1. Tôi
rất đau khổ, cả phần xác lẫn phần hồn. Đau khổ nào cũng khủng khiếp, gây nên cô
đơn sâu thẳm.
2. Trong
mọi đau khổ, tôi không ngừng cầu xin Chúa thương đỡ nâng tôi. “Xin thương đỡ
nâng con suốt cuộc đời”. Bài hát đó của Dao Kim thường âm ỷ trong tôi.
3. Rất
thực là Chúa đã nâng đỡ tôi suốt cuộc đời dài. Tôi cảm được rất rõ Chúa xót
thương tôi. Tôi gọi sự Chúa nâng đỡ tôi suốt cuộc đời là dòng chảy ơn cảm thương
Chúa dành cho tôi, để cứu độ tôi.
4. Cảm
thương và thương cảm, đó là những đợt sóng, lúc lớn lúc nhỏ, lúc nổi lúc
chìm, luôn hoạt động trong tôi.
5. Tôi
nhận được sự cảm thương nơi nhiều người Chúa dùng để cứu tôi. Cảm thương
của họ rất là trong sáng. Tôi cảm được tình thương của họ một cách dễ dàng, tư
riêng và cao quí.
6. Tôi
nhận được sự cảm thương từ nhiều giống vật. Như mấy con chó của tôi luôn
gắn bó, trung thành. Như đàn chim sẻ hằng ngày bay đến gần tôi, để xin ăn nuôi
mình và nuôi nhau. Cảnh con mẹ mớm mồi cho con nhỏ rất nhiều lần đã mở lòng tôi
ra, để đón nhận ơn thương cảm của Chúa.
7. Tôi
cũng nhận được sự cảm thương từ nhiều cây cối trước mặt tôi. Có những cành
những lá những hoa tự rụng xuống, như để nhường sức sống cho những cành, những
lá, những hoa mới mọc, còn non. Chúng như cảm thương nhau, một cách tự nhiên,
lặng lẽ.
8. Một
cách đặc biệt, tôi nhận được sự cảm thương nơi vô số người gần xa. Họ
đối xử với nhau bằng cảm thương sâu sắc chân thành.
Biết bao người đã dám chết đi cho người
khác, coi đó là hạnh phúc đời mình.
Biết bao người đã coi sự mình biết cảm thương những
người đau khổ chính là ơn gọi cao quí Chúa dành cho mình. Nếu được tự hào, thì
họ tự hào về ơn đó.
9. Riêng
tôi, càng về già, thì càng nghĩ tới sự chết. Mà nghĩ tới sự chết thì tự nhiên
nghĩ tới sự Chúa phán xét, để được thưởng hay bị phạt.
Phán xét của Chúa sẽ theo tiêu chuẩn nào? Thưa: Theo sự
người ta có cảm thương người đau khổ hay không. Chúa Giêsu đã nói rõ ràng
và chắc chắn về tiêu chuẩn cảm thương người đau khổ trong Phúc âm thánh
Mátthêu:
“Khi Con Người đến trong vinh quang của Người,
có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự trên ngai vinh hiển của
Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập họp trước mặt Người. Người sẽ tách biệt họ
với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải
Người, còn dê thì bên trái.
Bấy giờ Đức vua sẽ phán cùng những kẻ ở bên
phải rằng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn
cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn;
Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp đón; Ta trần
truồng các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các
ngươi đã đến thăm”.
Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng:
Lạy Chúa, có bao giờ chúng con thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống. Có bao
giờ Chúa là khách lạ mà tiếp rước, hoặc trần truồng mà cho mặc. Có bao giờ chúng
con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến thăm đâu.
Để đáp lại, Đức vua sẽ bảo họ
rằng Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những
anh em nhỏ nhất của Ta đây, là các con đã làm cho chính Ta vậy” (Mt
25, 31-40).
10. Với
những lời Chúa phán trên đây, Chúa dạy chúng ta điều quan trọng này: Ai cảm
thương những người đau khổ, thì được Chúa kể như là cảm thương chính Chúa. Chúa
ở trong những người đau khổ. Do đó, mà kẻ cảm thương sẽ được Chúa thưởng phúc
thiên đàng.
11. Rồi,
Chúa phán tiếp: “Ai không cảm thương những kẻ khổ đau, thì bị Chúa kể như
không cảm thương chính Chúa. Do đó, họ sẽ bị Chúa phạt phải xuống hỏa ngục” (Mt
25, 41-46).
12. Chúng
ta có quan tâm đủ đến luật cảm thương, mà Chúa đã dạy không? Chúng ta sẽ thi
hành luật đó tại Việt Nam hôm nay thế nào? Thiết tưởng chúng ta cần cầu
nguyện và tỉnh thức.
13. Nếu
chúng ta thực sự cầu nguyện và tỉnh thức, chúng ta sẽ được Chúa cho thấy: Cảm
thương là con đường cứu đạo, cứu đời, cứu chính bản thân mỗi người.
14. Đơn
sơ thế thôi, nhưng cảm thương như Chúa dạy đâu là chuyện dễ. Chính vì vậy, mà
rất cần tìm đỡ nâng ở Chúa. “Xin thương đỡ nâng con suốt cuộc đời”. Và
thực sự Chúa đã đỡ nâng tôi từng giờ, từng phút, từng giây.
15. Chúa
nâng đỡ tôi một cách đặc biệt, đôi khi chỉ bằng một lời Chúa hứa:
“Phúc thay ai xót thương người,
Vì họ sẽ được Thiên Chúa xót
thương” (Mt 5,
7).
Xót thương, cảm thương,
đó là tiếng Chúa gọi chúng ta. Chúa đợi chúng ta trên con đường đó.
Long Xuyên, ngày 14.1.2019
+ Gm. Gioan B BÙI TUẦN