Các Phương Thức Hoạt Ðộng
Tông Ðồ |
Thánh Công Ðồng Chung
Vaticanô II
Sắc Lệnh
Về Tông Ðồ Giáo Dân
Apostolicam Actuositatem
Prepared for Internet by
Vietnamese Missionaries in Asia
Chương IV
Các Phương Thức Hoạt Ðộng
Tông Ðồ 9*
15. Nhập đề.
Giáo dân có thể thực hiện việc tông đồ hoặc từng người hoặc liên kết thành cộng
đoàn hay hội đoàn.
16. Tầm quan
trọng và những hình thức của việc tông đồ cá nhân. Việc tông đồ
mà mỗi người phải thực hiện bắt nguồn từ mạch sống phong phú đích thực Kitô giáo
(x. Gio 4,14). Ðó là căn bản và điều kiện của mọi hoạt động tông đồ giáo dân, kể
cả việc tông đồ giáo dân tập thể và không gì có thể thay thế việc đó được.
Việc tông đồ cá nhân này rất hiệu quả ở
bất cứ nơi nào và thời nào. Hơn nữa, trong một số hoàn cảnh chỉ có hoạt động
tông đồ này mới thích hợp và mới có thể thực hiện được. Mọi người giáo dân, dù
thuộc thành phần nào đi nữa, dù không có cơ hội hay khả năng để cộng tác trong
các hội đoàn đều được kêu gọi và hơn nữa phải làm việc tông đồ cá nhân.
Có nhiều hình thức tông đồ mà người giáo
dân dùng để xây dựng Giáo Hội, thánh hóa và làm sống động thế gian trong Chúa
Kitô.
Hình thức đặc biệt của hoạt động tông đồ
cá nhân là giúp giáo dân làm chứng bằng cả đời sống phát xuất từ đức tin, đức
cậy, đức ái. Ðó là dấu chỉ rất thích hợp trong thời đại chúng ta để biểu lộ Chúa
Kitô sống động trong các tín hữu của Người. Cùng với việc tông đồ bằng lời nói
mà trong một số hoàn cảnh lại rất cần thiết người giáo dân rao giảng Chúa Kitô,
cắt nghĩa và phổ biến giáo lý của Người tùy theo hoàn cảnh và tài năng của mỗi
người, đồng thời họ cũng trung thành tuyên xưng giáo lý của Người nữa.
Hơn nữa, là những người công dân trong thế
giới ngày nay, người công giáo khi cộng tác vào những việc liên quan tới việc
xây dựng và quản trị trật tự trần thế, họ phải thấu triệt dưới ánh sáng đức tin
những lý do cao cả để hành động trong đời sống gia đình, nghề nghiệp, văn hóa và
xã hội và tùy dịp bày tỏ cho người khác nữa. Người giáo dân cũng phải ý thức
rằng họ trở nên những người cộng tác với Thiên Chúa là Ðấng tạo dựng, cứu chuộc
và thánh hóa và như vậy làm vinh danh Thiên Chúa.
Sau cùng giáo dân làm cho đời mình sống
động bằng đức ái và tùy sức biểu lộ đời sống đó bằng chính hoạt động của mình.
Mọi người phải nhớ rằng nhờ việc phụng tự
công cộng và cầu nguyện, nhờ sám hối và tự ý chấp nhận công việc cũng như những
khổ cực của cuộc đời làm cho họ nên giống Chúa Kitô đau khổ (x. 2Cor 4,10; Col
1,24) họ mới có thể ảnh hưởng tới mọi người và đem ơn cứu độ cho toàn thế giới.
17. Tông đồ cá
nhân trong những hoàn cảnh đặc biệt. Việc tông đồ cá nhân này rất
cần thiết và cấp bách trong những miền mà tự do của Giáo Hội bị cản trở trầm
trọng. Trong những hoàn cảnh khó khăn đó, giáo dân tùy khả năng thay thế linh
mục, họ liều mất tự do của mình và đôi khi ngay cả mạng sống mình để dạy giáo lý
công giáo cho những người chung quanh, huấn luyện cho những người ấy biết sống
đạo và khuyến khích họ năng lãnh nhận các bí tích và đặc biệt tôn sùng phép
Thánh Thể 1. Thánh Công Ðồng hết lòng tạ ơn
Thiên Chúa đã không ngừng cho xuất hiện ngay cả trong thời đại chúng ta những
người giáo dân can đảm phi thường giữa những cơn bách hại. Thánh Công Ðồng lấy
tình người cha yêu thương và tri ân họ.
Việc tông đồ cá nhân có môi trường hoạt
động đặc biệt trong những miền người công giáo ít oi và tản mác. Ở những nơi đó,
giáo dân chỉ hoạt động tông đồ từng người hoặc vì những lý do nói trên hoặc vì
những lý do đặc biệt do sinh hoạt nghề nghiệp. Nên để thuận tiện gặp gỡ nhau, họ
hợp lại thành từng tổ nhỏ không cần đến hình thức tổ chức hay hệ thống chặt chẽ,
miễn sao người khác thấy được dấu hiệu của cộng đoàn Giáo Hội như bằng chứng
đích thực của tình thương. Như thế, trong khi giúp nhau trên bình diện thiêng
liêng nhờ tình bằng hữu và kinh nghiệm, họ được mạnh sức để thắng vượt những khó
khăn của cuộc sống và sự hoạt động quá lẻ loi cũng như để việc tông đồ đạt được
kết quả phong phú hơn.
18. Tầm quan
trọng của việc tông đồ tập thể. Với tư cách cá nhân, người Kitô
hữu được mời gọi hoạt động tông đồ trong những hoàn cảnh khác nhau của cuộc
sống. Tuy nhiên họ nên nhớ rằng con người, tự bản chất đã có xã hội tính., và
Thiên Chúa đã vui lòng tập hợp, những người tin vào Chúa Kitô thành dân Thiên
Chúa (x. 1P 2,5-10) và kết hợp họ thành một thân thể (x. 1Cor 12,12). Vậy hoạt
động tông đồ tập thể rất phù hợp với đòi hỏi của các tín hữu dưới khía cạnh con
người cũng như dưới khía cạnh Kitô hữu. Ðồng thời nó cũng biểu lộ được dấu chỉ
hiệp thông và hiệp nhất của Giáo Hội trong Chúa Kitô, Ðấng đã phán: "Vì đâu có
hai, ba người nhân danh Thầy hội họp lại, Thầy sẽ ở giữa họ" (Mt 18,20).
Vì thế người Kitô hữu phải hiệp nhất cùng
nhau để làm tông đồ 2. Họ phải làm tông đồ
trong cộng đoàn gia đình cũng như trong giáo xứ và giáo phận là những cộng đoàn
nói lên tính cách cộng đồng của hoạt động tông đồ. Hơn nữa họ phải làm tông đồ
trong những đoàn thể tự do mà họ đã tự ý gia nhập.
Hoạt động tông đồ tập thể rất quan trọng
10* vì trong các cộng đoàn Giáo Hội, cũng
như trong các môi trường khác nhau, hoạt động tông đồ thường đòi hỏi phải được
chu toàn do một hoạt động chung. Bởi vì các Hội Ðoàn được thành lập nhằm hoạt
động tông đồ tập thể, nâng đỡ và huấn luyện các hội viên làm tông đồ, phối hợp
và hướng dẫn hoạt động tông đồ của họ để có thể hy vọng nơi họ những kết quả
phong phú hơn là nếu từng người hoạt động riêng rẽ.
Vậy trong những hoàn cảnh hiện tại, nơi
nào có giáo dân hoạt động thì hoạt động tông đồ nhất thiết phải được củng cố
dưới hình thức tập thể và có tổ chức. Vì chỉ có việc liên kết chặt chẽ các nỗ
lực mới mong đạt được đầy đủ mọi mục tiêu của hoạt động tông đồ ngày nay và bảo
vệ hữu hiệu những kết quả của việc tông đồ đó 3.
Do đó điều quan trọng đặc biệt là làm sao cho hoạt động tông đồ tác động vào não
trạng quần chúng và những hoàn cảnh xã hội của những người mà hoạt động tông đồ
nhằm tới. Nếu không, họ thường sẽ không đủ sức chống lại áp lực của dư luận quần
chúng hay của các định chế.
19. Nhiều hình
thức của việc tông dồ tập thể. Có nhiều hội đoàn tông đồ khác
nhau 4. Có những hội đoàn nhằm mục đích tông
đồ tổng quát của Giáo Hội. Có những hội đoàn nhằm mục đích loan báo Phúc Âm và
thánh hóa bằng phương thức chuyên biệt. Có những hội đoàn nhằm mục đích Kitô hóa
trật tự trần thế. Có những hội đoàn nhằm làm chứng cho Chúa Kitô đặc biệt bằng
từ thiện và bác ái.
Trong số những hội đoàn đó, cần phải đặc
biệt chú trọng đến những hội đoàn cổ võ và đề cao sự phối hợp chặt chẽ giữa đời
sống thực tế của hội viên với đức tin của họ. Các hội đoàn tự nó không phải là
cứu cánh, nhưng phải nhằm giúp Giáo Hội chu toàn sứ mệnh đối với trần gian. Các
hội đoàn chỉ có giá trị tông đồ nhờ ở chỗ phù hợp với các mục tiêu của Giáo Hội,
ở từng hội viên hay cả hội đoàn có tinh thần Phúc Âm và làm chứng cho Chúa Kitô.
Trước sự tiến triển của các tổ chức cũng
như đà tiến hóa của xã hội hiện đại, sứ mệnh phổ quát của Giáo Hội đòi hỏi các
công cuộc tông đồ của người công giáo phải càng ngày càng được tổ chức quy củ
trên lãnh vực quốc tế. Các Tổ Chức Công Giáo Quốc Tế sẽ đạt được mục đích cách
tốt đẹp nếu các đoàn thể hội viên và các hội viên của các đoàn thể đó liên kết
chặt chẽ với các tổ chức trên.
Giáo dân có quyền lập hội đoàn
5, điều khiển hội đoàn và ghi tên vào các hội đoàn
đã có sẵn, miễn là phải giữ mối liên lạc cần thiết với giáo quyền
6. Nhưng cần phải tránh phân tán lực lượng do việc
lập thêm những hội đoàn và những công cuộc mới khi không đủ lý do, hoặc cố giữ
lại những hội đoàn không còn ích lợi hoặc giữ lại những phương thế đã lỗi thời.
Cũng không phải luôn luôn thích hợp khi du nhập một cách bừa bãi những hình thức
hội đoàn của các nước khác 7.
20. Công giáo
tiến hành. Từ vài chục năm nay, trong nhiều quốc gia, giáo dân
càng ngày càng dấn thân vào hoạt động tông đồ. Họ qui tụ lại với nhau dưới nhiều
hình thức hoạt động cũng như lập thành các hội đoàn. Những tổ chức này đã và
đang theo đuổi những mục đích thuần túy tông đồ mà vẫn liên kết chặt chẽ với
Hàng Giáo Phẩm. Trong số những tổ chức ấy cũng như cả các tổ chức tương tự đã có
từ trước, đặc biệt phải nhắc đến những tổ chức dầu theo những tiêu chuẩn hoạt
động khác nhau nhưng đã đem lại nhiều kết quả phong phú cho nước Chúa Kitô. Các
Ðức Giáo Hoàng và một số đông các Giám Mục đã có lý khi tín nhiệm và cổ võ những
tổ chức này và đặt cho danh hiệu Công Giáo Tiến Hành. Do đó những hoạt động ấy
thường được diễn tả như một sự cộng tác của giáo dân vào việc tông đồ của Hàng
Giáo Phẩm 8.
Những hình thức tông đồ này, dù mang danh
hiệu Công Giáo Tiến Hành hay một danh hiệu nào khác, vẫn đang thực hiện một việc
tông đồ quí giá ở thời đại chúng ta. Những tổ chức ấy phải hội đủ những yếu tố
sau đây:
a) Mục đích trực tiếp của tổ chức này phải
là mục đích tông đồ của Giáo Hội, nghĩa là rao truyền Phúc Âm và thánh hóa nhân
loại, và đào tạo cho con người một lương tâm Kitô giáo đích thực để họ có thể
đem tinh thần Phúc Âm thấm nhập vào mọi cộng đoàn cũng như mọi lãnh vực của đời
sống.
b) Trong khi cộng tác với Hàng Giáo Phẩm
theo thể thức riêng của mình, người giáo dân đảm nhận trách nhiệm và đem kinh
nghiệm riêng để điều hành các tổ chức này, tìm những điều kiện thích hợp cho
hoạt động mục vụ của Giáo Hội cũng như để soạn thảo và theo đuổi một chương
trình hành động.
c) Người giáo dân hoạt động liên kết với
nhau như các cơ quan trong thân thể, điều đó dễ nói lên ý nghĩa cộng đoàn của
Giáo Hội và làm cho việc tông đồ được hữu hiệu hơn.
d) Người giáo dân hoạt động dưới sự điều
khiển của chính Hàng Giáo Phẩm, dù họ tự nguyện dấn thân, hoặc được mời hoạt
động và cộng tác trực tiếp vào việc tông đồ của Hàng Giáo Phẩm. Hàng Giáo Phẩm
có thể thừa nhận sự cộng tác này bằng sự "ủy nhiệm" minh nhiên.
Những đoàn thể nào mà giáo quyền xét thấy
hội đủ những yếu tố vừa kể đều được coi là Công Giáo Tiến Hành, mặc dù những tổ
chức đó mang những hình thức và danh hiệu khác nhau tùy theo đòi hỏi của từng
địa phương và của mỗi dân tộc.
Thánh Công Ðồng ân cần giới thiệu những
định chế này vì chắc chắn chúng đáp ứng đúng những đòi hỏi của việc tông đồ của
Giáo Hội trong nhiều quốc gia. Thánh Công Ðồng cũng kêu mời các linh mục hoặc
giáo dân đang tham gia các hoạt động trên hãy thể hiện những tiêu chuẩn vừa kể
mỗi ngày một hơn, và hãy luôn luôn lấy tình huynh đệ mà cộng tác với các hình
thức tông đồ khác trong Giáo Hội.
21. Tôn trọng
các đoàn thể tông đồ. Mọi đoàn thể tông đồ phải được đánh giá
đúng mức. Tuy nhiên, những đoàn thể tông đồ mà Hàng Giáo Phẩm, tùy theo đòi hỏi
của từng địa phương và từng thời đại đã khen ngợi, giới thiệu và truyền lệnh
thành lập như những đòi hỏi cấp bách hơn, những đoàn thể đó phải được các linh
mục, các tu sĩ và các giáo dân coi là rất quan trọng và mỗi người phải cổ võ
những đoàn thể đó tùy theo cách thế riêng của mình. Trong số những đoàn thể đó
ngày nay đặc biệt phải kể đến những đoàn thể hay hiệp hội công giáo có tính cách
quốc tế.
22. Giáo dân
dấn thân phục vụ Giáo Hội với tước hiệu đặc biệt. Thật đáng kính
trọng và đặc biệt đề cao trong Giáo Hội những giáo dân, hoặc độc thân hoặc đã có
gia đình, đang dấn thân và đem khả năng chuyên môn của mình phục vụ suốt đời
hoặc một thời gian trong các tổ chức và hoạt động của các tổ chức ấy. Giáo Hội
cũng rất vui mừng vì thấy càng ngày càng tăng số giáo dân phục vụ trong các đoàn
thể hoặc trong các công cuộc tông đồ ở lãnh vực quốc gia mình cũng như trên địa
hạt quốc tế và nhất là trong các cộng đoàn công giáo nơi các xứ truyền giáo và ở
những Giáo Hội mới thành hình.
Các vị Chủ Chăn của Giáo Hội hãy sẵn sàng
đón nhận và biết ơn những giáo dân này và phải lo cho họ có thật đầy đủ điều
kiện do đức công bình, liêm chính và đức bác ái đòi hỏi, nhất là lo trợ cấp cho
họ và cả gia đình họ để họ có được một đời sống xứng đáng. Ngoài ra còn phải lo
cho họ được huấn luyện đầy đủ cũng như được trợ giúp và khích lệ về mặt thiêng
liêng.
Chú Thích:
9* Tới
đây, Sắc Lệnh tổng hợp hai hình thức hoạt động tông đồ giáo dân: cá nhân và tập
thể. Các Nghị Phụ đã bàn cãi nhiều khi nói về Công Giáo Tiến Hành. Nhiều vị
không muốn đề cập rõ về "Công Giáo Tiến Hành" hay một hình thức hội đoàn đặc thù
nào khác, nhưng chỉ nói một cách tổng quát về các "hiệp đoàn". Trái lại có nhiều
Nghị Phụ khác muốn dành một chương đặc biệt về Công Giáo Tiến Hành vì tầm quan
trọng, sự cần thiết, bản tính, cơ cấu, sự điều hành của nó v.v... Cuối cùng,
Thánh Công Ðồng chấp thuận một cách diễn tả dung hòa như chúng ta thấy ở Sắc
Lệnh.
Trước hết Sắc Lệnh nói tới việc tông đồ cá
nhân, kết quả tự nhiên của cuộc sống Kitô hữu thực sự thấm nhuần đức tin, cậy,
mến. Việc tông đồ cá nhân này thực thi:
- bằng chứng tích đời sống Kitô giáo.
- bằng sự cộng tác như công dân của trần
gian vào việc kiến tạo và điều hành trật tự trần gian: đời sống gia đình, nghề
nghiệp, văn hóa và xã hội.
- bằng lời cầu nguyện riêng tư, việc đền
tội, chấp nhận làm việc và chịu vất vả do cuộc sống để nên giống Chúa Kitô Ðau
Khổ. Tất cả những nhân đức này giúp họ có khả năng đạt tới mọi người trong tinh
thần tông đồ.
1 Xem
Piô XII, Huấn từ ad Conventum ex Omnibus Gentibus Laicorum apostolatui
provehendo, 14-10-1951: AAS 43 (1951), trg 788.
2 Xem
Piô XII, Huấn từ ad I Conventum ex Gentibus Laicorum apostolatui provehendo,
14-10-1951: AAS 43 (1951), trg 787-788.
10*
Tầm quan trọng của việc tông đồ tập thể. Việc tông đồ có tổ chưc rất thích hợp
với bản tính xã hội của con người và với niềm tha thiết của Chúa là muốn thu
thập mọi người tin vào Chúa Kitô thành Dân Thiên Chúa (x. 1P 2,5-10). Theo Sắc
Lệnh các hội đoàn làm việc tông đồ cần phải có bốn đặc tính:
- Mục đích phải là rao giảng Phúc Âm và
thánh hóa mọi người.
- Các hội đoàn phải cộng tác với hàng Giáo
Phẩm, nhưng vẫn chịu trách nhiệm riêng.
- Hoạt động của các hội đoàn này phải có
tính cách cộng đoàn.
- Hoạt động của giáo dân phải tùy thuộc
vào sự hướng dẫn của hàng Giáo Phẩm.
3 Xem Piô XII, Tđ. Le
Pèlerimage de Lourdes, 2-7-1957: AAS 49 (1957), trg 615.
4 Xem
Piô XII, Huấn từ ad consilium Foederationals internationalis virorum
catholicorum, 8-12-1956: AAS 49 (1957), trg 26-27.
5 Xem
S.C. Concilii, Resolutio Corrienten, 13-11-1920: AAS 13 (1921), trg 139.
6 Xem
đoạn sau, ch V, số 24.
7
Gioan XXIII, Tđ. Princeps Pastorum, 10-12-1959: AAS 51 (1959), trg 856.
8 Xem
Piô XI, thư gởi cho Ðức Hồng Y Bestram, 13-11-1928: AAS 20 (1928), trg 385. - x.
thêm Piô XII, Huấn từ ad A.C. Italicam, 4-9-1940: AAS 32 (1940), trg 362.
|
VỀ MỤC LỤC |
|
HIỆU LỰC CỦA KINH MÂN CÔI
|
HIỆP SỐNG TIN
MỪNG
LỄ MÂN CÔI
Cv 1,12-14; Gl 4,4-7; Lc 1,26-38
I. HỌC
LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Lc 1,26-38
(26) Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng,
thì Thiên Chúa sai Sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền
Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, (27) gặp một Trinh nữ đã đính hôn
với một người tên là Giu-se, thuộc nhà Đa-vít, Trinh nữ ấy tên
là Ma-ri-a. (28) Sứ thần vào nhà Trinh nữ và nói: “Mừng vui lên,
hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Bà”. (29) Nghe lời ấy, Bà
rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. (30) Sứ
thần liền nói: “Thưa Bà Ma-ri-a xin đừng sợ, vì Bà đẹp lòng
Thiên Chúa. (31) Và này đây Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai
và đặt tên là Giê-su. (32) Người sẽ nên cao cả và sẽ được gọi là
Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai
vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. (33) Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp
đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận”. (34) Bà
Ma-ri-a thưa với Sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi
không biết đến việc vợ chồng!” (35) Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ
ngự xuống trên Bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên
Bà. Vì thế Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ là thánh, sẽ được gọi là
Con Thiên Chúa”. (36) Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với Bà,
tuy đã già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: Bà ấy
vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng.
(37) Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”.
(38) Bấy giờ Bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa.
xin Chúa cứ làm cho tôi như lời Sứ thần nói”. Rồi Sứ thần từ
biệt ra đi.
2. Ý CHÍNH:
Câu chuyện Sứ thần Gáp-ri-en được Thiên
Chúa sai đến truyền tin cho Trinh nữ Ma-ri-a giúp chúng ta nhận
biết tình thương và sự trung tín của Thiên Chúa trong việc thực
hiện lời hứa cứu độ loài người. Thiên Chúa luôn đi bước trước
bằng việc ban ơn cứu độ và muốn cho loài người đón nhận ơn ấy.
Qua câu chuyện truyền tin hôm nay, thái độ lắng nghe Lời Chúa,
tìm hiểu ý Chúa và mau mắn “Xin vâng” của Đức Ma-ri-a chính là
thái độ mà các tín hữu phải làm khi đọc kinh lần hạt trong tháng
Mân Côi này
3. CHÚ THÍCH:
- C 26-27: +
Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng:
Cách đây sáu tháng, ông Da-ca-ri-a đã được
Sứ thần Gáp-ri-en hiện đến truyền tin khi ông đang thi hành chức
vụ tư tế trong Đền thờ. Sứ thần hứa với ông rằng bà Ê-li-sa-bét
vợ ông sẽ sinh cho ông một con trai. Sứ mệnh của nó là dọn đường
cho Đấng Thiên Sai.. Quả vậy, bà Ê-li-sa-bét đã có thai trong
lúc tuổi già. Bà đã ở trong nhà không tiếp xúc với ai suốt 5
tháng trời (x. Lc 1,5-25). Đến tháng thứ sáu thì Sứ thần
Gáp-ri-en tiếp tục được sai đến truyền tin cho Trinh nữ Ma-ri-a.
+ Gáp-ri-en: Là một trong bảy Tổng lãnh thiên thần
(x. Tb 12,15), trong đó ba vị được nêu rõ tên trong Cựu ước là:
Mi-ka-en, Ra-pha-en, và Gáp-ri-en. Tên của các vị này có ý nghĩa
phù hợp với sứ mệnh của mỗi vị như sau: Mi-ka-en nghĩa là “Ai
bằng Thiên Chúa?” (Đn 10,13-21;12,1), Ra-pha-en nghĩa là “Thiên
Chúa chữa lành” (Tb 3,17) và Gáp-ri-en nghĩa là “Anh hùng của
Thiên Chúa” (x. Đn 8,16). + Trinh nữ: hay thiếu
nữ, là một cô gái chưa lấy chồng. Riêng về đức trinh khiết của
Đức Ma-ri-a đã được gián tiếp đề cập đến qua câu ngài thưa với
Sứ thần: “Việc đó xảy ra thế nào được, vì tôi không biết đến
người nam” (Lc 1,34). Theo lời tuyên sấm của Ngôn sứ I-sai-a
thì: Việc một hài nhi do một bà mẹ đồng trinh thụ thai là dấu
chỉ của Đấng Thiên Sai (x. Is 7,14). + đã đính hôn:
khi đính hôn, Giu-se và Ma-ri-a đã được luật pháp công nhận
là vợ chồng, và con cái sinh ra trong thời kỳ này là con chính
thức. Tuy nhiên, theo phong tục Do thái thì việc kết hôn chỉ
hoàn tất khi bên họ đàng trai tổ chức lễ cưới đón rước cô dâu về
nhà chồng (x. Mt 1,18). + thuộc nhà Đa-vít: chi
tiết này thêm vào nhằm chứng minh Đức Giê-su chính là Đấng Cứu
Thế, để ứng nghiệm lời các Ngôn sứ đã báo trước như: Người phát
xuất từ gốc tổ phụ Giêsê là cha của vua Đa-vít (x.1 Sm 16,3.12)
; Người sẽ sinh ra tại Bê-lem là quê hương của vua Đa-vít (x. mk
5,1). + Ma-ri-a: hay mi-ry-am là tên gọi của nhiều
thiếu nữ Do thái đương thời. Để phân biệt khi trùng tên, người
ta thường thêm một biệt danh sau tên gọi. Chẳng hạn: Ma-ri-a
Mác-đa-la (x. Lc 8,2-3); Ma-ri-a Bê-ta-ni-a (x. Lc 10,39);
Ma-ri-a mẹ Gia-cô-bê và Giô-xép (x. Mt 27,56); Ma-ri-a vợ ông
Cơ-lô-pát (x. Ga 19,25); Ma-ri-a mẹ Gio-an (x. Cv 12,12) và
Trinh nữ Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su (x. Ga 19,25).
- C 28-29: + “mừng vui lên”:
Đây không phải là kiểu chào thông thường của người Do thái,
nhưng là lời chào trong những trường hợp đặc biệt, dành riêng
cho những người được gặp Thiên Chúa (x Dcr 9,9). + “đầy ân
sủng”: một tước hiệu dành riêng cho Ma-ri-a, một người
trong sạch vẹn toàn. Ngài đã được chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế, nên
đã được Thiên Chúa ban cho đặc ân vô nhiễm nguyên tội và được
Chúa luôn ở cùng. + “Bà bối rối và tự hỏi”: khác
với thái độ “bối rối sợ hãi” của Dacaria (x. Lc
1,12), Ma-ri-a chỉ ngạc nhiên và băn khoăn về ý nghĩa của Lời
Chúa vừa được Sứ thần mặc khải (x. Lc 1,34 và 2,19).
- C 30-33: + Này đây Bà sẽ thụ thai,
sinh hạ một con trai và đặt tên là Giê-su: Sứ thần giải
thích cho Ma-ri-a biết về sứ mệnh làm mẹ của Hài nhi Giê-su.
Giê-su nghĩa là “Cứu Chúa” (x. Mt 1,21) hay là “Đấng Cứu
Thế” (x. Lc 2,11). + “Con Đấng Tối Cao”: Đây là
tước hiệu thường được áp dụng cho các vị vua dòng tộc Đa-vít. Sứ
thần ám chỉ Đức Giê-su là Vua thuộc nhà Đa-vít. Người sẽ lên
ngôi cai trị dân Ít-ra-en, và triều đại Người sẽ vững bền mãi
mãi.
- C 34: + so sánh thắc mắc của
Ma-ri-a với thắc mắc của Dacaria (x. Lc 1,18): Tuy cả
hai cùng đưa ra câu hỏi, nhưng phát xuất từ hai tâm trạng khác
nhau: câu hỏi của Dacaria biểu lộ sự hoài nghi về quyền năng
Thiên Chúa, nên ông đã bị phạt câm, không nói được. sự cấm khẩu
này là dấu chỉ cho ông thấy việc bà Ê-li-sa-bét vợ ông sẽ sinh
con là điều chắc chắn sẽ xảy ra (x. Lc 1,20). còn lời thắc mắc
của Ma-ri-a thì biểu lộ lòng tin: Ma-ri-a muốn tìm biết rõ thánh
ý Chúa thế nào để xin vâng. do đó, Ma-ri-a đã được Sứ thần ca
tụng là đấng “đầy ân phúc hằng làm đẹp lòng Thiên Chúa” (x. Lc
1,30) và bà Ê-li-sa-bét cũng khen ngợi Ma-ri-a là người “diễm
phúc” vì đã tin Lời Chúa phán sẽ được thực hiện (x. Lc 1,45).+
“Việc ấy xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến người nam!”:
“biết” theo nghĩa Thánh Kinh có nghĩa là “sự giao
hợp vợ chồng”. Thắc mắc của Ma-ri-a ở đây không chứng
minh Ma-ri-a đã khấn hay có ý khấn giữ mình đồng trinh, vì động
từ “biết” ở đây thì hiện tại. Qua câu này, Ma-ri-a chỉ thắc mắc
là: làm sao thực hiện được việc thụ thai ngay bây giờ được, khi
mà Ma-ri-a mới chỉ đính hôn với Giu-se để nên vợ chồng về luật
đời, chứ chưa được Giu-se tổ chức lễ cưới đón rước về nhà chồng
như phong tục Do thái?
- C 35: + Sứ thần giải thích cho
Ma-ri-a hiểu rằng: Vì được Chúa tuyển chọn để làm mẹ
Đấng Thiên Sai, nên Ma-ri-a sẽ được thụ thai cách đặc biệt nhờ
quyền năng Thánh Thần, đúng như I-sai-a đã tuyên sấm về việc
Đấng Cứu Thế sẽ do một trinh nữ thụ thai và sinh hạ (x. Is
7,14). + “quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên Bà”:
Kiểu nói “rợp bóng” nhắc lại sự kiện xảy ra vào
thời Xuất hành, khi dân Do thái đi trong hoang địa trên đường về
Đất Hứa. Bấy giơ Đức Chúa luôn hiện diện ở giữa dân Người, qua
hình ảnh của một cột mây rợp bóng che phủ nhà tạm và lều hội ngộ
(x. Xh 40,34-38). Rợp bóng cũng ám chỉ sự bang trợ của Đức Chúa.
Như chim phượng hoàng giang rộng đôi cánh để bao phủ che chở đàn
chim con, thì Thiên Chúa cũng giang rộng tay hùng mạnh để bang
trợ Ít-ra-en là con dân của Người (x. Tv 17,8). + “Đấng
thánh” sắp sinh ra sẽ là “thánh”: “Thánh” nghĩa
là thuộc về Thiên Chúa. Hài nhi sắp sinh sẽ được hiến “thánh”,
được dâng cho Thiên Chúa để chu toàn sứ mệnh cứu thế.
- C 36-37: + kìa Bà Ê-li-sa-bét,
người họ hàng với Bà, tuy đã già rồi, mà cũng đang cưu mang một
người con trai: Để cho Ma-ri-a thấy quyền năng cao cả
của Thiên Chúa, Sứ thần đã báo cho Ma-ri-a biết tin về bà chị họ
Ê-li-sa-bét: tuy đã cao niên và hiếm hoi, thế mà cũng đã được
Thiên Chúa cho thụ thai con trai, đến nay thai nhi đã được sáu
tháng rồi.
- C 38: + “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của
Chúa”: khi tự nhận là “nữ tỳ của Chúa”, Ma-ri-a đã biểu
lộ một nhân đức khiêm nhường và một lòng tin yêu sâu xa đối với
Thiên Chúa. + “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời Sứ thần
nói”: Qua câu này, Ma-ri-a đại diện nhân loại để đón
nhận ơn cứu độ do Thiên Chúa ban. Thực vậy, ngay sau lời thưa “xin
vâng” này, Thánh Thần đã tác động làm cho Trinh nữ Ma-ri-a
thụ thai mà không cần phải tri giao vợ chồng (x. Lc 1,34). Rồi
Ngôi Lời “đã xuống thế làm người”, nhập vào bào thai ấy để thành
Đấng “Em-ma-nu-en”, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (x. Mt
1,23). Như vậy, Đức Giê-su chỉ có một Ngôi là “Ngôi Con” hay
“Ngôi Lời” Thiên Chúa, nhưng lại có hai bản tính là Thiên Chúa
và người phàm.
4. CÂU HỎI:
1- Gio-an Tẩy Giả hơn Đức Giê-su bao nhiêu
tuổi?
2- Thánh kinh kể tên 3 vị Tổng lãnh thiên
thần là những vị nào? Tên gọi của mỗi vị có nghĩa thế nào?
3- Câu nói nào của Đức Ma-ri-a cho thấy
ngài là thiếu nữ đồng trinh? Tại sao phải nhấn mạnh đến sự kiện
đồng trinh trong việc Đức Ma-ri-a thụ thai Hài Nhi Cứu Thế
Giê-su?
4- Việc kết hôn giữa thánh Giu-se và Đức
Ma-ri-a làm cho hai người nên vợ chồng thật hay chỉ là vợ chồng
giả để che mắt người đời?
5- Tin Mừng muốn ám chỉ gì khi viết Giu-se
“thuộc nhà Đa-vít”?
6- Hãy kể ra một số tên gọi Ma-ri-a trong
Tin Mừng kèm theo tên phụ. Thêm tên phụ sau tên gọi như vậy nhằm
mục đích gì?
7- Khi chào kèm tước hiệu “đầy ân sủng” của
Sứ thần nhằm ám chỉ đặc ân nào trong 4 đặc ân Thiên Chúa ban cho
Đức Ma-ri-a?
8- Tên gọi Giê-su mà Sứ thần ra lệnh cho
Ma-ri-a đặt cho con trẻ mang ý nghĩa thế nào? 8-Tước hiệu “Con
Đấng Tối Cao” được gán cho Hài nhi Giê-su nghĩa là gì?
9- Thắc mắc của ông Da-ca-ri-a trong Đền
thờ (x Lc 1,18) và thắc mắc của Ma-ri-a trong Tin Mừng hôm nay
có giống nhau không? Ông Da-ca-ri-a và Đức Ma-ri-a đã gặp sự cố
gì sau lời thắc mắc?
10- Khi nói “quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp
bóng trên Bà”, Sứ thần muốn ám chỉ điều gì?
11- Mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể xảy ra vào
lúc nào trong biến cố Truyền tin?
II. SỐNG
LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA:
Bấy giờ Bà Ma-ri-a nói: ”Linh hồn tôi ngợi
khen Đức Chúa... Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao
cả. Danh Người thật chí thánh chí tôn!” (Lc 1,46.49).
2. CÂU CHUYỆN:
Đức tin của Phun-tơn Ao-dơ-lơ (fulton
oursler):
vào một buổi chiều đông lạnh giá, Phun-tơn,
một người đã mất đức tin và bỏ không đến nhà thờ nhiều năm, đang
trong tâm trạng tuyệt vọng vì gặp nhiều vấn đề khó khăn nan
giải. khi đi qua đại lộ nhà thờ chính toà của thành phố Nữu Ước,
tự nhiên ông cảm thấy có một sức mạnh vô hình cuốn hút ông vào
trong nhà thờ và đến quỳ trước tượng Đức Mẹ. Sau một hồi im
lặng, tự nhiên Phun-tơn cầu nguyện như sau: “Lạy Mẹ Ma-ri-a, có
thể chỉ một giây lát nữa thôi là con lại thay đổi ý nghĩ lúc này
để tiếp tục bài bác chế diễu việc đạo đức con đang làm và quay
trở lại con đường vô tín của con. Nhưng bây giờ con cảm thấy tâm
hồn thật bình an, dù con đang gặp rất nhiều khó khăn. Xin Mẹ
giúp con thêm đức tin”. Ngay lúc đó Phun-tơn cảm thấy một điều
gì đó kỳ diệu vừa xảy ra nơi ông và biến ông trở thành một người
mới: Ông đã có đức tin! Từ đó, ông luôn kết hiệp với Mẹ Ma-ri-a
để làm chứng cho Chúa bằng một cuộc sống khiêm nhường, cậy trông
phó thác và đầy vị tha bác ái.
3. SUY NIỆM:
- Thiên Chúa đã ban cho loài người chúng ta
một Đấng Cứu Độ duy nhất là Chúa Giê-su. Nhưng bên cạnh Đức
Giê-su, Thiên Chúa còn ban cho chúng ta một bà mẹ hiền đầy tình
thương và tích cực cộng tác với Đức Giê-su trong công cuộc cứu
độ loài người là Thánh Mẫu Ma-ri-a. Thực vậy, Mẹ Ma-ri-a luôn
yêu thương và cầu bầu cho những ai đang gặp khốn khó như Mẹ đã
dạy các người giúp việc hãy làm theo lời Đức Giê-su tại tiệc
cưới thành Ca-na (x Ga 2,1-11). Mẹ đã được chính Chúa Giê-su
trăn trối làm Mẹ của Hội Thánh mà tông đồ Gio-an là đại diện,
trước khi Chúa tắt thở trên thập giá (x Ga 19,26-27); Mẹ cũng
thi hành nhiệm vụ của một bà mẹ hiền khi hiệp cùng Hội Thánh sơ
khai cầu xin Chúa Thánh Thần hiện xuống sau khi Chúa Giê-su lên
trời (x Cv 1,14).
- Trong lịch sử Hội Thánh, mỗi khi con
thuyền Hội Thánh gặp cơn phong ba có nguy cơ bị chìm đắm, chúng
ta lại thấy có bàn tay trợ giúp của Mẹ Ma-ri-a. Vào thế kỷ 12,
thánh Đa-minh đã được Đức Mẹ hiện ra ban cho phép lần hạt Mân
Côi, như một thứ vũ khí thiêng liêng nên đã chặn đứng được làn
sóng lạc giáo An-bi-doa ở Miền Nam nước Pháp đang đe dọa tiêu
diệt Hội Thánh. Rồi dưới triều đại Đức Thánh Cha Piô V, cũng nhờ
phép lần hạt Mân Côi mà Hội Thánh một lần nữa lại tránh được làn
sóng xâm lược của đạo quân Hồi Hồi tại vịnh Lê-păng vào đầu thế
kỷ 16. Ngày nay, Đức Ma-ri-a trở thành sứ giả được Thiên Chúa
sai đến đã hiện ra tại nhiều nơi trên thế giới vào nhiều thời
điểm khác nhau, để nhắc nhở Hội Thánh đi đúng đường lối của Chúa
Giê-su và giúp các tín hữu cải thiện đời sống, đón nhận ơn cứu
độ do Chúa Giê-su đem đến. Ta có thể kể ra một số địa danh Mẹ đã
hiện ra như: Lộ Đức (Pháp), Pha-ti-ma (Bồ Đào Nha), La Vang
(Việt Nam), Mễ du (Nam Tư)...
- Thực ra, việc biến đổi lòng những kẻ tội
lỗi và vô tín để họ quay về nhận biết tôn thờ Thiên Chúa, và
việc xóa bỏ các tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, đĩ điếm, cướp
giật...trong đời sống mỗi người sẽ khó lòng thực hiện thành công
nếu chỉ dựa vào khả năng giới hạn của chúng ta. Nhưng điều tưởng
chừng không thể thực hiện ấy lại không khó chút nào đối với
Thiên Chúa, vì: “Không có gì mà Chúa không làm được” (Lc
1,37). Vậy để việc tông đồ truyền giáo đạt được kết quả thì các
tín hữu chúng ta cần noi gương Mẹ Ma-ri-a để sống kết hiệp mật
thiết với Chúa Giê-su (x Ga 15,5). Rồi cùng với Đức Mẹ, chúng ta
sống đức Tin bằng việc thực thi đức Cậy và đức Mến noi gương Mẹ
khi xưa. Chắc chắn nhờ ơn Chúa giúp và sự phù trợ của Mẹ
Ma-ri-a, chúng ta cũng sẽ làm được những việc lạ lùng vượt quá
khả năng của mình. Vì bấy giờ chúng ta làm với ơn Chúa giúp như
thánh Phao-lô viết: ”Tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối,
khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức ki-tô. Vì
khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2 cr 12,10).
4. THẢO LUẬN:
1- Qua câu chuyện trên, ta thấy Thánh Mẫu
Ma-ri-a có vai trò nào trong việc ăn năn trở lại của ông
Phun-tơn?
2- Ngày nay các tín hữu chúng ta cần cậy
nhờ vào sự phù trợ đắc lực của Mẹ Ma-ri-a trong hành trình sống
đức Tin thế nào?
5. NGUYỆN CẦU:
lẠy Chúa.
Mỗi lần gặp phải những khó khăn hoạn nạn xảy tới, chúng con
thường chỉ biết kêu trời trách đất, hoặc tệ hơn lại tìm đến với
mê tín dị đoan như coi bói toán, cầu cơ, tin đồng cốt... để tìm
sự giúp đỡ an ủi, đang khi lẽ ra chúng con phải cậy vào ơn
Chúa trợ giúp và sự phù trợ của Mẹ Ma-ri-a, như Mẹ đã cầu
bầu cho đôi tân hôn tại tiệc cưới thành Ca-na xưa. Xin Chúa giúp
chúng con biết nghe lời Mẹ dạy là hãy lắng nghe Lời Chúa Giê-su,
tìm hiểu ý Chúa muốn và mau mắn xin vâng như các người giúp việc
trong tiệc cưới xưa đã làm.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A. – Đ) XIN CHÚA NHẬM
LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH
www.hiephoithanhmau.com |
VỀ MỤC LỤC |
|
Ba cách thức nhập
thể của Lời Chúa |
Lời Mời gọi của HĐGMVN:
Giáo Hội tại Việt Nam phải “phát động chương trình mỗi gia đình
một cuốn Kinh Thánh được đặt nơi xứng hợp, cổ võ đọc và cầu
nguyện với Lời Chúa”, khuyến khích học thuộc lòng những đoạn
Kinh Thánh cốt yếu. Mọi thành phần Dân Chúa, giáo dân, chủng
sinh, tu sĩ và các mục tử, cần tập thói quen đọc và suy niệm Lời
Chúa hằng ngày, đặc biệt theo phương thức Lectio divina. (Thư
Chung của HĐGMVN, ngày 1.5.2011, số 11)
Xin giới thiệu cho nhiều người thân tham gia Gia Đình Lectio
Divina
Lecdiv@gmail.com để
có thể hiệp thông với nhau trong đời sống cầu nguyện và cùng
giúp nhau thực hành "điều cần thiết nhất trong mọi điều cần
thiết".
Đan viện Xitô Thánh Mẫu
Tâm Mỹ Ca, Nha Trang, sẽ cầu nguyện lâu dài cho tất cả những ai
trung thành thực hành và cố võ việc thực hành Lectio divina.
Mọi thắc mắc về Lectio divina, xin gởi email cho cha Bảo Tịnh,
O.Cist fr.baotinh@yahoo.fr
*****
Tác Phẩm: MỘT VỊ
THIÊN CHÚA NGỎ LỜI!
Thiên Chúa tỏ
mình cho con người thế nào?
Chuyển ngữ:
Thérèse Trần Thiết
Fr. Marie Bảo Tịnh O.Cist
Nguyên tác:
Michel HUBAUT
UN DIEU QUI PARLE!
Comment Dieu se révèle-t-il à
l’homme?
Chương 6 : LỜI CHÚA VÀ CUỘC NHẬP THỂ (tiếp
theo)
“Con đã ban tặng Lời Cha cho họ”
(Ga, 17, 14)
Ba cách thức nhập thể của Lời Chúa
Lời Chúa mặc xác phàm và sứ vụ của Lời được triển khai qua ba
giai đoạn. Trong ba mươi năm, Lời âm thầm hiện diện và
tác động giữa con người. Trong ba năm, công khai tỏ lộ
qua những dấu chỉ và lời nói, tuyên bố Vương Triều của Thiên
Chúa, là Cha. Và sau cùng, trong ba ngày thực hiện một
cuộc sống phó nộp, trao ban cho đến giọt máu cuối cùng. Ba mươi
năm, ba năm, ba ngày! Đó là ba cách thức thể hiện sứ vụ của Ngôi
Lời mà Thầy Giê-su đã mặc xác phàm cho Lời của Cha mình, để yêu
thương, cứu chuộc nhân loại.
Thầy là người đã nói: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và
Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!”
(Lc 12,
49), đã bắt đầu sống ba mươi năm – trên ba mươi ba
năm tuổi đời! – bằng cách sống trọn vẹn cuộc sống đơn giản
tầm thường hằng ngày của con người. Đó chính là mầu nhiệm ẩn dật
tại Na-da-rét sự gần gũi lạ lùng của Thiên Chúa hòa nhập vào mọi
cử chỉ nhỏ mọn, trong mọi tương quan thiết yếu của con người:
cuộc sống gia đình với những niềm vui, những phục vụ, thăm hỏi
hàng xóm, tham dự lễ hội cũng như lễ tang, hiện diện trong mọi
biến cố lớn/nhỏ, tham dự những buổi đọc kinh ở hội đường, và
những dịp hành hương hàng năm lên Đền Thánh Giê-ru-sa-lem…
Cuộc sống thân cận tầm thường, đến nỗi mọi người chung quanh đều
vô cùng ngạc nhiên khi thấy Đức Giê-su bỗng dưng tỏ lộ căn tính
thánh thiêng của mình (Mc 6,3:
“Ông này không
phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a, và anh em của các ông
Gia-cô-bê, Gio-xết, Giu-đa và Si-mon sao? Chị em của ông không
phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?”).
Đức Giê-su là một mạc khải ngỡ ngàng trước việc nhập thể của Lời
Chúa, của việc loan báo sứ vụ Tin Mừng. Việc nhập thể của tình
yêu cứu độ này soi sáng cho cuộc sống của mọi Ki-tô hữu được mời
gọi trở nên Lời Chúa, nói lên Thiên Chúa, làm chứng cho sự hiện
diện của Người giữa đời sống gia đình, trong môi trường làm
việc và mọi tương quan tình người.
Đến tuổi ba mươi, suốt ba năm rong ruổi trên mọi đường ngõ vùng
Palestine, bằng lời nói và việc làm, Đức Giê-su đã công bố Triều
Đại của Cha mình. Trong sứ vụ công khai này là nguồn gốc mọi ơn
gọi hiện nay, của tất cả những người nhận sứ vụ công bố Lời,
loan báo Tin Mừng, bằng lời nói hay chữ viết, như các nhà giảng
thuyết, các nhà thần học, chủ chiên, giáo lý viên, cũng như tất
cả những ai đang dấn thân phục vụ cách cụ thể trong các phong
trào, hiệp hội nhân đạo, bác ái, biểu hiện bằng hành động: Lời
Chúa, Tin Mừng tình yêu cứu chuộc của Đức Ki-tô.
Cuối cùng, trong ba ngày chịu khổ hình, Thầy Giê-su đã đi tới
cùng bằng cách phó dâng mạng sống trên thánh giá, hé mở chiều
kích vượt qua của sứ vụ mình. Để từ đó, tất cả các môn đệ chân
chính của Thầy, dù biết rằng trên đường sứ vụ sẽ gặp nhiều khó
khăn, thách đố, nhưng vẫn ý thức rằng chúng không phải là những
trở ngại cho sứ vụ, mà đều là những đóng góp xây dựng cho việc
kiện toàn sứ vụ. Là “thừa sai”, để trở nên Lời Thiên Chúa, luôn
luôn là một dấn thân trong chiều kích vượt qua của Thầy.
Chiều kích này của sứ vụ đã được diễn tả cách rộng rãi và phong
phú, bởi tất cả những người đã hiến dâng và còn đang dâng hiến
mạng sống mình làm chứng cho Tin Mừng. Ngay cả khi chỉ nằm trên
giường bệnh hay bị cầm tù, ki-tô hữu thâm tín rằng đau khổ của
mình, kết hợp với khổ đau của Đức Ki-tô Phục Sinh, có thể phát
sinh ra một lời, tăng thêm tình yêu cứu chuộc thế giới.
Tuy nhiên ta cần nhấn mạnh rằng không phải đau khổ, tự nó có thể
giải cứu, nhưng là tình yêu liên kết mọi cuộc sống của các tín
hữu. Đức Giê-su, Lời Thiên Chúa, yêu thương và cứu rỗi thế gian,
ở Na-da-rét, trên mọi nẻo đường xứ Palestine, cũng như trên
thánh giá. Chỉ tình yêu “thừa sai” mới có giá trị cứu thóat. Sứ
vụ là một sự tham dự vào tình yêu này của Đức Ki-tô, Đấng Cứu
Thế bằng tình yêu.
Chính trong đời sống của Đức Ki-tô, Lời nhập thể, “Thừa Sai của
Cha” mà chúng ta phải luôn luôn khám phá ra Lời Chúa, sứ vụ của
Hội Thánh và của người ki-tô hữu. Những giai đoạn chính yếu của
mầu nhiệm nhập thể đặc biệt soi sáng cho những hình thức khác
nhau của sứ vụ và là nguồn phát sinh ra những ơn gọi khác nhau
trong Giáo Hội ngày nay.
Ba cách thức nhập thể trên bổ túc cho nhau, nên chúng
bất-khả-phân-cách. Có những người được “gọi” để hóa thành
Lời, trong mầu nhiệm ẩn kín tại Na-da-rét, người khác được “gọi”
để sống sứ vụ công bố Nước Trời. Nhưng điều cốt yếu là tất cả,
bằng một cường độ khác nhau tùy theo sứ vụ và khả năng của mình,
đều phải sống chính mầu nhiệm vượt qua mà Lời Chúa đã cống hiến
cho chúng ta.
Ta nên khiêm nhường nhìn nhận rằng không một lối sống nào được
quyền tự cho là chỉ mình nó có thể diễn tả đầy đủ Lời Mạc Khải,
Tin Mừng Ki-tô giáo. Mà phải cần có những tín hữu sống đời đôi
bạn, và độc thân; cần có những đan sĩ và những thành viên nghiệp
đoàn; cần có nam giới và nữ giới, để có thể “nói” lên Đức Giê-su
Ki-tô. Mầu nhiệm nhập thể của Lời Chúa vô cùng phong phú, đến
nỗi nó chỉ có thể được sống bởi toàn thể một cộng đoàn gồm nhiều
anh chị em khác nhau.
Lời nhập thể, suối nguồn của liên đới
và đoạn tuyệt
Nếu Lời đã mặc xác phàm, nếu Đức Ki-tô đã làm người, đảm nhận
mọi giới hạn của con người, chính là để mở ra một chân trời bao
la hơn: những lời hứa trong Vương quốc của Cha, cuộc sống vĩnh
hằng. Lời hy vọng mà Đức Ki-tô mang đến, đổi mới cho cái nhìn
của ta vể con người và về thế giới, vì thế mọi ơn gọi đều mang
lời hy vọng. Và mọi cộng đoàn ki-tô hữu, từng người một, đều
phải cố gắng trở nên Lời của sự sống, một chứng nhân, một dấu
chỉ ngôn sứ cho niềm hy vọng ki-tô hữu.
Các trình thuật trong Tin Mừng cho ta thấy Thầy Ki-tô, đồng thời
vừa là người của liên-đới-tình-người sâu xa nhất, vừa là người
của những đoạn tuyệt căn bản nhất. Thánh Gio-an đã nhấn mạnh
cách đặc biệt nghịch lý này trong cuộc đời của Thầy: liên đới
chặt chẽ với vận mệnh của dân tộc mình, với tất cả mọi người anh
em nhân loại, nhưng cũng dứt khóat đoạn giao với họ! Việc đoạn
giao này đã đưa Thầy đến bị từ bỏ và đến cái chết! Gio-an đã mô
tả sứ vụ của Thầy như một trận giao tranh khốc liệt – hay một
phiên toà – giữa sức mạnh của bóng tối và ánh sáng.
Cũng như Đức Ki-tô đã là “dấu chỉ của đối kháng” ngay trong gia
đình và dân tộc của Thầy, các tín hữu đầu tiên đã phải đau đớn
đoạn tuyệt với chính nền văn hóa Do-thái của họ. Và những anh em
ngoại giáo, khi chọn con đường hóan cải, đi theo Đức Ki-tô, cũng
đã phải cắt đứt với một số những tập tục của dân ngoại, về tư
cách cá nhân, những tập tục của xã hội, như phong tục thần
thiêng hóa vị hoàng đế của dân tộc mình.
Môn đệ không cao trọng hơn Thầy! Vì vậy, bởi ơn gọi của mình,
một tín hữu sẽ luôn mãi là một lời nghịch lý: là người của tình
liên đới và của đoạn giao. Đúng thế, chúng ta ở trong thế gian,
nhưng không thuộc về thế gian:
“Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét
họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc
về thế gian”
(Ga 17, 14), cũng
xem (Ga
15, 18-21).
Thế gian mà thánh Gio-an nói ở đây không phải là thế giới mà
Thiên Chúa đã tạo dựng và yêu thương, nhưng là thế giới của
những con người khép kín trong chính bản thân hay trong những ý
thức hệ của họ, để từ chối mọi lãnh vực siêu việt thánh thiêng.
Chính vì thế mà tình liên đới của ki-tô hữu sẽ không bao giờ chỉ
thuần túy là một sự đồng hóa. “Ở với” mọi người không có nghĩa
là “giống như mọi người”. Điều muốn nói ở đây đúng là ở với,
nhưng một cách khác!
Trở nên một cuộc “vào đời” của Lời sự
sống
Đức Giê-su đã nói, nếu muốn cho bột dậy men, thì không thể để
men bên cạnh bột! Thầy cũng nói nếu muối đã mất đi chất mặn, thì
chỉ đáng đổ đi. Để giữ bản chất “muối”, một lời ban hương vị cho
sự việc trần thế, ban hứng thú để sống, chúng ta phải đảm nhận
sự khác biệt của mình, có khi còn phải bảo vệ quyền được “khác”
người, không tự ty, cũng không bạo lực!
Mọi cộng đoàn tín hữu đều là một cuộc “vào đời”, nói cách khác,
đều phải làm một cuộc nhập thế, hữu hình của Lời Mạc Khải, một
thách thức của niềm Tin và Hy Vọng.
“Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con
người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu
là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì
hoàn hảo”
(Rm 12, 2).
Những khác biệt của chúng ta đôi khi sẽ còn là một dịch vụ tốt
nhất – dịch vụ cho Hy Vọng – mà ta có thể giúp con người. Ngày
nào ta trở nên “như mọi người”, không hương sắc, không mùi vị,
thì ngày đó chúng ta sẽ chẳng còn gì để “nói” với đời! Dĩ nhiên
ta không áp đặt quan điểm của mình về con người, nhưng chúng ta
phải làm chứng cho quan điểm đó bằng mọi giá. Rượu mới của Tin
Mừng luôn làm nứt bể những “bình cũ”, bình cũ của con tim, của
tư duy, của thói quen và của những cấu trúc tập thể.
Mỗi cộng đoàn tín hữu đều phải trở nên một nơi ưu tiên để Lời
vào đời, nơi mà mỗi người có thể cắm rễ sâu để tình liên đới
được chín mùi, để tập đảm nhận sự khác biệt của mình. Và mỗi thế
hệ cũng được mời gọi sống những hình thức liên đới và đoạn tuyệt
mới, vì mỗi thời kỳ, mỗi nền văn hóa được đúc kết bởi những kỹ
năng của sự sống và sự chết, những mầm mống của sự sống và sự
chết.
Công Đồng Va-ti-ca-nô II đã từng nói: có sự tương đồng nào đó
giữa một số những khát vọng của con người và những giá trị của
Tin Mừng, nhưng cũng có sự đối kháng tiềm tàng, thường hằng,
giữa Lời Đức Ki-tô và thế giới của chúng ta, một thế giới luôn
muốn tự khép kín trên chính mình. Tất cả những gì làm nên con
người như con tim, ý chí và trí tuệ; tất cả những gì con người
làm ra như dự án, thực hiện; tất cả những gì con người sống như
hạnh phúc, khoái lạc, khổ đau…, đều có thể là chủ lực cho một
nhân-bản-hóa hoặc phi-nhân-bản-hóa.
Lời là một hứa hẹn cho tương lai
Cuộc xuất hành của dân Chúa đã không kết thúc ở biến cố Giê-su
Ki-tô! Trái lại, bởi cuộc “xuất hành vượt qua”, Đức Ki-tô đã
khởi động cho một bước tiến tới của dân Giao Ước Mới đến
phần Đất Hứa chân chính, đó là Vương Quốc Thiên Chúa.
Vì vậy chúng ta được mời gọi trở nên những lời sinh động để làm
chứng, với tính cách cá nhân và cộng đồng, rằng cuộc hành trình
của nhân loại là một bước đi “theo chân Đức Giê-su Ki-tô”, Người
đã đi trước và thu hút chúng ta. “Phần tôi, một khi được
giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”
(Ga 12,
32). Niềm hy
vọng của chúng ta cũng là hy vọng của cả một dân tộc đang tiến
bước đến với căn tính đích thực của mình, đến Vương Triều Thiên
Chúa và luôn được sinh động bởi Thần Khí bằng lời thầm thĩ
nguyện cầu trong chúng ta: “Thần Khí và Tân Nương nói: "Xin
ngài ngự đến!" Ai nghe, hãy nói: "Xin Người ngự đến!" Ai khát,
hãy đến; ai muốn, hãy đến lãnh nước trường sinh mà không phải
trả tiền ... Ðấng làm chứng
về những điều đó phán rằng: "Phải, chẳng bao lâu nữa ta sẽ đến".
Amen, lạy Chúa Giê-su, xin ngự đến!”
(Kh 22,
17.20).
Chúng ta phải xác định vị trí ơn gọi ngôn sứ ki-tô hữu của mình
trong sự tiếp nối năng động của cuộc xuất hành trong Kinh
Thánh, đặt nền tảng trên Giao Ước. Lời Chúa, nhất là từ khi mặc
lấy một khuôn mặt người nơi Đức Giê-su Ki-tô, đã làm cho cuộc
hành trình của nhân loại thành một lịch sử cứu độ - hạnh phúc –
hướng tới Triều Đại sự sống của Thiên Chúa. Lời Chúa đã làm
cho con người trở thành một lữ hành, một khách hành hương tiến
bước từ lều trại này đến lều trại kia.
Các ngôn sứ trong Kinh Thánh, luôn được Thần Khí thúc đẩy tiến
xa hơn mãi với những lời hứa, những đòi hỏi của Giao Ước, họ đã
không ngừng chiến đấu chống lại những trở ngại cố hữu trên đường
đi của dân Chúa. Họ đã phải không ngừng giao tranh với mọi hình
thức ù lì bất động, với cám dỗ “cắm trại” nằm ì, giảm thiểu và
gán ghép những lời hứa của Lời Chúa vào mọi nhu cầu vật chất
nhất thời (ruộng nương mầu mỡ, bầy gia súc sung túc), “sáp nhập”
Thiên Chúa vào việc phục vụ con người, hay “cô lập” Người trong
đền thờ, trong một tín ngưỡng hay một lề luật!
Các ngôn sứ trong Kinh Thánh, nam cũng như nữ, đã không ngừng
mở rộng chân trời cho đồng loại của họ, bằng cách nhắc nhở mọi
người rằng Thiên Chúa luôn nhìn xa, thấy rộng cho con người. Họ
được Lời Chúa ngự trị, và luôn được kế hoạch yêu thương của
Người thúc đẩy. Công việc thức tỉnh này còn phải được thực thi
trong từng cộng đoàn ki-tô hữu chúng ta, cũng như trong lòng xã
hội. Vì cám dỗ triền miên nơi con người cũng như xã hội là tự
khép kín trên những dự án thuần tuý nhân loại của họ, tự thoả
mãn với những của cải vật chất tạm bợ.
Các cộng đoàn của chúng ta phải luôn canh chừng để không “an
tọa” trong chính những cơ cấu của mình, trong việc quản trị
những cơ sở luôn mãi chỉ là nhất thời và tương đối của mình. Sứ
vụ “chứng nhân cho Lời” không chỉ dừng ở cách sống của cá nhân
ta. Các ngôn sứ trong Cựu Ước còn luôn sẵn sàng tố giác thái độ
vơ vét của cải, khai thác người nghèo và tất cả những gì có thể
dập tắt hy vọng. Vì họ nhìn thấy ở đó một sự “cắt đứt” giao ước
với Thiên Chúa. Hy vọng còn là nói không với tất cả những
gì gạt con người ra ngoài lề, hay khai trừ con người để chỗ cho
thất vọng ập vào.
Được Thần Khí Đức Ki-tô làm cho sinh động, chúng ta còn được mời
gọi trở nên “lời sống động”, là những người ngóng chờ rạng đông,
là những lính canh của tình yêu, những dấu chỉ, những bí tích
của Vương quốc Tình Yêu Thiên Chúa đang dần dần làm cho địa cầu
này ra phì nhiêu, mầu mỡ. Bởi ơn gọi của mình, các môn đệ Đức
Ki-tô, nam cũng như nữ, được Lời Chúa ngự trị để trở thành những
người “canh thức” biết phân định cách sáng suốt và bén nhạy, tất
cả những gì làm tổn thương con người, làm tê liệt bước tiến của
nhân loại trong kế hoạch tình yêu của Thiên Chúa. Họ thấy
được những gì người khác không thấy hay không muốn thấy: tất cả
những ai bị loại trừ khỏi Tình Yêu và Sự Sống.
Khá nhiều ki-tô hữu đã ý thức được rằng cuộc sống của họ là
một lời duy nhất có thể tin được. Thế nên không lẩn trốn
trong một “tháp ngà”, họ luôn cố gắng hiện thực hóa lời yêu
thương giải thoát của Thầy Giê-su Ki-tô, trong những “nơi
nhập thể” như gia đình, khu phố, làng xóm, thành thị, công
xưởng, văn phòng làm việc và những môi trường dấn thân phục vụ
khác.
Chúng ta hãy là những lời hy vọng không ngừng chất vấn:
- Đâu là những nơi con người đang bị khinh rẻ?
- Đâu là những nơi mà hy vọng của con người đang bị đe doạ?
- Đâu là những nơi mà Tình Yêu và Sự Sống đang bị chà đạp?
Tình yêu Đức Ki-tô thúc bách chúng ta. Chúng ta là những người
quản lý lời giải thoát của Thiên Chúa. Những hình thức
liên đới mới mẻ nào, những hình thức đoạn tuyệt mới mẻ nào, mà
Lời Chúa đang mời gọi tôi hiện diện và phấn đấu hôm nay?
|
VỀ MỤC LỤC |
|
ĐỂ
TIN MỪNG BAY XA…
|
Chúng ta vừa
mừng lễ các Thánh Tử Đạo của Hàn Quốc ( 20 tháng 9 ), mừng lễ
các vị Thánh chứng nhân này khiến chúng ta nặng lòng suy nghĩ về
dân tộc mình, đất nước mình và Giáo Hội mình.
Hàn Quốc và
Việt Nam cùng có những hoàn cảnh chính trị như nhau, từ những
năm đầu của thế kỷ 20, cả hai dân tộc đều phải hứng chịu chiến
tranh, cùng bị chia đôi đất nước, bao đau thương dày xéo cả hai
dân tộc, cho đến nay Hàn Quốc vẫn chịu cảnh chia cắt, nhưng kinh
tế, văn hóa, nghệ thuật,… có thể nói về mọi mặt, đã bỏ xa, rất
xa Việt Nam, một đất nước cùng vùng Đông Á nhưng đã thống nhất
37 năm rồi, không còn loạn ly chia cắt nữa.
Trước năm 75,
thanh niên miền Nam chúng tôi có coi những anh Đại Hàn ra gì
đâu, họ đến đất nước này trong lực lượng tham chiến Đồng Minh
chống lại Cộng Sản, họ không có gì nổi bật, đất nước họ cũng
chẳng có gì để chúng tôi học hỏi, nổi tiếng nhất chỉ có món võ
Taekwondo và lời đồn đãi về môt loại sâm Cao Ly nào đó rất bổ,
nhưng tất cả những thứ ấy chẳng làm bọn trẻ chúng tôi quan tâm.
Biến cố 75 ập
đến, sau nhiều năm gián đoạn thông tin, ngày mở cửa, chúng ta
choáng ngợp trước những anh Đại Hàn mạnh mẽ, giàu có, tiến bộ.
Hàng hóa Đại Hàn tràn ngập thu hút mọi người, từ xe hơi, xe tải,
các loại máy công nghiệp, đến thời trang, hàng tiêu dùng, hàng
điện máy, cả điện ảnh và ca nhạc nữa, giới trẻ Việt Nam ở thành
phố mơ về những ngôi sao Hàn Quốc, điên cuồng hâm mộ và thích đi
ăn tiệm Hàn, mặc áo cuối của Hàn, cắt tóc kiểu Hàn !
Tại sao người ta cũng bị chia đôi đất nước
với hai chính thể y như mình nhưng người ta không đánh nhau,
không tàn sát lẫn nhau ? Tại sao đất nước người ta không có tài
nguyên phong phú như mình, không “rừng vàng biển bạc” như mình
mà người ta tiến bộ, kinh tế phát triển, giáo dục phát triển kéo
theo mọi mặt phát triển, cứ thế mà hỗ tương nhau phát triển. Tại
sao đến giờ phút này, thu nhập bình quân đầu người của chúng ta
chỉ bằng của họ cách đây hàng chục năm về trước, và bây giờ thì
họ đã có GDP gấp mười lần chúng ta ? Tại sao “rừng vàng biển
bạc” của ta bây giờ không còn vàng, chẳng còn bạc, mà chỉ còn
tai họa cứ ngày đêm rình rập ập xuống trên đầu người dân quá
cùng khổ ? Năm nào cũng vậy, chưa mưa đã ngập lụt, chưa bão đã
lũ quét lũ tràn, hàng vạn người dân cứ màn trời chiếu đất, chiến
tranh đã hết rồi mà hàng ngàn người cứ mãi chit khăn tang ?
Tin Mừng đến Đại Hàn sau Việt Nam nhiều thế
kỷ ( thế kỷ 18 Tin Mừng mới đến Đại Hàn, sau Việt Nam hơn 300
năm ), Tin Mừng đến Đại Hàn do một số
người dân Đại Hàn mang về từ Trung Quốc, khi các Thừa Sai người
Pháp đến ( 1779 – 1836 ) thì đạo Công Giáo đã được phổ biến
trong nước họ rồi. Cũng như Việt Nam, Giáo Hội Đại Hàn đã chịu
sự bách hại khốc liệt, đã có 103 vị chứng nhân được tuyên phong
Hiển Thánh, nhưng khác Việt Nam, trong khoảng 10 năm qua, Giáo
Hội Nam Hàn tăng trưởng mạnh, từ 2% nay đã lên đến 11% dân số,
số Linh Mục tăng từ 250 lên đến 5.000 vị. Hiện nay Giáo Hội Hàn
Quốc đang thực hiện chiến dịch “20, 20” nghĩa là cố gắng vào năm
2020 số Giáo Dân Nam Hàn sẽ là 20% dân số, họ đề ra chương trình
“mỗi Kitô hữu truyền bá Tin Mừng cho một người ngoại” ( Linh
Tiến Khải, Radio Vatican, 18.4.2012 ).
Là một Giáo
Hội non trẻ hơn Việt Nam, sống trong môi trường văn hóa Á Đông
như Việt Nam, cùng đối đầu với các vấn đề không khác Việt Nam,
tại sao số Kitô hữu của Nam Hàn cứ gia tăng mà số Kitô hữu Việt
Nam thống nhất lại cứ dậm chân ở mức 6% bao nhiêu năm nay. Ở
Việt Nam máu các Thánh Tử đạo đổ ra nhiều hơn Hàn Quốc ( chỉ lấy
con số 117 so với 103 ), lẽ ra mùa lúa Việt Nam phải bội thu hơn
nhiều chứ ?
Có người lý
luận sở dĩ Tin Mừng lan nhanh ở Hàn Quốc, là vì ở Hàn Quốc, Tin
Mừng mang giá trị cổ võ cho sự công bằng trong xã hội. Không
đúng ! Chênh lệch thu nhập của người Hàn Quốc không quá cách
biệt, trong khi chênh lệch mức sống ở Việt Nam ngày càng nhiều,
giá trị công bằng trong xã hội mà Tin Mừng rao giảng ở Việt Nam
có cơ hội rõ nét hơn nhiều. Cũng có lý luận do xã hội Hàn Quốc
băng hoại chạy theo hưởng thụ, thỏa mãn ích kỷ, càng ngày càng
tục hóa, đó là mảnh đất màu mỡ mà Tin Mừng sáng chói lên. Cũng
không đúng ! Xã hội Việt Nam băng hoại gấp bội, nạn phá thai ở
Việt Nam đứng nhất nhì thế giới, cướp bóc, tham nhũng, tai nạn
giao thông ở Việt Nam bỏ xa Hàn Quốc. Tại sao số Kitô hữu cứ mãi
6% ?
Tin Mừng là
một, không thay đổi, Tin Mừng mang những giá trị muôn thuở,
không suy giảm, không khác biệt ở bất cứ nơi đâu, vấn đề còn lại
là ở chính chúng ta. Chúng ta đang dành ưu tiên cho cái gì trong
cuộc sống ? Chúng ta chọn lựa cách nào để “Đức Tin có việc làm”
?
Vừa qua chúng tôi tiếp xúc với một số các
chức việc ở một số Giáo Xứ miền xuôi, ngay tại thành phố, họ kêu
ca với chúng tôi về việc thiếu Linh Mục chăm sóc phần thiêng
liêng cho họ, nào là… “Giáo Họ chúng con cả tuần mới có được mỗi
một Lễ”, nào là…”Cha bận quá nên trong Xóm Giáo có gia đình lục
đục, cha không đến để hòa giải được nên vuột mất cơ hội”, nào
là… “Cha lu bu quá, cha không thể ngồi họp với các hội đoàn
chúng con, làm chúng con thiếu mất sức sống” v.v… Trong khi đó,
chúng tôi cũng vừa có dịp đi qua một số Giáo Điểm miền cao
nguyên, anh em Linh Mục phải chạy đi dâng lễ từ chiều thứ bảy
cho đến tối mịt Chúa Nhật, có khi sang thứ hai mới về lại được
nhà xứ, mỗi nơi dâng lễ cách nhau cả hàng chục cây số, có những
nơi bị bách hại, khó khăn rình rập, ngăn cản việc thi hành mục
vụ, thậm chí có Linh Mục bị đánh đập vì đã dâng Lễ tại vùng
“không cho phép”.
Làm sao để
tất cả mọi người, từ hàng giáo phẩm đến Giáo Dân, ý thức được sứ
mệnh truyền giáo ? Ai sẽ lôi chúng ta ra khỏi thế luẩn quẩn này
? Làm sao để chúng ta dám đặt mục tiêu “10, 20” ?
Chỉ “10, 20”
thôi mà cũng không dám ! Chẳng lẽ chúng ta cứ mãi 6% ?
Lm. VĨNH
SANG, DCCT, 22.9.2012 (Ephata 528)
|
VỀ MỤC LỤC |
|
NĂM ĐỨC TIN: CẦN THIẾT NGHE LỜI
CHÚA VÀ LÃNH CÁC BÍ TÍCH
|
Năm Đức Tin sẽ chính thức mở ra trong toàn
Giáo Hội từ ngày 11 tháng 10 năm 2012 đến ngày 24 tháng 11 năm
2013.
Trong Năm Đức Tin này, Đức Thánh Cha
Bê-nê-đich-tô 16 đăc biệt nhấn mạnh đến việc tân phúc âm hóa để
quảng bá đức tin Kitô-Giáo ( New Evangelization for the
transmission of Christian Faith).
Tân Phúc Âm hóa có nghĩa là đọc lại lời
Chúa cách thấu đáo hơn để từ đó thêm biết sống niềm tin Kitô
Giáo cách thiết thực và có sức thuyết phục người khác tin yêu
Chúa để cùng hưởng hạnh phúc Nước Trời như lòng Chúa mong muốn
“
cho mọi người
được cứu rỗi và nhận biết chân lý” ( 1 Tm 2 : 4)
Phúc Âm sự Sống
( Gospel Of Life) mà Chúa Kitô đã rao giảng trên 2000 năm trước
đây đang bị “văn hóa của sự chết” thách đố nặng nề, vì nó
đang lôi cuốn được nhiều người sống theo nó kể cả những người đã
lãnh Phép rửa để được tái sinh trong sự sống mới, nhưng nay đang
bị “văn hóa của sự chết” lôi kéo vào hố giệt vong vì thực chất
vô luân vô đạo của trào lưu tục hóa thế giới hiện nay.Hậu quả là
có nhiều người Công giáo-cách riêng giới trẻ- đã không thực hành
đức tin như tham dự Thánh lễ ngày Chúa nhật, xưng tội, rước Mình
Máu Chúa Kitô. Có người cò bỏ theo Tin Lành, Baptist,
Methodist..
Do đó, cần thiết phải được tái Phúc Âm hóa,
nghĩa là được nghe lại lời Chúa Kitô, vì chỉ có Người
“
mới có những lời đem lại sự sống đời đời”
như Phêrô đã ttả lời Chúa một ngày kia sau khi nhiều môn đệ khác
“
đã rút lui, không còn đi với Người nữa.”
( Ga : 6: 66, 68)
Họ rút lui vì cho là chướng tai khi nghe
Chúa nói Người là Bánh từ trời xuống cho những ai ăn thì sẽ được
sống đời đời.
I- Sự
cần thiết phải nghe Lời Chúa:
Thiên Chúa đã nói với con người qua
miệng các Ngôn sứ ( prophets) trong thời Cựu Ước như ông Mô Sê
đã nói với dân Do Thái xưa như sau:
Đức Chúa phán với ông Mô-sê :
Hãy ra lệnh cho con cái Israel và
nói với chúng lời của Ta
“ Vào đúng
thời đúng buổi, các ngươi sẽ chăm lo dâng lên Ta lễ vật , lương
thực dưới hình thức hỏa tế nghi ngút hương thơm, làm thỏa lòng
Ta.”( Ds 28: 1-2)
Lại nữa, qua miệng ngôn sứ Ê-dê-kien (
Ezekiel) Thiên Chúa đã phán những lời cảnh cáo kẻ gian ác ở mọi
thời đại và mọi nơi trên mặt đất này như sau:
“ phần ngươi,
hởi con người. Ta đã đặt ngươi làm người canh gác cho nhà Israel
Ngươi sẽ nghe
lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta báo cho chúng biết. Nếu Ta
phán
Với kẻ gian ác rằng : “hỡi tên gian ác
chắc chắn ngươi phải chết” mà ngươi không chiu nói để cảnh cáo
nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết
vì tội của nó. Nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó. Ngược lại,
nếu ngươi đã bảo cho kẻ gian ác phải từ bỏ con đường của nó mà
trở lại, nhưng nó không trở lại, thì nó sẽ phải chết vì tội của
nó; còn ngươi, ngươi sẽ cứu được mạng sống mình.”
( Ed 33: 7-9)
Thiên Chúa phán dạy dân Do Thái trước tiên
và cũng nói cho mọi dân trên toàn thế giới biết Thánh Ý của
Người để họ biết sống xứng đáng hầu được cứu rỗi và vui hưởng
hạnh phúc Nước Trời. Hạnh phúc Nước Trời là được chiêm ngưỡng
Thánh Nhan Chúa trên nơi vĩnh hằng đô, sau khi mọi người phải
trải qua cái chết trong thân sác vì hậu quả của tội lỗi.Những
cái chết về thể lý không quan trọng bằng cái chết của linh hồn
nếu trong cuộc sống trên trần thế này con người đã tự do chọn
lựa con đường đưa đến cái chết đáng sợ đó. Cứ nhìn vào thực
trạng của con người sống hiện nay, ta có thể hình dung được ai
là người muốn sống hạnh phúc vinh cửu với Thiên Chúa trên Nước
Trời và ai là những người đang tự ý khước từ hạnh phúc đó. Họ
chính là những kẻ đang làm ngơ hay từ chối lời mời gọi của
Chúa vào dự Bàn Tiệc Nước Trời vì nhiều lý do riêng tư.Có những
người đang mải mê tìm tiền bạc và mọi vui thú vô luân vô đạo để
hưởng thụ trong giây phút hiện tại mà không thắc mắc gì về số
phận mai sau. Có những kẻ đang sống trong hận thù, ghen nghét,
chia rẽ, chém. giết người khác về thể lý hay về tinh thần, dâm
ô nhất là ấu dâm ( child prostitution), một tội ác rất nghê tởm
và khốn nạn của con người thời nay.Đây là con đường đưa đến sự
chết đời đời nhưng lại có nhiều người muốn đi và đang ung dung
đi trên đó ở khắp mọi nơi trên thế giới.
Trước thực trạng đáng buồn này, là tín hữu
Chúa Kitô, chúng ta phải sống đức tin có Chúa như thế nào để
phân biệt chúng ta với những người không có niềm tin hay có mà
đã đánh mất niềm tin ấy vì những cạm bẫy của văn hóa sự chết ?
Chúng ta có lắng nghe lời Thiên Chúa phán
bảo qua các ngôn sứ thời Cựu Ước và nhất là qua Chúa Giêsu vào
thời sau hết hay không, vì Thiên Chúa đã
“ phán dạy chúng ta qua
Thánh Tử.Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, và đã đặt
Người làm Đấng thừa hưởng muôn loài muôn vật.”
( Dt 1 : 2)
Nghĩa là qua Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã
mặc khải trọn vẹn Thánh Ý Người cho nhân loại,
Cho nên: “
Ai
yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy
…….
Và lời anh em nghe đây
Không phải là của Thầy
Nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy.”
( Ga 14 : 23, 24)
Chúa Giêsu đã chọn các Tông đồ và sai họ đi
rao giảng Tin Mừng Cứu Độ và chữa lành cho các bệnh nhân như ta
đọc thấy trong Kinh Thánh Tân Ước. Chúa đã trao cho các ông
trọng trách thay mặt Chúa để đi rao giảng Tin Mừng Cứu Độ cho
muôn dân để ai nghe các ngài thì cũng nghe lời Chúa như Chúa đã
quả quyết:
“ Ai nghe anh
em là nghe Thầy, và ai khước từ anh em là khước từ Thầy.
Mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã
sai Thầy.”
( Lc 10: 16)
Như thế, nghe lời dạy của các Tông Đồ xưa
và nghe Giáo Hội ngày nay là người kế vị các Tông Đồ dạy với
Quyền Giáo Huấn ( Magisterium) là nghe chính Chúa Kitô. Mà nghe
Chúa Kitô là nghe Chúa Cha, Đấng đã sai Chúa Kitô đến trần gian
làm Con Người
“ để phục vụ và hiến mạng sống mình làm
giá chuộc cho muôn người.” ( Mt 10: 45)
Do đó, đọc kỹ Kinh Thánh, chúng ta sẽ nghe
lại Lời Chúa cách sâu sắc hơn, để từ đó thêm xác tín vào Chúa
Kitô, hiện thân của Chúa Cha khi Người đến trần gian đi rao
giảng và dạy dỗ chân lý như Chúa đã trả lời Tổng Trấn Philatô
xưa như sau:
“ Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian vì điều
này
Đó là để làm chứng cho sự thật
Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng Tôi.
( Ga 18: 37
Sự thật mà Chúa Giêsu nói ở đây là sự thật
có Thiên Chúa là Cha, Đấng tạo thành muôn loài muôn vật hữu
hình và vô hình- trong đó có con người được Thiên Chúa yêu
thương đến nỗi đã trao nộp chính Con Một Người là Chúa Kitô để
cho muôn người được cứu độ nhờ máu Người đã đổ ra trên thập giá
làm Hy Tế đền tội thay cho muôn dân. Đây là sự thật mà người tín
hữu chúng ta phải tin và tuyên xưng bằng hành động biết ơn thiết
thực là yêu mến Chúa trên hết mọi sự và xa tránh mọi tội lỗi vì
chỉ có tội mới cắt đứt tình thân giữa ta và Thiên Chúa. Và cũng
chỉ có tội mới đóng đanh Chúa Kitô một hay nhiều lần nữa trong
tâm hồn chúng ta. Cho nên, sống cho sự thật này là sống đức tin
có chiều sâu thực sự và có sức thuyết phục người khác.
Vì thế, để bồi dưỡng cho đức tin ấy trong
Năm Đức Tin này, mỗi người tín hữu chúng ta cần đọc lại và suy
gẫm lời Chúa trong các Tin Mừng để biết Chúa yêu thương chúng ta
đến mức nào, để từ đó thêm quyết tâm sống đức tin, đức cậy và
đức mến cách sống động hơn nữa hầu chống lại những ảnh hưởng
tai hại của văn hóa sự chết đang lan tràn khắp nơi và đầu độc
biết bao người già trẻ, nam, nữ.
II- Sự cần thiết năng lãnh nhận các bí
tích Thánh Thể và Hòa Giải:
Ngoài việc chú tâm đọc lại lời Chúa để hiểu
rõ hơn thánh ý của Người cho mỗi người chúng ta, việc năng lãnh
nhận các bí tích Thánh Thể và Hòa giải cũng quan trọng không kém
trong Năm Đức Tin này.
Thật vậy, tình trạng sống Đạo của nhiểu
người ở nhiều nơi thật đáng buồn.Số người đi lễ ngày Chúa Nhật
và xưng tội chiều thứ bảy đã giảm sút đáng quan ngại. Rật nhiều
người có dư giờ đi du hí, nhẩy nhót, ăn uống vui chơi thiếu lành
mạnh cuối tuân, thâu đêm, nhưng lại không có giờ đi lễ, đi cầu
nguyện ! Như thế làm sao chứng tỏ mình có đức tin giữa những
người không tin ?
Ta không thể nói như một số người rằng đạo
tại tâm, không cần thực hành bề ngoài.Lại nữa, có xưng tội thì
xưng với Chúa chứ không cần qua linh mục.
Đây là những quan niệm rất sai lầm về việc
sống Đạo của Người tín hữu Công giáo thời nay Chúa Kitô đã ban
các Bí Tích cho chúng ta như phương tiện cứu rỗi rất cần thiết ,
nên trong Năm Đức Tin này, cần phải đặc biệt nói đến hai Bi
Tích quan trọng nhất là Thánh Thể và Hòa giải
Với Bí tích Thánh Thể, chúng ta trước hết
được tham dự Hy tế của Chúa Kitô cử hành trên bàn thờ ngày nay
cùng thể thức và mục đích của Hy Tế Chúa đã dâng lên Chúa Cha
xưa trên thập giá. Nên mỗi lần tham dự tích cực vào Thánh lễ,
chúng ta cũng hiệp dâng với Chúa Giêsu hiện diện bí tích nơi
thừa tác viên con người là Giám mục hay linh mục để dâng lại Hy
Tế Người đã một lần dâng trên thập giá đễ xin ơn tha thứ và cứu
chuộc cho toàn thể nhân loại.Cho nên tham dự Thánh Lễ cách tích
cực là thể hiện đức tin cách sống động, vì không có việc đạo đức
nào đẹp lòng Chúa hơn là dâng và hiệp dâng Thánh Lễ Tạ Ơn để
cùng với Giáo Hội ca ngợi và cảm tạ Chúa Cha nhờ Chúa Kitô và
trong Chúa Thánh Thần.
Khi tham dự Thánh lễ, ta được nghe Lời Chúa
và được ăn Mình, uống Máu Chúa Kitô để được sống đời đời như
Chúa Giêsu đã hứa: “
Ai ăn thịt Ta
và uống máu Ta thì được sống muôn đời,, và Ta sẽ cho người ấy
sống lại vào ngày sau hết.” ( Ga 6: 54)
Liên quan đến việc chuẩn bị tâm hồn cho
xứng đáng để rước Chúa vào lòng, Giáo Hội khuyên nhủ các tín hữu
năng xưng tội qua bí tích hòa giải để được tha mọi tội năng và
nhẹ đã mắc phạm vì yêu đuối con người.Người Công Giáo không thể
nói như anh em Tin Lành là chỉ cần trực tiếp xưng tội trực tiếp
với Chúa, chứ không qua trung gian của ai. Nói thế là chối bỏ
điều Chúa Giêsu đã nói rõ trong Phúc Âm Thánh Gioan như sau:
:
anh em tha
tội cho ai thì người ấy được tha
Anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ.”
( Ga 20: 22)
Trước đó, Chúa cũng đã trao cho Phêrô quyền
tháo gỡ và cầm buộc ,tức là được tha tội cho con người nhân danh
Chúa Kitô ( in persona Christi):
“ Thầy sẽ trao
cho anh chìa khóa Nước Trời : dưới đất anh cầm buộc điều gì ,
trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất anh tháo gỡ điều gì
,trên trời cũng sẽ tháo gỡ như vậy.”
( Mt 16:19)
Như thế rõ ràng Chúa Kitô đã trao quyền tha
tội cho các Tông Đồ trước tiên và cho Giáo Hội ngày nay, cụ thể
là cho các Giám mục và Linh mục được quyền tha tội cho mọi hối
nhân nhân danh Chúa.
Do đó, đi xưng tội với một linh mục là nói
lên niềm tin vào lời Chúa đã dạy trên đây.Cũng cần nói thêm là
linh mục, dù bất xứng ra sao trước mặt người đời, nhưng khi nhân
danh Chúa Kitô để tha tội cho ai thì người ấy được tha vì
chính Chúa Kitô tha tội cho người ấy qua tay linh mục là thừa
tác viên thay mặt Chúa. Cho nên, đừng ai nghi ngại việc này mà
không năng đến với Chúa Kitô qua Bí tích hòa giải.Năng xưng tội
, năng rước Mình Thánh Chúa là phương thế hữu hiệu nhất để trở
nên giống Chúa và có hy vọng chắc chắn được cứu rỗi để sống hạnh
phúc vĩnh cửu trên Nước trời mai sau.
Tóm lại, Năm Đức Tin là thời cơ thuận tiện
cho chúng ta tái xác định lòng tin vững vàng vào Chúa , lòng mến
yêu Người thiết tha và hy vọng chắc chắn được
“thông
phần bản tính Thiên Chúa, sau khi đã thoát khỏi cảnh hư đốn do
dục vọng gây ra trong trần gian này.”
( 1 Pr 1: 4).
Chúng ta cùng cầu xin cho sự thành công của
Năm Đức Tin để canh tân đời sống đức tin của toàn thể dân Chúa
trong Giáo Hội.
Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn |
VỀ MỤC LỤC |
|
HÃY TỰ XÉT MÌNH ĐỂ TRỞ NÊN KHIÊM
TỐN
|
Chúa Nhật XXVI Thường Niên B
(Dân số 11: 25-29, Giacobê 5: 1-6; Mac cô
9: 38-43, 45, 47-48)
Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh
SỨ MẠNG CỦA TIÊN TRI
Các tiên tri
trong kinh thánh là những vị được Thiên Chúa kêu gọi để trở
thành sứ giả và người diễn nghĩa lời Chúa. Lời Chúa một khi đã
xâm nhập các tiên tri thì buộc các ngài phải lên tiếng.
Tiên tri Amos
nói: “Thiên Chúa phán: Ai mà lại không nói tiên tri được
nhỉ?” (Amos 3:8). Jeremiah chán nản bởi vì lời ông nói trước
về sự đau khổ của dân ông đã không hiệu quả làm cho lời Chúa mất
thiêng: “Tôi tự nhủ, ‘tôi sẽ không nghĩ đến Chúa nữa, không
nói bất cứ điều gì nhân danh Chúa nữa’, nhưng trong tôi như lửa
bừng bừng cháy, xâm nhập vào cả xương cốt tôi. Tôi cố hết sức
nén lại nhưng không tài nào làm nổi” (Jeremiah 20: 9). Bất
cứ một hình thức tiên đoán nào của một tiên tri thực thuộc dòng
Israel dưới viễn ảnh của Thiên Chúa một khi đã xâm nhập vào tư
tưởng của họ thì họ sẽ nhìn thấy tất cả mọi sự đều nằm trong
quan điểm của Thiên Chúa và họ không thể cưỡng lại được buộc họ
phải nhìn ra sự thật đúng như vậy. Do đó, sứ mạng căn bản của
một tiên tri là vâng theo Lời Chúa truyền.
CHỚ CHI TOÀN THỂ DÂN CHÚA ĐỀU LÀ TIÊN TRI CẢ !
Trong bài đọc 1
hôm nay (Dân Số 11: 25-29), Thiên Chúa ban lời tiên tri cho
những kẻ khác đã làm cho ông Maisen ngạc nhiên. Trước kia ông
Maisen đã than phiền với Chúa là một mình ông không thể cung cấp
mọi sự cho toàn thể dân Israel trong sa mạc được. Để làm nhẹ
gánh cho ông, Chúa đã hứa ban thần trí tiên tri của Maisen cho
70 vị trưởng lão. Mặc dù Eldad và Medad lúc đó không hiện diện ở
trong trại khi Chúa ban quyền tiên tri nhưng họ vẫn nhận được
tặng quyền đó.
Khi phụ tá của
Maisen là Joshua tỏ ý muốn đàn áp cuộc nổi loạn chống lại quyền
bính ấy thì ông Maisen trả lời: “Ngươi lại ghen tức thay cho
ta hay sao? Chớ chi toàn thể dân Chúa là tiên tri và, được Thiên
Chúa ban thần trí xuống cho họ!” (Dân số 11: 29). Riêng ông
Maisen rất vui mừng vì thần trí tiên tri được chia sẻ với những
người không trực tiếp hiện diện trong cuộc ủy quyền đầu tiên của
những vị trưởng lão. Hành động của Joshua có thể bị phê phán vì
tội ghen tương. Quyền bính thần trí có thể đưa tới những lạm
dụng nghiêm trọng. Nó cần phải được sử sự một cách cẩn thận,
khiêm tốn và công bằng. Đây là một bài học cho thấy Thiên Chúa
chia sẻ thần trí không giới hạn. Thiên Chúa chính là mẫu mực.
GIÀU SANG HIỆN TẠI CHỈ LÀ VÔ NGHĨA
Việc lột mặt nạ
những kẻ giàu có bất chính trong thư thánh Giacobê ở bài đọc 2
hôm nay chỉ là nhắc lại những lời tiên tri trong cựu ước
(vd.Amos 8: 4-8). Nó không có chủ đích gây ảnh hưởng trên người
giàu có đã được nói đến một cách quyết liệt, nhưng đúng ra là
cảnh báo những tín hữu về sự cứu rỗi số mệnh nguy khốn của những
kẻ lạm dụng sự giàu sang và, có lẽ cũng là một an ủi cho những
người bị những kẻ giàu sang áp bức (Gc. 2: 5-7). Cách dẫn nhập
giống nhau trong hai đoạn Gc 5: 1-6 và Gc 4: 13-17 cũng như
cách nói trực tiếp trong toàn thể câu chuyện cho thấy ý nghĩa
của cả hai đoạn đều đi song hành với nhau. Tuy nhiên, một đoạn
thì với giọng gay gắt hơn và không có gì tỏ ra cho thấy đương sự
có cơ hội ăn năn thống hối. Đoạn kia ( 5: 2-3), những câu nói
dùng danh từ hư nát, mối ăn, sét rỉ có lẽ chỉ cho ta thấy
cái vô nghĩa của sự giàu sang nơi trần thế.
Ngoài ra, mặc
dù vàng bạc thực tế không thể rỉ sét được (c.3), nhưng cách diễn
tả cho thấy cái vô giá trị của nó.
Bài đọc theo
thánh Giacobê này không đi song song với hai bài đọc kia, nhất
là trong phần quà tặng thần trí được đặt ngoài vòng trực tiếp
với các môn đệ của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, nó lại có những lời
nói nặng nề đối với những kẻ giàu có chuyên lợi dụng nhân công
và ăn bớt tiền công của thợ cũng như lạm dụng quyền thế của
mình. Thánh Giacobê đã công khai nói về vấn đề công ăn việc làm,
tiền lương thợ, phần thưởng xứng đáng với việc làm của họ. Tác
giả quả quyết người giàu có đã đối sử bất công với thợ thuyền,
bởi vì họ đã ăn bớt, giữ lại tiền lương của thợ, vàng bạc của họ
sẽ bị hao mòn và áo quần sẽ bị mục nát và mối mọt gắm nhặm.
Những người giàu sang không nhận ra rằng Thiên Chúa chính là
vàng của những kẻ nghèo hèn, và chính Ngài sẽ can thiệp giúp đỡ
họ.
NHỮNG VẤN ĐỀ TRONG CỘNG ĐỒNG CỦA THÁNH MÁC-CÔ
Đoạn Phúc Âm
hôm nay (Mc 9: 38-43, 45, 47-48) tuy rời rạc nhưng nếu gom lại
với nhau thì có lẽ cũng phản ảnh những vấn đề của cộng đồng giáo
hội của thánh Mac Cô. Trước tiên ta thấy cuộc đối thoại giữa
thánh Gioan và Chúa Giêsu về người ngoại trừ tà quỉ (Mc 9: 38)
và tiếp theo là Chúa Giêsu khước từ đặc quyền của các môn đệ (c.
39-40). Trong phần 2 (c.41), bất cứ ai cho các môn đệ uống nước
thì người đó thuộc về Chúa Kitô. Trong phần 3 (c.42) Chúa Giêsu
đưa ra những vấn đề nho nhỏ để kết luận tất cả đều phụ thuộc vào
Thiên Chúa mà không một ai có thể hiểu khác được.
Có một điều
khôi hài là việc Chúa Giêsu cắt nghĩa hành động của các môn đệ
khi các ông cố gắng ngăn cản không cho người ngoại trừ tà quỉ.
Trong những câu (Mc 9:14-29), chính các môn đệ đã không trừ được
tà quỉ ra khỏi một em bé trai và đã bị Chúa Giêsu quở trách nặng
nề. Họ lại muốn giới hạn kẻ trừ tà quỉ chỉ vì người ta không
thuộc về nhóm của các ông. Vấn đề bây giờ đã rõ ràng là không
phải người trừ tà quỉ nhân danh Chúa Giêsu mà làm mà họ phải là
thành phần trong tổ chức của các ông đã được Chúa chọn. Thái độ
quyết đoán độc quyền của các môn đệ đã hiển hiện rõ ràng ai cũng
biết. Sự thành công của người ngoại quốc trừ tà quỉ đã là mối đe
dọa cho tình trạng gọi là “chính thức” của các môn đệ ! Chúa
Giêsu đã trả lời bằng một câu quyết định, cho ta thấy thế nào là
sứ vụ đưọc phép và không được phép. Đức Giêsu bảo: “Đừng
ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép
lạ, rồi sau đó lại có thể quay ra nói xấu Thầy” (Mc.9; 39).
Xem vậy, các môn đệ quả là cần phải nuôi dưỡng ơn quảng
đại và khoan dung hào hiệp.
TỰ XÉT MÌNH
Trong phần 2
của bài Tin Mừng, chúng ta thấy nhiều thí dụ cho thấy chúng ta
cần phải tự kiểm thảo mình. Các môn đệ đã được Chúa trực tiếp
khuyến cáo nên suy nghĩ về cách sống và sứ vụ của mình. Có lời
nói hoặc hành động nào của mình đã vấp phạm hoặc khiến trẻ thơ
phạm tội không? Thánh Mac cô đã dùng lời Chúa để khuyên đừng làm
gương xấu và đừng dùng tay, chân, mắt mình như phương tiện để
gây tội lỗi. Chúa Giêsu không buộc chúng ta phải cắt tay, móc
mắt, chặt chân. Nhưng Chúa dùng cách nói tượng hình một cách
sống động, có khi một cách thái quá để diễn tả ý Chúa. Lệnh của
Chúa Giêsu là “cắt nó đi” nhưng không phải là cắt bỏ, mà
chính ra là kêu gọi một sự giải phóng, giải thoát chúng ta khỏi
tội lỗi để đạt tình yêu mà không ngần ngại e dè gì cả, không
bị trói buộc vì tính vị kỷ, trong đó tất cả mọi sự, mọi người
và cả Thiên Chúa cũng phải xoay vần, chạy chung quanh ta. Điều
nghịch lý của câu chuyện này là ở chỗ: Chúng ta càng chú tâm vào
Chúa là đấng sống trong ta, vào dân mà Thiên Chúa thương yêu một
cách đặc biêt, và vào trần thế là nơi Thiên Chúa coi như một tạo
vật “rất tốt” (Kn.1: 31), thì những kẻ giàu sang hơn càng là mối
lạc thú của chính chúng ta vậy. Đời sống con người quả là một sợ
dây nối kết tương quan / liên đới giữa Thiên Chúa và Con Người
với Trần Thế.
Mặc dù có sự
tách biệt riêng rẽ giữa những yếu tố đó, đoạn Tin Mừng hôm nay
cũng cho chúng ta một liều thuốc giải độc rất mạnh đễ chữa cơn
cám dỗ chưa bao giờ xẩy ra nơi các tông đồ, những vị được Chúa
chọn và được đánh giá quá cao, ngoài mức độ
Tự xét mình để
trở nên khiêm tốn chứ không để tự đề cao và khoe thành tích bề
ngoài mà bên trong thì rỗng tuếch, đầy tự kỷ và hống hách… của
nó. Bản tính con người là ưa phán xét, đôi khi khuynh hướng xét
sử của chúng ta là kiểu kẻ cả, ta đây, để đi đến kết luận là họ
không xứng đáng nằm trong phe mình, không thuộc về phe ta. Chúng
ta đã gây khó khăn cho người khác, không phải chỉ ở cách suy
nghĩ mà còn thọc chân, thò tay nhòm ngó vào việc của người khác
một cách tỉnh bơ. Chúng ta cố tình quên rằng chúng ta đã dâng
hiến tay của chúng ta cho Chúa để làm việc thiện, mắt chúng ta
để nhìn nhận sự thật, chân chúng ta để đi trong những nẻo đường
đặc biệt và gay go Chúa đã chỉ. Chúng ta đã chối bỏ những người
nói ngược với ta vì họ là người ngoài, những kẻ xa lạ, không
thuộc thành phần “thánh” như ta, những tên “chửi cha mắng
Chúa”!!! Thay vì đặt vấn đề giá trị của những công tác, những
việc mà những người gọi là “xa lạ hay người ngoài nhóm mình” đã
tích cực làm và có thể thành công tốt cho dân Chúa và Giáo Hội,
thì chúng ta lại chê bai, đổ tội lên họ là những tay phá rối để
rồi đưa ra những biểu đồ, thành tích phù phiếm bên ngoài để kể
thành tích và yêu cầu nên xét mình và khiêm nhường….
ĐÔI LỜI KẾT
Chúa Giêsu đã
nói: “...Anh em hãy học nơi tôi, vì tôi hiền lành, nhân hậu
và khiêm nhường” (Mt. 11: 29). Đa số các thánh đều cầu
nguyện để được khiêm nhường và tỏ lòng khiêm cung trong cuộc
sống. Trong cuộc sống hàng ngày đầy bon chen và hối hả của
chúng ta, giá trị con người ở chỗ là làm sao phải tự nâng mình
lên, tự đánh giá mình, tranh thủ/cạnh tranh với người khác, đưa
những thành tích thành công của mình ra cho thiên hạ biết, và
nếu cần là đi bất cứ đâu để nắm cơ hội làm cho được cái gì khác
người để được nổi danh, thành công.
Đức khiêm
nhường là một đức tính khi một người nhận ra được cái thiếu sót
của mình, cảm thấy mình thấp kém, hèn yếu và ước mong phó thác
mình cho Chúa và tha nhân vì danh Chúa. Làm sao chúng ta có thể
phấn đấu để cân bằng giữa khiêm nhường và
hiền hòa, xác định vừa đủ để thành công trong cái thế
giới hiện tại ngày nay? Chúng ta có thể hy sinh đức tính này để
giữ đức tính kia được không? Trong cuộc sống đầy linh động và
luôn luôn vươn lên của xã hội tân tiến và văn minh ngày nay,
chúng ta có thể thực hiện thành công một việc làm tốt, lương
lớn, mà vẫn là một ông chủ hay một người lãnh đạo khiêm tốn. Cái
khác biệt và có nghĩa lý của nó là dù chúng ta vẫn tiến bước để
đạt thành công nhưng biết tự đặt mình vào vị trí cao hơn về
trách nhiệm của mình đối với chính mình và mọi người.
Khiêm tốn không
có nghĩa là phải tỏ ra hèn yếu, kém cỏi về cả vật chất lẫn tinh
thần hoặc ngược lại. Một tổng thống có thể khiêm tốn. Một tên ăn
mày có thể là một tên kiêu căng. Nhận chân giá trị của mình mà
không phô trương huênh hoang, đồng thời biết hoàn thành trách
nhiệm của mình đúng như vị thế đòi hỏi, luôn luôn có tình
thương yêu đối với mọi người. Đó là đặc tính của Khiêm Nhường.
Fleming Island,
Florida
Sept 30, 2012
NTC |
VỀ MỤC LỤC |
|
THAM LAM – QUẢNG ĐẠI |
Tham lam – Che
mờ căn tính của mình
Theo triết gia
Plato ,
“Trong mỗi con người dường như có một có một sức mạnh vô hạn
luôn luôn thúc đẩy con người nhằm tìm thỏa mãn chính mình.”
Chính sức mạnh này cũng ảnh hưởng đến tính tham lam mà ít nhiều
ai ai cũng bị chi phối. Khi chưa có, thì muốn cho có; khi đã có
rồi, thì muốn nhiều hơn và hoàn thiện hơn. Điều này đúng không
chỉ trong khía cạnh vật chất tiền của, nhưng nó cũng đúng trong
đời sống tinh thần và tình cảm. Khao khát được lấp đầy, được làm
chủ hết điều này đến điều khác là một sức mạnh tiềm ẩn có thật
trong từng người chúng ta. Vậy không lạ gì, tham lam tiền của
vật chất cũng bị chi phối bởi sức mạnh này.
Theo thánh Thomas
Aquinas, “Tham lam là khao khát một vật gì quá mức, nó có thể là
tiền bạc hoặc một vật gì đó mà ta khao khát sở hữu nó.”
Nói cách khác, tự bên trong, tham lam là đặt mọi suy nghĩ của
mình vào một sự vật đó và khao khát chiếm hữu nó. Bao lâu ta
chưa sở hữu được nó, ta còn bị nó chi phối trong suy nghĩ và
hành động. Xét về phương diện bên ngoài,
tham lam ảnh hưởng đến cách cư xử của ta với tha nhân, nó đảo
lộn trật tự tình yêu và bản chất con người, vốn được dựng nên để
yêu thương và phục vụ tha nhân, thay vì là mong được yêu thương
và được phục vụ; như thế, ít hay nhiều, tham lam làm đảo lộn
trật tự công bằng trong xã hội.
* * *
Vườn Nho Của Ông Na-Vốt (I Vua 21:1-16)
Sau những sự việc
đó, thì xảy ra chuyện ông Naboth người Jezreel có một vườn nho
bên cạnh cung điện vua Ahab, vua Samaria. Vua Ahab nói với ông
Naboth rằng: "Hãy nhượng vườn nho của ngươi cho ta, để ta làm
vườn rau, vì nó ở ngay sát cạnh nhà ta. Ðể bù lại, ta sẽ cho
ngươi một vườn nho tốt hơn, hay là, nếu ngươi muốn, giá bao
nhiêu, ta sẽ trả bằng bạc." Nhưng ông Naboth thưa với vua Ahab:
"Xin Ðức Chúa đừng để tôi nhượng gia sản của tổ tiên tôi cho
ngài!"
Vua Ahab trở về nhà
buồn rầu và bực bội vì lời ông Naboth đã nói với vua: "Tôi sẽ
không nhượng gia sản của tổ tiên tôi cho vua." Vua nằm trên
giường, quay mặt đi, và không chịu ăn uống gì. Hoàng hậu Jezebel
đi vào, nói với vua: "Tại sao tâm thần vua buồn rầu, và vua
không chịu ăn uống gì như vậy?" Vua trả lời: "Tôi đã nói chuyện
với Naboth người Jezreel và bảo nó: Hãy nhượng vườn nho của
ngươi cho ta mà lấy tiền, hoặc, nếu ngươi muốn, ta sẽ đổi cho
một vườn nho khác. Nhưng nó lại nói: "Tôi không nhượng vườn nho
của tôi cho vua được." Bấy giờ hoàng hậu Jezebel nói với vua:
"Vua cai trị Ít-ra-en hay thật! Mời vua dậy mà ăn cho lòng phấn
khởi lên! Thiếp sẽ tặng vua vườn nho của Naboth người Jezreel.
Bấy giờ, bà nhân
danh vua Ahab viết thơ, rồi dùng con dấu của vua mà đóng ấn, và
gửi cho các kỳ mục và thân hào cư ngụ trong thành với ông
Naboth. Trong thơ bà viết rằng: "Hãy công bố một thời kỳ chay
tịnh và đặt Naboth ngồi ở hàng đầu dân chúng. Hãy đặt hai đứa vô
lại ngồi đối diện với nó, để chúng tố cáo nó: "Ông đã nguyền rủa
Thiên Chúa và đức vua. Và hãy đem nó ra ngoài ném đá cho chết."
Dân chúng, kỳ mục
và thân hào cư ngụ trong thành làm theo lệnh bà Jezebel như
trong thơ bà đã viết gửi cho họ. Họ công bố thời kỳ chay tịnh và
đặt ông Naboth ngồi ở hàng đầu dân chúng. Rồi có hai kẻ vô lại
đi vào, ngồi đối diện với ông. Những kẻ vô lại ấy tố cáo ông
Naboth trước mặt dân rằng: "Naboth đã nguyền rủa Thiên Chúa và
đức vua." Họ liền đưa ông ra ngoài thành và ném đá ông. Ông đã
chết. Họ sai người đi nói với bà Jezebel: "Naboth đã bị ném đá
chết." Khi bà Jezebel nghe biết ông Naboth đã bị ném đá chết,
thì nói với vua Ahab: "Xin vua đứng dậy và chiếm đoạt vườn nho
của Na-vốt, người Jezreel, kẻ đã từ chối không chịu nhượng cho
ngài để lấy tiền, vì Naboth không còn sống nữa, nó chết rồi."
Khi nghe biết ông Naboth đã chết, vua Ahab đứng dậy, xuống chiếm
đoạt vườn nho của ông Naboth, người Jezreel.
* * *
Câu chuyện từ sách
Các Vua cho ta thấy sự nguy hiểm và sức mạnh của tính tham lam.
Ahab dù đã làm vua của một nước, nhưng vẫn chưa thỏa mãn với
những gì mình có. Một vườn nho bé nhỏ thấm vào đâu so với tài
sản và nhiều vườn nho khác mà ông đang có trong tay. Thế nhưng
cái ông muốn không chỉ là vườn nho của Naboth, nhưng chính là
muốn thỏa mãn cái tôi của mình, muốn được người khác vâng lệnh,
và muốn uy quyền của mình được thể hiện. Lợi dụng quyền uy mà
mình được Thiên Chúa ban tặng và cộng đoàn tính nhiệm, cộng với
việc dùng quyền uy để phục vụ cho lợi ích cá nhân, Ahab bị vườn
nho bé nhỏ của Naboth che mờ không nhận ra phẩm giá làm vua của
mình và là người quản lý của Thiên Chúa. Khi quyền hành và lòng
tham chiếm ngự trong tâm hồn, mối nguy hiểm không chỉ xảy đến
cho đương sự ấy, mà còn cho cả cộng đoàn mà mình đang phục vụ.
Như Ahab, một khi khi con người bị cuốn vào “được” một ước
nguyện, con người khao khát để mong “chiếm hữu” ước nguyện tiếp
theo. Không nhận thấy ân huệ và quà tặng của cuộc đời mà cứ loay
hoay khao khát tham lam để chiếm đoạt những điều ngoài giới hạn
của mình là điều khốn khổ nhất của kiếp người. Khi bị “cắn câu”
vào thứ ma lực này, con người dễ bị phạm lỗi đức bác ái, đức
công bằng ngay trong gia đình và người thân của mình.
Mối nguy hiểm của
tham lam chính là làm cho tâm trí ta bận tâm tới những kế hoạch
toan tính làm cách nào để có thêm nữa. Sau khi đã sở hữu được
điều ta mơ ước hôm qua, thì lại xuất hiện những kế hoạch khác để
muốn có cho được điều này điều nọ vào ngày mai. Cuộc sống trở
nên bận rộn không phải vì ta thiếu thốn, vất vả lao động, nhưng
nó mệt nhọc và không hài lòng vì do ta chạy theo sự khao khát vô
tận trong con tim mình. Nói tóm lại, tham lam đẩy con người ra
khỏi đời sống hiện tại và vẽ lên những ảo tưởng an toàn trong
tương lai; và nơi đó, không có người thân hiện diện. Nói một
cách khác, tham lam là biểu hiện của sự sợ hãi, thiếu an toàn,
và mất niềm tin.
Cũng như đã được
trình bày trong bài mở đầu, sợ hãi là căn nguyên của các loại
tội. Vì thế, chính sợ hãi cũng thúc đẩy lòng tham con người đến
chỗ phạm lỗi đức công bằng. Theo số thống kê
của SIPRI vào năm 2010 ,
các nước trên thế giới chi phí cho quân sự lên đến 1.63 ngàn tỉ
dollar. Như thế, tính ra một người dân trên thế
giới chi phí cho quân sự khoảng 236 dollar một năm. Nhưng
thực ra, hơn 3 tỉ người trên thế giới chưa có đủ 2.50 dollar để
sống trong một ngày; 1 tỉ trẻ em đang sống trong tình trạng
nghèo đói.
Phải thú thật với nhau rằng, số tiền chi phí cho quân sự lên cao
như thế là biểu hiện của một quốc gia khiếp nhược và không an
toàn. Nói cách khác, đó là một quốc gia sống trong sợ hãi và đầy
tham vọng cho tương lai. Vì những chính sách tham lam muốn thống
trị này đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống gia đình và xã hội
ngay trong quốc gia ấy. Dù muốn dù không, chính lối sống này làm
cho đời sống con người cứ phải bon chen hơn để “hơn” người khác
thì mới “cảm thấy an toàn”. Đó là một cuộc chạy đua làm giàu ảo
tưởng, dễ dàng phá hoại nền tảng đời sống gia đình và xã hội.
Các gia đình dễ dàng bị cuốn vào dòng xoáy tìm sự an toàn qua
phương tiện kỹ thuật do xã hội cung cấp. Nhưng thực ra, khi chạy
theo ảo tưởng “an toàn” này, con người đang đánh mất nền tảng
gia đình mà hơn lúc nào hết xã hội đang cần nó đứng vững.
Theo Học thuyết Xã
hội của Giáo hội, chính việc nhắm mắt chạy theo kiểu làm giàu
này, mà nhiều quốc gia đang đẩy người dân của họ vào thảm cảnh
chia lìa đau sót vì quá vất vả chạy theo ma lực của vật chất.
Thật đáng buồn khi
thế giới hôm nay thâu hẹp ý nghĩa của sự phát triển chỉ đơn
thuần được hiểu trong lĩnh vực kinh tế. Nên nhớ rằng, việc gia
tăng tài sản cho mỗi cá nhân và quốc gia không phải là mục tiêu
cuối cùng của con người. Ngày nay, chúng ta thấy có nhiều quả
tim chai cứng và tâm hồn đóng kín khi có nhiều người không còn
gặp gỡ nhau trong tình bạn nhưng chỉ là vì tư lợi, dễ dàng dẫn
đến đối nghịch và bất đồng. Vì thế, việc thao thức kiếm tìm của
cải đã trở thành chướng ngại vật để hoàn thành sứ mạng cá nhân
và giá trị chân thật của con người (cf. Populorum Progressio,
# 19) .
Như thế đó, tham
lam che mờ căn tính của con người và làm lạc hướng đi tìm hạnh
phúc của chính họ. Tâm hồn, gia đình, người thân, bạn hữu, và
đồng nghiệp mới là những nhân tố giúp cho con người hạnh phúc,
tự do, chứ không phải vật chất tiền của, chiếm hữu. Thật chí lý
khi Dante ,
một nhân vật trong văn chương cổ của người Ý miêu tả người tham
lam như một người bị xiềng xích quay lưng lên trời, còn đôi mắt
thì dán chặt vào mặt đất. Chính vì bị hạn hẹp trong cách nhìn
đời, nên người tham lam không thể hiểu được hay cảm nghiệm được
tình yêu; vì bản chất của tình yêu là cho đi, còn tham lam là
gom góp tích trữ. (Còn tiếp)
Br. Huynhquảng
Rebecca K. Deyoung. Glittering Vices: A New Look at
Seven Deadly Sins and Their Remedies, (Michigan:
BrazosPress, 2009), Loc. 1421-29.
Câu 49, bài 5, Học Hỏi về HTXHCG,
brhuynhquang.org
Cf. The Divine
Comedy (1321)
|
VỀ MỤC LỤC |
|
TỔ CHỨC CÔNG QUYỀN TRONG TƯ TƯỞNG
KITÔ GIÁO.
|
NGUYỄN
HỌC TẬP
Con người, trung tâm
điểm của tổ chức quyền lực Quốc Gia.
Huấn Dụ Xã Hội của Giáo
Hội đặt con người ở địa vị tối thượng của mọi tổ chức quyền lực
Quốc Gia. Mỗi định chế xã hội chính đáng phải đặc tâm lưu ý đến
con người và nhằm tạo được lợi ích cho con người, con người như
cá nhân hay con người như thành phần cộng đồng xã hội,
Nhưng muốn đạt đến mục
đích vừa kể, những ai suy tư và thiết định định chế xã hội cho
con người,
- phải biết con người
là ai
- và hạnh phúc của
con người là gì.
Con người được dựng nên
giống hình ảnh Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa ( Gen 1,
26-27).
Con người là con Thiên
Chúa, có quyền gọi Thiên Chúa bằng Cha ( Mt 6,9 ).
Con người có đinh mệnh
là được tham dự vào bản tính Thiên Chúa, tham dự vào chính đời
sống mà Thiên Chúa đang sống ( 2 Pt 1,4)
Phẩm giá của con người
là vậy, bởi đó không ai được khinh rẻ, đàn áp, bốc lột, tha hoá,
đối đải với con người hèn hạ như súc vật.
Bởi đó một định chế xã
hội có quan niệm sai lầm hay khiếm khuyết về con người
không thể thực hiện gì khác hơn là tai hại cho chính con
người
Lý trí cho chúng ta biết
khá nhiều điều về con người, nhưng không có khả năng trả lời xác
quyết những câu hỏi căn bản về con người, ví dụ như
- nguồn gốc của con
người từ đâu
- và định mệnh nào
con người gặp phải sau khi chết.
Điều thiếu sót về tính
cách chắc chắn và hoàn hảo mà lý trí chúng ta không có được,
chúng ta được Lời Chúa nói cho chúng ta, và chúng ta biết được
trong đức tin, sửa đổi và soi sáng những gì không chắc chắn và
còn u tối mà lý trí không có khả năng đưa ra những lời giải đáp
thoả đáng.
Qua những gì vừa kể,
Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội
- không phải chỉ là
một định chế xã hội,
- mà là những lời
huấn dạy duy nhứt cho định chế xã hội, bởi vì nhờ Đức Tin, là
định chế duy nhứt thiết thực biết được con người trong thực thể
và trong định mệnh của con người.
Cộng đồng xã hội cho con
người.
Quyền tự nhiên, từ luôn
luôn được Giáo Hội nhận biết và bênh vực, xác định điều tốt lành
cho con người, cùng đích của mỗi lề luật xã hội..
Hình thức xã hội tự
nhiên đầu tiên, được thiết lập nên bởi sự hiệp nhứt của một
người nam và một người nữ trong hôn nhân. Đó là gia đình.
Gia đình được hưởng mọi
quyền của con người.
Khi nhiều con người hay
nhiều gia đình cùng hợp nhau lại trên một lãnh thổ, theo một
định chế, nhằm đạt được lợi ích của cả cộng đồng ( hay công ích
), chúng ta có được một xã hội hay một cộng đồng nhân loại,
trong đó
- các quyền của mỗi
cá nhân
- và của mỗi gia đình
thành viên đều phải được tôn trọng
Nhưng con người có quyền
ưu tiên hay cộng đồng?
Huấn Dụ Xã Hội của Giáo
Hội trả lời rằng ưu tiên là con người,
- bởi vì hạnh phúc
của mỗi con người là cùng đích,
- trong khi đó thì
cộng đồng chỉ là phương tiện để giúp cho con người đạt được hạnh
phúc của chính mình.
Bởi đó Công Quyền chỉ có
mục đích duy nhứt là giúp mọi con người cá nhân, thành viên
của Công Đồng đạt được mục đich cá nhân của mình.
Điều đó phải xảy ra bằng
cách thực hiện
- nguyên tắc Liên Đới
Hổ Tương
- và nguyên tắc Phụ
Túc Bảo Trợ.
* Nguyên tắc
Liên Đới Hổ Tương đòi buộc Công Quyền phải tạo được
các điều kiện thiết thực làm cho mọi người có thể thực hiện được
ơn gọi của chính mình trong lãnh vực kinh tế, văn hoá, tôn giáo.
Các điều kiện hiện thực đó, cần thiết cho việc phát triển các cá
nhân con người, đó là công ích. bởi vì trên thực tế là lợi ích
chung cho tất cả mọi người là thành viên của công đồng.
* Nguyên tắc
Phụ Túc Bảo Trợ đòi buộc Công Quyền không được làm
những gì mà cá nhân riêng rẻ với sáng kiến của mình có thể làm
được.
Công Quyền chỉ can thiệp
khi nào các cá nhân, vì nhiều lý do khác nhau, tự mình không thể
thực hiện được.
Theo Huấn Dụ Xã Hội của
Giáo Hội, các con người cá nhân, trong lãnh vực và được
công ích trợ lực, có quyền có sáng kiến trong kinh tế, văn
hoá, phục vụ và tôn giáo ( học đường, bệnh viện, sản xuất
và buôn bán các sản phẩm tiêu dùng...). Trong khi đó, thì Công
Quyền chỉ có bổn phận
- " kích thích,
định hướng, phối hợp" các hoạt động của tư nhân,
- và cả " bổ
khuyết và hoàn hào hóa" ở đâu và lúc nào cần thiết, khi tư
nhân hay các tổ chức xã hội trung gian không đủ sức ( Mater
et Magistra, n. 39).
Của cải vật chất là cho
con người.
Trên thế giới có cả một
khối lượng của cải vật chất không lồ .
Huấn Dụ Xã Hội của Giáo
Hội xác nhận rằng tất cả những của cải đó được Chúa dựng nên
cho mọi người, không ai bị loại trừ.
Như vậy mỗi người đều có
quyền dùng các của cải đó cho mình với chỉ bị hạn chế trong một
lằn mức giới hạn: đó là không được vi phạm cũng chính quyền được
dùng của tất cả mọi người khác, ngang hàng với mình.
Chối bỏ một cách
cưỡng bức quyền tư hữu đó đối với con người
( như những gì đã xảy ra
trong chế độ Cộng Sản ), là một điều bất công chống lại con
người, bởi vì điều đó cũng là tước bỏ đi điều mà con người
cần có để sống và để đạt được cùng đích của mình.
Tuy nhiên, sau khi xác
nhận mỗi người đều có quyền tư hữu, trên của cải vật chất, Huấn
Dụ Xã Hội của Giáo Hội tuyên bố rằng, về vấn đề, cần phải tôn
trọng hai điều kiện:
a) Phân phát
công bằng của cải vật chất đối với tất cả mọi người.
Về phương diện thuần lý,
của cải vật chất nên được phân chia đồng đẳng giữa mọi người.
Nhưng con người là những
con người tự do, không có cách hành xử đồng nhứt rập khuôn như
nhau, bởi đó điều không thê tránh được là có những con người có
tài năng hơn, chuyên cần làm việc và tiêu xài cần kiệm hơn, nên
họ chiếm hữu được nhiều hơn người khác và nhiều người khác chiếm
hữu được ít hơn.
Giáo Hội chấp nhận sự
khác biệt đó, miễn sao dù khác biệt, nhưng vẫn dựa trên "
công bằng ", tức là
- không làm cho ai
thiếu hụt những gì thiết yếu để sống được
- và đạt được mục
đích của chính mình.
Đó là điều có thể chấp
nhận được trong xã hội có những người với việc làm chuyên cần
gắng công gắng sức và dùng trí nảo của mình có thể tăng trưởng
thêm và gìn giữ bảo toàn gia tài của mình; trong khi đó thì có
những người khác không dùng đủ tài năng và sức lực, có thể bị
giảm thiểu của cải của mình, miễn là không đến dưới mức độ cần
thiết cho đời sống của mình và gia đình mình.
Do đó việc phân phát của
cải,
- mặc dầu không đồng
đẳng,
- nhưng luôn luôn
phải công bình, nghĩa là chính đáng theo công lý,
miễn là quyền của những
người đã ra công gắng sức làm việc chiếm hữu được nhiều hơn,
cũng như quyền của những ai mặc dầu có được ít hơn, nhưng vẫn có
đủ phương tiện cần thiết dể sống và phát triển con người của
mình, xứng đáng với phẩm giá con người.
Trái lại đối với Giáo
Hội là điều bất công và không chính đáng, việc phân chia của cải
vật chất hiện nay giữa các dân tộc khác nhau trên thế giới, giữa
các Quốc Gia giàu có ( Âu Châu, Bắc Mỹ, Nhật Bản và Úc Châu)
đang chiếm hữu gần như 80% mức giàu có trên thế giới, mặc dầu
tổng số dân chúng các Quốc Gia vừa kể chưa đến được 28% dân số
thế giới.
b) " vai trò xã
hội " của quyền tư hữu: ai có của cải nhiều hơn, phần
dư thừa của mình, nên ban tặng, bố thí cho những ai không có đủ.
Như Thông Điệp
Laborem Exercens đã xác nhận:
- Quyền tư hữu tùy
thuộc vào quyền được dùng cho công ích, vào định chế phổ quát
của của cải ".
Nói cách khác, quyền tư
hữu không phải là quyền ưu tiên, mà là quyền đến sau quyền của
tất cả mọi người đều có được phần của cải cần thiết để sống và
triển nở con người của mình.
Phương thức làm cho của
cải giàu có dư thừa của mình vào lợi ích cho cộng đồng,
- trong một vài
trường hợp được để tự do cho sáng kiến cá nhân,
- trong những trường
hợp khác bị luật pháp Quốc Gia bắt buộc bằng cách đánh thuế
theo phần trăm cao hơn ( hay cả theo phương thức lủy tiến
) đối với những ai có của cải nhiều hơn, nhưng không bao giờ
Công Quyền nhằm triệt hạ, băng hoại, vô sản hoá, bần cố nông bần
tiện như trong một chế độ bất hạnh nào đó.
Hành xử như vừa kể, Công
Quyền làm cho một phần của cải của những ai giàu có dư thừa tuôn
chảy vào đáp ứng lại mức túng thiếu cần thiết của những ai có
nhu cầu.
Đánh thuế theo lủy tiến,
Công Quyền không những không làm lụng bại sáng kiến và chuyên
cần của những ai có tài năng trong xã hội, mà còn khuyến khích
gia tăng thêm: người giàu có thêm, bị đánh thuế lủy tiến càng
nặng hơn, nhưng đồng thời mức giàu có cũng gia tăng thêm (
lủy tiến không có nghĩa là chặt đầu, chặt đuôi, biến thành
mạt rệp, vô sản, bần cố nông, hy vọng chúng ta sẽ có dịp trở lại
với đề tài ).
Như vậy với mức đánh
thuế theo phần trăm, nhứt là theo phương thức lủy tiến, Công
Quyền có thể tiết kiệm được công qủy để giúp người nghèo, cũng
như đánh thuế nhẹ tay hơn trên thành phần không có mấy dư thừa.
Làm khác hơn, san bằng
mạt rệp, vô sản hóa, bần cố nông phá sản là cách hành xử của
Công Quyền để giết chết sáng kiến cá nhân là suối nguồn của sự
phát triển giàu có cho cộng đồng Quốc Gia ( cfr. Chủ thể tính
và người nghèo trong Thông Điệp Centesimus annus).
Ngoài ra cơ quan Công
Quyền cần thận trọng và công bình trong việc đánh thuế, cũng như
không được xử dụng công quỷ vào những việc không chính đáng.
Con người và việc làm.
Việc làm dưới bất cứ
hình thức khách thể nào, tay chân hay trí thức, việc làm có phẩm
giá của mình thoát xuất từ người làm việc là một con người.
Trong việc làm của con
người, có ba yếu tố chính yếu: các yếu tố vật chất, con người và
việc làm, liên hệ nhau theo một bậc thang giá trị chính xác:
1 - Con ngưòi có giá
trị hơn các của cải vật chất,
2 - Con người có giá
trị hơn việc làm của mình,
3 - Việc làm có giá
trị hơn của cải vật chất, và
4 - Việc làm và sản
phẩm vật chất được dùng để phục vụ con người.
Hai quan niệm sai trái
đối ngược nhau, đó là quan niệm tư bản chủ nghĩa cứng rắn
của thế kỷ vừa qua, coi việc làm của con người như đơn
sơ chỉ là một món hàng và người làm việc đơn sơ chỉ là người sản
xuất ra món hàng việc làm.
Kế đến là cộng sản
chủ nghĩa - núp bóng dưới bức màn xã hội sai lầm- đặt
con người vào hạng chót của bậc thang giá trị - nhân danh nghĩa
" chuyên chế vô sản ", đối xử với con người không thua gì
súc vật.
Các kết quả thảm đạm của
quan niệm sai lầm vừa kể, ngày nay ai chúng ta đang có trước
mắt, đang tạo bất công và những phản ứng bạo lực, gây nên không
biết bao nhiêu đau khổ cho nhân loai.
Trong các thể chế dân
chủ tây phương, tư tưởng Kitô giáo về phẩm giá con người và về
giá trị của việc làm con người đều được khắp đó đây chấp nhận,
đang tạo được lợi ích cao cả về hòa bình xã hội mà ai trong
chúng ta cũng thấy được.
|
VỀ MỤC LỤC |
|
Ngắm trăng trong chậu |
Nguyên tác: Taking Flight - Bay Lên Đi
Tác giả: Anthony de Mello, S.J.
Chuyển ngữ: Lm. Minh Anh (Gp. Huế)
Chỉ dẫn:
Tốt nhất, các câu chuyện sẽ được đọc theo thứ tự như đã sắp xếp.
Mỗi lần đọc không quá một hoặc hai mẩu chuyện nếu bạn ước ao có
được một cái gì đó hơn là chỉ giải trí.
Lưu ý:
Các chuyện kể trong tập sách này đến từ nhiều đất nước, nhiều
nền văn hoá và tôn giáo khác nhau; chúng thuộc về những di sản
thiêng liêng, những câu chuyện hài hước được ưa chuộng của dòng
đời nhân loại.
Những gì tác giả làm là xâu kết chúng lại với nhau theo một ý
hướng đặc thù. Công việc của tác giả là công việc của người thợ
dệt và thợ nhuộm, tác giả chẳng có công trạng gì về những tấm
vải và những sợi chỉ.
LTS. Chỉ dẫn và lưu ý trên
đây là của tác giả. Tuy nhiên, vì Đặc San GSVN chỉ phát hành 2
tuần một lần nên mỗi số báo BBT xin giới thiệu trung bình từ 5
đến 7 mẫu chuyện. Bạn đọc có thể lưu lại để nghiền ngẫm suy tư.
Chủ đề : TÔN GIÁO
(tiếp theo)
71. Ngắm trăng trong
chậu
Một buổi tối nọ, thi sĩ Awkadi Kerman ngồi trước
cửa nhà cúi nhìn vào một cái chậu. Tình cờ nhà sư Sham e-Tabrizi
đi ngang qua. Ông hỏi nhà thơ, “Ông đang làm gì thế?”.
Thi sĩ trả lời, “Tôi đang ngắm trăng”.
Nhà tu hành ngạc nhiên nói, “Sẽ gãy cổ thôi, sao
ông không nhìn thẳng vào mặt trăng trên kia?”.
Ngôn từ không đủ để phản ánh thực tại. Một
người nghĩ mình biết được đền Taj Mahal bởi người ta đã cho ông
ta xem một mảnh cẩm thạch và bảo ông rằng, ngôi đền ấy chỉ là
một tập hợp những viên đá như thế. Một người khác nghĩ, vì đã
thấy nước thác Niagara trong một cái chậu, nên xác tín mình biết
rõ ngọn thác ấy như thế nào.
ڰ
72. Ảnh và thực
“Ôi, cháu bé của cô đẹp quá!”.
“Chẳng là gì cả! Chị phải xem ảnh của cháu mới
biết!”.
Ngôn từ và khái niệm là những chỉ dẫn, không
phải là phản ánh của thực tại. Như các nhà thần nghiệm Đông
phương nói, “Khi nhà hiền triết chỉ mặt trăng, tất cả những gì
tên khờ nhìn thấy chỉ là ngón tay trỏ”.
ڰ
73. Gã say và ánh trăng
Buổi tối nọ, một chàng say loạng choạng đi lên cầu tình cờ gặp
bạn mình. Cả hai tựa thành cầu và tán gẫu một
hồi lâu. Bỗng gã say hỏi,
“Cái gì ở dưới kia vậy?”.
“Mặt trăng đấy”. Bạn cậu đáp.
Chàng say nhìn kỹ, lắc đầu không tin và nói,
“Đồng ý, đồng ý! Nhưng quỉ tha ma bắt, làm sao tôi lại lên được
đây?”.
Dường như không bao giờ chúng ta nhìn thấy
thực tại.
Những gì chúng ta nhìn thấy là một phản ánh
của thực tại dưới hình thức ngôn từ và những ý niệm vốn được cho
là thực tại.
Thế giới chúng ta đang sống gần như chỉ là
một cấu trúc của lý trí. Người ta được nuôi bằng ngôn từ, sống
bằng ngôn từ và rã tan nếu không có nó.
ڰ
74. Khẩu hiệu
Một hành khất níu áo một khách qua đường để xin
tiền mua một tách cà phê. Người ấy kể lể, “Thưa ông, đã một
thời, tôi là một thương gia giàu có như ông. Tôi chăm chỉ làm
việc suốt ngày. Trên bàn của tôi là một khẩu hiệu: Sáng tạo
trong suy nghĩ; Cương quyết trong hành động; Thách đố trong cuộc
sống. Đó là khẩu hiệu đã hướng dẫn đời tôi – và tiền cứ thế
mà vào. Và rồi… và rồi…” toàn thân ông run rẩy vì nức nở… “cô
hầu phòng đã vất bỏ khẩu hiệu của tôi cùng rác rưởi”.
Khi quét dọn sân đền, đừng dừng lại để đọc
báo cũ. Khi quét dọn tâm hồn, đừng dừng lại để ve vãn những từ
ngữ.
ڰ
75. Tôi đang ở đâu?
Ngày kia, có một người hết sức đần độn. Mỗi sáng
thức dậy, anh ta cực nhọc mất thời giờ tìm áo xống đến nỗi anh
ta sợ đi ngủ vì nghĩ rằng sẽ rất mệt nhọc mỗi khi thức dậy.
Một tối nọ, anh lấy một cây bút chì và tấm giấy
rồi ghi rõ tên và vị trí từng cái áo, cái quần đã cởi ra. Hôm
sau, anh lấy tấm giấy ra và đọc: “quần…ở chỗ này”; rồi mặc vào.
“Áo…ở chỗ kia”; rồi mặc áo. “Mũ…ở chỗ nọ”; rồi đội mũ...
Anh đang rất sung sướng về những điều đó, thì
bỗng một ý tưởng khủng khiếp nảy ra, “Còn tôi – tôi đang ở
đâu?”. Anh đã quên ghi lại điều này. Thế là anh ta đi tìm, tìm
hoài, nhưng vô ích. Anh ta không thể tìm thấy chính mình.
Về những người nói, “Tôi đang đọc cuốn sách
này để biết mình là ai” thì sao?
ڰ |
VỀ MỤC LỤC |
|
Linh mục giáo phận nghĩ tới thời gian hưu trí |
BẢN THẢO
ỨNG SINH LINH MỤC HỌC &
SỐNG LINH ĐẠO LINH MỤC GIÁO PHẬN
GIÁO TRÌNH TU ĐỨC LỚP THẦN II & III
ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE HÀ NỘI
2011-2012
CHƯƠNG MỘT:
ỨNG SINH LINH MỤC HỌC & SỐNG LINH ĐẠO
LINH MỤC GIÁO PHẬN
C. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CỦA
LINH ĐẠO LINH MỤC GIÁO
PHẬN
(tiếp theo)
C.14. Linh mục
giáo phận nghĩ tới thời gian hưu trí
C.14a. Tình
hình chung hiện nay
Khi được ẳm Chúa
Giêsu, ông già Ximêon mãn nguyện nói “giờ đây xin để cho tôi tớ Chúa ra đi
bình an!” Ai rồi cũng phải một lần ra đi, một lần chết, trở về cát bụi, và
trở về với Chúa. Làm sao những ngày sắp sửa ra đi, và cuộc ra đi được bình an
tâm hồn? Tại các nước phát triển cao, nơi mà các loại bảo hiểm và an sinh xã hội
được chăm sóc chu đáo, người dân an tâm làm việc và sự cống hiến cho cộng đồng
cao hơn, không quá bận tâm đến rủi ro, bệnh tật và tuổi già hưu dưỡng.
Do hoàn cảnh thực
tiễn, chúng ta cùng suy tư đôi nét về chuyện hưu dưỡng và tương trợ linh mục. Ở
Việt Nam chúng ta, cuộc sống và phương tiện làm việc của linh mục hoàn toàn tùy
thuộc vào số tiền lễ ít ỏi và sự giúp đỡ của giáo dân, gia đình, bạn bè. Tùy
giáo xứ lớn hay bé, đông hay ít người, giàu hay nghèo, có lòng hay không có
lòng, mà cuộc sống các linh mục được đầy đủ hay quá thiếu thốn. Chế độ hưu dưỡng
của các linh mục cũng chưa có gì rõ ràng, bảo đảm và thống nhất.
Phần đông nhà hưu
dưỡng yêu cầu các cha hưu phải đóng tiền ăn bằng cách dâng lễ hoặc nộp tiền mặt,
nhưng chế độ chăm sóc còn nhiều bất cập. Các cha già và bệnh tật thường phải
theo chế độ ăn kiêng, hoặc do thời tiết và bệnh hoạn không ăn được những thứ dọn
ra, nhưng người phục vụ không có điều kiện để thay thế, khiến các ngài nhiều khi
phải cam chịu thiếu thốn, đói khát, tủi thân, đâm ra tiếc nuối, hụt hẫng sau
những năm tháng dài phục vụ…, nhất là các vị lúc đương làm việc có những điều
kiện sống cao và thoải mái hơn: cực trước sướng sau thì sướng hơn, nhưng sướng
trước cực sau thì cái cực càng nặng nề! Nhân viên phục vụ ít, lại nhiều công
việc, nên chỉ dành cho các vị hưu dưỡng sự phục vụ theo tiêu chuẩn chung và theo
lượt. Từ hoàn cảnh này, nhiều vị rất tội nghiệp là từ thân thể và phòng ở của
các vị xông mùi hôi hám. Có vị vì phải nằm lâu một bề nên bị lỡ loét đau đớn
lắm.
Nếu tổ chức được nhà hưu dưỡng
thật hẳn hoi để chăm lo tốt cho các cha già sau thời gian phục vụ đầy công lao
vất vả, không những phần vật chất, mà nhất là phần tinh thần, các cha hưu sống
thành cộng đồng huynh đệ trong vui tươi, an bình, hạnh phúc, tin yêu, tín thác
cho Chúa và Giáo Hội, nêu gương cho đàn em, và cũng là hậu phương cầu nguyện, tư
vấn cho đàn em trên cánh đồng truyền giáo và dưỡng giáo. Các linh mục đang làm
mục vụ cũng được an tâm về tương lai tuổi già của mình, chẳng cần suy tính phòng
xa tích trử gì cả, một mực hết lòng cống hiến cho đoàn chiên, và có thể góp phần
với giáo phận trong việc xây dựng, trang bị và bảo trì nhà hưu dưỡng, như các
cha cũng đang đóng góp vào đó bằng tiền lễ binae của mình.
Nhưng các vị hữu
trách nhà hưu dưỡng cần liệu làm sao có đủ nhân viên phục vụ được huấn luyện
thích hợp và cũng có phương tiện cần thiết để đáp ứng kịp thời cho các vị đau
yếu cần được chăm sóc đặc biệt (dìu dắt, đỡ đần, lau chùi, và vệ sinh thân thể).
Có như thế, các cha sắp hưu được an tâm vui vẻ đi hưu, nêu gương sáng cho đàn em
đi sau, và các cha trẻ cũng an tâm làm việc hết mình cho Giáo Hội và các linh
hồn.
C.14b. Ngày đền
ơn đáp nghĩa và quỹ tương trợ linh mục
Chúng ta cùng thao
thức hơn một tí trong lãnh vực tế nhị nhưng cần thiết này cho tất cả các linh
mục giáo phận ở mọi giai đoạn tuổi đời và sứ vụ, bằng cách gợi lên việc một số
nơi có tổ chức tương trợ linh mục, do chính các linh mục đóng góp
và điều hành; song cũng chỉ mới giới hạn vào số người tự nguyện tham gia. Chúng
ta mong muốn làm sao để tất cả các linh mục giáo phận được an tâm khi nghĩ về
việc hưu và đến tuổi hưu, cũng như khi gặp rủi ro tai nạn hay bệnh nặng.
Rút kinh nghiệm
những dịp quyên góp của giáo dân rất có lòng quảng đại vì việc chung, và để tăng
thêm hiệu quả của ngân khoản giáo phận dành lo cho các cha hưu dưỡng, chúng ta
nên tổ chức hằng năm một ngày, gọi là “NGÀY ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA,” mời gọi
mỗi giáo dân tham gia vào quỹ tương trợ linh mục để lo cho các cha đã chăm sóc
họ, cha mẹ, con cái và gia đình họ, nay tuổi già sức yếu phải về hưu. Mỗi
cha xứ đều có trách nhiệm cổ vũ giáo dân mình tích cực tham gia ngày đó. [Có
điều tế nhị và bất tiện là phải nói về tiền bạc nhiều lần quá cũng ngại, như đã
nói trên kia]. Nếu Bề Trên giáo phận nói lên một tiếng thì sẽ hiệu quả rất lớn
lao. Các Tu sĩ, các ban Trùm, HĐGX, các ông bà quản, các giáo lý viên, các Hội
đoàn cùng có kế hoạch hỗ trợ với cha xứ thì kết quả sẽ vượt quá mong đợi, vì
người Việt Nam rất có lòng biết ơn, tôn sư trọng đạo, như Ngày Hiến chương Nhà
giáo là một điển hình. Đó cũng là lẽ công bằng. Thánh Phaolô căn dặn Timôthê:
“Những kỳ mục thi hành chức vụ cách tốt đẹp thì đáng được đãi ngộ gấp đôi, nhất
là những người vất vả phục vụ lời Chúa và giảng dạy. Quả vậy, Kinh Thánh có nói:
Đừng bịt mõm con bò đang đạp lúa, và làm thợ thì đáng được trả công.”
Tất cả tiền bạc thu về nhằm tương trợ cho các cha gặp khó khăn do đau ốm bệnh
tật, nhất là lo cho tất cả các cha hữu dưỡng. Nhưng vấn đề là cần có sẵn một Quỹ
Tương Trợ Linh Mục ổn định, thường xuyên và lâu dài, mà một mình các linh mục
không thể làm hiệu quả được, cần sự hợp tác chủ yếu của giáo dân.
Mỗi người giáo dân đều chịu ơn linh
mục coi sóc mình qua những chặng đường đời, từ lúc mới sinh cho đến khi tới nấm
mồ; lúc linh mục còn mạnh khỏe phục vụ mình, thì khi linh mục già yếu không còn
đủ sức làm việc được phải hưu dưỡng mà mình đền ơn đáp nghĩa cách nào đó để chăm
sóc các ngài cũng là điều phải đạo, hợp tình hợp lý theo lẽ công bằng. Các cha
đừng ngại nói cho giáo dân hiểu được điều đó, đừng sợ bị hiểu lầm là kể công!
Quả thế, khi ta mới mở mắt chào đời, linh
mục đã dùng bí tích Thánh Tẩy cho ta gia nhập Giáo Hội và trở nên con cái
Thiên Chúa. Khi ta vừa có đủ trí khôn, linh mục chuẩn bị tâm hồn cho ta được
Rước Lễ Lần Đầu, được Mình Máu Thánh Chúa Giêsu làm lương thực thiêng liêng
nuôi dưỡng linh hồn. Khi ta yếu đuối sa ngã phạm tội, linh mục dùng Bí tích
Giải Tội tha các tội trọng trả lại ơn thánh hóa và sự sống Chúa Ba Ngôi cho
ta, cũng như tha các tội nhẹ cho ta được thêm nhiều ơn trợ giúp để sống tốt đẹp
lòng Chúa. Và khi ta lớn khôn hơn, linh mục lại lo liệu cho ta được lãnh nhận
Chúa Thánh Thần qua bí tích Thêm Sức để trở nên chiến sĩ Chúa Kitô
ra đi làm chứng tá cho Tin Mừng. Khi ta chuẩn bị bước vào đời, linh mục trang bị
cho ta một vốn giáo lý đức tin vững chắc hơn qua lớp Bao đồng Rước Lễ Trọng
Thể. Khi ta đến tuổi trưởng thành đứng trước ngã ba đường đời, linh mục lại
ân cần hướng dẫn ta hoặc chọn lựa đời sống hôn nhân, hoặc chọn lựa đời sống
thánh hiến. Nếu ta chọn ơn gọi hôn nhân, ngài lo dạy dỗ và dùng bí tích
Hôn Phối kết hợp đôi nam nữ nên vợ chồng cộng tác với Thiên Chúa tiếp tục
sinh tạo nên những con người mới; còn nếu ta chọn sống đời thánh hiến, linh mục
dẫn dắt ta những bước đầu tiên và tận tình giúp đỡ cộng tác với Chủng viện và
Nhà Dòng để đào tạo ta hướng tới Bí tích Truyền Chức Thánh hay Nghi Lễ
Khấn Dòng, trở nên linh mục hay tu sĩ, hầu tiếp tục sứ mệnh của Chúa
Kitô ở giữa trần gian. Khi ta già cả yếu đau bệnh hoạn hay gặp rủ ro tai nạn,
linh mục liền vội chạy đến ban bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân tăng thêm
sức mạnh thiêng liêng cho ta đủ sức chiến đấu vượt lên mọi thử thách nguy hiểm
hầu luôn trung thành với Chúa. Và khi đến giờ Chúa gọi ta ra khỏi đời này về với
Chúa thì cũng chính linh mục nghiêng mình xuống chúc lành cho ta trong giờ hấp
hối, dâng thánh lễ An táng cầu nguyện và đưa tiễn ta đến mộ phần, nơi an
nghỉ cuối cùng trong lòng đất lạnh chờ ngày sống lại. Rồi khi mọi người hầu như
quên ta trong cõi chết, có khi cả những người thân yêu của ta nữa, thì cũng
chính linh mục nhớ cầu nguyện cho ta trong thánh lễ cầu hồn, cũng như
thánh lễ hằng ngày.
Trong Sắc lệnh Chức Vụ và Đời
Sống Linh Mục, Công Đồng cũng mời gọi giáo dân nhận biết bổn phận đối với
linh mục của mình: Chia sẻ ân cần, tinh thần lẫn vật chất, kính trọng và dè dặt
giữ gìn bảo vệ, giúp linh mục bằng lời cầu nguyện, tình thương yêu và tận tâm
cộng tác, ngõ hầu linh mục vượt qua được những khó khăn, giới hạn và yếu đuối
nhân loại của mình hầu chu toàn sứ vụ giảng dạy, thánh hóa và điều khiển Dân
Chúa một cách hiệu quả hơn.
Nếu tổ chức được tốt Ngày Đền Ơn
Đáp Nghĩa hằng năm tạo Quỹ Tương Trợ Linh Mục để lo cho các cha hưu dưỡng và
các cha gặp rủi ro bệnh hoạn, các cha trẻ sẽ càng hăng say cống hiến hết mình
cho công cuộc dưỡng giáo và truyền giáo của Giáo Hội; còn các cha già sau nhiều
năm thi hành thừa tác vụ cảm nhận được niềm vui và nghị lực khi duyệt xét lại
chính mình và công việc mình làm, thấy sống dậy các động lực của thừa tác vụ
thánh, tìm thấy sức mạnh nơi sự hiệp thông tình bạn của Giám mục và anh em linh
mục để lướt thắng những kinh nghiệm mệt mỏi, thất vọng, cô đơn... và tìm lại
được những nguồn mạch sâu thẳm của linh đạo linh mục giáo phận,
“xác nhận lại một cách thư thái và ôn hòa vai trò mà các ngài còn được mời
gọi nắm giữ trong linh mục đoàn... tự thấy mình còn hữu dụng như làm cha giải
tội kinh nghiệm, linh hướng, chia sẻ kinh nghiệm, cố vấn, khích lệ, đón tiếp,
lắng nghe và trấn tĩnh anh em đồng sự trẻ tuổi;”
đồng thời được khích lệ tiếp tục phục vụ một cách khác trong bình thản và can
trường, nêu chứng từ ghi dấu thánh giá với hy vọng và niềm vui Vượt Qua.
ĐHY Claudio
Hummes lúc còn là Tổng Trưởng Bộ Giáo Sĩ đã nhận định lạc quan, hy vọng và đầy
an ủi: “tuyệt đại đa số các linh mục là những người rất xứng đáng, toàn tâm
toàn ý cho thừa tác vụ linh mục, những người chuyên tâm cầu nguyện và làm việc
bác ái mục vụ, đặt cả cuộc đời vào việc thực hiện ơn gọi và sứ mệnh của mình...
Giáo Hội muốn nói trước hết với các linh mục rằng Giáo Hội hãnh diện biết bao về
các linh mục của Giáo Hội; Giáo Hội yêu mến, tôn kính, ngưỡng mộ họ dường nào và
nhìn nhận với lòng tri ân công tác mục vụ của họ và cuộc đời chứng nhân của họ.”
Tóm lại, vì phụ
trách các giáo xứ biệt lập và độc lập nên linh mục giáo phận không có đời sống
cộng đoàn, chấp nhận đời sống cô đơn, và lắm khi cũng phải đối đầu với nhiều mối
nguy hiểm. Do đó, linh mục giáo phận bị đòi hỏi một mức độ trưởng thành, quân
bình và hài hòa cao hơn, toàn diện hơn, cả về nhân bản lẫn thiêng liêng, tình
cảm và tính dục. Tuy không bó buộc do bản chất, nhưng do thực tiễn đời sống,
ngày nay một nếp sống huynh đệ và hợp tác mục vụ giữa các linh mục trong cùng
địa hạt rất được cổ võ và khích lệ.
Linh mục giáo phận sống và hoạt động theo
đường hướng chung của Hội Thánh, nhằm tôn vinh Thiên Chúa và cứu rỗi các linh
hồn. Linh đạo nên thánh và tác vụ của linh mục giáo phận mang tính cộng đồng, và
chính cộng đồng mà ngài phục vụ ấy làm cho đời sống thiêng liêng của ngài được
lớn lên: khi linh mục giảng dạy, ngài được dạy dỗ; khi khuyên bảo, ngài được
khuyên bảo; khi thăm viếng người bệnh, con bệnh là chính ngài được nâng dậy; khi
an ủi người đau buồn, ngài tìm thấy sự an ủi; khi phục vụ người nghèo, sự nghèo
nàn trong tâm hồn ngài tìm được nâng đỡ; khi hướng dẫn người khác, ngài tìm được
sự hướng dẫn và chỉ đạo; khi chủ tọa thánh lễ, tinh thần ngài được biến đổi và
canh tân; khi cầu nguyện, ngài tiếp xúc được với những hoạt động kín đáo của ân
sủng Thánh Thần.
Theo nghĩa này, linh đạo của linh
mục triều có bốn chiều hướng:
-
Chiều hướng
Hội Thánh cảm thông với Hội Thánh và dấn thân làm
tăng trưởng cộng đoàn Dân Chúa hầu xây dựng và kiện toàn Nước Thiên Chúa;
-
Chiều hướng nhập thể
đối thoại và thúc đẩy một nhận thức tích cực về thế giới, phối hợp cái
thiêng liêng và cái trần tục để biến đổi và thánh hiến thế giới cho Thiên
Chúa trong Chúa Kitô;
-
Chiều hướng phục vụ
xem việc phục vụ trần gian như một phần không thể thiếu của linh mục triều
và cam kết phục vụ ngày càng trở nên sâu sắc hơn trong một Hội Thánh phục
vụ;
-
Chiều hướng
giải phóng tìm đáp lại tiếng kêu xin cuộc sống
mới dồi dào trong viễn ảnh môi trường học, qua thái độ và lối sống chia sẻ
giúp người thiếu thốn vật chất lẫn tinh thần, qua cuộc chiến đấu mang tính
ngôn sứ chống lại những bất công dù là dân sự hay thuộc về Giáo hội, qua
việc phát triển những thái độ tích cực và hy vọng hầu đưa ra các giải pháp
mới mẻ và sáng tạo.
Sự thống nhất đời
sống nội tâm và hoạt động tông đồ là điều kiện tất yếu của một linh mục giáo
phận thành công, hạnh phúc và thánh thiện. Để minh họa khẳng định đó, xin mượn
cuộc phỏng vấn thú vị của Zenith với Đức ông Rossetti, tác giả cuốn “Tại sao
các linh mục hạnh phúc” phát hành ngày 12/10/2011. Đức ông Rossetti là một
nhà tâm lý học chuyên sâu, trước đây là Chủ tịch và Giám đốc điều hành trung tâm
điều trị và giáo dục dành cho hàng giáo sĩ và tu sĩ, hiện là Phó Giám đốc các
chương trình hội thảo và sứ vụ tại các Đại học Công giáo Mỹ.
Các linh
mục thuộc nhóm những người hạnh phúc nhất?
-
Một số nghiên cứu ở Mỹ trong vài năm qua phát hiện khoảng 90%
các linh mục nói rằng họ hạnh phúc. Trong khảo sát của Đức Ông Rosetti với 2.500
linh mục, tỉ lệ này cao tới 92,4%. Các yếu tố dự báo mạnh mẽ nhất cho hạnh phúc
của linh mục là sự “an bình nội tâm.” Nếu chúng ta cảm thấy an bình nội
tâm, thì cũng cảm thấy được hạnh phúc với những gì xung quanh. Nhưng đây cũng là
một thách đố: Nếu chúng ta không hạnh phúc với cuộc sống của mình, thì đừng chỉ
trích bên ngoài, nhưng hãy nhìn vào nội tâm chúng ta. Yếu tố dự báo mạnh mẽ nhất
của an bình nội tâm là mối quan hệ của ta với Thiên Chúa. Khi ta có mối quan hệ
vững chắc với Thiên Chúa, ta sẽ có an bình nội tâm. Chúa Giêsu hứa ban cho chúng
ta ơn này: “Thầy để lại bình an của Thầy cho anh em, Thầy ban bình an của
Thầy cho anh em.” Chúng ta chỉ tìm thấy sự bình an đích thực và lâu dài
trong Thiên Chúa. Đời sống thiêng liêng của chúng ta là một đóng góp mạnh mẽ cho
an bình nội tâm lẫn hạnh phúc cá nhân. Chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy an
bình nội tâm và niềm vui cho đến khi thực sự có mối quan hệ cá nhân với Thiên
Chúa. Hầu hết các linh mục đã tìm thấy mối quan hệ như vậy, và họ là những người
đàn ông hạnh phúc.
Vai trò
của các mối quan hệ liên nhân vị trong hạnh phúc của linh mục?
- Yếu tố góp phần
vào mối quan hệ tích cực với Thiên Chúa là có các người bạn thân. Việc phát
triển mối quan hệ lành mạnh với người khác giúp chúng ta kết nối với Thiên Chúa.
Nhiều lần Chúa Giêsu đã nói về việc mến Chúa yêu người như là hai mặt của một
thực tại: “Người nào không yêu thương anh em mà mình nhìn thấy thì không thể
yêu Chúa mà mình không nhìn thấy.” Kết quả thống kê đã khẳng định giáo huấn
Tin Mừng này: yêu thương người lân cận và xây dựng mối quan hệ bác ái với bạn
bè, gia đình và người lân cận giúp chúng ta yêu mến Thiên Chúa, và ngược lại.
Điều này thật quan trọng để trở thành người hạnh phúc. Sự cô lập gây ra bất
hạnh. Cần phải liên kết với các người khác. Điều đáng mừng là trên 90% các linh
mục báo cáo là có tình bạn vững chắc với các linh mục khác và giáo dân. Con số
các linh mục hạnh phúc đã gia tăng, và có thể sẽ tăng lên cao hơn, chỉ có 3,1%
linh mục đôi khi nghĩ đến việc rời khỏi chức linh mục.
Đời sống
độc thân liên quan đến hạnh phúc của linh mục thế nào?
-
Linh mục nào cảm thấy được Thiên
Chúa kêu gọi sống đời độc thân và cảm nghiệm sống đời độc thân như là một ân
sủng cá nhân, bất chấp những thách đố của nó, thì họ là người đàn ông hạnh phúc.
Thật vui là trên 75% linh mục đã thấy đời độc thân là một phần tích cực của cuộc
sống họ. Tỉ lệ này có khả năng tăng cao hơn trong tương lai. Chính các linh mục
trẻ tuổi nhất là người mạnh mẽ ủng hộ việc sống độc thân bắt buộc. Nhưng đây là
một thách thức: chấp nhận việc sống độc thân như là một phần cần thiết của đời
sống linh mục đòi hỏi một mức độ sâu sắc hơn về tâm linh để cảm nghiệm đời độc
thân như một ơn ban của Thiên Chúa, và là một ân sủng cá nhân.
Đây linh mục,
những con người thánh hiến
Suốt cuộc đời,
làm chủ tế trung kiên,
Đem tình thương
người mục tử nhân hiền
Dâng trọn vẹn
cho đoàn chiên chẳng tiếc.
Hồng ân Chúa,
những hồng ân đặc biệt,
Lãnh nhận rồi,
phân phát cả cho dân,
Thắt đai lưng
như đầy tớ chuyên cần
Chờ đợi chủ, tay
cầm đèn sáng rực.
Không mỏi mệt
nhưng kiên trì tỉnh thức,
Suốt đêm trường
hay mãi tới canh khuya,
Miễn làm sao kịp
khi chủ trở về
Mở ngay cửa
nghêng đón Người vội vã.
Vinh tụng Chúa
Cha, Vua trời cao cả,
Cùng Chúa Con,
Đấng chuộc tội cứu đời,
Và Thánh Thần,
lửa yêu mến sáng soi,
Hằng hiển trị
bây giờ và mãi mãi.
(Thánh Thi Kinh Sáng lễ thánh mục tử)
ĐHY Claudio Hummes
lúc còn là Tổng Trưởng Bộ Giáo Sĩ đã nhận định lạc quan, hy vọng và đầy an ủi: “tuyệt
đại đa số các linh mục là những người rất xứng đáng, toàn tâm toàn ý cho thừa
tác vụ linh mục, những người chuyên tâm cầu nguyện và làm việc bác ái mục vụ,
đặt cả cuộc đời vào việc thực hiện ơn gọi và sứ mệnh của mình...
Giáo Hội muốn nói trước hết với các linh mục rằng Giáo Hội hãnh diện biết bao về
các linh mục của Giáo Hội; Giáo Hội yêu mến, tôn kính, ngưỡng mộ họ dường nào và
nhìn nhận với lòng tri ân công tác mục vụ của họ và cuộc đời chứng nhân của họ.”
____________
|
VỀ MỤC LỤC |
|
MUỖI
|
Chuyện xưa kể
lại rằng: “Có anh chàng nọ hết lòng thương yêu vợ. Nhưng chị vợ
lại ham thói trăng hoa, lang chạ, nay nhân tình, mai nhân bánh
với trai tráng trong làng. Rồi đột nhiên chị vợ lăn đùng ra lìa
xa cõi trần.
Người chồng
buồn rầu bỏ xứ ra đi, ôm theo xác vợ làm kỷ niệm.
Một ngày nọ
anh ta gặp một vị đạo nhân, bèn xin ra tay cứu sống vợ. Thông
cảm, đạo nhân giúp đỡ và bảo người chồng chích ngón tay, nhỏ ba
giọt máu lên xác vợ. Người chồng làm y theo lời, và vợ sống lại.
Hai người dắt
tay nhau trở về quê cũ. Người chồng tưởng rằng vợ nghĩ lại sẽ
sống đời với mình. Chẳng ngờ nàng vẫn quen đường cũ, theo một
tay lái thương giầu có và xin vĩnh biệt tình lang.
Hết lời
khuyên can không được, người chồng bèn nói: “nàng có thể ra đi
nhưng xin trả lại ta ba giọt máu”. Vợ bèn chích ngón tay, hoàn
trả máu. Máu vừa nhỏ giọt thì nàng tắt thở.
Chết đi, nàng
hóa thân thành con muỗi, tìm người để lấy lại ba giọt máu, mong
được hồi sinh. Nàng bay tới đâu cũng bị xua đuổi, nên luôn miệng
vo ve than vãn”.
Do đó chỉ có
muỗi cái mới hút máu động vật.
Nhưng khoa
học ngày nay tinh tế hơn, đã tìm hiểu lý do khiến tại sao chỉ
các mợ muỗi mới làm công việc hút máu động vật. Ðể sinh sống và
cũng để gây ra một vài tai họa cho loài người.
Thứ nhất là
các Mợ có miệng dài với vòi để dễ bề hút máu của động vật máu
ấm. Còn các cậu muỗi hầu hết đều sống nhờ mật hoa và nước lã.
Thứ hai là đa
số các mợ cần phải sống bằng máu để có chất đạm mới làm công
việc sanh đẻ được.
Thứ ba là khi
đốt người (hay thú vật) hút máu như vậy thì các mợ “ký niệm” vào
huyết quản “thí chủ” một chút nước miếng có các tác nhân gây
bệnh truyền nhiễm.
Thứ tư là các
mợ chỉ đẻ trứng trên mặt nước: hoặc là nước đang chẩy, nước ao
tù, nước trên sông, trong lạch hoặc nước mưa đọng trong cái ống
lon rỉ sét ở đầu nhà. Tất nhiên là các cậu muỗi thì không được
tạo hóa giao cho cái trách nhiệm đẻ trứng này.
Muỗi cũng như
ong kiến gây ra nhiều khó khăn cho con người mỗi khi Hè tới. Khí
hậu nóng ấm là thời gian phát triển ưa thích của nhóm sinh vật
này. Chúng đốt, chúng cắn, chúng hút máu, chúng truyền chất có
hại khiến cho vô số người mang bệnh phải đi bác sĩ, phải vào nhà
thương.
Trước khi nói
tới những khó chịu do các côn trùng này gây ra, xin nhắc qua về
sự khác biệt giữa CHÂM ĐỐT và CẮN. Hai hành động này đôi khi
tưởng như giống nhau mà lại hơi khác nhau.
Châm đốt
thường do côn trùng có nọc độc (poisonous) để tự vệ khi bị phá .
Khi đốt, chúng sẽ chích vào sinh vật quấy phá chúng một liều
chất độc qua cái ngòi. Đây là hành động tự vệ, trả đũa của chúng
như là để trừng phạt và cảnh giác lần sau đừng quấy rầy chúng
nữa. Đó là những con ong các loại, con kiến.
Còn cắn là do
các côn trùng không có nọc độc (non poisonous), khi cắn chỉ
truyền vào chút nước miếng có lẫn chất chống đông máu. Chúng
sống nhờ máu hút được. Muỗi, bọ chét, chấy rận, con cái ghẻ, bọ
chét cắn người ta và sinh vật khác.
Về những con Muỗi
Muỗi là một
loại côn trùng biết bay có hai cánh nhỏ, thân hình mảnh mai,
chân dài, cánh hẹp, lấm tấm nhiều vẩy trên gân cánh.
Từ đầu, nhú
ra một xúc tu với nhiều sợi lông loắn xoắn. Lông ngắn ở muỗi
cái, lông dài và rậm rạp ở muỗi đực.
Miệng muỗi
cái dài, có vòi để hút, còn miệng muỗi đực rất thô sơ.
Có khoảng
trên 2000 loại muỗi khác nhau. Chúng sống khắp nơi, từ miền
nhiệt đới nóng ấm tới vùng bắc cực lạnh giá; từ vực sâu tới đỉnh
núi cao. Muỗi cân nặng khoảng 2.5 milligrams, có thể bay nhanh
tới gần một cây số một giờ. Muỗi có thể di chuyển xa cả năm chục
cây số.
Muỗi hút máu
Muỗi cái hút
máu để sống và để có thể sinh sản. Mỗi lần muỗi hút khoảng 5
phần triệu của một lít.
Muỗi có thể
đánh hơi ra thân chủ xa cả vài chục thước bằng nhiều cách: nhìn
thấy sự di động của động vật; có thể thấy những tia hồng ngoại
phát ra từ thân thể con mồi; đặc biệt là chúng ngửi thấy mùi các
hóa chất mà động vật tiết ra như carbon dioxide, lactic acid,
chất béo cholesterol, chất steroid. Lactic acid là hóa chất tiết
ra từ các bắp thịt trong khi làm việc.
Khi tìm ra
con mồi thì muỗi sẽ bám sát. Chúng đốt để hút máu.
Việc hút máu
cũng rất khoa học: trước khi hút, chúng nhả vào một chút chất
chống đông máu để máu dễ dàng chạy vào ruột chúng. Nước miếng
của muỗi cũng có thể có vi sinh vật truyền một số bệnh truyền
nhiễm.
Chúng có thể
hút bất cứ lúc nào, ngày cũng như đêm, nhưng thời điểm ưa thích
là sáng sớm và khi chạng vạng hoàng hôn. Lý do là giữa trưa mà
bay ra ngoài thì chúng có thể bị tổn thương vì hơi nóng làm khô
nước trong cơ thể chúng. Lý do khác nữa là ở hai thời điểm này,
những con mồi của chúng cũng hay ra ngoài.
Chúng hút máu
đủ no rồi tung cánh bay đi. Vì thế khi muỗi bám vào da mà động
vật xua đuổi chúng đi thì chúng sẽ bay trở lại, lấy đủ thực phẩm
đã. Cho nên, nhiều khi để tránh tiếng vo ve gây khó ngủ ban đêm,
thà cứ thí cô hồn cho chúng vi lượng máu cho xong. Muỗi no đi
ngủ, mình cũng ôm “gối mềm” ngủ cho ngon giấc.
Sau khi hút
no thì mợ muỗi phải kiếm một chỗ yên tĩnh để thưởng thức, tiêu
hóa chiến lợi phẩm là máu.
Nghỉ ngơi,
muỗi cũng có tư thế đặc biệt: muỗi thường thì thân mình song
song với mặt bằng, còn đầu thì chiếu nghiêng. Muỗi anophele
truyền bệnh sốt rét thì ngược lại: đầu và vòi song song với mặt
bằng, mình nghiêng nghiêng. Vì thế các cụ ta gọi chúng là muỗi
đòn xóc.
Cái vụ muỗi
cắn này cũng có nhiều chuyện nên nói ra.
Số là muỗi
cũng khó tính, lựa chọn con mồi. Có người thì muỗi chê mà ngược
lại một số người khác thì muỗi chiếu cố rất nhiều. Có thử
nghiệm đã để hai người trong một phòng kín, hầm hơi có ít con
muỗi. Một người lãnh đủ, một người rất ít vết muỗi cắn. Lý do
tại sao thì chưa có giải thích.
Các nghiên
cứu gia đang coi xem trong hơn hai trăm hóa chất mà da ta tiết
ra, không hiểu hóa chất nào lại hấp dẫn với các nàng muỗi như
vậy. Mồ hôi, khí CO2 trong hơi thở của động vật, thân nhiệt và
tia hồng ngoại phát ra từ động vật rất hấp dẫn với muỗi. Cây cối
ban đêm thả ra nhiều CO2 nên ra vườn ban đêm, ta sẽ là mồi ngon
cho muỗi
Ngoài ra,
muỗi cũng đặc biệt có cảm tình với người có máu loại O, phụ nữ
có thai và người có khó khăn về tiêu hóa.
Vì có những
“hấp dẫn lực” phát ra từ người, cho nên, khi ở nơi có muỗi thì
ta có thể chạy xa, xua đuổi chúng nhưng không trốn ẩn với chúng
được.
Muỗi cũng
thích hành nghề trong bóng tối, cho nên khi ngồi làm việc, học
bài là muỗi hướng vào mục tiêu ở những vùng da khuất tối như bàn
chân nằm dưới gầm bàn.
Muỗi đẻ trứng
trên mặt nước, nhất là nơi ao tù nước đọng. Sau dăm ngày, trứng
nở thành ấu trùng (bọ gậy hoặc loăng quăng) ngọ nguậy chuyển
động. Vài ngày sau, bọ gậy biến thành nhộng rồi thành muỗi, bay
khỏi mặt nước.Các chú cá con là rất khoái ăn trứng và bọ gậy.
Sau khi thành
hình, muỗi cái muỗi đực “đi tơ” với nhau. Muỗi cái phải đi kiếm
máu hút ngay để có đạm chất sinh sản trứng.
Khi thời tiết
ấm nóng, muỗi có thể sanh đẻ mỗi hai tuần. Nhiệt độ thích hợp
với muỗi là 30ºC và tuổi thọ cúa muỗi là từ vài ngày tới ba bốn
tuần lễ.
Muỗi có nhiều
ở các quốc gia có khí hậu nhiệt đới. Vì thế, cứ tới thời tiết
lạnh mùa đông là muỗi ta biệt tăm.
Bệnh do muỗi lan truyền
Muỗi cắn,
ngoài chuyện khó chịu, ngứa ngáy tại chỗ còn gây lan truyền một
số bệnh nhiễm. Đáng kể nhất là bệnh sốt rét, bệnh viêm não, bệnh
dengue
1- Sốt rét ngã nước
hiện còn hoành hành ở nhiều quốc gia vùng nhiệt đới và đưa tới
nhiều tử vong đáng sợ.
Muỗi truyền
lan bệnh là những mợ Anopheles, thuộc nhóm Plasmodium. Các mợ
hút máu người bệnh, tiêu hóa máu nhưng không tiêu hóa ký sinh
trùng. Khi cắn người kế tiếp, các mợ “đổ bệnh” cho những nạn
nhân mới này. Cứ như vậy, sốt rét lan truyền vô tận.
Bệnh có thể
chữa và phòng ngừa bằng thuốc căn bản Chloroquine.
Những ai đi
du lịch về vùng dịch bệnh nên xin thầy thuốc cho thuốc viên uống
trước khi đi, trong thời gian du lich và một tuần lễ sau khi trở
về.
Hiện nay,
đang có nhiều nghiên cứu để chế ra thuốc tiêm ngừa sốt rét, như
là chủng ngừa bệnh cúm, chủng ngừa đậu mùa
2- Sốt Dengue,
còn gọi là Sốt Đập Lưng (breakbone fever)
do muỗi Aedes Aegyti truyền virus từ người bệnh sang người lành.
Bệnh ít gây tử vong ngoại trừ trường hợp Sốt Đập Lưng Xuất Huyết
thường thấy ở các quốc gia Đông Nam Á châu và châu Mỹ La Tinh.
Bệnh nhân có
triệu chứng như, đau xương khớp, nhức đầu, nóng sốt, nổi ban
trên da và làm cơ thể suy nhược.
Không có
thuốc chữa khỏi bệnh mà cũng chưa có tiêm ngừa. Sốt xuất huyết
đang là vấn đề nan giải của mọi quốc gia, vì dịch bệnh ngày một
gia tăng.
3- Sốt Vàng
(Yellow Fever) cũng do muỗi Aedes Aegypti truyền một loại virus.
Bệnh này có nhiều ở Phi châu và thường gây ra tử vong. May mắn
là đã có thuốc tiêm ngừa bệnh.
4- Bệnh Giun Chỉ
(Filiriasis) có nhiều ở vùng nhiệt đới và
bán nhiệt đới. Bệnh do các giun ký sinh gây ra và được muỗi
Aedes, Culex, Anopheles và Mansonia truyền đi.
Bệnh có thể
chữa được bằng thuốc Diethylcarbamazine.
5- West Nile Virus
gây nóng sốt và đang xảy ra tại Texas, California.
Phòng ngừa muỗi đốt.
Đến đây thì
chắc nhiều người thấy mà ớn giống muỗi, muốn tránh xa chúng,
không muốn mắc bệnh do chúng truyền lan và cũng không muốn chúng
quấy rầy giấc ngủ đêm, ngày.
Vậy thì xin
nói về việc này.
Như đã nói ở
trên, muỗi xuất hiện ở ngoài trời nhiều nhất từ lúc tranh tối
tranh sáng và suốt đêm. Vậy thì khi chúng hùng hổ ra kiếm mồi,
thì ta ở trong nhà. Mà nếu cần ra thì mặc quần áo phủ người càng
kín càng an toàn, đặc biệt là ba vùng cổ: cổ tay, cổ chân và cổ
đỡ đầu.
Tránh đi tới
nơi sình lầy, nước đọng, chỗ um tùm cây bụi.
Ngồi ngoài
balcon, để cái quạt chạy nhẹ với gió thổi hiu hiu cũng xua đuổi
muỗi khá tốt.
Bôi thuốc
đuổi muỗi. Có nhiều loại thuốc xua muỗi, nhưng loại được nhiều
chuyên gia tín nhiệm là DEET. Vài điều cần nhớ khi dùng DEET:
• Mua
thuốc về, nhớ đọc kỹ nhãn hiệu với cách dùng, rủi ro có thể có.
•
Thuốc có 30% DEET là vừa đủ mạnh. Trẻ em dùng loại 10% DEET.
• Đừng
bôi thuốc lên vết thương trên da hay chỗ da bị viêm đỏ
.Đùng bôi quá
gần mắt, miệng nhất là ở trẻ em
• Đừng
để trẻ em tự thoa thuốc này, tránh ngộ độc khi các em vô tình
uống hoặc thoa vào mắt
• Thoa
vừa đủ để che da và quần áo
• Đừng
bôi lên phần da dưới quần áo, vì da đã được quần áo che trở
• Đừng
xịt thuốc khi ở trong phòng kín để tránh hít vào phổi bụi hóa
chất
• Sau
khi vào trong nhà, xả nước cho sạch thuốc ngừa trên da
Loại trừ, xa lánh muỗi
Khi phải ở
lâu trong vùng có muỗi, như đi câu cá ban đêm, có thể nhúng quần
áo trong hóa chất Permethrin, Icon, Fendona để đuổi muỗi. Xịt
các hóa chất này lên tường nhà cũng tiêu diệt muỗi khi chúng đậu
trên tường. Nên cẩn thận khi dùng vì hóa chất này có thể gây hại
cho sức khỏe trẻ em, phụ nữ có thai và các cụ cao tuổi.
Muỗi cũng kỵ
một số tinh dầu thảo mộc như bạc hà, bạch đản, xả.
Có thể đốt
hương xua muỗi, dùng đèn giết muỗi, bẫy điện, vợt điện bắt muỗi,
máy phát ra siêu âm để xua muỗi đi xa.
Nằm ngủ trong
mùng màn vừa tránh được muỗi cắn mà lại vừa có tự do riêng.
Chạy quạt
thổi nhẹ để xua đuổi muỗi
Mặc quần dài,
đi vớ tất
Gắn lưới ở
cửa sổ và cửa ra vào để chống muỗi “xâm nhập gia cư bất hợp
pháp”
Triệt hạ
trứng và ấu trùng muỗi ở nơi ao tù, nước đọng, phát quang các
bụi cây.
Ngoài các
bệnh nhiễm, muỗi cắn thường không gây phản ứng mạnh. Chỉ một
chút ngứa ngáy khó chịu ở chỗ bị cắn, chườm nước đá lên ngay là
hết. Tuy nhiên, nhiều khi ở trẻ em, sau khi muỗi cắn, ngứa, các
em gãi đến trầy da, rồi nhiễm trùng. Thành ra, khi muỗi đốt sưng
lên thì chườm ngay nước đá, hoặc bôi lớp mỏng Caladryl lotion
lên chỗ muỗi cắn.
Bác sĩ Nguyễn Ý-Ðức
Texas-Hoa Kỳ
www.bsnguyenyduc.com
|
VỀ MỤC LỤC |
Giáo hội công
giáo và nhân quyền |
Tác Phẩm:
Đạo vào đời
Gs. Nguyễn Đăng
Trúc
Định Hướng Tùng Thư -2012
Chương III
Giáo hội công
giáo và nhân quyền
« Ngày nay, nhân quyền
được tuyên dương như một ‘đạo lý mới’ của thế giới».
Nhân định đó của Walter
Kasper, nay là Hồng Y chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Võ Hiệp
Nhất Kitô Hữu cho thấy ngày nay nhân quyền được xem là chuẩn mực
hướng dẫn nếp sống cá nhân và các cộng đồng trong đại gia đình
nhân loại. Trong mọi ngành sinh hoạt từ văn hóa, chính trị, tôn
giáo, báo chí truyền thông kể cả thể thao, kinh tế, cuộc sống
gia đình v.v. nhân quyền được nêu lên như một mục tiêu sinh
hoạt, một giá trị tối thượng để đánh giá tốt xấu, để tuyên dương
hay trừng phạt, ngay cả bằng biện pháp chiến tranh.
Nhưng đằng sau lớp áo Nhân
quyền nặng tính ‘truyền thông đại chúng’ đó, biết bao người đã
là nạn nhân của bạo lực chà đạp nhân quyền sau hơn nửa thế kỷ
Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân quyền được Liên Hiệp Quốc công bôù;
một vài sự kiện nổi bật như - các vụ tàn sát ở Cambốt vào cuối
thập niên 70, - hàng triệu triệu ngưởi bị thảm sát, lưu lạc tại
Rwanda trong thập niên vừa qua, - đàn áp tôn giáo , văn hóa,
chính trị... tồn tục tại nhiều nước trên thế giới, ngay cả sau
thời điểm Bức Tường Bá-Linh sụp đổ, - nạn nghèo đói, kém phát
triển, chênh lệc cuộc sống không những giữa các quốc gia mà ngay
trong mỗi cộng đồng dân chúng của mỗi quốc gia. Nhân quyền vẫn
không được lắng nghe và áp dụng, mà đáng lo ngại hơn nữa là nội
dung của nhân quyền chưa kịp đem ra áp dụng thì sự kiện nhân
danh Nhân quyền để chà đạp nhân quyền lại phổ biến: nhiều người
mẹ nhân danh quyền của mình để chà đạp quyền sống của con trong
bụng mình, nhân danh quyền tự do truyền thông một cách khách
quan bất chấp danh dự cá nhân kẻ khác và lợi ích chung .v.v
Trong một mức độ nào đó,
mối liên lạc văn hóa giữa nền văn minh Tây Phương tân tiến và
các tôn giáo, đặc biệt là giáo hội công giáo, trong lối cảm
nhận về nhân quyền có vẻ như không còn khắng khít như thời kỳ
tiếp liền theo Công Đồng Vaticanô II; đây đó dư luận lên án thái
độ đạo đức của giáo quyền Roma là thủ cựu, như ngầm hiểu là
chống lại nhân quyền (đặc biệt là các vấn đề liên quan đến tính
dục, gia đình); hơn thế nữa nhiều quốc gia tuy có số lượng người
công giáo chiếm đa số tuyệt đối đã ban hành nhiều đạo luật (
phá thai, hôn nhân đồng tính, can thiệp giúp bệnh nhân tự tử...)
đi ngược lại với giáo huấn đạo đức mà giáo hội công giáo chủ
trương; kết quả là phía bên nầy bên kia, đạo và đời đều có những
nhóm ngầm cho rằng nhà cầm quyền hoặc giáo hội công giáo là tác
nhân vi phạm Nhân quyền.
Như thế đằng sau chữ nhân
quyền tưởng chừng như ai cũng am tường đầy đủ nội dung, thật sự
còn có nhiều nội dung văn hóa căn cơ hơn, có nhiều điểm tương
đồng nhưng cũng không thiếu những nét dị biệt. Một phần chính
các mối căng thẳng đôi bên không phải phát xuất từ việc thiếu
thiện chí thực thi nhân quyền, nhưng phát xuất từ phương cách
định giá nhân phẩm và các chiều kích trọn vẹn của nhân tính.
1/ Mạc
khải Kitô giáo và quan điểm của văn hóa tân kỳ về nhân quyền
Tác giả Walter Kasper trong
tài liệu Nền tảng thần học của nhân quyền đã nhận định về việc
xây dựng nền tảng cho Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền một cách
tương đối bi quan như thế nầy:
‘
Nhưng vấn đề đặt ra là xem cái gì tạo nên
sự vững bền cho nền tảng chung đó. Người ta kể rằng một thành
viên của một trong ủy ban soạn thảo Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền
tại Liên Hiệp quốc có lần như từng phát biểu rằng: ‘Chúng ta
đồng ý về các quyền ấy, với điều kiện là đừng ai hỏi tại sao!’.
Sự hững hờ về việc đặt nền tảng của Nhân quyền khai lộ cho thấy
nhược điểm nào đó của những lối biện minh cho sự chính đáng của
các quyền ấy..’
Nói cách khác, nền tảng xây
dựng nội dung ý nghĩa nhân quyền trong Bản Tuyên Ngôn nầy như
dựa trên một cảm nhận chung chung của con người thời đại, cảnh
giác những vi phạm đến cá nhân mà lương tri không cho phép (con
người nhìn nhận có tiếng nói tự nhiên nơi tâm hồn mọi người :’không
được phép làm điều nầy hay điều kia ...’). Người ta đã dừng
lại đoạn đường ấy có lẽ vì muốn có sự đồng thuận tối thiểu về
một số biện pháp cấp bách tiếp sau những tang thương kinh hoàng
của đệ nhị thế chiến, hoặc để giảm bớt những chống đối của các
quốc gia không thuộc vào truyền thống văn hóa mà GS Joseph
Joblin, S.J. gọi là truyền thống
văn hóa Địa Trung Hải.
Và cũng trong bối cảnh của thời sự có tính cách ứng dụng thực
tiễn và thúc đẩy bởi tình thế cấp bách mà các tôn giáo, đặc biệt
là giáo quyền công giáo, đã công khai nhìn nhận giá trị tích
cực của Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc,
mặc dầu có những ngại ngùng của nhiều tín đồ trong giáo hội nầy.
Người ta ngại ngùng vì không những quá khứ có những tranh chấp
có tính cách xã hội chính trị giữa đạo đời, mà ngay ở mức độ nền
tảng xây dựng quan điểm về nhân tính và phẩm giá con người, đôi
đường có những cách biệt sâu xa.
Mặc khải tích cực Kitô
giáo khai mở cho thấy con người được định nghĩa, được đánh giá
từ Thiên Chúa: là hình ảnh Thiên Chúa, là con Thiên Chúa, là bạn
hữu của Con Một Thiên Chúa, là chi thể mà Con Thiên Chúa là đầu,
là giá trị tột bậc đến nỗi Thiên Chúa đã hy sinh Con Một mình để
cứu chuộc, đã được Thiên Chúa yêu thương đến độ hứa ban vinh dự
mãi mãi sẽ ở cạnh Ngài... Nhân tính và phẩm giá đó đã chứng thực
trong lịch sử và hoàn thành nơi Đức Kitô: Đức Kitô yêu Thiên
Chúa trọn đầy nơi con người và yêu con người trọn trọn đầy trong
Thiên Chúa. Nhân tính và nhân phẩm đó làm cho trí khôn tự nhiên
của con người hụt chân. Không một sự vật nào, một ý niệm nào từ
sức con người nghĩ ra được tính ‘linh ư vạn vật kỳ diệu’ đó. Hai
chiều kích tương quan chân thật với Thiên Chúa và tương quan
huynh đệ nhân loại không thể tách rời nhau bất cứ vì một lý do
gì hay một giây phút nào. Toàn bộ Kinh Thánh bất cứ trang nào,
dòng nào cũng qui chiếu vào Đức Kitô, Đấng hoàn thành hai chiều
kích ấy.
Người Kitô hữu ngày nay khi
đọc lại Phúc Âm rồi đọc toàn Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền,
hoặc đối chiếu với châm ngôn Tự do - Bình đẳng - Huynh đệ của
Cách Mạng 1789 hẳn sẽ ngạc nhiên vì không thấy có những nội dung
nào giữa đôi bên quá mâu thuẫn, tại sao lại có xung khắc lên án
nhau, hoặc phải ngại ngùng dè dặt. Kỳ thực đằng sau những dòng
chữ nầy có những nội dung hướng dẫn khác biệt đưa đến những lối
hiểu, những phương cách giải thích và áp dụng khác nhau; chưa kể
đến những tranh chấp quyền lực chính trị xã hội tạo ra những
tiền kiến và nghi ngại đến độ lên án và khai trừ nhau.
Thành ngữ nhân quyền với âm
hưởng tân thời xuất hiện (lần đầu được tìm thấy trong các tài
liệu là vào năm 1537)
rất muộn trong bối cảnh văn hóa Thời Phục Hưng Âu Châu. Walter
Kasper cho rằng sự xuất hiện nội dung mới về nhân quyền là hiện
tượng khủng hoảng
Ï; khủng hoảng toàn bộ cơ cấu xã hội sau trật tự Thời Trung Cổ
Âu Châu sụp đổ. Trước đó Kitô giáo quán xuyến quyền đời, quyền
đạo như một bà mẹ nuôi con dại. Tương quan con người với Thiên
Chúa và tương quan huynh đệ nhân loại được hiểu là đạo và đời
quyện lẫn vào nhau, nếu không nói là quyền bính tôn giáo được
đồng hóa với tầng lớp giáo sĩ luôn được ưu tiên vật chất lẫn
tinh thần. Tuy không hoàn hảo, nhưng cơ cấu và trật tự xã hội
thời Trung Cổ ốn định trong khung cảnh lịch sử Âu Châu thời ấy.
Qua đến thời Phục Hưng, tất cả dường như bể bung chờ đợi một
cuộc lột xác: của cải vật chất nay thay chủ, giai cấp giáo sĩ và
quí phái, điền chủ nhường địa vị ưu thắng cho giới thương gia và
kinh doanh; kiến thức văn hóa không còn giới hạn trong các tu
viện, nhưng phổ biến rộng rãi trong quần chúng nhờ phương tiện
đi lại và máy in. Các nhà trí thức hướng về việc nghiên cứu văn
hóa cổ Hy lạp và khám phá lại kiến thức nhân bản thời các nhà
‘khôn ngoan’ (người ta còn dịch là ngụy biện =
sophistes) để tin vào khả năng lý trí tự nhiên nơi mỗi cá nhân
và làm quen với một lối điều hành nếp sống cộng đồng trong tinh
thần dân chủ của Nhã Điển. Nói tóm, xã hội thời Phục Hưng chuẩn
bị đẩy lui các chuẩn mực và quyền hành ở bên ngoài để chỉ còn
nhìn thấy uy thế tối thượng của lý trí cá nhân như một chuẩn mực
duy nhất. Về mặt văn hóa, nếu Thiên Chúa còn được nhắc đến thì
hoặc được đồng hóa với lý trí phổ quát mà con người xác quyết là
ở trong quyền lực sử dụng của mình rồi, hoặc chỉ là một ý tưởng
điều hành mà lý trí nêu lên như một giả thiết để xây dựng hệ
thống kiến thức của mình mà thôi. Với nền hữu thể học truyền
thống Hy lạp định nghĩa toàn hảo, linh thiêng là một cái gì độc
lập, tự đủ cho mình, và với khám phá lý trí quyền năng vô tận
mà mỗi người sẵn có trong mình, từ nay những ý niệm tự do, tự
chủ trong bối cảnh văn hóa nầy (thường được gọi là thời tân kỳ)
trở thành những giá trị tối thượng, chuẩn mực cho đạo đức và
phẩm giá con người.
Trong bối cảnh lịch sử xã
hội Âu Châu thời bấy giờ, độc lập tự chủ trước mắt
là giải thoát khỏi các cơ cấu ràng buộc bên ngoài tức là tổ chức
Kitô giáo và các luật lệ tôn giáo liên hệ. Vì trước đó giáo hội
đã tự đồng hóa là hàng giáo phẩm, giáo sĩ, và đồng thời xem mình
là hiện thân của Thiên Chúa nơi trần thế, nên nay việc loại bỏ
ảnh hưởng của giáo hội cũng được cả đôi bên, đạo cũng như đời,
xem là loại bỏ yếu tố thần thánh, thiêng liêng nơi sinh hoạt con
người và xã hội, là tách rời và sau đó là quên hẳn chiều kích
tương quan giữa con người và xã hội với Thiên Chúa. Cuộc tranh
chấp căng thẳng từ văn hóa đến quyền uy xã hội nầy trở thành
nghiêm trọng dần và nổ bung qua cuộc cách mạng Pháp năm 1789 và
với ảnh hưởng phổ biến của trào lưu Triết học Ánh sáng. Nội dung
nhân quyền trong bối cảnh lịch sử đặc biệt của văn hóa và xã hội
Âu Châu như thế đã ảnh hưởng rất nhiều trong diễn tiến lịch sử
qua hơn hai thế kỷ cho đến ngày nay, không những tại Âu Châu mà
lan rộng trên thế giới, đi kèm với cái nhìn lạc quan hầu như
ngây ngô về tiến bộ khoa học kỹ thuật và trào lưu dân chủ như
chìa khóa giải quyết mọi vấn đề nhân sinh.
(còn tiếp)
Walter Kasper,Nền tảng thần học của nhân quyền,
trong NHÂN QUYỀN VÀ GIÁO HỘI, HĐGH Công Lý Và Hòa
Bình, Vatican, xb, 1990, Địịnh Hướùng chuyễn dịch và xb
1999, trang 69
« Nhưng dư luận và các nước tỏ ra tha thiết với nhân
quyền như thế, xem ra chỉ là hình thức bên ngoài. Sự kết
ước của họ không nhất thiết hàm ngụ cùng một ý nghĩa.
Trong khung cảnh của truyền thống Địa trung hải,
chủ thuyết về nhân quyền được hiểu như cái gì hiển
nhiên, dựa vào lý chứng của một nền triết học đề cao cá
nhân; nhưng các vùng văn minh khác lại không có cùng
quan điểm có tính cách tây phương như vậy. Các nước
thuộc khối xã hội chủ nghĩa đã ưu tiên nhấn mạnh đến
quyền tập thể của con người chứ không phải các quyền cá
nhân; và nhất là các nhóm quốc gia thuộc vào những
truyền thống tư tưởng ngoài Âu châu, họ khó mà đồng ý về
bản văn tuyên ngôn nhân quyền; họ quan niệm những loại
quyền riêng thuộc mỗi nền văn hoá (các nước Hồi giáo,
các nước thành viên của O.U.A); không nói đến những xứ Á
châu mà nhiều luật gia tại đây cự khước những nội dung
của tuyên ngôn nhân quyền và cho rằng chúng ngoại lai
đối với truyền thống văn hoá của họ; kỳ thực, tại các
nước nầy của thế giới, "nhiều hệ thống pháp luật và xã
hội đã lấy ý niệm về bổn phận và các trách nhiệm là ý
niệm nền tảng, hơn là dựa vào ý niệm các quyền"; và việc
tôn trọng luật pháp ở vùng đất đó được quan niệm một
cách hoàn toàn khác với phương cách Tây phương, bởi vì
"nó còn lệ thuộc vào một số lớn yếu tố bên ngoài nội
dung thuần pháp luật như các giá trị xã hội và đạo đức,
các niềm tin tôn giáo, tập tục địa phương, tôn trọng
quyền bính..." Rev Joseph Joblin SJ. SD tr17
Hervé Carrier SJ Một cái nhìn mới về học
Thuyết xã hội công giáo, Quyển một, Bản dịch việt
ngữ Định Hướng 1999 tr 53 « Nhiều người công giáo đã
tuừng ngại ngùng để hoàn toàn đồng ý vớùi Bản Tuyên Ngôn
Nhân Quyền (1948) vì họ tiếc rằng bản văn ấy không nhìn
nhận những quyên căn Bản của Thiên Chúa »
M. Villey, Le droit et Les droits de l’homme
Puf, Paris 1983, 174.
Walter Kasper sd tr 75 « Thật thế, về
mặt lịch sử, các thành ngữ tân thời về nhân quyền là
những hiện tượng của khủng hoảng. Các hiện tượng
khủng hoảng như thế phát sinh trong lịch sử từ khi trật
tự thời Trung cổ sụp đổ. »
|
VỀ MỤC LỤC |
|
- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến,
bài vở..., xin gởi về địa chỉ
giaosivietnam@gmail.com
- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:
Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục
vụ của Giáo sĩ; Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các
Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn
gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực
Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh
vực; Mỗi Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức
Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và
Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)
- Quy vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại
www.conggiaovietnam.net
Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị
Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã
sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác
nhau.
TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam
Lm. Luca
Phạm Quốc Sử
USA
|
|
*************
|
|