Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 189, Chúa Nhật 27.01.2013


MỤC LỤC 

SỰ LƯU TRUYỀN MẠC KHẢI CỦA THIÊN CHÚA                                      Bản dịch của HĐGMVN

HÃY LÀM SỐNG LẠI NIỀM TIN                                                   Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD.

HÃY LẮNG NGHE, HỠI ÍT-RA-EN  
Chuyển ngữ: Thérèse Trần Thiết + Fr. Marie Bảo Tịnh O.Cist

NĂM ĐỨC TIN : TẦM QUAN TRỌNG CỦA BÍ TÍCH HÒA GIẢI                 Lm PX. Ngô Tôn Huấn

LỜI NGUYỆN ĐẦU XUÂN                                                                           Lm. Vĩnh Sang, DCCT

BỒ CÂU VÀ CON RẮN                                                                                Gioan Lê Quang Vinh

GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ - VÀ CON NGƯỜI NGÀY MAI (1)                     Lm Lê Văn Quảng Psy.D.

THAM LAM - QUẢNG ĐẠI (BÀI 3)                                                                    Br. Huynhquảng

Bữa tối phải dọn sẵn                                                                          Lm. Minh Anh chuyển ngữ

THAM GIA THƯỜNG HUẤN CŨNG LÀ CÁCH DUY TRÌ, NUÔI DƯỠNG VÀ CANH TÂN VIỆC TÁI ĐỊNH HƯỚNG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ Lm. Micae Phaolô Trần Minh Huy, pss.

TÁC DỤNG CỦA CAFFEIN.                                                                 Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức, MD.

Bệnh đợi chờ phép                                                                         ĐHY. PX. Nguyễn Văn Thuận


SỰ LƯU TRUYỀN MẠC KHẢI CỦA THIÊN CHÚA

 

KHOÁ VIII ngày 18 tháng 11 năm 1965

HIẾN CHẾ TÍN LÝ VỀ MẠC KHẢI THIÊN CHÚA (tiếp theo)

(Bản dịch của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, HĐGMVN)

 

CHƯƠNG II: SỰ LƯU TRUYỀN MẠC KHẢI CỦA THIÊN CHÚA 18*

 

7. Các Tông đồ và những người kế vị loan truyền Phúc Âm

 

Những gì Thiên Chúa đã mạc khải để cứu rỗi muôn dân, Ngài đã ân cần sắp đặt để luôn được bảo toàn và lưu truyền nguyên vẹn cho mọi thế hệ 19*. Bởi thế Chúa Kitô, nơi Người, Thiên Chúa tối cao hoàn tất trọn vẹn mạc khải (x. 2 Cr 1,20 và 3,16-4,6), đã truyền dạy các Tông đồ rao giảng cho mọi người Phúc Âm đã được hứa trước qua miệng các Ngôn sứ, và được chính Người thực hiện và công bố; các ngài rao giảng Phúc Âm như nguồn mọi chân lý cứu độ và luật lệ luân lý 1, đồng thời thông ban cho họ các ân huệ của Thiên Chúa. Việc này đã được thực hiện cách trung thành, một phần do các Tông đồ: hoặc qua lời giảng dạy, gương lành và các định chế, các ngài đã truyền lại những gì đã nhận lãnh từ miệng Chúa Kitô khi chung sống với Ng ời và thấy Người hành động, hoặc đã học biết được nhờ Chúa Thánh Thần gợi ý; một phần do chính các ngài và những người phụ tá các ngài đã viết lại 20* sứ điệp cứu độ dưới sự linh ứng của cùng một Chúa Thánh Thần 2. Nhưng để Phúc Âm được giữ gìn toàn vẹn và sống động mãi trong Giáo Hội 21*, các Tông đồ đã để lại những người kế vị là các giám mục và “trao lại cho họ quyền giáo huấn của các ngài” 3. Bởi vậy, Thánh Truyền này cùng với Thánh Kinh Cựu và Tân Ước, là như tấm gương mà Giáo Hội lữ thứ trên trần gian nhìn vào để chiêm ngưỡng Thiên Chúa, do bởi Ngài, Giáo Hội nhận lãnh tất cả, cho đến khi được dẫn tới để nhìn thấy Ngài diện đối diện, Ngài thế nào Giáo Hội sẽ thấy như vây (x. 1 Ga 3,2).

 

8. Thánh Truyền 22*

 

Vì vậy, những lời giảng dạy của các Tông đồ được đặc biệt ghi lại trong các sách linh hứng, phải được bảo tồn và liên tục lưu truyền cho đến tận thế. Do đó, khi truyền lại những gì chính mình đã nhận lãnh, các Tông đồ khuyến cáo các tín hữu giữ gìn các truyền thống họ đã học biết qua lời chỉ giáo hay bằng thư từ (x. 2 Tx 2,15), và chiến đấu để bảo vệ đức tin chỉ được truyền đạt cho họ một lần mà thôi (Gđ 3)4. Và những điều các Tông đồ truyền lại bao gồm tất cả những gì góp phần giúp Dân Thiên Chúa sống một đời thánh thiện và làm tăng triển đức tin. Như vậy, Giáo Hội qua giáo lý, đời sống và việc phượng tự của mình, bảo tồn và lưu truyền cho mọi thế hệ tất cả thực chất của mình và tất cả những gì mình tin. 23* Thánh Truyền do các Tông đồ truyền lại được tiến triển trong Giáo Hội dưới sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần 5. Thật vậy, các sự việc và các lời nói truyền lại được hiểu biết thấu đáo hơn, hoặc nhờ các tín hữu chiêm ngưỡng và học hỏi, khi đã ghi nhớ các điều đó trong lòng (x. Lc 2,19 và 51), hoặc nhờ họ đã thông hiểu những điều thiêng liêng họ cảm nghiệm được, hoặc nhờ việc giảng dạy của những người lãnh nhận một đoàn sủng chắc chắn về chân lý do việc kế vị trong chức giám mục. Nói cách khác, qua bao thế kỷ, Giáo Hội luôn hướng tới sự viên mãn của chân lý Thiên Chúa, cho đến khi Lời Chúa được hoàn tất nơi chính Giáo Hội. 24* Lời các thánh Giáo Phụ chứng thực sự có mặt sống động của Thánh Truyền; và sự phong phú của Thánh Truyền đã thâm nhập vào thực hành và đời sống của Giáo Hội, một Giáo Hội luôn tin và cầu nguyện. Nhờ Thánh Truyền ấy, Giáo Hội biết được toàn bộ thư quy Thánh Kinh và c ũng nhờ Thánh Truyền, Thánh Kinh được hiểu biết thấu đáo hơn, cũng như Thánh Truyền đã làm cho Thánh Kinh không ngừng tác động. Như vậy, Thiên Chúa, Đấng xưa đã phán dạy, nay vẫn không ngừng ngỏ lời với Hiền Thê của Con yêu dấu mình; và Thánh Thần, Đấng làm cho tiếng nói sống động của Phúc Âm vang dội trong Giáo Hội và nhờ Giáo Hội làm vang dội trong thế giới, hướng dẫn các tín hữu nhận biết toàn thể chân lý và làm cho Lời Chúa Kitô tràn ngập lòng họ (x. Cl 3,16). 25*

 

9. Tương quan giữa Thánh Truyền và Thánh Kinh

Vậy Thánh Truyền và Thánh Kinh được nối kết và thông giao với nhau cách chặt chẽ. Thật thế, do cả hai đều phát xuất từ một nguồn mạch thần linh, có thể nói cả hai kết hợp thành một và cùng quy hướng về một mục đích. Quả vậy, Thánh Kinh là Lời Thiên Chúa nói, xét theo tư cách được ghi chép lại dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần; còn Thánh Truyền thì truyền đạt nguyên vẹn cho các đấng kế vị các Tông đồ Lời Thiên Chúa đã được Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần ký thác cho các Tông đồ, để các đấng kế vị đó, nhờ Thánh Thần chân lý soi sáng, trung thành gìn giữ, trình bày và phổ biến Lời ấy bằng việc rao giảng. Do đó, Giáo Hội không chỉ nhờ Thánh Kinh mà kín múc được niềm xác tín về mọi điều mạc khải. Chính vì thế cả Thánh Kinh lẫn Thánh Truyền đều 6 26* phải được đón nhận và tôn trọng với một lòng quý mến và thành kính như nhau .

 

10. Tương quan giữa Thánh Truyền, Thánh Kinh, Dân Chúa và Huấn Quyền

 

Thánh Truyền và Thánh Kinh làm thành một kho tàng thánh thiêng duy nhất lưu trữ Lời Chúa, đã được ký thác cho Giáo Hội. Khi gắn bó với kho tàng ấy, toàn thể dân thánh, quy tụ quanh các vị chủ chăn27*, chuyên cần với giáo huấn của các Tông đồ, với tình hiệp thông, với việc bẻ bánh và kinh nguyện (x. Cv 2,42, bản Hy-lạp), nên giữa các thủ lãnh và các tín hữu có sự nhất trí lạ lùng trong việc nắm giữ, thực hành và tuyên xưng đức tin đã được truyền lại 7. Còn nhiệm vụ chính thức giải thích lời Thiên Chúa đã được ghi chép hay truyền lại 8, nhiệm vụ này đã được uỷ thác cho một mình Huấn Quyền sống động của Giáo Hội 9, quyền này được thi hành nhân danh Chúa Giêsu Kitô 28*. Tuy nhiên, Huấn Quyền này không ở trên Lời Chúa, nhưng phục vụ Lời Chúa vì chỉ giảng dạy những điều đã được truyền lại; bởi vì do mệnh lệnh của Thiên Chúa và nhờ ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần, Huấn Quyền kính mến lắng nghe, thành kính gìn giữ và trung thành trình bày Lời đó, đồng thời từ kho tàng đức tin duy nhất ấy, Huấn Quyền kín múc ra tất cả mọi điều mà đề nghị cho giáo dân tin như là những điều đã được Thiên Chúa mạc khải. 6 Xem CÑTRIÑEN., Sắc lệnh De Canonicis Scripturis: DZ 783 (1501).

 

Như thế, đã rõ là do ý định hết sức khôn ngoan của Thiên Chúa, Thánh Truyền, Thánh Kinh và Huấn Quyền của Giáo Hội được nối kết và liên đới với nhau đến nỗi không một cái nào có thể đứng vững một mình không cần hai cái kia; và dưới tác động của một Chúa Thánh Thần duy nhất, cả ba cùng góp phần hữu hiệu vào việc cứu độ các linh hồn, mỗi bên theo phương cách riêng.


-------------------------

 

chú thích

 

18*– Trong bản thảo thứ hai, chương I mang tựa đề: “Về Lời Chúa được mạc khải” và gồm bốn số. Trong bản thảo thứ ba, người ta thêm số 8 và rồi chương II này. Nhiều người đã phê bình tựa đề, vì Mạc khải – theo họ nói – là lời mạc khải hơn là lời được mạc khải. Tựa đề hiện tại thích hợp với nội dung hơn: “Chỗ này chúng tôi miêu tả việc lưu truyền Mạc khải cách tổng quát, nhưng chúng tôi quan tâm đặc biệt đến truyền thống sống động vì nó có liên quan trực tiếp với Mạc khải được lưu truyền và nó vẫn tiếp tục sau khi Thánh Kinh đã được viết. Như thế, chương này là một bài nhập đề khá hay cho những chương nói về Thánh Kinh sau này” (Relatio, tr. 19). Một số các Nghị Phụ muốn nhấn mạnh trên Thánh Truyền nên đòi phải có một đề mục về điểm này. “Phần đông các nghị phụ này muốn đặt Thánh Truyền lên trước Thánh Kinh, vì theo bản tính và thời gian, Thánh Truyền có trước Thánh Kinh... Các Nghị Phụ khác muốn xác nhận Thánh Truyền là một nguồn Mạc khải hoàn toàn tách biệt khỏi Thánh Kinh (Relatio, nt.,). Còn Uỷ Ban lại muốn tránh tất cả những vấn đề đang trong vòng tranh luận. Thế là đề mục Mạc khải đã trở thành nóng bỏng hơn cả đề mục tính đồng đoàn của giám mục. Vấn đề ở đây là di sản của bao thế kỷ tranh luận chống Tin Lành. Chúng ta phải vượt qua vấn đề đó, nhưng không phải là việc dễ dàng, nhất là vì chúng lại xa lạ với Đông phương và các Giáo Hội tân lập. Đây là lời của Đức giám mục Edelly trong một cuộc phát biểu ý kiến: “Phải thoát ra khỏi vấn đề sau Công đồng Triđentinô... Đặt mình vào trong trung tâm mầu nhiệm Giáo Hội là một liều thuốc công hiệu. Phải loại trừ tâm thức quá pháp lý và duy danh mà những người Cải cách và La- tinh tự đóng khung vào. Từ thời Trung Cổ, chính tâm thức này đã đối nghịch “việc truyền phép” với “lời khẩn cầu Chúa Thánh Thần”. Và chính tâm thức này mới đây đã trình bày “quyền tối thượng” và “tính đồng đoàn” như hai thực thể tách biệt. Cũng chính tâm thức này đã đặt Thánh Kinh và Thánh Truyền song song nhau... Thánh Kinh là một thực tại phụng vụ và ngôn sứ. Các Giáo hội Đông Phương coi Thánh Kinh là một “việc truyền phép” lịch sử cứu độ dưới “hình thức” tiếng nói con người, nhưng không tách biệt khỏi việc truyền phép Mình Thánh Chúa trong đó tất cả lịch sử được quy hợp trong Thánh Thể Chúa Kitô. “Việc truyền phép” này cần một “lời cầu khẩn Chúa Thánh Thần”,
đó chính là Thánh Truyền. Thánh Truyền là “lời cầu khẩn Chúa Thánh Thần” của lịch sử cứu độ, là sự tỏ mình của Thánh Thần; bởi thế nếu thiếu lịch sử, Thánh Truyền sẽ không thể hiểu được và Thánh Kinh là những chữ chết. Tiếng Thánh Truyền không luôn có cùng một nghĩa, vì vậy Uỷ Ban đã cho biết cách chung là từ khoảng giữa số 8 (và những điều các Tông đồ truyền lại), tiếng “Thánh Truyền” phải hiểu theo nghĩa thụ động: thực thể hay chân lý được lưu truyền.

 

19*– Câu này nói lên ý hướng của toàn chương: Thiên Chúa muốn lưu truyền toàn thể Mạc khải, cả Cựu Ước lẫn Tân Ước, cho mọi thời đại. Các Tông đồ đã được lệnh truyền dạy tất cả những điều các ngài đã đón nhận từ nơi Chúa Kitô (Mt 28,20).

 

20*– Công đồng dạy về hai nguồn lưu truyền “Phúc Âm” trước hết theo chiều dọc: từ Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần đến các tông đồ, sau đó theo chiều ngang: từ các Tông đồ đến Giáo Hội. Đoạn này nhấn mạnh đến giai đoạn đặc biệt là “thời các Thánh tông đồ”, gồm cả những “môn đệ của các tông đồ” vì họ đã viết một phần Tân Ước, ngay cả sau khi vị Tông đồ cuối cùng qua đời. Các phương tiện lưu truyền là lời giảng dạy và Thánh Kinh: cả hai phương tiện đều lưu truyền cùng một Mạc khải. Công đồng không muốn nói là trong lời giảng dạy chứa nhiều mạc khải hơn trong các lời nói mà cũng bằng gương sáng và các tổ chức. Thánh Truyền không phải chỉ là lời nói suông mà còn là những thực thể.

 

21*– Ở đây bàn về tính cách liên tục của Mạc khải sau thời các Tông đồ. Đề mục này được bản kỹ lưỡng trong Hiến chế tín lý về Giáo Hội số 20 và 21. Ở đây Công đồng chỉ nhắc lại. Ở chỗ khác Công đồng cũng dạy rằng nhiệm vụ thiết yếu của các giám mục là lưu truyền mạc khải (x. GH 25a; GM 12a). Sự viên mãn của Mạc khải hiện hữu trong Giáo Hội, và chính nơi Giáo Hội, nhờ đức tin, ta gặp được Thiên Chúa, tức là khởi đầu việc hưởng nhan Chúa: có sự liên tục giữa Giáo Hội hiện tại và Giáo Hội cánh chung.

 

22*– Số này xuất hiện trong bản thảo thứ ba. Nhiều Nghị Phụ đòi Công đồng phải trực tiếp bàn đến Thánh Truyền, vì các lược đồ trước hầu như không nói gì đến.

 

23*– Đoạn này bàn về sự hiện hữu và bản tính của Thánh Truyền. Một Nghị Phụ muốn bản văn nói: “Các chân lý mà các Tông đồ đã mạc khải bằng miệng và không có trong Thánh Kinh, được lưu truyền cho chúng ta bằng Thánh Truyền”. Nhưng Uỷ Ban bác bỏ đề nghị trên, vì Uỷ Ban không muốn đặt vấn đề về tính cách đầy đủ chất liệu của Thánh Kinh và nội dung của Thánh Truyền. Chỉ có một điều không còn gì nghi ngờ là Thánh Truyền có nội dung rộng lớn hơn Thánh Kinh; bằng chứng là trường hợp bản chính lục và sự linh hứng của chính Thánh Kinh. Như thế câu “lời giảng dạy của các Tông đồ” bao gồm tất cả mọi điều mà các Tông đồ đã lưu truyền bằng bất cứ cách nào. Và những điều đó nhờ linh hứng được chứa đựng “cách đặc biệt” trong Thánh Kinh (nghĩa là không phải chỉ trong Thánh Kinh).

 

24*– Thánh Truyền luôn linh động, gia tăng và tiến triển liên tục (không phải trong bản chất mà trong việc hiểu biết) và luôn giữ tính đồng nhất nguyên thuỷ của mình trong khi vẫn hướng về sự viên mãn của chân lý. Để chỉ “bản chất”, ta nói “tông truyền” thay vì “Thánh Truyền sống”. Nguồn gốc sự phát triển là: việc chiêm ngưỡng, nghiên cứu của các nhà thần học, ơn hiểu biết Chúa Thánh Thần ban và lời giảng dạy của hàng giáo phẩm. Ở đây người ta theo kiểu nói của Thánh Irênê mà không nêu danh tánh, vì các nguồn từ “đoàn sủng về chân lý” có thể có ba nghĩa: ơn ban chân lý mạc khải, ân sủng giúp chân thành với chân lý, và ơn giúp cắt nghĩa Mạc khải cách chân thật; ở đây theo nghĩa thứ ba.

 

25*– Các Giáo Phụ là những chứng nhân quan trọng nhất của Thánh Truyền, không phải chỉ vì các ngài sống gần thời của Tông đồ mà vì các ngài đã hệ thống hoá giáo thuyết, đến nỗi đã có thể truyền lại cho chúng ta theo những công thức mà chính các ngài đã hình thành.

 

26*– Thánh Truyền không phải chỉ là của Giáo Hội nhưng còn mang đặc tính thần linh như Thánh Kinh cả về nguồn gốc, nội dung và mục đích. Nội dung là xét theo phẩm, chứ Công đồng không bàn đến lượng. Ở đây, ta thấy có sự phân biệt vai trò của các Tông đồ, những người cấu tạo Thánh Truyền, và vai trò của các giám mục, những người bảo vệ Thánh Truyền. Câu: “Do đó, Giáo Hội không chỉ nhờ...” được Đức Giáo hoàng Phaolô VI ghi thêm vào phút chót. Nhiều người Tin Lành phản đối và cho rằng đó là một bước quay về thuyết “Hai nguồn”. Nhưng Uỷ Ban cắt nghĩa là câu trên không hề thay đổi ý nghĩa bản văn. Thật ra, 270 nghị phụ đã yêu cầu sửa đổi nghĩa đó (trong số đó có 111 nghị phụ thuộc nhóm đưa ra đề nghị tu chỉnh danh tiếng 40D). Được Đức Hồng y Bea khuyến khích, Uỷ Ban đã chấp nhận câu thứ 3 trong số 7 câu do Đức Giáo hoàng đề nghị, và nói rằng câu đó không ngăn trở những vấn đề đang được tranh luận.

 

27*– Đoạn này dạy rằng Mạc khải là gia sản của toàn thể Dân Chúa. Do đó, tín hữu không thể thụ động đối với Lời mạc khải. Giáo thuyết này là một bước tiến sánh với Vatican I và Thông điệp Humani Generis. Dân Chúa sống đạo sẽ làm giàu Thánh Truyền và giải thích Lời Chúa.

 

28*– Huấn Quyền là thẩm quyền duy nhất được giải thích chính thức Mạc khải, quyền này do Chúa thiết lập và giữ vai trò phụng sự Lời Chúa và Dân Chúa. Quyền giáo huấn có thể là thông thường và ngoại thường, khả ngộ và bất khả ngộ. Về phương diện hợp nhất, lời xác quyết sau đây thật là lời tối quan trọng: Huấn Quyền phải tuân theo Lời Chúa, dầu quyền này gây khó khăn cho nhiều Kitô hữu khác.

 
VỀ MỤC LỤC
HÃY LÀM SỐNG LẠI NIỀM TIN
 

Chúa nhật III Thường niên C

(Nehemiah 8:2-4a, 5-6, 8-10. Corinthians 12:12-30, 12:12-14,27. Luke 1:1-4, 4:14-21)

Nguyễn Tiến Cảnh, MD

Người ta nói niềm tin là sức sống, là sức mạnh. Không có niềm tin con người không thể tồn tại được. Do đó, muốn sống phải có niềm tin. Niềm tin mang lại tương lai sáng lạng và niềm vui khôn nguôi. Chúa nhật hôm nay Tin Mừng nói về Niềm Tin đã mất của người Do Thái trong thời kỳ bị lưu đầy.... Nay Chúa cho họ trở về đất tổ xum họp, hẳn chẳng có niềm vui nào to lớn bằng. Vui nhưng cần sức mạnh để vươn lên. Hãy làm sống lại niềm tin để có sức mạnh tái tạo con người, Giáo Hội và đất nước.

LỜI CHÚA LÀ SỨC MẠNH VÀ NIỀM VUI

Bài đọc 1 hôm nay trích sách Nehemiah là sách nói về hiến pháp của cộng đồng Do Thái sau thời kỳ bị phân tán đi lưu đầy và đền Jerusalem bị phá hủy.

Đây là câu chuyện nói về những bước khởi đầu của cộng đồng, một cộng đồng đầy hy vọng, mặc dù có rất nhiều khó khăn thấp thoáng trước mặt. Thầy cả Ezra và giáo dân Nehemiah[1] đã sống vào thời kỳ này, thời kỳ dân Israel trở lại đất tổ sau những năm tháng tù đày ở Babylon. Đây hiển nhiên là thời kỳ tái tạo vì dân chúng đã mất hết niềm tin vì thất lạc và mất nối kết.

Ezra và Nehemiah đã đưọc Thiên Chúa ủy thác để giảng dạy cho dân những điều họ đã đánh mất để tạo dựng lại cấu trúc cộng đồng, linh hứng cho họ một lần nữa những lý tưởng cao cả về niềm tin của dân Do Thái, hầu có thể bắt đầu một cuộc sống mới tôn giáo, xã hội lành mạnh.

Quang cảnh sống động được diễn tả trong bài đọc I hôm nay là một tiền-tuyên-bố cho biết những luật lệ căn bản mà cộng đồng phải tuân thủ. Dân chúng tụ họp lắng nghe tuyên cáo này trong bầu khí linh thiêng và cảm động. Một số người đã bật khóc vì sung sướng được tự do nghe lời Chúa sau những thảm cảnh đau thương Jerusalem bị phá hủy và nay lại có ơn cứu độ. Tuy nhiên Nehemiah đã cảnh cáo cho họ biết đó chỉ là ngày lễ hội và, để Chúa ban sức mạnh thì cần phải vui mừng hoan hỉ cám ơn Chúa vì những tặng phẩm Chúa ban. Cuối cùng, Lời Chúa chính là sức mạnh và niềm vui.

Vậy phản ứng của chúng ta trước quang cảnh vĩ đại này là gì? Bài đọc này chính là một mời gọi mỗi người chúng ta, đặc biệt những vị thừa tác viên mục vụ, cám ơn Chúa vì lòng thương của Người không quên chúng ta, lại ban cho chúng ta đủ thứ, đồng thời cám ơn tất cả những ai đã từng cộng tác với mình để tái tạo nền móng đức tin và Giáo Hội của chúng ta mỗi ngày.

KẾ HOẠCH MỤC VỤ CỦA THÁNH LUCA

Tin Mừng thánh Luca là phúc âm duy nhất trong bốn phúc âm thư có lời mở đầu (Lc 1:1-4). Thánh Luca đã nhận thức ra là mình mắc nợ những người đã chứng kiến ngay từ đầu cũng như những người phục vụ Lời Chúa, nhưng ông quả quyết là những đóng góp của mình đã được bá cáo đầy đủ và chính xác - theo thứ tự- và chắc chắn là có ý cung cấp cho Theophilus (bạn của Chúa) và những độc giả khác những giáo huấn mà họ đã nhận được lúc bấy giờ. Thánh Luca đã không nói với mọi người là những điều họ học được trước kia là sai lầm. Nhưng đúng ra là ông xác nhận theo niềm tin của họ và quả quyết với họ theo ước nguyện của họ là muốn được biết thêm về chúa Giêsu, và cũng để tóm gọn mọi sự lại cho họ theo thứ tự thời gian để niềm tin họ được mạnh mẽ hơn. Một kế hoạch mục vụ như vậy cũng vẫn có nhiều hiệu quả trong việc truyền đạt niềm tin ở thời đại ngày nay.

SỰ TRỞ VỀ CỦA CẬU BÉ TỈNH NHÀ

Thánh Luca không phải là thánh sử duy nhất đã ghi lại cuộc viếng thăm Nazareth của chúa Giêsu, nơi Người đã được nuôi dưỡng và lớn lên (Lc 4:16). Thánh Marco và Mathiêu cũng viết về giai đoạn này nhưng không nói rõ tên thị xã mà nói là “tỉnh nhà” (Mc 6:1; Mt 13:54). Tuy nhiên có nhiều khác biệt giữa câu chuyện thánh Luca kể và câu chuyện do Macco và Mathiêu viết. Trong Mac cô, việc trở về tỉnh nhà của Chúa được nói tới không phải lúc khởi đầu công việc sứ vụ của Người, nhưng sau một thời gian dài rao giảng Tin Mừng và chữa lành bệnh cũng như bàn cãi về những dụ ngôn (Lc 4:1-34) và phép lạ làm cho con gái ông Jairus sống lại (Lc 8:40-55). Trong Mathiêu, chúa Giêsu cũng đã loan báo địa danh làm sứ vụ của Người cho “12 tông đồ” (Lc 10:2-42; Mt 10:1-16).

Thánh Luca đã sắp đặt những câu chuyện này ở thời kỳ đầu sứ vụ của chúa Giêsu. Thoạt nhìn chúng ta có thể nghĩ là thánh Luca có ý sửa lại thời biểu của thánh Macco và Mathiêu. Nhưng coi lại chi tiết câu chuyện của ngài, chúng ta thấy ý nghĩ đó không đúng. Khi chúa Giêsu rao giảng, Người nói là dân thành Nazareth sẽ nói với Người là: “Chúng tôi đã nghe biết tất cả những điều này ở Capernaum rồi, bây giờ hãy làm như vậy ở tỉnh nhà của ông xem sao” (Lc 4:23). Những lời này cho thấy trước khi về Nazareth, chúa Giêsu đã bắt đầu sứ vụ của Người ở Capernaum và đã gây rất nhiều ngạc nhiên nơi dân chúng đến độ danh tiếng Người đã bay về tận Nazareth.

GIÂY PHÚT BẤT NGỜ

Khi chúa Giêsu đứng trong hội trường ở Nazareth thì quả là giây phút bất ngờ. Chúa mở sách ngôn sứ Isaiah và đọc chương 61. Bản văn này đã lấy ra từ tập thơ nói về những ngày sau cùng, báo trước dân thành Jerusalem sẽ được cứu rỗi, biểu tượng về dân Israel sẽ được canh tân. Khi những lời này được nói ra từ miệng chúa Giêsu thì nó đã minh thị Người là đấng thiên sai và ngôn sứ của thời cánh chung. Những lời này cũng báo cho mọi người biết sứ mệnh của Người là loan báo Tin Mừng, giải phóng mọi người cả nam lẫn nữ và nói cho họ biết về ân sủng của Thiên Chúa. Do đó toàn thể sứ vụ của Chúa Giêsu phải được hiểu trong bối cảnh này.

Mở cuộn sách ra, Chúa thấy ngay chỗ có lời viết: “ Thần khí Chúa đã ở trong tôi!” (Lc 4:16-18; Is 61:2). Rất đặc biệt, dòng cuối cùng đã được chúa Giêsu đọc là: “công bố hồng ân một năm của Chúa”(Lc 4:19;Is 61:2), và ngay lập tức sau đó, sứ điệp của chúa Giêsu là một tuyên cáo rất rõ ràng “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quí vị vừa nghe”. Cách biểu thị của Isaiah (61:2) “năm hồng ân của Chúa” rõ ràng ám chỉ một toa thuốc ghi trong Sách Leviticus về năm Toàn xá / năm Thánh (Lv 25:10-13).

Câu chuyện chúa Giêsu ở trong hội trường đã không được thánh Luca trích lại toàn thể câu văn của Isaiah. Câu văn Isaiah có hai túc từ cho động từ “công bố” ( xem Is 61:2). Tin Mừng thánh Luca chỉ trích có túc từ thứ nhất là “hồng ân một năm của Chúa” mà quên túc từ thứ hai là “Ngày báo thù cho Chúa chúng ta”. Lời tiên tri của Isaiah báo trước là Thiên Chúa sẽ can thiệp ở hai phương diện, một là giải phóng dân Do Thái, hai là trừng phạt kẻ thù của họ. Tin Mừng không nói tới phần chống đối của kẻ thù. Sự bỏ sót này rõ ràng cho biết hai hậu quả: - bản thông điệp không có tính tiêu cực, - ẩn tàng tính phổ quát. Cũng không thấy có gì ám chỉ phân biệt rõ ràng giữa dân Do Thái và không phải Do Thái. Sự mở rộng phổ quát là đặc tính chính của sứ vụ và rao giảng của chúa Giêsu, nhất là trong Tin Mừng thánh Luca và Tông Đồ Công Vụ.

Quang cảnh Tin Mừng hôm nay kết thúc là chúa Giêsu nói với khán thính giả rằng Người là đấng kiện toàn lời tiên tri Isaiah, hay nói cách khác lời tiên tri “hôm nay” đã ứng nghiệm. Do đó Chúa Giêsu đã nói cho chúng ta biết buổi khánh thành sứ vụ công khai của Người đánh dấu ngày đầu của thời cánh chung, đồng thời cũng là bước đầu công cuộc cứu độ của Thiên Chúa trong lịch sử loài người. Sự tương đồng giữa lời Chúa Giêsu và lời tiên tri Isaiah quả rất thích hợp với sứ vụ của Chúa Giêsu, Người đã nhắc nhở chúng ta là lịch sử không che dấu những vinh quang khải hoàn và tai họa, sự trung thành và bất trung của Israel qua mọi thời đại. Đúng ra là lịch sử làm cho họ nổi bật.

Giờ của Chúa Giêsu đã đến để Người nắm lấy lịch sử trong chính tay Người, để đối diện với nó bằng chính thân xác Người, để Người làm một cái gì khác thường, và để nhắc nhở mọi người rằng Thiên Chúa đã không bỏ những kẻ than khóc, những kẻ hy vọng, những kẻ đau khổ và những kẻ ước vọng. Thiên Chúa sẽ hoàn thành những điều đó trong chính con một Người là đấng đã đứng ngay giữa hội trường Nazareth. Qua quyền lực của chúa Thánh Thần, chúa Giêsu đã hoàn chỉnh lời tiên tri Isaiah, mang lại tin vui và tuyên bố trả tự do cho những kẻ bị cầm tù. Không phải tất cả mọi người sẽ chấp nhận những Tin Mừng này như phần còn lại của bài Phúc Âm cho chúng ta thấy.

NHÀ GIẢNG THUYẾT THẤT BẠI

Nếu đọc tiếp tục câu chuyện Phúc Âm hôm nay, chúng ta sẽ nhận ra được bầu khí náo loạn, kinh hãi và nghi hoặc biến thái rất nhanh khi mà Chúa Giêsu Nazareth không nói những lời mà dân địa phương muốn Người nói. Sau khi chúa Giêsu đưa ra 4 điểm chính của chương trình sứ vụ của Người trong hội trường ở Nazareth (Lc 4: 16-21), đám đông trở nên ồn ào, tỏ vẻ ganh tị và muốn đưổi Chúa ra khỏi đó (Lc 4:22-30). Chúa Giêsu đã không thành công trong việc làm cho họ nghe và hiểu Người để rồi phải vội vã ra đi…..để thoát thân (Lc 4:30).

Những hình ảnh đầu tiên trong sứ vụ của Chúa Giêsu là hình ảnh một người thất bại, chẳng ai thèm để ý tới và hưởng ứng. Dân thành Nazareth thì từ chối không chịu nghe sứ điệp về giải phóng, tự do và hoà giải. Họ đã nghe những điều tương tự như vậy nhưng hoàn toàn với màu sắc riêng theo thái độ của họ.

LỜI KẾT: ĐÁP ỨNG LỜI CHÚA

Giống như dân Israel trong bài đọc I tụ tập quanh thầy cả Ezra và lắng nghe lời Chúa với nỗi niềm xúc động khôn tả (Ne 8:5), chúng tôi, cũng đứng nghe sứ điệp sống của Chúa và cảm thấy sự hiện diện của Người trong đó và trong mỗi một nghi thức phụng vụ. Ezra chúc tụng Thiên Chúa, Thiên Chúa vĩ đại cao cả và tất cả dân đều giơ cao hai tay và thưa “Amen, Amen”(Ne 8:6). Với tiếng Amen ở cuối mỗi kinh đọc lúc viếng Mình Thánh Chúa, chúng tôi nhận thức được sự hiện diện thực của Chúa ở trên bàn thờ, Lời hằng sống và vĩnh cửu của Đức Chúa Cha.

Với dân chúng tụ tập trong hội trường Nazareth, chúng tôi cũng nhìn thấy Chúa và nghe Lời Chúa được ứng nghiệm trong chính con người của Chúa là đức Giêsu Kitô, Lời bằng xương bằng thịt thực sự. Để đáp ứng lời tuyên xưng này, chúng tôi đọc lớn “Amen” , “Tôi Tin!”

Chớ gì Thần Linh Chúa xức dầu chúa Giêsu cũng xây đắp chúng tôi thành một thân xác và gửi chúng tôi đi khắp nơi để tuyên xưng tự do và hồng ân Chúa cho muôn dân. Niềm Tin.

Fleming Island, Florida

Jan. 23, 2013

NTC


[1] EZRA là luật sĩ và tư tế / thầy cả được vua Ba Tư Artaxerxes gửi đi lãnh đạo dân Do Thái bị lưu đầy ở Babylon về Jerusalem với quyền hạn cả về tôn giáo lẫn chính trị. Ông cùng với Zerubbabel và Jeshua từ Babylon trở về Jerusalem (Neh 12:1,12; Azariah 10:2). Ông là tư tế từng tham dự lễ tái cung hiến tường thành Jerusalem (Neh 12: 33).Có người cho là Ezra và Nehemiah là những cộng sự viên, nhưng không chắc chắn (Neh 8:9; 12:26,36).

NEHEMIAH là con trai Hacaliah (Neh 1:1), tổng trấn/Thống đốc Jerusalem, thủ lãnh dân Israel thời gian sau lưu đầy. Ông trở về Jerusalem cùng với Zerubbabel từ Babylon sau khi bị cầm tù vào năm 538 B.C.E. (Ezra 2:2; Neh 7:7).

 

VỀ MỤC LỤC
HÃY LẮNG NGHE, HỠI ÍT-RA-EN

 

Lời Mời gọi của HĐGMVN:

Giáo Hội tại Việt Nam phải “phát động chương trình mỗi gia đình một cuốn Kinh Thánh được đặt nơi xứng hợp, cổ võ đọc và cầu nguyện với Lời Chúa”, khuyến khích học thuộc lòng những đoạn Kinh Thánh cốt yếu. Mọi thành phần Dân Chúa, giáo dân, chủng sinh, tu sĩ và các mục tử, cần tập thói quen đọc và suy niệm Lời Chúa hằng ngày, đặc biệt theo phương thức Lectio divina. (Thư Chung của HĐGMVN, ngày 1.5.2011, số 11)

Xin giới thiệu cho nhiều người thân tham gia Gia Đình Lectio Divina Lecdiv@gmail.comđể có thể hiệp thông với nhau trong đời sống cầu nguyện và cùng giúp nhau thực hành "điều cần thiết nhất trong mọi điều cần thiết". Đan viện Xitô Thánh Mẫu Tâm Mỹ Ca, Nha Trang, sẽ cầu nguyện lâu dài cho tất cả những ai trung thành thực hành và cố võ việc thực hành Lectio divina.

Mọi thắc mắc về Lectio divina, xin gởi email cho cha Bảo Tịnh, O.Cist fr.baotinh@yahoo.fr

*****

 

Tác Phẩm: MỘT VỊ THIÊN CHÚA NGỎ LỜI!

Thiên Chúa tỏ mình cho con người thế nào?

Chuyển ngữ:

Thérèse Trần Thiết

Fr. Marie Bảo Tịnh O.Cist

Nguyên tác:

Michel HUBAUT

UN DIEU QUI PARLE!

Comment Dieu se révèle-t-il à l’homme?


Chương 10 : HÃY LẮNG NGHE, HỠI ÍT-RA-EN 

 

Hãy lắng nghe, và con sẽ được sống

Ta đã thấy rằng Lời Chúa là một mạc khải liên quan đến trải nghiệm về hành động giải thoát dành cho dân Người. Vị Thiên Chúa tự tỏ mình, trước hết là một Thiên Chúa giải thoát và cứu rỗi. Một sự giải phóng khỏi cảnh nô lệ, đã được ký kết qua trung gian Mô-sê, bằng một giao ước trên núi Si-nai: Đó là một số điều lệ có tính tôn giáo và luân lý, gồm tóm trong mười “Lời” (Devarim): Mười điều răn. Mười “điều răn” chủ yếu nói về tương quan giữa con người với Thiên Chúa, và với nhau.

 “Thiên Chúa phán tất cả những lời sau đây: “Ta là Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta. Ngươi không được tạc tượng (...). Ngươi hãy thờ cha kính mẹ (...). Ngươi không được giết người. Ngươi không được ngoại tình. Ngươi không được trộm cắp. Ngươi không được làm chứng gian hại người. Ngươi không được ham muốn nhà người ta” (Xh 20, 1-4, 12-17).

Đây chính là trọng tâm của Giao Ước. Rõ ràng tình yêu là cốt lõi trong mọi tương quan, là cột trụ của mọi điều răn. Một tình yêu kiến tạo và làm cho con người được sống. Đó không phải là những lệnh truyền độc đoán mà con người phải tuân thủ để làm hài lòng một Thiên Chúa cay nghiệt, nhưng là những điểm qui chiếu để hướng dẫn con người tự do, những mốc điểm trên đường đi của ta, mà bên ngoài những điểm mốc ấy ta có nguy cơ đi tới tự hủy diệt, đánh mất      căn tính “người” của mình, và kéo theo sự bất hạnh cho chính mình.

Mười điều răn này là lõi tuỷ của cái mà trải qua nhiều thế kỷ, đã trở thành Luật[1]. Và đối với mỗi thế hệ, nó vẫn luôn là ngày “hôm nay”, ngày mà Thiên Chúa ký kết giao ước tình yêu với con người.

 “Ông Mô-sê triệu tập toàn thể Ít-ra-en và nói với họ: "Hỡi Ít-ra-en, hãy nghe những thánh chỉ và quyết định mà hôm nay tôi nói cho anh em nghe; anh em phải học cho biết những điều ấy và lo đem ra thực hành. Ðức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, đã lập một giao ước với chúng ta tại núi Khô-rếp. Ðức Chúa đã lập giao ước này không phải với cha ông chúng ta, mà là với chúng ta, những người hôm nay đang ở đây, tất cả còn đang sống (Đnl 5, 1-4).

Chính vì Thiên Chúa “ngỏ lời”, tự tỏ mình qua trung gian những người được linh hứng, nên không lạ gì mà     động từ ta thường gặp nhất trong Kinh Thánh là động từ “lắng nghe”[2].

 “Hỡi Ít-ra-en, hãy nghe những thánh chỉ và quyết định mà hôm nay tôi nói cho anh em nghe; anh em phải học cho biết những điều ấy và lo đem ra thực hành” (Đnl 5, 1).

Tôn giáo của dân Do-thái chủ yếu là tôn giáo của việc lắng nghe. Đối với con người của Thánh Kinh, “lắng nghe” không chỉ là hiểu biết bằng tri thức, một thông tin nào đó về Thiên Chúa, nhưng còn là một hành động lôi cuốn theo nó trọn thái độ sống của con người.

Lắng nghe = vâng phục = tiếp nhận Lời của Chúa để thực hành. Việc lắng nghe này bén rễ trong sự khởi xướng của một vị Thiên Chúa yêu thương con người, lập giao ước với con người và tỏ lộ cho con người dự án tình yêu phổ quát của mình. Làm sao có thể lắng nghe và tin tưởng vào một người nào đó, nếu ta không biết chắc rằng họ yêu thương và nhất thiết mong muốn mọi điều thiện hảo cho chúng ta? Nên không phải ngẫu nhiên mà trong các Sách Thánh, những động từ “lắng nghe” “yêu thương” luôn liên hệ mật thiết với nhau.

 “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! Ðức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Ðức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), hết lòng hết dạ, hết sức anh (em). Những lời này tôi truyền cho anh (em) hôm nay, anh (em) phải ghi tạc vào lòng.

Anh (em) phải lặp lại những lời ấy cho con cái, phải nói lại cho chúng, lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy, phải buộc những lời ấy vào tay làm dấu, mang trên trán làm phù hiệu,phải viết lên khung cửa nhà anh (em), và lên cửa thành của anh (em)” (Đnl 6, 4-9).

Đây là lời tuyên xưng “đức tin độc thần” mà mọi người Do-thái phải đọc – như Thầy Giê-su đã từng đọc – mỗi ngày ba lần. Trong khi đọc kinh, họ đeo những lời này vào cổ tay, buộc trên trán. Họ còn khắc ghi những lời này trên cửa nhà, cửa thành, như các cửa vào thành Giê-ru-sa-lem.

Lắng nghe hay vâng phục, theo nghĩa Kinh Thánh không hề gợi ý tưởng bị cưỡng ép, phục tùng cách mù quáng, nhưng là một sự gắn kết của con tim, một hành động tin-yêu.

Từ Torah, mà ta thường dịch là Luật, không chỉ đơn giản là “lề luật” của con người nhằm bảo vệ công ích. Nguồn gốc của nó theo tiếng Do-thái có nghĩa là chỉ bảo đường đi. Torah chỉ dẫn hướng đi, con đường do Thiên Chúa mạc khải để dẫn đưa con người tới Sự Sống. Đó là một “đạo luật sống còn”, một nguồn sống và hạnh phúc, một con đường linh động: “Hãy bước đi trong đường lối của Ta !” (Lv 18, 3).

Vâng-phục-lắng-nghe đúng là một vấn đề sống hay chết, nô lệ hay tự do, bất hạnh hay diễm phúc, vì Thiên Chúa muốn hiến ban cho con người sự sống và hạnh phúc, chứ không muốn gây phiền toái cho cuộc sống của con người, bằng những cấm đoán hay cản trở.

Trong sách Đệ Nhị Luật ta có một đoạn văn diễn tả ý tưởng này cách rõ ràng và tiêu biểu nhất :

 “Quả thế, mệnh lệnh tôi truyền cho anh (em) hôm nay đây, không vượt quá sức lực hay ngoài tầm tay anh (em). Mệnh lệnh đó không ở trên trời, khiến anh (em) phải nói: "Ai sẽ lên trời lấy xuống cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực hành? Mệnh lệnh đó cũng không ở bên kia biển, khiến anh (em) phải nói: "Ai sẽ sang bên kia biển lấy về cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực hành? Thật vậy, lời đó ở rất gần anh (em), ngay trong miệng, trong lòng anh (em), để anh (em) đem ra thực hành. Coi đây, hôm nay tôi đưa ra cho anh (em) chọn: hoặc là được sống, được hạnh phúc, hoặc là phải chết, bị tai hoạ. Hôm nay tôi truyền cho anh (em) phải yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), đi theo đường lối của Người, và tuân giữ các mệnh lệnh, thánh chỉ, quyết định của Người, để anh (em) được sống, được thêm đông đúc, và Ðức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), chúc phúc cho anh (em) trong miền đất anh (em) sắp vào chiếm hữu. Nhưng nếu anh (em) trở lòng và không vâng nghe, lại bị lôi cuốn và sụp xuống lạy các thần khác và phụng thờ chúng, thì hôm nay tôi báo cho anh (em) biết: chắc chắn anh (em) sẽ bị diệt vong, sẽ không được sống lâu trên đất mà anh (em) sắp sang qua sông Gio-đan để vào chiếm hữu. Hôm nay, tôi lấy trời đất làm chứng cáo tội anh (em): tôi đã đưa ra cho anh (em) chọn được sống hay phải chết, được chúc phúc hay bị nguyền rủa. Anh (em) hãy chọn sống để anh (em) và dòng dõi anh (em) được sống, nghĩa là hãy yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), nghe tiếng Người và gắn bó với Người, vì như thế anh (em) sẽ được sống, sống lâu mà ở lại trên đất Ðức Chúa đã thề với cha ông anh (em), là ông Áp-ra-ham, ông I-xa-ác và ông Gia-cóp, rằng Người sẽ ban cho các ngài” (Đnl 30,11-20).    

  Ta nên lưu ý cách dùng những động từ chủ yếu này, chúng bổ túc lẫn cho nhau và định nghĩa cách chính xác sự huyền nhiệm của sự lắng nghe và vâng phục trong Kinh Thánh:

 

- lắng nghe = vâng phục = yêu thương = bước đi = gìn giữ = sống;

- nghe theo = chúc lành = sự sống = diễm phúc;

- không nghe = chúc dữ = chết.

 

Một xúc tiến của con người tự do

Thiên Chúa không áp đặt. Người đề nghị. Người ước mong hạnh phúc cho con người và chỉ cho họ một con đường dẫn đến sự sống và hạnh phúc. Việc lắng nghe, theo Kinh Thánh, đồng nghĩa với niềm tin của con người tín thác nơi Thiên Chúa, tin chắc rằng Người, là Đấng Tạo Hoá, biết rõ những gì có thể xây dựng hay hủy diệt con người. Đây không phải là một sự phục tùng của kẻ nô lệ, mà là một xúc tiến của con người tự do, bám rễ sâu trong tình yêu của vị Thiên Chúa Tạo Hoá. Đức Ki-tô nhập thể nêu gương cho tất cả chúng ta, bằng một thái độ của con người hoàn toàn tự do và vâng phục cách tuyệt đối.

Đàng khác, con người, theo Thánh Kinh, đã biết sống cách trung thực sự tuân phục này, lắng nghe và thực hành Lời Chúa là đã trải nghiệm sự phong phú của Lời rồi. Họ khám phá ra rằng chính sự vâng phục trong tin yêu làm cho họ được tự do, hạnh phúc, và đồng thời đem lại cho họ bình an và niềm vui nội tâm. Từ kinh nghiệm này họ biết chắc rằng Lề Luật không phải là một sắc lệnh độc đoán mà Thiên Chúa muốn hạ thấp con người, nhưng là một Lời giải phóng. Con người chỉ có thể “vâng phục” cách tự do mà không tự tha hoá, nhờ sức mạnh của tình yêu giúp nó kiện toàn lề luật. Ta cũng nên nhớ rằng quan niệm về Thiên Chúa luôn có một ảnh hưởng quyết định trên thái độ lắng-nghe-vâng-phục của chúng ta.

Tác giả Thánh Vịnh đã không có đủ từ để diễn tả lòng ngưỡng mộ và ca ngợi mọi điều tốt đẹp của Lề Luật, ân ban của Chúa, cách thể hiện tình yêu của Người, mời gọi ta đến với hạnh phúc. Ta chỉ cần đọc lại Thánh Vịnh 19 :

“Luật pháp Chúa quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn.
Thánh ý Chúa thật là vững chắc, cho người dại nên khôn.

Huấn lệnh Chúa hoàn toàn ngay thẳng, làm hoan hỷ cõi lòng.
Mệnh lệnh Chúa xiết bao minh bạch, cho đôi mắt rạng ngời.

Lòng kính sợ Chúa luôn trong trắng, tồn tại đến muôn đời.
Quyết định Chúa phù hợp chân lý, hết thảy đều công minh,

thật quý báu hơn vàng, hơn vàng y muôn lượng,
ngọt ngào hơn mật ong, hơn mật ong nguyên chất”
                                                                    
(Tv 19, 8-11)

Như thế, Lề Luật ở đây không có gì là gò bó, tha hóa, hay làm ta ngột ngạt cả ! Chúng ta cũng nên thường xuyên đọc lại Thánh Vịnh 119 (118), tuy hơi dài, nhưng lại là một bản tình ca tuyệt vời về việc lắng nghe Lời Chúa. Vì vâng-nghe Lời Chúa chính là hạnh phúc của con người!

“Hạnh phúc thay kẻ tuân hành ý Chúa,
hết lòng hết dạ kiếm tìm Người.

Lạy Chúa, con hết dạ kiếm tìm Ngài,
xin chớ để con làm sai mệnh lệnh Chúa.

Lời Chúa hứa, lòng con ấp ủ,
để chẳng bao giờ bội nghĩa bất trung.

Vâng-nghe Lời Chúa là ân ban của Chúa, một đường lối dẫn đưa con người đến với chân lý…

 

Lắng nghe bằng cả con tim

Nhưng nếu Thiên Chúa, Đấng khởi xướng nên giao ước này, thì Lời Người đã được mạc khải, vẫn chờ đợi một câu đáp, với tất cả sự tự do của con người, một thụ tạo mà Thiên Chúa muốn họ cộng tác với Người để thể hiện kế hoạch yêu thương của Người.

Vậy lắng nghe Lời Chúa không phải là nghe như khi ta nghe ngóng những thông tin trên các đài truyền thanh hay truyền hình. Mà là một thái độ nghe để định hướng cho cả cuộc đời của mình. Điều này cho ta thấy đối với con người của Thánh Kinh, “con tim”, nơi thâm sâu nhất của con người, chính là chỗ ưu tiên để chúng ta đón nhận, nghiền ngẫm Lời sự Sống của Chúa rồi đem ra thực hành. Lề Luật, Lời Chúa, không chỉ đơn giản là một điều luật bên ngoài, nhưng là một kỷ cương sống, đã được khắc ghi trong tâm can con người: “Anh em hãy ý tứ kẻo lòng anh em bị quyến rũ mà bỏ đi phụng thờ những thần khác và sụp xuống lạy chúng” (Đnl 11, 16).

Thế nhưng con người hoàn toàn tự do để bước đi trên con đường sự sống của Lời Chúa đã được mạc khải và ban tặng, hay chọn đi vào một con đường khác. Bởi kiêu căng hay kém hiểu biết, xu hướng tự nhiên của con người thường muốn một mình, tự tạo lấy cuộc đời mình. Như đã mô tả trong sách Sáng Thế, qua trình thuật về A-đam và E-và, vẫn bị cám dỗ “ăn trái cây biết-thiện-ác”, tự tạo cho mình những giá trị riêng.

Con người tưởng có thể qua mặt Thiên Chúa, nguồn mạch sự sống, có thể chiếm chỗ Thiên Chúa, tự tôn mình làm trung tâm tuyệt đối. Nó không hiểu rằng Thiên Chúa không phải là một đối thủ cho sự tự do của nó, nhưng Người là sức mạnh của tình yêu để kiến tạo, cấu trúc và kiện toàn nó; chỉ duy có tình yêu Thiên Chúa mới làm cho nó trở thành con người, trở nên thiêng thánh.

Đây chính là sự cao cả và cũng là thảm hoạ của sự tự do của con người. Là thảm hoạ của tội lỗi, đã bắt nguồn từ mỗi người chúng ta. Tội lỗi, theo các tác giả Thánh Kinh, chủ yếu là khước từ vâng-nghe Lời-Luật của Thiên Chúa: “Nghe thấy tiếng Ðức Chúa là Thiên Chúa đi dạo trong vườn lúc gió thổi trong ngày, con người và vợ mình trốn vào giữa cây cối trong vườn, để khỏi giáp mặt Ðức Chúa là Thiên Chúa. Ðức Chúa là Thiên Chúa gọi con người và hỏi: "Ngươi ở đâu?” (St 3, 8-9).

 

Sứ điệp hoán cải của các ngôn sứ

Các ngôn sứ đã không ngừng đọc và diễn giải Lề Luật. Đối với họ, nghe Lời Chúa, không phải là tuân hành các cách thức phụng tự, như dâng của lễ một cách máy móc theo luật định, nhưng là đi vào một tương quan tình yêu với Thiên Chúa. Phải thực thi Lời vì yêu Lời, vì Lời là suối nguồn của sự sống hạnh phúc: “Giờ đây, hỡi Ít-ra-en, nào Ðức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), có đòi hỏi anh (em) điều gì khác đâu, ngoài việc phải kính sợ Ðức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), đi theo mọi đường lối của Người, yêu mến phụng thờ Người hết lòng, hết dạ, giữ các mệnh lệnh của Ðức Chúa và các thánh chỉ của Người mà tôi truyền cho anh (em) hôm nay, để anh (em) được hạnh phúc?” (Đnl 10, 12-13).

Được sinh động bởi những đòi hỏi của kế hoạch tình yêu Thiên Chúa, các ngôn sứ thường mời gọi anh em mình “từ bỏ” con đường của các thần tượng, dẫn đến một ngõ cụt, để “quay trở về” với Thiên Chúa.

Chính các ngôn sứ đã đưa vào cuộc sống của dân Chúa khái niệm về sự hoán cải, sự trở lại. Từ shub của tiếng Do-thái diễn tả cách chính xác hơn sự “trở lại, trở về” với Thiên Chúa. Ngoài xã hội, nó có nghĩa là “thay đổi đường đi, quay trở lại, đi ngược trở lại khi đã đi sai đường”. Trong tôn giáo, nó có nghĩa là “trở về với Thiên Chúa Giao Ước”. Hoán cải luôn luôn là “Nghe Lời Người”:

“Nào chúng ta hãy trở về cùng Ðức Chúa (...) và chúng ta sẽ được sống trước nhan Người (...). Tình yêu của các ngươi khác nào mây buổi sáng, mau tan tựa sương mai (...). Vì Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ, thích được các ngươi nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu” (Hs 6, 1-6).

Nếu sự “trở lại” không phải là một sự trở lại của con tim, nếu nó không được linh hứng bởi tình yêu, bởi một sự hiểu biết thân tình với Thiên Chúa, thì nó sẽ mãi mãi ở bên ngoài và không mang lại kết quả lâu bền.

Đó là lời kêu gọi mà các ngôn sứ đã không ngừng làm vang vọng lên, xuyên suốt chiều dài của lịch sử Mạc Khải. Ngay từ thế kỷ thứ 8, A-mốt và Hô-sê đã nhấn mạnh rằng “hoán cải” là việc liên quan đến mọi người. Việc “trở lại” chẳng bao giờ là một xúc tiến thuần tuý “riêng tư”, thuần tuý “thiêng liêng”. Việc hoán cải đã được xem như một bước xúc tiến bao hàm mọi chiều kích của con người (kể cả chiều kích xã hội và cộng đoàn).

“Tìm kiếm Thiên Chúa…tìm kiếm sự tốt lành… tìm kiếm sự công chính”, tất cả những kiểu nói này đều chỉ muốn diễn tả việc hoán cải. Nó không nhằm làm nguôi cơn giận của vị Thiên Chúa khó tính, nhưng là để từ bỏ sự dữ, bất công, để “quay trở về”, để “trở lại” với những yêu sách liên quan đến những lời hứa của Thiên Chúa Giao Ước. Và bước tiến này không thể được linh hoạt bởi sự sợ hãi, nhưng bởi tình yêu.

Với ngôn sứ I-sai-a, tội lỗi, càng ngày càng được mô tả như một thái độ đi đến với ngẫu tượng của con người để tự xưng chúa, thay vì “quay trở lại” với Đấng là nguồn suối, là tương lai của mình: “Ta đã nuôi nấng đàn con, cho chúng nên khôn lớn (...). Khốn thay dân tộc phạm tội, dân chồng chất lỗi lầm, giống nòi gian ác, lũ con hư hỏng!” (Is 1, 2-4). Và nếu “con tim” loài người đã không hướng về Thiên Chúa Tạo Hoá, thì mọi tương quan của con người cũng ra “hư hỏng”, sự công chính cũng bị nhạo báng và việc phụng tự Thiên Chúa cũng chỉ còn là một sân khấu hài, mà Thiên Chúa khước từ.

“Thôi, đừng đem những lễ vật vô ích đến nữa (...). Ta không chịu nổi ngày đại hội, lễ lạt linh đình (...). Các ngươi có đọc kinh cho nhiều, Ta cũng chẳng thèm nghe (...). Hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết, và vứt bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ta. Ðừng làm điều ác nữa. Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ” (Is 1, 11-17).

“Vì Chúa Thượng là Ðức Chúa, là Ðức Thánh của Ít-ra-en, phán thế này: Giả như các ngươi trở lại và ở yên, hẳn các ngươi đã được cứu thoát; giả như các ngươi bình tĩnh và tin tưởng, ắt các ngươi đã nên hùng mạnh; thế nhưng các ngươi đã không muốn!” (Is 30, 15).

“Hãy tìm Ðức Chúa khi Người còn cho gặp, kêu cầu Người lúc Người ở kề bên. Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình đang theo, người bất lương, hãy bỏ tư tưởng mình đang có mà trở về với Ðức Chúa - và Người sẽ xót thương -, về với Thiên Chúa chúng ta, vì Người sẽ rộng lòng tha thứ. Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta - sấm ngôn của Ðức Chúa. Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” (Is 55, 6-9).

Giê-rê-mi-a chắc chắn là vị ngôn sứ đã triển khai đề tài “hoán cải” nhiều nhất. Ông đã sống những ngày tháng của thời lưu đầy. Chính vì thế mà lời kêu gọi “trở về” đã trải dài trong tập sách sấm ngôn của ông. Dân Chúa phải nhận biết rằng họ đã đi lạc đường:

“Chúng đã bỏ Ta là mạch nước trường sinh để làm những hồ nứt rạn, không giữ được nước” (Gr 2,13).

“Trở về đi, hỡi Ít-ra-en phản bội (...) vì Ta giàu lòng xót thương. Có điều là tội ngươi, ngươi phải biết: ngươi đã xúc phạm đến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, khi lang bạt khắp các nẻo đường tìm kiếm ngoại kiều dưới mọi lùm cây rậm; còn tiếng Ta gọi, các ngươi chẳng thèm nghe” (Gr 3, 12-13).

“Tất cả những người Giu-đa qua cửa này vào thờ phượng Ðức Chúa, hãy nghe lời Ðức Chúa (...). Ðừng ỷ vào lời giả dối sau đây: "Ðền Thờ của Ðức Chúa! Ðền Thờ của Ðức Chúa! Ðã có Ðền Thờ của Ðức Chúa!"

Nếu các ngươi thật sự cải thiện lối sống và hành động của các ngươi, nếu các ngươi thật sự đối xử công bình với nhau, không ức hiếp ngoại kiều hay cô nhi quả phụ, nếu các ngươi không đổ máu người vô tội nơi đây, không đi theo các thần ngoại mà chuốc hoạ vào thân, thì Ta sẽ cho các ngươi lưu lại nơi này, trong phần đất Ta đã ban cho cha ông các ngươi đến muôn đời” (Gr 7, 1-11).

 

Con người khó có thể lắng nghe

Nếu trọn bộ Sách Thánh là một khoá thực tập cho việc vâng-nghe của lòng tin, thì nó cũng là nơi mà con người đã làm một kinh nghiệm đau buồn rằng nó khó có thể đem Lời Chúa ra thực hành. Đó cũng là thảm hoạ mà thánh Phao-lô vẫn thường kể trong các Thư Mục Vụ, khi nói rằng Lề Luật như một nhà mô phạm, đã cho phép ta đem ra ánh sáng sự bất lực của con người trước việc thi hành Luật.

Con người không còn biết lắng nghe, vâng phục, vì họ không còn biết yêu thương nữa. Để tiến vào sự linh động của tình yêu, điều duy nhất có thể giải phóng con người, cần một cuộc trở lại triệt để của con tim. Đứng trước sự cứng lòng của con người, Giê-rê-mi-a đã phải tự hỏi liệu con người có đủ khả năng làm một cuộc hoán cải như thế không: “Nhưng chúng sẽ nói: "Vô ích! Chúng tôi sẽ theo ý định của chúng tôi, và mỗi người cứ cố chấp theo lòng dạ xấu xa của mình” (Gr 18, 12).

Nhưng mặc dù điều ghi nhận trên hơi tiêu cực, vẫn còn một tia hy vọng. Một ngày nào đó, khi dân Chúa cảm thấy xấu hổ về những kinh nghiệm bất hạnh của mình, họ sẽ phải nài xin Chúa cho ơn hoán cải của tâm hồn :

 “Xin đưa con trở về, và con sẽ trở về, vì Người là Ðức Chúa, Thiên Chúa của con! Vì sau khi phạm tội, con hối tiếc ăn năn” (Gr 31, 18-19).

Và rồi, trước tiếng kêu xin của con người, biết rằng họ không thể “lắng nghe” bằng con tim của họ, Thiên Chúa đã đáp lời bằng một lời hứa, là tái lập một Giao Ước Mới với con người, Người ghi khắc vào tận tâm can họ.

 “Ta sẽ ban cho chúng một tâm hồn để nhận biết rằng chính Ta là Ðức Chúa. Chúng sẽ là dân của Ta, còn Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng; bởi vì chúng sẽ hết lòng trở về với Ta” (Gr 24, 7).

 “Nhưng đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en sau những ngày đó - sấm ngôn của Ðức Chúa. Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta” (Gr 31, 33-34).

Đó là điều mà ngôn sứ Ê-dê-ki-en, vị ngôn sứ của thời lưu đầy, của niềm hy vọng, sẽ phải minh định càng ngày càng rõ nét: “Hãy quẳng khỏi các ngươi mọi tội phản nghịch các ngươi đã phạm. Hãy tạo cho mình một trái tim mới và một thần khí mới. Hỡi nhà Ít-ra-en, tại sao các ngươi lại muốn chết? Quả thật, Ta không vui thích gì về cái chết của kẻ phải chết. Vậy hãy trở lại và hãy sống” (Ed 18, 31-32).

Hơn ai hết, Ê-dê-ki-en đặc biệt nhấn mạnh chiều kích cá nhân của việc hoán cải này. Mỗi người chịu trách nhiệm về cách ăn ở, với hậu quả của mọi hành vi của mình. “Chẳng lẽ Ta lại vui thích vì kẻ gian ác phải chết mà không muốn cho nó từ bỏ đường lối của nó mà được sống sao?(...). Vì thế, Ta sẽ xét xử các ngươi: ai nấy theo đường lối của mình - sấm ngôn của Ðức Chúa là Chúa Thượng. Hãy trở lại, hãy từ bỏ mọi tội của các ngươi” (Ed 18, 23-30).

 “Ta chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống. Hãy trở lại, hãy từ bỏ đường lối xấu xa của các ngươi mà trở lại. Sao các ngươi lại muốn chết, hỡi nhà Ít-ra-en?” (Ed 33, 10-11).

Vì thế, lịch sử Kinh Thánh được kết thúc bằng một nhận định tuy sáng suốt, nhưng đau buồn này, là việc hoán cải không nằm trong tầm tay của con người cứng đầu cứng cổ, với con tim chai đá. Chỉ có “Ơn Thánh Chúa” mới có thể tạo cho con người một “quả tim mới” và một “tinh thần mới”. Đó chính là một cuộc tạo dựng mới.

 “Rồi Ta sẽ rảy nước thanh sạch trên các ngươi và các ngươi sẽ được thanh sạch, các ngươi sẽ được sạch mọi ô uế và mọi tà thần. Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt.

Chính thần trí của Ta, Ta sẽ đặt vào lòng các ngươi, Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh chỉ, tuân giữ các phán quyết của Ta và đem ra thi hành. Các ngươi sẽ cư ngụ trong đất Ta đã ban cho tổ tiên các ngươi. Các ngươi sẽ là dân của Ta. Còn Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi” (Ed 36, 25-28).

Thiên Chúa chủ động khởi xướng trong việc hoán cải cũng như tha thứ. Sau thời kỳ lưu đầy, khái niệm về sự “hoán cải” mang chiều kích phổ quát. Sách Giô-na minh chứng qua các giáo huấn của ngôn sứ trực tiếp nhắn gửi đến các dân “ngoại”, để họ hoán cải trở về và được sống”.

 “Hãy trở về với Ta”, “Hãy đổi đường đi”, “Hãy hoán cải”, những ngôn từ và những bước xúc tiến đặc thù này trong giáo huấn của các ngôn sứ, đã được dịch sang bản Kinh Thánh tiếng Hy Lạp bằng động từ metanoia (cải hồi).

Đây là một sự trở lại của nội tâm. Gồm trọn vẹn bản thể (tinh thần và con tim) của con người, nó phải triệt để thay đổi hướng đi. Tiếng La-tinh dịch metanoia bằng conversio, hay penitentia. Sang tiếng Pháp là “pénitence” (sám hối), hay “repentir” (hối cải). Rất tiếc là những từ này chưa diễn tả đủ tất cả sự phong phú và sâu sắc của từ metanoia trong Kinh Thánh, nhất là ý tưởng về một sự trở lại triệt để, trọn vẹn của tất cả con người của chúng ta.

Và đây cũng chính là sứ vụ của Thầy Giê-su, Thầy đến để giải thoát chúng ta khỏi một sự tha hoá tận gốc rễ của con tim, của tội lỗi con người, để làm cho con người có khả năng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành, để con người thực sự biết vâng theo khát vọng yêu thương của Thiên Chúa.

 

[1]           1. Torah luôn ở số nhiều có nghĩa “những lời” (devarim).

[2]   2. Trong tiếp Híp-ri “shama”, cũng có nghĩa “vâng phục” và “đem ra thực hành”. Đối với người Sémite, vâng phục chính là lắng nghe.

VỀ MỤC LỤC
NĂM ĐỨC TIN : TẦM QUAN TRỌNG CỦA BÍ TÍCH HÒA GIẢI
 

Bí tích hòa giải ( reconciliation) là một trong các bí tích ban ơn cứu độ rất quan trọng và cần thiết mà Chúa Kitô đã trao cho các Tông Đồ trước tiên và cho Giáo Hội ngày nay cử hành để ban ơn tha thứ của Chúa cho các hối nhân còn tin tưởng nơi lòng thương xót tha thứ của Chúa.

Thật vậy, sau khi từ cõi chết sống lại và hiện ra với các Tông Đồ, Chúa Kitô đã nói với các ông như sau:

Anh em tha cho ai, thì người ấy được tha

Anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ ( Ga 20: 23)

Trước khi thọ nạn thập giá, Chúa Giêsu cũng đã trao quyền tha tội cho Phêrô, sau khi môn đệ này tuyên xưng Chúa là “ Đấng Kitô, con Thiên Chúa hằng sống.” ( Mt 16: 16)

“ Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời : dưới đất anh cầm buộc điều gì Trên Trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất anh tháo cởi điều gì, trên Trời cũng sẽ tháo cởi như vậy. “ ( Sđd : 20 : 19)

Trên đây là nền tảng Kinh Thánh của bí tích hòa giải mà Chúa Kitô đã thiết lập và trao cho các Tông Đồ trước khi Người về Trời.

Sở dĩ Chúa ban bí tích này là vì Người biết rõ con người vẫn còn yếu đuối sau khi được tái sinh qua bí tích Rửa tội. Còn yếu đuối và dễ nghiêng chiều về sự xấu trong bản tính đã bị băng hoại vì Tội Nguyên Tổ (original sin) cộng thêm với ý muốn tự do (Free will) mà Thiên Chúa luôn tôn trọng cho con người sử dựng, cho nên nguy cơ phạm tội còn đó . Vì thế Chúa đã ban bí tích hòa giải để giúp con người nối lại tình thân với Chúa sau khi đã lỡ phạm tội cá nhân vì yếu đuối và nhất là vì ma qủi cám dỗ và gương xấu của thế gian. Bao lâu còn sống trong thân xác có ngày phải chết này, thì bấy lâu con người còn phải chiến đấu, hay bị giằng co giữa sự thiện và sự dữ, giữa sự tốt và sự xấu trái nghịch nhau như ánh sáng và bóng tối. Do đó, anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể anh em trên trần gian đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế.” ( 1 Pr 5 : 8-9).

Đó là lời khuyên dạy của Thánh Phêrô Tông Đồ.

I- Nhưng trước hết phải hiểu rõ thế nào là tội và có mấy loại tội

Con người ngày nay, phần nhiều đã mất hết ý thức về tội nên đã thi nhau làm những điều tự bản chất là sai trái, là vô luân như ăn gian, nói dối, trộm cắp, dâm đãng, ngoại tình, cờ bạc, giết người, phá thai, buôn bán ma túy, súng đạn giết người, sách báo phim ảnh dâm ô, nhất là buôn bán phụ nữ và trẻ em cho kỹ nghê mãi dâm, hoặc làm nô lệ tình dục cho người nước ngoài dưới chiêu bài “hôn nhân ngoại quốc” hay “ lao động nước ngoài”. Nhiều tín hữu cũng mất ý thức về tội nên đã coi thường hay không muốn đi xưng tội nữa dù đã làm những việc mà thực chất là có tội.

Những hình thức của tội lỗi nói trên đây đã ít nhiều xúc phạm đến Thiên Chúa là tình thương, là công bình và thánh thiện. Do đó, khi ta làm bất cứ điều gì xúc phạm đến tình thương, sự công bình và thiện hảo thì đã xúc phạm đến chính Thiên Chúa là hiện thân của Chân, Thiện Mỹ tuyệt đối.

Giáo lý Công Giáo cũng dạy rằng : “ Tội lỗi chống lại tình thương của Thiên Chúa dành cho ta và khiến trái tim ta xa lìa tình yêu đó. Cũng như tội nguyên thủy, tội lỗi của ta là một sự bất phục tùng, một sự phản loạn chống lại Thiên Chúa…” ( x. SGLGHCG số 1850)

Thánh Phaolô đã liệt kê những tội con người có thể phạm như sau :

“ Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là : dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, nghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy. Tôi bảo cho mà biết như tôi đã từng bảo : những kẻ làm những điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa.” ( Gl 5:19-21 )

Thánh Gioan cũng quả quyết rằng “ Mọi điều bất chính trên đều là tội.” ( Ga 5 : 17)

 

II- Giáo Hội phân biệt tội thành hai loại : tội trọng và tội nhẹ

1- Tội trong (mortal sin) là tội tự bản chất nó là sự dữ như giết người, hiếp dâm, ngoại tình., tiếp tay với quân khủng bố đặt bom giết hại người khác, nhất là chối bỏ hay lăng mạ Thiên Chúa, Đức Mẹ và các Thánh, công khai chối đạo …

Ngoài bản chất là nghiêm trọng, tội trọng chỉ thành tội khi người ta đã biết rõ tính chất nghiêm trọng đó mà vẫn cố tình phạm với ý muốn tự do ( free will). Tội trọng phá hủy hoàn toàn đức ái và và cắt đứt mọi tình thân đối với Chúa vì đã chống lại Người cách quá nặng nề.

Do đó, nếu ai chết trong khi đang mắc tội trọng mà không kịp xin tha qua bí tích hòa giải thì sẽ chiu hình phạt hỏa ngục ( x. SGLGHCG số 1035)

2- Tội nhẹ ( Venial sin) : không cắt đứt tình thân với Chúa nhưng cũng xúc phạm đến Người và làm tổn thương phần nào đức ái ( x SGLGHCG số 1855)

Đây là giáo lý của Giáo Hội mà mọi tính hữu phải tuân thủ cho được hiệp thông với Giáo Hội trong mục đích yêu mến, tôn thờ Thiên Chúa và thực hành các giới răn của Người hầu được hưởng nhờ ơn cứu độ của Chúa Kitô.

Cũng theo giáo lý của Giáo Hội thì mọi tội nặng hay nhẹ đều có thể được tha qua bí tích hòa giải nếu hối nhân còn tin tưởng nơi lòng thương xót tha thứ của Chúa và thật lòng ăn năn sám hối. Chỉ có một tội không thể tha được, đó là tội phạm đến Chúa Thánh Thần, tức chối bỏ Thiên Chúa hoàn toàn và không còn tin tưởng gì nơi lòng thương xót của Chúa nữa.

Liên quan đến bí tích hòa giải, không thể quan niệm rằng người tín hữu trưởng thành không cần giữ  Đạo cách “cổ xưa” với việc tuân giữ luật lệ. Nếu việc tuân thủ mọi giới răn của Chúa và giáo lý của Giáo Hội là không “hợp thời” và cần thiết thì tạo sao Thiên Chúa lại ban 10 điều răn cho con người tuân giữ để được chúc phúc và tại sao Chúa Kitô đã nói với các môn đệ xưa điều này:

“ Nếu anh em yêu mến Thầy

Anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy” ( Ga 14: 15)

Như thế, yêu mến Chúa đồng nghĩa với việc tuân giữ các giới răn của Thiên Chúa. Và nếu không tuân giữ thì đã phạm tội chống lại Chúa là tình thương, công bình, bác ái và thánh thiện, vì mọi tội con người có thể phạm đều liên hệ ít nhiều đến các đặc tính trên đây của Thiên Chúa.Cụ thể : giết người hay âm mưu sát hại người khác là chống lại bản chất yêu thương, nhân từ của Chúa. Trộm cắp, gian tham, lừa đảo là phạm đến sự công bình của Chúa. Dâm ô – đặc biệt là tội ấu dâm rất khốn nạn ( child prostitution)- là xúc phạm nặng nề đến sự thánh thiện, trong sạch của Chúa . Do đó, muốn sống đẹp lòng Chúa và nhiên hậu được cứu độ thì mọi người có niềm tin yêu Chúa phải quyết tâm xa tránh mọi tội lỗi vì chỉ có tội mới đẩy chúng ta ra khỏi tình thương của Chúa là Đấng yêu thương và muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý.” ( 1 Tm 2 : 4) nhưng lại gớm ghét mọi tội lỗi vì nó hoàn toàn đi ngược lại với bản chất yêu thương, nhân từ , công bình và thánh thiện của Người.

 

III- Tại sao cần phải xưng tội và xưng cách nào ?

Như đã giải thích ở trên, tội là một thực thể và một thực tế (entity and reality) trong trần gian và trong mỗi người chúng ta. Không ai có thể nói là mình không có tội nào như Thánh Gioan đã quả quyết : “ nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, Chúng ta tự lừa dối mình Và sự thật không ở trong chúng ta.” ( 1 Ga 1 : 8)

Nhận biết mình có tội thì lời mời gọi là hãy sám hối và xin Chúa tha thứ. Chúa ghét mọi tội nhưng lại yêu thương kẻ có tội biết ăn năn xin tha thứ, như Chúa Giêsu đã đối xử với người phụ nữ bị bắt phạm tội ngoại tình và bị bọn Biệt phái dẫn đến xin Chúa cho ném đá. Chúa đã không ném đá và chỉ nói với chị kia rằng “ ..Tôi không lên án chị đâu, thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa.” ( Ga 8: 11).

Qua lời Chúa trên đây, chúng ta hiểu rõ lòng nhân từ và khoan dung của Chúa đối với kẻ có tội, nhưng cũng không muốn ai lợi dụng lòng nhân từ đó để cứ phạm tội, cứ lấy cớ Chúa yêu thương tha thứ để không quyết tâm cải thiện đời sống và xa tránh mọi tội lỗi. Đành rằng là con người, ai cũng yếu đuối trong bản tính, nhưng nếu ta quyết tâm và nương nhờ ơn Chúa phù giúp thì chúng ta mới có thể đứng vững được trước mọi cơn cám dỗ của ma quỷ, ví như “sư tử gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé” ( 1 Pr 5: 8), của xác thịt yếu đuối dễ sa ngã và của gương xấu đầy rẫy ở mọi môi trường sống.

Nói rõ hơn, nếu ta không có thiện chí xa lánh tội và mọi cơ hội đưa đến phạm tội, để rồi cứ sa đi ngã lại, thì Chúa không thể cứu ai được mặc dù công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô là vô giá, và đủ cho ta được cứu rỗi. Nhưng dù là đủ, Chúa vẫn còn mong đợi nơi thiện chí công tác của con người vào ơn cứu độ, vì con người còn có tự do để cộng tác hay khước từ ơn cứu độ và tình thương của Chúa để sống theo ý riêng mình.. Đó là lý do vì sao Chúa Kitô đã cảnh cáo những ai không quyết tâm chừa tội và sống theo đường lối của Chúa mà cứ đi hàng hai, nửa nóng nửa lạnh như sau:

“ Ta biết việc các ngươi làm.: ngươi chẳng nóng và cũng chẳng lạnh. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi ! nhưng vì ngươi hâm hâm chẳng nóng chẳng lạnh nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta” ( Kh 3 : 15-16)

 

IV-- Xưng tội là một tiến trình hoán cải đả trở nên hoàn hảo hơn:

Như đã nói ở trên, Chúa Kitô ban bí tích hòa giải vì Người biết trước con người sẽ còn phạm tội cá nhân nhiều lần nữa, sau khi được rửa sạch một lần hậu quả của tội nguyên tổ qua phép Rửa.

Phạm tội vì yếu đuối thì khác với cố tình không quyết tâm chừa tội để rồi lại tái phạm nhiều lần nữa. Cha giải tội có thể không ban phép tha tội nếu biết hối nhân cứ xưng mãi một tội vì không cố gắng chừa bỏ..

Trong Tin Mừng Thánh Lu ca, để trả lời cho một số người đến hỏi Chúa xem có phải những người Ga li-Lê bị Tổng trấn Phi-la-tô giết chết, lấy máu hòa lẫn với tế vật là vị họ tội lỗi hơn những người khác hay không, Chúa Giêsu đã trả lời họ như sau :

“ …Không phải thế đâu. Nhưng nếu các ông không sám hối thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.” ( Lc 13 : 3)

Như thế có nghĩa là chúng ta phải cố gắng chừa tội và sám hối về những việc sai trái đã làm.

Sám hối là nhìn nhận mình có tội, ăn năn chừa bỏ và mau kíp chạy đến với Chúa qua bí tích hòa giải để được tha thứ và giao hòa lại với Chúa và với Giáo Hội.

Khi đi xưng tội , mọi hối nhân cần lưu ý hai điều quan trọng sau đây:

1- Phải hoàn toàn tin tưởng có Chúa Kitô hiện diện trong các thừa tác viên con người là Giám mục hay Linh mục. Chính Chúa nghe và tha tội cho ta qua tay các thừa tác viên.

2- Do đó , phải thành thật xưng các tội nặng nhẹ đã phạm vì yếu đuối con người, kể cả những tội kín thuộc các giới răn thứ sáu và thứ chin. Nếu không thành thật xưng ra Các tội mình đã phạm , nghĩa là có ý dấu không xưng một tội nào thì việc xưng tôi sẽ không thành và không đáng được Chúa tha thứ qua trung gian của thừa tác viên. ( x SGLGHCG số 1505)

Xưng tội là dịp cho ta nhớ đến lòng thương xót tha thứ của Chúa sau khi nhận biết tội lỗi mình đã xúc phạm đến Chúa.Nhưng phải có quyết tâm từ bỏ tội với ơn Chúa nâng đỡ để không sa đi ngã lại. Đây là tiến trình trở nên hoàn hảo hơn như Chúa mong muốn cho mỗi người tín hữu chúng ta. Nói rõ hơn, không phải cứ theo thói quen lâu lâu đi xưng tội để cho an tâm rồi lại không quyết tâm từ bỏ tội lỗi nên lại tái phạm để rồi lại đi xưng tội. Sống đức tin kiểu này thì quả thật xứng đáng để nghe lời Chúa cảnh cáo trên đây.

Nói khác đi, phải quan niệm đúng đắn hơn về bí tích hòa giải. Đây phải là phương thế hữu hiệu để giúp con người không những lấy lại tình thân với Chúa mà còn giúp ta dần dần trở nên hoàn hảo về mặt thiêng liêng qua quyết tâm từ bỏ tội lỗi để trở nên thánh thiện như Chúa Kitô đã kêu gọi:

anh em phải nên thánh (nên hoàn hảo) như Cha anh em ở trên Trời là Đấng toàn thiện.” ( Mt 5: 48)

Trở nên thánh thiện hay hoàn hảo là trở nên giống Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành, là suối nguồn an vui và hạnh phúc của các Thánh và các Thiên Thần. Do đó, phạm tội hay sống trong tội là tự ý xa lìa Chúa và không muốn được cứu độ để vui hưởng hạnh phúc Nước Trời.

Tóm lại, Bí tích hòa giải không chỉ đơn thuần tha các tội nặng nhẹ con người có thể phạm mà còn là phương thế hữu hiệu để giúp con người trở nên hoàn thiện, qua cố gắng xa tránh mọi tội lỗi để trở nên giống Chúa là Chân Thiện Mỹ tuyệt đối..

Chính trong chiều kích thiêng liêng nói trên mà mọi tín hữu được mời gọi cách riêng trong Năm Đức Tin này là hãy siêng năng đến với bí tích hòa giải trong tâm tình ca tụng và cảm tạ tình thương , tha thứ vô biên của Chúa và cũng để nói lên quyết tâm cải thiện đời sống thiêng liêng bằng cố gắng chửa bỏ dần dần mọi tội lỗi như một thiện chí muốn trở nên hoàn hảo hầu xứng đáng được thông phần bản tính Thiên Chúa, sau khi đã thoát khỏi cảnh hư đốn do dục vọng gây ra trong trần gian này” như Thánh Phêrô đã mời gọi ( 2 Pr 1 : 4).

Ước mong mọi quí tín hữu suy nghĩ và thực hành mục đích của bí tích hòa giải trong Năm Đức Tin này.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

VỀ MỤC LỤC
LỜI NGUYỆN ĐẦU XUÂN
 

Khi có việc ra nước ngoài, lần nào chuyến bay dừng ở các phi trường quốc tế, trong khi chờ chuyến bay kế tiếp, tôi hay tìm một căn phòng trong phi trường dành riêng để cầu nguyện, hầu như phi trường quốc tế nào cũng có. Giữa những cửa hàng nhộn nhịp bày biện rất hấp dẫn, một góc nào đó yên tĩnh, không xa các phòng đợi, căn phòng được thiết kế nhẹ nhàng, ánh sáng chan hòa, mát mẻ, ấm cúng và thinh lặng, nội thất thích hợp hầu như cho mọi tôn giáo, dĩ nhiên không có ảnh tượng nào hết.

Vào phòng cầu nguyện, trong bầu khí thinh lặng chúng ta dễ dàng lắng mình trong những suy tư, những lời kinh và những nỗi niềm riêng, một cách nào đó chúng ta được đem ra khỏi thế giới ồn ào náo nhiệt, tách ra khỏi không gian có nhiều lôi cuốn, để mình được là mình, được đối diện với chính mình và cũng là được đối diện với Chúa, dễ giúp ta giãi bày những điều muốn ngỏ cùng Thiên Chúa của chúng ta.

Nhu cầu đến với Chúa là một nhu cầu có thật, mọi người đều có nhu cầu này, cho dù có mạnh miệng tuyên bố là vô thần đi nữa thì người ấy vẫn phải ngửa mặt lên trời mà khấn xin mỗi khi có nhu cầu cần thiết. Quả thật khi có những nhu cầu cần thiết hoặc khi có những bế tắc trong cuộc sống, những khi gặp khó khăn không tìm được dường gỡ hoặc vào những thời khắc quan trọng của cuộc đời, có một sức mạnh tự nhiên nào đó đầy người ta đến với Đấng Cao Tôn và tha thiết muốn giải bày với Ngài về cuộc sống.

Cách đây một tháng, khi có dịp gặp một doanh nhân trong lãnh vực sản xuất và phân phối, qua câu chuyện thăm nhau, tôi có hỏi: “Lúc này kinh tế nhiều khó khăn, việc làm ăn của anh chị thế nào, có bị ảnh hưởng nhiều lắm không ?” Hai ông bà vui vẻ trả lời: “Cám ơn Cha, kinh tế khó khăn thật, nhiều người điêu đứng nhưng chúng con vẫn bình an, có khi còn tăng hơn nữa Cha ạ !” Tôi chợt nhớ ra ngành nghề của hai ông bà: ngành sản xuất và phân phối nhang đèn, đúng là khi gặp khó khăn người ta có nhu cầu tìm đến thần linh nhiều hơn nữa.

Trong những ngày hội thảo về mục vụ của nội bộ Tu Viện, khi xem xét việc tổ chức hành hương kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp vào các ngày thứ bảy, chúng tôi luôn bị “ám ảnh” bởi những thứ bảy của những năm 75 – 90. Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Saigon phiên nào cũng chật cứng, người đi Đền đông đảo. Chắc chắn không phải những người đi Đền ngày ấy đều có chung ý nguyện, nhưng có lẽ ý nguyện xin cho được vượt biên an toàn chiếm đa số, cũng có rất nhiều lời khấn xin cho thân nhân đi học tập cải tạo, cho con cái đi bộ đội, ra mặt trận biên giới được bình an…

Những ngày đầu xuân là những thời khắc quan trọng của người Việt, tất cả các Nhà Thờ đều có dâng Lễ Giao Thừa và ba lễ vào ba ngày đầu năm mới, có nơi ngày Mồng Hai còn dâng lễ ngoài nghĩa trang của Giáo Xứ cầu nguyện cho ông bà tổ tiên, tuy nhiên nhu cầu của Giáo Dân không chỉ ở những sinh hoạt thờ phượng đó, hơn nữa những giờ rảnh rỗi của ba ngày cần phải tận dụng để chen chân với những sinh hoạt xấu làm băng hoại gia phong, mất nghĩa gia đình.

Trong văn hóa Việt, nhất là những sinh hoạt có tính cách gia đình làng xóm, người Việt muốn và rất sẵn sàng với những sinh hoạt mà đích thân họ tổ chức và tham gia thực hiện, thí dụ như những sinh hoạt của địa phương, chính các vị trưởng lão hoặc chính từng người thỉnh cáo với tổ tiên, thỉnh cáo với thần làng (Thành Hoàng), chính tay họ đốt nhang khấn vái, chính họ tham gia vào đoàn rước một cách tích cực, cứ nhìn các lễ hội của các làng xóm Việt Nam thì nhận ra ngay.

Phải chăng ngoài các Thánh Lễ do Hội Thánh qui định và tổ chức, người Linh Mục làm chủ tất cả mọi chuyện, chúng ta nên tổ chức các sinh hoạt thờ phượng khác ngoài giờ Thánh Lễ, đón nhận mọi người khắp nơi đến tham gia để giúp họ thỏa mãn nhu cầu khấn xin trong những ngày đầu năm mới, những sinh hoạt mà gia đình hay đích thân mỗi người được tự do tham gia theo ý họ ?

Chúng ta mở cửa Nhà Thờ cả ngày để mọi người có thể đến khấn nguyện. Bàn thờ Đức Mẹ có sẵn khay nến để cắm nến, có sẵn bó nhang và đỉnh đồng để đốt nhang, có sẵn lời Kinh Dâng Gia Đình đầu năm mới cho Đức Mẹ, có sẵn lộc Lời Chúa cho mọi người. Có nơi còn có Kinh Gia Đình cam kết sống theo luật Chúa, cả gia đình cùng đọc và cùng ký tên cam kết trước nhan Chúa, mang về để chỗ trang trọng của gia đình suốt cả năm.

Chúng ta tổ chức giờ hành hương kính Đức Mẹ đầu năm mới, trong giờ hành hương có kính Mai Khôi, có hát ca hoặc dâng hoa vinh danh Mẹ, có giờ khấn xin các ơn, có những lời nguyện của tín hữu, có rước cung nghinh Mẹ chung quanh Nhà Thờ, có nơi còn tổ chức rước Linh ảnh Mẹ về từng xóm, từng nhà trong ngày đầu năm mới…

Chúng ta mở cửa Phòng Hài Cốt Giáo Xứ liên tục để các gia đình đến thăm viếng. Tổ chức các giờ kinh viếng tổ tiên, các vị có công khai lập Giáo Xứ, khai lập cộng đoàn, tổ chức các giờ kinh viếng tưởng nhớ công lao của các vị …

Làm khơi dậy và đáp ứng các nhu cầu tâm linh là việc làm cần thiết hôm nay, xã hội sẽ được điều chỉnh bởi chính tinh thần của các tôn giáo, vai trò quan trọng này của tôn giáo không tổ chức nào có thể thay thế, chúng ta cần bắt tay ngay vào việc từ bây giờ chứ không thể chậm trễ nữa. Bắt tay ngay vì tình trạng xã hội của chúng ta rệu r4 nguy kịch lắm rồi !

Lm. VĨNH SANG, DCCT, 27.1.2013 (Ephata 545)

VỀ MỤC LỤC
BỒ CÂU VÀ CON RẮN
 

Khi đứng xa xa quan sát một vật gì, thường chúng ta không thể thấy các chi tiết và có thể hiểu không chính xác. Người ta thường dùng hình ảnh đó để nhắc nhau thận trọng khi phê phán nhận định các vấn đề.

Điều ấy là đúng nhưng không phải mọi chuyện đều như thế. Có những sự việc hay những con người mà hành vi và ý định dù không được biểu lộ rõ ràng nhưng ai cũng nhận biết được ngay nhờ kinh nghiệm của lịch sử hay nhờ chính bản chất của những con người và sự việc đó.

Khi tàu Titanic nhận ra tảng băng sơn qua tiềm vọng kính thì cũng là lúc một quyết định cấp tốc được ban ra: bỏ tàu! Khi người nhà nông nhìn thấy mây đen vần vũ trên bầu trời, thì họ biết đám cây non ấy sắp bị vùi dập trong mưa bão. Và khi thấy một lưỡi dao ánh lên trong đêm đen, người bộ hành biết mình sắp gặp nạn.

Lịch sử dân thánh Chúa trong Cựu Ước và lịch sử Hội Thánh Chúa Kitô đã rất nhiều lần chứng kiến cảnh quan quyền trần thế ngang nhiên trấn áp lộng hành và kết quả là những cuộc lưu đày hay bách hại. Và dường như kinh nghiệm dân Chúa trong hai giai đoạn lịch sử Cứu độ cũng chứng minh được rằng những thế lực của bóng tối rất hiếm khi bất ngờ chuyển mình thành đạo binh bình an.

Mùa Giáng Sinh mới đi qua, ai cũng còn nhớ ý định của Hêrôđê được bày tỏ với ba nhà đạo sĩ phương Đông. Nếu không được báo mộng, chắc ba nhà đạo sĩ đã quay lại báo cho ông vua gian hùng ấy về Hài Nhi Thiên Sai, bởi vì các nhà đạo sĩ tin rằng ông vua kia có thiện chí. Và dĩ nhiên, cũng khó suy luận rằng biết đâu Hài Nhi sẽ cảm hoá ông, để hổ dữ hoá nên bồ câu hiền lành. Thiên Chúa làm được mọi sự, nhưng Chúa cũng cho con người tự do.

Tất cả những gì xảy ra cho dân thánh Thiên Chúa trên khắp thế giới trong thời cận đại chứng minh được rằng những mưu toan bách hại môn đệ Chúa rất thường khi được lặp lại cùng một hình thức ở mức độ tinh vi hơn. Dù người ta có che giấu đến mấy thì những mưu tính cũng dễ nhận ra, bởi vì Thiên Chúa ban cho con cái Ngài ơn khôn ngoan đủ trong các tình huống.

Tập Hồi Ký của Đức Cha Phaolô Lê Đắc Trọng ghi lại rất nhiều những mưu toan của thế gian, và ngài viết: “Lúc thì xua đuổi, lúc thì ân cần đón tiếp, săn sóc đến nơi đến chốn, để rồi đưa vào cạm bẫy” (trang 400). Tất cả những cách đối xử ấy, Đức Cha đều nhận ra, và dân Chúa cũng nhận ra.

Đức Cha nhắc nhở về lời Chúa Giêsu dạy chúng ta đơn sơ như chim bồ câu và khôn ngoan như con rắn. Người không dạy chúng ta gian tà như con rắn, nhưng khôn ngoan như nó để nhìn thấy cái gian tà của nó.

Chúa Giêsu đã sống đơn sơ, hiền lành và khiêm nhường. Và Người đã thắng thế gian. Môn đệ Chúa cũng sẽ thắng thế gian nếu bước đi theo đường lối Người.

Có điều nhiều người thường quên: Chúa Giêsu sống hiền lành đơn sơ, nhưng Người không chấp nhận cho thế gian làm loạn trong Nhà Cha của Người, Người nói lên tiếng của Sự Thật cho Philatô, và Người không làm ngơ trước những con người nghèo đói bất hạnh.

Chung quanh chúng ta và trên thế giới có những điều chúng ta thấy khó hiểu, và gần đây có những cuộc gặp gỡ khiến chúng ta băn khoăn, hoang mang. Nhưng chúng ta vẫn tin chắc chắn rằng Chúa sẽ làm nên những điều kỳ diệu. Chúng ta không ảo tưởng rằng những đám mây đen kia có thể mang luồng gió mát, nhưng chúng ta tin rằng dù là nước Biển Đỏ, Chúa cũng sẽ biến nên lối đường giải thoát cho Dân Ngài.

Cầu nguyện cho Công Lý và Hoà Bình cũng là cầu nguyện cho thế gian bớt mưu mô, cầu cho các chủ chăn tại địa phương được ơn khôn ngoan của Chúa và cầu cho những phận người được quan tâm trước các lợi ích khác.

Gioan Lê Quang Vinh

VỀ MỤC LỤC
GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ - VÀ CON NGƯỜI NGÀY MAI (1)

 

“TẬN NHÂN LỰC TRI THIÊN MỆNH”.

Đâu là mệnh trời? Nhiều người lười biếng, không muốn cố gắng, vịn cớ rằng con người sướng khổ, giàu nghèo đều có số mệnh cả. Nhưng số mệnh ở đâu, làm sao biết được số mệnh của mình, đó mới là quan trọng. Chúng ta thường được chỉ dạy: “Tận Nhân Lực Tri Thiên Mệnh”, muốn biết được mệnh trời, chúng ta phải làm hết nhân lực. Trời cho mỗi người chúng ta rất nhiều khả năng, nhưng vì không muốn cố gắng để phát triển những tài năng đó, chúng ta đã lãng phí rất nhiều thời giờ, nhiều năng lực vào việc hưởng thụ cuộc đời quá sớm, kết quả cuộc đời chúng ta không thể ngóc đầu lên được, chúng ta đổ lỗi cho đó là số mệnh. Những người khác được sinh ra trong một hoàn cảnh gia đình nghèo khổ, bố mẹ phải vất vả làm việc cực khổ để có tiền cho con ăn học, con cái nhìn thấy cuộc đời hy sinh của bố mẹ nên đã cố gắng học hành, kết quả họ có được một tương lai tốt đẹp. Đây cũng là số mệnh, nhưng là số mệnh của những người biết tận dụng tất cả những khả năng, sinh lực trời cho, không dám lãng phí những ân huệ của Trời, và kết quả dĩ nhiên là một tương lai đầy sáng lạng, một số mệnh tuyệt vời mà Trời muốn dành cho họ vì Trời không muốn phụ lòng ai.

Mỗi người được sinh ra với những đặc ân Trời ban, họ có đủ sức mạnh để vươn lên ngay dầu họ được sinh ra trong một tình cảnh không được may mắn. Biết bao nhiêu người tàn tật đã làm nên những tuyệt tác, những chuyện phi thường, đã đóng góp rất nhiều vinh dự cho gia đình cũng như tổ quốc. Vì thế, bổn phận của chúng ta là hãy phát triển tất cả những nhân lực Trời ban để tìm ra đâu là thiên mệnh.

SỨC MẠNH CÁ NHÂN

Ít người nhận thấy sức mạnh của chúng ta trong việc tìm cách giải quyết những vấn đề cá nhân, mang lại cho chúng ta một sự văn minh tiến bộ, là cái có thể cống hiến câu trả lời thích đáng cho những vấn nạn về cuộc sống hôn nhân và gia đình. Trong khi chúng ta làm tròn những bổn phận hằng ngày của chúng ta, cố gắng tự lực cảnh sinh, tìm kiếm tình yêu để rồi kết hôn, vui hưởng tình bè bạn và tham gia nhiều sinh hoạt, có lẽ chúng ta không nghĩ gì về tương lai, nhưng tất cả những điều chúng ta làm dẫn đến tương lai và tạo nên tương lai của chúng ta. Mỗi người chúng ta đều giúp bàn tay tạo nên thế giới ngày mai. Mỗi người có đầy sinh lực để biến hóa và tiến hóa. Hầu hết chúng ta không để ý đến sức mạnh và ảnh hưởng vĩ đại mà cá nhân chúng ta có. Nhiều người tin rằng chỉ có những nhà chính trị mới ảnh hưởng đến những thay đổi trong cách cấu trúc của xã hội chúng ta. Nhưng thật ra, mỗi người qua sinh hoạt của mình hoặc không sinh hoạt của mình, đều có ảnh hưởng đến sự thay đổi dẫu muốn hay không. Mỗi tư tưởng, mỗi hành động, mỗi niềm tin, mỗi nghi ngờ, mỗi ước muốn, mỗi hững hờ đều là những yếu tố đan quyện vào mẫu mực của ý kiến công chúng. Dầu những điều đó có thể mất đi sự khác biệt của riêng mình trong mạng lưới, chúng cũng làm nên được màu sắc cho bức tranh của ngày mai.

Những tư tưởng và cảm giác chúng ta về tình yêu và hôn nhân là những sức mạnh trong tiến trình tiến hóa. Sự hiện hữu của những ý kiến trái ngược chỉ tiến trình của thay đổi. Ước muốn tìm lại và làm lại, hoặc sự thõa mãn an bình trong những điều kiện hiện tại ảnh hưởng đến sự phát triển. Bằng cách nào và khi nào chúng ta yêu, cách chúng ta tỏ tình yêu, chúng ta có cưới nhau hay không, chúng ta sống thế nào với người phối ngẫu, và chúng ta nghĩ gì về vấn đề ly dị, không chỉ ảnh hưởng đời sống riêng chúng ta mà còn có ý nghĩa cho hết mọi thời đại của chúng ta. Chúng ta củng cố vài khuynh hướng xã hội nầy nhưng lại bỏ những cái khác trong lúc chúng ta tin rằng chúng ta quan tâm đến công việc của chúng ta. Chúng ta cần trở nên ý thức về sự đóng góp của chúng ta qua những ý kiến trong cố gắng phấn đấu của nhân loại đối với việc tìm kiếm một phương cách sống hạnh phúc hơn. Chúng ta phải học biết định giá một cách chính xác hơn ý nghĩa xã hội về niềm tin cá nhân cũng như về xu hướng thời đại. Sự ý thức về vai trò riêng chúng ta có thể làm chúng ta suy nghĩ cẩn thận và giúp chúng ta hiểu được niềm tin khác biệt của những người bạn chúng ta. Thái độ suy nghĩ cẩn thận và biết hiểu những người khác là cần thiết cho một sự tổng hợp những quan điểm đang nhìn vào giòng tiến hóa hiện tại.

Nhưng chúng ta hãy trở lại vấn đề chúng ta. Chúng ta muốn biết cái gì đúng và cái gì sai, cái gì nên làm và cái gì nên tránh. Vì lý do nầy, chúng ta cần hiểu một vài chiều hướng phát triển. Nếu không chúng ta sẽ trở thành vô dụng vì việc lẫn lộn của chúng ta về sự thay đổi cũng như về những giá trị và luân lý trái ngược nhau.

Vấn đề sinh hoạt tính dục trong xã hội hôm nay đã làm nổi lên nhiều quan tâm và thảo luận. Không có vấn đề nào khác thuộc về tình yêu và hôn nhân đã gây ra nhiều tranh cãi và nhiều ý kiến khác biệt như thế. Một số người tuyên bố họ thích tự do trong vấn đề tính dục cho cả hai phái cả nam lẫn nữ. Một số không đồng ý về sự vô luân đó. Một số khác nữa tránh lấy bất cứ một thế đứng rõ rệt nào. Nhiều người vui hưởng sự tự do về tình dục ngoài hôn nhân và vẫn thích nói về chuyện ngoại tình. Những người khác thích thú, say mê trong chiều hướng khác. Tôi đã nghe một cô gái nói rằng cô ta tin tình yêu tự do nhưng không thực hiện như thế. Lẫn lộn và vẫn còn lẫn lộn. Cái gì là đúng và cái gì là sai?

Chúng ta thử tưởng tượng cái gì sẽ xảy ra cho gia đinh chúng ta và cho xã hội chúng ta nếu mỗi người sống một cuộc đời tự do, một cuộc đời bất ổn theo sở thích của họ. Chắc chắn một cuộc đời bất hạnh sẽ diễn ra khắp mọi nơi trong gia đình, trong làng xóm vì luân thường đạo lý của con người không còn nữa, và con cái được sinh ra phải được giải quyết như thế nào? Nếu tình trạng đó xảy ra thật cho thế giới hôm nay, có lẽ hôn nhân và gia đình không còn cần thiết nữa.

TƯƠNG QUAN HÔN NHÂN THAY ĐỔI

Sự nhận thức nầy là khẩn cấp nếu chúng ta muốn tránh sự lẫn lộn hoàn toàn trong thế hệ chúng ta, như nó được đối diện với những xung đột trong hôn nhân và tính dục. Nếu không có sự hiễu rõ về yếu tố luân lý và xã hội, không có vấn đề nào giữa chồng và vợ hoặc giữa những tình nhân có thể được giải quyết. Các ông cũng như các bà không muốn chấp nhận nhau như họ là. Họ càng thiếu can đảm, càng ít chịu đựng. Họ càng đòi hỏi và mong đợi, họ càng ít nhận được. Kết quả con số ly dị tăng cao. Sự đổ lỗi được gán cho nhiều lý do. Vợ chồng đổ lỗi nhau. Họ phàn nàn về sự không hòa hợp của họ hoặc về những điều kiện kinh tế không được tốt đẹp.

Thật là sai lầm nếu đổ lỗi cho những đổ vỡ hôn nhân là do thiếu thân thiện hoặc nhàm chán. Cả hai nên nhận thấy rằng những khó khăn của họ không nằm trong bản chất đáng kính của họ, cũng không nằm trong những điều kiện sống, nhưng là nằm trong vấn đề: không có khả năng để tìm sự quân bình mới giữa họ trong lúc nền tảng cũ của tương quan của họ tiêu tan. Mọi vấn đề xã hội, kinh tế thách thức họ mang những xung khắc bên trong ra bên ngoài. Họ khác nhau về chức năng mà người chồng hoặc người vợ gánh vác. Họ mong đợi và đòi hỏi phía bên kia điều mà họ không muốn hoặc không có khả năng hoàn thành. Tỷ số ly dị tăng cao khiến cho các ông cũng như các bà nhạy cảm hơn và tăng cường những đòi hỏi cho sự an toàn.

Lm Lê Văn Quảng Psy.D.

VỀ MỤC LỤC
THAM LAM - QUẢNG ĐẠI (BÀI 3)
 

Quảng đại

Theo tiếng Latin, “Liberality” (quảng đại), từ đó tiếng Anh ta có “liberty,” nghĩa là tự do (freedom). Quảng đại ngược nghĩa với tham lam, hà tiện. Trong tiếng Anh, “liberty” nghĩa là “tự do” (freedom), như thế, từ đây ta có thể suy diễn rằng, người quảng đại là người sống tự do đúng nghĩa vì họ không bị chi phối hay dín bén tới của cải quá mức.

 

Lòng quảng đại không được và không nên đo bằng số lượng mình bố thí hay trao tặng, nhưng là cách cho và thái độ cho. Cổ nhân dạy rằng, “Của cho không bằng cách cho” là như thế. Tin Mừng Luca (21: 1-4), miêu tả bà góa bỏ 2 đồng xu vào hòm cúng và bà được Chúa Giêsu khen tặng lòng quảng đại của bà. Bà đã biểu tỏ lòng quảng đại, sự tự do và làm chủ tiền của của mình một cách đắng khen. Đúng như thánh Ambrose nói, “Chính trái tim làm cho quà tặng trở nên [giá trị] giàu hay nghèo.”#

 

* * *

 

Câu chuyện hài sau đây minh họa cho ta thấy rằng việc cỗ võ cho việc thiện, kêu gọi giúp đở người nghèo chưa hẳn luôn luôn là đúng theo tiêu chuẩn Tin Mừng. Đúng và hay chính là sự dấn thân bỏ mình bằng hành động hy sinh như bà góa trong Tin Mừng.

 

Một người đàn ông đến gặp cha sở và kể lễ rằng. “Con cảm thất áy náy và lo buồn cho những người nghèo trong giáo xứ chúng ta. Ví dụ như cách nhà thờ không xa, có một bà góa rất nghèo có bốn đứa con. Bà ấy đang bị bệnh, không có tiền đi bác sĩ, nợ tiền thuê nhà cả sáu tháng nay. Nếu không có tiền, tháng tới bà ấy sẽ bị đuổi đi và không biết sống ở đâu. Thưa cha, con đến đây để xin cha và giáo dân giúp cho bà ấy trả tiền thuê nhà.” Được thôi, nếu ông đã có lòng tốt như thế thì tôi sẵn sàng.” Cha sở đáp. Cha sở tiếp, “Nhưng xin hỏi ông, ai là chủ căn nhà ấy?” Người đàn ông trả lời, “Thưa, chính con.”

 

* * *

 

Theo Thánh Thomas Aquinas#, có hai điều làm ta khó có thể cho đi. (1) Khó cho những gì mà tự công ta tìm ra hoặc kiếm được. Thực vậy, một đứa trẻ cảm thấy dễ dàng khi lấy tiền của ba má hơn là lấy tiền của chúng (nếu chúng làm ra tiền) để giúp người nghèo. Chúng chỉ cho sau khi đã tính toán những nhu cầu riêng tư của chúng. Nói cách khác, sau khi đã tìm đủ những bảo đảm cho riêng mình, rồi mình mới tính đến chuyện bố thí người khác. Việc cho này, dù đã có giá trị bác ái, nhưng nó vẫn chưa hoàn toàn tự do trong khả năng làm chủ không dín bén của cải vật chất. Vì thế, người mắc tính tham lam thường làm cho họ tự khổ sở là bởi vì, theo thánh Aquinas, vì họ “tự cho mình như là người làm chủ của cải vật chất.”# (2) Kinh nghiệm nghèo đói cũng có thể cản trở ta trong việc quảng đại bố thí. Sự sợ hãi của đói khổ trong quá khứ cũng như hoàn cảnh hiện tại làm cho người ta nghĩ đến việc mình phải dành dụm và tích trử cho tương lai.

 

Theo ý nghĩa của Tin Mừng, quảng đại không có nghĩa là ta cho bao nhiêu, tới mức nào, nhưng là thái độ trao tặng với lòng tin tưởng đặt tương lai đời mình vào Thiên Chúa quan phòng; họ dám cho đi vì họ tin vào việc họ làm là thực hiện theo điều Chúa dạy. Chính lòng phó thác và tin tưởng này làm cho hành động bác ái của họ vượt lên trên những việc làm từ thiện mà nhiều người khác vẫn làm. Đúng như thế, đối lập với tích kích kỷ, tham lam, thì trong mỗi con người ai ai cũng có lòng bác ái, muốn làm việc thiện. Nhưng chỉ làm việc thiện vì theo bản tính tự nhiên, tuy đã tốt, nhưng vẫn chưa đủ để diễn tả lời mời gọi của Tin Mừng. Tin Mừng mời gọi những người tin theo Đức Kitô, khi họ làm việc thiện thì không chỉ làm là bởi lòng trắc ẩn thương hại người khác, nhưng thực sâu sa hơn, chính là làm vì mệnh lệnh của Chúa; tức là những việc của mình làm được xuất phát từ niềm tin vào Thiên Chúa chứ không phải chỉ là từ cảm xúc con người. Chính niềm tin này giúp cho ai có lòng quảng đại thấu chạm được sự tự do không vương vấn đến của cải vật chất, danh tiếng, và địa vị. Chính lòng quảng đại xuất phát từ niềm tin làm cho việc thực thi bác ái ổn định và quyết tâm hơn là việc bác ái xuất phát từ cảm tính tự nhiên. Vì đặt niềm tin và phó thác vào Thiên Chúa, nên lòng quảng đại sẽ không bao giờ bị đóng lại trong mọi hoàn cảnh dù thuận lợi hay bất lợi. Nhưng khi những việc thiện xuất phát từ cảm tính tự nhiên, thì việc bố thí không luôn luôn ổn định, vì hoàn cảnh con người có lúc thay đổi lên xuống, tâm trạng con người có lúc vui buồn khác nhau, và cũng còn có thể bị chi phối bởi dư luận đúng sai, hơn thua.

 

Vì đặt niềm tin vào Chúa, nên những nỗi sợ hãi vu vơ tạm bợ sẽ không có chỗ dung thân trong tâm hồn của người quảng đại. Vì thực ra, việc tích trử của cải vật chất cho hôm nay là biểu hiện sự sợ hãi thiếu thốn cho ngày mai. Nhưng khi dám cho đi những điều “bảo đảm” ấy, thì người cho đã tìm thấy một kho tàng gì quí giá hơn kho tàng vật chất của họ. Kho tàng quí giá ấy không gì khác hơn là niềm tin vào Thiên Chúa quyền năng là Cha của họ. Khi đã đặt niềm tin và đời mình vào Thiên Chúa để mở lòng quảng đại trao ban những quà tặng cho anh em mình, thì không lạ gì người ấy sẽ tìm gặp bình an, tự do trong đời họ. Mỗi lần cho đi với niềm tin vào Thiên Chúa, người quảng đại càng trút bớt đi những lo sợ bất an cho tương lai, và càng làm đầy sự tự tin với niềm vui sâu thẳm của Chúa trong lòng mình. Khi càng cho đi những gì thuộc về con người, thì càng được lấp đầy thêm những ân phúc thuộc về Thiên Chúa. Đó cũng chính là điều mà Đức Giêsu chúc phúc cho ai có tinh thần nghèo khó.

 

Trong Tin Mừng Mathew chương 6, Đức Giêsu chỉ rõ cho các môn đệ của Ngài biết cách “đầu tư” cuộc đời mình cho đúng chỗ. “Các ngươi chớ tích trữ cho mình kho tàng dưới đất, nơi mối mọt nhấm nát được, nơi trộm cắp đào khoét phỗng mất được” (19-20). Chúa còn bảo đảm thêm rằng: “Chớ lo cho mạng sống mình: các ngươi ăn gì; hay về thân xác; các ngươi mặc gì. Há mạng sống không hơn của ăn, và thân xác không hơn áo mặc sao? Hãy coi chim trời. Chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào lẫm, và Cha các ngươi, Ðấng ở trên trời nuôi nấng chúng! Các ngươi không hơn chúng sao (25-27)?” Thế đã rõ, làm con Chúa, điều căn bản nhất chính là xác tín niềm tin không lay chuyển: Mình là con Chúa, con của Đấng làm chủ vũ trụ và mạng sống của từng người. Vì lẽ đó, khi đã đi tới chỗ xác tín niềm tin hoàn toàn vào Chúa, thì cuộc đời sẽ dễ hơn nhiều, vì thế lòng quảng đại trao ban cũng rộng mở; vì mình hiểu rõ hơn ai hết chính Chúa là chủ của đời mình, còn mình chỉ là người quản lý cho Thiên Chúa. Như thế, cứ hãy là người quản lý tốt và trung tín phân phát theo phận vụ được giao phó, còn mọi sự khác chính Ngài sẽ ban tặng sau.


 

Thở ra – Hít vào
 

Dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu được Đức Giêsu miêu tả để trả lời cho vấn nạn của con người, “Làm thế nào để được hưởng sự sống đời đời” (cf. Lk 10:25-37)? Đức Giêsu đã đưa ra “công thức” cho những ai muốn được hưởng sự sống đời đời: “Đi, và hãy làm như vậy.”

 

Jeff Cook# đã phân tích “công thức” của Đức Giêsu theo nhịm thở như sau:

 

“Bán mọi thứ” (thở ra); “Đến và theo Ta” (hít vào)

“Bán mọi thứ” (thở ra); “Đến và theo Ta” (hít vào)

 

Cũng tương tự, Đức Giêsu còn nhấn mạnh trong sự kiếm tìm sự sống, “Ai muốn tìm mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống vì Ta, thì sẽ giữ nó cho sự sống đời đời” (Mk 8:35). Một cách rõ ràng, Đấng làm chủ sự sống đã dạy cho chúng ta biết cách phải sống như thế nào. Sự sống của con người được bắt nguồn từ Thiên Chúa, vì thế con người chỉ có thể sống được sự sống ấy khi con người biết sống theo cách sống của Thiên Chúa.

 

Cả hai người hành khách, thầy tư tế và thầy Lêvi nhìn người bị hại và bỏ đi. Khi nhìn một sự việc mà không có phản ứng hay suy nghĩ gì về sự việc ấy là vì tâm trí của người ấy bị chi phối bởi những suy nghĩ riêng của mình. Ở đây ta không biết hai vị ấy đã suy nghĩ gì về người nạn nhân, và trong tâm trí họ đang “bận” suy nghĩ về chuyện gì, nhưng Đức Giêsu nói rõ là họ đã dừng lại và nhìn người bị nạn. Nhưng rõ ràng, họ không cứu giúp nạn nhân; đơn giản, người bị nạn không phải là ưu tiên một trong suy nghĩ của họ. Nói tóm lại, khi bận tâm với những toan tính cá nhân, thì vô tình lòng mình lại đóng lại trước lời mời của Tin Mừng và tha nhân. Nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu, đụng chạm mà không thấu cảm là ở chỗ đó.

 

Người Samaritanô nhân hậu khác với hai vị khách trước chính là vì nơi ông luôn mang một tấm lòng rộng mở - sẵn sàng cho mọi sự, không theo kế hoạch cá nhân. Tức là ông sống theo sự tự do thực thụ của người con Chúa – sống theo hướng dẫn của Thần Khí. Khi sẵn sàng để sống trong tự do của Thần Khí, tức là sẵn sàng thở ra hít vào. Chính thái độ rộng mở và sống theo nhịp thở của Thần Khí, người quảng đại biết qui luật của sự luân chuyển xoay vần. Muốn nhận khí trong lành thì cần mở cửa ra, muốn nhận thì phải cho, muốn thêm cái mới thì cần chia sẻ cái cũ. Nói tóm lại, ao nước tù là ao nước chết, đục, và không có sự sống! Cũng vậy, nếu chúng ta chỉ mãi lo nghĩ để giữ lấy những của cải vật chất của mình, thì tâm hồn mình cũng bị đóng lại như căn nhà không có khí mát, và như ao nước không có sự sống.

 

“Một khi có ăn có mặc, ta hãy bằng lòng!” (I Tim 6: 6). Cuối cùng, lòng quảng đại còn được thể hiện ở chỗ không những chỉ cho đi, nhưng còn cảm nghiệm ân huệ mà mình đang thụ hưởng. Tổng thống Thomas Jefferson đã tâm sự rằng, “Tôi không nghĩ là tôi đáng được hưởng những ân phúc này. Tôi bằng lòng với chính tôi và tôi đặt tôi trong bàn tay của Thiên Chúa Đấng đã dựng tôi, Đấng đã bảo vệ và chúc lành cho tôi với tình phụ tử; rằng Ngài sẽ không bao giờ làm cho tôi đau khổ, và dù có đi chăng nữa, cũng chỉ vì thêm hữu ích cho tôi.” # Bằng lòng với giá trị hiện tại; sống trong tự tại bình an với lòng biết ơn sâu sắc sẽ dễ dàng giúp ta mở lòng ra để nhận và cho, đồng thời cũng để cho và nhận.

 

 

Kết luận

 

Tóm lại, tham lam là khi mình lo nghĩ về chính mình, lấy mình làm trung tâm, lấy mình làm cùng đích. Nhưng con người vốn giới hạn, nên khi mình làm chuẩn thì thấy mình thiếu thốn, không hoàn hoản, nên đâm ra lo sợ, ưu phiền cho tương lai. Tham lam, ích kỷ, hà tiện cũng từ đó mà ra.

 

Ngược lại, khi xác tính mình là con Chúa, lấy Chúa làm trung tâm và cùng đích đời mình, thì mình không phải lo sợ hay hoang mang trước những thay đổi của hoàn cảnh, xã hội. Chúa đã dựng nên mình trong hoàn cảnh này, nên Ngài sẽ luôn ở bên ta để ta hoàn thành sứ mạng làm con Chúa. Khi xác tính như thế, ta sẽ sống quảng đại và tạ ơn, vì biết rằng mình chỉ là ngưới quản lý cho Chúa mà thôi.

 

Br. Huynhquảng

VỀ MỤC LỤC
Bữa tối phải dọn sẵn

 

Nguyên tác: Taking Flight - Bay Lên Đi

Tác giả: Anthony de Mello, S.J.

Chuyển ngữ: Lm. Minh Anh (Gp. Huế)

 

Chỉ dẫn:

Tốt nhất, các câu chuyện sẽ được đọc theo thứ tự như đã sắp xếp. Mỗi lần đọc không quá một hoặc hai mẩu chuyện nếu bạn ước ao có được một cái gì đó hơn là chỉ giải trí.

 

Lưu ý:

Các chuyện kể trong tập sách này đến từ nhiều đất nước, nhiều nền văn hoá và tôn giáo khác nhau; chúng thuộc về những di sản thiêng liêng, những câu chuyện hài hước được ưa chuộng của dòng đời nhân loại.

 

Những gì tác giả làm là xâu kết chúng lại với nhau theo một ý hướng đặc thù. Công việc của tác giả là công việc của người thợ dệt và thợ nhuộm, tác giả chẳng có công trạng gì về những tấm vải và những sợi chỉ.

 

LTS.Chỉ dẫn và lưu ý trên đây là của tác giả. Tuy nhiên, vì Đặc San GSVN chỉ phát hành 2 tuần một lần nên mỗi số báo BBT xin giới thiệu trung bình từ 5 đến 7 mẫu chuyện. Bạn đọc có thể lưu lại để nghiền ngẫm suy tư.

 

Chủ đề : TÔN GIÁO (tiếp theo)


111. Bữa tối phải dọn sẵn

… cũng không khuếch đại tỷ lệ…

Ông Smith giết vợ với lý lẽ biện hộ là điên cấp thời. Ông đứng ở ghế nhân chứng và luật sư yêu cầu ông mô tả án mạng bằng lời của ông.

“Thưa ngài”, ông nói, “Tôi là một người thầm lặng có thói quen thường ngày là sống hài hòa với thế giới chung quanh. Mỗi ngày tôi thức dậy vào lúc bảy giờ, ăn sáng lúc bảy giờ ba mươi, có mặt tại văn phòng lúc chín giờ, tan sở lúc năm giờ, về nhà lúc sáu giờ; thấy bữa ăn trên bàn, ăn tối, đọc báo, xem tivi, rồi đi ngủ. Cho đến ngày bị trát đòi…”.

Đến đây ông thở dồn dập và tỏ vẻ tức giận.

“Tiếp tục”, luật sư âm thầm bảo. “Hãy kể cho phiên toà biết điều gì đã xảy ra”.

“Vào ngày bị tra vấn, tôi thức dậy vào lúc bảy giờ như thường lệ, ăn sáng lúc bảy giờ ba mươi, đi làm việc lúc chín giờ, tan sở lúc năm giờ, về nhà lúc sáu giờ, và tôi thất vọng khám phá ra rằng bữa ăn tối không được dọn trên bàn. Cũng không có dấu hiệu nào về người vợ của tôi. Vì thế tôi tìm khắp nhà và thấy bà trên giường với một người đàn ông lạ mặt. Cho nên tôi bắn bà ta”.

“Hãy mô tả cảm xúc của ông khi ông giết bà”, luật sư yêu cầu, nôn nóng giải thích đầy đủ điều mình đề xuất.

“Tôi ở trong trạng thái phẫn nộ không thể kiểm soát. Tôi hoàn toàn mất trí. Thưa quý ông quý bà thuộc bồi thẩm đoàn”, ông la lên và đấm cánh tay thình thịch vào ghế, “mỗi khi trở về nhà vào lúc sáu giờ, tôi tuyệt đối yêu cầu bữa tối phải dọn sẵn trên bàn!”.

ڰ

112.

…cũng không khai thác…

Mullah Nasruddin nhặt được một viên kim cương bên đường. Nhưng theo Luật, ai nhặt được của rơi sẽ chỉ được giữ lại nếu trước hết họ ra công trường nói cho mọi người biết mình đã nhặt được của ấy, và phải làm như vậy trong ba lần khác nhau.

Nasruddin quá sùng đạo đến nỗi không thể không giữ luật nhưng lại quá tham lam để không thể liều lĩnh với viên kim cương nhặt được. Vì thế, ba đêm liền, khi tin chắc mọi người đã ngủ say, ông đến chợ và khẽ thông báo, “Tôi đã tìm thấy một viên kim cương trên đường đi đến phố. Bất kỳ ai biết chủ nhân của nó, xin liên hệ với tôi ngay lập tức”.

Dĩ nhiên chẳng ai nghe được loan báo của ông trừ một người từ cửa sổ phòng mình ở lầu ba của tòa nhà tình cờ thấy ông ta lẩm bẩm một điều gì đó. Người ấy chạy xuống tìm hiểu xem chuyện gì, thầy Nasruddin đáp:

“Tôi không bị buộc phải nói cho ông biết. Tôi sẽ tiết lộ với ông điều này thôi: vì là một tu sĩ, nên tôi phải đến đây ban đêm để công bố ít lời theo đúng như Luật dạy”.

Để là thực sự là một người xấu, bạn không cần phải phạm luật, chỉ cần giữ luật theo đúng mặt chữ.

ڰ

113. Luật Sabbath

Với người Do Thái, việc giữ luật Sabbath, ngày của Chúa, ngay từ đầu là một điều vui thú.

Nhưng có quá nhiều kinh sư liên tiếp đặt ra điều này điều nọ về việc phải giữ nhiệm nhặt làm sao, được phép thực hiện những hoạt động nào cho đến khi vài người cảm thấy dường như không dám nhúc nhích trong ngày Sabbath vì sợ mình vượt qua nguyên tắc này hay nguyên tắc kia.

Thầy Sãi Shem, con của Eliezer, suy nghĩ nhiều về vấn đề này. Đêm nọ ông mơ thấy một thiên thần dẫn ông lên trời và chỉ cho ông thấy hai ngai tòa được đặt xa xa, trên các ngai tòa khác.

“Những ngai tòa này được dành cho ai?”, ông hỏi.

“Cho ông”-thiên thần đáp- “nếu ông tận dụng trí thông minh của mình; và cho một người mà tên và địa chỉ của người ấy bây giờ sắp được viết ra và trao cho ông”.

Rồi thiên thần dẫn ông đến tầng địa ngục sâu nhất, chỉ cho ông thấy hai ghế trống. “Hai cái này được chuẩn bị cho ai?”, ông hỏi.

“Cho ông”-thiên thần trả lời- “Nếu ông không tận dụng trí thông minh của mình; và cho người mà tên và địa chỉ của người ấy sẽ được viết ra cho ông”.

Trong giấc mơ, Thầy Sãi Shem mơ mình thăm người đàn ông vốn sẽ là bạn đồng hành của mình trên thiên đàng. Thấy bạn mình sống giữa dân ngoại, hoàn toàn không biết lề luật Do Thái; và, vào ngày Sabbath, ông ấy tổ chức một bữa tiệc lớn trong đó có nhiều thú vui và mọi láng giềng dân ngoại của ông đều được mời đến.

Khi Thầy Sãi Shem hỏi tại sao ông tổ chức bữa tiệc này, ông ấy đáp, “Tôi nhớ lại hồi còn bé cha mẹ tôi dạy rằng, ngày Sabbath là ngày nghỉ ngơi và vui chơi; vì thế vào các ngày thứ bảy mẹ tôi làm những bữa ăn ngon nhất trong đó chúng tôi hát, nhảy và vui thú. Hôm nay tôi cũng làm như vậy”.

Thầy Sãi Shem muốn nhắc cho ông ta về những cách thức hành xử trong tôn giáo của ông, vì là người Do Thái, mà rõ ràng ông ta lại hoàn toàn không biết tí gì về những qui định của các kinh sư. Nhưng Thầy Sãi Shem cứng họng khi ông chợt nhận ra rằng niềm vui của người đàn ông trong ngày Sabbath sẽ bị đánh mất nếu nói cho ông ta biết những giới hạn nghiêm ngặt liên quan đến ngày Sabbath.

Vẫn trong giấc mơ, Thầy Sãi Shem đi đến nhà người bạn ở hỏa ngục. Thầy nhận ra ông ta là người giữ luật khắt khe, luôn sợ cung cách của mình không đúng. Người đàn ông tội nghiệp đó trải qua mỗi ngày Sabbath trong sự căng thẳng tột độ như thể ông đang ngồi trên than hồng vậy. Khi Thầy định quở trách ông ấy về thói nệ luật, thì Thầy không thể mở miệng vì nhận ra rằng người đàn ông sẽ không bao giờ hiểu rằng mình có thể phạm lỗi qua việc chu toàn các mệnh lệnh tôn giáo.

Nhờ vào mặc khải qua giấc mơ này, Thầy Sãi Shem Tov đưa ra một hệ thống giữ luật mới, qua đó người ta thờ phượng Thiên Chúa trong niềm vui phát xuất từ con tim.

Khi vui, người ta luôn tốt; trái lại khi tốt, người ta hiếm khi vui.

ڰ

114. Hãy coi chừng

Một linh mục thông báo rằng, Đức Giêsu Kitô sẽ đến giáo xứ vào ngày Chúa nhật tới, người ta đổ dồn đến để gặp Ngài. Mọi người mong chờ Ngài giảng, nhưng Ngài chỉ mỉm cười khi được giới thiệu và nói: “Xin chào”. Mọi người niềm nở mời Ngài ở lại đêm, đặc biệt là vị linh mục, nhưng Ngài lịch sự từ chối. Ngài nói Ngài sẽ qua đêm trong nhà thờ. Ngài đứng đắn làm sao, mọi người nghĩ.

Sáng sớm hôm sau Ngài trẩy đi trước khi các cửa nhà thờ mở. Vị linh mục và giáo dân kinh hoàng nhận ra nhà thờ bị phá hoại. Trên mọi bức tường đều có viết nguệch ngoạc một chữ duy nhất “Hãy coi chừng”. Không nơi nào trong nhà thờ được miễn: cửa lớn, cửa sổ, cột, bục giảng, bàn thờ, thậm chí cả Kinh Thánh nằm trên bục. “Hãy coi chừng” được viết nguệch ngoạc bằng những ký tự lớn nhỏ, bằng bút chì, bút mực và đủ loại sơn có thể nhận ra. Bất kỳ nơi nào con mắt hướng đến, người ta cũng có thể thấy những chữ “Hãy coi chừng, hãy coi chừng, hãy coi chừng, hãy coi chừng…”.

Sốc, tức tối, bối rối, hứng khởi, kinh khiếp. Họ phải coi chừng cái gì? Chẳng thấy nói, chỉ biết “Hãy coi chừng”. Phản ứng đầu tiên của giáo dân là xóa cho sạch hết những tiếng bẩn thỉu, phạm thượng đó đi. Nhưng chợt nghĩ là chính Chúa Giêsu viết, họ mới thôi.

Dần dần cái câu bí nhiệm “Hãy coi chừng” đó cũng đã bắt đầu chìm vào tâm trí mỗi lần người ta đến nhà thờ. Họ bắt đầu coi chừng Thánh Kinh, vì thế họ có thể hưởng nhận lợi ích từ Thánh Kinh mà không rơi vào hình thức. Họ bắt đầu coi chừng các bí tích, vì thế, họ được thánh hóa mà không trở nên mê tín. Linh mục bắt đầu coi chừng quyền hạn của mình trên giáo dân, vì thế ngài có thể dẫn dắt mà không thống trị họ. Và mọi người bắt đầu coi chừng về cách sống đạo vốn dẫn người mê muội đến với sự công chính. Họ biết tuân giữ luật, dù vẫn động lòng trắc ẩn trước những người yếu đuối. Họ bắt đầu ý thức đến việc cầu nguyện, nên nó không còn để họ cậy dựa vào sức mình nữa. Thậm chí họ bắt đầu ý thức về quan niệm của mình về Thiên Chúa vì thế họ có thể nhận ra Ngài bên ngoài những giới hạn hẹp hòi của nhà thờ.

Bây giờ thì họ đã ghi hàng chữ gây sốc đó ngay trên lối vào nhà thờ và ban đêm, khi bạn đi ngang qua, bạn có thể thấy nó rực sáng trong ánh đèn néon nhiều màu.

còn tiếp nhiều kỳ

VỀ MỤC LỤC
THAM GIA THƯỜNG HUẤN CŨNG LÀ CÁCH DUY TRÌ, NUÔI DƯỠNG VÀ CANH TÂN VIỆC TÁI ĐỊNH HƯỚNG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ

Lm. Micae-Phaolo Trần Minh Huy, pss.

 

BẢN THẢO

ỨNG SINH LINH MỤC HỌC & SỐNG LINH ĐẠO LINH MỤC GIÁO PHẬN

GIÁO TRÌNH TU ĐỨC LỚP THẦN II & III

ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE HÀ NỘI

2011-2012

CHƯƠNG HAI

ỨNG SINH LINH MỤC GIÁO PHẬN

HỌC VƯỢT LÊN KHỦNG HOẢNG VÀ TÁI ĐỊNH HƯỚNG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ ƠN GỌI LINH MỤC (tiếp theo)

 

G. LINH MỤC GIÁO PHẬN THAM GIA THƯỜNG HUẤN CŨNG LÀ CÁCH DUY TRÌ, NUÔI DƯỠNG VÀ CANH TÂN VIỆC TÁI ĐỊNH HƯỚNG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ

 

G.1 Yêu sách của Huấn quyền về thường huấn linh mục

Các thẩm quyền Giáo Hội rất đặt nặng việc đào tạo và tự đào tạo thường xuyên này, chẳng hạn:

  • Sứ Vụ và Đời sống Linh Mục dành trọn chương III, số 69-92, để nói về việc đào tạo thường xuyên này như “một bổn phận và quyền lợi chính đáng của linh mục… và của Hội Thánh”, phù hợp với “mục đích cơ bản của sự trưởng thành trong đời sống thiêng liêng,”[421] mà “không ai có thể thay thế được linh mục trong việc canh chừng chính mình” (x. 1 Tm 4, 16).[422] 

  • Trong khi đó Tông Huấn Pastores Dabo Vobis cũng dành trọn chương VI, số 70-82, để nói về việc đào tạo thường xuyên này của linh mục, như “sự tiếp tục tự nhiên và tuyệt đối cần thiết của tiến trình xây dựng nhân cách của linh mục, vốn đã được khởi sự và phát triển từ trong chủng viện.”[423]

  • Còn Optatam Totius khuyến cáo rằng “việc đào tạo linh mục, nhất là trong bối cảnh của xã hội hiện đại, cần phải được tiếp tục và hoàn thiện hoá sau khi đã hoàn tất chương trình đào tạo trong chủng viện.”[424]

  • Ngoài ra, Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis số 100-101 mô tả việc đào tạo hậu chủng viện, “cách riêng trong những năm đầu tiên sau khi chịu chức… để các linh mục mới ra trường có thể được trang bị tốt hơn, ngõ hầu họ có thể gánh vác và hoàn thiện các bổn phận của người tông đồ.[425]

  • Và Tông Huấn Ecclesia in Asia mở ra một hướng rộng lớn: “Để phục vụ Hội Thánh như ý Chúa Kitô, các Giám mục và linh mục cần một sự đào tạo chắc chắn và thường xuyên, có thể cung ứng những cơ hội khả dĩ cho một cuộc canh tân thiêng liêng và mục vụ[426]

  • Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu đã thực hiện lời khuyên này sớm nhất, qua cuộc hội thảo số 5 mang tựa đề “đào tạo tiếp tục cho các linh mục Á Châu.”[427]

  • Chỉ Nam Cho Thừa tác vụ và Đời sống linh mục 1994 của Bộ Giáo sĩ dành cả chương III để bàn về việc huấn luyện thường xuyên các linh mục, trong mọi phương diện tuổi tác, khả năng, hoàn cảnh sống và phận vụ mục vụ.[428]

 

G.2 Những năm đầu đời linh mục

Đây là giai đoạn cho người mới chịu chức linh mục dần dần đi vào đời sống linh mục thực sự, hay nói cách khác là sống linh mục: Càng sống đời linh mục càng trở nên linh mục hơn. Việc chịu chức linh mục khép lại giai đoạn được đào tạo và tự đào tạo ở chủng viện, nhưng lại mở ra một giai đoạn mới, giai đoạn đào tạo và tự đào tạo thường xuyên kéo dài suốt đời của linh mục: “Việc huấn luyện không bao giờ được xem như chấm dứt, cả về phía Giáo Hội trao ban lẫn về phía thừa tác viên nhận lãnh.”[429] Các linh mục trẻ tự trắc nghiệm mình giữa cái học có tính cách lý thuyết hàn lâm và sự thực hành trong các thực tại của đời sống sứ vụ của họ.[430]  

Giai đoạn đào tạo và tự đào tạo này nhằm mục đích giúp các linh mục trẻ chu toàn cách trung thành và vui tươi sứ vụ của họ trong những hoàn cảnh khác nhau, chấp nhận và vượt thắng những chiến đấu và cám dỗ cả bên trong lẫn bên ngoài. Những mối tương quan tốt lành, hài hoà, quân bình và trưởng thành được điều chỉnh và thăng tiến mỗi ngày, với chính mình, với thiên nhiên, với tha nhân, nhất là với những người khác phái, là những phương tiện nhân loại. Tương quan thân mật với Thiên Chúa, sự trung thành với cam kết của mình khi chịu chức, với đời sống cầu nguyện và với sứ vụ, lòng tôn sùng kiên trì và nhiệt thành với Chúa Giêsu Thánh Thể, Thánh giá và Mẹ Maria là những phương tiện siêu nhiên. Những phương tiện tự nhiên và siêu nhiên này sẽ thực sự bảo đảm cho sự thành công và lòng trung thành của linh mục.  

Các linh mục trẻ sẽ thi hành sứ vụ trong một thế giới đang thay đổi của nền văn minh khoa học kỹ thuật, của chủ nghĩa tục hoá và hưởng thụ, của thần học giải phóng, của việc đề cao phẩm giá phụ nữ. Vì thế, việc đào tạo và tự đào tạo thường xuyên phải được nhấn mạnh và thực hành nhiều hơn; nó sẽ giúp họ được trưởng thành trong suy nghĩ, trong việc tự mình quyết định và hành động, cũng như trong mọi lãnh vực đời sống. Họ cũng phải làm việc trong sự hợp tác với mọi người trong Giáo Hội cũng như ngoài xã hội. Vì thế, họ cần được đào tạo thích hợp và phải tự mình điều chỉnh và thăng tiến các mối tương quan hài hoà, quân bình và trưởng thành với Thiên Chúa, với chính mình, với thiên nhiên và với người khác, nam cũng như nữ, giáo dân hay tu sĩ. 

Do đó, “việc huấn luyện này phải bao gồm và hòa hợp mọi khía cạnh, nghĩa là nó phải nhằm giúp linh mục phát triển nhân cách con người đã chín mùi trong tinh thần phục vụ kẻ khác, dầu đang nắm chức vụ gì; giúp linh mục được đào tạo về mặt trí thức, cả trong các khoa học tự nhiên lẫn trong các khoa học nhân văn, trong mức độ liên quan đến thừa tác vụ của mình, ngõ hầu linh mục chu toàn phận vụ làm chứng đức tin một cách hữu hiệu hơn; giúp linh mục có được một đời sống thiêng liêng sâu xa, được nuôi dưỡng bằng tình thân mật với Chúa Giêsu Kitô và bằng tình yêu Giáo Hội; giúp linh mục chu toàn thừa tác vụ mục vụ với nhiệt tình và nhiệt tâm.”[431] 

Các đề tài bàn luận như Thần học cơ bản, Tín lý, Luân lý, Thánh Kinh, Phụng vụ, Giáo luật, Đại kết... không được mang tính tranh luận, thuần túy lý thuyết hoặc thông tin, nhưng phải khuyến khích một sự huấn luyện đích thực, nghĩa là khuyến khích cầu nguyện, hiệp thông và làm việc mục vụ... liệu sao cho các văn kiện của huấn quyền được đào sâu chung với nhau dưới sự hướng dẫn của một nhân vật có thẩm quyền, để đưa tới sự thống nhất giải thích và thống nhất chương trình hành động mục vụ trong giáo phận.[432]

 

G.3 Những năm về sau cao tuổi cuộc đời linh mục

Các linh mục sau nhiều năm thi hành thừa tác vụ cần được khuyến khích, đề cao giá trị vai trò và đào sâu hơn việc huấn luyện mình trong mọi chiều kích để duyệt xét lại chính mình và công việc mình làm, hầu làm sống dậy các động lực của thừa tác vụ thánh... Các vị nầy cần đến sự hiệp thông linh mục và tình bạn của Giám mục để lướt thắng những kinh nghiệm mệt mỏi, thất vọng, cô đơn... hầu tìm lại được những nguồn mạch sâu thẳm của linh đạo linh mục.[433] Các linh mục cao niên tìm “xác nhận lại một cách thư thái và ôn hòa vai trò mà các ngài còn được mời gọi nắm giữ trong linh mục đoàn... để tự thấy mình còn hữu dụng như làm cha giải tội kinh nghiệm, linh hướng, chia sẻ kinh nghiệm, khích lệ, đón tiếp, lắng nghe và trấn tĩnh anh em đồng sự.”[434] 

Các linh mục ở vào một hoàn cảnh suy yếu thể lý hay mệt mỏi tinh thần, cô đơn, thất vọng cần được khích lệ tiếp tục phục vụ Giáo Hội một cách bình thản và can trường, nêu chứng từ ghi dấu thánh giá, bằng lòng đón nhận trong hy vọng và niềm vui Vượt Qua (x. Col 1,24).[435] Trách nhiệm của Giám mục và linh mục đoàn là phải tránh sự cô đơn nảy sinh do sự chểnh mảng tình hiệp thông linh mục đối với các anh em đó.[436]

G.4 Hoạt động tương tác giữa các thành phần liên hệ

Trong lãnh vực được đào tạo và tự đào tạo thường xuyên này, chúng ta có thể mở rộng có hiệu quả hơn nữa việc tương trợ tinh thần, thăm viếng động viên, góp ý chỉ bảo và đào tạo, trong đó có các nguồn lực kiến hiệu này:

  • Các cha giáo Đại Chủng Viện được phân phối đến thăm các linh mục cựu sinh viên tại môi trường mục vụ để nâng đỡ, thúc đẩy, phối hợp và điều chỉnh cái học lý thuyết trong chủng viện và cái thực tiễn trong sứ vụ mục vụ giáo xứ;

  • Các linh mục cựu sinh viên lớn tuổi và hưu trí có rất nhiều kinh nghiệm mục vụ giáo xứ cũng như những từng trải trường đời chia sẻ, hướng dẫn, cảnh báo, đào tạo và nâng đỡ đàn em, không những khi đàn em tới chỗ mình, mà cả khi các ngài về thăm chủng viện hoặc Bề trên chủng viện mời đến chia sẻ với các em chủng sinh những kinh nghiệm thực tiễn tích cực lẫn tiêu cực. Chính những kinh nghiệm thành công nhờ đâu và những thất bại do đâu và tại sao đó là những bài học qúy báu trong công cuộc đào tạo và tự đào tạo của đàn em;

  • Chính những hoạt động tình nghĩa này của các cha giáo và các cha đàn anh cựu sinh viên xuất thân cùng chủng viện đã để lại nhiều dấu ấn và tình cảm sâu xa không những nơi các đàn em, mà còn nơi lòng của một số đông các giáo phẩm và giáo sĩ khác.

  • Các thành viên giáo dân trình độ và trưởng thành vốn là nhưng cựu chủng sinh sẽ thẳng thắn mạnh dạn nói lên những điều tai nghe mắt thấy và lòng cảm nhận, những kiểm chứng dư luận chung quanh để giúp các thành viên linh mục phát huy điều tốt, chỉnh đốn điều chưa tốt; cũng như những góp ý tích cực và các hoạt động đa dạng của họ.

  • Không phải bất cứ ai vào Đại chủng viện đều nhất thiết phải làm linh mục, vì Chúa gọi nhiều nhưng chọn ít. Điều quan trọng là cần tôn trọng và coi những người ra đi là không thích hợp với chức linh mục vì Chúa có chương trình khác của Ngài cho họ, chứ không phải bị đuổi, bị loại vì lỗi lầm xấu xa nào đó làm tổn thương tình cảm và danh dự của họ. Chính các cựu chủng sinh này là một vốn rất quí của Giáo Hội trong sứ mệnh tông đồ giáo dân. Khi cầu nguyện cho nhau và gặp gỡ sinh hoạt, chia sẻ cùng nhau các biến cố vui buồn của nhau: các gia đình giáo dân cựu chủng sinh này giúp nhau trong công việc làm ăn và sống Đạo, tạo cơ hội cho con cái quen biết nhau, cổ võ ơn gọi tu trì và ơn gọi hôn nhân, làm tiếp nối và mở rộng tinh thần gia đình Chủng viện và Giáo phận, có thể hỗ trợ tài chánh cho cả việc đào tạo chủng sinh và các công trình khác của Giáo Hội: “Dập dìu kẻ trước người sau, sức riêng một ít góp vào lợi chung.”

  • Các chủng sinh trong các kỳ nghỉ dài đến ở với các đàn anh linh mục để học hỏi kinh nghiệm mục vụ và phục vụ các ngài, đồng thời được các ngài bảo ban dạy dỗ và giúp đỡ, vừa tinh thần vừa vật chất cần thiết trong thời gian tu học (tôi nhớ lại kinh nghiệm này với lòng biết ơn sâu xa các cha đàn anh ngày tôi còn là chủng sinh).

Như vậy, chúng ta có thể nói vượt lên khủng hoảng và tái định hướng đời sống và sứ vụ linh mục là một bạo lực ngọt ngào: giết chết cái chất trần tục quá khứ trong con người mình, để cuối cùng được sinh ra trong con người tu: “Anh em hãy mặc lấy con người mới đã được Chúa Kitô Phục Sinh biến đổi” -  “Phàm ai ở trong Chúa Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua đi và cái mới đã có đây rồi[437] Trong sự thay đổi đó, tinh thần theo Chúa Kitô là chủ đạo: thay đổi con tim, thay đổi tâm thức, thay đổi lối sống và cuộc sống: “từ đây chúng tôi không còn biết một ai theo quan điểm loài người. Và cho dù chúng tôi đã được biết Đức Ki-tô theo quan điểm loài người, thì giờ đây chúng tôi không còn biết Người như vậy nữa.”[438]  

Luật của sự sống và sinh trưởng là thay đổi, và mỗi chặng đường sinh trưởng của con người đều được ghi dấu bằng những thay đổi quyết định. Và đó là tiến trình lâu dài của một công cuộc hợp tác đào tạo và tự đào tạo, vừa thần linh vừa nhân loại theo hướng biện chứng pháp. Biện chứng pháp dẫn ta từ đối chọi chính đề – phản đề đến một quan điểm mới (hợp đề). Chúng ta sẽ không dừng lại ở hợp đề ấy, mà biến nó trở thành một chính đề mới đòi hỏi một phản đề mới tương ứng; sự cọ xát này sẽ phát sinh một hợp đề mới. Từ hợp đề mới này, chúng ta lại có một biện chứng mới, và cứ như thế chúng ta sẽ có tiến bộ và trở thành mới luôn. Cũng thế, mỗi một đổ vỡ hay khủng hoảng lại mở ra một khởi đầu mới: bắt đầu, lại bắt đầu...

Muốn cho việc tái định hướng đời sống và sứ vụ này thành công, chúng ta cần kết hiệp mật thiết với Chúa và luôn khẩn cầu Chúa ở lại với chúng ta, ngõ hầu được như thánh Phaolô khẳng định: “Tôi sống nhưng không còn phải là tôi nữa, mà là Chúa Kitô sống trong tôi[439] Chúng ta phải nhìn vượt qua bên kia, phía sau những sai lầm thiếu sót, để thấy được lòng nhân hậu thương xót cũng như kế hoạch cứu độ của Chúa, Đấng có thể biến cải điều xấu thành điều tốt, có thể rút ra cái tốt từ cái xấu: mỗi vị thánh đều có một quá khứ và mỗi tội nhân đều có một tương lai, như ĐGH Alexander nói: “Bản chất con người là lầm lỗi và bản chất Thiên Chúa là tha thứ.” Tận dụng ơn Chúa để vượt lên khủng hoảng, tái định hướng lại đời sống và sứ vụ linh mục của mình, tin tưởng rằng nhờ ơn thanh tẩy của Chúa, mình lại kiên trì làm chứng tá đức tin và đức ái mạnh mẽ hơn nữa trước mặt mọi người: 

Đây linh mục, những con người thánh hiến

Suốt cuộc đời làm chủ tế trung kiên

Đem tình thương người mục tử nhân hiền

Dâng trọn vẹn cho đoàn chiên chẳng tiếc.

Hồng ân Chúa, những hồng ân đặc biệt

Lãnh nhận rồi phân phát cả cho dân

Thắt đai lưng như đầy tớ chuyên cần

Chờ đợi chủ tay cầm đèn sáng rực.

Không mỏi mệt nhưng kiên trì tỉnh thức

Suốt đêm trường hay mãi tới canh khuya

Miễn làm sao kịp khi Chủ trở về

Mở ngay cửa nghêng đón Người vội vã.

Vinh tụng Chúa Cha vua trời cao cả

Cùng Chúa Con đấng chuộc tội cứu đời

Và Thánh Thần lửa yêu mến sáng soi

Hằng hiển trị bây giờ và mãi mãi.

                        Thánh Thi Kinh Sáng Thánh Mục Tử. 

Chúng ta hạnh phúc cám ơn Chúa vì thời đại chúng ta đang sống đã có một năm thánh đặc biệt, năm cầu nguyện của linh mục, cầu nguyện với linh mục và cầu nguyện cho linh mục. Là linh mục hiện thể hay năng thể, chúng ta đều luôn biết ơn Chúa, biết ơn Giáo Hội, biết ơn các Bề Trên trong Giáo Hội về những năm tháng dài chúng ta được đào tạo, về hồng ân thiên chức linh mục, về tình huynh đệ bí tích linh mục, về đời sống và sứ vụ linh mục mà chúng ta đã, đang và sẽ nhận lãnh, và dù giữa bao nhiêu thăng trầm khó khăn, yếu đuối của phận người, chúng ta sẽ luôn cố gắng sống tốt, nghĩa là chúng ta nhìn nhận Giáo Hội đã làm cho chúng ta quá nhiều, nếu không muốn nói là tất cả, và chúng ta có bổn phận đền đáp bằng chứng tá đời sống và sứ vụ linh mục của chúng ta để nhiều người được cứu độ và Danh Chúa được cả sáng hơn.

_______

chú thích

[421] Presbyterorum  Ordinis số 72 và 82.

[422] Sđd. số 87.

[423] Pastores Dabo Vobis số 71.

[424] Optatam Totius số  22.

[425] Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis số 100.

[426] Ecclesia in Asia số 43

[427] FABC 92e, Về đào tạo thường xuyên cho linh mục tại Á Châu.

[428] Chỉ Nam 1994 số 69-97.

[429] Chỉ Nam 1994 số 73.

[430] Chỉ Nam Linh mục 1994, số 93.

[431] Chỉ Nam 1994 số 74.

[432] Chỉ Nam 1994 số 77-78.

[433] Pastores Dabo Vobis số 77; Chỉ Nam 1994 số 94.

[434] Chỉ Nam 1994 số 95.

[435] Sđd. số 96-97.

[436] Sđd. số 97.

[437] 2 Cr 5,17.

[438] 2 Cr 5,16.

[439] Gl 2, 20.

VỀ MỤC LỤC
TÁC DỤNG CỦA CAFFEIN.

Trong mấy tháng vừa qua, nước tăng cường sinh lực-energy drink- chứa caffein đã là đề tài được công chúng, các nhà y khoa học cũng như truyền thông thậm chí có cả mấy Nghị sĩ Quốc hội Hoa Kỳ thảo luận, bàn tán. Nguyên do là cơ quan FDA Hoa Kỳ cho hay họ đã khởi sự điều tra báo cáo về 13 tử vong có thể do loại nước uống 5-Hour Energy vả 5 tử vong với một suy tim trầm trọng do nước uống chứa nhiều caffein Monster Energy Drink. Tuy nhiên cơ quan nhấn mạnh rằng các báo cáo này chưa phải là kết luận của FDA.
 

Theo Consumer Report, một lon 8-oz 5-Hour Energy Extra Strength có 242 mg caffeine, Red Bull có 83 mg và Monster có 92mg. Nhiều loại nước uống có lượng caffein cao hơn trên nhãn hiệu tới 20 lần và nhiều loại có caffein mà lại không ghi.
 

Xin nhắc lại, một ly cà phê 8-oz có khoảng 100 mg. Theo các nhà nghiên cứu, một người trưởng thành khỏe mạnh có thể dùng tới 400 mg caffeine một ngày, phụ nữ có thai nên giới hạn ở mức độ 200 mg còn trẻ em từ 45-85 mg.
 

Cà phê có chất caffein là loại nước uống rất phổ biến và ưa thích từ thuở xa xưa. Vậy mà tại sao bây giờ lại có chuyện gây ra chết chóc bệnh hoạn như vậy.
Xin cùng tìm hiểu.
 

Caffein là gì?

Caffein là một hóa chất hữu cơ thuộc nhóm purine có trong nhiều loại thực vật như trà, cà phê, coca…
Sau khi uống, caffein thấm nhập rất mau vào khắp các bộ phận của cơ thể. Thời gian bán hủy là 3 giờ nên caffein không tích tụ trong cơ thể. Đa số caffein được thải khỏi cơ thể qua nước tiểu.

Tác dụng chính của caffein là kích thích hệ thần kinh trung ương, tăng sinh hoạt trí tuệ, làm ta tỉnh táo nhất là khi con người mỏi mệt hoặc chán nản. Với giấc ngủ thì ảnh hưởng tùy người: có người gặp khó khăn, có người lại ngủ tốt khi uống cà phê.

 

Caffein làm thư giãn cơ thịt trong thành động mạch, tăng sức co bóp của tim, tăng máu từ tim đưa ra, tăng huyết áp.

 

Caffein tăng dịch vị bao tử cho nên nhiều người thích uống cà phê sau khi ăn để dễ tiêu hóa thực phẩm.

 

Caffein làm tăng sự sức chịu đựng của vận động viên thể thao, vì thế Ủy Ban Thế Vận không cho phép vận động viên dùng quá nhiều chất kích thích này.

 

Caffein làm tăng sự bài tiết nước tiểu.

Bình thường cơ thể chịu đựng được khoảng 200mg caffein. Khi dùng trên 1000 mg thì có người thấy mất ngủ, hồi hộp, tim đập nhanh, thở hỗn hển, đi tiểu nhiều, ù tai, sót ruột.

 

Tử vong xẩy ra khi dùng trên 10 gram caffein tức là từ 80-100 ly cà phê!

Ảnh hưởng của caffein với sức khỏe

 

Về ảnh hưởng của caffein lên sức khỏe có nhiều ý kiến khác nhau. Các nhà khoa học vẫn liên tục làm việc để tìm ra câu trả lời thỏa đáng về ảnh hưởng này. Sau đây là một số kết quả đã đạt được.

 

1- Ý kiến thuận

Từ năm 1958, cơ quan Dược Phẩm và Thực Phẩm Hoa Kỳ đã coi caffein như an toàn và không có nguy hại.

Hiệp hội Y Khoa Hoa Kỳ cũng có ý kiến tương tự: uống cà phê hay trà vừa phải không có ảnh hưởng xấu cho sức khoẻ.

 

Nhiều chuyên gia nói người khỏe mạnh dùng không quá 300mg caffein mỗi ngày ( khoảng 3 ly cà phê ) thì là mức độ trung bình.

 

Mỗi người có mức chiụ đựng với caffein khác nhau. Có người uống vài ba ly không sao, có người chỉ uống nửa ly đã cảm thấy tác dụng kích thích của caffein.

 

Thường thường một nửa số caffein tiêu thụ được thải ra khỏi cơ thể 3- 4 giờ sau khi uống. Uống cà phê mà lại hút thuốc lá thì chất caffein lại được thải ra khỏi cơ thể mau hơn.

a- Trẻ em với cà phê
Nhiều bậc cha mẹ tỏ ý e ngại khi thấy con trẻ uống nhiều nước giải khát có caffein. Theo viện Y Tế Quốc Gia Hoa Kỳ thì trẻ con và người lớn đều có khả năng chuyển hoá caffein như nhau và caffein không có ảnh hưởng gì tới sự năng động và sự tập trung của chúng. Tuy nhiên, caffein là một chất có tác dụng như dược phẩm nhẹ và tuỳ theo số lượng, có thể kích thích hệ thần kinh.
 

b- Caffeine với ung thư
Có một thời gian, caffein và cà phê đã bị gán cho là có thể gây ra vài loại ung thư như bao tử, miệng, gan, ruột già, vú. Nhưng các nghiên cứu mới đây đã gỡ nỗi oan này cho caffein. Tài liệu hướng dẫn về dinh dưỡng của Viện Ung Thư Hoa Kỳ nhấn mạnh là không có bằng chứng nào về việc caffein làm tăng nguy cơ ung thư các loại.

 

Nghiên cứu ở Nhật, Na Uy, Hoa Kỳ đều trấn an giới tiêu thụ là caffein không gây ung thư. Đồng thời nghiên cứu của bác sĩ Lee Wattenberg tại đại học Minnesota lại cho là cà phê xanh có thể ngăn chặn ung thư ở các con vật trong phòng thí nghiệm và nghiên cứu ở Na uy cho là caffein có thể ngừa ung thư ruột già.

c- Caffein và bệnh tim mạch
Nhiều người tin là cà phê làm tăng huyết áp nên sợ không giám uống. Cũng có người nghĩ là cà phê làm tim đập nhanh, có thể đưa tới suy tim. Sở dĩ họ tin như vậy là vì một nghiên cứu của đại học Y khoa John Hopkins vào năm 1985 cho hay nếu uống trên năm ly cà phê mỗi ngày thì nguy cơ bệnh tim tăng lên gấp ba lần so với người không uống cà phê.

 

Sự thực thì caffein dùng vừa phải ( một hay hai ly một ngày ) không làm tăng huyết áp hoặc đau tim, trừ khi qúa nhậy cảm với caffein thì huyết áp có thể tăng lên chút ít và kéo dài không quá vài giờ đồng hồ. Nhiều nghiên cứu cho hay sự tăng huyết áp này cũng giống như khi ta bước lên mươi bậc cầu thang.

 

Có nghiên cứu ở Ý năm 1987 cho là phụ nữ uống cà phê mỗi ngày thì huyết áp lại hơi xuống thấp.

 

Năm 1989, nghiên cứu mang tên Framingham Heart Study cho hay không có một liên hệ nhân qủa nào giữa caffein và bệnh tim mạch. Ngay sau đó, đại học Harvard rồi đến Tạp chí của Hiệp Hội Y Khoa Hoa Kỳ cũng hỗ trợ kết quả trên và kết luận là dùng caffein không làm tăng nguy cơ bệnh tim hay tai biến mạch máu não.

 

Tuy nhiên, để an toàn, quý vị có bệnh tim mạch nên tham khảo bác sĩ về việc có nên dùng nước uống có caffein hay không và dùng bao nhiêu là thích hợp.

d- Caffeine và thai nghén.
Đã có nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng của caffeine vào việc thai nghén và thai nhi.

Năm 1988, một ý kiến được nêu ra là hai ly cà phê mỗi ngày có thể làm giảm khả năng sinh sản của nữ giới. Nhưng nhiều nghiên cứu khác vào năm 1990 của Trung Tâm Kiểm Soát và Ngừa Bệnh Hoa Kỳ CDC và Đai Học Harvard đều cho là tiêu thụ caffein không có ảnh hưởng gì đến sự thụ thai, sự hư thai hay trẻ em sinh thiếu ký.

 

Nhưng giới chức y khoa cũng như Cơ Quan Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa kỳ thì cẩn thận hơn và vẫn khuyên các bà mẹ mang thai là không nên uống qúa hai ly cà phê mỗi ngày, để tránh hậu quả không tốt.

 

Về việc nuôi con bằng sữa mẹ cũng vậy: caffein có thể tràn vào sữa mẹ nhưng nếu chỉ uống hai ba ly một ngày thì cũng không ảnh hưởng gì tới em bé.

e- Caffeine và bệnh loãng xương.

Vì có nghiên cứu cho hay, dùng trên 700 mg caffeine mỗi ngày có thể làm tăng calcium và magnesium qua nước thiểu cho nên nhiều người cứ sợ caffein cũng là nguy cơ gây bệnh loãng xương. Nhưng những nghiên cứu gần đây đều không tìm ra liên hệ nhân quả cuả caffeine với loãng xương. Như vậy xin qúy vị cứ yên tâm mà thưởng thức cà phê, nhưng không nên dùng nhiều quá. Và nếu còn e ngại thì uống thêm nửa ly sữc là bù lại được calcium thất thoát này.
 

f- Caffeine với hiện tượng chệch múi giơ.

Caffein giúp giải quyết khó khăn cuả nhiều người khi di chuyển qua nhiều múi giờ khác nhau. Đó là hiện tượng chệch múi giơ (jet lag).

Một chuyên viên không gian, Charles F. Ehert, cho là caffein có thể điều chỉnh nhịp sinh học trong người và làm giảm triệu chứng của chệch múi giờ như rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi. Theo ông ta, vào ngày khởi hành, nếu di chuyển về phía Tây thì nên uống ba ly cà phê đặc vào buổi sáng; còn nếu bay về hướng Đông thì ngưng uống cà phê cho đến buổi chiều.

 

Ngoài ra , caffein còn được dùng trong y học khi phối hợp với thuốc chống đau aspirin, acetaminophen (Tylenol), Ergot alkaloid. ..

 

Tạp san của American Medical Association số tháng 6 năm 1999 công bố một kết quả nghiên cứu cho hay uống 4 ly cà phê một ngày thì người đàn ông có khả năng giảm sạn túi mật tới 45%.


 

2. Ý kiến nghiêm khắc

 

Những người nhìn cà phê với đôi mắt nghiêm khắc thì cho là caffein gây ra nghiện và có nhiều tác dụng không tốt cho sức khỏe.

 

Họ đưa ra những nghi ngờ là uống nhiều caffein gây cao huyết áp, là nguy cơ của cơn suy tim, bao tử bị lở loét, phụ nữ sanh thiếu tháng và thai nhi thiếu cân, có thể gây ra ung thư bọng đái, tụy tạng, vú ruột già, tử cung.

 

Tạp san của American Medical Association ngày 26-1-94 công bố có sự liên hệ đáng kể giữa uống nhiều cà phê với giảm tỷ trọng đặc của xương hông, cột sống phụ nữ. Nhưng thay đổi này không xẩy ra nếu các bà uống một ly sữa mỗi ngày.

 

Caffein cũng được nói là làm tăng các triệu chứng khó chịu trước mỗi kinh kỳ của phụ nữ như là mất ngủ, lo âu, gắt gỏng, bất an, căng vú... và làm tăng sự sản xuất kích thích tố cortisol từ nang thượng thận, làm đàn bà giảm khả năng thụ thai, đàn ông sinh ra tinh trùng bất thường.

 

Tập san y học của Hội Thần kinh Tâm Trí Hoa Kỳ kể lại trường hợp khá hi hữu như sau: Một vị Đại Tá 37 tuổi than phiền với bác sĩ là từ hơn hai năm nay, ông ta luôn luôn ở trong tình trạng lo âu, bồn chồn, không tập trung được trí nhớ, đôi khi dễ cau có gắt gỏng với đồng bạn, hay đau bụng, ói mửa, đại tiện không thông, đêm mất ngủ...

 

Các thử nghiệm máu, nước tiểu đều không tìm ra bất thường nào.

 

Một bác sĩ thần kinh bèn hỏi là ông có uống nhiều cà phê không. Vị Đại Tá nhận là mỗi ngày ông ta uống tới mươi ly cà phê, cộng thêm vài lon coca cola, buổi tối uống thêm ly sữa nóng pha với chocolate. Ông ta nói vì công việc nhiều quá nên cần uống cà phê để tỉnh táo làm việc.

 

Các bác sĩ bèn yêu cầu vị Đại Tá ngưng tất cả nước uống có caffein, thì các triệu chứng trên giảm lần và hết hẳn.


 

Nhiều người còn than phiền tối trước uống cà phê làm họ ngủ không ngon giấc, mà buổi sáng dậy cứ mệt mỏi, nhức đầu, phải uống một ly cà phê mơí làm việc được.

 

Điều này là do trong giấc ngủ, chất adenosine gây ra êm dịu bám vào các tế bào thần kinh, làm hoạt động của chúng giảm và ta đi vào giấc ngủ. Do có cấu trúc tương tự, nên khi uống cà phê, thì tế bào thần kinh nhầm tưởng caffein là những phân tử adenosin, nên thu hút caffein. Tế bào trở nên năng động, kích thích não thùy tiết ra epinephrine. Epinephrine làm tim đập nhanh, hơi thở dồn dập, con ngươi mở rộng, huyết áp tăng, bắp thịt cương co, con người ở trong trạng thái năng động, tỉnh táo. Nhưng khi epinephrine tan biến thì các đáp ứng trên xìu xuống, con người mệt mỏi. Muốn lấy lại sự năng động, nhiều người phải uống một ly cà phê để tỉnh táo trở lại. Những người thường xuyên dùng cà phê sẽ phụ thuộc vào chất này cũng như người hút thuốc lá cần nicotin.


 

Một thắc mắc nhiều người thường nêu ra là: nếu như caffein có thể gây ra tác hại thì tại sao các loại nước uống có chất này lại được bán khắp nơi? Câu trả lời rất giản dị: Hàm lượng caffein trong các thức uống thông thường không cao đến độ có thể gây rủi ro. Vì thế mà nước trà, cà phê đã trở nên phổ biến ở khắp mọi gia đình.

 

 

Kết luận

 

Chuyện energy drink có gây ra rủi ro cho sức khỏe hoặc tử vong hay không còn đang được cơ quan hữu trách là FDA điều tra.

 

Tuy nhiên, trong một văn thư trả lời ưu tư của Thượng Nghị Sĩ Richard Durbin (D-Ill) về ảnh hưởng của nước uống chứa caffein, Phó Giám đốc Cơ quan FDA Jeanne Ireland cho hay một người lớn khỏe mạnh có thể chịu đựng tới 400 mg caffein một ngày mà không bị những bệnh như tim mạch, loãng xương, lú lẫn...

Cơ quan cũng nhắc nhở dân chúng rằng các loại nước uống này không thay thế cho sự ngủ-nghỉ bình thường mà cơ thể cần và trước khi dùng, nên hỏi ý kiến bác sĩ vì chúng có thể có các chất gây ảnh hưởng tới sức khỏe bệnh tật của mình. FDA cũng đòi hỏi các nhà sản xuất phải bảo đảm sản phẩm an toàn và có ghi rõ thành phần trên nhãn hiệu trước khi đưa ra thị trường.
Thành ra, bà con ta hãy cứ “vô tư” thưởng thức khoảng 3 ly cà phê mỗi ngày là “an toàn xa lộ”.
 

Chứ đừng như nhà văn Honore’ de Balzac, mỗi ngày uống tới hơn hai chục ly cà phê, thậm chí nhiều khi ông còn nhai nuốt bột cà phê mới thấy đã. Ông làm việc 15 giờ mỗi ngày và diển tả tác dụng của cà phê đại ý như sau: “Ngay sau khi những giọt cà phê đen nóng hổi rơi vào bao tử thì tức khắc trong người ông có một sự khích động lớn xẩy ra. Các ý tưởng xuất hiện như những binh đòan đại quân trên chiến trường và trận chiến bắt đầu. Ký ức trở lại như vũ bão, phép dùng chữ ẩn dụ, ví von, lý luận chan hòa tạo cho ông một nguồn cảm hứng đế viết. Viết liên tục với những dòng chữ tràn ngập trên trang giấy trắng”.
 

Nghe nói ông bị suy tim.

Chẳng biết có phải vì uống quá nhiều cà phê.
 

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

www.bsnguyenyduc.com
 

 
VỀ MỤC LỤC
Bệnh đợi chờ phép lạ

 

(Ghi lại bài nói chuyện của Đức Tổng Giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận với giới trẻ Việt Nam tại Strasbourg, Pháp, chiều ngày 12.9.1998)

 

Giới thiệu

Muốn thành công trước hết phải chữa trị tận gốc mười (10) chứng bịnh làm băng hoại xã hội ngày nay.

Cuộc sống cộng đồng và Giáo hội, không những ở Việt Nam mà ngay cả ở hải ngoại, hiện đang có những bất ổn. Không hoặc chưa phát huy được nét tích cực của mình. Do đâu ?

Có rất nhiều căn nguyên. Những căn nguyên này là những chứng bịnh vừa nguy hiểm vừa truyền nhiễm đang hoành hành trong xã hội, và có cơ nguy làm cho cuộc sống xã hội băng rã. Tôi qui chúng lại thành mười bệnh lớn: Thập đại bịnh.

 

7. Bệnh đợi chờ phép lạ

Cứ chờ cứ đợi người khác, mà bản thân mình chả  chịu làm gì. Mình có làm thì Chúa mới giúp được chứ. Chúa sinh ra mình không cần hỏi ý mình, nhưng để cứu mình Ngài phải cần đến sự cộng tác của ta.

Có bà suốt ngày cầu với Chúa: Con bao nhiêu ngày tháng hy sinh cho cộng đoàn. Nấu cơm, nấu chè, hết việc này đến chuyện nọ. Đâu cũng có mặt. Giúp ngày không đủ tranh thủ giúp đêm giúp thêm giờ nghỉ ! Con chỉ xin Chúa có một điều, vậy mà Chúa không chịu đoái nghe. - Chứ con xin điều gì ? - Dạ xin Chúa cho con trúng vé số, chỉ cần trúng một lần độc đắc thôi ! - Ừ mà Chúa cũng đang đợi bà đây ! - Dạ Chúa đợi gì con đây ? - Thì Ta đang đợi bà mua vé số !

Trong một vụ lụt xe cứu thương rảo khắp phố phường kêu gọi người dân rời nhà di chuyển lên nơi cao để tránh nước lũ. Ông bố của một gia đình bảo với con cháu: Tụi bây đứa nào đi thì đi, còn tao không đi; tin tưởng phó thác vào Chúa thì sao Ngài bỏ rơi được. Nước lũ tới, dâng cao. Ghe cấp cứu lại kêu gào tản cư gấp. Ông già kê bàn kê ghế leo lên rồi giục: Mẹ con bây đi thì đi nhanh lên, tao không. Nước tiếp tục dâng cao, ông già leo lên mái nhà ngồi. Máy bay trực thăng lượn qua lượn lại, thả dây kêu gọi ông di tản. Ông nhất quyết không đi, bởi tin rằng có Chúa che chở. Và nước ngập cuốn ông đi luôn. Ông gặp thánh Phêrô. Thánh Phêrô hỏi sao lại dạt vào đây. Ông già bực bội trách cứ, tại sao con đặt hết tin tưởng vào Chúa mà Ngài không cứu sống, lại để con chết trôi chết nổi thế này và ông yêu cầu thánh Phêrô mở cửa đưa ông vào Thiên đàng cấp tốc. Thánh Phêrô ngạc nhiên đáp lại: Chúa có cứu ông chứ! Ông có nghe đài báo tin không ? - Có. Ông nghe xe cứu thương kêu gọi không ? - Có. Ông có thấy ghe máy, trực thăng đến cứu không ? - Có. Tại sao ông bảo Chúa bỏ ông ?

ĐHY. PX. Nguyễn Văn Thuận

VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quy vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Duoc chon giua loai nguoi va cho loai nguoi; GIAO SI: Xuat phat tu giao dan, hien dien vi giao dan va cay dua vao giao dan, de cung lam VINH DANH THIEN CHUA

*************