Chúa Nhật II
Thường Niên B
1Sm 3,3b-10.19; 1Cr 6,13c-15a.17-20; Ga
1,35-42
Cha Anthony De Mello mở đầu tập sách “Một
Phút Khôn Ngoan” có kể một câu chuyện dẫn nhập:
Môn sinh hỏi Thầy:
- Có thể nào có sự khôn ngoan chỉ trong một
phút?
- Chắc chắn có chứ, vị thầy trả lời.
- Nhưng chỉ một phút, có quá ngắn không?
- Năm mươi chín giây đủ rồi đó
Về sau, vị Thầy nói với các đồ đệ :
- Cần bao nhiêu thời giờ để thoáng thấy mặt
trăng? Và vì sao phải cần bao nhiêu năm tháng dài để học sống đời sống thiêng
liêng
Có thể mất tất cả để mở mắt.
Hay chỉ cần một tích tắc…
Vâng, chỉ cần một tích tắc với lòng khao
khát khám phá sẽ gặp được sự khôn ngoan, có được nội lực cho cả cuộc sống… Như hai môn đệ trong gặp Chúa, trong tích tắc quyết định đi theo - xem - ở
với Ngài
“Thấy Đức Giêsu đi ngang qua” (Ga 1,36),
Gioan giới thiệu hai môn đệ của mình: “Đây là Chiên Thiên Chúa”. Gioan được linh
hứng giới thiệu sứ vụ của Chúa Giêsu – Đấng Cứu Thế, Đấng xóa tội trần gian mang
thân phận của một Con Chiên – Con Chiên tinh tuyền, con chiên hiền lành và khiêm
nhượng, con chiên chịu sát tế để làm của lễ đền thay tội lỗi nhân loại như các
tiên báo trong Cựu ước đã nói về Ngài.
Chiên là hình ảnh của lễ hiến tế để được
ơn tha tội… Gioan giới thiệu với hai đồ đệ đang tìm Đấng Cứu Thế : Đây là Chiên
Thiên Chúa, Ngài chính là Chiên Vượt Qua của lịch sử Cứu Độ : Hiến tế lên cho
Chúa Cha. Cho nên sau này Phêrô dạy: "Anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của
Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích là Đức Kitô" ( 1 Pr 1,19). Tác giả thư Do Thái
nhấn mạnh “Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu
của người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng
ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa Hằng Sống" ( Dt 9,14).
Được thầy giới thiệu về Đấng Cứu Thế, hai môn đệ Gioan đã
quyết định đi theo. Ơn gọi của họ, cũng như của Samuen, được đánh thức bởi một
người khác – thầy cả Eli (x.
1 Sm 3, 3b-10.19)
– Thầy Eli cũng như thầy Gioan
không phải bởi “ánh sáng” nhưng là “chứng nhân của ánh sáng” (Ga 1,8; 3,3). Tin
mừng Gioan nhấn mạnh tư thế "người môn đệ": "kiếm tìm"(1,38), "đến xem"
(1,39 và 46), "quan sát" (l,39 và 41), "gặp thầy" (1,41 và 45), hai
môn đệ "bước theo"(l,37.38.40.43) Đức Giêsu. Trong ngôn
ngữ Hy Lạp, “bước theo” (akoloutheô) có nghĩa là “đi đàng sau một người”,
hơn cả nghĩa thường “bước theo” với nghĩa ẩn dụ là “trở thành môn đệ”. Trước kia
hai ông là môn đệ của Gioan, bây giờ được Gioan giới thiệu bước theo Đức Giêsu.
Chính vì thế, họ gọi Người là “Rabbi - Thưa Ngài” là từ ngữ thường được dùng để
bày tỏ lòng tôn kính mà các môn sinh dùng để gọi vị thầy họ trân trọng. Hai ông
hỏi Thầy ở đâu.
Đức Giêsu trả lời “Hãy đến và các anh sẽ
thấy!”. Lời mời gọi và lời hứa của Đức Giêsu hết sức trang trọng nhắm đến cuộc
gặp gỡ sống động và riêng tư. Hai môn đệ đã đến và ở lại với Thầy đi vào hiệp
thông với Người. “Ở [lại]” (l,38.39) thường gợi lên một
khoảnh khắc đặc biệt thân mật: Đức Giêsu “ở lại” với các môn đệ đang tin vào
Người (Ga 2,12; 4,40; 7,9; 10,40; 11,6.54; 14,25). Trong các bài diễn từ cáo
biệt (Ga 13–17), Chúa Giêsu cũng nhấn mạnh “ở lại” : Chúa Cha ở lại trong Đức
Giêsu (Ga 14,10) và Thánh Thần ở lại trong các môn đệ của Đức Giêsu (Ga 14,17).
“Ở lại” không chỉ là “ở với”, mà còn có nghĩa là “ở trong”. Trong thực tế, có sự
“ở lại trong nhau” giữa Đức Giêsu và các môn đệ. Họ ở lại trong Người và Người ở
lại trong họ (Ga 15,4.5.7). Các môn đệ ở lại trong tình thương của Đức Giêsu (Ga
15,9.10), và các lời Người ở lại trong họ (Ga 15,7). Sau này qua Bí Tích Thánh
Thể Chúa Giêsu ở trong nhân lọai và hiến mạng sống cho
mọi người (Ga 6,56). Đức Giêsu trở về với Chúa Cha để chuẩn bị một chỗ cho các
môn đệ để họ được ở với Người (Ga 14,2-3).
Sau khi ở lại với Chúa Giêsu – Chiên Thiên
Chúa, Anrê trở về gặp em mình là Simon và giới thiệu em
đến với Thầy, và cuộc bước theo - gặp gỡ và
môn sinh ở lại với Thầy.
“Ở lại với Ngài”, chính trong giây phút huyền
nhiệm đó, như Đức Gioan Phaolô II xác tín: “Ngài cống hiến cho chúng con: chính
Ngài ban cho chúng con khả năng đón nhận sự sống mới đó và sống thực hành nó,
với trợ giúp của ân sủng Ngài và hồng ân Chúa Thánh Thần” (Sứ điệp ngày quốc tế
Giới trẻ 1997).
Ngày hôm nay Chúa vẫn luôn hỏi tôi và bạn:
Bạn tìm gì? Có thể chúng ta chưa biết trả lời sao, thì Chúa gợi ý: “Hãy đến mà
xem... đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người …” (Ga 1,35-42). Ở lại khám
phá ý muốn của Thiên Chúa trong đời chúng ta như Thánh Phaolô cảm nghiệm: “Người
(Thiên Chúa) đã muốn cho họ được biết bí nhiệm này phong phú và hiển hách biết
bao giữa các dân ngoại: đó là chính Đức Kitô đang ở giữa anh em, Đấng ban cho
chúng ta niềm hy vọng đạt tới vinh quang” (Cl 1,26-27).
Bởi vì Ngài “là Đường, là Sự Thật và là Sự
Sống” (Ga 14,6),
Vâng, hãy đến mà xem…
Lm. Vinh Sơn SCJ, Sài
Gòn