.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Phần I: Canh tân trong Chúa Thánh Thần và phục vụ con người

Chương I: Đối diện với Chúa

Chương II: Phục vụ con người

Chương III: Những tông đồ của Chúa Kitô

Chương IV: Giữa đời

Phần II : Canh tân và Quyền lực tối tăm

Chương I : Giáo Hội và ‘Những Quyền lực của tăm tối’

Chương II : Canh tân đoàn sủng và ' các quyền lực của bóng tối'

Chương III : Canh tân trong lòng Giáo Hội

Phần III : Một hiện tượng gây tranh luận, ngây ngất trong Thánh Thần

Chương II : Kiểm Thảo

Chương III : Trên bình diện mục vụ

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Thánh Thần, Hơi Thở Sống Động của Giáo Hội
Tác giả: Gs. Nguyễn Đăng Trúc
Nguyên tác: HY L. J. Suenens
CHƯƠNG II : KIỂM THẢO

1. Có những điểm qui chiếu nào trong Kinh Thánh không?

Để tránh hồ đồ, trước khi đi tìm những điểm tựa nơi Kinh Thánh, cần xác minh xem hiện tượng chúng ta đề cập được mô tả như thế nào.

Các bản văn Kinh Thánh nói đến ‘té’, ‘sấp mình xuống’ trước Thiên Chúa, hoặc ‘ngủ thiếp’, nhưng trường hợp đó không tương ứng gì với các hiện tượng theo kiểu Katherine Kuhlman, và cũng không tương ứng gì với ‘ngất ngây trong Thánh Thần’, được diễn tả bằng những thành ngữ nhẹ nhàng hơn như ‘một hiện tượng thân xác được thoải mái và ý thức về tác động chữa lành của Thiên Chúa’.

Nếu đọc lại điều mô tả trong chương I, chúng ta sẽ ý thức được rằng việc ám chỉ hiện tượng chúng ta đề cập tương tự với sự kiện ‘sấp mình trước Nhan Chúa’ trong Kinh Thánh, là không căn cứ.

Trong Kinh Thánh, sự kiện sấp mình trước Nhan Chúa không có vấn đề cần đến một người khác hay một nhóm nào khác đặt tay trên mình, cũng không có vấn đề té ngửa ra đằng sau. Thông thường, Kinh Thánh kể rằng người ta té ra đằng trước, sấp mặt xuống đất, phục quị trước Nhan Chúa.

Khi Thánh Kinh nói đến những người ‘sấp mình trước Nhan Chúa’, chúng ta khó có thể phân biệt được đây là một cử chỉ thờ lạy có ý thức và do người đó muốn, hoặc đây là một cử chỉ phó thác để mặc quyền năng Thiên Chúa tác động, hoặc chỉ là một lối biểu lộ sự vâng phục của mình. Ta có thể nêu ra những thí dụ về sấp mình, té ngả trong Cựu Ước, trong Tân Ước, trong sách Tông Đồ Công Vụ, nhưng không tìm đâu ra hiện tượng ‘té xỉu’ (falling phenomenon) với những điểm đặc loại mà chúng ta đã nhắc đến. Hai bên là những thực thể khác nhau.

Chúng ta chỉ cần đọc lại một vài đoạn nêu lên đây để thấy rằng chúng không tương ứng, cũng không thể đồng hóa với hiện tượng chúng ta đề cập.

Những thí dụ đưa ra đây không phải để khai triển thấu đáo nội dung nầy, nhưng nhằm đưa ra những bản văn chính yếu có thể qui chiếu làm điểm tựa cho việc minh giải về hiện tượng có tính cách siêu nhiên.

Trong Cựu Ước

Ta trích đoạn văn Êzêkien 1, 28 : « Tôi thấy hình ảnh vinh quang của Đấng Vĩnh Cửu. Khi nhìn thấy như thế, tôi té sấp mặt xuống đất, và nghe tiếng của ai đó nói với tôi ».

Đanien 10, 7-9 : « Tôi là Đanien, tôi đang ở một mình, và tôi thấy một thị kiến cao cả… và khi nghe tiếng Ngài nói, tôi choáng váng té xuống, sấp mặt xuống đất. »

Sách Sáng Thế 15, 12 : « Khi mặt trời sắp lặn, một tình trạng tê mê ập đến trên người ông và đồng thời một bóng đêm kinh hoàng trùm lấy ông ».

Gio-duệ 5, 14 : « Người ấy  trả lời : Không, ta là thủ lãnh đạo quân của Giavê, và nay ta đến ; Gio-duệ té xuống, sấp mặt xuống đất, và nói với người ấy : « Lạy Chúa, Ngài dạy tôi tớ Ngài điều gì ? »

Trong Tân Ước

Trong Tân Ước ta thấy những đoạn tương tự :

- Mat-thêu 17, 16 : các môn đệ té xuống khi Chúa biến hình.

- Gioan 18, 6 : các binh lính té xuống khi tìm bắt Chúa.

- Sách TĐCV 9, 4 : Phaolô té xuống đất trong cuộc trở lại trên đường đi Damas.

- Mat-thêu 28, 1-4 : vào sáng Phục Sinh, những người lính canh gác run lên vì sợ và trở thành như người chết.

- Sách Khải huyền 1, 17 : thánh Gioan mô tả thị kiến của mình và chấm dứt bằng những lời nầy : « Khi tôi thấy, thì tôi té quị xuống như một kẻ chết. Ngài lấy tay phải đặt lên trên tôi, và nói ‘con đừng sợ’. »

Theo tôi, ta chỉ cần đọc những đoạn văn ấy để thấy rõ những sự khác biệt :     

- Các binh lính khựng lại trước quyền uy của Chúa Giêsu, không sống một ơn huệ nhiệm mầu nào ‘của ngất ngây trong Thánh Thần’. Họ run sợ đến chết cứng trong một giây lát trước uy quyền của Chúa Giêsu, sau đó họ tiếp tục công việc chận bắt của mình.

- Thánh Phaolô bị té ngả trên đường đi Damas. Ngài bị té do ánh sáng chói lòa của Đấng Phục Sinh, chứ không có gì trong đó là ‘sự tê mê thần trí’ : đây là một sự trở lại căn nguyên, một cuộc gặp gỡ nhận ra Chúa;  và tiếp theo là lệnh của Chúa dạy Phaolô đi tìm gặp Anania để biết thánh ý của Ngài, muốn ông  trở thành tông đồ mới mà Ngài chọn.

- Những môn đệ té xuống đất ở trên núi Thabor phản ứng liền sau đó, và qua miệng Phêrô họ ấp úng xin Thầy cho phép làm ba căn lều, « một cho Thầy, một cho Maisen và một cho Êlia. »  Tất cả sự việc xảy ra không có gì tương ứng với những biểu lộ  được liệt kê chung quanh hiện tượng ‘ngất ngây trong Thánh Thần’.

Kết luận

Tôi không nhằm làm công việc nghiên cứu đối chiếu các bản văn Kinh Thánh với hiện tượng ‘té xỉu’ (falling phenomenon)  để minh giải chính xác về vấn đề nầy. Tôi chỉ xin được ghi lại ba nhân chứng nói về sự khác biệt giữa hai sự kiện ấy.

Linh mục Maloney, S.J. kết luận thế nầy, sau khi truy cứu các bản văn Kinh Thánh :

«  Trong tất  cả các bản văn Kinh Thánh, tôi không hề nhận thấy có hiện tượng ‘ngất ngây trong Thánh Thần’. Sự xuất thần không thể so sánh với một sự ngất xỉu gây nên bởi một ai khác ngài Chúa Giêsu Kitô. Tôi không tìm ra được một điểm nào tương ứng liên quan đến hiện tượng nầy. Chúng ta biết là Phêrô, Phaolô và các môn đệ khác đã giảng dạy và chữa lành : Sách Tông Đồ Công Vụ nói rõ như thế. Nhưng chúng ta không có cơ sở để tin rằng người ta đã chứng thực hiện tượng té xỉu thoải mái khi có kẻ cầu xin cho họ được tràn đầy Thánh Thần. »

Kết luận nầy ăn khớp với chứng tá của John Richard, thừa tác viên Anh giáo, chuyên viên về đề tài liên hệ và đã xuất bản một nghiên cứu tựa đề là Resting in the Spirit. Trong tập san Renewal in Wales to-day, số 6 mùa xuân năm 1984, ngài đã phân tích  những điểm qui chiếu hợp thức và kết luận như sau:

« Không có một nền tảng Kinh Thánh nào liên quan đến việc ngất xỉu (the swơning) do một người chữa lành đụng đến như trường hợp của Katherine Kuhlman…. Cần lưu ý hiện tượng té xuống, và sự khác biệt thiết yếu và quan trọng giữa té sấp đàng trước hoặc té ngửa ra sau. Té sấp là một sự đáp trả sâu xa, tự nhiên, có thể phát sinh từ một tình cảm kính trọng và khiêm tốn… Trái lại, té ngửa không tự nhiên chút nào và cho ta có cảm tưởng như là do ai sắp đặt. Cũng cần nói thêm rằng ngay việc quì sập xuống đất cũng không được Kinh Thánh cổ võ cho lắm, vì ba trong bốn trường hợp … (Đn 10, 11 ; Ez 2, 1 ; Mt 17, 6-7), Thiên Chúa mời những người đối diện đứng thẳng người để đối thoại. »

Ta cũng thấy nhà thần học, mục sư giáo phái Luthêrô Wolfram Kopferman kết luận như thế trong bài viết đăng ở tập san Đức ngữ Rundbrief der charismatischen Gemeinde – Erneuerung in der evangelischen Kirche (tháng 6 năm 1983, tr. 19-25).

2. Có những điểm qui chiếu nào nơi các tác giả thần bí không?

GIÁO HỘI LUÔN THẬN TRỌNG

Chúng ta biết rằng, qua các thế kỷ Giáo hội thường xuyên đối đầu với những vấn đề lên quan đến tác động tương liên giữa thân xác, linh hồn và thần trí. Khi càng có những phản ứng tâm lý chi phối thân xác, thì lại càng phải suy xét kỹ lưỡng hơn. Trong tiến trình các vụ phong thánh, Giáo hội luôn lưu ý phân biệt nội dung thánh thiện thực sự – dựa trên căn bản các nhân đức đối thần, đức tin, đức trông cậy và đức mến – với những gì liên quan đến những biểu lộ thuộc thân xác bên ngoài, như xuất thần, bay bổng, mang dấu tích thánh v.v.

Một thí dụ điển hình về sự khôn ngoan thận trọng nầy do giáo hoàng Piô XII cống hiến nhân dịp phong thánh cho nữ tu Gemma Galgani vào năm 1940. Đức giáo hoàng đã nhấn mạnh rằng ngài chứng thực sự thánh thiện của nữ tu Galgani, không phải do nơi một số những hiện tượng nơi thân xác từng xảy ra trong cuộc sống của bà, vì ta có thể cho đó là những hiện tượng liên quan đến các khuynh hướng thần kinh.  Nói rõ hơn là hai khía cạnh nầy không nhất thiết gắn liền với nhau.

Một dấu chỉ khác về sự khôn ngoan thận trọng của Giáo hội là việc luôn  nhắc nhở phải phân biệt những đặc sủng thánh hóa người thụ nhận và làm cho người ấy được đẹp lòng Chúa (thành ngữ latinh gọi là ‘gratum faciens’) với những đoàn sủng trực tiếp hướng đến lợi ích cộng đoàn, đến việc xây dựng cộng đoàn theo nghĩa ‘xây dựng’ cho toàn khối, vì thế không hạn chế trong việc thánh hóa cá nhân người hưởng thụ như là kẻ phục vụ cộng đoàn. Những đoàn sủng nầy được ban cho nhưng không (‘gratis datae’) nhằm vào một mục tiêu vượt lên trên cá nhân, hướng đến một sứ vụ cộng đoàn nhất định.

ĐỪNG NÊN LẪN LỘN

Một số những người chủ trương xem việc té xỉu như là một tác động siêu nhiên đã dựa vào những hình thức ‘tương tự’ nơi kinh nghiệm thần bí để giải thích hiện tượng nầy. ‘Hiện tượng bất tỉnh khi té xỉu’ ở đây được ví như là sự an lạc trong tâm hồn hoặc lối cầu nguyện an bình. Phải nói cho rõ là hai bên ở vào những cảnh vực và những địa hạt khác nhau.

a/  ‘Ngây ngất trong Thánh Thần’  và an lạc trong tâm hồn

Chúng ta hãy đọc lại lời thánh Phanxicô Salê viết về trạng thái tâm hồn an lạc.

“Lúc bấy giờ tâm hồn đi vào sự hiệp thông sâu kín trong Thiên Chúa hoặc trước Thiên Chúa và có lúc như được chìm vào sự tốt lành của Đấng mình yêu thương đến độ như mình không còn chú ý về chính mình, một khi tâm hồn đã trao gửi đơn sơ và tế nhị cho Ngài: chẳng khác gì như trên một vài dòng sông nước chảy lặng yên, ta nhìn mặt nước trên sông hoặc trôi thuyền theo dòng sông mà không cảm thấy một giao động nào, vì đâu có thấy sóng gợn hay thuyền nhấp nhô.  Và chính trạng thái an lạc tâm hồn như thế mà chân phước trinh nữ Têrêxa Chúa Giêsu (Avila) gọi là lối cầu nguyện an bình, không khác gì với việc mà chính ngài gọi là giấc ngủ của các năng lực, nếu tôi nói không sai”. (Luận về tình yêu Chúa, cuốn 6, chương 8).

Khi so sánh trạng thái an lạc tâm hồn trên đây với ‘hiện tượng ngất ngây trong Thánh Thần’, ta thấy ngay rằng đây là một thực tại siêu nhiên hoàn toàn khác về bản chất; mặc dầu hai bên đều dùng chữ ‘ngất ngây, ngơi nghỉ’, nhưng không thể hồ đồ lẫn lộn.

b/ ‘Ngây ngất trong Thánh Thần’ và lối cầu nguyện an bình

Người ta cũng tìm cách đồng hóa ‘ngây ngất trong Thánh Thần’và lối cầu nguyện an bình. Khi tôi hỏi về việc nầy, linh mục Christophe O’Donnell, một nhà thần học dòng Carme ngưới Ai-nhĩ-lan, giáo sư thần học về thần bí, đã trả lời qua những dòng chữ nầy:

“Lối cầu nguyện an bình mang nhiều sắc thái khác nhau. Nó có thể chìm vào tăm tối hoặc rạng sáng tốt lành. Những lối diễn tả người ta hay nêu lên rất thiếu sót: người ta có thể lẫn lộn lối cầu nguyện tập trung ý thức (ít nhiều ở Cấp Thứ Ba) với lối cầu nguyện an bình. Quả quyết cho rằng ‘sự ngất ngây trong Thánh Thần, khi cảm nghiệm đúng thực, thì giống với lối cầu nguyện an bình, quả quyết như thế là để nói lên điều gì? Kỳ thực không có con đường tắt nào vụt đưa ta đạt được đỉnh cao của sự thánh thiện: thông thường muốn đạt được lối cầu nguyện an bình, nhất thiết phải đạt đến một mức thánh thiện rất cao và có được một tâm hồn hết sức trong sáng. Chính vì người ta đã không để cho Chúa rửa sạch tâm hồn mình mà Chúa không thể ban cho họ ơn nầy.

Nhưng có chăng trường hợp ngoại lệ?

Hẳn nhiên là có. Nhưng tôi không thấy có một lý do nào vững chắc để đồng hóa sự ngất ngây trong Thánh Thần với lối cầu nguyện an bình cả. Có lẽ đây là một sự ngơi nghỉ giúp ta thoải mái. Việc suy xét về các cấp độ cầu nguyện thường hàm ngụ một sự thẩm định tổng quát về đời sống cá nhân: Truyền thống giáo hội rất nghiêm nhặt trong lối thẩm định như thế. Thánh Têrêxa muốn nói đến những tiêu chuẩn như: lòng khiêm tốn, lòng yêu thương anh chị em mình, thái độ vô cầu. ‘Ngất ngây trong Thánh Thần’ thường không đi đôi với một đổi thay cách sống bề lâu bề dài mà người ta chứng nhận được sau đó, chẳng hạn kéo dài được đến sáu tháng.”49

Một lần nữa ta thấy hai bên là những thực tại khác nhau.

CÁC NHÀ THẦN BÍ CÓ TÊN TUỔI

Những nhà thần bí có tên tuổi, đặc biệt là những vị được Giáo hội tôn vinh làm tiến sĩ Giáo hội, thánh Têrêxa Avila và thánh Gioan Thánh giá nhiều lần đã nói đến những kinh nghiệm thần bí dưới những biểu lộ xảy ra nơi thân xác. Mặc dầu họ có phong cách khác nhau, nhưng họ có chung một thái độ hết sức dè dặt trước những lời phóng đại của các đồ đệ của họ về các hiện tượng bên ngoài ấy.

a. Thánh Têrêxa Avila

Trong cuốn sách nói đến các Nền Tảng xây dựng nhà dòng, thánh Têrêxa viết về những rối loạn xảy ra nơi thân xác trong lúc cầu nguyện như sau:

“Ta thử hỏi xem tình trạng đó có gì khác với sự hứng khởi tâm hồn; bên ngoài thì giống nhau, nhưng thực tế lại khác hẳn.

Sự hứng khởi tâm hồn như tôi nói xảy ra trong thời gian ngắn, nhưng lợi ích của nó thật khôn lường; nó làm cho tâm hồn ngập vào ánh sáng bên trong, trí khôn ta không can thiệp vào, nhưng chính Chúa tác động trên ý muốn của ta.

Và ở  trường hợp kia thì khác hẳn; thân thể ta như bị co cứng lại, nhưng ý muốn, trí khôn, trí nhớ thì bình thường; những khả năng nầy của ta tác động bấn loạn; nếu bất chợt có ý kiến nào đó làm cho chúng bận tâm, thì chúng cứ vương vấn bám trụ vào nó không tài nào rứt ra được.

Tôi nghĩ rằng tâm hồn không hưởng được ơn ích gì trong những rối loạn như thế nơi thân xác… Nên tôi khuyên các chị tu viện trưởng nên cấm những trạng thái hôn mê kéo dài nầy – theo tôi đúng là hôn mê chứ không có gì khác lạ…”50

b. Thánh Gioan Thánh giá

Trong cuốn Đi lên núi Carmen, thánh Gioan Thánh giá đặt vấn đề về giá trị của một số những hiện tượng ảnh hưởng nơi các ‘giác quan thân xác chúng ta’, như ‘thấy các hình thù hay những người bên kia thế giới’, nghe ‘những lời lạ lùng’, ngửi được ‘những hương thơm ngào ngạt’, nếm được ‘mùi vị ngọt ngào’ và những cảm giác thuộc thân xác như thế.

Và ngài nói gì về những hiện tượng ấy?

“Mặc dầu những hiện tượng thuộc thân xác ấy có thể đến từ Thiên Chúa, nhưng đừng bao giờ xác quyết và chấp nhận chúng, phải hoàn toàn xa lánh, không cần biết chúng tốt hay xấu.Chúng càng lộ ra bên ngoài, càng gắn liền với thân xác thì ta càng phải nghi ngờ về việc chúng có thể đến từ Chúa hay không. Con đường cá biệt và bình thường của Chúa là hiệp thông với chúng ta nơi tâm trí, nơi ấy có phần bảo đảm và mang lại lợi ích cho tâm hồn hơn, còn các giác quan thì thường gặp phải nhiều nguy hiểm và lầm lẫn, bởi lẽ nơi những hiện tượng khả giác, cảm năng thuộc thân xác tự xem mình là tiêu chuẩn phán đoán và đánh giá các thực tại thiêng liêng, cho rằng những thực tại nầy tương ứng với điều nó cảm được nơi thân xác… Cảm quan thân xác mù quáng trước những thực tại thiêng liêng. Cảm quan nầy lầm lẫn lớn khi tự mình phán quyết và tự mình đưa mình vào u mê, ít nhất nó sẽ ngăn cản hoàn toàn con đường thăng tiến tâm hồn hướng đến cảnh vực thiêng liêng.”51

Một nhận xét khác của thánh Gioan Thánh Giá có thể giúp chúng ta tiếp cận trường hợp chúng ta đang đề cập:

“Nếu một kinh nghiệm như thế do Chúa mà xảy đến, thì nó tác dụng nơi tâm trí ngay giây phút nó xuất hiện hoặc được ta cảm nhận, tâm hồn ta sẽ không có thì giờ hoặc phương cách để biết là mình  chấp thuận hay bỏ đi. Vì ngay cả việc Chúa ban cho những ân sủng siêu nhiên mà không cần đến nỗ lực và khả năng của tâm hồn, thì Chúa cũng tạo được những hiệu quả mà Ngài muốn qua các ơn huệ nầy; …như lửa mà ta dí vào thân xác của một người; người ấy có mong bị lửa đốt hay không mong, thì lửa cũng đốt cháy như thường.”

c. Linh mục Grandmaison

Vị linh mục dòng Tên nầy từng viết những dòng chữ sau đây để nhắc nhở chúng ta phải thận trọng; nếu đây không phải là đèn đỏ thì cũng là nhấp nháy đèn vàng xin chúng ta lưu ý:

“Sự ngất ngây (ở đây tôi giới hạn thành ngữ nầy để nói đến những hiện tượng mất trí, mất cảm giác tạm thời, bị cứng lại và co giật, gập người lại, cảm thấy lâng lâng như không còn bị chi phối bởi hấp lực trái đất, có những lời nói và cử chỉ không còn kiểm soát được) không phải là một vinh dự hay một quyền năng gì; nó là dấu chứng mà các nhà thần bí gặp phải vì sự dòn mỏng của con người. Vì thế mà người ta có thể bắt chước hoặc đúng hơn là tạo ra bằng nhiều cách. Có những rối loạn tự nhiên do sự yếu nhược hoặc do sự tập trung tâm trí ở mức cao độ, do cố gắng quá mức muốn kết hợp với Chúa. Có những ngây ngất có tính cách quỉ ma, giả tạo, bịnh hoạn, gian dối, điên loạn, hoặc do tác động của một số độc chất như nữ-lang-hoa.”52

Nay chúng ta sẽ nghiên cứu sâu xa hơn. Phần đầu chúng ta vừa lướt qua, không phải nhằm bỏ qua vấn đề phê bình các hiện tượng liên hệ, nhưng chỉ muốn tách việc qui  chiếu những hiện tượng nầy với các thực tại siêu nhiên trong Thánh Kinh hoặc các nhà thần bí, hầu tránh tiền kiến về giá trị thiêng liêng của chúng. Nay, tôi muốn sâu sát ngay hiện tượng nầy trong thực tại cá biệt của nó.

3.  Ý nghĩa còn hồ đồ của những biểu lộ nơi thân xác nói chung

Hiện tượng ngất xỉu (falling phenomenon) là một sự kiện ta nhận thấy được; giải thích sự kiện lại đòi hỏi phải phân tích một cách có tính cách kiểm thảo. Đây có phải là một hiện tượng thuộc trật tự tự nhiên, hoặc đây là một sự can thiệp đặc biệt, một đặc sủng của Chúa Thánh Thần?  Như chúng ta đã nói, đó chính là vấn đề nền tảng đặt ra.

Câu trả lời rất tế nhị vì không ai có thể thiết định một cách tiên thiên và dứt khoát đường lối tác động của Chúa Thánh Thần, hoặc phân ranh những giới hạn cho công việc của Ngài.

Ngoài ta, ta làm sao vạch ra được giới tuyến giữa những biểu lộ tự nhiên nơi thân xác, ngay cả những hình thức bệnh lý, và những biểu lộ tương tự, nhưng có nguồn gốc siêu nhiên?

Tuy nhiên nếu chúng ta không thể thiết định một cách tích cực và tiên thiên các đinh luật và đường lối tác động liên quan đến việc làm của Thánh Thần, thì về mặt tiêu cực chúng ta lại có thể loại ra những lối hành động không mang dấu ấn siêu nhiên. Do đó còn có thể nói đến những tiêu chuẩn tiêu cực cho phép chúng ta có những suy xét sơ khởi.

Về giới tuyến ấy, tôi xin nhường lời cho một bậc thầy về vấn đề: giáo sư Jean Lhermitte viết rằng:

“Nhiều tác giả nghiên cứu về thần bí đã cố gắng khám phá những tiêu chuẩn giúp ta có thể phân biệt những âm thanh, lời nói, những hình ảnh, những trạng thái xuất thần và ngất ngây có tính chất thần bí, ngoại nhiên, với những hiện tượng mà chúng ta thấy như thế nhưng không có gì là thần bí. Thật ra, những nét riêng của hai trạng thái khác nhau do nguồn gốc của chúng, một bên là siêu nhiên, một bên hoàn toàn tự nhiên, sẽ mất đi ranh giới khi ta đem chúng ra phân tích.

Sự xuất thần của một bệnh nhân nào đó được biết đến không có gì khác trong cách phát lột ra bên ngoài so với một sự xuất thần xảy ra nơi một nhà thần bí. Và các thị kiến, các âm thanh nghe được, những cảm giác nầy khác, cảm nghiệm sự hiện diện … cũng đều như nhau.

Những nhà thần bí được biết đến như thánh Têrêxa Chúa Giêsu (Avila) và thánh Gioan Thánh giá đã từng cảnh giác chúng ta về những những thị kiến bên ngoài và những âm thanh nầy khác, vì họ biết rằng những hiện tượng nầy thường ở ngoài sinh hoạt tu đức và hứng khởi thần bí.

Và đối với những trực giác, những suy tư cảm nhận về một tình cảm gần gũi hoặc thông hiểu về thế giới thần thánh cũng như thế. Hẳn nhiên, như chúng ta nhiều lần đã nói đến, trong một vài trường hợp, những hiện tượng nầy có thể có một nguồn gốc siêu nhiên, nhưng cơ cấu vận hành liên quan đến chúng thì chỉ là tâm-sinh lý. Nhiều bịnh nhân của chúng tôi nói rõ là họ cảm nghiệm một cái gì đó mà họ không tin mình là tác giả. Như thánh Têrêxa Chúa Giêsu và thánh Gioan Thánh giá làm chứng, có ‘những người tự nói với chính mình’ nhưng không ý thức được việc nầy. Những lời họ nghe chỉ là phản ảnh của tư duy bên trong của họ.

Cảm nghiệm về sự hiện diện, vốn rất quen thuộc với kinh nghiệm thần bí thật sự, cũng ở trong tình trạng y như thế. Vâng, dường như Chúa hiện diện trước mắt, gần gũi người ấy, người ấy quả quyết như vậy. Nhưng có nhiều bệnh nhân của chúng tôi cũng cảm nghiệm tình cảm về một sự hiện diện của thánh thần, ma quỉ hoặc bóng dáng người ta tương tự, nhưng đấy chỉ là ảo giác.

Thánh Têrêxa được thiên thần cầm một ngọn giáo bằng lửa hộ tống; nhưng một trong những nữ bệnh nhân của tôi rất thông minh và không có gì điên dại cũng tin là mình có một hiệp sĩ oai phong, hình ảnh của một sĩ quan mà bà thấy khi trẻ, hộ tống mỗi khi bước ra khỏi nhà.

Một lần nữa, chúng tôi muốn nói nói rõ là nếu, về mặt tâm-sinh lý hoặc hiện tượng luận, chúng ta không thể nào suy xét được hiện tượng nào xảy ra là một thực trạng thần bí, thì chúng ta cũng không có cách gì để cho rằng nguồn gốc của những hiện tượng chúng ta đang đề cập tương ứng với một ý nghĩa như nhau. Thiên Chúa không thể là một nguồn suối phát sinh cảm hứng tự nhiên và sử dụng những hình thức tâm sinh lý mà nhà tâm lý học được mời gọi để học biết hay sao?

Kỳ thực, theo lời khuyên của các nhà thần bí tên tuổi, trước hết là thánh Têrêxa Chúa Giêsu, thì dấu chứng về nguồn gốc siêu nhiên nơi những hiện tượng nầy, đó là những ơn ích, những hoa trái chúng mang lại.

Và những thành quả của những hoang tưởng về thần bí thì chỉ là những hiện tượng linh tinh, còn điều mà các nhà thần bí chân thật cống hiến thì đó là những bông hoa của yêu thương và bác ái.”53

Nhằm soi sáng cho chúng ta về ý nghĩa những phản ứng của thân xác, trước đây, qua một sắc lệnh của Thánh Bộ Đức tin, Giáo hội đã phản ứng chống lại lối trình bày Mẹ Maria dưới chân Thánh giá đang ngã quị hoặc ngất xỉu trên tay thánh Gioan.

Giáo hội không muốn các nghệ sĩ gia giảm hoặc nói sai lời Kinh Thánh: “Maria đứng dưới chân Thánh giá”. Thái độ nầy của Mẹ Maria ở đồi Calvariô đã được thánh sử nhắc đến như thế là để nhấn mạnh sự can đảm của Mẹ, hơn ai hết, Mẹ đã kết hợp với sự hy sinh cứu độ. Chính hình ảnh ấy mang giá trị biểu tượng và trở thành gương mẫu cho chúng ta.

4. Sự tự do tối hậu và tác động âm thầm của Thánh Thần

Những nhận xét trên đây nói nhiều về khía cạnh con người và những tâm trạng chủ quan về tác động của Chúa đối với mình. Nay cần phải đề cập đến tiêu chuẩn khách quan và phổ quát gợi lên nét cá biệt nơi hành động và sự tự do tối hậu của Chúa Thánh Thần.

Hành động của Chúa Thánh Thần khai lộ qua những gặp gỡ siêu nhiên tế nhị hơn là những biễu lộ ra hình hài, thể xác, ít nhiều ngoạn mục. Hiện diện của Ngài chắc chắn được nhận ra khi có sự triển nở của đức tin, đức trông cậy và tình yêu Thiên Chúa và người bên cạnh. Những biểu lộ chỉ dừng lại ở cấp độ thân xác bên ngoài không thể được nêu lên như là tiêu chuẩn nền tảng.

Chúng ta cũng biết rằng Chúa Thánh Thần không hề tùy thuộc vào một dự đoán nào từ phía con người: Ngài không chấp nhận để người ta định chỗ hẹn. Ngài không bị trói buộc bởi khuôn thước của chúng ta.

Chúa Thánh Thần không tác động nơi chốn ồn ào, hoặc theo lối dây chuyền: Ngài không chịu tuân theo những sắp xếp hằng loạt, những buổi hội họp tiền chế của chúng ta. Ngài vốn bất ngờ, không do bàn tay ai uốn nắn.

Ta không thể tự ban cho mình ơn thần bí và cũng không làm ra được ơn ấy. Một ơn thần bí không thể lặp đi lặp lại và do con người khơi dậy theo ý mình. Chúa Thánh Thần không chịu để ta sắp xếp theo sổ tay của mình để đến điểm hẹn và không một quyền năng nào của con người có thể khơi dậy tác động của Ngài. Ngài ở ngoài dự liệu do ta sắp xếp và không tác động tùy thuộc vào một bầu khí có đoàn lũ tập trung chờ đợi.

Để cảm nghiệm được tác động kín đáo bên trong của Thánh Thần như một bảo chứng về sự hiện diện của Ngài, nên đọc lại trang Kinh Thánh qua lối nói thi ca đầy gợi ý của Sách các Vua:

“Và đây, Giavê đã đi qua.

Có một ngọn gió lốc, gió thổi mạnh cho đến nỗi chẻ núi và làm nát các khối đá, đi trước Giavê, nhưng Giavê không ở trong cơn lốc.

Và sau cơn lốc, có một trận động đất, nhưng Giavê không ở trong trận động đất.

Và có lửa sau trận động đất, nhưng Giavê không ở trong lửa.

Và có một tiếng gió nhẹ sau ngọn lửa.

Khi nghe tiếng gió Elia lấy áo khoác che mặt lại, bước ra và đứng ở cửa hang…” (Sách các Vua 19, 11-13)

Trang sách tuyệt vời của Thánh Kinh nhắc nhở chúng ta đừng đóng khung hành động của Thiên Chúa trong những khuôn khổ con người chúng ta và nên nhận ra hành động của Ngài nơi sự tế vi của việc Ngài xuất hiện.

Tất cả những gì chúng ta vừa nói về hành vi bất ngờ và tự do một cách tối thượng của Chúa Thánh Thần đều nhằm loại bỏ ý nghĩ về một cuộc hội họp tiên liệu cho hiện tượng chúng ta đang đề cập. Ta có thể nói tiên thiên rằng: ‘Ngón tay của Chúa không ở nơi ấy’. Nó không thích ứng với những gì có chen chân yếu tố tâm lý, kích động nầy khác… Phải tôn trọng tự do của Thiên Chúa; và phải tránh những gì liên quan đến việc tạo ra hiện tượng nầy trong nhóm bằng cách nầy hay cách khác, nhất là trong những cuộc tập trung đông người. Người dự càng đông thì nguy cơ lạm dụng tâm lý tập thể càng lớn…

Điều quan trọng, theo tôi nghĩ, là phải loại trừ mọi hiện tượng thuộc loại nầy trong các cuộc cử hành phụng vụ. Người ta đã chứng kiến tại Lộ Đức có nhiều linh mục mặc lễ phục nằm té san sát bên nhau trong một cuộc hành lễ tại một nhà nguyện. Chính một trong các linh mục ấy đã kể lại cho tôi nghe về bối cảnh và diễn tiến cuộc hành lễ như thế. Tuyệt đối, cần phải tránh những việc làm nầy.

 

GHI CHÚ

49 Thư riêng ngày 20 tháng 10 năm 1982.

50 Les Etudes Carmélitaines, tr. 38, Ed. Desclée de Brouwer, Paris.

51 Montée du Carmel. Cuốn II, chương 11.

52 Henri BREMON trích  trong  Histoire littéraire du sentiment religieux en France, cuốn II ‘L’invasion mystique’, tr. 591, Paris.

53 ‘Những hiện tượng thần bí dưới ánh sáng của khoa học hiện đại’, tr. 148-149, xuất bản trong toàn tập Tâm lý học hiện đại và kitô giáo, gồm những bài viết đăng trong Revue Nouvelle, quyển  XIX, số 2, 1953.

Tác giả Gs. Nguyễn Đăng Trúc (Nguyên tác: HY L. J. Suenens)

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!