Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Gs. Nguyễn Văn Thành
Bài Viết Của
Gs. Nguyễn Văn Thành
Khi nào Quê Hương là một cơ cấu bệnh hoạn?
Nguy cơ Tự Bế (nơi trẻ em từ 0 đến 7 tuổi)
Khi nào Quê Hương là một cơ cấu bệnh hoạn ?
CON ĐƯỜNG BAO DUNG (trong Văn Hóa và Huyền Sử Việt Nam)
MỘT TẦM NHÌN VỀ CON NGƯỜI VÀ CUỘC ĐỜI…

 

Nói đến Tầm Nhìn, Tâm Lý Học ngày hôm nay tùy vào những giai đoạn thành hình khác nhau, có khuynh hướng phân biệt những thể loại sau đây:

1.- Thứ nhất là Tầm Nhìn có khả năng ghi nhận và phản ảnh thực tại khách quan.

Trong giai đoạn nầy, các giác quan của chúng ta ghi nhận những sự kiện có mặt trong thực tại bên ngoài và phản ảnh lại những gì mắt thấy, tai nghe, làn da tiếp xúc và cảm nhận. Thông thường, như chúng ta có thể quan sát trong cuộc sống, những dụng cụ như chiếc máy ảnh, hay là bộ máy ghi âm cũng có tác dụng thu nhận những gì đang có mặt trong môi trường, một cách không thêm hoặc không bớt, không đưa ra những nhận xét, bình phẩm hay là đánh giá, theo quan điểm riêng tư và chủ quan của mình. Các giác quan của con người, trái lại, làm công việc tiếp thu và ghi nhận những tin tức, một cách rất chủ quan, xuyên qua ba cơ chế khác nhau :

Cơ chế thứ nhất là Tổng Quát Hóa, nghĩa là rút ra những qui luật ổn định, thường hằng, dựa vào một số sự kiện khách quan, lặp đi lặp lại nhiều lần. 

Cơ chế thứ hai là Chọn Lọc, chỉ giữ lại những sự kiện nào thích hợp với nhu cầu hiện tại. Hẳn thực, khi chọn lọc như vậy, tôi cố tình bỏ qua, coi như không có bao nhiêu sự kiện mà tôi đánh giá là không cần thiết.

Cơ chế thứ ba là Chủ Quan Hóa, nghĩa là khoác vào cho sự kiện bên ngoài, những ý hướng và kích thước của cá nhân tôi. Cơ hồ nước – vô hình và vô dạng – khi được đổ vào bình, chai nào, thì tiếp nhận hình dạng của các bình và chai ấy. Khi chủ quan hóa các sự kiện như vậy, công việc của tôi có thể mang tên là xuyên tạc, bóp méo thực tại. Tuy nhiên, mỗi lần sáng tạo, uốn nắn, định hướng, hóa giải một thực tại, tôi cũng đang vận dụng cơ chế chủ hóa quan nầy, nghĩa là nhận làm của mình, ghi khắc vào đó những chứng tích riêng biệt của cá nhân tôi.

Nói cách chung, chúng ta ngày ngày sử dụng ba cơ chế tâm lý trên đây, hình như trong mọi lãnh vực của cuộc sống, như học tập, giáo dục, tiếp xúc, xã hội hóa…Từ tuổi thiếu thời, khi bắt đầu học nói, một trẻ em đã làm quen với những phương thức hành động nầy. Cho nên vào tuổi thành nhân, khi dùng ngôn ngữ để diễn tả, trình bày ý kiến, tất cả chúng ta không loại trừ một ai, đều dễ dàng sa vào ba cam bẫy là vơ đũa cả nắm, giận cá chém thớt, hay là bắt râu ông nọ đặt cằm bà kia. Ba cạm bẫy nầy còn mang những tên tuổi khác là chụp mũ, tố cáo, phê phán, đổ lỗi, gắn nhãn hiệu… Từ đó bao nhiêu quan hệ tiếp xúc và trao đổi giữa người với người đều bị đầu độc và ô nhiễm. Xung đột, chia rẽ, hận thù, chiến tranh, bạo động… là những hệ quả thường nhật, trong mỗi cộng đồng nhân loại. 

2.- Thuyên Giải là sáng tạo ý nghĩa, kiến dựng một Tầm Nhìn

Bước qua giai đoạn thứ hai, trên cơ sở những tin tức do năm giác quan cung ứng từ bên ngoài, phần vụ mà Tư Duy cần đảm nhiệm một cách chủ động là Thuyên Giải. Động tác nầy thuộc về khuôn khổ của Nội Tâm có mục đích là khám phá hay là sáng tạo ý nghĩa, kiến dựng một Tầm Nhìn về Thực Tại, về Môi Trường sinh thái hay là về người khác đang có mặt cùng với tôi, trong những quan hệ tiếp xúc, trao đổi qua lại hằng ngày. 

Thuyên Giải, trong lăng kính nầy, là một chọn lựa và quyết định, xuất phát từ tôi. Tôi là nguyên nhân. Toi là tác giả có chủ quyền về Tầm Nhìn. 

Theo Paul RICOEUR, để thực thi công tác sáng tạo một Tầm Nhìn, tư duy dựa vào ba điểm qui chiếu hay là ba chuẩn mực chính yếu sau đây :

Chuẩn Mực thứ nhất là ANANKÉ.

Từ Hi lạp nầy có ý nghĩa là Tất Yếu, tính qui luật hay là thực tế. Thái độ của chúng ta, khi đối diện với thực tế tất yếu là tôn trọng, chấp nhận và đón nhận. Theo lời dạy bảo của Lão Tử và Trang Tử, « tự bản chất chân vịt thì ngắn. Nếu tôi muốn kéo ra cho dài, nó sẽ khổ. Trái lại, chân ngổng thì dài. Nếu tôi muốn cắt ngắn lại, nó sẽ chết ».

Thực tế được định nghĩa một cách hình tượng như thế, còn mang tên là « Chân Như », theo thuật ngữ của Phật Học. Người ấy làm người như vậy. Vật ấy làm vật như vậy. Cho nên vật ấy phải được tiếp cận như vậy. Người ấy phải được cư xử như một người, có tư cách làm người. Trong quan hệ giữa người với người, bao lâu tôi chưa nhìn nhận người trước mặt tôi là một người như tôi, ngang hàng tôi, có giá trị giống như tôi… tôi chưa thể nói đến quan hệ Đồng Cảm, Đồng Hành và Chia Sẻ.

Chuẩn Mực thứ hai là THANATOS.

Ngôn từ nầy mang ý nghĩa là chết, hy sinh, từ bỏ.

Khi tôi chọn lựa hay là quyết định cư xử ai với tư cách là con người toàn diện, toàn phần, trong tầm nhìn của tôi, người ấy không còn là địch thù. Không thuộc về loại người hạ đẳng. Không phải là dụng cụ để tôi có thể sai khiến, sử dụng.

Hẳn thực, bao nhiêu xu thế tự nhiên và tự phát vẫn còn tồn động trong tôi, như phê phán, tố cáo, đổ lỗi… nhưng vì tôi đã quyết định chấp nhận tính người của người ấy, tôi phải can đảm, sẵn sàng hy sinh, từ bỏ những tàn tích của bạo động, trong ngôn ngữ và tác phong của tôi.

Lúc ban đầu, vì còn thiếu tôi luyện một cách thuần thành và nhuần nhuyễn, bạo động vẫn còn len lỏi nằm vùng và xuất hiện một cách tự động. Nhưng vừa khi ý thức và nhận biết điều ấy, tôi sáng suốt và can đảm « DỪNG LẠI », « Tri Chỉ », nhằm chuyển hóa bản thân mình. Từng phút, từng giây, tôi trở về với quyết định và chọn lựa cơ bản ban đầu, trong tư cách và tầm nhìn Làm Người của tôi. 

Chuẩn Mực thứ ba là EROS.

Đây là Tình Yêu trao đổi, qua lại, nhận và cho. Hẳn thực, khi yêu ai, tôi chủ động, sáng tạo. Bằng cách nầy hay cách khác, tôi đóng góp phần mình, làm cho người ấy đáng yêu và đáng quí trọng. Tôi tìm cách phát hiện và ngày ngày vun bón những tư cách hiện hữu hay là những điểm tích cực đã có mặt nơi người ấy. Yêu như vậy, theo cách giải thích của tác giả M.R. ROSENBERG, có hiệu năng thúc giục, kêu mời mỗi người trong chúng ta hãy phát hiện không ngừng, nhu cầu cơ bản có liên hệ đến điều kiện làm người của người ấy. Khi những nhu cầu nầy được nhìn nhận và đáp ứng, tự khắc họ triển khai mọi chiều kích làm người. Họ trở nên an toàn, thư thái và hạnh phúc.

Theo cách giải thích của Thiền học Phật giáo, khi sống được tình trạng an lạc trong nội tâm, và kết dệt được những quan hệ hài hòa với tha nhân, tôi trở thành con người Thức Tỉnh. Lúc bấy giờ, khi ăn, tôi BIẾT tôi đang ăn. Khi nói, tôi BIẾT tôi đang nói. Tôi không « ném đá giấu tay ». Tôi không giận cá chém thớt. Tôi không vọng động, như vượn chuyền cành. Tôi không phân thân, chắp nối lộn xộn, theo kiểu lấy râu ông nọ đặt cằm bà kia. Những khi chúng ta tố cáo, phê phán, đổ lỗi, ngụp lặn trong xung đột, tranh giành hơn thua… là vì chúng ta đang lạc loài trong vòng mê cung khổ đau, phiền muộn. Chúng ta không ý thức mình là ai, không biết mình ở đâu, đang làm gì…

Trái lại, khi tình yêu có mặt trong tâm hồn và cuộc đời, tôi sẽ dễ dàng phát hiện « trong tôi có người, và trong người có tôi ». Nói khác đi, khi tôi gieo vãi hạt mầm hạnh phúc, an lạc trong vườn lòng của một người khác, tôi gặt hái mùa màng hạnh phúc và an lạc, trong bản thân và cuộc đòi của tôi. Cho nên, mỗi lần CHO ra, tôi không cần đòi hỏi người khác phải cho lại, hay là tỏ lòng biết ơn. Tôi không cần chờ đợi, mong cầu gì cả. Hẳn thực, chính lúc tôi CHO ra, tôi đã NHẬN lại bao nhiêu quà tặng trọng đại và cao quí như : trời đất, gió mưa, hoa trái bốn mùa, cuộc sống làm người, cha mẹ, bạn bè, quê hương, sông núi… tấ cả càn khôn, vũ trụ.

Tôi không cần chờ đợi đến lúc nằm tê liệt trên giường bệnh, mới nhận ra được : hai chân của tôi đang là một món quà vô giá.

Tôi đã được bác sĩ giải phẫu hai lần hai con mắt bị cườm giăng màn, mới có khả năng biết thưởng thức, mỗi lần nhìn một tia nắng xuyên qua cửa sổ, một đóa hoa hàm tiếu đang đợi chờ ánh bình minh vươn lên.

Hồi còn bé, tôi thường trách Mẹ hay la rầy. Bây giờ, với bảy mươi tuổi đời, tôi nhiều lúc thèm khát một tiếng rầy, tiếng la của Mẹ. Nhưng Mẹ lại không còn. Chính lúc Mẹ không còn, tôi mới ý thức Mẹ là một quà tặng bao la như trời, mênh mông tựa biển cả. 

3.- Tầm Nhìn và Yêu Thương 

Chính vì bao nhiêu lý do, mà tôi vừa trình bày, tác giả G.G. JAMPOLSKY đã khẳng định trong mỗi tác phẩm của mình những trọng điểm sau đây :

·       Bản sắc làm người của chúng ta là Thương Yêu,

·       Khi Thương Yêu có mặt trong nội tâm, chúng ta mới có một Tầm Nhìn đứng đắn, chính xác, toàn diện về mình và về người khác đang chung sống hai bên cạnh chúng ta,

·       Trong mọi loại quan hệ tiếp xúc và trao đổi giữa người với người, « khi có một vấn đề xãy ra – bất kể loại vấn đề gì, ở đâu, với ai, thuộc phe nào…- Yêu Thương là câu trả lời.

·       Xúc động LO SỢ là hiểm họa đang xói mòn lòng Yêu Thương của chúng ta. Xúc động nầy phát sinh mọi tình huống xung đột, chiến tranh, hận thù, trong thế giới từ nguyên thủy cho tới ngày hôm nay.

·       Tuy nhiên, đối với những ai đang cưu mang một Tầm Nhìn đầy Yêu Thương trong nội tâm, thái độ LO SỢ nơi kẻ khác chỉ là phản ứng của một con người đang thiếu vắng tình yêu thương, trong bản thân và cuộc đời. Bao nhiêu hành động như tố cáo, phê phán, hận thù, tranh chấp hơn thua… đều phát xuất từ một tâm hồn đầy lo sợ và khổ đau. Đó chỉ là những tiếng kêu cầu cứu : « Tôi đang thiếu Tình Yêu Thương. Xin hãy cứu tôi ». Và duy chỉ có quan hệ Yêu Thương mới có khả năng hóa giải tình trạng oái oăm, khốc liệt nầy.

·       Một danh hiệu khác của lòng Yêu Thương là Thứ Tha. Thứ Tha đích thực không phải là quên đi cho xong chuyện, coi như không có. Thứ Tha không phải là ban bố từ trên một ân hụê. Trái lại, khi thực thi Thứ Tha, tôi xác định một cách chính thức và rõ ràng Tầm Nhìn Làm Người của tôi. Hẳn thực, dù hành vi có sai trái đến đâu, dù bạo động và máu đang thấm đậm tâm tư, người trước mặt tôi vẫn là một Con Người như tôi. Khi Thứ Tha, tôi khẳng định Tầm Nhìn của tôi. Tôi đang nâng cao chất lượng của Tầm Nhìn về tôi, cũng như về người anh chị em. Bao lâu chúng ta chưa có khả năng điều chỉnh Tầm Nhìn của mình như vậy, Thứ Tha đang vắng mặt trong lòng cuộc đời. Chúng ta còn Lo Sợ. Bạo động còn đặt sào huyệt trong tâm hồn của chúng ta. Chính bạo động phát sinh và nuôi dưỡng bạo động. Đó là vòng luân hồi dai dẵng, đang đe dọa và trấn áp kiếp làm người, trên mặt địa cầu nầy. 

4.- Những động tác cụ thể

Để có thể thấm nhuần tư tưởng của tác giả G.G. JAMPOLSKY, trong mọi quan hệ tiếp xúc và trao đổi hằng ngày với tha nhân, chúng ta cần ngày ngày thắp sáng những thái độ Làm Người như sau :

·       Tầm Nhìn của tôi về thực tại bên ngoài hay là về người khác là một quyết định và chọn lựa của tôi. Chính tôi là nguyên nhân, chứ không phải là những sự việc xãy ra trong môi trường hay là những lời nói hoặc tác phong của người khác, đang áp đặt điều ấy cho tôi. Chẳng hạn, khi tôi phê phán « Ông A là một tay gian lận », chưa hẳn trong thực tế khách quan bên ngoài, ông A là người gian lận tự bản chất của mình. Thậm chí trước mắt chứng kiến của tôi, ông A đã có một vài hành vi gian lận cụ thể và rõ ràng, chưa hẳn ông ấy là NGƯỜI gian lận. Đó chỉ là một Tầm Nhìn của tôi mà thôi. Tôi là nguyên nhân, là tác giả của lời khẳng định ấy.

·       Những gì xãy ra bên ngoài, do giác quan ghi nhận và tiếp thu, như lời nói tôi nghe, như việc làm tôi thấy… đều chỉ là những yếu tố dẫn khởi hay là gợi ý mà thôi. Duy thức học, hay là khoa tâm lý trong Phật học, gọi đó là DUYÊN. NHÂN trái lại, là hạt giống sẽ trở nên cây. Duyên là đất, nước, khí, mặt trời… giúp cho hạt giống trở thành cây. Duyên trái lại, chỉ cung ứng điều kiện thuận lợi, từ bên ngoài mà thôi.

·       Trong khuôn khổ của nội tâm, Tầm Nhìn phát sinh mọi sinh hoạt tâm lý khác. Tầm Nhìn điều hướng đời sống xúc động. Tầm Nhìn định hướng mọi đường đi nẻo về của tôi, trong lãnh vực quan hệ tiếp xúc và trao đổi.

·       Chính vì bao nhiêu lý do vừa được quảng khai, khi tôi đã chọn lựa và quyết định cư xử và đãi ngộ ai, với tư cách là người toàn phần, giống như tôi, ngang hàng tôi, có mọi quyền lợi và giá trị làm người giống như tôi, CHỈ CÓ YÊU THƯƠNG là câu trả lời đứng đắn nhất, cho mọi vấn đề đã, đang và sẽ xãy ra giữa người ấy và tôi. Yêu Thương vì bao nhiêu đồng điểm đang nối kết hai người lại với nhau. Yêu Thương thậm chí vì bao nhiêu dị điểm. Nhờ khác nhau, chúng ta có thể bổ túc, kiện toàn nhau, thay vì loại trừ, xung đột. Sau hết, khi hai người yêu thương nhau, họ CẦN nhau. Tôi cần cơm ăn, áo mặc để sống thế nào, thì tôi cũng cần yêu thương anh chị em - ở bên nầy cũng như thuộc phe bên kia – để LÀM NGƯỜI.

·       Tôi đã cố tình sử dụng lối nói YÊU THƯƠNG, bao gồm trong đó tình yêu trai gái, vợ chồng, tình thương cha mẹ và con cái, tình mẫu tử, tình bạn bè, tình đồng bào, tình nhân loại… Tôi cũng không loại trừ tình yêu thương cao cả giữa Trời và Đất, giữa Nước và Non. Hẳn thực, chỗ nào có yêu thương thực sự, không có phân biệt to hay nhỏ, tốt hay xấu, cao hay thấp, trọng hay hèn. Nước trong lòng Đại Dương Mênh Mông hay nước trong hạt sương ban mai cũng chỉ là MỘT. 

5.- Khoa học và Kỹ thuật « Tạo Đồng Cảm »

Khi nói đến Yêu Thương và Thứ Tha, chúng ta đang nêu lên một Tầm Nhìn bao la và trọng đại, cũng như đề cập những giá trị phổ quát. Trái lại, để thiết lập và phát huy « ở đây và bây giờ » những quan hệ hạnh phúc, hài hòa với những người cùng có mặt trong môi trường sinh sống, tôi cần những kỹ thuật khoa học, những cách làm cụ thể.

Hơn ai hết, trong những chuyến công du vòng quanh thế giới, tác giả M.R. ROSENBERG đã tìm cách tạo nên những quan hệ hiểu biết, yêu thương và đồng cảm giữa người với người, nhất là trong hàng ngũ giới trẻ. Nhằm đáp ứng nhu cầu của nhiều người, trên nhiều xứ sở khác nhau, tác giả đã đề xuất kỹ thuật « Tạo Đồng Cảm », bao gồm bốn bước đi lên như sau : 

·       Bước thứ nhất là nêu lên những sự kiện cụ thể và khách quan thuộc hai giác quan thị và thính : « Tôi thấy… tôi nghe… tại nơi… vào lúc… ». Cách làm nầy còn mang tên là môi trường hóa các sự kiện và tin tức.

·       Bước thứ hai là diễn tả ra ngoài những xúc động đang phát sinh trong nội tâm của tôi, giữa những hoàn cảnh vừa được mô tả một cách rõ ràng và chính xác. Một cách đặc biệt, sứ điệp ngôi thứ nhất « TÔI » được sử dụng, để diễn tả và đảm nhiệm xúc động.

·       Bước thứ ba là tìm cách xác định nhu cầu cơ bản, đang có mặt ở dưới mỗi xúc động như lo sợ, buồn phiền và tức giận.

·       Bước thứ bốn là nêu lên những điều tôi ước muốn và yêu cầu kẻ khác đáp ứng cho tôi, thay vì đòi hỏi, áp đặt, lèo lái… 

Trong tinh thần và lăng kính được đề xuất như vậy, Đồng Cảm là con đường tác động qua lại hai chiều. Một đàng tôi phát biểu, để khẳng định mình. Và sau khi diễn tả chính mình, tôi tìm cách tạo ra mọi điều kiện thuận lợi nhằm giúp đỡ người đối diện cũng có khả năng khẳng định mình giống như tôi, ngang hàng tôi. Đương lúc họ nói, tôi lắng nghe, tìm hiểu và đón nhận với tất cả tấm lòng. Khi cả hai người đều có điều kiện khẳng định mình một cách trung thực, họ sẽ từ từ khám phá nhu cầu cơ bản của mỗi người là Thương và Được Thương.

Làm được bấy nhiêu điều, phải chăng chúng ta đã thực hiện những bước chân vĩ đại trên mọi nẻo đường của Quê Hương và Nhân Loại ?

Mấy vần thơ sau đây mô tả một phần nào những chặng đường « đồng cảm » giữa những con người biết ngày ngày cố gắng xích lại gần nhau :

 

Tôi sợ hãi, lòng ngổn ngang trăm mối,

Tôi buồn lo, nặng tâm tình tội lỗi,

Tôi cô đơn giữa đoàn lũ vui cười,

Em hiến tặng một đóa hoa nở tươi.

 

Chỉ lắng nghe, em không nói một lời,

Như bếp lửa, em sưởi ấm cuộc đời,

Đốt tia nắng giữa bầu trời ảm đạm,

Thắp ngọn đuốc xóa tan lòng u ám.

 

Em bóng mát giữa trưa hè đứng ngọ,

Đời xa lạ, em nhận làm quán trọ,

Con đường đi qua khu rừng dẫn lối,

Ánh sao trời gọi người người về cội.

 

Ai hạnh phúc, em nụ cười rạng rỡ,

Ai hân hoan, em cuộc đời rộng mở,

Ai an hòa, tâm hồn em diệu vợi,

Người và em cưu mang Trời Đất Mới.

 

Khi tôi đói, chính em làm lương thực,

Lúc kiệt quệ, em sẵn sàng chuyền sức,

Giữa khổ đau, em đồng hành chia sẻ,

Đời oi bức, em thổi làn gió nhẹ.

 

Hồn Sông Núi cùng em về hiện diện,

Nhắc mọi người nắm tay nhau cùng tiến,

Lòng em biển cả bao la, trọng đại,

Đang chuyển hóa cuộc nhân tình thế thái.

  

Cuộc đời em, một sứ điệp hương trầm,

Mắt em nhìn, xuyên thấu cõi nội tâm,

Chân em đến ủi an người chới với,

Tay băng bó vết thương hồn lở lói.

 

Em chuẩn bị Ngày Mai về tươi sáng,

Ngày Thái Hòa giữa lòng người tỏa rạng.

Em là ai? Bồ Tát? Con Người Mới ?

Lời Yêu Thương vượt ra ngoài tên gọi.

 

Nguyễn văn Thành, Lausanne, Thụy Sĩ

 

Sách Tham khảo :

· Paul RICOEUR – De l’interprétation – Seuil, Paris 1965

· Marshall B. ROSENBERG – Nonviolent Communication – PuddleDancer Press, Encinitas CA 2001

· Gerald G. JAMPOLSKY – Change your mind, change your life – Bantam Books, New York 1993

 

Tác giả: Gs. Nguyễn Văn Thành

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!