Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Khang Nguyễn
Bài Viết Của
Khang Nguyễn
Carlo Acutis, vị Chân phước 15 tuổi đời (1991-2006) Thiên tài tin học tuổi thơ
Truyện Cái nồi
Truyện cái bàn ăn
TRUYỆN CÁI BÀN ĂN

  

Chẳng ai “bảo”, cũng chẳng ai “bắt” tôi phải viết cả. Chính tôi ức quá nên viết ra truyện này thôi. “Con giun xéo lắm cũng oằn.” cơ mà.

Chả là cô nhà tôi cứ nhắc:

- “Một năm rồi đấy, Bố xạo không à ! Hứa với em là thi quốc tịch đậu thì mua cho cái bộ bàn ăn. Mà từ năm ngoái đến nay đã một năm rồi. Bàn cũng chả thấy mà ghế cũng không!” Giọng cô nhà tôi, tuy bình bình, nhỏ nhẹ, nhưng có sức xuyên thấu…rất cao. Có lúc - và thường là nhiều lúc – tôi nghe rất…chói tai.

-“Em tính kê cái bàn này chổ nào ?” Không dám trả lời ngay vấn nạn hiểm nghèo cô nhà tôi đưa ra, tôi chỉ chỉ vào cái bàn ăn đang nằm chình ình trong phòng ăn mà hỏi thôi.

Nhà có bốn người. Hai vợ chồng và hai đứa con nhỏ. Lúc mới mua nhà, ông bà nội đã cho bộ bàn ăn: “Chúng mày tha được thì mang về mà dùng. Bằng gỗ thật. Còn tốt lắm, nhưng chiếm nhiều chỗ quá !”. Người đẩy người kéo, cuối cùng vợ chồng cũng lôi được bộ bàn về nhà. Bao nhiêu năm nay gia đình vẫn ngồi chung quanh cái bàn này ăn uống ngon lành. Có sao đâu !  -“Cũ người mới ta!” Tôi hay bảo cô nhà tôi như thế. Mà cô nàng trước giờ cũng đồng ý như thế

Hai năm nay cô nhà tôi bỗng đòi mua bàn ăn mới nên hễ thấy trên TV chạy quảng cáo furniture thì dù hai mắt có gà lắm, nàng cũng nhỏm dậy nhìn cho bằng được con số phần trăm sale: “Bẩy mươi phần trăm sale rồi đó, thấy chưa Bố. Nó không xuống hơn được nữa đâu!” 

Trên đường đến nhà thờ có tiệm “Star Furniture.” Cái bảng hiệu đẹp và đầy sức cám dỗ ! Lần nào đi qua, cô nhà tôi cũng nhìn vào, mắt lộ vẻ thèm thuồng không dấu diếm được.

Tháng trước, tôi đã phải ghé xe vào đó một lát để chiều ý nàng.

- Mình đi đâu vậy bố.

-Mình vào đây cho Mámì xem bàn ghế.

-Bàn ghế nào?

-Bàn để trong phòng ăn đó.

-Mình có rồi mà Bố?

-Thì hỏi Mámì đấy

Hai đứa theo phe… đàn bà nên không hỏi nữa, vui vẻ nắm tay mẹ, bước thẳng vào tiệm. Nằm ngay bên cửa chính là nguyên một bộ bàn ăn với sáu cái ghế to tướng. Tôi thấy nó chướng mắt còn cô nhà tôi thì lại thấy nó lộng lẫy.

Người bán hàng chào hàng. Tôi chỉ muốn nói vào tai ông ta: Quí ông làm ơn cất bộ bàn ghế này đi dùm cho”, nhưng lại buột miệng:

-Chúng tôi tìm một bộ bàn ăn.

-Chúng tôi có sẵn đây. Cả với cái china này. Chúng tôi sẽ dành cho ông một ngạc nhiên về cái giá rẻ không ngờ cuả chúng tôi.

Tôi vội nói:

-Xin ông cứ để chúng tôi tự nhiên. Chúng tôi chỉ window shopping trước đã.

Tôi lấy gang tay tay đo chiều ngang chiều dọc của bàn. Thấy vậy cô nhà tôi lườm một cái, rồi lục xách tay, lấy ngay ra một cái thước vải đưa cho tôi.

Tôi lật từng cái nhãn ghi giá tiền treo ở lưng ghế và ở cạnh bàn. Cô nhà tôi lại lục xách tay lấy ra tờ giấy và cái bút chì.

Để em ghi lại. Cái bàn chín trăm hai, mỗi cái ghế trăm hai. Hai cái ghế có tay trăm rưỡi. Nếu lấy cái bàn với tám cái ghế nguyên một bộ không có tay thì trăm hai nhân với tám thành ra chín trăm sáu cộng thêm cái bàn.  Khoảng ngàn tám tám chục.  Rồi cô nàng hỏi tiếp luôn:

-Free delivery?  Gớm, chiều nay tiếng Anh cô nhà tôi nói chuẩn quá.

-Yes ma’am.

Cô nàng thích quá, rạng rỡ hẳn nét mặt nhìn tôi, đắc ý, dường như bảo: “Đỡ được những 50 chục, chứ có phải ít đâu !” 

Người bán hàng còn rành rọt quảng cáo thêm đủ thứ: nào là bàn có những hai miếng chêm ở giữa để có thể kéo dài ra khi có nhiều khách, rồi bàn này là gỗ thật, sẽ được đánh bóng… vv.... Tôi gõ mặt bàn mấy cái rồi cúi xuống ngó dưới gầm bàn, một cái nhãn hiệu to, in đậm bằng chữ đen: MADE IN CHINA .

Cả xe im lặng suốt trên đường về. Tôi thấy cái hý hửng sung sướng của cô nhà tôi dấu không kỹ được trong ánh mắt. Như người đào trúng hũ vàng. Tôi biết cô nàng đang chờ  lúc thuận tiện để hỏi một câu hỏi quan trọng. Nhưng tôi lầm, chú nhóc em từ ghế sau lên tiếng:

-Bố thấy có mua được không, Bố?

Thì ra cô nhà tôi đã nhờ ‘ông đại sứ con’.

-Cái bàn làm bằng gỗ tạp, con à. Họ dùng mạt cưa ép lại với keo, rồi dán bên ngoài bằng một lớp nhựa. Nom y hệt như mặt gỗ thiệt. Kiểu như ghế trong nhà thờ mình vậy thôi. Không phải là ván liền. Mà giá như vậy là mắc quá.

Về đến nhà, ba bố con lấy thước ra hì hục đo dọc đo ngang phòng ăn. Tính luôn chỗ cho hai cái ghế hai đầu thì người ngồi đầu bàn sẽ ngồi ngay giữa đường đi. Người khách ngồi ở đó phải đứng lên dẹp ghế thì mới có đường cho người đi ra đi vào hay xuống garage!

“Không thể bắt khách giữ lễ phép mà đứng lên giữa bữa như vậy được!” Tôi long trọng tuyên bố. Mặt cô nhà tôi đớ ra. Như người mất của.

Sau đó hai hôm, một buổi tối hai người khó ngủ, tôi bỗng bật cười.

-Bố cười gì vậy ?

-Bố thấy cũng kỳ. Này nhá, có giường thì không nằm, lại thích nằm dưới thềm nhà cho nó thẳng lưng. Bây giờ mà mua bàn ăn thì thế nào Bố cũng xem có ai về VN , Bố nhờ mua cái mâm

-Chi vậy ?

-Trải chiếu ngã mâm ra cả nhà  ngồi giữa  bếp mà ăn cho tiện. Khỏi đổ nước mắm ra thảm, khỏi đổ ra bàn ăn mới. Cho nó xấu đi

-Ai lại thế!” Miệng nói “Ai lại thế”, nhưng ý kiến phải cắt thêm một miếng kiếng dày năm ly để che mặt bàn là do cô nhà tôi đưa ra . “Mua bàn thì phải cắt kiếng chứ. Cho nó sạch. Có miếng kiếng dễ lau  chùi “.

Tôi vội bồi thêm:

-Em lại sắm thêm cái khăn trải bàn, để che cái mặt kiếng khỏi bụi chứ gì.

Bộ bàn ăn dài ở “Star Furniture” vẫn thu hút cô nhà tôi mãnh liệt :

-Này bố, hay là nếu cái bàn dài quá thì mình tháo bớt ra một miếng chêm ở giữa.

-Rồi mámì cất nó ở đâu ? Mà nếu em cắt kiếng thì cắt miếng kiếng dài hay ngắn?

-Ờ nhỉ ?

Tôi cứ nghĩ như thế là hồ sơ bộ bàn ăn đã bị xếp vào ngăn kéo, nhưng không đến một tuần sau, cô nhà tôi lại mạch lạc ra lệnh:

-Chiều Chúa Nhật tuần này Bố chở  mámì đi The Dump mua bàn ăn

-The Dump ở mãi trên North 45 lận Màmì ơi

-Xa không ?

-Bằng NhaTrang đếnBa Ngòi.

Sau sáu năm ở bên Mỹ tôi vẫn còn phải diễn tả khoảng cách đường dài bằng địa dư Việt Nam vì nói 45 phút lái xe thì cô nhà tôi cho là gần, nhưng nếu nói xa bằng NhaTrang-Ba Ngòi thì là xa lắm. Của đáng tội, ngày xưa. hoạ hoằm lắm cô nhà tôi mới đi ra khỏi NhaTrang nên từ Đồng Đế mà lên Thành đã là xa kinh khủng rồi! Tưởng thoát nạn, nhưng không:

-Vậy thôi, Bố chở em xuống “Beo-le” (Bellaire) cũng được.

Bellaire là con đường chính thuộcvùng Tây Nam Houston. Ba giờ chiều, nắng Houston như đổ lửa, nắng chói vào mắt làm người lái xe lim dim và buồn ngủ vô cùng. Sức nóng bên ngoài gần trăm độ F. Giờ này chỉ có nằm ngủ, hay ngồi nhâm nhi lon bia lạnh là thú vị và hợp lý vô cùng. Vậy mà tôi phải chở cô nhà tôi đi mua thêm bộ bàn ăn, trời ạ .

Khi nên trời cũng chiều người.” Bỏ I-10 chạy đến Highway 6 thì xe cộ kẹt cứng.. Cô nhà tôi sốt ruột nên bảo quay đầu trở về.

-Đi về vá?. Tôi hỏi mà giọng mừng rơn.

-Về mà tế vá? Giọng nàng cao và to, nghe như có “tiếng sấm đầu mùa mưa”. “Bố đi ngược chiều về phía đường 529. Hình như trên đường đi làm về, Mámì thấy quãng đó có mấy tiệm furniture! ”

Tôi biết có người đang ấm ức lắm. Mấy cái tiệm furniture đi-làm-thì-gặp-nhan-nhãn mà đến lúc rảnh-đi-kiếm-thì-chúng-lại-biến-đâu-mất. Tôi chả dại gì mà góp chuyện lúc này để lãnh đạn lạc. Mãi đến đường 529 cũng không thấy bóng dáng một tiệm furniture nào.

Chuyện lạ mà có thật. Trời đang nắng bỗng đổ cơn mưa rào. Mưa bóng mây.  Thảo nào nãy giờ trời nóng gay gắt và hầm hập lạ thường. Cả tháng nay trời Houston không mưa rồi. Chúng tôi được cơn mưa rào mát ruột, mát cả đời sống chung.

Nhưng không phải “cơn mưa rào mát ruột” lúc nào cũng sẵn trong cuộc sống chung. Chả có sách triết hay sách tâm lý, hoặc bài giáo lý hôn nhân nào cho tôi biết, có lúc, và có nhiều lúc, hai ý kiến, hai lối sống khác nhau đến như thế.

Saint-Exupery nói: “Yêu nhau là cùng nhìn về một hướng.” Ông nói sai rồi. Tôi và cô ấy ít khi cùng nhìn về một hướng. Nhưng mà vẫn cứ yêu nhau và phải yêu nhau. Thế mới khổ chứ. Yêu cô ấy, lại phải yêu cả cái bộ bàn ăn mà cô ấy muốn tha về, trong khi ở nhà đã có một cái bàn và mấy cái ghế đang dùng rất tốt.

Nhiều lần trong bữa ăn, tôi đã nói:

-Không biết có cái bàn mới thì ăn một bát cơm với cá khô có thấy ngon hơn không !

-Nhà sách thì mát, bát sạch ngon cơm ! Cô nhà tôi cũng chả vừa.

‘Khi mới yêu’ thì mái tóc nhung huyền và đôi mắt long lanh kia có sức lôi cuốn vô cùng kỳ diệu. Tôi thấy cái gì trong nàng cũng mềm mại dễ thương, nào ngờ đâu phía sau mái tóc thơm nồng, thấp ngang vai tôi kia, lại có một có một cái gì như thể ‘thép đã tôi thế đấy’!

‘Lúc mới yêu’, tôi chỉ thấy nơi nàng những “đáng yêu” thôi. Lúc ấy, các hoá chất adrénaline, các kích thích tố nam nhi đã hoà vào máu, xông lên đầu, làm tim tôi đập nhanh, mắt tôi mờ đi, trí tôi mụ lại, và linh hồn tôi nhũn ra. Nhạc sĩ Trúc Phương chẳng sai khi diễn tả: “Vì mình, 16 giờ bỏ trời đất bơ vơ” là thế.

Ông Adam có ăn trái cấm trong vườn điạ đàng chắc cũng vì thế. Nhìn bà Eva, ông còn thấy gì đâu, chẳng thấy Chúa, chẳng thấy trời, chẳng thấy đất, và có lẽ cũng chẳng thấy cả con rắn nữa không chừng. Trông thấy cánh tay mềm mại trắng nuốt của bà Eva đưa trái cấm, ông quên béng cả lời Chuá dặn(hoặc có nhớ thì cũng nhớ sai). Thật ra bà có đưa cho ông một quả vú sữa còn xanh và non choẹt, chắc ông cũng thấy ngọt. Bà có đưa cho ông trái hồng dòn nuốt không trôi và kẹt ngang cổ họng, chắc ông cũng vẫn thấy ngon.

 Tôi hoàn toàn không nghĩ rằng có lúc mình phải “xoay sở” với cái “khối sắt đã tôi cứng thành thép”, là cô nhà tôi, đó. Bây giờ khối ý chí đó nằm chình ình giữa đường. Một mình khiêng đi không được, mà xê dịch nó sang chổ khác không xong.

Thôi thì “đất không chiều lòng trời, thì trời phải chiều đất” vậy.

Ca dao Việt Nam đưa ra một giải đáp cho hạnh phúc gia đình: “Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng.”  Rõ các cụ tổ tiên chúng ta khéo nói thật! Các cụ không bày “Chỗ nào cao thì cưa bớt cho bằng chỗ thấp” mà dạy phải “kê chỗ thấp lên cho bằng chỗ cao”!

Rõ là triết lý thâm thúy. Thâm thuý nhưng khó khăn và đau xót lắm. Ba chân bàn mà lệch một chân thì dễ kê. Chỉ cần kê xong một chân là vững vì ba điểm làm thành một mặt phẳng duy nhất. Nhưng bốn cái chân bàn mà lệch hai chân thì thành hai mặt phẳng. Khó lắm. Đàng này một trăm chỗ lệch, nghĩa là 98 cái mặt phẳng mà kê cho bằng thì ... khó quá, khó hơn cả Phúc âm: “Tha cho anh em bảy mươi lần bảy” vậy.

Ngày xưa, các cha các thầy dậy tôi tập “từ bỏ ý chí riêng” bằng cách làm ngược lại những điều mình thích. Ừ thì cũng là được đi, nhưng mà là để “làm theo ý Chúa”, chứ có phải bỏ ý riêng mà xuôi theo ý vợ đâu!

Cái bàn ăn, bây giờ không còn chỉ là cái bàn ăn, mà trở thành “mối phúc thật” thứ chín của tôi. “Phúc cho ai vâng lời v...” Nói cách vắn tắt, cái bàn ăn trở thành một bài học huấn đức cho tôi, riêng tôi: “Đừng vì cái bàn ăn mà mất hạnh phúc gia đình !”

Thế rồi việc phải đến đã đến”

Thứ Bảy này, Bố chở Em đi lễ sớm. Ba giờ được không Bố .  Cho em ghé vào tiệm furniture đường Beo-le

Vào tiệm, cô nhà tôi thấy ngay điều muốn tìm. Một cái bàn, dài vừa phải, rộng vừa phải. Mặt bàn trơn, láng. Bố cục rất tân thời. Hai giải vân cẩm thạch ở hai đầu. Còn phần giữa hoàn toàn trắng bóc, như lòng trắng trứng gà. Chân bàn vuông, thẳng, lại cách điệu bằng một khoen sắc vuông inox. Mấy cái ghế cũng rất thanh và xinh.

Người bán hàng người Tầu nói ngay :

-“It’s real marble !” Ông ta bảo tôi để tay lên mặt bàn mà xem cái cảm giác mát lạnh của nó.

Đã từng làm trong hãng transformer nên tôi biết đây không phải marble thật, vậy mà khi mới nhìn bộ bàn ăn này  tôi lại đã thấy thích mới chết chứ. Ngay lập tức tôi ngộ ra được một chân lý: “Chỉ khi chính mình cũng thấy thích bộ bàn ăn thì cô nhà tôi không còn là một người cứng đầu nữa, mà hoá ra mình mới là người cố chấp lâu nay ! “

Và đây mới là điều quan trọng hơn.  Người ta đã dùng hết mọi tiểu xảo và thủ thuật để bắt chước cho thật giống cái quý giá là đá cẩm thạch. Thế còn hạnh phúc gia đình của mình, chẳng lẽ lại không quý hơn đá cẩm thạch sao ?

Một hai ngàn chi tiêu cho bộ bàn ăn là món tiền không nhỏ, nhưng mua được sự hài lòng và hài hoà trong nhà, cũng đáng. Hai cái nhìn giờ đây  không còn ngược nhau 180 mà chỉ còn 45 hoặc 60 độ thôi. 

-“Mámì tính kê cái bàn ăn cũ ở đâu ?

Cô nhà tôi không trả lời. Cô ấy cảm nghiệm được rằng đấy không còn là câu hỏi vặn của Lưỡng Viện Quốc Hội Anh , mà là câu bày tỏ sự đồng thuận của Viện Quý Tộc. 

-“Thế nào cũng có chỗ, Bố lo gì !” Nữ hoàng Elizabeth của tôi thong thả trả lời.

Trong hạnh phúc, đều có chổ để kê mọi thứ.  Xá gì cái bàn ăn cũ .

Khang Nguyễn, Houston, Texas

Tác giả: Khang Nguyễn

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!