Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 174, Chúa Nhật 01.07.2012


MỤC LỤC 

Phải Chú Trọng Ðến Việc Huấn Luyện Tu Ðức (Optatam Totius tiếp theo)                Vatican 2

ĐÁ TẢNG ĐỨC TIN (Hiệp sống Tin Mừng Lễ Thánh PHÊ-RÔ và̀ PHAO-LÔ)       Lm. ĐAN VINH

Chúa Kitô hiện diện trong trần thế dưới những hình thức nào?             Lm. PX. Ngô Tôn Huấn

Cổ võ ơn gọi linh mục là một thách đố thường xuyên cho Giáo Hội                Minh Đức (WHĐ)

Những phương cách thích hợp để điều khiển con cái                         Lm Lê Văn Quảng Psy.D.

NGỤ NGÔN THỜI BẤN LOẠN (KỲ 31)                                                      Gioan Lê Quang Vinh

SEN TRONG BÙN                                                                         Lm. Giuse Tuấn Việt, O.Carm.

Karl Marx phê-bình tôn-giáo                                                                         Gs. Trần Văn Toàn

NGƯỜI TÍN HỮU GIÁO DÂN TRƯỞNG THÀNH                                     Tiến sĩ Nguyễn Học Tập

Ba trụ cột của Kitô giáo                                                                    Lm. Minh Anh chuyển ngữ

Một số đặc điểm của linh đạo Linh mục Giáo phận       Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy, pss.

THAY TIM                                                                                                   Bác sĩ Nguyễn Ý Đức


Phải Chú Trọng Ðến Việc Huấn Luyện Tu Ðức

 

Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II

Sắc Lệnh Về Ðào Tạo Linh Mục

Optatam Totius

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

IV. Phải Chú Trọng Ðến Việc Huấn Luyện Tu Ðức 35*

 

8. Một đời sống thiêng liêng sâu sắc. Việc huấn luyện tu đức phải liên kết chặt chẽ với việc trau dồi học vấn và huấn luyện mục vụ, nhất là phải được thực hiện nhờ sự trợ giúp của cha Linh Hướng 13, 36* sao cho các chủng sinh tập biết luôn sống kết hợp mật thiết với Chúa Cha, nhờ Chúa Giêsu Kitô Con Người và trong Chúa Thánh Thần. Do phép Truyền Chức Thánh họ phải là hiện thân của Chúa Kitô Linh Mục, lại nữa bởi cùng chia sẻ một cuộc sống của Người, nên họ phải quen sống kết hợp với Người như bạn hữu 14. Họ phải sống Mầu Nhiệm Phục Sinh của Người thế nào để biết khai sáng Mầu nhiệm ấy cho đoàn chiên sẽ được giao phó. Phải dạy họ biết tìm gặp Chúa Kitô trong việc trung thành suy gẫm Lời Chúa, trong việc thông hiệp tích cực các Mầu Nhiệm chí thánh của Giáo Hội, nhất là Bí Tích Thánh Thể và kinh nguyện thần vụ 15. Cũng phải dạy cho họ biết tìm gặp Chúa Kitô trong Ðức Giám Mục, Ðấng sai họ đi và trong những người mà họ được sai đến, nhất là trong các kẻ nghèo khó, hèn mọn, đau yếu, tội lỗi và cả những kẻ vô tín ngưỡng. Họ phải lấy lòng tin cậy như con thảo mà tôn kính và yêu mến Ðức Trinh Nữ Maria Rất Thánh, Ðấng mà Chúa Kitô khi hấp hối trên Thánh Giá đã trối ban làm mẹ người môn đệ.

Phải hết sức cố gắng cổ võ việc đạo đức 37* đã được tập quán đáng kính của Giáo Hội khuyên làm, nhưng phải lưu tâm đừng để việc huấn luyện tu đức chỉ hệ tại những việc đạo đức ấy hay chỉ là một nỗ lực tạo ra thứ đạo đức tình cảm. Các chủng sinh phải học sống theo Phúc Âm, đứng vững trong đức Tin, Cậy, Mến 38*, để trong việc trau dồi các nhân đức ấy, họ đem lại cho mình một tinh thần cầu nguyện 16, họ củng cố bảo vệ ơn thiên triệu của mình, họ kiên cường các nhân đức khác và lớn lên trong nhiệt tâm chinh phục mọi người về cho Chúa Kitô.

 

9. Ý thức về Giáo Hội và đức vâng lời. Các chủng sinh phải thấm nhuần Mầu Nhiệm Giáo Hội đã được Thánh Công Ðồng này đặc biệt khai sáng, để có thể làm chứng sự hiệp nhất đang thu hút mọi người về với Chúa Kitô 17 bằng cách thảo hiếu và khiêm tốn hiệp nhất với vị Ðại Diện Chúa Kitô, và một khi đã lãnh nhận chức Linh Mục, họ luôn liên kết với Giám Mục của mình như những cộng tác viên tín cẩn và tiếp tay cộng tác với các anh em Linh Mục khác 39*. Phải dạy cho họ biết mở rộng tâm hồn tham gia cuộc sống của toàn thể Giáo Hội 40* như lời Thánh Augustinô: "Kẻ nào càng yêu mến Giáo Hội Chúa Kitô càng có Chúa Thánh Thần" 18. Chủng sinh phải thấu hiểu thật rõ ràng là cuộc đời họ không phải để thống trị hay được danh giá, nhưng để hết mình phụng sự Thiên Chúa và chu toàn bổn phận mục vụ 41*. Phải đặc biệt lo lắng tập sống đức vâng lời linh mục 42*, đời sống khó nghèo 43* và tinh thần xả kỷ 19 sao cho họ quen mau mắn từ bỏ ngay cả những gì được phép nhưng không thích đáng và trở nên giống Chúa Kitô chịu đóng đinh.

Phải cho các chủng sinh biết về gánh nặng họ phải đảm đương và không giấu diếm họ một khó khăn nào của đời Linh Mục. Tuy nhiên, đừng vì đó mà làm cho họ hầu như chỉ nhìn thấy khía cạnh nguy hiểm trong gánh nặng mai ngày, trái lại, tốt hơn phải vì đó huấn luyện cho họ biết dùng chính hoạt động mục vụ của họ để kiện cường đời sống tu đức cho thật vững mạnh.

 

10. Ðời trinh khiết. Các chủng sinh theo truyền thống đáng kính mà sống bặc độc thân linh mục đúng với qui luật thánh thiện bền bỉ của lễ chế mình, phải được cẩn thận hướng dẫn sống bậc sống ấy 44*. Một khi khước từ đời hôn nhân vì Nước Trời (x. Mt 19,20), họ kết hợp với Chúa bằng một tình yêu không san sẻ 20 phù hợp mật thiết với Giao Ước mới, họ làm chứng cho sự sống lại đời sau (x. Lc 20,36) 21 và thâu lượm được một trợ lực thích hợp nhất để luôn mãi thi hành đức ái hoàn hảo, nhờ đó, họ có thể trở nên mọi sự cho mọi người trong chức vụ Linh Mục 22. Họ cần thâm tín rằng: bậc sống ấy đáng hân hoan đón nhận không phải chỉ như một mệnh lệnh do Giáo Luật, nhưng như là một ân huệ quý giá của Thiên Chúa mà họ phải khiêm tốn cầu xin, và phải mau mắn đáp ứng với tự do và quảng đại, nhờ ơn Chúa Thánh Thần thúc đẩy và giúp đỡ.

Các chủng sinh phải hiểu biết đúng mức về những bổn phận và phẩm giá của hôn nhân công giáo, biểu tượng tình yêu giữa Chúa Kitô và Giáo Hội (x. Eph 5,22-33). Ðàng khác, họ cũng phải thâu hiểu nét ưu việt của đức trinh khiết dâng hiến cho Chúa Kitô 23, để vì thế tận hiến trọn hồn xác cho Chúa bằng một quyết định đã được cân nhắc chín chắn 45* và đại lượng.

Phải cho họ biết những hiểm nguy đang đe dọa đức khiết tịnh của họ, nhất là trong xã hội hiện thời 24; với những trợ lực thích ứng của Thiên Chúa và loài người, họ phải biết dung nạp sự từ khước đời sống hôn nhân, sao cho cuộc đời và công việc của họ không những không bị thiệt thòi gì do bậc độc thân gây ra, nhưng hơn thế nữa, họ làm chủ được hồn xác, phát triển được sự trưởng thành trọn vẹn hơn 46*, và đạt được hạnh phúc Phúc Âm cách toàn hảo hơn.

 

11. Ðức tự chủ. Các tiêu chuẩn giáo dục Kitô giáo phải được nghiêm chỉnh tuân hành và bổ túc các thích đáng nhờ việc sử dụng các phát minh mới mẻ của khoa tâm lý và khoa sư phạm lành mạnh. Vì thế, một nền giáo dục khéo tổ chức cũng phải nhằm huấn luyện cho các chủng sinh đạt được mức trưởng thành nhân bản cần thiết 47*, nhất là mức trưởng thành đã được kiểm nghiệm trong một đức tính cương nghị, trong khả năng quyết định chín chắn, và một óc phê phán xác đáng về con người và về các biến cố. Các chủng sinh phải tập cho quen điều hòa thích hợp cá tính mình, họ phải được huấn luyện cho có tinh thần quả cảm, và nói chung, phải biết quý chuộng những đức tính mà người đời thường quý chuộng và không thể thiếu nơi các thừa tác viên của Chúa Kitô 25, thí dụ như lòng thành thực, chuyên lo giữ đức công bình, đức tín trung, cư xử lịch thiệp, khiêm tốn và bác ái trong ngôn từ 48*.

Không những phải coi kỷ luật trong đời sống Chủng Viện như một trợ lực vững chãi của đời sống cộng đoàn và bác ái, mà hơn nữa, còn như một thành phần thiết yếu trong tất cả công cuộc huấn luyện để đạt được tinh thần tự chủ, phát triển được sự trưởng thành vững chắc về nhân cách, rèn luyện được những tư cách khác giúp ích rất nhiều cho hoạt động của Giáo Hội được quy củ và kết quả. Nhưng, phải áp dụng kỷ luật ấy sao cho các chủng sinh tự thâm tâm sẵn sàng chấp nhận quyền hành của Bề Trên và thâm tín, vì lương tâm (x. Rm 13,5) và vì những lý do siêu nhiên. Phải áp dụng những tiêu chuẩn kỷ luật ấy tùy theo từng lứa tuổi, để trong khi tập sống tự lập dần dần, các chủng sinh biết sử dụng tự do một cách khôn ngoan, hành động một cách tự phát, nhiệt thành 26 và quen hợp tác được với anh em đồng nghiệp cũng như với giáo dân.

Một khi được thấm nhuần lòng ham mộ đạo đức, sự thinh lặng và mối bận tâm giúp đỡ lẫn nhau, tất cả cuộc sống trong chủng viện phải được tổ chức thế nào để các chủng sinh như bắt đầu tập sự đời linh mục mai ngày 49*.

 

12. Thực tập mục vụ. Ðể cho việc huấn luyện tu đức có căn bản vững chắc hơn và để các chủng sinh quyết chí theo đuổi ơn thiên triệu với sự chấp nhận đã cân nhắc chín chắn, các Giám Mục có bổn phận ấn định một thời gian thích hợp cho việc huấn luyện tu đức sâu rộng hơn 50*. Các ngài phải xét coi, nếu thuận tiện, thì gián đoạn việc học trong một thời gian hoặc tổ chức kỳ thực tập mục vụ thích ứng để trắc nghiệm các ứng sinh Linh Mục cách đầy đủ hơn. Các Giám Mục cũng phải tùy theo hoàn cảnh từng miền để quy định nâng cao mức tuổi 51* chịu chức Thánh do luật chung hiện thời ấn định, cũng như quyết định có nên cho các chủng sinh, sau khi mãn ban Thần Học, thi hành chức vụ Phó tế trong một thời gian thích hợp, trước khi được thụ phong Linh Mục 52*.

_________

Chú thích

35* Chương này đề cập tới yếu tố quan trọng nhất trong việc đào tạo linh mục. Ðây là kết quả của một việc làm lâu dài với nhiều thảo luận và biên soạn.

13 Xem Piô XII, Tông hiến Menti Nostrae, 23-9-1950: AAS 42 (1950), trg 675. - Thánh Bộ Chủng Viện và Ðại Học, La Formazione spirituale del candidato al sacerdozio, Cita del Vaticano, 1965.

36* Ai cũng biết sự quan trọng của việc hướng dẫn thiêng liêng để nhận thức và trưởng thành trong ơn thiên triệu, và Sắc Lệnh cũng đã đề cập cách minh nhiên ngay từ đầu chương nói về việc đào tạo thiêng liêng. Nhưng một vấn nạn có thể đặt ra: Công Ðồng muốn chỉ có một vị linh hướng trong chủng viện, hay có thể được tự do chọn lựa trong tất cả các linh mục ở chủng viện theo sở thích mỗi người? LTCB số 27 viết: Giữa các vị hữu trách của chủng viện, người ta đề cử một hay nhiều vị linh hướng. Số 45 lập lại rằng việc đào tạo thiêng liêng là do ở các ngài. Số 23 khi nói về những nhóm nhỏ, có thêm rằng phải giữ được sự đào tạo kiến thức khoa học. Khi bàn về bí tích Giải Tội và tinh thần sám hối, số 55 nói: mỗi người phải có một vị linh hướng riêng để cởi mở tâm hồn với ngài, với lòng tin tưởng và khiêm tốn, để được hướng dẫn chắc chắn trên con đường của Chúa. Chủng sinh sẽ tự do chọn vị linh hướng và vị giải tội cho mình trong số các linh mục mà Giám Mục đã chỉ định như là những vị có thẩm quyền về trách vụ này. Vậy còn vài mập mờ: một đàng thì đồng nhất trong việc hướng dẫn, đàng khác thì tự do lựa chọn.

14 Xem Thánh Piô X, Huấn dụ hàng Giáo sĩ Hacrent animo, 4-8-1908: S Pii X Acta, IV, trg 242-244. - Piô XII Tông huấn Menti Nostrae, 23-9-1950: AAS 42 (1950), trg 659-661. - Gioan XXIII, Tđ Sacerdotii Nostri Primodia, 1-8-1959: AAS 51 (1959), trg 550 tt.

15 Xem Piô XII, Tđ Mediator Dei, 20-11-1947: AAS 39 (1947), trg 547 tt và 572 tt. - Gioan XXIII, Tông huấn Sacrae Laudis, 6-1-1962: AAS 54 (1962), trg 69. - CÐ vat. II, De sacra Liturgia, s61 16 và 17: AAS 56 (1964), trg 104 tt. - Thánh Bộ Nghi Lễ Instructio ad executionem Constitutionis de sacra liturgia recte ordinandam, 26-9-1964, số 14-17: AAS 56 (1964), trg 880 tt.

37* Sau khi đề ra chiều hướng giáo thuyết, Công Ðồng trở lại những yếu tố thực tế phát xuất từ đó. Ðức Piô XII trong "Menti nostrae" lập lại những điều Giáo luật qui định (kh 1367): nguyện gẫm, lần hạt, cầu nguyện, viếng Thánh Thể xét mình xưng tội thường xuyên, việc linh hướng, tĩnh tâm.

38* Ta có thể đối chiếu cả chương này với những bản văn tương tự ở GH 28: PV. 5-7, 16-17, 47, 61, 90: LM 13, 18; MV. 43, 5,6: tinh thần các bản văn rõ ràng dựa theo Thánh Kinh, tập trung vào Chúa Kitô và tuân phục Giáo Quyền.

16 Xem Gioan XXIII, Tđ Sacerdotii Nostri Primordia: AAS 51 (1959), trg 556 tt.

17 Xem CÐ Vat II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, số 28: AAS 57 (1965), trg 35 tt.

39* Xem LTCB số 46-47.

40* Ðây là chủ đề thông thường của Vat II, sự cởi mở với toàn thể Giáo Hội này phải được ghi khắc trong lòng các linh mục tương lai: như Chúa Kitô, lòng họ phải biết chấp nhận mọi người, mọi ngôn ngữ, chủng tộc và mọi quốc gia.

18 Thánh Augustinô, In Joanem tract 32: PL 35, 1946.

41* Câu này nói về tinh thần phục vụ (đã được nhắc nhở trong các đoạn văn của Mc 10,45; Gio 13,12-17; 1Cor 9,10, và trong bản tóm kết chức vụ chủ chăn của Linh Mục, số 4 của Sắc Lệnh này) nhằm chống lại tính khoa trương và đề cao giáo sĩ. Ðó chính là ý lực đã được Công Ðồng lập đi lập lại mỗi khi đề cập về Giáo Hội (xem GH 3, 2) về giám Mục (GH 27) hay về Linh Mục (LM 15).

42* Chủ đề này sẽ trở lại trong số 11. Không phải sự vâng lời giản dị của tín hữu, nhưng của linh mục. Sự vâng lời của linh mục đã được long trọng tuyên hứa trong bí tích Truyền Chức, không phải chỉ để cho việc hoạt động tông đồ hữu hiệu, nhưng là để sát nhập với Chúa Kitô đã vâng lời cho đến chết để cứu chuộc thế gian, LTCB số 49 đã đề cập tới vấn đề này.

43* Việc đòi hỏi linh mục phải phục vụ lại được LTCB, số 50 nhắc lại: "Ước gì họ tập luyện, không chỉ bằng lời nói nhưng bằng việc làm, tinh thần nghèo khó đang được Giáo Hội khẩn thiết kêu gọi và rất cần thiết để chu toàn thánh vụ tông đồ. Ước gì họ biết dựa vào sụ quan phòng của Thiên Chúa Cha và theo gương Thánh Phaolô giữ cho tâm hồn bình thản trong lúc dư dật cũng như khi bị khốn cùng (Ph 4,12)".

19 Xem Piô XII, Tông huấn Menti Nostrae: AAS 42 (1950), trg 662 tt, 685, 690. - Gioan XXIII, Tđ Sacerdotii Nostri Primordia: AAS 51 (1959), trg 551-553-556. - Phaolô VI, tđ Ecclesiam Suam, 6-8-1964: AAS 56 (1964), trg 634 tt. - CÐ Vat II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, nhất là số 8: AAS 57 (1965), trg 12.

44* Cần đọc để bổ túc số này: GH 42; LM 16 và DT 5,12. Cũng không thề bỏ qua Thông điệp "Sacerdotalis Caelibatus" của Ðức Phaolô VI, ngày 24-6-1967. LTCB số 48 lập lại những phương thế bảo đảm: nhận biết đời sống độc thân là một đặc ân Chúa ban và chấp nhận. Nhờ đời sống tràn đầy lời nguyện và kết hợp vơí Chúa Kitô và nhờ tình yêu huynh đệ chân thành, họ sẽ tạo được những điều kiện cho phép họ có thể bảo đảm đời sống đó trong niềm hoan lạc tâm hồn và quyết tâm trung thành với lễ dâng đã một lần tự hiến.

20 Xem Piô XII, Tđ Sacra Virinitas, 25-3-1954: AAS 46 (1954), trg 165 tt.

21 Xem T. Cyprianô, De habitu virginum, 22: PL 4, 475. - T. Ambrosiô, De Virginibus I. 8,52: PL 16, 202 tt.

22 Xem Piô XII, Tông huấn Menti Nostrae: AAS 42 (1950), trg 663.

23 Xem Piô XII, Tđ Sacra virginitas, n.v.t. trg 170-174.

45* Vậy họ phải "biết sử dụng sự tự do tâm lý trong cũng như ngoài, đạt được mức độ trưởng thành tình cảm cần thiết để có thể chứng minh và sống đời độc thân như một sự triển nở của nhân cách" (LTCB số 48).

24 Xem Piô XII, Tông huấn Menti Nostrae, n.v.t. trg 664 và 690 tt.

46* Theo bản văn này, sự trưởng thành "trọn vẹn hơn" dường như hệ tại "một tình yêu chân thành, nhân loại, bằng hữu, cá nhân, và có thể hy sinh theo gương Chúa Kitô, đối với tất cả mọi người và từng người. Trái lại phải tránh những liên lạc "quá lố và kéo dài đối với mọi người khác phái". Sau cùng cần phải dựa trên sự hộ giúp của Chúa và thực tập việc hãm mình, bảo vệ giác quan.

47* Sự trưởng thành cần thiết hướng tới một nhân cách hoàn toàn.

25 Xem Phaolô VI, Tông thư Summi Dei verbum, 4-11-1963: AAS 55 (1963), trg 991.

48* Ðối với những đức tính tự nhiên nhằm chuẩn bị vị tông đồ tương lai. LTCB còn thêm: luyện tập cách ý thức và cần mẫn một đức công bình, một đức tin thiện hảo và giữa những đổi thay biết thận trọng hòa hợp với đức ái, tinh thần phục vụ huynh đệ, nhiệt thành sống động, khả năng cộng tác với người khác... Ðể mang Phúc Âm cho hết mọi người, họ phải tạo được khả năng giao tiếp với hết mọi người trong mọi hoàn cảnh (x. LTCB số 51).

26 Xem Piô XII, Tông huấn Menti Nostrae, n.v.t. trg 686.

49* Từ những đòi hỏi thiêng liêng của những hoạt động trong đời sống linh mục. LTCB số 54 phác họa một mẫu sống cá nhân mà các linh mục tương lai phải sống ngay khi còn ở Chủng Viện. Ðây những nét chính: sống thân mật và cần mẫn với Chúa, tôn kính Lời Chúa, thích tiếp xúc với Chúa Kitô hiện diện trong bí tích Thánh Thể và tìm thấy nơi đó nguồn vui; sốt sắng yêu mến Giáo Hội và Ðấng Ðồng Công Cứu Thế; nhiệt thành tìm hiểu các Giáo Phụ và các Thánh; tập quen thành thực tự vấn lương tâm và nhận thức các lý do thúc đẩy.

50* Công Ðồng đổi mới ở chỗ này khi đề ra bốn phương cách khác nhau giúp cho sự trưởng thành thiêng liêng và ơn kêu gọi: thời kỳ chuẩn bị gắt gao, thực tập mục vụ, hạng tuổi cao hơn để lãnh chức và thực thi chức vụ phó tế. Theo lược đồ C (số 17), thời kỳ chuẩn bị gắt gao nhằm huấn luyện thiêng liêng có thể thực hiện hoặc trước khi vào thần học, hoặc ngay trước khi lãnh chức. Nơi nào triết học và thần học cùng dạy chung tại một chủng viện, tốt nhất là nên ấn định thời kỳ này vào lúc bắt đầu học triết. LTCB (số 42a) đề nghị như vậy và nhận định rằng nó có thể trùng hợp với những bài học dẫn vào mầu nhiệm Chúa Kitô và mầu nhiệm Cứu Chuộc, như số 14 của Sắc Lệnh ấn định: một thời gian dành riêng cho việc cầu nguyện cá nhân, tăng gấp việc đào sâu thần học và Thánh Kinh về những nền tảng đời sống thiêng liêng, cũng như việc học tập và dấn thân ý thức hơn, chọn lựa ơn kêu gọi cách hữu lý hơn.

51* Cho tới nay để lãnh các chức Thánh, Giáo luật đòi hỏi phải có số tuổi 21, 22 và 24 chẵn (kh 975). Các tâm lý gia đồng ý nhận định rằng trong thế giới ngày nay, sự trưởng thành tâm lý rõ ràng chậm hơn sự trưởng thành thể lý và lý trí; hầu như khắp nơi người ta thấy cần phải hoãn các chức lại vào lứa tuổi lớn hơn. Các Giám Mục hữu trách các chủng viện sẽ theo các điều kiện địa phương mà xác định số tuổi tối thiểu. Người ta còn thấy rằng chính các thanh thiếu niên cũng cảm thấy chưa đủ chín mùi để dấn thân hoàn toàn và thường xin hoãn việc chịu chức.

52* Việc thi hành chức vụ phó tế không bắt buộc nhưng chỉ là yêu cầu (M 84/5 và 4). Theo thuyết trình viên của ủy ban việc thi hành có bốn lợi điểm sau đây: chuyển tiếp thích hợp tới chức vụ linh mục dưới sự hướng dẫn của một linh mục được chọn lựa kỹ lưỡng; ơn gọi được chín mùi và tăng triển; khi trở về chủng viện biết lợi dụng các môn học cách thích đáng hơn và biết bổ túc việc huấn luyện mục vụ; khả năng của ứng viên được nhận biết rõ ràng hơn.

 

VỀ MỤC LỤC
ĐÁ TẢNG ĐỨC TIN (HIỆP SỐNG TIN MỪNG LỄ THÁNH PHÊ-RÔ VÀ PHAO-LÔ)
 

CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN A

LỄ THÁNH PHÊ-RÔ VÀ PHAO-LÔ

Cv 12,1-11 ; 2 Tm 4,6-8.17-18 ; Mt 16,13-19

 

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG:

(13) Khi Đức Giêsu đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?” (14) Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ”. (15) Đức Giêsu lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?” (16) Ông Si-mon Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”. (17) Đức Giêsu nói với ông: “Này anh Si-mon con ông Giô-na, Anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều đó, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. (18) Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá. Trên Tảng Đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy. Và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. (19) Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời. Dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy. Dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy”.

2. Ý CHÍNH: HỘI THÁNH ĐƯỢC XÂY TRÊN ĐÁ TẢNG ĐỨC TIN CỦA THÁNH PHÊ-RÔ.

Sau khi Si-mon đại diện cho Nhóm Mười Hai khẳng định Đức Giêsu là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống, ông đã được Người khen là có phúc, được đổi tên thành Phê-rô và được hứa xây Hội Thánh trên nền tảng đức tin mà ông vừa tuyên xưng, tiên báo Hội Thánh ấy sẽ trường tồn, bất chấp ma quỷ chống phá. Sau cùng Người cũng trao cho ông chìa khóa Nước Trời với quyền cầm buộc và tháo cởi.

3. HỎI ĐÁP VÀ CHÚ THÍCH:

HỎI 1: Khi thay mặt anh em tuyên xưng Đức Giêsu là “Con Thiên Chúa hằng sống”, phải chăng ông Si-mon có ý nói về bản tính Thiên Chúa của Người ?

ĐÁP: 

Có lẽ khi tuyên xưng Đức Giêsu là “Con Thiên Chúa hằng sống”, Phê-rô vẫn chưa hiểu rõ ý nghĩa của tước hiệu ông nói. Ông chỉ muốn giải thích ý nghĩa của tước hiệu Đấng Ki-tô, theo lời ngôn sứ Na-than tuyên sấm về người con sẽ nối nghiệp vua Đa-vít như sau: “Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên, kế vị ngươi một người do chính ngươi sinh ra, và Ta sẽ làm cho vương quyền nó được vững bền. Chính nó sẽ xây một nhà để tôn kính Danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi. Đối với nó, Ta sẽ là Cha. Đối với Ta, nó sẽ là con” (2 Sm 7,12-14). Lời ấy đã không ứng nghiệm nơi vua Sa-lô-mon. Từ đó, dân Do thái hằng trông mong Đấng Thiên Sai thuộc dòng dõi vua Đa-vít sẽ đến. Về sau, trong cuộc khải hoàn vào thành Giê-ru-sa-lem, Đức Giêsu cũng được dân chúng ca tụng bằng tước hiệu "Con Vua Đa-vít" này (x. Mt 21,9). Khi tuyên xưng Đức Giêsu với tước hiệu "Con Thiên Chúa hằng sống", Phê-rô chưa hiểu ý nghĩa lời ông nói. Sau đó, Đức Giêsu đã cho biết ý nghĩa của tước hiệu này chỉ về bản tính Thiên Chúa của Người, khi khen ông có phúc vì đã được Chúa Cha thương mặc khải sự thật ấy (x Mt 16,17).

HỎI 2: Tại sao Đức Giêsu đổi tên Si-mon thành Phê-rô ? Việc đổi tên chính xác xảy ra vào lúc nào: Khi vừa gặp mặt (x Ga 1,42), khi thành lập Nhóm Mười Hai (x Mc 3,16; Lc 6,14) hay sau khi Phê-rô tuyên xưng đức tin (x Mt 16,18) ?

ĐÁP:

Có thể Đức Giêsu đã đặt tên Phê-rô cho Si-mon khi vừa gặp mặt (x. Ga 1,42), hay khi thành lập Nhóm Mười Hai (x. Mc 3,16; Lc 6,14). Tuy nhiên có lẽ việc đổi tên xảy ra sau lời tuyên xưng đức tin của Si-mon là hợp lý nhất (x. Mt 16,18), vì sau khi đổi tên, Đức Giêsu đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của ông trong Hội Thánh: Đức tin của Phê-rô vào Đức Giêsu chính là tảng đá vững chắc mà trên đó Chúa xây dựng Hội Thánh. Ngoài ra Đức Giêsu còn trao tối thượng quyền để cầm buộc và tháo cởi (x. Mt 16,18-19). Ngưới cũng cho Phê-rô đứng đầu Nhóm Mười Hai (x Mt 10,2), và hứa sẽ cầu nguyện để ông kiên vững đức tin, hầu củng cố đức tin cho các anh em (x. Lc 22,32). Cuối cùng, Chúa còn trao quyền chăn dắt đoàn chiên Hội Thánh cho ông (x.Ga 21,15-17).

HỎI 3: Một số người cho rằng: Si-mon Phê-rô là một người đầy khuyết điểm và đã từng phạm tội chối Thầy ba lần, thì làm sao xứng đáng lãnh đạo Hội Thánh và thi hành quyền cầm buộc và tháo cởi được?

ĐÁP:

Từ ngày được Đức Giêsu gọi đi theo làm môn đệ, Si-mon đã phạm nhiều sai lầm. Chẳng hạn: Ông bị Thầy quở trách vì đã suy nghĩ theo kiểu khôn ngoan của loài người (x. Mt 16,23); Bị trách là kẻ hèn tin khi đang đi trên mặt nước (x. Mt 14,31); Bị Thầy đe không cho dự phần với Thầy, vì đã từ chối khi được Thầy rửa chân (x. Ga 13,8-10); Nhất la quá tự tin vào sức riêng nên đã hèn nhát chối Thầy ba lần, dù đã được Thầy cảnh báo trước (x. Mc 14,30.66-72).

Nhưng Si-mon Phê-rô cũng có những ưu điểm xứng đáng được Đức Giêsu tín nhiệm trao quyền lãnh đạo Hội Thánh. Chẳng hạn: tại thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, ông đã tuyên xưng đức tin: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”, nên đã được đổi tên thành Phê-rô, và được trao quyền tối thượng cầm buộc và tháo cởi (x. Mt 16,18-19). Có lần ông được Đức Giêsu hứa sẽ cầu nguyện cho để luôn kiên vững đức tin, và trao sứ mệnh củng cố đức tin cho anh em (x. Lc 22,32). Phê-rô cũng rất nhiệt tình, thường đại diện anh em trả lời những vấn nạn của Thầy (x. Lc 5,3-10), đại diện Nhóm 12 tuyên xưng đức tin vào lời Chúa dạy về Bánh Thánh Thể, đang khi nhiều môn đệ khác chán nản rút lui (x. Ga 6,68). Nhờ kiên vững đức tin, nên ông đã được Đức Giêsu đặt đứng đầu Nhóm Mười Hai (x. Mt 10,2), được đi trên mặt nước (x Mt 14,28-32), trở thành một trong ba môn đệ thân tín nhất được chứng kiến cuộc hiển dung của Người (x. Mt 17,1), chứng kiến phép lạ bé gái đã chết được sống lại (x. Mt 5,37), và nhất là chứng kiến giây phút Thầy hấp hối trong vườn Cây Dầu (x. Mt 26,37).

Tuy có lần sa ngã phạm tội, nhưng Phê-rô đã lập tức sám hối (x. Mt 26,69-75). Nhờ yêu Chúa nhiều hơn anh em, nên ông đã được Người tha thứ và còn trao nhiệm vụ lãnh đạo đoàn chiên (x. Ga 21,15-17). Chính lòng yêu mến Đức Giêsu đã thúc bách Phê-rô chạy thi với Gio-an ra mồ và đã sớm tin Thầy sống lại (x. Ga 20,1-9). Phê-rô cũng được Chúa Phục Sinh hiện ra (x. Lc 24,34), được cùng anh em lãnh nhận ơn Thánh Thần và đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi (x. Cv 2,14-36), chữa lành nhiều bệnh nhân (x. Cv 9,33-35.40-41), chủ tọa công nghị Giê-ru-sa-lem năm 49 (x. Cv 15,5-29). Cuối cùng ông đã can đảm trở lại thành Rô-ma để sẵn sàng bị bắt và chịu khổ hình thập giá dưới thời hoàng đế Nê-rô (năm 64-67). Cái chết của Phê-rô chứng tỏ lòng mến Chúa, và nêu gương đức tin vững chắc như đá tảng, để các tín hữu chúng ta noi theo.

II. HỌC SỐNG LỜI CHÚA:

1. LỜI CHÚA: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời. Dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy. Dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16,18-19).

2. CÂU CHUYỆN: PHẢI LÀM GÌ ĐỂ NÊN GIỐNG CHÚA GIÊSU ?

Ngày xưa, một vị vua nước Hy Lạp tổ chức một cuộc thi làm tượng ảnh nghệ thuật: các nghệ nhân sẽ tạc tượng hoặc làm tranh tượng chân dung của nhà vua. Vua hứa sẽ ban thưởng lớn cho những tác phẩm nào giống ngài nhất. Nghe thông báo, các nghệ nhân từ khắp các nước đã ùn ùn đến Hy Lạp để xin ứng thí. Nghệ nhân Ấn-độ thì mang theo dụng cụ để chạm trổ đồ kim hoàn vàng bạc và các loại ngọc trai quý giá. Nghệ nhân Ai Cập thì mang theo đồ nghề đục đẽo đá quý và một khối đá cẩm thạch rất đẹp. Ai cũng quyết tâm giành giải thưởng. Riêng nghệ nhân nước chủ nhà Hy Lạp chỉ đến ứng thí với bộ đồ gọt dũa đánh bóng đơn giản.

Mỗi đoàn dự thi được ban tổ chức bố trí ăn ở và làm việc tại một phòng trong khu vực hoàng cung. Tới ngày thi, nhà vua ra lệnh mỗi đoàn phải hoàn thành tác phẩm trong thời hạn một tuần lễ. Thế là các nghệ nhân vội vàng bắt tay vào việc. Họ đục đẽo, chà sát, đánh bóng để khắc họa chân dung của nhà vua Hy Lạp cho giống như người thật. Khi một tuần trôi qua, nhà vua truyền đem các tác phẩm đến trưng bày tại đại sảnh trong hoàng cung để nhà vua và bá quan trong triều đến chấm điểm. Khi thấy những tác phẩm dự thi họa lại chân dung của mình do các nghệ nhân Ấn Độ, Ai Cập và nhiều nước khác sáng tác. Nhà vua hết sức hài lòng. Theo ngài thì mỗi bức tượng, tranh tượng phù điêu đều có những đường nét tinh vi sắc sảo, nhìn giống hệt khuôn mặt của ngài. Các tác phẩm ấy được tạc vẽ từ đất nung, từ đá cẩm thạch hay các loại vàng bạc quý kim khác. Cuối cùng khi đến chỗ trưng bày tác phẩm của các nghệ nhân Hy Lạp thì ngài lấy làm ngạc nhiên vì không thấy bất cứ bức tượng hay tranh tượng nào, mà chỉ thấy một phiến đá cẩm thạch trắng, được các nghệ nhân đánh bóng. Nhà vua liền hỏi xem tác phẩm đâu, thì một người đưa ngài đến đứng trước phiến đá và chỉ vào chân dung của ngài hiện ra trong đó. Nhìn thấy hình ảnh trung thực của mình, nhà vua đã hiểu ra và hết sức cảm động. Ngài nhận xét các bức tranh hay tượng khác, dù có giống ngài nhưng chúng không sống động và rõ ràng như hình ảnh được phản chiếu từ chính con người thật của ngài. Nhà vua đã chấm cho tác phẩm của đoàn nghệ thuật Hy Lạp hạng nhất. Còn các tác phẩm khác cũng được xếp hạng và đều có phần thưởng tương xứng với giá trị của chúng. Sau đó, tất cả các tác phẩm đều được trưng bày tại viện bảo tàng quốc gia cho dân chúng tự do chiêm ngưỡng.

3. SUY NIỆM:

Muốn trở nên tông đồ của Chúa Giesu, các tín hữu trước hết phải sống tình yêu thương noi gương Chúa Giêsu. Tiếp đến hàng ngày phải thanh luyện bản thân, đục đẽo đi những gồ ghề, chà xát các chỗ bị thô nhám, nghĩa là bỏ đi sự gian ác khó tính, tẩy sạch các vết nhơ tội lỗi. Phải làm cho linh hồn mình ngày càng trong sạch và thánh thiện giống như chiếc gương soi. Chính nhờ siêng năng nghe Lời Chúa và rước lễ hàng ngày, nhờ biết xét mình mỗi tối trước khi đi ngủ, nhờ cố gắng noi gương Chúa Giêsu với cái nhìn bao dung nhân từ, ăn nói điềm đạm, thái độ vui vẻ chân thành, giao tiếp thân tình, ứng xử hiền hòa, khiêm tốn phục vụ tha nhân… mà chúng ta hy vọng sẽ dần dần trở thành tấm gương phản chiếu hình ảnh từ bi nhân hậu của Người. Để khi có dịp tiếp xúc với chúng ta, người lương sẽ cảm mến và tin theo Chúa Giêsu, vì họ đã gặp được Người nơi mỗi chúng ta. Đó chính là phương cách làm việc tông đồ hữu hiệu nhất trong thế giới hôm nay.

4. THẢO LUẬN: Đối với bạn, Đức Giêsu là ai: Là một vị ngôn sứ, nên ta có thể xin Người cầu bầu cùng Chúa cho ta; hay là một thần tượng để ta thán phục; hay chính là Đấng Thiên Sai Con Thiên Chúa, để ta tin và sẵn sàng bỏ mọi sự mà đi theo làm môn đệ Người, sẵn sàng vác thập giá là những đau khổ phải chịu để kết hiệp với Người cứu rỗi tha nhân?

5. CẦU NGUYỆN:

- LẠY CHÚA GIÊSU. Chúng con cũng muốn được góp phần xây dựng Hội Thánh. Nhưng để làm được như vậy, chúng con phải có đức tin mạnh mẽ như thánh Phê-rô. Xin Chúa cho chúng con trở thành những viên đá đức tin sống động vững chắc, làm thành nền móng xây nên tòa nhà Hội Thánh. Xin Chúa hãy giúp chúng con tránh những lời nói khó ưa, những hành động vụ lợi ích kỷ, để sống hòa hợp với tha nhân. Xin giúp chúng con loại bỏ những đam mê bất chính và các thói hư tật xấu, loại bỏ tính háo danh, thói ưa châm chọc chỉ trích kẻ khác, những tư tưởng tự mãn và hẹp hòi… Nhờ đó, chúng con có thể trở thành chứng nhân của Chúa. Ngôi nhà Hội Thánh sau hai ngàn năm vẫn còn đang xây dựng dang dở. Xin Chúa giúp mỗi người tín hữu chúng con tích cực góp phần xây dựng để ngôi nhà Hội Thánh sớm được hoàn thành. Xin cho chùng con luôn sống yêu thương hòa thuận để gia đình và Giáo Xứ chúng con trở thành một cộng đoàn yêu thương hiệp nhất và bình an. Nhờ đó nhiều người sẽ nhận biết tin thờ Chúa và sau này cùng được chia sẻ niềm vui ơn cứu độ với chúng con.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.-

Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH

VỀ MỤC LỤC
CHÚA KITÔ HIỆN DIỆN TRONG TRẦN THẾ DƯỚI NHỮNG HÌNH THỨC NÀO ?

 

Hỏi: xin cha  giải thích rõ những hình thức hiện diện khác nhau, của Chúa Giêsu-Kitô trong trần thế và  cách hiện diện nào là quan trọng nhất.

Trả lời:  Chúa Giê su-Kitô vừa là Thiên Chúa thật đồng bản tính với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Chúa cũng là Con Người thật, sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Là Con Người, nên Chúa vừà có nhân tính ( Humanity) vừa có Thiên Tính ( Divinity). Nhưng hai bản tính này kết hợp chặt chẽ với nhau  đến mức không thể tách rời ra được. Nghĩa là không khi nào Chúa Giêsu ngưng là Con Người để chỉ là Thiên Chúa , và ngược lại, cũng không khi nào Ngài chỉ là Thiên Chúa và ngưng là Con Người.

Là Con Người, Chúa đã mang xác phàm để chia sẻ thân phận con người với nhân loại trong mọi phạm trù, trừ tội lỗi..Người đã chịu khổ hình thập giá, chết, sống lại và lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha và sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết như chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính các ngày Chúa Nhật và Lễ Trọng . Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã nói với các Tông Đồ như sau:

 “….Và đây Thầy ở cùng anh  em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28:20).

Thánh Công Đồng Vaticanô II, trong Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh (Sacrosanctum Concilium (SC ) cũng dạy và quảng diễn rõ ràng thêm về sự hiện diện của Chúa Kitô trong trần thế  như sau: “ Chúa Kitô hằng hiện diện trong Giáo Hội nhất là trong các hoạt động phụng vụ. Người hiện diện trong Hy Tế không những trong con người thừa tác viên, vì “như xưa Người đã tự dâng mình trên thập giá thì nay chính Người cũng dâng mình nhờ thừa tác vụ của linh mục”,  mà nhất là hiện diện thực sự dưới hai hình Thánh Thể. Người hiện diện trong các bí tích nhờ quyền năng của Người; vì thế ai rửa tội chính là Chúa Kitô rửa. Người hiện diện trong lời của Người, vì chính Người nói khi người ta đọc Kinh Thánh trong Giáo Hội. Sau hết, Người hiện diện khi Giáo Hội cầu khẩn và hát Thánh Vinh.” (SC, số 7).

 Nói rõ hơn, Chúa Kitô hiện diện cụ thể trong những hoàn cảnh sau đây:

1.  Khi Giáo Hội cử hành các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể: Chúa hiện diện trong các thừa tác viên có chức thánh và được phép cử hành Thánh Lễ Tạ Ơn ( Eucharist) là  Giám muc, và Linh mục . Ngoài ra, khi thừa tác viên con người như Phó tế, Linh Mục và Giám mục cử hành bí tích nào thì chính Chúa Kitô hiện diện và  cử hành bí tích ấy qua tay các thừa tác viên. Nghĩa là chính Chúa Kitô rửa tội, thêm sức, tha tội và nhất là cử hành Thánh lễ Tạ Ơn (Eucharist), cũng như chính Người xức dầu bệnh nhân, chứng và chúc hôn phối qua các thừa tác viên loài người. Các thừa tác viên này chỉ cử hành các bí tích nhân danh Chúa Kitô là Đầu mà thôi (in persona Capitis) 

2.  Khi Giáo Hội cử hành phụng vụ Lời Chúa và cầu nguyện thì Chúa Kitô hiện diện trong lời được công bố, trong người công bố và trong cộng đoàn đang tụ họp để lắng nghe và cầu nguyện, vì ở đâu có hai, ba người họp lại nhân danh Thầy thì có Thầy ở đấy, giữa họ.”(Mt 8:20)

3.  Đặc biệt và quan trong nhất là sự hiện diện của Chúa trong bí tích Thánh Thể: Phải nhấn mạnh riêng ở đây, vì chỉ trong bí tích Thánh Thể được cử hành trong khuôn khổ Thánh lể Tạ Ơn (The Eucharist) mà Chúa Kitô hiện diện thực sự (vere = real) và trọn vẹn là Thiên Chúa và là Con Người thật trong hình bánh và hình rượu, sau khi Giám mục hay Linh mục đọc lời truyền phép (consecration words) tức là nhắc lại lời Chúa Kitô đã nói  khi Người bẻ bánh và trao chén cho các Tông Đồ trong Bữa Tiệc ly sau hết,  trước khi Người thọ nạn thập giá.(x. 1 Cor 11:23-25).  Sự  hiện diện này đặc biệt hơn mọi hiện diện khác của Chúa Kitô trong trần gian như Giáo Hội xác tín. (CĐ Triđentinô ngày 11-10-1551). Vì thế, ta chỉ phải cung kính thờ lậy Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể mà thôi,  trong khi không phải bầy tỏ cử chỉ thờ kính này   trong các hoàn cảnh hiện diện khác của Chúa Kitô. Nói rõ hơn, khi giám mục, linh mục hay phó tế  cử hành bí tích rửa tội, Chúa Kitô hiện diện và rửa tội qua tay các thừa tác viên này. Nhưng không ai phải bái lậy, tôn thờ sự hiện diện của Chúa nơi các vị này, như thờ  lậy Chúa  thực sự  hiện diện   trong hình bánh và rượu nho mỗi khi ta tham dự thánh lễ Misa. Xin nhớ kỹ điều này.

4.  Cũng vậy, các ảnh tượng của Chúa Kitô trong nhiều hoàn cảnh  như một hai nhi nằm trong máng cỏ, như Chúa bị đóng  đinh trên thập giá v.v chỉ là các á bí tích để giúp nâng tâm hồn chúng ta lên với Chúa đang ngự trên Trời, bên hữu Chúa Cha chứ không thực sự hiện diện nơi các ảnh tượng đó như Người hiện diện thực sự nơi bí tích Thánh Thể. 

5.  Lại nữa, qua dụ ngôn về Ngày Phán Xét chung trong Tin Mừng Thánh Matthêu, chúng ta thấy Chúa Kitô đã tự đồng hóa mình với những người nghèo đói , vô gia cư, thất nghiệp, đau ốm và bị tù đầy nơi các ngục thất để thách đố chúng ta nhận  ra Người nơi các anh chị  em không may mắn đó để  thực thi bác ái với họ bằng hành động cụ thể là giúp  đỡ, chia sẻ với họ những gì mình may mắn có .(Mt 25:31-45). Nói khác đi, chính Chúa Kitô đang hiện diện cách bí nhiệm ngày nay nơi những anh chị em đáng thương này.Nhưng sự hiện diện của Chúa ở đây không giống sự hiện diện thực sự của Người nơi bí tích Thánh Thể. Cho nên, chúng ta không thờ lậy Chúa nơi những người nghèo đói, bệnh tật mà chỉ nhìn nhận có Chúa Kitô nơi họ để không làm ngơ hay vô cảm trước sự đau khổ , bệnh tật và  nghèo đói của những anh chị  em kém may mắn đó mà thôi;  vì nếu làm ngơ hay vô cảm đối với họ là  dửng dưng với chính Chúa Kitô theo tinh thần dụ ngôn ngày phán xét chung nói trên.

6. Sau hết, ngoài các hình thức khác nhau nói trên về sự hiện diện của Chúa Kitô trong trần thế, còn một cách hiện diện rất thân tình nữa là sự hiện diện của Chúa Kitô trong tâm hồn mỗi người tín hữu chúng ta, khi chúng ta sống trong ơn nghĩa Chúa là yêu mến Chúa như Người đã nói với các môn đệ xưa :

" Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy

Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy

Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy."( Ga 14: 23)

Như thế có nghĩa là nếu ta thực tâm yêu mến Chúa Kitô và cương quyết xa tránh mọi tội lỗi ,  nhất là tội trọng,  thì Chúa sẽ đến  ngự trị trong linh hồn ta. Và ở đâu có Chúa Con thì ở đó có Chúa Cha và Chúa Thánh Thần trong Mầu Nhiệm Ba Ngôi Một Thiên Chúa duy nhất, đồng bản thể ( consubstantial) và uy quyền như nhau. Như vậy, thật hạnh phúc biết bao cho ta khi có Chúa cư ngụ trong tâm hồn và đồng hành với ta trong cuộc sống mỗi ngày.Chúng ta phải rất chân quý sự hiện diện này của Chúa Kitô trong tâm hồn mỗi người chúng ta để có thể tâm sự thân mật với Chúa khi vui khi buồn, khi thành công, lúc thất bại  gặp gian nan, khó khăn trong cuộc sống trên trân gian này. 

Tóm lại, trên đây là tất cả những hình thức hiện diện khác nhau của Chúa Giêsu-Kitô trong mỗi người tín hữu và trong trần gian  này, sau khi Người về trời cách nay trên 2000 .Chúng ta tôn kính và thờ lậy Chúa Kitô cách riêng trong bí tích Thánh Thể, cũng như tin có Chúa ngự trong tâm hồn mỗi người chúng ta  khi ta sạch tội , nhất là tội trọng  vì tội này tức khắc cắt đứt mọi thân tình giữa ta với Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành. Cho nên Người sẽ không thể "chung sống" hay cho ta được hiệp thông trọn vẹn  với Người trong tình yêu  khi ta cả lòng phạm những tội gớm ghê như giết người, giết thai nhi, căm thù muốn hại ai, hay  đam mê thú dâm dục ngoài mục đích của hôn nhân chân chính, cho phép con người được hưởng thú vui phái tính ( sexuality) với mục đích biểu lộ tình yêu và cộng tác với Chúa trong mục đích truyền sinh.

Chúng ta tôn thờ Chúa trong Phép Thánh Thể vì đây là sự hiện diện quan trọng nhất của Chúa Kitô trong trần thế, và  nâng tâm hồn lên với Chúa qua những phương tiện hữu hình là  các ảnh tượng  của  Chúa được trưng bày ở các nơi thờ phượng, cũng như nơi những anh chị em đang đau khổ, bệnh tật và nghèo đói mà Chúa Kitô đang dồng hóa với họ để thách đố chúng ta nhìn thấy Chúa nơi những anh chị em kém may mắn này để tỏ lòng  bác ái, cảm thương và  giúp đỡ họ cách thiết thực,  như Chúa mong đợi nơi mỗi người tín hữu chúng ta.

Vậy chúng ta có thực sự  tin  Chúa Kitô đang hiện diện nơi những anh chị em đau khổ đó  , và nhất là có muốn cho Chúa luôn  cư ngụ trong tâm hồn mỗi người chúng ta như Người mong muốn  hay không ?

Ước mong mỗi người tự trả lời cho câu hỏi này.

LM Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn.

VỀ MỤC LỤC
Cổ võ ơn gọi linh mục là một thách đố thường xuyên cho Giáo Hội
 

WHĐ (26.06.2012) / VIS – Sáng 25 tháng Sáu, một cuộc họp báo đã được tổ chức tại Văn phòng báo chí Tòa Thánh để trình bày tài liệu Hướng dẫn Mục vụ Cổ võ Ơn gọi Linh mục. Chủ trì cuộc họp báo là Đức hồng y Zenon Grocholewski - Bộ trưởng Bộ Giáo dục Công giáo, Đức Tổng giám mục Jean-Louis Brugues OP - Thư ký, và Đức ông Angelo Vincenzo Zani - Phụ tá thư ký.

Đức hồng y Grocholewski cho biết Hội nghị khoáng đại năm 2005 của Bộ đã đưa ra đề nghị soạn tài liệu này và việc khởi thảo đã bắt đầu vào năm 2008 dựa trên những trả lời và góp ý của các Hội đồng Giám mục. Văn bản cuối cùng đã được Đức Thánh Cha phê chuẩn vào ngày 25 tháng Ba 2012, kỷ niệm 20 năm ban hành Tông huấn Pastores Dabo vobis.

Tài liệu này chia thành ba phần: phần thứ nhất xem xét tình hình hiện tại của ơn gọi linh mục trong thế giới ngày nay và các hình thức chăm sóc mục vụ ơn gọi. Phần thứ hai phân tích căn tính của chức linh mục thừa tác phần thứ ba đưa ra một số gợi ý về việc chăm sóc mục vụ ơn gọi. ĐHY cho biết, chìa khóa để hiểu văn bản này là ý tưởng “cổ võ ơn gọi linh mục là một thách đố thường xuyên cho Giáo Hội.

Phần một của tài liệu xác định ba yếu tố cản trở việc chăm sóc mục vụ ơn gọi, rõ rệt nhất là nơi các giáo hội thuộc truyền thống Kitô giáo lâu đời phương Tây: tỷ lệ sinh giảm sút và cuộc khủng hoảng trong gia đình, não trạng tục hóa lan tràn, và các linh mục phải sống và thi hành sứ vụ trong các hoàn cảnh khó khăn.

ĐHY Grocholewski nói: “Quan tâm đến những khó khăn này, tài liệu đ ra các điều kiện cần thiết để đảm bảo rằng ơn gọi sẽ gặp được mảnh đất màu mỡ trong Giáo Hội, và người trẻ sẵn sàng mở lòng ra với ơn gọi linh mục. Những điều kiện ấy bao gồm “việc vun xới một mảnh đất hiệu quả cho đời sống Kitô hữu trong cộng đoàn giáo hội; chức năng không thể thay thế được của cầu nguyện; ... tầm quan trọng của việc chăm sóc mục vụ mang tính hội nhập; ... một nỗ lực mới trong việc rao giảng Tin Mừng và truyền giáo... vai trò trung tâm của gia đình, ... một chứng từ về đời sống đầy ý nghĩatươi vui của linh mục; ... hiệu quả của công việc tình nguyện mang tính giáo dục, ... và tầm quan trọng của nhà trường và các đại học.

Đức Tổng giám mục Brugues giới thiệu phần hai của tài liệu gồm một số yếu tố cụ thể “cần được nhấn mạnh, vì những yếu tố này đang bị đe dọa hoặc làm cho lu mờ bị gạt sang một bên những khó khăn nghiêm trọng trong đời sống Giáo Hội và nền văn hóa đương đại. Nguy cơ này gây ra những lệch lạc nguy hiểm cho giá trị của ơn gọi sứ vụ linh mục.

Những yếu tố này là “xu hướng dần dần biến đổi chức linh mục thành một nghề. Xu hướng này có thể dẫn tới “nguy cơ của chủ nghĩa hoạt động quá mức, một thứ chủ nghĩa cá nhân ngày càng đậm nét vốn thường giam hãm các linh mục vào nỗi cô đơn hằn học gây thất vọng, và tới sự lẫn lộn các vai trò trong Giáo Hội; sự lẫn lộn này xảy ra khi chúng ta đánh mất cảm thức về việc phân biệt giữa vai trò và trách nhiệm, và mọi người không cùng hợp tác trong một sứ vụ duy nhất được ủy thác cho dân Chúa.

Phần hai cũng nhấn mạnh thực tế là sứ vụ linh mục phải được hiểu trong khuôn khổ của một cuộc đối thoại tình yêu giữa Thiên Chúa và con người. Cuộc đối thoại này, vẫn có trong mọi ơn gọi Kitô hữu, nhưng lại có những đặc tính của một lời mời gọi xây dựng mối tương quan điển hình, bền vững mang tính đòi hỏi với chính Chúa Giêsu, gương mẫu độc nhất của chức linh mục trong Tân Ước ... Mối tương quan mới và cụ thể này với Chúa Giêsu làm cho người được gọi đi vào trong tương quan bình đẳng mới và cụ thể với cộng đoàn Kitô hữu.

Cuối cùng, phần ba của tài liệu tập trung vào một số khía cạnh của việc đào tạo thừa tác vụ linh mục. Đó là “một kinh nghiệm sâu sắc của cuộc sống cộng đoàn để tránh các hình thức mới của chủ nghĩa giáo sĩ trị; hội nhập trọn vẹn và sự trưởng thành về tình cảm; ... tham dự tích cực  vào đời sống Giáo Hội, cụ thể Giáo Hội địa phương của mình với lòng yêu mến; .. quảng đại mở lòng với các chiều kích hoàn vũ của sứ vụ; ... vai trò quyết định của những người đng hành với ơn gọi và ... giới thiệu các mẫu gương linh mục.

Kết thúc cuộc họp báo, Đức ông Angelo Vincenzo Zani nói tài liệu “nhắc lại một thực tế một mảnh đất phì nhiêu cho ơn gọi chính là một cộng đồng Kitô hữu lắng nghe lời Chúa, cầu nguyện trong phụng vụ và sống bác ái. Tài liệu kêu gọi toàn thể Giáo Hội tin tưởng nỗ lực gấp đôi để giáo dục mọi người đón nhận tiếng Chúa gọi dấn thân trong sứ vụ linh mục, mà chúng ta luôn tin rằng Chúa Quan phòng gửi đến để đáp ứng nhu cầu của Giáo Hội và của việc Phúc âm hóa thế giới.

(VIS, 25-06-2012) 

Minh Đức

 
VỀ MỤC LỤC
NHỮNG PHƯƠNG CÁCH THÍCH HỢP ĐỂ ĐIỀU KHIỂN CON CÁI (THIÊN CHỨC LÀM CHA MẸ bài 3) -
 

Thật là cần thiết để thiết lập vài nguyên tắc cho việc ảnh hưởng con trẻ. Bố mẹ cần sự cố vấn vì mẫu mực sống của họ không bảo đảm sự phát triển đứa trẻ. Ở đây không bàn thảo chi tiết về những phương cách giáo dục gia đình. Một ít nguyên tắc trong chương Cùng Chung Sống cống hiến một loạt phương pháp thích hợp. Nguyên tắc đầu tiên là hiểu biết và kính trọng phẩm giá con người. Trong việc ứng phó với con trẻ, người lớn phải kính trọng phẩm giá của đứa trẻ cũng như phẩm giá của chính mình. Quên phẩm giá riêng của một người có nghĩa là ban cho. Quên phẩm giá của đứa trẻ có nghĩa là đàn áp. Cả hai đều tiêu hủy sự cộng tác. Cả hai thiết lập những bạo chúa và nô lệ. Nguyên tắc thứ hai là không chống mà cũng không nhường. Vì mục đích của giáo dục gia đình, người ta phải thêm những xác tín: thuyết phục trẻ và khuyến khích trẻ. Và đây là ba nguyên tắc: không giao chiến, tuân giữ trật tự, và khích lệ. Không thể có cái nầy mà không có hai cái kia. Nếu giao chiến, chúng ta không bao giờ có thể làm cho đứa trẻ chấp nhận trật tự và sẽ làm đứa trẻ thất vọng. Không nhấn mạnh đứa trẻ phải giữ trật tự sẽ đưa đến chiến tranh. Một đứa trẻ không sống phù hợp với luật lệ, bắt buộc bố mẹ phải phạt nó.

Đối với nhiều cha mẹ, không thể tin rằng con cái có thể được nuôi dưỡng lớn lên mà không dùng sức mạnh. Quan niệm không đánh là làm hư trẻ là một quan niệm không tin vào bản tính con người, là bản tính được xem là thuần thục nhưng không bao giờ được thực hiện với tính cách xã hội mà không có cưỡng chế. Những bố mẹ như thế cần được thuyết phục rằng khi họ phải dùng đến phương cách đánh đập trẻ là lúc chính họ là những người thua cuộc. Đứa trẻ có nhiều điều lợi trong hành động của nó: nó biết cách điều khiển bố mẹ tốt hơn bố mẹ biết cách điều khiển nó, và với sự tận dụng hết thời gian để quan sát môi trường, nó biết rõ từng điểm dễ bị làm tổn thương của bố mẹ. Nó giàu tưởng tượng và sáng chế hàng trăm cách giao chiến trong khi người lớn chỉ quanh quẩn ba hoặc bốn cách không hiệu quả mấy. Con trẻ biết chính xác cách thực hành phương cách của nó, và bố mẹ dẫu có giao chiến cũng chỉ nhường nhịn.

Rõ ràng là giao chiến thì vô ích. Mọi phương cách như nhục mạ, la hét, quở trách, và phát đít chỉ thành công trong một lúc nếu chúng có hiệu quả. Đứa trẻ đánh trả lại ở cơ hội đầu tiên, và sẵn sàng đáp trả với mỗi chiến thắng của bố mẹ. Dĩ nhiên, sự bất phục tùng là một kết quả đương nhiên. Nhưng ở đâu có sự liên hệ thân mật với sự hiểu biết thiết thực giữa bố mẹ và con cái thì việc giải quyết những điều đó quá là dễ dàng. Mỗi đứa trẻ đều nhạy cảm đối với sự tử tế cũng như sự cứng rắn của bố mẹ. Những đứa trẻ không đáp lại là những đứa đã được dạy qua kinh nghiệm rằng chỉ có sức mạnh là quan trọng.

Quỳnh Liên đang chơi với bạn bè ở sân trước thì bà mẹ gọi: “Liên ơi! Đến đây!” Cô bé vẫn tiếp tục chơi, không tỏ dấu gì đã nghe thấy. Bà mẹ gọi nữa, gọi nữa. Cô bé vẫn không đáp trả. Một đứa bạn đi ngang qua, nghe tiếng gọi nhiều lần, mới đến gần và hỏi nó có nghe tiếng mẹ gọi không? Cô bé đáp “Có” nhưng rồi lại tiếp tục chơi. Cô bạn hơi giận dữ nói: “Vậy tại sao mầy không về nhà?” Quỳnh Liên trả lời: “Ơ, tao còn có giờ. Mẹ tao chưa la.”

Nhiều bố mẹ không nhận thấy sự quan trọng của trật tự. Họ yêu trẻ cách chân thành. Họ muốn cứu đứa trẻ khỏi thất vọng và thương đau. Vì muốn đời sống con cái mình được hạnh phúc nên họ loại bỏ qui luật của trật tự. Ước muốn của đứa trẻ là lệnh truyền của họ. Họ hy vọng rằng từ đây về sau con cái mình sẽ học hiểu biết hơn và nhạy cảm hơn. Họ sai lầm biết bao! Một khi đứa trẻ nhận biết rằng ước muốn của nó là toàn năng, nó sẽ coi bất cứ sự từ chối nào từ bố mẹ hoặc thầy cô như một sự bất công, như một sự tước khỏi nó những đặc ân được nó xem như là quyền tự nhiên của nó và sẽ cắt nghĩa như là dấu hiệu của sự từ khước và nhục mạ. Bảo vệ quá đáng cũng như ban cho không bao giờ khắc phục được đứa trẻ, không bao giờ làm cho nó biết cộng tác và dũng cảm. Họ tước đoạt nó khỏi việc vui hưởng giữ gìn trật tự, khỏi việc cảm nghiệm sức mạnh riêng của nó trong việc tự vươn lên, và cảm nghiệm sự hữu ích của chính mình đối với người khác. Thay vì ngăn ngừa những cảm nghiệm không vừa ý, sự ban cho bỏ rơi đứa trẻ ngày càng thêm đau khổ và tồi tệ hơn. Thay vì giúp nó, điều đó càng làm nguy hiểm hơn, và rồi sự đụng độ và chiến tranh trở thành điều không thể tránh khỏi.

Sự ban cho thường đặt căn bản trên ý tưởng sai lầm về tự do. Cho con trẻ tự do và tự biểu lộ là cần thiết, nhưng tự do mà không có trật tự thì không thể. Trái lại không có trật tự nào lâu bền mà không có tự do. Trong một vài văn hóa, ý tưởng về trật tự được đề cao thái quá đến nỗi con trẻ bị tước đoạt mất sự tự diễn tả. Luật lệ nghiêm khắc và sự tuân phục ngay tức khắc là mục đích chính của việc giáo dục của họ. Kết quả thì giống với kết quả được sản xuất bỡi sự đàn áp và nhục mạ. Sự cứng nhắc, sức mạnh, và thành công có thể được hoàn thành trong cách đó, nhưng là sự liên hệ của con người đau khổ. Trái lại, tương quan nhân bản thì gặp nhiều nguy hiểm bỡi sự thường xuyên hiểu lầm về sự tự do. Tự do thì không phải là làm cái gì mình muốn vì tự do như thế có nghĩa là áp đặt lên người khác cũng chính những đặc quyền mà chúng ta từ chối cho họ. Nếu mỗi người hành động như họ thích, coi thường những ước muốn của đồng bạn, bấy giờ không ai có thể hưởng được tự do mà chỉ hưởng những kết quả của tình trạng vô trật tự. Tự do và đặc quyền dành cho một người thì không thể được gọi là tự do. Đó là một sự độc tài và bạo chúa. Dưới chiêu bài ban cho tự do, bố mẹ làm cho con cái thành những bạo chúa bất hạnh, những người không thể nào phù hợp với người khác và cảm thấy bị khước từ bỡi mọi người.

Nhiều con trẻ lớn lên với một quan niệm sai lầm về trật tự. Đối với chúng, trật tự là cái chúng không muốn thực hiện. Chúng phải học nhận biết rằng trật tự thì có lợi cho chúng. Không có gì khó để dạy cho chúng điều nầy. Khi một đứa trẻ từ chối phục tùng tập tục là cái điều khiển đời sống gia đình, chúng ta có thể giúp nó hiểu rõ ràng hơn trật tự có nghĩa là gì? Có nhiều cách để gây ấn tượng cho đứa trẻ với ý nghĩa thật sự của trật tự. Chẳng hạn, nó có thể đồng ý rằng thật là tốt đẹp nếu mỗi phần tử của gia đình thực hiện. Rất sớm, đứa trẻ sẽ khám phá ra rằng nó sẽ chiếm được rất ít và sẽ mất rất nhiều nếu cha mẹ cũng chỉ làm những điều họ thích nhất ở bất cứ lúc nào được phép. Không có bữa ăn được chuẩn bị, không có giường chiếu được thu xếp, không có áo quần sạch sẽ. Rõ ràng trật tự phục vụ không chỉ ích lợi của bất cứ một người nào nhưng là của tất cả chung nhau. Sự tự do chỉ là sự tự do hành động cách độc lập bao lâu một người không dẫm lên sự tự do của một người nào khác.

Và bây giờ qui luật thứ ba và quan trọng nhất là đứa trẻ cần sự khích lệ ngay tức khắc. Nó cần sự khích lệ như cây cần nước. Trái lại, phương cách nuôi dưỡng con cái của chúng ta thì đầy sự thiếu khích lệ. Ban cho và đàn áp tạo nên vô số những kinh nghiệm thiếu khích lệ. Bố mẹ xem ra quá nhúc nhát. Họ thấy nguy hiểm ở mọi nơi. Họ thấy mình giống như con họ, họ không tin vào chính mình, họ khó tin rằng đứa trẻ có thể lo cho chính nó. Thay vì nhận thấy khả năng của một đứa trẻ, họ so sánh hình vóc và thể lực với chính họ và kết luận rằng nó phải kém hơn họ biết bao nhiêu lần. Thật ra đứa trẻ nói chung có khả năng thể lý và tinh thần nhiều hơn bố mẹ tin nó có. Sự nghi ngờ cái khả thể của đứa trẻ được mang từ thế hệ nầy sang thế hệ khác, là một trong những lý do tại sao người lớn bỏ nhiều trong số những khả năng của họ không làm  phát triển, không bao giờ đạt tới kết quả như khả năng của họ có thể.

Bất cứ tiến trình giáo dục nào cũng có thể được đánh giá theo mực độ của sự khuyến khích. Cái gì làm tăng tinh thần can đảm của đứa trẻ đều có ích. Bất cứ cái gì làm xuống tinh thần đều có hại. Không có trẻ nào là thật sự xấu. Mọi đứa trẻ đều thích nên tốt, ước ao được thành công, yêu chuộng sự tử tế. Nếu mất hy vọng, mất sự tự tin, bấy giờ nó sẽ hành động sai lầm. Kỷ thuật của khuyến khích thì chưa được nhận thức đầy đủ. Rất ít người có chương trình khuyến khích và ngay cả những người nầy cũng không biết làm cách nào. Một vài người cố gắng ngọt ngào. Trẻ con ghét điều đó biết bao vì sự ca ngợi không chân thành không thể khích lệ ai. Sự ca tụng không đáng được thì hoặc là vô nghĩa hoặc là dối trá. Ngay cả sự ngưỡng phục được diễn tả cách chân thành có thể làm đứa bé mất can đảm, mặc dầu nó thích, nếu nó cảm thấy rằng nó không thể thõa đáp sự quí mến cao cả đó.

Hai yếu tố nầy xem ra là thiết yếu cho sự khích lệ: chân thành và nhận thấy nhu cầu cá nhân của đứa trẻ. Mỗi đứa trẻ đều có khả năng đáng được ca tụng và mỗi đứa đều có những vết thương đau đáng được xoa dịu. Tuy nhiên, nếu không có niềm tin vào đứa trẻ, không ai có thể đặt vào trong nó một ý kiến tốt đẹp về chính nó. Tự tin, nhận biết sức mạnh của những khả năng riêng mình là can đảm. Bất cứ ai có thể cung cấp điều đó có thể làm tăng hiệu quả và làm dễ dàng hơn những sự thích nghi xã hội cần thiết với bất cứ ai mà nó gặp, đặc biệt với đứa trẻ đang khát mong loại giúp đỡ nầy.

Sự khích lệ chỉ có trong bầu không khí thân thiện, không thể có nơi sự giận dữ chế ngự. Khi chồng và vợ bất đồng, khi bố mẹ và con cái chống đối nhau, mỗi bên cố gắng làm mất tinh thần đối thủ của mình trong lúc đó. Phương pháp thì rất nhiều và rất tinh vi mà qua đó bố mẹ bóp chết những khả năng khác biệt và tự nhiên của con trẻ, làm thất đảm những cố gắng của nó, và ngăn cản sự phát triển cảm giác tin tưởng vào giá trị và sức sáng tạo của nó.

Mỗi lỗi lầm và sai trái của đứa trẻ phản chiếu sự thiếu khích lệ mà nó phải hứng chịu trong gia đình. Nếu không, có lẽ nó đã tìm ra một câu trả lời tốt hơn cho vấn đề của nó. Một đứa trẻ được lớn lên trong bầu khí đầy yêu thương và cảm thông thì sốt sắng muốn chia xẻ. Được nuôi dưỡng trong sự thân thiện và ích lợi thật, đứa trẻ phát triển cách hạnh phúc và mau mắn đáp trả những đòi hỏi của xã hội. Nhưng có biết bao bố mẹ và thầy cô, chính họ là nguồn sản xuất bầu khí cạnh tranh và đụng độ, họ không cung cấp một sự hướng dẫn thích hợp cho đứa trẻ. Họ quên mất cảm giác đáng sợ của bất an, của chia lìa và không được yêu mà chính họ đã từng cảm nghiệm. Họ ít chịu học hỏi từ tâm lý trẻ. Không chịu khám phá những khả thể của đứa trẻ, họ chống điều nó làm và ngăn cản nó. Họ đã làm hại một cá tính. Họ không hiểu tại sao đứa trẻ cảm thấy mình bị lạc lõng. Họ hoàn toàn không ý thức về cái tại sao đứa trẻ hành xử một cách bướng bỉnh như vậy?

Lm Lê Văn Quảng Psy.D.

 

VỀ MỤC LỤC

NGỤ NGÔN THỜI BẤN LOẠN (KỲ 31)

 

Ngụ ngôn 95

Cọp vằn và sư tử ngồi ghế quan toà xử tội voi rừng. Các loài thú đều có mặt và đều nghĩ rằng voi bị kết án nặng nề vì đã dẫm chết loài kiến cả ngàn con.     Cọp vằn và sư tử nổi tiếng công minh, vì hai lần xử tội trước rất rõ ràng. Một lần có hai con kiến dám cắn sưng tai voi, đã bị xử chung thân trong hang tối. Lần khác một chú thỏ gặm đuôi chồn, cũng bị đánh gãy răng. Lần này với cách xử tội ấy, con voi này phải tử hình hoặc chung thân nơi hoang đảo.

Sau giờ nghị án, cọp vằn và sư tử anh minh đồng thanh tuyên án: “Con voi già này đã huỷ hoại hàng ngàn mạng sống, đã coi thường đồng hương trong rừng, đã gây tang thương cho dòng họ nhà kiến, cho nên để giữ kỷ cương nơi rừng xanh, toà tuyên án voi phải được tự do để ngày ngày đền tội, mỗi ngày cho một con kiến cắn một cái nơi lông đuôi, thời hạn một tuần. Bãi toà”.

Ngụ ngôn 96

Xã hội bấn loạn vì mấy cô thỏ chân dài bị phát hiện có quan hệ bất chính với các đại gia nhà cọp, sư tử và voi già. Thế là cả rừng xanh chạy đi tìm thỏ, mắng nhiếc, la hét và chì chiết.

“Cương thường xuống dốc. Đạo đức có nguy cơ. Lề thói bị coi thường. Tất cả là do mấy con thỏ cái không biết sống cho đúng lương tri”. Lá rừng cũng không đủ viết hết tội loài thỏ ranh kia.

Lúc đó, mấy con cọp, sư tử và voi già nhẩn nha ngồi nhai tiếp thịt thà của bao con nai tơ và thỏ rừng bên bàn rượu cạnh bờ suối. Thơ ngâm bay vút tận bìa rừng.

Ngụ ngôn 97

Mùa thi là mùa rừng xanh vui nhất. Lá bay vèo vèo. Cây xanh uốn trong gió. Thú rừng chạy loạn xạ. Kiến thức được ghi trên lá trên cây, thí sinh mỗi khi thi xong thì thêm kiến thức vì được đọc những điều mới lạ ngay khi làm bài thi, những điều mà trước đó họ chưa hề nghe đến. Thậm chí có thí sinh thấy trong phao có dấu vô cực, tưởng là số 8 bị viết nằm ngang, bèn dựng đứng hết cho đúng số 8!

Thi xong, mọi người vui mừng với con số thật đẹp: thi đậu 99%. Vậy là vẫn có 1% thi rớt, tại sao vậy? Sư tử cười giải thích: vì 1% ấy bị giám thị làm mất phách không ráp vào được !!!    

Gioan Lê Quang Vinh

 

VỀ MỤC LỤC
SEN TRONG BÙN

 

Em sinh ra trong một gia đình nghèo. Tuổi thơ em nhễ nhụa nước mắt. Em, một bé gái gầy gò, chưa lớn bao nhiêu thì đã chịu cảnh cha ra đi. Sốc! Rồi chẳng bao lâu mẹ cũng theo cha. Sững sờ đến mất cảm giác! Ngay cả đứa em trong bụng mẹ em cũng không được thấy mặt. Tủi thân! Một hành trình cuộc đời trong khắc nghiệt, cô đơn, ám ảnh bởi những điều quá mức chịu đựng của một trẻ thơ. Xúc cảm em bị tổn thương. Tâm lý em mong manh đầy sợ hãi. Em mồ côi, mồ côi theo đúng nghĩa của mồ côi. Và, em đã lớn lên từ hoàn cảnh ấy. Một mình, em đã vào đời, từ rất sớm. Những tháng năm sau đó, bao nhiêu biến cố kinh khủng khác đã xảy ra… Kể không hết được! Ta chợt dừng lại mà thắc mắc: Một người từ nhỏ đến lớn phải trải nghiệm những điều đau thương, kinh khủng như thế, sẽ trở thành người như thế nào? Lớn lên giữa xô xát khắc nghiệt của dòng đời như vậy, nhân cách người ấy sẽ ra sao? Và ta cũng chợt đau lòng nhận ra đây đó đầy những trường hợp “gần mực thì đen”. Một em bé sinh trưởng trong môi trường của những tiếng chửi bới thì ngôn từ của em cũng tục tĩu phàm phu. Nếu chung quanh em có những bất hòa đổ vỡ thì em cũng sẽ dễ bạo lực du côn. Nếu đời em phải lớn lên một mình chống chọi với sóng gió thì em có thể sẽ bất cần đời, ứng xử thô thiển, nhẫn tâm để tự vệ, để sống còn. Ta bỗng chợt giật mình tự hỏi lòng: Nếu tôi là em bé trong câu chuyện có thật ở trên, tôi sẽ trở thành người như thế nào nhỉ?

YYYYYYY

Tít tít tíii…..t

Tít tít tíii…..t

Tiếng còi cứ vang lên, tiếng ngắn tiếng dài, như thể đang nói thay tâm trạng của những người ngồi trên những chiếc xe máy. Hàng trăm chiếc xe, xe nào cũng có còi, còi nào cũng tít tít tít như muốn choảng nhau, trừ một chiếc xe. Chiếc xe ấy không tít tít tít như ‘hàng xóm’ đang inh ỏi bên cạnh, không phải vì nó không tít được mà bởi vì chủ của nó không bắt nó tít. Phong cách chen lấn, bóp còi, không phải là một thứ cần thiết để trở nên văn minh lịch sự nhưng vì một số lý do nào đó người ta đã cho nó phép nó len lỏi vào mình, trở thành thói quen bóp nghẹt lối sống thanh thản, nhẹ nhàng. Một buổi chiều mùa hè, siêu thị vẫn đông người mua sắm như mọi khi. Ai cũng muốn giành phần gửi xe trước nên bóp còi, chen, lấn, húc, cố ‘chiếm’ thật nhanh bất kì centimet không gian nào hở ra. Chủ của chiếc xe duy nhất không tít tít là Mỹ An. Mỹ An thông minh nên ước mơ của em cũng giản dị bởi vì càng đơn giản thì càng dễ hạnh phúc. Điều Mỹ An ước lúc này là thấy mọi người tắt máy xe cho khỏi hao xăng, quay qua chào nhau í ới cho vui thay vì tít tít tít mà tội nghiệp mấy bé xe. Làm như vậy biết đâu thời gian trôi qua mau hơn và việc gửi xe diễn ra trật tự hơn.

Cuộc sống lắm lo toan làm cho Mỹ An có nhiều căng thẳng. Một cách giảm căng thẳng đơn giản là nhai kẹo xinh-gum (chewing gum), vừa tập thể dục cho hàm vừa thư giãn đầu óc. Bóc một lát xinh-gum vừa mua của một bé trai bán vé số, Mỹ An thong thả cho vào miệng rồi từ từ thưởng thức cái vị the the, nhẹ nhẹ của vị bạc hà. Mỹ An vo tròn mảnh giấy bọc xinh-gum lại, bỏ vào túi để mang về nhà bỏ vào thùng rác. Góc phố chỗ Mỹ An đang đứng lúc đó tràn lan rác, thêm một cọng rác nhỏ tí ti như miếng giấy xinh-gum thì cũng chẳng làm bẩn nó thêm, có bớt một cọng rác bé tẹo tèo teo như thế thì cũng chẳng làm nó sạch hơn chút nào. Người ta hay nghĩ như vậy. Mỹ An thì nghĩ khác nên mang rác về nhà mình để bỏ thùng cho nó sang. Ngày mai có chiếc xe chở rác to đùng đến tận nhà lấy rác cơ mà!

Chiều nay Mỹ An ghé vào quán phở bình dân trong hẻm. Tiệm này chắc nấu ngon nên thấy khách hàng tấp nập. Hôm nay công việc nhiều quá. Ái chà, đói!!! Người bồi bàn trẻ, có lẽ là một sinh viên làm việc bán thời gian, ra lấy thực đơn của Mỹ An. Làm một tô xe lửa cho hoành tráng! Hôm nay phải tự thưởng cho mình một ly sinh tố dâu! Người bồi bàn tự nhiên cảm thấy thật thoải mái với người khách vui vẻ, hòa nhã này. Có những người khách khác nét mặt nghiêm nghiêm, đôi khi cau có, đưa ra nhiều yêu sách, thậm chí còn nghĩ mình bỏ tiền ra thì có quyền lớn tiếng nạt nộ, có lẽ họ tưởng họ là “thượng đế” thật. Mỹ An thì ngược lại vì em hiểu sự khó khăn của cuộc sống. Biết đâu người bồi bàn đang cố gắng tươi cười ngoài mặt vì công việc đang ôm sầu héo một bồ bên trong.

“Dạ, cho em gửi nước trước.” Người bồi bàn bưng ly trà đá đặt xuống bàn, nhưng lỡ tay làm đổ nước lên chiếc váy đầm trắng kem của Mỹ An.

“Ấy chết, em xin lỗi!”

“Không sao đâu bạn. Chuyện thường thôi mà. Chắc hôm nay làm nhiều nên mệt hả?”

“Dạ. Nhưng xin chị thông cảm cho em!”

“Ồ, đừng lo gì ha. Nhớ giữ sức khỏe cho tốt nhé!” Một nụ cười nhân ái.

Phở ra đến nơi. Ui, cái mùi thơm của nó đúng là hớp hồn người ta.

“Cảm ơn bạn. Phở thơm quá!” Mỉm cười. Mỹ An làm dấu, nhắm mắt khẽ tạ ơn Trời Cao đã thương ban lương thực hôm nay. Rồi một, hai, ba, tác chiến !

Đang ăn một cách say sưa, bỗng Mỹ An cảm thấy cái gì đó cưng cứng, ướt ướt rơi trúng chân. Nhìn xuống gầm bàn. Hóa ra là cục xương của người đang ngồi ăn đối diện giục xuống. Lúc đó, Mỹ An mới giật mình nhìn thấy nền quán phở này đầy khăn giấy, xương, rau, tăm, vỏ chanh,…do khách hàng xả xuống từ bàn ăn. Ủa, có mấy chiếc giỏ đựng rác dưới mỗi bàn mà sao ít người bỏ vào đó vậy nhỉ? Lạ! Quá lạ! Lỡ nhìn thấy nền quán ngổn ngang nhớp nhúa, Mỹ An mất luôn khẩu vị. Mỹ An thầm ước giá mà bà con cô bác nhìn kĩ một chút để bỏ xương bỏ giấy bỏ rau thừa vào những thùng ngay trước mặt kia thì sẽ vệ sinh biết mấy mà môi trường quán sẽ lịch sự, đẹp mắt biết bao. Ước gì! Buồn năm giây! Rồi Mỹ An gom phần rác của mình lặng lẽ bỏ vào thùng. Mỉm cười sâu, vui vì mình vẫn là mình.

Bước ra khỏi quán phở, điện thoại báo có tin nhắn. Lại thêm một tin nhắn của một người lâu nay không thân thiện với Mỹ An. Cả tháng nay, thỉnh thoảng họ lại nhắn một tin nhắn móc mỉa, nói bóng nói gió, ghen tương tị hiềm, khiêu khích thách thức, lên lớp dạy đời. Mỹ An cũng thử giãi bày cách này cách khác mong sự hòa nhã, vui vẻ, tôn trọng lẫn nhau. Nhưng xem ra sự cố chấp phiến diện khiến cho người này không nhìn ra vấn đề đã được giải thích. Thế là họ cứ tiếp tục tỏ thái độ công kích bằng nhiều cách. Đúng là người ta rất dễ rơi vào hiểu lầm và bị nhốt trong vòng luẩn quẩn của xét đoán khi họ tự cho mình là đã biết tỏng người khác. Cuối cùng, Mỹ An đành chọn một cách của bình an. Nếu cần nhắn tin lại để giữ phép lịch sự thì em chỉ nhẹ nhàng nhắn những lời cầu chúc an lành và hạnh phúc.

Nhắn xong những lời hòa bình, thầm thĩ dâng một lời cầu nguyện mong ước cho người kia được bình an trong tâm hồn, Mỹ An lái xe tới một trung tâm từ thiện. Em luôn thích cho đi, thích lấy sự giúp đỡ người khác làm niềm vui. Sáng nay công việc làm ăn gặp được may mắn hơn dự tính một số tiền kha khá. Mỹ An quyết định biếu số tiền ấy cho những người thiếu thốn hơn mình. Có những việc làm bình thường mà niềm vui to lớn lắm. Đúng là Chúa chẳng bao giờ chịu thua lòng quảng đại của con người. Em thấy rõ điều ấy. Chẳng hạn, khi em trân trọng tặng cụ già bán vé số một tờ vé số, Chúa cho em lại một niềm hy vọng rằng biết đâu cụ trúng được chút gì đó để giúp gia đình cụ; hay khi em mời bạn đi uống nước, Chúa cho lại em niềm hạnh phúc thấy bạn mình vui vẻ, nhẹ lòng sau khi tâm sự…. Mỗi đêm về, trước khi đi ngủ, Mỹ An có thói quen nhìn lại một ngày vừa qua để đếm và tạ ơn về những gì mình đã lãnh nhận, những cơ hội mình có để giúp đỡ anh chị em, những bài học kinh nghiệm quý giá….

Sau khi đã trao số tiền cho trung tâm từ thiện và nhờ họ gửi đến những người nghèo khổ, Mỹ An ghé vào một tiệm bánh sinh nhật để mua bánh phô-ma (cheese cake). Em muốn mời người bạn thân cùng thưởng thức loại bánh mình thích nhất nhân dịp sinh nhật mình. Loại bánh này khá mắc tiền nên người bạn cũng chưa bao giờ nghĩ đến việc thưởng thức nó. Tiệm bánh chiều nay khá sầm uất nên người ta xếp hàng dài lắm. Mỹ An xếp hàng gần nửa tiếng mà vẫn chưa đến phiên mình. Bỗng lúc ấy có một chị xồn xồn ở ngoài chen ngang vào hàng người ta đã xếp nãy giờ. Một số người tỏ vẻ không hài lòng, xầm xì phản đối về sự bất lịch sự và bất công của chị ta. Chị ta đang quê mặt không biết nên phản ứng thế nào thì nghe tiếng ai gọi phía trước: “Chị ơi, chắc chị đang có việc gấp hả? Chị lên đứng chỗ của em, em xếp hàng thay cho chị vì em cũng không vội vàng gì. Chị lên đây đi.” Mỹ An tới khoác tay chị ta kéo nhẹ đến cho mình rồi vui vẻ xuống cuối hàng đứng. Chị kia chẳng biết làm gì hơn là ‘ngoan ngoan’ làm theo cách của Mỹ An. Cuộc sống đã tốt hơn cho tất cả.

Trời đổ mưa. Tháng sáu trời hay mưa lắm. Mưa xuống thì bùn lên. Phố phường vẫn tấp nập xe cộ ồn ào. Giữa dòng người xuôi ngược trong mưa bùn, có một đóa hoa sen trắng. Em bé ngày xưa ấy đã lớn lên, vượt qua tất cả mọi nghịch cảnh: Mỹ An.

Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng

Nhị vàng bông trắng lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Mỹ An đang tiến về ngôi thánh đường ấm cúng bao kỉ niệm. Em muốn đến đó để lắng đọng cầu nguyện, tạ ơn Ngài trước khi cắt bánh sinh nhật vì chính Ngài đã tạo nên, giúp giữ gìn và thăng hoa phẩm chất tinh tuyền của sen nơi em.

Giuse Tuấn Việt, O.Carm.

[20A+V0612]

Blog cá nhân: http://only3minutes.wordpress.com/tieng-viet/sen-trong-bun/ 

VỀ MỤC LỤC
Karl Marx phê-bình tôn-giáo [1]

 

Gs. Trần Văn Toàn

Bài đăng ở tập san Định Hướng

 

Cách đặt vần-đề của Marx 

Sau khi đã đọc lại các sách vở mà Marx tham khảo trong thời-gian soạn luận-văn tiến-sĩ, để theo dõi nguồn-gốc và hành-trình tri-thức đã đưa ông đến lập-trường vô-thần, ta thấy cũng chưa có kết quả là bao nhiêu. Về mặt tiêu-cực thì : một là Marx đã loại trừ được các tôn-giáo đa-thần mà các triết-gia thời thượng-cổ đã phê-bình đủ kiểu ; hai là đối với đạo Thiên-Chúa, thì ông thấy về mặt lý thuyết khó dung-hòa được với lý-trí, mà về mặt thực hành lại có lý-do nghi-kỵ quyền-lực của giáo-sĩ. Về mặt tích-cực thì Marx có đưa ra trong phần ghi-chú của luận-văn tiến-sĩ một chứng-lý để minh-chứng là không có Thiên-Chúa, nhưng lại tự nhốt mình vào trong cái lồng duy-tâm, vì ông cho rằng chỉ có cái tự-kỷ ý-thức mà thôi. Nói thế khác, mỗi khi ta tư-tưởng về bất cứ cái gì, kể cả về Thiên-Chúa, thì ta có thể nghi ngờ về tất cả các đối-vật đó, nhưng ta vẫn chắc-chắn được là có ta, có cái ý-thức của ta. Nghĩa là Marx chưa đi xa hơn giai-đoạn thứ nhất của tư-tưởng Descartes. Sau này không bao giờ Marx nhắc lại cái luận-điệu duy-tâm ấy nữa.

Phải chờ đến khi đọc được sách của Feuerbach, thì Marx mới nhận ra một luận-điệu mới, dùng hai quan-niệm « vong-thân » (Entfremdung) và « phóng ngoại » (Projektion), để giải-thích vì sao người ta tin có Thiên-Chúa. Đại khái như sau : ta ý-thức được rằng ta có sức lực, có trí khôn, có trí hiểu, có tình yêu, nhưng tất cả đều có giới-hạn, vì thế ta « phóng ngoại » tất cả những cái ta có đó ra bên ngoài ta, đưa chúng lên tầm vóc vô-biên, rồiø đặt chúng vào trong một vị Thiên-Chúa siêu-việt, vô-biên. Như thế là ta đánh mất bản thân, ta « vong-thân ». Sau đó thì mới tự nhủ rằng mình là không, không có cái gì hết, rồi cầu xin Thiên-Chúa ban cho mình những cái mình thiếu. Feuerbach cho rằng đường lối như thế là quanh-co phiền-phức, cho nên ông chủ-trương rằng : thay vì bỏ mất của mình đi, rồi xin Thiên Chúa cho lại, thì bây giờ ta cần phải phục-hồi những cái đã mất đó cho con người. Nhưng không phải là trả lại cho con người cá-nhân nhỏ bé, ti-tiệän, có giới-hạn, mà là trả về cho con người vĩ-đại, nghĩa là trả về cho nhân-loại[2]. Nói thế khác, Thiên-Chúa chẳng qua chỉ là nhân-loại mà thôi. Có thờ thì thờ nhân-loại mới là phải. 

Sách của Feuerbach là khởi-điểm và là bàn đạp cho tác-phẩm rất quan-trọng và có tính cách triết-học nhất của Marx : đó là Bản thảo về kinh-tế và triết-lý (Oekonomisch-philosophische Manuskripte) viết tại Paris năm 1844, viết ra chỉ để xác-định cho rõ lập-trường, cho nên không cho xuất-bản. Sau đây ta sẽ có dịp bàn rộng hơn về tác-phẩm đó. Tác-phẩm đó quan-trọng là vì ở đây Marx vừa hoàn-toàn hấp-thụ được bài học của Feuerbach, vừa vượt đi xa hơn Feuerbach, và xác-định ra được lập-trường riêng. Có được như thế, là nhờ có Engels giúp cho ông khám-phá ra tầm quan-trọng của kinh-tế trong đời sống xã-hội.   

Sau đây ta sẽ lần lượt xem lập-trường của Marx về tôn-giáo : a) trong thời-kỳ làm báo (1842-1843), b) trong thời-kỳ viết Bản thảo về Kinh-tế vàTriết-lý (1844-1845), và c) trong nhữõng năm cuối cùng.

             

1-  Thời-kỳ làm báo (1842-1844) 

Đậu  tiến-sĩ xong, Marx có ý-định tìm chỗ dậy học ở Bonn, là thành phố ông quen biết từ khi bắt đầu học cấp đại-học. Nhưng công việc dàn xếp không xong, vì người bạn  là Bruno Bauer đang lo-liệu đưa ông vào đó thì lại bắt đầu bị nghi-kỵ. Vì thế khi được mời làm báo, ông nhận lời ngay. Thời-kỳ làm báo này có hai giai-đoạn.

Giai-đoạn thứ nhất là những tháng làm chủ bút cho tờ Nhật báo miền sông Ranh ở Koeln (Cơ-lân). Đặc-điểm của giai-đoạn này là tranh-đấu chính-trị. Marx hăng-hái đòi chính-phủ nước Phổ (Preussen/Prusse)[3], phải thi-hành chế-độ dân-chủ. Oâng viết ra nhiều bài nhân danh tự-do của con người để chỉ-trích chế-độ kiểm-duyệt báo-chí. Trong số báo 135, viết ngày 15/05/1842, ông tố-giác chính-sách giả-hình đạo-đức như sau : « Chính-phủ chỉ nghe có tiếng nói của mình mà thôi ; biết rõ như thế nhưng lại cứ tự dối mình là mình nghe tiếng nói của nhân-dân và đòi nhân-dân cũng phải tự dối mình như thế »[4]. Làm việc đã khó-khăn, lại bị nhiều áp-lực, cho nên Marx viết thông cáo từ chức như sau : « Người ký tên sau đây xin tuyên-bố là : vì chế-độ kiểm-duyệt hiện-thời cho nên xin rút lui ra khỏi ban biên-tập Nhật báo miền sông Ranh  kể từ ngày hôm nay. Dr Marx. » (18/03/1843)[5].

Sau khi thôi việc, ông trở về quê, lập gia-đình và đưa vợ sang Paris, cộng-tác với các chính khách lưu-vong và vận-động nơi các công-nhân người Đức[6]. Thời-kỳ ở Paris, tuy không lâu, nhưng rất quan trọng, vì một là ông được tiếp-xúc với phong-trào xã-hội chủ-nghĩa ở Pháp, mà Joseph Proudhon (1809-1865) là lý-thuyết-gia, hai là ông được bạn bè giới-thiệu cho Friedrich Engels đến gặp, và từ đó thành ra hai người bạn không rời nhau nữa. Về sau  Marx thường nói là học-thuyết cộâng-sản của ông là do ba trào-lưu kết lại : một là triết-học của người Đức (Hegel và Feuerbach), hai là xã-hội chủ-nghĩa của người Pháp, ba là kinh-tế-học của người Anh. Vì thế ông đinh-ninh là chế-độ cộng-sản rồi đây sẽ được thực-hiện trong ba nước đó trước tiên.

Giai-đoạn thứ hai là những tháng ở Paris. Marx cùng mấy người bạn cho in ra năm 1844 tập Niên-san Đức Pháp (Deutsch-Franzoesische Jahrbuecher, Annales franco-allemandes),  nhằm gửi về cho độc-giả ở Đức, nhưng rất khó đưa đi qua biên-giới, cho nên  chỉ ra được một tập thì phải đình-bản. Trong niên-san đó có hai trang rất thời-danh của Marx về tôn-giáo, mà thiên-hạ thường trưng-dẫn, nằm trong bài Phê-bình triết-lý của Hegel về Pháp-luật. Phần dẫn-nhập. Hai trang ấy không thuộc về thể văn nghị-luận, nói có sách mách có chứng, nhưng thuộc về thể văn « hịch tướng-sĩ » hay ít ra cũng là thể văn tuyên-cáo lập-trường. Tuy vậy cũng nên trình-bầy ra đây để vạch cho rõ đâu là ảnh-hưởng của Feuerbach, đâu là phần đóng góp mới của Marx.

Trong giai-đoạn này Marx không nói suông về chính-trị, về tự-do, về dân-chủ. Oâng bắt đầu sử-dụng ý-niệm « vong-thân » của Feuerbach, nhưng lại nới rộng nó ra toàn-diện con người. Vong-thân không phải chỉ là một quan-niệm lý-thuyết sai lạc về bản-thân, nhưng là thực-tại cụ-thể của con người đã đánh mất bản-thân về mọi mặt : tôn-giáo, ý-thức, chính-trị, xã-hội và kinh-tế. Đối với Marx, tôn-giáo chỉ là hiện-tượng tùy-phụ, không có ảnh-hưởng nhiều vào đời sống xã-hội[7], cho nên phê-bình tôn-giáo chỉ là giai-đoạn đầu trong chương-trình hoạt-động : phê-bình trên trời xong thì đến giai-đoạn chính, là phê-bình dưới đất, nghĩa là phê-bình thực-trạng xã-hội và chính-trị đang áp-bức con người, và như ông nói, vấn-đề không phải là lấy phê-bình làm khí-giớøi, nhưng là lấy khí-giới mà phê-bình. Nên chú-ý là nếu đồng-chí Engels của ông nghĩ rằng có thể vớt-vát được trong đạo Thiên-Chúa những yếu-tố báo trước xã-hội đại-đồng, thì trái lại, Marx cho rằng trong tôn-giáo không có gì vớt-vát được cả. Về điểm này Marx không thay đổi ý-kiến nữa.

Mấy câu tuyên-bố mà thiên-hạ thi nhau trưng-dẫn là như sau : « Khi con người đi tìm một vị siêu-nhân ở trên vùng trời tưởng-tượng, thì chỉ thấy cái phản-ảnh của chính mình mà thôi (…). Phê-bình chống tôn-giáo tựa vào nền-tảng sau đây : Con người làm nên tôn-giáo, chứ không phải tôn-giáo làm nên con người. Thực vậy, tôn-giáo là tự-kỷ ý-thức và là tự-kỷ cảm-giác của con người chưa đạt-thân hay là vừa mới vong-thân. Nhưng con người không phải là cái gì trừu-tượng, đứng ở ngoài thế-giới. Con người, đó là thế-giới của con người, là quốc-gia, là xã-hội. Cái quốc-gia đó, cái xã-hội đó tác tạo nên tôn-giáo, tức là cái tự-kỷ ý-thức lộn ngược, vì đó là cái thế-giới lộn ngược. (…) Cái khốn-nạn về mặt tôn-giáo vừa là cách biểu-lộ cái khốn-nạn có thực, vừa là lời phản-kháng chống lại cái khốn-nạn có thực đó. Tôn-giáo là tiếng than-thở của tạo-vật đang bị chèn ép, là tâm-thần của một cái thế-giới vô-tâm, nó cũng là cái tinh-thần của tình-trạng vô-tinh-thần. Nó là thuốc phiện của dân chúng. Tôn-giáo đem lại cho dân chúng cái hạnh-phúc ảo-tưởng, cho nên tiêu-diệt tôn-giáo tức là đòi hỏi cho dân chúng được cái hạnh-phúc thiết-thực. (…) Phê-bình trên trời rồi thì nay phải chuyển sang phê-bình dưới đất, phê-bình tôn-giáo chuyển sang phê-bình pháp-luật, phê-bình thần-học chuyển sang phê-bình chính-trị » [8].

Ngần ấy thôi cũng đủ thấy là Marx lấy lại ý-niệm « vong-thân » của Feuerbach, nhưng ông không hạn hẹp nó vào phạm-vi ý-thức tôn-giáo, mà còn nới rộng ra tất cả đời sống chính-trị, xã-hội của con người. Vì thế tôn-giáo không còn phải là mục-tiêu chính-yếu của chương-trình giải-phóng con người nữa.

Trong mấy chục năm vừa qua có một số triết-gia cộng-sản ở Pháp, như Roger Garaudy và Michèle Bertrand[9], muốn đối-thoại với người công-giáo, đã chủ trương rằng Marx không phải là không có ít chút quan-niệm tích-cực về tôn-giáo, vì nếu tôn-giáo là cách biểu-lộ cái khốn-nạn có thực, thì nó cũng là lời phản-kháng, hơn nữa tôn-giáo không còn phải là mục-tiêu chính-yếu của cuộc đấu-tranh.

Tôi trộm nghĩ : đối với Marx, phản-kháng suông thì có đi đến đâu, vì ông cho rằng phải lấy khí-giới mà phê-bình kia mà ! Đàng khác, nếu tôn-giáo không còn phải là mục-tiêu chính-yếu, thì không phải là vì nó không đáng kể, nhưng là vì Marx cho rằng vấn-đề đã thanh-toán xong rồi ! Thực vậy, ngay trong câu đầu bài vừa trưng-dẫn, Marx đã tuyên bố : « Ở bên Đức, vấn-đề phê-bình tôn-giáo đã thanh-toán xong về phần cốt-yếu, và rồiø có phê-bình cái gì đi nữa thì cũng phải phê-bình tôn-giáo trước đã » [10]. Sau cùng, coi tôn-giáo như là thuốc phiện, như là chất ma-túy, để làm cho người ta không còn cảm thấy đau-đớn khổ-sở, và được sung-sướng giả-tạo, được hạnh-phúc trong ảo-tưởng, thì có gì là cao-quí đâu ? Ngày nay có một số người công-nhận rằng tôn-giáo là một nhu-cầu của con người – phải hiểu đây là con người còn ấu-trĩ – như vậy kể là đã có thiện-cảm hơn đôi chút, nhưng vẫn còn  coi người theo tôn-giáo là không ra gì, vàø coi tôn-giáo, Thiên-Chúa, hay là Phật , tiên, thánh, thần, chẳng qua chỉ là phương-tiện cho con người lập-thân mà thôi. Như đã nói trên đây, Engels có thiện-cảm với tôn-giáo hơn là Marx.

Những câu tuyên-bố đó về tôn-giáo chưa nói lên  được hết ý của Marx, vì trong khi viết báo để lôi cuốn độc-giả, thì phải dùng một lối văn hấp-dẫn, vài tư-tưởng đơn-sơ và những khẩu-hiệu đanh thép. Thế thôi. Những quan-niệm đầy-đủ hơn, Marx đã viết ra trong Bản thảo về Kinh-tế và Triết-lý (1844) và trong chương nhất của Ý-thức-hệ bên Đức (1845-1846).

______

Chú thích

[1]  Thiên khảo-luận này căn-cứ vào hai bài đã viết trước đây bằng Pháp-văn đểå quảng-diễn rộng ra. Hai bài đó là : « La critique de la religion par Karl Marx », trong Revue philosophique de Louvain, bộ 68 (1970), tr 55-78, và « Note sur le concept de Gattungswesen dans la pensée de Karl Marx », cũng trong Revue philosophique de Louvain, bộ 69 (1971), tr 525-536. Ngoài ra cũng dùng đến mấy ý-kiến trong bài « Notes sur la place de la Praxis dans la pensée de Marx », trong Actes du XIV Congrès International de Philosophie (Wien/Vienne,  2-9 tháng 9, năm 1968), Wien,  NXB Herder, 1968, tr 134-138. Và nhất là những trang 93-108, trong cuốn sách Tìm hiểu Triếât-học của Karl Marx, Saigon, NXB Nam Sơn, 1965.

[2]  Feuerbach không bàn luận về nhân-loại như thế nào, nhưng Marx sẽ trình bầy tỉ-mỉ dưới ý-niệm Gattungswesen (con người nhân-loại).

[3]  Thời đo nước Phổ nằm ở nửa nước Đức về phía bắc, từ biên-giới Hòa-lan đến biên giới nước Nga.

[4]  MEGA bộ cũ, Frankfurt/Main, 1927, I / 1 / 1, tr 215.

[5]  Cũng sđd, báo số 77, tr 393.

[6]  Trong thư đề ngày 11/08/1844, gửi từ Paris cho Feuerbach, Marx viết :”Trong mùa hè năm nay, các công-nhân người Đức ở đây, vài trăm người thuộc thành-phần cộng-sản, cứ mỗi tuần hai lần, được những cán-bộ bí mật giảng cho nghe về cuốn sách Bản-chất đạo Thiên-Chúa của ngài, và họ tiếp nhận tư-tưởng một cách thật đáng chú-ý” (MEGA  III / 1, tr 65).

[7]  Marx viết trước đó :”Không phải vì các tôn-giáo cũ sa-sút mà các quốc-gia trước đây sụp đổ, nhưng các tôn-giáo cũ sụp đổ là vì các quốc-gia trước đây sa sút” (MEGA bộ cũ, I / 1 /1, tr 237)

[8]  MEGA, I / 2, tr 170-171.

[9]  Trong sách Le statut de la religion chez Marx et Engels, Paris, Ed. Sociales, 1979.

[10]  MEGA, I / 2, tr 170.

 
VỀ MỤC LỤC
NGƯỜI TÍN HỮU GIÁO DÂN TRƯỞNG THÀNH

 

(Huấn dụ Christi Fideles Laici: Người tín hữu giáo dân của Chúa Ki Tô)

NGUYỄN HỌC TẬP 

Trên bốn mươi năm Công Đồng Vatican II đã kết thúc ( 1963-2003), khi chúng tôi viết bài nầy và  mười lăm năm sau huấn dụ cho Thượng Hội Đồng Giám Mục của Đức Thánh Cha Gioan Phaolồ II Christi Fideles Laici ( 1988), người giáo dân Công Giáo nói chung và giáo dân Việt Nam đã lớn lên được bao nhiêu?

Dĩ nhiên nhìn lại dòng lịch sữ, thời kỳ " thơ ấu " của người giáo dân, thời kỳ trong đó người giáo dân được coi là " thiếu thời " và phải được hàng giáo phẩm luôn luôn nắm lấy tay dẫn dắt trong hết mọi chuyện, tôn giáo cũng như trần thế.

Thời đó đã qua đi.

Nói như vậy, chưa hẵn là chúng ta có thể quả quyết là hiện nay người giáo dân chúng ta, dĩ nhiên trong đó có cả người đang viết, đã hoàn toàn trưởng thành.

Có lẽ chúng ta nên nói là chúng ta đang còn ở trong giai đoạn " giữa chừng " hay đang lớn lên, thì đúng hơn, chúng ta đang còn đang ở trong giai đoạn khủng hoảng của giai đoạn chuyển hoá để tiến đến tuổi trưởng thành.

Nói như vậy, nhìn lại quảng đường đã qua để ý thức với những biến chuyển của các biến cố lịch sử, văn hóa và mục vụ đã thúc đẩy làm cho người giáo dân vươn mình thức dậy khỏi trạng thái ngái ngủ, thiếu thời.

Nhưng thức dậy, nhìn xung quanh và bước đi như người lớn, chưa hẵn là chúng ta "đã  lớn", đã trưởng thành, khi phải chạm trán với những vấn đề cần phải tháo gở, để bước đi đến tuổi trưởng thành.

Đó là hai phần của đề tài đang viết để chúng ta ý thức,có cách  hành xử thỏa đáng trong những bước vươn lên đến tuổi trưởng thành.

 

1 - Những hoàn cảnh lịch sử và văn hóa đổi mới.

Huấn từ của Đức Thánh Cha Gioan Phao Lồ II Christi Fidelis Laici   khởi đầu bằng xác tín rằng chúng ta đang có:

   - " trong thời điểm huy hoàng và bi đát hiện tại của lịch sử, trước thềm ngàn năm thứ ba, thời điểm của những hoàn cảnh mới về lịch sử, xã hội, kinh tế, chính trị cũng như văn hóa, đòi buộc người tín hữu giáo dân phải có những hành động với nghị lực đặc biệt thích ứng" ( Christi Fideles Laici, 3).

a) Tiến trình biến chuyển thế tục hóa.

Hoàn cảnh trước tiên cần phải lưu tâm, đó là tiến trình thế tục hóa (processo di secolarizzazione).

Đó là tiến trình thay đổi sâu đậm tâm thức, văn hóa và tập quán phát sinh trong thế giới tân tiến hiện tại, như là phản ứng chống lại cách hành xử không chính đáng của thời Trung Cổ, sáp nhập, pha trộn thần quyền và thế quyền, niềm tin và văn hóa, ngai vàng và bàn thờ.

Tiến trình thế tục hóa hiện tại là một tiến trình lưỡng diện.  

   a - Nếu hiểu  đúng nghĩa thế tục hóa là thái độ hành xử nhằm xác định lại vai trò tự lập của các thực tại trần thế và đặc tính  thế tục ( laicità) của các thực tại trên thế gian, được Chúa dựng nên,  thì đó là một tiến trình tốt đẹp.

Bởi vì như vậy chúng ta có thể

   - thanh lọc thoả đáng được  nội dung của đức tin,

   - gia tăng thêm trách nhiệm lịch sử của người tín hữu 

   - và kích thích những sáng tạo của họ để đáp ứng lại một cách thích hợp những đòi hỏi của cuộc sống,

   - mở rộng con đường đối thoại với bất cứ ai thành tâm thiện chí. 

   b - Trái lại, thế tục hóa là tiến trình băng hoại tương đương với " vô thần hóa" hay " vô tôn giáo hóa" ( secolarismo), thì đó là tiến trình đê tiện hóa con người, bởi vì trình bày con người với hình ảnh sai lạc, cho rằng

   *  con người có thể tự mình có cuộc sống hoàn hảo, tự mãn  (autosufficiente) ,

   *  lịch sử là một chuổi những biến cố tự nhiên và tự tại ( imminente),

   * con người có thể tự giải thoát chính mình bằng ý thức hệ, tư bản chủ nghĩa cũng như xã hội chủ nghĩa.

   Tiến trình thế tục hóa, trong ý nghĩa đang bàn, là cách  hành xử loại trừ Thiên Chúa ra khỏi đời sống con người, ra khỏi xã hội, xem tôn giáo và tự do tôn giáo như chỉ là những vấn đề tư riêng: 

   - " Con người bỏ quên Thiên Chúa, coi Thiên Chúa vô nghĩa của cuộc sống mình, từ bỏ Thiên Chúa và tôn thờ nhiều " thần tượng " khác" ( Christi Fideles Laici, 4).   

Tính cách lưỡng diện  vừa kể của tiến trình thế tục hóa đã tạo ra nhiều hậu quả tương phản:

   - một đàng đã và đang tạo ra khủng hoảng niềm tin tôn giáo mà ai trong chúng ta cũng thấy được,

   - đàng khác tạo ra cho con người nhu cầu mới về tôn giáo: 

   - " thế giới hiện tại, dưới nhiều hình thức rộng lớn và sống động, minh chứng một cái nhìn thiêng liêng và đời sống siêu nhiên, một sự thức tỉnh đi tìm tôn giáo, một sự trở về với ý nghĩa thiên thánh và lời cầu nguyện, nhu cầu có được tự do để khẩn cầu lên Thiên Chúa" ( id.).

Tiến trình thế tục hóa, như vừa nói, là một sự kích thích cho người tín hữu giáo dân, giúp họ hiểu được " đặc tính trần thế  ", ơn gọi  và sứ mạng  của họ.  

b) Chuyển đổi văn hóa và giá trị.

Một trong những ảnh hưởng của tiến trình thế tục hóa là nền văn hóa đồng nhất  cổ truyền trong quá khứ  đã và sẽ nhường bước cho những quan niệm đa dạng về cuộc sống và lịch sử, nhiều khi đi ngược lại cả quan niệm nhân bản con người trong Phúc Âm.

Những quan niệm mới đa dạng vừa kể về con người đã và đang có ảnh hưởng " nguyên nhân-hậu quả " đến  các phương thức tổ chức cuộc chung sống văn minh của con người hiện đại.

Chuyển đổi văn hóa và giá trị đang tiến hành có " giá trị con dao hai lưởi " :

   - một đàng những giá trị của nền luân lý trong quá khứ đang  có nguy cơ sẽ bị mai một ( ví dụ: giá trị về gia đình, tình yêu, liên hệ tính dục...),

   - đàng khác, một số giá trị trong quá khứ không mấy ai chú ý, đang được khai quật và yêu chuộng ( Ví dụ: con người dấn thân để bảo vệ lẽ phải, ý thức mới mẻ đối với liên đới và hoà bình, bảo vệ môi sinh).

Do đó một đàng có cái nguy là với tâm trạng đánh mất  đi những giá trị cổ truyền,

   - chúng ta có thể bị đưa vào tình trạng " tương đối luân lý " ( relativismo moralista) ,

   - nhưng đàng khác , nếu được  hướng dẫn đúng đắn, đây là một " cơ hội để trưởng thành": cơ hội để chúng ta khám phá ra những giá trị mới ( đức tính khoan dung, tôn trọng phẩm chất của cuộc sống, cần kiệm và tiêu dùng tài nguyên theo lẽ phải), cũng như định giá và khôi phục lại những giá trị cổ truyền đang bị lu mờ và mất đi.

Cuộc thách thức hiện tại vừa kể chắc chắn làm cho người giáo dân ý thức được sứ mạng của họ trong xã hội và trong Giáo Hội.

Người giáo dân hôm nay

   - không phải chỉ được Chúa kêu gọi để tuyên xưng một cách minh bạch các nguyên tắc và giá trị của quan  niệm Ki Tô giáo về con người và làm chứng những chân lý đó trong cuộc sống cá nhân của họ, trong cuộc sống gia đình và xã hội, 

   - mà còn được kêu gọi để góp phần vào việc làm cho đức tin được " hội nhập văn hóa" ( inculturazione), kêu gọi thực hiện một cuộc Phúc Âm hoá mới.   

c) Tiến trình toàn cầu hóa.

Tiến trình toàn cầu hóa đang diễn ra là yếu tố mới  thứ ba hiện diện trong cuộc sống để trở nên trưởng thành của người tín hữu giáo dân.

Tiến trình toàn cầu hóa cần phải được định hướng về phương diện văn hóa cũng như luân lý, nếu chúng ta muốn có được một xã hội được tổ chức hợp với nhân phẩm con người.

Do đó người tín hữu giáo dân được mời gọi như là những người xây dựng một thế giới mới, cùng cộng tác với những người thiện chí khác, với tư cách là người công dân cũng như trong sứ mạng của người tín hữu.

Tiến trình toàn cầu hóa đầu tiên là tiến trình truyền thông xã hội và thông tin. Nhờ những phát triển kỹ thuật và khoa học tân tiến, hiện nay con người có thể phổ biến kiến thức, tin tức và văn hóa khắp hoàn cầu trong một thời gian ngắn ngủi.

Đây là một tiến trình thay đổi cấu trúc và cũng có giá trị lưỡng diện:

   - có thể phục vụ con người để giúp cho các dân tộc hiểu biết nhau hơn, phục vụ đắc lực hơn cho hòa bình, phát triển, phục vụ con người;

   - nhưng nếu trong tiến trình thiếu luân lý, kỹ thuật tân tiên có thể là dụng cụ để thực hiện chế độ thực dân văn hóa, còn tệ hơn cả thực dân kinh tế và đưa đến những bất bình đẳng mới.

Truyền thông xã hội hiện nay đã trở thành một loại văn hoá mới, một cách thức mới để hiểu biết vũ trụ, đời sống và con người.

Điều đó cắt nghĩa tại sao truyền thông xã hội càng phát triển, chúng ta càng cần có sự tham dự một cách tích cực và có trách nhiệm.

Nhu cầu " tham dự có trách  nhiệm" đó là  

   - " một dấu chỉ thời đại đích thực của xã hội chúng ta,  nhứt là đối với  nữ giới và thế hệ trẻ, để hướng dẫn đời sống, không những đời sống gia đình và học đường, mà còn cả đời sống trong lãnh vực văn hóa, kinh tế, xã hội và chính trị " ( Christi Fidelis Laici, 5).  

Tuy nhiên để có thể cống hiến cho văn hóa một tinh thần và luân lý đối với thế giới truyền thông tân tiến hiện nay, người tín hữu giáo dân cần phải được đào tạo đầy đủ về mặt thiêng liêng cũng như chuyên môn.

Một cái nhìn tương tự cũng có giá trị đối với tiến tình toàn cầu hóa kinh tế và tài chánh, hiện đang đưa đến việc cần phải đề thảo ra một khuôn mẫu phát triển chung cho cả thế giới.

Thời gian của những vấn đề do cách mạng kỹ nghệ và tương phản giữa vốn liếng và việc làm đã qua đi.

Vấn đề hiện nay là vấn đề

   - một khuôn mẫu phát triển  quân bình giữa miền Bắc và miền Nam của địa cầu,

   -  giải quyết những vấn đề phát triển chênh lệch và nghèo đói do việc áp dụng kỹ thuật tân tiến, điện tử, điện toán, robots. 

Song song với vấn đề phát triển Bắc- Nam vừa nói là vấn đề liên quan đến  việc thiết lập một trật tự mới về  pháp luật và quân sự.

Đây là vấn đề khẩn thiết hiện nay. Việc thiết lập ra được một cơ quan quyền lực thực hữu siêu quốc gia, có sức mạnh thực sự bảo vệ hữu hiệu các quyền căn bản của con người, của các dân tộc, của các chủng tộc  thiểu số, để tránh các cuộc tàn sát diệt chủng và chiến tranh, như những gì đã xảy ra một cách tang thương ở cuối thế kỷ XX vừa qua.

Tất cả những tiến trình toàn cầu hóa vừa kể đang chuyển đổi cơ cấu đời sống nhân loại, đặt người tín hữu giáo dân phải suy nghĩ trước lương tâm mình về sứ mạng của họ trên thế giới. Một vấn đề thối thúc mà có lẽ trước đây chưa được đặt ra.

Thế kỷ của năm 2000 là thế kỷ của thế giới trở thành  liên kết duy nhứt, phổ quát và toàn cầu.

Việc chuyển đổi nào cũng hàm chứa những ý nghĩa lưỡng diện. Do đó các việc chuyển đổi cần phải được hướng dẫn và định hướng.

Trong việc hướng dẫn và định hướng vừa kể, vai trò của người tín hữu giáo dân không thể được giao phó cho người nào khác, nhứt là đối với những lãnh vực trần thế, trực tiếp liên quan đến hoàn cảnh sống của mình, của gia đình, của xã hội, của quốc gia và của cả anh em nhân loại.

Ý thức được vai trò  đó hôm nay là điều làm cho họ bước ra khỏi trạng thái ấu trỉ.

 

2 - Những quan niệm mới về Thần Học và Giáo Hội Học.

a) Yếu tố thần học và Giáo Hội học.

Song song với những nguyên do lịch sử và văn hóa, chúng ta cũng có những yếu tố thần học và Giáo Hội học góp phần một cách quyết định cho việc chuyển hoá người giáo dân công giáo đến trưởng thành.

   - Chúng ta duyệt xét qua những ý niệm sâu xa về tín lý và mục vụ được Công Đồng Vatican II đề cập và được Vị Chủ Chăn của Giáo Hội suy nghĩ tiếp theo.

   - Chúng ta đề cập đến  những ý niệm tín lý và mục vụ ảnh hưởng lớn lao đến việc định giá lại ơn gọi và sứ mạng của người tín hữu giáo dân.

   - Đặc tính thông hiệp của Giáo Hội.

Những suy tư sâu xa về Giáo Hội Học đã khiến cho Công Đồng Vatican II chuyển đổi trọng tâm của tầm nhìn Giáo Hội từ một " tổ chức hoàn hảo" đến Giáo Hội là một thực thể 

   - "  Giáo Hội là  mầu nhiệm hiệp thông giữa con người và Thiên Chúa và giữa người với người " (Lumen Gentium , 4). 

Giáo Hội là " Dân Chúa " hay là

   - "  Bí Tích và Dụng Cụ của mối liên kết thân tình con người với Thiên Chúa và nơi đại kết của tất cả nhân loại với nhau" (Lumen Gentium, 1.). 

Công Đồng Vatican II khẳng định

    - " trong đoàn dân của Đấng Cứu Thế, mọi thành phần đều có địa vị như nhau và mọi người đều có ơn gọi trở nên trọn hảo như nhau; không có bất cứ một sự dị biệt nào do chủng tộc, quốc gia, phái giống, hoàn cảnh xã hội gây ra. Và, một vài người do ý muốn của Chúa Ki Tô được phong cho thành tiến sĩ và người phân phát các mầu nhiệm, một vài  người  thành chủ chăn đối với những người khác, nhưng  tất cả mọi tín hữu  đều thực sự đồng đẳng như nhau về địa vị và về hành động chung để cùng xây dựng Thân Thể Chúa Ki Tô" (Lumen Gentium  , 32).     

Thời kỳ giáo phẩm chế đã kết thúc.

Hàng Giáo Phẩm được đặt vào trong lòng cộng Đồng  "Dân Chúa" để phục vụ.

Giáo dân không còn là thành phần trẻ dại ( minorenni), hay chỉ là thành phần phụ giúp cho hàng giáo phẩm.

   - "Người tín hữu giáo dân chu toàn  phần vụ  của mình trong lòng Giáo Hội và giữa trần thế sứ mạng của tất cả cộng đồng Ki Tô Giáo" ( Lumen Gentium , 31 ).  

Trả lời cho câu hỏi, " Người tín hữu giáo dân  là ai? ", Đức Gioan Phaolồ II xác nhận:

   - " Công Đồng Vatican II, vượt qua những lối giải thích phần nhiều theo khuynh hướng tiêu cực trước đây, đã mở ra một cái nhìn mới, xác nhận rằng người giáo dân hoàn toàn là thành phần của Giáo Hội , hoàn toàn tham dự vào mầu nhiệm của Giáo Hội và xác nhận tính cách cá biệt ơn gọi của họ" ( Christi Fideles Laici, 9). 

b) Chiều hướng lịch sử của ơn cứu rổi Ki Tô giáo.

Một quan niệm thần học khác được Công Đồng Vatican II định đặt lại giá trị làm cho người tín hữu giáo dân hiểu biết thêm về ơn gọi và sứ mạng của họ, đó là chiều hường lịch sử của ơn cứu rổi

Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể, đi vào lịch sử của nhân loại, đảm nhận lấy lịch sử và quy tóm về mình: 

   - " Ngôi Lời Thiên Chúa, nhờ Người mà mọi vật được tạo thành, chính Người đã trở thành nhục thể và đã đến ở thế gian giữa con  người. Là con người hoàn hảo, Người đã hội nhập vào lịch sử của thế gian, đảm nhận và quy tóm lịch sử đó về nơi mình" ( Gaudium et Spes, 38). 

Điều đó có nghĩa là chân lý Ki Tô giáo không phải là chân lý phi thời gian.

Cuộc Nhập Thể của Ngôi Lời được thực hiện trong lịch sử con người, trải qua tất cả các thời đại của nhân loại, trải qua mọi nền văn hóa và mọi cuộc sống văn minh.

Như vậy không ai có thể nói được có hai dòng lịch sử song song, một của thế giới và một của Giáo Hội. Chỉ có một dòng lịch sử duy nhứt, bởi vì công cuộc cứu rỗi  Ki Tô giáo có chiều hướng nội tại của lịch sử và cho hết mọi người.

Và do chính đặc tính trần thế của mình,  

   - " chính sứ mạng của người tín hữu giáo dân khiến họ tìm kiếm nước Thiên Chúa bằng cách hoạt động trong các lãnh vực trần thế và thiết định trật tự của chúng theo ý muốn của Thiên Chúa" ( Lumen Gentium, 31).  

Do đó bổn phận của người tín hữu giáo dân là

   - bổn phận đối thoại với tất cả mọi người và mọi văn hóa về những vấn đề trọng đại của thời đại,

   - soi sáng các vấn đề đó bằng ánh sáng Phúc Âm để canh tân hoá xã hội, mà " Giáo Hội chia xẻ lịch sử, những vui mừng, hy vọng, phiền nảo và lo âu" ( Gaudium et Spes, 1+ 3).

Bổn phận đó, người tín hữu giáo dân không nhận lãnh từ hàng giáo phẩm, mà chính Chúa Giêsu đã trực tiếp giao phó cho họ trong phép Rửa và phép Thêm Sức: 

   - " Thật vậy, các tín hữu giáo dân được tháp ghép vào Thân Thể mầu nhiệm của Chúa Ki Tô qua phép rửa, được tăng trưởng thêm nghị lực nhờ Chúa Thánh Linh trong phép Thêm Sức, họ được chính Chúa Giêsu ủy thác cho trách vụ tông đồ" ( Apostolicam Actuositatem, 3). 

Việc xác định lại giá trị chiều hướng lịch sử của ơn cứu rổi, dĩ nhiên đem lại cho người tín hữu giáo dân một địa vị trưởng thành mới, bởi vì chính ơn gọi của họ đặt họ ngay vào tâm điểm của các vấn đề thế tục. 

Đặc tính tự lập các lãnh vực thế tục.

Một quan niệm khác không kém phần quan trọng của Công Đồng Vatican II, đó là sự nhìn nhận đặc tính tự lập của các lãnh vực  trần thế .

Văn hoá, chính trị, nghệ thật, khoa học có mục đích, luật lệ và phương tiện riêng để thực hiện tự lập.

Đức tin cũng như mục đích tối hậu siêu nhiên không không can dự và cũng không thể giúp đỡ gì được.

Đó là điều do ý muốn của Đấng Tạo Hoá và cũng chính  đó là cội nguồn của đặc tính trần thế của chúng.

Dĩ nhiên bất cứ mục đích tự nhiên nào cũng là những mục đích " trung gian", và đặc tính tự lập của các lãnh vực trần thế là đặc tính tự lập tương đối, bởi vì mọi vật được Chúa dựng nên là được dựng nên cho mục đích tối hậu siêu nhiên.

Và cũng vì vậy mà các chương trình, nổ lực và hoạt động để thăng tiến con người không nên lầm lẫn với sự cứu rỗi siêu nhiên: hai thực thể khác nhau, mặc dầu không tách biệt nhau vì hỗ tương bổ túc nhau.

Kế đến ý thức đặc tính tự lập của các lãnh vực thế tục,  Công Đồng Vatican II kích thích khiến cho người tín hữu giáo dân trưởng thành hơn và cố gắng hơn để " tổng hợp trong tâm thức và trong hành động giữa đức tin và việc dấn thân trần thế" , mặc dầu vẫn giữ biệt lập hai lãnh vực tôn giáo và thế tục.

Và từ một niềm tin,

   - chúng ta có thể có những ước muốn và khuyến khích do nhiều khuôn mẫu tổ chức xã hội khác nhau,

   - người tín hữu giáo dân có thể có những lối suy tư  tự lập cần thiết và tự do  hành động có trách nhiệm trong việc chọn lựa những những vấn đề trần thế:

   - chính họ phải ý thức và xác tín những gì, bao giờ và cách nào phải làm,  thay vì trông đợi ở  các vị Chủ Chăn những giải pháp, cho vấn đề được đặt ra, ngay cả vấn đề hệ trọng cũng vậy:

   - " Thẩm quyền  chuyên biệt của giáo dân, mặc dầu không chỉ độc quyền của họ, là lãnh vực chuyên môn và những hoạt động trần thế. Họ ( người giáo dân) nên trông đợi ở các linh mục ánh sáng và sức mạnh thiêng liêng. Nhưng họ đừng nghĩ rằng các vị chủ chăn của họ có thẩm quyền để có thể đưa ra cho họ một giải pháp thực tế và cấp tốc đối với mọi vấn đề, ngay cả đối với vấn đề quan trọng mà họ đang gặp phải, hay đó là sứ mạng của các ngài. Đúng hơn, được soi sáng bởi đức khôn ngoan Ki - tô giáo, chú ý một cách trung thực đến lời giảng dạy của Giáo Hội, chính họ nên đứng ra nhận lãnh trách  nhiệm của mình" ( Gaudium et Spes, 43). 

Nếu hàng giáo phẩm được Thiên Chúa ủy thác cho phận vụ " munus docendi, santificandi et curandi " ( dạy dỗ, thánh hoá và chăn dắt bảo vệ) trong lãnh vực tôn giáo, " trông đợi ở các linh mục ánh sáng và sức mạnh thiêng liêng",

thì không có lý do gì người tín hữu giáo dân phải ngồi chờ sự chỉ dẫn và động tác của hàng giáo phẩm trước những vấn đề bất công xã hội, những vi phạm đến các quyền căn bản của con người như vụ  Toà Khâm Sứ, Tam Toà, Thái Hà, Đồng Chiêm..., kể cả những vụ gây uất ức, bất mãn  liên quan đến Đức TGM Ngô Quang Kiệt hay việc Toà Thánh đồng thuận giao tiếp với CSVN, qua việc bổ nhiệm người đại diện không thường trực ( non- residente ) ở Việt Nam cũng vậy.

Đó là cách suy nghĩ và hành xử của hàng giáo phẩm về những vấn đề trần thế.

Những biến cố vừa kể với các cách hành xử của hàng giáo phẩm không thuộc về lãnh vực đức tin và luân lý, không nằm trong thẩm quyền " dạy dỗ, thánh hoá và dẫn dắt bảo vệ "  mà người tín hữu giáo dân " nên trông đợi ở các linh  mục ánh sáng và sức mạnh thiêng liêng ".

Không phải là lãnh vực của tín lý và luân lý, nên không có gì bảo đảm các cách hành xử của hàng giáo phẩm là " bất khả ngộ " ( infallibile ).

Lãnh vực bất công xã hội, vi phạm các quyền bất khả xâm phạm của con người là lãnh vực trần thế, người tín hữu giáo dân, " chính họ nên đứng ra nhận lãnh trách nhiệm của mình ", để tạo cho mình và đồng bào mình một cuộc sống xứng đáng với nhân phẩm con người, con Thiên Chúa ( phần được thêm vào ) . 

Hàng Giáo Phẩm cần phải thấy được rằng giáo dân

   - không chỉ là những người thừa hành thụ động, sai đâu làm đó, bảo sao nghe vậy, cả đối với những lãnh vực trần thế.

   - mà là những cộng sự viên tích cực, có trách nhiệm, ngay cả trong việc soạn thảo những giáo huấn của Giáo Hội.

Dĩ nhiên  người  giáo dân trong vai trò như vậy, không thể là những người giáo dân ấu trỉ. 

c) Ân sủng thúc đẩy.

Và sau cùng, sự trưởng thành của người tín hữu giáo dân là do sức mạnh của ân sủng thúc đẩy, ân sủng được Chúa ban xuống cho trong cộng đồng Giáo Hội.

Trong đời sống Giáo Hội, ân sủng có thể nhận thấy và đôi khi cũng có thể đối nghịch với tổ chức cơ chế .

Một đàng, năng lực của ân sủng làm cho Giáo Hội được canh tân và trẻ trung hóa, mở tung cửa cho Giáo Hội trước những thực trạng mới.

Đàng khác, chính cơ chế của Giáo Hội có nhiệm vụ kiểm chứng tính cách xác thực của ân sủng, canh chừng những lệch lạc có thể xảy ra, bảo đảm tích cách chính thống trung thực của giáo lý, thế nào cho ân sủng đưọc Chúa ban để phục vụ tính cách hợp nhất và triển nở toàn diện thân thể Giáo Hội.

Dù sao đi nữa, không thể có sự đối ngược giữa ân sủng đích thực và cơ chế của Giáo Hội, mà là tổng hợp điều hòa.

Bởi lẽ cả hai là yếu tố cấu trúc của Giáo Hội, được xây dựng trên nền tảng của các thánh Tông Đồ và các Tiên tri: 

   - " Vậy anh em không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người của nhà Thiên Chúa, bởi đã được xây dựng trên nền móng là các Thánh Tông Đồ và Ngôn Sứ, còn đá góc tường là chính Chúa Giêsu Ki Tô" ( Eph 2, 19-21).

Điều đó có nghĩa là Giáo Hội được xây dựng trên cơ chế của các Thánh Tông Đồ và trên ân sủng của các Ngôn Sứ.

Nói cách khác,

   - " Giáo Hội luôn luôn vừa là cơ chế ( institution) vừa là ân sủng ; vừa có đặc tính tập tục, vừa mới mẽ; vẫn liên tục với quá khứ, nhưng rộng mở hướng về tương lai; liên kết với Chúa Ki Tô lịch sử qua việc liên tục nối kết tông truyền và tập tục, nhưng luôn luôn dưới ân sủng sáng tạo của Chúa Thánh Linh ( Gioan Phalồ II, Messaggio ai partecipanti al Congresso mondiale dei Movimenti ( 27-29.05.1998), in Osservatore Romano, 28.05.1998, p.6). 

Sự trưởng thành của người tín hữu giáo dân trong những thời gian gần đây được gia tăng do ân sủng Chúa Thánh Thần tuôn xuống dồi dào trong lòng Giáo Hội, như Công Đồng Vaticano II xác nhận: 

   - " Chính Chúa Thánh Linh  ban phát cho mỗi người quà tặng  của Ngài như Ngài thích, phân phát giữa các tín hữu ở mọi thứ bậc cả những ân sủng đặc biệt , cần thiết để canh tân và để phát triển Giáo Hội hơn. Chúng ta hãy lãnh nhận các ân sủng đó với lòng biết ơn và sự an ủi bình thản tâm hồn" ( Lumen Gentium, 12).

 

3 - Tương quan giữa giáo dân và chủ chăn trong Giáo Hội.

   a) Những phận vụ mới của người giáo dân.

Qua những gì đã duyệt qua, về phương diện lý thuyết, những phận vụ mới của người giáo dân được xác định khá rõ ràng. Tuy nhiên trong thực hành, một đôi khi sự liên hệ giữa giáo dân và các vị chủ chăn còn một vài vấn đề và va chạm.

Bản Giáo Luật năm 1917 diển tả người giáo dân dưới hình thức tiêu cực:

   - " Người giáo dân không phải là giáo sĩ, không mặc áo dòng, không được phép cử hành Thánh lễ, là người phải tùy thuộc vào giáo sĩ để có thể được huởng những ơn thiêng liêng ( Codex Jus Canonici 1917, can. 682). 

Giáo Luật hiện tại của năm 1983 tường trình cho chúng ta người giáo dân dưới hình thức tích cực hơn, là 

   - " chủ nhân và người có trách nhiệm trước tiên đối với sứ mạng của Giáo Hội. Như vậy giáo sĩ cũng như giáo dân , mặc dầu có phận sự khác nhau, đều có chung một sứ mạng truyền bá Phúc Âm".

Hai bộ Giáo Luật nói lên hai thái độ khác biệt rộng lớn.

Ngay ở thời gian Công Đồng Vatican II còn đang nhóm họp ( 1962), Công Đồng đã xác quyết rằng  

   - " các chủ chăn không phải là những người được Chúa Giêsu lập nên để nhận lãnh một mình tất cả trọng  trách của sứ mạng cứu rổi của Giáo Hội đối với thế gian, mà bổn phận cao cả của các vị là chăn dắt các tín hữu giáo dân và nhận biết phận vụ và ân sủng của họ, để tất cả có thể đồng thuận hợp tác nhau, mỗi người theo khả năng của mình, vào công việc chung" ( Lumen Gentium, 30).  

Và bộ giáo luật hiện tại còn đi xa hơn khi xác định rằng

   - " trong Giáo Hội,  những giáo dân có khả năng thích hợp có thể  được giao cho những phận vụ và chức năng mà họ có thể thi hành" ( can. 228), cả với tính cách vĩnh viễn như chức đọc sách, chức giúp lễ, chức sáu vĩnh viễn.

Giáo luật mới còn thêm

   - " trong trường hợp cần thiết, khi thiếu các thứa tác viên có chức thánh, người giáo dân có thể đảm nhận phận sự rao giảng lời Chúa, chủ toạ các buổi cầu kinh phụng vụ, chủ sự phép Rửa Tội và phân phát Mình Thánh cho rước lễ. Tuy nhiên nhiệm vụ của một cha xứ, theo Giáo Luật ( can. 230), thường vẫn phải được giao cho một linh mục. 

Và rồi do một vài hiểu lầm và lạm dụng, Tòa Thánh đã ra một Huấn Dụ để xác định năm 1997 ( Istruzione su alcune questioni circa la collaborazione dei laici al ministero dei sacerdoti).

Huấn Dụ định rõ lãnh vực của thiên chức linh mục chung của giáo dân ( sacerdozio comune) , khác với chức linh mục được truyền chức ( ordinato) của các linh mục.

Nhờ quyền năng của Phép Rửa và Phép Thêm Sức, giáo dân hay linh mục đều là thành phần dân Chúa duy nhất: chỉ có một dân duy nhứt được Thiên Chúa chọn lựa:

   - " Một Thân Thể duy nhứt, một Thánh Thần duy nhứt, một Thiên Chúa duy nhứt, một đức tin duy nhứt , một phép Rửa duy nhứt" ( Eph 4,5). 

Sự khác biệt là sự khác biệt do  cách thức tham dự vào một thiên chức linh mục duy nhứt và bất khả phân chia của Chúa Giêsu. Nhưng chức linh mục chung  chức linh mục thừa tác viên ( sacerdozio ministeriale) hỗ trợ lẫn nhau:

   - " Thiên chức linh mục chung của giáo dân và  thiên chức linh mục thừa tác  hay của hàng giáo phẩm ( sacerdozio ministeriale o gerarchico) , mặc dầu khác biệt nhau về bản chất chớ không những chỉ về thứ bậc, được Chúa ban cho  thiên chức nầy hổ trợ thiên chức kia, bởi vì cả hai, mỗi chức tùy theo cách thức của mình, đều tham dự vào chức linh mục duy nhứt của Chúa Ki Tô"  ( Lumen Gentium, 10).    

Do đó người giáo dân ngay cả lúc hành xử những chức vụ mục vụ được giao cho họ để thay thế linh mục,họ vẫn là giáo dân chớ không trở thành          " chủ chăn" ( Huấn Dụ 1997, Istruzione su alcune collaborazioni…, cit., 14.11.1997). 

Những đoàn thể giáo dân mới.

Ngoài ra đoàn thể Công Giáo Tiến Hành (  Azione Cattolica) và nhiều tổ chức có truyền thống khác, sau Công Đồng Vatican II, có rất nhiều  tổ chức giáo dân  được thành lập trong cuộc sống Giáo Hội.

Nhiều tổ chức và phong trào, từ mục đích " để có một đời sống đạo đức hoàn hảo hơn, đến việc thăng tiến  phượng tự công cộng hay thăng tiến giáo lý Ki Tô giáo, cổ động những hoạt động tông đồ như rao giảng Phúc Âm, tổ chức tỉnh tâm và bác ái", " các hiệp hội với nhiều hình thức khác nhau để đem tinh thần Ki Tô giáo năng động hóa các lãnh vực trần thế" ( can.  215; 298, 1; 299,3 ). 

Các tổ chức, hiệp hội và phong trào như vừa kể đã đưa đến nhiều kết quẳ đáng kể:

   - tìm gặp lại niềm tin sống động nơi Chúa Giêsu,

   - tìm lại được kích thích và hạnh phúc trong những giây phút cầu nguyện,

   - nỗi vui mừng và hăng hái của cuộc sống và làm chứng  đức tin,

   - lòng quảng đại Ki Tô giáo đối với những ai khó nghèo,

   - tăng trưởng thêm số lượng ơn gọi linh mục và tu sĩ.

Nhưng trên bình diện mục vụ và cơ chế, các tổ chức, 

   -  " hiệp hội và phong trào vừa kể cũng có thể gây ngộ nhận, tình trạng căng thẳng giữa tổ chức nầy đối với tổ chức khác, giữa tổ chức với giáo quyền" ( Diển từ ĐTC Gioan Phaolồ II  trước các Phong Trào trong Giáo Hội, cf. Osservatore Romano, 1-2.6.1998, p.6). 

Để tránh những vấn đề vừa kể, Huấn Dụ Christi Fideles Laici  xác định một vài tiêu chuẩn rõ rệt để nhận biết và phán đoán các  tổ chức, hiệp hội giáo dân ( Christi Fideles Laici, 30).

Nhưng có lẽ vấn đề

   - không phải là " công nhận và phê chuẩn theo giáo luật "

   - cho bằng ý thức và kinh nghiệm của việc thông hiệp thiêng liêng của tất cả thành phần dân Chúa trong cộng đồng Giáo Hội.

Nói cách khác, ý thức những bước tiến của các thành phần cộng đồng dân Chúa đến trưởng thành qua việc hoạt động và chung sống trong hợp nhất của nhiều thành phần khác nhau và với nhiều hoạt động khác nhau ( Unitas in diversitate).

Đó là ý nghĩa của Huấn Từ ĐTC Gioan Phaolồ II cho Đại Hội các Phong Trào trong Giáo Hội ở Roma, tại Công Trường Thánh Phêro 27-29.5.1998: 

   - " Các Phong Trào là thành phần của chính bản thể Giáo Hội. Nơi các Phong Trào, hợp nhứt không bao giờ có ý  nghĩa là phẳng lặng đồng nhất, loại trừ khác biệt; cũng như đa dạng không bao giờ đồng nghĩa với phe nhóm hoặc phân tán" ( Gioan Phaolồ II, Messaggio ai partecipanti al IV Congresso mondiale dei Movimenti ecclesiali ( 27-29.5.1998), in Osservatore Romano, 28.5.1998, p.6).   

Và ĐTC cũng còn nhắn nhủ:

   - " Chúng ta đừng quên rằng mỗi ân sủng được Chúa ban cho là ban cho để cho lợi ích chung,  lợi ích của cả Giáo Hội , kinh nghiệm cũng như hoạt động của các Phong Trào cần phải được hội nhập vào môi trường Giáo Hội địa phương và các họ đạo, luôn luôn thông hiệp với các Vị Chủ Chăn và quan tâm đến các lời hướng dẫn của các Ngài" ( Gioan Phaolồ II, Discorso in Piazza S. Pietro ( 30.5.1998), in Osservatore Romano, 1-2.6.1998, p.6) 

b)  Liên quan giữa đức tin và lịch sử.

Có lẽ một trong những vấn đề phức tạp nhứt hiện nay sau 40 năm Công Đồng kết thúc và 18 năm sau Huấn Từ Christi Fideles Laici là vấn đề liên hệ

- giữa đức tin và cuộc sống, giữa đức tin và văn hóa,

- giữa đức tin và lịch sử trong bối cảnh xã hội trần thế hoá của các Quốc Gia tự do và xã hội bị vô thần hóa, con người bị tha hóa và đê tiện hóa của các Quốc Gia Công Sản như Việt Nam.

Vấn đề phức tạp không phải trên phương diện nguyên tắc cho bằng áp dụng thực hành trong  bối cảnh lịch sử đang chuyển hoá. 

(  a ) Người giáo dân của ngàn năm thứ ba.

Về phưong diện nguyên tắc, chúng ta đã có những định hướng khá rõ ràng để có thể quy định " căn tính" ( identité) của người tín hữu giáo dân trưởng thành của ngàn năm lẻ ba.

Các Ki Tô hữu của ngàn năm thứ ba là một nhóm người thiểu số, nhưng đó cũng có thể là một trạng thái tinh lọc qúy báu , chuẩn bị cho một mùa ân sủng mới

Có kinh nghiệm là một nhúm bột men, một hạt cải và một đoàn chiên nhỏ không phải là bại trận, mà là điều kiện để làm cho thế giới dậy men và lớn lên trong ân sủng Ki Tô giáo.

Các tín hữu Chúa Ki Tô của ngàn năm thứ  ba  là những người xem việc phục vụ người nghèo và những ai bị loại ra bên lề xã hội là những ưu tiên không thể  từ chối được.

Chương trình hành động bác ái  ưu tiên của họ

   - không những chỉ nhằm trợ giúp những ai đang sống trong cấp thiết,

   - mà là đồng  thuận,  hợp tác với những người thiện chí một " một thỏa ước xã hội mới ", một định chế mới, được thiết lập trên những giá trị luân lý chung, để

     * vượt thắng ích kỹ,

     * kỳ thị chủng tộc,

     * tiêu thụ chủ nghĩa,

     * hành xử vô luân lý, đê  tiện hoá con người và những tệ nạn xã hội khác xúc phạm đến Thiên Chúa.

Người tín hữu giáo dân của ngàn năm thứ ba không thể không suy nghĩ đến những đồ án mới cao cả hơn, tốt đẹp hơn cho cuộc sống Quốc Gia và xã hội mà họ nghĩ phải cùng xây dựng với người khác.

Người giáo dân không thể chỉ  thỏa mãn giới hạn tranh đấu cho vấn đề nầy hay vấn đề khác, để bênh vực một giá trị nầy hay giá trị khác.

Người giáo dân luôn luôn phải hiện diện trong đời sống văn hóa, xã hội, chính trị,  với lòng ngay chính và khả năng chuyên môn vận dụng các phương tiện có được để truyền bá một nền văn hóa đặt trên giá trị và hội tựu đồng thuận của những nguời thành tâm.

Và cũng chính gì đó mà người giáo dân của ngàn năm thứ ba  

   - " không thể nào không dấn thân vào môi trường chính trị .  Những ý kiến cho rằng làm chính trị là mưu đồ để thành đạt, là tôn thờ quyền lực như thần tượng, là ích kỹ và thối nát, hoặc cho rằng môi trường chính trị là chắc chắn môi trường nguy hiểm cho luân lý, không thể nào đưa ra những lý do chính đáng để biện minh cho thái độ ngờ vực hoặc trốn tránh trách nhiệm của người Ki Tô hữu đối với công việc chung" ( Christi Fideles Laici, 42). 

   - " ngoài đức bác ái tôn giáo ra, không có bác ái nào cao cả hơn đức bác ái chính trị, vì chính trị liên quan mật thiết với đời sống con người" ( Pio XI, Discorso FUCI 1927, Osservatore Romano 15.8.1927, p.3). 

   - " việc dấn thân vào chính trị là phương thế cần thiết, mặc dầu không phải là phương thế duy nhứt, để người công giáo thực thi đức bác ái phục vụ người khác" ( Phaolồ VI, Octogesima Adveniens, 46).  

( b ) Người tín hữu giáo dân hiện diện trong chính trị.

Trong một xã hội dân chủ đa nguyên, dĩ nhiên là người giáo dân có quyền suy nghĩ và hành xử quyền tự do chính trị theo lương tâm và theo chính hướng mà mình xác tín.

Tuy nhiên trong cách hành xử theo nguyên tắc đa nguyên, người tín hữu phải hành động trong chính trị  phù  hợp với lương tâm và những giá trị của đức tin, được soi sáng bằng  huấn dụ xã hội của Giáo Hội.

Hành động phù hợp với lương tâm và đức tin như vừa kể có thể góp phần soạn thảo và chấp  thuận các chương trình chính trị phù hợp với những lý tưởng Ki Tô giáo.

Kế đến người tín hữu giáo dân cũng có trách nhiệm phán đoán những chương trình chính trị do người khác, ý thức hệ và chế độ do người khác lãnh đạo đề thảo ra, bởi vì không phải bất cứ ý thức hệ nào và chương trình chính trị nào cũng phù hợp với đức tin Ki Tô giáo. Và từ đó thái độ phải có của người giáo dân trưởng thành là 

   - " không thể gia nhập dễ dàng vào các tổ chức chính trị và xã hội nào đi ngược lại hay không quan tâm đủ đến các nguyên tắc huấn dụ xã hội của Giáo Hội đối với nhân phẩm con người và đối với việc tôn trọng đời sống con người, tôn trọng gia đình, tự do giáo dục, liên đới, thăng tiến công lý và hoà bình" ( Gioan Phaolồ II, Discorso al Convegno Ecclesiale di Palermo ( 23.11.1995), in " Il Regno", n.21, 01.12.1995, p.671).

 
VỀ MỤC LỤC
Ba trụ cột của Kitô giáo  

 

Nguyên tác: Taking Flight - Bay Lên Đi

Tác giả: Anthony de Mello, S.J.

Chuyển ngữ: Lm. Minh Anh (Gp. Huế)

Chỉ dẫn: 

Tốt nhất, các câu chuyện sẽ được đọc theo thứ tự như đã sắp xếp. Mỗi lần đọc không quá một hoặc hai mẩu chuyện nếu bạn ước ao có được một cái gì đó hơn là chỉ giải trí.

Lưu ý: 

Các chuyện kể trong tập sách này đến từ nhiều đất nước, nhiều nền văn hoá và tôn giáo khác nhau; chúng thuộc về những di sản thiêng liêng, những câu chuyện hài hước được ưa chuộng của dòng đời nhân loại. 

Những gì tác giả làm là xâu kết chúng lại với nhau theo một ý hướng đặc thù. Công việc của tác giả là công việc của người thợ dệt và thợ nhuộm, tác giả chẳng có công trạng gì về những tấm vải và những sợi chỉ.  

LTS. Chỉ dẫn và lưu ý trên đây là của tác giả. Tuy nhiên, vì Đặc San GSVN chỉ phát hành 2 tuần một lần nên mỗi số báo BBT xin giới thiệu trung bình từ 5 đến 7 mẫu chuyện. Bạn đọc có thể lưu lại để nghiền ngẫm suy tư.

 

Chủ đề: Ý Thức

35. Ba trụ cột của Kitô giáo  

Một cuộc bách hại đạo thánh dữ dội bùng nổ trên toàn đất nước và ba trụ cột của Kitô giáo - Thánh Kinh, Thờ Phượng và Bác Ái, diện kiến Thiên Chúa để bộc bạch nỗi lo lắng của họ rằng, nếu tôn giáo bị nghiền nát, cả ba không còn lý do gì nữa để tồn tại. 

Chúa liền bảo, “Đừng lo, Ta dự định phái xuống trần gian một Đấng lớn hơn các ngươi”. 

“Tên Đấng ấy là gì?”. 

Chúa nói, “Biết mình”. “Đấng ấy sẽ làm những việc lớn lao hơn bất cứ vị nào trong các ngươi đã làm”. 

ڰ  

36. Tự phụ và hiểu biết  

Ba nhà hiền triết cùng thực hiện một cuộc hành trình, vì dẫu được coi là khôn ngoan trong xứ sở, họ vẫn đủ khiêm tốn để hy vọng chuyến đi sẽ mở mang sự hiểu biết của mình.  

Vừa bước vào một đất nước láng giềng, họ thấy tự đàng xa một ngôi nhà chọc trời; chắc phải là một vật gì dữ tợn lắm, họ tự hỏi. Hiển nhiên là cứ đến và xem. Nhưng không, làm như vậy có vẻ nguy hiểm quá. Có thể đó là một cái gì sẽ nổ tung nếu có ai đến gần? Sẽ khôn ngoan hơn khi cùng nhau quyết định đó là cái gì trước khi đến xem nó. Nhiều lý thuyết khác nhau được đặt ra, cân nhắc, và theo kinh nghiệm đã có, họ loại bỏ các lý thuyết ấy. Sau cùng, vẫn dựa trên nền tảng kinh nghiệm phong phú bao đời của mình, họ xác định, dù gì đi nữa, vật ấy cũng chỉ có thể được đem đặt ở đó bởi những người khổng lồ. 

Điều này dẫn họ đến kết luận: sẽ an toàn hơn cho cả ba người, họ nên rời khỏi xứ này. Vậy là họ lui gót về quê, thêm một chút gì đó vào kho kinh nghiệm của mình.  

Tự phụ làm lệch lạc óc nhận xét

Nhận xét đưa ra điều mình nghĩ

Điều mình nghĩ sản sinh kinh nghiệm

Kinh nghiệm phát sinh thái độ

và rồi, thái độ lại củng cố óc tự phụ. 

ڰ  

37. Cố chấp 

Hai người thợ săn thuê một chiếc máy bay để tới một khu rừng. Hai tuần sau, viên  phi công trở lại đón họ. Nhìn những con thú họ bắn được, viên  phi công nói, “Máy bay này chỉ chở được một con bò rừng. Các anh phải bỏ lại một con”. 

Những người thợ săn phản đối, “Nhưng năm ngoái, viên phi công để chúng tôi chở đến hai con cũng trong chiếc máy bay kích cỡ này”. 

Có phần nghi ngại, nhưng cuối cùng viên phi công nói, “Nếu năm ngoái các anh chở được như vậy, thì tôi nghĩ chúng ta cũng có thể chở lại thôi”. 

Thế là máy bay cất cánh với ba người và hai con bò rừng. Nhưng nó không thể đạt độ cao và đâm sầm xuống một ngọn đồi kế cận. Ba người bò ra và nhìn quanh. Một người hỏi người kia, “Theo anh, chúng ta đang ở đâu?”. Người kia quan sát chung quanh rồi nói, “Tôi nghĩ, chừng hai dặm về phía trái chỗ máy bay rớt năm ngoái”.  

ڰ  

38. Cậu tôi? 

Một đôi vợ chồng trở về nhà sau đám tang của người cậu tên Geoges, người đã sống với họ hai mươi năm với bao phiền toái ông gây nên đến nỗi suýt làm hỏng cuộc hôn nhân của họ. 

“Này em, có điều này anh phải nói với em”. Anh chồng nói. “Nếu không vì tình yêu dành cho em, anh hẳn không chịu đựng được cậu Geoges của em dù chỉ một ngày”.  

“Cậu Geoges của em?”. Cô vợ kinh hoàng kêu lên, “Em nghĩ ông ấy là cậu của anh chứ!”. 

ڰ  

38. Lời đồn  

Mùa hè năm 1946, tin đồn về một nạn đói được truyền đi khắp tỉnh một vùng Nam Mỹ. Sự thật thì năm ấy vẫn được mùa, thời tiết thuận lợi cho một mùa bội thu. Nhưng cả tin vào lời đồn đại đó, hai mươi ngàn nông dân bỏ ruộng đồng để lên thành phố. Vì quyết định của họ, mùa màng thất thu, hàng ngàn người chết đói, và tin đồn về nạn đói là đúng. 

ڰ  

39. Tranh luận với Giáo Hoàng 

Nhiều năm về trước, vào thời Trung Cổ, các vị cố vấn thúc ép Đức Giáo hoàng đuổi hết người Do Thái ra khỏi Roma. Họ nói, thật khó coi khi những người này cứ sống nhởn nhơ ngay giữa trung tâm của đạo Công giáo. Một sắc chỉ trục xuất được phác thảo và ban hành khiến người Do Thái rất đổi kinh hoàng. Họ biết, dù đi đâu, họ cũng sẽ bị đối xử tệ hơn ở Roma. Vậy là họ đến cầu cứu Đức Giáo hoàng, xin ngài xét lại sắc chỉ. Là một người không thiên vị, Đức Giáo hoàng đưa ra một đề nghị thẳng thắn: những người Do Thái hãy chọn cho mình một người ra tranh luận với ngài mà không dùng lời nói. Nếu người của họ thắng, họ được ở lại. 

Cộng đồng Do Thái họp nhau để xem xét đề nghị. Từ chối đề nghị là chấp nhận ra đi, đồng ý tranh luận là đón lấy thất bại, vì ai có thể thắng trong cuộc tranh luận mà Đức Giáo hoàng vừa là người tranh luận vừa là người phán quyết? Dẫu thế, không còn con đường nào khác ngoài việc đồng ý. Chỉ có một điều là không thể tìm được người tình nguyện sẽ ra tranh luận với Đức Giáo hoàng. Gánh nặng vận mệnh của cả một cộng đồng Do Thái là điều không một người nào có thể gánh lấy.

Khi người gác cổng hội đường nghe biết những gì đang xảy ra, anh đến gặp vị Trưởng kinh sư và tình nguyện đại diện cho cộng đồng trong cuộc tranh luận này. Nghe vậy, các kinh sư khác lên tiếng, “Anh gác cổng? Không thể được!”. 

Vị kinh sư trưởng nói, “Vì không ai trong chúng ta tình nguyện, nên hoặc là anh gác cổng hoặc là không tranh luận”. Vì không tìm được ai khác nên anh gác cổng được chỉ định đi tranh luận với Đức Giáo hoàng.

 Ngày trọng đại đến, Đức Giáo hoàng an vị trên ngai toà tại công trường thánh Phêrô, chung quanh có các hồng y, đối diện là đông đảo các giám mục, linh mục và giáo dân. Chẳng mấy chốc, phái đoàn ít ỏi của người Do Thái đến với những chiếc áo choàng đen, những vị râu dài và anh gác cổng ở giữa. 

Đức Giáo hoàng quay về phía anh gác cổng và cuộc tranh luận bắt đầu. Đức Giáo hoàng trịnh trọng đưa một ngón tay lên và vạch ngang trời. Lập tức anh gác cổng chìa ngón tay xuống đất một cách rõ nét. Xem ra Đức Giáo hoàng có vẻ lùi lại. Rồi thậm chí còn trịnh trọng hơn, ngài lại đưa một ngón tay lên chỉ thẳng mặt anh gác cổng và giữ như thế. Lập tức, anh gác cổng liền đưa ba ngón tay lên chỉ thẳng Đức Giáo hoàng và cũng giữ như vậy. Xem ra ngài kinh ngạc vì cử chỉ đó. Rồi Đức Giáo hoàng thọc tay vào túi, lấy ra một trái táo; anh gác cổng lại cũng đút tay vào túi mình lấy ra một lát bánh không men. Đúng lúc này, Đức Giáo hoàng lớn tiếng tuyên bố, “Người đại diện cộng đồng Do Thái thắng cuộc. Sắc chỉ trục xuất được huỷ!”. 

Lập tức, các chức sắc Do Thái vây quanh người gác cổng và dẫn anh ta đi. Các hồng y cũng tập họp quanh Đức Giáo hoàng trong nỗi ngạc nhiên. Họ hỏi, “Tâu Đức Thánh Cha, chuyện gì vậy?”. Ngài bảo, “Chúng ta không thể tiếp tục cuộc đấu tài đấu trí chóng vánh này được”. 

Quệt mồ hôi trán, ngài nói: “Y là một thần học gia tài giỏi, một bậc thầy tranh luận. Ta bắt đầu bằng cách vạch ngón tay lên trời để nói rằng toàn thể vũ trụ đều thuộc về Thiên Chúa. Anh ta lại chỉ một ngón tay xuống đất để nhắc ta rằng, còn có một nơi được gọi là hỏa ngục, nơi ma quỉ làm bá chủ. Ta lại đưa một ngón tay lên để nói rằng Thiên Chúa, Đấng độc nhất. Các ngươi tưởng tượng ta kinh ngạc làm sao khi đối thủ đưa ba ngón tay lên để nói rằng, Thiên Chúa duy nhất cùng tỏ mình ra trong Ba Ngôi, qua đó, anh chân nhận giáo lý của chúng ta về mầu nhiệm Ba Ngôi! Biết rằng không thể nào thắng được nhà thần học tài ba đó, ta chuyển cuộc tranh luận sang một lãnh vực khác. Ta lấy ra một quả táo để nói rằng, một vài tư tưởng mới cho rằng trái đất thì tròn. Tức khắc, ông ấy lấy ra một lát bánh không men nhằm nhắc Ta, theo Kinh Thánh, trái đất lại phẳng. Vậy là chẳng còn gì nữa ngoài việc thừa nhận chiến thắng thuộc về ông ấy?”. 

Lúc này cộng đồng Do Thái kéo nhau về hội đường của mình, họ hoang mang hỏi anh gác cổng, “Chuyện gì vậy?”.  

“Toàn chuyện tầm phào!”, anh phẩn nộ trả lời, “Này coi, trước hết Đức Giáo hoàng vung tay như muốn nói tất cả những người Do Thái phải ra khỏi Roma. Thế là tôi chỉ ngay xuống đất để ngài hiểu rõ rằng chúng ta chẳng đi đâu cả. Rồi ngài chỉ ngón tay đầy đe doạ vào tôi như để nói, “Đừng hỗn xược!”. Thế là tôi đưa luôn cả ba ngón tay để nói với ngài rằng, chính ngài ba lần tráo trở với chúng ta khi độc đoán buộc chúng ta rời khỏi Roma. Chuyện tiếp theo, là tôi thấy ngài lấy phần ăn trưa của mình ra và tôi cũng lấy phần ăn của tôi ra”.

(còn tiếp nhiều kỳ)

 

VỀ MỤC LỤC
MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CỦA LINH ĐẠO LINH MỤC GIÁO PHẬN

 

Mời thăm Blog của Lm. Trần Minh Huy http://chivilongchuathuongtoi.blogspot.com/

 

BẢN THẢO

ỨNG SINH LINH MỤC HỌC & SỐNG LINH ĐẠO LINH MỤC GIÁO PHẬN

GIÁO TRÌNH TU ĐỨC LỚP THẦN II & III

ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE HÀ NỘI 

2011-2012

 

CHƯƠNG MỘT:

ỨNG SINH LINH MỤC HỌC & SỐNG LINH ĐẠO LINH MỤC GIÁO PHẬN (tiếp theo)

C. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CỦA LINH ĐẠO LINH MỤC GIÁO PHẬN[126]

 

C.1. Việc nhập tịch trong một Giáo hội địa phương

Văn kiện Hướng dẫn mục vụ dành cho linh mục giáo phận của Bộ Truyền Giáo ban hành năm 1989 nói rằng “đời sống trong Thánh Thần làm cho linh mục trở nên dấu chỉ hiện thân và đặc trưng của Chúa Kitô trong việc phục vụ Giáo hội địa phương và phổ quát, hiệp thông với đặc sủng của Giám mục.”[127] Còn Sắc lệnh Chức vụ và đời sống linh mục tóm tắt “do chức thánh và sứ mệnh lãnh nhận nơi Giám mục, linh mục được đặc cử để phụng sự Chúa Kitô là Thầy, là Linh mục và là Vua; tham dự vào chức vụ của Người là ngày ngày kiến tạo Giáo hội ở trần gian thành Dân Chúa, Thân thể Chúa Kitô và đền thờ Chúa Thánh Thần,”[128] nghĩa là “linh mục được một bí tích riêng in dấu đặc biệt khi được Chúa Thánh Thần xức dầu, nên giống Chúa Kitô Linh mục, đến đỗi có quyền thay mặt Chúa Kitô là Đầu mà hành động.”[129] 

Có người hỏi: “Các Dòng thường do một đấng sáng lập theo một đặc sủng và linh đạo cụ thể, còn các linh mục giáo phận do ai lập và linh đạo thế nào?” Với tất cả lòng xác tín, các linh mục giáo phận có thể trả lời rằng “chúng tôi được chính Chúa Giêsu Kitô lập và chúng tôi cũng có linh đạo riêng của mình.” Và nét đặc trưng đầu tiên của linh đạo linh mục giáo phận[130] là việc nhập tịch vào một Giáo Hội địa phương, hiệp thông với Giám mục kế vị các tông đồ, tạo nên một gia đình linh mục trong Giáo phận (linh mục đoàn), phục vụ lâu dài Giáo hội địa phương này, trong khi vẫn sẵn sàng phục vụ Giáo Hội phổ quát.  

Như thế, linh đạo linh mục giáo phận (cũng gọi là linh mục triều) bao gồm “một sự gắn bó yêu thương hết lòng theo Chúa Kitô, Đấng được Chúa Cha sai đến và được Chúa Thánh Thần thánh hiến, hiệp nhất thân mật và quảng đại vâng phục Đức Giáo Hoàng và Giám mục Bản quyền, thân mật huynh đệ với Linh mục đoàn địa phương, phục vụ các tín hữu của Giáo hội địa phương và sẵn lòng trợ giúp các Giáo hội khác đang thiếu thốn, và Phúc âm hoá lương dân.[131] Ơn gọi, sự thánh hiến và sứ mạng của linh mục giáo phận là “tham dự vào thực thể của Chúa Kitô, được Thánh Thần thánh hiến, được Chúa Cha sai đi,[132] và hằng tiếp tục trong Giáo hội,[133] có Đức Maria luôn gần gũi nâng đỡ. 

Nói cách khác, linh mục giáo phận nhập tịch vào một giáo phận, thuộc về giáo phận, trực tiếp ở dưới quyền và vâng lời Giám Mục giáo phận, hiệp nhất với linh mục đoàn, thi hành chức vụ linh mục và đảm nhận những công tác do Giám Mục Bản quyền chỉ định, thường ở trong các giáo xứ thuộc giáo phận của mình. Đa số linh mục trên thế giới là linh mục giáo phận, sống giữa dân chúng trong thế gian và phục vụ giáo dân trong các giáo xứ.  

Linh mục giáo phận không khấn giữ ba lời khuyên Phúc Âm như các linh mục Dòng hay tu sĩ, nhưng sống chúng một cách khác bằng việc hứa vâng lời Giám mục Bản quyền và sống độc thân khiết tịnh, được làm chủ và sử dụng của cải theo ý mình, trong nếp sống giản dị để việc phục vụ mọi tầng lớp dân chúng được hiệu quả, trong tinh thần thuộc trọn vẹn về Chúa Kitô và trọn vẹn thuộc về Giáo Hội mà mình được kêu gọi hiến dâng phục vụ, với một tình yêu không chia sẻ, như hôn phu trung thành chung thủy với hôn thê của mình.

Linh mục giáo phận luôn tỉnh thức tìm khám phá và sống căn tính của mình mỗi ngày một cao độ hơn, nhằm ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô mục tử nhân lành. “Sự nhập tịch” của một linh mục giáo phận vào một Giáo hội địa phương xác định căn tính của ngài. Ngài mang trong tim một cảm thức “thuộc về” Giáo phận của mình, thuộc về Linh mục đoàn giáo phận, giáo dân của giáo phận, những điều kiện của giáo phận, lịch sử của giáo phận, những nét đặc trưng và linh đạo của giáo phận. Các ứng sinh được Ban Ơn Gọi của giáo phận tuyển chọn, đào tạo và được Giám mục Bản quyền gọi chịu chức là đương nhiên thuộc về giáo phận, không cần một thủ tục pháp lý nào khác, như một linh mục ở nơi khác đến xin nhập tịch vào giáo phận. “Cảm thức thuộc về giáo phận” này là nét độc đáo của linh mục giáo phận và phân biệt ngài với linh mục Dòng. Dĩ nhiên, các linh mục Dòng cũng “đóng góp những đặc sủng và những thừa tác vụ đặc biệt[134] làm phong phú cho giáo phận và thậm chí giúp đỡ giáo phận “mở rộng mạnh hơn đến Giáo hội trên toàn thế giới, bởi sự hiện diện của họ.”[135] Tuy nhiên cảm thức thuộc về và nguồn cội của các linh mục Dòng không phải ở trong một Giáo hội địa phương, nhưng ở trong một Hội Dòng vượt quá những biên giới của Giáo phận. 

Nhưng đối với linh mục giáo phận, việc nhập tịch trong một Giáo hội địa phương “không bị giới hạn trong một ràng buộc hoàn toàn pháp lý, mà còn liên hệ đến một loạt thái độ cũng như những quyết định mục vụ và thiêng liêng giúp phát triển những đặc điểm đặc trưng của ơn gọi linh mục.”[136] Linh mục giáo phận “khám phá trong sự thuộc về và sự hiến dâng cho Giáo hội địa phương này một kho tàng ý nghĩa, tiêu chuẩn cho sự biện phân và hành động tạo hình cho cả đời sống mục vụ và thiêng liêng của ngài[137] đến mức độ thậm chí hy sinh mạng sống mình để xây dựng Giáo hội tại Giáo phận của mình. 

Sự nhập tịch không giới hạn một linh mục giáo phận trong tính địa phương của một giáo phận riêng lẻ, bởi chính nhờ sự kiện được nhập tịch vào một Giáo hội địa phương, linh mục mở ra với Giáo Hội Phổ quát: “Tư cách thành viên và sự hiến dâng cho một Giáo hội địa phương không giới hạn hoạt động và cuộc sống của linh mục trong Giáo hội đó: Không thể có một sự hạn chế loại này, do chính bản chất của cả Giáo hội địa phương và của thừa tác vụ linh mục trong Giáo Hội phổ quát.”[138] Công Đồng Vat. II phát biểu rõ ràng rằng mỗi thừa tác vụ linh mục tham dự vào tính phổ quát của sứ mạng được Chúa Kitô uỷ thác cho các Tông đồ.[139] Do đó, đời sống thiêng liêng của linh mục giáo phận “được ghi dấu sâu xa bởi nhiệt tình và động lực truyền giáo[140] không bị hạn chế trong một Giáo phận riêng, nhưng bao trùm toàn thể Giáo Hội và toàn thể thế giới. Trong cùng xu hướng này, linh mục giáo phận có bổn phận “đào tạo cộng đoàn được trao phó cho mình trở nên một cộng đoàn truyền giáo thực sự,[141] hiệp nhất trong sự hiệp thông với tất cả các cộng đoàn khác trong Giáo phận, với tất cả các Giáo hội địa phương khác trên khắp thế giới và với Giáo hội Phổ quát dưới quyền lãnh đạo của Đức Thánh Cha. 

Một yếu tố không thể loại trừ trong linh đạo của linh mục giáo phận là sự hiệp thông với Giám Mục Bản Quyền được diễn tả qua sự vâng lời Ngài. Linh mục giáo phận luôn nhớ rằng “mối quan hệ của ngài trong linh mục đoàn với Giám Mục, sự chia sẻ mối quan tâm về Giáo hội của Giám Mục, và lòng tận tuỵ săn sóc dân Chúa của Giám mục trong những điều kiện lịch sử và bối cảnh đặc trưng của một Giáo hội địa phương là những yếu tố phải được quan tâm khi phác hoạ hình dạng thích hợp của linh mục giáo phận và đời sống thiêng liêng của ngài.[142] 

Sự vâng lời mà linh mục giáo phận hứa với Giám Mục Bản Quyền trong lễ Phong chức có tính tông truyền: công nhận, yêu mến và phục vụ Giáo Hội trong cấu trúc phẩm trật của Giáo hội.[143] Thừa tác vụ linh mục thực sự bắt nguồn từ sự hiệp thông của linh mục với Giáo hội địa phương mà ngài thuộc về và với Giáo hội phổ quát, cùng hướng đến việc nâng đỡ, củng cố và xây dựng sự hiệp thông này. Sự quy phục liên hệ với sự vâng lời tuyệt nhiên không phải là một “sự hạ nhục,” nhưng phát sinh từ “tự do có trách nhiệm” và sự công nhận ‘ân sủng biện phân” được chính Chúa ban cho các Tông đồ và những Đấng kế vị để trung thành bảo vệ mầu nhiệm của Giáo hội và phục vụ cấu trúc của cộng đoàn Kitô suốt con đường chung đi đến ơn cứu độ.[144]  

Sự vâng lời của linh mục giáo phận đối với Giám Mục và ĐGH không chỉ như với những cá nhân, nhưng để duy trì Giáo hội trong sự hiệp nhất, hầu Giáo hội có thể là dấu chỉ và là người mang Vương quốc của Thiên Chúa. Nhờ sự vâng lời và cộng tác hài hòa với những kế hoạch và chính sách của Giám Mục Giáo phận, linh mục giáo phận duy trì sự hiệp nhất của cộng đoàn được trao phó cho ngài chăm sóc, sự hiệp nhất của linh mục đoàn và sự hiệp nhất của toàn thể Giáo hội địa phương. Nhờ sự hiệp nhất này, sự hiệp thông của Giáo hội phổ quát được kiến tạo. 

Sự vâng lời này đòi hỏi “một tinh thần khổ chế,”[145] một ước muốn vượt lên trên cái tôi của mình, một sự sẵn sàng không tìm kiếm ý riêng của mình, nhưng luôn luôn tìm kiếm ý muốn của Thiên Chúa được diễn tả trong những chỉ thị của Giám Mục và của Giáo hội, gạt bỏ tất cả mọi hình thức ghen tương, đố kỵ, cạnh tranh và phe nhóm, luôn giữ cảm thức thuộc về trong sự liên đới với một linh mục đoàn duy nhất.[146] Sự vâng lời cũng có một “đặc tính mục vụ[147] khi nó hướng đến việc phục vụ giáo dân, khiến linh mục bị hao mòn bởi những nhu cầu và đòi hỏi của đàn chiên.[148]  

Chúng ta có thể tóm tắt tất cả những gì được nói ở trên trong một câu là linh đạo của linh mục giáo phận đặt nền tảng trọn vẹn trên sự đồng hình đồng dạng có tính bí tích của linh mục với Chúa Kitô trong ba thừa tác vụ Tư tế, Tiên tri và Vương đế, phù hợp với ba chức năng thánh hoá, giảng dạy và lãnh đạo. Trong Giáo hội địa phương nơi ngài được nhập tịch, linh mục giáo phận luôn nỗ lực xây dựng sự hiệp thông của Giáo hội vì ích lợi cho sứ mạng của Giáo hội trong thế giới. Linh mục giáo phận phải chiêm ngắm nhiều hơn để đi vào trong mầu nhiệm này mỗi ngày, ngõ hầu đời sống và sứ vụ của ngài thực sự trở thành nguồn ân sủng và cứu độ cho Giáo phận ngài thuộc về.

 

C.2. Linh mục giáo phận sống mối hiệp thông phẩm trật 

Toàn thể Giáo Hội thông phần vào chức tư tế cộng đồng của Chúa Giêsu trong Chúa Thánh Thần. Hiệp thông với Chúa Kitô như là đầu của thân thể, chức tư tế thừa tác được trao ban cho các tông đồ trước tiên, tiếp đến được hiện hữu nơi các người kế vị là các Giám mục, rồi qua việc đặt tay truyền chức, các Giám mục thông truyền cho linh mục một phần chức linh mục trọn vẹn của mình.[149] Sắc lệnh Chức Vụ và Đời Sống Linh Mục viết: “Chúa Kitô đã sai các tông đồ như chính Người được Chúa Cha sai đi, và qua các tông đồ, Người đã làm cho các đấng kế vị là các Giám mục cũng được tham dự việc thánh hiến và sứ vụ của chính Người. Tác vụ này của Giám mục cũng được trao cho linh mục ở cấp độ tùy thuộc, để một khi đã gia nhập hàng linh mục, họ là những cộng sự viên của hàng Giám mục, chu toàn một cách tốt đẹp sứ vụ tông đồ do Chúa Kitô trao phó.”[150]   

Như thế, nhờ việc thánh hiến, linh mục được trao ban quyền bính thiêng liêng, thông phần vào quyền bính mà Chúa Kitô điều khiển Giáo Hội nhờ Chúa Thánh Thần, nghĩa là linh mục được thông hiệp cách riêng biệt và đặc thù với Thiên Chúa Ba Ngôi. Quả thế, bản chất và sứ vụ linh mục không thể được xác định nếu không có những tương quan bắt nguồn từ Chúa Ba Ngôi, được kéo dài trong sự hiệp thông của Hội Thánh và của toàn thể nhân loại.[151] Đời sống và sứ vụ của linh mục là tiếp nối đời sống và sứ vụ của Chúa Kitô. Căn tính linh mục liên quan thiết yếu với tình thương cứu độ của Chúa Cha, với sự tuyển chọn và kêu gọi đích danh của Chúa Kitô, và với ân huệ thông ban sự sống của Chúa Thánh Thần, nhờ đó linh mục giáo phận tìm được sức mạnh hướng dẫn cộng đoàn đã được trao phó cho mình, và gìn giữ cộng đoàn ấy trong sự hiệp nhất như Chúa muốn.[152]  

Do bí tích truyền chức và thừa tác vụ lãnh nhận, linh mục giáo phận liên kết và hiệp thông phẩm trật với Giám mục đoàn phục vụ toàn thể Giáo Hội, nên chức linh mục cũng có tính cách phổ quát, và dù nhập tịch ở một Giáo Hội địa phương, linh mục giáo phận phải có con tim và não trạng thừa sai, luôn rộng mở cho mọi nhu cầu của Giáo Hội và thế giới.[153] Linh mục giáo phận phải luôn sống trong sự hiệp thông phẩm trật này: “Không có thừa tác vụ linh mục ở ngoài sự hiệp thông với Đức Giáo Hoàng và Giám mục đoàn, đặc biệt với Giám mục giáo phận, trong lòng tôn kính như con thảo và sự tuân phục đã hứa khi thụ phong.”[154] Sự hiệp thông được diễn tả và củng cố qua cử hành Thánh Thể, nhất là thánh lễ đồng tế do Giám mục chủ sự với linh mục đoàn, cũng như qua sự hiệp nhất phẩm trật trong việc thi hành thừa tác vụ mục vụ:[155] Linh mục giáo phận không làm gì mà không có Giám mục, cũng như Giám mục không làm gì ngoài thánh ý Chúa.  

Trong huấn từ dịp Ad limina 2002, Đức Gioan Phaolô II đã khuyên các Giám Mục Việt Nam hãy luôn gần gũi hơn với các linh mục, quan tâm tới đời sống hàng ngày của họ, để nâng đỡ họ và đồng hành cùng họ, nhất là khi họ gặp thử thách vì thi hành sứ vụ; cung cấp cho họ một sự đào tạo thiêng liêng thích nghi với những thách đố trong việc truyền giáo mà họ phải đối diện.[156] Các Giám mục nên đi bước trước trong cuộc đối thoại thân hữu và thường xuyên với các linh mục trẻ, để họ có thể cởi mở và chân thành bàn cãi cách riêng tư, với sự hướng dẫn từ phụ của Giám Mục, về công việc, thành công và thất bại, kế hoạch và vấn đề, và về đời sống thiêng liêng của họ nữa.[157] THĐGMTG 1971 nhắc nhở các linh mục rằng thái độ của các linh mục giáo phận đối với Giám Mục phải là hợp tác, vâng lời, tình bạn, và nhìn thấy nơi Giám mục một người cha thực sự và vâng phục ngài với tất cả kính trọng. Sự vâng lời càng đến từ con tim (không phải bởi quyền lực hay lý lẽ), thì mối tương quan giữa Giám mục và linh mục giáo phận càng trở nên gần gũi và rồi mọi sự đều tốt đẹp.[158]  

Tuy nhiên, ngày nay trong việc điều hành Giáo Hội, Giáo phận và giáo xứ, người ta nhấn mạnh nhiều về nguyên lý bổ trợ (subsidiary principle).[159] Chớ gì chúng ta cũng quan tâm đưa vào thực hành nguyên lý này, chắc chắn sẽ có nhiều hiệu quả tốt đẹp và lớn lao hơn nữa so với những thành quả chúng ta hiện có. Nhiều người trong chúng ta có tính bao biện và cầu toàn, lấy lý do trình độ nữ tu và giáo dân thấp không làm được việc như ý mình mong muốn, rồi ôm đồm làm mọi thứ, không cho ai nhúng tay vào sợ hỏng việc, hoặc tín nhiệm ai thì giao cho người đó mọi việc, và khi không thích nữa thì tìm cách loại bỏ. Linh mục giáo phận nên theo nguyên tắc của người lãnh đạo tốt đào tạo cho có nhiều người làm việc, ban đầu chưa được sau sẽ được, qua tiến trình bốn bước: dạy cho người ta làm – giúp người ta làm – để cho người ta làm – rồi mình rút lui vì đã hoàn thành sứ mạng.  

Về nguyên lý bổ trợ, chúng ta có một điển hình tuyệt vời trong Kinh Thánh: Ông Môsê ngồi xử kiện cho dân và dân phải đứng chờ bên ông từ sáng đến chiều. Nhạc phụ của ông thấy tất cả những gì ông đã làm cho dân thì nói: “Anh đang làm gì cho dân vậy? Tại sao chỉ có một mình anh ngồi xử, trong khi cả dân đứng chầu chực anh từ sáng đến chiều?” Ông thưa với nhạc phụ: “Ấy là vì dân đến với con để thỉnh ý Thiên Chúa. Khi họ có việc gì, họ đến với con; con phân xử cho đôi bên và cho biết những thánh chỉ và lề luật của Thiên Chúa.”

Nhạc phụ ông Môsê nói với ông: “Anh làm như thế không tốt đâu! Chắc chắn anh sẽ kiệt sức, và cả dân đang ở đây với anh cũng vậy; vì công việc quá nặng đối với anh, anh không thể làm nổi một mình. Bây giờ anh hãy nghe lời tôi khuyên: Cầu chúc Thiên Chúa ở với anh! Còn anh, anh hãy đứng ra thay mặt dân trước nhan Thiên Chúa: chính anh sẽ trình các việc lên Thiên Chúa, sẽ dạy cho họ các thánh chỉ, các lề luật, và cho họ biết đường lối phải đi và cách phải xử sự. Rồi anh hãy xem trong toàn dân những ai là người có tài, biết kính sợ Thiên Chúa, đáng tin cậy, không ham của bất chính, thì đặt họ làm người chỉ huy điều khiển một ngàn hay một trăm, năm mươi hay mười người. Họ sẽ thường trực xử kiện cho dân; việc nào lớn thì họ trình lên anh, còn việc nào nhỏ thì chính họ xử lấy: hãy làm như vậy để nhẹ gánh cho anh. Họ phải gánh việc đỡ anh. Nếu anh làm điều đó, thì Thiên Chúa sẽ chỉ bảo cho anh, anh sẽ có thể đứng vững, và hơn nữa cả đám dân này có thể về nhà bình an.” Ông Môsê nghe lời nhạc phụ và đã làm tất cả những điều ông ấy nói. Ông chọn trong toàn dân Israel những người có tài và đặt họ làm đầu dân, điều khiển một ngàn hay một trăm, năm mươi hay mười người. Họ thường trực xử kiện cho dân: việc khó thì họ trình lên ông, mọi việc nhỏ thì chính họ xử lấy.[160] 

Mối hiệp thông của linh mục đoàn được thiết lập bởi đức ái tông đồ, thừa tác vụ và tình huynh đệ bí tích, diễn tả bằng việc đặt tay của linh mục đoàn trong nghi lễ truyền chức và việc nhập tịch/nhập vụ vào một Giáo hội địa phương.[161] Sắc lệnh Chức vụ và Đời sống linh mục đã mô tả mối hiệp thông đó bằng những lời lẽ thắm tình rằng “Các linh mục nhiều tuổi hãy đón nhận những linh mục trẻ như những người em thực sự, giúp đỡ họ trong những công tác và gánh nặng đầu tiên của sứ vụ linh mục; gắng hiểu tâm trạng của họ và theo dõi các dự tính của họ với thiện chí. Còn các linh mục trẻ phải biết kính trọng tuổi tác và kinh nghiệm của các vị lớn tuổi; bàn hỏi với các ngài và sẵn lòng cộng tác với các ngài trong việc chăm sóc các linh hồn.”[162]

Linh mục giáo phận còn sống hiệp thông với giáo dân, tu sĩ, những người sống đời thánh hiến, nỗ lực khơi dậy và phát triển sự đồng trách nhiệm trong cùng một sứ mạng cứu độ duy nhất của Giáo Hội.[163] Sắc lệnh Chức Vụ và Đời Sống Linh Mục nhắc nhớ rằng mọi tín hữu đều phải cùng nhau làm việc cho Nước Chúa, trong đó linh mục nhìn nhận và thăng tiến phẩm giá cùng sứ vụ của giáo dân, sẵn sàng lắng nghe giáo dân, coi trọng những ước vọng của giáo dân, nhìn nhận kinh nghiệm và chuyên môn của giáo dân trong các lãnh vực khác nhau của hoạt động nhân loại, tin tưởng vào phận vụ của giáo dân trong việc phục vụ Giáo Hội và Xã Hội, để giáo dân có đủ tự do và lãnh vực hoạt động, cũng như cơ hội thích hợp để gánh vác công việc theo sáng kiến của mình. Linh mục luôn cố gắng dẫn dắt giáo dân đi đến hiệp nhất, sự thật và công ích, hòa giải những khác biệt về tâm thức và trình độ, để không ai cảm thấy mình xa lạ ở trong cộng đồng Giáo Hội. Ngoài ra còn cố gắng tiếp tay với Chúa Thánh Thần để khơi dậy ơn gọi linh mục tiếp nối thừa tác vụ của mình.[164]

Giáo Hội là một cộng đoàn gồm những con người hiệp thông với Chúa Ba Ngôi và hiệp thông với nhau. Sự hiệp thông này mang hai chiều kích: hiệp thông hướng nội và hiệp thông hướng ngoại. Hiệp thông hướng nội bao hàm sự hiệp nhất và bổ sung cho nhau ngay trong lòng Giáo Hội với ĐTC, với các Giám mục, các linh mục, những người sống đời thánh hiến và giáo dân để trở thành “Giáo Hội tham gia”, nghĩa là mọi người đều đảm nhận ơn gọi và vai trò riêng của mình trong lòng Giáo Hội. Hiệp thông hướng ngoại là sự hiệp thông của Giáo Hội với thế giới, với mọi người thuộc mọi tôn giáo và văn hóa khác nhau nhằm rao giảng Tin Mừng. 

Các linh mục giáo phận luôn nỗ lực xây dựng một ý thức hiệp thông nhạy bén sâu sắc và một kinh nghiệm cá nhân sống động về việc xây dựng cộng đoàn, hiệp thông với Giám mục, với linh mục đoàn, với các tu sĩ, với các cộng sự viên, với giáo dân trong giáo xứ, hầu sống và làm việc trong hòa điệu và yêu thương, sẵn sàng đảm nhận những trách nhiệm và vai trò khác nhau trong cộng đồng Dân Thiên Chúa.

_______

Chú thích

[126] Phần này đã được dọn để giảng tĩnh tâm năm cho linh mục đoàn giáo phận Bùi Chu từ ngày 7-12/11/2011.

[127] Pastoral Guide for Diocesan Priests in Churches Dependent on the Congregation for the Evangelization of Peoples (1989), số 19.

[128] Vat. II, Presbyterorum Ordinis, số 1.      [129] Ibidem, số 2.

[130] Viết theo bài thuyết trình của Giám mục Anil COUTO tại Hội Nghị về đào tạo thiêng liêng cho linh mục do Ủy ban Giáo sĩ của FABC tổ chức tại Thái Lan 14-19/11/2010.

[131] Bộ Truyền Giáo, Hướng Dẫn Mục Vụ, số 20.       [132] x. Lc 4,18; Ga 10,36.

[133] x. Mt 28,20; Eph 1,23.          [134] Bộ Truyền Giáo, Hướng Dẫn Mục Vụ, số 20.

[135] Ibidem.              [136] Bộ Truyền Giáo, Hướng Dẫn Mục Vụ, số 20.

[137] Ibidem.            [138] Bộ Truyền Giáo, Hướng Dẫn Mục Vụ, số 32.

[139] Vat. II, Chức vụ và đời sống linh mục, số 12.         [140] JP II, Pastores Dabo Vobis, số 32.

[141] Ibidem.     [142] JP II, Pastores Dabo Vobis, số 31.

[143] JP II, Pastores Dabo Vobis, số 28.              [144] Ibidem.

[145] JP II, Pastores Dabo Vobis, số 28.         [146] Ibidem.

[147] Ibidem.        [148] Ibidem.

[149] JP II, Pastores Dabo Vobis, số 79.     [150] Vat. II, Presbyterorum Ordinis, số 2.

[151] JP. II, Pastores Dabo Vobis,  số 12.    [152] Chỉ Nam 1994 số 4-11; PO số 6

[153] Sđd. số 14-15.     [154] PDV. 28; LG. 28; PO 7,15; GL 245,2.

[155] Chỉ Nam 1994 số 22-24.

[156] UCANEWS, “The Church is waiting for the Total Respect of its Autonomy”…

[157] Và chương trình đào tạo linh mục của Giáo Hội Philippines năm 1972 đề nghị (CBCP, The Philippine Program of Priestly Formation 1972 … p.99).

[158] Priests in the communion of the Church: Relations between priests and bishop.

[159] Archbishop Celestino Migliore, Vatican 6/2/2009: “Luận lý của tình liên đới và nguyên lý bổ trợ là dụng cụ rất thích hợp để vượt lên mọi vấn đề và bảo đảm sự tham gia của mọi người cho công cuộc phát triển chung của cộng đồng”; JP II, Centesimus Annus, số 48 : «Nếu tôn trọng nguyên lý bổ trợ, tổ chức cấp trên không được can thiệp vào cuộc sống nội bộ của tổ chức cấp dưới bằng cách lấy đi những khả năng chuyên môn của nó, đúng hơn phải nâng đỡ nó khi cần thiết»

[160] Xh 18,13-27; x. Dnl 1,9-18.      [161] Chỉ Nam 1994 số 25-29.

[162] Vat. II, Presbyterorum Ordinis, số 8.

[163] Chỉ Nam 1994 số 30-31; Công nghị giáo phận Rôma 26-29/5/2009: Mọi thành viên Giáo hội và sự đồng trách nhiệm mục vụ.”

[164] Chỉ Nam 1994, số 32.

 
VỀ MỤC LỤC
THAY TIM

 

Ngày 24 tháng 3 năm 2012 vừa qua, tin tức về việc ghép thay tim của cựu Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Dick Chenney, 71 tuổi, đã được loan báo rộng rãi trên truyền thông đại chúng. Ông đã trải qua năm lần bi heart attack, nhiều lần đặt stent, by pass và đã đợi 20 tháng để nhận được một trái tim từ một ân nhân vô danh. Thông thường bệnh nhân khác chỉ đợi từ 6-12 tháng. Tình trạng sức khỏe của ông sau khi thay tim đựoc coi như là ổn định và vị bác sĩ thực hiện ghép tim cho hay là Phó Tổng Thống có thể sống ít nhất là trên 10 năm nữa.

Hàng năm tại Hoa Kỳ có gần 2500 người nhận được trái tim nhân đạo trong khi đó còn trên 16,000 người dưới 55 tuổi và khoảng 40,000 người trên 65 tuổi có thể có sức khỏe tốt nếu được thay tim.

Với ghép tim, xác xuất thoát khỏi tử vong suy tim là 83% trong năm đầu; 78,9% trong 2 năm kế tiếp; năm thứ ba là 75,4% và năm thứ tư là 71,7%.

Trái tim đầu tiên được thay ở người là vào ngày 3 tháng 12 năm 1967 tại Nam Phi do bác sĩ Christiaan N. Barnard thực hiện. Mặc dù bệnh nhân chỉ sống thêm được 18 ngày, nhưng bác sĩ Barnard đã mở đường cho việc thay tim trị bệnh ở người, vì cho tới thời điểm đó chỉ mới có thử nghiệm thay tim ở súc vật. Ngoài ra ông cũng là người đầu tiên lấy tim từ người hiến tặng mà não bộ mới bị tê liệt brain death trong khi các bộ phận khác còn ít nhiều hoạt động.

Người sống lâu nhất sau thay tim là ông Tony Huesman ở Ohio, thay tim vào tháng 8 năm 1978, ra đi cũng vào tháng 8 năm 2009, kéo dài tuổi thọ được 31 năm. Lập gia đình năm 1997, Ông chết sau một cơn viêm phổi do virus, khiến cho trái tim mới trở nên suy yếu. Bà vợ nói rằng, chồng bà nhận có một trái tim nhưng ông đã mở rộng trái tim gấp 10 lần qua những công việc thiện nguyện của ông.

 

Điều kiện để được thay tim

Để được thay tim, bệnh nhân phải ở trong giai đoạn cuối của bệnh suy tim với nhiều cơ nguy tử vong trong vòng một năm với giảm trầm trọng khả năng bơm máu của tâm thất trái;  điều trị nội khoa và giải phẫu không cải thiện đựoc bệnh tình.

Có ít nhất 2 lý do chính đưa tới suy tim:

a- Hủy hoại không trở lại bình thường được của tế bào tim gây ra do bệnh của động mạch vành nuôi dưỡng tim bị tắc nghẽn và bệnh nhân đã nhiều lần bị heart attack; và

b- Bệnh của tế bào tim cardiomyopathy mà nguyên nhân có thể là do nhiễm virus, vi khuẩn hoặc do di truyền.

Cả hai bệnh đều làm giảm khả năng bơm máu của tim. Để bù đắp tim dày lớn dần dần và trở nên suy yếu. Bệnh nhân cảm thấy khó thở, mau mệt dù là làm công việc hết sức nhẹ hoặc khi không làm việc gì; phù nề chân và bụng.

Điều trị nội khoa dùng các loại dược phẩm và các phương thức hỗ trợ tim.

Ngoại khoa có thể là by-pass động mạch vành, thông tim đặt stent hoặc balloon,  gọt bớt tim quá to, pacemaker…

Đôi khi thay tim cũng được thực hiện cho bệnh nhân tim do hậu quả của thấp khớp rheumatic fever, cao huyết áp, bất thường ở các van tim, bệnh tim bẩm sinh hoặc các hoàn cảnh hiếm hoi như u bướu tim

Trước khi được thay tim, một toán chuyên viên y tế đủ mọi chuyên môn như tâm lý, nội ngoại khoa, xã hội, vật lý trị liệu, nha sĩ, toán bác sĩ cắt-ghép tim …sẽ thay phiên gặp bệnh nhân để tìm hiểu về tình trạng sức khỏe từ thể chất tới tinh thần, các thói quen và nếp sống, có khả năng tuân theo các hướng dẫn trước cũng như sau giải phẫu.

Thường thường sau giải phẫu, bệnh nhận phải liên tục dùng nhiều dược phẩm khác nhau trong đó có các loại thuốc ngăn cản hiện tượng cơ thể chống lại trái tim mới được “đăng ký hộ khẩu”  do yêu cầu.

 

Những ai không được thay tim

Một số bệnh nhân không thích hợp để thay tim, nhất là nếu họ lại bị các bệnh khác vể sự tuần hoàn không liên quan gì tới trái tim. Những hoàn cành sau đây có thể gây ra biến chứng cho việc thay tim:

Tăng huyết áp phổi cố định với tâm thất phải lớn;

Đang bị các bệnh mãn tính trầm trọng;

Tổn thương trầm trọng các bộ phận sinh tử như thận, gan, phổi, ruột hoặc hệ thần kinh trung ương;

Ung thư mới hoặc không kiểm soát được;

Cao huyết áp không được ổn định;

Không đủ cương quyết  ngưng lạm dụng rượu, thuốc cấm;

Rối loạn tâm thần, không ý thức tuân theo hướng dẫn, điều trị;

Từ 70 tuổi trở lên, tùy theo từng trung tâm tim mạch;

Quá mập phì;

Đang bị bệnh tiểu đường loại II phụ thuộc vào insulin kèm theo rối loạn các cơ quan khác

 

Sửa soạn ghép tim

Có 5 giai đoạn để thực hiện ghép tim

Một toán các nhà chuyên môn y tế sẽ làm những điều sau đây:

- Tìm hiểu coi bệnh nhân có đủ sức khỏe để nhận trái tim mới

- Tìm hiểu coi xem bệnh tim có đủ suy nhược đền nỗi phải cần một trái tim khác

- Sửa soạn trước để giải phẫu. Sửa soạn này kéo dài khá lâu và cũng bảo đảm rằng một trái tim sẽ được tìm ra;

- Thực hiện cuộc giải phẫu thay tim;

- Giúp bệnh nhân sống khỏe mạnh với trái tim mới sau giải phẫu

Việc thay tim coi bộ cũng khá giản dị.

Khi có một trái tim thích hợp với mình thì một điều dưỡng viên sẽ triệu mình tới bệnh viện. Toán bác sĩ giải phẫu sẽ xem xét trái tim hiến tặng coi xem tình trạng ra sao, có tốt không, trong khi đó bệnh nhận được đưa vào phòng mổ để sửa soạn. Bệnh nhân được cho uống/chích các thuốc để cơ thể không chống bỏ tim mới. Nếu tim cho thích hợp thì phẫu thuật bắt đầu.

Mấy xương sườn đựoc cắt, lồng ngực được mở ra, tim cũ lấy đi, tim mới đã đựoc cắt xén gọn ghẽ sao cho vừa khít với tim bệnh sẽ đựoc khâu vào. Diễn tiến kéo dài từ 7-12 giờ, bệnh nhân được đưa về phòng hồi sinh để theo dõi.

Thời gian nằm bệnh viện sau giải phẫu tùy theo tuổi tác, tình trạng  sức khỏe của mình, tùy theo trái tim mới hoạt động ra sao và cũng tùy theo khả năng học hỏi cách thức sau giải phẫu. Trung bình từ 7-16 ngày.

Sau giải phẫu, bệnh nhân cần trở lại bệnh viện để được theo dõi trong vài tháng, riêng tháng đầu thì cần tái khám mỗi tuần sau khi xuất viện. Lý do là giải phẫu có thể có những biến chứng không lường trước được. Do đó bệnh nhân nên thu xếp chỗ ở gần với trung tâm thay ghép tim. Hiện nay có khoảng 160 trung tâm thay tim rải rác trên nước Mỹ.

Quyết định thay tim cần được cân nhắc kỹ càng vì:

- Đây là một đại giải phẫu với nhiều rủi ro và biến chứng  mà các nhà  chuyên môn sẽ giải thích cặn kẽ rỏ ràng cho bệnh nhân.

- Sau giải phẫu, bệnh nhân phải hiểu rõ và tuyệt đố áp dụng  các hướng dẫn về tự chăm sóc, về chế độ dinh dưỡng, dùng dược phẩm, tập luyện cơ thể, thay đổi lối sống trong suốt cuộc đời còn lại. Trong vài tháng sau giải phẫu cần giữ hẹn tái khám để được theo dõi tình trạng trái im mới hoạt động ra sao, có bị ảnh hưởng bới hiện tượng chối bỏ mà các nhà chuyên môn có thể khám phá ra.

Nhắc lại là dược phẩm chính là loại có tác dụng ngăn ngừa cơ thể bệnh nhân phản ứng từ chối trái tim mới được ghép. Dược phẩm này có nhiều tác dụng phụ đôi khi rất khó chịu như giảm khả năng chống bệnh nhiễm, tăng huyết áp, cao áp xuất mắt, cao cholesterol hoặc loãng xương vì thất thoát calci, nhưng lại tối cần thiết. Đó là các thuốc  Cyclosporin, Prograf, Prednisone, Immuran or Cellcept. Cyclosporin do mấy loại nấm sản xuất được tìm ra váo năm 1982. Trước khi tìm ra thuốc này, các cuộc ghép đều không mấy thành công vì cơ thể một mực từ chối, hủy hoại bộ phận được ghép.

Sự từ chối này là một khả năng đặc biệt của cơ thể để chống lại bất cứ vật lạ nào xâm nhập cơ thể như các tác nhân gây bệnh vi khuẩn, virus, tế bào lạ. Khả năng này do hệ miễn nhiễm của cơ thể chịu trách nhiệm. Không có khả năng này thì tính mạng con người sẽ mong manh như trứng để đầu đẳng. Điều đáng tiếc là khả năng này không phân biệt được vật mới xâm nhập là thù ( vi khuẩn…)  hay bạn (trái tim nhân đạo), cho nên cứ thấy lạ là nó chống cự hủy hoại. Thuốc chống từ chối có mục đích ngăn sự reject này.

 

Kết luận

Sự tiến bộ của y khoa học thực là quá sức tưởng tượng.

Từ nguyên thủy loài người, khi thương yêu nhau thì người ta trao tặng trái tim, trái tim tinh thần chứa đựng tình cảm thương yêu.

Ngày nay, vì lòng nhân đạo bác ái, người ta tặng cho nhau một trái tim thật, trái tim còn nóng hổi với nhịp đập mang nặng tình người. Thật là một nghĩa cử cao quý, như ý kiến của bác sĩ Barnard “ Thực là hữu ích hơn khi chuyển ghép một trái tim thay vì chôn sâu nó dưới lòng đất làm mồi cho sâu bọ”.

Nói về bệnh nhân thay tim đầu tiên của mình, ông còn có nhận xét “Với một người sắp chết, quyết định trở thành người đầu tiên được thay tim ở trên thế giới không phải là quyết định khó khăn vì người đó biết mình ở đường cùng. Nếu có một con sư tử rượt đuổi ta tới bờ một dòng sông lúc nhúc những cá sấu, ta vẫn lao mình xuống sông với hy vọng bơi sang bờ bên kia. Nhưng ta sẽ không chấp nhận hoàn cảnh đó nếu không có con sư tử”.

Và xin kết luận bài viết với câu chuyện vui do danh hài TV Jay Leno kể “Một cư dân Do Thái được chuyển ghép trái tim của một người Palestinian. Anh ta bình phục hoàn toàn, chỉ có một điều là anh ta luôn luôn tự ném đá vào mình”.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

Texas-Hoa Kỳ

www.bsnguyenyduc.com

VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quy vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Duoc chon giua loai nguoi va cho loai nguoi; GIAO SI: Xuat phat tu giao dan, hien dien vi giao dan va cay dua vao giao dan, de cung lam VINH DANH THIEN CHUA

*************