.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

1. Sự ra đời của một bài ca

2. Bài ca dâng lên Đấng siêu việt

3. Tình bằng hữu vũ trụ

4. Điều kỳ diệu

5. Chiều kích sâu thẳm

6. Con sói được thuần hóa

7. Bên dưới dấu hiệu của sự tha thứ

8. Mặt trời và cái chết

Lời kết

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Bài ca của bình minh
Tác giả: Lm. Minh Anh, TGP. Huế
dịch
5. CHIỀU KÍCH SÂU THẲM

 Chúng ta biết, những nơi chỗ mà Phanxicô lưu lại thật quan trọng; ở đó, những giấc mơ, những hình ảnh và biểu tượng xâm chiếm con người của ngài bắt đầu với những ước mơ đầu tiên vốn giúp làm sáng tỏ Bài Ca Thọ Tạo. Trong tập trước[1], dành hết cho bài ca này, chúng tôi cố gắng chỉ ra khía cạnh cụ thể của đặc tính thơ phú và tu trì của thánh nhân vốn có thể biểu lộ chiều kích bên trong của một hành trình hướng về Thiên Chúa của ngài. Chúng tôi không có ý trở lại việc phân tích chi tiết đó, nhưng chỉ muốn gợi lên nơi người đọc chiều sâu của bài ca này. 

Thọ tạo mà Phanxicô ngợi ca không chỉ được quan sát mà còn được ước mơ - cách thận trọng, có lẽ, nhưng theo một cách thức thực tế và sâu sắc. Vì thế, “Anh Mặt Trời Quý Tộc” không đơn thuần là một hiện tượng vật lý thuần tuý nhưng còn là một vật sống; anh không chỉ làm vui con mắt mà còn nói với linh hồn; anh mang lại niềm vui không bờ bến ngang qua sự huy hoàng và quãng đại trong ánh sáng của anh. Niềm vui này dâng lên theo cách thức trong đó anh được ca ngợi. Cuối cùng, “Anh Mặt Trời” lôi cuốn, anh đặt sự vật trong tương quan với Đấng Toàn Năng, “Lạy Đấng Tối Cao, anh là biểu tượng của Ngài”.

 

Vì thế, mỗi yếu tố vũ trụ được mơ về theo một ý nghĩa rõ ràng. Nước, gió và lửa, như chúng ta biết, có thể là những yếu tố bạo lực và huỷ hoại, nhưng với Phanxicô, chúng là những hữu thể huynh đệ, nhân hậu và chói ngời lạ thường. Bên cạnh đó, ngài còn nhận ra những giá trị tích cực khách quan trong chúng. Vì thế, “Chị Nước” được xem là “khiêm tốn và khiết tịnh”. Yếu tố được tưởng tượng, mơ về trong chiều sâu. Nó gói ghém một đời sống bí mật.

 

Tương tự như thế, “Anh Lửa” cũng trở thành một thực thể sống động. “Đẹp, vui tươi, tráng kiện và mạnh mẽ”, anh là biểu tượng của sự lôi cuốn sâu sắc, một mộng mơ về nung đốt. Chúng ta biết, Phanxicô thích ngồi trước đống lửa suốt những đêm thu và đông dài, ở đó, giờ này qua giờ khác, trong sự tỉnh lặng của bầu khí tu trì, ngài thích thú chiêm ngắm người bạn ánh sáng này, người nghệ sĩ tung hứng vui tính này, đam mê đủ loại nhào lộn. Ngài để cho ngọn lửa đầy màu sắc, sống động phóng ra chuyển động tinh tế và sức nóng của nó; cả hai, theo một nghĩa nào đó, nên một. Ngày kia Phanxicô ngồi gần đống lửa đến nỗi áo quần ngài bắt lửa nhưng vì quá vui sướng đến nỗi ngài không để ý.

 

Sự vật trong thiên nhiên mà chúng ta rất thích mơ về có những tương quan bí mật với đời sống nội tâm của chúng ta, với cảm xúc sâu sắc của chúng ta. Chúng ta cảm nhận chúng như cảm nhận chính mình. Chúng là những tấm gương của năng lượng ẩn giấu của chúng ta, ngôn ngữ biểu tượng của những nguồn cảm xúc đầu tiên của chúng ta. Chính giấc mơ lại mở ra những đại lộ sâu thẳm của tâm hồn. 

Hãy xem một ví dụ thực sự đơn sơ: một căn nhà chẳng hạn. Ngôi nhà mà chúng ta ước mơ, mọi người ước mơ ở mức độ nào đó, lại không chỉ là một ngôi nhà bằng gỗ hoặc bằng gạch. Đó là một nơi có cuộc sống tốt lành, nơi chúng ta tìm thấy sự thanh thản, thân thiết và hơi ấm. Đó là một tổ ấm được dệt nên bởi những giá trị chung. Ngôi nhà bình yên và an toàn này, trong đó, người mơ thích tưởng tượng chính mình là một biểu tượng của người mẹ. Ngôi nhà mộng mơ này là ngôn ngữ của cảm xúc sâu sắc: nó đưa chúng ta trở lại kinh nghiệm ban đầu về sự hiệp thông trong cuộc sống. Các nhà tâm lý đã nghiên cứu các bức tranh về những ngôi nhà do bọn trẻ vẽ và một người đã ghi nhận: “Yêu cầu một đứa trẻ vẽ một ngôi nhà là yêu cầu nó biểu lộ giấc mơ thâm sâu nhất, trong đó, nó muốn che chở hạnh phúc của nó; nếu nó hạnh phúc thì nó sẽ tìm thấy một ngôi nhà được bảo vệ, một ngôi nhà vừa vững chắc vừa bám rễ sâu. Nó được vẽ theo hình dáng của nó, nhưng hầu như luôn có một đường nét nào đó biểu thị một sức mạnh nội tâm. Trong một vài bức tranh, rõ ràng đó là hơi ấm bên trong; có một ngọn lửa, một ngọn lửa sống động đến nỗi người ta có thể nhìn thấy nó nhảy ra khỏi ống khói. Khi gia đình hạnh phúc, khói nhẹ nhàng nô đùa trên mái nhà”.

 

Chúng ta có thể nói tương tự về nước, gió, lửa và đất. Tất cả các yếu tố này, trong chừng mực, lôi cuốn chúng ta và chúng ta mơ về chúng chính là ngôn ngữ của cảm xúc đầu tiên này. Điều mà chúng ta trực tiếp mơ về vừa biểu lộ thế giới vừa biểu lộ chúng ta. Chính xác hơn, nó biểu lộ hữu thể trong thế giới của chúng ta với những sức mạnh nguyên sơ của sự gắn chặt và liên kết với cuộc sống.

 

Vì thế, khi đến với thế giới của những giấc mơ, chúng ta cũng gặp phải phần tăm tối nhất của chính mình, phần tốt nhất cũng như tồi tệ nhất với toàn bộ sức mạnh của ước muốn. Ở mọi thời và mọi nền văn minh, con người diễn tả những khát vọng nguyên sơ nhất cũng như những kinh nghiệm thiêng liêng cao cả nhất của mình một cách biểu tượng đối với các thực tại vũ trụ: bằng cách vừa ca tụng chúng vừa mơ về chúng. Lịch sử thần thoại và tôn giáo cho thấy mặt trời, mặt trăng, nước, gió, lửa, đất…v.v.. là những biểu tượng lớn, gợi lên những sức mạnh lôi cuốn và đáng sợ; những sức mạnh vừa khổng lồ vừa gần gũi, mang đến sự sống cũng như sự chết. Ví dụ nước đã là một biểu tượng mạnh mẽ đầy cảm xúc cho thiên niên kỷ. Chúng ta gặp nó thường xuyên trong thơ ca, tranh ảnh, bài hát, truyền thuyết và cả trong những giấc mơ… cũng như trong các trường phái biểu tượng tôn giáo hư cấu nhất. Nước là biểu tượng của người mẹ và giấc mơ về nước biến con người thành nguồn sống, thành cung lòng mẹ, thành khởi nguyên của thế giới, thành vực thẳm ban sơ và màu mỡ. Nước là biểu tượng của sự sống và tái sinh nhưng cũng là biểu tượng của sự chết. Nước nuốt chửng người phó mình cho nó cách bị động. Vì thế, “giấc mơ nước” diễn tả cuộc trở về với giấc ngủ ban đầu, một sự tan biến trong cái ban sơ. Giống như mọi biểu tượng lớn, nước là một sức mạnh sóng đôi.

 

Điều này cũng đúng cho “Mẹ Trái Đất của chúng ta” mà rõ rang, Phanxicô đã ca ngợi như một biểu tượng của người mẹ mọi yếu tố khác.

 

Nếu thừa nhận chiều kích phần nào khó hiểu và biểu tượng của các yếu tố vũ trụ trong sự tán dương đạo đức và thơ mộng của chúng, chúng ta mới có thể cảm nhận được ý nghĩa sâu xa của Bài Ca Thọ Tạo. Nhưng không chỉ các yếu tố vũ trụ được mơ ở đây; chính trật tự của chúng, vốn tạo nên cấu trúc của bài ca cũng được liên kết với giấc mơ. Thực ra, các yếu tố vũ trụ không được gợi lên ở đây theo một cách thức ngẫu nhiên và vô trật tự nhưng theo sự thay đổi đều đặn các cặp anh chị em. Vì thế chúng ta có một loạt ba cặp: Anh Mặt Trời, Chị Mặt Trăng; Anh Gió, Chị Nước; Anh Lửa và Chị Mẹ Trái Đất. Cặp Mặt Trời - Trái Đất tạo nên một toàn thể. Một trật tự như thế không có ý nghĩa khách quan, nó cũng không liên quan gì đến thuyết vũ trụ về bốn yếu tố đang hiện hành vào kỷ nguyên đó. Trái lại, nó có vô số tương quan trong lịch sử thần thoại và biểu tượng tôn giáo. Cái khung rõ ràng của nó là khung của những hình ảnh mộng ảo lớn lao, trong đó, những năng lực ban đầu của linh hồn con người đã được diễn đạt từ muôn thuở.

 

Chính trong ánh sáng này mà giờ đây, chúng ta cố gắng thấu hiểu bài ca của Phanxicô và đưa ra ý nghĩa ẩn tàng của nó. Dưới lớp vỏ của sự tán dương vũ trụ, Phanxicô đang đương đầu với chính mình, với các chiều kích thâm sâu của mình. Bằng cách mơ về bản chất “quý giá” và “thân thiện” của sự vật, ngài trở nên huynh đệ với các chiều kích hấp dẫn và đáng sợ của linh hồn. Dĩ nhiên vô thức nhưng theo một cách thức đích thực. Như các mục tử của Pierre Emmanuel, ngài “thăm dò các tầng trời trong tâm hồn mình và tâm hồn ngài vượt xa chúng”. Những hình ảnh vũ trụ lớn lao này - Anh Mặt Trời, Chị Mặt Trăng, Anh Gió, Chị Nước, Anh Lửa, Chị Mẹ Trái Đất của chúng ta - tất cả đều diễn tả một sự hiệp thông huynh đệ không những với các thực tại thiên nhiên mà còn với những sức mạnh gần gũi vốn đang hoạt động trong tâm hồn chúng ta, vốn tạo nên “khảo cổ học” của chúng ta. Tình huynh đệ được diễn đạt trong bài ca này vươn đến không chỉ những yếu tố vật chất mà còn tới tất cả các yếu tố đến sau vốn được đánh giá đúng đắn trong giấc mơ, biểu trưng trong các chiều kích của tâm hồn.

 

Phanxicô mở lòng mình đón nhận các thọ tạo với sự kỳ thú và lòng trìu mến. Đối lại, chúng dẫn ngài đến với chính mình, với sự trọn vẹn của con người và mầu nhiệm của nó.

 

Chúng ta bắt đầu cảm nhận một kinh nghiệm lớn lao mà Bài Ca Thọ Tạo sẽ là một ngôn ngữ biểu trưng cho cảm nghiệm đó. Bản chất của cảm nghiệm này là gì? Bây giờ chúng tôi xin trả lời câu hỏi này.
 


[1] Eloi Leclerc, The Canticle of Creatures (Chicago: Franciscan Herald Press, 1977).

Tác giả Lm. Minh Anh, TGP. Huế (dịch)

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!