.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Một hành trình có mục đích

Ngày 1: Tất cả khởi sự với Thiên Chúa

Ngày 2: Không phải tình cờ mà bạn hiện hữu

Ngày 3: Điều gì đang định hướng cuộc đời bạn?

Ngày 4: Được tạo dựng cho cõi đời đời

Ngày 5: Nhìn cuộc sống từ quan điểm của Thiên

Ngày 6: Cuộc sống là một nhiệm vụ tạm thời

Ngày 7: Lý do của mọi sự

MỤC ĐÍCH # I: BẠN ĐƯỢC TẠO DỰNG CHO NIỀM VUI CỦA THIÊN CHÚA. Ngày 8

Ngày 9 : Điều gì khiến Thiên Chúa mỉm cười?

Ngày 10 : Trọng tâm của việc thờ phượng

Ngày 11 : Trở nên những người bạn nghĩa thiết của Thiên Chúa

Ngày 12: Phát huy tình bạn với Thiên Chúa

Ngày 13: Việc thờ phượng làm đẹp lòng Thiên Chúa

Ngày 14: Khi Thiên Chúa xem ra xa vắng

MỤC ĐÍCH # 2: Bạn được tạo dựng để sống trong gia đình của Thiên Chúa (Ngày 15-21)

MỤC ĐÍCH # 3: Bạn được tạo dựng để nên giống Đức Kitô (Ngày 22-28)

MỤC ĐÍCH # 4: Bạn được tạo thành để phục vụ Thiên Chúa (Ngày 29-35)

MỤC ĐÍCH # 5: Bạn được tạo dựng cho một sứ mệnh (Ngày 36-40, phụ lục)

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Sống Theo Đúng Mục Đích
Tác giả: Lm. Minh Anh, TGP. Huế
Nguyên tác: RICK WARREN
NGÀY 13: VIỆC THỜ PHƯỢNG LÀM ĐẸP LÒNG THIÊN CHÚA

“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa,

Thiên Chúa của ngươi,

hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn,

và hết sức lực ngươi”

(Mc 12, 30).

 

Thiên Chúa muốn bạn trọn vẹn thuộc về Ngài.

Thiên Chúa không muốn một mảng nào đó trong cuộc đời bạn. Ngài đòi bạn hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức. Ngài không thích một sự cam kết hai lòng, một sự vâng phục từng phần cũng như một ít thời gian rảnh rỗi hay một ít tiền dư bạc thừa của bạn. Ngài mong mỏi bạn hiến dâng trọn vẹn, chứ không chỉ là những mảnh nhỏ đời bạn.

Ngày kia, một phụ nữ Samaria tìm cách tranh luận với Đức Giêsu về thời gian, nơi chỗ và lề lối thờ phượng tốt nhất. Ngài trả lời rằng, những chuyện bên ngoài đó không quan trọng gì cả. Bạn thờ phượng ở đâu, không quan trọng cho bằng tại sao bạn thờ phượng và bạn phó dâng chính mình ngần nào cho Thiên Chúa khi thờ phượng. Như thế, có cách thờ phượng đúng và cũng có cách thờ phượng không đúng. Kinh Thánh nói, “Với lòng biết ơn đó, chúng ta hãy phụng thờ Thiên Chúa cho đẹp lòng Ngài” (Dt 12, 28b). Để đẹp lòng Thiên Chúa, thờ phượng cần có bốn đặc tính: 

Thiên Chúa vui lòng khi chúng ta thờ phượng Ngài cách đúng đắn. Người ta thường nói, “Tôi thích nghĩ Thiên Chúa như thế này, Thiên Chúa như thế kia…” và rồi họ chia sẻ ý tưởng của mình về hình ảnh Thiên Chúa mà họ muốn thờ phượng. Thế nhưng, chúng ta không thể tạo ra một hình ảnh tuỳ thích hay hợp thời về Thiên Chúa rồi thờ phượng nó. Đó là thờ ngẫu tượng.

 

Thờ phượng đẹp lòng Chúa không chỉ là tình cảm sâu sắc nhưng còn phải đúng tín lý. Chúng ta phải vận dụng cả con tim, lẫn trí óc. 

Thờ phượng phải được xây dựng trên nền tảng chân lý của Lời Chúa, chứ không trên quan điểm riêng của chúng ta về Thiên Chúa. Đức Giêsu nói với người phụ nữ Samaria, “Những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Ngài như thế” (Ga 4, 23b).

“Thờ phượng trong sự thật” là thờ phượng Thiên Chúa như Ngài được mặc khải chân thực trong Kinh Thánh.

Thiên Chúa vui lòng khi chúng ta thờ phượng Ngài cách chân thật. Khi Đức Giêsu nói bạn phải “thờ phượng trong thần khí”, Ngài không chỉ ngụ ý đến Thánh Thần, nhưng còn nhắm đến tinh thần của bạn. Được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, tinh thần của bạn ở trong thân xác, và Ngài đã dự liệu tinh thần đó để bạn có thể thông hiệp với Ngài. Thờ phượng là việc tinh thần của bạn đáp trả Tinh Thần của Thiên Chúa.

Khi dạy, “Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn”, Đức Giêsu muốn nói, việc thờ phượng phải chân thật và phát xuất tận đáy lòng. Đó không chỉ là việc nói đúng những gì bạn muốn nói mà còn phải nói tận cõi lòng.

Ngợi khen mà không hết lòng là chẳng ngợi khen chút nào!

Chẳng những vô bổ mà lại còn xúc phạm đến Chúa. 

Khi chúng ta thờ phượng, xem ra Thiên Chúa bỏ qua những ngôn từ để nhìn vào thái độ tâm hồn mỗi người. Kinh Thánh nói, “Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng” (1Sm 16, 7b).

Vì thờ phượng bao hàm nỗi vui mừng trong Chúa, nên nó cũng thu hút những tâm tình của bạn. Thiên Chúa đã trao cho bạn những cảm thức để bạn có thể thờ phượng Ngài với những cảm xúc sâu lắng - nhưng những tâm tình này phải chân thực chứ không được giả tạo. Ngài ghét sự giả hình. Ngài không muốn có sự khoe khoang, giả vờ hay dối trá trong thờ phượng. Ngài muốn sự chân thành và lòng mến chân thật của bạn. Chúng ta có thể thờ phượng Thiên Chúa một cách không hoàn hảo, nhưng không thể thờ phượng Ngài một cách thiếu chân thành.

Dĩ nhiên, chỉ chân thành thôi thì chưa đủ; bạn có thể chân thành nhưng lại sai. Đó là lý do tại sao phải có cả tinh thần và chân lý. Thờ phượng phải vừa đúng đắn vừa chân thật. Thờ phượng đẹp lòng Chúa không chỉ là tình cảm sâu sắc nhưng còn phải đúng tín lý. Chúng ta phải vận dụng cả con tim, lẫn trí óc.

Ngày nay, về mặt tình cảm, nhiều người lầm lẫn khi coi việc cảm động bởi âm nhạc là việc được Thánh Thần tác động; hai việc này hoàn toàn khác nhau. Thờ phượng đích thực xảy ra khi tinh thần bạn đáp trả Thiên Chúa, chứ không phải là rung cảm trước vài cung nhạc. Quả vậy, một vài bài hát uỷ mị đi vào lòng người đã ngăn cản việc thờ phượng bởi chúng không quy về Chúa mà quy về những cảm xúc của chúng ta. Cái làm bạn chia trí nhất trong việc thờ phượng là chính bạn - đó là những sở thích, những lo lắng của bạn về những gì người khác nghĩ về bạn.

Các Kitô hữu thường có quan điểm không giống nhau về cách thức thờ phượng thích hợp và chân thực, nhưng những tranh luận này thường chỉ phản ánh những khác biệt về con người và bối cảnh của họ. Nhiều hình thức thờ phượng được đề cập trong Kinh Thánh, trong đó có việc xưng thú, ca hát, kêu cầu, đứng thẳng tôn vinh, quỳ gối, múa nhảy, tạo âm thanh nhộn nhịp hoan hỷ, làm chứng, chơi nhạc cổ truyền và đưa tay lên làm những cử điệu (Dt 13, 15; Tv 7, 17; Er 3, 11; Tv 149, 3; 150, 3; Nkm 8, 6). Phong cách thờ phượng tốt nhất là phong cách bày tỏ chân thật nhất lòng yêu mến của bạn đối với Thiên Chúa dựa trên bối cảnh và tính khí Ngài đã ban cho. 

Phong cách thờ phượng tốt nhất là phong cách bày tỏ chân thật nhất lòng yêu mến của bạn đối với Thiên Chúa, dựa trên bối cảnh và tính khí Ngài đã ban cho.

 

Bạn tôi, Gary Thomas lưu ý, nhiều Kitô hữu xem ra bị kẹt trong một lối mòn thờ phượng cứng nhắc và buồn tẻ - một thói quen chẳng mấy lý thú - thay vì có một tình bạn sống động với Chúa. Tại sao như vậy? Bởi họ tự buộc mình sử dụng những phương pháp hoặc những phong cách thờ phượng vốn không phù hợp với cốt cách Thiên Chúa đã nắn đúc độc đáo trong họ.

Gary tự hỏi, Nếu Thiên Chúa có ý tạo dựng mỗi người không ai giống ai, thì tại sao Ngài lại muốn mọi người phải yêu mến Ngài theo cùng một cách? Khi đọc các tác phẩm Kitô giáo kinh điển và nói chuyện với nhiều người trưởng thành, Gary đã khám phá ra rằng, qua 2000 năm, các Kitô hữu đã sử dụng nhiều cách khác nhau để vui hưởng tình thân với Thiên Chúa: ở ngoài trời, nghiên cứu, ca hát, đọc, múa, sáng tác nghệ thuật, phục vụ người khác, ở một mình, vui sống tình bạn, và tham dự hàng tá các hoạt động khác.

 

Trong cuốn sách của mình Sacred Pathways, Gary nhận định 9 cách thế đem con người lại gần Thiên Chúa. Những người yêu thiên nhiên cảm hứng mến yêu Chúa nhiều nhất khi ở ngoài trời, trước những vẻ đẹp của cảnh quan. Những người có cảm giác mạnh yêu mến Chúa qua các giác quan và đánh giá cao những buổi thờ phượng đẹp đẽ trong đó họ có thể nhìn, nếm, ngửi và sờ đụng chứ không chỉ nghe. Những người theo truyền thống đến gần Thiên Chúa qua những nghi lễ, phụng vụ, biểu tượng và những công thức không đổi. Những người khổ hạnh yêu mến Chúa trong sự cô tịch và giản dị. Những người hoạt động yêu mến Chúa qua việc chiến đấu chống lại sự dữ, bất công và họ hoạt động để thế giới ngày càng nên tốt hơn. Những người thích săn sóc yêu mến Chúa qua việc yêu thương những người khác và giúp đỡ họ. Những người sốt mến yêu mến Chúa qua các buổi cử hành phụng vụ. Những người chiêm niệm yêu mến Chúa qua việc tôn thờ. Những người trí thức yêu Chúa qua việc nghiên cứu tri thức.8

Không có một cách tiếp cận nào được gọi là “phù hợp cho mọi người” trong việc thờ phượng Thiên Chúa và sống tình bạn với Ngài. Nhưng có một điều chắc chắn: Bạn sẽ không làm vinh danh Chúa khi cố trở thành một người nào đó màThiên Chúa không bao giờ có ý định bạn phải trở nên. Ngài muốn bạn là chính bạn. “Nhưng giờ đã đến - và chính là lúc này đây - giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Ngài như thế” (Ga 4, 23).

---------------------------------------------------------------------------------------------

8 Gary Thomas, Sacred Pathways (Grand rapids: Zondervan, 2000).

 

Thiên Chúa vui lòng khi chúng ta thờ phượng Ngài trong suy tư. Lệnh truyền của Đức Giêsu “Hãy yêu mến Thiên Chúa hết trí khôn” được lặp lại bốn lần trong Tân Ước. Thiên Chúa không vui lòng với những bài hát nghêu ngao không ý tưởng, những sáo ngữ hoa mỹ chiếu lệ, hay những lời tung hô “Ngợi khen Chúa” hời hợt vô hồn, bởi chúng ta không nghĩ ra được điều gì khác để nói lúc đó. Nếu thờ phượng mà không suy tư, không đặt tâm trí vào đó thì thật vô nghĩa. Bạn phải đem cả lý trí vào.

Đức Giêsu gọi kiểu thờ phượng vô hồn đó là “những lặp đi lặp lại vô ích”. Ngay cả những thuật ngữ Kinh Thánh cũng có thể trở thành sáo ngữ nặng nề khi dùng quá nhiều, và mất cả ý nghĩa. Đọc làu làu kinh kệ khi thờ phượng thì dễ hơn thay vì cố gắng làm vui lòng Chúa với những lời nguyện và những cách thế mới mẻ khác.

Bạn hãy thử thờ phượng Chúa mà không dùng những từ ngữ cũ xưa như ngợi khen, halléluia, tạ ơn hoặc amen. Thay vì nói, “Chúng con ngợi khen Chúa”, bạn hãy làm một danh sách những từ đồng nghĩa và sử dụng những từ mới này như thán phục, tôn kính, quý mến, chiêm bái, tôn vinh và cảm kích.

Khen ngợi cũng phải cụ thể. Nếu ai đó đến lặp đi lặp lại với bạn, “Anh thật đáng khen!” mười lần, có lẽ bạn sẽ nghĩ, Về điều gì? Bạn sẽ thích nghe hai lời khen cụ thể hơn là hai mươi lần khen chung chung; Thiên Chúa cũng vậy.

 

NGÀY MƯỜI BA THỜ PHƯỢNG LÀM ĐẸP LÒNG THIÊN CHÚA 

Một ý tưởng khác là lập một danh sách về những danh xưng khác nhau của Thiên Chúa và tập trung vào chúng. Những danh xưng đó không được tuỳ tiện; chúng nói cho chúng ta những khía cạnh khác nhau nơi Thiên Chúa. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa mặc khải chính mình dần dần cho dân Israel bằng cách giới thiệu những danh xưng mới, và Ngài ra lệnh chúng ta ngợi khen danh Ngài.9

Thiên Chúa cũng muốn những buổi hội họp thờ phượng chung của chúng ta có ý nghĩa. Thánh Phaolô dành trọn một chương trong 1Cr 14 để nói đến điều này, và ngài kết luận, “Nhưng hãy làm mọi sự cách trang nghiêm và có trật tự” (1Cr 14, 40).

Liên hệ đến điều này, Thiên Chúa lưu ý chúng ta làm sao để những anh em không tin cũng có thể hiểu được ý nghĩa khi họ có mặt trong những buổi thờ phượng chung. Thánh Phaolô nhận xét, “Quả thế, nếu bạn chỉ chúc tụng với tấm lòng thôi, thì làm sao hạng người ngoài cuộc có thể thưa ‘Amen’ lúc bạn dâng lời tạ ơn, vì người đó không biết bạn nói gì? Đã hẳn, lời tạ ơn của bạn tốt đẹp thật, nhưng không xây dựng cho người khác” (1Cr 14, 16-17). Để ý đến những người chưa tin có mặt trong những buổi cầu nguyện của chúng ta là một mệnh lệnh

bắt nguồn từ Kinh Thánh. Bỏ qua mệnh lệnh này sẽ vừa là bất tuân, vừa thiếu lòng mến. Để có một giải thích đầy đủ hơn về điểm này, bạn hãy xem chương “Thờ Phượng Là Một Chứng Tá” trong cuốn The Purpose-Driven Church.

Thiên Chúa vui lòng khi chúng ta thờ phượng Ngài cách thực tiễn. Kinh Thánh nói, “Anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Ngài” (Rm 12, 1).

Tại sao Thiên Chúa lại muốn cả thân mình chúng ta? Tại sao Ngài không bảo, “Hãy hiến dâng tinh thần?”. Bởi vì nếu không có thân xác, bạn không làm gì được trên mặt đất này. Trong cõi đời đời, bạn sẽ có một thân xác mới, cải thiện hơn, cao cấp hơn; nhưng đang khi còn trên trần gian, thì Thiên Chúa bảo, “Hãy trao cho Ta tất cả những gì con có!”. Chỉ vì Ngài rất thực tế trong việc thờ phượng.

---------------------------------------------------------------------------------------------

9 Xem 11- week tape series on the names of God, “How God Meets Your

Deepest Needs”, by Saddleback Pastors (1999), www.pastors.com. 

 

Bạn từng nghe, “Tôi không đến được trong buổi họp mặt tối nay, nhưng trong tinh thần, tôi sẽ có mặt ở đó”. Bạn nghĩ gì về câu nói ấy? Không có ý nghĩa gì cả. Chẳng đáng gì! Bao lâu còn trên trái đất, tinh thần của bạn sẽ có mặt nơi mà thể xác bạn hiện diện. Nếu thân xác bạn không ở đó, bạn cũng không ở đó.

Khi thờ phượng, chúng ta “phó dâng thân xác như những của lễ sống”. Ngày nay, chúng ta thường liên tưởng ý niệm “của lễ” với một vật đã chết, nhưng Thiên Chúa muốn chúng ta là một của lễ sống. Ngài muốn chúng ta sống cho Ngài! Tuy nhiên, vấn đề hay xảy ra với của lễ sống là nó có thể bò khỏi bàn thờ, và chúng ta thường làm như vậy. Chúng ta hát, “Tiến lên, hỡi những chiến sĩ của Đức Kitô” trong ngày Chúa Nhật, rồi sau đó “chuồn luôn” vào ngày thứ Hai. 

Thờ phượng đích thực cắm rễ sâu trong Lời của Thiên Chúa 

Trong Cựu Ước, Thiên Chúa vui nhận nhiều lễ dâng trong thờ phượng vì chúng tiên báo lễ dâng của Đức Giêsu trên thập giá. Giờ đây, cũng trong thờ phượng, Thiên Chúa vui nhận những lễ dâng khác nhau: tạ ơn, ca ngợi, khiêm nhu, thống hối, dâng cúng, cầu nguyện, phục vụ anh em, và chia sẻ cho những ai túng thiếu.

Thờ phượng đích thực có giá của nó. Biết rõ điều đó, Đavít nói, “Ta không muốn dâng lên Đức Chúa, Thiên Chúa của ta, những lễ toàn thiêu mà ta không mất tiền mua” (2Sm 24, 24).

Cái giá mà việc thờ phượng đòi hỏi là chính bản thân chúng ta. Bạn không thể cùng lúc vừa tán dương Thiên Chúa vừa tán dương chính mình. Bạn không thờ phượng để được người khác xem thấy cũng như để tự thoả mãn. Bạn phải chủ tâm di dời sự tập trung ra khỏi chính mình.

Khi Đức Giêsu nói, “Hãy yêu mến Thiên Chúa hết sức lực ngươi”, Ngài muốn nói, thờ phượng đòi hỏi nỗ lực và nghị lực. Điều đó không phải luôn luôn thuận tiện và thoải mái, và đôi khi thờ phượng là một hành vi hoàn toàn thuộc về ý chí - một lễ dâng của ý chí. Thờ phượng thụ động là một nghịch lý.

Bạn ca khen Chúa cả khi cảm thấy không thích, bước ra khỏi giường để ca ngợi Chúa khi đang mệt nhoài, hoặc giúp đỡ kẻ khác khi đang kiệt sức, bạn đang dâng một lễ dâng thờ phượng Thiên Chúa. Điều đó làm đẹp lòng Ngài.

Matt Redman, một người hướng dẫn cầu nguyện ở nước Anh, nói đến cách thức mà mục sư của anh dạy giáo dân ý thức hơn về ý nghĩa thực của việc thờ phượng. Để cho thấy thờ phượng quan trọng hơn âm nhạc, ông đã không cho phép hát lúc cử hành phụng vụ trong một thời gian dài đang khi họ học những cách thờ phượng khác. Cuối thời gian đó, Matt đã viết nên ca khúc cổ điển “Con Tim Thờ Phượng”:

Con sẽ dâng Ngài hơn một khúc ca,

Bởi Ngài không đòi nhạc khúc con hát.

Ngài tìm bên trong những cái bên ngoài

Tận đáy lòng con, Ngài đang tìm kiếm.10

Trọng tâm của vấn đề thờ phượng là vấn đề của con tim.

---------------------------------------------------------------------------------------------

10 Matt Redman, “Heart of Worship” (Kingsway’s Thankyou Music, 1997).

 

NGÀY MƯỜI BA

NGHĨ VỀ MỤC ĐÍCH ĐỜI TÔI

 

Một điểm để suy tư: Thiên Chúa muốn tôi trọn vẹn thuộc về Ngài.

Một câu Kinh Thánh để nhớ: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, và hết sức lực ngươi” (Mc 12, 30).

Một câu hỏi để nghiền ngẫm: Ngay lúc này, giữa việc thờ phượng chung và thờ phượng riêng của tôi, điều gì đang làm đẹp lòng Thiên Chúa hơn? Tôi sẽ làm gì đây? 

Tác giả Lm. Minh Anh, TGP. Huế (Nguyên tác: RICK WARREN)

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!