Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Gs. Nguyễn Văn Thành
Bài Viết Của
Gs. Nguyễn Văn Thành
Khi nào Quê Hương là một cơ cấu bệnh hoạn?
Nguy cơ Tự Bế (nơi trẻ em từ 0 đến 7 tuổi)
Khi nào Quê Hương là một cơ cấu bệnh hoạn ?
CON ĐƯỜNG BAO DUNG (trong Văn Hóa và Huyền Sử Việt Nam)
ĐỂ TÁI DỰNG ĐẤT NƯỚC : PHÁT HUY VÀ TẬN DỤNG « TƯ DUY MÀU XANH LỤC »

   

Tóm lược : 1.-Cơ bản của Tư Duy Màu Xanh Lục : Định luật BIẾN CHUYỂN,

                     2.- Bảy định luật của Tư Duy Màu Xanh Lục.

« Xanh Lục hay là màu xanh lá cây » biểu tượng mầm non và nhựa sống trào dâng trong tâm hồn và huyết mạch của con người. Xanh Lục báo hiệu một Mùa Xuân đang dâng lên, khi cảnh vật và con người cùng nhau quyết định đứng lên, nhìn tới đằng trước và bắt tay khởi đầu lại một chu kỳ mới, trong tâm hồn và cuộc đời. 

Cũng vì lý do đó, Tư Duy Màu Xanh Lục mời gọi từng người hãy tái dựng Mùa Xuân trong tâm hồn của mình, cũng như trên mọi nẻo đường của Đất Nước. Hãy cố quyết bỏ lại đằng sau những con đường vòng vèo, xiêu vẹo và luẩn quẩn. Mỗi người trong chúng ta, bất phân chính kiến, tôn giáo, phái tính hay là nơi xuất phát…hãy can đảm chết đi, chôn vùi những ngày đông giá, khô cứng, lạnh lẽo. Đập tan những bức tường hận thù, thiên kiến, ích kỷ, chia rẽ. Hà hơi, tiếp sức và gọi mời nhau vùng đứng lên, sống lại, nắm tay nhau đi ra vùng nắng ấm của hiện tại. Ngay bây giờ, « trăm người như một và một người như trăm »…cùng nhau chuẩn bị cho mùa màng sắp tới. 

Để làm công việc ấy, trong từng phút từng giây, chúng ta hãy trang bị cho chính mình và cho nhau, một loại Tư Duy Màu Xanh lá cây.

1.- Cơ bản của loại Tư Duy nầy là chấp nhận một cách sáng suốt, không chút sợ hãi, không hẹn rày hẹn mai, đón nhận một cách can trường định luật biến chuyển thường xuyên của Trời Đất, Vũ Trụ và Con Người.

- Hẳn thực, chúng ta phải biến chuyển lúc thành công.

- Chúng ta càng phải biến chuyển, khi ý thức và chấp nhận mình ĐÃ và ĐANG thất bại.

- Để SỐNG và CÒN, chúng ta và Đất Nước không thể không biến chuyển.

- Không chấp nhận đóng vai trò chủ động, trong những biến chuyển thiết yếu, chúng ta sẽ dần dần trở thành nạn nhân tất yếu, trong những biến chuyển do Trời Đất hay là một ai khác đóng vai trò khởi xướng, chỉ đạo và chủ động.

- Biến chuyển là định luật tiến bộ, trong lãnh vực tư duy, cũng như trong bao nhiêu cố gắng tạo hạnh phúc cho bản thân và cuộc đời.

- Khả năng biến chuyển là nguồn gốc và điều kiện tất yếu –Ananké trong tiếng Hi Lạp- để có thể dấn bước vào con đường tiến bộ, hạnh phúc. Đó là con đường dẫn đến đạo đức và sức khỏe tâm trí. Ù lì, bị động và lượn lẹo, trái lại, là bước đầu của một con đường thoái hóa, sa đọa, vô liêm sỉ và bất chính… 

Thế nhưng, chúng ta cũng hãy ý thức, một cách hoàn toàn sáng suốt : mọi biến chuyển có thể trở nên biến động, biến loạn, khả dĩ tạo nên những đổ vỡ kinh hoàng hay là những mất mát tai hại, có thể mang lại nhiều gian truân và khổ đau. Chính vì lý do nầy, để mọi biến chuyển có thể trở nên một động lực, một con đường tiến bộ và tăng trưởng, Tư Duy Màu Xanh Lá Cây đề xuất ba điều kiện chủ yếu :

-         Điều kiện Một : Ý thức một cách thành tâm và can đảm về chức năng tích cực, năng động của mọi biến chuyển. Mầm móng tiến bộ ở ngay trong lòng mọi biến chuyển. Tuy nhiên, trong những giai đoạn đầu tiên, những biến chuyển ấy có thể tạo ra trước mắt những khổ đau, mất mát đành rành và cụ thể.

-         Điều kiện Hai : Đóng vai trò chủ động, trong mọi biến chuyển, bắng cách chấp nhận vô điều kiện định luật phổ quát của biến chuyển nầy. Chủ động có nghĩa là tìm hiểu và sử dụng một định luật tự nhiên, khẩn thiết, khi định luật ấy chi phối toàn diện cuộc sống của con người và vạn vật, trong Trời Đất và Vũ Trụ. Hẳn thực, Trời Đất mà con phải biến chuyển. Huống hồ con người.

-         Điều kiện Ba : Từ bây giờ và ở đây, tức khắc hành động, trong những điều kiện cụ thể và thực tế thuộc tầm tay của mình, để chuẩn bị và dự phóng con đường đi tới và đi lên, cũng như đi VỚI anh chị em. Không bị động, không chờ thời như « cái gì phải đến sẽ đương nhiên xảy đến ». Không than thân trách phận hay là nguyền rủa cuộc sống và đổ lỗi cho người khác hai bên cạnh… nhất là những ai ở phía « bên kia », khác thế hệ, thuộc quá khứ…đã kinh qua và cảm nhận những khổ đau « không hoàn toàn giống như chúng ta ».

Thêm vào đó, chúng ta hãy nhớ rằng : công cuộc chuẩn bị tinh thần và tâm hồn, hay là con đường hóa giải Tầm Nhìn của chúng ta là những chặng đường tràn đầy gian khổ và hố sâu thăm thẵm rất khó vượt qua.

Câu chuyện sau đây,  có hương vị và màu sắc Thiền học, giải bày một phần nào, quan điểm vừa mới được trình bày :

-         Một thiền sinh đưa ra câu hỏi : « Hãy chỉ cho tôi một quê hương nào không có băng giá rét lạnh, không có những ngày hè oi bức, nóng nực… »,

-         Thiền sư trả lời : « Bạn hãy đi tìm, rồi bạn sẽ gặp… »,

-         Tôi đã lên Bắc, xuống Nam. leo Rừng, vượt Núi. Tôi đã trực chỉ phía Đông, lặn lội, bơi chèo về phía Tây… Nhưng đâu đâu, trời hè cũng oi bức. Đâu đâu, trời đông vẫn cứ tiếp tục lạnh lẽo…

-         Thế thì, từ bây giờ, khi hè đến, bạn hãy đổ mồ hôi cùng với kẻ khác. Khi tiết đông về, bạn hãy thanh thản trùm chăn giống như bà con thôn xóm. 

Tôi hy vọng, khi nghe câu chuyện nầy, không một ai cho mình cái quyền ngộ nhận rằng : Tư Duy Màu Xanh Lá Cây chỉ là một thái độ an phận, thủ phận, chấp nhận số kiếp hẩm hiu từ trên ban xuống hay là từ ngoài áp đặt vào. Thực ra Tư Duy này kêu mời mỗi người hãy ngày ngày thực thi một cuộc cách mạng chiều sâu. Chính mỗi người hãy cố quyết chuyển hóa bản thân và cuộc đời của mình, thay vì hô hào hay là đòi hỏi kẻ khác cũng như xã hội bên ngoài phải thay đổi những gì cần thay đổi, theo như nguyện vọng và ý định một chiều của chúng ta.

Nói khác đi, mỗi người không trừ sót một ai, hãy tự hỏi lòng mình : Ngày mai, khi toàn diện Trời Đất chuyển động, tôi sẽ phải LÀM gì ? LÀ gì ? NGHĨ gì ? Tôi có trách nhiệm đóng góp thế nào cho bao nhiêu người không có cơ may giống như tôi ?

Tự vấn như vậy là sẵn sàng đặt mình vào quĩ đạo của Tư Duy Màu Xanh Lục. Đây là một loại Tư Duy Song Phương, Lưỡng Cực. Vừa có mình, vừa có người khác, cả hai – người khác và tôi- đều chủ động đóng góp phần sáng tạo của mình, chứ không phải tôi làm công việc « chỉ tay năm ngón », đòi hỏi kẻ khác phải làm, đương khi chính mình thích ba hoa chích chòe, bằng mồm miệng, không bao giờ bắt tay vào làm với anh chị em và như anh chị em. Theo Kinh Dịch, khi ở giai đoạn « Thịnh Âm », phải chăng chúng ta hãy đang bắt đầu công việc « Hóa Dương »… Cũng như khi chiếc xe còn đang chạy « ngon trớn », trên đoạn đường trường, chúng ta đã làm công việc sắm sẵn « bánh xe trừ bị ». Huống hồ, máy xe của chúng ta đã rò rè, sình sọp… từ mấy đời mấy kiếp. 

Theo Tư Duy duy lý, được thịnh hành trong nền văn hóa Âu Mỹ, thái độ ấy có thể bị chụp mũ là « ba phải, bắt cá hai tay ». Lý luận cơ bản của Tư Duy nầy có hình thức như sau : Hoặc Âm hoặc Dương. Hoặc Sai hoặc Đúng. Nguyên Lý Đồng Nhất cũng có một nền tảng y hệt như vậy : Cái nầy là cái nầy. Cái nầy không phải là cái kia.  

Tư Duy lưỡng cực, trái lại, là một con đường nối kết những quan điểm khác biệt và thậm chí đối nghịch nhau. Hẳn thực, mỗi vật và mọi vật vừa là âm ở một khía cạnh nầy, nhưng lại là dương nếu được nhìn ở một gốc độ khác. Cũng vậy, không ai SAI hoàn toàn một trăm phần trăm. Và trong thân phận làm người, không ai luôn luôn ĐÚNG hoàn toàn, trong mọi lãnh vực của cuộc sống. Cơ bản của Tư Duy Lưỡng Cực và Song Hành là nguyên lý tương tức : Sở dĩ cái nầy có là vì và nhờ cái kia có. Trong cái nầy, đã có mầm móng của cái kia. Trong khi đó, theo Tư Duy duy lý cực đoan của Âu Mỹ, mỗi vấn đề chỉ có một giải đáp duy nhất. Đó là giải đáp chân lý. Và chân lý chỉ có MỘT mà thôi. 

2.-Để cụ thể hóa những nhận định vừa được quảng diễn, chúng ta hãy cùng nhau khảo sát bảy số động tác chủ yếu thuộc loại Tư Duy lưỡng cực và song hành nầy :

-         Thứ nhất, Tư Duy Lưỡng Cực nầy vận chuyển thường xuyên giữa hai hay nhiều thái cực. Khi đang ở vào vị trí nầy, Tư Duy Song Hành không bỏ quên vị trí đối diện và đối nghịch. Khi hoạt động với một cơ cấu hay là kế hoạch này, Tư Duy Song Hành đã chuẩn bị, tạo cơ hội thuận tiện cho một cơ cấu và kế hoạch khác có thể xuất hiện.

-         Thứ hai, thay vì lý luận để khám phá đúng-sai, hơn-thua hay là xấu-tốt… và tiếp theo là khai trừ, loại thải, biện minh hay là tán đồng… Tư Duy Lưỡng Cực nầy luôn luôn cố gắng tạo cơ hội, để hai thái cực có thể gặp gỡ nhau, trên một bình diện hay giao điểm mới. Từ ngoài nhìn vào, thái độ có thể bị đánh giá là vá víu, bắt râu ông nọ đặt cằm bà kia. Tuy nhiên, đây là một tầm nhìn MỚI, hoàn toàn xa lạ đối với một quan điểm duy lý. Thế giới thi phú, nghệ thuật… không thể đồng hóa với thế giới toán học hay là khoa học. Ngôn ngữ biểu tượng cũng là một nhu cầu thiết yếu, trong đời sống và sinh hoạt của con người, có khả năng bổ túc những gì đang còn thiếu sót, trong ngôn ngữ chính xác của khoa học. Mỗi ngôn ngữ đều có những cấu trúc và giá trị đặc thù của mình. Tuy nhiên, trong những tình huống trọng đại,  « quốc gia hữu sự », Đất Nước mời gọi mỗi người trong chúng ta hãy trở thành những thành viên, những đứa con có « trăm con mắt » để thấy, « trăm bàn tay » để làm, « trăm quả tim » để yêu, cùng với những anh chị em khác. 

Thứ ba, Tư Duy Song Hành lưu tâm đặc biệt đến tính chất « Toàn Bộ, Toàn Diện » của mỗi vấn đề được khảo sát. Tư Duy nầy cung ứng cho chúng ta một TẦM NHÌN bao quát, vượt ra ngoài những điều kiện và giới hạn của khoảnh khắc hiện tại mong manh. 

Phương tiện trình bày và diễn đạt của loại Tư Duy toàn đồ nầy là nhũng đồ hình, những mặt bằng kiến trúc, những hoạt họa, những cấu trúc với đầy đủ ba chiều kích thuộc không gian. Đương khi đó, tư duy duy lý luôn luôn bắt đầu bằng những nhận thức cục bộ, để rồi từ từ tiến lên một Tầm Nhìn Toàn Bộ, Toàn Đồ. Tuy nhiên, trong thực tế, Tầm Nhìn Toàn Bộ chỉ là ý kiến hay là quan điểm của kẻ thắng, của người có quyền lực, của « Đa Số », vói một ý đồ dập tắt, tiêu hủy, loại trừ Tầm Nhìn của « Toàn Thể, Toàn Diện, hay là của « Toàn Dân nghe chăng Sơn Hà nguy biến ». 

Giấc mơ là một minh họa cụ thể của loại Tư Duy Lưỡng Cực và Song Hành. Trong loại Tư Duy nầy, mọi khuynh hướng đều có chỗ đứng. Mọi Lời Nói đều được lắng nghe, tìm hiểu, nối dài, tuy dù Lời ấy chưa được phát ra thành Tiếng.

Giấc mơ sử dụng ba lề lối diễn tả độc đáo : 

1.    Xếp đặt lại với nhau, bên cạnh nhau hai hay nhiều hình ảnh có thể đang hoàn toàn đối nghịch nhau,

2.    Cô đúc nhiều hình ảnh lại với nhau thành một hình ảnh duy nhất có ý hướng đa năng, đa diện,

3.    Di chuyển và trao đổi qua lại các ý nghĩa giữa hai hay nhiều hình ảnh rất khác biệt và xa lạ với nhau thành một thực thể đa phức, trong đó yếu tố nầy có thể gợi lại yếu tố kia, ý nghĩa nầy có liên hệ với ý nghĩa khác.

Nhờ vào những cơ chế diễn tả này, một giấc mơ có thể bao gồm nhiều ý nghĩa thuộc nhiều bình diện rất khác nhau, phản ánh nhiều tình hình hiện tại, loan báo những dự phóng hoặc mộng tưởng trong tương lai, làm sống lại những nguồn lực phong phú đã có mặt trong quá khứ gần và xa, cũng như đang còn tác động bằng cách nầy hay cách khác, trong hiện tại và tương lai. 

Nói một cách tóm gọn, hai loại Tư Duy Lưỡng Cực và Duy Lý bắt nguồn vá phát sinh từ hai Tầm Nhìn hoàn toàn khác biệt và mâu thuẫn. Một bên là đấu tranh và khai trừ. Bên kia là phối trí, bổ túc và trao đổi. Một bên là phân biệt kẻ thắng người thua. Bên kia là bao dung, kết nạp tất cả. Mọi người được cư xử và đãi ngộ trong tư cách là thành viên toàn phần và bình đẳng của một toàn thể. Đất Nước của chúng ta có rất nhiều chỗ. Tội lụy gì mà chúng ta phải đày ải người anh chị em của mình ra đầu đường xó chợ, hay là chôn vùi họ trong lao tù tăm tối ? Khốn nạn cho tấm thân tôi, nếu tôi chỉ đề cao bộ óc «quan trọng ở trên » và khinh thường hay là bạc đãi những chi thể « hèn hạ, bần tiện ở dưới ». 

Cho đến hôm nay, anh chị cũng như tôi, chúng ta đã coi thường những giấc mơ của Nước Non ngàn dặm. Những giấc mơ còn đang trở về trong mỗi người, vào mỗi đêm tối. Hôm nay là lúc thuận lợi, chúng ta hãy trở về với giấc mơ « Một Mẹ với trăm đứa con ». Hãy lắng nghe một cách cẩn trọng ngôn ngữ « không lời » của những giấc mơ đang xuất hiện và nhắn nhủ, như « Lạc Long Quân », « Mẹ Âu Cơ » , « Thánh Gióng » hay là « Thần Kim Qui »…Nhờ vào những giấc mơ như vậy ĐANG trở về, chúng ta sẽ có khả năng thăng tiến bản thân và làm mới cuộc đời… nếu chúng ta biết học tập lắng nghe, tìm hiểu, khám phá những chiều kích đang bị quên lảng  và dồn nén, trong những chiều sâu thăm thẵm của tâm hồn.

Ngày 18 tháng 12 năm 2007

NGUYỄN Văn Thành

Orsonnens Fribourg, Thụy Sĩ

 

NB.- Tiếp theo bài số Một nầy nhằm định nghĩa ba tác động chủ yếu 1-3 của Tư Duy Màu Xanh Lục,

Đón đọc bài kế tiếp : Những tác động từ số 4 đến số 7 của Tư Duy Màu Xanh Lục.

Tác giả: Gs. Nguyễn Văn Thành

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!