Mục vụ gia đình 1 : Tông huấn Gia Ðình_1
Trong phiên họp thành lập nhóm Mục Vụ Gia Đình tối ngày 27.10.1995, cha Mai Đức Vinh đã mang giới thiệu với các thành viên một loạt thư mục về gia đình. Đồng thời ngài cũng sơ lược trình bày những nguyên tắc căn bản về mục vụ gia đình, rút từ Tông huấn Gia đình (Familiaris Consortio), làm nền sinh hoạt cho nhóm.
Từ ngày thành lập 1995 cho đến hôm nay 2007, trong những hoàn cảnh cụ thể địa phương của một giáo xứ ngoại kiều ở Paris, Nhóm Mục Vụ Gia Đình đã sinh hoạt đều đặn và vẫn theo sát những nguyên tắc mục vụ gia đình do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã chỉ dậy. Một vài thành viên trong nhóm đã tóm tắt bản văn Tông Huấn và học hỏi với nhau. Trước khi trình bày những sinh hoạt mục vụ gia đình đã được thực hiện trong thực tế, chúng tôi xin giới thiệu bản tóm tắt này.
Tông huấn Mục vụ Gia đình (Familiaris Consortio), được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công bố ngày 22 tháng 11 năm 1981, là thủ bản đầy đủ về mục vụ gia đình. Tông huấn gồm một nhập đề xác định ý nghĩa và vai trò của mục vụ gia đình (số 1-3), một kết luận bày tỏ ý muốn thu hút sự chú ý của tất cả mọi người về những trách nhiệm của gia đình Ki-tô hữu, và lời nài xin sự bảo trợ của Thánh Gia Na-da-rét (số 86) và 4 phần.
¨ Phần I : Ánh sáng và bóng tối nơi gia đình ngày nay (số 4-10)
¨ Phần II : Ý định của Thiên Chúa về hôn nhân gia đình (số 11-16)
¨ Phần III : Những bổn phận của gia đình kytô hữu (số 17-64)
¨ Phần IV : Mục vụ gia đình : các giai đoạn, các cơ cấu, những người hữu trách và các hoàn cảnh đặc thù (số 65-85)
Nhìn qua nội dung này, một ý tưởng tự nhiên sẽ hiện ra là cấu trúc của tông huấn đã được thiết kế theo dàn bài dự án, đi qua bốn vấn nạn căn bản :
¨ Gia đình hiện nay tình trạng ra sao ? Câu trả lời được trình bày qua nhận định thực tại ở phần 1 về « Ánh sáng và bóng tối nơi gia đình ngày nay »
¨ Gia đình phải được định hường thế nào ? Câu trả lời được trình bày qua hướng đi phải theo ở phần 2 về « Ý định của Thiên Chúa về hôn nhân gia đình »
¨ Gia đình phải làm những việc gì ? Câu trả lời được trình bày qua chương trình hành động ở phần 3 về « Những bổn phận của gia đình kytô hữu »
¨ Mục vụ gia đình phải được tổ chức làm sao ? Câu trả lời được trình bày qua tổ chức việc làm phải thực hiện ở phần 4 về « Mục vụ gia đình : các giai đoạn, các cơ cấu, những người hữu trách và các hoàn cảnh đặc thù ».
Chúng ta hãy khởi đầu bằng việc xác định ý nghĩa và vai trò của mục vụ gia đình.
1. Mục vụ gia đình là gì ?
Mục vụ là một danh từ công giáo, bao gồm những công việc liên hệ đến trách nhiêm ba mặt của Hội Thánh, là 1- rao giảng lời Chúa, 2- cử hành các bí tích hoặc 3- phục vụ bác ái, nhằm chăm sóc và nuôi dưỡng đàn chiên giáo dân (đã hay chưa theo đạo) của mục tử, đặc biệt là mục tử giám mục và những người được ủy quyền chính thức của giám mục như các linh mục quản xứ, hoặc các linh mục, các tu sĩ và các giáo dân khác.
Mục vụ gia đình là những công việc mục vụ liên quan đến gia đình, do các thành phần dân chúa khác nhau, từ giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân đảm nhiệm, nhằm giúp các thành viên của gia đình chuẩn bị và thực hiện tốt được những sứ mệnh, chức năng và bổn phận của mình. Theo Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, gia đình có bốn bổn phận chính, là : 1. Đào tạo một cộng đồng các ngôi vị; 2. Phục vụ sự sống; 3. Dự phần vào việc phát triển xã hội; 4. Dự phần vào đời sống và sứ mạng của Hội Thánh. Mục vụ gia đình được thực hiện bằng lời nói và việc làm. Lời nói để thông cảm và việc làm đề giúp đỡ.
Câu nói sau đây có thể được coi là một định nghĩa về mục vụ gia đình của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô, viết trong Tông Huấn Gia Đình (Familiaris Consortio) rằng : “Vì biết rằng hôn nhân và gia đình là một trong những điều thiện hảo quý giá nhất của nhân loại, Giáo Hội muốn ngỏ lời và đem lại sự nâng đỡ cho những người đã biết được giá trị của hôn nhân cũng như gia đình và đang cố gắng sống trung thành với giá trị đó, cho những người đang sống trong ngập ngừng âu lo và đang đi tìm chân lý, cho những người đang bị ngăn cản cách bất công, không được tự do sống những dự phóng của gia đình họ. Trong khi đem lại sự nâng đỡ cho nhóm thứ nhất, ánh sáng cho nhóm thứ hai và sự trợ giúp cho nhóm người thứ ba, Hội Thánh muốn đem thân phục vụ mọi người đang bận tâm lo lắng cho số phận của hôn nhân và gia đình.
Giáo Hội đặc biệt ngỏ lời với các bạn trẻ đang chuẩn bị dấn thân trên con đường hôn nhân và gia đình, ngõ hầu mở ra cho họ những chân trời mới bằng cách giúp họ khám phá ra vẻ đẹp và sự cao cả của ơn gọi sống tình yêu phục vụ cho sự sống”.
Trong ít hàng sau, cũng một định nghĩa đã được đề nghị một cách rõ ràng hơn rằng : Mục vụ gia đình là “Bận tâm mục vụ của Hội Thánh không phải chỉ giới hạn vào các gia đình Ki-tô hữu gần nhất, nhưng bằng cách mở rộng chân trời theo tầm trái tim của Đức Ki-tô, Hội Thánh sẽ tỏ ra còn tích cực hơn đối với toàn thể các gia đình nói chung và cách riêng là các gia đình đang sống trong những tình cảnh khó khăn và ngoại lệ. Đối với tất cả mọi gia đình ấy, Hội Thánh sẽ là một lời nói của sự thật, của nhân hậu, của cảm thông, của hy vọng, của sự chia sẻ sâu xa với những khó khăn lắm khi bi đát của họ: Hội Thánh muốn cống hiến cho tất cả mọi gia đình một sự giúp đỡ vô vị lợi để họ có thể đến gần với mẫu gia đình mà Đấng Tạo Hoá đã muốn ngay từ "khởi đầu" và Đức Ki-tô đã canh tân bằng ân sủng cứu chuộc của Người”.
2. Gia đình hiện nay tình trạng ra sao ?
Ba lý do cụ thể thúc đẩy Đức Gioan Phaolô II viết thông điệp về mục vụ gia đình. Thứ nhất là để làm theo lời đề nghị của các nghị phụ Thượng Hội Đồng Giám Mục, họp từ ngày 26.9 đến 25.10 1981, tại Rô-ma. “Các nghị phụ đã đồng thanh yêu cầu tôi đứng ra diễn giải cho nhân loại biết mối ưu tư sống động của Hội Thánh đối với gia đình và nêu lên những định hướng thích hợp để canh tân mục vụ trong lãnh vực này, một lãnh vực căn bản của đời sống con người và của sinh hoạt Hội Thánh. Tôi thi hành trách vụ ấy bằng cách công bố Tông huấn này, như một phương thức đặc biệt để chu toàn tác vụ tông đồ đã được trao phó cho tôi”. Thứ hai là vì ý thức của Hội Thánh về sứ mệnh mục vụ gia đình của mình : “Hội Thánh, vì biết rằng lợi ích của xã hội và lợi ích riêng của mình đều được liên kết mật thiết với lợi ích của gia đình, nên đã ý thức một cách mạnh mẽ và bức thiết rằng, mình có sứ mạng công bố cho mọi người biết ý định Thiên Chúa về hôn nhân và gia đình, bằng cách bảo đảm cho hôn nhân và gia đình có được sức sống tràn đầy cũng như sự thăng tiến về phương diện nhân bản cũng như Ki-tô giáo, và như thế là góp phần vào việc canh tân xã hội và canh tân Dân Thiên Chúa. (số 3). Thứ ba là vì tình cảnh hiện nay của các gia đình. Tình cảnh ấy “là một sự pha trộn giữa bóng tối và ánh sáng”.
Ngài đặc biệt lưu tâm đến lý do thứ ba về hoàn cảnh hiện nay của các gia đình, vừa có những khía cạnh tích cực vừa có những khía cạnh tiêu cực.
Tích cực, là những khía cạnh cho thấy ơn cứu độ của Đức Ki-tô đang tác động trong thế gian :
¨ một ý thức sống động hơn về tự do cá nhân,
¨ một sự chú ý nhiều hơn đến phẩm chất của các tương quan liên vị trong hôn nhân, đến sự nâng cao phẩm giá phụ nữ, đến sự sinh sản có trách nhiệm, đến việc giáo dục trẻ em;
¨ ý thức về nhu cầu phải phát triển những liên hệ giữa các gia đình để giúp đỡ lẫn nhau về mặt tinh thần và vật chất,
¨ khám phá lại sứ mạng Hội Thánh riêng biệt của gia đình và trách nhiệm của gia đình trong việc xây dựng một xã hội công bình hơn
Tiêu cực là những khía cạnh cho thấy sự chối từ của con người chống lại tình thương của Thiên Chúa :
¨ một quan niệm sai lầm trên lý thuyết và thực hành về sự độc lập giữa hai vợ chồng,
¨ những mập mờ rất trầm trọng về tương quan uy quyền của cha mẹ đối với con cái,
¨ những khó khăn cụ thể trong việc lưu truyền các giá trị như nhiều gia đình đã cảm nghiệm,
¨ con số các vụ ly dị gia tăng,
¨ vết thương về sự phá thai, việc dùng các phương pháp tuyệt sản ngày càng nhiều, việc hình thành một não trạng đích thị là não trạng chống thụ thai.
Ba nguyên nhân căn bản gây nên những hiện tượng tiêu cực của gia đình đã được Đức Gioan Phaolô II nêu ra. Đó là sự suy đồi trong quan niệm và trong kinh nghiệm về tự do, sự thiếu thốn về vật chất và tinh thần trong các nước thuộc thế giới thứ ba, và óc hưởng thụ ích kỷ trong các nước giàu có.
Trước tình trạng này, rất nhiều việc khẩn thiết phải làm :
Trước nhất, “Tất cả Hội Thánh có bổn phận phải suy tư và dấn thân sâu xa để nền văn hoá mới đang ló dạng được thấm nhuần Tin Mừng cách thâm sâu, để các giá trị chân thật được nhìn nhận, để các quyền của người nam người nữ được bảo vệ và để công lý được thăng tiến ngay trong các cơ cấu của xã hội”.
Sau nữa, “Hội Thánh đi tìm chân lý, mà chân lý không phải bao giờ cũng trùng hợp với quan niệm của số đông. Hội Thánh nghe theo lương tâm chứ không nghe theo quyền lực và bằng cách đó, Hội Thánh bảo vệ những người nghèo và những người bị khinh dễ. Hội Thánh có thể dựa vào việc nghiên cứu xã hội và thống kê khi việc ấy tỏ ra hữu ích để hiểu được bối cảnh lịch sử, trong đó Hội Thánh phải thi hành việc mục vụ, và để biết rõ sự thật hơn; nhưng đừng nghĩ rằng việc nghiên cứu ấy đã là sự diễn tả cảm thức Đức tin”.
Nhưng căn bản và quyết liệt hơn cả là “trước hết và thật chính đáng, xem xét đến nơi đến chốn dự án nguyên thuỷ của Thiên Chúa về hôn nhân và gia đình” . Ðâu là hướng đi mà Thiên Chúa đã xếp đặt cho gia đình ? Và theo hướng đi ấy, gia đình phải làm những việc gì ?
Paris, ngày 04 tháng 10 năm 2007