Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 188, Chúa Nhật 13.01.2013


MỤC LỤC 

HIẾN CHẾ TÍN LÝ VỀ MẠC KHẢI THIÊN CHÚA                                       Bản dịch của HĐGMVN

SỐNG ĐẦY - Live fully   (song ngữ Việt Anh)                                  Lm Jos.Tuấn Việt, O.Carm

Giáo Hội, nữ tỳ của Lời Chúa     Chuyển ngữ: Thérèse Trần Thiết & Fr. Marie Bảo Tịnh O.Cist

GIA ĐÌNH VÀ TƯƠNG LAI NHÂN LOẠI                                       Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD.

NĂM ĐỨC TIN : NGUY CƠ CỦA TIỀN BẠC CHO ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN    Lm. PX. Ngô Tôn Huấn

“Ở ĐÂY BUỔI CHIỀU, QUANH NĂM MÙA DÔNG…”                                  Lm. Vĩnh Sang, DCCT

TÁI KHÁM PHÁ CÔNG ĐỒNG VATICAN II - “NHỮNG NGƯỜI KHÁCH LẠ” TRONG CHÍNH NGÔI NHÀ CỦA MÌNH                                                                                  Sr. Ngọc Lan, fmm.

THAM LAM - QUẢNG ĐẠI (BÀI 2)                                                                    Br. Huynhquảng

Luật giết chết hay cứu sống                                                            Lm. Minh Anh chuyển ngữ

CHÚA GIÊSU là nguyên lý của đời sống và sứ vụ ơn gọi                    Lm. Trần Minh Huy, pss.

DÙNG CẦN SA Ở THANH THIẾU NIÊN                                                      Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức

Bệnh chuẩn mực trần tục                                                             ĐHY. PX. Nguyễn Văn Thuận


HIẾN CHẾ TÍN LÝ VỀ MẠC KHẢI THIÊN CHÚA

 

KHOÁ VIII ngày 18 tháng 11 năm 1965

HIẾN CHẾ TÍN LÝ VỀ MẠC KHẢI THIÊN CHÚA 1*

(Bản dịch của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, HĐGMVN)

1. Lời mở đầu

Khi  thành kính lắng  nghe và dạn dĩ công bố Lời Thiên Chúa 2*,  Thánh Công đồng làm theo lời thánh Gioan: “Chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời: sự sống ấy vẫn hướng về Chúa Cha và nay đã được tỏ bày cho chúng tôi. Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giêsu Kitô, Con của Người” (1 Ga 1,2-3). Bởi thế, noi gương Công đồng Triđentinô và Vatican I, Công đồng này muốn trình bày giáo lý chân thật về mạc khải của Thiên Chúa và về lưu truyền mạc khải ấy, để nhờ việc rao giảng ơn cứu độ, toàn thể thế giới nhờ nghe mà tin, nhờ tin mà trông cậy, nhờ trông cậy mà yêu mến 1. 3*

---------------

1*– Lược đồ thứ nhất mang tựa đề “Lược đồ Hiến chế Tín lý về các nguồn Mạc khải”. Trong lần soạn thảo thứ hai, lược đồ mang tên “Lược đồ Hiến chế Tín lý về Mạc khải của Thiên Chúa”. Nhưng vì bản văn nói về Mạc khải rất ít nên có người đề nghị tựa đề “Về Thiên Chúa Đấng tự mạc khải”, hoặc “Về Thánh Kinh”. Trong lần soạn thảo thứ ba, tĩnh từ “tín lý” bị loại bỏ, nhưng lại xuất hiện trong bản văn cuối cùng.

2*– Nguyên văn viết tất cả hai chữ bằng chữ hoa, nên ta không biết nó chỉ Ngôi Lời của Thiên Chúa hay Lời của Chúa, tức là Phúc Âm

3*– Ở đây Công đồng trình bày: mục đích của mạc khải là cứu độ con người chứ không phải để thoả mãn óc tìm tòi của trí khôn chúng ta. Quyền giáo huấn không phải là chủ của Lời Chúa nhưng là tôi tớ “lắng nghe” và vâng theo (số 10); do đó, quyền giáo huấn phải làm chứng những gì đã được trao phó. Việc trích dẫn 1 Ga 1,2 -3 trình bày nội dung mạc khải  (đời  sống  vĩnh cửu)  như  sự  hiệp thông  giữa con người  và Ba Ngôi  Thiên Chúa;  nội dung đó được gửi đến cho mọi  người  nhờ  các chứng tá.  Những điều trên đương nhiên đòi hỏi một hoạt động truyền giáo: việc “công bố ơn cứu độ” (x. Cv 13,26; Ep 1,13).

 

CHƯƠNG I: VỀ CHÍNH VIỆC MẠC KHẢI  4*

2. Bản chất và đối tượng của Mạc khải

Do lòng nhân lành và khôn ngoan, Thiên Chúa đã muốn mạc khải chính mình và tỏ cho biết mầu nhiệm của ý muốn Ng ài (x. Ep 1,9); nhờ mầu nhiệm đó, loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể, trong Chúa Thánh Thần, và được thông phần vào bản tính Thiên Chúa (x. Ep 2,18; 2 Pr 1,4). Vậy qua việc mạc khải này, Thiên Chúa vô hình (x. Cl 1,15; 1 Tm 1,17), do tình thương chan hòa của Ngài, đã ngỏ lời với loài người như với bạn hữu (x. Xh 33,11; Ga 15,14-15) và liên lạc với họ (x. Br 3,38) để mời gọi họ và chấp nhận cho họ đi vào cuộc sống của chính Ngài. Nhiệm cục mạc khải này được thực hiện bằng các việc làm và lời nói có liên hệ mật thiết với nhau, theo nghĩa là các việc Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử cứu độ biểu lộ và củng cố cả giáo huấn lẫn những thực tại được diễn tả bởi các lời; còn các lời thì công bố các việc làm và làm sáng tỏ mầu nhiệm được chứa đựng trong đó 5*. Nhưng nhờ mạc khải này, sự thật thâm sâu về Thiên Chúa cũng như về công cuộc cứu độ con người nên chiếu sáng cho chúng ta trong Chúa Kitô, Đấng vừa là Trung gian vừa là sự viên mãn của toàn thể mạc khải 2. 6*

-------------

4*– Chương này xuất hiện ở trong lược đồ thứ ba. Trong các lược đồ trước, lời mở đầu chỉ bàn sơ qua về vài khía cạnh như “sự cần thiết và đối tượng của Mạc khải” (số 1), “Mạc khải tiệm tiến” (số 2) v.v... Nhưng nhiều Nghị Phụ đòi bàn về chính việc Mạc khải, vì Mạc khải chứa đựng không những các chân lý về Thiên Chúa mà cả sự kiện Thiên Chúa tự mạc khải. Trong chương này, Công đồng đã muốn trình bày Mạc khải dưới cái nhìn của con người để thích ứng hơn với những đòi hỏi của con người thời nay. Phải xem xét trọn giáo thuyết này dưới ánh sáng của lịch sử cứu độ. Thiên Chúa phó mình cho con người ngay từ khi tạo dựng vũ trụ. Bố cục của chương này như sau: số 2: Sự kiện Chúa phó mình và từ đó tự mạc khải; số 3 và 4: Các giai đoạn Mạc khải và sự hoàn thành trong Chúa Kitô; số 5: Thái độ ở con người để tiếp nhận mạc khải; số 6: Các chân lý Mạc khải.

5*– Nền thần học Công giáo đã thường coi Mạc khải như một lời nói; còn các hoạt động của Thiên Chúa bị liệt vào hàng rất phụ thuộc. Công đồng lại muốn trình bày là Thiên Chúa tự mạc khải trước tiên bằng “hành động” (gesta) (không bằng việc làm [facta] vì việc làm  có vẻ một  tác động  vật  chất  hơn). Ở đây,  chữ  “hoạt động”  còn có nghĩa là những biến cố do một người gây nên; trong trường hợp này, người ấy chính là Thiên Chúa. Thiên Chúa tự mạc khải bằng cách hoạt động phù trợ dân Ngài, thăm viếng bạn hữu (Abraham, Môsê) và bằng các phép lạ (ví dụ Chúa Kitô) v.v...

Trước đó,  số 2 này  mang  tựa đề:  “Sự  cần thiết  của Mạc khải”,  sau đổi  thành “Bản tính và đối tượng”. Chúng ta thấy Mạc khải phát xuất không do “sự khôn ngoan và lòng nhân lành của Thiên Chúa” như Vatican I đã nói (Dz 1785/3004) nhưng do “Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan”. Đối tượng là chính Thiên Chúa và Nhiệm cuộc cứu rỗi của Ngài. Ở đây Công đồng dùng tiếng “bí tích” để nói lên dấu chỉ và phương tiện, lời nói và hành động (x. GH I). Mạc khải là ơn hoàn toàn nhưng-không của tình yêu Thiên Chúa, tỏ bày cho các “bạn hữu” như trong một cuộc đối thoại, nghĩa là không những nói mà còn sống chung nữa.

6*– Câu này không thấy trong những lần soạn thảo trước, sau được thêm vào do đề nghị của nhiều Nghị Phụ. Vấn đề quan trọng là phải xem Chúa Kitô là trung gian duy nhất của Mạc khải vì Người là Lời mà Chúa Cha nói với chúng ta, và là sự viên mãn vì trong Người, Chúa Cha nói với chúng ta tất cả mọi sự. Vì vậy Mạc khải có Kitô tính.

 

3. Chuẩn bị Mạc khải Phúc Âm 7*

Thiên Chúa, Đấng tạo dựng và bảo tồn mọi sự nhờ Ngôi Lời (x. Ga 1,3), không ngừng làm chứng cho loài người về chính mình nơi các thọ tạo (x. Rm 1,19-20) 8*; hơn nữa, vì muốn mở ra con đường cứu độ cao vời, ngay từ khởi thủy, Ng ài đã tỏ mình ra cho nguyên tổ biết. Sau khi tổ tông sa ngã, bằng việc hứa ban ơn cứu chuộc, Ngài đã nâng họ dậy hướng tới niềm hy vọng cứu độ (x. St 3,15). Ngài đã không ngừng săn sóc nhân loại, để ban sự sống đời đời cho tất cả những ai tìm kiếm ơn cứu độ bằng cách kiên tâm làm việc lành (x. Rm 2,6-7) 9*. Khi đến thời gian đã định, Ngài đã gọi Abraham để làm cho ông thành một dân lớn (x. St 12,2-3), một dân tộc mà sau thời các Tổ phụ, Ngài đã dùng Môsê và các ngôn sứ mà dạy dỗ, để họ nhận biết Ngài là Thiên Chúa duy nhất,  hằng  sống và chân thật,  là  Cha quan phòng,  là Thẩm  phán  chí  công,  và để họ trông đợi Đấng  Cứu Thế Ngài đã  hứa ban.  Như  thế,  qua các thời đại,  Ngài đã  dọn đường 10* cho Phúc Âm.

------------------ 

7*– Đề mục tổng quát của đoạn này là sự trông chờ Mạc khải của Chúa Kitô. Mạc khải này thể hiện từng giai đoạn, ta có thể gọi là Mạc khải qua vũ trụ, Mạc khải sơ khai và Mạc khải trong lịch sử.

8*– Bản văn xác nhận sự kiện “Mạc khải qua vũ trụ” hay qua “thọ tạo” theo Thư gửi tín hữu Rôma 1,19-20. Nhưng bản văn phúc trình không muốn giải quyết vấn nạn là trong thực tế Thiên Chúa có ban ơn để người ta có thể nhận biết Chúa qua thọ tạo hay không (Relatio đính kèm  lược đồ III,  1964,  tr.  11,  3 A).  Thiên Chúa mạc khải  khi  tạo dựng; nhưng nên chú ý là bản văn nói “Chúa tạo dựng” chứ không nói “Chúa đã tạo dựng” để chỉ rõ là tất  cả các thọ tạo luôn luôn tùy  thuộc vào Đấng  Tạo Hoá,  dầu cả trong  giả thuyết  tiến hoá.  Mọi  người đều có thể thấy  nơi  thọ tạo bằng chứng sự  hiện hữu của Thiên Chúa. Chính đây là nền móng cho thần học của các tôn giáo ngo ài Kitô giáo.

9*– “Mạc khải sơ khai” được trình bày trong tầm mức siêu nhiên. Bản văn loại bỏ vấn đề độc tổ thuyết hay đa tổ thuyết, mà chỉ muốn nói là Thiên Chúa đã tỏ mình cho con người (không  nói  bằng cách nào),  cũng  như  chỉ  muốn nói  là Thiên Chúa đã  luôn luôn cứu thoát con người, và tình trạng này vẫn có giá trị ngay cả bây giờ (xem GH  16).

10*– “Mạc khải trong lịch sử” bắt đầu với Abraham. Công đồng đã muốn nêu lên mối liên lạc giữa việc tuyển chọn và Mạc khải. Thiên Chúa được gọi là “Cha”, nhưng các chữ “của mọi người” lại bị loại bỏ vì trong Cựu Ước phổ quát tính chưa rõ ràng lắm. Cựu Ước được coi như là sự “chuẩn bị” cho Phúc Âm để nói lên ý tưởng Mạc khải trong Cựu Ước còn bất toàn và có liên quan đến Mạc khải của Chúa Kitô.

 

4. Chúa Kitô hoàn tất mạc khải 11*

Sau khi phán dạy nhiều lần nhiều cách qua các ngôn sứ, “vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (x. Dt 1,1-2) 12*. Thật vậy, Ngài đã sai Con Ngài là Ngôi Lời vĩnh cửu, Đấng soi sáng mọi người, đến sống giữa loài người và nói cho họ nghe những điều kín nhiệm nơi Thiên Chúa (x. Ga 1,1-18). Bởi vậy, Đức Giêsu Kitô,  Ngôi  Lời  thành xác phàm,  “con người đã được sai đến với  những  con người” 3, “đã nói lời của Thiên Chúa” (Ga 3,34) và hoàn thành công trình cứu độ Chúa Cha đã giao phó cho Người thực hiện (x. Ga 5,36; 17,4). Vì thế, chính Người, Đấng mà ai thấy là thấy Chúa Cha (x. Ga 14,9), bằng toàn thể sự hiện diện và tỏ mình ra bằng lời nói và việc làm, bằng các dấu chỉ và phép lạ, nhất là bằng cái chết và sự sống lại vinh quang từ trong kẻ chết, sau cùng bằng việc cử Thánh Thần chân lý đến, Người đã bổ túc và hoàn tất mạc khải và xác nhận mạc khải bằng một chứng cứ thần linh là Thiên Chúa ở với chúng ta để giải thoát chúng ta khỏi bóng tối tội lỗi và sự chết, rồi cho chúng ta sống lại để được sống đời đời.

Vậy nhiệm cục Kitô giáo sẽ không bao giờ mai một, vì là giao ước mới và vĩnh viễn. Chúng ta không phải chờ đợi một mạc khải công khai mới nào khác nữa trước ngày Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta tỏ mình ra trong vinh quang (x. 1 Tm 6,14; Tt  2,13). 13*

------------------------

11* – Số này đáp ứng số 2: Mạc khải được thể hiện bằng hành động và ngôn từ. Chúa Kitô vừa là biến cố vừa là Lời của Thiên Chúa. Có hai đoạn: đoạn thứ nhất cắt nghĩa tại sao Chúa Kitô đem lại cho chúng ta Mạc khải viên mãn; đoạn hai nói Mạc khải này là tối hậu và sẽ không còn mạc khải nào khác nữa.

12*– Công đồng đánh dấu sự liên tục và tương phản giữa Mạc khải của Chúa Kitô với những gì xảy ra trước. Một đối với nhiều, như toàn thể đối với phân tán. Nhập Thể là cuộc Mạc khải vĩ đại của Thiên Chúa. Vì vậy trước tiên phải xác định chân lý Nhập Thể, bản tính nhân loại thật sự của Chúa Kitô, trong đó ta “thấy” Chúa (x. Ga 14,9) là lịch sử thật của Người, “lời nói và việc làm”. Các phép lạ không phải chỉ là sự “xác nhận” Mạc khải, nhưng là chính Mạc khải: vì chính Chúa Kitô tỏ mình qua phép lạ.

13*– Theo ý tưởng của Thư gửi tín hữu Do-thái, Mạc khải cũng như chức linh mục của Chúa Kitô phải là độc nhất và vĩnh cửu. Một vài nghị phụ muốn nói là “vì Mạc khải chấm dứt với các tông đồ”, nhưng Uỷ Ban bác bỏ ý kiến trên “vì đó là một lời giải thích đang được bàn cãi”. Lý do sâu xa: vì Chúa Kitô là sự viên mãn và như vậy hoàn tất Mạc khải, nên không còn gì vượt trên sự viên mãn nữa. Nhưng cuộc Mạc khải còn chờ sự vinh quang của ngày Quang Lâm. Còn vấn đề tiến triển: không phải tiến triển trong Mạc khải, nhưng tiến triển chính trong việc chúng ta hiểu và thực hành Phúc Âm; đó là công việc của Chúa Thánh Thần, Đấng không nói sự gì mới lạ nhưng làm chứng về Chúa Kitô (x. Ga 16,14).

 

5. Phải đón nhận Mạc khải bằng đức tin

Phải bày tỏ “sự vâng phục bằng đức tin” (Rm 16,26; x. Rm 1,5; 2 Cr 10,5 -6) đối với Thiên Chúa, Đấng mạc khải. Nhờ sự vâng phục đó, con người tự do ký thác mình trọn vẹn cho Thiên Chúa bằng cách “dâng lên Thiên Chúa, Đấng mạc khải, sự quy phục trọn vẹn của lý trí và ý chí” 4, và bằng cách tự ý ưng thuận mạc khải Ngài đã ban. Để có được đức tin này, cần có ân sủng Thiên Chúa đến trước giúp đỡ và sự trợ giúp bên trong  của Chúa Thánh Thần:  Ngài đánh động  và quy  hướng  con tim  về cùng  Thiên Chúa, Ngài mở mắt lý trí và cho “mọi người cảm thấy dịu ngọt khi ưng thuận và tin vào chân lý” 5. Và để người ta hiểu biết mạc khải sâu xa thêm mãi, cũng chính Chúa Thánh Thần không ngừng ban các ân huệ mà kiện toàn đức tin. 14*

----------------

14* – Trong số này, Công đồng trình bày lời đáp của con người đối với Thiên Chúa mạc khải: đó là đức tin, nhưng đức tin được hiểu dưới phương diện nhân bản, như một cuộc “đối thoại cứu độ” (Ecclesiam Suam, ngày 6-8-1964, số 72-79). Công đồng cũng nhận định những khía cạnh của hành vi đức tin: tự do, thuộc lý trí, thuộc ý chí, không thể có nếu không có ơn Chúa… Kiểu nói “vâng phục bằng đức tin” không được trình bày như một đòi buộc luân lý  suông  nhưng  như  là một đòi  hỏi  chính yếu của mối  liên hệ mà Thiên Chúa mạc khải nối kết với con người. Trong hành vi đức tin, con người dấn thân toàn diện chứ không phải chỉ bằng lý trí. Ở đây bàn đến “đức tin đã hình thành” bao gồm cả đức cậy và đức mến, như ta có thể phỏng đoán theo những câu trích Thánh Kinh. Nhưng Uỷ Ban cắt nghĩa thêm: “Đức tin chưa hình thành” cũng là đức tin và cũng cần ơn Chúa Thánh Thần. Đức tin luôn luôn lớn mạnh dưới tác động cũng của chính Chúa Thánh Thần.

 

6. Mạc khải và sự hiểu biết tự nhiên về Thiên Chúa

Bằng cách mạc khải 15*, Thiên Chúa đã muốn biểu lộ và thông ban chính mình Ngài cùng những ý định muôn đời của Ngài liên quan đến việc cứu độ nhân loại, “nghĩa là cho người ta được tham dự vào các của cải của Thiên Chúa hoàn toàn vượt quá trí hiểu loài người” 6. 16*

Thánh Công đồng  tuyên xưng rằng  “con  người  có thể nhận biết  Thiên Chúa, nguyên lý và cứu cánh mọi sự cách chắc chắn , nhờ ánh sáng tự nhiên của lý trí suy luận từ  các thọ tạo”  (x.  Rm  1,20).  Nhưng Công đồng cũng  dạy  rằng phải  nhờ  Thiên Chúa mạc khải, mới có “điều này là, tất cả những gì thuộc về Thiên Chúa, tự chúng vốn không vượt quá khả năng lý trí, trong hoàn cảnh hiện tại của nhân loại, con người có thể biết được cách dễ dàng, chắc chắn và không lẫn lộn sai lầm” 7. 17*

-------------------------

15* – Trong số này, Công đồng bàn về các chân lý được mạc khải, trước hết là các chân lý siêu nhiên, rồi đến các chân lý tự nhiên. Công đồng nói theo Vatican I. Nhưng thứ tự ở Vatican I là: a) tri thức tự nhiên về những chân lý tự nhiên, b) tri thức những chân lý tự nhiên nhờ Mạc khải, c) tri thức chân lý siêu nhiên nhờ Mạc khải. Đang khi đó thứ tự ở đây lại là c-a-b: nghĩa là theo một viển tượng Kinh Thánh và quy về Thiên Chúa hơn.

16* – Đoạn này nói lên đối tượng riêng biệt của Mạc khải, nghĩa là đối tượng mà chúng ta cần được mạc khải: chính Thiên Chúa và những ý định cứu độ của Ngài (x. Relatio, tr. 9, 5). Mạc khải này không phải chỉ là một sự thông đạt kiến thức nhưng cũng có mục đích cứu độ con người nghĩa là thông phần vào đời sống Thiên Chúa.

17*– Phần thứ hai của số 6 lặp lại giáo thuyết của Công đồng Vatican I về việc nhận biết Thiên Chúa bằng lý trí, nhưng Công đồng dùng những từ ngữ rất mạnh để chống lại thuyết vô thần. Nhưng chữ “tuyên xưng” và “dạy” ở phần này nói lên một tín điều. Con người thật  sự  có thể nhận biết  Thiên Chúa nhưng  họ không  thể không  sai  lầm  nếu Thiên Chúa không  giúp đỡ.  Lịch sử  minh chứng  rằng  con người  luôn  luôn tìm  kiếm Thiên Chúa nhưng không bao giờ thoát khỏi lầm lẫn; và trong thực tế, ảnh hưởng của tội lỗi hình như đã làm cho thế giới thường trở thành một chướng ngại vật. Tuy nhiên, trong “nhiệm cuộc” cứu độ chúng ta đang sống, một tri thức hoàn toàn tự nhiên chỉ là một tư tưởng trừu tượng, vì ơn Chúa hiện diện khắp mọi nơi.

(còn tiếp nhiều kỳ)

VỀ MỤC LỤC
SỐNG ĐẦY - Live fully
 

Giữa lúc dòng đời anh trôi qua như một dòng nước lững lờ, một hôm có người bạn tên Vy cho anh xem một trang mạng thú vị. Trang mạng ấy có một chiếc đồng hồ điện tử được lập trình để đếm thời gian còn lại của đời người. Chỉ cần điền một vài thông tin cá nhân vào, nó sẽ ước tính người ấy còn bao nhiêu ngày tháng để sống.

Chỉ là một trò chơi vô thưởng vô phạt? Có thể!

Nhưng, trò chơi ấy đã thay đổi thái độ sống của anh khi anh nhìn chiếc đồng hồ đếm thời gian đời anh đang giảm xuống. Một giây hai giây ba giây….mười giây….năm mươi giây,… thoáng một cái đã hết một phút hai phút ba phút, rồi một giờ hai giờ ba giờ…..Mới đó mà anh đã mất hơn mười ngàn giây trong quỹ thời gian sống trên đời của anh. Có những người trên đời này chỉ mong sống thêm vài phút để nói một lời cảm ơn, để ngỏ một lời xin lỗi, để trao một nụ cười cuối cùng mà không được. Anh giật mình, hốt hoảng. Vậy là anh đã sống được nhiều thời gian lắm rồi và thời gian đang trôi qua vùn vụt, vùn vụt. Càng lớn tuổi thì ngày tháng càng tăng tốc. Mình phải sống khác đi thôi, anh tự nhủ. Từ ngày ấy, anh quyết định sống thật đầy thời gian của mình. Sống đầy có cái lợi là làm cho người ta đẹp lên và bình an hơn.

Ngày của anh hôm nay thật khác xưa.

Buổi sáng thức dậy, anh cảm ơn Trời Cao đã gìn giữ anh qua một đêm an lành và đang ban tặng thêm một ngày mới để anh tiếp tục yêu và được yêu.

Anh đánh răng, những chiếc răng thưa thớt dần và thỉnh thoảng vẫn tấy đau. Anh chép chép miệng thưởng thức vị mát của kem đánh răng, cầu nguyện cho những người không còn gì để đánh.

Mặc chiếc áo thung màu vàng, anh thầm cảm ơn người cô bạn học ngày xưa hôm bữa gặp được đợt bán quấn áo rẻ đã mua tặng để anh đi làm. Anh cầu mong cô ấy có một ngày an vui.

Anh làm nghề thợ hồ, một trong những nghề vất vả nhất. Ngày xưa anh hay so sánh mình với kẻ khác để rồi tự ti mặc cảm, chán nản. Hôm nay, mỗi lần khuôn vác từng viên gạch, xách từng xô cát trộn xi-măng, anh cảm ơn Trời Cao vì anh đang có công ăn việc làm. Công việc khuôn vác không còn là gánh nặng mà là cơ hội tập thể dục cho khỏe thân thể! Vừa khỏe vừa có tiền! Ngày xưa anh chỉ thấy những gạch đá gồ ghề nặng nhọc. Bây giờ anh tự hào khoe với bạn bè rằng anh đang góp tay xây dựng những mái ấm. Anh cầu nguyện cho những ai thất nghiệp, muốn làm mà chẳng có việc làm.

Một ngày cuối thu, có người bạn mời anh đi ra thủ đô dự đám cưới của người thân. Người bạn đài thọ vé máy bay cho anh. Lần đầu tiên đi máy bay, cảm giác hay hay lạ lạ. Lúc lơ lửng qua những đám mây muôn hình muôn vẻ biến hóa, anh dâng lời tạ ơn Trời Cao đã thương ban cho anh một cơ hội bay lên. Anh nhớ đến những ai không có phương tiện đi lại, chẳng hạn cô Sáu trong làng suốt ngày phải đi bộ và hầu như chưa bao giờ đặt chân đến chốn phố thị phồn hoa tráng lệ.

Thế rồi kinh tế lâm vào giai đoạn khủng hoảng, anh bị thất nghiệp. Gia đình phải thắt lưng buộc bụng. Vì mưu sinh anh đi xin việc ở các nơi. Nhiều ngày tháng trôi qua mà vẫn chưa tìm được. Nhưng anh không bực dọc nản chí vì anh tự nhủ đây là một cơ hội để anh nghỉ ngơi, chăm sóc những lãnh vực khác của cuộc sống mà lúc có việc anh không đủ thời gian để ngó ngàng.

Mỗi lần trời trở lạnh, chứng phong thấp lại hành hạ anh. Các khớp xương cứ thi nhau mà mỏi mà đau. Thay vì than thân trách phận như ngày xưa, bây giờ anh không những bình tâm đón nhận giới hạn con người mình mà còn cảm tạ Trời Cao cho anh biết đau để anh được lớn lên hơn trong sự nhạy cảm đối với nỗi đau của tha nhân.

Nơi anh làm việc, người ta chưa có ý thức lắm về việc giữ gìn vệ sinh công cộng. Nhiều lần khi đi vệ sinh thấy có người bỏ giấy ra ngoài giỏ đựng rác, anh cúi xuống lượm cho vào giỏ, cảm thấy mình đã chiến thắng được sự bực dọc cũng như thái độ dửng dưng mặc kệ coi như không thấy gì.

Lần nọ anh đi xe máy, có người lái xe cẩu thả quẹt vào xe anh. Người đó không biết lỗi còn lớn tiếng chửi thề. Nếu chuyện ấy xảy ra trước đây thì có lẽ anh đã không tha cho hắn. Nhưng hôm nay anh chỉ nhìn nhẹ, không để những lời nói gió thoảng mây bay làm bận tâm, tiếp tục con đường của mình. Anh cầu nguyện cho hắn bình tĩnh lại kẻo sẽ gây tai nạn mà khổ.

Thỉnh thoảng trên đường đi làm về, anh gặp những người hành khất vãng lai. Nếu có chút gì thì anh tặng họ, vừa tặng vừa cảm ơn vì trong thâm tâm anh họ đang làm phước cho anh có một cơ hội để trở nên vị tha hơn. Nếu không có vật chất, anh trao một nụ cười thân thiện và xin lỗi. Rồi anh thầm cầu nguyện cho họ đủ no ấm.

Vào ngày cuối tuần, anh dành thời gian chăm sóc đời sống tâm linh của mình. Hôm nào đi nhà thờ thấy ghế trống nhiều anh cầu nguyện cho những người không thể đi Lễ, hi vọng họ thuận buồm xuôi gió trong mọi sự. Anh cũng nhớ cầu nguyện cho những người không muốn đi Lễ sẽ tìm lại được ý nghĩa tốt lành của Thánh Lễ. Những ai thiếu sốt sắng, anh mong họ được bình tâm tin tưởng vào tình yêu không bao giờ thay đổi của Chúa. Anh cảm tạ Chúa vì có Người luôn bên anh để giữ gìn hơi ấm tâm hồn anh. Anh trân trọng những giây phút được ngồi thinh lặng cầu nguyện vì nhờ đó anh sống được những giá trị tốt đẹp để tinh thần an vui, chẳng hạn như tha thứ, bao dung, nhẫn nại, cảm thông, hi sinh, lạc quan, dũng cảm,…

Sau Thánh Lễ, anh có thói quen ghé vào công viên ngồi đọc sách. Anh thầm cảm ơn tác giả đã viết sách. Ngắm người qua lại trên đường, anh cầu mong cho họ luôn tìm thấy bình an hạnh phúc trong cuộc sống.

Nhìn từ nên ngoài vào bằng cặp mắt bình thường sẽ thấy cuộc sống của anh cũng như mọi người. Nhìn từ trong ra qua đôi mắt của anh, đất trời ngập chìm trong ân sủng, tất cả mọi trường hợp là những cơ hội để sống tròn đầy.

Giuse Việt, O.Carm.

 

Live fully

A friend of his – Vy – sent him a web page in which there was a clock counting down the time of one’s life. He just needed to fill out some information and it would count down the time he had left to live.

A game? Maybe!

But, that game has changed his living attitude when he saw in that clock a simple thing: his time was being reduced. One second two seconds three seconds…ten seconds…fifty seconds…one minute five minutes ten minutes…one hour two hours…were quickly gone. More than ten thousand seconds disappeared like…no time. Many people in this world wanted to live for only a few minutes just to say a last ‘thank you’, a last ‘sorry’ or to give a last smile, but they didn’t have that treasure. He was startled, even panic.

Obviously he had lived a lot of time of his life and his time left was passing very quickly. The truth is clear: The older one gets, the faster time flies. “I have to live differently now!” he said to himself. From then on, he decided to live fully his time. Living fully one’s time has the following benefit: one becomes more peaceful and beautiful.

The way he lives each day now is radically changed.

Waking up, he thanks God for having granted him a good night and for offering him a new day so he can continue to love and to be loved.

He brushes his teeth that get weaker each day and give him sore and pain at times. He enjoys the refreshing flavor of the tooth paste, praying for those who no longer have anything to brush.

Putting on the yellow T-shirt, he prayerfully thanks his classmate for her generosity of this gift that she bought when the clothes were on sale. He hopes she will have a good day.

Construction work is his job, one of the most tiring jobs. Some time ago, he would compare him with others and then suffer low self-esteem. Today, each time he carries bricks or masonry mortar, he thanks God for having a job to do. His heavy work is no longer a burden but becomes an opportunity for him to do some physical exercise. Health and money go together! Before, he only saw ugly bricks and stones. Today, he is proud to say to his friends that he is helping build homes. He keeps in prayer those who are jobless, wanting to do something but finding no work.

Recently, one of his friends offered him a plane ticket to go to the capital for a wedding. The first time he flew, interesting feelings he had! While passing through the clouds with millions of shapes and forms, he thanked God for giving him a great opportunity to be up high. He remembered those who did not have good means of transportation; for instant, Mrs Sau in his town only traveled by foot and never reached to the big city.

Then came the economy crisis. He was laid off. His family has to save every penny. He goes to different places to look for a job. Many months have passed but he still remains jobless. But he does not get upset or discouraged since he tells himself that this would be a good chance to rest and take care of the aspects of life that he could not have time to pay attention to when he was with work.

When it is cold, his arthritis makes him suffer quite a bit. His joins hurt badly. Instead of complaining and rebelling as before, now he not only accepts willingly his human fragile limitations but also thanks God for this experience that helps him grow in his sensitivity to the suffering brothers and sisters.

The people in this big building have not been very conscious of keeping the common place clean. When using the restroom, often enough he sees papers dropped outside the trash bin, he bends down to pick them up and puts them into the bin, feeling glad that he has overcome the temptation of being indifferent.

Yesterday, while he was on the motorbike, some careless driver almost hit his vehicle. That person did not apologize but raised his voice in cursing. If this had happened before his ‘attitude conversion’, he would have hit that person on the face. But he has decided to be different. So he only looked at the person calmly without letting those words of vanity invade his spirit, and continued his way. He prayed for that person to keep calm so as not to cause any accident.

On the way home, sometimes he runs into beggars. If he has something to offer them, he would do so in thanking them because for him they are giving him an opportunity to enlarge his heart. If he does not have anything material to share, he gives them a friendly smile and says ‘sorry’. Then he prays for their well-being.

On weekends, he spends time on taking care of his spiritual life. When seeing empty seats in the church, he prays for those who cannot come to Mass that things go well for them. He also prays for those who do not want to go to church that they may find the joyful meanings of the Eucharistic celebration. For those who lack enthusiasm, he prays that they always trust in the unchanging and unconditional love of God. He thanks God for being beside him always to keep warmth for his heart. He treasures the silent moments he sits still in prayer. Thanks to them, he can live good values such as compassion, patience, sympathy, forgiveness, tolerance, generosity, sacrifice, optimism, courage, prudence… and so gains peace and joy.

After Mass, he has a habit to sit for a while in the park nearby to read. He quietly thanks the author of the book for the insights. Watching passers-by, he prays that they always find peace and happiness in life.…

Looking from outside in with normal eyes, his life appears normal like everyone else’s. Contemplating from inside out through his eyes, heaven and earth are filled with grace and every situation is an opportunity to live life to the full.

Joseph Viet, O.Carm.

Blog cá nhân: http://only3minutes.wordpress.com/

VỀ MỤC LỤC
Giáo Hội, nữ tỳ của Lời Chúa

 

Lời Mời gọi của HĐGMVN:

Giáo Hội tại Việt Nam phải “phát động chương trình mỗi gia đình một cuốn Kinh Thánh được đặt nơi xứng hợp, cổ võ đọc và cầu nguyện với Lời Chúa”, khuyến khích học thuộc lòng những đoạn Kinh Thánh cốt yếu. Mọi thành phần Dân Chúa, giáo dân, chủng sinh, tu sĩ và các mục tử, cần tập thói quen đọc và suy niệm Lời Chúa hằng ngày, đặc biệt theo phương thức Lectio divina. (Thư Chung của HĐGMVN, ngày 1.5.2011, số 11)

Xin giới thiệu cho nhiều người thân tham gia Gia Đình Lectio Divina Lecdiv@gmail.comđể có thể hiệp thông với nhau trong đời sống cầu nguyện và cùng giúp nhau thực hành "điều cần thiết nhất trong mọi điều cần thiết". Đan viện Xitô Thánh Mẫu Tâm Mỹ Ca, Nha Trang, sẽ cầu nguyện lâu dài cho tất cả những ai trung thành thực hành và cố võ việc thực hành Lectio divina.

Mọi thắc mắc về Lectio divina, xin gởi email cho cha Bảo Tịnh, O.Cist fr.baotinh@yahoo.fr

*****

Tác Phẩm: MỘT VỊ THIÊN CHÚA NGỎ LỜI!

Thiên Chúa tỏ mình cho con người thế nào?

Chuyển ngữ:

Thérèse Trần Thiết

Fr. Marie Bảo Tịnh O.Cist

Nguyên tác:

Michel HUBAUT

UN DIEU QUI PARLE!

Comment Dieu se révèle-t-il à l’homme?

 

Chương 9 

LINH HỨNG TRONG TÂN ƯỚC (tiếp theo)

Giáo Hội, nữ tỳ của Lời Chúa

Trong sách Công Vụ và các Thư của thánh Phao-lô, “Lời Chúa” thường để chỉ những lời “giảng huấn của các tông đồ”, vì đó là sứ vụ đặc thù của người Tông Đồ. Chủ đề chính yếu của việc giảng huấn này bao giờ cũng là công trình của Thiên Chúa được thành toàn nơi Đức Giê-su Ki-tô, chịu chết và được sống lại, và nhờ Người mà chúng ta được tha tội, được cứu rỗi. Đối với Phao-lô, ý nghĩa của Kinh Thánh, “mầu nhiệm còn giấu ẩn”, kế hoạch của Thiên Chúa đều được vén mở nơi Đức Giê-su Ki-tô.

Các Tông Đồ và những người kế vị các ngài đều có một ý thức sâu sắc về sứ vụ tông đồ của họ là truyền đạt Lời Chúa cách trung thành; là “phụng sự” Lời: “Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa” (Cv 6, 4).

 “Giờ đây, lạy Chúa, xin để ý đến những lời ngăm đe của họ, và cho các tôi tớ Ngài đây được nói lời Ngài với tất cả sự mạnh dạn. Xin giơ tay chữa lành, và thực hiện những dấu lạ điềm thiêng, nhân danh tôi tớ thánh của Ngài là Ðức Giê-su". Họ cầu nguyện xong, thì nơi họ họp nhau rung chuyển; ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần và bắt đầu mạnh dạn nói lời Thiên Chúa” (Cv 4, 29-31).

Trong các văn bản của Tân Ước, “Lời Chúa” lại chủ yếu nhắm tới sứ điệp của ơn cứu độ do Đức Ki-tô mạc khải, Tin Mừng không phải là một hệ thống triết học, nhưng là một con đường phải theo. Lời Chúa phải được loan truyền trong khắp thế giới.:

 “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 19-20).

 “Vậy những người phải tản mác này đi khắp nơi loan báo lời Chúa” (Cv 8, 4);Sau khi đã long trọng làm chứng và nói lời Chúa, hai Tông Ðồ trở về Giê-ru-sa-lem và loan Tin Mừng cho nhiều làng miền Sa-ma-ri” (Cv 8, 25).

 “Ðến Xa-la-min, hai ông Phao-lô và Ba-na-ba loan báo lời Thiên Chúa trong các hội đường người Do-thái. Có ông Gio-an giúp hai ông” (Cv 13, 5).

 “Quả thế, từ nơi anh em, lời Chúa đã vang ra, không những ở Ma-kê-đô-ni-a và A-khai-a, mà đâu đâu người ta cũng nghe biết lòng tin anh em đặt vào Thiên Chúa, khiến chúng tôi không cần phải nói gì thêm nữa” (1 Tx 1, 8).

Một Lời của Thiên Chúa để truyền đạt cách trọn vẹn, chứ không xuyên tạc: “Thật thế, chúng tôi không phải như nhiều người, những kẻ xuyên tạc Lời Chúa, mà với tư cách là những người trung thực, được Thiên Chúa sai đi, chúng tôi lên tiếng trước mặt Người, trong Ðức Ki-tô” (2 Cr 2, 17).

 “Bởi thế, vì Thiên Chúa đoái thương giao cho chúng tôi công việc phục vụ, nên chúng tôi không sờn lòng nản chí. Trái lại, chúng tôi khước từ những cách hành động ám muội, đáng xấu hổ, và không dùng mưu mô mà xử trí, cũng chẳng xuyên tạc lời Thiên Chúa” (2 Cr 4, 1-2).

Trong Công Vụ Tông Đồ, ta thấy rõ sự tăng trưởng của Giáo Hội liên quan với sự phát triển của Lời được loan truyền và đón nhận, đúng như câu này muốn diễn tả: “Lời Thiên Chúa vẫn lớn lên và tăng thêm rất nhiều" (x. Cv 6, 7). Vì trong Lời của Thiên Chúa đã sẵn có sức mạnh. Đó là một “Lời của sự sống”, một lực sống trong con tim loài người, một Lời cứu độ: “Thưa anh em, là con cái thuộc dòng giống Áp-ra-ham, và thưa anh em đang hiện diện nơi đây, là những người kính sợ Thiên Chúa, lời cứu độ này được gửi tới chúng ta” (Cv 13, 26).

Đó là một Lời chắc chắn, đáng tin cậy: “Ðây là lời đáng tin cậy và đáng mọi người đón nhận: đó là Ðức Ki-tô Giê-su đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi” (1 Tm 1, 15; x. 2 Tm 2, 11; Tt 3, 8).

Đó là một Lời sống động và đầy hiệu năng: “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. Vì không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước mặt Thiên Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mắt Ðấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ” (Hr 4, 12-13).

Đó là Lời tái sinh, tái tạo cho những ai tin và được thánh tẩy: “Vì anh em đã được tái sinh, không phải do hạt giống mục nát, mà do hạt giống bất diệt, nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống và tồn tại mãi mãi, vì mọi phàm nhân đều như cỏ và tất cả vinh quang của họ cũng đều như hoa cỏ; cỏ thì khô héo, hoa thì tàn rụng; Lời Chúa vẫn tồn tại đến muôn đời. Ðó chính là Lời đã được loan báo cho anh em như một Tin Mừng” (1 Pr 1, 23-25).

Lời không thể bị “xiềng xích”, ngay cả khi người được sai đi loan báo Lời bị giam cầm: “Anh hãy nhớ đến Ðức Giê-su Ki-tô, Ðấng đã sống lại từ cõi chết, Ðấng đã xuất thân từ dòng dõi Ða-vít, như tôi vẫn nói trong Tin Mừng tôi loan báo. Vì Tin Mừng ấy, tôi chịu khổ, tôi còn phải mang cả xiềng xích như một tên gian phi. Nhưng lời Thiên Chúa đâu bị xiềng xích” (2 Tm 2, 8-9).

Lời do các Tông Đồ loan truyền đúng là Lời của Chúa Giê-su nói và tác động trong họ: “Nói xong, Chúa Giê-su được rước lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông Ðồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng” (Mc 16, 19-20).

Con người và Lời Chúa trong Giáo Hội Tông Truyền

Các tác giả Tân Ước đã không ngần ngại đặt Lời do Giáo Hội công bố ngang hàng với Lời của Chúa Giê-su, cả hai đều cần có sự chuẩn bị nội tâm để nghe và đón nhận. Như khi nói về Phao-lô và Ba-na-ba rao giảng Lời, ở An-ti-ô-kia, trong chuyến tông du đầu tiên của Phao-lô:

 “Ngày sa-bát sau, gần như cả thành tụ họp nghe lời Thiên Chúa. Thấy những đám đông như vậy, người Do-thái sinh lòng ghen tức, họ dùng lời lăng nhục mà chống đối những lời ông Phao-lô nói. Bấy giờ ông Phao-lô và ông Ba-na-ba mạnh dạn lên tiếng: "Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ lời ấy, và tự coi mình không xứng đáng hưởng sự sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại. Vì Chúa truyền cho chúng tôi thế này: Ta sẽ đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ đến tận cùng cõi đất. Nghe thế, dân ngoại vui mừng tôn vinh lời Chúa, và tất cả những người đã được Thiên Chúa định cho hưởng sự sống đời đời, đều tin theo” (Cv 13, 44-48).

Lời phải được đón nhận, không như lời của con người, nhưng là Lời của Thiên Chúa: “Bởi thế, về phần chúng tôi, chúng tôi không ngừng tạ ơn Thiên Chúa, vì khi chúng tôi nói cho anh em nghe lời Thiên Chúa, anh em đã đón nhận, không phải như lời người phàm, nhưng như lời Thiên Chúa, đúng theo bản tính của lời ấy. Lời đó tác động nơi anh em là những tín hữu” (1 Tx 2,13). Một lời làm nền tảng cho niềm hy vọng của các tín hữu: “Lòng tin và lòng mến đó phát xuất từ niềm trông cậy dành cho anh em trên trời, niềm trông cậy mà anh em đã được nghe qua lời sự thật là Tin Mừng” (Cl 1, 5).

Lời đó bao giờ chủ yếu cũng là Tin Mừng của Đức Giê-su Ki-tô: “Trong Ðức Ki-tô, cả anh em nữa anh em đã được nghe lời sự thật là Tin Mừng cứu độ anh em; trong Ðức Ki-tô, một khi đã tin, anh em được đóng ấn Thánh Thần, Ðấng đã được hứa ban” (Ep 1, 13).

Một Lời phải được lắng nghe và đem ra thực hành: “Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình. Thật vậy, ai lắng nghe Lời Chúa mà không thực hành, thì giống người soi gương thấy khuôn mặt tự nhiên của mình. Người ấy soi gương rồi đi, và quên ngay không nhớ mặt mình thế nào. Ai thiết tha và trung thành tuân giữ luật trọn hảo, luật mang lại tự do, ai thi hành luật Chúa, chứ không nghe qua rồi bỏ, thì sẽ được hạnh phúc trong mọi việc mình làm” (Gc 1, 22-25).

Lời này của Đức Giê-su Ki-tô, được Giáo Hội công bố, luôn ở lại trong lòng các tín hữu để họ nghiền ngẫm và chia sẻ lẫn cho nhau: “Ước chi lời Ðức Ki-tô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú. Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan. Ðể tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng” (Cl 3, 16).

Nhờ Lời này mà các tín hữu được nâng đỡ trong mọi thử thách và chiến thắng trước mọi sức mạnh của sự dữ: “Hỡi anh em là những người con thơ bé, tôi đã viết cho anh em: anh em biết Chúa Cha. Hỡi các người cha, tôi đã viết cho các ông: các ông biết Ðấng vẫn có từ lúc khởi đầu. Hỡi các bạn trẻ, tôi đã viết cho anh em: anh em là những người mạnh mẽ; lời Thiên Chúa ở lại trong anh em và anh em đã thắng ác thần” (1 Ga 2, 14).

Chính vì trung thành với Lời của Đức Ki-tô Giê-su mà Gio-an bị đầy ra đảo Pát-mô, và ở đó ông đã viết ra cuốn “Khải Huyền” để nâng đỡ đức tin của các tín hữu bị bách hại: “Tôi là Gio-an, một người anh em của anh em, tôi cùng chia sẻ nỗi gian truân, cùng hưởng vương quốc và cùng kiên trì chịu đựng với anh em trong Ðức Giê-su. Lúc ấy, tôi đang ở đảo gọi là Pát-mô, vì đã rao giảng Lời Thiên Chúa và lời chứng của Ðức Giê-su” (Kh 1, 9; x. 12, 11 và 20, 4).

 

VỀ MỤC LỤC
GIA ĐÌNH VÀ TƯƠNG LAI NHÂN LOẠI

 

Lễ Thánh Gia

Nguyễn Tiến Cảnh, MD

Sau những huy hoàng chói lọi của Lễ Giáng Sinh, chúng ta lại cùng Giáo Hội ăn mừng Lễ Thánh Gia. Lễ Thánh Gia mời gọi người tín hữu suy niệm về mầu nhiệm đời sống, đặc biệt là ân sủng gia đình, một tặng phẩm mà Thiên Chúa đã ban cho nhân loại.

Bài phúc âm hôm nay (Lc 2: 41-52) kể lại câu chuyện chúa Giêsu lúc còn niên thiếu. Đây là mẩu chuyện duy nhất và đặc thù của Tân Ước. Tuy nhiên thánh Luca cũng làm cho độc giả hồi hộp lo sợ mà ngạc nhiên về những lời Đức Giêsu nói ở giai đoạn sơ khởi của cuộc đời chúa Giêsu. Chuyện kể rằng “cha mẹ Người hàng năm vẫn đi về Jerusalem vào ngày Lễ Vượt Qua” (Lc 2:41) theo truyền thống đạo đức, tinh thần luật của Israel.

Lúc ấy chúa Giêsu đã lên 12 tuổi, theo phong tuc thì Người cũng theo cha mẹ đi Jerusalem (2:42). “Khi trở về thì cậu bé Giêsu ở lại Jerusalem mà cha mẹ không biết”(2:43).Mệt mỏi tìm kiếm suốt 3 ngày trời không thấy, cuối cùng thì “ kiếm ra được Chúa ở trong đền thờ, đang ngồi giữa những thầy dạy, lắng nghe họ và đặt những câu hỏi với họ” (2:46).

Những lời lạ lùng của chúa Giêsu nói với cha mẹ lúc kiếm được Người xem ra đã làm khựng lại nỗi vui mừng của mẹ Maria và ông Giuse. “Bố mẹ đi tìm con làm chi vậy? Bố mẹ không biết rằng con phải ở nhà của Cha con hay sao?” (2:49). Câu này cũng có thể diễn nghĩa thế này: “Con còn có nhiều việc phải làm của Cha con .” Cả hai cách diễn nghĩa, chúng ta đều hiểu rằng Chúa Giêsu ám chỉ Thiên Chúa là Cha Người. Tình Cha Con Thiên Chúa và sự vâng lời ý nguyện của người Cha trên trời phải ưu tiên hơn những ràng buộc của gia đình nơi trần thế.

Bỏ qua biến cố này, toàn thể thời kỳ thơ ấu và thiếu niên của chúa Giêsu theo như Tin Mừng, đều qua đi trong âm thầm êm ả. Đó là thời kỳ“ẩn dật”, được thánh Luca tóm tắt bằng hai mẩu văn như sau: “Đức Giêsu đi xuống với bố mẹ và trở về Nazareth, và vâng phục các ngài (Lc 2:51); và Người lớn lên từ từ cùng với sự khôn ngoan và ân phúc trước mặt Thiên Chúa và người đời”(Lc 2:52). Trong thời gian này, câu chuyện thời thơ ấu lúc kết thúc cũng như lúc khởi đầu, đều nằm trong khung cảnh đền thờ Jerusalem.

Qua Tin Mừng, chúng ta biết được là Chúa Giêsu đã sống trong chính gia đình của Ngưòi, trong nhà ông Giuse là cha và bà Maria, những người có bổn phận giúp đỡ và che chở Người, huấn luyện từ từ cho Người theo nghề thợ mộc. Dân chúng trong thành Nazareth thì vẫn coi Người là “con ông thợ mộc”(Mt 13:55).

Khi Chúa Giêsu bắt đầu giảng dạy, dân chúng theo Người đã rất ngạc nhiên:“Ông này há không phải là con ông thợ mộc và bà Maria hay sao?”(Mc 6:3). Ngoài mẹ Người ra thì thiên hạ nói những người sống trong thành Nazaretth là anh chị em bà con Người. Thánh sử Mac cô đã nói: Có những người bà con tìm cách ngăn cản Đức Giêsu hoạt động giảng thuyết (Mc 3:21) vì hiển nhiên họ không thấy nơi Người có gì khả dĩ có thể chứng minh bước khởi đầu cuộc đời hoạt động mới của Người. Họ nghĩ rằng Đức Giêsu cũng giống như bất cứ một người Do Thái nào khác và do đó phải sống bình thường thôi.

 

TRƯỜNG HỌC NAZARETH

Những lời Đức Thánh Cha Phaolo VI đã tuyên bố ở Nazareth ngày 5-1-1964 về ý nghĩa mầu nhiệm Nazareth và Thánh Gia rất đáng cho chúng ta suy niệm. Những giá trị tuyệt vời của gia đình Nazareth như sự yên lặng, cuộc sống và việc làm trong gia đình là những yếu tố đặc biệt chúng ta phải để ý và noi theo. Ngài nói:

“ Nazareth là một trường học, ở đó chúng ta có thể khám phá ra được vẻ tươi đẹp của cuộc sống của Chúa và hiểu được Tin Mừng của Người. Ở đây, chúng ta có thể quan sát và suy niệm về cách thức Con Thiên Chúa xuống thế làm người nó sâu xa và ý nghĩa biết mấy, cho dù vẫn đầy dẫy những ẩn ý ở bên trong.

“ Và từ từ chúng ta có thể học hỏi để bắt chước Người. Ở đây chúng ta có thể học cách thể hiện xem Chúa Kito thực sự là ai. Và ở đây, chúng ta có thể cảm nghiệm và để ý đến những điều kiện và hoàn cảnh xung quanh đã ảnh hưởng đến cuộc sống của Người ở trần thế này như: không gian, thời gian, văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo, ..Tóm lại, tất cả những gì mà chúa Giêsu đã dùng để cho cả thế giới biết đến Người. (….)

“ Trước tiên, chúng ta học hỏi về sự yên tĩnh của gia đình Nazareth. Chúng ta phải ở trong một khung cảnh nhiều người đang cãi lộn nhau rất ồn ào náo nhiệt thì mới cảm nghiệm được sự yên tĩnh nó êm đềm lắng đọng như thế nào! Sự yên tĩnh của Nazareth sẽ chỉ cho chúng ta cách thức chiêm nghiệm trong thinh lặng và an bình, suy tư trong tình trạng thần trí lắng đọng, và mở rộng tâm hồn lắng nghe tiếng nói khôn ngoan của Chúa và lời khuyên của những thầy dạy đích thực. Nazareth có thể dạy cho chúng ta biết giá trị của sự học hỏi và sửa soạn, của chiêm nghiệm, của đời sống tinh thần có tổ chức, của sự yên lặng cầu nguyện mà chỉ có Thiên Chúa biết mà thôi.

“Thứ hai, chúng ta học hỏi về đời sống gia đình. Nazareth là mẫu mực phải có của mọi gia đình. Nazareth thể hiện cho chúng ta rõ ràng tính thánh đức và vững bền của gia đình, đồng thời nêu gương sáng về những nhiệm vụ căn bản của gia đình trong xã hội như là một cộng đồng tình yêu và chia sẻ, nó tuyệt mỹ ở chỗ có những vấn đề đặt ra và được giải quyết thỏa đáng. Tóm lại nó là một cấu trúc toàn hảo để nuôi dưỡng con trẻ- và như vậy, nó là bất khả thay thế.

“Sau cùng, ở Nazareth, nơi nhà con ông thợ mộc, chúng ta có thể học hỏi đuợc nhiều điều ở công việc làm và những kỷ luật cần có của nó. Cha muốn đặc biệt nói đến những chân giá trị của những việc làm đó –có đòi hỏi thì cũng có phần thưởng- để trân trọng nó một cách thích đáng. Cha muốn nhắc nhở mọi người là chuyện đi làm nó cũng có cái giá trị phẩm giá của riêng nó. Ngoài ra, không đi làm không có nghĩa là đuờng cùng rồi. Tuy nhiên vì cái giá trị và tính tự do của việc làm, đi làm không phải chỉ vì vị trí của việc làm trong hệ thống kinh tế, như người ta nói, mà đúng ra còn vì cái mục đích phục vụ của công việc làm.”

 

NHỮNG THÁCH ĐỐ CỦA NGÀY NAY

Ngày nay, chúng ta ai cũng thấy là thiếu môi trường giáo dục, không phải chỉ ở ngoài Giáo Hội mà cả ngay trong Giáo Hội. Gia đình Kito giáo không còn khả năng tự mình truyền đạt niềm tin của mình cho những thế hệ kế tiếp, và ngay cả chính xứ đạo cũng vậy, mặc dù nó vẫn còn là một cấu trúc cần thiết cho sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội ở bất cứ một địa hạt nào

Là một cộng đồng Kito giáo nói riêng, xã hội nói chung, chúng tôi cần phải hoạt động tích cực hơn nữa để khuyến khích mọi người giữ cho tình liên đới giữa người nam và người nữ thật bền chặt làm căn bản cho tất cả mọi nền văn minh, cũng như yểm trợ tối đa cho quyền lợi và nhu cầu của con trẻ. Chúng tôi cũng cần suy xét cẩn thận về những hậu quả xã hội liên hệ đến định nghĩa cũa hôn nhân, của vợ chồng; xem xét cẩn thận tất cả những điều mà người ta thêm vào một khi xã hội không còn cho chúng tôi một vị thế đặc quyền và giá trị làm nền tảng cho cuộc nối kết lâu dài giữa hai người nam và nữ trong hôn nhân.

Là cột trụ của xã hội, gia đình chính là môi trường thuận lợi nhất để đón chào con trẻ. Đồng thời tự do lương tâm và tự do tôn giáo cần phải được bảo đảm, cũng như phải kính trọng nhân phẩm của tất cả mọi người bất kể khuynh hướng sắc dục của họ thế nào.

Chúng tôi đã có nhhiều dịp tham dự những cuộc hội thảo về hôn nhân ở xứ đạo và giáo phận chúng tôi, xin được chia sẻ với quí vị. Hai thách đố đặc biệt thường được nêu ra trong những cuộc tranh luận khá sôi nổi về hôn nhân và đời sống gia đình trong thời đại của chúng ta. Hôm nay Lễ Thánh Gia, một vấn đề khá khẩn cấp đối với chúng ta, nhất là những giáo dân, phải làm sao duy trì giá trị của những định chế quan trọng và bí tích hôn nhân. Hãy yểm trợ những chương trình chuẩn bị hôn nhân trong các cộng đồng xứ đạo của mình. Cũng cần đề ý, trong các xứ đạo và giáo phận thường có những chương trình ơn gọi đặc biệt cho thanh niên và giới trẻ nên cũng nên cổ động và tham gia. Những xứ đạo và giáo phận và những phong trào giáo dân không có những kế hoạch mục vụ có tính sáng tạo và chương trình ơn gọi hôn nhân cho giới trẻ vẫn đầy dẫy những nghi hoặc rất đáng sợ về luân lý, những hiểu lầm, trống rỗng và thiếu thông tin chính xác và đầy đủ.

Chúng ta cũng đừng quên rằng trong xã hội cũng có những ràng buộc khác giữa tình yêu và tính liên đới, giữa sự cam kết và tương quan trách nhiệm. Những điều đó có thể tốt, và có thể được pháp luật công nhận. Trong hôn nhân cũng có những tương tự như vậy. Nhưng không thể thay đổi định nghĩa hôn nhân theo luật pháp qui định mà có thể thay đổi được thực tế đã có trước mắt từ ngàn xưa là chỉ có sự cam kết phối hơp giữa hai người nam và nữ mới có giá trị hôn nhân. Không phải chỉ cần có những ràng buộc về tương quang giữa hai người lớn với nhau thôi, mà còn phải dựa vào khả năng sản xuất tự nhiên để sinh con đẻ cái.

Trong dịp lễ Thánh Gia này, chúng tôi hãy cam kết tạo dựng mái ấm gia đình nhân loại, tôn vinh hôn nhân, làm cho nó trở nên vững mạnh, chúc phúc và dưỡng dục con cái, biến mái ấm gia đình chúng tôi, xứ đạo chúng tôi trở nên thánh đức, hân hoan đón chào những cuộc hôn nhân giữa người nam và người nữ giữa mọi quốc gia, mọi sắc dân, ngôn ngữ, khuynh hướng phong tục cũng như cách sống.

 

NỀN MÓNG CỦA XÃ HỘI

Chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolo II vẫn thường nói: “Tương lai nhân loại tùy thuộc vào gia đình”. Bài đọc ngày lễ hôm nay nhắc nhở chúng ta là gia đình có một liên đới sống động với xã hội.

Nền móng xã hội chính là gia đình. Nền móng gia đình chính là hôn nhân. Ơn gọi lập gia đình / hôn nhân đã được ghi khắc trong chính bản tính của người Nam và người Nữ. Như là cột trụ của xã hội, gia đình là môi trường thích hợp nhất để đón chào con trẻ.

Chúng ta cần những thanh niên trẻ, vui vẻ, mạnh dạn xác tín, hy vọng với tất cả niềm tin sắt đá khi nói: “I Do / Tôi Đồng Ý”. Họ là Tương Lai và Hy Vọng của chúng ta. Không có những cặp vợ chồng kết hôn với nhau, chúng ta không thể xây đắp được tương lai cho xã hội và Giáo Hội. Không có những cặp vợ chồng kết hôn với nhau và cam kết thề hứa trung thành, thương yêu nhau, chúng ta không thể có những gia đình thánh đức như ngày nay được.

Fleming Island, Florida

Dec. 28, 2012

NTC

VỀ MỤC LỤC
NĂM ĐỨC TIN : NGUY CƠ CỦA TIỀN BẠC CHO ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN
 

Sống đức tin Công Giáo cách sâu sắc và tưởng thành không những đòi hỏi phải có can đảm để tuyên xưng đức tin ấy bằng hành động cụ thể bên ngoài qua việc chu toàn những bổn phận thiêng liêng của người tín hữu sống trong Giáo Hội, như siêng năng việc thờ phượng Chúa, học hỏi lời Chúa, năng lãnh nhận các bí tích ban ơn cứu độ như Thánh Thể và hòa giải, và làm nhân chứng cho Chúa Kitô trước mặt người đời -mà hơn nữa- còn phải ý thức sâu xa về những nguy cơ đe dọa đức tin đó nữa.

Đe dọa không phải chỉ đến từ phía các chế độ chính trị thù ghét mọi niềm tin của con người, mà đặc biệt nguy hiểm không kém sự bách hại niềm tin đó là những nguy cơ như tội lỗi, các chủ nghĩa vô thần (atheism) tục hóa (vulgarism) tương đối (relativism) tôn thờ vật chất và khoái lạc ( materialism and hedonism) và làm nô lệ cho tiền của là trọng tâm của bài viết này.

Thật vậy, tiền của là một trở ngại lớn lao cho con người muốn sống công bình, lương thiện, bác ái, và là nguyên nhân chính gây ra những sự dữ, sự gian ác bất công, bóc lột người như ta thấy đầy rẫy ở khắp nơi trên thế giới ngày nay. Do đó, không thể sống đức tin cách đich thực mà không quyết tâm xa tránh nguy cơ này, vì nó là cạm bẫy xô đẩy người tín hữu vào con đường làm nô lệ cho tiền của đến chỗ chối bỏ hay sống mâu thuẫn với niềm tin có Thiên Chúa là Đấng cực tốt cực lành, công minh, chính trực giữa bao người vô tín ngưỡng ở thời đại tục hóa ( vulgarism) vô luân vô đạo này.

Ngoài tội lỗi, là nguy cơ thường xuyên do ma quỷ, ví như “ sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” mà Thánh Phêrô đã cảnh giác,( 1 Pr 5: 6) còn có gương xấu dịp tội đẫy rẫy trong trần gian cộng với bản chất yếu đuối của con người, là hậu quả của tội nguyên tổ còn để lại trong mỗi người chúng ta cho chúng ta phải chiến đấu để sống niềm tin có Chúa, có hạnh phúc vinh cửu và cũng có hỏa ngục là nơi dành cho những kẻ hoàn toàn chối bỏ Thiên Chúa để tôn thờ tiền của và mọi thú vui của “văn hóa sự chết” đang lộng hành trong trần gian ngày nay.

Trên bình diện quốc tế, chính lòng ham mê tiền của và mọi của cải vật chất như dầu hỏa, khí đốt, quặng mỏ, hải sản… đã và đang là nguyên nhân gây ra chiến tranh, giết hại hàng triệu người dân vô tội , vì những kẻ tham mê của cải trần gian cách bất lương đã tìm mọi cách để chiếm hữu, dù phải gây ra chiến tranh - khéo che đậy, nguy tạo với những chiêu bài giả dối, phỉnh gạt công luận như giải phóng, bảo vệ tự do, dân chủ và quyền sống của con người. Nhưng thực chất chỉ là muốn vơ vét của cải của người khác để làm giầu cho quốc gia hay tập đoàn đế quốc của mình mà thôi.

Lại nữa, cũng chính vì lòng ham mê tiền của và quyền lực chính trị nên có biết bao kẻ độc tài, độc đảng đã cố bám lấy địa vị cai trị sắt máu để vơ vét tiền của, núp bóng dưới chiêu bài giải phóng cho giai cấp vô sản bị bóc lột, nhưng thực tế chính họ lại trở thành những đại gia, đại tư bản xanh đỏ đang bóc lột dân nghèo, ăn cắp của công để làm giầu cho cá nhân và tập thể cai trị, gửi tiền ra nước ngoài để kinh doanh và phòng thân, trong khi nhắm mắt, bịt tai trước sự nghèo đói cùng cực của người dân, nạn nhân của mọi bất công xã hội, hậu quả hiển nhiên của chế độ cai trị phi nhân vô đạo như mọi người đã nhìn rõ mà chưa biết phải làm gì để thay đổi.

Về mặt luân lý, đạo đức, có biết bao kẻ đã vì ham mê tiền của mà dã tâm làm những việc vô cùng xấu xa, tội lỗi như mở sòng bạc casino, nhà điếm, buôn bán phụ nữ, nhất là trẻ em, cho kỹ nghệ mãi dâm để kiếm tiền cách vô luân và đầy tội ác. Còn gì ghê tởm và gian ác hơn khi bắt cóc hay mua bán trẻ em cho bọn người đã trở thành thú vật đi tìm thú ấu dâm rất khốn nạn này ( child prostitution) vì đã gây đau khổ, thương tật cho biết bao trẻ em bị bán cho bọn thú vật này hành hạ thân xác. Đây chính là bộ mặt, là hình ảnh rõ nét nhất của hỏa ngục trên trần gian này hiện nay.

Chưa hết, cũng vì tham tiền mà có những kẻ đã bán rẻ lương tâm để làm tay sai cho ngoại bang, giết hại đồng bào ruột thịt của mình, phản bội chính nghĩa của dân tộc khi ra tay sát hại cách giã man người khác để giúp cho quan thầy ngoại bang thi hành mục đích thống trị theo sách lược thâm độc của chúng..Cụ thể, đó là những kẻ đã nhận tiền thuê mướn của CIA Mỹ để giết hại rất dã man anh em Tổng Thống Ngô Đình Diệm và một số nạn nhân khác năm 1963 dưới danh nghĩa “cách mạng”.Nhưng thực chất đó chỉ vì lòng tham mê tiền bạc đã đưa họ mù quáng vào con đường gian ác, phản bội, tàn nhẫn không hơn không kém.Những kẻ gian ác, phản bội này chắc chắn sẽ không thể ăn ngon, ngủ yên, và vui sống được vì tội ác đang nung đốt lương tâm, dù đã bị băng hoại của chúng.Nếu ta tin có một Thiên Chúa yêu thương nhưng rất công minh, thì những kẻ gian ác đó sẽ phải chịu phán xét đích đáng về những việc làm độc ác, dã man của chúng.

Như thế, tiền bạc , mặc dù cần thiết cho con người sống ở trần gian này, nhưng lại là một nguy cơ to lớn cho con người muốn sống lương thiện nói chung và cách riêng cho người tín hữu muốn sống đức tin thực sự vào Chúa Kitô, Đấng đã “chúc phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.” ( Mt 5: 3)

Thật vậy, Tin Mừng của Chúa Kitô đã cho ta biết bao lời khuyên phải tránh cạm bẫy của tiền bạc để được cứu rỗi và vui hưởng hạnh phúc giầu sang, phú quý với Chúa trên Nước Trời.

Trước hết, là câu chuyện người thanh niên giầu có trong Phúc Âm Thánh Mac cô. Anh ta đến hỏi Chúa Giêsu xem anh phải làm gì “để được sự sống đời đời làm gia nghiệp”.Anh ta tự khoe đã tuân giữ mọi giới răn của Chúa cách hoàn hảo từ bé.Nhưng có một điều anh còn thiếu và không thể làm được đó là về bán hết tài sản, lấy tiền cho người nghèo, rồi đi theo Chúa như Chúa đòi hỏi anh ta.

Nhưng trước đòi hỏi này, anh đã buồn rầu bỏ đi, không thể thực hành được vì anh có quá nhiều của cải !( Mc 10 : 17-22)

Như vậy, rõ rệt cho thấy là lòng ham mê tiền của trần thế đã là trở ngại lớn lao nhất cho anh thanh niên kia vào Nước Trời. Vì thế, Chúa Giêsu đã kết luận với các môn đệ như sau :

Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn cho người giầu vào Nước Thiên Chúa.” ( Mc 10:17-23; Lc 18: 18-24)

Con lạc đà to lớn như vậy làm sao chui qua được lỗ kím quá nhỏ như thế ? Thật là điều không tưởng, nhưng lại giúp nói lên điều không tưởng lớn lao hơn nữa đó là người giầu có khó có thể vào được Nước Trời. Khó vào được vì có những người giầu đã làm nô lệ cho tiền của đến mức không thể hy sinh được của cải phù vân ở đời này cho hạnh phúc Nước Trời mai sau như trường hợp chàng thanh niên giầu có trên đây.

Chính vì muốn cho các môn dệ xưa và mọi người tín hữu chúng ta ngày nay phải ý thức sâu xa về nguy hại của tiền bạc, của cải vật chất trong khi sống đức tin ở đời này mà Chúa Giêsu Người vốn giầu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giầu có. ( 2 Cr 8: 9),

Chúa đã nên gương nghèo khó cùng cực khi chọn sinh ra trong hang bò, lừa giữa mùa đông lạnh lẽo, khiến phải nhờ hơi ấm của chiên, bò, lừa ngựa, sưởi cho đỡ lạnh trong đêm giáng trần.Lón lên, đi rao giảng Tin Mừng cứu độ, Chúa đã sống lang thang như kẻ vô gia cư, đúng với ý nghĩa câu trả lời của Chúa cho một kinh sư kia ngỏ ý muốn đi theo Người:

Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu. (Mt 8:20)

Như vậy, Chúa đã thực sự sống khó nghèo từ khi sinh ra cho đến ngày chết trần trụi trên thập giá. Suốt đời sống nghèo khó đến nỗi khi chết chết cũng không có chỗ để chôn, khiến môn đệ phải mượn ngôi mộ trống của ông Giô-xép cho Chúa nằm tạm 3 ngày chờ sống lại.( Mt 27: 57-60; Ga 19: 41-42)

Như thế ai có thể ngờ vực được gương khó nghèo của Chúa Kitô ???

Người sống và chết khó nghèo để dạy cho tất cả chúng ta, những người muốn đi theo Chúa vào Nước Trời , một điều rất quan trọng là không được tôn thờ hay yêu mến tiền của đến mức làm nô lệ cho nó mà quên mất hay coi nhẹ việc tối quan trọng hơn là phải yêu mến Chúa trên hết mọi sự, phải tìm kiếm sự sang giầu của Nước Trời trên mọi phú quý sang giầu ở đời này. Trên trần gian này, không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ được, cho nên “ anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được.” ( Lc 16: 13) như Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ xưa.

Vì nếu làm tôi tiền của thì sẽ dễ trở thành bất lương, độc dữ, gian ác và lãnh cảm trước sự nghèo đói của người khác. mà Chúa Kitô đang hiện diện nơi họ để thách đố chúng ta biết cảm thông và chia sẻ cơm áo với những anh chị em kém may mắn đó.

Nói thế không có nghĩa là cứ phải nghèo đói, rách rưới và ốm đau bệnh tật mới được vào Nước Trời. Ngược lại, lo cho mình và cho người thân của mình được có của ăn, áo mặc, có tiền mua thuốc chữa bệnh , có phương tiện di chuyển cần thiết thì lại là điều tốt đẹp phải làm và không có gì nguy hại cho mục đích sống đức tin có Chúa. Chỉ khi nào ham mê tiền của đến mức làm nô lệ cho nó khiến có thể mù quáng làm những việc bất lương, bất công và vô luân để có tiền thì mới là điều đáng chê trách và phải xa tránh mà thôi.

Chính vì giá trị chính đáng của những nhu cầu cần thiết cho con người như của ăn nuôi sác, được khỏe mạnh để làm việc và sống vui ở trần gian này, mà xưa Chúa Giêsu đã làm phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều để nuôi hàng ngàn người đi theo Chúa nghe Người giảng dạy và không có của ăn trong ngày. ( Mc 6 : 35-44) . Chúa cũng chữa lành biết bao người bệnh tật, câm điếc, đui mù què, phong cùi và bị quỷ ám để minh chứng Người là Thiên Chúa giầu lòng xót thương và cảm thông nỗi đau khổ của con người và dạy chúng ta phải biết yêu thương, chia sẻ với người khác nghèo khó vật chất hơn mình.

Chúa không lên án những người giầu có chỉ vì họ có nhiều tiền của mà vì họ mê tiền của hơn yêu mến Chúa và hạnh phúc Nước trời. Có tiền của mà biết dùng vào việc bác ái đích thực để chía sẻ với người khác kém may mắn hơn mình những gì mình có thì đó lại là việc tốt đẹp phải làm. Nghĩa là nếu người giầu có biết dùng tiền của để xoa dịu nỗi thống khổ của người nghèo đói, bệnh tật không có tiền chữa trị, hay giúp cho các cô nhi viện, trẻ em khuyết tật , và các nhà truyền giáo có phương tiện vật chất để đi mở mang Nước Chúa thì đã mua sắm những túi tiền không bao giờ cũ rách , một kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên trời , nơi trộm cắp không bén bảng , mối mọt cũng không đục phá..” ( Lc 12 : 33).

Đó là sự khôn ngoan biết dùng tiền của chóng qua ở đời này để mua sự sang giầu, phú quí vĩnh viễn trên Nước Trời, như Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ xưa và cho tất cả chúng ta ngày nay.

Đó cũng là thái độ khinh chê, không làm nô lệ cho tiền của mà chúng ta đọc thấy trong Thánh Vịnh 62 :

“ Tiền tài dẫu sinh sôi nảy nở

Lòng chẳng nên gắn bó làm chi.”( Tv 62 : 11)

Chính vì hiểu rõ giá trị của sự sang giầu trên Nước Trời và niềm vui sướng được biết Chúa Kitô hơn mọi lợi lãi vinh quang ở đời này mà Thánh Phaolô đã thốt lên những lời sau đây:

“ Những gì xưa kia tôi coi là có lợi, thì nay , vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Ki Tô-Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết , và tôi coi tất cả như rác để được Đức KiTô.” ( Pl 3: 7-8)

Lời Thánh Phaolô trên đây quả là khuôn vàng thước ngọc cho mọi người tín hữu chúng ta suy nghĩ và noi theo, vì được biết Chúa Kitô nhờ đức tin quả thực là mối lợi lớn lao mà không có bất cứ cái gì, của gì trên trần gian này như tiền bạc, kim cương đá quí hay danh vọng có thể sánh được .

Do đó, nếu nhờ Đức Tin, ta nhận biết Thiên Chúa là chính sự sang giầu và hạnh phúc tuyệt vời nhất thì nhiên hậu, lời mời gọi sẽ là phải yêu mến Chúa và Vương Quốc của Người trên hết mọi sự , nhất là trên tiền bạc và của cải ở trần gian này để không làm nô lệ cho tiền của, hay say mê đi tìm tiền của hơn tha thiết tìm Chúa và hạnh phúc được chiêm ngắm Thánh Nhan Người trên cõi vinh hằng mai sau.

Lời mời gọi này không những chỉ dành cho các tín hữu sống ơn gọi gia đình hay độc thân giữa đời mà còn dành riêng cho các giáo sĩ và tu sĩ là những người được mong đợi sống “cái nghèo của Chúa Kitô” để làm nhân chứng cho Chúa và nêu gương sáng cho người khác. Do đó, người tông đồ của Chúa không nên để lòng dính bén vào tiền của để thi nhau ra nước ngoài xin tiền hết đợi này đến đợt khác..Lại nữa, cũng không nên thích tiền để chỉ nhận dâng lễ với bổng lễ cao, đi đồng tế cho đông để nhận phong bì và coi trọng người giầu có, khinh thường người nghèo, chê hay không nhận dâng lễ cho người không có tiền xin lễ hậu hĩ như các người giầu có ! Đó là thực trạng vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi và gây tai tiếng không ít cho ơn gọi và tinh thần phục vụ của người tông đồ ngày nay.

Là Tông đồ lớn nhỏ của Chúa mà sống như vậy, thì có phù hợp với tinh thần “khó nghèo” mà Chúa Giêsu đã sống và dạy các môn đệ neo theo hay không?

Lại nữa, giảng sự khó nghèo của Chúa cho người khác mà chính mình lại ham thích tiền của, chậy theo tiền của, thì lời giảng dạy của mình có thuyết phục được ai tin và thực hành không ?

Sự thật thì dễ mất lòng nhưng vẵn cần thiết phải nói ra. “ Ai có tai nghe thì nghe.” Đó là lời Chúa. Giêsu đã nói với các môn đệ xưa. ( Mt 13: 43; Mc 4: 23; Lc 8: 8)

Tóm lại, là người may mắn có đức tin, chúng ta phải quyết tâm sống đức tin cách sâu đậm không những bằng đời sống thiêng liêng mật thiết với Chúa mà còn phải lưu tâm đến những nguy cơ đe dọa đức tin như tội lỗi, gương xấu và cám dỗ của tiền bạc của cải vật chất, là những trở ngại rất lớn cho chúng ta sống đạo đức, lương thiện, công bằng và bác ái như đức tin đòi hỏi.

Đó chính là điều chúng ta cần suy nghĩ và thực hành trong năm Đức Tin này.Amen.

Lm. Phanxicô xaviê Ngô Tôn Huấn

 

VỀ MỤC LỤC
“Ở ĐÂY BUỔI CHIỀU, QUANH NĂM MÙA DÔNG…”

 

Giáng Sinh năm nay tôi chọn trải nghiệm ở cao nguyên Pleiku với anh em tôi và với đồng bào người dân tộc J’rai. Tuy nhiên khi bàn bạc, anh em lại mời tôi đến vùng cuối của cao nguyên trên quốc lộ 51 từ Chư Sê ( Pleiku ) về Tuy Hòa, một vùng trũng của Ceoreo ( Cheo Reo ) Phú Bổn quanh năm nóng bỏng da người, nghe nói một năm chỉ có khoảng 12 cơn mưa. Vì biết mình sẽ viếng thăm vùng nóng này nên tôi không mang theo áo lạnh, kết quả bất ngờ trời trở lạnh, tôi co ro ngồi sau chiếc xe hai bánh của người thanh niên dân tộc, vượt qua những con đèo ngoằn ngoèo trong sương đêm, trong từng cơn gió thốc thổi của núi đồi, cái lạnh lẽo của cao nguyên theo tôi về tận phố thị cho đến hôm nay.

Cùng với cái lạnh là cái đói, thú thật h ôm nay mới dám nói mình “bị bỏ đói”. Trong trí tưởng tượng tôi sẽ được đưa đến một buôn làng nào đó, sau lễ đêm sẽ là liên hoan, dù biết rằng người dân tộc rất nghèo nhưng chắc cũng đươc một cái gì đó để ăn mừng Chúa Giáng Sinh, được “soan” ( kiểu vũ riêng của người J’rai ) bên ánh lửa bập bùng cùng tiếng cồng chiêng, thật lãng mạn. Nhưng thực tế khác hẳn. Sau cơm trưa chúng tôi ăn với những người giúp việc, toàn cơm và rau rừng ở Krongpa, từ đó không có gì nữa cho đến trưa hôm sau.

Vào lúc 16g00 chiều tôi lên xe và cứ như vậy tôi dâng Thánh Lễ Giáng Sinh tại ba điểm khác nhau cho đến nửa đêm, mỗi điểm cách nhau từ 15 – 20km (Trung Tâm này có 7 Giáo Điểm ). Đường đi vô cùng khó khăn, bụi mù, quanh co, gập ghềnh và hiểm trở. Khi trời còn sáng, tôi nhận ra nỗi nghèo khổ cùng cực của người dân, bản làng sơ xác. Họ nói với tôi họ đói lắm, không có gì để làm, không có gì để ăn !

Anh em tôi cũng chạy dâng Thánh Lễ khắp nơi, bếp lạnh tanh khi nửa đêm tôi trở về. Không hề có tiệc Giáng Sinh ê hề thịt rượu, không hề có tiếng nhạc du dương réo rắt, không hề có những ánh đèn nhấp nháy kiêu sa. Đêm đó, tôi đã dâng lễ trong những ánh đèn tù mù, tôi chuẩn bị sẵn bản văn tiếng J’rai để dâng lễ, nhưng bản văn ấy đã được soạn và in ra trong môi trường tràn đầy ánh sáng, tôi đã phải đọc một cách khốn khổ trong ánh đèn tù mù giữa buôn làng “Bethlehem”. Tôi hiểu và cảm thông phần nào nỗi vất vả của anh em tôi.

Điều kỳ diệu tôi được chứng kiến là Tin Mừng đang triển nở trên vùng đất nghèo khó này, Linh Mục phụ trách ( Ama Mạnh DCCT ) khoát tay về một vùng đồi núi trùng điệp và nói: “Còn biết bao nhiêu người chưa biết Chúa ở những cánh rừng phía này, bên hữu ngạn sông Pa”.

Trung Tâm Krongpa được hình thành như một câu chuyện trong mơ, năm 1987 một người dân tộc có tên là Ama Niem nghe radio, ông thắc mắc về Đức Kitô là ai và ông quyết định lên đường đi tìm Đấng Kitô. Ông chia gia đình đi làm hai hướng Đông và Tây, chính ông theo hướng Đông. Sau một thời gian ông gặp được cha Nguyễn Văn Phán, một nhà truyền giáo DCCT ở Ceoreo cách đó hơn 35 cây số, khi ấy cha Phán đang bị nhà cầm quyền địa phương giới hạn không cho đi đâu cả. Ông Ama Niem được dạy Đạo, tĩnh tâm 10 ngày với cha Phán ở Ceoreo rồi trở về làng mình với một cuốn Tân Ước trên tay. Từ đó, Tin Mừng phát triển cho đến hôm nay, Trung Tâm Krongpa được tách khỏi Trung Tâm Ceoreo, có 7 Giáo Điểm và số Kitô hữu trên 3.000 người.

Ama Niem đem Tin Mừng về làng, nhưng Ama Thuoc mới là người làm Tin Mừng lan tỏa nhanh chóng. Xuất thân là cán bộ xã, Ama Thuoc nhận ra nhiều điều sai trái và lung lay niềm tin vào xã hội, khi cầm trên tay cuốn Tân Ước bằng tiếng J‘rai, Ama Thuoc bảo: “Chỉ có người yêu mến mình nhiều lắm mới bỏ công ra để dịch cuốn sách này sang tiếng của mình, người trân trọng tiếng của mình là người đáng tin”, từ đó Ama Thuoc chăm chú học Đạo. Ông là người có uy tín trong làng nên đã cảm hóa rất nhanh nhiều người theo Đạo.

Ama Hua lại đóng một dấu ấn thứ hai trong lich sử truyền giáo trên rẻo cao nguyên này. Được biết Chúa, Ama Hua lên đường đi thăm bà con, chỉ bằng con đường đi thăm bà con họ hàng, ông đã đem Tin Mừng đi gieo vãi khắp nơi làm sinh sôi nảy nở thêm nhiều Hạt Giống Đức Tin ở các bản làng khác.

Chúng ta học được gì trong công cuộc truyền giáo này ?

- Các phương tiện truyền thông đã vượt không gian, vượt mọi ngăn cách, đem Tin Mừng vào tận những vùng sâu vùng xa.

- Gìn giữ và phát triển văn hóa dân tộc bản địa giúp truyền tải Tin Mừng hiệu quả,

- Và vai trò tích cực quan trọng của các Thừa Sai Giáo Dân, toàn là Dự Tòng và Tân Tòng !

Đến một chốc lát với cộng đồng Giáo Dân dân tộc, sống và chứng kiến nỗi nghèo khổ của anh em, nghe những câu chuyện cụ thể hấp dẫn về việc loan báo Tin Mừng. Tôi nhớ một đoạn thư của Thánh Phanxicô Xaviê gởi cho Thánh Inhatiô Loyola:

“Tại các miền ấy, có nhiều người không được làm Kitô hữu chỉ vì không có ai làm cho họ trở thành Kitô hữu. Nhiều lần tôi đã có ý định đi tới các đại học ở Châu Âu, trước hết là đại học Paris, mà kêu gào khắp nơi như một kẻ mất trí và thúc đẩy những người chỉ nghiên cứu học thuyết hơn là thực hành bác ái rằng: Tiếc thay, chỉ vì lỗi các ông mà biết bao linh hồn thay vì lên thiên đàng lại phải xuống hỏa ngục.

Ước chi họ miệt mài với văn chương chữ nghĩa thế nào thì họ cũng miệt mài với công việc tông đồ này như vậy, để có thể trả lẽ với Thiên Chúa về học thuyết của họ cũng như các nén bạc đã được trao phó cho họ”…

Lm. VĨNH SANG, DCCT, 28.12.2012 - Ephata 542
( Tựa đề lấy theo lời bài hát “Còn chút gì để nhớ”, nhạc Phạm Duy, thơ Vũ Hữu Định )

 

VỀ MỤC LỤC
TÁI KHÁM PHÁ CÔNG ĐỒNG VATICAN II - “NHỮNG NGƯỜI KHÁCH LẠ” TRONG CHÍNH NGÔI NHÀ CỦA MÌNH
 

Một bài viết đã khá lâu, nhưng vẫn thích hợp để đọc lại trong dịp kỷ niệm 50 năm khai mạc Công Đồng Vatican II. Có thể nói Vatican II thực sự là một biến cố đặc biệt đem lại luồng gió mới của Chúa Thánh Thần, canh tân Giáo Hội về mọi phương diện. Trong khuôn khổ những suy tư và nghiên cứu cá nhân, xin được chia sẻ đôi chút những khám phá của mình về Vatican II, đặc biệt về vai trò của nữ giới trong Công Đồng.

TÁI KHÁM PHÁ CÔNG ĐỒNG VATICAN II - “NHỮNG NGƯỜI KHÁCH LẠ” TRONG CHÍNH NGÔI NHÀ CỦA MÌNH

Sr. Ngọc Lan, fmm.

 

ĐÔI NÉT VỀ BỐI CẢNH CỦA VATICAN II

Ngày 8/12/2005, toàn thể Giáo Hội vui mừng kỷ niện đúng 40 năm ngày kết thúc Công Đồng Vatican II, một biến cố có tầm ảnh hưởng vô cùng quan trọng trên đời sống của Giáo Hội trong thế giới hôm nay. Thế nhưng mỗi lần nhắc đến Vatican II nhiều người lại nghĩ bụng: “Biết rồi, khổ quá, nói mãi”… Hỏi các bạn trẻ, họ dường như không biết gì đến đời sống của Giáo Hội trong giai đoạn trước Công Đồng. Họ không thể tưởng tượng được cảnh linh mục làm lễ quay lưng lại với giáo dân và đọc toàn tiếng Latinh… Muốn biết Công Đồng đem lại những thay đổi gì cho Giáo Hội tại mỗi địa phương, ngay cả thế hệ ở tuổi trên “tứ tuần” khi được hỏi đến, phần lớn cũng chỉ cười trừ, không có ý kiến. Hoặc có những vị chỉ nhìn thấy những ảnh hưởng mang vẻ “tiêu cực” của thời hậu Công Đồng; như có những người xuất tu, những thay đổi làm nên bao khác biệt giữa các Giáo Hội địa phương, nhiều “Đấng Bậc” trong Giáo Hội không còn được “kính trọng” như ngày trước… mà có lẽ đó chỉ là những nhận xét bên ngoài. Thực ra có những điều tuy thuộc về quá khứ nhưng lại liên quan mật thiết đến hiện tại. Khi khám phá lại, chúng ta phải sửng sốt ngỡ ngàng nhận ra rằng chính Chúa Thánh Thần đang hoạt động trong thế giới hôm nay qua biết bao trung gian có khi không ai ngờ tới. Tiếp nối những thế hệ đi trước bằng một cái nhìn cởi mở hơn, những “ngôn sứ thời đại” này góp phần làm nên chứng tá sống động cho sự hiện diện yêu thương của Thiên Chúa, Đấng đang không ngừng dẫn dắt giòng lịch sử nhân loại qua biết bao thăng trầm…

Thử tìm hiểu đôi chút về bối cảnh lịch sử của thế giới trong những năm trước Công Đồng, chúng ta nhận thấy Đức Giáo Hoàng xuất chúng Piô XII đã dẫn dắt Giáo Hội trong suốt 19 năm qua một giai đoạn cực kỳ phức tạp. Thế chiến thứ hai bùng nổ ảnh hưởng đến mọi quốc gia trên toàn thế giới, các nước thuộc địa đồng loạt đứng lên giành độc lập, các cơ cấu tổ chức xã hội thay đổi liên tục… Trong lúc những thành công của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đem lại nhiều điều tốt đẹp cho cuộc sống, thì cũng chính những tiến bộ mới mẻ đó khiến con người như đặt trọn niềm hy vọng của mình nơi thế giới vật chất này. Niềm tin tôn giáo bị đe dọa trầm trọng cùng với những “xuống cấp” về luân lý, đạo đức và các vấn đề xã hội. Thế giới hơn bao giờ hết, đầy dẫy nguy cơ do chính những khám phá mới mẻ của con người. Hiểm hoạ huỷ diệt hàng loạt của bom nguyên tử cùng với những thay đổi không ngừng của môi trường văn hoá, chính trị, tôn giáo làm nảy sinh bao vấn đề chưa từng có, gây chia rẽ trầm trọng ngay trong lòng Giáo Hội cũng như giữa các quốc gia. Thêm vào đó, những cuộc nội chiến liên lỉ vẫn đe dọa vận mệnh của nhiều dân tộc. Bối cảnh trên đưa ra nhiều thách đố lớn lao, cần đến những suy tư chung ở cấp toàn cầu để tìm ra đáp ứng phù hợp… Giữa những thách đố triền miên đó, Vatican II chính là câu trả lời cụ thể cho bao vấn nạn của thời đại!

Cho đến nay sau 40 năm kết thúc, 16 văn kiện đúc kết những kết quả suy tư của khoảng hơn 2500 Hồng Y - Giám Mục trên toàn thế giới qua 4 khoá họp của Công Đồng kéo dài trong hơn 3 năm từ 1962 – 1965 đã được áp dụng rộng rãi. Các tài liệu của Công Đồng ngày hôm nay vẫn được quy chiếu trong mọi chiều kích của đời sống Giáo Hội ở mọi cấp độ. Vatican II thực sự là một biến cố đặc biệt đem lại luồng gió mới của Chúa Thánh Thần, canh tân Giáo Hội về mọi phương diện. Trong khuôn khổ những suy tư và nghiên cứu cá nhân, xin được chia sẻ đôi chút những khám phá của mình về Vatican II, đặc biệt về vai trò của nữ giới trong Công Đồng. Qua một số chứng từ cụ thể, cách này hay cách khác đã giúp tôi có được những cảm thức mới, những hứng khởi sâu xa trong đời sống Kitô hữu của mình, để thêm lòng yêu mến Giáo Hội và xác tín vào tương lai dù cuộc sống hôm nay không thiếu những thách đố của thời hậu hiện đại, với các vấn đề của Toàn cầu hóa…

NHỮNG NGƯỜI KHÁCH LẠ, HỌ LÀ AI?

Tiêu đề “Những người Khách lạ trong chính Ngôi nhà của mình” xem ra có vẻ bất hợp lý, vì có khi nào những người chủ lại không được phép tự do ra vào mọi căn phòng trong chính ngôi nhà của họ? Họ không phải là “nô lệ” bị buộc nhắm mắt vâng theo mọi mệnh lệnh chủ (thời nô lệ may thay đã qua từ lâu rồi!), họ cũng không phải là kẻ làm công, khi đến nhà chủ chỉ được quanh quẩn ở góc vườn, xó bếp, ra sức làm việc để mong nhận được bữa ăn và đồng lương, rồi trở về lo cho gia đình mình. Trái lại, chính họ phải là người quan tâm chăm sóc, giữ gìn ngôi nhà mình cho sạch đẹp, khang trang, và tìm cách sửa chữa những chỗ hư hỏng của ngôi nhà khi nó xuống cấp …

Trong ngôi nhà Giáo Hội thì sao? Trải qua suốt giòng lịch sử với 20 Công Đồng Đại Kết, từ Công Đồng Nicêa I (325) đến Công Đồng Vatican I (1869-1870), nữ giới không hề được phép góp tiếng nói hoặc đưa ra bất kỳ ý kiến nào, chứ đừng nói đến chuyện hiện diện. Thử nghĩ đến con số 55% tổng số tín hữu của Giáo Hội là Nữ giới, mà tỷ lệ thực hành việc sống đạo xem ra vượt trội hơn nam giới, trong khi những gì liên quan đến vận mạng Giáo Hội cũng như đến sự hiện diện và đóng góp của nữ giới trong đời sống Giáo Hội, hầu hết đều do nam giới quyết định và chỉ đạo, thì thật khó có thể chấp nhận cho dù đó là sự thật. Mãi cho đến Công Đồng Vatican II, lần đầu tiên trong lịch sử, phụ nữ được phép hiện diện trong Công Đồng! Nói cách chính xác hơn, trong hai khoá họp đầu của Công Đồng vào năm 1963-1964, phụ nữ vẫn không hề được đếm xỉa, chỉ đến khóa họp thức ba mới được mời đến trong tư cách… dự thính! Trong chính ngôi nhà của mình, mãi đến lúc này nữ giới mới được mời vào lần đầu tiên chỉ để… quan sát xem các “Đấng Bậc” quyết định những gì... Đừng vội mơ những đóng góp lớn lao hơn! Nhưng chắc hẳn có những giai đoạn trong lịch sử vai trò của nữ giới đã không được nhìn nhận, thì đó là điều có thể thay đổi, và phải được thay đổi!

Trước Công Đồng Vatican II, phụ nữ chỉ có thể làm công việc lau dọn nhà thờ sau giờ thánh lễ, còn trong lúc linh mục đang dâng lễ họ không được phép đặt chân đến gian cung thánh và bàn thờ, nơi có linh mục của Chúa hiện diện. Làm như thế là mắc trọng tội! Những nữ tu hoặc phụ nữ lo phòng thánh thường mất rất nhiều thời gian mỗi ngày để cắm hoa, soạn nến, giặt áo lễ… nhưng có những nơi hàng giáo sĩ buộc họ phải mang găng tay trắng khi lau chùi chén thánh hoặc đụng chạm đến các đồ thánh khác. Các nữ tu được phép vào các trường Công giáo để dạy học, nhưng phần nhiều họ không được học hành chu đáo về văn hóa cũng không có bằng cấp chính quy về chuyên môn. Chính bộ tu phục là giấy thông hành hợp pháp cho họ trong nhiều hoạt động giáo dục, y tế và xã hội, mà lắm khi thu nhập hoặc danh tiếng lại thuộc về giáo xứ hoặc giáo phận. Còn họ chỉ được phép “tình nguyện phục vụ”, hoặc chỉ được nhận mức lương rất thấp gởi thẳng về nhà dòng, vì giáo xứ và giáo phận đã lo cho dòng của họ.

Trong nhiều giáo xứ và chủng viện, nữ tu hiện diện trong các công việc nội trợ, nấu ăn hoặc dọn phòng cho quý Cha quý Thầy… Tình hình trong gia đình và ngoài xã hội cũng không sáng sủa hơn bao nhiêu. Nhiều nơi còn giữ nghi thức thanh tẩy cho các bà mẹ sau khi sanh con vì cho rằng họ đã trở thành “ô uế”! Nữ giới không được phép theo học các chương trình thần học như nam giới, không được lên tiếng trong các cuộc tranh luận của nam giới, cũng không được đứng ngang hàng với họ, nhất là đối với các “Đấng Bậc” trong Giáo Hội. Mãi về sau này mới có một con số ít ỏi phụ nữ dám “chen chân” trong các lãnh vực chính trị, kinh tế và các cấp lãnh đạo khác nhau trong cộng đồng xã hội, và họ gặp không ít khó khăn với những định kiến sẵn có của mọi người…

Một câu chuyện có thật xảy ra ở Đức, các Đức Giám Mục Đức đã tổ chức một cuộc họp cấp toàn quốc trước Công Đồng để thu thập ý kiến, có đại biểu của mọi giới trong các Giáo phận tham dự. Một Giám Mục đặt câu hỏi trước khi kết thúc: “Còn vấn đề gì nữa?”, thì một phụ nữ trẻ ngồi phía sau đứng dậy hỏi: “Con muốn biết liệu nữ giới có thể được mời đến tham dự Công Đồng không?”. Mọi người đều trố mắt ngạc nhiên, cho rằng đó là một câu hỏi ngớ ngẩn. Điều hiển nhiên ai cũng biết là phụ nữ không bao giờ có thể tham dự Công Đồng. Nhiều nhà báo còn bình phẩm rằng “Chúng tôi đều rất phẫn nộ vì đã có một câu hỏi như thế trong buổi họp, thật đáng xấu hổ khi một phụ nữ dám đứng lên đặt một câu hỏi ngốc nghếch như vậy!”... Thế nhưng vị Giám Mục điều hành buổi họp rất dễ thương, Ngài hơi bối rối một chút vì không biết trả lời thế nào, nhưng cuối cùng Ngài nhẹ nhàng nói: “Lúc này với Công Đồng Vatican II thì không, nhưng có lẽ đến Công Đồng Vatican III thì có thể được…”. Mọi người đều vui vẻ đón nhận ý kiến của Ngài và không bình luận gì nữa. Vấn đề người phụ nữ trẻ đó đặt ra đã góp phần khơi dậy những suy nghĩ mới…

SỰ HIỆN DIỆN CỦA NỮ GIỚI TRONG CÔNG ĐỒNG!

Trong bối cảnh đầy bảo thủ thời đó, sự có mặt của nữ giới tại Công Đồng được xem là một cuộc đổi mới rất cởi mở và ngoạn mục của Vatican II, hơn hẳn tất cả các Công Đồng khác trong lịch sử Giáo Hội. So với danh sách chính thức hơn 2.900 Nghị phụ và 29 giáo dân nam giới, thì con số 23 phụ nữ được mời gồm cả nữ tu và giáo dân chỉ là một con số thật ít ỏi, chưa bằng 1% nam giới. Họ cũng không được tham gia từ đầu, trong các khóa họp chính thức của Công Đồng, mà chỉ được mời dự khóa họp thứ ba của Công Đồng vào năm 1965. Họ được đặt ngồi ở vị trí của các quan sát viên dự thính và không được phép có tiếng nói chính thức trong thời gian họp. Tuy nhiên họ đã đóng góp một vai trò thật tích cực cả trong và sau Công Đồng, giúp đem thế giới đến cho Công Đồng và sau đó chuyển đạt Công Đồng lại cho thế giới theo quan điểm nữ giới của họ.

Khi Đức Giáo Hoàng Phaolô VI lên kế vị và được trao lại bản kế hoạch hành động từ kỳ họp trước, thật khó có ai tưởng tượng nổi Ngài đã nghĩ gì khi chấp nhận cho phụ nữ đến gần “bàn thờ”. Vào kỳ họp thứ hai của Công Đồng, một số dự thính viên giáo dân đã đưa vợ đi theo, nhưng “các bà” không được phép vào, ngay cả khu vực dành cho những người dự thính. Tại sao nay Đức Giáo Hoàng lại nghĩ đến chuyện phá vỡ truyền thống khi mời phụ nữ đến tham dự Công Đồng? Trước tiên đó chính là điều đã được Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII khởi xướng trong nội dung Thông điệp "Pacem in Terris" (Hoà bình trên Trái đất). Ngài nhìn nhận rằng sự thay đổi trong vai trò xã hội và văn hóa của người phụ nữ là một “dấu chỉ thời đại”, mà Giáo Hội không thể có cái nhìn bàng quang. Trực tiếp hơn, chính Hồng Y Suenens là người đã đề cập chuyện này với Đức Giáo Hoàng trong cuộc nói chuyện riêng và xin Ngài mời các quan sát viên nữ giới.

Tuy nhiên, dù chính Đức Giáo Hoàng yêu cầu đưa nữ giới vào, nhưng khi danh sách dự thính viên cho kỳ họp thứ ba được đệ trình, thì có ai đó đã kiểm tra và bỏ tên các phụ nữ đi. Đức Phaolô VI tỏ ra ngạc nhiên về điều này. Ngài lại phải lên tiếng lần nữa, và cuối cùng phụ nữ cũng được hiện diện tại Công Đồng. Thế nhưng vai trò của họ vẫn chỉ là dự thính! Về sau nhờ Đức Giám Mục người Đức Emilio Guano, và Thư ký của Ngài, cha Bernard Hring Dòng Chúa Cứu Thế, mà phụ nữ đã có được cả quyền bàn thảo và bỏ phiếu trong các cuộc họp biểu quyết cho Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay “Gaudium et Spec” (Vui Mừng và Hy Vọng).

Có lẽ đây phải kể trước tiên là sáng kiến của cha Hring, người được xem là nhà thần học chuyên về Luân Lý vào hàng lớn nhất của thế kỷ 20. Ngài thừa nhận rằng: “đôi khi tôi phải là người quấy rối và gây vấn đề”; vì qua kinh nghiệm bản thân, Ngài xác tín rằng, chính tinh thần trách nhiệm và sự biện biệt đúng đắn là nền tảng cho sự vâng phục trong Giáo Hội, còn kiểu “vâng lời tối mặt” chỉ là sự ngu xuẩn. Ngài đã hai lần đối mặt với cái chết, một lần trong thời chiến tranh và một lần với bệnh ung thư, thế nên ngài không dễ gì bị đe dọa bởi những ai xem quan điểm của ngài là “dại dột” với quyền bính. Ngài đã hành động để bênh vực nữ giới, và Ngài thấy rằng điều đó là đúng đắn, hiển nhiên và việc đáng phải làm. Với đầu óc thông minh lỗi lạc và lòng nhiệt thành yêu mến Giáo Hội, cha Hring đã thuyết phục được các vị có trách nhiệm.

Ngài quan sát và thấy rằng ý kiến của Hồng Y Suenens làm dấy lên một làn sóng phản đối trong số các Giám Mục bảo thủ. Tiếp đến cũng có những nỗ lực để các nữ tu có thể tham gia vào Ủy ban bàn về Đời Sống Thánh Hiến, nhưng đã bị từ chối. Sau phần bàn thảo của Ủy ban này, Đức Giám Mục Guano được chỉ định làm trưởng nhóm soạn thảo cho bản nháp của Hiến Chế “Gaudium et Spes” và cha Hring lãnh vai trò thư ký điều phối. Khi danh sách của Ủy ban Soạn thảo đã được đệ trình, cha nói với Giám Mục Guano rằng bước quan trọng này xem ra chẳng có gì thay đổi, vì hơn một nửa của thế giới Công Giáo không có đại biểu lên tiếng… Đức Giám Mục Guano hỏi lại “Điều cha nói có ý gì?”, cha trả lời ngay: “Đó là thế giới của phụ nữ, và có lẽ họ cần hiện diện trong Ủy ban về đời sống thánh hiến, vì khoảng 80% tu sĩ của toàn thế giới là phụ nữ”. Giám Mục Guano rất thực tế, Ngài hỏi xem những ai là người có thể mời tham dự, không ngờ cha Hring đã có cả một danh sách soạn sẵn… Công việc được tiến hành xuôi xắn, nhiều vị bảo thủ thấy họ đến tham dự nhưng đành nhắm mắt làm ngơ vì lúc này không ai dám lên tiếng bảo họ ra ngoài nữa.

NHỮNG TIẾNG NÓI ĐẦY GIÁ TRỊ

Một chuyện đùa kể rằng khi các Hồng Y và Giám Mục nhận được thư kiến nghị của các Tổ chức Phụ nữ Công Giáo lên tiếng về một số vấn đề trong Giáo Hội, các Ngài hết sức bất bình. Một cuộc họp đặc biệt được tổ chức để giải quyết vấn đề này. Nhiều ý kiến lên tiếng: “Hiển nhiên rồi, chúng ta không thể làm theo những gì họ yêu cầu, vì trong truyền thống không có chuyện này”, “Chúa Giêsu và các tông đồ là Nam giới, ngay từ đầu Giáo Hội đã được điều hành bởi người nam”, “Chúng ta không được để cho phụ nữ chen chân vào quyết định của Giáo Hội vì họ thật lắm chuyện”… Nhưng để suy nghĩ xem phải trả lời họ thế nào, chúng ta hãy cùng cầu nguyện! Và các Ngài đã đọc kinh… Kính Mừng!

Thế nhưng không phải là chuyện đùa khi nữ luật sư Gertrud Heinzelmann người Thuỵ sĩ chính thức gởi thư thỉnh cầu và phản đối vào ngày 23/05/1962, bà đại diện cho phụ nữ lên án những bài viết có quan điểm bài nữ giới và yêu cầu cho phép nữ giới tham gia vào Ủy Ban soạn thảo Công Đồng. Trong suốt thời gian Công Đồng diễn ra, bà không được tham gia nhưng luôn có mặt quanh quẩn theo dõi tin tức và tìm cách góp ý.

Bà Betsie Hollants là cựu chủ biên của một tờ báo ở Bỉ cũng cố tìm chỗ ở ngay Vatican trong suốt một số khoá họp, để mời các Giám Mục đến dùng bữa và trao đổi. Betsie quen biết nhiều Giám Mục do thời gian điều hành chương trình chuẩn bị cho các linh mục tu sĩ thừa sai Mỹ và Canada đi truyền giáo ở Mỹ Châu Latinh. Các Giám Mục Mỹ Châu Latinh thường xuyên đến căn hộ rộng rãi của Betsie, vì các Ngài gặp khó khăn khi phải xin phép để họp riêng tại Roma. Cả các vị đến từ Mỹ và Canada cũng có nhiều dịp dùng bữa tại đó. Bà còn viết thư cho nhiều Bề trên Dòng nữ ở các nơi, và mời gọi họ hãy gởi đến Roma những nữ tu sáng giá nhất, có càng nhiều bằng cấp càng tốt (để họ không bị coi thường), có thể cho họ phụ giúp hoặc làm thư ký cho các Giám Mục, hoặc làm gì cũng được, nhờ vậy họ có thể nắm bắt những điều thật tuyệt vời đang xảy ra. Nhiều linh mục trẻ cũng làm vậy… Như thế ngoài những ai chính thức được mời, cũng có nhiều khuôn mặt phụ nữ “sáng giá” hiện diện và đóng góp phần ảnh hưởng đầy giá trị của mình. Một điều quan trọng phải khách quan nhìn nhận, là họ đều yêu mến Giáo Hội, muốn thực sự tham dự vào đời sống của Giáo Hội, và quan tâm đến những gì xảy ra trong Giáo Hội.

Nội dung của Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay “Gaudium et Spec” được nhìn cách hoàn toàn khác trước đối với nữ giới, vì khi đó họ không hiện diện trong tư cách dự thính nữa. Trong một bầu khí rất thoáng, cởi mở và tôn trọng, nữ giới được tham gia cách bình đẳng như nam giới khi làm việc nhóm, và họ dám mạnh dạn nói thẳng những suy nghĩ của mình. Những ý kiến của họ được lắng nghe và bàn thảo để đưa vào nội dung văn kiện. Do đó, cùng với giáo dân nam, các phụ nữ này được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI gọi là những “chuyên gia về cuộc sống”. Các Nghị phụ tham dự Công Đồng đã đồng ý đưa một số đề nghị của hàng giáo dân vào bản văn cuối. Với những suy nghĩ có trách nhiệm và dám can đảm nói ra các tình huống cụ thể mà chính Giáo Hội chưa có giải pháp thỏa đáng, những can thiệp cần thiết của chính “người trong cuộc” đã giúp làm sáng tỏ vấn đề. Một cách cụ thể hơn, khi được tham dự vào Ủy ban soạn thảo và các tiểu ban làm việc trong các cuộc họp tại Ariccia, nữ giới đã có những đóng góp xuất sắc trong việc chuẩn bị bản văn với những hiểu biết về thế giới theo cách nhìn của họ.

Khi họp nhóm bàn về nhân phẩm của phụ nữ và gia đình, một số Nghị phụ đã nói quá lời để đề cao phụ nữ. Bà Bellosillo xin phát biểu và thẳng thắn đề nghị các vị không được dùng những lối nói bóng bẩy khi đề cập đến nữ giới, chẳng hạn như nói họ là các bông hoa, những tia nắng… Điều đó không làm họ hãnh diện, ngược lại có vẻ xem thường, làm như thể họ không phải là con người ngang hàng với mình… Nhiều Nghị phụ rất ngạc nhiên trứơc phản ứng này, nhưng nhờ đó các nguyên tắc nền tảng được thiết lập. Các Vị ghi nhớ điều đó cả khi làm việc trên bản văn cuối của Hiến Chế Mục Vụ. Bà Bellosillo đã làm việc với cả hai tiểu ban soạn thảo (về nhân phẩm & sự bình đẳng, về hôn nhân & gia đình), và đóng góp nhiều ý kiến trong phần này. Là Chủ tịch của WUCWO (World Union of Catholic Women's Organizations), bà có nhiều thông tin về các vấn đề dân chủ, tự do, kiểm soát sinh sản, trách nhiệm trong gia đình… để đưa vào định hướng.

Rosemary Goldie là một phụ nữ Úc, xuất chúng trong các hoạt động tông đồ giáo dân, làm việc trong tiểu ban soạn thảo cùng với nhà thần học Yves Congar OP và Giám Mục Karol Wojtyla. Bà cũng hơi e dè cho biết: “Tôi là thành viên có quyền bỏ phiếu trong lúc Giám Mục Wojtyla lại không có quyền dù Ngài phát biểu rất nhiều. Vì Ngài là nhân vật được mời thêm vào để giúp tiểu ban có những thông tin về Đông Au.” Về sau một số trong họ được mời tiếp đến Roma để hoàn thành nốt công việc đã thực hiện tại Ariccia. Từ đó phụ nữ luôn có mặt cho đến ngày kết thúc Công Đồng. Vài ngày sau khi Goldie được chính thức là dự thính viên của Công Đồng, bà được nhóm các Giám Mục nói tiếng Pháp mời đến nói chuyện trong cuộc họp riêng của các Ngài. Bà trình bày quan điểm của mình, nêu ra những điểm tích cực trong lược đồ của Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay, sau đó đề cập đến những hình thức khác nhau của hoạt động tông đồ giáo dân. Sau cùng bà đưa ra một số phê phán chỉ trích mà nhiều người đã nêu lên, có thể tóm lại trong lời kết luận của một Giám Mục Canada: “Lược đồ này đã được cưu mang trong tội nguyên tổ của Chủ thuyết Giáo quyền”, và mời gọi các vị suy nghĩ thêm về vấn đề… Mãi đến năm 1978 khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I lên ngôi, bà mới có dịp đọc một lá thư đăng trong một Nhật báo Công Giáo, ở cuối có ký tên của vị Giáo Hoàng tương lai cùng với Giám Mục Vittorio Veneto và các Nghị phụ khác. Thư gởi cho vị Tuyên Uý Hiệp Hội Hoạt động của Phụ nữ Công Giáo Ý, có đoạn nói rằng “Các dự thính viên nữ giới tại Công Đồng cũng đóng vai trò tương tự như các nữ ngôn sứ trong Kinh thánh, trong số đó có bà Rosemary Goldie là một diễn giả đã nói chuyện với một nhóm Giám Mục về vấn đề liên quan đến lược đồ về giáo dân và mong muốn rằng Giáo Hội có thể bớt đi tính phụ hệ, phẩm trật và tính pháp lý…” Qua đó, chúng ta có thể thấy rằng quan điểm, cách nhìn nhận và đánh giá vấn đề của con người có thể thay đổi theo bối cảnh cụ thể để đáp ứng những nhu cầu của Giáo Hội cũng như thế giới trong những thời điểm lịch sử nhất định.

GIẢI THÍCH VỀ CHỨC NĂNG LÀM MẸ CHO CÁC GIÁM MỤC

Có những vấn đề rất nhạy cảm và khó xử, như khi Công Đồng bàn về Phẩm giá của hôn nhân và gia đình. Một quan sát viên là bà Bellosillo, Chủ tịch Liên đoàn các Tổ chức Phụ nữ thế giới WUCWO (World Union of Catholic Women's Organisations), ghi nhận rằng trước tiên các Nghị phụ né tránh thảo luận khi đề cập đến các vấn đề gia đình, đặc biệt những gì liên quan đến giới tính và kế hoạch hoá gia đình. Dần dần với các ý kiến và phản ứng của nữ giới, các vấn đề được đưa ra bàn cãi cách công khai và chính thức, từ đó chúng không còn là những vấn đề “không thể đụng tới” như trước, nhưng cần được suy tư nghiên cứu kỹ lưỡng. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI cũng phải nhìn nhận rằng các vấn đề về kiểm soát sinh sản và đời sống vợ chồng cần được suy xét vào chiều sâu.

Luz-Marie cùng với chồng là José Icazas từ Mexico đến Roma vào tháng 9/1965 với tư cách cặp vợ chồng duy nhất được mời tham dự Công Đồng. Từ 9 tháng trước, khi biết tin được mời, họ đã soạn thảo bản câu hỏi, gởi đến 36 quốc gia và thu thập được hơn 40.000 bản trả lời. Họ tổng kết lại thành 17 nội dung quan trọng. Đó là nguồn tài liệu cụ thể để Công Đồng có thể nêu ra các nhu cầu mục vụ của toàn Giáo Hội, đặc biệt cho các gia đình. Họ cũng rất lo lắng vì cảm thấy mình không có tiếng nói giữa hàng ngàn Hồng Y Giám Mục. Có 18 tiêu chuẩn đưa ra cho các quan sát viên, họ thấy mình thiếu tất cả, chẳng hạn như phải hiểu biết về thần học, nắm bắt lịch sử Giáo Hội, biết tiếng Latinh, biết tiểu sử các Nghị Phụ tham dự Công Đồng… Bù lại, họ cố gắng làm chứng tá bằng đời sống cầu nguyện, lòng hiếu khách, cố gắng học hỏi nghiên cứu thêm!

Theo lời khuyên của Betsie Hollants, họ thuê một ngôi nhà khá rộng, đưa 2 con từ Mexico đến ở để thực sự là một gia đình, và luôn mở rộng cửa tiếp đón mọi người. Các Nghị phụ ở Roma suốt 4 năm không có chỗ nào thoải mái để nghỉ ngơi khi căng thẳng, nên căn nhà của họ lúc nào cũng đông khách. Trong khoảng 3 tháng có đến hơn 1000 Nghị phụ đến thăm ngôi nhà của họ. Bầu khí gia đình thân thiện tạo tin tưởng và giúp sự trao đổi chân tình giữa các vị trở nên dễ dàng. Nhờ đó họ cũng mở rộng được hiểu biết và tầm nhìn về tất cả những gì đang xảy ra. Khi làm việc đến lược đồ số 13 phần “Giáo Hội trong thế giới hôm nay”, họ được mời chia sẻ về các vấn đề gia đình trong cuộc họp của tiểu ban soạn thảo về đời sống gia đình, sau đó được mời dự cuộc họp khoáng đại của liên tiểu ban.

Trong cuộc họp đông đảo này, khi vị Giám Mục Thư ký đọc đến phần kết luận của bản báo cáo, Luz-Marie bật cười và giơ tay xin phát biểu với sự khích lệ của chồng. Hồng Y Ottaviani làm ngơ không nhìn, nhưng vị thư ký của Ngài nhìn thấy và nói với Hồng Y. May quá, Ngài đồng ý. Luz-Marie tỏ ra bất đồng khi các vị cho rằng các hành vi của đời sống vợ chồng là xấu xa, tội lỗi và do ham muốn nhục dục. Bà khẳng định rằng khi bà cưu mang và sanh con, đó là hành động của tình yêu. Rồi bà nói với tất cả lòng kính trọng là bà tin rằng khi mẹ của các Hồng Y Giám Mục đang có mặt ở đây mang thai và sinh các ngài ra cũng là do tình yêu. Khi lời bà nói bằng tiếng Tây Ban Nha được chuyển ngữ, mặt các Hồng Y và Giám Mục đỏ lên, sau đó họ cùng cười và chăm chú nghe tiếp… Cuối cùng các Ngài đều nhìn nhận rằng mình đã không nghĩ như thế, và đồng ý với nhau mục tiêu của hôn nhân Công giáo là tình yêu. Hai vợ chồng vui mừng và thông cảm với các vị, vì các Ngài đã rời xa mái ấm gia đình hơn 40 năm rồi! (Các Ngài đều đi tu sớm và đã trên 50 cả).

SỰ HIỆN DIỆN CỦA CÁC NỮ TU

Đức Giáo Hoàng Phaolô VI loan báo ý định mời những khuôn mặt tiêu biểu của nữ giới đến dự thính trong Công Đồng như sau: “Chúng tôi tin rằng đã đến lúc các nữ tu phải được nhận nhiều vinh dự hơn và những gì họ làm sẽ hiệu quả hơn nữa”. Đó thực sự là tin giật gân cho nhiều người vì quan điểm lúc đó cho rằng các nữ tu, ngay cả thuộc Dòng hoạt động, vẫn mang dấu ấn của tinh thần khổ chế và rời bỏ thế gian. Đời tu là điều gì đó ẩn sau các bức tường hoặc làm những gì âm thầm chứ không phải đi đến những nơi đầy vinh dự! Sự hiện diện của họ nơi Công Đồng được chờ đợi chỉ là để nhìn, để nghe chứ không phải để lên tiếng, cho dù họ có là những phụ nữ lỗi lạc, đầy khả năng, đang điều hành phần lớn những hoạt động Y Tế, Giáo Dục và các Hiệp Hội Xã hội tốt nhất của thế giới. Chính Hồng Y Antoniuti, Tổng trưởng Thánh Bộ về Đời sống Thánh Hiến và tu sĩ, đã từ chối không cho phép các nữ tu được tham dự vào những cuộc thảo luận của tiểu ban bàn về đời tu. Các yêu cầu của họ được lập lại nhưng cứ bị gạt đi. Điều đáng tiếc là mãi đến 30 năm sau, trong Thượng Hội Đồng Giám Mục về Đời Sống Thánh Hiến năm 1994, các nữ tu cũng vẫn không được phép là thành viên có quyền bỏ phiếu trong Thượng Hội Đồng, vì đó là đặc quyền của các Giám Mục và Linh mục mà thôi. (Lần này có đến 20 Bề trên Cả của các Dòng nữ trong số khoảng 200 thành viên, nghĩa là chừng 10%).

Khoảng 1 tháng sau khi đến dự Công Đồng với tư cách Quan sát viên, bài nói chuyện của Nữ tu Suzanne Guillemin (Bề trên Cả Dòng Nữ tử Bác Ái) với các Giám Mục Pháp tại Roma ngày 26/10 năm 1964, đã đưa ra những khó khăn mà các nữ tu hoạt động phải đương đầu. Vấn đề sống còn của các cộng đoàn tu sĩ hôm nay là họ vừa phải trung tín với đời tu, tham gia tích cực vào sinh hoạt trong đời sống Giáo Hội, vừa phải thích nghi với thế giới hiện đại, đầy những tiến triển về khoa học kỹ thuật với nhiều vấn nạn mới. Đời sống hoạt động của người tu sĩ mang nhiều yếu tố xem ra chống lại chiều kích chiêm niệm của đời tu. Đó là một căng thẳng thực sự cho nhiều nữ tu trong Dòng. Rõ ràng là đời tu hôm nay không thể tìm an toàn giả hiệu trong những tập tục cũ như ăn chay đánh tội, vâng lời tối mặt, giữ luật theo nghĩa đen… Để có khả năng đương đầu với thách đố của thời đại, cần phải có những nỗ lực mới mẻ và cụ thể, đặc biệt liên quan đến vấn đề đào tạo và giáo dục, kỷ luật và đời sống cộng đoàn, tinh thần truyền giáo… Đó không chỉ là những nỗ lực ở bình diện cộng đoàn hoặc Hội Dòng mà phải mở ra ở bình diện quốc tế, hợp tác Liên Dòng, tập trung và tận dụng những nguồn lực, cắt giảm bớt chi phí, làm phong phú bằng các kinh nghiệm sống. Cần dẹp bỏ các rào cản cũ kỹ, mở ra những chân trời mới nhờ truyền thông, nhắm đến sự hoàn thành nhân vị và nỗ lực truyền giáo. Những trăn trở của Sr. Guillemin được diễn tả qua những lời mạnh mẽ chân thành có âm hưởng đáng kể nơi các Giám Mục Pháp tham dự Công Đồng.

Nữ tu Jerome Maria Chimy Bề trên Cả Dòng SSMI (Sisters Servants of Mary Immaculate) nói về khả năng sống uyển chuyển và sự nhạy bén cởi mở cần có đối với những nữ tu sống trong những tình huống đặc biệt. Đó là kinh nghiệm bản thân khi Chị Chimy đến thăm các cộng đoàn trong các nước Xã hội Chủ Nghĩa Đông Âu, nơi các chị em có đời sống chứng tá thật đẹp dù họ không mặc tu phục. Chỉ cần lòng tốt, sự hiểu biết và tự do giúp đem lại kết quả tốt đẹp. Nữ tu Mary Luke Tobin Bề trên Dòng Chị em Lorretto được xem là người “ngồi không yên”, dám đi lén vào Đền thờ thánh Phêrô đưa tấm hình mẫu về kiểu tu phục mới cho Hồng Y Antoniuti xem để xin chuẩn y. Nữ tu Tobin kể lại rằng mỗi lần nghĩ đến tên của Hồng Y Antoniuti, Tổng trưởng Thánh Bộ về Đời sống Thánh Hiến và tu sĩ, thì Bà liền thấy ngay cảnh Ngài đang chỉ thị từng chút cho mình: “Làm thế này, thế này… Tôi không muốn có bất cứ điều gì đi ngược với Giáo Hội.” Khi Tobin đưa tấm hình cho Ngài xem, Ngài lấy bút vẽ lên hình: tay áo phải dài xuống, lúp phải che hết tóc, váy phải dài chấm đất…

Cho đến những phần làm việc cuối của Sắc Lệnh Đức Ái Hoàn Hảo về Canh Tân Thích Nghi Đời Sống Dòng Tu (Perfectae Caritatis), 10 nữ tu “dự thính viên” không được nhìn bản văn trước khi ban hành chứ đừng nói đến việc tham gia chấp bút và đúc kết. Các nữ tu đã “gõ cửa” nhiều lần nhưng Hồng Y Antoniuti nhất định không mở. Và khi cửa chính không mở họ phải tìm cách đi cửa sau hoặc lối vòng, họ đã tìm cách ảnh hưởng gián tiếp qua Đức Giáo Hoàng và các Giám Mục trong các Ủy ban soạn thảo. Nữ tu Constantina Baldinucci Dòng Thánh Tâm là Đại diện cho các Dòng Tu của nước Ý, đã nhờ Đức Ông Magee xin phép Đức Giáo Hoàng cho họ được viết các vấn đề của họ ra và trình lên Công Đồng, và Đức Giáo Hoàng đồng ý. Từ đó chị Baldinucci thu thập viết lại những kiến nghị cũng như các vấn đề và những mong đợi của các đại biểu nữ tu từ nhiều quốc gia. Bản văn này được gởi đến cho Đức Giáo Hoàng và đã được đọc trước Công Đồng. Sau này nhiều Giám Mục đã nói rằng nhờ đó họ ý thức hơn nhiều về các vấn đề và những mối quan tâm của các nữ tu.

ĐỂ KẾT

Còn nhiều chuyện khác có thể kể đến về nhiều đóng góp của nữ giới, không chỉ trong các Khóa họp mà cả những ảnh hưởng rộng lớn về sau trên nhiều bình diện. Tuy nhiên không phải tất cả những cố gắng và đóng góp của nữ giới đều được nhìn nhận từ phía những Nghị Phụ tham dự Công Đồng lẫn mọi thành phần trong Giáo Hội. Chính những người nữ được mời cũng gặp nhiều khó khăn thách đố trong cách đối xử phân biệt, những tránh né dị nghị và nhiều phiền toái mà họ cần phải cố gắng để vượt qua. Nữ giới vẫn được tiếng là giỏi chịu đựng mà! Thế nhưng sự hiện diện của Nữ giới trong Công Đồng Vatican II đã mở ra một trang lịch sử mới.

Cảm tạ Chúa đã ban cho Giáo Hội Công Đồng Vatican II, như một món quà quý giá trong lịch sử cận đại. Công Đồng mở ra một trang sử mới mà cả những người nam và nữ đều có quyền đóng góp trong nhiều lãnh vực khác nhau của đời sống Giáo Hội. Chính Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI là người đã tham dự Công Đồng, cũng lên tiếng với toàn Giáo Hội: “Điều làm cho Giáo Hội bị tổn thương trong những thập niên hậu Vatican II không phải vì Công Đồng đả xảy ra, nhưng là vì sự từ chối không chấp nhận Công Đồng”. Ngài cũng tuyên bố rằng những văn kiện của Công Đồng Vatican II chính là “la bàn” định hướng cho triều đại Giáo Hoàng của Ngài. Vatican II thực sự đã tiếp một luồng sinh khí mới vào đời sống Giáo Hội, mở ra những hướng đi mới đầy sáng tạo trong các lãnh vực phụng vụ, đại kết, truyền giáo, đời sống niềm tin, cũng như các hoạt động xã hội, giáo dục, y tế, truyền thông… trên toàn thế giới. Ước mong rằng mọi thành phần trong Giáo Hội có những cố gắng mới để tái khám phá lại Công Đồng với những giá trị vẫn hợp thời, và đào sâu, mở rộng những áp dụng sáng tạo cho bối cảnh đặc thù của Giáo Hội tại địa phương của mình.

Manila tháng 10/2005.

Sr. Ngọc Lan, fmm.


VỀ MỤC LỤC
THAM LAM - QUẢNG ĐẠI (BÀI 2)
 

Tiền bạc - mồi đe doạ truyền kiếp

Aristotle cho rằng, tiền bạc chỉ là phương tiện hữu ích, nó chỉ có giá trị khi ta dùng nó để giúp ta đạt được những điều khác.

Thời xưa, các ẩn sỉ ra chợ bán hàng và dùng tiền để mua bánh mì. Nếu tiền còn dư, họ sẽ cho người nghèo hết, vì họ sợ rằng, mang tiền về sẽ làm cho họ hằng ngày bận tâm tới việc cất giữ chúng; và nguy hiểm hơn chính là họ dần dần đặt sự an toàn của mình vào số tiền trong kho đó thay vì là Chúa.

“Đam mê tiền của là cội rể của mọi sự dữ” (I Tim 6:10). Giàu có không phải là tội, nhưng để tiền của làm chủ đích mọi suy nghĩ và hành động của mình là điều dễ dẫn ta tới tội. Mối nguy hiểm chính là khi ta có nhiều tiền bạc, ta dễ bị đánh lừa và nhận thức sai lầm rằng: Tiền bạc có thể ban cho ta có mọi thứ ta muốn mà không cần Chúa.[1] Nhưng thực ra, tài khoản trong nhà băng, dù nhiều đến bao nhiêu cũng không thể mua được bình an, công bằng, và tự tại. Như thế, tham lam cũng được cho là gốc của các loại tội vì nó rất gần với kêu ngạo – muốn làm chủ đời mình mà không cần Thiên Chúa. Mình muốn dùng những phương tiện vật chất để đảm bảo lấy trách nhiệm cuộc sống của mình và gạt Chúa ra khỏi đời mình - không lệ thuộc vào Đấng Tạo Hóa nữa, đó là một khuôn mặt mới của tội kêu ngạo.

Nhưng thực ra, theo Beothius, “Chúng ta càng sở hữu tiền của bao nhiêu, thì chúng ta cũng mất nhiều thời gian, sức lực, và tiền của bấy nhiêu để bảo vệ chúng.”[2] Như thế, sự giàu sang không làm cho ta nên giàu có, mà làm cho ta thêm héo khô, lo lắng, và bất an. Một ẩn sĩ đã tâm sự rằng, “Một tu sĩ với nhiều tiền của sẽ như một con thuyền nặng nề dễ dàng bị chìm trong cơn bão tố.”[3]

* * *

Chàng thanh niên trong Tin Mừng đã chạy đến Chúa Giêsu để hỏi xem làm thế nào để được hưởng sự sống đời đời (x. Mt 19:17). Ngoài vấn đề giữ lề luật ra, Đức Giêsu đánh thẳng vào tâm điểm của ơn gọi làm môn đệ khi Ngài mời gọi anh ta bán tất cả của cải mình có, bố thí cho người nghèo, và theo Ngài (x. Mt 19:22). Cốt lõi của vấn đề chính là từ bỏ chính mình, đặt cuộc đời mình trong tay Chúa, và liều thân theo Chúa với phận nghèo.

Tin Mừng thuật lại người thanh niên đã giữ nhiều lề luật trong Mười Điều Răn, (chớ giết người, chớ ngoại tình, chở trộm cắp, chớ làm chứng dối, thảo kính cha mẹ, yêu người thân cận; ở đây, anh ta không nói đến lề luật “chớ tham tham”). Rõ ràng, “Khi đối diện với luật hoàn hảo của Thiên Chúa, anh ta buộc phải đối diện với điều luật ‘chớ tham lam’ (Ex 20:17).”[4] Tham lam, tôn sùng của cải là cản trở lớn nhất để người thanh niên theo Chúa. Anh ta không muốn từ bỏ của cải mình để theo Chúa, là vì của cải đã trở thành điểm tựa cho đời anh; của cải trở thành “chúa” của đời anh. Buồn thay, chân lý đã có được trong tầm tay, tự do và bình an đã được ban tặng, nhưng chỉ vì quá bận tâm đến của cải trần thế, người thanh niên đã khước từ những giá trị vĩnh cửu mà chọn những giá trị tạm bợ chóng qua. Đọc tiếp Mt 19: 23-30, Phêrô cũng đặt một câu hỏi tương tự như thế, “Thưa Thầy, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, vậy chúng con sẽ được gì?” Câu trả lời là các con “Sẽ được gấp trăm ở đời này và đời sau.” Ai theo Chúa với tất cả niềm tín thác đều xác tín và cảm nghiệm lời Chúa đúng tuyệt đối.

* * *

Trong thư I Timothê 6:6-10, thánh Phaolô đã khuyên nhủ rằng, “Còn những kẻ muốn làm giàu, thì sa vào cám dỗ với cạm bẫy, và lắm đam mê ngông cuồng tai hại, mà trầm luân diệt vong, hư khốn. Vì tham tiền là cội rễ mọi sự dữ. Cầu thỏa lòng tham, thì có kẻ đã lạc xa đức tin và bị bao nỗi đớn đau xâu xé.”

Với tiền bạc sẵn có trong tay, tính tham lam sẽ có cơ hội trỗi dậy. Vì tham lam không những là mong muốn chiếm đoạt điều mình không có, nhưng còn muốn sở hữu và chiếm đoạt những thứ mà mình hoàn toàn không cần đến.

Thói quen “shopping” dường như trở thành một thói quen của nhiều người, đặc biệt tại Hoa Kỳ. Thói quen đi shopping hằng tuần ở những nơi “on sales” thực ra đó là những lần mua những hàng hóa ngoài nhu cầu cần thiết. Shopping nhiều lần như thế sẽ trở thành thói quen xấu. Vì thực ra của cải vật chất phải là phương tiện để phục vụ con người, chứ chúng không thể trở nên trung tâm đời sống chúng ta và làm cho chúng ta quá bận tâm tới việc sở hữu chúng. Quá bận tâm sỡ hữu một sự vật nào đó biểu lộ cho thấy tâm hồn ta đang ở trong tình trạng bất an, đang muốn tìm một điều gì để khỏa lấp nỗi bất an, trống vắng ấy. Và như thế, suy nghĩ về điều gì, muốn sỡ hữu điều gì, muốn trao tặng điều gì đều là những biểu hiện khác nhau của một quả tim ẩn chứa sự khao khát muốn lấp đầy và kiếm tìm để được no thỏa.

Rất nhiều gia đình đã tan vỡ cũng chỉ vì liên quan đến tiền bạc, mua sắm vật chất.

Anh A làm lụng vất vả hằng ngày; chị B lo chăm sóc con cái và đưa chúng đi học. Rảnh rỗi đôi chút, chị đọc báo thấy “on sales” ở siêu thị này, siêu thị nọ liền lên kế hoạch, trước là chỉ để xem cho biết vì rẻ, dần dần chị mua một hai món hàng thật sự rẻ - và đúng nó rất rẻ theo giá cả thị trường. Từ từ chị B có thói quen đi shopping và mua những món hàng chỉ vì thấy chúng rẻ và lý luận, “Nếu không mua thì uổng.”

Anh A tỏ ra khó chịu, cứ mỗi tuần đi làm về thấy nhiều món hàng mới lạ trong nhà mà vợ cho rằng mua chúng vì rẻ. Nào lá cái máy xay sinh tố, nào là cái thớt cắt thịt, nào là cái máy xay đậu, v.v,… “Chúng ta đã sắm đầy đủ rồi mà,” anh A lên tiếng. “Rẻ mà anh, on sales không mua thì uổng.” Cứ như thế, anh A dần nghĩ rằng vợ mình không biết quí công sức và đồng lương mình kiếm được; chị B lại cho rằng chồng mình tỏ ra keo kiệt không thương mình như xưa nữa, chỉ có mấy đồng bạc mà cũng đắn đo, cằn nhằn.

Mối bất hòa dần dần xuất hiện khi để cho tiền và vật chất chiếm chỗ trung tâm trong lối suy nghĩ của hai người; chủ đề của nhưng lần gặp gỡ chỉ là xoay quanh những món hàng và tiền bạc. Và để bảo vệ mình và lập trường của mình, anh A tìm những biện minh, lý lẽ để chứng mình rằng việc mình nói là đúng. Đồng thời, chị B cũng tìm mọi lý lẽ biện hộ để bảo vệ cái tôi của mình. Những cuộc nói chuyện của họ dần dần đi ra xa những chủ đề về con cái, gia đình, bà con, bạn hữu, nhưng thay bằng là tiền, là hàng hóa vật chất. Mối rạn nứt bắn đầu khi chị B nghĩ rằng anh A không thương mình nữa; còn anh A thì cho rằng chị B không còn biết lo cho gia đình, cho mình và cho con. Cải vã, lời qua tiếng lại, bằng mặt mà không bằng lòng,… từ từ hiện diện giữa hai người,… hạnh phúc bay xa tầm hai người.

Đối với bất cứ ai, tiền bạc vật chất có thể sẽ là một đầy tớ tốt trung tín, nhưng chúng cũng có thể là ông chủ rất tồi. Anh A không hiểu được chị B đi mua sắm chẳng qua là biểu hiện một sự thiếu hụt nào đó trong con tim, trong gia đình, chứ từ ban đầu chị B đâu có ý tiêu xài phung phí. Chị B đâu có hiểu rằng việc anh A “tính toán” đôi chút đó là một sự biểu hiện sự lo lắng cho tương lai của mình, vợ và con của mình – Nơi anh A có một chút lo âu cho gia tương lai gia đình. Nếu những cuộc trò chuyện của họ nhằm vào hai điểm này, thì chắc chắn bầu khí hạnh phúc trong gia đình sẽ phát triển tốt đẹp hơn, nhưng vì trung tâm của nhưng lần trò chuyện là tiền và vật chất, nên không lạ gì chuyện bất hòa là có thật. Như thế đó, bản chất của vấn đề là tình cảm, tình yêu chứ đâu phải vật chất tiền bạc. Nhưng nếu không hiểu nội vụ đằng sau của sự kiện, mà lại quá chú trọng đến tiền bạc trên bề mặt, người ta sẽ bị dẫn đến thảm cảnh chia lìa, đau xót ngay trong gia đình và tâm hồn mình mà chính đương sự không hay biết.

Các tác giả Tin Mừng kết luận rằng, Giuđa nộp Thầy là vì lòng tham tiền bạc. Chúa Giêsu đã dạy chúng ta rằng, “Chớ lo lắng về ngày mai…” (Mt 6:25). Quả thật, khi quá chú tâm đến của đời sống dương thế, con người sẽ đành mất hướng đi vào Nước Trời. Khi quá tích trử và gom góp cho đời sống con người, chúng ta sẽ lãng quên khả năng tích trử công đức cho đời sống vĩnh cửu. Đó chính là mối nguy hiểm lớn nhất của lòng tham.

* * *

Nhìn vào chính con người của mình chúng ta thừa nhận rằng, dường như chúng ta dễ đánh giá người khác theo tiêu chuẩn “having” (có) mà không là “being” (là), đó là dấu hiệu của sự đảo lộn trật tự trong tâm thức của con người chúng ta. Chúng ta thích làm bạn với những người có tiền của, nể vị những người chức quyền và học vị cao, trong khi chúng ta ít để ý hay quan tâm đến những người bình thường khác trong cộng đoàn và xã hội. Nhưng theo đức tin chúng ta tuyên xưng, mọi người đều là con cái Thiên Chúa và họ là anh em với nhau. Chạy theo tiêu chuẩn trần thế, ta không những coi thường phẩm giá của người khác, mà còn đánh mất căn tính Kitô của mình. Theo chân phước John Paul II, con người chạy theo cái gọi là “tiêu chuẩn cuộc sống” được hiểu là hữu dụng, có chức năng và phong phú về mặt kinh tế.[5] Với tiêu chuẩn này, con người chỉ có giá trị khi họ còn sức lao động, làm ra của cải vật chất, nếu không, họ không còn có giá trị nữa. Xét theo “tiêu chuẩn” này, các em bé và những người già yếu trở nên những “người thừa” của xã hội. Vì họ không “hữu dựng và có chức năng về mặt kinh tế.” Đến đây ta nhận định rằng, đây là sự sai lạc nghiêm trọng trong lối suy nghĩ đề cao tiền của vật chất trong đời sống và mối quan hệ. Nếu quan niệm tiền bạc lên trên giá trị con người và để cho tiền bạc điều khiển cuộc sống của mình, một ngày nào đó, không sớm thì muộn, đương sự ấy sẽ không tìm thấy “giá trị” của mình nữa; vì có lúc đời mình cũng trắng tay như một em bé mới chào đời. Chẳng lẽ khi con người trắng tay thì mình không còn giá trị?!

Tóm lại, thánh Augustino đã trải qua kinh nghiệm rong ruỗi những giá trị vật chất tạm bợ, cuối cùng cũng nhận định rằng: “Chúng ta sẽ không bào giờ có thể thỏa mãn nối khao khát về hoàn mỹ sâu thẳm trong con người của mình bằng những giá trị tạm bợ bất toàn.”[6]

Br. Huynhquảng

(còn tiếp)


[1] Cf. Aquinas, 1368-72.

[2] Loc. 1383-88.

[3] Loc. 1383-88.

[4] Warren W. Wiersbe, Wiersbe's Expository Outlines on the New Testament, 71-72 (Wheaton, Ill.: Victor Books, 1997).

[5] Cf. Loc. 1358-63.

[6] Loc. 1388-93.

VỀ MỤC LỤC
Luật giết chết hay cứu sống

Nguyên tác: Taking Flight - Bay Lên Đi

Tác giả: Anthony de Mello, S.J.

Chuyển ngữ: Lm. Minh Anh (Gp. Huế)

 

Chỉ dẫn:

Tốt nhất, các câu chuyện sẽ được đọc theo thứ tự như đã sắp xếp. Mỗi lần đọc không quá một hoặc hai mẩu chuyện nếu bạn ước ao có được một cái gì đó hơn là chỉ giải trí.

 

Lưu ý:

Các chuyện kể trong tập sách này đến từ nhiều đất nước, nhiều nền văn hoá và tôn giáo khác nhau; chúng thuộc về những di sản thiêng liêng, những câu chuyện hài hước được ưa chuộng của dòng đời nhân loại.

 

Những gì tác giả làm là xâu kết chúng lại với nhau theo một ý hướng đặc thù. Công việc của tác giả là công việc của người thợ dệt và thợ nhuộm, tác giả chẳng có công trạng gì về những tấm vải và những sợi chỉ.

 

LTS.Chỉ dẫn và lưu ý trên đây là của tác giả. Tuy nhiên, vì Đặc San GSVN chỉ phát hành 2 tuần một lần nên mỗi số báo BBT xin giới thiệu trung bình từ 5 đến 7 mẫu chuyện. Bạn đọc có thể lưu lại để nghiền ngẫm suy tư.

 

Chủ đề : TÔN GIÁO (tiếp theo)

 

106. Luật giết chết hay cứu sống

Trong một sa mạc khô cằn, cây cối thưa thớt và trái trăng hiếm hoi. Người ta nói rằng Thiên Chúa muốn bảo đảm có đủ cho mọi người, vì thế Ngài hiện ra với một tiên tri và phán, “Đây là giới răn của Ta gửi đến toàn dân và các thế hệ tương lai: không ai được phép ăn hơn một quả mỗi ngày. Hãy ghi lại điều này trong Sách Thánh. Ai vượt quá luật này sẽ bị xem là phạm tội chống lại Thiên Chúa và nhân loại”.

Luật được giữ cách trung thành hàng thế kỷ cho đến khi các nhà khoa học tìm được cách biến sa mạc thành đồng xanh. Vùng quê trở nên trù phú lúa thóc và vật nuôi. Các cây trĩu nặng trái vì hái không xuể. Nhưng luật cấm hái vẫn tiếp tục được củng cố bởi chính quyền dân sự và tôn giáo.

Ai để trái cây rơi rụng và thối rữa trong vườn sẽ bị kết án là phạm thượng và là kẻ thù của tôn giáo. Ai đặt vấn đề về sự khôn ngoan trong Thánh Ngôn của Thiên Chúa lại bị cho là không được hướng dẫn bởi tinh thần đáng tự hào của niềm tin và sự phục tùng mà chỉ qua đó Chân lý mới có thể được đón nhận.

Ở các nhà thờ, người ta thường nghe những bài giảng về cái chết bất hạnh của những người không giữ luật; nhưng lại chẳng hề nghe nói tới vô số những kẻ đã chết bất hạnh mặc dầu họ đã chẳng phạm luật; cũng chẳng thấy nhắc tới số lớn những người đã trở nên giàu có cả khi đã phạm luật.

Không cách nào để có thể thay đổi giới luật đó được, vì nhà tiên tri, người tự cho mình nhận luật đó từ Thiên Chúa, đã chết từ lâu. Lẽ ra ông phải giàu can đảm và lương tri để thay đổi điều cấm kỵ đó, bởi hoàn cảnh đã thay đổi; hơn nữa, ông nhận luật này từ Thiên Chúa không phải để tôn thờ, nhưng để mưu cầu phúc lợi cho nhân dân.

Vì thế, một số người công khai chế giễu luật, Thiên Chúa và tôn giáo. Số khác bí mật phạm luật và luôn có cảm giác sai trái. Số lớn khác bám chắc vào luật và đi đến chỗ nghĩ mình là thánh thiện chỉ vì họ đã bám vào một tập tục vô nghĩa và lỗi thời mà họ quá sợ hãi đến nỗi không thể vứt bỏ.

ڰ

107. Không sợ

Luật được tuân giữ giữa những người thực sự sùng đạo. Nhưng người ta không sợ luật…

“Anh làm gì để sống?”, bà kia hỏi một chàng trai tại buổi tiệc rượu. “Tôi là lính nhảy dù”.

“Làm lính nhảy dù thì thật kinh khủng”, bà ấy nói.

“Ồ, có những khoảnh khắc đáng sợ”.

“Hãy kể cho tôi nghe về khoảnh khắc khủng khiếp nhất của anh”.

“Ồ”, lính nhảy dù đáp, “Tôi nghĩ đó là lúc tôi đáp xuống trên một bãi cỏ, nơi có một tấm bảng ghi ‘Đừng dẫm lên cỏ’”.

ڰ

108. Luật ấn định như vậy!

… cũng không tôn trọng…

Một sĩ quan hỏi nhóm tân binh tại sao người ta lại làm báng súng bằng gỗ cây hồ đào.

“Bởi vì nó nặng hơn những loại gỗ khác”, một tân binh trả lời.

“Sai”, trung sĩ đáp.

“Vì nó dẽo hơn”.

“Cũng sai”.

“Bởi vì nó bóng hơn các gỗ khác”.

“Thế thì chắc chắn là còn nhiều điều mà các bạn phải học đấy. Cây hồ đào được dùng làm báng súng chỉ vì một lý do duy nhất, đó là đã có luật ấn định như vậy!”.

ڰ

109. Luật đường sắt

… cũng không được tuyệt đối hóa…

Một nhân viên đường sắt tường thuật một vụ giết người trên xe lửa theo những lời lẽ sau: “Kẻ sát nhân đi vào khoang tàu từ sân ga, đâm nạn nhân năm nhát chí tử rồi nhảy xuống - điều này trái với những quy định của luật đường sắt”.

Một nhà quý tộc bị chỉ trích vì thiêu rụi nhà thờ chính toà. Ông ta bảo mình thực sự ân hận, nhưng người ta đã báo nhầm cho ông như sự việc cho thấy - Đức Tổng Giám mục ở bên trong!

ڰ

110. Trực hai máy

Trong một khu phố nhỏ, một người đàn ông quay số 016 để tìm thông tin danh bạ. Giọng một phụ nữ ở đầu giây kia vang lên: “Tôi xin lỗi, ông hãy quay số 015 để tìm”.

Với ông ta, dường như khi quay số 015, ông cũng nghe một giọng đó ở đầu giây bên kia. Vì thế ông bảo “Bà không phải là người phụ nữ tôi vừa trò chuyện cách đây ít lâu sao?”.

“Chính tôi”, người phụ nữ đáp. “Hôm nay tôi trực hai máy”.

ڰ

VỀ MỤC LỤC
CHÚA GIÊSU là nguyên lý của đời sống và sứ vụ ơn gọi

Lm. Micae-Phaolo Trần Minh Huy, pss.

 

BẢN THẢO

ỨNG SINH LINH MỤC HỌC & SỐNG LINH ĐẠO LINH MỤC GIÁO PHẬN

GIÁO TRÌNH TU ĐỨC LỚP THẦN II & III

ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE HÀ NỘI

2011-2012

CHƯƠNG HAI

ỨNG SINH LINH MỤC GIÁO PHẬN

HỌC VƯỢT LÊN KHỦNG HOẢNG VÀ TÁI ĐỊNH HƯỚNG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ ƠN GỌI LINH MỤC

F. LINH MỤC GIÁO PHẬN TÁI ĐỊNH HƯỚNG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ BẰNG VIỆC TÌM CHÚA HƠN LÀ CÔNG VIỆC CỦA CHÚA. (tiep theo)

 

F.4. CHÚA GIÊSU là nguyên lý của đời sống và sứ vụ ơn gọi

Việc đạt tới nhận thức rằng một mình Thiên Chúa là đủ phải vừa là điểm xuất phát vừa là đích tới. Chúng ta thường không đạt được kinh nghiệm nền tảng Chúa là Tất Cả ngay từ bước đầu tiên của ơn gọi, nhưng trong suốt hành trình được đào tạo và tự đào tạo, cũng như trong cuộc sống và sứ vụ tông đồ, nó phải được tôi luyện, rõ nét nhất vào dịp các khủng hoảng hay những thách đố lớn. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng các khủng hoảng cũng là một dữ kiện sinh tồn. Có khủng hoảng tất nhiên đòi hỏi phải có những tiêu chuẩn giải quyết: chúng ta phải mở ra với thế giới đang đổi thay, nhưng phải tránh cơn cám dỗ khuôn đúc theo thế giới này, đồng thời phải chuyển tải cái nhân Phúc Âm đến cho một thế giới đang thực sự cần nó, để nó biến đổi thế giới. Cái nhân Phúc Âm này không phải là một giáo thuyết mà là một con người: Đức Giêsu Kitô. 

Ở bình diện cộng đoàn lẫn ở bình diện cá nhân, chúng ta phải đi gấp tới việc thanh tẩy các động lực của mình. Cần phải nhớ rằng trước Công đồng Vaticanô II người ta đã nhấn mạnh các viễn ảnh đạo đức và luân lý: bó buộc tìm kiếm sự hoàn thiện, lòng quảng đại tông đồ, yêu sách đời sống cộng đoàn. Tâm thức đó được chuyển tải trong các sách tu đức, những khảo luận về lòng đạo đức và các thủ bản tĩnh tâm. Ý niệm đó phải bị vượt quá bởi một ý niệm khác có tính chất Kinh Thánh hơn và đăt trọng tâm nơi Chúa Giêsu. Đặt trọng tâm nơi Chúa Giêsu, “Đấng vẫn là một hôm qua, hôm nay và mãi mãi”[403] là cốt lõi. Đặt trọng tâm nơi Thầy Chí Thánh là cách thế duy nhất để trở nên người môn đệ truyền giáo hầu muôn dân có sự sống trong Ngài.

Sự qui chiếu về Chúa Giêsu phải là tuyệt đối:

Đôi lúc Chúa gửi đến cho tôi những khoảnh khắc bình an, trong những khoảnh khắc ấy, tôi yêu và cảm nhận tôi được yêu. Chính trong những khoảnh khắc ấy, tôi đã sáng tác một bản tuyên xưng đức tin, trong đó mọi sự thật rõ ràng và thánh thiêng. Bản tuyên xưng này rất giản dị như thế này: Tôi tin rằng không có gì đẹp hơn, không có gì sâu xa hơn, không có gì thiện cảm hơn, không có gì hữu lý hơn, không có gì mạnh mẽ hơn, và không có gì hoàn hảo hơn Chúa Kitô. Và tôi tự nhủ với một tình yêu ganh tỵ rằng chẳng có gì hiện hữu và chẳng có gì có thể tồn tại, ngay cả khi một ai đó chứng minh cho tôi rằng Chúa Kitô ở ngoài chân lý và chân lý không ở trong Ngài thì tôi cũng sẽ chọn ở lại với Chúa Kitô thay vì ở lại với cái chân lý được giả thiết đó” (Dostoievski). 

Trong cùng ý hướng ấy, thánh Patrice viết: “Chúa Kitô ở với tôi, Chúa Kitô ở trong tôi, Chúa Kitô ở đàng sau lưng tôi, Chúa Kitô ở đàng trước mặt tôi, Chúa Kitô ở bên cạnh tôi, Chúa Kitô đến nắm lấy tôi, Chúa Kitô đến an ủi tôi, Chúa Kitô đến bổ sức cho tôi, Chúa Kitô ở bên dưới chân tôi, Chúa Kitô ở bên trên đầu tôi, Chúa Kitô ở trong sự bình tâm, Chúa Kitô ở trong hiểm nguy, Chúa Kitô ở trong trái tim của những người yêu mến tôi. Chúa Kitô ở nơi môi miệng của bạn hữu cũng như của người xa lạ.”  

Và thánh Vinh sơn đệ Phaolô viết: “Bạn hãy nhớ rằng chúng ta sống trong Chúa Kitô nhờ cái chết của Chúa Kitô, và chúng ta phải chết trong Chúa Kitô để được sự sống của Chúa Kitô, đời sống chúng ta phải được giấu ẩn trong Chúa Kitô và tràn đầy Chúa Kitô, và để chết như Chúa Kitô thì phải sống như Chúa Kitô.”  

Trong khi thánh Gioan Tiền Hô ước muốn “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải bé đi” thì thánh Phaolô xác tín: “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi thì nay vì Đức Kitô tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả moi sự là thiệt thòi so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi” (Pl 3,7-8a) vì từ nay “Tôi sống, nhưng không còn là tôi sống nữa, mà là Chúa Kitô sống trong tôi.”

F.5 NGẮM NHÌN CHÚA GIÊSU SỐNG LẠI

Cùng với Đức Mẹ, chúng ta hãy xin ơn cảm nhận sâu xa niềm vui mãnh liệt của Chúa Sống Lại. Đây cũng là một khía cạnh quan trọng của việc vượt lên khủng hoảng để tái định hướng đời sống và sứ vụ ơn gọi của chúng ta.

F.5.1. Nhận định về ý nghĩa Phục Sinh:

Việc cảm nhận được niềm vui của Chúa Phục Sinh giúp chúng ta có đủ nghị lực để sống trọn kế hoạch của Chúa trong mọi cảnh huống vui buồn, thành công cũng như thất bại, sung sướng cũng như khổ đau, tức là để tôi luyện quyết tâm sống theo thánh ý Chúa,[404] phấn khởi, lòng đầy hy vọng, ngẩng cao đầu, đưa mắt nhìn về cuộc sống đời đời, cậy trông kiên vững rằng “Một khi cùng chịu đau khổ với Chúa Kitô, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Ngài.[405]

Đường Thánh giá là đường đi, không phải là nơi đến: nếu cứ bám chặt vào cõi đời tạm bợ này tưởng như sẽ ăn đời ở kiếp trong trần gian này, thì sẽ tưởng khổ đau đời này là bất tận, và làm thế là tự hại mình, tự chuốc khổ cho chính mình. Niềm vui Chúa sống lại là niềm vui ơn cứu độ do Chúa ban,[406] qua can trường chiến đấu và sẽ mang lại sức mạnh và nghị lực tông đồ. Lý do để vui mừng là siêu nhiên vì Chúa đã sống lại và đã chiến thắng thế gian (Ga 16,33). Ngài không để chúng ta mồ côi (x. Ga 14,18) mà sẽ ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế (x. Mt 28,20, và cả Ga 14,18.20): “Lòng anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14,1). 

Sự biến đổi nhờ Chúa Kitô Phục Sinh mang lại: Các môn đồ lòng đầy hoan hỷ (Lc 24,52; Ga 20,20); hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu (Cv 5,40-42); cùng đau khổ cùng hưởng vinh quang, đau khổ đời này không sánh được với hạnh phúc, vinh quang đời sau (Rm 8,14-30); trong Chúa Kitô, khó nhọc không vô ích (1 Cr 15,54-58); cố chạy để đoạt giải và hy vọng sống lại (Pl 3,7-16). Người tông đồ tìm thấy niềm vui (Pl 4,4-5); làm được tất cả trong Đấng ban sức mạnh cho (Pl 4,13) và phúc thay ai cùng chịu đau khổ với Đức Kitô (1 Pr 4,12-19). 

Thiên Chúa làm việc không ngừng qua hoạt động mạnh mẽ vô hình của Thần Khí, bất chấp cảnh sự ác đang hoành hành trong thế gian,[407] và ngay cả trong Giáo Hội nữa.[408] Nhờ ơn cứu độ đưa đến sự sống đời đời, ta có được khả năng vô song với không biết bao phương tiện dồi dào [Lời Chúa, các bí tích, cầu nguyện, kinh nghiệm khôn ngoan của Hội Thánh và các thánh, cũng như các chức năng và tác vụ trong Giáo Hội, v.v.] để hợp tác và tiếp nối công trình cứu độ phổ quát của Chúa Kitô. Chúa Kitô Phục Sinh cho ta nhận thấy ơn cứu độ đã được ban sung mãn cho hết mọi người, tuôn trào dồi dào xuống trên toàn thể nhân loại, trên toàn bộ vũ trụ... Mãnh lực phục sinh biến đổi hẳn ý nghĩa của đau khổ, bệnh tật và sự chết. Trong Chúa Kitô Phục Sinh, khổ đau và chết chóc trở thành khí giới đánh bại tội lỗi (Rm 8,2) mang lại công đức cứu độ cho chính mình và cho người khác.

Mừng Mầu nhiệm Phục Sinh là sống niềm vui có được mãnh lực cứu độ ấy hoạt động hằng giây hằng phút trong chính con người và cuộc sống của mình, của nhân loại... qua việc kết hợp với Chúa Kitô (Gl 2,20) như nhành nho kết vào thân nho, như bóng đèn nối với dòng điện… Dù có bệnh tật, tuổi tác già nua thế nào đi nữa, mọi người đều hữu ích cho Giáo hội và nhân loại, đều có ảnh hưởng tông đồ ở khắp nơi: trong Chúa Kitô, không một ai là vô dụng cả! (x. 1Cr 13).  

Như vậy, tự bản chất, người tông đồ thực thụ sống trọn niềm vui thiêng liêng, vì có Chúa ngự trong lòng, có một niềm hy vọng lớn lao, có sứ mạng sống và loan báo Tin Mừng.[409] Niềm vui nỗi buồn của người tông đồ đích thực được xác định là vui vì có ơn thánh sủng, ưu phiền vì mất ơn thánh sủng (2 Cr 7, 9-11). Và phương thế để tạo lại niềm vui là thống hối trở về qua bí tích hòa giải (niềm vui căn bản và bình an thực sự trong tâm hồn),[410] để được nên trọn hảo như Cha trên trời là Đấng trọn hảo: « Trồng cây cũng muốn cây xanh, nào ai lại muốn để cành xơ rơ », Chúa muốn chúng ta sống trọn thánh ý và kế hoạch của Chúa, nên Ngài gửi đến cho chúng ta những phương tiện khó để khổ luyện nên thánh,[411] vì những khổ đau thử thách trong Chúa Kitô Phục Sinh trở thành khí giới đánh bại tội lỗi, mang lại công đức cứu độ (lửa thử vàng, gian nan thử đức: 1Cr 9, 24-27; Dt 12,1-4; Gc 1,2-4; 2 Cr 4,17-18; Rm 8,18).

F.5.2. Hình dung và sống biến cố Phục Sinh

F.5.2a Với Đức Mẹ[412]

Dù thử thách đau khổ với Con (bị bán nộp, bị chối bỏ, trốn chạy…), Mẹ vẫn một niềm tin yêu trông cậy kiên vững, từ chiều thứ sáu cho đến tối thứ bảy: Mẹ hồi tưởng lại cả cuộc đời đầy khổ đau của Con suốt con đường thánh giá kéo dài 33 năm! Từ tối ngày sabbath đến sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần: Mẹ hướng về tương lai với niềm xác tín sâu xa Chúa sẽ sống lại, nhưng chắc chắn không phải như con bà góa Naim hay như Ladarô... Rồi hình ảnh Chúa Giêsu trong đầu Đức Mẹ bỗng rõ dần: Mẹ ơi, Con đây! Niềm vui bừng lên trong đôi mắt nhìn nhau, Mẹ Con chuyện trò thân mật, Chúa Giêsu đưa cho Mẹ xem các dấu thánh vinh quang... rồi cám ơn Mẹ đã hợp tác đắc lực trong công cuộc cứu độ, đặc biệt kể từ lúc Truyền tin, và từng bước cho đến dưới chân thánh giá; Mẹ cám ơn Chúa Cha, Con và Chúa Thánh Linh đã cứu độ Mẹ, đã cho Mẹ được vinh dự hợp tác với Con vào trong một công trình cứu độ hết sức lớn lao như thế... Hân hoan, lòng tràn ngập tâm tình tạ ơn. Chúa Giêsu trình bày cho Mẹ những gì sẽ diễn ra trong thời gian sắp tới: hiện ra an ủi, củng cố các tông đồ trong 40 ngày; sau đó về trời và phái Thánh Thần đến; nhờ Mẹ chuẩn bị cho các tông đồ đón nhận Thánh Thần... Mẹ ở lại một thời gian với Giáo hội sơ khai, rồi sau đó sẽ được đưa lên trời cả hồn cả xác... Mẹ vâng theo tất cả những gì Thiên Chúa muốn, và dù rất hạnh phúc có Con bên cạnh, Mẹ muốn hy sinh, chia sẻ cho người khác, nên nhắc Con đi gặp các môn đồ đang cần được an ủi, củng cố.

F.5.2b Với bà Maria Magđala và các phụ n

Lòng mến nồng cháy thúc đẩy quyết tâm, kiên trì đi tìm, nên đã được gọi đích danh, vì tình yêu thật không thể là chung chung (Mc 16,1-11; Mt 28,1-10; Lc 24,1-10; Ga 20,1-10. 14-15)... Chính tình yêu mới bắc được nhịp cầu vào trong tâm tư sâu thẳm của đôi bên, giúp hiểu được nhau, nhận ra nhau thực sự... Chúa tâm sự “Thầy lên cùng Cha” để dọn chỗ cho môn đệ và mối tương quan phải được ‘tinh thần hóa,’ gọt bỏ những gì còn ‘tình cảm’ thể lý (đừng động đến Thầy). Chúa sai Maria Magdala đi báo tin cho những chứng nhân chính thức là các tông đồ và hẹn gặp họ tại Galilêa. Gặp Chúa là phải trở nên ‘tông đồ’ tức được sai đi nói về Chúa và mang Chúa đến cho người khác.

F.5.2c Với Phêrô

Có lẽ Phêrô là tông đồ đầu tiên được gặp thấy Chúa sau khi Ngài sống lại (x. Lc 24,34). Phêrô chạy ngay ra mồ, nhưng còn bán tín bán nghi (Lc 24,12; Ga 20,3-10), bỗng Chúa Giêsu hiện đến gọi tên Phêrô, ông quay lại, bốn mắt nhìn thẳng vào nhau.[413] Trong ánh nhìn ưu ái, thân thương của Chúa Giêsu, Phêrô không chút mặc cảm, dù đó là lần đầu tiên gặp lại Thầy sau khi chối Thầy ba lần, và lòng Phêrô tràn ngập niềm vui, tất cả nay đang sống dậy mãnh liệt mở rộng lòng, Phêrô đón nhận nghị lực, sức sống, suốt đời Phêrô giữ kỹ sâu trong con tim, kỷ niệm về ánh nhìn của Thầy trong cuộc hiện ra lần đầu với mình sau khi sống lại, nhất là những lúc gặp khó khăn...

F.5.2d Với hai môn đệ đi Emmau

Có hai điều ta không nên bắt chước: buồn bã, mất hết hy vọng, bỏ cộng đoàn anh em mà đi tìm an ủi chỗ khác (Lc 24,13-35), người khác, ‘trốn’ vào công việc khác không thuộc bổn phận của mình; sao lại bỏ đi mà không chờ đợi, bàn hỏi. Và hai điều nên bắt chước: hai người cùng đi, chia sẻ, nâng đỡ nhau, vẫn nghĩ về Chúa Giêsu, vẫn trao đổi về Kinh Thánh, vẫn cầu nguyện dù khô khan. Chúa Giêsu ‘đi theo’ hai ông, không ép buộc chấp nhận, kiên nhẫn, nhẹ nhàng và tế nhị chuẩn bị tâm lý, tinh thần, lắng nghe và cặn kẽ giải thích, dạy cho hiểu ý nghĩa của thánh giá, của đau khổ, truyền thông ánh sáng, sức cảm hóa và nhiệt tâm, truyền ‘công lực’ rồi tôn trọng tự do, đợi chờ đương sự hợp tác. Khi có Chúa cùng đi, lòng họ bừng cháy, họ nài ép ‘Xin mời ông ở lại...’ Qua một cử chỉ bẻ bánh quen thuộc, họ đã nhận ra Chúa, tin tưởng, hy vọng, niềm vui, nhiệt huyết đã sống dậy, họ đi trở về ngay trong đêm loan báo tin vui. Với Thánh Lễ, Chúa Giêsu luôn cùng đi bên cạnh chúng ta trong cuộc sống và công việc hằng ngày: hiện diện thân mật, ưu ái, đỡ nâng, ủi an...

 F.5.2e Với các tông đồ

Chúa Giêsu Phục Sinh đã hiện ra với các tông đồ lần thứ nhất không có Tôma, nhưng lần thứ hai có Tôma (Lc 24,36-49; Ga 20, 19-29). Bất chấp những yếu đuối và lầm lỗi (chối, trốn chạy, ngờ vực) của các ông, Ngài vẫn yêu thương họ với một tình thương bao la, kiên nhẫn, tế nhị tế nhị và trung thành. Ngài tìm đến với họ trong tình thân thương (“Có gì ăn không?”), trước sau như một, trao ban bình an, niềm vui, sứ mạng, Thần Khí, quyền năng tha thứ. Chúa vẫn hiện diện giữa Giáo Hội mọi thời trong cùng một cung cách. Thầy trò thân mật trao đổi với nhau nhiều điều: Chúa giải thích, cắt nghĩa về sứ mạng đi đến tận cùng trái đất, về sự phải bị xử tệ, bị bắt bớ, giết hại, cũng như về niềm vui và vững tin vì “Thầy đã thắng thế gian!” “Thầy không bỏ các con mồ côi, Thầy sẽ ở với các con mọi ngày cho đến tận thế!” “Thầy sẽ ban Đấng An Ủi đến giải thích cho các con biết và hiểu chân lý toàn vẹn.” “Hãy ở lại trong Thầy. Hãy yêu thương nhau! Bình an cho các con!” v.v…  

Ông tổ của những người hoài nghi, duy thực chứng là Tôma Điđimô không thấy thì không tin. “Phúc cho ai không thấy mà tin!” Chúa Giêsu không ruồng bỏ một ai, một thứ tính tình nào, dù khó khăn, đòi hỏi bao nhiêu, Ngài vẫn chiều, thích nghi, một lúc nào đó, bằng một cách nào đó, không bao giờ thất vọng đối với bất cứ một ai, Ngài quyền năng và nhân hậu..., nhưng tất cả đó cũng là niềm vui, niềm vinh dự, niềm hứng khởi, niềm lạc quan của chúng ta bây giờ là kẻ có lòng tin!

 F.5.2f Với bảy tông đồ bên bờ hồ Galilê

Chúa hẹn họ về Galilê, trở lại với cuộc sống thực tế, với kế sinh nhai, giữa những bổn phận thiêng liêng và trần thế, phải đạp đất cho chắc để lấy đà mà lên trời, làm việc với sáng kiến, có trật tự, trong tinh thần đoàn kết, đồng tâm nhất trí, nắm tay nhau; có thất bại mỏi mệt vẫn không quản ngại, tiếp tục kiên trì (Ga 21, 1-23)... Chúa luôn đi bên cạnh, khi ẩn khi hiện, nhìn qua lòng tin yêu giữa cuộc sống, giữ tư thế lắng nghe (thinh lặng, cầu nguyện...) Ngài lên tiếng, chỉ giáo, dù đôi lúc xem ra táo bạo, khác với ‘khôn ngoan’ thế tục (đánh lưới lúc trời đã sáng!). Nhưng sự thành công cách lạ giúp họ dễ nhận ra Chúa (“Thầy đó!”), thêm tin yêu, thân mật, xác tín, hăng say, hào hứng giữa những bổn phận hằng ngày (tìm và gặp Chúa trong mọi sự). Chúa tế nhị lưu ý đến cả nhu cầu vật chất, thể lý. Ngài vẫn khiêm tốn ‘phục vụ” (nướng sẵn cá và bánh) để nuôi dưỡng bổ sức cho họ. Dù họ có bội phản, trốn tránh, Ngài vẫn tiếp tục kiên trì kêu mời về lại với tình yêu thương, là sức mạnh vô song đem lại nghị lực hầu vượt thắng tất cả trên hành trình đường đời dù có chông gai đến mấy, hầu kiên trì phục vụ tha nhân theo cương vị của mình. 

Giáo Hội và mỗi người chúng ta sống giữa lòng trần thế, giữa dòng lịch sử vẫn luôn có Chúa Giêsu, tuy vô hình, hằng hiện diện bên cạnh để âm thầm đỡ nâng. Sáng kiến và chỉ đạo từ Phêrô, các tông đồ tán thành và cùng hoạt động theo tinh thần đoàn kết, cộng đoàn... [trong Giáo hội, Đức Giáo Hoàng đứng đầu, chỉ đạo, đề xướng sáng kiến và làm việc theo phương thức và tinh thần tập thể tông đồ đoàn, giám mục đoàn]. Các ông đánh cá suốt đêm mà không bắt được gì: gặp thử thách nhưng đoàn kết, hợp tác, kiên trì dưới sự chỉ đạo của Phêrô [sứ mạng và sinh hoạt của Giáo hội cũng tiến hành trong cách thức tương tự]. Chúa Giêsu hiện đến đứng trên bờ, bên cạnh cộng đoàn chịu thử thách, nhưng biết lắng nghe để nhận ra và làm theo lời chỉ bảo của Chúa [đó là hình ảnh sinh động của cuộc sống nhiệm thể Chúa Kitô]. Nhờ vâng lời, các ông đã thành công với Chúa: mẻ cá lớn [với sức mạnh của Chúa, Giáo hội đón nhận hết mọi người không phân biệt, phổ quát: lưới không rách.[414]  

Dấu chỉ giúp nhận ra Chúa: Gioan càng thân thiết thì càng nhanh nhận ra Chúa. Phêrô nhảy ào xuống biển đi đến với Thầy (kẻ trên người dưới trong Giáo Hội phải dùng đoàn sủng của mình mà giúp nhau nhận ra Chúa, ý Chúa và mau mắn đến với Người). Chúa Giêsu thấy trước nhu cầu, nên ân cần chăm sóc, lo cả đến phần xác (dọn bữa), tế nhị lưu tâm đến công sức của các môn đồ (“hãy đem ít cá mới bắt được tới đây”). Chúa nuôi sống Giáo hội bằng chính Thánh Thể của Ngài trong tình thương hiệp nhất. Giáo Hội mãi mãi quây quần với nhau trong bầu khí đó. 

Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Phêrô chính thức củng cố quyền bính của Phêrô trước mặt ‘nhóm tông đồ’ qua cuộc phỏng vấn với ba câu hỏi quy trọn vào lòng mến, tương ứng với sứ vụ ba chiều kích (ngôn sứ, tư tế, chỉ đạo). Có mến Chúa đủ mới có sức để phục vụ hữu hiệu và kiên trì, nhất là trong những trạng huống khó khăn. Ba lần hỏi, ba lần trả lời: rõ ràng và chắc chắn từ hai phía, mãi mãi là như thế, bởi câu hỏi và câu trả lời kia sẽ kéo dài suốt cuộc đời tông đồ! Và Chúa Giêsu không trả lời thẳng về Gioan, mà bảo Phêrô: “Phần con, con hãy theo Thầy!” trong tin yêu và hy vọng. 

F.5.3. Chúa Giêsu lên trời – Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (Mt 28,16-20; Lc 24,50-52; Cv 1,6-11)

 F.5.3a Chúa Giêsu lên trời

Lên trời không muốn nói một nơi chốn cụ thể, nhưng là một tình trạng cho thấy là giai đoạn ‘hiện ra’ đã chấm dứt, Chúa Giêsu sẽ không hiện ra như trong bốn mươi ngày vừa qua nữa, nhưng Ngài vẫn “ở lại” với con người  trong Thánh Thể cho đến giây phút cuối cùng của thời gian: một bằng chứng khác của việc “yêu đến cùng!” Ngự bên hữu Chúa Cha, nghĩa là Chúa Giêsu đưa nhân tính, đưa con người chúng ta vào tận trong thâm cung của Thiên Chúa Ba Ngôi muôn đời! Và Ngài sẽ lại đến cốt ý nhắc nhở các tông đồ khỏi ngong ngóng chờ mong gặp lại Thầy tại Giêrusalem, Galilê hay đâu đó trong xứ Palestin, hầu để tâm chuẩn bị và mở rộng lòng đón Chúa Thánh Thần hiện xuống qua một biến cố chấn động làm cho thức tỉnh; đồng thời mới đi vào nội tâm để gặp Chúa Giêsu vì lẽ Ngài ở trong nơi sâu thẳm đó.

F.5.3b Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

Nếu các tông đồ cứ bận tâm ‘chia trí,’ trông chờ gặp cho được Thầy để đặt câu hỏi nhờ Thầy giải quyết các vấn đề thì sẽ không gặp được Thần Khí đang hiện diện bên trong; chẳng thế nên Giêsu đã nói “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em;”[415] lúc đó không còn biết hỏi ai, các tông đồ sẽ để tâm cầu nguyện, suy nghĩ, nhận định, và qua đó các vị sẽ gặp được ánh sáng của Thánh Thần, như thấy rõ trong ngày Hiện xuống, trong ‘công đồng’ Giêrusalem.[416] Có được nội tâm hóa thì đời sống thiêng liêng của chúng ta mới trưởng thành [như thở hít vào].

Vậy cuộc tử nạn, các biến cố sống lại, lên trời và hiện xuống là những giai đoạn kết chặt với nhau trong cùng một mầu nhiệm phục sinh; từ đây, không còn và không cần nhìn về một nơi chốn (Palestin...) để tìm sức mạnh trợ giúp, bởi bất cứ ở đâu các tông đồ cũng gặp được Thần Trí của Chúa Kitô, Thầy mình, vì Ngài vẫn còn ở lại trong Lời Chúa, trong bí tích, nhất là trong bí tích Thánh Thể... Và như thế, các tông đồ mới lòng đầy tin tưởng, mạnh dạn dứt khoát ra đi cho đến tận cùng trái đất để truyền rao Tin Mừng, như Thầy dấu yêu và quyền năng đã truyền bảo [như hơi thở ra].  

Đó cũng là bài học cho mỗi một kitô hữu: có được nội tâm hóa (hơi thở vào) thì đời sống thiêng liêng cá nhân mới trưởng thành, mới có sức mà tung ra (hơi thở ra) để làm tông đồ, làm chứng cho Tin Mừng ở mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh, không ngại ngùng, sợ sệt, xác tín là luôn có Thần Trí Thầy mình ở bên cạnh, lòng hướng về Trời, nơi quê thật, cố hoạt động và sống làm sao để “tên được ghi trên Trời” (Lc 10,20). Chúng ta hãy nhìn lại tổng quát, hồi tưởng lại trong ánh sáng phục sinh toàn bộ lịch sử cứu độ trên bản thân mình với tất cả ân huệ tự nhiên và siêu nhiên mà Thiên Chúa chủ ý ban cho chúng ta thừa hưởng trong Chúa Kitô:[417] những ân huệ chung: trái đất, mặt trời, trăng, sao, không gian vũ trụ, khí thở, thức ăn thức uống, áo mặc, nhà ở, gia đình, xã hội, Lời Chúa, bí tích, Giáo hội, các thánh thông công, v.v...; những ân huệ ban riêng, những biến cố xảy đến trong đời sống cá nhân mà mỗi người tự biết; không chỉ những ân huệ tạo dựng, “Chúa còn ban chính mình Ngài cho ta! Thật là tình thương vô biên! Ta nhìn kỹ, cân nhắc, thưởng thức tình yêu thương nhận được rồi suy xét về điều ta phải hiến dâng lên Ngài sao cho tương xứng với tình yêu ‘hết lòng hết sức’ của ta đối với Ngài.   

Không những ban quà, Chúa còn đến bên ta để tận tay trao quà, bởi chính Ngài “ở trong các tạo vật” và ta là đền thờ Ngài ngự, hiện diện ưu ái, thân mật... Ta suy nghĩ về bản chất tương quan, tương tác của tình yêu...[418] Không phải là quà ‘cũ’ sẵn có, mà là quà ‘mới’, sinh động, hằng hoạt động, tiếp tục ra sức ‘làm việc’: từng bước Ngài chuyền sức hiện hữu, sự sống sinh vật, sự sống động vật, sự sống trí khôn/tâm linh, và cả đời sống siêu nhiên nữa.[419] Ta phải không ngừng canh tân mỗi ngày các món quà Chúa ban để giữ cho chúng được tồn tại, luôn luôn mới, luôn luôn sinh động, mãi mãi tốt đẹp hơn phù hợp với nhu cầu của mỗi người chúng ta.[420] Chúa luôn quan phòng, hiện diện đầy năng động, yêu thương bằng hành động. Ta phải suy nghĩ để tìm cách đáp trả lại tình thương của Chúa.   

Dù nhiều thứ, và vô số loại quà, nhưng tất cả đều đến từ một Chúa duy nhất là Cha, như “tia sáng bừng phát từ mặt trời”, như “giòng nước khơi mạch từ nguồn suối” và phản ánh chính Ngài. Mọi sự phát xuất từ Chúa: thông minh đến từ thông minh vô hạn, sức mạnh đến từ sức mạnh vô biên, vẻ xinh đẹp đến từ nguồn mỹ hảo vô tận, đi lên đến nguồn gốc sinh động của tất cả, là chính Chúa. Hãy nâng tâm hồn lên, đi vào trong tình thân mật với Chúa. Hãy tìm và gặp Ngài trong mọi sự, trong chiêm niệm và trong hành động. Tóm lại, chúng ta ngắm nhìn Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh để được chia sẻ niềm hân hoan, vui mừng với Chúa sống lại, được thông dự vào sức mạnh phục sinh của Ngài trong niềm hứng khởi, sống niềm hy vọng sẽ được chung phần vinh quang mai ngày với Ngài, hầu đi đến chỗ nhận ra tầm hữu ích của đau khổ trong kế hoạch cứu độ. Niềm hân hoan, sức mạnh và niềm hy vọng ấy sẽ làm cho ta nên kiên cường trong quyết tâm thực thi trọn vẹn thánh ý Chúa.

_________

Chú thích

[403] Dt 13,8.

[404] Nhm 8,10: Ông Ét-ra còn nói với dân chúng rằng: "Anh em hãy về ăn thịt béo, uống rượu ngon và gửi phần cho những người không sẵn của ăn, vì hôm nay là ngày thánh hiến cho Chúa chúng ta. Anh em đừng buồn bã, vì niềm vui của ĐỨC CHÚA là thành trì bảo vệ anh em."

[405] Rm 8,17b; “Được chia sẻ những đau khổ của Chúa Kitô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Ngài tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỷ”

[406] Tv 50,14: “Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ...”

[407] Ga 14,1; Ga 5,17; Mt 13,24-30.36-42: “Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quảng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.”

[408] Lumen Gentium số 42.

[409] x. Pl 4,4-7; 1Pr 1,6-9; 4,12-14; Lc 1,28; Cl 2,6-7): “Một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn.

[410] Nhờ nỗ lực hồi tâm, thánh Inhaxiô đã nhận ra được nét khác biệt giữa niềm vui sâu thẳm bền vững của Chúa và cái vui hời hợt chóng thay đổi của thế gian, và nhờ đó đã trở lại, đã có được sức để bỏ tất cả lại đằng sau mà bám chặt vào Chúa suốt đời.

[411] Thử thách vì thương Kh 3,19; 1Cr 10,13 “Người không để anh em bị thử thách quá sức...”; 2 Cr 12,9 “Ơn Ta đủ cho con!”; 2 Cr 12,10 “Khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh”; Pl 4,13 “Tôi có sức chịu mọi sự, trong Đấng ban sức mạnh cho tôi”, v.v... Khổ đau còn mang chiều kích liên đới cộng đoàn vì là dịp để những người chung quanh có cơ hội thực thi bác ái, sống tình tương trợ... hầu cùng nhau nên trọn hảo.

[412] Nhiều thánh nhân và tác giả trong truyền thống Giáo hội xác tín Chúa Giêsu Phục sinh đã hiện ra đầu tiên với Đức Mẹ, nhưng sở dĩ Phúc Âm đã không ghi lại vì trình thuật các cuộc hiện ra là để làm chứng sự việc Chúa Kitô đã sống lại, mà theo pháp luật Do thái thời ấy thì lời chứng của phụ nữ không có giá trị tại tòa, lại nữa sợ tác dụng phản chứng (mẹ hát con khen, con hát mẹ vỗ tay!). Chứng tá chính thức về sự kiện Chúa Kitô sống lại là các tông đồ và quy về các ngài: “Về báo cho anh em của Thầy...” (Mt 28,10; Ga 20,17).

 

[413] Cái nhìn của Chúa Giêsu hiện ra đối với Phêrô là tất cả... không còn cần đến ngôn từ, như trong cuộc khổ nạn, từ “sân trong của dinh vị thượng tế” Chúa Giêsu đã nhìn Phêrô với ánh mắt thân thương nhắc nhở (Ga 18,15tt; Lc 22,61).

[414] Từ nhiều thế kỷ cho tới bây giờ, xem ra “lưới Giáo hội” đã và đang bị thủng vì những vụ ly khai, lẽ nào ta có thể yên tâm rửa tay như Phi­latô, để chạy tội?

[415] Ga 16,7: “Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em.”

[416] Cv 1,14: “Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện ... ”; Cv 15,5- 29: “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định...” Ga 4,21-24: “... đã đến giờ các ngươi sẽ thờ phượng Chúa Cha không phải trên núi này hay tại Giêrusalem, nhưng trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật.”

[417] Rm 8,17: “Vậy đã là con, thì chúng ta cũng là thừa kế... đồng thừa kế với Chúa Kitô”

[418] “Lạy Chúa, xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu, và trọn cả ý muốn của con, cùng hết thảy những gì con có, và những gì thuộc về con. Mọi sự ấy Chúa đã ban cho con. Lạy Chúa, con xin dâng lại Chúa hết thảy. Tất cả là của Chúa. Xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa.Chỉ xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng Chúa. Vì được như thế, là đủ cho con.”

[419] Tình Chúa thương đã nâng con người lên gần Ngài, qua 7 bậc sau đây: hữu thể (hiện hữu vô tri vô giác như vật chất: đất, đá sỏi...); sinh vật; động vật; con người tâm linh; con người siêu nhiên (với đời sống ơn thánh sủng); con người được cứu chuộc (ban lại ân sủng khi đánh mất); con người được tha thứ mãi mãi (bao giờ cũng có thể nhận lại ơn thánh sủng đánh mất vì tội trọng, nếu biết thật tình thống hối!)

[420] Rm 8,28: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người”

 

VỀ MỤC LỤC
DÙNG CẦN SA Ở THANH THIẾU NIÊN

 

Trong cuộc bầu cử chức vụ Tổng Thống Hoa kỳ cũng như Thượng Hạ Viện liên bang ngày 6 tháng 11, 2012 vừa qua, có thêm hai tiểu bang Connecticut và Massachusetts đã hợp thức việc dùng cần sa trong mục đích y học. Như vậy là hiện nay có 18 tiểu bang Hoa Kỳ và Washington D.C. cho phép dùng cần sa để trị bệnh. Trước sự việc này, nhiều bậc phụ huynh cảm thấy e ngại vì con em mình sẽ có thêm cơ hội để hút cần sa.

 

Tại nhiều quốc gia, trẻ em bắt đầu thử với cần sa ngay từ khi còn ở lớp 8, lớp 10. Trẻ em ghiền dễ đưa tới những hành động vô ý thức, những tổn thương cơ thể do tai nạn hoặc dính líu vào hành động tình dục không muốn và không an toàn. Chúng cũng hay mang vũ khí nhỏ và hay đánh lộn hơn là trẻ không dùng cần sa.

 

Sớm khám phá để hỗ trợ, cứu giúp là điều cần thiết ngõ hầu tránh được những hậu quả không tốt cả về thể xác, tâm thần và xã hội cho con trẻ

 

a- Những dấu hiệu dùng cần sa ở tuổi trẻ

 

Trẻ em dùng cần sa đều rất dễ dàng nói dối để phủ nhận có vấn đề khi cha mẹ căn vặn. Nhiều khi nói chỉ hút chứ không hít vào. Cho nên các bậc cha mẹ đều cần đề cao cảnh giác, để ý những dấu báo hiệu dùng thuốc ở con mình.

 

Dấu hiệu sớm nhất thường là thay đổi thái độ và hành động của chúng.

 

Học hành đang chăm chỉ tiến bộ, trở thành chểnh mảng, có điểm xấu, hay trốn học hoặc đi học trễ, bị đuổi; tính tình thay đổi, kém tập trung, mau quên.

 

Tác phong bất thường có thể là tự cô lập, thu mình không giao tiếp với ai, buồn rầu, cáu gắt với anh chị em trong nhà, bỏ những giải trí thường ưa thích, đôi khi ăn cắp vặt để có tiền mua thuốc.

 

Các em ăn ngủ thất thường, hay than phiền chóng mặt, mệt mỏi, bước đi không vững, mắt đỏ hoe. Nhiều em trở nên hoang tưởng, hoảng hốt một cách vô cớ. Trên quần áo, trong phòng ngủ có mùi cần sa.

 

b- Những nguy cơ đưa đến tuổi trẻ dùng cần sa

 

Hầu hết người dùng cần sa đều nói là để có cảm giác thoải mái và yêu đời. Với trẻ em thì có rất nhiều lý do khiến các em hút rồi ghiền cần sa.

 

- Nhiều em thấy người khác hút, tò mò thử coi xem sao, sau nhiều lần thấy thích rồi thành thói quen và ghiền.

 

- Có em thì bị bạn bè ép dụ hoặc tình nguyện dùng khi muốn được chấp nhận vào băng nhóm.

 

- Nhiều khi các em dùng vì sống trong gia đình có người ghiền rượu, thuốc ma túy.

 

- Các em dùng để giải tỏa buồn bực, khó khăn xảy ra trong gia đình như bố mẹ bất hòa, vắng mặt thường xuyên, tính tình bất nhất lúc khó khăn lúc buông thả.

 

- Các em gặp trở ngại trong việc học, không được hướng dẫn cho tương lai, trốn học.

 

- Có nghiên cứu cho thấy gene di truyền cũng có vai trò trong việc dùng cần sa và các thuốc khác.

 

c- Tác dụng của cần sa

 

Cần sa có tác dụng khác nhau trên cơ thể tùy theo cách dùng, có dùng chung với rượu hay các thuốc khác, nhất là có chứa nhiều hay ít hoạt chất cannabinol.

 

Có cháu sau khi dùng trở nên như mất cảm giác, tê dại. Nhưng đa số lại thấy tinh thần lên cao do đó có chuyện lạm dụng. Cháu cười nói huyên thuyên nhưng không gẫy gọn, mạch lạc. Chúng như bị thu hút bởi những cảm giác, âm thanh, mùi vị thông thường và thấy những sự việc vụn vặt trở nên hấp dẫn, khêu gợi. Với các cháu, khái niệm về không gian không còn, chúng như bị phân đôi và thời gian như lắng đọng, chậm lại.

 

Các cháu cảm thấy khát nước và đói. Tim tăng nhịp đập, miệng khô, đi đứng nghiêng ngả mất thăng bằng, cử động chậm chạp, cặp mắt đỏ ngầu, con ngươi mở to. Huyết áp lên cao, nhất là khi dùng cần sa chung với các thuốc kích thích khác hay với rượu.

 

Sau đó khoảng vài ba giờ thì triệu chứng phai lạt dần và người phi thuốc cảm thấy rã rượi rồi đi vào giấc ngủ triền miên.

 

d- Diễn biến sự lạm dụng

 

Cũng như đối với các hóa chất có thể lạm dụng khác, người dùng cần sa sẽ trải qua mấy giai đoạn:

 

- Nghe nói cần sa làm tinh thần phấn khởi, yêu đời, nên muốn thử cho biết.

 

- Sau vài lần thử thấy hay hay, hấp dẫn bèn thử nữa.

 

- Ám ảnh với cảm giác thích thú kích động bèn dùng thường xuyên hơn và dùng mọi thủ đoạn để có thuốc.

 

- Giai đoạn cuối là dùng bất cứ thuốc nào khác thay thế để thỏa mãn cảm giác mong muốn.

 

Đó là điểm nguy hại vì khởi đầu từ cần sa các cháu có thể đi tới nghiện các loại thuốc khác độc hại hơn như là hồng phiến, bạch phiến, rượu mạnh, các hóa chất kích thích tâm thần khác.

 

e- Để ngăn ngừa con em dùng cần sa

 

Thực ra không có phương cách toàn hảo nào để ngăn ngừa việc con người mắc vào các tật ghiền, nghiện ngập. Hơn nữa thuốc gây nghiền lại hiện diện khắp nơi, tương đối mua dễ dàng lại luôn luôn quyến rũ người không có nghị lực, không có quan niệm sống lành mạnh.

 

Cho tới nay, chưa có dược phẩm nào để chữa người nghiền cần sa, ngoại trừ cố vấn, đối thoại, giải thích.

 

- Sự hỗ trợ của gia đình, bạn bè đóng vai trò rất quan trọng.

 

- Điều cần là cha mẹ phải sống gần gũi với con cái, hỗ trợ, theo dõi sinh hoạt hàng ngày của con mình.

 

- Bắt đầu nói chuyện với con cái về ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe của cần sa và các loại thuốc gây nghiền ngay khi còn bé.

 

- Cho con cái hay là chúng có thể thảo luận các vấn đề khó khăn với mình bất cứ lúc nào và trong tinh thần cởi mở, hiểu biết.

 

- Luôn luôn đề cao cảnh giác: khi nghi là con cái dùng cần sa thì phải hành động ngay để cứu chữa.

 

- Đừng ngần ngại do dự khi thấy cần sự giúp đỡ các nhà chuyên môn về ghiền hút.

 

- Có nhiều chương trình phục hồi dành riêng cho giới trẻ nghiện ngập. Nơi đây các em sống hoàn toàn nhịn thuốc đồng thời học hỏi cách thức đối phó với các vấn đề khó khăn về cảm xúc, hành vi, thể xác gây ra do cần sa.

 

- Quan trọng hơn cả là chính các em phải ý thức được vấn đề và muốn thay đổi.

 

Kết luận.

 

Vấn đề dùng cần sa trong trị bệnh đang còn được tranh luận. Phe ủng hộ cũng nhiều mà phe chống đối cũng không phải là ít. Nhưng việc dùng cần sa để trở thành ghiền của các em thiếu niên đang là một vấn nạn cho nhiều gia đình và xã hội. Việc con cái dùng cần sa hoặc các chất gây ghiền khác là mối quan tâm lớn của các bậc làm cha mẹ.

 

Tại nhiều quốc gia, trẻ em bắt đầu thử với cần sa ngay từ khi còn ở lớp 8, lớp 10. Trẻ em ghiền dễ đưa tới những hành động vô ý thức, những tổn thương cơ thể do tai nạn hoặc dính líu vào hành động tình dục không muốn và không an toàn. Chúng cũng hay mang vũ khí nhỏ và hay đánh lộn hơn là trẻ không dùng cần sa.

 

Khám phá ra sớm để hỗ trợ, cứu giúp là điều cần thiết ngõ hầu tránh được những hậu quả không tốt cả về thể chất lẫn tâm thần và xã hội cho con trẻ.

Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức

 

www.bsnguyenyduc.com

 
VỀ MỤC LỤC
Bệnh chuẩn mực trần tục

 

(Ghi lại bài nói chuyện của Đức Tổng Giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận với giới trẻ Việt Nam tại Strasbourg, Pháp, chiều ngày 12.9.1998)

 

Giới thiệu

Muốn thành công trước hết phải chữa trị tận gốc mười (10) chứng bịnh làm băng hoại xã hội ngày nay.

Cuộc sống cộng đồng và Giáo hội, không những ở Việt Nam mà ngay cả ở hải ngoại, hiện đang có những bất ổn. Không hoặc chưa phát huy được nét tích cực của mình. Do đâu ?

Có rất nhiều căn nguyên. Những căn nguyên này là những chứng bịnh vừa nguy hiểm vừa truyền nhiễm đang hoành hành trong xã hội, và có cơ nguy làm cho cuộc sống xã hội băng rã. Tôi qui chúng lại thành mười bệnh lớn: Thập đại bịnh.

6. Bệnh chuẩn mực trần tục

Lấy tinh thần, não trạng trần tục làm chuẩn mực cho cuộc sống mình. Làm việc Chúa, nhưng không theo tinh thần Phúc Âm mà lại dùng tiêu chuẩn hoàn toàn trần tục để chuẩn định. Người công giáo kiểu đó thường hay trở thành công giáo tùy thời: Thịnh thì công giáo, suy thì chối. Công giáo vụ lợi: Có mùi vật chất thì tới, không thì miễn. Công giáo danh dự: Chỉ siêng năng xuất hiện khi có lễ lạc được mời lên ghế danh dự, không thì biệt tăm chẳng bao giờ thấy.

Nhiều khi chẳng phải là bản chất, chẳng tội lỗi gì, nhưng là vì mình đua đòi. Chính đua đòi này làm cho cuộc đời khổ sở. Sang đây thấy người ta có xe đẹp, nhà rộng; mình đua đòi muốn hơn người nên phải nô lệ cho công việc, cả nhà làm việc quá mức.

Và chuẩn mực trần thế thường được căn cứ theo báo chí, truyền thanh truyền hình. Báo bảo cái gì hay là hay, cái gì số đông theo là tốt...mặc dù những cái đó không hợp với lương tâm.

Năm ngoái tôi ghé Na Uy tới thăm một bà giáo sư giữ một ghế thứ trưởng trong nội các. Na Uy đa số theo Tin lành và Giáo hội này, như tại các nước Tin lành khác,  phải tùy thuộc thế quyền. Bà phàn nàn: nguy quá cha ơi, Giáo hội chúng tôi đang sa lầy trong vòng kềm toả dư luận. Chính phủ ra lệnh cho Giáo hội; Quốc hội ra lệnh (bằng đạo luật) cho chính phủ; mà đạo luật thì lại hình thành do áp lực dư luận truyền thông; vừa rồi chính phủ mới cách chức hai mục sư vì họ chống lại việc phá thai!

Một số cơ quan truyền thông chửi bới Đức Giáo hoàng, kết ngài vào tội thiếu thực tế, thiếu tiến bộ. Nhưng khi Đức Giáo hoàng đến với giới trẻ thì hàng triệu anh chị em trẻ lại tuôn đến với ngài. Tất cả chỉ vì ngài là người dám nói lên sự thật, bất chấp dư luận. Tuổi trẻ hôm nay đang bị chao đảo trong một thế giới khủng hoảng niềm tin và giá trị. Nên chi họ cần người tín cẩn dám nói thẳng cho họ đâu là điều đúng, đâu là sai. Cái khó và nguy hiểm của ngày hôm nay là người ta phạm tội, nhưng lại bắt cả nhà nước và Giáo hội coi đó là nhân đức. Chẳng hạn như chuyện đồng tính luyến ái. Dư luận đang bắt mọi giới phải xem đó là chuyện hợp luân thường đạo lý. Giáo hội thương cảm, nhưng Giáo hội cần nói sự thật. Đức Thánh cha nói: "không cần ai bỏ phiếu cho sự thật" vì sự thật vẫn là sự thật.

Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận


VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quy vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Duoc chon giua loai nguoi va cho loai nguoi; GIAO SI: Xuat phat tu giao dan, hien dien vi giao dan va cay dua vao giao dan, de cung lam VINH DANH THIEN CHUA

*************