải là tình yêu?” (9) Tình yêu vui mừng trong chân lý, là sức mạnh giúp ta có khả năng dấn thân cho chân lý, cho công lý, cho hòa bình, vì tình yêu tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả (x. 1 Cr 13,1-13).

Hỡi các người trẻ thân mến, các bạn là món quà quý báu cho xã hội. Các bạn đừng để mình nản chí thất vọng trước những khó khăn và đừng phó mình cho những giải pháp giả dối, thường xuất hiện như con đường dễ dàng nhất để khắc phục các vấn đề. Các bạn đừng sợ dấn thân, đương đầu với vất vả và hy sinh, chọn những con đường đòi hỏi sự trung thành và kiên trì, khiêm tốn và tận tụy. Hãy tin vào tuổi trẻ của các bạn và những ước muốn sâu xa của bạn về hạnh phúc, về chân lý, về vẻ đẹp, về tình yêu chân thực! Hãy sống đầy đủ giai đoạn này của cuộc sống rất phong phú và đầy phấn khởi.

Hãy ý thức rằng chính các bạn là tấm gương và niềm cảm hứng cho người lớn, và hễ các bạn càng cố gắng vượt thắng những bất công và thối nát, càng mong ước một tương lai tốt đẹp hơn và dấn thân xây dựng tương lai ấy, thì các bạn càng là những tấm gương cho người lớn. Hãy ý thức về những tiềm năng của các bạn và đừng bao giờ co cụm lại, trái lại hãy biết làm việc cho một tương lai rạng ngời hơn cho tất cả mọi người. Các bạn không bao giờ lẻ loi. Giáo Hội tín nhiệm các bạn, theo dõi, khích lệ các bạn và mong muốn cống hiến cho các bạn điều quí giá nhất: đó là khả năng hướng mắt lên nhìn Thiên Chúa, gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô, Đấng chính là công lý và hòa bình.

Tôi ngỏ lời với tất cả anh chị em, những người nam nữ quan tâm đến chính nghĩa hòa bình! Hòa bình không phải là một thiện ích đã đạt được, nhưng là một mục tiêu mà tất cả và mỗi người chúng ta phải khao khát. Ta hãy nhìn về tương lai với niềm hy vọng mạnh mẽ hơn; ta khích lệ nhau trong hành trình; ta hãy cùng nhau làm việc để mang lại cho thế giới một khuôn mặt nhân bản và huynh đệ hơn; và ta hãy cảm thấy mình được liên kết với nhau trong trách nhiệm đối với các thế hệ trẻ hiện nay và tương lai, đặc biệt qua việc giáo dục họ trở thành những người yêu chuộng hòa bình và xây dựng hòa bình.

Với những tư tưởng này, tôi gửi đến anh chị em những suy tư của tôi và tôi kêu gọi mọi người: ta hãy cùng liên kết các nguồn lực tinh thần, luân lý và vật chất của ta để “giáo dục người trẻ về công lý và hòa bình”.

Từ Vatican ngày 8 tháng 12 năm 2011

BÊNÊĐICTÔ 16, GIÁO HOÀNG

Đan Quang Tâm dịch

(1) Bênêđictô 16, Diễn văn trước Chính quyền miền Lazio, Thành phố và Tỉnh Roma (14-1-2011): Osservatore Romano, 15-1-2011, tr.7

(2) Chú giải Tin Mừng Gioan, 26,5

(3) Bênêđictô 16, Thông điệp Caritas in veritate (29-6-2009), 11: AAS 101 (2009), 648; X. Phaolô VI, Thông điệp Populorum progressio (26-3-1967), 14: AAS 59(1967), 264.

(4) Bênêđictô 16, Diễn văn khai mạc Hội nghị giáo phận tại Vương cung Thánh đường Thánh Gioan ở Laterano (6-6-2005): AAS 97 (2005), 816.

(5) X. Gaudium et Spes, 16

(6) X. Bênêđictô 16, Diễn văn tại Quốc hội Liên bang Đức (Berlin 22-9-2011): Osservatore Romano, 24-9-2011, tr.6-7.

(7) Bênêđictô 16, Thông điệp Caritas in veritate (29-6-2009), 6: AAS 101 (2009), 644-645.

(8) Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, 2304

(9) Bênêđictô 16, Canh thức với giới trẻ (Cologne, 20-8-2005): AAS 97 (2005), 885-886.

Tác giả: Augustinô Đan Quang Tâm

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!