Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Gs. Nguyễn Văn Thành
Bài Viết Của
Gs. Nguyễn Văn Thành
Khi nào Quê Hương là một cơ cấu bệnh hoạn?
Nguy cơ Tự Bế (nơi trẻ em từ 0 đến 7 tuổi)
Khi nào Quê Hương là một cơ cấu bệnh hoạn ?
CON ĐƯỜNG BAO DUNG (trong Văn Hóa và Huyền Sử Việt Nam)
ÐỒNG HÀNH VỚI ĐỨC KITÔ

 

( Suy niệm Lc 24, 13-35 : Hai môn đệ trên đường Ê-Mau )

Trong lãnh vực Đức Tin của người Kitô-hữu, bao lâu chúng ta muốn áp đặt cho Thiên Chúa những ảo vọng phù phiếm , chúng ta sẽ có xu thế chìm đắm trong lo buồn, thất vọng, bực bội, chán nản... Trên con đường về làng Ê-Mau, hai môn đệ đã ở trong một tình huống tương tự như thế. Nguyễn Văn Thành Lausanne, Mùa Phục Sinh 2006

Trong ngày chủ nhật lễ lá, trước đó một tuần lễ, quần chúng đã vui mừng, hoan hô, chúc tụng... Họ cầm trên tay cành lá ô-liu để tung hô vạn tuế Đức Kitô đi qua, cưỡi trên lưng một con lừa mẹ. Họ trải áo choàng xuống trên đường qua lại, để đón chào một vì vương đế của dân It-ra-en, đang xuất hiện. Trong đoàn lũ có mặt hôm đó, rất nhiều người đã đinh ninh rằng : giờ phút Thiên Chúa giải thoát dân  Ngài khỏi ách nô lệ của người Rô-ma đã bắt đầu mở ra. Nhân danh Ngài, Đức Kitô chẳng bao lâu nữa, sẽ vùng lên, làm cách mạng xua đuổi quân đội thực dân ra khỏi mọi biên thùy của đất nước It-ra-en. 

Trước đóù một thời gian, nhất là từ sau ngày Đức Kitô làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, để phân phát cho quần chúng đói khát, đã ba ngày đi theo nghe Ngài rao giảng Tin Mừng... cũng có một số người lầm tưởng rằng : Đức Kitô sẽ tiếp tục nuôi sống họ suốt đời, bao lâu họ đi theo Ngài. Thậm chí sau này, trong các giáo đoàn, thoảng hoạt vẫn còn có một số người « ăn không, ngồi rỗi », suốt ngày mong đợi Đức Kitô trở lại lần thứ hai, trong « vinh quang ».

Đức Tin thực sự của người Kitô-hữu không đặt nền móng trên những ảo vọng và chờ đợi vật chất như vậy. Với câu chuyện « Hai môn đệ trên đường đi Ê-Mau », Thánh Luca muốn nhắn gởi và nhấn mạnh một điều rất quan trọng, cho những ai ngày ngày « đi theo Đức Kitô », làm đồ đệ của Ngài. Tin vào Đức Kitô là kết dệt những quan hệ chia sẻ với Ngài, theo giáo lý của Phúc Aâm Thứ Ba.

 Trước hết, chúng ta chia sẻ với Ngài cuộc đời làm người của chúng ta với bao nhiêu lo âu, khổ đau, trăn trở, thất vọng... Hẳn thực, đối với rất nhiều người, cuộc đời là một « chặng đường Thánh Giá » gần như bất tận. Văn hào Elie Wiesel, nguời gốc Do Thái, sau một lần chứng kiến cảnh tượng người Đức quốc xã hành hạ, chà đạp và sát hại một trẻ em Do Thái, trong một trại tập trung, đã thét la lên, một cách tuyệt vọng : «  Thiên Chúa mà tôi yêu mến và tôn thờ, có thực sự hiện hữu hay không ? Nếu Ngài hiện hữu, Ngài đang ở đâu ? Sao Ngài có thể chấp nhận cho phép xảy ra những điều, mà chính mắt tôi đã chứng kiến ?... ».

Người Kitô-hữu có quan hệ thiết thân và sống động với Đức Kitô, có thể trả lời cho tác giả E. Wiesel rằng : Thiên Chúa đang đồng cảm và đồng hành, với mỗi một người trong chúng ta. Qua con người thực sự và trọn vẹn của Đức Kitô, trên con đường khổ nạn và cuối cùng trên Thánh Giá, Thiên Chúa đã chia sẻ « tất cả với tất cả mọi người », nhất là những ai đang bị hành hạ, bắt bớ, lao tù, sát hại... trên những chặng đường làm người của mình. Ngài đã « bị đóng đinh » vào Thánh Giá VỚI chúng ta, NHƯ chúng ta và CHO chúng ta. 

Với một lối nhìn như vậy, cuộc sống Đức Tin của chúng ta không phải chỉ là một câu nói, một lời tuyên xưng, ở đầu môi chót lưỡi mà thôi. Đức Tin, trái lại, là một quan hệ giữa hai người : Đức Kitô và tôi. Ngài đã một lần chia sẻ với tôi toàn thể cuộc sống và thân phận làm người « cho đến hơi thở cuối cùng ». Phần tôi, tôi cũng đang hiến dâng cho Ngài toàn thể khổ đau thuộc thân phận làm người của tôi, thậm chí những lần tôi chìm đắm trong tội lỗi, phản bội... rồi sau đó cố gắng vươn mình đứng thẳng lên, nhưng sức nặng ù lì vẫn tiếp tục dìm sâu con người của tôi, như trước đây trong quá khứ. Chừng nào tôi cùng với Đức Kitô khổ đau và phấn đấu, can trường chỗi dậy, trong những bước đi lầm than và té ngã của tôi, bình minh của Hồng Aân Thứ Tha đã bắt đầu tuôn ra khỏi cạnh sườn của Ngài và hướng dẫn những bước chân ngập ngừng, do dự của tôi.

Vậy, ai có thể « cứu tôi khỏi xác chết đầy tội lỗi nầy » ? Thay vì CHỈ chia sẻ thân phận làm người với tôi, để rồi chấp nhậân chết tất tưởi cho tôi, trên Thánh Giá, Đức Kitô còn chia sẻ với tôi Thánh Thần của Ngài. Đó cũng là Thánh Thần của Thiên Chúa Ngôi Cha, có khả năng ban Sự Sống và Hồng Ân Cứu Độ cho tôi. Thánh Thần đã làm cho Đức Kitô Sống Lại như thế nào, thì qua các Bí Tích Rửa Tội và Thánh Thể, cũng một Thánh Thần ấy đang làm cho tôi sống lại, với Đức Kitô, như Đức Kitô. 

Thánh Thần có mặt trong Lời Chúa. Ngài làm cho tâm hồn tôi bừng cháy lên, có khả năng hiểu rõ và nhớ lại những gì Đức Kitô đã loan báo và làm chứng về Ngôi Cha và Lòng Thương Yêu của Ngài.

Thánh Thần của Đức Kitô cũng có mặt, trong nghi lễ « Bẻ Bánh Tạ Ơn ». Nhờ sức mạnh thánh thiêng và diệu vợi của Ngài, con mắt Đức Tin của tôi được mở ra và có khả năng nhận biết Đức Kitô PHỤC SINH đang hiện diện thực sự với tôi, như Ngài đã hiện diện với hai môn đệ, trong bữa ăn chiều ở quán trọ, tại làng Ê-Mau.

Qua hình hài của một chiếc bánh đơn sơ nhỏ mọn, Đức Kitô Phục Sinh đang trở thành Của Ăn nuôi sống Đức Tin của tôi, và làm cho tôi càng ngày càng lớn lên, theo mọi tầm vóc và chiều kích do Thiên Chúa Ngôi Cha đã lên kế hoạch, từ muôn thuở muôn đời, trước khi trời đất, vũ trụ được tạo thành. Rốt cuộc, giống như Thánh Phaolô, tôi có thể khẳng quyết một cách can trường và trung thực : «  Tôi sống, nhưng đâu phải là tôi. Chính Đức Kitô sống trong tôi. Sống, đối với tôi, chính là Đức Kitô ». Tôi tham dự, một cách năng động, vào công trình thực hiện Trời Mới và Đất Mới của Thiên Chúa Ba Ngôi - Cha, Con và Thánh Thần.

 

 

Tác giả: Gs. Nguyễn Văn Thành

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!