.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Đức tin công giáo, Dấu-chỉ và lời nói

Chương I : Về con người

Chương I : tiếp theo

Chương II : Những vấn-đề của giáo-hội Công giáo

Chương II : tiếp theo

Chương III : Trước thềm thời-đại mới

Chương III : tiếp theo

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Muối Cho Đời
Tác giả: Joseph Ratzinger - Biển Đức XVI
Phạm Hồng Lam - Trần Hoành, dịch
CHƯƠNG III : TIẾP THEO

Vụ diệt chủng Do-thái không xẩy ra trong thời của Giáo-hội, nhưng vào lúc Giáo-hội đã mất hết ảnh-hưởng trên lòng người. Tuy nhiên trước sau vẫn phải thảo-luận và đặt câu hỏi, tại sao thảm-họa này có thể xẩy ra trên vùng đất Ki-tô giáo. Người công giáo đã không ngăn-chặn cuộc tàn-sát người Do Thái; có thể không bao lâu nữa con số người công giáo ở Âu châu sẽ thụt xuống dưới con số người Do-thái trước đại-chiến.

 

Ông có lí nêu lên điểm này. Đây là một đề-tài và vết đen lớn. Điều quan-trọng cần ghi nhận là vụ diệt chủng Do-thái không do ki-tô-hữu gây nên nhân danh đức Kitô, nhưng do phe bài Ki-tô giáo và phải coi là màn chuẩn-bị cho cuộc tiêu-diệt Ki-tô giáo. Chính tôi đã sống thời này ở tuổi thiếu-niên. Người ta không ngừng nói đến việc Ki-tô giáo bị Do-thái hóa và Ki-tô giáo, nhất là Công giáo, Do-thái hóa dân-tộc Đức. Tại München, sau đêm thuỷ-tinh*, toà tổng giám-mục bị ồ-ạt tấn-công vào ban ngày. Khẩu-hiệu lúc đó là: "Sau Do-thái đến lượt bạn của Do-thái". Ngày nay, trong nhiều nguồn sử-liệu, chẳng hạn trên tờ « Stürmer »*, người ta đọc được là Ki-tô giáo, đặc-biệt Công giáo, bị coi như phương-tiện người Do-thái dùng trong mưu-toan đoạt quyền-lực - họ dùng từ "Do-thái hóa dân-tộc Đức"-, vì thế muốn hoàn-toàn khống-chế người Do-thái, có ngày phải loại-bỏ hẳn thứ Ki-tô giáo đang có như hiện nay, để dựng nên cái gọi là Ki-tô giáo tích-cực của Hitler.

Không nên bỏ qua điểm quan-trọng này: Việc Hitler diệt Do-thái hàm-chứa tính-toán bài Ki-tô giáo. Tuy nhiên điểm này không mảy-may thay-đổi sự-kiện những kẻ chịu trách-nhiệm trong vụ này là những người đã lãnh phép rửa. Mặc dầu SS* là tổ-chức tội-phạm của những kẻ vô thần, và dù không mấy ai trong hàng-ngũ họ là tín-hữu Ki-tô còn giữ đạo, nhưng ít nhất họ đã lãnh phép rửa. Tinh-thần bài Do-thái nơi Ki-tô giáo đã phần nào đóng vai-trò dọn đường ; đó là điểm ta không thể phủ-nhận. Phong-trào bài Do-thái đã từng xẩy ra ở Pháp, Áo, Phổ, ở khắp nơi; đấy có thể là gốc-rễ của vấn-đề. Đây là một lí-do buộc ta  không ngừng tự-vấn lương-tâm. 

 

Phải chăng người Do-thái trước sau vẫn là một vấn-đề then-chốt cho tương-lai thế-giới, như được chép trong Kinh-thánh?

 

Tôi không rõ ông nói đến đoạn nào trong Kinh-thánh. Dù sao, với tư-cách là những người đầu-tiên mang lời hứa – giai-đoạn lịch-sử lớn và nền-tảng của Kinh thánh đã xẩy ra nơi dân-tộc này - họ chiếm vị-trí trung-tâm trong lịch-sử thế-giới. Người ta có thể nói, một dân-tộc nhỏ-bé như vậy làm sao có thể có tầm quan-trọng đến thế được. Nhưng tôi nghĩ, trong mọi thời-đại, đặc-biệt ngày nay, ta thấy có cái gì đặc-biệt nơi dân-tộc này và những quyết-định lớn của lịch-sử thế-giới đều cách này hay cách khác có liên-quan tới họ.

 

 

Một công-đồng chung mới?

 

Một công-đồng chung mới xem ra đã từ lâu diễn-ra bên ngoài Vatican. Người ta vứt bỏ những thông-điệp cứu-độ và khắp nơi người ta đã định-nghĩa lại những định-đề của đức tin. Giáo-hội có cần một công-đồng Vatican III  để giải-tỏa tất-cả và vạch ra hướng đi không?

 

Tôi thiết-tưởng chuyện đó không xẩy ra trong tương-lai gần. Tôi kể cho ông một câu chuyện. Có lần vị hồng-y Hồi-quốc Cordeiro thuật cho tôi câu chuyện sau đây: Một hôm ngồi gần nhau trong một công-nghị, có mặt hồng-y Döpfner*, có người lên tiếng: "Chà, thế nào cũng phải có công-đồng Vatican III". Hồng-y Döpfner hốt-hoảng giơ cả hai tay lên : « Không thể xẩy ra bao lâu tôi còn sống ». Như vậy, với hồng-y Döpfner, thì một công-đồng cũng đã đủ rồi. Rõ-ràng ngài xác-tín Công-đồng là những kinh-nghiệm chỉ thu-thập được sau khoảng thời-gian dài.

Thực-tế chứng-tỏ công-đồng là một biến-cố gây đảo-lộn lớn trong Giáo-hội, cần rất nhiều thời-gian mới giải-quyết xong các xáo-trộn này. Còn lâu chúng ta mới thực-hiện được hết những điều của công-đồng Vatican II, một công-đồng Vatican III cũng không phải là giải-pháp tốt để đạt đích này.

Cái diễn ra đều-đặn là những thượng hội-đồng giám-mục. Tôi nghĩ, đây là phương-tiện thích-hợp và thực-tế hơn. Mỗi lần như thế, với trên dưới 200 giám mục đại-diện năm châu, các ngài phải và có thể cùng nhau giải-quyết tình-hình hiện-tại. Một công-đồng chung, xét nguyên mặt tổ-chức không thôi, đã là một chuyện khó giải-quyết rồi. Có tới ba, bốn ngàn giám-mục tham-dự. Đó là một lượng khổng-lồ; với số-lượng này khó có được sự trao-đổi đúng nghĩa và đối-thoại đích-thực. Để soạn-thảo được những hiến-chế bổ-ích, cần được chuẩn-bị từ nội-bộ. Công-đồng không phải là cái máy đột-ngột sản-xuất các quyết-nghị đúng-đắn, rồi mọi chuyện sau đó cứ thế mà tiến. Trái lại công-đồng chỉ có thể thu-góp những gì đang sống-động và sắp-đặt lại thành nghị-quyết. Như vậy cần nhẫn-nại chờ-đợi sự-việc phát-triển, nhẫn-nại chờ thời-gian để những cái sống-động được dần-dà hình thành, trước khi làm nên những nghị-quyết và văn bản dưới hình-thức pháp-lí.

Vì thế đừng coi công-đồng như bất cứ một loại thần dược nào. Trái lại công-đồng thường tạo nên những khủng-hoảng; những khủng-hoảng này dĩ-nhiên phải trở thành những liều thuốc bổ-ích. Hiện thời chúng ta đang bận lo giải-quyết công-đồng Vatican II. 

 

Tương-lai Giáo-hội –

Giáo-hội tương-lai 

 

Thưa Hồng-y, trong thế-kỷ XX này người ta còn có thể chờ-đợi từ triều giáo-chủ hiện thời những hướng-dẫn mới có tính-cách mở đường và những thay-đổi mới cho tương-lai Giáo-hội không? Chẳng hạn như những cải-cách nội-bộ của Giáo-hội. Nếu có, ngài nghĩ tới những bước đi nào?

 

Tôi tin rằng đương-kim Giáo-chủ sẽ còn ra nhiều thông-điệp. Tôi nghĩ ngài đang trăn-trở rất nhiều về chuyện hợp-nhất Ki-tô giáo và đối-thoại liên tôn. Rồi còn các vấn-đề đạo-đức xã-hội và chính-trị. Và trên hết, lãnh-vực then-chốt chính là Tin-mừng; phải liên-tục rao-truyền Tin-mừng, nhưng Tin mừng dễ bị lu-mờ, nếu người ta chỉ chạy theo thị-hiếu quần-chúng.

Hiện nay đang chuẩn-bị họp thượng hội-đồng giám-mục toàn Mỹ châu và thượng hội-đồng giám-mục Á châu. Tôi tin đây là hai biến-cố then-chốt. Nếu Giáo-chủ cố-ý triệu-tập thượng hội-đồng giám-mục toàn Mỹ châu, mặc dù giữa Bắc Mĩ và Mĩ châu la-tinh có những dị-biệt, tức ngài muốn đại lục này, từ những dị-biệt, tìm ra cách bổ-túc cho nhau., tìm ra sức mạnh chung để rao-truyền Tin mừng. Cuộc họp sẽ bàn về những nền văn-hoá châu Mỹ la-tinh, nạn đói nghèo, vai-trò của các nền văn-hoá cổ và căn-tính văn-hoá riêng-biệt của mỗi miền, cũng như làm thế nào để văn-hóa Nhật-nhĩ-man Bắc Mỹ hoà-hợp được với công giáo tính và cả hai có thể đồng-hành. Ở đây tôi tin chúng ta đang đứng trước một biến-cố quan-trọng.

Trong cuộc nghị-hội các giám-mục Á châu, vấn-đề phải thảo-luận là làm sao Ki-tô giáo có thể đi vào bối-cảnh các tôn-giáo Á châu; làm sao có thể hoà-hợp nối-kết sức mạnh lớn-lao của các tôn-giáo Á châu với sức mạnh Ki-tô giáo để đáp-ứng cho những nỗ-lực đặt ra ở cuối thiên niên-kỷ này. Tôi nghĩ thời-gian còn lại của triều Gio-an Phao-lô  II được dành cho hai nghị-hội này.

Thêm vào đó chúng ta còn có chương-trình chuẩn-bị cho năm 2000 với chương-trình ba năm mà Giáo-chủ đã công-bố: Một năm tập-trung vào đức Kitô, hình-ảnh Ngài phải được đặt lên hàng đầu; một năm thần-học, trình-bầy tổng-quát đức tin vào Thiên Chúa và một năm dành cho Thánh-Linh. Tất-cả đi song-song với việc đào sâu về phép rửa và bí-tích thánh-thể. Tất-cả đổ vào vào năm 2000 với những cuộc gặp-gỡ các cộng-đồng Ki-tô giáo cũng như Do-thái giáo và Hồi giáo, tức là những tôn-giáo độc thần. Tôi nghĩ chương-trình này – hai nghị-hội cho hai đại-lục và ba năm chuẩn-bị cho năm 2000, mà trung-tâm điểm là Thiên Chúa Ba Ngôi và cuộc gặp-gỡ những người tin Thiên Chúa - sẽ để lại dấu-ấn có tầm ảnh-hưởng sâu-rộng trên thế-giới. 

 

Trong một bài viết năm 1970  về « Đức tin và tương-lai » ngài đã nói tới một Giáo-hội với những hình-thức chức-vụ mới. Chẳng hạn sẽ truyền chức linh-mục cho những ki-tô-hữu có tư-cách bảo-đảm và đang có nghề trong tay.

 

Lúc đó tôi tiên-đoán, nếu được phép nói như thế, Giáo-hội sẽ thu nhỏ lại, có ngày sẽ thành Giáo-hội của thiểu-số, sẽ không hiện-diện trong những không-gian và những tổ-chức lớn như ngày nay, nhưng phải tổ-chức trong khuôn-khổ khiêm-tốn hơn. Lúc đó tôi nghĩ rằng, ngoài những linh-mục được truyền chức từ tuổi trẻ, những giáo-dân có tư-cách bảo-đảm và đang hành nghề có thể cũng được tiến-cử; nhưng đây là những hình-thức chức-vụ khác nhau. Tôi nghĩ cái đúng ở đây là Giáo-hội phải từ-từ thích-nghi với trường-hợp trở thành Giáo-hội của thiểu-số, với một vị-trí khác trong xã-hội. Cái cũng đúng ở đây là lượng người làm việc tự-nguyện sẽ tăng lên. Còn việc tìm vir probatus * ("người đã đựợc thử thách") diễn tiến ra thế nào  lại là chuyện khác. Tôi muốn nói, trong thời-kì đầu Giáo-hội đã sống nhờ vir probatus, vì thời đó chưa có chủng-viện đào-tạo linh-mục, Giáo-hội thời đó truyển chức linh-mục cho những người đang hành nghề khác. Nhưng kể từ thế-kỉ thứ hai, thứ ba trở đi họ phải từ-bỏ đời sống lứa đôi khi được truyền chức. Hiện nay ta chưa biết vấn-đề sẽ được giải-quyết thế nào trong tương-lai. Nhưng chắc-chắn chức linh-mục vẫn sẽ là một tác-vụ không thể thay-thế được và sẽ còn gắn chặt với đời sống độc-thân.

 

Thay-đổi thế-hệ trong Giáo-hội có đem lại một văn-hóa mới trong Giáo-hội không? Trong Giáo-hội sẽ nảy sinh những hình-thức sống đạo mới không ?

 

Tôi hy-vọng có. Mỗi bước ngoặt văn-hóa lớn đều đem lại những hình-thức mới trong đời sống Giáo-hội cũng như những hình-thức mới trong văn-hóa đức tin. Hãy lấy thí-dụ trường-hợp nghệ-thuật rô-ma-ních, gô-tích, thời phục-hưng, ba-rốc và rốc-cô-cô, nền văn-hoá giáo-hội thế-kỉ 19, những hình-thức sống đạo mới phát-sinh với những phong-trào tuổi trẻ. Có thể gọi những gì xẩy ra sau công-đồng Vatican II hầu như là một cuộc cách-mạng văn-hóa, nếu như ta nhìn vào những màn thái-quá như thu-dọn trống-trơn các nơi phụng-tự và sự biến-đổi bộ mặt của hàng giáo-sĩ triều và dòng. Ngày nay nhiều người hối-tiếc về những hành động hấp-tấp đó. Nhưng trong một Giáo-hội sinh-động chắc-chắn sẽ nảy sinh những hình-thái diễn-tả mới. Những hình-thái mới này đang trên đà phát-triển mạnh. Việc cần là luôn phải cố-gắng tách cỏ lùng khỏi lúa, theo lời khuyên của tông-đồ Phaolô: "Đừng dập tắt tinh-thần ….Hãy xem-xét tất-cả. Hãy giữ lại cái tốt." (I. Thessa. 5,19,21).

 

Ngài có tin rằng chức-vụ giáo-chủ sẽ tiếp-tục tồn-tại như hiện nay không?

 

Nó sẽ tồn-tại trong cái cốt-lõi. Nghĩa là cần có người kế vị thánh Phêrô và gánh trách-nhiệm tối-cao, được tập-thể nâng-đỡ. Ki-tô giáo là một tôn-giáo có tổ-chức với những nhân-sự trách-nhiệm. Nó không biến đi trong những cái vô danh, mà hiện thân qua linh-mục chính xứ, giám-mục, và trong trường-hợp Giáo-hội, nhìn như một đơn-vị thống-nhất, cũng hiện thân qua một người. Trách-nhiệm giáo-huấn - như được trình-bầy trong công-đồng Vatican I và II - sẽ tồn-tại để bảo-đảm sự thống-nhất Giáo-hội, thống-nhất đức tin và thống-nhất luân-lí. Nhưng hình-thức thực-thi có thể thay-đổi và chắc-chắn sẽ đổi-thay một khi các cộng-đồng phân-li về hợp-nhất với giáo-chủ. Ngoài ra, với những chuyến viếng-thăm mục-vụ khắp thế-giới, đương-kim Giáo-chủ có lối thực-thi trách-vụ giáo-chủ khác hẳn Piô XII. Tôi không thể và không muốn tưởng-tượng những thay-đổi cụ-thể sẽ xẩy ra. Hiện nay chúng ta chưa thể tiên-đoán được về tương-lai của ghế giáo-chủ.

 

Có thể có những khám-phá thần-học mới làm thay-đổi Giáo-hội và khiến đức tin dễ hiểu hơn, hay ngược lại khiến đức tin thêm tăm-tối chăng?

 

Tất-cả đều có thể. Trong thế-kỷ này chúng ta chứng-kiến những khám-phá thần-học mới do nhiều tên-tuổi như Lubac, Congar, Daniélou, Rahner, Balthasar, v. v…Họ mở ra những viễn-ảnh mới trong thần-học; nếu thiếu chúng thì ta đã không có công-đồng Vatican II. Vì đức tin đi vào những chiều-kích sâu-thẳm, nên nó luôn có những cái nhìn mới. Mặt khác, những biến-cố bất ngờ cũng có thể đột-ngột ập-tới, như ta đã từng chứng-kiến trong thế-kỷ này với sự xuất-hiện của phương-pháp phê-bình lịch-sử, những khoa-học nhân-văn đi vào thần-học, v v … Chúng ta luôn phải sẵn-sàng đương-đầu với những biến-cố như thế. Đức tin có thể trở nên khó khăn hơn, nhưng cũng có thể hiểu được dễ-dàng và trực-tiếp hơn.

 

Câu hỏi sau đây có thể là một vấn-đề mới, càng ngày càng nóng-bỏng : thần-học giải-thích ra sao về sự-kiện Thiên Chúa chỉ nhập-thể trong con người đức Giê-su, nhưng không dưới hình-thức những vị thần ở Á châu chẳng hạn? Tại sao có chuyện một người duy-nhất trong lịch-sử nhân loại có thể là chân-lí tuyệt-đối?

 

Trước hết phải nói ngay, cho tới nay không có tôn-giáo nào tin một con người có thể mang thiên-tính, như Ki-tô giáo tin vào thiên-tính của đức Giê-su ở Na-da-rét. Thần Kris-na của Ấn-độ giáo là dạng-hình giống đức Giê-su hơn cả. Thần này được tôn-sùng như « Avatara » (sự giáng-thế của vị thần) của Vis-nu, đi vào lịch-sử các tôn-giáo Ấn-độ dưới nhiều hình-thể khác nhau. Nhưng đây là một quan-niệm rất khác với đức tin Ki-tô giáo về sự hợp-nhất dứt-khoát giữa Thiên Chúa độc-nhất với một con người có thực trong lịch-sử, qua con người đó Thiên Chúa kéo tất-cả nhân loại đến với Ngài. Đức tin Ki-tô giáo lồng trong đức tin Do-thái giáo, cùng tin một Thiên Chúa độc-nhất tạo-dựng vũ-trụ, đấng cùng con người làm nên lịch-sử, tự ràng-buộc vào lịch-sử này và tác-động trong lịch-sử này một cách vĩnh-viễn cho mọi người. Bởi thế không có vấn-đề lựa-chọn giữa Ki-tô và thần Kris-na hay một hình-thức nào khác. Chỉ có sự lựa-chọn giữa một bên là Thiên-chúa, đấng đã tỏ mình ra một cách không thể lẫn-lộn, như là Thiên Chúa độc-nhất cho mọi người và nối-kết đến cả thân mình với con người - và bên kia là một cách hiểu khác về tôn-giáo; theo đó, thần-tính thể-hiện dưới những dạng-hình khác nhau, nhưng không cái nào là dứt-khoát, tức là con người hướng về một cái không bao giờ có tên. Đó là hai cách hiểu khác nhau về chân-lí, Thiên-chúa, vũ-trụ và con người. Tuy nhiên qua những hình-ảnh tôn-giáo của các tôn-giáo lớn khác trên thế-giới, ki-tô-hữu có thể nhận ra những dò-dẫm tìm về Ki-tô giáo. Kitô-hữu cũng có thể tìm thấy đàng sau tất-cả những sự-kiện đó bàn tay bí-mật của Thiên-chúa, đấng dùng các tôn-giáo khác để tác-động lên con người và dẫn con người vào chính lộ. Nhưng Ngài luôn vẫn là vị Chúa không thay đổi, Chúa của  đức Giê-su Kitô.

 

Một phần những câu hỏi và những nguy-cơ cho Giáo-hội đã lộ rõ. Chúng ta đã nói tới lời tố-cáo Giáo-hội duy-căn, nghĩa là chống lại xã-hội dân-chủ, ngăn-cản tự-do tư-tưởng, tự-do tôn-giáo cũng như nhăm-nhe thành-lập một quốc-gia thần-quyền. Nội-dung nền-tảng của đức tin dựa trên Kinh thánh càng ngày càng cạn-kiệt. Người ta hồ-nghi về cái chết trên thập-giá, biến-cố lên trời, thông-điệp ơn cứu-độ. Người ta cho rằng các môn-đệ xưa chỉ có những thị-kiến, chính bài giảng trên núi cũng chẳng có thực. Càng ngày càng có nhiều người đòi Giáo-hội phải tự giải-thể để nhường chỗ cho một nền đạo-giáo hậu Ki-tô đang trên đà tăng-trưởng.

 

Chống lại những tố-cáo trên là đức tin vững-mạnh của hàng triệu tín-hữu Kitô, những người ngày nay còn tìm thấy nơi đức tin của Giáo-hội con đường giúp họ thực-sự thành người. Những chế-độ độc-tài hùng-mạnh của thế-kỷ này đã nhiều lần lớn tiếng khai tử đức tin Ki-tô giáo. Họ cho rằng chỉ những kẻ không chịu sửa sai, không thể cải-thiện, mới lì lại ở đó. Nhưng sau khi các nhà độc-tài khét tiếng bị hạ-bệ, chúng ta thấy những tín-hữu từng bị họ gạt ra ngoài lề xã-hội kia lại là những chứng nhân đích-thực cho tình người và chính họ mở đường cho công cuộc tái-thiết. Đức tin Ki-tô giáo có tương-lai tốt-đẹp hơn những ý-thức hệ từng đòi huỷ-bỏ nó.

 

 

Tái khám-phá điểm trung-dung –

Những viễn-ảnh của Giáo-hội mới

 

Người ta thường chỉ-trích giáo-chủ muốn mở hướng đi thụt lùi, nhắm mắt trước những kết-quả của công-đồng Vatican II. Nay giáo-chủ Gio-an Phao-lô  II lại nói: "Cách chuẩn-bị tốt nhất cho năm giao-thời 2000" là "hết sức trung-thành áp-dụng giáo-huấn của công-đồng Vatican II  vào đời sống từng người và đời sống của cả Giáo-hội".

 

Ngài luôn nổi-bật là giáo-chủ của công-đồng Vatican II; công-đồng là một kinh-nghiệm then-chốt đối với ngài. Ngài đến dự công-đồng khi còn là một giám-mục trẻ. Tôi còn nhớ ngài chỉ được phong tổng giám-mục giữa thời công-đồng. Sau đó ngài đóng-góp rất tích-cực vào việc soạn-thảo hiến-chế «Vui-mừng và hy-vọng » bàn về mối liên-hệ giữa Giáo-hội và thế-giới. Ngài thu-tập nhiều kinh-nghiệm trong khi cộng-tác soạn-thảo văn-kiện này; khả-năng suy-tư triết-học của ngài đã giúp ngài rất nhiều trong công-việc đó. Như thế tài-liệu này, một tài-liệu linh-động nhất của công-đồng và hướng về tương-lai nhiều nhất, đã trở-thành một thứ châm-ngôn cho cuộc đời ngài. Ngài thâm-tín về sự quan-phòng của Chúa nơi công-đồng Vatican II và tin rằng qua công-đồng Chúa Thánh-linh đã trao cho Giáo-hội những sứ-mạng mới - từ những thay-đổi trong phụng-vụ đến phong-trào đại-kết, tự-do tôn-giáo, đối-thoại tôn-giáo, đối-thoại với Do-thái và gặp-gỡ thế-giới hiện-đại. Tôi khó tưởng-tượng ra ai khác được công-đồng đánh-động và ghi dấu sâu-đậm hơn ngài, đến độ lấy công-đồng làm kim chỉ nam cho chính mình. Bởi thế gán cho ngài ý-định đi ngược về thời trước Công-đồng là chuyện hết sức phi lí. Giáo-chủ xác-tín về tầm quan-trọng đặc-biệt của ba năm công-đồng mà ngài tham-dự và góp phần xây-dựng. Xác-tín của ngài vượt xa mức-độ cần-thiết  đối với mỗi tín-hữu công giáo. Dĩ-nhiên ngài cũng cảm thấy ngày càng rõ hơn, có nhiều lối giải-thích công-đồng khác nhau, thậm chí đối-nghịch nhau. Vì thế khi nói "trung-thành với công-đồng", dĩ nhiên ngài muốn nói tới sự trung thành năng-động. Chính những gì công-đồng thực-sự muốn nói mới là tấm biển chỉ đường cho ta đi, chứ không phải là cái ta muốn công-đồng nói.

 

Có cần kiểu-cách mới, ngôn-ngữ mới để truyền-đạt đức tin không?

 

Tôi nghĩ cần. Nỗi mệt-mỏi của ki-tô-hữu, ít ra tại Âu châu, là dấu-hiệu cho thấy cần phải có cách diễn-đạt mới. Tôi đọc tiểu-sử một linh-mục Chính-thống, thấy ông nói: Tôi cố-gắng rất nhiều, nhưng thiên-hạ không muốn nghe, họ ngủ gà ngủ gật hoặc chẳng thèm tới nghe nữa. Chắc là tại cách diễn-tả không khéo. Đó là một trường-hợp điển-hình mà nhiều vị khác cũng đã từng trải qua. Điều quan-trọng là chính người giảng-thuyết phải có mối liên-kết nội-tâm với Kinh thánh với đức Kitô, nguồn-mạch lời hằng-sống, và phải thực sống lời đó trong tư-thế một con người của thời-đại và trong thời-đại, không trốn chạy thời-đại. Khi nói với xác-tín thâm-sâu thực-sự, thì ngôn-ngữ sẽ tự-nhiên mang âm-điệu mới.

 

Những luồng gió mới đặc-biệt từ đệ tam thế-giới có thể đối đầu với " óc địa-phương Âu châu" – nói theo ngôn-ngữ ngài đã từng sử-dụng- đã có chưa? Giáo-hội trong tương-lai sẽ có dáng-vóc Phi châu hơn, hay Á châu hơn, hoặc Mỹ châu hơn, dù sao cũng ít Âu châu hơn chăng?

 

Nhất-định là thế. Bởi chỉ xét về lượng cũng thấy trọng-tâm ngày càng chuyển từ Âu châu sang các đại-lục khác. Những đại-lục này ngày càng ý-thức sâu-xa hơn về nền văn-hóa của họ. Ta thấy ở đây hơi giống trường hợp Hồi giáo mà ta đã nói đến trên kia. Qua cuộc khủng-hoảng văn-hóa Âu Mỹ, Hồi giáo có được niềm hãnh-diện mới. Cũng thế, cuộc khủng-hoảng này đã khiến những nền văn-hóa lớn khác tái ý-thức về giá-trị văn-hóa và tự-hào về dĩ-vãng văn-hóa của họ : Chúng tôi đây cũng có những đóng-góp mới-mẻ và phong-phú! Người Phi châu ý-thức sâu-xa rằng, một đàng họ còn đang phải tiến lên, còn phải học-hỏi, đàng khác họ đóng-góp cho thế-giới nét tươi-mát rất đáng thán-phục của đức tin toát ra từ con người họ. Họ biết rằng trong di-sản văn-hóa của họ tiềm-ẩn những kho báu đang chờ được khai-thác. Ý-thức này cũng rất mạnh ở Nam Mỹ và Á châu. Bởi thế có thể khẳng-định, bộ mặt tương-lai của Giáo-hội sẽ sống-động dưới nhiều hình-thức văn-hóa và nhờ nhiều đóng-góp của các đại-lục khác.

 

Đã từ lâu chẳng còn ai ngạc-nhiên nữa, nếu như trong tương-lai một vị giám-mục Phi châu hay Mỹ châu la-tinh được bầu vào ghế giáo-chủ.

 

Đúng thế. Bất cứ ai, ít ra trong hồng-y đoàn, cũng nghĩ rằng chúng tôi có thể bầu một vị người Phi châu hay một vị nào đó ngoài Âu châu. Nhưng thế-giới Ki-tô giáo Âu châu tiếp-nhận sự-kiện đó ra sao, lại là một vấn-đề khác. Vì dù có những tuyên-bố về bình đẳng  chủng tộc và những lời lên án kỳ-thị chủng-tộc, người Âu vẫn còn một ý-thức nào đó về mình, và ý-thức này sẽ bùng dậy trong những giờ phút nghiêm-trọng. Tuy nhiên, tôi nghĩ các hồng-y chỉ đơn-giản tự hỏi ai là người thích-hợp nhất, chứ không xét tới mầu da hay nguồn-gốc.

 

Có thể xẩy ra trường-hợp này không : Vì đường-lối suy-tư của Giáo-hội đã thay-đổi, nên một số tín-điều và ngay cả các bí-tích cũng sẽ lấy lại hình-thức cũ, hoặc biến-đổi hay được cải-tổ?

 

Những gì đã thực-sự trở thành nội-dung đức tin, tức "tín-điều", không thể sau đó lại trở thành sai. Cũng như trong lãnh-lực khoa-học, cái gì đã chứng-minh là đúng, sẽ có giá-trị mãi, nhưng có thể được đặt vào khung-cảnh khác và có vẻ mang một ý-nghĩa khác. Ở đây cũng hệt như thế. Cái đúng, sẽ đúng mãi, nhưng có thể được lồng vào viễn-cảnh khác làm nó hiện ra dưới ánh sáng khác. Chắc-chắn các bí-tích sẽ tồn-tại ; con số 7 bí-tích phù-hợp với những chặng đường của đời người; nhưng trong những thời-đại khác nhau người ta sống bí-tích cách khác nhau. Trước đây 100 năm tín-hữu, kể cả những người sùng đạo, chỉ xưng tội và rước lễ khoảng ba hay bốn lần mỗi năm. Ngày nay rước lễ hằng ngày là chuyện bình-thường. Bí-tích hòa-giải đã trải qua nhiều thay-đổi trong lịch-sử. Thần-học bí-tích của công-đồng Trentô (1545-1563) cũng như giáo-lí về ân-sủng (tranh-chấp biện-bạch với phía cải-cách!) đã không trở nên sai-lầm và sẽ không trở nên sai-lầm, nhưng nó sẽ tiếp-tục phát-triển. Xét như thế, ta thấy suốt trong dòng lịch-sử cái bền-bỉ và cái linh-động có thể tương-hợp.

 

Vào đầu thiên niên-kỷ thứ ba nhen-nhúm một quan-niệm mới về tôn-giáo. Trong đó pha-trộn nội-dung và hình-thức của những nền văn hóa lớn, những yếu tố từ Phật giáo, thuyết vô thần, tục thờ-cúng của các sắc dân sống theo thiên-nhiên. Giáo-hội có thể trở nên phong-phú hơn nhờ những trào-lưu của thế-giới hiện-đại hay nhờ những tôn-giáo khác không?

 

Cuộc đối-thoại liên tôn đang diễn-tiến. Tôi tin mỗi chúng ta đây đều xác-tín rằng cũng có những điều chúng ta có thể học được, thí-dụ từ thần-bí Á châu, rằng những truyền-thống thần-bí lớn mở ra những khả-năng gặp-gỡ còn rõ hơn như ta thấy trong thần-học khẳng-định (positive Theologie). Xét như thế, di-sản thần-bí của bậc thầy Eckhart*, của toàn-thể tư-tưởng thần-bí phái nữ thời Trung-cổ, nhất là ở Tây-ban-nha, có chỗ đứng quan-trọng trong cuộc đối-thoại liên tôn ngày nay. Quan-trọng ở chỗ, một đàng nó giúp ta nhìn ra tầm-quan-trọng của những yếu-tố chung trong thần-học thần-bí (thần-học phủ-định), mặc dầu không thể và không nên bỏ qua nét dị-biệt giữa thần-bí Phật giáo và thần-bí Ki-tô giáo. Nó còn quan-trọng ở chỗ ngày nay, từ nội-dung của huyền-thoại và của triết-lí tôn-giáo Á châu, người ta thấy những yếu-tố hoàn-toàn mới có thể tuôn vào tư-tưởng thần-học – mặc dầu cố-gắng sử-dụng những yếu-tố đó tới nay chưa đạt thành-quả mĩ-mãn. Dù vậy chúng mở cho ta những khả-năng đem lại những cơ-may mới cho sự suy-tư thần-học và cho cách-thức sống đạo.

 

Trong khoảng ngót 1500 năm chúng ta đã có một môi-trường ki-tô giáo để lưu-truyền đức tin và giáo-dục ki-tô giáo. Ngày nay một môi-trường như thế đã vắng bóng nơi học-đường, truyền-thông và những cơ-sở xã-hội. Những giá-trị của Giáo-hội và các quan-điểm của xã hội xem ra ngày càng xa-lià nhau. Như vậy làm sao có thể thực-hiện được những dự-án về cuộc sống và về ơn cứu-độ của Giáo-hội trong tương-lai?

 

Ông nói rất phải, cần có môi-trường ki-tô giáo để thực-hiện những việc này. Theo thiển ý, ki-tô-hữu không bao giờ đứng một mình riêng-rẽ; là ki-tô-hữu nghĩa là đồng-hành với kẻ khác. Cả một tu-sĩ ẩn-tu cũng thuộc về một cộng-đoàn và được cộng-đoàn nâng-đỡ. Bởi thế ưu-tư của Giáo-hội là phải làm sao tạo cho được những cộng-đoàn này. Văn-hóa của xã-hội Âu Mỹ không cống-hiến loại cộng-đoàn này nữa. Điểm này đưa ta trở lại câu hỏi ông nêu trước đây, là Giáo-hội sẽ phải sống ra sao trong một thế-giới càng ngày càng mất đi tính-chất ki-tô giáo. Trong hoàn-cảnh này, Giáo-hội phải thiết-lập những cộng-đoàn một cách khác; các cộng-đoàn phải tìm cách nâng-đỡ nhau và sống đức tin vững-mạnh hơn.

Ngày nay không thể chỉ dựa vào môi-trường xã-hội, vì như thế chưa đủ; một bầu-khí ki-tô giáo bao trùm cả xã-hội không còn nữa. Vì vậy ki-tô-hữu phải thực-sự nâng-đỡ nhau. Lúc này đây đã có những hình-thức khác, đã có những "phong-trào" đủ loại ra đời tạo nên những cộng-đoàn mới. Cần đổi mới việc đào sâu giáo-lí và đức tin để có thể thực-hành và học-hỏi đạo Chúa dễ-dàng hơn. Liên-kết với các dòng tu cũng là một cách để cảm-nghiệm Ki-tô giáo. Nói cách khác, khi xã-hội nói chung không còn cống-hiến môi-trường ki-tô giáo nữa – trong bốn hay năm thế-kỷ đầu xã-hội cũng đã không cống-hiến cho ta môi-trường này -, thì chính Giáo-hội phải thành-lập những nhóm hạt-nhân nhỏ, để bảo-vệ, nâng-đỡ nhau, cùng đi với nhau, nghĩa là cảm-nghiệm và thực-hành được bầu khí đại gia-đình Giáo-hội trong những nhóm nhỏ.

 

Mô-hình Giáo-hội đại-chúng sẽ không thể tiếp-tục có được nữa trên một phần lớn Âu châu. Như vậy mô-hình thay-thế nó sẽ mang hình-dạng cụ-thể ra sao ? Những cộng-đồng năng-động này sẽ được tổ-chức như thế nào? Có thể là những ki-bút Kitô giáo trên lãnh thổ Đức không?

 

Tại sao không? Rồi ta sẽ thấy. Tôi nghĩ, ngay bây giờ mà phác-họa một mô-hình sẵn cho Giáo-hội ngày mai, một Giáo-hội ngày càng thu hẹp lại cho thiểu-số, là một việc không đúng, thậm chí tự-cao. Nhưng tôi nghĩ, nhiều người sẽ ít nhiều tìm nương-tựa nơi Giáo-hội đó; có thể nói họ sống từ bên ngoài và một cách nào đó cả từ nội tâm với Giáo-hội. Nhưng dù thay-đổi cách nào đi nữa, tôi tin chắc giáo-xứ sẽ tồn-tại như là hạt-nhân chủ-yếu của đời sống cộng-đoàn. Nhưng khó có thể duy-trì toàn-bộ hệ-thống giáo-xứ hiện-tại, mà một phần tương-đối mới thành hình. Người ta sẽ phải học cách đến với nhau để bổ-túc cho nhau. Bên cạnh giáo-xứ sẽ có những nhóm nhỏ liên-kết với nhau, qua đặc-sủng, qua nhân-cách vị sáng-lập, qua con đường tâm-linh đặc-biệt, như trong lịch-sử vẫn thường xẩy ra. Giữa giáo-xứ và "phong-trào" cần có sự trao-đổi tích-cực hơn: Phong-trào cần giáo-xứ để tránh trở thành giáo-phái, giáo-xứ cần "các phong-trào" để không hóa ra xơ-cứng. Hiện nay đã có những hình-thức tu-trì mới ngay giữa trần-thế. Ai để ý, có thể thấy nhiều hình-thức sống đạo của Giáo-hội ngày mai đã xuất-hiện giữa chúng ta rồi.

 

 

"Sạch, sạch, sạch" –

Cuộc cách-mạng tâm-linh

 

Giáo-hội hôm nay quan-liêu, sợ-sệt và tính-toán kiểu loài người. Giáo-hội có cần tăng-cường suy-tư trực-giác để chống lại việc quá đề-cao lí-trí không? Có cần đề-cao chiêm-niệm và quay về lại với các giá-trị tâm-linh đã bỏ quên quá lâu? Hồng-y Veuillot, cựu giám-mục giáo-phận Paris có lần phát-biểu: "Tất-cả phải tinh-tuyền, sạch, sạch, sạch. Cái ta cần là một cuộc cách-mạng tâm-linh thực-sự". Phải chăng Giáo-hội chỉ có thể còn có những lớp người nối-tiếp, nếu Giáo-hội thực-sự tinh-tuyền, trinh-trong?

 

Câu hỏi của ông một cách nào đó đã là câu trả lời rồi. Tôi vẫn thường nói chúng ta quá quan-liêu. Bởi thế cần có cách làm việc đơn-giản hơn. Không phải mọi chuyện đểu phải qua các ủy-ban, đôi khi cũng nên có những tiếp-xúc cá-nhân. Không thể giải-quyết mọi chuyện cách thuần-lí. Mặc dầu Ki-tô giáo cho rằng mình hành-xử hợp lí và kêu-gọi sử-dụng lí-trí, nhưng còn nhiều cách nhận-diện thực-tại khác nữa. Chúng ta vừa nói chuyện về đối-thoại liên tôn và khoa thần-bí. Đây là cách tập-trung  suy-tư và lắng-đọng tâm-hồn đặc-biệt cần-thiết trong một thế-giới sôi-động. Karl Rahner có câu nổi tiếng: "Kitô-hữu ngày mai hoặc sẽ là một nhà thần-bí hoặc sẽ không phải là nhà thần-bí". Tôi không đòi-hỏi chuyện cao-xa như thế, vì con người luôn vẫn là người. Chúng ta vẫn luôn yếu-đuối, nên không phải tất-cả chúng ta sẽ trở thành những nhà thần-bí. Nhưng câu nói đó đúng ở chỗ là Ki-tô giáo sẽ bị chết ngạt, nếu chúng ta không biết lắng-đọng tâm-hồn để cho đức tin đi vào chiều sâu cuộc sống của mỗi chúng ta, nâng-đỡ và soi-sáng ta. Chỉ biết hành-động và giải-quyết thuần-lí không thôi chưa đủ. Điều rất hệ-trọng là tìm lại cái đơn-thuần, tìm về nội-tâm và về những cách nhận-biết thực-tại vượt ra bên ngoài và bên trên lí-trí.

 

Hồi-tưởng tâm-linh phải chăng cũng có nghĩa là tìm lại đức tin đơn-sơ phù-hợp với những yếu-tố nền-tảng của Ki-tô giáo ?

 

Đôi khi vấn-đề này có vẻ cầu-kì khiến người ta tưởng chỉ lớp người uyên-bác mới nắm vững. Khoa chú-giải Kinh thánh cống-hiến cho ta nhiều chi-tiết hữu ích, nhưng cũng gây ấn-tượng Kinh thánh quá cầu-kì khiến người bình-dân không hiểu nổi. Ta phải biết Kinh thánh được viết cho mỗi người, là quà tặng đặc-biệt cho những người đơn-sơ. Về điểm này tôi công-nhận một phong-trào phát-sinh từ lòng thần-học giải-phóng có lí khi họ nói tới interpretacion popular (cách diễn-giải bình-dân). Theo họ người bình-dân là sở-hữu chủ của Kinh thánh và chính họ mới là người cắt nghĩa Kinh-thánh. Điều này đúng ở điểm chủ-yếu, vì Kinh thánh được ban cho những người đơn-sơ. Họ chẳng cần quan-tâm đến những chi-tiết khúc-mắc, họ hiểu Kinh thánh muốn nói gì. Nhưng thần-học với những kiến-thức sâu-rộng sẽ không trở nên thừa-thãi; không những thế, nó còn rất cần-thiết trong việc đối-thoại văn-hoá thế-giới. Tuy nhiên thần-học không được phép làm mờ khía-cạnh hết sức đơn-giản của đức tin, một đức tin đặt ta trước mặt một Thiên-chúa, đấng đã giáng trần làm người nên ở gần bên tôi.

 

Ngài có thể nghĩ rằng sau những mất-mát về lượng, nhiều tín-hữu bỏ cuộc, cắt đứt mọi liên-hệ tinh-thần với Ki-tô giáo, rồi ra một phẩm-chất mới của Ki-tô giáo sẽ có thể bảo-tồn  và tinh-đọng được đức tin không? Hồng-y Lustiger nói,  văn hóa đương-thời không khai-tử tôn-giáo, có dấu-hiệu khai-tử tôn-giáo, trong đó có Ki-tô giáo. Trái lại nó đưa ra đề-án và dự-thảo cho phép linh-cảm những khởi đầu. Ngài nói : «Nhân loại chỉ sống, nếu họ muốn; ngày nay họ đang đứng trước toà chung-thẩm từng phút từng giây». Ngày nay  con người có thể tự-do mặc sức phá-huỷ nguồn sống trên trái đất. Cũng thế, họ được tự-do trở thành ki-tô-hữu, chứ không bị ép-buộc như xưa. Hồng-y Lustiger diễn-giải, giờ mới là lúc con người đứng trước "những khởi đầu của thời-đại ki-tô giáo". Ngài có thể chia-sẻ quan-điểm này không?

 

Tôi không dám nói chúng ta đang đứng trước những khởi đầu của thời-đại ki-tô giáo. Bởi thời-đại ki-tô giáo thực ra là gì ? Điều tôi thực-sự có thể chia-sẻ là Ki-tô giáo luôn có cơ may làm cuộc khởi đầu mới. Tôi đã từng viết, Ki-tô giáo luôn vừa là một hạt cải vừa là một cây lớn, vừa là thứ sáu tuần thánh vừa là chủ nhật phục-sinh. Thứ sáu tuần thánh chưa bao giờ chấm dứt hẳn, nó vẫn còn đó và Giáo-hội chưa bao giờ là một cây đã phát-triển hết cỡ, nếu vậy nó sẽ có lúc khô-héo và lụi-tàn, trái lại Giáo-hội luôn trong tình-trạng hạt cải. Trong ý-nghĩa này tôi đồng ý với Hồng-y là chúng ta lại đang đứng trước một khởi đầu mới và có quyền nuôi hi-vọng. Tin vào Chúa một cách hoàn-toàn tự-do và tin như bằng-chứng chống lại thế-giới đã cạn-kiệt sinh-lực, là một nghĩa-vụ mang lại những hi-vọng và những khả-năng mới cho cuộc sống ki-tô giáo. Chính thời-đại Ki-tô giáo sa-sút về lượng có thể đem lại cho ta sinh-lực mới để ta sống Ki-tô giáo ý-thức hơn. Hiểu như vậy, có thể nói quả thực ta đang đứng trước một kiểu thời-đại ki-tô giáo mới. Ở đây tôi không dám tiên-tri chuyện đó tới sớm hay muộn. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh là trong Ki-tô giáo luôn có cuộc khởi đầu mới. Những khởi đầu như thế đã có hôm nay và sau này vẫn có như vậy. Nó sẽ đem lại những hình-thức sống đạo mới và đầy sinh-lực.

 

Cách đây nhiều năm ngài từng bày-tỏ hi-vọng, có gì như là « giờ phút cuả Thánh-linh trong Giáo-hội» đang nhen-nhúm. Ngài nói, có những nhóm người trẻ thoải-mái dấn-thân hoàn-toàn cho niềm tin Giáo hội, cho một "công giáo tính trọn-vẹn không chia-cắt". Ta có cần những ki-tô-hữu mới, can-trường và hãnh-diện hơn không? Có lần ngài đòi-hỏi, Giáo-hội ngày nay không cần những nhà cải-cách, nhưng cần những thánh-nhân mới, biết tựa vào chính sức mạnh tiềm-ẩn của đức tin mà tái khám-phá kho-tàng đức tin và tính bất khả nhượng của nó.

 

Trước hết hãy bàn tới từ "nhà cải-cách / thánh-nhân": Mỗi thánh-nhân là một nhà cải-cách, nghĩa là người đó làm cho Giáo-hội sinh-động và thanh-tẩy Giáo-hội. Tuy nhiên người ta thường hiểu nhà cải-cách là người thực-hiện những biện-pháp có tính-cách cơ-cấu tổ-chức và hành-động trong phạm-vi này. Nếu hiểu như thế, thì không khẩn-thiết cần họ lúc này. Cái ta thực-sự cần là những người được Ki-tô giáo « hút hồn »; họ sống Ki-tô giáo như nguồn hạnh-phúc và hi-vọng, qua đó họ trở thành ngọn lửa tình yêu và ta gọi họ là thánh-nhân.

Những nhà cải-cách đúng nghĩa của Giáo-hội luôn là những vị thánh; nhờ họ mà Giáo-hội có được bộ mặt đơn-sơ hơn và con đường dẫn tới đức tin dễ đi hơn. Một Biển-đức vào cuối thời thượng-cổ đã tạo ra một lối sống đạo trải dài suốt thời di-dân. Một Phan-sinh và Đa-minh đã dấy lên một phong-trào đại-chúng trở về với tinh-thần khó-nghèo, đơn-sơ và niềm vui của Tin mừng hoàn-toàn mới giữa một Giáo-hội phong-kiến và xơ-cứng. Hay ta trở về thế-kỷ 16. Công-đồng Trentô rất quan-trọng, nhưng cuộc canh-tân giáo-hội Công giáo cuả công-đồng chỉ thực-hiện được nhờ những vị thánh như Tê-rê-xa ở Avila, Gio-an Thánh-giá, Y-nhã ở Loyola, Ca-rô-lô Bô-rô-mê-ô và nhiều vị khác, những người thấm-nhuần đức tin và sống nó một cách đặc-thù, tạo nên những lối sống đạo giúp thực-hiện những cải-cách cần-thiết làm Giáo-hội phục-hồi. Vì thế tôi không tin ngày nay công-cuộc cải-cách giáo-hội nhất-thiết sẽ đạt được qua các nghị-hội và công-đồng, mặc dầu những thứ này cũng nên và cần có, nhưng sẽ đến từ những con người có sức thuyết-phục mà ta gọi là thánh-nhân.

 

 

Giáo-hội cống-hiến

những cơ-may mới cho thế-giới

 

Trong tông-thư về ngàn năm thứ ba đang đến, Giáo-chủ nhấn mạnh: "Giáo-hội… như một cây cao vươn cành lá che-chở toàn-thể nhân-loại". Điểm tôi cho là quan-trọng trong suy-tư này là: Trước tình-trạng thiếu-hụt trầm-trọng về nhận-thức và khả-năng quyết-định của thời-đại hôm nay, ta cần có những cố-vấn đáng tin. Đó là những nhân-vật hoặc hay hơn nữa là những định-chế như thẩm-cấp cao hơn -, không bị lay-chuyển trong thời-buổi nhiễu-nhương.  Thứ xã-hội mở ta muốn duy-trì đang càng ngày càng đòi-hỏi ta quá nhiều chuyện. Nó bỏ mặc ta giữa muôn vàn cơ-hội, buộc ta phải có quyết-định; nó xô ta vào giữa những thứ tự-do thường là vô ích và có hại mà ta không làm chủ được nữa. Để bảo-tồn những cơ-may của xã-hội mở và đồng thời giúp ta tránh rơi vào những hệ-thống độc-tài, có lẽ phải tăng-cường bảo-vệ nền dân-chủ bằng những hệ-thống kín, nghĩa là bằng những mô-hình có thể tồn-tại  và có khả-năng phán-đoán không tùy-thuộc dư-luận nhất-thời hay lựa-chọn tình-cờ.

 

Ông nêu lên vấn-nạn: Giáo-hội có thế đứng nào trong thể-chế xã-hội tự-do, có giá-trị gì, đứng đâu và làm được gì cho xã-hội. Tôi tin rằng ông đã nói lên điều rất hệ-trọng. Giáo-hội không phải là một tổ-chức giữa các tổ-chức, một quốc-gia giữa các quốc-gia, phải được thành-lập như một quốc-gia theo cùng loại qui-luật dân-chủ. Giáo-hội không phải thế, nhưng có thể nói là một sức mạnh tinh-thần. Giáo-hội có hình-thái xã-hội và tổ-chức của nó, nhưng nó chủ-yếu là một nguồn lực tinh-thần cung-cấp cái mà quốc-gia không thể tự có được. Böckenförde có câu nói thời-danh đã thành châm-ngôn: Xã-hội dân-chủ sống bằng những sức mạnh nó không tự sản-xuất được*. Đây là điểm mà ông đã gợi ra khi đề-cập tới những hệ-thống nâng-đỡ.

Theo tôi đó cũng là một dẫn-nhập quan-trọng vào câu hỏi về dân-chủ trong Giáo-hội mà giờ đây chúng ta không muốn đi sâu vào nữa. Nếu cho rằng Giáo-hội phải hoạ lại mô-hình tổ-chức và điều-hành của một quốc-gia, thì không nhận ra bản-chất của Giáo-hội. Bởi ta biết rằng chính nền dân-chủ có thể nói là một thứ thử-nghiệm táo-bạo, rằng sự quyết-định theo nguyên-tắc đa-số chỉ có thể giải-quyết đúng một số vấn-đề cuả con người. Nó trở thành phi-lí, khi nó được dùng để giải-đáp những câu hỏi đâu là chân, đâu là thiện; nó cũng trở thành phi-lí, nếu vì nó mà những nhóm thiểu số có thể rất lớn cũng vẫn luôn phải nhượng-bộ và như thế tạo nên một loại độc-tài của phe đa-số. Bởi thế chính dân-chủ tìm-kiếm những thực-tại bổ-sung cho nó, đem lại ý-nghĩa cho cơ-cấu của nó và đến lượt những thực-tại này cũng lại phải được tổ-chức sao cho phù-hợp với nhiệm-vụ riêng-biệt của chúng.

Do đó điều rất hệ-trọng cho Giáo-hội là không được tự coi mình trước hết như một cơ-quan tự điều-hành, cung-cấp một số dịch-vụ nhất-định, nhưng phải biết mình sống bằng một cái không do chính mình tạo nên, sống trung-thành và năng-động với cái đó, nhờ vậy cống-hiến cho toàn-thể nhân loại cái nó không thể tự tạo nên được. Giáo-hội không thể ra lệnh cho thế-giới, nhưng có thể cung-cấp những giải-đáp cho thế-giới, khi nó bị mất hướng. Hình-ảnh muối cho đời, ánh sáng thế-gian từ Thánh-kinh ám-chỉ vai-trò đại-diện của Giáo-hội. Ý-tưởng muối cho đời nói lên không phải cả thế-gian là muối. Giáo-hội, với tư-cách là Giáo-hội, đóng vai đại-diện cho toàn-thể, đi vào lòng toàn-thể nhưng không đơn-thuần rập khuôn một cái gì khác, kể cả không là một quốc-gia. Giáo-hội luôn phải ý-thức về những điểm này. Giáo-hội phải ý-thức sứ-mệnh đặc-biệt của mình là phải thoát ra ngoài tính-chất đặc-thù của trần-thế để đi vào ánh sáng Thiên Chúa và giữ cho lối thoát này thông-thoáng, rộng mở, để khí mát tuôn vào thế-gian.

 

Là sức mạnh có khả-năng kết-hợp và đem lại ý nghĩa cho cuộc sống, Giáo-hội có nên tăng-cường tiếng nói chống lại quyền-lực, chống lại độc-tài thời-thượng và chống lại cả hệ-thống tư-bản với những quá-lạm độc-hại đã từ lâu không thể lường được không? Cũng thế, Giáo-hội có cần nỗ-lực đi tiên-phong trong việc bảo-vệ công-trình tạo-dựng vũ-trụ không? Đây có thể là sự hướng-dẫn của một định-chế giầu truyền-thống và khôn-ngoan, một định-chế có Chúa đứng trên hướng-dẫn.

 

Ở đây ta trở lại câu hỏi: Giáo-hội phải làm gì để vừa cởi-mở đón nhận cái mới vừa để khỏi bị xơ-cứng như trong dĩ-vãng? Giáo-hội phải đồng-hành với thế-giới tân-thời tới mức nào, đâu là điểm Giáo-hội cần tỏ ra can-trường – gọi là đối-lập ngôn-sứ hoặc những kiểu nói tương-tự? Từ đó nảy sinh câu hỏi thứ hai: Giáo-hội là ai hay là gì? Dĩ-nhiên tất-cả những ai có tiếng nói nhân danh Giáo-hội, tức là giáo-quyền ở mọi cấp, đều phải có can-đảm phản-kháng.

Nhưng lúc này không nên bỏ qua câu nói "Chúng tôi là Giáo-hội" trong ý-nghĩa đích-thực của nó. Không phải chỉ những ai có chức-vụ, chỉ giáo-quyền mới là Giáo-hội. Câu nói trên chỉ hữu-hiệu, đáng tin cho thế-giới và trở thành câu nói đưa đến hành-động, khi nó không chỉ là lời giảng suông, không chỉ xuất-hiện trong những văn-kiện của Rôma hay trong thư mục-vụ, nhưng khi lời nói của người giảng dạy là tiếng nói chung của Giáo-hội sống-động. Vì thế những lời này không nên chỉ do lệnh từ trên ban xuống, nhưng ki-tô-hữu phải cùng nhau học biết chính họ là lực-lượng phản-kháng trong nhiều trường-hợp. Theo tôi đó là điểm rất quan-trọng.

Giáo-quyền chỉ có thể nói ra cách đáng tin và hữu-hiệu những gì đang hiện có và sống-động trong toàn-thể Giáo-hội. Dĩ-nhiên ngược lại cũng đúng: Những cộng-đoàn sống-động của Giáo-hội luôn cần sự nâng-đỡ để căn-tính của họ thêm vững-chắc và nhờ đó họ nhận được khích-lệ sống đời tín-hữu. Khi ta nói : "Giáo-hội phải là lực phản-kháng" thì nên hiểu đó chính là cam-kết chung của toàn-thể tín-hữu, chứ không chỉ của giáo-quyền, và như đã nói, cũng phải biết phân-biệt vàng thau – không phải hễ tân-thời là xấu hay hễ tân-thời là tốt. Tôi nghĩ đây cũng là một đức-tính rất quan-trọng, thiếu nó Giáo-hội không thể giảng-dậy và phục-vụ đúng.

 

Tôi muốn trở lại đề-tài hệ-thống kinh-tế hiện nay của tây phương chúng ta. Ngài có tin rằng, hệ-thống chỉ đề cao kinh-tế thị-trường này có thể sống với tình-trạng hiện-thời qua mười năm nữa không?

 

Vốn hiểu-biết của tôi về tình-hình kinh-tế thế-giới quả rất hạn-hẹp. Tuy nhiên tình-trạng kinh-tế hiện nay không thể kéo dài là điều hiển-nhiên. Thứ nhất nợ nhà-nước là một mâu-thuẫn nội-tại, vì nhà-nước sống trong tình-trạng nghịch lí, một đàng chi tiền và bảo-đảm cho giá-trị tiền-tệ, đàng khác lại hoàn-toàn phá-sản, vì nợ-nần chồng-chất. Dĩ nhiên còn có mức chênh-lệch nợ-nần Bắc Nam. Những điều đó cho thấy ta đang sống trong ảo-tưởng, mâu thuẫn và tiến-trình này không thể tiếp-diễn mãi trong tương-lai vô-định.

Hiện tại (mùa xuân 1996) chúng ta đang chứng-kiến tình-trạng lạ-lùng ở Mỹ: nhà-nước đột-ngột cháy túi và hết khả-năng trả lương đành phải cho nhân-viên nghỉ việc. Quả là một mâu-thuẫn ghê-gớm, vì nhà-nước có trách-nhiệm bảo-đảm sự vận-hành liên-đới cho toàn guồng máy quốc-gia. Biến-cố này cũng cho thấy hệ-thống nhà-nước của ta có những khuyết-điểm quá lớn và cần nhiều nỗ-lực để tìm ra thuốc chữa. Nhưng tôi muốn nói thêm là người ta sẽ không tìm ra thuốc chữa, nếu dân-chúng không có khả-năng chấp-nhận hi-sinh. Bởi vì không phải chỉ cần có những chỉ-thị của chính-phủ là có thể thực-hiện được những cải-tổ. Đây là thách-đố lớn của các xã-hội. Ta phải biết rằng, ta không thể có tất-cả những gì ta muốn, rằng ta không thể giữ mãi được mức-độ đã đạt được. Phải tìm ra cách tránh bị lệ-thuộc của-cải, chỉ biết khư-khư lo bảo-vệ quyền-lợi và những đòi-hỏi riêng-tư. Tôi nghĩ, cuộc biến-đổi con tim này cần-thiết để có thể hi-sinh cho tương-lai và tha-nhân; đây chính là thách-đố quyết-định vận-mệnh của hệ-thống chúng ta.

 

Thưa hồng-y, lúc này người ta có thể đánh-giá lịch-sử triều-đại giáo-chủ đương thời được chưa? Sự kết-thúc của triều-đại Gio-an Phao-lô  II có ý-nghĩa gì cho Giáo-hội và thế-giới? Giáo-chủ qua đi chỉ là chấm-dứt một thời-đại hay còn tiềm-ẩn ý-nghĩa nào khác ? Gio-an Phao-lô  II, hiện-thân của thế-giới tây phương, qua đi có nghĩa là thế-giới cũ cũng chấm-dứt?

 

Tôi rất dè-dặt thảo-luận về những viễn-ảnh tương-lai. Chính sự-kiện Giáo-chủ đến từ Ba-lan đã làm xê-dịch viễn-ảnh rất nhiều rồi. Với Ba-lan, biên-giới Tây Âu lùi xa sang Đông Âu. Chân trời tây phương mở ra với những chiều-kích đông phương. Chính qua những chuyến thăm-viếng mục-vụ, giáo-chủ Gio-an Phao-lô  II đã nhấn mạnh nhu-cầu Giáo-hội phải vượt ra ngoài địa-bàn Tây Âu. Tuy nhiên tôi nghĩ di-sản Tây Âu, nếu muốn dùng kiểu nói này, vẫn có chỗ đứng quan-trọng trong lịch-sử. Bởi vì Giáo-hội xưa không phải chỉ cống-hiến cho nhân loại những kho-tàng trường-tồn của nghệ-thuật rô-man-ních, gô-tích, phục-hưng, ba-rốc, v. v., nhưng Giáo-hội này cũng đã cống-hiến bao khuôn mặt thánh-nhân vĩ-đại, những người đã mở ra những lối sống và suy-tư nhằm trình-bầy một Ki-tô giáo cao-cả và chân-thực, nhờ đó con người trở thành người hơn. Nhân loại sẽ không thể dứt-bỏ những yếu-tố nền-tảng này, nhưng có thể và được phép hội-nhập chúng vào những chân trời mới, bao-la hơn.

 

 

Lịch-sử thật của thế-giới

 

 

Về sự viên-mãn của thời-gian

 

Trong thông-thư "Ngàn năm thứ ba đang tới” gửi các giám-mục, linh-mục và tín-hữu về đề-tài chuẩn-bị năm 2000, Giáo-chủ nói đến "sự viên-mãn của thời-gian". Ngài giải-thích, ý-niệm thời-gian trong Ki-tô giáo mang "ý-nghĩa nền-tảng". Nghĩa là « thời cuối cùng», giờ sau hết, đã bắt đầu với sự xuất-hiện của đức Kitô. Đây là điểm khởi đầu "thời-gian của Giáo-hội, nó sẽ kéo dài cho tới khi Người trở lại". Hồng-y giải-thích điểm này như thế nào? Có phải vở kịch đã được viết xong từ lâu, chúng ta đã đến ngày tàn?

 

Đó là một chương mang ý-nghĩa Kinh thánh trong phần đầu của tông-thư. Ý-niệm "thời-gian viên-mãn" lấy từ thánh Phaolô. Tư-tưởng cho rằng đây là “thời kết-thúc”, màn kết của lịch-sử, được viết rõ trong Kinh-thánh. Tuy nhiên phúc-âm Lu-ca, với tầm nhìn xa khác thường, nới rộng điểm kết-thúc qua câu: "Giê-ru-sa-lem sẽ bị nhiều dân-tộc dày-xéo tới khi thời-gian của họ viên-mãn" (Lc,24, 24).

Các giáo-phụ khai-triển ý-niệm này, so-sánh lịch-sử với đời người được chia thành sáu giai-đoạn. Theo các ngài, lịch-sử nhân loại giờ đây đã bước vào giai-đoạn thứ sáu và là giai-đoạn kết. Mãi tới Thời-mới ý thức này mới thay-đổi. Trong thời Phục-hưng xuất-hiện ý-tưởng cho rằng lúc này đây mọi chuyện mới thực-sự bắt đầu. Thời trước đó không phải thời-đại thứ sáu, nhưng là thời Trung-cổ, lúc này ta mới lại tiến lên trong lịch-sử đích-thực và lúc này mới lại là thời-điểm hướng lên phía trước. Tư-tưởng này sở-dĩ nảy sinh, vì con người khám-phá ra rằng những thời-đại của thế-giới dài rộng hơn nhiều và thế-giới cũng như lịch-sử nhân loại không chỉ kéo dài sáu ngàn năm, nhưng trong thời-gian vô định. Như thế ý-niệm “thời cuối cùng” dĩ-nhiên mất ý-nghĩa và thời-gian có thể nói được là kéo dài không biết đến bao giờ.

Cái nhìn theo Kinh thánh và quan-điểm của các giáo-phụ dựa trên lược-đồ sáu thời-đại rõ-ràng, với mỗi thời dài khoảng 1000 năm, phải được xét lại trong bối-cảnh văn-hóa mới. Kinh thánh nói, lịch-sử đi vào thời quyết-định và kết-thúc với sự xuất-hiện của đức Kitô. Tư-tưởng chính-yếu này của Kinh thánh phải được hiểu lại cách hoàn-toàn mới. Tôi muốn nói, sự phát-triển trong những thập niên vừa qua, với lịch-sử thế-giới qua mau hơn và những đe-doạ mỗi ngày thêm đè nặng trên nó, gợi lên ý-tưởng về thời-kì cuối rõ-ràng hơn. Nhưng không phải chỉ có thế. Ta còn hiểu thêm rằng, quả thực một thời-đại lịch-sử mới và cuối cùng đã khởi đầu với phong-trào Ki-tô giáo. Bởi vì ngay từ bước đầu Ki-tô giáo đã nhắm đến hợp-nhất thế-giới, phân-biệt đạo đời và đem lại phần nào sự tự-chủ qua việc xoá sạch dấu-vết thần-linh của thế-giới. Thời-kì lịch-sử này gắn liền với ý-thức cho rằng lịch-sử sắp chấm dứt, không theo cách tính bằng thiên niên-kỉ, nhưng theo nghĩa lịch-sử đang trên đường và Đức Ki-tô là khởi đầu của điểm kết-thúc, thế-giới xa-lìa Ngài, nhưng rồi lại hướng về Ngài.  

Đó là những điểm Giáo-chủ muốn đề-cập, ngài muốn nói, chính đức Ki-tô cắm mốc quyết-định vào lịch-sử thế-giới và trên con đường bấp-bênh, ngày càng thêm bi-thảm hơn của lịch-sử, Ngài không những là khởi điểm mà còn là đích điểm. Hướng về Ngài ta đi tới điểm kết-thúc. Kết-thúc này không đơn-thuần là sự huỷ-diệt, nhưng là sự hoàn-tất mĩ-mãn, đem lại nét toàn-vẹn nội-tại cho lịch-sử.

 

Trong tông-thư đã dẫn Giáo-chủ còn nhận-xét rằng theo niềm tin của Giáo-hội, năm 2000 không giống bất cứ năm nào khác, nó không chỉ đáng để ý vì là thời-điểm sang trang của một thế-kỷ hay một thiên niên-kỷ, nhưng là một năm rất đặc-biệt, "năm hồng-ân Thiên Chúa”. Điều đó có ý-nghĩa gì? Sẽ có những hiện-tượng đặc-biệt xẩy ra chăng? Ta sẽ lãnh-nhận những hồng-ân đặc-biệt chăng? Năm toàn-xá phải được dùng để tái tạo công-bằng xã-hội, phải là năm tha tội và hình phạt cho tất-cả những ai lỗi phạm, phải là năm hòa-giải giữa các đối-thủ, năm của những cuộc trở lại dưới nhiều hình-thức, năm của thống-hối trong và ngoài bí-tích. Hay Giáo-hội còn muốn chuẩn-bị cho những gì khác nữa, vì tông-thư còn có một câu nhiều nghĩa: Giáo-hội không thể «bước qua ngưỡng cửa của ngàn năm mới, mà không kêu-gọi con-cái thanh-tẩy qua sám-hối lỗi lầm, bất trung, mâu-thuẫn, trì-trệ"?

 

Tôi nghĩ cần phải làm sáng-tỏ niên-hiệu này có và không có ý-nghĩa gì. Trước hết phải gạt bỏ mọi mong-chờ hão-huyền. Không có chuyện những biến-cố lớn trên bình-diện vũ-trụ, văn-hoá hay tôn-giáo sẽ tự-nhiên xẩy ra. Cần tỉnh-táo nhận-định rằng niên-hiệu thuần-tuý tự nó gói-ghém những tình-cờ. Dionysius Exiguus* đã tính sai mấy năm về ngày sinh của đức Kitô. Niên lịch của ta lại dựa trên cách tính này; đúng ra đức Ki-tô sinh 7 năm trước công-nguyên. Vậy lễ mừng năm 2000 lẽ ra cũng phải xích lên sớm hơn. Nói tóm lại, không nên bận-tâm với những chuyện hão-huyền.

 

Nhưng lịch-sử công-nhận sự-kiện này….

 

Niên-lịch này đã phổ-biến và ta đã quen với nó. Nhưng nó không được đặt ra do nhu-cầu siêu-hình, chứ đừng nói đến do nhu-cầu thuần-tuý lịch-sử. Vậy, đây là điểm thứ nhất: Cần vứt-bỏ những trông-chờ hão. Điểm thứ hai: Vậy nó là gì? Giáo-chủ nói có lí, trước hết nó là một niên-hiệu tưởng-nhớ. Nó khêu-gợi trí nhớ ta, là niên-hiệu tưởng-nhớ sinh nhật của đức Giê-su Kitô, một biến-cố quan-trọng đến độ đã được dùng để tính thời-gian cho cả nhân-loại, hay ít ra cho phần lớn nhân-loại. Trước hết nó là sự tưởng-nhớ về những gì đã xẩy ra, không phải đơn-thuần hồi-tưởng lại cái gì đã qua, nhưng là đi sâu vào thâm-tâm ta, tưởng-nhớ chính Ngài như đấng luôn hiện-diện và có liên-hệ với ta. Chính vì là niên-hiệu hồi-tưởng và là sự ghi nhớ hiện-tại và tương-lai, không phải chỉ ghi nhớ dĩ-vãng, nên đó là một cơ-may cũng như là một thách-đố đòi ta sống xứng với kỉ-niệm này và lấy nó làm mẫu-mực xét-đoán ta.

Ở đây Giáo-chủ một đàng giúp nhân-loại, ít ra là ki-tô-hữu, tự đổi mới bằng cách lặp lại sự tưởng-nhớ này, cụ-thể qua chương-trình ba năm như đã nói. Chương-trình này là một cố-gắng duy-nhất đi vào thẳm sâu ký-ức ta, đi vào những hiểu-biết và chân-lí được giữ kín trong đó. Đó là điểm thứ nhất, có thể nói Giáo-chủ chỉ ra con đường giúp ta thực-sự nhớ lại, và qua đó nối-kết hiện-tại với tương-lai.

Điểm thứ hai: Ngài lấy lại hình-ảnh năm kỉ-niệm của Cựu ước, theo đó cứ 49 năm, tức 7 lần 7 năm, lịch-sử lại bắt đầu lại. Vào năm đó mọi người phải từ-bỏ hoàn-toàn sở-hữu, làm lại từ đầu, như vậy có thể nói là cũng luôn-luôn gồm có tha-thứ tất-cả, trở về nguồn. Giáo-chủ nói, nếu có một năm kỷ-niệm theo nghĩa này, thì đối với ta đó phải là năm 2000, ta mừng năm này theo cách-thức của ta bằng cách gắng trở về nguồn, tức là trở về với đức Kitô. Những hình-ảnh Cựu-ước đó cũng đặt ra cho ta một thách-đố, đòi ta thanh-toán sòng-phẳng nợ-nần, giải-thoát ta khỏi mọi gánh nặng của những hệ-thống kinh-tế đông cứng hoặc những thứ tương-tự và cố-gắng làm cuộc khởi đầu mới.

Tất-cả những cái đó không tự-nhiên từ trời rơi xuống, nhưng là một nghĩa-vụ và khả-năng của trí nhớ mà có. Tôi muốn nói, ta phải tỉnh-táo với ý-tưởng nền-tảng : tưởng-niệm / ghi nhớ. Nhưng tỉnh-táo không có nghĩa coi thường tất-cả, nhưng là nhận ra đòi-hỏi của nó và cố-gắng tìm ra sức nâng-đỡ, để có thể tận-dụng nỗ-lực ghi nhớ này một cách hữu-hiệu làm nên một cuộc khởi đầu mới.

 

Nhưng Giáo-chủ còn đi rất xa khi nói về thời-điểm bước vào ngàn năm mới. Ngài nói: Hãy thanh-tẩy và thống-hối; và mới đây trong chuyến thăm mục-vụ nước Úc, ngài nói, có lẽ phải vào tận sa-mạc để chờ Chúa trở lại.

 

Tôi không biết đoạn văn này, nhưng chắc-chắn ngài không muốn nói Chúa sẽ trở lại vào năm 2000. Bởi như thế là mâu-thuẫn, vì ta không biết ngày giờ Chúa trở lại. Có thể nói Chúa sẽ trở lại khi nào trí nhớ lại mở ra; trong ý nghĩa này, qua suốt chiều dài lịch-sử, đã có nhiều lần đức Ki-tô trở lại, tái hiện-diện trong lịch-sử. Như vậy ta nên hoàn-toàn để ngỏ câu hỏi, khi nào Ngài vĩnh-viễn đi vào lịch-sử, khi nào Ngài vĩnh-viễn nắm lấy lịch-sử và lay động nó; ta không nên chắp-nối thời-điểm này với bất cứ một tính-toán thời-gian nào. Cái ta cầu xin, cái ta nên và muốn chuẩn-bị đón-nhận là mong Ngài có thể lại tới trong thời-điểm này, qua tâm-hồn đã mở sẵn. Tôi nghĩ ta nên hiểu lời Giáo-chủ cũng như câu "đi vào sa-mạc" theo ý-nghĩa này. Có người hiểu những lời đó theo nghĩa đen. Nhưng xét tổng-quát, ý-nghĩa của những lời này là, trong thời-gian này ta phải thực-sự gắng thoát khỏi thế-giới cồng-kềnh đủ thứ đồ-đạc dư-thừa, để đi vào tự-do nội-tâm, tỉnh-thức và thống-hối, thiếu chúng không thể có cuộc khởi đầu mới.

 

Bao nhà xã-hội học, tương-lai học và nhà bình-luận văn hóa háo-hức tìm lối giải-thích và cách diễn-tả trừu-tượng cho thời-gian sắp tới. Ta đã có thời hiện-đại, hậu hiện-đại và cả hậu hậu hiện-đại rồi. Nếu thêm một "hậu" nữa, xem ra quá rắc-rối. Có lẽ nỗi khắc-khoải mong-chờ cái sẽ tới sẽ giải-quyết điểm này và có lẽ nỗi khắc-khoải này cũng sẽ tìm ra thuật-ngữ mới cho thời-gian. Ta nên cho nó danh xưng gì? Ngài có đề-nghị nào không?

 

Tôi không có đề-nghị nào về danh xưng. Tôi luôn phản-đối việc người ta nói tới sự kết-thúc thời Hiện-đại, nói tới thời Hậu hiện-đại. Toàn là lối phân-chia quá vội-vàng. Phải chờ một khoảng thời-gian nhất-định mới nhìn ra điểm thời-đại sang trang. Hẳn thời Phục-hưng đã đẻ ra ý-niệm "Trung-cổ", để nói lên rằng, trước đó đã có chuyện gì xẩy ra, nhưng nay nó phải chấm-dứt. Với kiểu phân-chia thời-đại như thế, thời Phục-hưng muốn trình-bầy chính mình như một cái gì mới và điểm này xem ra có lí. Ngày nay ta cũng chứng-kiến một biến-đổi lớn đang diễn ra giữa dòng lịch-sử trôi mau, làm thay-đổi bộ mặt của Thời-mới với khoảng 400 tới 500 năm vừa qua. Nhưng có lẽ ta nên xét lại toàn-bộ cách phân-chia thời-đại nặng tính tây phương này. Bởi khó nhét vào đó lịch-sử Ấn-độ và Trung-hoa, dù có những điểm song-song. Jaspers gợi lên cái gọi là Thời ngưỡng cửa, chạy xuyên-suốt mọi nền văn-hóa. Dù sao tôi nghĩ, ngay bây giờ ta chưa nên nặn ra một danh xưng cho cái ta chưa biết. Trái lại ta cần tỉnh-thức trước những đổi-thay và gắng nắm sẵn những yếu-tố lèo-lái đúng-đắn - để một khi xuất-hiện thời-đại mới hơn thay-thế cái thời trước kia là mới nhưng nay đã già-cội, cái thời mới hơn này sẽ là thời của nhân loại và của Thiên Chúa.

 

Thưa Hồng-y, đây là câu hỏi chót: Lịch-sử đích-thực của thế-giới là gì? Ngoài ra, Chúa thực-sự muốn gì ở ta? Có lần ngài viết: "Đặc-điểm của lịch-sử là sự giằng-co giữa yêu và không có khả-năng yêu, tức là sự cằn-cỗi của tâm-hồn, nó xẩy ra khi con người chỉ có thể chấp-nhận những giá-trị lượng-số mới là giá-trị và thực-tại… Sự huỷ-diệt khả-năng yêu sinh ra nỗi chán-chường chết người. Nó là sự đầu-độc con người. Nếu nó thắng thế, con người và cả thế-giới sẽ bị huỷ-diệt".

 

Ở đây tôi dựa vào An-tịnh; còn ngài lại múc từ nguồn truyền-thống giáo-lí Ki-tô giáo, ở đó toàn-bộ lịch-sử được trình-bầy như một cuộc tranh-chấp giữa hai quốc-gia, giữa hai cộng-đồng công-dân. Goethe lấy lại ý-tưởng này và nói, lịch-sử nhìn tổng-quát là một cuộc chiến giữa tin và không tin. An-tịnh có cái nhìn hơi khác, ngài nói, lịch-sử là cuộc chiến giữa hai loại tình yêu, giữa yêu Chúa đến hy-sinh chính mình và yêu mình đến chối-bỏ Chúa. Ngài trình-bầy lịch-sử như bi-kịch về cuộc chiến giữa hai thứ yêu. Tôi tìm cách làm sáng-tỏ thêm ý-tưởng này, khi cho rằng đối-lực của yêu không phải là một loại tình yêu khác, nó không đáng gọi là tình yêu, nhưng là sự chối-bỏ tình yêu. Đó là hiện-tượng ta cũng đang chứng-kiến ngày nay, khi con người bị sự tự-chủ chi-phối đến nỗi nói rằng, tôi không muốn yêu, vì nó làm tôi lệ-thuộc và như vậy nó phản lại tự-do của tôi.

Quả thực yêu có nghĩa là lệ-thuộc vào cái tôi có thể mất đi và như thế đem lại nguy-cơ đau-khổ cho đời tôi. Từ đó sinh ra sự khước-từ ẩn kín hoặc bộc-lộ: Tôi thà không yêu, hơn là mãi-mãi lao vào nguy-cơ đau-khổ, bị giới-hạn khả-năng tự-quyết, bị lệ-thuộc vào cái tôi không thể có và bổng-chốc rơi vào hư-không. Trong khi đó quyết-tâm đến từ đức Ki-tô hoàn-toàn khác: Sẵn-sàng yêu, vì chỉ có thứ tình yêu với nguy-cơ bị đau-khổ và mất-mát mới đem con người về với chính mình và giúp nó thể hiện được bản-chất của mình.

Tôi nghĩ, đây thực là bi-kịch của lịch-sử: trong trận-tuyến kình chống nhau dưới nhiều hình-thức, lịch-sử kết-cục được thu gọn trong công-thức: sẵn-sàng yêu hay từ chối yêu.

 

Và Chúa thực-sự muốn gì nơi ta?

 

Ngài muốn ta trở thành những kẻ yêu-thương và như vậy trở nên giống Ngài. Bởi, như thánh Gio-an nói với ta, Ngài là tình yêu, Ngài muốn có những thụ-tạo giống Ngài và trở nên như Ngài trong tình yêu tự-do, gắn-bó với Ngài và như thế có thể nói là toả ra ánh sáng của chính Ngài. 

 

Tiểu-sử tóm-tắt

 

16.04.1927

1946 – 1951

29.06.1951

1953

 

 

 

1952 – 1977

 

1962 – 1965

 

1972

 

25.03.1977

27.06.1977

25.11.1981

 

30.11.2002

19.04.2005

Sinh tại Marktl am Inn, Bayern

Học triết và thần-học tại Freising, München

Linh-mục

Tiến-sĩ thần-học với luận-án: „Dân và Nhà Chúa theo học-thuyết của Augustin về Giáo-hội“. Sau đó, luận-văn giáo-sư: „Thần-học lịch-sử của thánh Bônaventura“

Giáo-sư thần-học tín-lí và cơ-bản tại đại chủng-viện, từ 1959 Giáo-sư trong nhiều đại-học Đức

Chuyên-viên công-đồng Vatican II trong vai-trò cố-vấn cho hồng-y Frings

Cùng Hans Urs von Bathalsar và Henri de Lubac lập báo thần-học „Communio“

Tổng giám-mục giáo-phận München-Freising

Hồng-y

Trưởng Bộ giáo-lí đức tin; chủ-tịch Uỷ-ban Kinh thánh và Uỷ-ban thần-học quốc-tế

Chủ-tịch đoàn hồng-y

Được bầu làm giáo-chủ thứ 264 của toàn giáo-hội Công giáo

 

Một vài tác-phẩm tiêu-biểu: „Nhập-môn Ki-tô giáo“ (1968), gồm các bài giảng đại-học về bản tuyên tín của các tông-đồ; „Tín-điều và loan-truyền“ (1973) gồm các luận-văn, bài giảng, suy-tư về mục-vụ; „Về tình-trạng đức tin“ (1985); „Muối Cho Đời“ (1996); „Trong trường Chân-lí“ (1997) gồm bài của nhiều tác giả viết về con người và thành-quả của hồng-y Ratzinger nhân dịp sinh-nhật thứ 70 của ngài.

 

 Muối Cho Đời

Ki-tô giáo và giáo-hội Công giáo

trước thềm ngàn năm mới

Địa-chỉ liên-lạc

Phong-trào Giáo-dân Việt-nam hải-ngoại

Trang nhà: www.phongtraogiaodan.org

Địa-chỉ thư: phongtraogiaodan@aol.com

 


 

 

* Goethe (1749-1832) nhà văn, kịch, thơ đa tài nổi tiếng ở Đức.

* Bartholomé de Las Casas (1474-1566) một tay thực-dân người Tây-ban-nha, phản-tỉnh trở thành linh-mục và là chiến-sĩ nhân-quyền tiên-phong cho dân bản-xứ.

* Galilêi  (1564-1642) nhà toán, vật-lí, thiên-văn ngườI Ý, bị giáo-hội Công giáo kết án và bắt rút lại quan-điểm trái đất quay quanh mặt trời của ông, một quan-điểm trái với quan-điểm của Giáo-hội thời đó.

* Ở Đức có tục đập vỡ chén dĩa vào buổi chiều trước ngày cưới: họ-hàng và thân-hữu mang chén dĩa, đồ sành sứ cũ tới ném vỡ inh-ỏi trước cửa nhà đôi tân-hôn. Người ta cho rằng mảnh sành vung-vãi la-liệt sẽ đem lại hạnh-phúc cho hai người.

* Tôn-giáo = religio, xuất-phát từ  religare, có nghĩa là ràng-buộc

* Hố An-rê : tên một hố sâu dài khoảng 950 km, chạy qua sườn phía đông Los Angeles ra vịnh California hướng lên phía bắc , nơi hai mảng kiến-tạo địa-chất - mảng Thái-bình dương và mảng Bắc Mỹ - gặp và cọ-xát nhau, từng gây nhiều trận động đất.

* Faust là tên một nhân-vật trong vở kịch cũng có tên là Faust của Wolfgang Goethe, văn-hào Đức (1749-1832).

* Pasolini , nhà văn và đạo-diễn phim người Ý

* Su-nít là thành-phần Hồi giáo đa-số chiếm hơn 90% tín-hữu trung-thành với những lời dạy chính-thống của giáo-tổ Mô-ha-mét được ghi trong sách Sunna. Si-ít là phái thiểu-số, là “Đảng của Ali”, con rể của Mô-ha-mét.

* Quốc-xã Đức coi Arier là nguồn giống dân Đức, một giống vượt trội trên các giống dân khác.

* Đêm thuỷ-tinh (Reichskristallnacht): đêm mồng 9 rạng mồng 10 tháng 11.1933 những cơ-sở thương-mại và thờ-tự, nghĩa-trang và cả tư-gia của người Do-thái bị Đức quốc-xã phá đổ, phóng hoả và cướp bóc, khởi đầu cuộc tiêu-diệt Do-thái ; từ thuỷ-tinh ám-chỉ mảnh kính thuỷ-tinh đổ vương-vãi nơi các nhà bị tàn-phá.

* Stürmer (Quân tiền-phong), tên một tuần báo phát-hành năm 1923, bị đình bản năm 1945, chủ-trương bài Do-thái, dùng ngôn-ngữ đơn-sơ và mị-dân lôi kéo thành-phần thợ-thuyền và nông-dân ủng-hộ việc tiêu-diệt Do-thái.

* Schutzstaffel (SS): tổ-chức công-an mật-vụ thời Quốc-xã

* Döpfner (1913-1976), hồng-y người Đức, là một trong bốn điều-hợp viên công-đồng Vatican II

* Vir probatus: người đã lập gia-đình, có nghề, có tư-cách và cuộc sống xứng-đáng.

* Eckhart (1260-1327) : Người Đức, tu-sĩ dòng Đa-minh, nổi tiếng qua tư-tưởng thần-bí và phiếm-thần, bị giáo-quyền lên án, chết trước khi bị ra pháp-đình tôn-giáo.

* Nguyên văn câu của thẩm-phán Börkenförde: “Der freiheitliche, säkularisierte Staat lebt von Voraussetzung, die er selbst nicht garantieren kann" : Nhà-nước tự-do và tục-hoá sống bằng điều-kiện mà nó không thể tự bảo-đảm được.

* D. Exiguus: tu-sĩ và học-giả, người đầu tiên làm niên lịch Ki-tô giáo dưới thời giáo-chủ Gio-an I (523-526)

Tác giả: Joseph Ratzinger - Biển Đức XVI (Phạm Hồng Lam - Trần Hoành, dịch)

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!