Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Gs. Nguyễn Văn Thành
Bài Viết Của
Gs. Nguyễn Văn Thành
Khi nào Quê Hương là một cơ cấu bệnh hoạn?
Nguy cơ Tự Bế (nơi trẻ em từ 0 đến 7 tuổi)
Khi nào Quê Hương là một cơ cấu bệnh hoạn ?
CON ĐƯỜNG BAO DUNG (trong Văn Hóa và Huyền Sử Việt Nam)
HƯỚNG ĐẾN MỘT TẦM NHÌN “VƯƠN LÊN VÀ RỘNG MỞ” TRONG LÒNG CUỘC ĐỜI …

 

1. Ba tầm nhìn khác nhau 

Trên đường đi dạo quanh Hồ Gươm, tôi đã gặp những người lao động quét đường. Tôi đến gần và hỏi từng người: “Thưa Bác, Bác đang làm gì trên con đường này?”.

Người thứ nhất trả lời:

- Tôi đang quét đường phố.

Người thứ hai dùng lời lẽ một cách cụ thể và thẳng thắn:

- Tôi làm việc để kiếm cơm cho gia đình.

Người thứ ba nhìn tôi với đôi mắt cương quyết:

- Tôi đang xây dựng Đất Nước và phục vụ anh em đồng bào.

Ba người đang thực hiện một công việc hoàn toàn giống nhau. Tuy nhiên, mỗi người xác định TẦM NHÌN của mình một cách hoàn toàn độc đáo, tùy vào những trải nghiệm khổ đau và hạnh phúc, trên suốt tiến trình của cuộc đời làm người.

Tầm nhìn phải chăng là cách thức của mỗi người đang trả lời câu hỏi được cưu mang và ấp ủ trong đáy sâu của cõi lòng: “Tôi là ai ở giữa Trời Đất, Vũ Trụ này? Tại sao tôi có mặt ở đây? Cuộc đời tôi có ý nghĩa và hướng đi như thế nào?

2. Ba loại câu hỏi 

Trong suốt 30 năm làm việc với những trẻ em có những “rối loạn phát triển lan tỏa” từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác, ngày ngày chia sẻ và đồng hành với các người làm cha mẹ, tôi cũng đã có dịp trải nghiệm ba thể thức đặt vấn đề khác nhau:

Cách thứ nhất: Tại sao Trời “đánh tôi”? Tôi đã làm gì nên tội, để Trời Đất Thần Phật giáng xuống trên đầu tôi một đứa con tự kỷ, không biết nhìn tôi, không trao cho tôi một nụ cười? Suốt bao nhiêu năm, tôi chờ đợi được gọi là Ba, là Má, … Nhưng giờ phút hạnh phúc ấy càng ngày thoát khỏi tầm tay và niềm hy vọng bé mọn của tôi!

Cách thứ hai: Tôi phải làm gì để cho cháu nhìn vào mắt của tôi? Phải chăng tôi cần phải dùng roi đòn, những lời đe dọa, những hình phạt càng ngày càng gia tăng để cháu mở miệng phát ra một đôi từ? Con sáo còn nói được “chào ông, chào bà …”, sau khi tôi cho ăn ớt cay hay là lấy dao cắt đi một chút lưỡi… Biện pháp nào có thể “chữa lành” hội chứng tự kỷ, cho dù phải đi qua con đường “bạo động, đàn áp” với đứa con mà vợ chồng tôi đã mộng mơ, chờ đợi và cưu mang trong tâm hồn?

Cách thứ ba: Mỗi đứa con, từ khi chào đời, bằng cách này hay cách khác, đều nhất loạt đặt ra cho cha mẹ ba loại câu hỏi khác nhau:

- Ba mẹ ơi,  phải chăng con là con người có giá trị, bất luận tai nạn gì đã, đang và sẽ xảy ra trong suốt cuộc đời của con?

- Ba mẹ ơi, phải chăng con luôn luôn được thương yêu cho dù con đang có những khuyết điểm trong bản thân và cuộc đời?

- Ba mẹ ơi, phải chăng con có khả năng làm người, với tất cả vốn liếng mà con mang theo trên mình, từ ngày cha mẹ âu yếm lại gần nhau?

Làm sao có thể trả lời ba câu hỏi này cho đứa con nếu chính cha mẹ không xác định được TẦM NHÌN về cuộc sống làm người của mình? Nói cách khác, vì lí do gì tôi có mặt trong lòng cuộc đời? Tôi đi về đâu, hướng đến một đích điểm cuối cùng nào? Như thế nào? Với cách thức nào, tôi thực hiện những ước mơ mà tôi cưu mang và ấp ủ? Ở vào công đoạn cuối cùng của đời làm người, tôi thấy tôi và tôi cảm nhận tôi làm người như thế nào? Nói khác đi, viễn ảnh về con người của tôi sẽ như thế nào, khi mọi sự đã hoàn tất một cách viên mãn và tròn đầy trong lòng Đất Nước và trên mặt địa cầu?

Ai sẽ giúp tôi ngày ngày học tập xây dựng một tầm nhìn năng động, bao la và trọng đại, với từng bước đi lên cụ thể trong giờ phút hiện đại “ở đây và bây giờ”? Những giá trị nào sẽ tạo phấn khích, hăng say, khả dĩ hướng dẫn và soi sáng con đường trực chỉ vào mục đích cuới cùng của cuộc đời, thậm chí trong những ngày hoạn nạn và khổ đau, cơ cực và thiếu thốn?

3. Trở lại với đứa con mang hội chứng tự kỷ …

Để xây dựng Tầm Nhìn:

Trong tầm nhìn của mình về bản thân và cuộc đời, nếu cha mẹ và thầy cô không ý thức mình là con người có gia trị, cuộc đời có ý nghĩa lung linh và diệu vợi … làm sao các vị ấy sẽ có khả năng tạo mọi điều kiện thuận lợi và tốt hảo, nhằm giúp con cái thành người, thậm chí khi đứa con ấy mang trên mình những dấu hiệu “nguy cơ tự kỷ”?

Trong tầm nhìn của mình về bản thân và cuộc đời, nếu cõi lòng của cha mẹ và các giáo viên đang phục vụ trẻ em tự kỷ, không tràn đầy và thấm nhuần tình yêu thương bao la, giống như tổ tiên của chúng ta là Lạc Long Quân và Âu Cơ, chúng ta sẽ còn có gì để cho, để trao truyền cho con cái?

Khi chúng ta cho con cái một điều rất nhỏ mọn, như một củ khoai, củ chuối, một lời nói nhẹ nhàng, một liếc nhìn âu yếm, một bàn tay thoa dịu, phải chăng chúng ta đang hiến tặng một tấm lòng, một cuộc đời tràn đầy tình yêu thương vô điều kiện. Nhờ đó, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, thuận lợi cũng như bất lợi, con cái chúng ta vẫn có khả năng làm người, với một cuộc đời có giá trị và có ý nghĩa.

Thể theo viễn ảnh bao la và trọng đại này, sau một cuộc đời với ba chìm bảy nổi chín lênh đênh, con cái chúng ta sẽ hỏi đi hỏi lại câu hỏi: “Con là ai? Hỡi cha hỡi mẹ …”

Sau khóa học kéo dài hai tuần lễ này, tôi chắc chắn mỗi bạn, mỗi vị, mỗi cha mẹ và giáo viên sẽ có khả năng trả lời cho đứa con, cho học sinh của mình, như sau:

“Con ơi

Con là hạt bụi giữa đất trời vũ trụ

Nhưng đời con say động chuyển hằng ngàn tinh tú

Con ra đi mở rộng nhiều chân trời tình bạn.

Con mang về hạnh phúc tràn đầy viên mãn.”

4. Lắng nghe lời dạy của Tổ Tiên:

Để xây dựng một Tầm Nhìn có cùng đích diệu vợi, có những giá trị cao cả cũng như có một viễn ảnh hào hùng:

Trong suốt khóa học này, mỗi người chúng ta hãy trở về trong thinh lặng và lắng nghe một cách cẩn trọng lời nhắn nhủ của tổ tiên và cha ông chúng ta:

Hỡi con, con hãy lấy Hạnh của Đất mà sống

Đất bị người người khạc nhổ, làm ô nhiễm.

Nhưng đất vẫn kết sinh hoa lợi cho người người ấm no.

Con hãy lấy Hạnh của Nước mà sống:

Nước chấp nhận mang vào lòng mình những vết nhơ của bao nhiêu bàn tay, để đem về tẩy luyện trong lòng Biển mặn.

Con hãy lấy Hạnh của Khí mà sống.

Khí đi vào bên trong lòng mỗi người, để mang dưỡng sinh cho từng tế bào, từng hạt máu, không quên sót một ai

Con hãy lấy Hạnh của Trời mà sống.

Trời ở trên cao thật cao

Nhưng đồng thời, Trời ở dưới thấp thật thấp

Không có trời, con không có chi hết.

Nhưng Trời cũng không có chi hết.

Trời trống không để gọi chúng ta trở thành cao cả và diệu vợi.

 

Xin cám ơn quý vị đã lắng nghe!

Xin kính chào quý vị!

Gs. Nguyễn Văn Thành

Hà Nội 2006

Tác giả: Gs. Nguyễn Văn Thành

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!