Chúa Nhật Lễ Lá và Tuần Thánh
Mt 26,14 - 27,66 ; Mc 14,1 – 15,47 ; Lc 22,1 – 23,56 ; Ga 18,1 - 19,42
Trong một ngôi nhà thờ bên Tây Ban Nha, có một thập giá cổ được giáo hữu rất tôn
sùng. Đó là tượng thập giá tha tội, tượng Chúa Giêsu bị đóng đinh có cánh tay
phải rời khỏi thập giá và hạ thấp xuống. Người ta có kể rằng dưới chân cây thánh
giá này, có một người tội lỗi đến với cha xứ. Tuy ông xưng thú mọi tội lỗi với
lòng thống hối ăn năn, cha giải tội lưỡng lự không biết có nên tha cho ông
không, vì thấy ông phạm quá nhiều tội. Sau cùng, cha nghiêm nghị bảo ông: "Tôi
ban phép giải tội cho ông nhưng mà trong tương lai thì phải để ý". Ông ta hứa
với cha xứ là sẽ cố gắng sửa mình và tránh mọi tội lỗi. Nhưng vì yếu đuối quá,
sau một thời gian ông lại tìm đến xưng tội, Lần này thì cha xứ nói với ông giọng
quả quyết: "Tôi ban phép giải tội cho ông lần này nữa là lần cuối cùng đó nghe".
Vài tháng trôi qua, ông lại tìm đến cha xứ và quỳ xuống chân cha năn nỉ: "Thưa
cha, con thống hối đến tận đáy tâm lòng. Lần nào con cãng nhất quyết giữ lời
hứa, nhưng con yếu đuối quá, xin cha tha tội cho con một lần nữa". Cha xứ đáp:
"Đâu có thể đùa giỡn với Chúa được. Tôi không ban phép giải tội cho ông nữa".
Khi đó cha nghe có tiếng nấc nghẹn ngào. Từ trên thánh giá, bàn tay phải của
Chúa Giêsu hạ xuống làm phép tha tội trên đầu người tín hữu thống hối. Rồi Chúa
Giêsu nói với vị linh mục: "Chính Cha đã đổ máu ra để cứu chuộc ông ấy chứ không
phải con". Và cũng từ ngày ấy, bàn tay của Chúa Giêsu chịu đóng đinh ở trong tư
thế ban phép xá giải.
Chúa treo trên Thập giá như Thánh Phêrô đã quả quyết: “Tội lỗi của chúng ta,
chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây Thập giá, để một khi đã chết với
tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà
anh em được chữa lành” (1P 2,24)
Chúa đã chết để cứu độ chúng ta như thánh Phaolô nhấn mạnh: “Đức Kitô đã chết vì
chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên
Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,8).
Thánh Gioan đã xác tín: “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ
như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà
chúng ta được sống” (1Ga 4,9). Ngài đã chết trên Thập giá cho chúng ta sống…
Tuần
Thánh là tuần lễ quan trọng nhất của các tín hữu Kitô, vì tuần lễ cuối cùng của
Chúa Giêsu: Ngài bước vào cuộc khổ nạn chịu chết và phục sinh. Bắt đầu từ Chúa
Nhật Lễ Lá: Chúa Kitô khải hòan vào Thành Giêrusalem (x. Mt 21,1-11; Mc 11,1-10;
Lc 19,28-40 ; Ga 12,12 -19 ) báo trước cuộc Phục sinh của Ngài. Tuần Thánh được
kế tiếp với Thứ Hai: Chúa nhìn thấy trước cái chết bằng việc để người phụ nữ
rửa chân với dầu thơm để nói về cái chết của Ngài (x. Ga 12,1-11), Thứ Ba: Ngài
thấy các môn đệ bỏ Ngài và đồ đệ trung tín chối Ngài (x. Ga 13,21-33.36-38) - và
Thứ Tư Tuần Thánh: môn đệ phản bội Ngài và bán Ngài, (x. Mt 26,14-25). Trước
khi ra đi, ra đi chịu chết vì nhân loại, Ngài trao ban Lời di chúc yêu thương
cùng với gia tài : Thánh Thể và Bí Tích truyền chức (Thứ Năm Tuần Thánh) Và Thứ
Sáu Tuần Thánh Ngài “lên đường vác thập giá trên vai đến nơi gọi là sọ trường,
tiếng Do Thái kêu là Gôngôta” (Ga 19,17) và chịu đóng đinh và chịu chết. Kết
thúc vào ngày Thứ bảy, bên Mộ thánh – nơi táng xác Ngài.
Tuần Thánh dành những khoảng khắc linh thiêng để nhìn lại chặng đường Thập giá
của Đức Kitô, con đường mà Ngài dâng hiến tình yêu bằng hy sinh trên thập giá:
“Không có tình yêu nào cao vời cho bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì
người mình yêu” (Ga 15, 13). Đường hy sinh dẫn Ngài tới cái chết cũng là đường
dẫn tới nguồn ơn cứu rỗi cho mọi người: Nơi thập giá, Chúa Giêsu qui tụ mọi
người trong ơn cứu độ và lôi kéo về cùng Cha: “Con Người cũng sẽ phải được
giương cao như vậy,
để ai tin vào Người thì được sống muôn đời (Ga 3,14b - 15) và chính Ngài xác
quyết: “khi nào Ta chịu đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta”
(Ga 12,32).
Mỗi năm, vào Tuần Thánh đặt mình trong thinh lặng trước Chúa Giêsu vác thập giá
và bị đóng đinh trên thánh giá, chúng ta cảm nhận lại tình yêu của Ngài cho nhân
loại: Ngài sinh ra chia sẻ kiếp người, Ngài trao cho nhân loại Tin Mừng cứu độ
và chết cho nhân loại được sống.
Mầu nhiệm Thập giá của Ngài chiếu rọi vào tâm hồn của tôi của bạn, để chúng ta
dù bao hoàn cảnh cuộc sống trong đó có vất vả lao nhọc và đau khổ, chúng ta luôn
tiến bước vì tin rằng mọi cố gắng là tham dự vào cuộc Thương Khó của Chúa Kitô
như Thánh Phaolô xác tín:
“Tôi bỏ khuyết những thiếu sót trong cuộc khổ nạn của Chúa Kitô” (Cl 1,24).
Và nhận được bình an vì “Phúc thay ai cùng chịu đau khổ với Đức Kitô” (1P 4,1)
Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta - người môn đệ tiến bước đi với thập giá trong
cuộc sống: “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ
tôi được” (Lc 14,27). Cho nên, sau này, Thánh Phêrô nhấn mạnh: “Chúa Kitô đã
chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Ngài” (1P
2,24) và tác giả thư Do Thái gợi mở cho chúng ta - người môn đệ: “mắt hướng về
Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin. Chính Người đã khước từ niềm
vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục, nay đang
ngự bên hữu ngai Thiên Chúa” (Dt 12,2).
Đường đời hằng ngày luôn là đường mang Thập giá:
-
Thập giá là những khốn khó gian nan mà con gặp trên đường đời. Con gánh vác,
đấu tranh với hi vọng cùng thầy Giêsu tiến về Golgotha…
-
Thập giá là trách nhiệm công sở con mang với Thầy Giêsu trong tinh thần tuân
hành thánh ý (x. Dt 10,7)
-
Thập giá là gia đình mà con sống trong, con gánh vác khi chu toàn sứ vụ
người Cha, người mẹ, người con trong tình yêu…
Thật thế, Đường Thập giá là đường cho người Kitô hữu, hãy bước đi trong ân sủng…mang
tâm tình của thánh Phaolô
“Vinh dự của tôi là Thập giá Đức Giêsu Kitô” (Gl 6,14).
Lm Vinh Sơn scj