Không có gì ngại ngùng hơn khi phải viết về “sứ vụ hay dịch vụ” theo yêu cầu của anh em ở Việt nam. Một mặt dễ bị mang tiếng là lý thuyết và xa rời thực tế. Mặt khác không biết cái nhìn của mình có được chấp nhận và có ích cho ai không ? Tuy thế, vì thấy mình vẫn còn là “khúc ruột ngàn dặm,” nên cũng bạo dạn đóng góp một chút cho công cuộc xây dựng quê hương hôm nay.
Sứ vụ hay dịch vụ là một vấn đề rất lớn và rất thực tế cho GHVN. Không giải quyết và xác định rõ vấn đề, chúng ta sẽ lãng phí nhân lực, tài lực và thời giờ. Kết quả sẽ không đạt được mục tiêu như Chúa muốn. Giờ đây, xin bạn hãy dừng tay để nhìn lại công việc mình đang làm để suy nghĩ một chút và đặt câu hỏi : việc tôi đang làm tại đây là dịch vụ hay sứ vụ ?
QUAN SÁT HIỆN TRƯỜNG
Trên mọi nẻo đường đất nước hôm nay, biết bao tổ chức Công giáo đang nỗ lực phục vụ đồng bào. Không ai có thể mô tả hết mọi hình thức phục vụ. Từ những viện mồ côi, bệnh viện, những trại cùi, bệnh nhân Aids, đến các cơ sở giáo dục, các trường mầm non, các lớp giáo lý v.v. Càng nói tới, càng cảm phục những anh chị em đang âm thầm hy sinh cho tương lai dân tộc và Giáo Hội.
Nhưng xin hỏi những hy sinh đó đang đi về đâu ? Nếu kết quả, tại sao ÐHY Phạm Minh Mẫn lại viết : “Trong tinh thần hợp tác, 16 dòng tu theo lời tôi kêu gọi gửi gần 100 thành viên tình nguyện đi phục vụ bệnh nhân SIDA tại Trung Tâm Trọng điểm mấy năm nay. Các vị lãnh đạo TP cho tôi biết lúc đầu chỉ có lối 20% trong số hơn 30.000 bạn trẻ cai nghiện trong lối 20 Trung Tâm là nhiễm HIV, sau những năm cai nghiện thì tỷ lệ nhiễm HIV là trên 60%, có vị nói là trên 80%.”[1] Sau đó, ÐHY đặt ngay vấn đề : “Hợp tác với cách quản lý giáo dục và y tế xem là bệnh hoạn như thế thì được gì, mất gì? Sự hợp tác đó có góp phần lành mạnh hoá nền giáo dục và y tế? Hay tạo điều kiện cho cơn bệnh thêm trầm trọng ?”[2] Có lẽ vấn đề không phải chỉ liên quan tới quản lý giáo dục và y tế mà thôi. Vấn đề sâu xa hơn nhiều. Vấn đề sẽ được giải quyết bằng cách nào ? Vấn đề đặt ra không phải là nên tiếp tục hay chấm dứt những công cuộc phục vụ hôm nay. Có lẽ ÐHY muốn nhắm sứ mệnh của người phục vụ hôm nay.
Khắp nơi đều thấy những Kitô hữu đang phục vụ hăng say trong các cơ sở bác ái xã hội. Ai có thể đếm nổi những cơ quan, tổ chức bác ái Công giáo khắp đất nước từ xưa tới nay ? Nhưng nếu chỉ làm việc bác ái, có lẽ chúng ta mới chạm tới ngọn, chứ chưa đụng tới gốc. Dĩ nhiên, không thể bỏ qua và coi thường công việc bác ái. Nhưng không thể dừng lại ở đó. Bác ái có ngần vì phương tiện có hạn. Vả lại, có lẽ công cuộc bác ái hiện tại hầu như chỉ mang nghĩa bố thí và chỉ nhắm nâng thể xác trỗi dậy mà thôi. Ví dụ, hầu hết các khoản tiền quyên góp chỉ nhằm xây dựng cơ sở, cứu đói, chữa bệnh v.v. Chẳng lẽ con người chỉ là thể xác ?! Muốn giải quyết vấn đề, cần phải làm cho cả tinh thần và toàn thể con người trỗi dậy.
Có đến các nơi tập trung các bệnh xã hội, mới thấy khâm phục sự hy sinh vô bờ bến của các người đang phục vụ tại đó. Nhưng cùng phục vụ tại một nơi và cùng một việc, có thể không ai giống ai. Sự khác biệt đó hệ tại ý thức và nỗ lực sống sứ mệnh nơi người phục vụ. Các bệnh nhân hay nạn nhân xứng đáng cho Giáo Hội dấn thân phục vụ. Nhưng hy sinh như thế, các Kitô hữu được lợi gì ? Nếu đó chỉ là dịch vụ, chứ không phải là sứ vụ, cái gì còn hay mất cho Giáo Hội hôm nay và ngày mai ? Nhiều cơ sở bác ái xã hội hiện nay chỉ lo cung cấp dịch vụ, bất kể đó có phải là sứ vụ cao cả.
Ngoài công cuộc bác ái, GHVN mới bắt đầu được phép bước vào lãnh vực giáo dục, mặc dù rất hạn chế. Giáo dục là vấn đề rất lớn. Giáo dục đòi hỏi nhiều thời gian, cơ sở và nhân lực. Một mình nhà nước không thể giải quyết ! Kinh nghiệm mấy chục năm qua không giúp họ thấy giới hạn của mình và cần tôn giáo tiếp tay hay sao ? Tôn giáo không những có thể cung cấp nhân lực, cơ sở, nhưng nhất là phương hướng và mẫu gương cần thiết cho công cuộc cải tổ giáo dục. Chẳng lẽ chỉ vì an ninh cho chế độ mà coi thường sự sống và tương lai của cả dân tộc hay sao ?
Ðã có những báo động đỏ trong lãnh vực giáo dục. Ngày 08.08.2007, ông Michael Marine, Cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, cho biết : “Theo báo cáo vào năm 2006 của ngân hàng thế giới thì Việt Nam đang bị tụt hậu sau các quốc gia khác trong khu vực, chỉ có 2% dân số được học tập trong thời gian 13 năm hoặc nhiều hơn. Việt Nam xếp hạng chót trong khu vực Châu Á nếu xét theo tỷ lệ trong độ tuổi từ 20 đến 24, với 10% học lên tới đại học. Tỷ lệ này ở Trung Quốc là 15%, Thái Lan 41% và Hàn Quốc là 89%. Cũng trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, tin tức từ Việt Nam hôm nay cho biết, có đến nửa triệu thí sinh Việt Nam trượt kỳ thi đại học và phải tìm kiếm cơ hội ở các bậc học vấn khác. Tổng số thí sinh trên điểm sàn khoảng 400 ngàn em, trong tổng số thí sinh dự kỳ thi tuyển năm nay là hơn 941 ngàn em.”[3]
Theo ông Cựu Ðại Sứ, cần thắp lửa cho nền giáo dục Việt Nam ! Giáo dục là khai sáng. Tại sao lại phải cần soi sáng cho giáo dục ? Trong bóng ma duy vật, giáo dục Việt nam đang bị nhận chìm trong mê lộ tăm tối. Không lối thoát. Không phương hướng. Tương lai nào dành cho một nền giáo dục như vậy ? Mặc dù bị hạn chế và cấm đoán, liệu GHVN có thể đứng ngoài thảm cảnh dân tộc không ? GHVN có trách nhiệm gì không trước tệ nạn giáo dục Việt nam hôm nay ? Liệu GHVN có thể thắp nổi ngọn lửa Tin Mừng cho quê hương không ?
Giáo dục là kế hoạch dài hạn. Kế hoạch dài hạn này không thể thực hiện, nếu vấn đề cơm áo trước mắt không được giải quyết. Giáo dục cũng không thể đạt hiệu quả, nếu quên đi những bất công hiện tại. Do đó, chỉ khi nào có công bình trong xã hội, giáo dục mới có đủ điều kiện thực hiện giấc mơ. Giáo dục phải được đặt trong bối cảnh xã hội toàn diện.
Vấn đề cũng không thể chỉ được giải quyết qua đường lối giáo dục mà thôi. Bao nhiêu chương trình và kế hoạch giáo dục đều vô nghĩa và vô hiệu đối với những người sống trong gia đình không đủ ăn. Nghèo đói quá, làm sao có thể cho con đến trường học để hưởng nền giáo dục tối thiểu ? Ngoại trừ một số ốc đảo trù phú, cảnh nghèo đói đang tràn ngập quê hương. Nguyên nhân tại đâu ? Ai cũng biết ! Nhưng mấy ai dám giải quyết vấn đề ?!
Những vấn đề nổi cộm trong xã hội, nhất là ngành giáo dục, đã đẩy đến những vấn đề lớn hơn về công bình xã hội. Một xã hội còn quá nhiều bất công, không thể tạo nổi một bầu khí an bình cần thiết cho mọi phát triển thực sự.
DỊCH VỤ HAY SỨ VỤ
Tuy không được trọng dụng và ưu đãi, Giáo Hội Việt Nam vẫn có thể khắc phục hoàn cảnh để mở lối thoát cho dân tộc. Lối thoát đó không lệ thuộc vào bất cứ ai hay tổ chức nào, nhưng nằm ngay trong tầm nhìn và đường hướng phục vụ của GHVN hôm nay.
Công cuộc phục vụ GHVN đang thực hiện là một sứ vụ hay chỉ là dịch vụ ? Nếu không phân biệt hay bất chấp sự khác biệt giữa dịch vụ và sứ vụ, chúng ta dễ dàng đánh mất bản chất sứ mệnh tông đồ. Nhìn bên ngoài, chẳng có gì khác biệt giữa dịch vụ và sứ vụ. Bất cứ công việc nào nhằm phục vụ đều được gọi là dịch vụ. Sứ vụ nào cũng là dịch vụ. Nhưng không phải bất cứ dịch vụ nào cũng là sứ vụ. Ở đây, hiểu theo nghĩa hẹp, dịch vụ là công việc nhằm kiếm kế sinh nhai, cụ thể là tiền bạc. Tuy cùng nhắm đến những gì thực tế và cụ thể như dịch vụ, nhưng sứ vụ có tính cánh chung hơn. Nói khác, dù làm gì, Kitô hữu bao giờ cũng nuôi niềm hy vọng và hướng về ngày Chúa quang lâm. Niềm hy vọng này sẽ mang đến cho sứ vụ một ý nghĩa và giá trị lớn lao.
Có thể không còn thi hành được dịch vụ, nhưng sứ vụ vẫn còn. Không còn sản xuất và đem lại lợi nhuận, nhưng giá trị sứ vụ có thể vẫn nguyên vẹn, chỉ vì sự hiện diện sâu xa trong Ðức Kitô, Ðấng đã tuyển chọn và sai mình đến. Sứ vụ cũng là công việc phục vụ, nhưng được thực hiện do một ơn gọi. Muốn thi hành sứ vụ trọn vẹn, cần phải được sai đi. Cuối cùng phải được Chúa gọi và sai đi, người môn đệ mới có thể mặc cho công việc của mình một ý nghĩa sứ vụ.
Chỉ khi ý thức mình đang thi hành sứ vụ, Kitô hữu mới lưu ý tới con người toàn vẹn và cương quyết giải thoát con người khỏi bất công. Trong bí tích thanh tẩy, họ đã trở nên chi thể của Ðức Kitô, Ðấng được Chúa Cha sai đến cứu độ toàn thể nhân loại. Bởi đấy, chỉ có những ai mang nặng sứ vụ trên vai mới sẵn sàng hy sinh thân mình để dành lại công lý. Còn những người chuyên hoạt động dịch vụ, họ chỉ mong đáp ứng nhu cầu tức thời của con người. Họ mong tự hoàn thiện nhờ dịch vụ, chứ không lưu tâm nâng cao phẩm giá con người. Có thể hy sinh tha nhân để đạt mục tiêu đó, chứ không bao giờ hy sinh bản thân cho công cuộc giải phóng con người.
Chúa Giêsu đã hy sinh chính bản thân để giải thoát nhân loại khỏi những bất công và tội lỗi. Bởi đó, tự bản chất bất kỳ công việc nào của Người cũng đều là sứ vụ, chứ không phải là dịch vụ. Người khẳng định Chúa Cha đã sai Người (Ga 5:36) Hơn nữa, công việc Người làm mang một chiều kích lớn lao vì họa lại hoàn toàn tất cả những gì Người đã thấy nơi Chúa Cha (Ga 5:19). Người đến trần gian để phục vụ. Công cuộc phục vụ bắt đầu với việc chữa đủ mọi thứ bệnh hoạn tật nguyền. Phục vụ như thế, nhưng Chúa không bao giờ hạ giá công việc của mình xuống hàng dịch vụ. Người luôn ý thức rất rõ Người làm theo thánh ý Chúa Cha.
Từ hành động tới lời nói Chúa đều khoác cho một chiều kích siêu việt. Chúa quả quyết : “Tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy.” (Ga 8:28) Chúa Giêsu cho thấy một chiều sâu đầy sức mạnh lạ lùng nơi sứ vụ của Người. Sứ vụ chúng ta còn thiếu sức mạnh đó vì không bắt nguồn từ Thiên Chúa chăng ? Nếu quên mình như Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ cảm nghiệm được tất cả sức mạnh giải thoát nơi những công việc đang làm hôm nay.
Tình yêu Thiên Chúa là động lực và sức sống cho mọi sứ vụ. Nếu Chúa Giêsu cũng tìm con đường dễ dãi chiều theo cái tôi của mình, làm sao được Chúa Cha yêu mến đến như thế ? Càng hy sinh Người càng đi sâu vào tình yêu Chúa Cha, đến nỗi “Thày ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thày.” (Ga 14:11) Ðạt tới cao điểm tình yêu tuyệt vời này, Chúa Giêsu nắm chắc thành công trong mọi sứ vụ. Ðó là lý do tại sao “sứ mệnh chữa lành của Chúa vượt trên cả việc quan tâm về nỗi đau đớn thể xác. Chúa đụng tới tầng sâu thẳm nhất của nhân sinh; Chúa tìm cách chữa lành thể xác, tinh thần và tâm linh (Ga 6:35; 11:25-27).”[4] Chúa có sứ mệnh giải thoát con người toàn diện. Ví dụ, sau khi cứu người phụ nữ ngoại tình khỏi hình phạt ném đá, Chúa không quên căn dặn : “Từ nay đừng phạm tội nữa !” (Ga 8:11) Người không muốn dừng lại ở một giới hạn nào, dù nhiều người tưởng Chúa đến chỉ để “cứu các linh hồn.” Chúa xuống trần gian để “cho họ được sống và sống dồi dào” (Ga 10:10) về mọi phương diện. Lý do vì Người có thể truyền thông sự sống Chúa Cha cho những ai tiếp nối sứ mệnh của Người (x. Ga 6:57).
Nếu nỗ lực xả kỷ hy sinh, Kitô hữu sẽ chiếm được con tim Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã thổ lộ bí quyết đó : “Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại.” (Ga 10:17) Như thế, Chúa cũng không thoát khỏi nguyên tắc đó. Tình yêu Thiên Chúa là tất cả sức mạnh của chúng ta. Khi được Thiên Chúa yêu thương, không có gì chúng ta không làm được.
Tiếp nối công cuộc của Chúa, Kitô hữu “được kêu gọi tham dự tích cực vào đời sống và sứ mệnh Giáo Hội, nhờ bí tích Thanh Tẩy.”[5] Họ cần nỗ lực thực hiện công cuộc giải thoát toàn diện như Ðức Kitô. Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới năm 1971 đã từng quả quyết: "Sứ mạng rao giảng Phúc âm ngày nay buộc phải dấn thân hết sức mình cho công cuộc giải phóng toàn diện con người".[6] Nếu chỉ chú tâm về một phương diện, sợ rằng công cuộc phục vụ sẽ bị thiên lệch và khiếm khuyết. Ðó là nguyên nhân của bao nhiêu thất bại trong những dịch vụ mà cứ tưởng là sứ vụ.
Nhìn vào các nhà dưỡng lão, viện mồ côi, bệnh viện v.v. chúng ta thấy gì ? Có phải tất cả mọi sinh hoạt đều nhằm phục vụ như Ðức Giêsu và đem lại vinh quang Thiên Chúa ? Phải chăng đều xây dựng nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống ? Nếu đúng thế, ngoài việc phục vụ để mưu ích cho mọi người, người ta còn cố gắng cho mọi người thấy ý nghĩa cuộc đời theo thánh ý Thiên Chúa.
Theo đường hướng đó, người phục vụ không bao giờ nản chí sờn lòng, vì biết rằng “mầu nhiệm Ðức Kitô chiếu sáng vào mọi phương diện của Giáo Hội Công giáo trong việc chăm sóc sức khỏe : tình yêu Kitô là nguyên tắc sống cho việc chăm sóc sức khỏe ; việc chữa lành và cảm thông là tiếp nối sứ mệnh Ðức Kitô ; đau khổ là tham phần vào sức mạnh cứu độ trong cuộc thương khó, cái chết và phục sinh của Ðức Kitô ; và sau khi được biến cải trong Chúa phục sinh, cái chết trở thành cơ hội đưa ta vào cuộc hiệp thông cuối cùng với Ðức Kitô.”[7]
Trong mọi lãnh vực y tế hay phục vụ bệnh nhân, nếu thực sự đồng hành với Ðức Kitô, người Kitô hữu sẽ tìm được sức mạnh chịu đựng và có sức cải biến xã hội và con người. Nếu không, mọi sự đều trở thành vô nghĩa và vô hiệu.
ÐƯỜNG HƯỚNG PHỤC VỤ
Muốn khỏi lãng phí nhân lực và thời gian, cần phải vạch rõ mục tiêu và đường hướng phục vụ. Cần bám sát Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội, mới thấy rõ con đường và đạt hiệu quả dồi dào. Giờ đây, nếu biết mình được Chúa kêu gọi thi hành sứ mệnh làm chứng cho Chúa trong một hoàn cảnh lịch sử đầy tăm tối và khó khăn, chúng ta cần cầu xin Chúa mở rộng tâm hồn lắng nghe tiếng nói Giáo Hội sau đây.
Ngày nay, khắp nơi diễn ra cảnh bất công và áp bức. Năm 1971, Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới đã nói : “Ðặc điểm của thế giới là tội lỗi đức công bình nặng nề. Chúng ta nhìn nhận mình có trách nhiệm mà không thể vượt qua bằng sức mạnh riêng. Tình thế đó thúc đẩy chúng ta phải lắng nghe lời Chúa với tâm hồn khiêm tốn và cởi mở.”[8] Nếu không, chúng ta sẽ bị những trào lưu xã hội và đam mê công việc lôi cuốn
Ðúng thế, thái độ tự mãn và khép kín đã gây biết bao tai họa cho Giáo Hội và dân tộc. Càng tự mãn và khép kín, chúng ta càng mù tịt và bất lực trước mầu nhiệm tội ác. Vì quá ngây ngô nên dễ dàng chấp nhận con đường hợp tác, đến nỗi đánh mất bản chất của mình. Ðó là lý do tại sao càng phục vụ càng dễ sập bẫy. Vô tình chúng ta trở thành công cụ phục vụ chế độ. Trái lại, nếu khôn ngoan nắm vững lập trường, dù bề ngoài có vẻ bị lợi dụng, chúng ta vẫn không đánh mất bản chất và vẫn chu toàn sứ mệnh cao cả.
Sứ mệnh Giáo Hội là làm cho xã hội hòa giải trong công lý và tình yêu. Thực tế, công việc hòa giải rất khó khăn. Chúng ta dễ nhân danh công lý để dẹp bỏ tình yêu, và ngược lại. Nhưng nên nhớ “Giáo Hội được Chúa Kitô ủy thác trách nhiệm lo cho mọi người được cứu độ.”[9] Nhưng không dễ chu toàn trách nhiệm đó giữa lúc “các sự bất công nghiêm trọng đang xây chung quanh thế giới loài người một hệ thống thống trị, đàn áp và lạm dụng để bóp nghẹt tự do và ngăn cản phần lớn nhân loại góp phần vào việc tăng trưởng và vui hưởng một thế giới công bình và đầy tình huynh đệ hơn.”[10] Không thể hợp tác hay hòa giải với những cơ chế bất công đó. Nói thế, không có nghĩa hoàn toàn khước từ về mọi phương diện. Dầu sao, cũng có những lãnh vực có thể hợp tác. Nhưng nếu biết những nỗ lực sẽ bị lạm dụng để phục vụ hay duy trì cơ chế bất công, chúng ta cần phải có một lựa chọn dứt khoát. Vì bất công và công chính không thể sống chung.
Xã hội càng bất công, khoảng cách giàu nghèo càng mở rộng. Nhân tâm càng ly tán. Bất công làm con người không thể sống liên đới trong một thế giới đầy tình huynh đệ. Xã hội càng bất công, người nghèo càng không được chia sẻ tài nguyên trái đất. Sự thống trị, áp bức và lạm dụng cá nhân hay tập thể đang được duy trì trong một hệ thống nhằm xoi mòn sự toàn vẹn của từng gia đình và chính công cuộc tạo dựng.[11]
Khi đã xác định rõ biên giới giữa thiện ác như thế, chúng ta cần dứt khoát chọn một thái độ thích hợp với Nước Thiên Chúa. Chúng ta được sai đi để phục vụ Nước Thiên Chúa mà thôi. Muốn phục vụ hữu hiệu, cần phải có một phương tiện thích hợp. Phương tiện đó chính là Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội. Thật thế, “nhờ Học Thuyết Xã Hội, Giáo Hội tỏ bày mối quan tâm tới đời sống con người trong xã hội.”[12]
Nhưng làm sao con người còn có thể làm người khi các cơ cấu xã hội vắng bóng công lý và tình thương ? Thế nên, bằng mọi cách Giáo Hội phải tìm kiếm và bảo đảm cho con người có phẩm giá và quyền làm người. Không thực hiện được sứ mệnh cao cả này, Giáo Hội không còn lý do hiện hữu giữa lòng nhân loại và dân tộc nữa.
Muốn thế, trước hết, Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội là bản công bố những nét đặc thù Giáo hội đang sở hữu: “Một cái nhìn về toàn thể con người và những việc của con người.”[13] Như thế không có nghĩa Giáo hội đứng ngoài mọi hoạt động con người và chỉ đưa ra lý thuyết hướng dẫn. Trái lại, Giáo hội đồng hành với con người và trình bày các nguyên tắc thực hành nữa. Cũng như Ðức Giêsu, từ giữa lòng đời, Giáo hội khai quật những giá trị Tin Mừng cho muôn dân được sống. Cụ thể, “Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội không những đưa ra ý nghĩa, giá trị và tiêu chuẩn phán đoán, mà còn cho thấy những quy tắc hướng dẫn hành động. Dùng Học Thuyết Xã Hội đó, Giáo hội không mưu toan kiến trúc hay tổ chức xã hội, nhưng kêu gọi, hướng dẫn và đào tạo lương tâm.”[14] Nói khác, Giáo hội không có ý hành động thay những tổ chức và cơ quan nhà nước. Giáo hội không làm chính trị, nhưng không thể bỏ mặc con người làm mồi cho mọi thứ bất công.
Công bố những nguyên tắc hành động và đào tạo lương tâm chưa đủ. Kitô hữu còn phải bắt tay vào hành động. Quả thế, “Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội buộc chúng ta phải tố cáo tội bất công và bạo lực đang len lỏi vào xã hội bằng nhiều ngả và biểu hiện trong xã hội. Nhờ Học Thuyết Xã Hội đó, chúng ta biết cách phê phán và bảo vệ những quyền không được nhìn nhận và bị vi phạm, nhất là của người nghèo khổ, cùng đinh và yếu thế. Biết bao vấn đề xã hội nảy sinh từ sự bất công trên thế giới. Khi nhân quyền bị lãng quên hay chà đạp, tình trạng lạm dụng và bất quân bình sẽ nổi lên và đưa tới biến động xã hội. Bạo lực và bất công sẽ tràn lan. Công bằng xã hội là câu trả lời đích xác cho những vấn đề lớn lao đó.”[15]
Tuy thế, Kitô hữu không phải là những người đang tìm kiếm những mục tiêu trần tục. Nếu theo sát hướng dẫn của Giáo hội, chúng ta sẽ thấy “mục đích Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội thuộc lãnh vực tôn giáo và đạo đức.”[16] Khi thi hành sứ mệnh phúc âm hóa và cứu độ nhân loại, Kitô hữu cần nhìn con người “trong sự thật toàn vẹn về sự sống, nhân vị và cộng đoàn cũng sự hiện hữu trong xã hội của họ.”[17] Hơn nữa, dù đang phục vụ trong bất cứ lãnh vực nào, họ cũng phải nhắm “giải thoát con người khỏi mọi áp bức,” và “phát triển toàn diện con người và mọi người.”[18] Học Thuyết Xã Hội sẽ cho thấy con đường phải theo để hòa giải xã hội. Nhờ hòa hợp trong công lý và tình thương, xã hội sẽ báo trước cảnh “trời mới và đất mới nơi công chính ngự trị.” (2 Pr 3:13)
Ðến đây, chúng ta thấy tại sao, sau khi kêu gọi điều nghiên về tình trạng Giáo Hội cộng tác trong những lãnh vực y tế, xã hội, ÐHY Phạm Minh Mẫn lại đưa ra chương trình học hỏi về Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội. Chỉ khi nào thấu triệt Học Thuyết đó, Kitô hữu mới có thể đẩy mạnh công cuộc phục vụ hôm nay, nhằm biến cải thực sự xã hội và giải thoát đồng bào khỏi những bất công.
Nếu chỉ nhắm mắt làm các dịch vụ như những công chức hay công nhân của Giáo Hội và nhà nước, Kitô hữu sẽ không tạo nổi một giá trị và thành quả nào cho Nước Chúa. Trái lại, nếu biết mình đang theo Ðức Kitô để hoàn thành sứ vụ Kitô giữa lòng dân tộc, chắc chắn chúng ta sẽ mau thấy ngày mai tươi sáng.
đỗ lực 22.08.2007
[1] http://www.conggiaovietnam.net/news/HYGB.GoiChaHop.htm
[2] Ibid.
[3] http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/2007/08/08/
Vietnamese_education_has_been_stretched_to_thin_and_failed/
[4] http://www.usccb.org/bishops/directives.shtml
[5] Ibid.
[6] http://www.conggiaovietnam.net/tulieugiaohoi/Hoc%20Thuyet%20Xa%20Hoi%201.htm
[7] http://www.usccb.org/bishops/directives.shtml
[8] Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới, “Công lý trên Thế Giới.”
[9] x. ÐGH Gioan Phaolô II, Tông Thư Centesimus Annus, 53: AAS 83 (1991), 859.
[10] Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới, “Công lý trên Thế Giới,” nhập đề, Origins 1 (1971): 385.
[11] x. Grossby, M. H., The Prayer that Jesus Taught Us, 2002:21.
[12] Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội, 2005:36.
[13] ÐGH Phaolô VI, Tông Thư Populorum Progressio, 13: AAS 59 (1967), 264.
[14] Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội, 2005:36.
[15] ibid.
[16] ibid.
[17] ÐGH Gioan Phaolô II, Tông Thư Redemptor Hominis, 14: AAS 71 (1979), 284.
[18] ÐGH Phaolô VI, Tông Thư Populorum Progressio, 13: AAS 59 (1967), 278.