Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 173, Chúa Nhật 17.06.2012


MỤC LỤC 

Sắc Lệnh Về Ðào Tạo Linh Mục  (tiếp theo)                                                                Vatican 2

SỨC SỐNG CỦA HẠT CẢI NƯỚC TRỜI                                                                Lm. ĐAN VINH

CÓ NHỮNG NGƯỜI CHA                                                                                         Anmai, CSsR

NHỚ BA...                                                                                                         Nguyễn Vinh Sơn

ÁN OAN                                                                                        Lm. Giuse Tuấn Việt, O.Carm.

GIÁO SĨ, TU SĨ VÀ GIÁO DÂN KHÁC VÀ GIỐNG NHAU THẾ NÀO ?      Lm. PX. Ngô Tôn Huấn

TƯỜNG TRÌNH VI PHẠM NHÂN QUYỀN NĂM 2011                            Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh

Hành-trình vô-thần của Karl Marx khi còn thanh-niên ...(tiếp theo)            Gs. Trần Văn Toàn

Hoàng đế hay tên ăn mày?                                                               Lm. Minh Anh chuyển ngữ

Linh mục giáo phận nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô              Lm. Trần Minh Huy, pss.

LOẠI BỎ BỆNH LAO TRONG ĐỜI MÌNH                                                    Bác sĩ Nguyễn Ý-Ðức

THÔNG BÁO ĐÓN NHẬN TU SINH.                                  Đan Viện Thánh Mẫu Khiết Tâm Phước Lý


Tổ Chức Các Ðại Chủng Viện

 

Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II

Sắc Lệnh Về Ðào Tạo Linh Mục

Optatam Totius

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

III. Tổ Chức Các Ðại Chủng Viện

 

4. Huấn luyện với ý hướng mục vụ. Các Ðại Chủng Viện cần thiết 21* để đào tạo các Linh Mục. Việc giáo dục toàn diện chủng sinh phải nhằm huấn luyện cho họ thực sự trờ thành những vị chăn dắt các linh hồn 22*, theo gương Chúa giêsu Kitô là Thầy, là Linh Mục và là Chủ Chăn 7. Vậy họ phải được chuẩn bị chu toàn chức vụ rao giảng lời Chúa để mỗi ngày mỗi hiểu lời Mạc Khải của Chúa hơn, để được thấm nhuần lời Chúa nhờ suy gẫm và diễn tả trong lời nói cùng cách sống. Họ phải được chuẩn bị chu toàn tác vụ phụng vụ và thánh hóa: để thi hành công cuộc cứu rỗi qua Hy Tế Thánh Thể và các Bí Tích, bằng lời cầu nguyện và nghiêm chỉnh cử hành các nghi lễ phụng vụ. Họ phải được chuẩn bị thi hành chức vụ chủ chăn 23*, để họ biết làm cho mọi người thấy Chúa Kitô hiển hiện như Ðấng "không đến để cho người ta phục vụ nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc thiên hạ" (Mc 10,46; x. Gio 13,12-17) và để họ trở nên tôi tớ mọi người hầu cứu được nhiều người hơn. (x. 1Cor 9,19).

Vì thế, mọi phương thức huấn luyện tu đức, học vấn, kỷ luật phải cùng qui hướng về mục đích mục vụ này, đồng thời, các vị giám đốc và giáo sư phải nhiệt thành và nhất trí hành động trong khi trung thành vâng phục quyền Giám Mục mà theo đuổi mục đích đó.

 

5. Tuyển chọn bề trên và ban giảng huấn. Việc đào tạo chủng sinh không những tùy thuộc qui luật sáng suốt mà nhất là còn tùy thuộc khả năng của các nhà giáo dục. Do đó, các giám đốc 24* và giáo sư Chủng Viện phải được chọn lựa trong số những vị ưu tú nhất 8. 25* Các vị đó phải được chuẩn bị chu đáo trước 26* với một nền học thuyết vững chắc, một kinh nghiệm mục vụ thích đáng và được huấn luyện đặc biệt về tu đức và sư phạm. Vì thế, để đạt mục đích này, cần cổ võ mở những học viện hay ít là mở những lớp tổ chức theo một qui chế thích hợp cũng như những cuộc hội thảo định kỳ cho các vị Giảng Huấn Chủng Viện.

Các vị trong ban giảng huấn 27* phải xác tín rằng kết quả việc đào tạo chủng sinh lệ thuộc phần lớn ở tư cách tư tưởng và hành động 28* của chính mình, dưới quyền hướng dẫn của vị Giám Ðốc, các ngài phải cộng tác thật chặt chẽ trong tinh thần và hành động, và giữa các ngài với nhau, cũng như giữa các ngài và các chủng sinh chỉ còn là một gia đình phù hợp với lời nguyện của Chúa "Xin cho chúng nên một" (Gio 17,11) và để nuôi dưỡng nơi chủng sinh niềm vui ơn thiên triệu của họ. Ðức Giám Mục phải kiên tâm và ưu ái nung đúc tinh thần những người làm việc trong Chủng Viện và phải cư xử với các chủng sinh như một người Cha đích thực trong Chúa Kitô. Sau hết tất cả các Linh Mục phải coi chủng viện như con tim của giáo phận và phải sẵn lòng góp công giúp đỡ 9.

 

6. Ðiều tra về ý ngay lành. Phải tùy theo lứa tuổi và trình độ của mỗi ứng sinh 29* mà điều tra cẩn thận về ý ngay lành và ý chí tự do 30*, về khả năng đạo đức, luân lý và học vấn, về sức khỏe thể lý và tâm lý xứng hợp, đồng thời cũng cần để ý đến những khuynh hướng có thể là do gia truyền. Cũng phải cân nhắc khả năng đảm đương các chức vụ Linh Mục và thi hành những phận sự mục vụ 31* của họ sau này 10.

Trong tất cả công việc tuyển lựa chủng sinh và việc thử thách cần thiết, phải luôn luôn vững tâm 32* dù phải buồn lòng chịu thiếu linh mục 11, Thiên Chúa không để Giáo Hội Ngài thiếu thừa tác viên, nên nếu chỉ cho những kẻ xứng đáng tiến chức, thì phải lấy tình cha con kịp thời hướng dẫn những người không đủ tư cách tìm kiếm những chức vụ khác và giúp họ ý thức về ơn gọi Kitô hữu của mình để hăng say dấn thân trong việc tông đồ giáo dân.

 

7. Chủng viện liên giáo phận. Khi nào mỗi giáo phận không thể tổ chức một Chủng Viện riêng cách thích đáng, phải thiết lập và cổ võ các Chủng Viện chung 33* cho nhiều giáo phận, cho toàn miền hoặc cho toàn quốc để chú tâm vào việc thận trọng đào tạo các chủng sinh cách hữu hiệu hơn vì việc đào tạo phải được coi là qui luật tối thượng trong vấn đề này. Những Chủng Viện toàn miền hay toàn quốc ấy phải được quản trị theo qui chế do các Giám Mục liên hệ ấn định 12 và được Tòa Thánh phê chuẩn.

Trong các Chủng Viện đông chủng sinh, phải phân chia các chủng sinh thành từng nhóm nhỏ tương xứng để cho việc huấn luyện cá nhân của từng người được tốt đẹp hơn 34*. Tuy nhiên vẫn phải duy trì sự thống nhất về qui chế và chương trình học vấn.

 

_______

 

Chú thích

21* Dầu một thiểu số gồm 4 Nghị Phụ đã hủy bỏ một trào lưu nhất quyết chống lại các chủng viện và muốn một loại học viện khác mới mẻ hơn, nhưng Công Ðồng đã muốn duy trì các chủng viện vì biết rõ sự quan trọng và cần thiết phải đào tạo các linh mục.

22* Ngày từ đầu Công Ðồng đã xác quyết chủ đích mục vụ cho tất cả vấn đề đao tạo linh mục và lại xác quyết mạnh mẽ hơn ở cuối số này. Ðiều đó sẽ trở lại như một chủ đề trong suốt Sắc Lệnh.

7 Xem CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, số 28: AAS 57 (1965), trg 34.

23* Khơi dậy chức vụ chủ chăn, Công Ðồng chỉ nhắc lại tinh thần phục vụ khiêm tốn và toàn vẹn theo gương mẫu. Ðấng Chăn Chiên Lành đã hiến mạng sống mình vì đoàn chiên. Giáo Hội chờ mong nơi các Linh Mục tinh thần phục vụ khiêm tốn và vô vị lợi. Công Ðồng không ngừng trở lại điểm này như một đòi hỏi tiên quyết của Linh Mục thời đại mới, phải bỏ hẳn thái độ quan liêu và phô trương, thái độ đã làm cho Giáo Hội phải chịu bao tổn hại trong quá khứ, Linh Mục, một Kitô khác, cũng sẽ là một đầy tớ khác của Jahvê (xem Is 42,2-4, 6-8; 49,5-6).

24* Tiếng "các Giám Ðốc" ở đây hiểu là các vị hữu trách, chính LTCB định rõ: "Mỗi chủng viện có những bề trên hữu trách: giám đốc, phó giám đốc, một hay nhiều linh hướng, giám học, vị phụ trách về sinh hoạt mục vụ, về trật tự trong chủng viện, quản lý, quản thủ thư viện... trách vụ được chỉ định rõ ràng và trả công chính đáng" (số 27).

8 Xem Piô XI, Tđ Ad Catholici Sacerdotii, 20-12-1935: AAS 28 (1936), trg 37: "Trước hết, mối ưu tư lớn lao nhất là lựa ban Giám Ðốc và giáo sư... Hãy bổ nhiệm vào chủng viện những Linh Mục ưu tú nhất, đừng tiếc mà dành họ lại cho bất cứ chức vụ nào khác, kể cả những chức vụ có vẻ danh giá mà thực sự lại không thể sánh được với sứ mệnh thiết yếu và không thể thay thế được kia" - Ðức Piô XII cũng đã đề cập đến nguyên tắc phải chọn những vị ưu tú nhất trong Tông Thư gởi các Ðấng bản quyền Brasiliae, 23-4-1947. Discorsi e Radio-messagi IX, trg 579-580.

25* Hai đề nghị tu chỉnh giải thích tiếng "những người ưu tú" về nhân đức và hiểu biết và tiếng "không loại trừ giáo dân" x. M 59/6, 7. (xem LTCB, số 30).

26* Xem LTCB số 30 và ghi chú 86. Vấn đề này được trình bày trong những lược đồ đầu tiên theo đòi hỏi minh nhiên của nhiều Giám Mục, nó gồm 3 số trong lược đồ B. Ủy ban hữu trách đã tuyên cáo: "Thật là quan trọng khi Công Ðồng Vat. II chăm sóc đặc biệt việc chuẩn bị các Giám Ðốc và Giáo Sư cho các chủng viện".

27* Xem LTCB số 32-38.

28* Bầu khí thuận lợi được bảo đảm do các đặc điểm sau: tùy thuộc bề trên tôn trọng lẫn nhau, hợp nhất tâm tình và hành động, tinh thần gia đình giữa họ với các chủng sinh. Những dòng này được thêm vào lược đồ G theo lời yêu cầu của 17 Nghị Phụ Công Ðồng (M 57/1).

9 Về bổn phận giúp đỡ Chủng Viện, xem Phaolô VI, Tông thư Summi Dei Verbum, 4-11-1963: AAS 55 (1963), trg 984.

29* Xem LTCB số 39.

30* Trước hết phải tìm hiểu lý do và sự tự ý của ứng viên. Những lầm lẫn về lãnh vực này sẽ dẫn tới các thảm họa mai sau (x. thêm LTCB số 39).

31* Theo các để nghị tu chỉnh, các trách vụ linh mục phải hiểu đặc biệt về sự độc thân, các bổn phận mục vụ như có thể nghe, hiểu, đối thoại và hướng dẫn người khác.

10 Xem Piô XII, Tông huấn Menti nostri, 23-9-1950: AAS 42 (1950), trg 684 và xem Thánh Bộ Bí Tích, thư luân lưu gởi các Ðấng bản quyền Magna Equidem, 27-12-1935, số 10. - Các tu sĩ, xem Statua neneralia đính phụ Tông hiến Sedes Sapientiae, 31-5-1956, tiết mục 33. - Phaolô VI, tông thư Summi Dei Verbum, 4-11-1963: AAS 55 (1963), trg 987 tt.

32* Xem LTCB số 40 và 41.

11 Xem Piô XI, Tđ Ad Catholici Sacerdotii, 20-12-1935: AAS 55 (1963), trg 41.

33* Từ thời Công Ðồng Triđen, và theo Giáo Luật (kh 2354) mỗi giáo phận phải tổ chức chủng viện riêng của mình, nhưng những đòi hỏi hiện tại đòi phải thiết lập những chủng viện chung để có đủ số học sinh và nhật là để có nhiều người được đủ tư cách hơn. Sắc Lệnh tiên liệu những chủng viện chung cho nhiều giáo phận, cho một miền hoặc một quốc gia, tùy theo các Giám Mục. Như vậy khoản giáo luật 1357, 4 bị hủy bỏ (xem LTCB số 21).

12 Ðể các Giám Mục liên hệ có thể tham gia việc dự thảo quy chế cho các chủng viện miền hay quốc gia khoản Giáo Luật 1357, 4 bị hủy bỏ.

34* Xem LTCB số 23.

 
VỀ MỤC LỤC
SỨC SỐNG CỦA HẠT CẢI NƯỚC TRỜI (HIỆP SỐNG TIN MỪNG CHÚA NHẬT XI TN B)
  

Ed 17,22-24; 2 Cr 5,6-10; Mc 4,26-34

 I. Học Lời Chúa

1. LỜI CHÚA:  Mc 4,26-34:

(26) Người nói: "Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. (27) Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. (28) Đất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. (29) Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa." (30) Rồi Người lại nói: "Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được? (31) Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. (32) Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng." (33) Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà rao giảng lời cho họ, tuỳ theo mức họ có thể nghe. (34) Người không bao giờ rao giảng cho họ mà không dùng dụ ngôn. Nhưng khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết.

2. Ý CHÍNH: 

Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng 2 dụ ngôn là “Hạt giống tự mọc” (Mc 4,26-29) và “Hạt cải nhỏ bé” (Mc 4, 31-32) để nói lên sức mạnh quyền năng nhiệm mầu của Nước Thiên Chúa hay Nước Trời do Người thiết lập..

3. CHÚ GIẢI:

-C 26-29: +Nước Thiên Chúa: Trong cuộc hành trình rao giảng Tin Mừng, Đức Giê su thường dùng dụ  ngôn mà rao giảng Lời Chúa. Dụ ngôn là những câu chuyện rút ra từ cuộc sống thực tế đời thường mà mọi người nghe đều biết, để trình bày về các mầu nhiệm của Nước Thiên Chúa. Chẳng hạn: Nước Thiên Chúa giống như một cánh đồng lúa có cỏ lùng xen lẫn, hoặc giống như một hạt cải nhỏ bé, như nắm men được hòa lẫn trong thúng bột, như kho báu chôn giấu trong thửa ruộng, như một viên ngọc quí giá, như cái lưới chụp xuống bắt được mọi thứ cá... (x Mt 13). Qua các dụ ngôn này, Đức Giêsu cho biết Nước Thiên Chúa có thực và đang đến qua các dấu hiệu là các phép lạ Người làm như: Xua trừ ma quỷ, chữa lành các thứ bệnh tật… (x Mc 1,54). +tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất: được gieo xuống ruộng đất; dù người gieo ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống tự nảy mầm mọc lên thành cây lúa, rồi tới mùa sẽ trổ đòng đòng, và thành bông lúa nặng trĩu hạt. Nước Thiên Chúa cũng sẽ dần dần lớn lên tới chỗ viên mãn vào ngày tận thế, dú có gặp chống đối đàn áp của ma quỷ và thế quyền bách hại.

-C 31-32: +Nước Thiên Chúa giống như hạt cải: Hạt cải theo Máccô là thứ hạt nhỏ hơn hết mặc dù không hòan toàn đúng như thế. Một hạt cải nhỏ bé tầm thường. Nhưng khi được gieo vào lòng đất, nó sẽ nẩy mầm và vươn lên thành cây cao. Nẩy mầm là khởi đầu một sự sống mới. Sự sống ấy tuy mong manh nhưng không gì có thể ngăn cản được. Nước Thiên Chúa khởi đầu chỉ vỏn vẹn có Nhóm 12 Tông đồ ít học và không mấy hòan thiện… nhưng nhóm nhỏ này sẽ đã ngày một phát triển trở thành một Hội Thánh to lớn với sự hiện diện của nhiều dân tộc trên trần thế.

 

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA:

Nước Thiên Chúa giống như hạt cải [...] khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng (Mc 4, 31-32).

2. CÂU CHUYỆN: VỀ SỨC TĂNG TRƯỞNG CỦA HỘI THÁNH:

Theo bản nghiên cứu thường niên về "Tình trạng Truyền giáo Toàn cầu" ngày 25/11/2011 được đăng trên Vietcatholic News cho biết số lương các Kitô hữu như sau: Tổng số Kitô hữu (gồm cả Công giáo, Chính thống giáo và Tin lành) hiện nay có khoảng 2,3 tỉ người và là tôn giáo có sức phát triển mạnh mẽ nhất. Cho đến đầu thế kỷ 20, Kitô giáo mới chỉ có 1.600 giáo đoàn khác nhau. Nhưng đến nay, sau một thế kỷ đã tăng lên 42.000 giáo đoàn.  

Riêng Hội thánh Công giáo có khoảng 1,16 tỉ tín hữu, và mỗi ngày thêm được 34 nghìn tín hữu. Việc tăng trưởng có thể do sinh sản và giáo dục con cái theo truyền thống đức tin. Cũng có thể do cải đạo từ các đạo khác sang Kitô giáo. Mặc dù sự cải đạo này không nhiều, nhưng đã có hàng triệu người mỗi năm qua việc hôn nhân: một người thuộc tôn giáo khác quyết định đón nhận đức tin từ người bạn đời Công giáo của mình khi kêt hôn.  

Niên giám cũng cho thấy, số lượng các giám mục và linh mục đã tăng theo tỷ lệ thuận với số người Công giáo trên toàn thế giới vào khỏang 1,3% trong giai đoạn từ 2008 - 2009. Trong năm 2009, đã có 5.065 giám mục và 410.593 linh mục.

3. SUY NIỆM:

Trong Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã kể dụ ngôn về Nước Thiên Chúa giống hạt giống được gieo xuống đất, rồi âm thầm mọc lên theo luật thiên nhiên, và như một hạt cải nhỏ bé nhưng sau đó mọc lên thành cây to lớn đến nỗi "chim trời có thể làm tổ dưới bóng".

-Nước Thiên Chúa giống như hạt giống: Các tín hữu cần biết kiên nhẫn. Ðừng đòi thấy sự tăng trưởng trước mắt, nhưng phải làm hết sức rồi chờ tới mùa gặt là ngày tận thế, Bấy giờ Thiên Chúa sẽ sai các thiên thần đi gặt hái: Lúa thóc ám chỉ các người lành thánh sẽ được hưởng hạnh phúc trong kho lẫm thiên đàng. Còn cỏ dại ám chỉ các kẻ làm điều gian ác sẽ bị thiêu cháy trong lửa hỏa ngục muôn đời. Trong thời gian chờ đợi này, mỗi người chúng ta cần chu tòan bổn phận góp phần xây dựng Nước Thiên Chúa bằng việc sống giới răn yêu thương và thực thi công bình bác ái theo gương và lời Chúa Giêsu dạy.

-Nước Thiên Chúa giống như hạt cải: Các tín hữu chúng ta cần góp phần vào sự tăng trưởng của Nước Thiên Chúa bằng việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa mỗi ngày, năng cầu nguyện và thực hành bác ái phục vụ tha nhân, nhất là phục vụ Chúa đang hiện thân trong những người đau khổ bệnh tật và bị bỏ rơi... Những hạt giống nhỏ bé là các việc lành ấy sẽ góp phần làm tăng trưởng Hội thánh ngày một lớn mạnh theo thánh ý Chúa.

Như những hạt cải nhỏ bé, phải biết tự hủy mới mọc thành cây và lớn lên, các tín hữu cũng phải tập chết đi cho các ý riêng ích kỷ và tự mãn, cho các đam mê nhục dục thấp hèn, cho các thói hư tật xấu của mình… Mỗi khi gặp sự chống đối hay thất bại, thay vì nản lòng thóai lui, chúng ta cần xác tín rằng: Nếu chúng ta biết sống khiêm tốn nhỏ bé, âm thầm cầu nguyện và can đảm dấn thân kèm theo sự tín thác cậy trông vào ơn Chúa giúp… chắc chắn việc tông đồ của chúng ta sẽ đạt kết quả đúng theo chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

4. THẢO LUẬN:

1) Muốn đưa được nhiều người về làm con Chúa trong Hội thánh, ngay từ bây giờ các tín hữu chúng ta cần phải làm gì?

2) Khi làm việc tông đồ mà gặp trở lực chống đối hay thất bại, chúng ta cần làm gì theo gương Chúa Giêsu?

5. LỜI CẦU:

Lạy Chúa Cha Tòan Năng. xin cho chúng con biết tin tưởng và phó thác vào quyền năng yêu thương và quan phòng của Cha trong công cuộc tông đồ. dù chúng con chỉ làm được các việc nhỏ bé tầm thường, nhưng chúng con tin rằng: Chính Chúa sẽ làm cho các việc nhỏ bé tầm thường ấy phát sinh hiệu quả lớn lao cho Hội Thánh. Lạy Chúa, xin cho chúng con biết kiên trì gieo Lời Chúa khi tiếp súc vối tha nhân dù có gặp thuận lợi hay không thuận lợi, vì tin vào quyền năng và tình thương của Chúa sẽ hòan tất những gì còn thiếu sót, như lời thánh Phaolô: “Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1 Cr 3,6).

X) HIỆP CÚNG MẸ MARIA.-

Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH

 

VỀ MỤC LỤC
CÓ NHỮNG NGƯỜI CHA

 

Cha già cố nằm viện nên tôi vào thăm. Cùng thân cùng phận ở nhà hưu dưỡng với cha già cố nên "mật độ" thăm viếng thường nhật hơn. 

Nằm chung phòng với cha già là ông cụ năm nay 75 tuổi. Ra vô nhiều lần nên những câu chuyện về cuộc đời hai bên cứ được san sẻ.

Cụ già có 6 người con, 4 người đã yên bề gia thất, tất cả các con của cụ giờ đây là những người khá thành đạt. Để được cái thành đạt theo như người con kế út của cụ kể lại không phải là chuyện giản đơn.

17 tuổi, ông lội ngược vào miền Nam tìm kế sinh nhai. Sau những năm tháng dài dong duỗi với cuộc sống, ông gặp bà và cùng kết nối se duyên. Vì là con trai một và vào Nam không có người thân nên ông đành ở rể. Chuyện hết sức đặc biệt là gia đình bà cụ thương ông hơn cả con ruột. Lập gia đình vài năm, cụ xin đi mua căn nhà thì gia đình bên bà phản đối bảo ở chung cũng được. Cương quyết mua căn nhà đó nên ngày nay cụ và các con mới có chỗ trú ngụ.

Vì vắn số nên chỉ mới 48 tuổi, bà nhà của ông đã ra đi. Thế là một mình cáng cảnh gà trống nuôi con. Khó cho ông khi đứa út mới tròn 8 tuổi.

Ngồi kể lại những kỷ niệm xưa, những gì đang có ông khẳng định rằng ơn Chúa cứ tuôn đổ trên ông và gia đình.

Người con kế út không ngớt lời ca tụng cha. Những ngày tháng nằm bệnh này, cả gia đình cùng chung tay chung sức lo cho cha của mình mà không nề hà hơn thiệt. Chị nói rằng ngày hôm nay cả nhà vui vẻ và hết sức cố gắng để lo cho cha vì cha đã hy sinh quá nhiều cho đàn con ...

Gia đình của cụ già quá đẹp với sự hy sinh của cụ già thương mến mà tôi có dịp gặp trong phòng bệnh.

Một người cha khác tôi lại có dịp gặp trong một gia đình thân thiết. Cứ mỗi lần có dịp hàn huyên tâm sự thì ông cứ nhấn đi nhấn lại cái chuyện đạo đức trong gia đình. Ông luôn khiêm tốn nhìn nhận khả năng nhỏ bé của mình so với tài sức bươn chải của người vợ thương yêu. 

Người vợ giữ cán cân kinh tế còn ông thì giữ cán cân đạo đức trong gia đình. Cứ chiều chiều ông cùng thằng con út đến nhà thờ cầu kinh dâng Lễ. Tối Chúa nhật hàng tuần mấy cha con lại cùng nhau đến Đức Mẹ Hòa Bình trước nhà thờ Đức Bà hay Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp cầu nguyện. Ngày hè và ngày nghỉ có dịp cha con lại dắt díu nhau chạy đến với Đức Mẹ Tàpao. Dấu ấn đặc biệt trong gia đình ông là dù bận rộn như thế nào không cần biết, mỗi tối cả gia đình cùng quây quần bên đài Đức Mẹ trong gia đình để cầu nguyện. Đứa con gái út là đứa cá tính nhất trong nhà lại là đứa ngồi lâu nhất để thầm thì bên Mẹ. Người giúp việc trong nhà hỏi cháu sao ngồi lâu thế thì cháu bảo ngồi lâu để ... nói chuyện về Đức Mẹ.

Dĩ nhiên là gia đình nào cũng có những lúc có sóng có gió và vợ chồng đi khi cũng hờn cũng dỗi nhưng tôi thấy gia đình này khá vững vì lẽ có đường một người chồng và người cha giữ "lửa" đạo đức trong gia đình. Cũng dĩ nhiên không hẳn là ai siêng năng kinh hạt lễ lạy là người đạo đức nhưng ít ra những người gắn bó với Chúa và Mẹ thì hẳn nhiên họ có một đời sống khác với những người lạnh lẽo.

Người bố này vẫn thường tâm sự với tôi rằng gia đình dù giàu có thế nào mà các con không ăn học tử tế và đạo nghĩa nghiêm túc thì chẳng ra làm sao cả. Ông tâm sự những điều đó và ông cũng chính là người sống những điều đó trong gia đình của ông.

Chỉ là hai trong nhiều người bố trong gia đình mà tôi may mắn có dịp gặp gỡ, tiếp xúc. Nhiều và nhiều người cha tốt lắm đã giữ lửa cho gia đình mình bằng cách này hay cách khác.

Nhớ về cha của mình, cha của tôi nay cũng tuổi đà xế bóng nhưng hàng ngày vẫn cầu nguyện cho lũ cháu đàn con. Chắc hẳn là nhờ lời nguyện cầu của ông mà chúng tôi mới có được cuộc sống ngày hôm nay.

Ngày của cha, chúng ta hãy nguyện cầu cho cho chúng ta khi người còn sống hay đã qua đời.

"Ơn cha như Thái Sơn cao bao tầng, ngoài thì cương quyết mà lòng âu yếm ..."

Xin cha cứ ở mãi bên chúng con như ngọn núi Thái Sơn chở che chúng con suốt cả cuộc đời.

Ngày người cha 2012

Anmai, CSsR

 

VỀ MỤC LỤC
NHỚ BA...
 

Hồng ân Thiên Chúa bao la,

Muôn đời con sẽ ngợi ca danh Ngài...

Tôi không biết mình thuộc bài thánh ca đó từ khi nào, nhưng tôi biết chắc là từ khi còn rất nhỏ và do Ba dạy.

Đó là bài thánh ca ruột của Ba. Mỗi khi trong gia đình có điều gì vui, dù lớn dù nhỏ, như vừa sinh được một đứa con, rồi lễ rửa tội, vỡ lòng, thêm sức, sinh nhật, bổn mạng..., là chúng tôi lại có dịp hát lên trước bàn thờ gia đình. Mà Ba Mạ lại có đến 11 đứa con (8 trai, 3 gái). Và theo đà lớn lên, lại có những dịp đứa này đứa nọ lãnh thưởng, lên lớp, thi đậu... khiến tần suất xuất hiện của bài thánh ca trong gia đình ngày một nhiều hơn, hay hơn và vang to hơn. Như vào năm 1971, học sinh thi tú tài rụng như sung, tỳ lệ đậu chỉ mười mấy phần trăm, riêng gia đình tôi cả ba anh em đi thi đều đậu: tôi và anh Duy tú tài toàn, chú Bảo tú tài bán. Khỏi phải nói chúng tôi đã hát rống lên như thế nào trong niềm hân hoan của cả nhà, khuôn mặt của Ba Mạ tràn đầy niềm vui. Thiên Chúa đã thương ban phát quá nhiều hồng ân cho gia đình tôi.

Nhưng tôi biết, niềm mong mỏi lớn nhất của Ba là được hát lên bài thánh ca đó trong dịp con mình chịu chức Linh Mục. Năm đứa con trai đầu lớn lên được chừng 10 tuổi đều nối tiếp nhau bước chân vào Tiểu Chủng Viện Hoan Thiện Huế. Tôi và anh Duy cùng tu học một lớp, và giấc mơ hai đứa con cùng bước lên bàn thánh chịu chức Linh Mục trong tiếng hát tạ ơn hồng ân Thiên Chúa luôn cháy bỏng trong lòng Ba.

Rồi thời thế đột ngột đổi thay. Sau tháng 3 năm 1975, Ba đi học tập cải tạo, cả nhà lâm vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn về cả tinh thần lẫn vật chất. Anh Duy ra khỏi Đại Chủng Viện, Bảo đang học năm thứ ba luật, Phong dự bị y khoa đều phải bỏ ngang. Ninh, Tâm nghỉ học. Cả bầy con, đứa lớn nhất 22 tuổi, nhỏ nhất 5 tuổi, vốn chỉ quen với sách vở, trở thành những nông dân thực thụ làm thuê kiếm sống. Năm 1977, Mạ dắt díu bầy con lẳng lặng rời bỏ Quảng Thuận đi vào xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, một nơi khỉ ho cò gáy, không một ai quen biết. Và như để tăng thêm phần khốn khó, một trận lụt chưa từng có tiếp liền theo đó nhấn chìm căn nhà lá mới dựng và 20 công ruộng vừa cấy, xóa hết vốn liếng ít ỏi cuối cùng.

Và điều tệ hại nhất đã đến một cách lạnh lùng: Mạ chết. Chết trong nghèo khó, xa cách chồng con và trong nỗi lo lắng về tương lai mù mịt của gia đình. Ba giờ sáng, chiếc xe ba gác máy chở Tịnh ôm xác Mạ ngồi ghế trước, tôi ngồi phía sau, từ trong bệnh viện chạy ra giữa Sài Gòn vắng lặng. Ông tài xế hỏi: "Đi đâu?" Tôi đáp: "Bác cứ chạy đi". Thực tình tôi cũng chưa biết chở Mạ về đâu.

Tôi không biết tâm trạng của Ba thế nào trong trại cải tạo khi biết tin Mạ chết. Tôi nghĩ thầm, chắc Ba đã nhận thấy hồng ân Thiên Chúa cũng có giới hạn, và tiêu chuẩn Ngài dành cho gia đình mình đã cạn kiệt.

Vợ chồng Bảo Gẫm có đứa con trai đầu lòng. Từ trong trại cải tạo, Ba nhắn ra đặt tên cháu là Hồng Ân. Nhìn Hồng Ân gầy ốm, còi cọc, tôi nghĩ cháu, cũng như những đứa con của tôi sau này, và ngay cả Tâm, Tịnh, Niệm, Tuyền, Hoan, Minh, những đứa em lớn lên giữa vùng quê Đồng Tháp, và cả tôi nữa, rồi cũng sẽ như phần lớn những người dân quanh đây: nghèo khó, ít học, cắm cúi với ruộng đất, lấy rượu làm niềm vui. Tên Hồng Ân nghe thật mỉa mai.

Rồi tới ngày Ba trở về sau 5 năm bị giam giữ. Gầy gò, ốm yếu. Tôi thờ ơ nhìn Ba kinh nguyện sớm chiều. Ba quy tụ một số giáo dân quanh vùng (trong đó có cô gái sau này là vợ tôi), cùng nhau suy gẫm phúc âm, gây dựng Legio Mariae, tổ chức thăm viếng, giúp đỡ nhau... Ba lại tiếp tục công việc tông đồ sốt sắng y như hồi còn ở Hạnh Hoa hoặc Quảng Thuận, y như mọi chuyện vẫn suông sẻ giữa gia đình và Chúa.

Một ngày kia lúc đang đào đất mướn giữa ruộng, tôi chợt nghe văng vẳng
tiếng hát:

Hồng ân Thiên Chúa bao la,

Muôn đời con sẽ ngợi ca danh Ngài...

Ba đang tập bài hát ruột của mình trong nhà thờ họ đạo, một nhà thờ không có cha xứ, không cửa không vách, đổ nát vì chiến tranh và lụt lội.

Qua bao nhiêu dòng đời dưới thế,

Qua bao nhiêu thế hệ dương gian,

Tung hô chân lý cao quang,

Miệng con theo với cung đàn hoan ca...

Thú thực, tôi thấy tức cười. Nhìn Ba gầy gò ốm yếu, giọng đã khàn khàn, nhìn các bác, các chị già có trẻ có, áo quần sờn rách, hát sai nốt sai nhịp, nhìn lại mình mồ hôi mồ kê, lấm lem bùn đất, tôi thấy lời ca và hoàn cảnh thực tại không ăn nhập vào nhau chút nào.

Tôi cứ đứng bên hông nhà thờ nhìn vào thật lâu. Nhìn kỹ vào đôi mắt Ba
rực sáng niềm tin. Nhìn vào những khuôn mặt giáo dân nhăn nheo, đen đúa mở to miệng hát lời tụng ca hết sức thành kính. Tôi nhận ra Ba và những người kia đang rất hạnh phúc. Họ đã vượt thoát lên khỏi hoàn cảnh ngặt nghèo để nhận ra những giá trị mà Thiên Chúa đã ban cho mình, những giá trị mà tiền tài, danh vọng không sánh được. Tôi bỗng cảm thấy một luồng sức mạnh tràn vào khắp người.

Một thời gian ngắn sau đó Ba chết. Ba đã kịp dạy cho tôi những bài học
sống. Hồng ân Thiên Chúa ban cho không chỉ đến một phía từ trên trời ban xuống, mà còn tự hoàn cảnh sống của mỗi người, không chỉ đến từ những thành tựu, những niềm vui, mà còn đến từ những thất bại, xui rủi, bệnh tật và cả chết chóc. Hồng ân Thiên Chúa thật bao la.

Từ đó đến nay đã 25 năm. Tôi không muốn nhắc lại khoảng thời gian đó.
Chỉ biết rằng chú bé Hồng Ân còi cọc năm nào nay đã đường hoàng đứng trên bục giảng Đại Học Bách Khoa. Cách đây mấy năm, nhìn bóng dáng nhỏ bé nhưng đầy tự tin của Hồng Ân chen vai trong dòng người vào phòng cách ly ở sân bay để qua Nhật học thạc sĩ, tôi không khỏi rơi nước mắt khi nghĩ tới những nỗ lực của cháu.

Những ngày đầu năm 2008, anh em họp nhau tại nhà Bảo Gẫm, Quảng Thuận để dâng lễ tạ ơn Thiên Chúa nhân đám giỗ lần thứ 25 của Ba. Tiếc là
không có mặt Hồng Ân, cháu đang bận làm luận án tiến sĩ ở Thái Lan.

1/1/2008

Nguyễn Vinh Sơn
 

VỀ MỤC LỤC
ÁN OAN

 

Thế giới này mới đạt con số 7 tỷ người. Trong 7 tỷ người ấy, có bao nhiêu người làm nghề quan án chuyên nghiệp? Người viết không biết chính xác con số này và cũng chưa có ý định nói về họ. Nhưng nếu hỏi có bao nhiêu “quan án không chuyên môn” thì người viết nghĩ đến con số khoảng 5 tỷ là ít nhất và có rất nhiều bản án oan. Những bản án oan này có nhiều kết luận khác nhau nhưng đều xuất phát từ cùng một nguyên nhân. Bản án oan như thế nhưng có nhiều người tin răm rắp không hề đặt lại vấn đề. Oan lại càng oan!

Vì số vụ án bị oan nhiều quá nên người viết chỉ xin được kể vắn tắt một vài trường hợp. Sau khi đọc xong bài viết này, có lẽ độc giả sẽ phát hiện ra thêm nhiều vụ khác. Xin được bắt đầu như sau.

YYYYYYY

Câu chuyện thứ nhất: Một nhân chứng của một vụ án trả lời phỏng vấn: “Lúc ấy tôi đang đi bộ cách hiện trường khoảng mấy trăm mét. Tôi thấy anh ta nhào tới xô người đó rớt xuống sông, gây ra án mạng. Sau đó anh ta còn làm bộ hô lên để xin mọi người đến cứu. Giả nhân giả nghĩa! Bị bắt là đáng đời!”

Câu chuyện thứ hai: Cô Ba rảnh rỗi ngồi tám chuyện: “Hôm bữa tui thấy ông thầy tu đó chở một con nhỏ trên xe máy. Con nhỏ trông lòe loẹt lắm. Ổng để nó ôm cứng ngắc. Ổng một tay lái xe một tay nắm chặt tay nó. Nhìn tình tứ lắm. Thật là hết nói!” Lời ấy lan nhanh như rừng thu bị cháy. Vị tu sĩ điêu đứng vì miệng lưỡi của dư luận.

Câu chuyện thứ ba: Vừa bất bình vừa bực bội, Thân lên tiếng: “Tao thấy Vy có vấn đề. Chó cũng chỉ là một con vật thôi, làm gì mà tốn kém chăm sóc dữ vậy. Số tiền ấy để giải trí hoặc làm từ thiện có phải là tốt hơn không…”

Câu chuyện thứ tư: Chuyện động trời xảy ra! Trụ trì cho gọi thầy Kính Tâm lên hỏi chuyện. Có một cô gái đang đứng bên ngoài tên là Thị Mầu nói thầy chính là cha của đứa con Thị Mầu đang ẵm. Cả chùa bị sốc. Không thể ngờ được một người như thầy Kính Tâm lại làm ra chuyện đó. Nhục nhơ hết thanh danh của chùa. Sau đó, thầy Kính Tâm ra khỏi chùa và nuôi đứa bé. Mọi người lại càng tin vào phán đoán của mình, càng lên án coi khinh thầy. Tin ấy lan xa, ai cũng lắc đầu khinh khi.

Chúa cũng bị oan nữa. Ngay từ lúc khởi đầu của lịch sử này, con người qua đại diện là A-đam và Ê-va đã nghi ngờ và tức giận Đấng đã tạo nên. Họ nghe và tin Con Rắn (biểu tượng của Satan) bảo rằng Chúa không muốn họ ăn trái của “cây cho biết điều thiện điều ác” (biểu tượng của tội lỗi) vì Chúa sợ con người sẽ bằng mình. Chúa nhát đảm và ích kỉ!

YYYYYYY

Còn đây là sự thật của những câu chuyện trên:

Câu chuyện thứ nhất: Hôm ấy anh thanh niên đang đi dạo dọc theo dòng sông chảy xiết. Bất chợt anh thấy trước mặt một người đàn ông say rượu đang lảo đảo tiến về phía mép của bờ đá. Nếu tiếp tục bước nữa thì ông ta sẽ rớt xuống sông gặp nguy hiểm. Anh vội vàng chạy thật nhanh về phía người đàn ông để ngăn lại. Không ngờ chạy đến gần thì bất chợt anh bị vấp chân vào một mô đất nhỏ, anh mất thăng bằng và ngã chúi về phía trước, đụng vào người đàn ông nọ khiến ông này bị đẩy xuống dòng sông. Chàng thanh niên không biết bơi, chỉ còn biết đứng đó kêu gào xem có ai cứu không.

Câu chuyện thứ hai: Vị tu sĩ hôm ấy nhận được một cú điện thoại xin được giúp đỡ. Cú điện thoại ấy từ một cô gái là giáo dân trong xứ đạo. Cô gọi để xin thầy chạy qua cứu bạn cô, bạn cô hành nghề mại dâm. Cô bạn này trong lúc chán đời muốn tự tử đã uống rượu mạnh để lấy can đảm uống một liều thuốc độc, bây giờ trong tình trạng bấn loạn, tỉnh không tỉnh mê không mê. Tình thế khẩn cấp, vị tu sĩ bảo cô giáo dân chạy đi báo cho người nhà cô bạn này biết tin còn mình thì chở cô ta vào bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ cho biết nếu chỉ trễ khoảng nửa tiếng nữa thì không còn hy vọng. Vị tu sĩ chợt giật mình vì mới đầu ông cũng ngại ngần, lần chần, sợ dư luận sẽ nói này nói nọ vì dư luận vốn hay có tật ‘luận dư’ mà. May quá ông đã kịp thời chọn lựa điều quan trọng hơn.

Câu chuyện thứ ba: Tuổi thơ của Vy gắn liền với những chú cún. Cún làm dịu nỗi buồn, làm tăng niềm vui, làm nguôi cơn giận, làm tan tủi hờn, làm lớn lòng nhân hậu. Cún là bạn. Rồi khi lớn lên bước vào đời Vy lại gặp hết chuyện buồn này đến chuyện đau khác, mà toàn là do con người gây ra. Là con người với nhau đấy mà xảy ra bao nhiêu những nhỏ nhen ganh ghét, lấy oán trả ơn, gian dối lọc lừa, mưu mô ác độc, bất tín bất trung…Chưa hết, chính cún đã có lần cứu Vy thoát khỏi nguy hiểm do con người gây ra. Như thế, cún có đáng được chăm sóc và thương yêu không? Đành rằng phẩm giá con người được Thiên Chúa dựng nên là vô cùng cao quý, nhưng có khi cách đối xử phi nhân của con người làm cho chính đồng loại phải sợ hãi lánh xa. Trách móc phê bình Vy như thế có oan không? Vy có quyền hạnh phúc!

Câu chuyện thứ tư: Thị Kính đang may vá bên cạnh Thiện Sĩ đang ngủ say. Thấy chồng mình có sợi râu ở cằm thì toan dùng con dao nhỏ đang dùng may vá để cắt sợi râu ấy cho chồng. Lúc ấy Thiện Sĩ chợt tỉnh giấc và nghĩ rằng vợ muốn giết mình nên la lớn. Sau đó Thị Kính bị bỏ rơi. Nàng cải trang thành nam giới vào chùa xin tu với pháp danh Kính Tâm. Dáng mạo Kính Tâm đẹp đẽ khiến các nữ tín đồ, trong đó có Thị Mầu mê đắm. Thị Mầu tỏ ý nhưng không được đáp lại. Sau đó, Thị Mầu có con với một anh hầu việc rồi vu cáo cho Kính Tâm. Kính Tâm nói mình bị oan nhưng vốn dĩ nhân hậu, thấy trẻ thơ thì thương yêu liền, lại đang ở trong tình thế giả nam nên không giải thích thêm. Kính Tâm đành phải lỡ kiếp tu, ra khỏi chùa và nhận nuôi đứa bé. Khi đứa bé được ba tuổi thì Kính Tâm bệnh nặng và qua đời. Người ta lúc ấy mới phát hiện ra sự thật…. Người bị oan này chính là Quan Âm Thị Kính cứu khổ cứu nạn chúng sinh.

Câu chuyện Chúa bị oan: Chúa chính là Đấng có sáng kiến tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa, ban sự sống của chính mình cho họ để họ được hạnh phúc cùng Ngài. Một khi đã ban sự sống mình là ban điều quý giá nhất thì dĩ nhiên Chúa không còn tiếc với họ điều gì nữa. Ngài mong muốn họ trở nên tốt đẹp nhất, cao quý nhất, sáng láng nhất, càng giống Ngài thì càng tuyệt. Trong khi đó, con người lại đánh giá thấp Thiên Chúa tình yêu chỉ qua một câu nói của Tên Lừa Đảo. Tham vọng khiến họ đánh mất sự sáng suốt trong tim để rồi bị kẻ thù nguy hiểm đang đóng giả đồng minh lợi dụng. Một câu xúi giục ma mãnh bé tí của hắn, đánh vào ‘quyền lợi cá nhân’, đã có thể khiến họ quên mất một bức tranh tình yêu rộng lớn về Đấng đã tạo dựng nên họ và ban cho họ chính sự sống của mình. Rồi trong dòng lịch sử, chính Chúa đã bỏ tất cả vinh quang của một Thượng Đế, trút cạn chính mình, hạ mình xuống thấp nhất, trở nên không cho con người, tận hiến luôn cả sự sống mình cho họ nơi Đức Giêsu trên khổ giá, chỉ với mong ước con người sẽ trở nên tất cả. Thế mà Ngài đã bị con người nghi ngờ, chống đối. Oan!

Còn hằng hà sa số những “án oan” như thế vẫn xảy ra mỗi ngày trong tư tưởng, lời nói, cử chỉ, hành động. Đâu là nguyên nhân?

YYYYYYY

Một trong những nguyên nhân chính gây ra các bản “án oan nghiệt” đời thường như thế là: tách sự việc ra khỏi ngữ cảnh lớn hơn của nó. Khi ta lấy một chi tiết nhỏ trong một câu chuyện để giải thích cho toàn bộ câu chuyện thì ta có nguy cơ vướng vào hiểu lầm và gây ra tai hại. Những gì ta nhìn thấy hay nghe được có thể chỉ là một mẩu thông tin nhỏ xíu, một chi tiết không đáng kể trong một câu chuyện lớn hơn nhiều. Tầm nhìn, lỗ tai con người rất giới hạn. Nhiều khi, đàng sau những gì ta thấy ta nghe còn có cả một hoàn cảnh phức tạp. Chưa hiểu thấu hoàn cảnh ấy mà đưa ra đánh giá sẽ dễ dẫn đến oan khiên đáng tiếc, bất công đáng trách, hậu quả đáng buồn.

Gốc rễ của cách ứng xử nhiều sai sót này nằm ở một chữ “thiếu”: thiếu thông tin về bức tranh tổng thể của câu chuyện mà lại chủ quan vội vàng đưa ra nhận định; thiếu bình tĩnh, kiên nhẫn, lắng nghe cho hết mọi khía cạnh; thiếu lạc quan vào bản chất tốt đẹp của con người, trong đó có chính bản thân; thiếu khiêm nhường về sự giới hạn trong kiến thức của mình, nhưng lại cho mình là biết chuyện, rồi tự lấy quyền xét xử người khác; thiếu hiểu biết về bản thân mỗi khi có nỗi sợ trong lòng (lúc ấy người ta hay có khuynh hướng phóng chiếu nỗi sợ ấy ra bên ngoài lên tha nhân để tạo một cảm giác an ổn nào đó cho tâm lí mình, đây là một dạng của “suy bụng ta ra bụng người”); thiếu quân bình trong cái nhìn về con người (dễ dẫn đến tình trạng tập trung vào điều mình không thích nơi người khác thay vì ưu tiên nhìn điểm tốt đẹp nơi họ trước, vạch lá tìm sâu thì hay bị sầu tim); thiếu cái nhìn tích cực của Chúa, bởi khi con mắt tâm hồn tối tăm thì tất yếu sẽ khó nhận ra ánh sáng nơi tha nhân và dễ dàng lên án họ;…

YYYYYYY

Có một người đã từng gây ra ‘án oan’ khi ông truy lùng bắt bớ những người mang tên là Kitô hữu. Đó là Phao-lô. Lúc ấy ông cũng vội vàng kết luận và kết án họ khi chưa hiểu toàn bộ câu chuyện của họ liên quan đến Đức Giêsu. Phao-lô sau này đã viết: “Xin anh em đừng vội xét xử điều gì trước kỳ hạn, trước ngày Chúa đến. Chính Người sẽ đưa ra ánh sáng những gì ẩn khuất trong bóng tối, và phơi bày những ý định trong thâm tâm con người.” (1Cr 4:5)

Còn Đức Giêsu, Đấng duy nhất có khả năng thấu suốt mọi bí ẩn của tâm hồn, thì dạy rõ ràng: “Anh chị em đừng xét đoán người khác.” (Mt 7:1; Lc 6:37; Ga 7:24)

Giuse Tuấn Việt, O.Carm.

[01A+V0612]

Blog cá nhân: http://only3minutes.wordpress.com/tieng-viet/an-oan/

VỀ MỤC LỤC
GIÁO SĨ, TU SĨ VÀ GIÁO DÂN KHÁC VÀ GIỐNG NHAU THẾ NÀO ?

 

Hỏi: Xin cha giải thích thêm về vai trò và trách nhiệm của giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân trong Giáo Hội và tại sao tu sĩ không được cử hành các bí tích như giáo sĩ?

Trả lời:

Trước hết, nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô và qua bí tích rửa tội, người tín hữu Chúa Kitô  trở nên giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa  để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh  em ra khỏi miền  tối tăm  vào nơi  ánh sáng diệu huyền. Xưa anh  em chưa phải là một dân. Nay anh  em đã là dân của Thiên Chúa; xưa anh  em chưa được hưởng lòng thương xót (của Chúa), nay anh  em đã được thương xót. (1 Pr 2: 9-10) 

Trên đây là vinh phúc và là danh hiệu cao quí nhất của người Kitôhữu với tư cách là Dân mới của Thiên Chúa trong Giáo Hội,  theo Thánh Phêrô. Không có danh hiệu và vinh dự nào cao trọng hơn nữa. Chính vì vinh phúc này mà Thánh Augustinô (354-430) đã nói: “Với anh  em tôi là Kitô hữu. Cho anh  em tôi là Giám mục. Kitôhữu là một ân sủng trong khi Giám mục là một trách nhiệm nguy hiểm.”

Tuy nhiên, sống trong Giáo Hội, người tín hữu không có chung một chức năng và nhiệm vụ  như nhau. Ngược  lại, theo Thánh Phaolô,  thì “anh  em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận. Trong Hội Thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông Đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ, được những đặc sủng để chữa bệnh, để giúp đỡ người khác…” (x. 1 Cor 12: 27-28).

Như thế,  tuy khác nhau về vai trò và trách nhiệm, nhưng mọi thành phần dân Chúa đều  bổ túc cho nhau và cùng nhau phục vụ để  mở mang Nước Thiên Chúa và  xây dựng Giáo Hội là Thân Thể Nhiệm Mầu (Mystical Body) của Chúa Kitô giữa trần gian. 

Theo giáo lý, tín lý và giáo luật hiện hành của Giáo Hội, thì Dân Chúa được khai sinh qua Phép Rửa, được lớn lên trong đức tin, đức cậy và đức mến  nhờ bí tích Thêm Sức và bí tích Thánh Thể, là “ nguồn mạch và là đỉnh cao của đời sống KitôGiaó” (LG.no.11). Người tín hữu  được mời gọi sống trong ba ơn gọi  hay bậc sống khác nhau. Đó  là bậc giáo sĩ, bậc tu sĩ và bậc giáo dân có gia đình. Ngày nay có thêm một bậc sống nữa là bậc độc thân, tức những người không thuộc ba bậc sống nói trên

Phân chia như vậy vì  ơn gọi riêng biệt của từng người theo kế hoạch của Thiên Chúa chứ không có mục đích phân  biệt địa vị cao thấp, hay giá trị hơn kém  theo tiêu chuẩn người đời.  

Nói về ba bậc sống hay ba ơn gọi đặc biệt trên,  Giáo lý hiện hành của Giáo Hội dạy  như sau:

Do sự thiết lập của Thiên Chúa, trong Giáo Hội có những tín hữu là thừa tác viên thánh mà theo luật được gọi là giáo sĩ, những tín hữu khác được gọi là giáo dân. Trong số các tín hữu thuộc cả hai loại này, có những tín hữu nhờ sự tuyên khấn các lời khuyên của  Phúc âm mà được thánh hiến cho Giáo Hội để phục vụ cho sứ mạng của Giáo Hội. (bậc tu sĩ)” ( x. SGLGHCG, số 934) 

Nói khác đi, một số tín hữu  được mời gọi để sống và thi hành nhiệm vụ của hàng giáo sĩ, tức là đáp lời mời gọi của Chúa, được huấn luyện chuyên môn để nhận lãnh các chức thánh (Holy Orders) cần thiết cho việc  phục vụ  Dân Chúa trong Giáo Hội. Cụ thể như sau:

 

I- Hàng giáo sĩ (clergy) bao gồm những người  được gọi để lãnh nhận các chức thánh như Phó tế, Linh mục và Giám mục.  Đó là thành phần của hàng giáo sĩ thừa tác (ministerial clergy). Chức năng của hàng giáo sĩ là phục vụ, rao giảng lời Chúa, dạy dỗ chân lý, cai trị, thánh hóa mình và người khác nhờ  lời cầu nguyện và cử hành các bí tích Thánh Tẩy, Thêm sức, Thánh Thể và Hòa giải. 

Chỉ có linh mục và Giám mục được gọi là tư tế (sacerdos) vì có chức tư tế thừa tác (Ministerial Priesthood) và được quyền tế lễ mà thôi.  

Các Phó tế  là những thừa tác viên được truyền chức thánh để lo công tác phục vụ trong Giáo Hội, cụ thể là phục vụ  bàn thánh, công bố Lời Chúa và được năng quyền giảng lời Chúa, chứng hôn, cử hành nghi thức an táng và  rửa tội cho trẻ  em. (không cho người lớn mới gia nhập Đạo, vì người tân tòng  được lãnh 3 bí tích rửa tội thêm sức và Thánh Thể một trật trong cùng thánh lễ. Do đó, Phó tế không được rửa  tội cho người tân tòng vì không được ban bí tích thêm sức trong dịp này.).

 

II- Hàng Tu sĩ (Religious)

Bậc sống thứ hai là bậc tu trì. Đây là ơn gọi đặc biệt dành cho các tín hữu nam nữ đã quảng đại đáp lời mời gọi của Chúa để tự nguyện khấn và sống ba lời khuyên của Phúc Âm là khiết tịnh (chastity) khó nghèo (poverty) và vâng phục (obedience) trong một Dòng Tu hay Tu Hội được thành lập hợp pháp  theo giáo luật. (x. cans. 573-76). Đây là bậc sống thánh hiến (consecrated life) dành cho những người có ơn gọi sống những linh đạo (spirituality) hay đặc sủng (charisms) riêng  biệt của nhiều  Dòng Tu hay Tu Hội khác nhau đang hoạt động trong Giáo Hội. 

Thí dụ:  Dòng Thuyết Giáo (Order of Preachers, O.P) của Thánh Đa-Minh  chuyên về giảng thuyết.  Dòng Tên (Society of Jesus, SJ) của Thánh Ignatius Loyola, thành lập năm 1534, với khẩu hiệu “Ad majorem Dei gloriam = Cho vinh danh lớn lao của Thiên Chúa”  chuyên giảng dạy ở Đại Học và hoạt động trong giới trí thức.. Dòng Chúa Cứu Thế (C.Ss.R) Chuyên giảng cấm phòng và cổ võ lòng sùng kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp…

Các Dòng và Tu Hội  thường không có nhiệm vụ thi hành mục vụ cho các Giáo xứ, nhưng vì  các Giáo Phận đều thiếu linh mục đia  phận ( Diocesan Priests)  hay còn gọi là linh mục Triều , nên rất nhiều linh mục Dòng đã được mời để  đảm trách mục vụ ở các Địa Phận trên toàn Nước Mỹ và ngay cả ở Việt Nam nữa. 

Thật ra, bậc sống tu trì không phải là bậc sống ở giữa bậc giáo sĩ  và giáo dân mà là một bậc sống chuyên biệt dành cho những nam nữ Kitô hữu tự nguyện sống ba lời khuyên của Phúc Âm để bắt chước cách chính xác hơn và thực hiện liên tục trong Giáo Hội nếp sống Con Thiên Chúa đã sống khi Người xuống thế thi hành thánh ý  Chúa Cha và cũng là nếp sống Người đã đề ra cho các môn đệ theo Người. (x .LG. 44)

Các nam tu sĩ thuộc nhiều Dòng Tu hay Tu Hội,  ngoài 3 lời khấn Dòng,  còn có thể học và lãnh chức thánh để trở thành các giáo sĩ  có chức linh mục hay giám mục Dòng. (Đã có nhiều Giám mục, Hồng Y và cả Giáo Hoàng xuất thân t các Dòng Tu). Như vậy một linh mục có thể là một tu sĩ vì thuộc về một Dòng Tu  hay Tu Hội.  Thí dụ:  các cha Đa-Minh, Dòng Chúa Cứu Thế, Dòng Tên, Tu Hội Tân Hiến .. . Nhưng một giáo sĩ  (phó tế, linh mục Giáo Phận hay còn gọi là Triều) thì không phải là tu sĩ  vì  không  thuộc về một  Dòng Tu  hay Tu Hội nào, mà trực thuộc một giám mục điạ phận mà thôi

Liên can đến phần thứ 2 của câu hỏi trên, về lý do tại sao tu sĩ không được cử hành các bí tính, xin được phân biệt rõ như sau :

1-  Nếu tu sĩ , ngoài ba lời khấn,  còn có chức  linh mục (các cha Đa Minh, Dòng Tên, Dòng Đồng Công.v.v ) thì được cử hành các bí tích như linh mục Triều, (trừ bí tích Truyền Chức Thánh dành riêng cho Giám mục)

2-  Nếu không có chức thánh (phó tế, linh mục)  thì tu sĩ không  không được cử hành bất cứ bí tích nào, trừ bí tích  rửa tội trong trường hợp nguy tử khi không có giáo sĩ có chức thánh (phó tế, linh mục, giám mục). Nghĩa là trong trường hợp bình thường, thì các tu sĩ (các Thầy, các Sư Huynh, và Nữ tu (Soeurs, Síters) không được phép rửa tội, chứng hôn hay cử hành nghi thức an táng  cho ai cả. Nhưng trong trường hợp nguy tử, khẩp cấp thì mọi tín hữu đều được phép rửa tội nhưng phải theo đúng thể thức  như  dùng nước, đổ trên đầu hay trên trán và đọc công thức Chúa Ba Ngôi như  Giáo Hội dạy..

 

III- Giáo Dân (Laity)

Theo định nghĩa trong  Hiến Chế Tin Lý Lumen Gentium (Ánh Sáng muôn dân) của Thánh Công Đồng Vaticanô II,  thì “danh diệu giáo dân (laity) được hiểu là tất cả những Kitôhữu không có chức thánh hoặc bậc tu trì  được Giáo Hội công nhận.” (x. LG. số 31) 

Nói rõ hơn, giáo dân là thành  phần Kitô hữu  đông đảo nhất trong Giáo Hội không thuộc về hàng giáo sĩ  hay tu sĩ , nhưng nhờ phép rửa đã trở nên Dân Thiên Chúa  và tham dự vào  chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa Kitô theo cách thức của họ. Họ là những người đang thực hiện sứ mạng của toàn dân Kitôgiáo trong Giáo Hội và trên trần gian theo phần vụ riêng của mình.” ( LG. 31)

Ngoài ra, như đã nói ở trên, còn một bặc sống nữa mà Giáo Hội nhìn nhận đó là bặc sống của những người độc thân (celibate), không muốn sống ơn gọi làm tu sĩ, giáo sĩ hay kết hôn như những người có gia đình. Thành phần này cũng  không ít trong Giáo hội và xã hội ngày nay.  

Nhưng dù là không kết hôn hay kết hôn, thì cũng là giáo dân sống và phục vụ trong Giáo Hội cùng với hàng giáo sĩ và tu sĩ, là hai thành phần buộc phải sống luật độc thân. Giáo dân nói chung, tuy không thuộc về hàng giáo sĩ hay tu sĩ, nhưng không có nghĩa là thua kém về phẩm chất hay giá trị mà chỉ có nghĩa là không cùng có chung vai trò  và trách nhiệm  trong Giáo Hội mà thôi. Giáo Sĩ, do ơn gọi và năng quyền (competence) được lãnh nhận từ bí tích chuyên biệt là Bí Tích Truyền Chức Thánh, có nhiệm vụ thay mặt và nhân danh Chúa Kitô (in persona Christi) để  tế lễ, giảng dạy, cai trị và thánh hoá  qua việc cử hành các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể và hoà giải. 

Như vậy, trách nhiệm và đối tượng phục vụ của hàng giáo sĩ chính là giáo dân, tức đoàn chiên mà Chúa Giêsu, Vị Mục Tử Nhân lành, đã trao phó nhiệm vụ chăn dắt cho các Tông Đồ xưa và  nay cho những  người kế tục sứ mạng này là các Giám Mục và hàng Linh mục, tức những cộng sự viên thân cận và đắc lực của Giám mục.

Về phần mình, giáo dân thi hành ba chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương đế của Chúa Kitô chủ yếu bằng chính  đời sống chứng nhân của mình trước mặt người đời trong các môi trường sống. Cụ thể, khi người giáo dân, cũng là công dân trong một xã hội, sống công bình, thánh thiện, tha thứ và bác ái đúng mức giữa bao  người khác thì đã  hùng hồn rao giảng Chúa Kitô yêu thương, tha thứ  và nhân hậu cho họ;  đồng thời cũng mang  vương quốc bình an, công lý và thánh thiện của Người đến những nơi còn đầy rẫy những bất công, tàn bạo,  tội ác, sa đọa và tục hóa ngày nay.  

Đây là cách phúc âm hoá thế giới còn hữu hiệu hơn cả những lời rao giảng hùng hồn của giáo sĩ  trên  giảng đài trong nhà thờ, hay âm thầm cầu nguyện trong các tu viện, mặc dù  cầu nguyện rất  cần thiết cho việc thi hành sứ mạng của Giáo Hội và cho sự thành công của sứ mạng này. 

Tóm lại, tuy khác nhau về địa vị và trách nhiệm nhưng cả bốn thành phần giáo sĩ, tu sĩ  và giáo dân (bậc độc thân và bậc có gia đình)  đều chung sứ mạng loan báo Tin Mừng Cứu Độ của Chúa Kitô cho những người chưa nghe biết để tất cả đều được  hy vọng  cứu độ  vì  “ Thiên  Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý.”  (x. 1Tim 2:4). 

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

VỀ MỤC LỤC
TƯỜNG TRÌNH VI PHẠM NHÂN QUYỀN NĂM 2011

 

Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh

Ngày 24 tháng 5 vừa qua, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đưa ra một bản tường trình về tình trạng vi phạm Nhân Quyền trên thế giới trong năm 2011, trong đó có Việt Nam.

Ông Michael H. Posner, phụ tá ngọai trưởng đặc trách văn phòng Dân Chủ, Nhân Quyền và Lao Động đã nhấn mạnh năm 2011 là năm có nhiều biến động lớn ở Trung Đông, Bắc Phi và Miến Điện. Nhưng những vi phạm nhân quyền trầm trọng, ông  nói thêm, vẫn còn hiện diên tại nhiều quốc gia như bầu cử không ngay thẳng và công bằng, tình trạng kiểm duyêt báo chí, internet…, bắt bớ, giam cầm người dân một cách bừa bãi, tra tấn và giết người vô tội vạ.

Năm vừa qua cũng cho thấy những cuộc truy lùng bắt bớ, làm khó dễ một số lớn những đoàn thể, hội đoàn và cá nhân tôn giáo, những người có đạo / tín ngưỡng.

 

TRUNG ĐÔNG

Nói về Ai Cập, thì bản tường trình cho thấy vi phạm nhân quyền trong năm 2011 khá đặc biệt, như đàn áp biểu tình, những người tỏ thái độ, đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình, bạo động, đàn áp những tôn giáo thiểu số, dùng tòa án quân sự để xét xử những vụ án dân sự, tự tiện bắt người vô cớ.

Dựa vào luật tôn giáo để kỳ thị tôn giáo như cấm đàn bà đạo Hồi không được phép lấy chồng không phải là tín hữu đạo Hồi. Bất tuân sẽ bị bắt tù vì tội bội giáo. Ngoài ra, con của những cặp hôn nhân gọi là “trái phép” như vậy sẽ bị bắt giữ và đặt dưới quyền giám hộ của người đạo Hồi. Nếu người chồng qua đời thì những người vợ góa Kito hữu có chồng đạo Hồi sẽ mất quyền thừa kế gia tài của chồng để lại.

Theo bản tường trình thì cả Iran lẫn Iraq vẫn còn vi phạm nhân quyền một cách trầm trọng. Đặc biệt ở Iran, phản ứng của những phe nhóm đối lập vẫn tiếp tục biểu lộ bằng những cuộc biểu tình xuống đường ôn hòa nhưng nhà cầm quyền vẫn đàn áp mãnh liệt, đồng thời giới hạn triệt để tự do ngôn luận và tự do báo chí.

Về án tử hình, trong một bản tường trình riêng, Bộ Ngoại Giao cho thấy trong năm 2011 vừa qua đã có 659 người bị hành quyết, trong đó đa số không được xét sử đúng cách qua các thủ tục chính thức của tòa án. Tòa cũng đã tuyên án tử hình những người đã từng theo đạo Hồi mà bỏ đi theo đạo khác.

Ở Iraq, cả những nhóm kháng chiến lẫn lực lượng nhà nước đều vẫn tiếp tục đàn áp, ức hiếp những người không cùng tôn giáo và chính kiến. Người ta ước chừng có  từ trên 1,500 đến hơn 2,500 người dân bị giết trong năm qua, mặc dù con số có vẻ thấp hơn so với năm trước.

Cũng vẫn theo bản tường trình, chính phủ vẫn còn kỳ thị và ra những đạo luật chống lại những nhóm tôn giáo thiểu số và chủng tộc. Ngoài ra cũng có những than phiền là chính quyền không chịu trả hoặc chậm trễ trả lại đất đai và những cơ sở của Giáo Hội và nông dân Kito Giáo / Công Giáo mà chế độ trước đã chiếm đoạt của họ.

 

MIẾN ĐIỆN ĐÃ THAY ĐỔI NHIỀU

Trung Đông không phải là vùng độc nhất có những thay đổi đáng kể trong năm 2011. Tại Miến Điện, chính quyền cũng không còn kìm kẹp và giới hạn tự do hoạt động của những phe đối lập như trước nữa. Họ đã cho phép bà Aung San Suu Kyi, một nhà đối lập nổi tiếng được ra tranh cử quốc hội. Hàng trăm tù nhân chính trị được thả tự do và một số những ngăn cấm kìm kẹp và kiểm duyệt được thả lỏng

Tuy nhiên, vẫn còn có những lấn cấn về vấn đề Nhân Quyền tại quốc gia này mà bản tường trình đã nói tới, đặc biệt chính quyền vẫn còn giam giữ hàng trăm tù nhân chính trị.

 

TRUNG CỘNG VẪN TỒI TỆ

Ngược lại với những nơi khác trên thế giới, tình trạng nhân quyền ở Trung Cộng vẫn tiếp tục tồi tệ. Đàn áp và gây áp lực trên những công dân muốn có dân chủ tự do vẫn là chuyện bình thường hàng ngày. Tự do hội họp, tự do tín ngưỡng/tôn giáo và du lịch vẫn còn bị giới hạn và ngày càng xiết chặt.

Cố gắng bịt miệng những nhà hoạt động chính trị và những luật sư biện hộ miễn phí  cho dân vẫn tiếp tục leo thang. Nhà nước vẫn kìm kẹp, đàn áp tôn giáo và văn hóa của nhóm thiểu số chủng tộc một cách tàn ác như ở vùng tự trị Xinjiang Uighur và những miền khác thuộc Tây Tạng.

Kế hoạch hóa gia đình, giới hạn sinh đẻ -theo như bản tường trình cho biết- vẫn có tính cưỡng hành. Các viên chức địa phương thường dùng sức mạnh để cưỡng chế buộc phải thi hành, như áp lực dùng thuốc ngừa thai và cưỡng bách phá thai những thai nhi nào không được phép có.

 

VIỆT NAM VẪN KHÔNG THAY ĐỔI

Tại Việt Nam, như bản bá cáo nói, tình trạng nhân quyền cũng không khá hơn nơi nào khác. Vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất tại VN vẫn ở chỗ nhà nước giới hạn quyền tự do chính trị của người dân một cách rất quyết liệt. Mức độ giới hạn quyền tự do con người cũng như tình trạng tham nhũng hối lộ của chính quyền ở mọi tầng lớp, về mọi mặt, đặc biệt hệ thống pháp luật và công an cảnh sát vẫn chỉ tăng chứ không thấy giảm.

Chính quyền vẫn xâm phạm, xía vào cuộc sống riêng tư của người dân để dò xét theo dõi, giới hạn, kìm kẹp tự do cá nhân, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội lập đảng. Chánh quyền chiếm cứ tài sản, đất đai của dân và các tôn giáo bất chấp nguyện vọng của họ. Công an cảnh sát bắt bớ người và đánh đập, giết người vô tội vạ. Kiểm soát, ngăn cấm và phá hoại internet ngày càng lộ liễu và gay gắt.

Bản tường trình cũng nhấn mạnh về vấn đề tự do tôn giáo. Đây là vấn đề khá căm go, chính quyền vẫn luôn luôn dòm ngó vào tôn giáo để kiểm soát và giật giây. Tự do Tôn giáo không được bảo vệ và thi hành đúng mức và đồng đều, nhất là ở các tỉnh và làng quê, nơi núi rừng xa xôi.

 

NGA SÔ VẪN CÒN TRẤN ÁP VÀ HẠN CHẾ TỰ DO

Bản bá cáo cho biết vi phạm nhân quyền khá phổ biến về nhiều mặt, như kỳ bầu cử quốc hội hồi tháng 12-2011, chính quyền đã can thiệp và lèo lái theo ý mình, giới hạn và xiết chặt hoạt động của phe đối lập, không cho tổ chức và ứng cử vào các cơ quan công quyền hoặc được tự do lên tiếng qua báo chí và vận động tranh cử.

Ngoài ra còn lạm dụng luật lệ, dùng luật lệ để đe dọa, chèn ép những người đối lập có nguy hại cho chính quyền, lấy cớ vi phạm chính trị để truy tố ra tòa và giam cầm trong những điều kiện thiệt là nghiệt ngã.

Chính quyền tiếp tục làm áp lực trên những cơ quan truyền thông và một số báo chí. Những ai công khai chỉ trích hoặc dám thách thức chính quyền và có móc nối và ảnh hưởng tốt về thương mại đều bị đánh phá và xách nhiễu. Giết, ám sát các nhà báo và những người hoạt động chính trị vẫn tiếp tục. Một số trường hợp gia trọng từ nhiều năm trước đến nay vẫn chưa được giải quyết.

 

ĐÔI LỜI KẾT

Nhân quyền là lẽ sống thinh thần của con người, là dấu ấn mà Thiên Chúa đã in sâu vào tâm khảm mỗi người chúng ta từ khi mới thụ thai. Nó cần phải được mọi người và mọi chế độ tôn trọng và thi hành.

Một chính quyền biết tôn trọng tự do của dân là một chính quyền biết lo cho dân cho nước. Nơi nào mà tự do của người dân bị tước đoạt, nơi đó con người không có hạnh phúc, đất nước không phồn vinh thịnh vượng thực sự, chính quyền không phải là chính quyền của dân, vì dân, và cho dân.

Nhân Quyền, Tự Do của người dân Việt trong chế độ xã hội chủ nghĩa hiện nay thế nào hẳn ai cũng biết. Chẳng lẽ chúng ta cứ mãi mãi chấp nhận kiếp sống trâu ngựa của con người mất tự do? Bao giờ thì hơn 80 triệu dân trong nước mới mở mắt hãnh diện với thế giới và nói được câu: “Chúng tôi đã có Tự Do thực sự.”  

Pace Island, Florida

June 5, 2012

NTC

VỀ MỤC LỤC
Hành-trình vô-thần của Karl Marx khi còn thanh-niên qua những sách đọc tham-khảo về tôn-giáo 

 

Gs. Trần Văn Toàn

Bài đăng ở tập san Định Hướng

(tiếp theo và hết)

2.2 - Đề cập vấn-đề tôn-giáo theo phương-pháp dân-tộc-học 

Hành-trình tôn-giáo - hay nói đúng hơn, vô-tôn giáo - của Marx không phải là kết quả do công-trình nghiên-cứu của ông, nhưng là do ông có ý lựa chọn sách vở nào hợp khuynh-hướng để đọc trong những năm 1838-1842 . Như ta đã thấy trên đây, Marx không có ý đọc sách vở của các tín-hữu viết để trình-bày niềm tin của mình, nhưng ông đọc sách của người ngoại cuộc viết để phê-bình tôn-giáo của người khác. Đó là lý-do vì sao ông bỏ hẳn đi không đọc các sách đã viết trong gần mười thế kỷ thời Trung cổ .

 Trên đây ta đã thấy các nhà tư-tưởng Hi-lạp và Roma thời Thượng-cổ phê-bình và khước từ các thần-linh của tôn-giáo cổ-truyền như thế nào. Riêng về đạo Thiên-Chúa, thì triết-học thời Cận-đại, nhất là của Spinoza, đã khảo xét và phê-bình theo như tiêu-chuẩn của lý-trí, và đã nhấn mạnh vào ý-niệm ‘’tôn-giáo tự-nhiên’’.

Trong phần sau cùng này ta sẽ thấy Marx căn cứ vào lịch-sử các tôn-giáo theo quan-điểm dân-tộc-học thời đó, để biện-minh cho lập-trường của ông. Ông muốn minh chứng hai điều : 1) hành-động tôn-giáo là mê-tín, 2) tôn-giáo mà còn duy-trì được thì là do quyền-bính của giới tăng-lữ lãnh-đạo các tín-đồ.

 

2.2.0 - Nội-dung những cặp vở viết tại Bonn 

Có 7 cặp vở viết tại Bonn, được gọi chung là Những đoạn văn chép về lịch-sử nghệ-thuật và lịch-sử tôn-giáo . Độc-giả có thể ngạc-nhiên khi thấy Marx để ý đến nghệ-thuật. Như thế cũng không phải là không có lý-do.

Thực vậy, dù muốn dù không, triết-học vào thời Marx vẫn còn mang nặng ảnh-hưởng của Hegel. Ai cũng biết rằng hệ-thống triết-học biện-chứng của Hegel chia ra làm ba phần : Lý-học (Logik), Thiên-nhiên (Natur) và Tinh-thần (Geist). Phần về Tinh-thần thì lại chia ra làm ba phạm-vi : Tinh-thần chủ-quan , Tinh-thần khách-quan  và Tinh-thần tuyệt-đối. Riêng Tinh-thần tuyệt-đối thì có ba hình thức kế-tiếp nhau là : Nghệ-thuật, Tôn-giáoTriết-lý. Đây là ba hình-thức nhờ đó Tinh-thần tuyệt-đối đạt được tự-kỷ ý-thức : hình-thức trực-giác là nghệ-thuật, hình-thức biểu-tượng là tôn-giáo, hình-thức ý-niệm là triết-lý . Như thế đã rõ là  nghệ-thuật, cũng như tôn-giáo và triết-lý, đều nằm ở trong phạm-vi thượng-đẳng của Tinh-thần tuyệt-đối.  Vì vậy nếu người ta bàn luận về liên-quan giữa tôn-giáo và triết-lý, giữa đức tin và lý-trí, thì sao lại không bàn đến liên-quan giữa nghệ-thuật và tôn-giáo ?

Thế nhưng, những điều Marx ghi chép trong những sách dọc còn dở-dang đó, không đưa ra được cái gì đáng kể. Một là vì không phải ai cũng am hiểu về nghệ-thuật. Hai là vì không phải ai cũng viết được một cuốn Thẩm-mỹ-học (Aesthetik) như Hegel ! Thực ra đối với Marx đó không phải là vấn-đề.

Vì thế ta có thể bỏ qua, không nói đến những đoạn văn trích ra từ sách về nghệ-thuật của K. F. von Rumohr, của J. Grund và của K. A. Boettinger, về luân-lý của J. Barbeyrac. Còn lại một nửa thì có liên-quan đến những tôn-giáo khác đạo Thiên-Chúa. Đó là những đoạn văn trích từ sách của C. De Brosses, của C. Meiners và của B. Constant. Trong ba tác-giả đó thì Marx chép nhiều nhất là từ năm tập sách của Benjamin Constant.

 

2.2.1 - Marx đọc sách của De Brosses 

Thiên khảo-luận của De Brosses thì kỳ thủy đã được thuyết-trình trong ba phiên họp của Hàn-lâm-viện Đăng-ký và Văn-chương (Académie des Inscriptions et des Belles Lettres). Thấy không được hưởng-ứng như mình mong ước, De Brosses gửi cho Denis Diderot trong nhóm Bách-khoa tự-điển đọc. Diderot tán-thành và cho De Brosses biết là David Hume mới xuất-bản cuốn Lịch-sử tôn-giáo theo quan-điểm tự-nhiên. Vì ở Pháp lúc đó có kiểm-duyệt sách vở, nên tác-phẩm đã phải xuất-bản ở ngoài nước Pháp năm 1760, nhưng không đề tên tác-giả, còn tên sách thì đề là : Du culte des dieux fétiches ou Parallèle de l’ancienne Religion de l’Égypte avec la religion actuelle de Nigritie (Bàn về phép thờ thần trong quan-niệm vật bái, hay là So-sánh tôn-giáo cổ-thời của người Ai-cập với tôn-giáo hiện-thời của xứ người da đen)   .

Marx đã đọc sách này trong bản dịch tiếng Đức của C.B. Pistorius. Bản dịch này có kèm thêm một bài dẫn-nhập bàn về mê-tín, về pháp-thuật, và việc thờ ngẫu-tượng, v.v.

Khi viết cuốn sách này De Brosses đã theo tinh-thần phong-trào ‘’Khai-minh’’ (Aufklaerung, Les Lumières), dùng đến những sự-kiện lịch-sử và địa-dư, đồng thời áp-dụng phương-pháp so-sánh. Sau khi so-sánh những điều quan-sát theo quan-điểm dân-tộc-học về quan-niệm và tập-tục tôn-giáo của những bộ-lạc Phi-châu đương-thời, với những điều mà các sử-gia thời Thượng-cổ đã ghi-chép về Ai-cập và về những dân-tộc khác cùng thời đó, tác-giả đi tới kết-luận là tục thờ các đồ-vật, tục bái-vật, là thuộc về giai-đoạn cổ nhất của tôn-giáo nói chung. Đưa ra lập-trường đó, ông có ý chống lại lập-trường những người chủ-trương rằng tôn-giáo của các dân-tộc cổ nhất đã bộc phát một cách không có lý-sự gì cả.

Sách chia ra làm ba phần : 1) Tục vật-bái của người da đen và của các dân-tộc man-di khác ; 2) So sánh tục vật-bái của các dân-tộc thời thượng-cổ và của các dân-tộc ngày nay ; 3) Xét về nguyên-nhân của tục vật-bái. Cả ba phần đều được Marx trích-dẫn, tất cả là độ 7 trang (MEGA IV / 1, từ trang 320 trở đi). Hai phần đầu thì bàn về nhiều dân-tộc xưa nay ở các lục-địa có cái thói kỳ cục là thờ đồ vật, thờ cây cối và thờ loài vật. . Nhưng đối với chúng ta thì phần thứ ba quan trọng hơn, vì có đặt vấn-đề nguyên-nhân giải-thích tục vật-bái. Thiết tưởng hay hơn cả là ta so sánh những điều Marx Marx đã đọc được với những điều ông nghĩ là nên chép lại.

 

2.2.1.1 - Về nguyên-nhân tục vật-bái theo quan-điểm của De Brosses 

Căn-cứ vào phương-pháp so sánh, De Brosses cho rằng tôn-giáo của người da đen đương thời với ông cũng là tôn-giáo của các dân-tộc thời Thượng-cổ, vì những lý-do sau đây :

Một là vì cùng có một trình-độ văn-hóa như nhau. Tác-giả nhận-định rằng những dân-tộc xa cách nhau về thời-gian và không-gian thì ‘’không có gì giống nhau, chỉ trừ có một điểm là cùng dốt nát và cùng dã-man như nhau (...). Nếu ta thấy các dân-tộc còn thô-sơ trong thế-giới này, ở mọi nơi mọi đời, đều cùng có tục vật-bái, mà lấy làm lạ, thì chỉ cần giải-thích hiện-tượng đó bằng nguyên-nhân đã nói trước đây : con người còn dã-man thì lúc nào cũng vẫn thế ; tâm thần của họ thì luôn luôn sợ hãi, tâm hồn họ thì đày-dẫy những mơ ước làm cho ý-tưởng của họ vận-chuyển tự-do vô kỷ-luật, đưa tới những hành-động vô-ý-nghĩa ‘’  . Vì thế cho nên nếu các dân-tộc ấy có nhìn cây cối, động-vật hay người ta như là thần thiêng, thì cũng không có gì là lạ.

Hai là vì có thuyết cho rằng từ nguyên thủy người ta đã được cho biết là có một Thiên Chúa. ‘’Ngay từ đầu, tác-giả viết, tất cả các dân-tộc đều có những quan-niệm chính-xác về tôn-giáo, nhưng sau đó thì sai lạc đi vì thờ ngẫu-tượng một cách ngu-ngốc. Ý-kiến thứ nhất này đi ngược lại quan-niệm cho rằng tư-tưởng của con người ta tự-nhiên tiến-bộ, đi từ những sự-vật mình cảm giác được cho tới những tri-thức trừu-tượng, và xa hơn nữa, thì đi từ những vật thụ-tạo lên tới vị Thiên-Chúa tạo thiên lập địa, chứ không bắt đầu đi từ vị Thiên-Chúa mà mình không trông thấy xuống tới những tạo-vật mà mình thấy trước mắt’’ (Sđd, tr 101).

Ý-kiến vừa nói trên đây của De Brosses, cho rằng quan-niệm nhất thần đã có trước quan-niệm đa thần, thi vào đầu thế-kỷ XX, vẫn còn được chủ-trương trong học-phái dân-tộc-học của Wilhelm Schmidt tại Wien (Vienne, Áo), với bộ sách Der Ursprung der Gottesidee (12 cuốn, in từ 1926 đến 1955).

Ba là cách De Brosses giải-thích chủ-trương đa-thần. Như ta biết, W. Schmidt giải-thích rằng : khi loài người ta chỉ biết hái quả mà ăn, thì ý thức rằng các thứ mình cần để sống thì không phải là do mình làm ra, cho nên tất-nhiên phải do ai đó cho thì mình mới có. Nhưng sau đó khi điều-kiện sinh-hoạt thay đổi, người ta chuyển sang sống bằng nghề canh-nông, du-mục hay là ngư-lạp, thì thấy rằng việc làm của mình, nếu không có những điều-kiện mưa, gió , nắng điều-hòa, thì không có kết quả, nghĩa là mình cần đến sự giúp đỡ của các thứ thần cai quản mưa gió nắng, các thần làm cho súc vật sinh nở, v. v., vì thế mà sinh ra thờ nhiều thần.         Còn De Brosses thì cho rằng từ đầu thì các dân-tộc đều cùng có quan-niệm là có một Thiên-Chúa. Mãi đến sau khi có nạn hồng-thủy thì quan-niệm đó mới dần-dần bị lu mờ đi, và đa số các dân-tộc dã quên bẵng đi (tr 99-100).

Ông giải-thích thêm : ‘’Tín-ngưỡng của người man-di và của người nhà quê là những quan-niệm thường tình người ta, cho nên nguyên-lý giải-thích phải là ở trong tâm-tình của nhân-loại, như thế dễ tìm lắm : những tâm-tình phát sinh ra tín-ngưỡng có thể tóm lại thành bốn thứ : sợ hãi, cảm phục, biết ơn và lý-luận’’ (tr 104). Chính vì đã quên những điều Thiên-Chúa cho biết lúc ban đầu và cũng vì bị những tâm-tình đó thúc đẩy, cho nên, người ta bày đặt ra vô số các thần-linh địa-phương và các ngẫu-tượng.

Thế rồi người ta lại có khuynh-hướng nhân-hóa các vật mình gặp, coi chúng như là có tâm tình, có suy nghĩ như con người ta. Từ đó thì loài vật và những sự-vật có ích lợi đều được coi là thần-linh cả. ‘’Vì thế triết gia Persée, là học trò của Zênôn, cũng theo ý-kiến đó mà chủ-trương rằng không những phải coi những sự-vật có ích lợi cho con người ta là quà của các thần-linh cho ta, mà hơn nữa phải coi chúng như là có bản-chất thần thiêng’’ (tr 133). Tuy vậy các thần như thế chỉ có giá-trị theo từng địa-phương (tr 135).

Kết luận là : ‘’Không có cái gì vô-lý mà đôi khi lại không có trong đầu óc của những nhà hiền-triết (...). Không có chủ-trương nào thiếu nền tảng mà lại không có một vài người thượng trí cổ võ’’(tr 117).

Điểm thứ bốn : De Brosses kết-luận : Vì thế cần phải có Thiên-Chúa mặc-khải thì người ta mới biết được những chân-lý khó tìm ra. Nói một cách cụ- thể thì Thiên-Chúa đã mặc-khải trong đạo Giê-su Cứu Thế và đạo Ma-hồ-mét, là hai đạo đã lấy lại chủ-trương của đạo Do-thái, chống lại chủ trương đa-thần, và chỉ tôn-thờ một  Thiên-Chúa mà thôi (tr 121). Điều đáng chú ý là tác-giả nhắc đến Hồi-giáo và công-nhận đạo Do-thái là nguồn gốc đạo nhất thần. Đó là điều ít ai nói ra trong thế-kỷ XVIII. Nhưng đồng thời ông cũng nhắc lại rằng đạo nhất thần thường hay sinh ra thiếu khoan-dung, và vì thế, muốn cho mọi người đồng-ý thì nên căn-cứ vào lý-trí mà tìm ra đạo tự-nhiên, mới tránh được tranh chấp.

 

2.2.1.2 - Những đoạn văn được Marx chép lại 

Trong đoạn thứ  3, Marx chép lại chừng 2 trang về tục vật bái. Đại ý là : tôn-giáo phát sinh ra từ lòng sợ hãi khi đứng trước thiên-nhiên, lòng biết ơn đối với những gì có ích lợi, đồng thời cũng là do thiếu hiểu biết mà ra.

Riêng về tôn-giáo nhất thần thì ông chép lại một đoạn, nhưng không chép lại hết, chỉ chép những câu ngụ ý rằng ảnh-hưởng của tôn-giáo đó không có là bao nhiêu. Đoạn đó như sau (và để cho đủ ý nghĩa, tôi để trong ngoặc đơn những chỗ mà Marx không chép) : ‘’ (Ta hãy xem) trong xã-hội người Mores ở Phi-châu ( họ là người gốc A-rập, đạo Ma-hồ-mét đã dạy cho họ biết có một Thiên-Chúa. Nhưng dù có theo đạo đó, thì) người ta vẫn theo tục vật bái, và tục đó vẫn có tính-cách thần thiêng như những thày cúng Ma-ra-bu của họ, các vật linh thiêng được thờ thi họ gọi là grigris. Tôn-giáo nhất thần mới đưa thêm vào thì chỉ có một hiệu quả là làm cho các vật đó thành những mãnh lực tùy phụ, như là những bùa hộ mệnh để tránh những gì không tốt không may. Mỗi cái grigris đều có công-dụng riêng, và người Mores có thật là nhiều bùa, từ đầu đến chân, mà bùa càng có nhiều thì càng kém hiệu lực’’ (tr 120 - MEGA IV / 1, tr 328).

Nói tóm lại là : khi đọc sách của De Brosses, thì Marx không để ý tới chủ-trương rằng từ đầu đã cần phải có Thiên-Chúa mặc-khải thì trí khôn người ta mới biết được một số chân-lý. Còn việc giải-thích rằng tục vật bái là một hiện-tượng tôn-giáo phi-lý, thì Marx đã biết rồi. Cho nên ở đây ông chỉ để ý đến những sự-kiện tôn-giáo có tính-cách kỳ-quặc mà thôi.

 

2.2.2 - Marx đọc sách của Meiners 

Cuốn Lịch-sử tổng-quát các tôn-giáo theo phương-pháp phê-bình (2 tập, Hannover, 1806-1807) của Christoph Meiners có mục-đích là phân-tích các tôn-giáo theo quan điểm lịch-sử và so sánh. Nhưng theo như Ủy-ban ấn-hành bộ MEGA mới này, những tài liệu do Meiners đưa ra thì không có giá-trị là bao nhiêu. Trong tập 1, Marx chỉ trích-dẫn ra từ trang 233 trở đi. Còn trong tập 2 thì không trích-dẫn gì cả. Nói chung thì Marx chỉ để ý đến một vài sự-kiện có tính-cách khác thường và ông thường đem so sánh những lối hành đạo ngoài đạo Thiên-Chúa với các tín điều của đạo này.

Trong hai trang trích-dẫn thì Marx dành một trang cho thói tục thờ dương-vật ở Ấn-độ, trong phái Yoghi, với các đền thờ, các cuộc trẩy hội hành-hương và các nghi-lễ có vẻ kỳ-quặc. Thói tục này được đem so sánh với thói tục của nông-dân Âu-châu thời Trung-cổ, còn lẫn-lộn đạo Thiên-Chúa với tôn-giáo cổ-truyền của họ : ví-dụ phụ nữ đi cầu tự thì hay tôn-sùng mấy vị thánh, như thánh Guerlichon ở Pháp, thánh Gildas ở miền Normandie, thánh René ở miền Anjou, bằng cách trẩy hội hành hương và bằng một vài lễ-nghi mà những người đã được chứng-kiến cho rằng không tiện nói ra (MEGA, IV / 1, tr 336). Không những ở Pháp, mà cả ở Italia, thời Cận-đại, tại Iserna ở gần thành phố Napoli, người ta cũng tôn-sùng hai ông thánh Cosma và Đamianô theo một kiểu như thế.

Lại một tục khác : ’’Dân miền nam châu Á, và ở các đảo ở miển Nam-dương thường thờ những người điên (Wahnsinnige) dại (Bloedsinnige), coi họ như là những ông thánh sống’’ (cũng trang sách đã dẫn).

Marx còn chép một đoạn dài về người con gái đồng-trinh mà sinh con : ’’ Trong các phép hóa-thân của thần Vishnu, người Ấn-độ cho rằng có 10 phép quan-trọng hơn cả. Một trong các phép đó là khi thần Vishnu, mang tên gọi là Christna hay là kristna, đã được một người con gái đồng trinh sinh ra. Người Ấn-độ còn thêm rằng : khi thần Vishnu xuất-hiện dưới các hình thể khác, thì chỉ lấy có một phần thần tính của mình mà thôi, như là một tàn lửa của thần-tính phóng ra. Còn trong thân thể của Christna thì có đầy đủ thần-tính. Vì thế trong lúc thần xuất-hiện ra như thế thì trên trời không có ai nữa. Người Tây-tạng thì cho rằng thần Chaka (= Thích-ca) của họ có ít nhất là 1000 cách hóa-thân. Và họ cho rằng cách hóa-thân uy-nghi lạ-lùng hơn cả là khi một người con gái đồng trinh dòng dõi hoàng-gia do khí-lực từ trên trời mà thụ thai và từ bên hông sinh ra Chaka mà vẫn còn đồng trinh. Thích-ca, thì người Xiêm cho rằng có 500 cách hóa-thân, còn người Bắc-kỳ ở Việt Nam thì cho rằng ngài có tới 80000 cách hóa-thân’’ ( MEGA IV / 1, tr 336-337). 

Marx còn chép lại vài đoạn về nghệ-thuật tôn-giáo và mấy chi-tiết lặt vặt khác. Những đoạn văn chép không có hệ-thống ấy dù sao cũng gợi cho người ta hai ý-kiến sau đây : một là những điều người ta tin và làm trong đạo Thiên-Chúa nhiều khi cũng giống như trong các tôn-giáo khác, vì thế đạo Thiên-Chúa cũng cần phải tương-đối-hoá ; hai là từ-ngữ ’’tôn-giáo’’ dùng để chỉ nhiều cái khác nhau quá, từ những hành-động kỳ-quặc nhất đến những tư-tưởng thanh-cao và lý-sự nhất, cho nên người ta không còn biết tôn-giáo là cái gì nữa.

 

2.2.3 - Marx đọc sách của Benjamin Constant 

Marx đã đọc tại thành phố Bonn tất cả 5 tập sách của B. Constant, Bàn về tôn-giáo, xét về nguồn gốc, về các hình-thức và lịch-sử phát-triển, Paris, 1826-1831, và đã chép những đoạn văn trích-dẫn ra thành hai cặp vở. Đủ biết tầm quan-trọng của tác phẩm này của B. Constant mà ít người biết đến. Thực ra Benjamin Constant de Rebecque (1768-1830) có tiếng là một nhà văn và là một chính-khách trong đảng Tự-do. Nhưng không mấy ai biết rằng ông đã viết 5 tập sách về lịch-sử tôn-giáo.

Nói cho đúng ra thì tác-giả để ý đến tôn-giáo vào cuối đời ông và chỉ để ý đến một phần hạn hẹp, lại theo như Ủy ban ấn-hành bộ MEGA, thì tác-phẩm này có tính-cách văn-chương hơn là khoa-học, vì khi sử-dụng các sử-liệu, tác-giả thiếu chín-chắn để phân-biệt phải trái. Ngược lại, trong luận-văn tiến-sĩ đại-học Sorbonne năm 1972, Tôn-giáo của Benjamin Constant, Patrice Thompson lại chủ-trương rằng trong suốt đời tác-giả Constant đã để tâm viết tập sách về tôn-giáo đó. Vì rằng từ buổi thiếu thời tác-giả đã hấp-thụ tinh-thần nhóm Bách-khoa Tự-điển ; đến tuổi trưởng-thành thì nhờ có bà nữ-sĩ de Stael, ông đã được tiếp-xúc với các nhà tư-tưởng người Đức, như Herder (1744-1803), Schelling (1775-1854), và nhất là Schleiermacher (1768-1834), một nhà thần-học, tác-giả cuốn sách Giảng-thuyết về tôn-giáo (Reden ueber die Religion, 1799). Constant lấy lại của Schleiermacher chủ-trương cho rằng tình-cảm tôn-giáo là yếu-tố quan-trọng. Rồi trong khi tiếp-xúc với nhóm sùng-tín (piétistes) ở Lausanne (Thụy-sĩ), ông dần-dần ngả theo khuynh-hướng duy-linh (spiritualisme). Thêm vào đó thì ông cho rằng tự-do của con người ta được tông-phái cải-cách của đạo Thiên-Chúa đề cao hơn cả. Vì thế ông chống lại tinh-thần bất khoan-dung của hàng giáo-sĩ công-giáo.

Chống-đối, nhưng vì lý-do chiến-lược, ông không phát-biểu ý-kiến một cách rõ-rệt trong tác-phẩm này, mà chỉ nói chung chung là chống đối các tôn-giáo khác bị giai-cấp tăng-lữ chi-phối. Trong bài Tựa, ông nói là chỉ nghiên-cứu về các tôn-giáo ở ngoài đạo Thiên-Chúa, từ tôn-giáo các dân-tộc văn minh thời Thượng-cổ cho đến các dân-tộc bán-khai ngày nay. Nhưng ông lại viết : ‘’Những điều chúng tôi đưa ra để tố cáo giai cấp tăng-lữ thời Thượng-cổ và ảnh-hưởng của họ vào văn-minh thời đó, thì có nhiều điều hoàn-toàn không thể áp-dụng được vào lớp giáo-sĩ của các tôn-giáo ngày nay’’ (I, tr XI).

Thiết-tưởng không cần đi sâu vào cuộc tranh-luận này, vì vấn-đề ở đây là xem Marx đã đọc những gì và đã coi những gì là đáng chép lại.

 

2.2.3.1 - Về tình-cảm tôn-giáo 

Constant chủ-trương trong chương 1 của cuốn sách (tập I, tr 1-147) rằng đặc-điểm của con người ta là tình-cảm tôn-giáo. Con người là một sinh-vật có tôn-giáo. Không thể lấy sự sợ hãi, sự ngu dốt, lấy uy-tín hay là mánh-khóe nào để giải-thích tôn-giáo ( I, tr 6) : ‘’Người ta có thể lấy gian-lận, lấy uy-tín để lạm-dụng tôn-giáo, nhưng không thể tạo ra được tôn-giáo như thế’’ (I, tr 7).

Marx đã đọc và hiểu rõ lập-trường đó. Ông chép :’’Nếu trong tâm-hồn con người ta có một tình-cảm khác hẳn các sinh-vật khác, tình-cảm ấy vẫn luôn luôn xuất-hiện, dù người ta ở trong hoàn-cảnh nào cũng vậy, thì phải chăng tình-cảm ấy là một định-luật căn-bản của bản-tính con người ? Theo như tôi nghĩ thì đó là tình-cảm tôn-giáo’’ (I, tr 2. - MEGA IV / 1, tr 342). Vì thế tôn-giáo ăn rễ sâu trong lòng người ta. Marx lại chép :’’ Những điều học hỏi được do kinh-nghiệm có thể đẩy tôn-giáo vào một phạm-vi khác, nhưng không thể đẩy ra khỏi lòng con người ta được’’ (I, tr 5. - MEGA, cũng trang đã dẫn).

Nhận-định như thế thì tất-nhiên phải quan-niệm lại cái chủ-trương cho rằng Thiên-Chúa đã mặc-khải cho người ta biết chân-lý tôn-giáo. Marx chép :’’ Thiên-Chúa có mặc-khải, nhưng mặc-khải cho mọi người một cách thường-xuyên, mặc-khải tự trong đáy lòng người ta’’ (I, tr 13) và ‘’ cái nguyên-nhân (làm cho tôn-giáo nên cần-thiết) thì lại không phải là ở bên ngoài chúng ta, nhưng nó ở bên trong chúng ta, nó là thành-phần của bản thân chúng ta (I, tr 18) (MEGA IV / 1, tr 342 và 345).

Nhưng cái tình-cảm tôn-giáo ấy là thế nào ? Marx chép câu trả lời : ‘’Tình-cảm tôn-giáo là câu trả lời cho tiếng kêu của tâm hồn, tiếng kêu mà không ai bắt im đi được, nó cũng là câu trả lời cho cái động-lực thúc đẩy ta đi theo cái ta không biết, theo cái không có giới hạn (...). Tình-cảm tôn-giáo phát sinh ra khi con người ta cảm thấy cần phải bắt liên-lạc với những sức mạnh vô-hình’’ ( I, tr 29. - MEGA IV / 1, tr 345).

Những đoạn văn chép đó, muốn hiểu cho rõ thì cần phải đặt lại trong khuôn-khổ những lời giải-thích sau đây của Constant :

‘’Trước đây người ta tìm nguồn gốc của tôn-giáo trong những hoàn-cảnh ở bên ngoài và xa lạ với con người. Kẻ này thì chủ-trương rằng người ta không thể có tôn-giáo, nếu không được Thiên-Chúa mặc-khải cho một cách đặc-biệt ở một địa-phương nhất-định ; kẻ khác thì cho rằng không thể có tôn-giáo, nếu không có tác-động của sự-vật bên ngoài. Đó là cái lầm thứ nhất sinh ra một loạt những cái sai lầm khác. Vẫn biết là cần phải có Thiên-Chúa mặc-khải cho biết, nhưng đó là mặc-khải cho mọi người và mặc-khải thường xuyên, từ trong đáy lòng người ta. Người ta chỉ cần lắng tai nghe chính mình, nghe thiên-nhiên nói cho mình bằng nghìn vạn lời nói, để tức khắc hướng ngay về tôn-giáo. Dĩ nhiên là sự-vật bên ngoài có thể ảnh-hưởng đến niềm tin ; nhưng chúng chỉ thay đổi hình-thức, chứ không tạo ra được cái tình-cảm căn-bản ở bên trong’’  .

Vì thế ‘’ trong tôn-giáo có một cái gì bất-diệt. Nó không phải là một cái gì do người có học phát-minh ra, mà người vô-học coi là xa lạ, cũng không phải là một cái lầm-lẫn của người  vô-học, mà người có học có thể thoát được. Nhưng phải biết phân-biệt cái căn-bản với các hình-thức, phân-biệt cái tình-cảm tôn-giáo với các định-chế tôn-giáo. Nói như thế không phải là vì chúng tôi có ý nói xấu các hình-thức hay là các định-chế. Như sẽ bàn đến trong sách này, cái tình-cảm tôn-giáo không thể không cần đến những hình-thức hay định-chế như thế. Hơn nữa, mỗi thời đều tự-nhiên có một hình-thức tốt và có ích ; nhưng hình-thức ấy chỉ sinh ra tai hại, khi có những cá-nhân hay là những giai-cấp chiếm lấy nó và làm cho nó bất chính, để kéo dài thời hạn của nó. Thế nhưng cái căn-bản thì vẫn bất biến, vẫn trường cửu như thế mãi, còn cái hình-thức thì hay thay đổi và không bền lâu’’ (I, tr 20-21).

    Như thế có nghĩa là cần phải phân-biệt trong tôn-giáo cái nội-dung cốt yếu với vô số những hình-thức bao giờ cũng có tính-cách lịch-sử và tùy-thuộc vào trình-độ phát-triển của các dân-tộc. Có thế mới giải-thích được ‘’vì sao có nhiều hình-thức tôn-giáo xem ra phản lại tự-do, trong khi cái tình-cảm tôn-giáo lại nâng đỡ cho tự-do’’ (câu này là đầu đề đoạn 4 của chương I, tr 56).

Constant giải-thích thêm : ‘’Những cái mâu thuẫn giữa lý-thuyết và thực-hành trong phần lớn các hệ-thống tôn-giáo, đã làm cho người ta có hai quan-niệm vừa không tốt lại vừa sai lầm. Thứ  nhất : tôn-giáo là vây cánh tự-nhiên của chế-độ áp bức ; thứ hai : bỏ tình-cảm tôn-giáo đi thì sẽ có lợi cho tự-do. Có phân-biệt cái tình cảm tôn-giáo với các hình-thức tôn-giáo như chúng ta vừa làm, mới co thể đánh tan được hai thiên-kiến đó’’ (I, tr 58). Thực ra ‘’khi người ta đánh mất tình cảm tôn-giáo thì chế-độ áp bức càng dễ hoành hành ‘’ (I, tr 59).

Đó là quan-niệm của Constant. Riêng về phần Marx thì trong chương I, ông chép một đoạn văn về cái ích lợi của tôn-giáo : ‘’Không phải vì lẽ một lý-thuyết có ích lợi về mặt thực-hành thì tự nhiên nó đúng, không phải cứ bảo rằng tôn-giáo có ích lợi thì người ta sùng đạo hơn, vì người ta không có tin vì mục-đích như thế’’ (I, tr 81. - MEGA IV / 1, tr 345).

 

2.2.3.2 - Chống lại các tôn-giáo do giai-cấp tăng-lữ (giáo-sĩ) chi-phối 

Trong tất cả bộ sách viết ra đây, Constant nhằm mục-đích chống lại các tôn-giáo do giai-cấp tăng-lữ hay giáo-sĩ chi phối. Tác-giả cho là cần phải có giai-cấp đó, nhưng cũng cho như thế là nguy-hiểm, vì họ tự cho là mình giữ độc-quyền về chân-lý, đồng thời cũng là môi-giới cần-thiết giữa thần-linh và người ta, họ muốn giữ lấy uy-quyền và chống lại những ai muốn canh-tân.

Trong sách Bàn về tôn-giáo, tập II, chương 4, Marx đã chép lại một đoạn về nền tảng uy-quyền của giai-cấp tăng-lữ :

‘’Mỗi khi người ta cần phải có những người làm môi-giới đặc-biệt để liên-lạc với thần-linh, thì tất cả uy-quyền đều nằm trong tay những người môi-giới đó’’ (I, tr 254). ‘’Thế thì trong chế độ giáo-sĩ-trị, thế-giới này có mục-đích gì ? Có mục-đích là làm theo ý định của thần-linh. Các tổ-chức chính-trị là gì ? Là phương-tiện để làm theo ý định của thần-linh. Còn những người lãnh-đạo xã-hội là ai ? Là những người có uy-quyền tùy-phụ, người ta vâng phục họ chỉ vì họ vâng phục quyền trên đã cho họ có quyền. Sau cùng thì hỏi cơ-quan tự-nhiên của uy-quyền chính đáng duy nhất ấy là gì ? Thưa đó là chế-độ giáo-sĩ hay tăng-lữ ‘’ (I, tr 255. - MEGA  IV / 1, tr 353).

Constant đã đưa ra một số đặc-điểm của những tôn-giáo do tăng-lữ chi phối. Marx đã chú ý vào những đặc-điểm đó, và ông đã ghi lấy một vài điểm.

Thứ nhất là hay nói đến những điều bí-ẩn. Marx chép : ‘’Trong các tôn-giáo tự-do, mỗi khi có gì thay đổi do dư-luận thay đổi mà ra , thì người ta đã thấy ngay trước khi nó thay đổi thực. Những ý-kiến mới-mẻ được đưa ra ánh sáng tỏ-tường. Còn các tôn-giáo do tăng-lữ chi-phối thì thay đổi một cách bí mật, trong bóng tối. Các hình-thức, các lối diễn-tả, các lễ-nghi vẫn giữ như thế, bất biến, cho đến khi các tôn-giáo đó hoàn-toàn bị tiêu-hủy’’ (Tập III, chương 6, số 1, tr 19. - MEGA IV / 1, tr 356).

Thứ hai là các tôn-giáo đó hay đưa ra quan-niệm rằng có người con gái đồng-trinh sinh con . Đó là điểm Constant nói đến nhiều lần trong sách. Marx chép lại đoạn sau đây : ‘’Trong bộ kinh Purana (Ấn-độ), thần Vishnu an-ủi người ta và hứa sẽ cho một vị cứu-tinh đến đập tan chế-độ áp bức. Vị cứu-tinh đó, thần nói, sẽ sinh ra trong một túp lều của người chăn nuôi chiên dê, và (...) sẽ xuống thai trong lòng một người con gái đồng-trinh’’ ( III, 6, tr 209. - MEGA IV / 1, tr 357). Và còn nữa : ‘’Mẹ của Tagès là một người con gái đồng-trinh. Người Trung-hoa cho rằng Phục-hi sinh ra một cách lạ-lùng, vì ông không có cha. Thích-ca trong một kiếp hóa-thân ở Tây-tạng, cũng như Mexit-li và Viztli-Putzli ở Mê-khi-cô (Mejico /  Mễ-tây-cơ) cũng đều do người con gái đồng-trinh mà sinh ra. Lần mà thần Vishnu giáng sinh một cách vinh-quang nhất là khi thần chào đời dưới cái tên là Chrishna, và mẹ thần không có đi lãi với đàn ông’’ (IV, 11, tr 284). ‘’ Vì lẽ rằng tính-giao là việc mà trên trời dưới đất đều phải khiển-trách cả, cho nên thần-linh, dù có phải giáng-sinh vào cõi đời này, thì cũng không muốn sinh ra đời do một tác-động bất-tịnh như thế’’ (MEGA IV / 1, tr 363, và nhiều đoạn văn như thế ở trang 365).

Thứ ba là một quan-niệm đặc-biệt về tế-tự : lấymạng người mà tế, và vị thần được đưa ra tế thì chết rồi lại sống lại. Constant viết : ‘’Giai-cấp tăng-lữ xưa kia đã muốn cho thần-linh của họ phù hợp với quan-niệm của người ta, không những là trong việc con gái đồng trinh không có tính-giao mà sinh con, mà lại cả trong cái tục dùng mạng người mà tế-tự và trong niềm tin rằng chịu đau chịu khổ thì có một giá-trị bí-nhiệm. Người ta cho rằng trong việc tế thần thì đồ tế càng quí giá thì hiệu quả càng lớn, loài vật thì quí hơn cây cối hoa quả, mạng người thì quí hơn loài vật, và sau cùng thì thần-linh quí hơn là mạng người. Vì thế có nhiều dân-tộc cho rằng thần-linh của họ đã đưa mạng mình ra mà tế trên bàn thờ của mình’’ (IV , 11, tr 287). Marx chép lại mấy câu sau đây : ‘’Cái quan-niệm rằng có thần-linh hiến mạng đã đưa người Mê-khi-cô đến một tập-tục kỳ-quặc. Trong một buổi lễ-hội long-trọng nhất thì các tăng-lữ đâm vào quả tim của vị thần vừa được tôn-thờ, rồi đưa quả tim đó xé ra làm nhiều miếng và cho những người đến dự ăn như thức ăn bí-nhiệm để được trời phù-hộ cho (...). Ngưòi ta gọi lễ hội đó là Téoculao, nghĩa là lễ ăn ông thần’’ (IV, 11, tr 289, số 3. -  MEGA IV / 1, tr 363-364).

Sau cùng thì trong tập V, chương 13, Marx chép thêm đoạn sau đây : ‘’ Cái niềm tin rằng có thần-linh chết đi rồi sống lại, nó phổ thông trong tất cả các tôn-giáo do tăng-lữ chi phối, nhưng nó đi ngược hẳn lại quan niệm của người Hi-lạp, vì thế khi nhân-dân đảo Kriti (Crète) trỏ cho người ta biết ngôi mộ của vị Thiên-vương là Zeus (Jupiter), thì người Hi-lạp ở khắp nơi đều cho là nói láo’’ (tr 54. - MEGA  IV / 1, tr 366).

 

2.2.3.3 - Mấy điều nhận xét 

Về lập-trường của Benjamin Constant

Như đã nhắc lại trên đây, Constant đã nói trước là ông chỉ nghiên-cứu về các tôn-giáo do tăng-lữ chi-phối ở bên ngoài đạo Thiên Chúa mà thôi. Có thể có người cho là ông dè dặt vì lý-do chiến-lược : ông là người theo tông-phái canh-tân của đạo Giêsu Cứu Thế, cho nên không có thiện-cảm là bao nhiêu đối với giáo-sĩ của tông-phái công-giáo, nhưng ông lại sống trong một nươc mà đại đa số là công-giáo. Tuy vậy, lý-do ông đưa ra để giải-thích xem ra thành-thực. Ông cho biết là lớp tăng-lữ của các tôn-giáo thời Thượng-cổ thì khác xa hàng giáo sĩ công-giáo ngày nay. Ông viết : ‘’Vì chức-phận của họ mà tăng-lữ ngày xưa bó buộc phải gian-dối, thực vậy, họ phải tiếp-xúc với các thần-linh của họ một cách lạ-lùng, phải làm được những thuật lạ , phải biết nói lên lời thần dạy thánh phán, cho nên bó buộc phải làm gian dối. Còn ngày nay thì tín ngưỡng đã thanh-cao đi nhiều, cho nên giáo-sĩ bây giờ không cần phải làm như thế. Công việc của họ là cầu-nguyện, là an-ủi những người gặp cảnh đau thương, và đón nhận tâm-tình thống-hối (của những người đã có lỗi) ; đó là cái may-mắn cho họ, vì họ không bó buộc phải làm những phép lạ, và đó cũng là bước tiến-bộ của thời đại Khai-minh của chúng ta’’ ( Tập I, tr XII).

Tuy chắc là ông thành-thực, nhưng những điều ông nói lên lại có tính-cách phổ-biến, và cái khuynh-hướng lạm-dụng tôn-giáo để giữ lấy uy-quyền lại thì chưa chắc đã hạn hẹp vào giới tăng-lữ ngày xưa. Ông viết : ‘’Cái mầm mống tôn-giáo đã có sẵn trong tâm hồn người ta, giai-cấp tăng-lữ đã nhận ra như thế, và họ đã dùng phương-pháp độc-đoán để hướng-dẫn cho cái mầm ấy phát-triển, và cũng vì thế nếu không có họ thì chưa chắc tôn-giáo đã phát-triển theo đường lối như thế’’ (Tập I, tr 143)

Khi Marx đọc những trang sách như thế, thì ông không còn tín-ngưỡng nữa, cho nên ông chỉ phân-biệt tôn-giáo do tăng-lữ hay giáo-sĩ chi-phối với tôn-giáo không bị chi-phối như thế chứ không phân-biệt tôn-giáo ngày xưa với ngày nay. Thứ tôn-giáo không bị tăng-lữ hay giáo-sĩ chi phối này là tôn-giáo tự-nhiên do lý-trí con người ta khám phá ra, chứ không do Thiên-Chúa nào dạy riêng cho ai biết cả. 

 Nhận xét về các tôn-giáo

Marx đã chép lại của Constant rất nhiều chi-tiết về các thứ tôn-giáo bên ngoài đạo Thiên-Chúa. Có thể tóm lại vào mấy đặc-điểm sau đây :

Một là : có nhiều dân-tộc coi tôn-giáo như là một việc trao đổi buôn bán với thần-linh, theo cái kiểu tiền trao thì cháo múc. Marx có ghi lấy những trường hợp khi thấy thần thánh không thiêng, thờ cúng mà không có kết quả, thì người Trung-hoa đem thần ra trừng phạt (MEGA IV / 1, 347 và 349)  .  Ông chép lại câu của Constant : ‘’ Như thế tức là thần-linh chỉ là hạng đi làm thưê mà thôi’’ (III, 7, tr 330. - MEGA IV / 1, tr 357).

Hai là : có nhiều khi những người lãnh-đạo tôn-giáo cho rằng mình có quyền cai-quản và sai khiến thần-linh. Marx chép :’’ Những câu thần-chú (mantra) là những lời cầu khấn hay là những công-thức đã được ấn-định, có phép bó buộc thần-linh phải tuân lệnh mà không tài nào thoát ra được. Người Ấn-độ nói rằng trời đất là thuộc quyền các thần-linh, các thần-linh phải tuân lệnh các câu thần-chú, các câu thần-chú là ở trong tay tăng-lữ Bà-la-môn, cho nên tăng-lữ Bà-la-môn hơn các thần-linh ‘’ ( MEGA IV / 1, tr 362) 

Để kết thúc cặp vở chép, Marx viết lại hai câu tóm tắt cái dự-định của Constant : ‘’Khi giai-cấp tăng-lữ hay giáo-sĩ liên-minh được với lực-lượng chính-trị, thì họ tìm cách tăng cường cho giai-cấp của họ, để không còn bị ai khác chống đối nữa ; cho nên chuyên quyền chính-trị chỉ là hậu-quả của tăng-lữ (giáo-sĩ) chuyên quyền’’ (Tập V, chương 14, tr 194). ‘’Cho dù Thiên-Chúa có phù-trợ đi nữa, thì ta cũng đừng lẫn-lộn những biện-pháp bí-nhiệm không ai hiểu được của Thiên-Chúa với những thủ-đoạn do bàn tay người ta dính vào. Biết bao nhiêu lần các nhà thần-học đã nói rằng những cái lạm-dụng tôn-giáo thì đều là do người ta chứ không phải là do tôn-giáo.  Muốn tránh những cái lạm-dụng như thế, thì người ta, nghĩa là chính-quyền và các lực-lượng vật-chất, phải thôi đừng can-thiệp vào tôn-giáo nữa, phải để tôn-giáo lo việc tôn-giáo, lo việc Thiên-Chúa’’ (V, 14, tr 216. - MEGA  IV / 1, tr 307). 

*   *   *   *   *

 

Kết luận 

Trong phạm-vi tôn-giáo, Marx đã tham khảo các nhà tư-tưởng thời Cận-đại theo hai quan điểm triết-học và dân-tộc-học.

Về quan điểm triết-học thì Leibniz, Hume và nhất là Spinoza đã đưa đến chủ-trương đề cao lý-trí coi lý-trí là ánh sáng tự nhiên, có giá-trị hơn hay ít ra là cũng bằng đức tin . Đề cao lý-trí tức là đề cao tôn-giáo tự-nhiên, vì tôn-giáo tự-nhiên căn-cứ vào những tri-thức hợp lý, đồng thời người ta coi nó là nền tảng chung cho tất cả các tôn-giáo khác do Thiên-Chúa mặc-khải riêng cho người ta biết sau này. Tuy vậy các triết-gia này đều còn giữ đức tin, và đức tin của họ làm cho họ đề cao lý-trí, vì lẽ rằng Thiên-Chúa không thể tự mâu thuẫn, mà lý-trí và đức tin lại cùng là do Thiên-Chúa mà ra. Hơn nữa lý-trí là tiêu chuẩn để người ta phân-biệt đâu là đức tin do Thiên-Chúa cho biết, đâu là những điều người ta thêm vào sau này.

Quan-điểm dân-tộc-học làm cho ta bỏ suy-luận trừu tượng trên bình-diện ý-niệm, để đi vào những hiện-tượng cụ-thể. Vấn-đề là cái ý-niệm ‘’tôn-giáo’’ nó có phạm-vi quá rộng, thành ra có rất nhiều cái được gọi là tôn-giáo, từ những cái rất thô-tục đến những cái rất thanh-cao, từ những cái vô-lý-sự nhất đến những cái thật là hợp lý. Như thế thì giải quyết ra sao ?

Hegel đã chạm tới vấn-đề này, và hệ-thống tư-tưởng của ông, vừa có tính-cách biện-chứng, vừa có tính-cách lịch-sử, đã làm cho ông giải-quyết được. Các yếu-tố có vẻ mâu thuẫn nhau đều có một chỗ đứng trong hệ-thống và ăn khớp với các yếu-tố khác. Nhưng nếu bỏ hệ-thống đó đi, như Marx đã làm, thì công việc ra sao ? Thưa rằng chỉ còn những sự-kiện, gồm những quan-niệm, tập-tục, lễ-nghi, hành-động, tản mát vô trật-tự và vô-dụng như một đống gạch vụn, phải vứt đi hết.

Còn nếu nói như Friedrich Engels rằng Marx đã đảo lộn ngược hệ-thống biện-chứng của Hegel, thì là chỉ nói miệng vậy thôi cho nó có vẻ cách mạng, chứ trong một tòa kiến-trúc thì mái tựa lên xà, xà tựa lên cột, cột cắm xuống nền, nếu đem đảo lộn ngược dưới lên trên thì làm thế nào tòa nhà đứng vững được. Thực ra một người có căn-bản triết-học như Marx chưa bao giờ dám làm lại một hệ-thống đảo ngược như thế. Cái mà Engels gọi là Thiên-nhiên biện-chứng thì chỉ là một kiến-trúc duy-vật không có biện-chứng, vì đã biện-chứng thì không thể duy-vật hay duy-tâm, mà phải cho ‘’tâm’’ và ‘’vật’’ ăn khớp với nhau.

Marx tìm tài liệu đến đây thì gặp lúc Feuerbach cho xuất-bản tác-phẩm Bản-chất đạo Thiên-Chúa (1841), dùng hai nguyên-tắc để giải-thích hiện-tượng tôn-giáo : ‘’vong-thân’’ (Entfremdung/Aliénation)  và ‘’phóng ngoại’’ (Projektion/Projection). Có lẽ Marx thấy là việc tìm tòi của mình cũng không đi đến đâu, cho nên ông phụ-họa theo lập-trường của Feuerbach và không tiếp-tục tìm hiểu thêm về tôn-giáo nữa. Phụ-họa, nhưng ông bỏ quan-điểm tâm-lý-học để giải-thích tất cả theo quan-điểm kinh-tế-học. Thế rồi ông chuyển sang tranh-đấu chính-trị. Marx không theo dõi những suy-luận của Feuerbach trong mấy chục năm sau nữa. Nhưng cho dù có theo dõi thì cũng chưa giải quyết xong vấn-đề tôn-giáo 

Để nói chung về hành-trình vô-thần của Marx, ta có thể nhận xét hai điều :

1)  Marx chỉ đọc những sách của người ngoại cuộc bàn luận về tôn-giáo, theo quan-điểm triết-học và dân-tộc-học, chứ không đọc của những người tín-đồ ở trong cuộc. Vì thế ông bỏ cắt quãng ra, không đọc sách vở của mươi mười lăm thế-kỷ giữa thời Thưuợng-cổ và thời Cận-đại. Thực ra ông muốn để ý đến hoạt-động chính-trị, chứ không muốn lý thuyết suông. Dù sao tài liệu nghiên-cứu của ông đã chọn thì vẫn là đơn phương, không đầy-đủ.

2)   Quan-điểm triết-họcdân-tộc-học - ta có thể thêm vào đó thần-họctâm-lý-học, là hai môn mà Marx không biết đến - là nói về tôn-giáo, nói về Thiên-Chúa hay thần-linh như là về những đối-vật hay đồ-vật ở ngôi thứ ba. Vẫn biết là nhiều khi người theo đạo này đạo khác có thể coi thần-linh của mình như là những lực-lượng mà mình điều-khiển được, như là những phương-tiện thuộc về ngôi thứ ba ; nhưng người tín-hữu thì nói với Thiên-Chúa, coi Thiên-Chúa như là người đối-diện, ở ngôi thứ hai . Hai quan-điểm thật là khác nhau.

Đủ biết cái hồ-sơ tôn-giáo xét trên đây còn nhiều điều thiếu sót và bất cập. Phải nghiên-cứu thêm theo nhiều phương-hướng mới có thể xét đoán cho công-minh.

Lambersart, ngày 25-03-2003

Trần Văn Toàn

VỀ MỤC LỤC
Hoàng đế hay tên ăn mày? 

 

Nguyên tác: Taking Flight - Bay Lên Đi

Tác giả: Anthony de Mello, S.J.

Chuyển ngữ: Lm. Minh Anh (Gp. Huế)

Chỉ dẫn: 

Tốt nhất, các câu chuyện sẽ được đọc theo thứ tự như đã sắp xếp. Mỗi lần đọc không quá một hoặc hai mẩu chuyện nếu bạn ước ao có được một cái gì đó hơn là chỉ giải trí.

Lưu ý: 

Các chuyện kể trong tập sách này đến từ nhiều đất nước, nhiều nền văn hoá và tôn giáo khác nhau; chúng thuộc về những di sản thiêng liêng, những câu chuyện hài hước được ưa chuộng của dòng đời nhân loại. 

Những gì tác giả làm là xâu kết chúng lại với nhau theo một ý hướng đặc thù. Công việc của tác giả là công việc của người thợ dệt và thợ nhuộm, tác giả chẳng có công trạng gì về những tấm vải và những sợi chỉ.  

LTS. Chỉ dẫn và lưu ý trên đây là của tác giả. Tuy nhiên, vì Đặc San GSVN chỉ phát hành 2 tuần một lần nên mỗi số báo BBT xin giới thiệu trung bình từ 5 đến 7 mẫu chuyện. Bạn đọc có thể lưu lại để nghiền ngẫm suy tư.

 

Chủ đề: CẦU NGUYỆN (tiếp theo)

28. Hoàng đế hay tên ăn mày? 

Bị thuyết phục bởi những người láng giềng, nhà thần nghiệm Hồi Giáo Farid tìm tới triều đình ở Delhi mong xin Hoàng đế Akbar ban cho dân làng một đặc ân. Tới sân chầu, Farid thấy Hoàng đế Akbar đang cầu nguyện. 

Cuối cùng, khi hoàng đế đã nhận lời, Farid liền hỏi, “Hoàng thượng vừa cầu xin điều gì?”. 

Nhà vua trả lời, “Ta cầu xin Đấng Từ Bi ban cho ta thành công, của cải và trường thọ”.  

Farid vội vã quay lưng, vừa đi vừa nói, “Ta đến đây để gặp một Hoàng đế; thế mà gặp phải một tên ăn mày không hơn không kém những tên ăn mày khác!”. 

ڰ 

29. Lễ ngoài đường 

Một bà sùng đạo hết lòng yêu mến Chúa. Mỗi sáng bà đi lễ; trên đường, đám trẻ réo gọi, những người ăn xin bám sát… nhưng vì quá cầm lòng cầm trí đến nỗi bà không thấy họ.  

Theo thói quen thường ngày, bà đến nhà thờ đúng giờ lễ. Đẩy cửa, nhưng hôm ấy, cửa đóng. Bà đẩy mạnh hơn và biết cửa đã khoá. 

Bà thất vọng khi nghĩ rằng, sẽ bỏ lễ lần đầu tiên trong nhiều năm, và không biết phải làm gì, bà ngước nhìn lên. Và ở đó, ngay trước mặt bà, một mảnh giấy được găm vào cánh cửa. Nội dung: “Ta ở ngoài đó!”. 

ڰ 

30. Tạm biệt Chúa 

Người ta quen kể về một ông thánh nào đó rằng, mỗi khi rời nhà để đi làm những bổn phận đạo đức, ông đều nói, “Thôi, tạm biệt Chúa, con đi nhà thờ đây!”. 

ڰ 

31. Sự huyền nhiệm của cầu nguyện 

Ngày kia một đan sĩ đang đi dạo trong vườn nhà dòng, ông nghe tiếng chim hót. 

Lắng nghe tiếng chim ca, tâm hồn ông ngây ngất. Ông tưởng chừng như trước đó chưa bao giờ nghe, nghe thực sự, tiếng chim hót. 

Khi tiếng chim dứt, ông trở về đan viện và sững sờ thấy mình hoàn toàn xa lạ với anh em; họ cũng không biết ông. 

Mãi lâu sau, cả họ và ông mới khám phá ra rằng, ông đã trở lại đan viện sau nhiều thế kỷ vắng mặt. Ông đã đi vào cõi vĩnh hằng khi hoàn toàn chú tâm vào tiếng chim ca thuở nào, lúc mà thời gian ngừng trôi. 

Cầu nguyện trở nên hoàn hảo khi không còn vấn đề thời gian. 

Không còn vấn đề thời gian một khi nhận thức trở nên tinh tuyền. 

Nhận thức trở nên tinh tuyền khi thoát khỏi những tiên kiến và tất cả những gì được coi là hơn thua. 

Bấy giờ, điều huyền diệu sẽ đến và tâm hồn ngập tràn sự ngỡ ngàng. 

ڰ 

32. Sự động đạc và cầu nguyện 

Vị Thầy mời ông Tổng Đốc thực hành suy niệm, ông bảo ông quá bận, ông đã nhận được mấy dòng này: “Ông làm tôi nghĩ đến một người bịt mắt đi trong rừng, người ấy quá bận để tháo tấm giải che mắt”. 

Ông Tổng Đốc lại viện cớ không có thì giờ, vị Thầy bảo, “Thật là sai lầm khi nghĩ rằng, không thể cầu nguyện vì thiếu thời giờ: lý do thực sự là đầu óc ngài quá động đạc”. 

ڰ 

33. Mài rìu 

Một chuyên gia nghiên cứu hiệu quả trình lên Henry Ford bản báo cáo của mình. “Như ông sẽ thấy, bản phúc trình hết sức tích cực, chỉ trừ anh chàng ngồi trong đại sảnh kia. Mỗi lần tôi đi qua, đều thấy gã ngồi gác chân lên bàn. Anh ta chỉ lãng phí tiền bạc của ông. 

Henry Ford bảo, “Vậy mà anh ấy đã từng đưa ra một ý tưởng khiến chúng ta ăn nên làm ra. Tôi nhớ chính xác là lúc ấy chân anh ấy cũng gác trên bàn”.  

Một tiều phu mệt lã người cứ mất thời giờ và sức lực đốn củi với một cài rìu đùi (cùn), bởi, như ông nói, ông không có giờ dừng lại để mài rìu. 

ڰ 

34. Thiên Chúa mất nhà  

Ngày xửa ngày xưa, có một khu rừng nơi chim chóc ca hát ban ngày và côn trùng rả rích ban đêm; cây cối tươi xinh, bông hoa đua nở, mọi tạo vật tha hồ rong chơi. 

Tất cả những ai đến đây đều được dẫn đến Cô Tịch, nhà của Thiên Chúa, Đấng ngự trong thinh lặng và vẻ đẹp của thiên nhiên. 

Nhưng rồi đã đến cái thời Vô Tri, lúc con người xây dựng những tòa nhà cao hàng nghìn feet và phá hủy sông ngòi, rừng núi trong vòng một tháng. Cũng thế, người ta xây cất những nơi thờ phượng bằng gỗ của cây rừng và những khối đá dưới đất rừng. Các ngọn tháp nhà thờ, của đền chùa vươn lên trời cao; không gian tràn ngập tiếng chuông ngân cùng với câu kinh tiếng hát và lời chúc tụng. 

Và bỗng dưng, Thiên Chúa mất nhà. 

Thiên chúa giấu kín mọi sự bằng cách đặt chúng trước mặt chúng ta! 

Kìa! Hãy nghe tiếng chim ca, tiếng gió trong lùm cây, tiếng đại dương gầm thét; hãy nhìn một ngọn cây, một chiếc lá đang lìa cành, một bông hoa… như thể lần đầu. 

Bỗng nhiên, bạn có thể gặp gỡ Thực Tại, gặp gỡ Thiên Đàng mà từ đó, ngay thời ấu thơ, chúng ta đã bị loại ra bởi sự hiểu biết của mình. 

Nhà thần nghiệm Ấn Độ Saraha nói: “Hãy biết đến cái hương vị này, hương vị vắng bóng Đấng Toàn Tri”.

 
VỀ MỤC LỤC
LINH MỤC GIÁO PHẬN NÊN ĐỒNG HÌNH ĐỒNG DẠNG VỚI CHÚA KITÔ

 

Mời thăm Blog của Lm. Trần Minh Huy http://chivilongchuathuongtoi.blogspot.com/

 

BẢN THẢO

ỨNG SINH LINH MỤC HỌC & SỐNG LINH ĐẠO LINH MỤC GIÁO PHẬN

GIÁO TRÌNH TU ĐỨC LỚP THẦN II & III

ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE HÀ NỘI 

2011-2012

 

CHƯƠNG MỘT:

ỨNG SINH LINH MỤC HỌC & SỐNG LINH ĐẠO LINH MỤC GIÁO PHẬN

 

B. LINH MỤC GIÁO PHẬN NÊN ĐỒNG HÌNH ĐỒNG DẠNG VỚI CHÚA KITÔ

“Khi còn sống kiếp phàm nhân, Chúa Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người.”[79]

Linh mục được mời gọi trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, đặt Chúa Kitô làm trọng tâm đời sống và sứ vụ của mình. Chúng ta sẽ nói tới đời sống và sứ vụ đó lần lượt theo các mẫu tự làm nên danh hiệu Chúa Kitô: C H R I S T[80] 

 

B.1.  C  Thập Giá (CROSS)   

 

Chức linh mục cắm rễ sâu nơi Thập Giá. Chúa Giêsu đã minh định rất rõ rằng chỉ có một con đường duy nhất để đi theo Ngài. Đó là con đường Thập Giá: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta.”[81] Không có con đường nào khác để bước theo Thầy. Tất cả những cái gọi là con đường tắt cuối cùng đều sẽ chẳng dẫn đến đâu cả, bởi vì người môn đệ đích thực phải là người bước đi trên con đường Thập Giá và theo Thầy cho đến đồi Canvê. Thập Giá gắn kết không rời với Chúa Giêsu, ngay cả sau khi Ngài sống lại vinh quang thì các dấu đinh từ cuộc khổ nạn của Ngài vẫn không bị xóa nhòa: “Tôma, hãy đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy, đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy.”[82] Do đó, linh mục không tránh né Thập Giá, cũng không được tìm cách che chắn Thập Giá: “Nếu Chúa Kitô mà chúng ta mường tượng không phải là ‘Chúa Kitô Khổ Nạn’, thì đấy là chúng ta đang mường tượng một ai đó khác, chứ không phải là Chúa Kitô thực”[83]

Thập giá có nghĩa là bỏ mình và trần trụi, thập giá gắn liền với hy sinh và giũ bỏ ý riêng, thập giá đòi phải chấp nhận Thánh Ý Chúa Cha dù phải trả bằng giá nào đi nữa, thập giá đòi phải sẵn sàng uống cạn chén đắng đến giọt cuối cùng, thập giá có nghĩa là vâng phục cho đến chết. Người linh mục không thể đi con đường nào khác hơn là con đường của Chúa Kitô, Đấng đã vâng phục cho đến chết trên Thập giá. 

Chúng ta dễ có nguy cơ nuôi dưỡng một ‘tinh thần hảo ngọt’ mà kết quả là tìm kiếm chính mình nơi Thiên Chúa, chứ không phải tìm kiếm Thiên Chúa nơi chính mình! Không được xem thập giá như một gánh nặng phải vác trong cuộc hành trình, mà đúng hơn phải xem đó là “một chiếc gậy giúp mình bước đi dễ dàng hơn và nhẹ nhàng hơn bội phần.”[84] Có những lúc thập giá như phủ trùm bóng tối trên chúng ta thì phải hiểu rằng đó là bóng bàn tay Chúa Giêsu ân cần đưa ra che chở chúng ta. 

Cám dỗ thường xuyên của con người là kiếm tìm một Chúa Giêsu không thập giá, là muốn một ‘thứ Kitô giáo’ dễ dãi nào đó, là khát khao một ‘thứ Tin Mừng’ không nhuốm nước mắt và đau khổ. Cũng giống như Phêrô, chúng ta muốn kéo Chúa Giêsu ra ngoài và can ngăn về chuyện Ngài tuyên bố quá rõ ràng về thập giá, về chuyện Ngài lên đường đi Giêrusalem. Và có lẽ chúng ta cũng đáng bị những lời quở trách “Satan, hãy xéo đi!” bởi vì chúng ta không ủng hộ ý muốn của Thiên Chúa mà đang ủng hộ ý muốn của loài người.[85]

Tin Mừng của Chúa Giêsu là một thứ Tin Mừng khổ lụy, không những phải được rao giảng mà còn phải được thực thi. Nếu chúng ta cố tìm một Chúa Giêsu không có thập giá, chúng ta sẽ gặp thập giá mà không có Chúa Giêsu! Thập giá là một trong những nghịch lý lạ lùng của Kitô giáo. Sự khôn ngoan và sức mạnh của thập giá chỉ được hiểu một khi ta đảm nhận nó và trực tiếp kinh nghiệm nó: Liều đánh mất mạng sống chính là để đạt được sự sống, đành chịu bất lực chính là để trở nên mạnh mẽ. Thập giá không phải là kết điểm của con đường, mà là cánh cổng dẫn vào sự sống: thất bại chuyển hóa thành chiến thắng, chính chỗ sự sống bị tước đoạt lại trở thành nơi sự sống được phục hồi. 

Giáo Hội không bao giờ che giấu thập giá, trái lại biểu dương và suy tôn thập giá: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, nó sẽ trổ sinh nhiều bông hạt.”[86] Đời sống linh mục càng cắm rễ sâu trong thập giá càng trổ sinh hoa trái nhiều hơn. Chính khi đi đến cùng con đường tự hủy, trút bỏ đến trở thành trống không, là lúc mà công cuộc của Chúa Giêsu đạt đến mức tuyệt đỉnh: cứu vớt chúng ta khỏi tội lỗi và giải hòa chúng ta với Thiên Chúa. Đời linh mục được sắc nét khi tựa vào thập giá, bởi vì chức linh mục thừa tác là chức phận của hy tế của Đấng “đã tự thể hiện mình là tư tế, là bàn thờ, và là con chiên bị sát tế” và nhờ “việc chấp nhận chết, Ngài đã tiêu diệt sự chết nơi chúng ta, và nhờ sống lại, Ngài đã phục hồi sự sống cho chúng ta.”[87]

Hằng ngày linh mục nhân danh Chúa Kitô cử hành Lễ Tạ Ơn là chính trung tâm cuộc sống và sứ vụ của mình, và trở thành chính điều mà mình cử hành, như nghi thức truyền chức căn dặn: “Con hãy nhận lấy lễ phẩm của dân thánh, hiểu biết những điều con làm… và hãy làm cho cuộc sống con nên tương hợp với mầu nhiệm thập giá của Chúa.”  Việc cử hành Thánh Thể là một sự lặp lại hy tế Canvê, thể hiện và đào sâu sự đồng hóa linh mục với Chúa Kitô trong hy tế thập giá, qua đó linh mục được thách đố trao ban chính thân thể mình, chính máu thịt mình. 

Nhiều người trong chúng ta cũng đã, hay sẽ trèo lên con đường dốc đứng đó, dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Con đường thập giá của Giáo Hội và của chúng ta vẫn kéo dài mãi. Những người bách hại còn đó hay đã qua đi, hoặc đã thay đổi, nhưng thập giá vẫn không thay đổi và vẫn còn đè nặng trên vai chúng ta. Ngày xưa ông Simon đã giúp Chúa Giêsu vác thập giá, thì ngày nay chính Chúa Giêsu chịu đóng đinh và sống lại đang giúp chúng ta vác thập giá của chúng ta. Đau khổ của chúng ta là đau khổ của Ngài, hy tế của chúng ta là hy tế của Ngài. Chúa Giêsu thấu hiểu những yếu đuối của chúng ta, những thất bại của chúng ta, những cảm giác ngã lòng, những lo sợ và cô đơn của chúng ta, vì chính Ngài cũng đã trải nghiệm những khó khăn này. Chúng ta trèo lên con đường thập giá đến tận đỉnh đồi Golgotha, đến tận một Chúa Kitô toàn thể, vừa với thập giá và mão gai trên đồi Golgotha, vừa với vinh quang trên núi Tabôrê và chiến thắng phục sinh vinh hiển. Sứ mạng linh mục của chúng ta là hướng dẫn những con người phải đau khổ vì đối nghịch và hận thù để họ không quay lưng lại với nhau, nhưng nhìn vào mắt nhau trong sự cảm thông tương hổ. 

Đường thập giá là trường dạy chúng ta sống. Chúa Giêsu ngã xuống rồi lại chỗi dậy. Ngài chịu đựng nỗi cô đơn. Ngài chịu hành hạ và lăng nhục, nhưng Ngài luôn tha thứ.  Đường thập giá cũng là trường dạy sống thánh theo gương Mẹ Maria. Mẹ bước đi theo Con Mẹ trong thinh lặng. Cái nhìn của hai Mẹ Con bắt gặp nhau; hai Mẹ Con nhìn nhau tận trong sâu thẳm tâm hồn. Mẹ và Con kết hiệp với nhau bởi tình yêu bao la, sâu thẳm và trong trắng. Tình yêu này sẽ làm thế giới thay đổi. Mẹ Maria đã theo Chúa Giêsu trên đường núi Sọ, xin Mẹ luôn đồng hành với chúng ta. Một người mẹ đã nói với con mình rằng: “Dù con lớn bao nhiêu tuổi, con vẫn là con của Mẹ; dù con có đi tới cùng trời cuối đất, thì lòng Mẹ vẫn hằng theo con.” Chớ gì chúng ta luôn cảm nhận sâu sắc Mẹ Maria luôn đồng hành với chúng ta, luôn đứng bên thập giá của chúng ta và che chở chúng ta. 

 

B.2.  H  Nhân Ái (HUMANITY)  

 

Khi đọc và suy gẫm Tin Mừng, chúng ta dễ có ấn tượng sâu đậm về lòng nhân ái của Chúa Giêsu. Ngài bồng ẵm các em bé vào lòng, chúc lành cho chúng, nhắc nhớ rằng Nuớc Thiên Chúa thuộc về những người giống như chúng.[88] Ngài có các bạn hữu ở Bêtania mà Ngài yêu mến và năng ghé thăm, Ngài có một tương giao thân tình nồng nhiệt với họ. Ngài đã cảm thương bạn hữu mình đến độ sa nước mắt, như điều đã xảy ra bên mồ Ladarô.[89] Ngài cũng nếm cảm nỗi đói khát, cô đơn và buồn sầu. Ngài là Thiên Chúa và là con người trọn vẹn, và thần tính của Ngài không hề làm nhân tính Ngài bị sút giảm đi chút nào. Lòng nhân ái của Chúa Kitô được nhìn thấy rõ rệt nhất nơi tấm lòng trắc ẩn của Ngài. 

“Trắc ẩn” không chỉ có nghĩa là thương hại người ta, mà đúng hơn, trắc ẩn là cảm nếm nỗi đau khổ nơi người ta, cùng chịu đau khổ với người ta. Chúa Giêsu đã cảm nhận cơn đói mệt của đám đông đi theo Ngài trong hoang địa.[90] Trái tim trắc ẩn của Ngài đã hoàn toàn đồng cảm với và mang lấy gánh buồn đau của người góa phụ đang khóc thuơng vì mất đứa con trai duy nhất của mình.[91] Người góa phụ này đã không xin Chúa Giêsu làm phép lạ. Chính Ngài quyết định làm thế. Phải chăng Ngài nhìn thấy trước nơi người góa phụ ấy hình ảnh chính Mẹ yêu dấu của Ngài, khi Mẹ sẽ đón nhận vào vòng tay mình tấm thi thể tan nát của chính Ngài sau này? Ngài cảm nhận được lòng thống hối của người đàn bà tội lỗi đang sa nước mắt rửa chân Ngài và lấy tóc nàng mà lau như dấu chứng của một trái tim chứa chan lòng mến. Lòng trắc ẩn của Ngài đã thúc đẩy Ngài đi đến gặp gỡ và ngay cả đụng chạm đến những người phung hủi mà xã hội liệt vào hạng ô uế và không thể đụng chạm đến được.[92]

Lòng nhân ái của Chúa Giêsu đã làm cho Ngài có thể đi vào trong mối quan hệ cá nhân với tất cả mọi người: những người đau ốm và những người khốn khổ, những người nghèo hèn và những người bị áp bức, những người tội lỗi và những người thánh thiện. Mặc dù tiếp xúc với đám đông quần chúng, Ngài vẫn không bao giờ quên các cá nhân và nhu cầu của họ. Ngài dừng lại với anh chàng ăn xin mù Bartimê.[93] Bị cả một đám đông chen lấn xô đẩy, nhưng Ngài vẫn cảm nhận được đức tin của người phụ nữ đang cố kín đáo chạm đến mép áo Ngài để được chữa lành chứng bệnh băng huyết của chị.[94] Ngài đã cảm kích bởi lòng quảng đại của bà góa nghèo dâng cúng hai đồng bạc, tức trọn số tiền mà bà đang có để sống, vào hòm tiền của Đền Thờ.[95]

Để nên giống Chúa Kitô, linh mục phải có lòng nhân ái và trắc ẩn như Ngài, phải biết cảm xúc với người ta, vì người ta, và trong người ta, nhất là những người đau khổ trong thân xác cũng như trong tâm hồn, phải cảm nhận “những vui mừng và hy vọng, những ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là những người nghèo và những người đau khổ…”[96] Linh mục không thể vô cảm, vô can, hay lãnh đạm đối với bao nỗi đau buồn và bao nỗ lực đấu tranh của những người mà mình có bổn phận phục vụ. Niềm vui và nỗi khổ của họ phải có một âm vang trong cõi lòng linh mục. Linh mục được gọi nên giống Chúa Kitô để trở thành người Samaritanô Nhân Hậu, bởi vì “dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu thuộc về Tin Mừng khổ lụy. Quả thật, dụ ngôn này vạch cho chúng ta thấy mối tương quan giữa chúng ta và những anh chị em đau khổ xung quanh đời mình phải như thế nào.”[97]

Nhờ cuộc sống độc thân, linh mục hoàn toàn có tự do để yêu thương, quan tâm và chăm sóc mọi người. Linh mục là của mọi người, bởi vì mọi người có quyền đòi hỏi linh mục không thuộc về riêng một ai cả: “Linh mục được mời gọi bắt chước gương Chúa Kitô và mang trọn tấm lòng đồng cảm của Ngài đến cho những người ốm đau tật nguyền… Linh mục không giống với Chúa Kitô ở chỗ linh mục không có quyền năng để chữa lành các anh chị em đau yếu, tuy nhiên, linh mục có thể đem lại cho họ sự an ủi về mặt luân lý và tâm linh, nâng đỡ họ trong cơn thử thách và ngay cả có thể giúp họ mau chóng bình phục hơn.”[98] Có thể linh mục không xóa tan được nỗi thống khổ của người ta, nhưng chính sự hiện diện của linh mục trong nỗi thống khổ của họ sẽ đem lại cho họ niềm hy vọng và sự chữa trị.

Linh mục không chỉ thực thi sứ vụ phục vụ những người bệnh tật và đau khổ, mà ngược lại linh mục đồng thời cũng nhận được sự nâng đỡ lớn lao từ nơi họ; linh mục không chỉ hướng dẫn và chăm sóc họ mà còn được họ chăm sóc và hướng dẫn: Sự hy sinh và kiên nhẫn chịu đựng của họ là một nguồn nghị lực nâng đỡ linh mục; sứ vụ đối với những người bệnh tật, đau khổ, nghèo túng… có sức khích lệ tinh thần linh mục và làm cho linh mục giàu tính người hơn và nên giống Chúa Kitô hơn.

 

B. 3.  R  Hòa Giải (RECONCILIATION) 

“Vì thế, từ đây chúng tôi không còn biết một ai theo quan điểm loài người. Và cho dù chúng tôi đã được biết Chúa Kitô theo quan điểm loài người, thì giờ đây chúng tôi không còn biết Người như vậy nữa. Cho nên, phàm ai ở trong Chúa Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi. Mọi sự ấy đều do bởi Thiên Chúa là Đấng đã nhờ Chúa Kitô mà cho chúng ta được hoà giải với Người, và trao cho chúng tôi chức vụ hoà giải. Thật vậy, trong Chúa Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hoà giải với Người. Người không còn chấp tội nhân loại nữa, và giao cho chúng tôi công bố lời hoà giải.”[99] Chúa Kitô đã đến để giải hòa con người với nhau và với Chúa Cha. Ngài là sự giao hòa và là sự bình an, vì trong Chúa Kitô, Thiên Chúa đã giao hòa thế gian với chính Ngài…”[100]

Tin Mừng cho thấy hình ảnh một Chúa Giêsu không ngừng tìm kiếm và cứu vớt những gì lạc mất, đến độ Ngài tự nguyện đến dùng bữa tại nhà Zakêu. Thật vậy, Ngài bị tiếng là thường giao du với những người tội lỗi và những người thu thuế.[101] Ngay cả trong cơn đau quằn quại trên Thập Giá, Ngài cũng đã giao hòa người trộm lành qua việc bảo đảm thiên đàng cho anh ta.[102] Ngài đã hàn gắn tất cả những gì đổ vỡ, qui tụ tất cả những gì tản mác, hiệp nhất những gì phân rẽ. Ngài đã chịu chết để thu họp tất cả các con cái Thiên Chúa đang tan tác khắp nơi.[103] Ngài đã mang lấy gánh nặng lỗi lầm của chúng ta và trở thành giống như chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi.[104] Là nhà hòa giải, Chúa Giêsu là Pontifex thượng đẳng, là nhịp cầu nối kết không chỉ các cá nhân đang chia rẽ nhau, mà nhất là hiệp nhất lại những gì đã phân rẽ ở bên trong mỗi con người.

Cái gì gây phân rẽ ở ngay bên trong mỗi người? Cái gì gây phân rẽ ở giữa người với nhau? Đó không phải là gì khác ngoài tội lỗi và sự dữ. Tội lỗi chia cắt và làm con người tan rã. Trong tội lỗi, người ta không chỉ đoạn tuyệt mình khỏi Thiên Chúa, mà còn đoạn tuyệt mình khỏi người khác, và còn đoạn tuyệt mình với chính mình nữa. Sự xung đột giữa người với người chỉ chấm dứt khi mà sự xung đột bên trong bản thân mỗi người chấm dứt. Từ kinh nghiệm bản thân, chúng ta biết rằng cõi lòng mình là một bãi chiến trường của những xung đột cam go này. Chúng ta muốn tránh sự dữ, thế nhưng chúng ta lại sa vào làm mồi cho sự dữ. Chúng ta muốn làm điều tốt, nhưng chúng ta lại bị kéo lôi bởi điều xấu. Quả thật chúng ta có thể thốt lên như Thánh Phaolô rằng “Khốn cho tôi! Ai sẽ kéo tôi ra khỏi tấm thân hay chết này? Xin tạ ơn Thiên Chúa nhờ Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta!”[105]

Linh mục vẫn thường nói về những cơ chế của tội lỗi trên thế giới, những cơ chế của bất công, của sự phân biệt đối xử… Nhưng những cơ chế ấy phát xuất từ đâu? Chúng ta dễ quên những cơ sở hạ tầng của tội lỗi bên trong chính mình. Những cơ chế bên ngoài của tội lỗi sẽ chỉ biến mất nếu những cơ chế tội lỗi đồn trú bên trong bản thân mỗi người bị giải thể. Có lẽ tội lớn nhất của thế giới chính là việc con người đánh mất cảm thức về tội lỗi. Đây là căn bệnh mà chúng ta cần được giúp đỡ chữa trị. Chúa Giêsu cung ứng cho chúng ta sự chữa trị đó khi Ngài giải hòa chúng ta với chính mình, với nhau, và với Thiên Chúa. Linh mục là thừa tác viên và là sứ giả của sự hòa giải này, để nối lại các nhịp cầu và kiến tạo hòa bình. Linh mục cũng cần biết nhìn nhận rằng trong sâu thẳm con người mình, linh mục vẫn mang những mầm mống của tội lỗi và ích kỷ, rằng linh mục cần được hòa giải ngay cả khi linh mục đem lại sự hòa giải cho người khác. 

Mẹ Giáo Hội cung cấp cho chúng ta một phương thế để đón nhận sự hòa giải và niềm bình an ấy, đó là Bí Tích Hòa Giải. Chúng ta phải nhìn nhận tội lỗi và sự dữ ở bên trong chúng ta và đặt mình qui phục lòng thương xót và sự thiện hảo của Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao Giáo Hội hết sức nhấn mạnh tầm quan trọng của Bí Tích Hòa Giải. Nhờ bí tích này, chúng ta nhận lãnh không chỉ sự thứ tha tội lỗi mà còn nhận lãnh sức mạnh của ơn Chúa để có thể phá tan những cơ chế tội lỗi bên trong chính mình. Linh mục không những phải thực thi vai trò thừa tác viên của Bí Tích Hòa Giải, mà còn phải là người ân cần và đều đặn lãnh nhận bí tích này, để chính linh mục trở nên chứng nhân của lòng thương xót mà Thiên Chúa dành cho tội nhân. Vì thế, chúng ta phải thành thật nhìn nhận thân phận tội lỗi của mình và mở lòng ra đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng luôn sẵn sàng tha thứ. Phải là một hối nhân mẫu mực thì mới có thể làm một cha giải tội mẫu mực được.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã trình bày một cách sắc bén trong Tông Huấn Hậu Thuợng Hội Đồng “Reconciliatio et Paenitentia” như sau: “Đời sống tu đức và mục vụ của linh mục muốn thực sự có chất lượng và sinh động, cần phải là một đời sống lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải thường xuyên và đầy ý thức. Việc cử hành Bí Tích Thánh Thể của linh mục và vai trò của ngài trong các bí tích khác, nhiệt tâm mục vụ của ngài, mối quan hệ của ngài đối với các tín hữu, mối hiệp thông của ngài đối với các anh em linh mục khác, sự cộng tác của ngài với Giám mục, đời sống cầu nguyện của ngài - nói tắt một lời: tất cả cuộc sống linh mục của ngài – sẽ lụn bại thảm khốc, nếu do cẩu thả hay do một lý do nào khác mà ngài không lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải một cách đều đặn với lòng tin và lòng sốt mến chân thành. Nếu một linh mục không còn bước đến tòa giải tội nữa hay không còn xưng thú tội lỗi của mình một cách nghiêm túc nữa, thì con người linh mục và sứ vụ linh mục của ngài chẳng mấy chốc sẽ gánh lấy hậu quả thê thảm, và hậu quả này sẽ tác động rõ ràng trên chính cộng đoàn mà ngài phụ trách.”[106]

 

B.4. Đời Sống Nội Tâm (INTERIORITY)

 

Các trình thuật Tin Mừng khắc họa Chúa Giêsu là con người cầu nguyện. Ngài là con người của đám đông, nhưng cũng là con người ‘lên núi’ nữa. Ngài gắn bó với dân chúng, nhưng cũng trải qua những khoảng thời gian một mình cầu nguyện lâu giờ và hiệp thông với Chúa Cha. Sự gắn bó của Ngài với dân chúng là một cái gì trào ra từ sự hiệp thông của Ngài với Chúa Cha. Và khi Ngài nhận thấy các tông đồ quá bận rộn đến đỗi thậm chí không có thời giờ để ăn uống, Ngài đã truyền cho các ông tách khỏi đám đông, lên thuyền và ra đi đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.[107]

Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ cầu nguyện bằng chính gương mẫu của Ngài. Trông thấy Ngài cầu nguyện, họ xin: “Thưa Thầy, xin Thầy dạy chúng con cầu nguyện.”[108] Ngài cầu nguyện khi Ngài được dân chúng nồng nhiệt ngưỡng mộ, như sau biến cố hóa bánh ra nhiều,[109] và khi Ngài vui mừng đón bảy mươi hai môn đệ trở về,[110] Ngài cầu nguyện khi Ngài buồn sầu và cô đơn ở vườn Giếtsêmani,[111] Ngài cầu nguyện trên Thập Giá tại đồi Canvê,[112] Ngài cầu nguyện cả khi Ngài trút hơi thở cuối cùng, phó thác chính mình trong tay Cha.[113]

Là linh mục giáo phận phải sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian, chúng ta phải vun xới đời sống nội tâm, vun xới một cuộc sống cầu nguyện, vun xới một khả năng chiêm niệm trong hành động: yêu mến cầu nguyện, dành ưu tiên cho giờ cầu nguyện hằng ngày, sắp xếp ngày sống sao cho có thể dành cho Chúa một thời gian chất luợng. Chính đời sống cầu nguyện sẽ làm cho linh mục luôn ở lại trong Chúa Giêsu như cành nho ở lại trong thân nho.[114] Sự ở lại này là bí quyết giúp cho linh mục sống một đời sống tâm linh sinh động và phong phú. Hơn nữa, sự ở lại này không bao giờ chấm dứt. Chính nhờ đời sống cầu nguyện này mà linh mục trở nên nhạy cảm hơn đối với Chúa Thánh Thần, trở nên ngoan ngoãn hơn trước những gợi ý và thúc đẩy của Ngài, đồng thời qui phục hoàn toàn con người mình theo Thánh Ý Thiên Chúa.    

Nhiều giáo dân ngày nay rất trông mong linh mục cung cấp cho họ sự hướng dẫn tinh thần, dẫn dắt họ bước đi trên nẻo đường của cầu nguyện và của Thánh Thần. Đây cũng là một nhu cầu mục vụ thiết yếu. Linh mục phải đáp ứng cơn đói khát thiêng liêng này của giáo dân, nếu không muốn họ bị kéo lôi đến một chỗ khác để kiếm tìm sự hướng dẫn: “Chỉ có người mục tử cầu nguyện mới có thể chỉ bảo cho người ta biết cách cầu nguyện, và mới có thể đem ơn Chúa xuống cho những người mà mình chịu trách nhiệm săn sóc mục vụ….. Chỉ có linh mục biết sống hằng ngày kinh nghiệm hoán cải và biết quan hệ thân mật với Chúa Kitô mới có thể thúc đẩy những bước tiến đáng kể trong công cuộc Phúc âm hóa đích thực và mới mẻ.”[115] “Linh mục không thể lãnh đạo và hướng dẫn người khác nếu chính bản thân linh mục lại xa lạ với những nẻo đường và những cách làm việc của Chúa Thánh Thần. Và nếu bản thân linh mục là người thiếu năng lực biện phân, thì ngài phá hỏng công cuộc của Chúa Thánh Thần nơi những tâm hồn mà linh mục dẫn dắt.”[116]

 

B.5.  S  Tinh Thần Phục Vụ (SERVANTHOOD) 

Linh mục không thể không khao khát nên giống Thầy mình, Đấng “đã đến không phải để được phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người.”[117] Ở Á Châu và nhất là tại Việt Nam, linh mục vẫn còn được dân chúng khá trọng vọng và vẫn còn có một số uy lực nào đó. Xã hội cũng thường dành cho linh mục một sự nể nang. Giáo dân nói chung thường cung phụng linh mục. Vì vậy, linh mục cần điều chỉnh và sửa đổi nhãn quan của mình trong khía cạnh này. Thánh Bộ Giáo Sĩ nhắc nhở: “Linh mục có một uy thế giữa các tín hữu, và tại vài nơi, linh mục còn có những thẩm quyền dân sự nữa. Tuy nhiên, linh mục cần ý thức rằng uy thế đó phải gắn liền với lòng khiêm nhường và phải được sử dụng đúng đắn để thúc đẩy công cuộc cứu rỗi các linh hồn, trong khi không ngừng xác tín rằng chính Chúa Kitô mới là thủ lĩnh đích thực của dân Thiên Chúa.”[118]

Giống Chúa Giêsu, linh mục là người chăn chiên tốt lành sẵn sàng thí mạng sống mình vì đàn chiên.[119] Và sau khi đã chu toàn tất cả những gì được kỳ vọng nơi mình, linh mục phải biết tự nhận chính mình như một “tôi tớ vô dụng” chỉ làm những gì có bổn phận phải làm.[120] Linh mục được trao tác vụ không phải cho chính bản thân linh mục, nhưng cho cộng đoàn tín hữu, nhất là linh mục giáo phận. Linh mục được trao tác vụ không phải để làm ông chủ sai khiến cộng đoàn, nhưng là để cống hiến cho cộng đoàn sự phục vụ vô vị lợi: “Tìm gặp Chúa Kitô nơi người khác… trong tình yêu ưu tiên đối với ‘người nghèo’, nơi họ, con mắt đức tin của chúng ta khám phá ra Chúa Giêsu và khám phá ra một tình yêu bao dung đối với tội nhân.”[121]

Tinh thần phục vụ của người tôi tớ sẽ làm cho linh mục biết vui tươi chấp nhận và dốc sức chu toàn những công việc bổn phận được trao cho mình, dù đó là những công việc vinh dự hay thấp hèn đến đâu đi nữa, dù đó là những công việc gắn liền với tên tuổi hay chỉ âm thầm trong bóng tối và không được ai biết đến mình. Tinh thần phục vụ của người tôi tớ sẽ cắt xén khỏi linh mục những dấu vết bội phản thuộc căn chứng sùng bái sự nghiệp phổ biến trong giới giáo sĩ trẻ ngày nay, một căn chứng có thể làm lệch lạc và thậm chí phá hỏng sứ vụ của mình: nhiều công trình giá trị của tiền nhân bị phá bỏ để xây dựng cái mới, có khi kém hơn, cả về chất lượng cả về giá trị văn hóa và mỹ thuật, chỉ vì muốn để lại dấu tích sự nghiệp của mình. Thật đáng tiếc! 

Tại một trong những học viện dành cho các sinh viên linh mục ở Rôma, chân dung của các cựu sinh viên đã trở thành Giám mục và Hồng y được treo nhan nhãn dọc các hành lang và cầu thang của tòa nhà. Gần đây, các vị hữu trách đã quyết định tháo gỡ các khung ảnh ấy, bởi vì theo báo cáo cho biết, nhiều linh mục sinh viên mới vào trường đã có cảm nghĩ mãnh liệt rằng mình cũng phải phấn đấu để đạt đến những “tầm cao” ấy! “Các sinh viên phải hiểu rõ rằng tiêu điểm phấn đấu cho cuộc sống mình không phải là đạt quyền cao chức trọng và thu vén danh dự, nhưng là tận hiến chính mình cho Thiên Chúa và cho sứ vụ mục vụ. Các sinh viên phải được đào tạo cách riêng về tinh thần vâng phục của linh mục, về tinh thần khó nghèo và từ bỏ, để họ có thể đảm nhận một cuộc sống theo khuôn mẫu của Chúa Kitô Khổ Nạn, để họ có thể sẵn sàng từ bỏ cả những gì mình đáng được hưởng, nhưng tự xét thấy là không phù hợp.” 

 

B. 6.  Thầy Dạy (TEACHER) 

  

Linh mục là Thầy dạy Lời Chúa, nhân danh Chúa Kitô và nhân danh Giáo Hội. Ngài sẽ không dạy những cao trào hay lý thuyết tạm bợ và chóng qua nào đó. Sứ mạng và sứ điệp là của Chúa Kitô, linh mục chỉ là sứ giả của Ngài. Giáo Hội đặt Lời cứu độ trên môi người rao giảng Tin Mừng, giải thích cho họ sứ điệp mà chính Giáo Hội là cơ quan gìn giữ. Giáo Hội trao cho họ bài sai mà chính Giáo Hội đã nhận lãnh từ Chúa Kitô. Linh mục sẽ không rao giảng về chính mình hay về những ý tưởng riêng của mình,[122] nhưng là rao giảng một Tin Mừng mà cả linh mục lẫn Giáo Hội đều không phải là chủ nhân tuyệt đối và do đó không thể uốn ép Tin Mừng ấy tùy theo ý muốn của mình, và phải chuyển giao Tin Mừng ấy một cách tuyệt đối trung thành.[123] Thật vậy, việc rao giảng Lời Chúa là bổn phận trọng yếu của linh mục. “Trong tư cách là những cộng tác viên của Giám mục, bổn phận đầu tiên của linh mục là rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa cho mọi người …[để có thể] xây dựng và phát triển Dân Thiên Chúa.”[124]

Nhưng muốn cho việc rao giảng này có tác dụng, thì nó phải đặt điểm tựa trên đời sống cầu nguyện, và linh mục tiên vàn phải là con người cầu nguyện trước khi là con người rao giảng: Phải nói với Chúa đã, rồi mới có thể nói về Chúa, vì không ai có thể cho cái mình không có. Linh mục không phải là chủ nhân, nhưng là tôi tớ của Lời Chúa, không đọc Lời cách máy móc nhưng là lắng nghe Lời. Thật vậy, “tâm nguyện, lắng nghe và đáp trả, là hình thức cao nhất của cuộc tương phùng giữa Lời Chúa và cuộc sống mỗi người.” Không thể phủ nhận sự kiện rằng “có một mối tương quan thiết yếu giữa đời sống cầu nguyện cá nhân và việc rao giảng… Việc rao giảng hữu hiệu là một hoa trái khác của việc cầu nguyện cá nhân.”[125]

Đức Thánh Cha Phaolô VI đã diễn tả một cách sắc bén như sau: “Con người thời nay thích lắng nghe các chứng nhân hơn là nghe những thầy dạy, và nếu họ lắng nghe những thầy dạy thì bởi vì những thầy dạy ấy là các chứng nhân.” Bộ Giáo dục Công giáo cũng khẳng định: “Nhà giáo dục sống đời sống đức tin sống động sẽ dạy bằng chính con người mình nhiều hơn là bằng những gì mình nói.” Quả đúng như Ca dao Việt Nam chúng ta dạy: “Lời nói lung lay, gương lành lôi kéo.”

Tóm lại, một khi đã có bản vẽ, đã có mô hình, đã có mẫu thiết kế, chúng ta sẽ bắt tay vào thực hiện công trình. Cầu mong mỗi người chúng ta đều cố gắng hình thành cho mình một mẫu linh mục thích hợp, và nỗ lực xây dựng đời sống ơn gọi của mình theo cái mẫu đó, trong sự cộng tác tích cực và hữu hiệu giữa được đào tạo và tự đào tạo, theo đường lối của Giáo Hội, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Với sức con người lắm khi rất khó, nhưng với Chúa thì mọi sự luôn đều là có thể.

_______

[79] Hb 5,7-9. 

[80] Viết theo bài thuyết trình của Đức Ông Alex Robello tại Hội nghị các Giám đốc và linh hướng chủng việc Á Châu ở Séoul, Nam Hàn, tháng 10/1999.

[81] Mt 16,24.  

[82] Ga 20, 24-29: “Tôma, hãy đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy.”

[83] Thư Luân Lưu về một số khía cạnh cấp bách của việc huấn luyện tu đức trong chủng viện, II,2. 

[84] Thánh Gioan Thánh Giá, Lên Đỉnh Các-men, quyển II, Ch.7, số 7.

[85] x. Mt 16,23.       [86] Ga 12,24.

[87] Kinh Nguyện Thánh Thể III.     [88] x. Mc 10,14.

[89] x. Ga 11,35.   [90] x. Mc 6,35.

[91] x. Lc 7,11.    [92] x. Mc 1,41. 

[93] x. Mc 10,46.     [94] x. Mc 5,30.    [95] x. Lc 21,2. 

 

[96] Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, số 1. 

[97] JP II, Tông Thư Salvifici Doloris, số 30. 

[98] JP II, Triều yếu ngày 14/8/1990. 

[99] 2 Cr 5,16-19.      [100] 2 Cr 5,19.

[101] x. Mt 11,19.   [102] x. Lc 23,43.  

[103] x. Ga 11,52.  [104] x. Dt 4,15.

[105] Rm 7,24.     [106] JP II, Reconciliatio et Penitentia, số 31.

 

[107] x. Mc 6,11.     [108] Lc 11,1.

[109] x. Mc 14,23    [110]  x. Lc 10,21

[111] x. Mc 14,32    [112] x. Mt 27,36

[113] x. Lc 23,46.    [114] x. Ga 1,:5.

[115] Thánh Bộ Giáo Sĩ, Linh Mục và Thiên Niên Kỷ Thứ Ba: Thầy Dạy Lời Chúa, Thừa Tác Viên Bí Tích và Người Lãnh Đạo Cộng Đoàn, Ch.3, số 2.

[116] Thánh Gioan Thánh Giá, Ngọn Lửa Sống của Tình Yêu, đoạn 3, 45. 

[117] Mt 10,28.

[118] Bộ Giáo sĩ, Linh Mục Và Thiên Niên Kỷ Thứ Ba…, ch.4, số 3. 

[119] x. Ga 10,11.    [120] x. Lc 17,10.

[121] x. Mt 25, 40; Pastores Dabo Vobis, số 49. 

[122] x. Tông huấn Verbum Doini số 59-60 về nội dung và phẩm chất của bài giảng.

 

[123] x. Phaolô VI, Evangelii Nuntiandi, số 15. 

[124] Optatam totius số 4.

[125] Thánh Bộ Giáo Sĩ, Linh Mục Và Thiên Niên Kỷ Thứ Ba…, Ch.2, số 1. 

 

VỀ MỤC LỤC
LOẠI BỎ BỆNH LAO TRONG ĐỜI MÌNH
 

Ngày 24 tháng Ba của mỗi năm đã được Cơ Quan Y tế Thế giới chọn là  “TB Day”.

Chủ đề năm 2012 của Tuberculosis  Day là “Stop TB in My Lifetime”. Vì bệnh Lao vẫn còn là một bệnh có sức tàn phá rất mạnh. Thống kê năm 2008 cho hay trên thế giới có trên 1.3 tỷ người bị nhiễm, 15 triệu người mang bệnh và số tử vong mỗi năm lên tới 2.5- 3 triệu.  

Tại Mỹ, bệnh lao đã giảm rất nhiều. Năm 2010 có 11,182 ca mà phần đông thấy ở di dân, người vô gia cư, người nghiện chích thuốc, bệnh nhân bị liệt kháng HIV.

Theo văn phòng Y Tế Thế Giới, tại Việt Nam, bệnh lao còn khá phổ biến và đứng hàng thứ 12 trong 22 nước có số bệnh nhân lao cao trên thế giới. Mỗi năm, Việt nam có khoảng 175,000 ca lao mới đủ loại trong đó  lao phổi dương tính với vi khuẩn Koch là 60,000. Tồng số bệnh nhân lao lưu hành lên tới trên 260,000 người. Tử vong hàng năm là 30,000, nghĩa là cứ 18 phút có một người chết vì lao.

Trong những năm gần đây, bệnh lao trở nên khó chữa vì sự xuất hiện của các vi khuẩn lao kháng thuốc.

Với “Stop TB in My Lifetime”, các tổ chức y tế trên toàn thế giới cổ võ mọi người từ trẻ tới già tự nguyện tìm mọi cách để loại bỏ bệnh lao. Vì Bệnh Lao có thể phòng ngừa và điều trị được. 

 Để thực hiện được hoài bão này, cần biết bệnh lao là gì và làm sao loại bỏ.

Xin cùng ôn lại mấy điều về bệnh Lao.

 

1- Nguyên nhân nào gây ra bệnh Lao?

Lao là một bệnh truyền nhiễm do trực khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra. Vi khuẩn được bác sĩ người Ðức Robert Koch (1843-1910) nhận diện vào năm 1882.

Vi khuẩn này rất hiếu khí, cho nên thường tấn công phần đỉnh của phổi, phần đầu và thân của xương. Gan, dạ dày, thực quản ít bị lao vì lượng dưỡng khí ở đây thấp.

 

2- Bệnh Lao Lan truyền như thế nào?

Lao lan truyền hầu như duy nhất qua không khí từ người bệnh sang người khác. Vi khuẩn lẫn vào không khí khi người bệnh ho, hắt hơi , cười nói to và sống được khoảng dăm giờ. Người kế cận hít vào và mang bệnh.

Sự truyền lan qua không khí chỉ xảy ra trong trường hợp lao ở phổi hoặc ở họng, chứ không xảy ra khi bị lao ở các nơi khác như thận, xương.

Bình thường cần có sự chung sống lâu với người lao chưa được điều trị mới mắc bệnh, chứ chỉ gặp gỡ thoảng qua một vài lần thì ít khi bị. Chẳng hạn như đi trên cùng chuyến xe bus mà người ngồi cạnh bị lao thì cũng không đủ thời gian để bệnh truyền sang.

Bệnh không lây lan khi sờ đụng vào nhau, dùng chung bát đĩa, phòng vệ sinh, phòng tắm.

 

3- Bệnh Lao còn nhiều không?

Theo cơ quan Y tế Thế giới thì 1/3 dân số trên trái đất bị bệnh lao, nhất là ở các quốc gia kém mở mang vì nghèo đói, ăn ở chật chội, kém vệ sinh công cộng, thiếu phương tiện phòng ngừa bệnh. Cũng theo cơ quan này, lao đứng hàng thứ nhì trong số các bệnh nhiễm với tử vong khoảng hai triệu trên thế giới.

Với sự di chuyển dễ dàng, di dân du lịch toàn cầu, mọi quốc gia đều có nhiểu khả năng tiếp nhận bệnh nhân lao, kể cả lao kháng thuốc.

 

4- Xin nói về triệu chứng của bệnh Lao

Người bị lao thường ho cả mấy tuần lễ, đôi khi đàm lẫn máu, đau ngực, khó thở. nóng sốt, đổ mồ hôi ban đêm, gầy ốm mất kí. Ho ra máu xảy ra khi có “lỗ” cavity ở phổi.

Khi có những dấu hiệu vừa kể, kéo dài vài tuần lễ mà không biết rõ nguyên do, đều cần đi bác sĩ để được khám nghiệm.

Riêng với trẻ em, các triệu chứng thường thấy gồm có ốm yếu, sút cân trong 2 tháng mà không biết rõ nguyên nhân, ho, thở khò khè, sốt vào ban chiều, đổ mồ hôi trộm.

 

5- Làm sao để tìm ra bệnh?

Định bệnh căn cứ vào các dấu hiệu bệnh lý, thử đàm tìm vi khuẩn lao, chụp quang tuyến phổi, làm phản ứng tuberculin, soi phế quản.

a- Xét nghiệm tìm trực khuẩn trong đàm rất chính xác để chẩn đoán lao phổi, nhất là sau khi nuôi cấy trong môi trường riêng. Thử nghiệm rẻ tiền, dễ thực hiện, thích hợp với các quốc gia đang phát triển.

b-Thử nghiệm nhiễm lao bằng tuberculin test chích dưới da với một chút chất đạm đặc biệt. Sau 48 giờ, chỗ chích hơi sưng đỏ là dấu hiệu nhiễm vi trùng lao, nhưng còn yếu không đủ gây bệnh.  

Thử nghiệm này do bác sĩ người Pháp Charles Mantoux khám phá, áp dụng vào năm 1910 và là thử nghiệm chính xác nhất hiện nay.

Những người sau đây cần thử Mantoux trên da:

- đã tiếp xúc thời gian lâu với người bệnh lao

- bị nhiễm HIV

- cho rằng mình đã bị bệnh lao

- sống ở quốc gia mà bệnh lao thường có, như Ðông Nam Á châu

- nghiện chích thuốc cấm. 

c- Thử máu Quanti FERON-TB để đo khả năng miễn dịch của cơ thể với trực khuẩn lao. Trong tương lại, thử nghiệm này có thể thay thế cho phản ứng da.

Hai thử nghiệm sau chỉ cho biết có bị nhiễm lao hay không chứ không cho biết có bệnh lao. Cần xác định bằng X-quang, thử nghiệm đàm. 

Cơ quan Y tế Thế giới đưa ra một hướng dẫn tìm bệnh lao như sau:

- Mọi người bị ho không lý do kéo dài 2-3 tuần lễ hoặc lâu hơn đều cần được khám nghiệm coi có bị bệnh lao hay không.

- Mọi bệnh nhân nghi ngở bị lao phổi cần được thử đàm ít nhất hai, hoặc tốt hơn, ba lần để coi có vi khuẩn lao. Nếu có thể được, nên lấy một mẫu đàm vào buổi sáng sớm.

-Mọi bệnh nhân có kết quả X-quang không bình thường đều cần được thử nghiệm đàm để kiếm vi khuẩn gây bệnh.

 

6- Cần phân biệt nhiễm lao với bệnh lao.

- Trong nhiễm lao (TB-infection), vi khuẩn nằm im không tăng trưởng vì bị hệ miễn dịch của cơ thể khống chế, không gây ra bệnh, không có dấu hiệu triệu chứng, X-quang phổi bình thường và không truyền lây bệnh được.Tuy nhiên, nhiễm có thể trở thành bệnh nếu cơ thể suy nhược, mắc HIV, nghiền chích thuốc cấm, sống gần gũi với người bị bệnh lao.

Người nhiễm lao cần phải uống thuốc isoniazid phòng tránh bệnh trong sáu tháng.

 - Bệnh lao (TB-Disease) là khi vi khuẩn đang hoạt động mạnh, tấn công mô bào các cơ quan, gây ra các triệu chứng dấu hiệu bệnh và có thể truyền vi khuẩn cho người khác.

 

7- Xin nói về cách điều trị bệnh Lao

Cách đây trên nửa thế kỷ, không có thuốc nào có thể trị dứt bệnh lao. Lao đã được liệt kê vào nhóm bốn nan bệnh trong nền y học cổ truyền dân tộc Việt Nam, Trung Hoa (Phong, Lao, Cổ, Lại. Tứ chứng nan y).

Nhưng kể từ năm 1950, nhiều thuốc trị lao rất công hiệu đã được khám phá, sản xuất. Có hai nhóm thuốc chữa lao:

Nhóm thiết yếu hàng đầu gồm có Isoniazid, Rifampin, Ethambutol, Pyrazinamide.

Nhóm hàng hai thứ yếu là streptomycin, ethionamid, prothionamid, PAS, cycloserin, kanamycin và capreomycin.           

Vì lao là bệnh có nhiều ở các quốc gia đang phát triển, sự điều trị không đồng nhất, nên cơ quan Y tế Thế giới đã có hướng dẫn chung như sau. Hướng dẫn này đã được nhiều tổ chức y tế tại các quốc gia ủng hộ:

- Mọi bệnh nhân, kể cả người bị nhiễm HIV, mà trước đây chưa nhận điều trị lao, đều nên dùng các thuốc hàng đầu đã được mọi người công nhận.

Giai đoạn đầu kéo dài hai tháng với isoniazid, rifampin, pyrazinamide và ethambutol.

Gian đoạn kế tiếp được ưa thích là bốn tháng với hai thuốc isoniazid và rifampicin. Có thể thay thế bằng isoniazid và ethambutol trong sáu tháng nếu người bệnh không tuân thủ điều trị, nhưng e rằng bệnh sẽ khó lành và nhiều nguy cơ tái phát có thể xảy ra, đặc biệt đối với người bị nhiễm HIV.

- Mọi bệnh nhân cần được theo dõi kết quả với thử đàm vào lúc kết thúc điều trị hai tháng của giai đoạn đầu, sau năm tháng và khi hoàn tất trị liệu. Bệnh nhân dương tính với thử đàm vào tháng thứ 5 đều bị coi như thất bại và cần được xem xét lại phương thức điều trị.

 - Bệnh nhân lao kháng thuốc cần được điều trị với bốn thuốc hàng hai trong thời gian ít nhất là 18 tháng.

Nói chung, người mắc bệnh lao phải uống thuốc trong thời gian lâu, ít nhất là sáu tháng. Sau hai tuần lễ uống thuốc, nguy cơ lan truyền bệnh đã giảm đi rất nhiều.

Nếu ngưng thuốc giữa chừng, bệnh tái phát và rất khó chữa. Điều quan trọng là phải uống thuốc cho tới khi bác sĩ thử nghiệm, chụp phim thấy hết bệnh chứ không phải là ngưng khi thấy trong người khỏe trở lại và lên cân. Nếu bị bệnh mà không chữa thì không những sẽ thiệt mạng mà còn rủi ro truyền bệnh cho người khác.

 

8- Có thể phòng ngừa bệnh Lao được không?

Phòng tránh lao tập trung vào các điều sau đây:

a- Loại trừ nguồn gốc gây ra lan truyền bệnh.

Bệnh nhân lao phổi và cuống họng cần được chẩn đoán càng sớm càng tốt, tạm thời để họ ở riêng và bắt đầu điều trị ngay bằng dược phẩm để tiêu diệt vi khuẩn gây lao.

Trong thời gian này, bệnh nhân không trở lại nơi làm việc hoặc trường học, tránh tiếp xúc với người lành, đặc biệt là trẻ em, người nhiễm HIV, không lai vãng nơi công cộng nhiều người tụ tập.

Thường thường, sau 2-3 tuần lễ uống thuốc đều đặn, thử nghiệm đàm âm tính thì khả năng lây truyền bệnh giảm.

b- Sớm khám phá ra bệnh.

Khi nghi có bệnh, cần đi bác sĩ để được khám nghiệm, thử đàm, chụp hình phổi, thử phản ứng tuberculin ngoài da và điều trị, nếu có bệnh.

c- Ðiều trị trường hợp nhiễm lao, phản ứng da dương tính và chưa có dấu hiệu bệnh.

d- Tạo sức đề kháng với vi khuẩn lao bằng vaccin BCG. Ðây là loại vi khuẩn lao sống nhưng đã giảm độc tính và hiện đang được dùng ở mọi nơi, đặc biệt là trẻ em tại các quốc gia đang phát triển, lao nhiều. Vaccin không ngửa bệnh lao nhưng tăng cường sức đề kháng của cơ thể với vi khuẩn lao.           

Nên nhớ là bệnh lao không di truyền, không gây ra do hút thuốc lá.

Bác sĩ Nguyễn Ý-Ðức

Texas-Hoa Kỳ.

www.bsnguyenyduc.com 

VỀ MỤC LỤC
THÔNG BÁO ĐÓN NHẬN TU SINH.

Đan Viện Thánh Mẫu Khiết Tâm Phước Lý

Vĩnh Thanh – Nhơn Trạch - Đồng Nai.

 

 Phước Lý ngày 6 tháng 06 năm 2012 

Đan Viện Thánh Mẫu Khiết Tâm Phước Lý là một dòng chuyên sống đời đan tu chiêm niệm, thuộc Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam, trân trọng thông báo đến quý cha và quý anh chị em, đặc biệt các bạn trẻ gần xa.

Điều kiện để gia nhập:

-         Thanh niên Công Giáo18 tuổi trở lên.

-         Tốt nghiệp phổ thông trung học, hoặc cao hơn.

-           Có nhân cách trưởng thành, phán đoán tốt, khả năng học hành và cộng tác.

-           Có ý ngay lành theo đuổi ơn gọi tận hiến.

Đan Viện sẽ đón nhận ứng sinh bắt đầu từ ngày 10/6 đến 15/08 năm 2012.

 

Hồ sơ gồm có

(phần hồ sơ này sẽ bổ sung sau khi ứng sinh đã đến tìm hiểu tại đan Viện và quyết định gia nhập):

1/ Thư giới thiệu của cha sở.

2/ Chứng chỉ  Rửa tội và Thêm sức.

3/ Bằng tốt nghiệp phổ thông (hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp).

4/ Sơ yếu lý lịch có xác nhận của xã / phường.

5/ Bản sao Chứng minh nhân dân, có công chứng.

6/ 3 tấm ảnh 4 x 6

 

Mọi chi tiết xin liên hệ Điện thoại:

0978088792.

0909737388.

01212062460

Xin chân thành cám ơn

 

Đan Viện Thánh Mẫu Khiết Tâm Phước Lý


VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quy vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Duoc chon giua loai nguoi va cho loai nguoi; GIAO SI: Xuat phat tu giao dan, hien dien vi giao dan va cay dua vao giao dan, de cung lam VINH DANH THIEN CHUA

*************