.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Cầu nguyện

Ý thức

Tôn giáo

Ân sủng

Các "Thánh"

Bản ngã

Tình yêu

Chân lý

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Taking Flight - Bay Lên Đi!
Tác giả: Lm. Minh Anh, TGP. Huế
Nguyên tác: Anthony de Mello, S.J.
CÁC "THÁNH"

135. Đội cứu hoả can trường 

Có người được sinh ra đã thánh thiện, người khác đạt được sự thánh thiện, kẻ khác nữa, nhờ sự thánh thiện chụp lấy mình. 

Một giếng dầu bốc cháy và công ty vội mời các chuyên gia đến dập tắt. Nhưng vì sức nóng quá cao, các nhân viên cứu hỏa không thể đi vào độ sâu một ngàn foot của giếng khoang. Nôn nóng, ban quản lý kêu gọi đội cứu hỏa tình nguyện của địa phương tiếp cứu theo cách nào có thể. Nửa giờ sau, một chiếc xe cứu hoả trông có vẻ cũ nát lù lù lao tới và đột ngột dừng lại, chỉ cách ngọn lửa cuồng loạn năm mươi foot. Những người đàn ông nhảy ra khỏi xe, phun nước cho nhau và dập tắt lửa. 

Đầy lòng biết ơn, sau vài hôm, ban quản lý công ty tổ chức một buổi lễ tuyên dương lòng dũng cảm của những nhân viên cứu hỏa địa phương vì sự cống hiến cao cả của họ - và họ tặng cho trưởng ban cứu hỏa địa phương một ngân phiếu lớn. Khi phóng viên hỏi ông dự định làm gì với tấm séc đó, trưởng ban đáp, “Ồ, điều đầu tiên tôi sẽ làm là đem chiếc xe cứu hoả đó đến garage để sửa cái phanh chết tiệt!”. 

ڰ 

136. Có thể đi cả ngày 

Ôi, với nhiều người, sự thánh thiện không hơn gì một nghi thức. 

Một ông bạn của bà Pumphampton đến dùng trà, bà cho người hầu một số tiền hoa hồng lớn và bảo, “Hãy cầm lấy. Khi nghe tôi kêu cứu, thì anh có thể đi cả ngày”. 

ڰ 

137. Bóng ngã của vị thánh 

Xưa kia, có một người đàn ông thánh thiện đến nỗi các thiên thần cũng mừng vui khi nhìn thấy ông. Nhưng dù tốt lành đến đâu, ông vẫn không nghĩ mình thánh thiện. Ông chỉ chu toàn công việc đều đặn của mình và tỏa hương thánh thiện như những bông hoa. 

Sự thánh thiện của ông cốt tại điều này – ông quên quá khứ của mỗi người và nhìn họ như họ lúc này, ông nhìn vượt xa vẻ bên ngoài của mỗi người, vào tận tâm tư họ, nơi họ vô tội, trong trắng và quá ngây ngô đến nỗi không biết điều mình làm. Vì thế ông quý mến và tha thứ cho mọi người ông gặp - và ông không thấy điều gì khác thường trong việc này, vì đó là kết quả của cách thức ông nhìn người ta. 

Ngày kia một thiên thần nói với ông, “Thiên Chúa gửi tôi đến với ông. Hãy xin bất kỳ điều gì ông muốn và ông sẽ được toại nguyện. Ông có muốn khả năng chữa bệnh không?”. 

“Không”, người đàn ông thưa, “Tôi muốn chính Chúa chữa lành”. 

“Ông có muốn dẫn người lầm lạc trở về chính lộ không?”. 

“Không”, ông thưa, “Tôi không có nhiệm vụ chạm đến tâm can con người. Đây là công việc của các thiên thần”. 

“Ông có muốn trở nên mẫu gương nhơn đức để mọi người được lôi kéo bắt chước ông không?”. 

“Không”, vị thánh đáp, “vì điều đó sẽ biến tôi thành trung tâm của sự chú ý”. 

“Thế thì ông muốn gì?”, thiên thần hỏi. 

“Ân sủng của Thiên Chúa”, người đàn ông đáp. “Có được điều đó, tôi sẽ có tất cả những gì mình mong muốn”. 

“Không, ông phải xin một phép lạ nào đó”, thiên thần bảo, “hay một phép lạ nào đó sẽ được ban cho ông”. 

“Ồ, thế thì tôi xin điều này: hãy để tôi thực hiện điều lành mà không ý thức về nó”. 

Vì thế Thiên Chúa ban lệnh rằng bóng của người đàn ông thánh thiện sẽ chữa lành... Vì thế mọi nơi bóng ông ngã - miễn là ông quay lưng với cái bóng đó - thì người bệnh được chữa lành, đất trở nên màu mỡ, các giếng nước vọt lên sự sống và sắc màu trở lại với những kẻ bị đè nặng bởi đau khổ cuộc đời. 

Nhưng vị thánh không biết gì về điều này bởi vì người ta quá chú ý đến cái bóng đến nỗi họ quên ông. Và như thế, mong ước sự tốt lành được thực hiện qua mình và sự lãng quên của ông được thực hiện cách tròn đầy. 

ڰ 

138. Ba mươi lăm năm sáng tác 

Người thánh thiện cũng như người vĩ đại, không biết mình như thế. 

Ba mươi lăm năm trôi qua, Paul Cézanne sống trong bóng tối, sáng tác những bức tranh tuyệt vời rồi đem cho hàng xóm, những người này chẳng hay biết gì về giá trị nghệ thuật của chúng. Ông đam mê công việc, chẳng màng chi danh tiếng, cũng không hy vọng ngày nào đó mình sẽ được ngưỡng mộ như cha đẻ của nền hội hoạ hiện đại. 

Một nhà đầu cơ Paris, một người tình cờ tìm gặp những tác phẩm của ông đã làm cho tên tuổi ông nổi tiếng. Ông ấy đã sưu tập các tác phẩm lại và trình bày cho thế giới nghệ thuật trong một cuộc triển lãm Cézanne đầu tiên. Thế giới ngạc nhiên khám phá sự hiện diện của một bậc thầy. 

Tác giả cũng ngạc nhiên không kém. Ông đến phòng triển lãm nghệ thuật, dựa tay vào cậu con trai và không thể giấu được sự ngạc nhiên khi thấy những bức tranh của mình được trưng bày. Quay về phía con trai, ông nói, “Con xem, họ đã đóng khung chúng”.

 ڰ

 139. Hư không  

Người môn đệ Subhuti của Phật đột nhiên khám phá sự vô biên và phong nhiêu của hư không - nhận ra rằng mọi thứ đều phù du, hụt hẫng và vô ngã. Trong tâm trạng hư vô thần thiêng này, người môn đệ vui sướng ngồi dưới gốc cây thì đột nhiên, hoa bắt đầu rơi chung quanh mình. 

Các vị thần thì thầm, “Chúng tôi vô cùng thích thú trước những giáo huấn siêu phàm của ông về sự hư không”. 

Subhuti đáp, “Nhưng tôi không hé một lời về sự hư không”. 

“Đúng”, các vị thần đáp. “Ông không nói về sự hư không, chúng tôi không nghe sự hư không. Đây quả là hư không đích thực”. 

Và những cơn mưa hoa tiếp tục... 

Nếu tôi đã nói về sự trống rỗng của mình hoặc thậm chí ý thức về nó, liệu nó có còn trống rỗng chăng? 

Âm nhạc cần đến những cái lỗ của cây sáo; chữ viết cần đến cái trắng tinh của trang giấy; ánh sáng cần đến những khoảng không gọi là cửa sổ; thánh thiện cần đến sự vắng bóng của bản ngã. 

ڰ

140. Khiêm nhượng ống điếu 

Một giáo sĩ cao niên liệt giường, các đồ đệ thì thầm bên cạnh ông. Họ đang ca tụng các nhân đức vô song của thầy mình. 

“Kể từ thời Salomon, không có người nào khôn ngoan như ngài”, một người trong họ trầm trồ. “Niềm tin của ngài mạnh như đức tin của tổ phụ Abraham”, người khác bảo. “Chắc chắn lòng kiên nhẫn của ngài không thua gì lòng kiên nhẫn của Giacóp”, người thứ ba bảo. “Chỉ trong Môisen, chúng ta mới có thể tìm thấy người nào đó trò chuyện thân tình với Chúa”, người thứ tư bảo. 

Vị giáo sĩ có vẻ lo lắng. Khi các đồ đệ đã đi ra, vợ ông bảo, “Ông có nghe họ ca ngợi ông không?”. 

“Tôi có nghe”, giáo sĩ đáp.

“Thế thì tại sao ông bực bội đến thế?”, người vợ hỏi. 

“Sự khiêm tốn của tôi”, giáo sĩ phàn nàn. “Không ai đề cập sự khiêm tốn của tôi!”. 

Người ta thực sự làm thánh khi nói “Tôi chỉ là bốn bức tường trống rỗng - không có gì bên trong”. Không ai có thể tràn đầy hơn. 

ڰ 

141. Linh mục mất tích 

Một linh mục chín mươi hai tuổi được mọi người trong thành tôn kính. Khi ngài xuất hiện trên đường, người ta cúi chào - đó là nhờ danh thơm thánh thiện của ngài. Ngài cũng là hội viên Câu Lạc Bộ Rotary. Mỗi lần câu lạc bộ hội họp, ngài đều hiện diện, luôn đúng giờ và luôn ngồi ở chỗ ngài yêu thích nhất là ở góc phòng. 

Ngày kia, vị linh mục mất tích. Ngài như thể biến mất vì dù tìm ở đâu, dân thành cũng không thể thấy dấu vết nào của ngài. 

Tuy nhiên, vào tháng sau, khi câu lạc bộ họp, ngài vẫn ở đó như thường lệ, ngồi ở góc. 

“Nhưng thưa Cha”, mọi người la lên, “Cha đã ở đâu?”.

“Ở tù”, Cha bình thản trả lời.

“Ở tù? Lạy Chúa, cha không làm tổn thương một con ruồi! Điều gì đã xảy ra?”. 

“Chuyện dài lắm”, cha bảo, “Nhưng tắt một lời, chuyện thế này: Cha mua cho mình một vé xe lửa đến thành phố và chờ ở sân ga cho đến khi một cô gái xinh đẹp trời đánh bị một viên cảnh sát dẫn đi. Cô ta nhìn cha rồi quay lại nói với viên cảnh sát, “Chính hắn đã làm điều đó”. Và thành thật mà nói, cha đã quá tự tôn khi biện hộ cho mình. 

ڰ 

142. Giữ thinh lặng 

Bốn thầy dòng quyết định thinh lặng một tháng. Họ khởi đầu khá tốt, nhưng sau ngày thứ hai một thầy nói, “Tôi phân vân liệu mình có khóa cửa phòng trước khi chúng ta bắt đầu ra đi không”. 

Thầy khác nói, “Anh ngốc thật! Chúng ta đã quyết định giữ thinh lặng một tháng và bây giờ anh đã đi và phá vỡ sự thinh lặng!”. 

Thầy thứ ba bảo, “Anh thì sao? Anh cũng phá vỡ sự thinh lặng!”. 

Thầy thứ tư bảo, “Cám ơn Chúa, tôi là người duy nhất chưa nói!”. 

ڰ 

142. Đau đầu 

Một người đàn ông vào phòng bác sĩ và nói, “Thưa bác sĩ, tôi đau đầu kinh khủng, đau liên lỉ. Bác sĩ có thể cho tôi một loại thuốc nào đó để trị nó không?”. 

“Được thôi”, bác sĩ đáp, “Nhưng tôi muốn kiểm tra một vài điều trước đã. Hãy nói cho tôi hay anh có uống nhiều rượu không?”. 

“Rượu?” người đàn ông phẫn nộ hỏi, “tôi không bao giờ nếm thứ cặn bã đó”. 

“Hút thuốc thì sao?”. 

“Thật kinh tởm. Chưa một lần trong đời tôi đụng đến thuốc lá”. 

“Tôi hơi bối rối khi hỏi điều này, anh có thường chạy quanh vào ban đêm không?”. 

“Dĩ nhiên không. Ông có ý gì? Tôi ở trên giường mỗi đêm, muộn nhất là mười giờ”. 

“Hãy cho tôi hay”, bác sĩ bảo, “chứng đau đầu mà anh nói đến có dữ dội và gay gắt không?”. 

“Vâng”, người đàn ông trả lời. “Có - đau dữ dội và gay gắt”. 

“Đơn giản, anh bạn thân mến của tôi! Vấn đề chỉ là tại anh quá căng thẳng với những gì trong đầu. Vậy chỉ cần để cho cái đầu của anh nghỉ ngơi. 

Vấn đề nằm ở chỗ lý tưởng. Nếu lý tưởng hoá tất cả, bạn không thể sống nổi với chúng. 

ڰ 

143. Từ chối chức huân tước 

Một chính trị gia uy thế ở Anh không ngừng tìm cách gây ảnh hưởng để được thủ tướng Dioraeli phong chức huân tước. Thủ tướng không biết làm sao thoả mãn được mong muốn của nhà chính trị, nhưng cũng liệu cách từ chối mà không gây tổn thương cho ông. Ông nói, “Tôi xin lỗi, tôi không thể trao cho anh chức huân tước nhưng tôi có thể trao cho anh một điều gì đó tốt hơn. Anh có thể mách với bạn bè rằng, tôi cho anh chức huân tước và anh đã từ chối nó”. 

ڰ 

144. Kẻ tưởng mình có tội  

Ngày kia, một giám mục quỳ trước bàn thờ với niềm sốt mến đạo đức dâng trào, ngài bắt đầu đấm ngực và hô lên: “Con là kẻ tội lỗi, xin thương xót con! Con là kẻ tội lỗi, xin thương xót con!”. 

Linh mục quản xứ được thôi thúc bởi gương khiêm tốn này cũng quỳ xuống bên cạnh giám mục, bắt đầu đấm ngực và nói, “Con là kẻ tội lỗi, xin thương xót con! Con là kẻ tội lỗi, xin thương xót con!”. 

Người giữ phòng thánh nhà thờ tình cờ có mặt lúc đó đã xúc động đến không thể kìm mình. Anh cũng quỳ xuống, đấm ngực và than van, “Con là kẻ tội lỗi, xin thương xót con!”. 

Thấy thế, vị giám mục hích khuỷu tay vào linh mục, chỉ người giữ phòng thánh rồi mỉm cười nói: “Coi kìa, một kẻ tưởng mình có tội”. 

ڰ 

145. Tưởng thưởng cho sự khổ chế 

Có một người theo phái khắc kỷ sống đời độc thân tạo cho mình sứ mạng chiến đấu chống lại tính dục trong bản thân và trong người khác. 

Lúc ông chết, đồ đệ của ông, người không thể chịu được sự mất mát cũng chết không lâu sau đó. Khi đến bên kia thế giới, anh không tin những gì mình thấy. Anh thấy thầy kính yêu của anh ở đó với một phụ nữ cực kỳ xinh đẹp ngồi trên đùi. 

Cảm giác sốc của anh giảm xuống khi nhận ra thầy mình được tưởng thưởng vì biết kìm hãm dục vọng lúc còn trên trần gian. Anh đi thẳng về phía thầy và nói, “Thưa thầy quý mến, bây giờ con biết rằng Thiên Chúa là Đấng công minh, vì thầy được tưởng thưởng trên trời cho sự khổ chế của thầy dưới đất”. 

Thầy có vẻ bực bội. “Ngớ ngẫn!”, ông quát, “đây không phải là thiên đàng và ta đâu có được thưởng cái gì – con mụ này cũng bị trừng phạt như ta thôi!”. 

Khi đôi giày vừa vặn, bàn chân bị lãng quên;

khi thắt lưng sít sao, không ai nhớ đến bụng;

khi mọi sự hài hòa, cái tôi không còn được nhớ đến.

Vậy, sự khổ chế của anh có ích gì? 

ڰ 

146. Linh mục và phụ nữ 

Người ta thường thấy vị linh mục địa phương nói chuyện với một phụ nữ nhan sắc có tiếng xấu - và ở chỗ công cộng nữa - tạo nên gương xấu trong cộng đoàn. 

Ngài bị giám mục gọi về để nhắc nhở. Sau khi được nhắc nhở, linh mục thưa, “Thưa Đức Cha, con luôn cho rằng, nói chuyện với một phụ nữ đẹp mà tâm trí mình hướng về Chúa thì tốt hơn cầu nguyện với Chúa mà tâm trí hướng về một phụ nữ đẹp”. 

Khi thầy tu vào quán, quán trở nên nhà tu. Khi bợm nhậu vào nhà tu, nhà tu trở nên quán. 

ڰ 

147. Nước luộc đậu  

Động đất xảy ra trong thành và vị Thầy vui mừng thấy các đồ đệ đã ấn tượng biết bao trước lòng can đảm của ông. 

Vài ngày sau, khi được đồ đệ hỏi sự khuất phục sợ hãi có ý nghĩa gì, Thầy gợi lại cho họ mẫu gương của mình, “Các con không quan sát trong khi mọi người chạy tán loạn thì thầy vẫn ngồi điềm tỉnh uống trà sao? Không ai trong các con thấy tay ta run khi ta cầm ly sao?”. 

“Dạ không”, một môn đệ thưa. “Nhưng thưa ngài, ngài không uống trà mà uống nước luộc đậu”. 

ڰ 

148. Chạy trốn hư ảo 

Ngày kia Nisterus Cả, một trong những Thánh Giáo Phụ của Sa mạc Ai cập, đi vào sa mạc với một số đông môn đệ, những người tôn thờ ông như người của Thiên Chúa. 

Đột nhiên, một con rồng xuất hiện trước mặt họ và tất cả bỏ chạy. 

Nhiều năm sau, khi Nisterus hấp hối, một trong các môn đệ thưa với ông, “Thưa Cha, Cha cũng sợ vào cái ngày chúng ta thấy con rồng phải không?”.

 “Không”,  ông ngoi ngóp đáp.

“Thế tại sao Cha bỏ chạy với chúng con?”.

“Ta nghĩ tốt hơn nên chạy trốn con rồng, để sau này khỏi chạy trốn những gì hư ảo”.

 ڰ

 149. Thầy thuốc Longinus  

Khi sa mạc Ai Cập trở nên nhà ở của các Thánh Giáo Phụ sa mạc, thì một phụ nữ ung thư ngực đi tìm một trong các ngài, một Abba Longinus nào đó, một người có tiếng thánh thiện và là một thầy thuốc. 

Khi người phụ nữ đi dọc theo bờ biển, bà tình cờ gặp chính Longinus đang lượm củi, và nói “Thưa Thánh Giáo Phụ, xin nói cho con hay nơi ở của người tôi tớ Thiên Chúa có tên là Abba Longinus?”. 

Longinus đáp, “Tại sao bà tìm đến tên lừa đảo già nua đó? Đừng đi gặp ông ta, vì ông chỉ làm hại cho bà thôi. Bà có vấn đề gì?”. 

Bà trình bày cho ông vấn đề của mình. Vì thế, ông chúc lành cho bà, và bảo bà về, ông nói, “Bây giờ bà hãy đi, chắc chắn Chúa sẽ làm cho bà khoẻ trở lại. Longinus sẽ không giúp được gì cho bà đâu”. 

Vì thế người đàn bà bỏ đi, đoan chắc mình sẽ được chữa lành - điều mà bà hoàn toàn không nhận ra trước khi năm cùng tháng tận - bà chết nhiều năm sau đó, bà không biết chính Longinus đã chữa lành bà. 

ڰ 

150. Phép lạ và những giá trị tinh thần 

Lần kia, có người đến với một môn đệ của phái thần nghiệm Hồi Giáo Bahaudin Naqshband và nói, “Xin nói cho tôi biết tại sao Thầy của anh che giấu những phép lạ của ông. Bản thân tôi đã thu thập các dữ kiện cho thấy chắc chắn rằng, Thầy hiện diện đồng thời hơn một nơi; Thầy đã chữa lành người ta bằng quyền năng cầu nguyện của Thầy nhưng lại bảo họ rằng đó là công việc của thiên nhiên; rằng mình giúp nhiều người túng bấn và rồi quy điều đó cho vận may. Tại sao Thầy anh lại làm thế?”. 

“Tôi biết chính xác điều ông đang nói”, người môn đệ đáp, “vì chính tôi đã quan sát những điều này. Và tôi nghĩ tôi có thể giải đáp thắc mắc của ông. Trước tiên, Thầy tránh trở thành trung tâm của sự chú ý. Thứ đến, Thầy tôi đoan chắc, một khi người ta quan tâm đến phép lạ thì họ không muốn học bất cứ điều gì có giá trị tinh thần đích thực nữa”.

 ڰ

 151. Đức hạnh trọng hơn mạng sống  

Laila và Rama yêu nhau, nhưng vì quá nghèo, họ chưa thể kết hôn được. Họ sống ở hai ngôi làng khác nhau, phân cách bởi một con sông lớn đầy cá sấu. 

Ngày kia, nghe tin Rama bị bệnh nguy tử, không người chăm sóc, Laila lao đến bờ sông van xin người lái đò đưa cô qua sông vì cô không có tiền để trả. 

Nhưng tên lái đò lòng dạ đen tối đó từ chối trừ phi cô đồng qua đêm với hắn. Cô gái tội nghiệp nài nỉ van xin nhưng không kết quả, vì thế, trong nỗi tuyệt vọng tột cùng, cô chấp nhận điều kiện của y. 

Cuối cùng cô đến với Rama, thấy anh gần chết và cô ở lại với anh một tháng để chăm sóc cho đến khi anh phục hồi. Ngày kia, Rama hỏi cô xoay sở làm sao để qua sông. Không thể che giấu người yêu, cô đành nói sự thật. 

Nghe xong câu chuyện, Rama phẫn nộ, vì anh coi đức hạnh trọng hơn mạng sống. Anh đuổi cô ra khỏi nhà và từ chối gặp cô. 

ڰ 

152. Nhân cách và biểu hiện 

Ressen là một thầy chùa, cũng là một nghệ nhân rất tài năng. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu vẽ bất kỳ bức tranh nào, anh luôn đòi tiền trước và giá thì cắt cổ. Vì thế, người ta gọi anh là Thầy Tu Tham Lam. 

Có lần, một vũ nữ tìm đến anh, nhờ vẽ một bức tranh. Gessen bảo, “Cô sẽ trả tôi bao nhiêu?”. Tình cờ lúc đó, cô gái đang tiếp một khách quen. Cô đáp, “Bất kỳ giá nào anh yêu cầu. Nhưng bức tranh phải được hoàn thành ngay bây giờ trước mặt tôi”. 

Gessen tra tay làm việc ngay lập tức và khi bức tranh hoàn tất, anh đòi cái giá cao nhất từ trước đến nay. Vũ nữ trả tiền cho anh, cô nói với khách hàng của mình, “Người này được cho là một thầy tu. Nhưng tất cả những gì anh nghĩ tới chỉ là tiền. Tài năng của anh ta thì tuyệt, nhưng anh ta có một đầu óc bệnh hoạn, tham tiền. Làm sao người ta có thể trưng bày bức tranh của một người đàn ông bệnh hoạn, tham tiền như thế? Tác phẩm của anh ta chỉ đủ tốt cho đồ lót của tôi!”. 

Nói xong câu đó cô ném cho anh một chiếc váy ngắn và yêu cầu anh vẽ một bức tranh trên đó. Gessen đặt câu hỏi thông thường trước khi bắt tay vào việc, “Cô sẽ trả tôi bao nhiêu?”, “Ồ, bất kỳ giá nào anh yêu cầu”, cô gái đáp. Gessen ra giá, vẽ tranh, trơ trẽn đút tiền vào túi và bỏ đi. 

Nhiều năm sau, hoàn toàn tình cờ, có ai đó tìm ra nguyên nhân vì sao Gessen tham tiền đến thế.  

Nạn đói khốc liệt thường xảy ra ở quê nhà. Người giàu chẳng làm gì để giúp người nghèo đang khi Gessen lại xây những kho thóc bí mật trong vùng và đổ đầy thóc để phòng khi cần kíp. Không ai biết thóc từ đâu ra và ai là ân nhân của dân làng. 

Một lý do khác tại sao Gessen tham tiền là con đường từ làng lên thành phố dài hàng dặm. Con đường xấu đến nỗi xe bò cũng không thể di chuyển. Điều này gây đau đớn cho người già và người bệnh khi họ cần lên thành phố. Vì thế Gessen thuê người sửa đường. 

Lý do cuối cùng là ngôi nhà nguyện mà thầy của Gessen luôn ước ao xây nhưng lực bất tòng tâm. Gessen xây nhà nguyện này như một biểu hiện của lòng biết ơn vị thầy đáng kính của mình. 

Sau khi Thầy Tu Tham Lam đã sửa đường, xây nhà nguyện và các kho thóc, ông vứt bút cọ, tỉnh dưỡng trên núi với đời chiêm niệm và không bao giờ vẽ thêm một bức tranh nào. 

Nhân cách của một con người thường biểu lộ những gì mà người quan sát tưởng tượng ra. 

ڰ 

153. Nhà thổ 

Hai công nhân Ái Nhĩ Lan đang làm việc trên con đường bên ngoài một nhà thổ. 

Bấy giờ, một mục sư Tin Lành tiến đến, kéo mũ xuống, đi vào tòa nhà. Pat bảo Mike, “Anh có thấy không? Chúng ta có thể trông mong điều gì? Ông ta chẳng phải là Tin Lành sao?”. 

Ngay sau đó là một giáo sĩ Do Thái. Ông kéo cổ áo của mình lên và cũng đi vào. Pat nói, “Kinh khủng biết bao tấm gương mà một lãnh đạo tôn giáo nêu cho dân mình!”. 

Cuối cùng, một linh mục công giáo đi qua. Ông trùm chiếc áo choàng quanh đầu và lẻn vào. Pat nói, “Mike, một trong các cô gái đã bị ốm nặng quả là điều kinh khủng phải không?”. 

ڰ 

154. Ngôn từ của giám mục 

Ngày kia, hướng dẫn viên của một người đàn ông câu cá ở miền núi phía bắc kể cho ông nghe những câu chuyện về vị giám mục mà anh hướng dẫn mùa hè năm trước. 

“Vâng”, anh kể, “ngài là một người tốt, ngoại trừ ngôn từ của ngài”. 

“Anh nói giám mục chửi thề sao?” ông hỏi.

“Ồ, nhưng thưa ông, dĩ nhiên rồi”, hướng dẫn viên đáp. “Câu được một con cá hồi, ngay khi ngài sắp nhấc nó lên, thì con cá vuột khỏi lưỡi câu. Vì thế, tôi thưa với giám mục, ‘Mẹ kiếp!’, và giám mục nhìn thẳng vào tôi và nói, ‘Ồ, đúng thế!’ nhưng đó là lần duy nhất tôi nghe giám mục dùng thứ ngôn ngữ đó”. 

ڰ 

155. Dễ tính và cáu kỉnh 

Vào thời Minh Trị Thiên Hoàng, có hai giáo sư nổi tiếng sống ở Tokyo rất khác biệt nhau. Unsho, giáo sư trường Shingon, một người tỉ mỉ tuân giữ mọi giáo huấn của Phật. Ông thức dậy trước bình minh, nghỉ khi trời vừa xế, không ăn gì sau khi mặt trời lên tới ngọn và không uống thức gì có cồn.  

Người khác, Tanzan, là giáo sư triết tại học viện Hoàng Gia Tokyo, còn gọi là Todai. Ông không tuân giữ giáo huấn nào, ông ăn khi cảm thấy thèm và ngủ suốt ngày. 

Ngày kia, Unsho thăm Tanzan, thấy ông đang chè chén. Quả là bê bối vì một tín đồ Phật Giáo thì không được nếm ngay cả một giọt rượu. 

“Chào ông bạn”, Tanzan hô lên. “Mời ông vào và dùng với tôi một chén”. 

Unsho cảm thấy nhục. Nhưng cầm mình, ông nói, “Tôi không bao giờ uống”. 

“Ai không uống thì chắc không phải là người”, Tanzan bảo. 

Lần này, Unsho nổi giận. “Ông muốn nói tôi không phải là người vì tôi không chạm đến điều mà Phật rõ ràng đã cấm sao? Nếu tôi không phải là người, thế tôi là gì?”. 

“Là Phật”, Tanzan vui vẻ đáp. 

Cách chết của Tanzan thì bình thường như cách sống của ông. Vào ngày cuối đời, ông viết sáu mươi bưu thiếp, mỗi tấm đều có nội dung: 

Tôi đang rời xa thế giới này

Đây là lời công bố cuối cùng của tôi. 

Tanzan.

27 tháng 7, 1892

 

Ông nhờ một người bạn gửi những bưu thiếp này rồi lặng lẽ tắt hơi. 

Đạo sĩ Junaid de Bagdad nói: “Kẻ nuông chiều xác thịt mà dễ tính vẫn tốt hơn vị thánh cáu kỉnh”. 

ڰ 

156. Người lượm thuỷ tinh 

Một gia đình năm người đang nghỉ ở bãi biển. Bọn trẻ đang tắm và xây những lâu đài cát đang khi ở đằng xa, một phụ nữ cao niên nhỏ nhắn xuất hiện. Mái tóc râm của bà bay trong gió, áo quần thì dơ dáy và rách rưới. Bà đang lẩm bẩm điều gì với chính mình khi cúi nhặt rác rến từ bãi biển bỏ vào túi xách. 

Cha mẹ gọi bọn trẻ lại và bảo chúng tránh xa bà lão. Khi bà đi ngang qua, thỉnh thoảng cúi xuống để nhặt đồ, bà cười chào gia đình. Nhưng lời chào của bà không được đáp lại. 

Nhiều tuần sau, họ mới biết bà cụ nhỏ nhắn ấy đã tự nguyện hiến cả đời mình để nhặt những mảnh thủy tinh từ bãi biển kẻo sợ bọn trẻ bị đứt chân. 

ڰ 

157. Người nhào lộn 

Những vị khổ tu lang thang giữa phố xá là điều rất phổ biến ở Ấn Độ. Một bà mẹ cấm con trai tiếp xúc với họ vì đang khi một số trong họ có tiếng là thánh thiện thì số khác lại bị tiếng là kẻ bóc lột trá hình. 

Ngày kia từ cửa sổ, bà mẹ kia thấy những đứa trẻ trong làng vây quanh một nhà khổ tu. Bà ngạc nhiên thấy ông hoàn toàn không ý thức về thanh danh của mình, ông đang biểu diễn những trò nhào lộn để mua vui cho bọn trẻ. Quá ấn tượng, bà gọi cậu con trai và bảo, “Con ơi, người này là một người thánh thiện. Con có thể ra chơi với ông”. 

ڰ 

158. Nghĩ tốt về người khác 

Xưa kia có một linh mục thánh thiện đến nỗi không bao giờ nghĩ xấu về người khác. 

Ngày nọ, ngài ngồi trong một nhà hàng, uống một tách cà phê là tất cả những gì ngài có thể dùng vì hôm đó là ngày ăn chay kiêng thịt. Lúc ấy, ngài ngạc nhiên thấy một giáo dân trẻ của cộng đoàn mình đang ngồi nhai một đùi thịt ở bàn kế bên. 

“Thưa Cha, con nghĩ con không làm cha sốc”, chàng trai trẻ cười nói. 

“À, cha cho rằng con quên hôm nay là ngày ăn chay và kiêng thịt”, linh mục đáp. 

“Dạ không, dạ không. Con nhớ mồn một”.

“Thế chắc con bị ốm. Bác sĩ cấm con ăn chay”.

“Không hề. Con cực kỳ khỏe mạnh”. 

Nghe thế, linh mục ngước mắt lên trời và nói, “Lạy Chúa, thế hệ trẻ này là mẫu gương sáng ngời cho chúng ta! Ngài có thấy cách chàng trai... thà nhận tội còn hơn nói dối không?”. 

ڰ 

159. Bí mật tiếng cười 

Nói đến Thiền Sư vĩ đại Rinzai, người ta bảo, mỗi đêm, điều cuối cùng mà ông làm trước khi đi ngủ là phát ra một tràng cười vọng qua các hành lang vang đến mọi toà nhà của tu viện. 

Điều đầu tiên ông làm khi thức dậy lúc bình minh là nổ một tràng cười lớn đến nỗi đánh thức mọi thầy tu, dù có ai ngủ sâu đến mấy. 

Các môn đệ ông lần này đến lần khác xin ông nói cho biết tại sao ông cười, nhưng ông từ chối. Khi ông chết, ông mang bí mật tiếng cười của mình xuống mồ.

 

160. Vùng Đất Cười  

Vị tôn sư say sưa giảng giải, các môn đệ chăm chú lắng nghe những giai đoạn thầy mình đã trải qua trên con đường tìm kiếm Thiên Chúa.  

“Trước tiên Thiên Chúa nắm lấy tay ta”, Thầy nói, “dẫn ta vào Vùng Đất Hành Động, ta sống ở đó vài năm. Rồi Ngài trở lại dẫn ta vào Vùng Đất Sầu Muộn, ta sống ở đó cho đến khi tâm hồn mình được thanh luyện khỏi mọi vấn vương tục trần. Đây là lúc ta thấy mình ở trong Vùng Đất Yêu Thương, nơi có những ngọn lửa bừng cháy thiêu rụi tất cả những gì còn lại trong bản ngã của ta và điều đó đã đưa ta tới Vùng Đất Lặng Thinh, nơi các mầu nhiệm sự sống và sự chết được mặc khải trước sự kinh ngạc của ta”. 

“Có phải đó là giai đoạn cuối cùng mà Thầy tìm kiếm không?”, họ hỏi. 

“Không”, Thầy đáp. “Ngày kia Chúa bảo, ‘Hôm nay, Ta sẽ dẫn con vào chốn sâu nhất của Đền Thờ, đến chính cõi lòng của Thiên Chúa’. Và Thầy được dẫn đến Vùng Đất Cười”. 

ڰ

 161. Tù nhân đáng tội 

“Tù nhân ở vành móng ngựa”, Công tố viên hỏi, “Anh bị buộc tội lôi kéo người ta không giữ luật, truyền thống và phong tục tôn giáo thánh thiện của chúng ta. Anh bào chữa thế nào?”. 

“Thưa ngài, đáng tội”.

“Và thường xuyên lui tới với bọn lạc giáo, gái điếm, tội nhân công khai, những người thu thuế tống tiền, những kẻ thực dân xâm chiếm nước ta - tắt một lời, những kẻ bị tuyệt thông. Anh bào chữa thế nào?”. 

“Thưa ngài, đáng tội”.

 “Và cũng công khai chỉ trích phỉ báng những người chức quyền trong Giáo Hội của Thiên Chúa. Anh biện hộ thế nào?”. 

“Thưa ngài, đáng tội”.

“Cuối cùng, anh bị buộc tội duyệt lại, sửa chữa và đặt vấn đề những tín điều bí mật của chúng ta. Anh biện hộ thế nào?”.

“Thưa ngài, đáng tội”. 

“Này tù nhân, tên ngươi là gì?”

“Thưa ngài, Giêsu Kitô”. 

Vài người khiếp sợ khi thấy tôn giáo của mình được thực hành cũng như khi nghe nó bị ngờ vực.

Tác giả Lm. Minh Anh, TGP. Huế (Nguyên tác: Anthony de Mello, S.J.)

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!