Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
Bài Viết Của
Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
Đêm Hồng Phúc
Phái đoàn Việt Nam tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới
Bật gốc
Đẽo chân theo giày
Mong manh
Đức giám mục Hải Phòng hiệp thông với gia đình ông Đoàn Văn Vươn
Ngôi mộ trống
Thông báo của Uỷ ban Giới trẻ, HĐGMVN
Chúc Mừng Giáng Sinh và Năm Mới 2009 của Giáo phận Hải Phòng
SỨ ĐIỆP CỦA NGÔI MỘ ĐÁ
ƠN GỌI NÊN THÁNH
BÀI GIẢNG LỄ TẤN PHONG GIÁM MỤC TẠI BẮC NINH 07-10-2008
Thư Hiệp Thông của Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên, GM. Hải Phòng
LỜI NHẬP THỂ

 

“Lời đã trở nên xác phàm và cư  ngụ giữa chúng ta” (Ga,1,14)        

Vì yêu thương, Thiên Chúa đã muốn ngỏ lời với con người. Ngài ngỏ lời với họ bằng nhiều phương thế khác nhau. Lời mà Ngài muốn ngỏ với con người không xa lạ với cuộc sống đời thường, nhưng rất đỗi gần gũi, thân thương. LỜI đã trở nên xác phàm.           

1- Ngôn ngữ của Thiên Chúa nhập thể trong ngôn ngữ  loài người.

Khi nói đến Mầu nhiệm Nhập thể, chúng ta nghĩ ngay đến việc Con Thiên Chúa làm người nơi cung lòng Đức Trinh Nữ Maria, ngay từ giây phút Mẹ thưa với Thiên Thần: “Này tôi là tôi tớ Chúa, xin hãy thành sự nơi tôi như lời Ngài nói” (Lc 1,38). Tuy vậy, chúng ta có thể khẳng định Lời Chúa đã nhập thể ngay từ buổi bình minh của nhân loại, khi Lời ấy được nói bằng ngôn ngữ con người, đó là Thánh Kinh. Thánh Kinh là Lời của Thiên Chúa nói với con người, theo phong cách của con người, để con người có thể hiểu được và lĩnh hội điều Thiên Chúa muốn mạc khải cho họ.  Từ thuở ban sơ, Lời ấy đã nhập vào lời của con người, mang nét đặc trưng của nền văn hóa Lưỡng Hà, với những câu ngạn ngữ, với những hình ảnh so sánh bình dân, những nét văn phong của thời đại.

Nếu  Thiên Chúa nói với chúng ta bằng Lời của Ngài, chúng ta không thể hiểu được. Trên núi Sinai, khi Thiên Chúa nói với Ông Môi-sen để truyền ban Luật Giao ước, dân chúng chỉ nghe thấy tiếng ầm ầm vang dậy như tiếng sấm, trời đất rung chuyển, khói bốc lên như lò lửa khiến mọi người kinh hoàng đến nỗi họ phải thưa với Ông Môi-sen: “Xin chính Ông nói với chúng tôi, chúng tôi mới dám nghe; nhưng xin Thiên Chúa đừng nói với chúng tôi, kẻo chúng tôi chết mất” (Xh 20,19).

Công Đồng Vatican II đã nói đến “sự hạ cố kỳ diệu của Đức Khôn ngoan vĩnh cửu” khi nói về Mạc khải trong Thánh Kinh. (MK 13). Quả vậy, khi ngỏ lời với con người, Thiên Chúa đã chấp nhận hạn chế bớt vinh quang của mình để chấp nhận “thích ứng”, để rồi Lời của Ngài đã “trở nên tương tự với ngôn ngữ loài người”, là ngôn ngữ còn nhiều giới hạn. Sự “hạ cố kỳ diệu” để ngỏ lời với con người đã là khởi đầu của Màu nhiệm Nhập thể. Vâng, khi ngỏ lời với nhân loại, Thiên Chúa đã khởi đầu chương trình “Lời nhập thể” của Ngài. Qua đó, Ngài muốn khẳng định với họ rằng: Ngài yêu thương họ và luôn mong họ được hoàn thiện. Chúng ta thấy rõ nội dung giáo huấn này qua các ngôn sứ trải qua nhiều thời đại khác nhau. 

2- Thiên Chúa nhập thể qua việc tạo dựng con người

Thiên Chúa muốn để lại dấu ấn của Ngài nơi gương mặt con người. Khi sáng tạo nên con người. Ba Ngôi Thiên Chúa bàn tính: “Chúng Ta hãy dựng nên con người giống hình ảnh Chúng Ta, giống như Chúng Ta…” (St 1,26). Thiên Chúa là Đấng vô hình. Loài người không thể nhìn thấy Ngài được. Qua việc sáng tạo con người. Thiên Chúa muốn qua gương mặt của con người để phản ánh chính gương mặt của Ngài. Nói cách khác, Thiên Chúa muốn gửi gắm hình ảnh của Ngài nơi gương mặt con người. Ngài muốn NHẬP THỂ, muốn LÀM NGƯỜI, để rồi từ nay Thiên Chúa không còn xa con người, nhưng bất kỳ ai, nếu đối xử thân tình nhân đạo với nhau là họ được gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng đang hiện diện nơi mỗi con người. Như người cha để lại dấu ấn của mình nơi con cái, Thiên Chúa muốn cho con người nhận ra Ngài trong khuôn mặt của anh chị em mình. Gương mặt của tha nhân nhắc bảo chúng ta hình ảnh của Thiên Chúa. Vì vậy, thân phận con người không phải chỉ là hạt bụi, không phải chỉ đớn hèn vì bởi đất mà ra, mà con người còn có sứ mạng cao quý là phản ánh chính vinh quang của Thiên Chúa, trở nên một với Ngài.

Sau cuộc thảm sát tàn khốc trong Đại chiến thế giới lần thứ hai (1939-1945), con người được mời gọi suy tư về trách nhiệm của mình đối với tha nhân. Con số những nạn nhân bị giết trong lò thiêu của Đức Quốc Xã đã đặt ra cho nhân loại những dấu hỏi ai oán: chiến tranh đã làm gì đối với những nhân vị mang hình ảnh của Thiên Chúa ? Một số triết gia thời kỳ này (được gọi là “Hậu -  Auschwitz” – một địa danh gợi lại sự giết chóc kinh hoàng của Đức Quốc Xã từ năm 1940-1945), đã đặt lại vấn đề liên quan đến đạo đức. Điển hình là triết gia Emmanuel Levinas (1906-1995), một người gốc Do Thái mang quốc tịch Pháp, đã nhấn mạnh đến trách nhiệm của mỗi người khi nhìn khuôn mặt của tha nhân. Gương mặt của tha nhân gợi lên cho  tôi một bổn phận, một trách nhiệm. Tôi nhìn thấy gương mặt của tôi nơi khuôn mặt của tha nhân. Sự hiện diện của tha nhân  luôn nhắc tôi phải làm gì đối với họ. Bởi tôi phải đồng cảm với nỗi đau cũng như niềm vui của họ. Thiên Chúa là Đấng nối kết mọi người vì mọi người đều mang hình ảnh của Ngài. Thiên Chúa đã muốn “nhập thể” khi để lại dấu ấn của Ngài nơi gương mặt của con người để mời gọi con người có trách nhiệm với nhau.           

3- Đức Giêsu –  Lời nhập thể

Nếu LỜI đã nhập thể ngay từ khi Thiên Chúa muốn nói với con người, tức là từ thuở hồng hoang của công trình sáng tạo, thì đến lúc “thời gian tới hồi viên mãn” (x Gl 4,4), Thiên Chúa lại muốn cho Lời ấy mang lấy thân phận cụ thể của con người. LỜI không chỉ còn là ÂM THANH hay NGÔN NGỮ, nhưng đã hóa thành XÁC THỊT. Nhập thể làm người, đó là điều chỉ có Thiên Chúa mới làm được. Đó là ngôn ngữ hùng hồn nhất để diễn tả tình thương của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã trao ban cho con người chính Lời của Ngài, chính Con Một của Ngài. Và khi trao ban Con Một là Ngài trao ban tất cả. Con Thiên Chúa đã trở nên yếu hèn, đã đau khổ vì chúng ta. Nhờ việc Ngôi Lời đến trong xác phàm, con người có thể được trở nên Con Thiên Chúa nếu biết mở rộng tâm hồn đón nhận Lời của Thiên Chúa. Đây là sự trao đổi kỳ diệu tuyệt vời. Một vị vua cao cả đã mặc lấy thân phận của thường dân để cho thường dân được trở nên hoàng đế.

Từ ban đầu, Thiên Chúa chỉ phán một Lời. Lời ấy đã âm vang đến tận cùng trái đất. Lời ấy đã làm Chúa Cha hài lòng. Qua Đức Giêsu Ngôi Lời nhập thể, Lời của Thiên Chúa đã “hạ cố” đến trần gian, không chỉ nói lời của con người như trong Cựu ước, nhưng SỐNG thân phận con người, CHIA SẺ cuộc sống con người. Người đã trở nên giống con người trong mọi sự ngoại trừ tội lỗi (x Dt 4,15).  Thư Do Thái đã khẳng định: vì đối tượng cứu độ không phải là các thiên thần, nên Lời Thiên Chúa đã trở nên người phàm để chung chia thân phận với họ. “Bởi thế, Người đã phải trở nên giống anh em mình về mọi phương diện, để trở thành một vị thượng tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân. Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách” (Dt 3,17-18)

Con người qua mọi nơi mọi thời luôn khát vọng vươn lên gặp gỡ Đấng Tối Cao. Nay, để đáp ứng ước vọng ấy của con người, Thiên Chúa đã “cúi mình xuống” để nâng họ lên. Vì nếu tự sức mình, con người không thể vươn lên được. Chính Thiên Chúa đã có sáng kiến đến gặp gỡ con người, “Ngài đã yêu thương chúng ta trước” (1 Ga 4, 19).           

4- Những ai đón nhận Người…

Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể đang hiện hữu nơi cuộc đời này. Sứ vụ Đấng Cứu thế không hoàn toàn chấm dứt với biến cố Người về trời. Bởi lẽ Người luôn hiện diện giữa chúng ta khi chúng ta cầu nguyện nhân danh Người. Người ở đây,nơi chúng ta thực thi Lời Người qua nghĩa cử bẻ bánh, nghĩa cử huynh đệ yêu thương. Người hiện diện nơi mỗi con người, dù người đó đón nhận Người hay không.

Cũng như thân xác chúng ta hằng ngày được nuôi dưỡng bởi lương thực vật chất. Lương thực ấy, qua sự vận hành của các cơ năng, trở thành máu thịt, trở thành sức mạnh thể lý và tinh thần của chúng ta. Qua Lời Chúa, chúng ta được nuôi dưỡng và được tăng thêm sức mạnh. Mình và Máu Đức Giêsu mà chúng ta lãnh nhận cũng được biến đổi thành máu thịt của ta. Nhờ được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa và Mình Chúa, chúng ta mang gương mặt của Đức Giêsu, chúng ta có cử chỉ của Đức Giêsu, có lời nói của Đức Giêsu, có cái nhìn, lòng bao dung, sự quảng đại của Đức Giêsu. Bởi Đức Giêsu Nhập Thể đang “nhập” vào “thân thể” của tôi. Ngài biến đổi tôi thành thân thể thần linh của Ngài, để trở thành một chi thể trong thân thể bao la là chính Giáo hội.

Như thế, mỗi tín hữu là một “Thần linh nhập thể” hay là chính Đức Kitô nhập thể. Người đang hiện diện trong họ, qua lời nói, cử chỉ và cách sống. Người tín hữu sống mà ý thức rằng “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Chính Đức Kitô là nguồn sống của tôi (x Cl 3,4). Cánh tay của tôi là cánh tay của Chúa; đôi mắt của tôi là đôi mắt của Chúa. Mọi việc tôi làm đều phản ánh sự hiện diện của Đấng đã “Nhập thể”, đã “vào đời” để làm cho đời này toả hương hạnh phúc.

Thiên Chúa của chúng ta không phải là một vị thần linh từ trên cao ngó nhìn loài người với lòng thương cảm. Ngài là Cha chúng ta. Ngài đã muốn đến với con người để nói với họ rằng: “Cha yêu con từ thuở đời đời”. Tâm tình ấy cũng không chỉ được thể hiện qua ngôn ngữ mà bằng một NGÔI VỊ, bằng NGƯỜI CON CHÍ ÁI. Đạo của chúng ta là Đạo làm người để nâng cao con người và giải thoát họ. Sách Trung Dung, thuộc bộ Tứ Thư, có ghi lại lời Đức Khổng Tử:  “Đạo bất viễn nhân. Nhân chi vi Đạo nhi viễn nhân, bất khả dĩ vi Đạo” (Đạo vốn ở nơi người chớ chẳng xa. Nhưng nếu người ta làm cho đạo tách xa mình thì chẳng phải là Đạo nữa rồi – Sách Trung Dung, chương 13). Đạo đã làm người, hiện diện nơi con người, vì yêu thương con người và muốn ở lại giữa con người.

Nhưng, nếu Thiên Chúa muốn làm người để sống thân tình với chúng ta thì con người lại “không muốn làm người”, con người đang muốn lợi dụng tự do để hạ thấp phẩm giá của mình, làm cho mình không còn xứng với phẩm giá cao cả mà Thiên Chúa muốn tạo nên cho họ. Con người luôn bị cám dỗ khước từ thiên chức làm người để muốn làm Thiên Chúa. Cơn cám dỗ của Adam Evà từ thời nguyên tổ vẫn tồn tại. Tệ hơn nữa, con người còn muốn tạo ra một thứ “thượng đế” theo ý mình, nhằm phục vụ sự ích kỷ của mình. Chiến tranh, khủng bố, buôn bán phụ nữ trẻ em, nghiên cứu nhân bản người, đồng tính luyến ái, hôn phối theo hợp đồng, chết êm dịu… là những hình thức  nô lệ mới mà con người đang lạm dụng để làm biến dạng chính mình và tha nhân. Bởi đó, con người không còn là hình ảnh của Thiên Chúa, mà trở thành một thứ hàng hóa, một sản phẩm được chế tạo tuỳ ý muốn, theo đơn đặt hàng của nền kinh tế thị trường.. 

Kết luận:  Màu nhiệm Nhập Thể mời gọi chúng ta hãy sống nhân bản hơn. Hãy quý trọng và phát huy phẩm giá con người, khởi đi từ chính bản thân mình để rồi có thể làm cho hình ảnh Thiên Chúa rực sáng nơi khuôn mặt của anh chị em. Sống Màu nhiệm Nhập thể là ý thức trách nhiệm cổ võ sự hiệp nhất và yêu thương. Đó cũng chính là sứ điệp của Thánh Kinh; đó chính là Thánh ý Đấng Tối Cao khi sai Con của Ngài nhập thể cứu độ trần gian.          

Hải phòng - Mùa Chay thánh 2006

+ GM. Giuse Vũ văn Thiên

Tác giả: Gm. Giuse Vũ Văn Thiên

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!